Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/05/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Mô hình "toàn cầu hóa" kiểu Trung Quốc

RFI tiếng Việt

OBOR : Mô hình "toàn cầu hóa" kiểu Trung Quốc

"Con Đường Tơ Lụa Mới" - mô hình toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc ; Pháp chỉ định một nhân vật cánh hữu làm thủ tướng chính phủ ; Tấn công tin học mạng trên toàn cầu : Trách nhiệm thuộc về ai ? Đây là những chủ đề thời sự chính được các nhật báo Pháp số ra ngày 16/05/2017 tranh luận nhiều nhất.

obor1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR", Bắc Kinh, ngày 15/05/2017. REUTERS/Jason Lee

Trong hai ngày 14-15/05/2017, Thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới - OBOR (One Belt, One Road)" đã diễn ra tại Bắc Kinh. Le Monde nhận xét : "Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình trải thảm ‘những con đường tơ lụa’". Trong bài diễn văn khai mạc hôm Chủ Nhật, chủ tịch Trung Quốc khẳng định đây là một "dự án thế kỷ" và kêu gọi "xây dựng một khối cộng đồng lớn cùng chia sẻ các lợi ích".

Thế nhưng, theo quan điểm của Les Echos, "Trung Quốc đang tìm cách áp đặt quan điểm của mình về toàn cầu hóa". Bởi vì, theo nhận xét của nhật báo, ngoài những lợi ích kinh tế từ Con Đường Tơ Lụa Mới này, thì Bắc Kinh dự định sử dụng dự án trên như là một bàn đạp trên bình diện địa chính trị cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và gây được nhiều áp lực hơn trong việc điều hành thế giới.

Les Echos trích phân tích của ông Christian Deseglise, giáo sư đại học Columbia và chuyên gia về thị trường mới trỗi dậy thuộc ngân hàng HSBC, cho rằng : "Kể từ giờ Trung Quốc muốn có một vai trò lãnh đạo trên chính trường quốc tế. Với dự án Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, Trung Quốc có những phản ứng trước những chỉ trích về hiện tượng toàn cầu hóa và việc từ bỏ hệ thống Bretton Woods, một hệ thống mà ở đó các nước mới trỗi dậy cảm thấy chưa được đại diện một cách thỏa đáng".

Hệ thống Bretton Woods này được ký kết vào năm 1944, tại một hội nghị diễn ra tại Bretton Woods, New Hampshire, quy tụ hơn 730 đại biểu đến từ 44 lãnh đạo quốc gia. Hệ thống này thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.

Như để thuyết phục các đối tác Bắc Kinh đã cam kết một gói hỗ trợ về mặt tài chính trị giá 113 tỷ euro để phát triển nhiều công trình hạ tầng ở những nơi dự án OBOR đi qua (từ cầu cảng, đường bộ, cho đến đường sắt…), vốn tập trung đến hơn 60% dân số thế giới và chiếm đến 1/3 tổng thu nhập toàn cầu.

Tuy biết rằng đó là "một tham vọng quá khổ" nhưng đối với Bắc Kinh "dù chỉ là một phần dự án được thực hiện có hiệu quả, tiến bộ có được cũng sẽ rất là to lớn", như nhận định của ông Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Cố Vấn Asia Centre.

Mặc dù cố sức bảo vệ "một sáng kiến đôi bên cùng có lợi" dựa trên sự "hợp tác" và đảm bảo mang lại "hòa bình và thịnh vượng", nhưng chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không dỡ bỏ được mọi sự kháng cự của một số nước. Nhiều quốc gia láng giềng lo ngại chính sách bành trướng khu vực này của Trung Quốc, nhất là Ấn Độ và Nhật Bản.

Về phần mình, nhiều nước Châu Âu cũng đã từ chối ký vào bản thông cáo chung do Trung Quốc soạn thảo khi cho rằng bản thông cáo này chưa đề cập đầy đủ những mối bận tâm của Châu Âu trên phương diện minh bạch hóa thị trường công hay những chuẩn mực về xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, về điểm này, Le Figaro có bài viết của nhà báo Renaud Girard chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu đang thiếu một chiến lược trước đà tiến của Trung Quốc. Tác giả lưu ý là trên phương diện thương mại, Hoa Kỳ đã có một hình thức chiến lược riêng của mình là theo chủ nghĩa cơ hội. Nghĩa là tùy theo từng lợi ích tức thì mà Hoa Kỳ có thể luân phiên thay đổi mầu áo : tự do trao đổi mậu dịch hay bảo hộ mậu dịch.

