Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Con đường tơ lụa mới" : Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc

Les Echoshôm 07/02/2018 có bài phân tích mang tựa đề "Con đường tơ lụa mới : Kế hoạch thực sự của Tập Cận Bình". Theo tác giả Michel de Grandi, không nên bị choáng ngợp trước kế hoạch đại quy mô này mà quên đi những nguy cơ đang đe dọa, vì ẩn giấu phía sau là tham vọng của Bắc Kinh : nhào nặn một quá trình toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa.

obor1

Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển. NASA/Goddard Space Flight Center/Wikipedia

Kế hoạch thật là vĩ đại với ngân sách khoảng 1.000 tỉ đô la, các dự án trải rộng trên tất cả các Châu lục, từ vận chuyển trên bộ lẫn trên biển. Về mặt tài chính, có sự tham gia của nhiều quỹ, một ngân hàng phát triển tập hợp khoảng 60 nước : Con đường tơ lụa mới có những con số gây chóng mặt.

Dự án được Bắc Kinh lăng-xê năm 2013 không được Paris hưởng ứng mấy. Tuy nhiên từ khi chuyến tàu nối liền Vũ Hán với Lyon đến nơi, và khi tổng thống Pháp thăm Trung Quốc, chủ đề này được chính thức nêu ra và bắt đầu được chú ý hơn. Liên tục diễn ra các hội nghị để thông tin, các diễn giả cố thuyết phục các doanh nghiệp tham gia "kế hoạch Marshall tuyệt vời" này. Tuy nhiên theo Le Figaro, dự án này có nhiều mối nguy tiềm ẩn, nhất là với sự mù quáng của phương Tây, cách suy nghĩ đơn giản với mối lợi trước mắt.

Kế hoạch đầy tham vọng bao trùm toàn cầu

Ba năm sau khi giới thiệu, "Con đường tơ lụa mới" không ngừng mở rộng về mặt địa lý : từ 60 nước ban đầu, nay đã lên đến khoảng 100. Chẳng hạn Châu Phi hầu như tham gia toàn bộ, Bắc Cực có "Con đường tơ lụa mới" riêng, hoặc Nam Mỹ, nơi Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện.

Danh sách các lãnh vực cũng được nối dài. Từ các cơ sở hạ tầng giao thông đơn thuần, nay gồm cả hợp tác văn hóa, du lịch. Tên của kế hoạch cũng được đổi từ "Con đường tơ lụa mới" sang "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road hay Nhất Đới, Nhất Lộ). Trong nước cũng như ngoài nước, Trung Quốc tổ chức các cuộc hội thảo để làm phong phú nội dung cho bộ khung kế hoạch.

Theo Les Echos, rõ ràng là sau lớp vỏ dự án kinh tế, "Con đường tơ lụa mới" mang nhiều tham vọng, mà trước hết là kế hoạch tuyên truyền hoàn hảo. Để khuyến dụ, chính quyền Bắc Kinh sử dụng giọng lưỡi khác nhau cho từng đối tượng. Các lý lẽ đưa ra trước các nhà nghiên cứu khác hẳn so với trước các nhà báo, còn đối với giới kinh doanh thì được nhấn mạnh về các mặt khác. Tất cả những hoạt động quảng bá này chuyển đổi "Con đường tơ lụa mới" từ một khái niệm sơ khai ban đầu trở thành một việc đương nhiên.

Xuất khẩu quyền lực mềm và mô hình Nhà nước tập quyền

"Con đường tơ lụa mới" mang lại tầm vóc cho ngoại giao kinh tế, giúp Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài Hoa lục. Nhưng không chỉ có thế. Dự án này còn xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc và quyết tâm nhào nặn lại thế giới. Tập Cận Bình và Trung Quốc muốn lãnh đạo việc tái tổ chức các định chế toàn cầu.

Cái nhãn "Con đường tơ lụa mới" trở nên lý tưởng để quy tụ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, từ các quan chức cao cấp Nhà nước đến doanh nhân. Có thể gọi đây là "ngoại giao diễn đàn", một lãnh vực mà Bắc Kinh rất tích cực hoạt động. Không chỉ tham gia vào việc hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, mà còn phổ biến một thông điệp mới mang tính ý thức hệ.

Chủ tịch Trung Quốc muốn rao giảng về phương thức phát triển thay thế cho mô hình dân chủ phương Tây đang gặp nhiều khó khăn. Ông Tập khoe khoang một Nhà nước vững mạnh, tập quyền, có khả năng nhanh chóng ra quyết định và áp đặt thực hiện trong thời gian ngắn. Và cuối cùng, đừng quên phương diện địa chính trị của dự án này.

