Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/09/2019

Bãi Tư Chính : Việt Nam nên kiện ngay Trung Quốc ra trước quốc tế

Ngô Vĩnh Long

Hành vi của Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng với một đội tàu hải cảnh hộ tống xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa (Biển Đông) từ tháng 07/2019, đã bị nhiều nước tố cáo, đi đầu là Hoa Kỳ, kế đến là châu Âu.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng chính quyền Việt Nam cần tranh thủ phản ứng bất bình hiện nay của nhiều nước trên thế giới trước hành vi coi thường luật lệ quốc tế của Trung Quốc đối với Việt Nam, để kiện ngay Trung Quốc ra trước các cơ quan quốc tế, chứ nếu còn chần chờ thì có nguy cơ bị Trung Quốc quật lại, cho rằng Việt Nam đã đồng ý nhượng bộ.

bai0

Vị trí bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

RFI : Nhận định chung của giáo sư về các phản ứng quốc tế đối với hành động xâm lấn của Trung Quốc là như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Phản ứng quốc tế đối với hành động xâm lấn, từ đầu tháng 7, của Trung Quốc ở bãi Tư Chính và các nơi khác trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của (EEZ) của Việt Nam là vừa phải.

Hầu hết các nước đã lên tiếng đều cho đây là việc đe dọa an ninh cho toàn khu vực chứ không chỉ đối với Việt Nam.

RFI : Giáo sư giải thích sao về phản ứng mạnh mẽ khác thường của Mỹ ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là Mỹ lần nầy có phản ứng mạnh mẽ khác thường. Ví dụ như vào ngày 18/8/2019, đại tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không Quân Mỹ, đã phát biểu trong cuộc họp báo tại Hà Nội rằng Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Hà Nội liên quan đến việc tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như "kịch liệt phản đối các hoạt động thách thức chủ quyền của Việt Nam."

Một lý do chính (giải thích thái độ của Mỹ) là trong khi các nước trong khối ASEAN còn đang e dè trước đe dọa của Trung Quốc thì Mỹ, nếu muốn duy trì địa vị siêu cường của mình trên biển, cần có sự hợp tác tích cực của Việt Nam.

Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực và, do đó, có quyền lợi lớn nhất trong khu vực. Nếu Mỹ lơ là Việt Nam thì Mỹ khó có thể vận động các nước trong khu vực bảo vệ an ninh và quyền lợi chung. Việc Việt Nam tuyên bố ngày 22/8/2019 tham gia tập trận hải quân với Mỹ và ASEAN, lần đầu tiên, là một dấu hiệu tích cực.

RFI : Về các phản ứng như của Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu và của nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức), giáo sư thấy có gì nổi bật ?

Ngô Vĩnh Long : Điểm nổi bật trong phản ứng của hầu hết các nước vừa nêu ở trên là không những họ đã chính thức phản đối sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà còn cảnh cáo Trung Quốc về việc bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại trên Biển Đông mà họ cho đó là một phần của cộng đồng toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên có nhiều nước như trên, gần như cùng một lúc, mà đồng tình và đồng thanh như thế.

RFI : Riêng các nước ASEAN có vẻ gần như là im hơi lặng tiếng trước hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam. Giáo sư nghĩ sao về phản ứng của ASEAN ?

Ngô Vĩnh Long : Thông cáo chung của cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 cuối tháng 8 vừa qua ở Bangkok lần đầu tiên có tỏ quan ngại về "những sự cố nguy hại trên khu vực" (serious incidents in the area) Biển Đông vừa qua.

Như thế là mạnh dạn lắm rồi, vì có một số nước ASEAN, trong đó có Phillippines và Malaysia, bị Trung Quốc chi phối vì lợi ích kinh tế và thương mại.

RFI : Về đối sách của Việt Nam, giáo sư nhận định như thế nào về những phản ứng của Việt Nam, đăc biệt trong vấn đề vận động dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam ?

Ngô Vĩnh Long : Có thể chính phủ Việt Nam có vận động ngầm mà không thông tin cho dân chúng và báo chí biết. Việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 và một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đến bãi Tư Chính từ ngày 3 tháng 7, nhưng chính phủ Việt Nam không đưa tin tức gì về việc nầy hết làm cho người ta thấy là dường như Việt Nam đã e ngại trong việc vận động công khai.

Gần hai tuần sau, vì có một số thông tin từ các nguồn bên ngoài, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Việt Nam mới lên tiếng nhưng đến nay vẫn chưa có những thông tin cụ thể đã được đưa ra.

Có thể phía Việt Nam đã đưa tin riêng cho một vài chính phủ trên thế giới để vận động họ. Có thể người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ đã có thông tin từ phía chính phủ Việt Nam khi lên tiếng ngày 22/8/2019 là Mỹ - tôi xin dịch nguyên văn - "ủng hộ Việt Nam chống lại cố gắng của Trung Quốc đang đe dọa các nước muốn khai thác tài nguyên tại Biển Đông."

Nhưng cũng có thể Mỹ đã có thông tin riêng và bắt buộc phải lên tiếng lúc đó vì quyền lợi của chính họ, đặc biệt là muốn Việt Nam tập trận chung với Mỹ và các nước ASEAN trên biển như đã đề cập lúc nãy.

RFI : Theo giáo sư thì cần phải ứng phó như thế nào đối với Trung Quốc ? Cách làm của Việt Nam cho đến bây giờ có thỏa đáng chưa ? Nếu chưa thì cần phải thúc đẩy những điểm nào ?

Ngô Vĩnh Long : Nếu cứ nhượng bộ thì Trung Quốc sẽ càng lấn như đã chứng minh đối với Việt Nam và đối với Philippines gần đây. Philippines dầu sao cũng đã thắng Trung Quốc trên bình diện luật pháp quốc tế với phán quyết của PCA. Đây là thắng lợi không phải riêng cho Philippines, mà còn cho khu vực và thế giới.

Việc Duterte cố tình gác lại phán quyết PCA để làm ăn kinh tế với Trung Quốc là chuyện riêng của ông ấy. Nhưng luật pháp quốc tế là cho quốc tế. Việt Nam nên dựa vào phán quyết của PCA để tranh đấu với Trung Quốc và vận động sự ủng hộ của thế giới. Cùng lúc chính phủ Việt Nam nên vận động hậu thuẫn của nhân dân trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam nên đem Trung Quốc ra trước các cơ quan quốc tế trong khi Trung Quốc còn đang tiếp tục xâm lấn. Nếu không làm gì thì, trước mắt của cộng đồng thế giới, Trung Quốc có thể chứng minh là Việt Nam đã nhượng bộ rồi cho nên họ có giúp đỡ thì cũng chẳng đi đến đâu.

Thật ra Việt Nam cần đem Trung Quốc ra kiện vì, theo UNCLOS, đã xâm phạm quyền chủ quyền (sovereign rights) của Việt Nam khi cho tầu đi vào EEZ của Việt Nam để nghiên cứu và đo đạc. Chính phủ Việt Nam phải cần dựa vào luật pháp và sự ủng hộ của nhân dân trong nước và trên thế giới để bảo vệ an ninh và quyền lợi chung trước sự bành trướng trắng trợn của Trung Quốc.

Và tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là phải làm ngay bây giờ.

RFI : Xin cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Trọng Nghĩa thực hiện

Nguồn : RFI, 30/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 430 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)