Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hành vi của Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng với một đội tàu hải cảnh hộ tống xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa (Biển Đông) từ tháng 07/2019, đã bị nhiều nước tố cáo, đi đầu là Hoa Kỳ, kế đến là châu Âu.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng chính quyền Việt Nam cần tranh thủ phản ứng bất bình hiện nay của nhiều nước trên thế giới trước hành vi coi thường luật lệ quốc tế của Trung Quốc đối với Việt Nam, để kiện ngay Trung Quốc ra trước các cơ quan quốc tế, chứ nếu còn chần chờ thì có nguy cơ bị Trung Quốc quật lại, cho rằng Việt Nam đã đồng ý nhượng bộ.

bai0

Vị trí bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

RFI : Nhận định chung của giáo sư về các phản ứng quốc tế đối với hành động xâm lấn của Trung Quốc là như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Phản ứng quốc tế đối với hành động xâm lấn, từ đầu tháng 7, của Trung Quốc ở bãi Tư Chính và các nơi khác trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của (EEZ) của Việt Nam là vừa phải.

Hầu hết các nước đã lên tiếng đều cho đây là việc đe dọa an ninh cho toàn khu vực chứ không chỉ đối với Việt Nam.

RFI : Giáo sư giải thích sao về phản ứng mạnh mẽ khác thường của Mỹ ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là Mỹ lần nầy có phản ứng mạnh mẽ khác thường. Ví dụ như vào ngày 18/8/2019, đại tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không Quân Mỹ, đã phát biểu trong cuộc họp báo tại Hà Nội rằng Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Hà Nội liên quan đến việc tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như "kịch liệt phản đối các hoạt động thách thức chủ quyền của Việt Nam."

Một lý do chính (giải thích thái độ của Mỹ) là trong khi các nước trong khối ASEAN còn đang e dè trước đe dọa của Trung Quốc thì Mỹ, nếu muốn duy trì địa vị siêu cường của mình trên biển, cần có sự hợp tác tích cực của Việt Nam.

Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực và, do đó, có quyền lợi lớn nhất trong khu vực. Nếu Mỹ lơ là Việt Nam thì Mỹ khó có thể vận động các nước trong khu vực bảo vệ an ninh và quyền lợi chung. Việc Việt Nam tuyên bố ngày 22/8/2019 tham gia tập trận hải quân với Mỹ và ASEAN, lần đầu tiên, là một dấu hiệu tích cực.

RFI : Về các phản ứng như của Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu và của nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức), giáo sư thấy có gì nổi bật ?

Ngô Vĩnh Long : Điểm nổi bật trong phản ứng của hầu hết các nước vừa nêu ở trên là không những họ đã chính thức phản đối sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà còn cảnh cáo Trung Quốc về việc bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại trên Biển Đông mà họ cho đó là một phần của cộng đồng toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên có nhiều nước như trên, gần như cùng một lúc, mà đồng tình và đồng thanh như thế.

RFI : Riêng các nước ASEAN có vẻ gần như là im hơi lặng tiếng trước hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam. Giáo sư nghĩ sao về phản ứng của ASEAN ?

Ngô Vĩnh Long : Thông cáo chung của cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 cuối tháng 8 vừa qua ở Bangkok lần đầu tiên có tỏ quan ngại về "những sự cố nguy hại trên khu vực" (serious incidents in the area) Biển Đông vừa qua.

Như thế là mạnh dạn lắm rồi, vì có một số nước ASEAN, trong đó có Phillippines và Malaysia, bị Trung Quốc chi phối vì lợi ích kinh tế và thương mại.

RFI : Về đối sách của Việt Nam, giáo sư nhận định như thế nào về những phản ứng của Việt Nam, đăc biệt trong vấn đề vận động dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam ?

Ngô Vĩnh Long : Có thể chính phủ Việt Nam có vận động ngầm mà không thông tin cho dân chúng và báo chí biết. Việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 và một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đến bãi Tư Chính từ ngày 3 tháng 7, nhưng chính phủ Việt Nam không đưa tin tức gì về việc nầy hết làm cho người ta thấy là dường như Việt Nam đã e ngại trong việc vận động công khai.