Trung Quốc mong muốn trở thành đại cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/1949) ; tìm lại thời vàng son đã đánh mất vào thế kỷ 19.

Con đường tơ lụa không trải thảm đỏ

Bên cạnh những kế hoạch trên bộ là các dự án trên biển. Từ những tuyến cáp xuyên đại dương cho đến đầu tư vào các cảng biển, với tầm vóc quy mô, mà giai đoạn cuối cùng là lưu chuyển các dữ liệu tin học từ vùng này đến vùng khác thông qua mạng cáp quang. Chỉ riêng vùng Địa Trung Hải, đã có hơn một chục hải cảng được dự kiến đầu tư.

Tác giả cảnh báo, không nên chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt của kế hoạch đại quy mô này. Tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Châu Âu là một ví dụ. Những chuyến tàu đến Châu Âu chất đầy hàng hóa made in China, nhưng chiều ngược lại thì ít hẳn. Từ đó có thể đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc thâm nhập thị trường Hoa lục, hiện hết sức bất bình đẳng đối với phương Tây.

Cũng không có gì cho thấy người nước ngoài có thể dễ dàng tham gia những kế hoạch được Trung Quốc đưa ra. Hành lang kinh tế mà Bắc Kinh xây dựng tại Pakistan với 50 tỉ đô la, đã trở thành một khu vực dành riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc, không có bất kỳ một công ty Pakistan nào được phép bổ một nhát cuốc. Thế nên không nên mơ tưởng rằng thảm đỏ được Bắc Kinh trải ra trước "Con đường tơ lụa mới".

Vatican xích gần lại Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro cho biết "Vatican xích gần lại Bắc Kinh". Một thỏa thuận sắp được ký kết, giúp nối lại mối quan hệ đã bị cắt đứt từ năm 1949 sau khi quân cộng sản chiến thắng.

Cuộc họp lần thứ 13 của nhóm công tác sẽ diễn ra tại Vatican trước cuối tháng 2 mang tính quyết định. Một thỏa thuận khung sẽ được hai phái đoàn của Bắc Kinh và Tòa Thánh ký kết, sẽ giải tỏa tình trạng bế tắc trong mối quan hệ từ 70 năm qua. Theo đó, nếu Roma chấp nhận việc chọn lựa các tân giám mục thông qua Hội Công Giáo "yêu nước" do chính quyền kiểm soát, thì Bắc Kinh sẽ công nhận quyền quyết định phong chức của Giáo hoàng.

Cựu tổng giám mục Hồng Kông Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) kịch liệt phản đối, coi đây là sự "phản bội" những người công giáo Trung Quốc bị đàn áp và luôn từ chối tuân phục chế độ cộng sản. Nhưng xem chừng Vatican không thay đổi quan điểm.

Thế vận hội Pyeongchang trước nguy cơ tin tặc Bắc Triều Tiên

Cũng tại Châu Á, đặc phái viên Les Echos tại Pyeongchang mô tả "Thế vận hội trước mối đe dọa của tin tặc Bắc Triều Tiên". Tấn công tin tặc giúp Bình Nhưỡng kiếm tiền mà không mấy tốn kém, và không có nguy cơ bị trả đũa – một hiện tượng đang gia tăng nhanh chóng.

Khoảng mấy chục sàn giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc đã bị rơi vào bẫy tin tặc, bị nhiễm virus Peachpit. Sàn Youbit phải tuyên bố phá sản, sàn Bithumb bị cướp mất 7 triệu đô la. Còn tại Nhật Bản, sáng sớm hôm thứ Hai 26/1 chỉ trong vài phút ngắn ngủi, 534 triệu đô la của sàn giao dịch Coincheck đã bị bốc hơi. Trong các vụ cướp tiền ảo này, dấu ấn của Bình Nhưỡng đều được tìm thấy trong các mã độc giấu sau các đường dẫn, file đính kèm hoặc thông báo tuyển dụng.

Trong nhiều thập niên qua, Bắc Triều Tiên bị cô lập trên trường quốc tế, có thể trông cậy vào Binh đoàn 39 bí ẩn để thu tiền cho ngân sách. Đơn vị này dường như đặt tại trụ sở đảng Lao Động ở Bình Nhưỡng, thông qua các công ty chính thức hoặc bình phong, chuyên buôn lậu vàng, ma túy, thiết bị quân sự, sản xuất tiền giả… đặc biệt là những đồng 50 và 100 đô la trong thập niên 70.

Tuy nhiên nguồn thu nhập này ít dần do bị tăng cường kiểm soát và trừng phạt. Hoạt động tin tặc hiện có vẻ "ngon ăn" hơn. Công ty an ninh mạng Kaspersky ghi nhận trong các vụ tấn công vào Sony và Ngân hàng Bangladesh, có cả những địa chỉ từ Ấn Độ, Mozambique, Kenya… có thể là những lính đánh thuê cho tin tặc. Bóng đen hacker như vậy đang đe dọa Olympic Pyeongchang, dù hai miền Triều Tiên đang tạm thời hòa dịu.

