Trọng Nghĩa, RFI, 29/03/2021
Trong một cuộc họp báo vào hôm 29/03/2021, chính quyền vùng Tân Cương đã tố cáo Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Canada là đã can dự vào những hoạt động "thao túng chính trị" để gây bất ổn cho Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Xu Guixiang, một phát ngôn viên của chính quyền vùng tự trị Tân Cương đã tuyên bố như trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc diệt chủng, cũng như phản đối các lệnh trừng phạt mà các chính phủ phương tây đã công bố liên quan đến những hành vi chà đạp nhân quyền nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở đây.
Ngoài việc liên tục bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và vi phạm nhân quyền trong khu vực, đại diện chính quyền Tân Cương còn tố cáo ngược lại các cường quốc phương Tây là có ý đồ chính trị để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.
Hoa Kỳ vào tháng Giêng đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ khu vực này do cáo buộc lao động cưỡng bức những người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc như vậy và nói rằng đó là các trại huấn nghệ để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Ngoài những cáo buộc kể trên, chính quyền Tân Cương hôm nay cũng đã cảnh cáo tập đoàn may mặc H&M của Thụy Điển và các công ty nước ngoài khác là không nên có hành động hấp tấp hoặc xen vào chính trị sau khi các công ty này nêu quan ngại về tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương, gây ra phản ứng dữ dội và tẩy chay trên mạng ở Trung Quốc.
H&M, Burberry, Nike và Adidas và các thương hiệu phương Tây khác đã bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay kể từ tuần trước vì những bình luận về nguồn cung cấp bông của họ ở Tân Cương. Tình hình ngày càng nghiêm trọng sau khi Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác gia tăng áp lực lên Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.
Cư dân mạng Trung Quốc từ tuần trước đã bắt đầu một phong trào tẩy chay tất cả các thương hiệu hàng may mặc phương Tây đã từng tuyên bố không mua bông từ Tân Cương với lý do là đã được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Washington hôm thứ Sáu vừa qua đã lên án cái mà họ gọi là một chiến dịch truyền thông xã hội "do nhà nước lãnh đạo" ở Trung Quốc chống lại các công ty Hoa Kỳ và quốc tế khác vì cam kết không sử dụng bông từ Tân Cương.
Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết Liên Hiệp Quốc đã tiến hành "các cuộc đàm phán nghiêm túc" với Trung Quốc để cử đại diện tới Tân Cương, nơi người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của chính sách đàn áp bị phương Tây lên án,
Trong một cuộc phỏng vấn do kênh CBC của Canada phát sóng hôm 28/03, ông Guterres cho biết "Các cuộc đàm phán nghiêm túc hiện đang được tiến hành giữa văn phòng Cao Ủy (Nhân Quyền) và chính quyền Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
*********************
Mai Vân, RFI, 29/03/2021
Bị phương Tây, cụ thể là Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Mỹ và Canada, trừng phạt về tội đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc đã lập tức trả đũa. Tuy nhiên, các biện pháp mà Bắc Kinh áp dụng đi xa hơn là những quyết định "ăn miếng trả miếng" đơn thuần về mặt ngoại giao, mà còn nhắm mục tiêu "bịt miệng" những người phê phán Trung Quốc dữ dội nhất. Bên cạnh đó vũ khí tẩy chay thương mại cũng được tung ra đồng thời để tăng cường áp lực.
Cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trên vấn đề người Duy Ngô Nhĩ bùng lên ngày 22/03/2021 khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) công bố quyết định trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc vì các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, liên quan đến các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.
Trong số các cá nhân bị trừng phạt, nổi bật nhất là ông Trần Minh Quốc (Chen Ming Guo), giám đốc Công An Tân Cương. Thực thể Trung Quốc bị trừng phạt là Binh Đoàn Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương (XPCC) - một tổ chức kinh tế và bán quân sự trong vùng. Ngoài Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada cũng gần như cùng lúc loan báo các quyết định trừng phạt của mình
Bắc Kinh đã lập tức quyết định đáp trả các động thái của phương Tây. Ngay hôm 22/03, Trung Quốc công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính khách và học giả), trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể mà theo Bắc Kinh đã "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc" liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Sau đó đến ngày 26/03, Bắc Kinh thông báo tiếp lệnh trừng phạt nhằm vào 4 thực thể và 9 công dân Anh, trong đó có cả các nhà lập pháp, luật sư và doanh nhân mà họ cho là "nói dối và gieo rắc thông tin sai lệch" về những hành động của Trung Quốc ở Tân Cương. Trong số này, có cựu lãnh đạo đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith và Ủy Ban Nhân Quyền đảng Bảo Thủ Anh Quốc.
Và đến hôm 27/03 vừa qua, 3 cá nhân và một tổ chức của Mỹ và Canada đã trở thành đối tượng mới nhất bị Bắc Kinh trừng phạt. Bị Trung Quốc nhắm tới là chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo QuốccTế Mỹ (USCIRF) Gayle Manchin cùng với ông Tony Perkins, phó chủ tịch. Đối với Canada, người bị Bắc Kinh tấn công là dân biểu Michael Chong và Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Tế thuộc Hạ Viện Canada.
Đối với giới phân tích, có một khác biệt rõ nét trong cách trừng phạt của phương Tây và trả đũa của Trung Quốc. Theo báo Le Monde ngày 26/03, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Vương Quốc Anh và Canada đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nhà lãnh đạo trong quá khứ hoặc hiện tại của vùng Tân Cương, trong khi Trung Quốc lại nhắm vào các học giả hay chính khách đã vạch trần chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Đối với Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn, Trung Quốc xử phạt trước tiên mười nhân vật Châu Âu, bao gồm năm nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu. Tất cả đều bị cáo buộc "truyền bá lời nói dối" dựa trên các nghiên cứu mà Trung Quốc cho là thiên vị. Tất cả đều là những người tích cực đấu tranh cho người Duy Ngô Nhĩ.
Hai nhân vật tiêu biểu mà Bắc Kinh muốn bịt miệng là học giả người Đức Andrien Zenz, tác giả nhiều công trình tố cáo các hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương, và nghị sĩ Châu Âu người Pháp Raphaël Glucksmann, đã không ngừng lên án chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh.
Ý đồ bịt miệng những tiếng nói đanh thép nhất vạch trần các hành vi của Trung Quốc cũng được thấy trong việc Bắc Kinh đã mở rộng các biện pháp trừng phạt sang 9 người Anh, bao gồm cả các nghị sĩ cấp cao, cũng như 4 thực thể, trong đó có Ủy Ban Nhân Quyền của đảng Bảo Thủ của thủ tướng Boris Johnson, cũng như cựu lãnh đạo của đảng này, Iain Duncan Smith.
Thủ tướng Anh đã vạch trần ý đồ này của Trung Quốc khi nói rằng những người Anh bị nhắm trong các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đóng một "vai trò quan trọng" trong việc tố cáo "những vi phạm thô bỉ" đối với nhân quyền.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc phương Tây là nguồn gốc của các hành động thù địch. Bà nói, Trung Quốc chỉ có thể "đối phó với họ theo cách mà họ hiểu và ghi nhớ".
Ngoài các biện pháp trả đũa nhắm vào các học giả và chính khách Âu Mỹ có lập trường phê phán Trung Quốc, Bắc Kinh lần này không ngần ngại bật đèn xanh cho chiến dịch tẩy chay các thương hiệu đã đáp ứng lời kêu gọi tẩy chay bông vải sản xuất bằng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.
Mỹ là nước nhạy bén nhất trong việc tố cáo chiến dịch tẩy chay mà Trung Quốc khởi động. Ngay khi nắm được thông tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter tuyên bố: "Hoa Kỳ lên án chiến dịch do Nhà nước Trung Quốc tiến hành trên các mạng xã hội, và việc tẩy chay các công ty và người tiêu dùng nhắm vào các doanh nghiệp, đặc biệt là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, vì đã quyết định không sử dụng bông từ Tân Cương, sản phẩm của lao động cưỡng bức", Washington như thế "ủng hộ" các doanh nghiệp trên.
Theo các nghiên cứu do các trung tâm tham vấn của Mỹ và Úc công bố, nhưng bị Bắc Kinh bác bỏ, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các "trại" ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, và một số bị "lao động cưỡng bức", đặc biệt là trên các cánh đồng bông. Washington cho rằng việc đàn áp thiểu số Hồi Giáo này cấu thành "tội ác diệt chủng". Một số công ty hàng may mặc sẵn như H&M của Thụy Điển, hay Uniqlo của Nhật Bản, hiệu giầy Nike của Mỹ, Adidas của Đức đã cam kết vào năm ngoái sẽ tẩy chay vải bông từ Tân Cương - khu vực chiếm gần 1/5 sản lượng toàn cầu và cung cấp cho nhiều đại gia quần áo.
Phong trào tẩy chay sản phẩm các công ty này đã bùng lên trong những ngày qua, mà bị nặng nhất là hãng H&M của Thụy Điển, đã chứng kiến sản phẩm của họ bị rút khỏi các trang bán hàng trực tuyến chính của Trung Quốc vào hôm thứ Tư, 24/03. Qua thứ Sáu, thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã ủng hộ doanh hiệu số hai thế giới về quần áo, thực hiện hơn 5% doanh thu tại Trung Quốc. Ông nói : "Rất tốt khi các công ty chịu trách nhiệm về điều kiện làm việc của nhân viên trên toàn thế giới".
Tình hinh căng thẳng thêm với sự kiện một số diễn viên và ca sĩ Trung Quốc loan báo rằng họ sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Nike, Adidas, Uniqlo, Converse hoặc thậm chí là Calvin Klein, mà họ là đại sứ. Nạn nhân mới nhất là Hugo Boss và Burberry.
Dù chính quyền Trung Quốc không đích thân lên tiếng, nhưng một dấu hiệu cho thấy rõ sự can thiệp của chính quyền khi chính Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc đã phát động các hành động tẩy chay.
Mai Vân
*********************
Thụy My, RFI, 28/03/2021
Bắc Kinh hôm 27/03/2021 thông báo trừng phạt một số nhân vật và định chế Mỹ và Canada, để trả đũa việc các nước này áp đặt nhiều biện pháp cấm đoán vào đầu tuần do Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Biện pháp của Bắc Kinh nhắm vào hai thành viên ủy ban Mỹ về tự do tín ngưỡng quốc tế, Gayle Manchin và Tony Perkins, cùng với dân biểu Canada Michael Chong và một ủy ban Quốc hội Canada về nhân quyền. Tất cả bị cấm nhập cảnh vào Hoa Lục, Hồng Kông, Macao, và không được giao dịch làm ăn với công dân cũng như các định chế Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Kỳ và Canada trừng phạt "trên cơ sở tin đồn và thông tin bị bóp méo". Các nhân vật bị Bắc Kinh cấm vận "phải chấm dứt xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, nếu không họ sẽ phải hối hận".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tố cáo động thái trên, và khẳng định "âm mưu của Bắc Kinh đe dọa và bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản chỉ làm quốc tế càng chú ý đến nạn diệt chủng và các tội ác chống nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương".
Về phía thủ tướng Canada, Justin Trudeau tuyên bố ủng hộ các dân biểu trước "các biện pháp không thể chấp nhận được" của Bắc Kinh, và tiếp tục bảo vệ các quyền của họ.
Dân biểu Michael Chong phản ứng trên Twitter, khẳng định coi việc Bắc Kinh trừng phạt là một sự "tưởng thưởng". Ông viết : "Chúng ta có bổn phận buộc Trung Quốc phải trả giá vì đã đàn áp Hồng Kông và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Được sống tự do trong các chế độ dân chủ, dưới Nhà nước pháp quyền, chúng ta phải là tiếng nói của những người bị bịt miệng".
Hôm thứ Hai 22/03, Hoa Kỳ, Canada cùng với Liên Hiệp Châu Âu và Anh quốc đã cùng phối hợp trừng phạt các quan chức Tân Cương vì đã cưỡng bức cải tạo cả triệu người Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc ngay sau đó đã trả đũa bằng cách trừng phạt một số nhân vật Châu Âu và Anh, nay đến lượt Hoa Kỳ và Canada.
Thụy My
*********************
Trung Quốc chế tài các cơ quan của Mỹ, Canada về vấn đề Tân Cương
VOA, 27/03/2021
Trung Quốc ngày thứ Bảy áp đặt các chế tài lên hai quan chức đặc trách quyền tôn giáo của Mỹ và một nhà lập pháp Canada để đáp trả các chế tài của Mỹ và Canada về Tân Cương.
Bắc Kinh đang phản pháo các chế tài mà Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada áp đặt vì điều mà họ nói là những vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo Uighur và các dân tộc thiểu số người Turk khác ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này sẽ có các biện pháp nhắm vào bà Gayle Manchin và ông Tony Perkins, chủ tịch và phó chủ tịch của Ủy hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), một cơ quan cố vấn của chính phủ Mỹ.
Trung Quốc cũng trừng phạt thành viên nghị viện Canada Michael Chong, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế (FAAE) của nghị viện, cũng như Tiểu ban về Nhân quyền Quốc tế của FAAE. Tháng này tiểu ban đã trình bày mộtbáo cáo kết luận những hành động tàn bạo được thực hiện ở Tân Cương cấu thành tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng.
"Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích an ninh và phát triển của mình, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hiểu rõ tình hình và khắc phục sai lầm của họ," bộ nói.
"Họ phải ngừng thao túng chính trị đối với các vấn đề liên quan đến Tân Cương, ngừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc dưới mọi hình thức và kiềm chế không đi xa hơn vào con đường sai trái. Nếu không họ sẽ bị bỏng tay".
