Tiểu bang South Carolina vốn là "căn cứ địa" của bà Haley, đã hai lần bầu bà làm thống đốc, vậy mà bà thất bại.
Vấn đề chính mà ông Trump phải quan tâm là : Làm cách nào chinh phục được những cử tri đã từng theo bà Nikki Haley sẽ quay sang ủng hộ mình ? Con số 40% không phải nhỏ !
Bà Nikki Haley chắc không biết Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng bà cũng theo một phương châm như cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa : Làm chính trị thì phải lì.
Thứ Bảy vừa qua bà Haley thua ông Donald Trump một lần thứ tư sau 6 tuần lễ giao đấu, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc. Ông Trump là ứng cử viên Cộng Hòa đầu tiên, dù không ngồi trong Tòa Bạch Ốc, đã thắng bốn trận bỏ phiếu sơ bộ trong đảng ở Iowa, New Hampshire, Nevada, và South Carolina và luôn luôn đạt được số phiếu trên 50 phần trăm.
Trong trận đầu tại Iowa, bà Haley chỉ được phiếu của 15% các cử tri Cộng Hòa và 34% các cử tri độc lập, phải đứng hàng thứ ba. Trong các trận sau, bà leo lên hàng thứ nhì nhờ ông Ron DeSantis, thống đốc Florida,bỏ cuộc. Tại New Hampshire, 74% các cử tri Cộng Hòa ủng hộ ông Trump, bà Haley chỉ có 25% ; nhưng bà đã được 43% số phiếu nhờ nhiều cử tri ngoài đảng Cộng Hòa. Tại Nevada, ông Trump không tham dự, nhưng số người bầu cho bà Haley thấp hơn cả số lựa chọn "không bầu ai hết", chênh lệch đến 30% !
Tiểu bang South Carolina vốn là "căn cứ địa" của bà Haley, đã hai lần bầu bà làm thống đốc, vậy mà bà thất bại. Bà thua đậm tại "tiểu bang nhà" với tỷ số 40% - 60% mặc dù đã xuất hiện nhiều lần nhất, tiêu nhiều tiền quảng cáo nhất so với các trận đấu trước. Các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa xưa nay vẫn đều thắng sơ bộ tại tiểu bang mình, dù đó là trận thắng duy nhất. Đó là các ông Ted Cruz và John Kasich, đối đầu với ông Trump năm 2016 ; John McCain năm 2000, Newt Gingrich năm 2012.
Các cử tri Cộng Hòa chiếm 68% số người đi bỏ phiếu sơ bộ tại South Carolina, trong số đó 70% ủng hộ ông Trump ; gồm cả hai nghị sĩ và hầu hết các dân biểu Cộng Hòa, kể cả Dân biểu Nancy Mace mà bà Haley đã hỗ trợ để qua mặt một đối thủ được ông Trump ủng hộ. Bà Haley chiếm được 40% số phiếu nhờ những cử tri độc lập hoặc có khuynh hướng đảng Dân Chủ muốn chống ông Trump.
Theo điều lệ của đảng Cộng Hòa, ai thắng sẽ được quyền chọn các đại biểu đi dự đại hội toàn quốc. Ông Trump sẽ được chọn 44 đại biểu South Carolina, bà Haley không được người nào.
Trận đấu sắp tới sẽ diễn ra tuần sau trong ngày "Siêu Thứ Ba" (Super Tuesday) khi 15 tiểu bang chọn một nửa số đại biểu sẽ tham dự đại hội đảng Cộng Hòa. Ông Trump có triển vọng sẽ chiếm được 90%, như báoNew York Times tiên đoán. Đến ngày 19 tháng Ba là trễ nhất ông Trump sẽ thu được đủ đa số đại biểu để được tấn phong làm ứng cử viên của đảng, sau các cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Michigan, Minnesota, Colorado, Utah, Virginia, đến Washington, D.C., North Carolina và Massachusetts.
Đứng trước tình thế khó thắng lợi như thế, Nikki Haley đã dùng món võ lợi hại nhất, thuyết phục các cử tri rằng nếu họ chọn ông Trump đối đầu với ông Biden thì đảng Cộng Hòa sẽ thua lần nữa, như đã thất bại năm 2020.
