Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2020

Cần thêm 140 ngàn tỷ đồng cho kinh tế Việt Nam

Nguyễn Trí Hiếu

"Kinh tế Việt Nam cần thêm một gói ‘giải cứu’ mới tối thiểu 140 ngàn tỷ đồng"

GDP của Việt Nam trong Quý I/2020 được công bố tăng 3,82%, thấp nhất kể từ năm 2009. Song song đó, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 suốt 3 tháng đầu năm 2020.

kinhte1

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Courtesy : Facebook Hieu Tri Nguyen

Đài RFA thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, để tìm hiểu thêm về những tác hại nào đối với các doanh nghiệp và kinh tế của Việt Nam, cũng như những giải pháp hỗ trợ nào từ Chính Hà Nội trong tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn.

Trước hết, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trình bày ghi nhận của ông về nền kinh tế Việt Nam trong Quý I/2020 bị tác động ra sao bởi dịch Covid-19 :

Nguyễn Trí Hiếu : Trong Quý I năm 2020, nền kinh tế Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19 rất mạnh. Con số tăng trưởng GDP trong Quý I là 3,82%, giảm rất nhiều, khoảng phân nửa so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,79%.

Với sự tăng trưởng như thế thì rất nhiều ngành nghệ bị tác động. Trong đó có khu vực nông sản, lâm nghiệp, thủy sản. Ngay cả những ngành nghề trong khu vực công nghiệp và xây dựng cũng bị ảnh hưởng.

Riêng về xuất nhập khẩu trong Quý I/2020 cũng giảm so với năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong Quý I/2020 đạt 115 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong Quý I năm nay vẫn xuất siêu được 2,8 tỷ USD.

Tôi cũng nghĩ rằng có một sự sụt giảm trong đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/3 ; bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vố đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong Quý I/2020 ước tính đạt khoảng 3,9 tỷ USD, cũng giảm 6,6%.

Nói chung các hoạt động kinh tế trong Quý I/2020 giảm so với năm 2019. Chúng ta thấy rõ ràng là dịch bệnh Covid-19 đã tác động vào nền kinh tế. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong lúc những ngành nghề bị tác động rất mạnh như du lịch, vận tải, đặc biệt là hàng không thì cũng có những ngành nghề có sự phát triển ; chẳn hạn như thông tin truyền thông, bảo hiểm và y tế có sự tăng trưởng trong Quý I/2020.

RFA : Đài RFA ghi nhận một số vị chuyên gia kinh tế ở trong nước dự báo rằng GDP trong Quý II/2020 của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Quan điểm của ông thế nào, thưa Tiến sĩ ?

Nguyễn Trí Hiếu : Chúng ta biết rằng dịch bệnh hiện tại đang ở mức độ lan tỏa rất mạnh mẽ trên cả thế giới. Bây giờ chúng ta cũng chưa thấy có điểm dừng của dịch bệnh này. Thành ra trong tình hình như thế này thì có thể kinh tế thế giới và trong đó có kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động mạnh. Thế nhưng tôi đặt một giả thiết là nếu ở Việt Nam có thể giữ được không có người chết và kiểm soát được tình trạng lây lan trong Quý II thì nền kinh tế có khẳ năng sẽ phục hồi bắt đầu từ Quý III/2020. Còn ngược lại nếu mà tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam tệ hơn thì có lẽ đúng là có thể GDP của Việt Nam sẽ giảm và những khó khăn của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp, đặc biệt của người dân Việt Nam cũng sẽ chịu tác động rất mạnh.

RFA : Truyền thông Việt Nam đưa tin hiện đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường do dịch Covid-19 và số liệu này được ghi nhận tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2019. Hồi đầu trung tuần tháng 3, Chính phủ Việt Nam cam kết một gói 280 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo nhận định của ông thì gói hỗ trợ này có thể giúp cho các doanh nghiệp phần nào vượt qua được khó khăn hay không, đặc biệt đối với các doanh nghiệp không thể cầm cự hay tiếp tục hoạt động được nữa ?

Nguyễn Trí Hiếu : Đúng là trong Quý I/2020 có nhiều doanh nghiệp đã giải thể, ngưng hoạt động, phá sản và rời khỏi thị trường. Theo Cục Thống kê thì có 18.600 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngưng hoạt động trong 3 tháng vừa qua. Với mức độ như vậy thì dĩ nhiên Chính phủ đã đưa ra gói 280 nghìn tỷ, trong đó 30 nghìn tỷ thuộc về ngân sách nhà nước. Tức là, Chính phủ dùng 30 nghìn tỷ đó để giãn thuế, giảm thuế, miễn thuế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Còn gói 250 nghìn tỷ thì Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tham gia vào gói 250 nghìn tỷ này. Đây là gói mà các ngân hàng thương mại dùng để hỗ trợ doanh nghiệp cho vay mới, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp đang vay bằng cách giảm lãi suất, khoanh nợ, hoãn thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ.