Bộ cho biết các cá nhân này bị cấm nhập cảnh Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau, đồng thời các công dân và tổ chức Trung Quốc bị cấm giao dịch với các cá nhân này hoặc có bất kì trao đổi nào với tiểu ban.
Các chế tài trước đây của Trung Quốc nhắm vào các cá nhân của Mỹ, những người mà họ nói đã làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc về vấn đề liên quan đến Tân Cương, vẫn có hiệu lực, theo thông cáo.
Các nhà hoạt động và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói ít nhất một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc xâm hại và nói rằng các trại này đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Đại dịch Covid mịt mù chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, Brexit vẫn bế tắc, Joe Biden đã được cử tri đoàn xác nhận chiến thắng nhưng Donald Trump vẫn không chịu thua, nhiều cơ quan Mỹ bị tin tặc Nga tấn công nhưng Moskva vẫn phủ nhận. Đó là những chủ đề chung của báo Pháp hôm nay. Libération dành sáu trang cho bản báo cáo về tình trạng nô lệ mới tại Trung Quốc mà nạn nhân là hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ lao động ở các đồn điền trồng bông vải.
Độc giả của Libération được nhật báo thiên tả mời sang Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bách lao động trong những cánh đồng bông vải của Trung Quốc, để Bắc Kinh đạt chỉ tiêu bành trướng công nghiệp.
Sau khi đã tố giác các nhà tù khổng lồ, chiến lược chia cắt gia đình, chiến dịch triệt sản ở Tân Cương, Libération và hai đồng nghiệp BBC và báo Đức Suddeutsche Zeitung tiếp tục công việc làm sáng tỏ thân phận của các sắc dân theo đạo Hổi nằm trong vòng kềm tỏa của chế độ độc tài Trung Quốc. Dựa trên tài liệu chính thức, nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz thu thập chứng cớ Bắc Kinh cung cấp cho các công ty trồng bông vải hàng trăm ngàn nhân công ngoan ngoãn, bị nhồi sọ chính trị, "giải phóng tư tưởng" và tình trạng cưỡng bách bắt đầu ngay trong công đoạn hái bông vải.
Lấy cớ "chống nghèo khó và cải tạo chính trị bằng lao động", công việc được tổ chức theo mô hình ba bậc từ trên xuống dưới : công ty trồng bông vải nộp cho chính quyền nhu cầu nhân công và trình độ tay nghề cho mùa sắp đến. Sau khi đào tạo "theo yêu cầu", nhân công được giao từng lô cho chủ đồn điền đúng ngày giao hẹn từ khắp lãnh thổ Tân Cương. Cụ thể là hai quận Aksu và Hotan, ngày 08/10/2018, đã giao cho các đồn điền do tỉnh bộ Đảng cộng sản ở Tân Cương quản lý 210.000 nhân công. Trong lúc vận chuyển và trong suốt thời gian hái bông vải, nhân công luôn bị kiểm soát và học tập "lòng biết ơn đối với Đảng".
Libération đặt câu hỏi với Habibula Mohamet, 34 tuổi, một người Duy Ngô Nhĩ, chủ nhân một công ty dệt ở Tân Cương, tị nạn từ năm 2017 tại Istanbul, sau khi nhiều người Hồi giáo đi ra nước ngoài trở về thì bị bắt. Người chị, Patigul 42 tuổi ở lại Urumqi đột nhiên mất tích 7 tháng và sau đó báo tin là "được cải tạo, được dạy nghề mới". Tháng 9/2019, người quen gặp Patigul làm việc trong một nhà máy.
Làm sao biết chắc là chị của ông bị ép buộc ? Habidula giải thích : Chị tôi có bằng Tú tài, thông thạo Hoa ngữ, thích học hỏi, không thích làm lao động chân tay, không thích may vá. Nếu muốn, chị có thể làm việc trong hãng của tôi. Chồng của chị là chủ nhân một công ty điện chuyên môn có hợp đồng lớn với các cơ sở thương mại, cả hai đều giàu, có nhà cửa riêng, tại sao phải bỏ chồng bỏ con đi làm nhân công dây chuyền một hãng dệt với đồng lương rẻ mạt ?
Bên cạnh điều tra của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, khắc tinh của Trung Quốc mà Libération dành một trang giới thiệu chân dung, nhật báo thiên tả tìm hiểu thêm về ngành kỹ nghệ may mặc sử dụng sản phẩm "cưỡng bách lao động" và do đâu mà Bắc Kinh có thể tự tung tự tác.
Cách làm ăn theo lối độc tài này đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế và vi phạm nhân quyền. Thứ Năm tuần này, Nghị Viện Châu Âu sẽ ra nghị quyết tố cáo.
Thế nhưng chính quyền Trung Quốc, với sức mạnh và trọng lượng kinh tế có thể tiếp tục khai thác thái độ im lặng, mâu thuẫn của các nước phương Tây, có thể lợi dụng thái độ "đà điểu" của các công ty may mặc ham hàng giá rẻ và thái độ mặc kệ của người tiêu dùng.
Trong bài "Vải làm do cưỡng bách", Libération tỏ hy vọng vào giải pháp "không mua vải của Trung Quốc nữa, thay thế bằng các nguồn của Ấn Độ và Brazil". Tổ chức công nghiệp Better Cotton Initiative cam kết không nhập hàng Tân Cương. Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, theo thủ tục khẩn cấp lật ngược thế trận : Chính các xí nghiệp phải chứng minh là hàng của họ không do lao động cưỡng bách làm ra.
Điều làm Luân Đôn lo sợ nhất là nếu không thỏa thuận, Anh Quốc sẽ trả cái giá kinh tế và hệ quả xáo trộn rất nặng nề, tựa của Le Monde. Nhật báo công giáo La Croix "tình cảm hơn" : Đây người Anh nói với người Pháp, những lo âu và hy vọng trước tương lai.
Với chủ đề Covid, Le Figaro bi quan : từ phong tỏa đến giới nghiêm, hết thử thách này đến thử thách khác, tâm trạng chán chường của người dân Pháp cộng với hệ quả khủng hoảng kinh tế làm chính phủ lo ngại. Trang lịch sử, nhật báo thiên hữu đưa độc giả đến biệt thự của Stalin nơi nhà độc tài Liên xô dùng bữa ăn tối cuối cùng với bốn ủy viên Bộ Chính trị, trước khi qua đời một cách bí ẩn.
Bên cạnh thời sự nhiều bất trắc, trang nhất các báo đều dành một chổ trân trọng để vĩnh biệt nhà văn tiểu thuyết gián điệp Anh, nguyên là điệp viên của cơ quan tình báo MI6, vừa từ trần ở tuổi 89 : John Le Carré (bút hiệu).
Trở lại hồ sơ Brexit, bài xã luận "Nghị lực thầm lặng" của Liên Âu, Le Monde nêu lên những thủ đoạn chính trị của thủ tướng Anh và thái độ trầm tĩnh của Châu Âu trong nỗ lực sau cùng để tránh "No Deal".
Hôm Chủ nhật, thay vì loan báo đàm phán thất bại, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định thương lượng tiếp sau 9 tháng sóng gió.
Liệu Boris Johnson có sẵn sàng tặng cho nước của ông một cú "sốc" kinh khủng nếu Liên Hiệp Châu Âu thiết lập lại hàng rào thuế quan ? Thủ tướng Anh đã lừa dối dân Anh khi cho rằng ông có thể lấy lại chủ quyền cho nước Anh và cũng được Liên Hiệp Châu Âu mở rộng cửa nhập khẩu hàng Anh.
Liên Hiệp Châu Âu, theo Le Monde, sẽ tiếp tục bảo vệ thị trường chung 27 nước, nền tảng sức mạnh tập thể, một điều kiện không khoan nhượng trong thỏa hiệp nếu có.
Thái độ trầm tĩnh, nghị lực thầm lặng này xuất phát từ một đức tính tuyệt đỉnh : đó là tinh thần đoàn kết. Bởi vì "No Deal" sẽ không tuyệt vời như Boris Johnson khẳng định mà sẽ là một thất bại kinh khủng cho cả hai bên.
Les Echos dự đoán là Luân Đôn và Bruxelles sẽ đàm phán đến phút chót để tránh "No Deal" bởi vì cái giá Anh Quốc phải trả rất nặng, Châu Âu có thể nhẹ hơn nhưng "Deal vẫn tốt hơn No Deal" về lâu về dài.
La Croix, trong bài xã luận "Chúng ta là láng giềng mãi mãi" cũng hy vọng là thái độ diễu võ dương oai sẽ lắng xuống. Biển Manche (tiếng Anh là Chanel) là sân cỏ nằm giữa hai gia đình hàng xóm với nhau. Lắm khi sân vườn đó gây tranh luận. Biển Manche là nơi hai dân tộc láng giềng quan sát nhau, so sánh nhau. Do vậy, Brexit chỉ là một giai đoạn lệch tâm và cũng là tấm gương phản chiếu những căng thẳng đang làm chấn động nước Pháp.
Báo chí Pháp không trả lời câu hỏi hóc búa này nhưng điều chắc chắn là không thể trở lại những ngày tự do êm ả, họp mặt vô tư như trước. Libération và Le Figaro đồng điệu.
Nhật báo thiên tả dành cho nhà kinh tế Benjamin Coriat một bài phỏng vấn dài mà ý chính là "Chúng ta đã bước vào một thời đại mà dịch bệnh và thiên tai xảy ra liên tục". Giải pháp cứu nguy duy nhất là cố gắng bảo vệ tài sản chung của nhân loại từ môi trường thiên nhiên cho đến xã hội.
Còn Le Figaro, trong bài xã luận "Như hôm qua", ước mong sớm trở lại thời tự do đầy đủ. Nhưng đại dịch không cho phép chúng ta sống như ngày hôm qua. Nhưng đối với những người yêu chuộng tự do, ngay từ bây giờ phải giám sát kỹ đừng để cho cho những chủ trương kiểm soát hành chánh tối đa hay vệ sinh tối đa của một số nhà kỹ trị và khoa học tồn tại sau đại dịch.
Trong mùa Giáng Sinh trước mắt, nhật báo thiên hữu buông xuôi : Giới nghiêm đẩy lùi hy vọng tìm lại cuộc sống như trước đây.
Thời sự Mỹ nổi bật với sự kiện được dự báo là Đại cử tri Đoàn xác nhận Joe Biden đắc cử tổng thống. Chuyện thứ hai là nhiều cơ quan Mỹ bị tin tặc tấn công.
Le Monde và Le Figaro lược thuật những gì xảy ra cho Bộ Tài chính và Thương Mại Mỹ. Thủ phạm là APT 29, một nhóm tin tặc có quan hệ với chính quyền Nga. Tuy nhiên, đúng như dự báo, phát ngôn viên điện Kremlin phủ nhận ngay : Chúng tôi không bao giờ tấn công trên mạng.
Tú Anh
Tình bạn" Trump, Tập đổ vỡ – Mỹ chỉ thẳng Trung Quốc diệt chủng
Trung Kiên, Thoibao.de, 19/10/2020
Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Viện Aspen tổ chức vào ngày 16/10 mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien nói Trung Quốc đang thực hiện "điều gì đó gần" như diệt chủng khi đề cập đến cách đối xử của nước này với người Hồi giáo trong vùng Tân Cương.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien
Ông Robert O’Brien phát biểu : "Nếu không phải là diệt chủng thì là điều gì đó gần như vậy ở Tân Cương".
Từ vài năm nay, Mỹ đã lên án cách thức Trung Quốc đối đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ còn tiến tới những hành động để gây áp lực với Trung Quốc trên hồ sơ Tân Cương vốn rất nhạy cảm này. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa gọi các hành động của Bắc Kinh là diệt chủng, một sự định danh mang ý nghĩa pháp lý quan trọng và buộc Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết vào tháng trước rằng Washington đang cân nhắc ngôn từ mà họ sẽ sử dụng để mô tả những gì đang xảy ra trong khu vực nhưng nói thêm : "Khi Hoa Kỳ nói về tội ác chống nhân loại hoặc diệt chủng … chúng tôi phải rất cẩn trọng và rất chính xác bởi vì nó hàm ý rất nghiêm trọng".
Ông O’Brien còn đề cập đến việc hải quan Mỹ thu giữ "số lượng rất lớn" các sản phẩm tóc làm bằng tóc người từ Tân Cương.
Ông nói : "Người Trung Quốc thực sự là đang cạo đầu phụ nữ Uighur và làm các sản phẩm tóc và gửi chúng đến Mỹ".
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ vào tháng 06 cho biết họ đã thu giữ một lô hàng có nguồn gốc từ Tân Cương gồm các sản phẩm làm tóc và phụ kiện bị nghi là sản phẩm lao động cưỡng bức làm từ tóc người.
Thời gian gần đây, Hoa Kỳ thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn về cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hoa Kỳ đang ở tuyến đầu của mặt trận quốc tế lên án chính sách đàn áp của Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương.
Hôm 30/09/2020 vừa qua, Hoa Kỳ xác định Trung Quốc là điểm nóng toàn cầu về hàng hóa do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất. Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố danh sách được cập nhật hai năm một lần, về các loại hàng hóa được cho là do trẻ em bị cưỡng bức lao động làm ra. Trong danh mục này có 17 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, từ găng tay cho đến các đồ vật trang trí mùa Giáng Sinh.
Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia nói với báo chí : "Tất cả những lạm dụng được nêu ra trong báo cáo này đều đáng ngại, nhưng đặc biệt có một quốc gia nổi bật nhất. Trung Quốc vượt xa tất cả các nước khác về các sản phẩm do người bị cưỡng bức lao động làm ra".
Tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 01/10/2020 nhấn mạnh câu nói của ngoại trưởng Mike Pompeo : "Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự là một mối đe dọa".
Trước đó, ngày 22/09/2020, với mục địch chống lại sự "cưỡng bức lao động" đối với người Duy Ngô Nhĩ, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương với đa số áp đảo.
Dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu (406 phiếu thuận, 3 phiếu chống) trong một tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng hoà và Dân chủ tại Hạ viện Mỹ.
Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc cách là phải "chứng minh" không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.
Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng 03, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bức. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà… cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H&M, Coca-Cola…
Hôm 09/07, Hoa Kỳ đã ban hành trừng phạt với các quan chức cấp cao trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc theo luật Magnitsky, vì đã đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Lệnh trừng phạt được đưa ra theo luật Magnitsky, cho phép chính phủ Mỹ phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh những đối tượng vi phạm nhân quyền, cấm công dân Mỹ làm ăn với những người này. Tiếp đó, đến hôm 31/07, Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra lệnh trừng phạt mới nhắm vào công ty Trung Quốc XPCC (Xinjiang Production and Construction Corp) – một tổ chức bán quân sự, công cụ của Đảng Cộng sản để tăng cường kiểm soát vùng Tân Cương và hai quan chức vì liên quan đến "vị phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với sắc tộc thiểu số ở Tân Cương".
Vào tháng 06, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi việc Trung Quốc đang sử dụng biện pháp cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai và kế hoạch hóa gia đình cưỡng ép nhắm vào người Hồi giáo ở Tân Cương là "gây sốc" và "ghê rợn".
Bộ trưởng Lao động Mỹ Eugene Scalia
Liên Hiệp Quốc ước tính hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ ở Tân Cương và các nhà hoạt động nói rằng những tội ác chống nhân loại và diệt chủng đang diễn ra ở đó.
Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi xâm phạm nhân quyền và nói rằng các trại của họ trong khu vực là những trung tâm huấn nghiệp và giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Thế nhưng các bằng chứng về tội ác của Trung Quốc ngày càng được giới nghiên cứu phương Tây hoàn thiện.
Hôm 24/09, Viện nghiên cứu Úc Australian Strategic Policy Institute (ASPI) đã cung cấp thêm thêm bằng chứng về hệ thống trại giam khổng lồ tại vùng Tân Cương, Trung Quốc dựa trên hình ảnh vệ tinh và nhiều nguồn thông tin khác.
ASPI cho biết có tổng cộng 380 địa điểm được sử dụng làm nơi giam giữ, được xây dựng từ năm 2017. Tại ít nhất 61 trung tâm giam giữ, nhiều dấu hiệu cho thấy có các xây dựng mới trong khoảng thời gian từ tháng 07/2019 đến tháng 07/2020. Theo ASPI, số lượng các cơ sở giam giữ được thống kê trong điều tra này là nhiều hơn 40% so với tổng số cơ sở giam giữ đã biết.
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu phụ trách cuộc điều tra Nathan Ruser, nhấn mạnh là các bằng chứng này buộc chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với sự thực. Theo nhà nghiên cứu Úc, thoạt tiên Bắc Kinh bác bỏ sự tồn tại của hệ thống trại giam, sau họ đã phải chấp nhận có các trung tâm như vậy, nhưng chỉ là để "đào tạo nghề" và toàn bộ những người Duy Ngô Nhĩ có mặt tại các trung tâm "đã tốt nghiệp" và rời khỏi "các địa điểm dạy nghề" này. Ngược lại, kết quả điều tra cho thấy hệ thống trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn đang được phát triển.
Không chỉ giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc còn phân công người theo dõi nhất cử nhất động của những người Duy Ngô Nhĩ còn lại, kể cả trẻ em, tại chính ngôi nhà của họ.
Biểu tình đòi tự do cho người Duy Ngô Nhĩ, trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 06/11/2018
Trung Quốc đang nỗ lực xóa sổ sắc tộc này và bằng mọi cách Hán hóa Tân Cương.
RFI trích dẫn các nghiên cứu của truyền thông Pháp cho biết Tân Cương là thí điểm của chính sách "năm cùng" (cùng ăn, cùng nấu ăn, cùng sống chung, cùng học và ngủ chung một phòng) nhằm nô lệ hóa cả một dân tộc, bắt đầu từ năm 2016 và tăng cường từ năm 2017, là năm mà đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại hội 19, và chính sách này được thực hiện đại trà kể từ 2019.
Hơn một triệu đảng viên người Hán được huy động để thực hiện chính sách được mệnh danh là "thống nhất các sắc tộc vào một gia đình". Trên hiện trường, hơn 100.000 cán bộ Đảng được phân chia vào từng gia đình người Duy Ngô Nhĩ ở thủ phủ Urumqi, nhưng nhất là ở miền nam Tân Cương nơi được xem là có nhiều thành phần chống đối. Nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sống trong nỗi sợ bị sách nhiễu và cưỡng dâm, nhất là khi chồng bị đi cải tạo.
Lúc đầu, cán bộ làm như khách mời, mang đến ít quà như hộp sữa. Nhưng sau đó, vai trò đảo lộn, gia đình chủ nhân biến thành nô lệ phục vụ cho cán bộ ăn dầm nằm dề, đến cái bàn chải đánh răng cũng phải cung cấp. Theo lệnh, mỗi gia đình Duy Ngô Nhĩ phải "sống chung" với một cán bộ trong vòng một tuần mỗi tháng theo tiêu chuẩn "5 cùng".
Nhiều công nhân viên Nhà nước cũng bị theo dõi. Họ bị nghi ngờ sống hai mặt, giả vờ trung thành với Đảng, nhưng sau lưng thì có tư tưởng hay phát biểu khác. Họ cũng bị buộc phải sống chung với một cán bộ do cơ quan chỉ định.
Phải có đủ 90 điểm thì mới gọi là "tốt". Gia đình ở gần trại cải tạo thì phải đủ 100 điểm hạnh kiểm tốt, nếu không muốn bị đi cải tạo.
Theo nhà chính trị học Timothy Rose, một chuyên gia về các sắc dân thiểu số tại Trung Quốc, đây là một hình thức "nới rộng trại cải tạo, vươn ra ngoài hàng rào kẽm gai".
Tuần báo Anh The Economist mới đây cũng khẳng định "Cuộc truy bức người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống nhân loại".
Ảnh chụp màn hình bái báo của The Economist với tựa đề "Cuộc truy bức người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống nhân loại" cùng hình vẽ minh họa là dây thép gai màu đen trên nền trắng, gợi đến các trại lao cải mà Trung Quốc đã dựng lên ở Tân Cương
The Economist đã nêu bật tính chất vô nhân đạo của chính sách giam giữ, tẩy não, cưỡng bức lao động… hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh áp dụng ở Tân Cương.
Đối với The Economist, điều mà Trung Quốc đã làm đối với người Duy Ngô Nhĩ đúng là một tội ác chống nhân loại, thể hiện qua việc dùng vũ lực lưu đày, giam giữ cả một nhóm dân được xác định cụ thể, thủ tiêu một số cá nhân. Do một chính phủ áp đặt một cách có hệ thống, đó là hành động vi phạm trên quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay nguyên tắc theo đó các cá nhân có quyền tự do và nhân phẩm đơn giản vì họ là con người.
The Economist đề xuất giới hoạt động nhân quyền nên vạch trần và lập hồ sơ về những vụ vi phạm, giới văn nghệ sĩ có thể nói tại sao phẩm giá con người là đáng quý, giới doanh nghiệp có thể từ chối tiếp tay. Hiện nay đang có những lời kêu gọi tẩy chay – trong đó có cả việc tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Cuối cùng, đến lượt các chính phủ phải hành động. Họ nên cấp quyền tị nạn cho người Duy Ngô Nhĩ, và cũng giống như Mỹ, áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm và cấm hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức.
Các chính phủ cũng nên lên tiếng. Chế độ của Trung Quốc không phải là không biết xấu hổ. Vì nếu tự hào về những hành động khắc nghiệt ở Tân Cương, Bắc Kinh đã không cố gắng che giấu như đã thấy, và cũng không dựa vào các nước nhỏ hơn để ký các tuyên bố tán thành các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.
Quy mô khủng khiếp của chiến dịch đàn áp càng nổi cộm, hiệu quả của chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh ngày càng giảm sụt : Mới đây, 15 quốc gia, đa số trong khối Hồi Giáo, từng ký tuyên bố ủng hộ chính sách của Trung Quốc tại Tân
Trung Kiên (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 19/10/2020
**********************
"Điều Trung Quốc làm ở Tân Cương ‘gần’ như diệt chủng"
VOA, 17/10/2020
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ ngày thứ Sáu nói Trung Quốc đang thực hiện "điều gì đó gần" như diệt chủng với cách đối xử của nước này với người Hồi giáo trong vùng Tân Cương.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O'Brien
"Nếu không phải là diệt chủng thì là điều gì đó gần như vậy ở Tân Cương", Robert O’Brien phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Viện Aspen tổ chức, trong khi nêu bật các cuộc đàn áp khác của Trung Quốc, bao gồm một cuộc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Mỹ đã lên án cách thức Trung Quốc đối đãi người Uighur và những người Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương và áp đặt các chế tài đối với các quan chức mà họ quy trách về những vụ xâm phạm nhân quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa gọi các hành động của Bắc Kinh là diệt chủng, một sự định danh mà sẽ có ý nghĩa pháp lý quan trọng và buộc Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc.
Liên Hiệp Quốc ước tính hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ ở Tân Cương và các nhà hoạt động nói rằng những tội ác chống nhân loại và diệt chủng đang diễn ra ở đó. Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi xâm phạm nhân quyền và nói rằng các trại của họ trong khu vực là những trung tâm huấn nghiệp và giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Ông O’Brien đề cập đến việc hải quan Mỹ thu giữ "số lượng rất lớn" các sản phẩm tóc làm bằng tóc người từ Tân Cương.
"Người Trung Quốc thực sự là đang cạo đầu phụ nữ Uighur và làm các sản phẩm tóc và gửi chúng đến Mỹ", ông nói.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ vào tháng 6 cho biết họ đã thu giữ một lô hàng có nguồn gốc từ Tân Cương gồm các sản phẩm làm tóc và phụ kiện bị nghi là sản phẩm lao động cưỡng bức làm từ tóc người.
Vào tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi việc Trung Quốc đang sử dụng biện pháp cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai và kế hoạch hóa gia đình cưỡng ép nhắm vào người Hồi giáo ở Tân Cương là "gây sốc" và "ghê rợn".
Ông cho biết vào tháng trước rằng Washington đang cân nhắc ngôn từ mà họ sẽ sử dụng để mô tả những gì đang xảy ra trong khu vực nhưng nói thêm : "Khi Hoa Kỳ nói về tội ác chống nhân loại hoặc diệt chủng ... chúng tôi phải rất cẩn trọng và rất chính xác bởi vì nó hàm ý rất nghiêm trọng".
Theo Reuters
Ngoại trưởng Mỹ gặp lãnh đạo thân dân chủ Hong Kong (VOA, 18/05/2019)
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp nhà lãnh đạo thân dân chủ Hồng Kông Martin Lee hôm 16/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, giữa lúc các nhà hoạt động Hồng Kông tìm cách ngăn chặn một đạo luật dẫn độ do Bắc Kinh hối thúc.
Nhà lập pháp thân dân chủ Hồ Chí Vỹ, ở giữa, xô xát với nhân viên an ninh tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Tình hình tại nghị viện Hongkong trở nên hỗn loạn trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa bên chống, bên ủng hộ luật dẫn độ, ảnh chụp ngày 11/5/2019. (AP Photo/Vincent Yu)
Reuters trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Hồng Kông đề nghị sửa đổi luật về "Điều lệ Tội phạm bỏ trốn", là luật đe dọa quyền pháp trị của Hong Kong.
Ông Martin Lee thành lập đảng thân dân chủ đầu tiên ở Hong Kong vào năm 1990. Trong nhiều năm qua, ông là tiếng nói được nhiều người biết đến, luôn bênh vực các quyền tự do của công dân cho cư dân Hong Kong.
Các nhà lập pháp Hồng Kông trung thành với Bắc Kinh đang thúc đẩy việc thông qua đạo luật cho phép dẫn độ những người bị kết tội hình sự, kể cả người nước ngoài, từ Hong Kong sang các nước không có thỏa thuận dẫn độ chính thức với Hong Kong, kể cả Hoa lục.
Các nhà hoạt động thân dân chủ lo ngại luật này sẽ làm xói mòn các quyền và những bảo vệ pháp lý hiện có ở cựu thuộc địa của Anh, vốn được bảo đảm theo Luật cơ bản khi Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Hơn 130.000 người đã tuần hành chống lại luật được đề xuất cách đây vài tuần trong một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ ‘phong trào Ô dù’ vì dân chủ năm 2014.
Ngoại Trưởng Pompeo bày tỏ lập trường ủng hộ việc bảo vệ các quyền con người, cũng như các quyền tự do cơ bản và các giá trị dân chủ đã được bảo đảm theo Luật cơ bản,.
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố các vấn đề Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ luật dẫn độ của Hồng Kông.
Ông Lục nói can thiệp vào các vấn đề Hong Kong theo bất cứ cách nào, là điều sai trái.