Pháp : Chính trường mong manh vì thủ tướng thuộc phe hữu

Edouard Philippe, một người thuộc cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa – LR, thị trưởng Le Havre, đã được tân tổng thống Pháp chọn làm thủ tướng. Đây cũng là chủ đề thời sự được các nhật báo Pháp hôm nay 16/05/2017 bàn đến nhiều nhất.

Trên trang nhất, báo công giáo La Croix nói đến "Thách thức cho việc thành lập nội các mới", bởi vì khi quyết định chọn ông Edouard Philippe, tân tổng thống Pháp đang trông cậy đến một cánh hữu trung dung hơn. Tờ kinh tế Les Echos xem đấy như là một sự "Liên minh". Đây cũng chính là hồi thứ hai của ông Emmanuel Macron trong chương trình tái lập đời sống chính trị ở Pháp như ông mong muốn trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.

Thế nhưng, việc bổ nhiệm một nhân vật cánh hữu làm thủ tướng đã gây xáo trộn trong hàng ngũ đảng LR. 
Một nhận xét cũng được tờ báo thiên hữu Le Figaro đồng chia sẻ với hàng tít lớn trên trang nhất : "Edouard Philippe ở điện Matignon : Macron làm chao đảo cánh hữu và thách thức cánh tả". Trong bài xã luận đề tựa : "Cánh hữu bị dồn vào chân tường", nhật báo cánh hữu xem quyết định bổ nhiệm này như là "Một sự chao đảo lớn trên chính trường Pháp", hay một sự "thao túng chính trị hòng làm nổ tung đảng Những Người Cộng Hòa"…

Tuy nhiên, nhật báo cánh hữu này cũng cảm thấy chưa mất hết hy vọng. Trong chiến dịch tranh cử tới đây, không có gì có thể cản trở LR đòi hỏi một sự thay đổi có tầm cỡ còn lớn hơn của En Marche ! Đó là phải giành được thắng lợi trong bầu cử Quốc hội. LR chiếm được đa số tuyệt đối hay tương đối, điều đó không quan trọng miễn là phải về đầu trong vòng hai bầu cử tối ngày 18/6 tới đây.

Về điểm này, tờ thiên tả Libération có cái nhìn hóm hỉnh hơn khi thông báo thị trưởng Le Havre, người thân cận của Alain Juppé (thị trưởng thành phố Bordeaux), Edouard Philippe được Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng. Tờ báo đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : "Nhiệm vụ của ông là gì ?", để rồi tự trả lời "Bẻ gãy cánh hữu".

Sự mong manh

Phân tích về việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm một chính trị gia cánh hữu, ông Edouard Philippe làm thủ tướng, báo Libération thiên tả có bài xã luận nhan đề "Mong manh".

Mở đầu bài xã luận, tờ báo nhắc lại câu nói ví von của cựu thủ tướng cánh hữu Alain Juppé tóm tắt ý đồ của Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử Quốc hội : Cần cắt bỏ hai đầu của quả trứng rán. Câu nói hình tượng này cho thấy : chiến lược của Emmanuel Macron là gạt bỏ phần lòng trắng, tức phe cực hữu, đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National - FN) và phe cực tả, đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise - FI). Chỉ giữ lại phần lòng đỏ ở giữa, tức những người "biết điều", hợp lý.

Theo Libération, qua việc bổ nhiệm một thủ tướng cánh hữu, Emmanuel Macron hy vọng thu hút cử tri trung hữu vốn đã ủng hộ Alain Juppé. Như vậy, có thể hình dung là chiến lược của tân tổng thống Pháp là tạo dựng một lực lượng thứ ba lãnh đạo đất nước và đương đầu với hai phe đối lập nhau hoàn toàn, một bên là cực hữu và bên kia là cực tả cấp tiến, triệt để.

Theo mô hình này, thì những người đã từng công khai ủng hộ Macron thì chỉ thấy các lợi thế. Còn những cử tri khác thì kém hào hứng hơn và họ có nguy cơ lại phải lựa chọn, giữa một bên là cánh trung mà họ không ưa thích và bên kia là phe cực hữu mà họ không thể chấp nhận được.

