Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2017

Thách thức kinh tế chờ đợi Tập Cận Bình

Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Hà

Ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực trong tay, giải pháp hiệu quả để khắc phục những lỗ hổng của mô hình kinh tế Trung Quốc ? Hứa hẹn mở của kinh tế cho doanh nghiệp ngoại quốc, cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước và chuyển hướng mô hình phát triển, lấy tiêu thụ nội địa là chủ lực vẫn còn là những khẩu hiệu. Hiện tượng "nợ lớn như thổi" là mối đe dọa cấp bách.

defi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biểu quyết tại phiên bế mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc - Bắc Kinh ngày 24/10/2017. Reuters/Jason Lee

Đại Hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa khép lại, một "Thời đại mới" được mở ra với nhiều thách thức, cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ tổng kết sơ qua về những thành quả kinh tế của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu 5 năm.

*********************

Thành quả chưa có gì đáng kể

Nguyễn Xuân Nghĩa : Từ mươi năm trước, thế hệ lãnh đạo thứ tư sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân là Hồ Cẩm Đào cùng thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói đến bốn nhược điểm của kinh tế Trung Quốc mà tôi xin tóm lược là "bốn không" : Không cân đối, Không phối hợp, Không công bằng và Không bền vững. Lãnh đạo Bắc Kinh muốn sửa sai mà chưa kịp thì thế giới lại bị nạn tổng suy trầm 2008 và kinh tế Trung Quốc sa sút vì mất nguồn lợi xuất cảng vào các thị trường Âu-Mỹ.

Vì vậy, từ cuối năm 2008 Bắc Kinh tăng chi và ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế trong khi chưa giải quyết nổi bốn nhược điểm trên.

Lên lãnh đạo từ sau Đại hội khóa 18 vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình biết rõ bốn nhược điểm này nên nhiều Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương thuộc khóa 18 đề ra nhu cầu cải cách và chuyển hướng. Chủ yếu là bỏ chiến lược lấy đầu tư và xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng mà lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy để tránh những giao động của thị trường bên ngoài.

Nhưng Tập Cận Bình còn thấy ra một nhược điểm thứ năm của Trung Quốc, là quy tắc đồng thuận của lãnh đạo sau tai họa cực quyền của Mao lại dẫn đến sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế, nôm na là nạn tham nhũng, từ trung ương tới các địa phương.

Vì vậy, ưu tiên của họ Tập là diệt trừ tham nhũng để thanh lọc hàng ngũ đảng viên cán bộ đồng thời thanh trừng các phe phái được thế hệ lãnh đạo trước cài lại trong bộ máy đảng, nhà nước và quân đội. Kết quả là cả triệu đảng viên đã bị kỷ luật và việc thanh trừng lên tới cấp ủy viên Bộ Chính Trị khiến nhiều lãnh tụ lãnh án tù chung thân.

Bây giờ, sau khi củng cố quyền lực về trung ương để giải quyết bài toán "không cân đối" và "không phối hợp" và nhân đó tập trung quyền lực vào trong tay bản thân, Tập Cận Bình mới xúc tiến việc cải cách kinh tế đã đề ra. Cho nên, thành quả kinh tế sau 5 năm lãnh đạo của họ Tập thật ra chưa có gì đáng kể".

Con dao hai lưỡi

Cộng đồng quốc tế thận trọng hơn trước những tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh mà ở đó dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 là một công cụ lợi hại. Chính sách America First của Hoa Kỳ dưới thời đại Donald Trump vừa thách đố Trung Quốc, vừa là cơ hội để chủ tịch Tập Cận Bình bảo vệ một mô hình kinh tế toàn cầu hóa, đưa ra hình ảnh của một cường quốc thế giới có trách nhiệm - điển hình là những cam kết chống biến đổi khí hậu từ một quốc gia gây ô nhiễm nhất hành tinh.

Bên cạnh đó, công cuộc "quốc tế hóa" đồng nhân dân tệ, trong mắt các chuyên gia, là một bài tính đầy rủi ro khi Bắc Kinh phải dung hòa hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau : bảo đảm hối suất ổn định và cải tổ hệ thống tài chính.