Ông nói : "Tìm cách nắm cơ hội để khích động xáo trộn ở đặc khu Hong Kong không được công luận ủng hộ, và sẽ không bao giờ thành công".
*********************
Singapore thúc Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc (VOA, 17/05/2019)
Singapore thúc giục Mỹ để cho Trung Quốc có tiếng nói nhiều hơn trong việc định hình các quy tắc toàn cầu nhằm tránh một cuộc đụng độ kéo dài có thể buộc các nước nhỏ hơn phải lựa chọn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại một sự kiện ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington hôm 15/5. Ông kêu gọi Mỹ cho Trung Quốc có tiếng nói nhiều hơn trong việc định hình các quy tắc toàn cầu. (Ảnh chụp từ video trên CSIS.org)
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 15/5, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan được Bloomberg trích lời nói rằng việc xem Trung Quốc như một kẻ thù phải bị kìm hãm là không có tác dụng và kêu gọi "sự cạnh tranh mang tính xây dựng" giữa các siêu cường. Một thế giới bị chia tách thành các khối đối thủ sẽ gây nguy hiểm cho những lợi ích đã đạt được theo trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo trong suốt 70 năm qua, theo ông Balakrishnan.
"Lời kêu gọi của tôi đối với Mỹ là tăng cường cam kết và cùng thụ hưởng thành quả," Ngoại trưởng Singapore nói tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.
"Singapore muốn có cả sự hiện diện bền vững của Mỹ, điều mà chúng tôi tin là tích cực, và chúng tôi cũng muốn Trung Quốc có thể đảm nhận vị trí xứng đáng của mình khi nước này lớn mạnh và trở thành một siêu cường theo đúng nghĩa của nó," ông Balakrishnan được Bloomberg trích lời nói.
Trung Quốc rất khó có thể làm suy yếu hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo vì chính họ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất, theo ông Balakrishnan. Tuy nhiên, ngoại trưởng Singapore nói thêm rằng mong muốn của Trung Quốc có quyền sửa đổi các quy tắc toàn cầu là "một sự kỳ vọng hoàn toàn hợp lý" vì họ đã không có tiếng nói khi các quy tắc đó đầu tiên được thiết lập cách đây mấy chục năm.
Việc không đạt được một thỏa thuận sẽ tác động không tương xứng đến các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Singapore, ông Balakrishnan cho biết. Theo Bloomberg, ngoại trưởng Singapore nói thêm rằng đàm phán kéo dài gây ra "nghi ngờ và biến động lớn cho thị trường".
"Đối với những nước ở giữa, đặc biệt là đối với các nước nhỏ (như Singpore), chúng tôi không muốn bị buộc phải đưa ra những lựa chọn gây ác cảm," ông Balakrishnan nói. "Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng cả hai bên sẽ đưa ra một phản ứng chiến lược và tính đến sự ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, và cả hai bên sẽ tìm cách đáp ứng những lợi ích hợp pháp của nhau".
*******************
Đài Loan công nhận hôn nhân đồng tính (RFI, 17/05/2019)
Hôm 17/05/2019, Nghị Viện Đài Loan thông qua luật công nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới. Với quyết định lịch sử này, Đài Loan trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên tại Châu Á thừa nhận hôn nhân đồng giới.
Đài Loan là nơi đầu tiên ở Châu Á công nhận hôn nhân đồng tính. Cảnh vui mừng ở Đài Bắc, ngày 17/05/2019. Reuters/Tyrone Siu
Hai năm sau một phán quyết lịch sử của Tòa Bảo Hiến Đài Loan, Nghị Viện xứ này đã bỏ phiếu với đa số áp đảo, thông qua luật thừa nhận các cặp đồng giới có quyền chung sống với nhau, đồng thời ra một điều khoản cho phép họ "đăng ký kết hôn". Trước đó, tháng 5/2017, Tòa Bảo Hiến của hòn đảo này đã khẳng định việc luật pháp hiện hành không thừa nhận hôn nhân đồng tính là trái ngược với Hiến Pháp. Tòa Bảo Hiến gia hạn cho chính phủ hai năm để điều chỉnh luật. Hạn chót là ngày 23/05.
Một tuần trước hạn chót nói trên, Nghị Viện Đài Loan thông qua luật về hôn nhân đồng giới đúng vào Ngày Thế giới chống kỳ thị Người đồng tính và chuyển giới, ngày 17/05. Chào mừng quyết định của Nghị Viện, tổng thống Thái Anh Văn gửi một thông điệp lên Twitter, nhấn mạnh : "Ngày 17/05/2019 tại Đài Loan, tình yêu đã chiến thắng", "Chúng ta đã tiến một bước dài trên con đường hướng đến quyền bình đẳng thực sự, khiến Đài Loan trở thành một đất nước đáng sống".
Kết quả bỏ phiếu tại Nghị Viện Đài Loan hôm nay khẳng định vị trí tiên phong của hòn đảo này trong việc thừa nhận các quyền của những người đồng tính. Đây cũng là chiến thắng của các tổ chức bảo vệ quyền của cộng đồng đồng tính, chuyển giới (LGBT), đã nỗ lực từ nhiều năm nay để hôn nhân đồng tính được công nhận.
Nỗ lực vận động thông qua luật công nhận hôn nhân đồng tính bị Quốc Dân Đảng thuộc phe đối lập Đài Loan chống phá quyết liệt. Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 11/2018, đa số cử tri bỏ phiếu chống lại ý tưởng này. Trong cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Nghị Viện, một số nghị sĩ đảng cầm quyền Dân Tiến không ủng hộ dự luật do chính phủ đề xuất, bởi lo ngại bị cử tri trừng phạt trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Trong những thập niên gần đây, Đài Loan tự khẳng định là một trong các xã hội tiên phong ở Châu Á trong vấn đề quyền của người đồng tính. Cuộc diễu hành Gay Pride hàng năm tại Đài Loan được coi là lớn nhất Châu lục. Tuy nhiên, hòn đảo này cũng là nơi các thế lực tôn giáo bảo thủ có ảnh hưởng rất mạnh, đặc biệt ở các khu vực ngoài thành phố.
Trọng Thành
*******************
Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính ăn mừng khi nghe kết quả biểu quyết của quốc hội Đài Loan
Hồi 2017, tòa hiến pháp Đài Loan ra phán quyết rằng các cặp đôi đồng tính có quyền kết hôn hợp pháp.
Quốc hội được trao thời hạn hai năm để đổi luật và được yêu cầu phải thông qua luật muộn nhất là ngày 24/5.
Các nhà lập pháp đã thảo luận ba dự thảo luật khác nhau về việc hợp pháp hóa các mối quan hệ đồng tính ; bản dự thảo do chính phủ đưa ra, cũng là bản có nội dung tiến bộ nhất, đã được thông qua.
Hàng ngàn người ủng hộ quyền của người đồng tính đã tụ tập dưới mưa bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Đài Bắc để chờ đợi quyết định lịch sử.
Đã có những tiếng thét gào vui sướng, những giọt nước mắt nghẹn ngào trào dâng khi kết quả được công bố.
Tuy nhiên, những người phản đối thì tức giận.
Hai phiên bản dự thảo không được thông qua là do các nhà lập pháp bảo thủ trình lên, trong đó gọi mối quan hệ giữa các cặp đôi đồng tính là "các mối quan hệ gia đình đồng tính", hoặc "các quan hệ đồng tính" thay vì gọi là "các cuộc hôn nhân".
Tuy nhiên, dự thảo của chính phủ, cũng là bản dự thảo duy nhất đưa ra các quyền nhận con nuôi có hạn chế, đã được thông qua với tỷ lệ 66 phiếu thuận, 27 phiếu chống. Dự thảo này nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp từ Đảng Dân Tiến chiếm đa số trong Quốc hội.
Dự luật sẽ cần được Tổng thống Thái Anh Văn chuẩn thuận để trở thành luật, có hiệu lực pháp lý.
Một số nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính nói trước khi có việc biểu quyết trong Quốc hội rằng bản dự thảo của chính phủ là bản duy nhất mà họ chấp nhận.
Hồi 2017, phán quyết của tòa hiến pháp Đài Loan về quyền kết hôn hợp pháp của người đồng tính đã gây phản ứng dữ dội trong công chúng, khiến chính phủ buộc phải tổ chức một loạt các cuộc trưng cầu dân ý.
Kết quả các cuộc trưng cầu cho thấy đa số cử tri Đài Loan bác bỏ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, và cho rằng định nghĩa về hôn nhân là để chỉ về sự kết hợp, ràng buộc giữa người đàn ông và người đàn bà.
Do vậy, Đài Loan nói sẽ không thay đổi định nghĩa hôn nhân trong luật dân sự, và thay vào đó sẽ có luật đặc biệt cho hôn nhân đồng tính.
Nhiều người đã lên mạng xã hội để bày tỏ thái độ ăn mừng. Họ coi kết quả vừa rồi là một chiến thắng trong vấn đề bình đẳng hôn nhân.
Vào đầu giờ hôm thứ Sáu, bà Thái Anh Văn viết trên Twitter rằng với việc biểu quyết này, hòn đảo này đã có "một bước đi lớn hướng tới bình đẳng thực sự".
Những người khác thì lên mạng xã hội tỏ ý phản đối.
"Đây là cái chết của nền dân chủ. Bảy triệu người đã bỏ phiếu phản đối hôn nhân đồng tính trong kỳ trưng cầu dân ý, và những lá phiếu của họ thế là đã không có nghĩa gì".
"Hôn nhân đồng tính quan trọng, cấp bách đến vậy ư ?" người dùng có tên là Liu Yan viết trên Facebook.
Tại Á châu, Đài Loan là nơi đi đầu về quyền cho người đồng tính. Ở Đài Bắc, các cuộc diễu hành của người đồng tính được tổ chức hàng năm, thu hút sự tham dự của các nhóm LGBT từ khắp nơi trên Châu lục kéo tới.
Luật mới của Đài Loan cũng được người LGBT trong khu vực hân hoan đón chào.
Paul Ng từ Singapore nói với BBC rằng anh và các bạn bè "coi đây như một dịp để ăn mừng, tuy chúng tôi không phải là người Đài Loan".
"Đó là thành công cho chúng tôi, cho tất cả những người đồng tính luyến ái".
"Với người Singapore, điều này đặc biệt quan trọng, chính phủ nước chúng tôi muốn giữ các giá trị 'Á châu'... cho nên điều này gửi ra một thông điệp rất quan trọng tới các nước phát triển ở Á châu".
Wong Ka Ying, một nghệ sỹ thuộc cộng đồng LGBT ở Hong Kong, nói rằng quyết định của Đài Loan sẽ giúp nâng cao nhận thức, tuy cô nghi ngờ việc điều này sẽ có tác động tới các nơi "bảo thủ hơn" như Hong Kong hay Trung Hoa đại lục.
Việt Nam đã phi hình sự hóa việc tổ chức đám cưới đồng tính kể từ 2015, nhưng chỉ dừng ở đó thay vì đi xa hơn trong việc thừa nhận tính hợp pháp của các quan hệ đồng tính.
Tại Trung Quốc, hôn nhân đồng tính vẫn là điều bất hợp pháp, nhưng việc quan hệ đồng tính đã không còn bị coi là tội phạm ở nước này kể từ 1997, và chính thức loại bỏ việc này ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần sau đó ba năm.
Tại các nước khác ở Á châu, luật pháp đang thay đổi để phản ánh thái độ dung hòa hơn đối với các nhóm LGBT.
Trong một quyết định lịch sử, hồi tháng 9/2018 Tòa Tối cao Ấn Độ ra phán quyết rằng tình dục đồng giới không còn bị coi là tội hình sự nữa.
Tuy nhiên, ở các nước Á Châu khác, cái nhìn đối với quan hệ đồng tính vẫn còn những khác biệt.
Hồi tháng Tư, Brunei tuyên bố luật Hồi giáo mới, hà khắc, theo đó coi việc sinh hoạt tình dục qua đường hậu môn và việc ngoại tình là các tội cần bị trừng phạt bằng hình thức ném đá đến chết, nhưng nói sẽ không cưỡng chế thi hành án tử đối với tình dục đồng giới.
******************
Đài Loan là nơi đầu tiên ở Châu Á cho phép hôn nhân đồng giới (VOA, 17/05/2019)
Đài Loan trở thành nơi đầu tiên ở Châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hôm 17/5. Hàng nghìn người tụ tập bên ngoài quốc hội, reo hò và vẫy cờ bảy sắc cầu vồng, dù vẫn còn những chia rẽ sâu sắc về bình đẳng hôn nhân ở quốc đảo này.
Những người ủn hộ hôn nhân đồng giới reo hò bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Đài Bắc hôm 17/5 sau khi các nhà làm luật của quốc đảo này thông qua dự luật cho phép người cùng giới kết hôn với nhau.
Dự luật được nghị viện do Đảng Dân Tiến (DPP) chiếm đa số thông qua với 66 phiếu thuận trên 27 phiếu chống, mặc dù nó có thể gây phức tạp cho việc tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Nhiều người tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Đài Bắc dưới cơn mưa lớn. Nhiều người ôm nhau trong nước mắt và những người khác ca ngợi việc thông qua dự luật bằng những tiếng hô "đầu tiên ở Châu Á" và "Đài Loan, tuyệt vời !"
Dự luật cho phép các cặp đôi đồng giới được bảo vệ pháp lý tương tự như các cặp đôi hôn nhân khác giới. Dự luật sẽ có hiệu lực vào ngày 24/5 sau khi bà Thái ký thành luật.