Bộ phim của Clint Eastwood về chuyến tàu Thalys với người thật, việc thật

Bước sang lãnh vực điện ảnh, Le Figaro viết về bộ phim "The 15:17 to Paris" với Clint Eastwood và những người hùng bình dị trên chuyến tàu Thalys.

Đạo diễn nổi tiếng Mỹ đã dựa vào vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu cao tốc Amsterdam-Paris hôm 21/08/2015 để dựng thành phim. Trong vụ này, ba thanh niên từ California đi nghỉ hè đã khống chế được kẻ khủng bố, và nay những người hùng bất đắc dĩ của đời thường này lại thủ diễn chính vai của mình trong phim. Một bộ phim hội tụ được ba thế giới khác hẳn nhau : điện ảnh Hollywood, người tỉnh lẻ Pháp và tư pháp, trong khi cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất.

Không có gì ngạc nhiên khi Clint Eastwood nắm lấy sự kiện này : ông luôn bị mê hoặc bởi những người hùng, đặc biệt là những con người bình thường có những hành động nghĩa hiệp trong những hoàn cảnh đặc biệt. Spencer Stone, cựu quân nhân Không quân Mỹ, một trong ba người hùng của chuyến tàu Thalys cho biết, anh khó tưởng tượng ra việc được diễn lại những hành động hôm ấy, trong một bộ phim của Clint Eastwood.

Một hành khách người Anh đã can thiệp, lính cứu hỏa, nhân viên y tế cấp cứu, cảnh sát… cũng được mời đóng lại vai của mình. Còn 500 hành khách trên chuyến tàu ngày nọ có đi xem phim hay không ? Ít nhất là 500 trừ đi 1, vì diễn viên Anh Jean-Hugues Anglade, có mặt trên tàu Thalys cùng với gia đình cho rằng "không bao giờ có thể lột tả được nỗi sợ những người thân của mình sẽ biến mất, cảm nhận tử thần đang đến gần".

Tựa chính báo Pháp

Les Echos hôm naychạy tựa "Thị trường chứng khoán : Những lý do của sự đảo chiều đột ngột", còn Le Figaro đặt câu hỏi "Có nên lo sợ một cuộc khủng hoảng tài chính mới ?". Về mặt xã hội, Libération dành tựa chính cho "Huyền thoại về các bậc phụ huynh hoàn hảo", biết lắng nghe và bàn bạc với con cái. Về tình hình quốc tế, Le Monde nhấn mạnh "Nguyên tử : Thách thức của Donald Trump với Trung Quốc và Nga", còn nhật báo công giáo La Croix nói về "Afghanistan : Chiến tranh thường nhật".

Thụy My

Published in Quốc tế

Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch đại quy mô để chinh phục thế giới nhằm thay thế vai trò cường quốc số một của Hoa Kỳ và giải quyết những khó khăn nội bộ. Kế hoạch gọi là "Cuộc chạy đua 100 năm" (The Hundred-Years Marathon) chính giới Tây Phương đều biết, nhưng không ai đề cập tới vì sợ dư luận lo sợ.

obor1

Kế hoạch một vòng đai, một đại lộ của Trung Quốc (OBOR, One Belt, One Road).

One Belt One Road

Tuần báo Pháp Le Point, trong số đặc biệt về tham vọng đế quốc của Trung Quốc (1), đã nói về những chương trình vĩ đại của Trung Quốc. Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên, vì kẹt giữa hai lộ trình của Tầu, mệnh danh là kế hoạch OBOR, One Belt, One Road (một vòng đai, một đại lộ).

Đại lộ : con "đường lụa "(route de la soie), chạy từ Trung Quốc, qua Lào, sát nách Việt Nam, Pakistan tới tận Âu Châu.

Vòng đai : con đường hàng hải từ Biển Nam Hải qua Đại dương Ấn độ, dẫn tới các hải cảng Á và Phi Châu.

Kế hoạch OBOR sẽ củng cố thế lực chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc

Biển Đông kiểm soát 1/3 giao thương thế giới, cũng là nguồn tài nguyên vô giá về dầu lửa, dầu khí, hải sản. Con đường lụa bảo đảm việc chuyên chở hang hóa tới các thị trường Á, Âu và Phi Châu.

