Tôi chưa từng thấy người bị quỷ ám như thế nào. Tôi cũng chưa từng bị quỷ ám. Nhưng tôi, ở xứ Úc xa xôi này, hiện đang bị Tổng thống Mỹ Donald Trump "ám". Kể từ năm 2015, khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống cho đến nay, hầu như ngày nào tôi cũng nghĩ đến ông và không có tin tức nào liên quan đến ông mà tôi không theo dõi. Nhứt cử, nhứt động và nhứt ngôn của ông, tôi đều chú ý đến. Có những hôm thức giấc giữa khuya, tôi cũng nhớ đến ông, suy nghĩ miên man về "nhân tình thế thái" và trằn trọc mất ngủ. Tôi quan tâm đến ông là bởi vì kể từ khi ông lên làm tổng thống Mỹ đến nay, Hoa Kỳ rơi vào tình trạng tồi tệ chưa từng có trong lịch sử nước này. Cái thế giới trong đó tôi đang sống bỗng trở nên một nơi bất ổn và ít tốt đẹp hơn để sống.
Cháu của Donald Trump, Mary Trump (phải), viết về chú Donald Trump
Tổng thống Trump quả là một hiện tượng kỳ quái của Thế kỷ 21. Đã có không biết bao nhiêu người cố gắng đưa ra những giải thích và lặn sâu xuống dưới bề mặt của hiện tượng để tìm hiểu về ông. Các chuyên gia tâm lý đã xem ông như một đối tượng để nghiên cứu. Một trong những chuyên gia tâm lý đáng tin cậy nhứt trong cuộc nghiên cứu này hẳn phải là bà Mary Trump, người cháu gái của ông. Đã từng ngup lặn trong thâm cung bí sử của gia đình họ Trump, bà xem ông như một đứa trẻ 3 tuổi không bao giờ chịu lớn. Và trong những dòng cuối cùng của cuốn sách viết về người chú mà bà cho rằng chính gia đình bà đã làm cho trở nên "con người nguy hiểm nhứt thế giới", bà viết như sau : "Tính quái ác (monstrosity) của Donald là biểu hiện của sự yếu nhược bên trong mà ông trốn chạy suốt cả đời"(1).
Cách đây vài năm tôi có đem một cậu chó bị bỏ rơi về nuôi. Học hỏi để hiểu những hành vi và phản ứng của cậu, tôi hiểu nhiều thêm về tâm lý con người. Tuy cậu nhỏ con, nhưng mỗi buổi chiều khi dắt cậu đi dạo chơi, nhà tôi phải vất vả vô cùng để kiềm chế cậu, bởi vì hễ gặp bất cứ đối thủ nào to con hơn cậu, cậu cũng đều nhào vô tấn công. Những nhà chuyên môn huấn luyện chó giải thích với chúng tôi rằng cậu chó nhà tôi mắc chứng lo âu và sợ hãi. Tính hung hăng của cậu là một thể hiện của sự "yếu nhược bên trong". Thì ra thế. Tâm lý con người dường như cũng vậy thôi. Những kẻ hung hăng thường là những kẻ yếu nhược. Cũng giống như mấy ông cộng sản : nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Cái nhìn về Tổng thống Trump của một người thân trong gia đình và đồng thời cũng là một chuyên gia tâm lý giúp tôi hiểu được phần nào con người của Tổng thống Trump.
Mới đây, tôi lại đọc được phân tích và giải thích của một người cũng đáng tin cậy không kém. Người đó không ai khác hơn là ông Michael Cohen, một luật sư đã từng sát cánh bên Tổng thống Trump trong suốt 12 năm và được xem là người chuyên dàn xếp (fixer) các vụ lùm xùm trong việc kinh doanh cũng như tai tiếng về tình dục của ông. Trong phần tựa đề cho cuốn hồi ký được dự trù phát hành vào ngày 8/9 tới đây, ông Cohen viết rằng "Trump có khả năng cư xử tử tế, nhưng ông không tử tế. Trump có khả năng đối xử rộng lượng, nhưng ông ta không hào phóng. Trump có khả năng trung thành, nhưng ông ta chỉ thích phản bội" . Cohen phát họa chân dung của ông chủ cũ của mình như sau : "Con người thật của Trump lộ rõ, đó là một kẻ gian manh, côn đồ, lừa đảo, dối trá, kỳ thị chủng tộc, một con thú dữ đói khát sục sạo, tìm kiếm con mồi" (2).