"Hôm nay là một ngày đáng tự hào đối với Đài Loan. Chúng tôi cho thế giới thấy được được giá trị của lòng tốt và sự đối xử công bằng cho tất cả mọi người ở vùng đất này," bà Thái nói với các phóng viên sau khi dự luật được thông qua.
"Thông qua việc hợp pháp hóa này, (chúng tôi) đảm bảo rằng tình yêu của tất cả mọi người là bình đẳng và mọi người đều được đối xử như nhau," bà Thái nói thêm. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, bà Thái đã hứa về bình đẳng hôn nhân.
Tuy nhiên, dự luật này chỉ cho phép kết hôn đồng giới giữa những người Đài Loan hoặc với người nước ngoài từ các quốc gia có công nhận hôn nhân đồng giới. Luật này cho phép nhận nuôi trẻ em có liên quan về mặt sinh học với ít nhất một người trong cặp đồng giới đó.
Cuộc biểu quyết thông qua dự luật diễn ra sau nhiều năm tranh cãi về bình đẳng hôn nhân mà đỉnh điểm là tuyên bố năm 2017 của tòa bảo hiến cho phép các cặp đồng giới kết hôn và đặt ra thời hạn ngày 24/5 cho các nhà lập pháp.
"Sau 30 năm tranh đấu, những người đồng tính cuối cùng đã có thể lấy nhau," nhạc sĩ Ken Chen, 32 tuổi, người đã đứng bên ngoài tòa nhà quốc hội để theo dõi cuộc bỏ phiếu được phát sóng trực tiếp. "Nhiều người trong chúng tôi đã rơi nước mắt".
Cuối năm ngoái, người dân Đài Loan đã phản đối hôn nhân đồng giới trong một loạt các cuộc trưng cầu dân ý. Họ xác định hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà theo luật dân sự, mặc dù họ muốn có một luật đặc biệt cho kết hôn đồng giới.
Những người bảo thủ phản đối hôn nhân đồng giới nói rằng pháp luật không tôn trọng mong muốn của người dân.
"Mong muốn của khoảng 7 triệu người trong cuộc trưng cầu dân ý đã bị chà đạp," nhóm Liên Minh vì Hạnh Phúc của Thế Hệ Tiếp Theo của Chúng Ta nói trong một tuyên bố. "Đại công chúng sẽ tấn công lại vào năm 2020".
Úc đã thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới vào năm 2017, nhưng điều này không được Hồng Kông và nước láng giềng Trung Quốc công nhận. Đài Loan bị Trung Quốc coi là một tỉnh ương ngạnh sẽ bị buộc phải quay trở lại đại lục bằng vũ lực, nếu cần thiết.
**********************
Đồng hóa Tân Cương, Trung Quốc nâng điểm tú tài (RFI, 17/05/2019)
Để dập tắt tinh thần phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền Bắc Kinh thi hành nhiều biện pháp khắc nghiệt đưa hàng triệu người Hán lên khai thác Tân Cương, bố trí hàng trăm ngàn công an, cảnh sát chống biểu tình và cách ly ít nhất một triệu người Hồi giáo. Biện pháp mới nhất của Bắc Kinh là khuyến khích hôn nhân giữa người Hán và Duy Ngô Nhĩ để đồng hóa dân bản địa : từ thưởng tiền đến nâng điểm con cái thi tú tài.
Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.(ảnh : unesco.org)
Từ 10 lên 20 điểm
Kể từ mùa thi tú tài năm 2019, tại Tân Cương, thí sinh có cha mẹ thuộc hai sắc tộc khác nhau sẽ được thêm điểm. Biện pháp này thực chất không phải vì tương lai của người thiểu số mà chính là một chiến thuật của Bắc Kinh đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, được AFP phân tích cặn kẽ qua bài "đồng hóa ở Tân Cương, Trung Quốc khuyến khích hôn nhân dị chủng".
Trong 10 năm qua, nhiều vụ khủng bố đẫm máu diễn ra ở Tân Cương mà chính quyền Trung Quốc quy buộc cho người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa dân bản địa và người Hán do vậy đôi khi khá căng thẳng.
Viện cớ chống bất ổn,Trung Quốc áp đặt nhiều biện pháp hà khắc tại Tân Cương. Trong ba năm trở lại đây, chính quyền Trung Quốc bị tố cáo xây những nhà tù khổng lồ, giam cầm ít nhất một triệu người trong số 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh gọi đây là những trường dạy nghề giúp công dân Hồi giáo không bị tuyên truyền theo cực đoan. Nhưng các nhân chứng, những người từng trải qua thời gian "học tập" cho biết đó là nhà tù trá hình với mục tiêu đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ cũng như một số sắc tộc khác thành người Hán.
Hệ quả một cuộc hôn nhân : thêm điểm hoặc trừ điểm thi
Theo các tổ chức nhân quyền, biện pháp đồng hóa mới nhất vừa được ban hành là "nâng điểm tú tài". Trên thực tế, "thêm điểm" là biện pháp nâng đỡ con em các sắc tộc thiểu số, bị xem là yếu tiếng quan thoại, trong việc thi cử học hành. Nhưng ở Tân Cương, chính quyền áp dụng theo hướng ngược lại.
Theo chỉ thị công bố hồi tuần trước, chính quyền Tân Cương thông báo kể từ mùa thi năm 2019, thí sinh nào có cha mẹ, một người là Hán tộc người kia là Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng, Kazakh, Mông Cổ …. thì sẽ được thêm 20 điểm thay vì là 10 điểm. Trái lại, điều "khó hiểu" là nếu cả cha lẫn mẹ đều là người Duy Ngô Nhĩ thì điểm nâng sẽ giảm từ 50 xuống 15.
Bình luận về tin này, giáo sư James Leibold, chuyên gia Trung Quốc học người Úc thẩm định : chính sách mới là một âm mưu nhằm đồng hóa những người có lối suy nghĩ, tác phong độc lập với người Hán.
Biện pháp nâng thêm điểm cho thí sinh lai dòng máu Hán chẳng qua là để khuyến khích hôn nhân dị chủng, một phương cách quan trọng trong khuôn khổ nỗ lực đồng hóa các sắc tộc thiểu số khác trong cộng đồng Trung Hoa.
10.000 nhân dân tệ trong 5 năm sau hôn lễ
Giáo sư Timothy Grose, chuyên gia Trung Quốc học người Mỹ nhận xét chi tiết hơn : đảng Cộng sản Trung Quốc đánh phá có hệ thống, xóa mờ bản sắc dân tộc người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhận xét trên đây không phải là thiếu cơ sở. Bởi vì vào năm 2014, huyện Qiemo, ở phía nam Tân Cương thông báo thưởng tiền cho mỗi cặp vợ chồng người thiểu số lấy người Hán một số tiền tương đương với 1.500 đôla mỗi năm và trong vòng 5 năm sau lễ cưới. Trước sau, các biện pháp trấn áp phối hợp với thủ đoạn lấy lợi ngắn hạn ra làm mồi của Bắc Kinh dường như đều thất bại. Thống kê của chính quyền Trung Quốc rất hiếm hoi. Nhưng theo số liệu năm 2010, chỉ có 0,2% người Duy Ngô Nhĩ kết hôn với người Hán.
Nghi kỵ lẫn nhau
Theo giáo sư Timothy Grose, chính sách khuyến khích hôn nhân hai sắc tộc được thi hành từ mấy chục năm nay không mang lại kết quả chờ đợi. Do vậy, có thể nào vì thêm 10 điểm tú tài mà người Duy Ngô Nhĩ đua nhau kết hôn với người Hán ? Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng người Hán cũng tỏ ra hoài nghi và than phiền con em của họ không được nâng điểm.
Biết rằng cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và Hán ở Tân Cương ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau, thế mà đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn muốn hai kẻ không thương nhau lấy nhau để làm gì ? Giáo sư James Leibold xem đây là một trường hợp "duy ý chí" điển hình.
Tú Anh
*******************
Băng đảng Trung Quốc đang 'hoạt náo' ở Preah Sihanouk của Campuchia (BBC, 16/05/2019)
Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết cảnh sát Trung Quốc đang hợp tác cùng với cảnh sát Campuchia để điều tra một băng đảng tuyên bố rằng họ sẽ "gây bất ổn an ninh tại Preah Sihanouk", theo Khmer Times.
Ảnh chụp màn hình video clip được đăng lên hôm 12/5
Trong video clip được công bố hôm 12/5, khoảng hơn một chục người đàn ông, hầu hết đều ở trần, một số xăm trổ nói họ đến từ tỉnh Trùng Khánh và đe dọa họ sẽ gây rắc rối ở thành phố Sihanoukville, thuộc tỉnh Preah Sihanouk.
"Kampong Som [tên khác của Sihanoukville], trong ba năm tới, dù an toàn hay bất ổn đều ở dưới tay tao !", người đàn ông có vẻ là người cầm đầu tuyên bố bằng tiếng Trung.
Cũng trong ngày 12/2, Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố : "Chúng tôi tin chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này sớm và sẽ cung cấp thông tin khi có diễn biến mới".
Trước đó, hôm 7/5, Bộ Nội vụ Campuchia công bố người Trung Quốc là người nước ngoài có hoạt động tội phạm mạnh nhất ở Campuchia. Trong quý đầu 2019, 341 người nước ngoài đã bị bắt giữ, 241 trong số đó là người Trung Quốc, đứng thứ hai là người Việt Nam với 49 người.
Chủ tịch một xã ở tỉnh Preah Sihanouk đã than phiền về những người Trung Quốc vi phạm pháp luật.
"Nó ảnh hưởng người dân địa phương vì họ lái xe rất nhanh và không tôn trọng luật giao thông," vị quan chức địa phương nói với điều kiện giấu tên để đảm bảo an toàn.
Ông cũng chỉ trích các công trình xây dựng không an toàn và ảnh hưởng đến môi trường.
"Tôi nghĩ chính quyền phải buộc họ tuân thủ luật pháp, thủ tục tập quán, truyền thống của người Campuchia".
Theo Bưu điện Hoa Nam, trong những năm gần đây, người Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 sòng bạc và hàng chục khách sạn và nhà nghỉ tại tỉnh Phreah Sihanouk ven biển phía tây nam.
Khách du lịch Trung Quốc đi ngang qua một sòng bài được lao động Trung Quốc xây dựng cho một chủ đầu tư Trung Quốc ở thành phố Sihanoukville, tỉnh Phreah Sihanouk.
Năm ngoái, có khoảng 16.000 người Trung Quốc có giấy phép lao động tại Campuchia. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dự án xây dựng ở tỉnh Sihanoukville và tỉnh Koh Kong lân cận. Tuy nhiên, Cục Di trú Campuchia cho biết có khoảng 78.000 người Trung Quốc đang ở tỉnh Sihanoukville, nhiều người trong số đó không có giấy phép lao động.
Nhiều người Campuchia chào đón các dự án của các chủ đầu tư Trung Quốc vì nó đem lại việc làm và lợi ích kinh tế. Nhưng nhiều người chỉ trích về những thiệt hại về môi trường, giá nhà tăng vọt, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn đất đai và tình trạng trục xuất bất hợp pháp và tình trạng tội phạm gia tăng.
Hồi tháng Một, thống đốc tỉnh Sihanoukville Yun Min đã viết đơn cho Bộ trưởng Nội vụ Campuchia về tình trạng tội phạm gia tăng, giá bất động sản gia tăng ảnh hưởng đến người Campuchia bản địa và sự bão hòa của lao động Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng.
"Nó tạo cơ hội cho những người Trung Quốc thuộc các băng đảng mafia hoạt động các hành vi phạm pháp," ông Yun Min viết.
Một bài xã luận trên tờ Phnom Penh Post phỏng vấn một cảnh sát trưởng của một xã nói : "Tôi nghĩ, những công dân Trung Quốc đến đây không ý tuân thủ luật pháp của chúng ta".
"Những người Trung Quốc đến đây hầu hết là những kẻ phạm tội ở Trung Quốc… nếu chúng ta thực hiện tất cả quy định luật pháp của đất nước chúng ta, sẽ không có chuyện ân xá cho họ".
Một tháng, 500.000 khuôn mặt được quét nhận dạng : Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để lập hồ sơ sắc tộc như thế nào.
Paul Mozur, VNTB, 18/05/2019
Chính phủ Trung Quốc đã bị dư luận quốc tế rộng rãi lên án vì đã đàn áp khốc liệt những người Hồi giáo thiểu số ở khu vực miền tây Trung Quốc, bao gồm cả việc giam giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo trong các trại tập trung.
SenseTime là một trong những công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đang phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Ảnh Gilles Sabrié - Thời báo New York
Giờ đây, các tài liệu và các cuộc phỏng vấn cho thấy rằng các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang sử dụng một hệ thống rộng lớn, bí mật của công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến để theo dõi và kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ, một cộng đồng sắc tộc thiểu số khá lớn theo đạo Hồi. Đây là ví dụ đầu tiên được biết đến của việc một chính quyền cố tình sử dụng trí tuệ nhân tạo để lập hồ sơ chủng tộc, các chuyên gia cho biết như vậy.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt, được tích hợp vào các mạng lưới camera giám sát được mở rộng nhanh chóng, chỉ nhắm tới riêng người Duy Ngô Nhĩ dựa trên ngoại hình của họ và lưu giữ các hồ sơ đi lại của họ để tìm kiếm và xem xét. Thực tiễn này đã khiến cho Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong việc áp dụng công nghệ của thế hệ tiếp theo để theo dõi người dân, có khả năng mở ra một kỷ nguyên mới của tệ phân biệt chủng tộc tự động hóa.