Gần hai tuần sau, vì có một số thông tin từ các nguồn bên ngoài, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Việt Nam mới lên tiếng nhưng đến nay vẫn chưa có những thông tin cụ thể đã được đưa ra.

Có thể phía Việt Nam đã đưa tin riêng cho một vài chính phủ trên thế giới để vận động họ. Có thể người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ đã có thông tin từ phía chính phủ Việt Nam khi lên tiếng ngày 22/8/2019 là Mỹ - tôi xin dịch nguyên văn - "ủng hộ Việt Nam chống lại cố gắng của Trung Quốc đang đe dọa các nước muốn khai thác tài nguyên tại Biển Đông."

Nhưng cũng có thể Mỹ đã có thông tin riêng và bắt buộc phải lên tiếng lúc đó vì quyền lợi của chính họ, đặc biệt là muốn Việt Nam tập trận chung với Mỹ và các nước ASEAN trên biển như đã đề cập lúc nãy.

RFI : Theo giáo sư thì cần phải ứng phó như thế nào đối với Trung Quốc ? Cách làm của Việt Nam cho đến bây giờ có thỏa đáng chưa ? Nếu chưa thì cần phải thúc đẩy những điểm nào ?

Ngô Vĩnh Long : Nếu cứ nhượng bộ thì Trung Quốc sẽ càng lấn như đã chứng minh đối với Việt Nam và đối với Philippines gần đây. Philippines dầu sao cũng đã thắng Trung Quốc trên bình diện luật pháp quốc tế với phán quyết của PCA. Đây là thắng lợi không phải riêng cho Philippines, mà còn cho khu vực và thế giới.

Việc Duterte cố tình gác lại phán quyết PCA để làm ăn kinh tế với Trung Quốc là chuyện riêng của ông ấy. Nhưng luật pháp quốc tế là cho quốc tế. Việt Nam nên dựa vào phán quyết của PCA để tranh đấu với Trung Quốc và vận động sự ủng hộ của thế giới. Cùng lúc chính phủ Việt Nam nên vận động hậu thuẫn của nhân dân trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam nên đem Trung Quốc ra trước các cơ quan quốc tế trong khi Trung Quốc còn đang tiếp tục xâm lấn. Nếu không làm gì thì, trước mắt của cộng đồng thế giới, Trung Quốc có thể chứng minh là Việt Nam đã nhượng bộ rồi cho nên họ có giúp đỡ thì cũng chẳng đi đến đâu.

Thật ra Việt Nam cần đem Trung Quốc ra kiện vì, theo UNCLOS, đã xâm phạm quyền chủ quyền (sovereign rights) của Việt Nam khi cho tầu đi vào EEZ của Việt Nam để nghiên cứu và đo đạc. Chính phủ Việt Nam phải cần dựa vào luật pháp và sự ủng hộ của nhân dân trong nước và trên thế giới để bảo vệ an ninh và quyền lợi chung trước sự bành trướng trắng trợn của Trung Quốc.

Và tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là phải làm ngay bây giờ.

RFI : Xin cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Trọng Nghĩa thực hiện

Nguồn : RFI, 30/09/2019

Published in Diễn đàn

Quan ngại về cam kết quân sự của Mỹ ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Jim Mattis từ chức

Ngày 20/12, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis nộp đơn từ chức với lý do khác biệt về quan điểm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đối xử với các đồng minh của Mỹ cũng như các nước cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Bộ trưởng Jim Mattis là người đã đến Việt Nam hai lần trong năm qua, và được coi là điều hiếm thấy. Ông cũng là người nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Sự ra đi của Bộ trưởng Jim Mattis có ảnh hưởng thế nào tới vị thế của Mỹ trong khu vực và quan hệ quốc phòng Mỹ với Việt Nam. Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Giáo sư sử học Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại học Maine, Mỹ.

mattis1 - Copie

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis (phải) và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/10/2018 - AFP

Trước hết, nhận định về sự ra đi của ông Jim Mattis và ảnh hưởng của nó với cam kết của Mỹ trong khu vực Châu Á, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết.