Bà Haley giải thích rằng ông Trump muốn làm tổng thống lần nữa chỉ vì "Đó là một cách tự vệ, để tránh các chi phí và thoát khỏi các bản án nếu phải ra tòa. Nhưng đó sẽ là một vụ tự sát cho cả nước !" Hiện ông Trump đang chờ ra tòa về bốn vụ kiện và truy tố với 91 điều cáo buộc và khoảng nửa tỷ đô la tiền phạt và bồi thường. Hầu hết các vụ này sẽ không được xử trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu.
Bà Nikki Haley muốn chứng tỏ mình khác ông Trump. Tại Charleston, S.C., bà nói, "Đây không phải là chuyện tương lai chính trị của tôi. Nếu chúng ta chọn sai người thì đất nước sẽ tan rã !" Bà nêu mục đích chính : "Chúng ta cần đánh bại Joe Biden vào tháng 11 sắp tới. Tôi không tin Donald Trump có thể thắng Joe Biden !"
Đa số dân Mỹ hiện nay không thấy hào hứng khi, một lần nữa, phải chọn giữa Biden và Trump ; 70 phần trăm muốn thấy các ứng cử viên tổng thống mới. Đảng Dân Chủ sẽ dính chặt với ông Biden, không có ai khác. Bà Haley tin rằng bất cứ ai thay thế ông Trump trong đảng Cộng Hòa cũng sẽ đánh bại ông Biden. Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Wall Street Journal đăng ngày 27 tháng 2, bà Haley nói rằng 70% dân chúng Mỹ muốn bà ra tranh cử.
Đó là điều bà Haley tìm cách thuyết phục các cử tri Cộng Hòa. Bà nhắc nhở, nếu ông Trump tái xuất hiện, phía Dân Chủ sẽ được kích động đi bầu nhiều hơn, trong khi nhiều cử tri Cộng Hòa chán nản không muốn bỏ phiếu nữa ; thế là đủ cho Biden thắng. Bà còn nhấn mạnh, kể từ khi ông Trump làm tổng thống đảng Cộng Hòa bắt đầu đi xuống : Năm 2018, mất quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội. Năm 2020 mất luôn Tòa Bạch Ốc. Năm 2022 đáng lẽ phải thắng lớn thì chỉ chiếm được Hạ viện với đa số mỏng manh.
Bà Haley có một cơ hội chỉ trích ông Trump khi ông chế nhạo bà với câu hỏi : Ông chồng bà đi đâu rồi ? Ý nói : ông chồng cũng tránh bà vợ lắm điều ! Bà Haley lập tức cho chạy trên ti vi bản quảng cáo chê ông Trump đã tìm đủ cách tránh khỏi đi lính thời chiến tranh Việt Nam. Còn ông Michael Haley thì đang phục vụ trong quân đội ở tận Châu Phi. Bà chỉ trích ông Trump đã nói những lời bất kính với quân đội, chế nhạo Nghị sĩ John McCain chỉ vì bị Việt Cộng bắt giam sau khi lái máy bay bị bắn rớt ở Hà Nội. Ông Trump còn muốn rút khỏi khối NATO và nói nước nào trong NATO không tăng ngân sách quốc phòng đủ 2% GDP thì ông sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ điều gì họ muốn, Mỹ không cứu.
Nhưng các lý lẽ trên cũng không giảm bớt được uy tín của đối thủ. Một cuộc nghiên cứu dư luận ở South Carolina cho biết 70% các cử tri cựu quân nhân đã bỏ phiếu chọn ông Trump.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày "Siêu Thứ Ba" có thể bà Haley sẽ phải bỏ cuộc. Bà đã nói trước sẽ không chịu đóng vai ứng cử viên phó tổng thống – mà chắc ông Trump cũng không mời. Trước đây bà Haley đã tuyên bố nếu không được chọn ra ứng cử tổng thống, bà sẽ ủng hộ bất cứ người nào được đảng Cộng Hòa chọn. Khi báo Wall Street Journal gặng hỏi bà còn giữ ý kiến đó không, bà đã lảng tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi : "Tôi muốn nói với quý vị rằng tôi rất lo ngại về cá nhân ông Trump ; tôi còn lo ngại về ông Joe Biden hơn nữa".