Gần đây, trên một số cơ quan truyền thông của người Việt ở Mỹ mà tôi nghe được trên mạng lưới thông tin toàn cầu, một số nhà bình luận gọi Tổng thống Trump là một người "hồn nhiên". Hồn nhiên như trẻ thơ. Trẻ thơ muốn nói gì thì nói. Trẻ thơ nói mà không biết mình nói gì. Trẻ thơ nói đó rồi chối đó.
"Hồn nhiên" như trẻ thơ thì dĩ nhiên đâu phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình. Nhưng nhận định của ông Cohen trên đây lại cho thấy Tổng thống Trump không hề là một con người "phi luân" (amoral), nghĩa là không có khả năng phân biệt điều thiện và điều ác và như vậy không phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình.
Theo dõi nhứt cử, nhứt động và nhứt ngôn của Tổng thống Trump, tôi đặc biệt chú ý đến một bản tin của báo Huffington Post. Hôm thứ Năm 13/8 vừa qua, trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, thông tín viên kỳ cựu của báo Huffington Post là ông S.V. Date đã hỏi tổng thống Trump rằng trong suốt 3 năm rưỡi vừa qua, ông "có hối hận về tất cả những lời dối trá của ông với nhân dân Mỹ không". Tổng thống Trump hỏi lại : "Ai đã làm thế ?". Người ký giả khẳng định : "Chính ông là người đã làm thế !". Tổng thống Trump ngập ngừng một lúc và thay vì trả lời cho phóng viên Date, ông trỏ tay về hướng các ký giả để yêu cầu đặt câu hỏi khác.
Như một tài liệu thường được trích dẫn, các cuộc kiểm chứng sự kiện do báo The Washington Post thực hiện đã cho thấy kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Trump đã nói dối không dưới 20.000 lần. Theo các sự kiện ghi nhận được, chỉ riêng về đại dịch Covid-19, ông đã nói dối trên 1.000 lần. Hậu quả như thế nào thì cứ nhìn vào con số người Mỹ bị nhiễm và chết vì Covid-19 (3).
Theo dõi tin tức về Tổng thống Trump, tôi xem thái độ ngập ngừng rồi thinh lặng của ông khi bị phóng viên Date dồn vào chân tường là "giây phút của sự thật". Như ông Michael Cohen đã nhận xét, Tổng thống Trump là người có thể cư xử quảng đại và tử tế, nhưng ông đã chọn sự gian manh và độc ác. Điều đó có nghĩa là trong nội tâm sâu kín, cũng như mọi người bình thường, tiếng nói lương tâm của ông vẫn còn hoạt động. Thái độ ngập ngừng và thinh lặng của ông khi bị chất vấn về thói dối trá cho thấy ông vẫn nhận biết rằng dối trá là một điều xấu về mặt đạo đức và nhìn nhận rằng mình đã nói dối. Dù có bị đè bẹp cỡ nào, tiếng nói lương tâm trong ông cũng đã trồi lên để nhắc nhở ông sự thật ấy.
Thái độ của Tổng thống Trump khi bị phóng viên Date chất vấn về thói dối trá lừa bịp của ông làm tôi nhớ lại một câu chuyện trong Kinh Thánh của Do Thái và Kitô giáo. Chuyện kể rằng vua David đã cướp vợ của một viên sĩ quan và dàn cảnh để giết ông. Một vị ngôn sứ đã đến gặp nhà vua và kể câu chuyện về một người phú hộ đã cướp một con bê con vốn là tài sản duy nhứt của một người láng giềng nghèo. Nghe thế, vua David đã đùng đùng nổi giận và hỏi tên phú hộ đó là ai. Vị ngôn sứ mới ôn tồn nói : "Người đó chính là ngài". David đã thinh lặng. Câu nói của vị ngôn sứ như một mũi tên đâm thủng tim ông. Kể từ đó, người được Thiên Chúa "tuyển chọn" (The Chosen One) đã nổi tiếng vì sự sám hối của ông. Các tín đồ Kitô giáo Mỹ và nhứt là những người đồng đạo công giáo của tôi hẳn cũng đã thuộc nằm lòng câu chuyện này. Có bao giờ người ta tự hỏi : liệu hối hận và sám hối có trong tự điển của người được Thiên Chúa "tuyển chọn" là tổng thống Trump không ?
