Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/09/2019

Ăn chặn tiền từ thiện : Chuyện không lạ ở Việt Nam !

Diễm Thi

Ăn chặn từ thiện - không mới

Dư luận Việt Nam bày tỏ bất bình trước tin cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tuồn hàng do các đoàn từ thiện tặng cho trung tâm nhân dịp Trung thu, ra bên ngoài khi trời tối và bị phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí. Có 12 người liên quan vụ tuồn hàng ra ngoài, trong đó có 8 cán bộ của trung tâm.

tuthien0

Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (có địa chỉ tại xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội) thường xuyên tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài. PetroTimes, 26/09/2019

Lên tiếng với báo chí trong nước, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật khỏa lấp rằng, việc tuồn ra hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp, nhưng đây chỉ là chuyện "bột phát" của một số cá nhân chứ xưa nay không có chuyện như vậy tại trung tâm này.

Khi sự vụ bị phanh phui và dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ về hành vi của các cán bộ Trung tâm thì Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng yêu cầu thanh tra thành phố làm rõ thông tin trên và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Ông Phạm Chí Dũng, người từng tham gia tổ chức những buổi phát quà từ thiện cho người nghèo vùng sâu vùng xa nói với RFA rằng ông không lạ gì chuyện ăn chặn quà từ thiện. Ông đưa dẫn chứng cụ thể :

"Điều đó không có gì lạ. Đặc biệt là có một chương trình viện trợ của nước ngoài đưa xuống cho các cơ sở ở địa phương gọi là chương trình 135, tức là theo quyết định 135, nhưng tôi đã gặp một chuyên gia nước ngoài và chính ông ta nói rằng nên gọi chương trình đó là chương trình 531.

Tôi bật ngửa hỏi tại sao, ông ta nói là dòng tiền từ cấp trung ương phân tới người dân sẽ qua giai đoạn cấp trung ương, cấp địa phương, cấp xã phường rồi mới tới tay người dân, thì ở trên ăn 5, khâu trung gian ăn 3, tới người dân chỉ còn có 1 mà thôi. Điều đó cho thấy tỷ lệ "ăn uống" trong chương trình từ thiện là rất lớn."

Chương trình 135 là chương trình phát triển kinh tế xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước Việt Nam triển khai từ năm 1998.

Ông Phạm Chí Dũng đưa thêm một trường hợp từ năm 2009, Thụy Điển phát hiện một chương trình ODA của nước này cho một xã ở Hà Tĩnh đã bị thâm lạm tới 40%. Ngay sau đó, Thụy Điển, Đan Mạch và một số nước khác đã cắt hoặc giảm viện trợ ODA cho Việt Nam tới nay.

Tháng 6 vừa qua, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình - ông Nguyễn Trường Sơn - cũng cho biết, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phát hiện một số cán bộ sở này làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn một tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho Quỹ hỗ trợ trẻ em.

Thời điểm đó, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nói với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên :

"Thông tin này thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm vì thực ra trước đây cũng có một vài vụ về chuyện biển thủ tiền như tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền hỗ trợ cho người khuyết tật ở chỗ này chỗ kia…"

Còn bà Nguyễn Mỹ Hạnh, người sáng lập Hội từ thiện "Bác Ái" xác nhận thông tin chính quyền địa phương ăn chặn tiền, quà từ thiện là có, thậm chí lấy luôn hàng từ thiện như bà từng bị :

"Cách đây hơn 3 năm, vùng núi phía Bắc bị nạn rét, chị quyên góp (áo ấm) gửi về cho trẻ em nơi này, nhưng thùng hàng cứu trợ đó bị chặn lại ở cảng Hải Phòng. Cơ quan chức năng trả lời là thùng hàng đó đã bị bể nên không thể đưa người dân vùng núi được. Sau đó mình hỏi hoài nhưng họ không trả lời nữa. Vậy thùng đồ đó hiện đang ở đâu không ai biết."

Bà nói thêm rằng nếu gửi trực tiếp tới dân thì không bao giờ tới tay người nhận, mà thông qua chính quyền địa phương thì bao giờ cũng bị chặn lại. Chính quyền ăn trước, ăn đầu ăn đuôi, còn lại thì mới tới người dân. Mà dân thì cũng chia ra hai loại, bà con thân thuộc của nhân viên công quyền được chia trước, phần còn lại mới tới những người dân đói khổ thực sự.

Ăn bao nhiêu phần trăm ?

Hôm 27/9, đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội do Phó giám đốc Hoàng Thành Thái dẫn đầu đã làm việc với Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Ông Thái cho hay Sở sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát ở các trung tâm, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng hóa từ thiện. Với Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, Sở yêu cầu xử lý đúng người, không bao che, dung túng để làm gương cho cán bộ, nhân viên khác.

Như vậy chuyện các cấp chính quyền ăn chặn hàng, tiền cứu trợ là có thật, nhưng ăn với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm rất khó biết vì đó là những khoản chi không chứng từ. Ông Phạm Chí Dũng khẳng định chuyện ăn chặn như thế này là một hình thức tham nhũng, và hiếm có trường hợp nào "thoát" bị ăn chặn, chỉ có tỷ lệ phần trăm là khác thôi :

"Tình hình từ thiện ở trong nước do người Việt ở nước ngoài gửi về thì cũng bị các xã phường, địa phương thâm lạm rất nhiều. Hiếm có trường hợp nào không tham nhũng.

Đa số những người đi làm từ thiện trực tiếp đều phải dành một phần quà lớn cho chính quyền địa phương là 50%. Nếu là tiền từ thiện chuyển giao cho địa phương để địa phương chuyển đến người dân thì thậm chí có thể mất đến 70%. Điều đó có thể nói là khủng khiếp."

Bà Mỹ Hạnh cũng đưa ra con số tương tự. Bà nói :

"Quà từ thiện hay viện trợ từ nước ngoài gửi về trong nước thì không bao giờ đến được tay người dân. Chị dám chắc như vậy, cho nên khi làm từ thiện ở Việt Nam thì chị phải qua dòng Chúa cứu thế. Khi trao được đến tận tay người dân thì phải chia hết khoảng một nửa cho chính quyền địa phương."

Tuy bị ăn chặn như vậy nhưng bà Hạnh cũng cảm thấy hạnh phúc khi trong nhóm từ thiện thường có cả bác sĩ, nên mỗi chuyến đi từ thiện, ngoài việc trao quà tặng, nhóm của bà còn khám sức khỏe, cắt tóc, cắt móng tay chân, tắm rửa cho trẻ con. Bà đi khắp nơi từ viện dưỡng lão, trẻ cô nhi, trại trẻ tàn tật, viện tâm thần nam, nữ cho đến cả trại phong cùi để giúp họ.

Tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11/9/2013, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (lúc bấy giờ) phát biểu rằng : "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì."

Đã 6 năm trôi qua, câu nói của bà Doan vẫn đúng, mà đúng với cả người già và trẻ tàn tật tại một trung tâm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Thật xót xa !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 30/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 472 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)