Nhưng bà sẽ tiếp tục cuộc chạy đua với ông Trump trong mấy tuần sắp tới. Vì cần phải cho các cử tri quyết định, bà nói lý do : "Họ phải được thi hành quyền lựa chọn – không thể theo lối chế độ Xô Viết, chỉ có một ứng cử viên duy nhất !" Tiếp tục chạy đua cũng là một cách đầu tư cho tương lai. Bà Haley còn trẻ, có thể còn xuất hiện năm 2028 ! Nếu chưa được, sẽ còn năm 2032.
Sau thắng lợi ở South Carolina, cựu Tổng thống Donald Trump đã thay đổi hẳn cách vận động tranh cử sơ bộ. Tại New Hampshire, sau khi thắng phiếu ông Trump đã cao hứng chế nhạo bà Haley, chê bai đến cả bộ áo của bà đang mặc. Ông còn đe dọa, nói rằng những người nào còn góp tặng quỹ tranh cử của bà thì sẽ bị MAGA đóng cửa – MAGA là khẩu hiệu của phong trào ông Trump gây lên, viết tắt câu "Make America Great Again".
Nhưng vừa rồi tại South Carolina, trong bài diễn văn chiến thắng ông Trump không hề nhắc đến tên Haley, không khen cũng không chê. Ông cũng không chỉ trích các cử tri bỏ phiếu hay các người đã góp quỹ giúp bà. Ông Trump biết mình chắc chắn sẽ là ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, bây giờ phải dồn năng lực và tài nguyên vào trận đấu chót, tháng 11 năm nay. Vấn đề chính mà ông Trump phải quan tâm là : Làm cách nào chinh phục được những cử tri đã từng theo bà Nikki Haley sẽ quay sang ủng hộ mình ? Con số 40% không phải nhỏ !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 28/02/2024
Thứ Năm 18 tháng Bảy vừa qua, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) bà Nikki Haley đã viết một bài trên tạp chí Foreign Affairs có tựa đề "Làm thế nào để đối đầu với mối đe dọa tiến tới từ Trung Quốc ?" (1). Bài viết này chắc chắn sẽ làm cho Trung Quốc, nhất là các lãnh đạo tại Bắc Kinh hiện nay, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, bất bình, nếu không phải là căm phẫn.
Bà Nikki Haley.
Trước khi bàn về bài viết này, có lẽ cũng cần nói vềbà Haley một chút. Bà Haley sinh ngày 20/01/1972, tức năm nay chỉ mới 47 tuổi, trong một gia đình mà ba mẹ đều là người gốc Ấn Độ và có học vấn cao (bố có bằng tiến sĩ, mẹ có bằng cao học). Năm 2011, Haley là người phụ nữ đầu tiên, và cũng là người gốc thiểu số đầu tiên, làm Thống đốc tại bang South Carolina, cho đến năm 2017 (và là người thứ nhì gốc Ấn Độ giữ vai trò thống đốc tại Hoa Kỳ). Khi thắng cử cuối năm 2016, ông Donald Trump đã đề cử bà Haley làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Gần hai năm phục vụ trong chức vụ này, bà Haley tuyên bố từ nhiệm vai trò này vào ngày 3/10/2018, chính thức kết thúc vai trò này cuối năm 2018.
Trong lá thư từ nhiệm gửi cho tổng thống Donald Trump, cũng như trong cuộc phỏng vấn bởi bà Elise Labott thuộc Tạp chí State, bà Haley tiết lộ vài chi tiết thú vị.