Công nghệ và công dụng nhằm lưu giữ các hồ sơ của cộng đồng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc được mô tả bởi 5 người có những hiểu biết trực tiếp về các hệ thống này, 5 người này yêu cầu được giấu tên vì họ sợ bị trả thù. Thời báo New York cũng đã xem xét các cơ sở dữ liệu được cảnh sát sử dụng, các tài liệu về việc mua sắm của chính quyền và các tài liệu quảng cáo được phân phối bởi các công ty trí tuệ nhân tạo đã kiến tạo các hệ thống này.
Chính quyền Trung Quốc đã duy trì một mạng lưới giám sát rộng lớn, bao gồm cả việc truy tìm DNA của nhiều người, ở Tân Cương - khu vực miền tây Trung Quốc, nơi nhiều người Duy Ngô Nhĩ gọi là quê hương. Nhưng quy mô của các hệ thống mới chưa từng được biết đến, đã mở rộng giám sát sang nhiều khu vực khác của quốc gia này.
Người mua hàng xếp hàng để kiểm tra nhận dạng bên ngoài Kashgar Bazaar mùa thu năm ngoái. Các thành viên của nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã chịu sự giám sát và đàn áp của Trung Quốc trong nhiều năm. Ảnh Paul Mozur
Cảnh sát Trung Quốc hiện đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ hiện đang sinh sống tại các thành phố giàu có thuộc miền đông Trung Quốc như Hàng Châu và Ôn Châu và trên khắp tỉnh duyên hải Phúc Kiến, có 2 người (trong số 5 người được đề cập trên đây) đã cho biết như vậy. Cơ quan thực thi pháp luật của thành phố Tam môn hiệp (Sanmenxia = 三 门 峡) , miền trung Trung Quốc, dọc theo sông Hoàng Hà, trong năm nay (2019), đã vận hành một hệ thống tới 500.000 lần trong một tháng trời để sàng lọc xem ai là người Duy Ngô Nhĩ .
Các tài liệu của cảnh sát cho thấy nhu cầu đối với các khả năng như vậy đang lan rộng. Bắt đầu vào năm 2018, các tài liệu mua sắm cho biết gần hai chục sở cảnh sát của 16 tỉnh và khu vực khác nhau trên khắp Trung Quốc đã tìm kiếm loại công nghệ như vậy. Chẳng hạn, hồi năm ngoái, cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Thiểm Tây thuộc miền trung Trung Quốc, đã nhắm tới việc trang bị một hệ thống camera thông minh mà "sẽ hỗ trợ việc nhận dạng khuôn mặt để xác định các đặc điểm chủng tộc của người Duy Ngô Nhĩ và người không thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ.
Một số sở cảnh sát và các công ty công nghệ mô tả hoạt động thực tiễn này là "nhận dạng thiểu số", mặc dù có 3 người (trong số 5 người được đề cập trên đây) nói rằng cụm từ đó là một uyển ngữ để ám chỉ một công cụ được sử dụng để tìm cách xác định nhân dạng của riêng những người Duy Ngô Nhĩ. Người Duy Ngô Nhĩ thường trông khác biệt với cộng đồng người Hán của Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ trông giống với người Trung Á hơn. Sự khác biệt như vậy giúp cho phần mềm dễ dàng hơn trong việc phát hiện, định dạng người Duy Ngô Nhĩ.
Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia dân chủ đã có một sự gần như độc quyền về công nghệ tiên tiến. Ngày nay, một thế hệ các công ty khởi nghiệp mới phục vụ cho nhu cầu độc đoán, toàn trị của Bắc Kinh đang bắt đầu thành lập dựa trên công nghệ mới nổi bật như trí tuệ nhân tạo. Các công cụ tương tự có thể tự động hóa đặc điểm nhân dạng dựa trên màu da và sắc tộc các vùng khác.
Clare Garvie, cộng tác viên của Trung tâm bảo mật và công nghệ tại Georgetown Law cho biết "Hãy nhìn nhận việc ứng dụng rủi ro nhất của công nghệ này, có một khả năng lớn là sẽ có một người nào đó sẽ thử dùng nó. Nếu quý vị tạo ra một công nghệ mà có thể phân loại con người theo các đặc điểm sắc tộc, thì sẽ có người sử dụng nó để đàn áp sắc tộc đó".
Từ quan điểm công nghệ, việc sử dụng thuật toán để định dạng một con người dựa trên chủng tộc hoặc sắc tộc đã trở nên tương đối dễ dàng. Các công ty như IBM đã quảng cáo các phần mềm có thể phân loại con người thành các nhóm lớn.
Ảnh chụp màn hình từ trang web CloudWalk chi tiết có thể sử dụng cho công nghệ nhận dạng khuôn mặt của nó. Một trong số đó : công nhận các nhóm người nhạy cảm trên mạng xã hội.
Bản dịch tài liệu tiếp thị cho công nghệ nhận dạng khuôn mặt của CloudWalk - Nguồn : The New York Times
Nhưng Trung Quốc đã phá vỡ nền tảng mới bằng cách xác định một nhóm sắc tộc phục vụ cho các mục đích thực thi pháp luật. Một công ty mới khởi nghiệp Trung Quốc, Công ty CloudWalk, đã phác thảo một kinh nghiệm mẫu trong việc tiếp thị các hệ thống giám sát của riêng mình. Công ty này cho biết rằng công nghệ này có thể nhận ra "các nhóm người nhạy cảm".
Trên trang web của mình, công ty này cho biết rằng "Nếu ban đầu, một người Duy Ngô Nhĩ sống trong một khu phố, và trong vòng 20 ngày tiếp theo, có sáu người Duy Ngô Nhĩ khác xuất hiện, ngay lập tức, hệ thống sẽ ngay lập tức báo động" cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Có hai người nói rằng "Trong thực tế, các hệ thống này là không hoàn hảo. Thông thường, độ chính xác của chúng phụ thuộc vào các yếu tố môi trường như ánh sáng và vị trí các camera".
Tại Hoa Kỳ và Châu Âu, tranh luận trong cộng đồng trí tuệ nhân tạo tập trung vào những định kiến vô thức của người thiết kế ra công nghệ này. Các thử nghiệm gần đây cho thấy các hệ thống nhận dạng khuôn mặt được thực hiện bởi các công ty như IBM và Amazon kém chính xác hơn trong việc xác định đặc điểm nhân dạng của những người có màu da sẫm.
Những nỗ lực của Trung Quốc đặt ra nhiều vấn đề gai góc hơn. Mặc dù công nghệ nhận dạng khuôn mặt sử dụng các đặc điểm như tông màu da và hình dạng khuôn mặt để phân loại hình ảnh trong các bức ảnh hoặc các băng video theo yêu cầu của con người nhằm phân dựa trên các định nghĩa xã hội về chủng tộc hoặc sắc tộc. Cảnh sát Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các công ty khởi nghiệp, đã làm được điều đó.
Ông Jennifer Lynch, giám đốc kiện tụng giám sát tại Quỹ Biên giới Điện tử (Electronic Frontier Foundation) cho biết "có một thứ gì đó có vẻ gây sốc xuất phát từ Hoa Kỳ, nơi mà có nhiều khả năng nhất là tệ phân biệt chủng tộc đã được ấn định trong việc ra quyết định thuật toán của chúng tôi, nhưng không phải theo cái cách công khai như thế này. Ví dụ, chẳng có một hệ thống được thiết kế để nhận dạng một người nào đó là người Mỹ gốc Phi".
Các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đứng đằng sau các phần mềm này bao gồm Yitu, Megvii, SenseTime và CloudWalk, mỗi công ty trị giá hơn 1 tỷ đô la. Một công ty khác, Hikvision, bán máy ảnh và phần mềm để xử lý hình ảnh, đã cung cấp chức năng nhận dạng (sắc tộc) thiểu số, nhưng đã bắt đầu loại bỏ nó vào năm 2018, một người cho biết như vậy.
Giá trị của các công ty đã tăng vọt trong năm 2018 khi Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan cảnh sát hàng đầu, đã dành riêng hàng tỷ đô la cho hai kế hoạch của chính quyền, được gọi là Skynet và Sharp Eyes, để vi tính hóa việc theo dõi, giám sát, và thu thập tin tức tình báo.
Trong một tuyên bố, một nữ phát ngôn viên của SenseTime cho biết rằng người này "đã kiểm tra các đội có liên quan", những người mà không biết rằng công nghệ của họ đang được sử dụng để lập hồ sơ. Megvii tuyên bố rằng họ tập trung vào "các giải pháp thương mại không chính trị", và rằng "chúng tôi quan tâm đến an sinh và an toàn của từng công dân, chứ không theo dõi, giám sát các nhóm người". Cloud CloudWalk và Yitu không trả lời các yêu cầu bình luận.
Bộ Công an Trung Quốc cũng không trả lời các câu hỏi được fax tới.
Trong lúc bán các sản phẩm có tên như Fire Eye, Sky Eye và Dragonfly Eye, các công ty khởi nghiệp hứa hẹn sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các cảnh quay từ các camera giám sát của Trung Quốc. Công nghệ này vẫn chưa được phát triển hoàn toàn - năm 2017 Yitu mới đạt tỷ lệ thành công là một phần ba khi cảnh sát phản ứng với báo động ở nhà ga xe lửa - và nhiều camera của Trung Quốc không đủ mạnh để phần mềm nhận dạng khuôn mặt có thể hoạt động một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, họ đã giúp thúc đẩy một cấu trúc Trung Quốc để kiểm soát xã hội. Để giúp cho các thuật toán hoạt động tốt, cảnh sát Trung Quốc đã tập hợp các cơ sở dữ liệu hình ảnh khuôn mặt của những người có hồ sơ tội phạm, mắc bệnh tâm thần, sử dụng ma túy và những người khiếu kiện chính quyền vì bất bình. Một cơ sở dữ liệu quốc gia về tội phạm hiện chưa bị bắt (hiện còn tại đào) gồm khoảng 300.000 khuôn mặt, trong khi danh sách những người có tiền sử sử dụng ma túy ở thành phố Ôn Châu có tổng cộng 8.000 khuôn mặt, họ cho biết như vậy.
Một camera an ninh trong một khu vực được xây dựng lại của Thành phố cổ ở Kashgar, Tân Cương. Ảnh Thomas Peter / Reuters
Trong khi sử dụng một quá trình gọi là học máy, các kỹ sư đã cung cấp dữ liệu cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo để đào tạo họ trong việc nhận ra các mô thức, dạng loại, hoặc các đặc điểm. Trong trường hợp thanh lọc, họ sẽ cung cấp hàng ngàn hình ảnh được định rõ của cả những người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ lẫn những người không thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Điều đó sẽ giúp tạo ra chức năng phân biệt các nhóm sắc tộc.
Các công ty trí tuệ nhân tạo nhận tiền từ các nhà đầu tư lớn. Fidelity International và Qualcomm Ventures thuộc một tập đoàn đã đầu tư 620 triệu đô la vào SenseTime. Sequoia đầu tư vào Yitu. Megvii được hỗ trợ bởi Sinovation Ventures, quỹ của nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Trung Quốc Kai-Fu Lee.
Một phát ngôn viên của Sinovation cho biết rằng gần đây Quỹ này đã bán một phần cổ phần của mình tại Megvii và từ bỏ vị trí trong hội đồng quản trị. Fidelity từ chối bình luận. Sequoia và Qualcomm đã không trả lời thư qua email.
Lee, một người thúc đẩy ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, đã lập luận rằng Trung Quốc có lợi thế trong việc phát triển ngành trí tuệ nhân tạo vì các nhà lãnh đạo của họ ít bị làm phiền bởi "những rắc rối pháp lý" hoặc "những đồng thuận đạo đức".
Hồi năm ngoái, Lee đã viết rằng "Chúng tôi không phải là những khán giả thụ động trong câu chuyện về trí tuệ nhân tạo - chúng tôi là các tác giả của nó. Điều đó có nghĩa là các giá trị làm nền tảng cho tầm nhìn của chúng ta về một tương lai trí tuệ nhân tạo cũng hoàn toàn có thể trở thành những lời tiên tri tự trở thành hiện thực". Ông từ chối bình luận về công việc đầu tư của quỹ của ông vào Megvii hoặc các hoạt động thực tế của nó.
Một người (trong số 5 người được đề cập trên đây) cho biết rằng việc lập hồ sơ sắc tộc trong ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc không phải là một bí mật. Nó đã trở nên phổ biến đến nỗi một (trong 5 người được đề cập trên đây) đã so sánh nó với công nghệ không dây tầm ngắn Bluetooth. Các nhân viên tại Megvii đã được cảnh báo về sự nhạy cảm của việc thảo luận công khai nhắm tới mục đích sắc tộc, một người khác cho biết.
Viện cớ bạo lực sắc tộc trong các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương và những cuộc tấn công khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ ở nhiều những nơi khác, Trung Quốc đã dành những nguồn lực lớn lao cho việc theo dõi người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh đã tống giam hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ và những người khác ở Tân Cương vào các trại cải tạo.
Các phần mềm này đã mở rộng các khả năng của nhà nước Trung Quốc trong việc định dạng người Duy Ngô Nhĩ đối với phần còn lại của quốc gia này. Một cơ sở dữ liệu quốc gia đã lưu trữ hình ảnh khuôn mặt của tất cả những người Duy Ngô Nhĩ rời khỏi Tân Cương, hai người (trong số 5 người được đề cập trên đây) cho biết như vậy.