Ngô Vĩnh Long : Trước hết tôi xin nói rằng là ông Mattis không phải ông ấy từ chức. Tôi đã nói nhiều lần là ông ấy không muốn từ chức vì nếu ông từ chức như vậy thì rất là khó khăn cho vấn đề ngoại giao của Mỹ.

Trong hai năm qua, vấn đề ngoại giao của Mỹ là ngoại giao giữa Bộ Quốc phòng với các Bộ Quốc phòng khác cũng như các nước khác vì Bộ Ngoại giao của Mỹ từ khi Trump lên không làm được việc gì. Ông Mattis bắt buộc phải từ chức.

Khi ông Mattis từ chức như vậy thì ảnh hưởng rất lớn cho khu vực Á Châu chứ không phải chỉ riêng đối với Việt Nam. Còn đối với Việt Nam, đúng là trong hai năm qua quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ là quan hệ quân sự. Bộ Quốc phòng quan hệ rất tốt đối với Việt Nam trong khi quan hệ giữa Bộ Ngoại giao có gì đáng kể. Thành ra chuyện từ chức của ông Mattis có ảnh hưởng lớn.

Tại sao tôi nói vậy ? là bởi vì không biết ai sẽ làm Bộ trưởng quốc phòng mới. Nhưng như thư từ chức của ông Mattis thì nói là người Bộ trưởng sắp tới sẽ là người theo ý kiến của ông Trump. Người theo ý kiến của ông Trump thì rất sai lạc và sẽ phá vỡ các quan hệ đã có giữa Mỹ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là giữa Mỹ với các nước ở vùng Đông Nam Á. Mới vừa rồi ông Trump nói là ổng sẽ thay người đứng đầu của quân đội Mỹ, người sẽ đưa vào là người thuộc Bộ binh chứ không phải là Hải quân hay Không quân. Bộ binh thì họ sẽ không ủng hộ chính sách hiện tại với vấn đề Biển Đông hay vấn đề trên biển nên cái đó cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

RFA : Trong chiến lược Quốc phòng của Mỹ, vai trò của Việt Nam đã được đánh giá cao, Phó Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Jim Mattis cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mỹ thời gian qua cũng thực hiện nhiều các chuyến trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu chiến lược đã là như vậy tại sao ông lại có lo lắng này ?

Ngô Vĩnh Long : Trước hết lý do mà Bộ Quốc phòng Mỹ hay ông Phó Tổng thống Pence để ý đặc biệt đến vấn đề Việt Nam vì chính phủ của ông Trump đã làm yếu quan hệ của Mỹ với các nước khác ở vùng Đông Nam Á, vì vậy phải nhờ vào Việt Nam, vì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực Biển Đông. Do vậy Mỹ phải có đồng minh để có cớ cho Hải quân Mỹ đi tới đi lui hay đã đưa các tuyên bố như chúng ta đã thấy. Nhưng trước mắt quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là quan trọng nhưng nó rất yếu vì chỉ có quan hệ đặc biệt với Việt Nam mà không có quan hệ chung với các nước Đông Nam Á thì Mỹ cũng khó có thể làm gì nhiều lắm. Chính sách của Mỹ từ khi ông Trump lên đã làm yếu vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á nếu không muốn nói là ở Á Châu.

RFA : Vậy theo ông sau khi ông Jim Mattis từ chức, liệu Trung Quốc sẽ có những hành động đáng lo ngại nào tại Biển Đông ?