Một, khi ông Trump đề cử bà Haley vào vai trò Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà chấp nhận lời mời của tổng thống nhưng với điều kiện. Ngoài các điều kiện được nằm trong nội các và trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, bà Haley muốn có quyền được nói những suy nghĩ của bà (can speak her mind) về các vấn đề hàng ngày. Bà Haley không ngờ ông Trump đồng ý với các điều kiện này, và đã tôn trọng lời cam kết này trong suốt thời gian bà phục vụ. Cũng vì thế nên bà đã trân trọng ghi nhận rằng ông Trump đã giữ các lời hứa này. Nên nhớ rằng trước đó ông Trump không phải là sự chọn lựa đầu tiên của bà Haley. Thật ra bà Haley đã chọn ủng hộ thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc bang Florida làm ứng viên tổng thống, và sau khi thượng nghị sĩ Rubio bị loại thì bà Haley chọn ủng hộ thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc bang Texas. Nhưng không phải vì thế mà ông Trump không nhìn thấy tài năng của bà Haley và không vận dụng tài năng hay ảnh hưởng chính trị của bà.
Hai, bà Haley khẳng định trong thư từ chức rằng vì bà tin tưởng về giới hạn nhiệm kỳ (term limit) nên bà mong muốn người khác cũng có cơ hội phục vụ trong vai trò này (2). Bà Haley quyết định sẽ trở về làm một công dân bình thường, sẽ không tranh cử cho bất cứ một vai trò nào trong chính quyền vào năm 2020, sẽ ủng hộ ông Trump tái tranh cử, và ủng hộ các chính sách làm cho Hoa Kỳ đạt được những thành tựu vĩ đại hơn. Nhưng bà mong đợi sẽ tiếp tục nói ra những gì bà suy nghĩ về các chính sách quan trọng. Bà Haley đã làm thế sau hơn nửa năm gần như im lặng hoàn toàn.
Khi còn đang làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Haley đã chứng tỏ là người thẳng thắn và không ngần ngại phát biểu các suy nghĩ của mình về vấn đề hệ trọng, cho dầu nó có làm cho các đại sứ khác hay các quốc gia khác bực mình phẫn nộ, hay ngược lại các tweet của ông Trump.
Cũng cần nhớ rằng làm việc dưới quyền của Tổng thống Trump không hề dễ chút nào. Bao nhiêu tài năng trong nội các Trump đã từng từ nhiệm hay bị cách chức trong hơn hai năm qua. Nhiều cái tweet của ông Trump gây hoang mang, không chỉ cho công chúng, cho giới truyền thông, mà còn cho cả các thành viên trong nội các của ông. Nhiều người hoàn toàn không được tham khảo hay biết các thông tin hay quyết định của ông Trump cho đến khi theo dõi các cơ quan truyền thông tường thuật về các tweet của ông Trump. Trong vai trò đại sứ tại Liên Hiệp Quốc mà phải đối phó hàng ngày hàng giờ với bao nguồn thông tin và quan điểm lập trường khác nhau, ngay cả trong nội các, về các vấn đề hệ trọng khác nhau, nhất là đại diện của một cường quốc có ảnh hưởng giây chuyền lên các quốc gia khác, thì đây là một trong các trách nhiệm nặng nề nhất và căng thẳng nhất trong chính quyền Hoa Kỳ.
Có thể vì lý do này mà báo New York Times, tờ báo thường xuyên chỉ trích ông Trump và các chính sách của chính quyền này, cũng phải công nhận tài năng và những thành tựu mà bà Haley đã đạt được trong hai năm phục vụ. Trong khi ông Trump có chủ trương theo chính sách đơn phương (unilateralism), bà Haley vẫn tìm cách thuyết phục thế giới thấy rằng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng và ủng hộ chủ nghĩa đa phương (multilateralism). Bà Haley góp phần làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ nói riêng, toàn thế giới nói chung, nghĩ rằng thật ra các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn mang tính truyền thống như thời hậu Thế Chiến II hơn là những điều ông Trump hứa hẹn lúc vận động tranh cử tổng thống. Bà Haley cũng đã nỗ lực cải tổ hệ thống công quyền, hành chánh của Liên Hiệp Quốc, cũng như tạo tối đa áp lực và các biện pháp hình phạt lên Bắc Hàn. Bà Haley cũng thường xuyên lên án các vi phạm nhân quyền tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc hơn những người khác trong chính quyền Trump. Khác với ông Trump, bà Haley thẳng thắn phê phán Nga qua các hoạt động của họ tại Ukraine, hay các tấn công bằng chất hóa học của họ tại Syria.