Chiến lược này tỏ ra mong manh. Câu hỏi được đặt ra là có nên bác bỏ mọi chính phủ cánh trung có xu hướng bành trướng trên chính trường Pháp. Libération cho rằng câu hỏi này rất quan trọng đối với cánh tả : Liệu những người ủng hộ các tiến bộ xã hội có nên đặt hy vọng vào một thủ tướng cánh trung hữu ? Hay tiếp tục duy trì một lực lượng cánh tả đủ khả năng gây áp lực với chính phủ và biết đâu đến một lúc nào đó, có thể đứng ra lãnh đạo đất nước.

Tấn công tin tặc toàn cầu : trách nhiệm của Nhà nước ?

Vụ tấn công tin tặc trên quy mô lớn, với virus WannaCry, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đã làm hơn 250 ngàn máy tính ở nhiều nước bị tê liệt. Điều này cho thấy tội phạm tin học đã lan rộng trên quy mô lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia. Les Echos dành một góc nhỏ trên trang nhất chạy tựa : "Tấn công tin tặc WannaCry : sóng lặng nhưng mây mù chưa tan".

Libération có bài phỏng vấn giám đốc Cơ Quan An Ninh Mạng, Guillaume Poupard cho rằng : "Tội phạm mạng giờ trở thành một vấn đề an ninh quốc gia". Còn theo báo Le Figaro, điều này đặt ra "Trách nhiệm của các Nhà nước về tình trạng phát triển các vụ tấn công tin tặc".

Theo nhà báo Benjamin Ferran, phụ trách Truyền thông và Công Nghệ của tờ Figaro, thì virus WannaCry có thể tàn phá ít hơn nếu như không có sự tiếp tay, một cách vô tình, của các cơ quan tình báo Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, thì dường như các chuyên gia tin học của cơ quan tình báo Hoa Kỳ - NSA, từ nhiều tháng nay, đã nhận diện được một lỗ hổng trong hệ thống an ninh mạng. Thế rồi sau đó, phát hiện này của họ lại bị tin tặc đánh cắp. Nhóm đánh cắp này có thể có liên hệ với Nga và dường như một nhóm tin tặc khác khai thác các tài liệu đánh cắp được để tạo ra virus riêng phục vụ cho đợt tấn công này.

Các chuỗi sự kiện này cho thấy hơn bao giờ hết cần phải đặt ra vấn đề kiểm soát vũ khí tin học của các Nhà nước. Trên toàn thế giới, nhiều nhóm tin tặc hoạt động phục vụ cho các cơ quan tình báo. Hồi tháng Ba vừa qua, WikiLeaks tiết lộ là CIA có trong tay các tài liệu liên quan đến các lỗ hổng an ninh mạng của điện thoại iPhone, điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android, máy tính dùng hệ điều hành Window, thậm chí cả vô tuyền truyền hình Samsung.

Như vậy, trên thế giới đang diễn ra một cuộc chạy đua đáng lo ngại và việc kiểm soát chỉ ở mức tối thiểu. Vào cuối tháng Sáu, Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành thảo luận về các phương tiện nhằm ngăn chặn việc phổ biến loại vũ khí này giống như việc kiểm soát vũ khí quy ước. Hồi tháng Hai, tập đoàn Microsoft đã kêu gọi ký kết một "công uớc Geneve về tin học", trong đó có việc buộc các Nhà nước, nếu biết được những lỗ hổng về an toàn mạng, thì phải thông báo cho các hãng xuất bản phần mềm tin học liên quan. Theo nhận định của một chuyên gia tin học Mỹ, thì vụ tấn công tin tặc cuối tuần qua là một phát súng cảnh báo.

Cam Bốt : Còn đọng chút dân chủ

Về thời sự Đông Nam Á, La Croix có bài viết đề tựa "Tại Cam Bốt, còn lại chút nền dân chủ". Cuộc bầu cử địa phương vào ngày 04/6 tới đây được chuẩn bị trong bầu không khí căng thẳng. Thủ tướng Hun Sen đưa ra nhiều biện pháp đe dọa chống lại các đảng phái đối lập.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng rồi, các nghị sĩ các nước khối ASEAN phụ trách nhân quyền ghi nhận : "Đảng cầm quyền sử dụng ba phương thức : sách nhiễu về mặt tư pháp, phó mặc cho hành pháp tự do xử lý và tạo bầu không khí sợ hãi trên cả nước".

Theo ghi nhận của thông tín viên nhật báo tại Phnom Penh, bầu không khí sợ hãi lan rộng đến từng con phố và góc quán cà phê tại thủ đô. Ở đó, người ta phải thật cẩn trọng trước khi rỉ tai người khác đưa ra các quan điểm của mình. Tình hình này cũng tương tự trên các trang mạng xã hội.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)