Chỉ riêng việc thực hiện con đường lụa (xẻ núi, đốn rừng, làm đường và hệ thống xe lửa), Tập Cận Bình đã quyết định dành một ngân khoản… 124 tỷ dollars, kể cả ngân khoản để mua chuộc chính quyền địa phương. Một phần lãnh thổ Lào đã bị chính quyền thối nát Vientiane, trong tay đảng duy nhất, đảng CS nổi tiếng tham nhũng Pathet Lao , bán cho Tầu

Boten, nhận xét Tàu trên xứ Lào

Ký giả Sébastien Faletti của Le Point mô tả hành động xâm lấn ngang ngược của người Tầu ở Boten, một thị trấn nghèo của Lào, nằm giữa Vân Nam (Yunnan) và Vientiane, đã cho Trung Quốc thuê 99 năm (nghiã là bán đứng cho Tầu).

obor2

Boten, một thị trấn nghèo của Lào đang biến thành một Thành phố ăn chơi với những casino, cửa hàng ăn uống, hàng hóa và dịch vụ phục vụ người Trung Quốc

Boten ngày nay người ta nói tiếng tầu, sống kiểu Tầu, 85% trên 3000 dân đến từ Trung Quốc.

Duan Yenping nói : "Chúng tôi đã đuổi người Lào. Họ quá chậm chạp, và không có khả năng. Trong vòng 3 năm nữa, sẽ có 30.000 người Tầu tới cư ngụ, và sau đó 100.000".

Duan Yenping là nữ giám đốc marketing của công ty địa ốc Heifeng Group. Heifeng được trao nhiệm vụ biến Boten thành một đô thị tân tiến của Trung Quốc. Một dự án vĩ đại trên 34 km2. "Chúng tôi sẽ san bằng 7 ngọn đồi để có thêm 10 ngàn hecta đất. Sẽ có một trung tâm thương mại, với những cửa hàng duty free, một trường sinh ngữ, khách sạn 10.000 phòng ngủ để đón khách Tầu". Chưa kể một trường đua ngựa 500 hecta, lớn nhất Á Châu.

Boten sẽ là chặng đầu tiên trên con đường lụa, gồm hai hệ thống lưu thông. Thứ nhất là đường xe lửa từ Bắc Kinh tới Bangkok, sau đó, từ 2025, tới Singapore. Thứ hai là đại lộ từ Tầu xuyên qua Lào, tới thủ đô Thái, Bangkok. Mục tiêu của con đường lụa, theo Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học tại Hồng Kông, là biến kinh tế thương mại Trung Quốc thành trung tâm vũ trụ. Duan Wenping giải thích : OBOR là dự án tối cần, không có OBOR, vấn đề thặng dư sản xuất của Trung Quốc sẽ cực kỳ nan giải.

Trung Quốc đang ngày đêm xẻ núi, phá rừng làm đường xe lửa trên đất Lào, qua những thỏa ước chỉ dành cho Lào một chút cơm thừa, canh cặn : Tầu sẽ nhận 70% lợi tức của hệ thống xe lửa, công nhân và kỹ thuật hoàn toàn đến từ Trung Quốc được quyền định cư dọc đường sắt. Những điều kiện quá đáng như dưới chế độ thuộc địa khiến thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi lo ngại chủ quyền của các quốc gia liên hệ bị đe dọa.

Trump : cái may của Tập

Lịch sử cận đại Trung Hoa có ba nhân vật chủ yếu. Mao đã giành độc lập, cướp chính quyền, áp đặt chủ nghĩa cộng sản. Đặng Tiểu Bình đã giải phóng kinh tế. Và Tập Cận Bình, với tham vọng đế quốc càng ngày càng lộ liễu.

Le Point viết : Donald Trump, với chính sách bế quan tỏa cảng đã giúp Tập thực hiên mưu đồ của Trung Quốc.

Zhang Lifan, một sử gia độc lập, sống tại Bắc Kinh nói : "Trump, với chính sách Amérique d’abord (America first) là một cái may lớn cho Tập. Ông ta tóm ngay cơ hội, đóng vai trò lãnh đạo phong trào thế giới hóa". Tại Davos, Thụy Sĩ, Tập đóng vai người hùng của kinh tế thị trường. Thế giới ngây thơ rơi vào bẫy. Tại Paris, Trump ca ngợi Tập là nhà lãnh đạo lớn, báo chí ca tụng Tập tích cực ủng hộ thỏa ước Paris về môi trường trong khi Trump rút lui. Bên cạnh Poutine (Putin) hùng hổ, thế giới thấy Tập có vẻ hiền hòa. "Quên việc Tập đã xây những đảo nhân tạo ở biển Nam Hải để xác định chủ quyền của Trung Quốc, bất chấp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đàn áp đối lập còn tàn bạo hơn Poutine".