Giờ đây khi đang là một công dân bình thường, không còn vướng bận với tính cách của một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ hay một chính trị gia, bà Haley có dịp bày tỏ quan điểm riêng của riêng mình. Và bà Haley đã chọn Trung Quốc làm đề tài quan trọng nhất để viết, trên tạp chí Foreign Affairs. Trong bài này, bà Haley đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất, và là thử thách lớn lao đối với Hoa Kỳ về lĩnh vực trí tuệ, công nghệ/kỹ thuật, chính trị, ngoại giao và quân sự. Đối với bà, các hiểm nguy này mang tính sống chết, chứ không phải bình thường. Bà Haley kêu gọi toàn Hoa Kỳ, không chỉ riêng toàn bộ chính quyền (whole of government) mà là toàn dân (whole of nation), phải hành động trước khi quá trễ.
Có ba điều, trong nhiều lập luận, đáng chú ý nhất trong bài của bà Haley.
Một, niềm tin rằng Trung Quốc khi trở nên giàu có hơn sẽ cải tổ và hội nhập với thế giới, sẽ tự do hóa/cấp tiến hóa nền chính trị để trở thành một thành viên trách nhiệm trong hệ thống chính trị thế giới, sẽ trở thành giống như Hoa Kỳ, chẳng hạn, là sai lầm. Lý thuyết này, còn gọi là "thuyết đồng quy" (convergence theory), nghe có vẻ an ủi nhưng không diễn ra như thế. Chính quyền của Trung Quốc trở nên giáo điều và áp bức hơn, với tham vọng quân sự không chỉ trong vùng hay chỉ phòng thủ mà còn mang tính toàn cầu và được thiết kế để gây sợ hãi. Chủ tịch Tập Cận Bình thi hành chính sách chính thức rằng mọi công ty công nghệ Trung Quốc phải phục vụ cho mục tiêu quân sự của Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa rằng không hề có giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang cấp tiến/dân chủ, mà là độc tài độc đảng vĩnh viễn được hỗ trợ bởi công nghệ hiệu quả. Chính quyền Trung Quốc đã tự định nghĩa rằng mình là kẻ thù của nền dân chủ cấp tiến Tây phương.
Hai, một nhà nước pháp quyền hành xử khác hẳn với một nhà nước độc tài. Một trong các nguyên tắc hướng dẫn chính sách và hành động của Hoa Kỳ sau Thế Chiến II là các quốc gia nên tôn trọng những gì thuộc về các quốc gia khác. Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ giúp xây dựng lại Đức và Nhật, và không hề ăn cắp nguồn lực nào của hai quốc gia này. Sau khi đánh chiếm Iraq, Hoa Kỳ cũng không ăn cắp một giọt dầu nào tại đây. Trong nội địa Hoa Kỳ, người dân sống trong nền pháp quyền, trong đó luật pháp không phải chỉ là công cụ của kẻ mạnh mà là hạn chế đối với quyền lực. Cách hiểu biết về pháp luật đã định hình cách người Mỹ suy nghĩ và hành động, và cách vận hành đối với các vấn đề thế giới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo độc tài tại Trung Quốc thì lo ngại rằng người dân Trung Quốc tự do sẽ lật đổ họ từ quyền lực, như người dân tự do khắp nơi đã làm. Vì thế nên họ luôn tìm cách quản lý những đe dọa đối với sự cai trị của họ bằng cách tạo ra các khủng hoảng ngoài nước và đề cao chủ nghĩa dân tộc trong nước. Họ giăng các bẫy nợ qua Sáng kiến Vành đai Con đường. Ngoài ra họ cũng tạo ra một nhà nước giám sát mọi hoạt động của công dân (Orwellian surveillance state) qua Thế hệ 5G và qua trí tuệ nhân tạo. Năm 2015, ông Tập công bố một chính sách mới có hiệu lực rằng mọi công ty tư nhân của Trung Quốc phải làm việc cho quân đội. Trên hết, lãnh đạo Trung Quốc không phải tìm cách làm cho đời sống của người dân tốt hơn mà là bảo vệ sự cai trị độc tôn của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đối với tư duy lãnh đạo Trung Quốc, những gì tốt nhất cho Đảng cộng sản Trung Quốc là tốt cho Trung Quốc.