Tổng thống Trump nhận biết nói dối là một điều xấu và thinh lặng như một thừa nhận mình đã nói dối. Vậy thì tại sao vẫn có nhiều người, mặc dù biết rõ ông là một kẻ dối trá, vẫn chạy theo ông, tôn sùng ông, sống chết cho ông ? Đây cũng là một hiện tượng kỳ quái trong Thế kỷ 21 này.
Hiện tượng này làm tôi liên tưởng đến vở kịch nổi tiếng có tựa đề "Tê Giác" (Rhinocéros) của nhà văn Pháp gốc Romania Eugène Ionesco (1909-1994). Vở kịch mở đầu với cảnh nhân vật chính là ông Beranger đang ngồi tán gẫu với bạn bè trong một quán cà phê trong thành phố thì bỗng dưng một con tê giác xuất hiện. Nhiều người bắt đầu lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra trong thành phố. Ngày hôm sau, một người phụ nữ hớt ha hớt hãi chạy đến sở làm của ông Beranger để báo tin rằng chồng bà, một nhân viên của sở, đã biến thành một con tê giác. Sau đó, Beranger đến thăm một người bạn thân và nhận thấy giọng nói và cử chỉ của ông đều thay đổi. Nhìn kỹ, Beranger còn thấy trán của người bạn đã bắt đầu mọc sừng và dần dần biến thành một con tê giác. Khiếp quá, Beranger bỏ chạy. Không bao lâu con số cư dân trong thành phố biến thành tê giác ngày càng nhiều. Ngay cả ông chủ của Beranger cũng quyết định biến thành tê giác để gia nhập vào đám đông. Trong thành phố chỉ còn lại 2 người chưa chịu nhập đoàn tê giác là Beranger và người tình của ông là nàng Daisy. Nghĩ rằng họ là những người duy nhứt còn lại trên trên trái đất, Beranger và Daisy nhận ra sứ mệnh cao cả của họ là phải tiếp tục làm người để duy trì dòng giống loài người trên trái đất. Nhưng Daisy bắt đầu hồ nghi về sứ mệnh ấy. Rồi cũng như mọi người trước đó, cô quyết định biến thành tê giác để gia nhập vào đoàn người hóa thú. Chỉ còn lại một mình, Beranger định bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, ông cương quyết sống với nhân phẩm, cá tính và những giá trị đạo đức. Câu nói cuối cùng trong vở kịch "Tê giác" của nhà văn Ioneso là "Tôi không đầu hàng" (Je ne capitule pas).
Áp phích quảng cáo Vở kịch "Tê Giác" (Rhinocéros) của Eugène Ionesco (1909-1994)
Với vở kịch "Tê giác", hẳn nhà văn Ionesco muốn ám chỉ đến những con quái vật như Hitler và Stalin và cả một đám đông khổng lồ tình nguyện hóa thú để chạy theo chúng. Nhìn vào những gì đang diễn ra trong các chế độ độc tài, chuyên chế và dân túy hiện nay tôi thấy vở kịch của nhà văn Ionesco vẫn còn mang tính thời sự. Do ngu dốt, mù quáng, cuồng tín... con người tự nguyện hóa thú để chỉ được ăn những chiếc bánh vẽ. Đến lúc nhận ra mình được cho ăn bánh vẽ thì đã muộn và chỉ còn biết chua xót thốt lên như thi sĩ Chế Lan Viên : "Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn cầm lên nhấm nháp".
Vở kịch "Tê giác" của nhà văn Ionesco còn gợi lên cho tôi một chân lý sâu xa về con người. Con người chỉ thực sự là người khi họ dám đứng thẳng bằng đôi chân của phẩm giá, của những giá trị đạo đức và sẵn sàng tuyên bố không đầu hàng trước những sức mạnh của sự Dữ như dối trá, gian manh, lừa đảo, hận thù...
Chu Văn
(18/08/2020)
1. Mary Trump, Too Much and Never Enough, How my Family Created the Wold’s Most Dangerous Man, trg 268.
2. Michael Cohen, "Bất trung, Lời nói đầu: Con người thật của Donald Trump"
3. Trump had no response when asked if he regrets all his lies