Tập, với chính trách bành trướng thế lực Trung Quốc, được sự ủng hộ của dân Tầu và đảng cộng sản, có hy vọng kéo dài thời gian nắm quyền quá 10 năm như đã quy định. Ông ta hy vọng lợi dụng sự lúng túng của Tây Phương để lấn tới, thắng ván cờ quyết định.

Liu Mingfu, lý thuyết gia, cố vấn được tin cẩn của Tập nói : Trung Quốc không thể chỉ đóng vai thứ nhì. "Trận đấu chung kết đã bắt đầu. Tập Cận Bình sẽ dẫn chúng tôi tới ngôi vị vô địch thế giới".

Cuộc chạy đua 100 năm

Trả lời một cuộc phỏng vấn của Le Point, Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến Lược Trung Quốc của Hudson Institute, nói : kế hoạch "Chạy đua 100 năm" của Trung Quốc nhằm thay thế Hoa Kỳ trong vai trò cường quốc số 1 trước 2049, kỷ niệm 100 năm ngày Mao nắm quyền.

Pillsbury, được coi như chuyên gia hàng đầu của Tây Phương về Trung Quốc, tác giả cuốn sách nên đọc "The Hundred Years Marathon" (2), nói : từ 50 năm nay, Hoa Kỳ theo một chính sách ngây thơ "hợp tác xây dựng" với Trung Quốc.

Người ta nghĩ Trung Quốc đang trên đường dân chủ hóa, có cùng một hoài bảo như Mỹ. Người ta nghĩ sự trợ giúp của Mỹ cho một nước Tầu còn yếu, với giới lãnh đạo suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ, yêu hòa bình, không có tham vọng bành trướng địa phương cũng như toàn cầu. Thực tế đã chứng minh ngược lại.

Trong nhiều năm qua, khi còn yếu, Trung Quốc đóng vai trò hiền lành đó. Nhưng kể từ 2007, Michael Pillsbury nói, Trung Quốc thay đổi thái độ, nhất là từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, lợi dụng thế yếu của Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Khởi đầu là Biển Đông. "Trước đó , người Tầu nói với tôi, họ không phải là một cường quốc lãnh đạo, bởi vì họ không có hàng không mẫu hạm và căn cứ quân sự ở nước ngoài. Ngày nay, họ có cả hai. Việc xây dựng một căn cứ trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa có mục tiêu chiến lược chống các nước láng giềng, bảo vệ quyền lợi kinh tế Trung Quốc. Tôi đã dự một hội nghi ở Bắc Kinh, trong đó người ta giải thích rằng kinh tế quốc gia phát triển nhanh nhất là nhờ các tài nguyên ngoài biển, từ dâu lửa, dầu khí tới hải sản".

Mua, dễ và rẻ hơn là đánh chiếm

Pillsbury nói có thể có đụng độ ở Biển Đông, vì Trung Quốc có thói quen hành động như vậy, để dằn mặt đối phương. Nhưng thực ra, người Tầu rất thực tiễn. Họ không cần chiến tranh. "Họ có thể chiếm than đá, dầu lửa qua những công ty quốc doanh đặt cơ sở ở nước ngoài. Cựu chủ tịch nước Hu Jin-tao (Hồ Cẩm Đào) đã nói mua Đài Loan dễ và rẻ hơn là đánh chiếm Đài Loan".

Pillbury nói cái hiểm họa là năm 2049, PIB của Trung Quốc sẽ gấp đôi PIB Hoa Kỳ. Hãy tưởng tượng những tai họa (nếu Trung Quốc trở thành cường quốc số 1) : nạn ô nhiễm, tệ trạng ăn cắp kỹ thuật, và sự ưu ái của Trung Quốc đối với những nhà độc tài như Assad hay Mugabe. Nhưng nếu mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đạt tới 4%, và mức tăng trưởng của Trung Quốc thụt lùi hay chậm lại, Hoa Kỳ vẫn là cưòng quốc số 1.

Để kết luận, Pillsbury tỏ ra bi quan. Ông nói muốn đương đầu với Tầu, Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn chính sách, coi Trung Quốc là một nước cạnh tranh, không phải là một quốc gia phải giúp đỡ. Phải kiếm ra những lãnh vực có thể làm áp lực. Khuyến khích các quốc gia trong vùng liên kết thành một khối để Trung Quốc bớt hung hăng. Bảo vệ những người chống chế độ, ủng hộ những người muốn cải cách. "Hoa Kỳ mới bắt đầu thức dậy. Hy vọng chưa quá trễ".

Những người đáng lo ngại hơn một ngàn lần là người Việt Nam. Nhìn những gì xẩy ra ở Lào, đang diễn ra ở Boten, nghe lại câu nói của Hồ Cẩm Đào, chúng ta không khỏi ớn lạnh. Mua Đài Loan dễ và rẻ hơn là đánh chiếm Đài Loan.