Các tài liệu mua sắm của chính quyền Trung Quốc từ hai năm qua cũng cho thấy nhu cầu này đã lan rộng. Theo một tài liệu, tại thành phố Vĩnh Châu, phía nam tỉnh Hồ Nam, các quan chức thực thi pháp luật đã tìm kiếm phần mềm "để mô tả và tìm kiếm xem ai đó có phải là người Duy Ngô Nhĩ hay không".
Trong hai quận thuộc tỉnh Quý Châu, cảnh sát liệt kê một nhu cầu phân loại người Duy Ngô Nhĩ. Một quận yêu cầu về khả năng nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ dựa trên các tấm ảnh chứng minh thư với độ chính xác cao là hơn 97 phần trăm. Trong một đại đô thị ở trung tâm của thành phố Trùng Khánh và khu vực Tây Tạng, cảnh sát đã đặt hàng các nhà thầu những phần mềm tương tự. Và một tài liệu mua sắm của tỉnh Hà Bắc đã mô tả cách thức cảnh sát cần phải được thông báo như thế nào khi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ cùng đặt vé cho một chuyến bay trong cùng một ngày.
Năm 2018, các nhà chức trách đã tiến hành một nghiên cứu mô tả việc sử dụng các loại cơ sở dữ liệu khác. Được hoàn thành cùng với một quan chức cảnh sát Thượng Hải, nghiên cứu này cho biết các hệ thống nhận dạng khuôn mặt được lắp đặt gần các trường học có thể sàng lọc những người có hồ sơ trong cơ sở dữ liệu của những người mắc bệnh tâm thần hoặc các nghi phạm.
Một cơ sở dữ liệu được xây dựng bởi phần mềm Yitu mà The New York Times đã được nhìn thấy cho thấy rằng cảnh sát ở thành phố Tam môn hiệp (Sanmenxia) đã sử dụng phần mềm chạy trên các camera để cố gắng xác định các cư dân đến hơn 500.000 lần trong khoảng thời gian một tháng bắt đầu vào giữa tháng Hai.
Trong bộ mã cùng với các đuôi như "rec_gender" và "rec_sunglasses" là "rec _uygur", đuôi này sẽ hiển thị hồi đáp số 1, nếu phần mềm này tin rằng nó đã tìm thấy một người Duy Ngô Nhĩ. Trong nửa triệu nhận dạng mà các camera đã cố gắng ghi lại, phần mềm này cho rằng nó nhìn thấy những người Duy Ngô Nhĩ 2.834 lần. Các hình ảnh được lưu trữ cùng với bộ mã có các đuôi như trên sẽ cho phép cảnh sát kiểm tra lại.
Yitu và các đối thủ của nó có tham vọng mở rộng ra nước ngoài. Một sự thúc đẩy như vậy có thể dễ dàng đưa phần mềm định dạng sắc tộc vào tay các chính quyền khác, Jonathan Frankle, nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết như vậy.
Một sĩ quan cảnh sát bí mật ở Kashgar.CreditPaul Mozur
Frankle nói "Tôi không nghĩ rằng đó là một sự thổi phồng khi nhìn nhận rằng đây là một mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ. Một khi một quốc gia áp dụng mô hình này theo một cách thức chuyên chế độc đoán nặng nề, nó sẽ sử dụng dữ liệu để cưỡng bức suy nghĩ và các quy tắc theo cách thức sâu rộng hơn nhiều so với những gì mà 70 năm trước đây Liên Xô đã thực hiện. Theo nghĩa này, thì đây là một cuộc khủng hoảng khẩn cấp mà trong đó chúng ta đang dần dần chìm vào cơn mộng du".
Paul Mozur
One Month, 500,000 Face Scans : How China Is Using A.I. to Profile a Minority, The New York Times, 14/04/2019
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 18/05/2019
Paul Mozur là một phóng viên công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải. Ông viết về các công ty công nghệ lớn nhất châu Á, cũng như an ninh mạng, văn hóa internet mới nổi, kiểm duyệt và sự giao thoa giữa địa chính trị và công nghệ ở châu Á. Trước đây ông làm việc cho Tạp chí Phố Wall. @paulmozur
Trung Quốc đang đối diện với những chỉ trích ngày càng tăng về việc nước này đàn áp một số nhóm Hồi giáo thiểu số.
Một người Hồi giáo dẫn dắt buổi cầu nguyện tại tỉnh Tân Cương hồi 2008
Có những cáo buộc nói rằng một lượng lớn những người thiểu số này đang bị đưa vào các trại giam giữ.
Hồi tháng Tám, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc được nghe trình bày rằng có tới một triệu người Hồi giáo Uighur và từ các nhóm Hồi giáo khác có thể đã bị bắt giữ tại vùng Tân Cương ở phía tây Trung Quốc, nói mà họ được cho là đã phải đi "cải tạo".
Cáo buộc do các tổ chức nhân quyền đưa ra, nhưng Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn. Đồng thời, đã có những bằng chứng ngày càng nhiều về tình trạng theo dõi, đàn áp những người sống tại Tân Cương.
Mới đây nhất, giới chức Trung Quốc ra chiến dịch hạn chế các sản phẩm thực phẩm halal tại Tân Cương. Đây là loại thực phẩm được chế biến riêng cho người theo đạo Hồi.
Nhà chức trách coi đây là một phần trong các nỗ lực nhằm tái định hình cuộc sống của người Hồi giáo Uighur ở khu vực miền tây này.
Các đảng viên cộng sản và nhân viên nhà nước cũng được lệnh chỉ nói tiếng Trung ở nơi công cộng thay vì dùng ngôn ngữ địa phương.
Trung Quốc nói họ đang có cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Tân Cương.
Người Uighur là ai ?
Người Uighur là ai ? AFP
Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, là cộng đồng có khoảng 11 triệu người sinh sống tại vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Họ tự coi mình gần gũi với các quốc gia Trung Á về mặt văn hóa và sắc tộc. Ngôn ngữ của họ giống với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur cảm thấy văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.
Tân Cương nằm ở đâu ?
Ở vùng viễn tây Trung Quốc, và là khu vực lớn nhất của nước này.
Tân Cương giáp biên với một số nước, trong đó có Ấn Độ, Afghanistan và Mông Cổ.
Giống như Tây Tạng, đây là vùng tự trị. Tức là về mặt lý thuyết thì Tân Cương có mức độ tự quản nhất định, tách khỏi sự quản lý toàn diện của Bắc Kinh. Nhưng trên thực tế thì cả hai vùng tự trị này đều bị chính quyền trung ương áp dụng nhiều hạn chế.
Trong hàng thế kỷ, vùng tự trị Tân Cương tập trung vào nông nghiệp và buôn bán ; các thị trấn nơi này phát triển thịnh vượng nhờ nằm dọc Con đường Tơ lụa.
Hồi đầu Thế kỷ 20, người Uighur có một giai đoạn ngắn ngủi tuyên bố độc lập, nhưng đã bị tân chính quyền từ Bắc Kinh, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chiếm toàn bộ quyền kiểm soát vào năm 1949.
Chuyện gì đang xảy ra với người dân Tân Cương ?
Vào 8/2018, một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được nghe trình bày rằng có những báo cáo đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đã "biến vùng tự trị Uighur thành một trại giam giữ khổng lồ". Có khoảng một triệu người có thể đã bị giam giữ, ủy ban nhân quyền được cho biết.
Các báo cáo được sự hậu thuẫn của các nhóm hoạt động nhân quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng những người có họ hàng người thân ở 26 quốc gia bị coi là "nhạy cảm" như Indonesia, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị gom lại.
Bất kỳ ai có liên hệ với người ở nước ngoài thông qua WhatsApp cũng bị rơi vào tầm ngắm, theo HRW.
Các nhóm nhân quyền cũng nói những người bị bắt giam bị buộc phải nói tiếng Hoa, phải thề trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, và phải chê bôi hoặc từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình.
HRW nói người Uighur bị giám sát chặt chẽ, từ việc bị theo dõi bằng camera nhận diện cho tới quét mã QR ở cửa nhà để giới chức biết được có ai ở trong nhà vào bất kỳ thời điểm nào.
Tin tức cũng nói người dân bị buộc phải đi làm xét nghiệm sinh trắc.
BBC biết được những gì ?
Truyền thông hầu như bị cấm hoàn toàn ở vùng Tân Cương, cho nên việc có được các bản tin tường thuật do phóng viên tự thực hiện là rất khó khăn.
Tuy nhiên, BBC đã tìm cách tới thăm được nơi này một số lần và đã thấy những bằng chứng về các trại giam và sự hiện diện dày đặc của cảnh sát ở mọi cấp độ. Cảnh sát kiểm tra, tìm kiếm các thông tin nhạy cảm trong điện thoại di động của người dân.
Chương trình bản tin đêm của BBC, BBC Newsnight, cũng đã phỏng vấn các cựu tù nhân, những người đã tới được các nước khác. Họ nói như sau :
"Họ không cho tôi ngủ, họ treo tôi lên hàng giờ đồng hồ và đánh tôi. Họ có gậy gỗ và gậy cao su, có roi làm từ dây kẽm xoắn, có mũi kim chọc lên da, có kìm rút móng tay. Tất cả đều được bày trên bàn trước mặt tôi, sẵn sàng đem ra dùng vào bất kỳ lúc nào. Tôi cũng nghe thấy có những tiếng người la hét nữa". - Omir
"Lúc đó là giờ ăn tối. Có ít nhất 1.200 người cầm trên tay bát nhựa không - họ phải hát các bài ca ngợi người Trung Quốc để được cho ăn. Họ giống như robot vậy. Họ dường như đã mất hết cả tinh thần. Tôi biết rõ nhiều người trong số họ - chúng tôi từng ngồi ăn với nhau, nhưng nay họ xử sự như thể họ không nhận biết được là họ đang làm gì. Giống như người bị mất trí nhớ sau vụ tai nạn xe hơi vậy". - 'Azat'
Người Uighur có các hoạt động bạo lực ?
Trung Quốc nói họ đang phải đối phó với mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy có một số người Uighur Hồi giáo đã gia nhập nhóm tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng các tổ chức nhân quyền nói tình trạng bạo lực ở Tân Cương bắt nguồn từ việc Trung Quốc đàn áp người dân nơi này.
Trong 2009, các cuộc bạo lực ở thủ phủ Urumqi đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng, hầu hết là người Hán. Kể từ đó, đã xảy ra nhiều vụ tấn công, trong đó có vụ nhắm vào một đồn cảnh sát và các văn phòng chính quyền hồi 7/2014, khiến ít nhất 96 người thiệt mạng.
Các vụ tấn công bị quy là do phe ly khai Tân Cương thực hiện cũng đã diễn ra ở bên ngoài khu vực - hồi 10/2013, một chiếc xe hơi đã lao vào đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.
Vụ tấn công bằng dao tại Tân Cương hồi 2/2017. AFP
Cuộc trấn áp mới nhất của chính quyền diễn ra sau khi có năm người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao tại Tân Cương hồi 2/2017. Khi đó, Bí thư Tân Cương là Trần Toàn Quốc thúc giục các lực lượng chính quyền là hãy "chôn xác bọn khủng bố trong cuộc chiến biển người".
Trung Quốc nói gì ?
Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva 8/2018, quan chức Trung Quốc Hồ Liên Hợp nói các báo cáo về việc cả triệu người Uighur bị giữ trong các trại cải tạo là "hoàn toàn không đúng sự thực".
Tuy nhiên, trong tháng Chín, một quan chức Trung Quốc nói với các phóng viên bên lề kỳ họp của Liên hiệp quốc tại Geneva rằng Trung Quốc đã thành lập "các trung tâm huấn luyện, giáo dục chuyên nghiệp".
Trung Quốc hiếm khi đưa ra những giải thích công khai về việc họ xử lý tình hình ở Tân Cương như thế nào. Và bởi Bắc Kinh kiểm soát việc tới Tân Cương nên mọi người rất khó nhận được thông tin công bằng về những gì đang xảy ra tại đó.
Số phận bí ẩn của một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc
Thế giới làm những gì ?
Ngày càng nhiều chỉ trích quốc tế về cách hành xử của Trung Quốc đối với người Uighur Hồi giáo, nhưng vẫn chưa có nước nào có hành động gì ngoài việc ra tuyên bố chỉ trích.
Trước khi thủ tướng Theresa May tới thăm Trung Quốc hồi tháng Giêng và tháng Hai 2018, chính phủ Anh nói sẽ tiếp tục quan ngại về việc người Hồi giáo ở Tân Cương bị đối xử ra sao.
Tại Mỹ, một ủy ban của quốc hội chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc thúc giục chính quyền ông Trump hãy áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức và công ty có liên quan tới "cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra" tại Tân Cương.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cũng đòi phải để các quan sát viên tới Tân Cương, là đòi hỏi khiến Bắc Kinh giận dữ.
Roland Hughes
Nguồn : BBC, 10/10/2018
Mỹ điểm mặt Trung Quốc trong số nước âm mưu xen vào bầu cử Mỹ 2018 (RFI, 20/08/2018)
Lần đầu tiên Trung Quốc bị Mỹ điểm mặt về mưu toan xen vào bầu cử Mỹ trong năm nay. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm qua, 19/08/2018, đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc trong số 4 nước bị ông cho là "tìm cách can thiệp" vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2018. Lời xác định của ông Bolton đã làm rõ hơn một tin nhắn về cùng một chủ đề của tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton. (Ảnh tư liệu chụp ngày 27/06/2018). Alexander Zemlianichenko/Pool via Reuters/File Photo
Hôm thứ Bảy 18/08, trong loạt tin nhắn twitter của mình, tổng thống Mỹ Donald gởi đi một thông điệp mang nội dung như sau : "Tất cả bọn ngốc đang chăm chú vào nước Nga, phải bắt đầu nhìn về hướng khác, hướng Trung Quốc".