Cách nay một năm Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã kết nạp thêm đồng tiền Trung Quốc vào rổ tiền tệ của mình, nhưng đến cuối tháng 9/2017, nhân dân tệ vẫn chỉ mới chiếm 0,8 % các khoản dự trữ chính thức trên thế giới.

Tựu chung, tất cả những lĩnh vực vừa nêu vẫn còn dang dở, sau 5 ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Trong bài diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng hôm 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc cam kết không "đóng kín cửa" với các doanh nghiệp ngoại quốc, "bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài" và tất cả các công ty hoạt động trên quê hương ông phải được "đối xử bình đẳng".

Thực tế mà các công ty Âu -Mỹ phải đối mặt hàng ngày khác xa với những lời lẽ trên đây của người Trung Quốc quyền lực nhất.

Các đối tác thương mại chính của Bắc Kinh quá mệt mỏi với chính sách bảo hộ của Trung Quốc. Một nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh ghi nhận : Trước mặt các doanh nhân nước ngoài vẫn là một bức "Vạn lý trường thành".

Về đối nội, hai mục tiêu quan trọng là cải tổ doanh nghiệp nhà nước và "xoay trục" mô hình phát triển, lấy tiêu thụ nội địa làm động lực chính, đến nay, giới phân tích vẫn không trông thấy một thay đổi nào trên cả hai lĩnh vực này.

Theo cơ quan nghiên cứu của Anh, Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn, mục tiêu giảm thiểu vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của khu vực tư nhân từng được cặp bài trùng Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường rao giảng, mới chỉ là những khẩu hiệu trên giấy tờ.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua chủ tịch Trung Quốc đã nỗ lực "củng cố vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, ông coi các công ty quốc doanh là yếu tố bảo đảm cho sự ổn định và quan trọng của guồng máy kinh tế nước nhà".

Chẳng vậy mà Bắc Kinh từ 2013 tới nay liên tục bật đèn xanh cho các đại tập đoàn nhà nước sáp nhập lại với nhau từ lĩnh vực đường sắt đến năng lượng ... Những con "đại bàng" ấy của Trung Quốc bắt buộc các hãng lớn của Âu, Mỹ phải hối hả xét lại chiến lược phát triển.

Gần đây nhất là tháng 7/2017, tập đoàn than đá Shenhua bắt tay với công ty điện lực Guaidion để thành lập đại tập đoàn NEIG đứng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng với tổng số vốn lên tới 1.800 tỷ nhân dân tệ (230 tỷ đô la).

Một thí dụ khác cho thấy Bắc Kinh dưới thời đại Tập Cận Bình đang vun đắp thêm cho các doanh nghiệp nhà nước : các tập đoàn tư nhân như Alibaba của nhà tỷ phú Mã Vân hay tập đoàn công nghệ Tencent được "khuyến khích mạnh mẽ" bỏ vốn "nuôi" tập đoàn viễn thông quốc doanh Unicom.

Chuyên gia Louis Kuijs, thuộc cơ quan dự báo kinh tế Oxford Economics kết luận, với ông Tập Cận Bình "Đảng và Nhà Nước không chỉ đóng vai trò điều tiết các hoạt động kinh tế mà (vẫn) là chìa khóa của cả hệ thống kinh tế Trung Quốc".

Thách thức trong "Thời đại mới" ?

Một vế quan trọng khác của mô hình tế là hiện tượng "nợ lớn như thổi" : Nợ công, của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lên tới 270 % so với tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc. Tỷ lệ này sẽ đạt ngưỡng 290 % vào năm 2022 – tức là khi Tập Cận Bình trên nguyên tắc sẽ chuyển giao quyền lực lại cho thế hệ thứ 6.