Ba, tuy các chiến lược gia tại Trung Quốc cổ võ nhiều xu hướng khác nhau để làm cho quốc gia này vĩ đại hơn, phương cách của Tập Cận Bình rõ ràng là đi theo chủ trương cương quyết, chủ nghĩa dân tộc và có tính cách quân phiệt. Thử nhìn cách họ Tập đối xử trừng phạt Việt Nam, Phi Luật Tân, hoặc Nam Dương khi có những xung đột về lãnh hải, kể cả việc cắt dây cáp quan hay tấn công các thuyền đánh cá của các nước này (cách đây hai tuần đã xảy ra sự kiện tương tự trong lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân gặp ông Tập Cận Bình, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ sự kiện này, trong khi Việt Nam thì lên tiếng yếu ớt và chậm trễ). Trung Quốc mong muốn chiếm đoạt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, không những là ở Châu Á mà hiển nhiên là ở phần còn lại của thế giới.
Qua các phân tích trên, bà Haley đề nghị Hoa Kỳ cần phải có các biện pháp mới, phải suy nghĩ sáng tạo và gan dạ, mà không hề ảo tưởng về các ý đồ của đối thủ mình. Bà Haley đề nghị điều đầu tiên là cải chính các điều lệ về thương mại và đầu tư, nhất là trong các công nghệ cao cấp, để Trung Quốc không thể tiếp tục trục lợi sự cởi mở của hệ thống Hoa Kỳ. Vấn đề an ninh và quyền lợi quốc gia là quan trọng hàng đầu, ngay cả Adam Smith trong tác phẩm "Sự thịnh vượng của các quốc gia" (The Wealth of Nations) cũng biện minh như thế. Kế đến là phải cải tiến nền ngoại giao của Hoa Kỳ, để người Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới hiểu rõ các chiến lược của Trung Quốc, các phương thức phòng thủ đối với các đe dọa quân sự từ nước này, và bảo vệ các nguyên tắc của hệ thống quốc tế hậu Thế Chiến II mà đã đem lại thịnh vượng trên toàn cầu. Và sau cùng, để quản lý các mối đe dọa từ Trung Quốc, cũng như từ Nga, Bắc Hàn, Iran và các mạng lưới khủng bố thánh chiến, thì Hoa Kỳ phải củng cố tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự của mình. Theo bà Haley thì việc đầu tư vốn liếng, tuy ngân sách hàng năm nhiều nhưng vẫn chưa đủ, đối với các công nghệ quan trọng hàng đầu, như khả năng hải quân, kỹ nghệ thông tin, khả năng không gian mạng v.v…
Những phân tích, nhận định và đề nghị của bà Haley trong bài này thật ra không có gì mới. Nhưng có thêm một tiếng nói có nhiều ảnh hưởng của một người từng giữ vai trò quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc là cần thiết trên chính trường quốc tế hiện nay. Lập trường quả quyết của Hoa Kỳ và mọi quốc gia khác cũng rất cần thiết để đối đầu với Trung Quốc, để áp lực họ phải thay đổi cách hành xử hiện nay, bởi không thể chờ đợi thêm nữa khi các ý đồ độc quyền của đảng và bá quyền thiên hạ của họ ngày càng rõ ràng.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 24/07/2019
Chú thích :
(1) Nikki Haley, "How to Confront an Advancing Threat From China ", Foreign Affairs, 18/07/2019
(2) Cũng có những nhận định rằng bà Haley từ nhiệm bởi vì trước đây dưới quyền Ngoại trưởng Rex Tillerson, bà Haley gần như hoàn toàn tự do trong suy nghĩ và hành động của mình, nhưng điều đó đã thay đổi khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thay thế và John Bolton lên làm Cố vấn An ninh Quốc gia.