Như chúng ta biết là có 5 nhóm nợ theo cách phân loại của Việt Nam. Nhóm 1 là nhóm bình thường. Nhóm 2 là nhóm dưới chuẩn. Ba nhóm còn lại : 3-4-5 là nợ xấu. Thế thì các doanh nghiệp nào thuộc trong nhóm 2-3-4-5 thì các doanh nghiệp đó rất khó có thể vay tiền của các ngân hàng được, thậm chí còn phải vay với lãi suất cao.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tạm khoanh nợ lại, không chuyển nhóm nợ cho một số những doanh nghiệp mà không có khả năng thanh toán và tất cả những biện pháp đó nằm trong gói 250 nghìn tỷ đồng.

Lưu ý đây là gói mà tự các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn của mình, do Ngân hàng Nhà nước chủ trì để hỗ trợ, chứ không phải là tiền của Chính phủ.

RFA : Theo Tiến sĩ thì đề xuất nào khác mà ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần thiết phải làm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nếu như đặt trong tình huống xấu nhất là dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và không kiểm soát được ?

Nguyễn Trí Hiếu : Đây là một vấn đề tôi nghĩ rằng không những tôi mà tất cả người dân, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế và các nhà làm chính sách ở Việt Nam đều quan tâm là gói hỗ trợ nào ?

Thế thì ngoài gói hỗ trợ 280 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã đưa ra và trong đó 250 nghìn tỷ thuộc về các ngân hàng thương mại, tôi nghĩ rằng Chính phủ phải ra tay cứu vớt nền kinh tế với một gói tương tự như các chính phủ nước khác ; tức là một gói từ ngân sách.

Như chúng ta biết hiện tại ở Mỹ có gói 2000 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP của Mỹ.

Tôi không dám mạnh dạn đề xuất Chính phủ Việt Nam có một gói hỗ trợ lên đến 10% GDP của Việt Nam.

Năm 2019, GDP của Việt Nam nếu tính theo cách cũ là 267 tỷ USD, và tính theo cách mới là 300 tỷ USD. Bây giờ chúng ta lấy con số 300 tỷ USD này làm cái mốc thì nếu10% sẽ lên đến 30 tỷ USD. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam không có tiền cho một gói hỗ trợ lên đến như thế. Nhưng mà có lẽ một gói hỗ trợ ít nhất cũng phải là 2% GDP. 2% của 300 tỷ USD thì vào khỏang 6 tỷ USD, tính ra xấp xỉ 140 nghìn đến 150 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ phải có một gói mới từ ngân sách 140 nghìn tỷ đồng tối thiểu để hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong đó dùng tiền để hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp.

Người dân là những người đã mất công ăn việc làm, những người không còn thu nhập cũng như những người nghèo thì Chính phủ đưa tiền đến tận tay họ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự hỗ trợ. Đặc biệt là các doanh nghiệp đang mất tính thanh khoản, tức là mất khả năng chi trả như trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp, trả tiền thuế phí khác, trả nợ ngân hàng, trả nợ cho đối tác…Tất cả những doanh nghiệp đang mất khả năng chi trả hoặc khả năng chi trả của họ giảm thiểu rất mạnh thì Chính phủ, trong trường hợp này, phải bơm một dòng tiền vào cho các doanh nghiệp đó ; bằng cách cho họ vay với những điều kiện thật dễ dãi cùng với thời gian ân hạn rất dài, có thể đến 1 năm mà không phải trả gốc lẫn lãi.

Việc đưa tiền cho các doanh nghiệp như thế có thể thông qua hệ thống ngân hàng, tức là hệ thống ngân hàng được ủy thác một số tiền của Chính phủ để có thể giúp các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ có một cơ chế gọi là ‘cấp quỹ bảo lãnh tín dụng’, giống như ở bên Mỹ có SDA. Hiện ở Việt Nam cũng đã có một ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’. Chính phủ đổ một lượng tiền vào trong các ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’ đó và các "Quỹ bảo lãnh tín dụng’ chuyển tới bảo lãnh các ngân hàng để các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 này.

RFA : Chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dành cho cuộc phỏng vấn với RFA.

Nguồn : RFA, 03/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trí Hiếu
Read 557 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)