Theo AFP, thoạt đầu không ai để ý tuyên bố này cho đến khi, qua hôm sau Chủ Nhật, trả lời phỏng vấn của đài tuyền hình Mỹ ABC, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tố cáo một loạt bốn nước - Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên - là đã tìm cách ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Ông Bolton không cho biết chi tiết cụ thể nhưng khẳng định bốn nước nói trên "đe dọa an ninh Mỹ" và là "mối bận tâm hàng đầu" của chính phủ Mỹ trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay 2018.
Tổng thống Donald Trump tố New York Times "truy bức"
Vào lúc cố vấn Bolton của ông tỏ ý quan ngại về việc nước ngoài, trong đó có Nga, mưu toan xen vào bầu cử Mỹ, trong một loạt "tweet", tổng thống Mỹ than phiền về việc bị biến thành nạn nhân của chủ thuyết McCarthy, tên của thượng nghị sĩ bảo thủ trong thập niên 1950, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù Cộng Sản.
Thực ra, chủ nhân Nhà Trắng nhắm vào Robert Mueller công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra về nghi án thông đồng với Nga trong mùa bầu cử 2016. Từ Hoa Kỳ, thông tín viên Eric de Salve tường thuật :
Tổng cộng, trong buổi sáng Chủ Nhật, tổng thống Donald Trump đã gửi tổng cộng 7 dòng tweet bằng chữ in hoa và hàng loạt dấu chấm than để lên án điều mà ông gọi là sự trở lại của chủ thuyết McCarthy : "Với Muller và băng đảng của ông ta, chúng ta đang ở trong thời kỳ mà McCarthy (nếu còn sống) chỉ là kẻ tập sự".
Theo tổng thống Donald Trump, cuộc điều tra của chưởng lý đặc biệt Robert Mueller về nghi án ban tham mưu vận động tranh cử của ông thông đồng với Nga, báo hiệu sự trở lại của chủ thuyết chống cộng đa nghi do thượng nghị sĩ bang Wisconsin, McCarthy chủ xướng trong thập niên 1950, thời chiến tranh lạnh. "Chủ thuyết McCarthy thứ tồi tệ nhất", tổng thống Donald Trump khẳng định như vậy.
Vì sao chủ nhân Nhà Trắng nổi giận ? Một bài báo của New York Times cho biết một luật sư của Nhà Trắng, Don McGahn, đã "thành khẩn" hợp tác với chưởng lý Robert Mueller trong 30 tiếng đồng hồ bị thẩm tra trong suốt thời gian 9 tháng.
Tức giận, tổng thống Donald Trump cho đây là tin thất thiệt. Ông giải thích : "Chính tôi cho phép Don McGahn và những người khác nữa ra làm nhân chứng... Tôi không có gì phải che giấu. Tôi đòi hỏi điều tra minh bạch để chiến dịch truy bức dàn dựng và tồi tệ này kết thúc".
Cũng qua mạng xã hội, New York Times trả lời là hoàn toàn ủng hộ hai nhà báo là tác giả bài báo đồng thời là khôi nguyên giải thưởng cao quý Pulitzer. Nhiều nhà báo thường xuyên bị Donald Trump chỉ trích đích danh vì các bài viết bị đánh giá là phê bình quá lố.
Tú Anh
****************
Bàn tay mật vụ Trung Quốc ở hải ngoại : Trường hợp người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 20/08/2018)
Bị tố cáo trước Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Chống Phân Biệt Chủng Tộc hôm 10/08/2018 về việc đưa cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào các trại cải tạo khác nhau, Trung Quốc đã gay gắt phủ nhận các cáo buộc.
Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra tại thành phố Kashgar (Khách Thập - Tân Cương - Trung Quốc). Ảnh minh họa chụp ngày 26/06/2017. AFP
Tranh cãi bùng lên đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế đến chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ - đa số theo Hồi Giáo - ở Tân Cương. Đặc biệt trong những ngày qua, ngày càng có thêm những phóng sự điều tra cho thấy là không chỉ nhắm vào sắc dân thiểu số này ở trong nước, guồng máy an ninh, mật vụ Trung Quốc còn vươn ra khắp nơi trên thế giới để kềm kẹp những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, từ Châu Âu cho đến Hoa Kỳ.
Trong một phóng sự dài công bố hôm 16/08, hãng tin Pháp AFP đã dựa theo lời chứng của một số người Duy Ngô Nhĩ hiện sống tại Pháp để vạch trần các hành vi và thủ đoạn mà mật vụ Trung Quốc sử dụng để kiểm soát, đe doạ và trấn áp những thành viên cộng đồng này ngay cả khi họ cư ngụ ở nước ngoài.
WeChat : Công cụ để hù dọa
Theo lời những nhân chứng này mà AFP giữ kín tên tuổi để tránh gây phiền hà cho họ, thì họ thường xuyên nhận được các cuộc gọi và tin nhắn bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ hay tiếng Hoa thông qua các ứng dụng như WeChat, phiên bản Trung Quốc của mạng Whatsapp. Theo những nhân chứng này, thì tác giả các cuộc gọi hay tin nhắn là công an ở quê họ tại Tân Cương.
AFP đã được xem qua một số tin nhắn hoặc ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện bằng tiếng Hoa, cho thấy những câu hỏi gần như là mệnh lệnh như : "Đã tốt nghiệp rồi phải không ? Hãy gởi cho chúng tôi địa chỉ hiện tại và chỗ làm của bạn đi ! Gởi luôn bằng cấp nữa !" Cũng có câu hỏi như : "Tại sao không gửi ảnh ?".
Theo hãng tin Pháp, ngay trong lúc nói chuyện với AFP, một trong những người chứng Duy Ngô Nhĩ đó đã nhận được một trong những tin nhắn nói trên.
Một cô gái Duy Ngô Nhĩ mà AFP gọi dưới tên giả là Mariem giải thích : "Họ (tức là mật vụ Trung Quốc) muốn biết nơi tôi sống, những gì tôi làm, nơi tôi đi vào cuối tuần... Họ muốn tôi cung cấp thông tin về người Duy Ngô Nhĩ sống ở đây. Họ đã đe dọa gia đình tôi, để rốt cuộc chính gia đình tôi phải cầu xin tôi làm theo những gì họ muốn".
Theo cô Mariem, gia đình cô đã trả một giá đắt : một người anh của cô đã bị bắt và giam giữ mà không cần qua xét xử, và một người thứ hai thì tự nhiên bặt tin. Cô cho biết là không còn liên lạc được với người thứ hai này, và khi dò hỏi thì cô chỉ có các thông tin mâu thuẫn nhau, cho nên cô nghĩ người anh đó cũng đã bị đẩy vào trại cải tạo.
Dùng gia đình ở Tân Cương để bắt bí người thân ở ngoại quốc
Phương thức dùng người thân trong nước để gây sức ép trên người nhà ở ngoại quốc rất phổ biến.
Anh Nijat, người đã đến Pháp vào năm 2007 với visa sinh viên, đã quyết định hủy tài khoản WeChat của mình sau khi bị gọi lần đầu tiên : một người tự nhận là công an đã buộc anh phải gởi về một bản sao hộ chiếu, thẻ cư trú tại Pháp, v.v… : "Hắn nói rằng nếu tôi không hợp tác, gia đình tôi sẽ gặp vấn đề".
Hiện nay Nijat không biết chuyện gì xảy ra với em gái và bố mẹ mình. Cha mẹ Nijat đã yêu cầu người anh trai của anh ở Canada ngừng gọi về : "Em gái tôi thường xuyên bị thẩm vấn".
Đối với Thierry Kellner, một nhà nghiên cứu tại đại học Bỉ Université Libre de Bruxelles, thì việc giám sát đó không chỉ dành riêng cho người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, mà ở mọi nơi : "Đó là một thực tế rất phổ biến, ở Bỉ chẳng hạn".
Trả lời AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết họ "không có thông tin về một tình hình như vậy". Một phát ngôn viên Trung Quốc khẳng định với AFP rằng : "Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền và đời sống riêng tư hợp pháp của công dân theo luật pháp".
Adil, một thanh niên Duy Ngô Nhĩ vốn đã phải rời Thổ Nhĩ Kỳ để qua Pháp tị nạn, cũng rất lo ngại cho gia đình anh ở Tân Cương. Adil đã phải bỏ Thổ Nhĩ Kỳ vì đất nước từng theo truyền thống bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ, rốt cuộc đã cam kết với Bắc Kinh vào mùa hè năm ngoái là sẽ loại bỏ các lực lượng "chống Trung Quốc" trên lãnh thổ của mình.
Là người đã được cấp quy chế tị nạn chính trị ở Pháp, Adil đã cho AFP xem ảnh của người bà và anh trai của anh mà anh cho là đang "bị giam giữ trong trại cải tạo". Anh tỏ ý rất tiếc là không biết chuyện gì đã xảy ra với anh trai và người bạn mà anh đã bỏ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Antoine, người phiên dịch giúp Adil trong cuộc gặp với AFP giải thích thêm : "Chúng tôi không thể và cũng không muốn gọi về vì không muốn đưa gia đình vào tình trạng nguy hiểm". Là người đã sống ở Pháp từ 19 năm nay, Antoine rất phẫn nộ trước việc "người Trung Quốc đến chiếm Tân Cương để giành lấy tài nguyên phong phú (dầu mỏ, khoáng sản)", và "giam cầm vô cớ" cũng như "tước bỏ mọi quyền" của người thiểu số tại đấy.
Gia hạn hộ chiếu : Vũ khí để gây sức ép
Những người được AFP phỏng vấn cũng đề cập đến thủ đoạn "bắt bí bằng hộ chiếu".
Theo cô Mahire, một người chứng khác : "Đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, vấn đề chính hiện nay là việc không đổi được hộ chiếu" khi hết hạn.
Đây cũng là lo ngại của một nữ sinh viên người Duy Ngô Nhĩ đã qua Pháp từ mười năm nay. Dù ở cách quê hương Tân Cương của mình gần 7.000 cây số, cô vẫn cảm thấy bàn tay của chính quyền Trung Quốc đè nặng lên mình : Hộ chiếu cô sắp hết hạn, nhưng vấn đề là Bắc Kinh không muốn gia hạn.
Trả lời RFI, cô giải thích : "Hãy tưởng tượng rằng bạn không có hộ chiếu ; nếu thế thì làm sao bạn có thể gia hạn thẻ cư trú được ? Chúng tôi rất cần hộ chiếu, không có nó thì chúng tôi phải làm sao ? Vì nếu không thể gia hạn giấy tờ tùy thân, chúng tôi không thể đi làm, không thể làm gì cả".
Theo các chuyên gia, việc gây rắc rối đó là nhằm buộc những người Duy Ngô Nhĩ đang sống ở ngoại quốc trở về Trung Quốc, để đưa họ vào các "trung tâm cải tạo".
Khi AFP đặt câu hỏi về vấn đề này, bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời rằng "việc cấp hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân Trung Quốc là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc", và được tiến hành trong các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài "phù hợp với khuôn khổ luật định".
*****
Đọc thêm : Điểm báo RFI ngày 21/03/2018
Vấn đề truy bức, kềm kẹp người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài từng được báo Pháp Le Monde nêu bật trong một bài viết ngày 21/03/2018 mang tựa đề : "Trung Quốc truy đuổi người Duy Ngô Nhĩ ở Châu Âu như thế nào ?". Theo tờ báo Pháp, Bắc Kinh liên tục làm áp lực đối với cộng đồng này ngay cả khi họ đã phải ra nước ngoài, ở rất xa với Trung Quốc, để sống lưu vong.
Vũ khí gây sức ép của mật vụ Trung Quốc là dọa bỏ tù gia đình họ còn ở lại Tân Cương.
Theo Le Monde : "Ở Paris, Berlin hay Istanbul, những người Duy Ngô nhĩ, dù là đã được nhập quốc tịch của nước đón nhận hay vẫn còn là kiều dân Trung Quốc, tất cả vẫn luôn là mục tiêu của chiến dịch răn đe quy mô chưa từng có của Bắc Kinh".
Le Monde đã tiếp cận được với ít nhất 6 nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ cho biết đã bị mật vụ Trung Quốc gây sức ép, buộc họ làm các việc, như theo dõi cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong, buộc họ không biểu tình chống Trung Quốc hay phải cung cấp tài liệu cá nhân. Thậm chí một số người còn bị dọa đưa trở về Trung Quốc.
Vũ khí gây sức ép của mật vụ Trung Quốc là dọa bỏ tù gia đình họ còn ở lại Tân Cương. Mỗi khi sắp có các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài là họ nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ xử lý, bắt giam gia đình ở trong nước. Mọi hoạt động của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều bị theo dõi rất sát không kém gì ở trong nước.
Abduweli Ayup, một nhà ngôn ngữ học người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết : "Những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cảm thấy lo lắng, bất an, họ không thể liên lạc được với gia đình mình ở trong nước, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người thân của họ bị bỏ tù".
Tương tự, những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Pháp hay Đức, dù đã được nhập quốc tịch nhưng cũng không được yên thân, an toàn. Họ thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa bắt về nước nếu không đáp ứng các yêu cầu của mật vụ Bắc Kinh. Như vậy, gia đình bị chính quyền sử dụng là con tin để gây sức ép truy bức những người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài đất nước.
Trọng Nghĩa