Đối với Đài Loan, đó là lý thuyết, vì Đài Loan là một nước dân chủ, không có lãnh tụ bán nước, và nhân dân Đài Loan sẽ không để cho ai bán một tấc đất. Ở Việt Nam, trái lại, đó là một thực tế. Lãnh thổ đã dần dần bán cho Tầu. Mua Việt Nam dễ và rẻ hơn đánh chiếm Việt Nam.

Từ Thức

Paris 07/08/2017

(1) Les nouvelles ambitions de la Chine, Le Point. N°N° 2343 . 3 Oct 2017. France

(2) The Hundred Years Marathon, Michael Pillsbury.

Published in Diễn đàn

OBOR : Mô hình "toàn cầu hóa" kiểu Trung Quốc

"Con Đường Tơ Lụa Mới" - mô hình toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc ; Pháp chỉ định một nhân vật cánh hữu làm thủ tướng chính phủ ; Tấn công tin học mạng trên toàn cầu : Trách nhiệm thuộc về ai ? Đây là những chủ đề thời sự chính được các nhật báo Pháp số ra ngày 16/05/2017 tranh luận nhiều nhất.

obor1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR", Bắc Kinh, ngày 15/05/2017. REUTERS/Jason Lee

Trong hai ngày 14-15/05/2017, Thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới - OBOR (One Belt, One Road)" đã diễn ra tại Bắc Kinh. Le Monde nhận xét : "Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình trải thảm ‘những con đường tơ lụa’". Trong bài diễn văn khai mạc hôm Chủ Nhật, chủ tịch Trung Quốc khẳng định đây là một "dự án thế kỷ" và kêu gọi "xây dựng một khối cộng đồng lớn cùng chia sẻ các lợi ích".

Thế nhưng, theo quan điểm của Les Echos, "Trung Quốc đang tìm cách áp đặt quan điểm của mình về toàn cầu hóa". Bởi vì, theo nhận xét của nhật báo, ngoài những lợi ích kinh tế từ Con Đường Tơ Lụa Mới này, thì Bắc Kinh dự định sử dụng dự án trên như là một bàn đạp trên bình diện địa chính trị cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và gây được nhiều áp lực hơn trong việc điều hành thế giới.

Les Echos trích phân tích của ông Christian Deseglise, giáo sư đại học Columbia và chuyên gia về thị trường mới trỗi dậy thuộc ngân hàng HSBC, cho rằng : "Kể từ giờ Trung Quốc muốn có một vai trò lãnh đạo trên chính trường quốc tế. Với dự án Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, Trung Quốc có những phản ứng trước những chỉ trích về hiện tượng toàn cầu hóa và việc từ bỏ hệ thống Bretton Woods, một hệ thống mà ở đó các nước mới trỗi dậy cảm thấy chưa được đại diện một cách thỏa đáng".

Hệ thống Bretton Woods này được ký kết vào năm 1944, tại một hội nghị diễn ra tại Bretton Woods, New Hampshire, quy tụ hơn 730 đại biểu đến từ 44 lãnh đạo quốc gia. Hệ thống này thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.

Như để thuyết phục các đối tác Bắc Kinh đã cam kết một gói hỗ trợ về mặt tài chính trị giá 113 tỷ euro để phát triển nhiều công trình hạ tầng ở những nơi dự án OBOR đi qua (từ cầu cảng, đường bộ, cho đến đường sắt…), vốn tập trung đến hơn 60% dân số thế giới và chiếm đến 1/3 tổng thu nhập toàn cầu.

Tuy biết rằng đó là "một tham vọng quá khổ" nhưng đối với Bắc Kinh "dù chỉ là một phần dự án được thực hiện có hiệu quả, tiến bộ có được cũng sẽ rất là to lớn", như nhận định của ông Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Cố Vấn Asia Centre.

Mặc dù cố sức bảo vệ "một sáng kiến đôi bên cùng có lợi" dựa trên sự "hợp tác" và đảm bảo mang lại "hòa bình và thịnh vượng", nhưng chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không dỡ bỏ được mọi sự kháng cự của một số nước. Nhiều quốc gia láng giềng lo ngại chính sách bành trướng khu vực này của Trung Quốc, nhất là Ấn Độ và Nhật Bản.