Ngô Vĩnh Long : Trước khi ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ từ chức thì Trung Quốc đã khiêu khích Mỹ mấy lần. Chẳng hạn là cho tàu chiến của Trung Quốc đi sát tàu chiến của Mỹ độ chừng 41 mét thôi. Sau đó một vị tướng Trung Quốc nói rằng nếu tàu của Mỹ mà đi ngang vùng Trường Sa thì họ sẽ đưa ra tàu chặn tàu Mỹ và cho tàu khác đâm vào. Họ nói thẳng như vậy là khiêu khích. Khi mà khiêu khích như vậy thì Mỹ phải có thái độ cứng rắn hoặc Mỹ phải nhờ đồng minh ủng hộ vai trò của Mỹ thế nào nhưng mà trong những tháng qua Mỹ đơn thân độc mã trong khu vực.

Vấn đề rất nguy hiểm là nếu Mỹ đơn thân độc mã mà có đụng độ với Trung Quốc mà các nước khác không ủng hộ thì Việt Nam ra ủng hộ Mỹ trong việc này và Việt Nam lại sông liền sông, núi liền núi, biển liền biển với Trung Quốc thì vấn đề như vậy là khó cho Việt Nam.

RFA : Một số ý kiến cho rằng ông Jim Mattis dường như có thiện chí với Việt Nam và muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Có thông tin cho rằng ông là người đã đề nghị Quốc hội Mỹ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước bị trừng phạt vì mua vũ khí của Nga vì Mỹ muốn Việt Nam mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn là của Nga. Ông đánh giá thế nào về quan điểm của ông Jim Mattis với Việt Nam ?

mattis2 - Copie

Tàu sân bay USS Carl Vinson tới cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018 AFP

Ngô Vĩnh Long : Quan điểm của ông Jim Mattis với Việt Nam cũng trùng hợp với quan điểm của các Bộ trưởng quốc phòng trước. Nói chung trong hơn 10 năm qua, Mỹ dần dần cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Nhưng quan hệ này nó đứng trong bối cảnh chung chứ chỉ Bộ Quốc phòng không thì khó. Còn đối với vấn đề bán vũ khí thì họ đã biết trước là Việt Nam không có khả năng mua vũ khí của Mỹ, vì trước hết rất là đắt, thứ hai là vũ khí của Mỹ không phù hợp với vũ khí mà Việt Nam đã có, đã mua của Nga hay của Liên Xô từ trước. Mỹ biết như vậy nên họ thấy rằng muốn mua vũ khí ở đâu thì mua miễn là Việt Nam có chính sách đối với Mỹ trong vấn đề bảo vệ an ninh khu vực chung là tốt rồi. Quốc hội có thể muốn mua Việt Nam mua vũ khí của Mỹ nhưng tôi nghĩ Bộ Quốc phòng thực tế hơn rất nhiều.

RFA : Theo ông thì thách thức của Việt Nam sắp tới là gì ?

Ngô Vĩnh Long : Từ xưa đến giờ Việt Nam phải cậy vào sức mạnh của mình chứ còn Việt Nam không thể đứng chờ người khác ủng hộ mình thế này thế kia. Ngay khi ông Trump lên thì ông ấy đã rút khỏi TPP thì mình đã biết là Mỹ không có ủng hộ các chính sách đa phương. Nếu Mỹ không ủng hộ chính sách đa phương ở Á Châu và Đông Nam Á thì dù Việt Nam có đơn phương có quan hệ với Mỹ thì Việt Nam cũng yếu.

RFAXin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nguồn : RFA, 21/12/2018

Published in Diễn đàn

Ba đặc khu ở Việt Nam 'có vị trí' trong một 'Trật tự mới' về chính trị và địa chính trị mà Trung Quốc đang thiết lập trong khu vực và ở Biển Đông mà Trung Quốc biết rõ giá trị nên đang 'tạo áp lực mạnh' với Việt Nam, theo một nhà sử học và Trung Quốc học.

dackhu1

Trung Quốc ngày càng khẳng định sức mạnh quân sự của mình ở khu vực đặc biệt trong mười năm trở lại đây

Nếu áp lực này dẫn đến thành công, thì Trung Quốc giành 'thắng lợi', còn nếu Việt Nam 'không chịu khuất phục', thì Trung Quốc sẽ gặp rủi ro là 'mắt xích đầu tiên' của Con đường Tơ lụa trên Biển do Trung Quốc vạch ra và đang thi triển sẽ bị 'đứt đoạn', Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư mùa Hè này ở Warsaw, thủ đô Ba Lan.