Lo ngại vỡ nợ cũng là lời cảnh báo của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, trong ngắn hạn, nợ công có lẽ là vấn đề cấp bách nhất :

Nguyễn Xuân Nghĩa : Chúng ta có bốn cách nhìn sau khi chính Tập Cận Bình gián tiếp nói ra trong báo cáo chính trị dài hơn ba tiếng đồng hồ với những hứa hẹn về Trung Quốc Mộng. Thứ nhất, tai họa ngắn hạn là núi nợ quá lớn do chính sách bơm tiền để kích thích kinh tế sau năm 2008. Trước khi Đại hội khóa 19 khai mạc, thống đốc Ngân Hàng Nhà nước là Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) nói ra mối nguy ấy. Không là ủy viên trung ương mà bề nào cũng sẽ về hưu vì đã 69 tuổi, họ Chu không dám nói ra sự thật ấy nếu không được Tập Cận Bình cho phép, hoặc lại muốn ngồi tù !

Thứ hai và nhìn trong dài hạn thì thách thức lớn nhất của kinh tế Trung Quốc vẫn là tình trạng thiếu cân đối giữa các địa phương, khi các tỉnh duyên hải tăng trưởng nhanh bên các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa. Tập Cận Bình thấy ra vấn đề nên muốn tập trung quyền lực về trung ương để phân phối lại lợi tực cho các địa phương nghèo. Chiến lược lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy cũng nằm trong hướng đó. Nhưng bài toán này nó phức tạp hơn khả năng duy ý chí của Tập Cận Bình. Các thế hệ lãnh đạo thứ ba và thứ tư như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã thấy ra vấn đề và dốc sức đầu tư vào các tỉnh miền trong mà không thành. Tập Cận Bình lập kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ hay sáng kiến về Con Đường Tơ Lụa Mới cũng nằm trong hướng khai thông các tỉnh bị khóa trong lục địa. Nhưng kế hoạch này cần tiền và thời gian trong khi giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình lại gây lo ngại cho nhiều nước.

Thách đố thứ ba, truyền thông nông cạn của Tây phương cứ khen Trung Quốc là vô địch về kinh tế thị trường mà không thấy nền kinh tế này chưa được quy chế "kinh tế thị trường" sau khi đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO/OMC từ năm 2001. Trong khi đó, vì lý do chính trị Tập Cận Bình vẫn giữ chủ trương xây dựng hệ thống kinh tế quốc doanh làm lực chủ đạo và ra sức giới hạn sự bành trướng của khu vực tư doanh. Từ ba tháng nay, các tập đoàn tư doanh bị kiểm soát và cấm đoán ngặt nghèo để chỉ còn một con đường là góp vốn cứu cấp hệ thống quốc doanh mắc nợ, lỗ lã và vỡ nợ hàng loạt. Ta trở lại lời cảnh báo của Chu Tiểu Xuyên.

Nay Tập Cận Bình muốn chiêu dụ tư doanh quốc tế và hứa hẹn cải tổ theo quy luật thị trường thì ta nên quan tâm về tư doanh Trung Quốc, là khu vực năng động nhất mà đang bị bóc lột.

Sau cùng, ta trở về bài toán ngàn đời của xứ này là quan hệ kinh tế giữa trung ương và các địa phương. Khi trung ương tập trung quyền lực thì có ổn định mà không phát triển. Khi trung ương nới lỏng kiếm soát thì các tỉnh phát triển nhanh nhưng lại dẫn tới phân hóa và nội loạn. Ngày nay, Tập Cận Bình đang thâu tóm quyền lực về trung ương nhưng nhiều tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp hương trấn lại địa phương lại bị lỗ lã, bội chi ngân sách và đòi trung ương tung tiền chuộc nợ hoặc bơm thêm tín dụng để cấp cứu. Không giải quyết bài toán kinh tế tài chính này, Tập Cận Bình sẽ lại bị chống phá ngấm ngầm từ bên trong. Dù có 13 bí thư của 31 tỉnh là thuộc phe mình, họ Tập này chưa chắc đã có thể giải quyết được mâu thuẫn đó, cho nên tôi nghĩ việc Trung Quốc sẽ là bá chủ thiên hạ về kinh tế và an ninh chỉ là chuyện "sừng thỏ lông rùa", tức là điều không có thật".

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 24/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)