Về phần mình, nhiều nước Châu Âu cũng đã từ chối ký vào bản thông cáo chung do Trung Quốc soạn thảo khi cho rằng bản thông cáo này chưa đề cập đầy đủ những mối bận tâm của Châu Âu trên phương diện minh bạch hóa thị trường công hay những chuẩn mực về xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, về điểm này, Le Figaro có bài viết của nhà báo Renaud Girard chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu đang thiếu một chiến lược trước đà tiến của Trung Quốc. Tác giả lưu ý là trên phương diện thương mại, Hoa Kỳ đã có một hình thức chiến lược riêng của mình là theo chủ nghĩa cơ hội. Nghĩa là tùy theo từng lợi ích tức thì mà Hoa Kỳ có thể luân phiên thay đổi mầu áo : tự do trao đổi mậu dịch hay bảo hộ mậu dịch.

Pháp : Chính trường mong manh vì thủ tướng thuộc phe hữu

Edouard Philippe, một người thuộc cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa – LR, thị trưởng Le Havre, đã được tân tổng thống Pháp chọn làm thủ tướng. Đây cũng là chủ đề thời sự được các nhật báo Pháp hôm nay 16/05/2017 bàn đến nhiều nhất.

Trên trang nhất, báo công giáo La Croix nói đến "Thách thức cho việc thành lập nội các mới", bởi vì khi quyết định chọn ông Edouard Philippe, tân tổng thống Pháp đang trông cậy đến một cánh hữu trung dung hơn. Tờ kinh tế Les Echos xem đấy như là một sự "Liên minh". Đây cũng chính là hồi thứ hai của ông Emmanuel Macron trong chương trình tái lập đời sống chính trị ở Pháp như ông mong muốn trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.

Thế nhưng, việc bổ nhiệm một nhân vật cánh hữu làm thủ tướng đã gây xáo trộn trong hàng ngũ đảng LR. 
Một nhận xét cũng được tờ báo thiên hữu Le Figaro đồng chia sẻ với hàng tít lớn trên trang nhất : "Edouard Philippe ở điện Matignon : Macron làm chao đảo cánh hữu và thách thức cánh tả". Trong bài xã luận đề tựa : "Cánh hữu bị dồn vào chân tường", nhật báo cánh hữu xem quyết định bổ nhiệm này như là "Một sự chao đảo lớn trên chính trường Pháp", hay một sự "thao túng chính trị hòng làm nổ tung đảng Những Người Cộng Hòa"…

Tuy nhiên, nhật báo cánh hữu này cũng cảm thấy chưa mất hết hy vọng. Trong chiến dịch tranh cử tới đây, không có gì có thể cản trở LR đòi hỏi một sự thay đổi có tầm cỡ còn lớn hơn của En Marche ! Đó là phải giành được thắng lợi trong bầu cử Quốc hội. LR chiếm được đa số tuyệt đối hay tương đối, điều đó không quan trọng miễn là phải về đầu trong vòng hai bầu cử tối ngày 18/6 tới đây.

Về điểm này, tờ thiên tả Libération có cái nhìn hóm hỉnh hơn khi thông báo thị trưởng Le Havre, người thân cận của Alain Juppé (thị trưởng thành phố Bordeaux), Edouard Philippe được Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng. Tờ báo đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : "Nhiệm vụ của ông là gì ?", để rồi tự trả lời "Bẻ gãy cánh hữu".

Sự mong manh

Phân tích về việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm một chính trị gia cánh hữu, ông Edouard Philippe làm thủ tướng, báo Libération thiên tả có bài xã luận nhan đề "Mong manh".

Mở đầu bài xã luận, tờ báo nhắc lại câu nói ví von của cựu thủ tướng cánh hữu Alain Juppé tóm tắt ý đồ của Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử Quốc hội : Cần cắt bỏ hai đầu của quả trứng rán. Câu nói hình tượng này cho thấy : chiến lược của Emmanuel Macron là gạt bỏ phần lòng trắng, tức phe cực hữu, đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National - FN) và phe cực tả, đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise - FI). Chỉ giữ lại phần lòng đỏ ở giữa, tức những người "biết điều", hợp lý.

Theo Libération, qua việc bổ nhiệm một thủ tướng cánh hữu, Emmanuel Macron hy vọng thu hút cử tri trung hữu vốn đã ủng hộ Alain Juppé. Như vậy, có thể hình dung là chiến lược của tân tổng thống Pháp là tạo dựng một lực lượng thứ ba lãnh đạo đất nước và đương đầu với hai phe đối lập nhau hoàn toàn, một bên là cực hữu và bên kia là cực tả cấp tiến, triệt để.

Theo mô hình này, thì những người đã từng công khai ủng hộ Macron thì chỉ thấy các lợi thế. Còn những cử tri khác thì kém hào hứng hơn và họ có nguy cơ lại phải lựa chọn, giữa một bên là cánh trung mà họ không ưa thích và bên kia là phe cực hữu mà họ không thể chấp nhận được.