"Ba đặc khu ở Việt Nam là một cách mà Trung Quốc làm áp lực với Việt Nam từ đất liền ra biển. Ngoài biển, họ làm áp lực từ Hoàng Sa và Trường Sa, tất nhiên là họ qua cái đó, họ làm cho Việt Nam sợ", nhà nghiên cứu Trung Quốc học nói.

"Nếu Việt Nam sợ mà không dám có ý kiến khác với Trung Quốc, thì những nước khác mà không bị thiệt hại bằng Việt Nam, họ nói anh Việt Nam bị thiệt hại như vậy mà không làm gì, thì tại sao chúng tôi phải đưa cổ ra để chống lại chiến lược của Trung Quốc là bao vây Biển Đông và bao vây Việt Nam".

dackhu2

Giáo sư Ngô Vĩnh Long (phải) phân tích về thế đứng của Việt Nam trong ứng phó trước các chiến lược và trật tự mới của Trung Quốc ở khu vực và Biển Đông

Bình luận về điểm đáng bàn về mặt địa chính trị của ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn trong liên hệ với điều được cho là Trật tự mới Trung Quốc (Pax Sinica), Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :

"Duyên hải của Việt Nam gần như chạy dọc hết vùng Biển Đông, mà Trung Quốc muốn đi qua Ấn Độ Dương và từ Ấn Độ Dương đi sang Phi Châu, sang Âu Châu, thì phải đi qua Biển Đông.

"Bây giờ Trung Quốc muốn bắt nạt Việt Nam, và nếu Việt Nam sợ, mà Trung Quốc có thể chiếm Biển Đông hay là cưỡng bức một phần nào Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ có thể từ đó bành trướng ra các nước khác, mà quan trọng nhất là Việt Nam.

"Trung Quốc phải làm sao để Việt Nam chịu phục tùng và nếu Việt Nam chịu phục tùng, thì họ thắng. Việt Nam không chịu phục tùng thì có thể cái mắt xích đầu của 'Con đường Tơ lụa' trên biển có thể bị đứt".

Hạt nhân Trật tự Trung Quốc và thế đứng Việt Nam

Bình luận về hạt nhân chính trong Trật tự mới của Trung Quốc (Pax Sinica) ở khu vực, đặc biệt liên quan tới Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :

"Ngày xưa Pax Sinica bắt buộc các nước khác là chư hầu theo Trung Quốc, rồi sau này, Trung Quốc là một nước lớn, thì từ Hải Nam đi xuống dưới thì phải qua cửa ngõ của Biển Đông. Mà cửa ngõ ở Biển Đông, cửa ngõ ngoài biển và cửa ngõ trên đất liền là do Việt Nam thủ giữ.

"Thành ra phải làm sao cho Việt Nam chịu mở cửa thì Trung Quốc mới thành công để bành trướng ra các nước khác, đó là lý do tại sao mà Trung Quốc đã rất 'hùng hổ' trong hơn mười năm qua ở vùng Biển Đông".

Trước câu hỏi, nếu trong toàn bộ Trật tự mới đó của Trung Quốc, có một nhân tố nào đó có thể gây ảnh hưởng, rủi ro tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có thế ứng xử và thế đứng ra sao, nhà sử học từ Đại học Maine nói :

"Trước hết Việt Nam không phải là nước độc nhất chống đối Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng trong vấn đề di chuyển của thế giới. Chúng ta đã biết là khoảng 60% hàng hóa di chuyển trên biển là qua vùng Biển Đông.

