Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2017

"Tư Tưởng Tập" sẽ khó xuất khẩu hơn "Tư Tưởng Mao"

Ngô Vĩnh Long

Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bế mạc ngày 24/10/2017 tại Bắc Kinh với sự kiện nổi bật là "Tư Tưởng Tập Cận Bình" được chính thức ghi vào điều lệ đảng. Đương kim lãnh đạo Trung Quốc như vậy đã được tôn lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, vì điều lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho đến nay chỉ ghi nhận mỗi tư tưởng của Mao Trạch Đông.

tutuong1

Hình ảnh lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dọc theo một con phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 24/10/2017. Reuters/Aly Song

Tư tưởng Tập Cận Bình là gì, liệu có khả năng gây "sốt" trên thế giới như thời Mao Trạch Đông khi xưa hay không ? RFI đã đặt câu hỏi với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc tại trưởng Đại Học Maine (Hoa Kỳ). Đối với giáo sư Long, "Tư Tưởng Tập Cận Bình", một chủ trương có thể tóm tắt thành "đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài", thể hiện thế mạnh của ông Tập Cận Bình, đã viện đến một phương tiện hữu hiệu để trấn áp đối thủ trong nước trong tương lai.

Nhiều người đã so sánh ông Tập Cận Bình hiện nay, với Mao Trạch Đông trước đây, và tự hỏi là liệu Tư Tưởng Tập Cận Bình có khả năng lan rộng trên thế giới như Tư Tưởng Mao trước đây hay không. Giáo sư Long cho rằng đó là điều khó có thể xẩy ra.

**************

Ngô Vĩnh Long : Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa bế mạc và đã bỏ phiếu hoàn tòan nhất trí với việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ đảng. Tư tưởng này được ông Tập Cận Bình gọi là "chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới", và đã được ông nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn khai mạc đại hội dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

Như ông giải thích, đặc tính của tư tưởng này bao gồm sự siết chặt lãnh đạo của đảng - mà ông Tập Cận Bình là lãnh tụ tối cao - đối với an ninh trong nước, và sự khẳng định với bên ngoài rằng Trung Quốc là một đại cường sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình trước mọi thế lực và mọi thách đố.

RFI : Giới phân tích đều ghi nhận sự kiện là quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố hẳn lên với Đại Hội này. Ý kiến của giáo sư ra sao ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi đồng ý với ghi nhận là quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố hẳn lên với Đại Hội này, vì đây chỉ là lần thứ hai, sau ông Mao Trạch Đông, mà "tư tưởng" của một lãnh tụ đảng đang còn sống được ghi tạc trong hiến pháp của đảng.

Nhưng điều này cũng chứng tỏ rằng ông Tập Cận Bình và phe cánh của ông cảm thấy là quyền lực và chính sách của họ đang còn bị nhiều thách thức, nên họ mới làm như thế để từ đây về sau, nếu có ai chống đối, thì họ sẽ cho là những người này vi phạm điều lệ của đảng - hay "vi hiến" -và do đó, sẽ đem điều lệ của đảng ra mà trừng trị.

Đây có thể là mầm mống của bất bình, hay bất an trong tương lai và sẽ có thể làm cho "tư tưởng Tập Cận Bình" khó thành công, nếu không muốn nói là việc cải cách kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ gặp nhiều trở ngại.

RFI : Từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 5 năm, Trung Quốc đã rất quyết đoán, và không che giấu ý hướng bành trướng. Nay với quyền lực của ông Tập Cận Bình được khẳng định thêm, triển vọng quan hệ giữa Trung Quốc và các láng giềng, trong đó có Việt Nam, sẽ như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là trong 5 năm vừa qua, đảng và nhà nước Trung Quốc đã rất quyết đoán và không che giấu ý hướng bành trướng của mình. Ví dụ như trong diễn văn khai mạc Đại Hội, ông Tập Cận Bình đã khoe khoang là một trong những thành công lớn của Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông, là bành trướng ở Biển Đông.

Do đó, với việc quyền lực được khẳng định thêm trong Đại Hội vừa qua, Tập Cận Bình có thể có ảo tưởng rằng "giấc mơ Trung Quốc" của ông sẽ được thực hiện bằng cách tăng cường "sức mạnh mềm" và "sức mạnh cứng" đối với bên ngoài.

Tôi nói ảo tưởng là vì sự thành công của việc dùng sức mạnh để đàn áp trong nước, không có nghĩa là Trung Quốc có "nội lực thâm hậu" đến mức có thể thành công trong việc bành trướng ra bên ngoài.

RFI : Xin giáo sư giải thích rõ hơn về chỗ yếu đó của Trung Quốc…

Ngô Vĩnh Long : Nói chung thì hiện nay hầu hết các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, đều có những vấn đề nội bộ mà họ cho là ưu tiên cần phải giải quyết. Các nước lớn ngoài khu vực, như Mỹ chẳng hạn, cũng có nhiều vấn đề trong nước cần phải ưu tiên giải quyết. Trung Quốc có thể lầm tưởng là đang có "khoảng không quyền lực" mà Trung Quốc có thể dễ dàng lấp vào.

Nhưng nếu Trung Quốc đẩy mạnh thì tôi nghĩ sẽ có phản ứng. Mà phản ứng của những nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, rất quan trọng, có thể sẽ làm cho Trung Quốc chồn chân - nếu không nói là mất thăng bằng - trong sự nghiệp cải cách và phát triển đất nước của họ. Đối với Biển Đông, nếu Trung Quốc có điên mà chiếm thêm đảo thì họ sẽ bị đảo điên.

RFI : Mọi người đang so sánh Tập Cận Bình với Mao Trạch Đông. Giáo sư nhận định sao ? Có nguy cơ là Tư Tưởng Tập Cận Bình được xuất khẩu giống như Tư Tưởng Mao thời xưa hay không ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình hiện muốn xuất khẩu cái "Tư Tưởng" của ông. Nhưng bây giờ là thời đại khác. Lúc xưa, Mao có thể xuất khẩu tư tưởng của ông là vì lúc đó các nước trên thế giới cảm thấy Mỹ là một nước đế quốc, và Mỹ chống lại các phong trào tại các nước "thế giới thứ ba", đang tìm cách thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc, không chỉ của Mỹ, mà cả của các nước Âu Châu khác…

Bây giờ, lẽ dĩ nhiên là những nước còn đang bị đảo điên, và những nước không muốn có dân chủ vì họ nghĩ rằng dân chủ mang lại tình trạng không có hay thiếu an ninh trong nước..., có khuynh hướng độc tài hơn. Nhưng tôi nghĩ không phải vì thế mà người ta nghĩ đến việc nhập khẩu cái chủ nghĩa, hay là cái tư tưởng Tập Cận Bình, vì đây là một cái tư tưởng "đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài", rất nguy hiểm, mang lại bất an ninh cho thế giới.

Cho nên theo tôi, Tư Tưởng Tập Cận Bình có thể được các nước đã độc tài rồi nhập vào, còn các nước đã dân chủ họ sẽ thấy rằng cái tư tưởng này không thể thành công và không thể áp dụng cho đất nước họ.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFA, 24/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 832 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)