Chiến lược này tỏ ra mong manh. Câu hỏi được đặt ra là có nên bác bỏ mọi chính phủ cánh trung có xu hướng bành trướng trên chính trường Pháp. Libération cho rằng câu hỏi này rất quan trọng đối với cánh tả : Liệu những người ủng hộ các tiến bộ xã hội có nên đặt hy vọng vào một thủ tướng cánh trung hữu ? Hay tiếp tục duy trì một lực lượng cánh tả đủ khả năng gây áp lực với chính phủ và biết đâu đến một lúc nào đó, có thể đứng ra lãnh đạo đất nước.

Tấn công tin tặc toàn cầu : trách nhiệm của Nhà nước ?

Vụ tấn công tin tặc trên quy mô lớn, với virus WannaCry, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đã làm hơn 250 ngàn máy tính ở nhiều nước bị tê liệt. Điều này cho thấy tội phạm tin học đã lan rộng trên quy mô lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia. Les Echos dành một góc nhỏ trên trang nhất chạy tựa : "Tấn công tin tặc WannaCry : sóng lặng nhưng mây mù chưa tan".

Libération có bài phỏng vấn giám đốc Cơ Quan An Ninh Mạng, Guillaume Poupard cho rằng : "Tội phạm mạng giờ trở thành một vấn đề an ninh quốc gia". Còn theo báo Le Figaro, điều này đặt ra "Trách nhiệm của các Nhà nước về tình trạng phát triển các vụ tấn công tin tặc".

Theo nhà báo Benjamin Ferran, phụ trách Truyền thông và Công Nghệ của tờ Figaro, thì virus WannaCry có thể tàn phá ít hơn nếu như không có sự tiếp tay, một cách vô tình, của các cơ quan tình báo Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, thì dường như các chuyên gia tin học của cơ quan tình báo Hoa Kỳ - NSA, từ nhiều tháng nay, đã nhận diện được một lỗ hổng trong hệ thống an ninh mạng. Thế rồi sau đó, phát hiện này của họ lại bị tin tặc đánh cắp. Nhóm đánh cắp này có thể có liên hệ với Nga và dường như một nhóm tin tặc khác khai thác các tài liệu đánh cắp được để tạo ra virus riêng phục vụ cho đợt tấn công này.

Các chuỗi sự kiện này cho thấy hơn bao giờ hết cần phải đặt ra vấn đề kiểm soát vũ khí tin học của các Nhà nước. Trên toàn thế giới, nhiều nhóm tin tặc hoạt động phục vụ cho các cơ quan tình báo. Hồi tháng Ba vừa qua, WikiLeaks tiết lộ là CIA có trong tay các tài liệu liên quan đến các lỗ hổng an ninh mạng của điện thoại iPhone, điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android, máy tính dùng hệ điều hành Window, thậm chí cả vô tuyền truyền hình Samsung.

Như vậy, trên thế giới đang diễn ra một cuộc chạy đua đáng lo ngại và việc kiểm soát chỉ ở mức tối thiểu. Vào cuối tháng Sáu, Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành thảo luận về các phương tiện nhằm ngăn chặn việc phổ biến loại vũ khí này giống như việc kiểm soát vũ khí quy ước. Hồi tháng Hai, tập đoàn Microsoft đã kêu gọi ký kết một "công uớc Geneve về tin học", trong đó có việc buộc các Nhà nước, nếu biết được những lỗ hổng về an toàn mạng, thì phải thông báo cho các hãng xuất bản phần mềm tin học liên quan. Theo nhận định của một chuyên gia tin học Mỹ, thì vụ tấn công tin tặc cuối tuần qua là một phát súng cảnh báo.

Cam Bốt : Còn đọng chút dân chủ

Về thời sự Đông Nam Á, La Croix có bài viết đề tựa "Tại Cam Bốt, còn lại chút nền dân chủ". Cuộc bầu cử địa phương vào ngày 04/6 tới đây được chuẩn bị trong bầu không khí căng thẳng. Thủ tướng Hun Sen đưa ra nhiều biện pháp đe dọa chống lại các đảng phái đối lập.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng rồi, các nghị sĩ các nước khối ASEAN phụ trách nhân quyền ghi nhận : "Đảng cầm quyền sử dụng ba phương thức : sách nhiễu về mặt tư pháp, phó mặc cho hành pháp tự do xử lý và tạo bầu không khí sợ hãi trên cả nước".

Theo ghi nhận của thông tín viên nhật báo tại Phnom Penh, bầu không khí sợ hãi lan rộng đến từng con phố và góc quán cà phê tại thủ đô. Ở đó, người ta phải thật cẩn trọng trước khi rỉ tai người khác đưa ra các quan điểm của mình. Tình hình này cũng tương tự trên các trang mạng xã hội.

Minh Anh

Published in Quốc tế