"90% của tất cả các hàng hóa đó đi dọc theo bờ biển Việt Nam, cho nên thế đứng của Việt Nam là nếu Việt Nam vận động thế giới, hay Việt Nam cho biết rằng thế giới cần Việt Nam để mới có thể có an ninh trên Biển Đông và qua đó là an ninh các khu vực khác, thì các nước khác sẽ ủng hộ Việt Nam.

"Nhưng Việt Nam phải vận động tích cực, chứ không phải là cứ 'thò ra, thụt vào', nếu làm như vậy, mấy nước khác sẽ nói là họ không phải là những nước bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, mà Việt Nam bị đe dọa trực tiếp mà không làm gì, bây giờ họ không có cách gì để làm khác nếu như Việt Nam không ủng hộ họ", Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC tiếng Việt, 06/08/2018

Published in Diễn đàn

Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bế mạc ngày 24/10/2017 tại Bắc Kinh với sự kiện nổi bật là "Tư Tưởng Tập Cận Bình" được chính thức ghi vào điều lệ đảng. Đương kim lãnh đạo Trung Quốc như vậy đã được tôn lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, vì điều lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho đến nay chỉ ghi nhận mỗi tư tưởng của Mao Trạch Đông.

tutuong1

Hình ảnh lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dọc theo một con phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 24/10/2017. Reuters/Aly Song

Tư tưởng Tập Cận Bình là gì, liệu có khả năng gây "sốt" trên thế giới như thời Mao Trạch Đông khi xưa hay không ? RFI đã đặt câu hỏi với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc tại trưởng Đại Học Maine (Hoa Kỳ). Đối với giáo sư Long, "Tư Tưởng Tập Cận Bình", một chủ trương có thể tóm tắt thành "đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài", thể hiện thế mạnh của ông Tập Cận Bình, đã viện đến một phương tiện hữu hiệu để trấn áp đối thủ trong nước trong tương lai.

Nhiều người đã so sánh ông Tập Cận Bình hiện nay, với Mao Trạch Đông trước đây, và tự hỏi là liệu Tư Tưởng Tập Cận Bình có khả năng lan rộng trên thế giới như Tư Tưởng Mao trước đây hay không. Giáo sư Long cho rằng đó là điều khó có thể xẩy ra.

**************

Ngô Vĩnh Long : Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa bế mạc và đã bỏ phiếu hoàn tòan nhất trí với việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ đảng. Tư tưởng này được ông Tập Cận Bình gọi là "chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới", và đã được ông nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn khai mạc đại hội dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

Như ông giải thích, đặc tính của tư tưởng này bao gồm sự siết chặt lãnh đạo của đảng - mà ông Tập Cận Bình là lãnh tụ tối cao - đối với an ninh trong nước, và sự khẳng định với bên ngoài rằng Trung Quốc là một đại cường sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình trước mọi thế lực và mọi thách đố.

RFI : Giới phân tích đều ghi nhận sự kiện là quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố hẳn lên với Đại Hội này. Ý kiến của giáo sư ra sao ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi đồng ý với ghi nhận là quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố hẳn lên với Đại Hội này, vì đây chỉ là lần thứ hai, sau ông Mao Trạch Đông, mà "tư tưởng" của một lãnh tụ đảng đang còn sống được ghi tạc trong hiến pháp của đảng.

Nhưng điều này cũng chứng tỏ rằng ông Tập Cận Bình và phe cánh của ông cảm thấy là quyền lực và chính sách của họ đang còn bị nhiều thách thức, nên họ mới làm như thế để từ đây về sau, nếu có ai chống đối, thì họ sẽ cho là những người này vi phạm điều lệ của đảng - hay "vi hiến" -và do đó, sẽ đem điều lệ của đảng ra mà trừng trị.

Đây có thể là mầm mống của bất bình, hay bất an trong tương lai và sẽ có thể làm cho "tư tưởng Tập Cận Bình" khó thành công, nếu không muốn nói là việc cải cách kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ gặp nhiều trở ngại.

RFI : Từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 5 năm, Trung Quốc đã rất quyết đoán, và không che giấu ý hướng bành trướng. Nay với quyền lực của ông Tập Cận Bình được khẳng định thêm, triển vọng quan hệ giữa Trung Quốc và các láng giềng, trong đó có Việt Nam, sẽ như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là trong 5 năm vừa qua, đảng và nhà nước Trung Quốc đã rất quyết đoán và không che giấu ý hướng bành trướng của mình. Ví dụ như trong diễn văn khai mạc Đại Hội, ông Tập Cận Bình đã khoe khoang là một trong những thành công lớn của Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông, là bành trướng ở Biển Đông.

Do đó, với việc quyền lực được khẳng định thêm trong Đại Hội vừa qua, Tập Cận Bình có thể có ảo tưởng rằng "giấc mơ Trung Quốc" của ông sẽ được thực hiện bằng cách tăng cường "sức mạnh mềm" và "sức mạnh cứng" đối với bên ngoài.

Tôi nói ảo tưởng là vì sự thành công của việc dùng sức mạnh để đàn áp trong nước, không có nghĩa là Trung Quốc có "nội lực thâm hậu" đến mức có thể thành công trong việc bành trướng ra bên ngoài.

RFI : Xin giáo sư giải thích rõ hơn về chỗ yếu đó của Trung Quốc…

Ngô Vĩnh Long : Nói chung thì hiện nay hầu hết các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, đều có những vấn đề nội bộ mà họ cho là ưu tiên cần phải giải quyết. Các nước lớn ngoài khu vực, như Mỹ chẳng hạn, cũng có nhiều vấn đề trong nước cần phải ưu tiên giải quyết. Trung Quốc có thể lầm tưởng là đang có "khoảng không quyền lực" mà Trung Quốc có thể dễ dàng lấp vào.

Nhưng nếu Trung Quốc đẩy mạnh thì tôi nghĩ sẽ có phản ứng. Mà phản ứng của những nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, rất quan trọng, có thể sẽ làm cho Trung Quốc chồn chân - nếu không nói là mất thăng bằng - trong sự nghiệp cải cách và phát triển đất nước của họ. Đối với Biển Đông, nếu Trung Quốc có điên mà chiếm thêm đảo thì họ sẽ bị đảo điên.

RFI : Mọi người đang so sánh Tập Cận Bình với Mao Trạch Đông. Giáo sư nhận định sao ? Có nguy cơ là Tư Tưởng Tập Cận Bình được xuất khẩu giống như Tư Tưởng Mao thời xưa hay không ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình hiện muốn xuất khẩu cái "Tư Tưởng" của ông. Nhưng bây giờ là thời đại khác. Lúc xưa, Mao có thể xuất khẩu tư tưởng của ông là vì lúc đó các nước trên thế giới cảm thấy Mỹ là một nước đế quốc, và Mỹ chống lại các phong trào tại các nước "thế giới thứ ba", đang tìm cách thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc, không chỉ của Mỹ, mà cả của các nước Âu Châu khác…

Bây giờ, lẽ dĩ nhiên là những nước còn đang bị đảo điên, và những nước không muốn có dân chủ vì họ nghĩ rằng dân chủ mang lại tình trạng không có hay thiếu an ninh trong nước..., có khuynh hướng độc tài hơn. Nhưng tôi nghĩ không phải vì thế mà người ta nghĩ đến việc nhập khẩu cái chủ nghĩa, hay là cái tư tưởng Tập Cận Bình, vì đây là một cái tư tưởng "đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài", rất nguy hiểm, mang lại bất an ninh cho thế giới.

Cho nên theo tôi, Tư Tưởng Tập Cận Bình có thể được các nước đã độc tài rồi nhập vào, còn các nước đã dân chủ họ sẽ thấy rằng cái tư tưởng này không thể thành công và không thể áp dụng cho đất nước họ.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFA, 24/10/2017

Published in Diễn đàn