Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trò chơi nguy hiểm của Tập có nguy cơ gây xung đột rộng lớn hơn.

Khi chiếc Boeing C-40C của Không quân Mỹ chở theo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hạ cánh an toàn tại sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, vào đêm muộn ngày 2/8, những lời phàn nàn bắt đầu xuất hiện khắp Trung Quốc.

"Chết tiệt ! Thật không thể tin được !"

"Cái gì ? Máy bay đã hạ cánh rồi sao ?"

"Không có chuyện Trung Quốc sánh ngang với Putin về chiến lược đâu".

Đó là một số lời bình luận trên mạng xã hội. Sự thất vọng và phẫn nộ tràn ngập các trang blog, video về các công dân đập phá bàn ghế lan truyền nhanh chóng. Sáng hôm sau, nhiều người Trung Quốc cho biết họ không thể ngủ được vì thất vọng tràn trề.

tq1

Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống Đài Loan vào ngày 02/08, trước sự ngạc nhiên của nhiều người Trung Quốc, những người chờ đợi ‘bộ phim truyền hình đêm khuya’ về những chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến buộc Chủ tịch Hạ viện Mỹ phải chuyển hướng máy bay đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. © Bộ Ngoại giao Đài Loan / Reuters

Người ta cực kỳ mong đợi chuyến bay. Một hãng truyền thông trực tuyến mới nổi đã phát trực tiếp cảnh máy bay của Pelosi hạ cánh.

Theo một ước tính, số lượng người Trung Quốc xem ‘bộ phim truyền hình hành động đêm khuya’ này – trực tiếp trên điện thoại thông minh của họ, hoặc xem lại trên các trang tin tức – có thể đã lên tới 200 triệu người.

Vậy nghĩa là có tới 20% trong số hơn 1 tỷ người dùng điện thoại thông minh của Trung Quốc đã dán mắt vào màn hình để theo dõi Pelosi. Chính xác thì họ mong đợi điều gì ?

Một số người trong nhóm này thực sự tin rằng máy bay phản lực quân sự tiên tiến của Trung Quốc sẽ ngăn máy bay của Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc và buộc nó phải đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Hãng truyền thông cho phát trực tiếp sự kiện này đã hy vọng vào một kịch bản như vậy, bởi nó chắc chắn sẽ giúp xếp hạng của họ tăng vọt.

Một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, những người đứng sau một chiến dịch tuyên truyền lớn vốn để lại cho công chúng ấn tượng rằng Trung Quốc chắc chắn có thể chặn đứng chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, dù là thông qua biện pháp ngoại giao hay quân sự.

Nhưng thực tế thì vào tháng 08/2022, máy bay chiến đấu của Trung Quốc không thể nào ngăn được máy bay của Pelosi tiến vào vùng trời phía trên Đài Loan. Máy bay quân sự Mỹ đã bay đến từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản gần đó, và cả từ những nơi khác, tạo ra một vùng đệm an toàn trên không.

Quân đội Mỹ đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Tập, với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã chuẩn bị các biện pháp đối phó. Ngay sau khi máy bay của Pelosi hạ cánh, Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận quân sự tại 6 vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan.

Đây đúng là một sự phô trương vũ lực để chống lại Đài Loan, nhưng là dưới dạng kiềm chế. Tập trận được ấn định bắt đầu vào chiều ngày 04/08, một ngày sau khi Pelosi rời Đài Bắc.

Ngay cả vậy, cuộc tập trận có những khía cạnh chưa từng có tiền lệ. Một vài tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã lần đầu tiên bay qua Đài Bắc.

Việc năm tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Okinawa thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn.

tq2

Áp lực quân sự của Trung Quốc lên Đài Loan. Màu cam là các vùng diễn ra tập trận sau chuyến đi của Pelosi, màu xanh là các vùng diễn ra tập trận trong khủng hoảng Đài Loan năm 1996. Nguồn thông tin : Tân Hoa Xã.

Nếu nói về hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, 70% là ở Okinawa. Năm tên lửa đạn đạo đã rơi gần đảo Yonaguni, cực tây của Nhật Bản, nơi Lực lượng Phòng vệ dùng để theo dõi Trung Quốc.

Thiếu tướng Mạnh Tường Thanh (Meng Xiangqing), giáo sư tại Đại học Quốc phòng, thuộc quân đội Trung Quốc, đã giải thích ý nghĩa của cuộc tập trận trên Đài truyền hình Trung ương nước này.

Ông Mạnh cho biết các khu vực được chọn làm địa điểm tiến hành tập trận là gần với Đài Loan hơn bao giờ hết, và chúng được lựa chọn theo kế hoạch nhằm phong tỏa các cảng chính và các tuyến đường vận chuyển của Đài Loan.

Mạnh cũng đề cập đến các cuộc tập trận quân sự ở hai khu vực phía bắc gần Okinawa, trong khi tập trận ở khu vực phía nam sẽ giúp kiểm soát và phong tỏa Eo biển Ba Sĩ (Bashi), lối vào phía đông của Biển Đông.

Ông nói rằng các cuộc tập trận quân sự đó có ý nghĩa quan trọng, vì chúng sẽ ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Vị tướng này đóng vai trò là phát ngôn viên quân sự trên thực tế về các cuộc tập trận. Điều quan trọng là ông đề cập đến Okinawa trước tiên, sau đó mới đến khả năng phong tỏa Đài Loan và loại trừ sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào vấn đề Đài Loan.

Một nguồn tin liên quan đến quan hệ Trung-Đài chỉ ra rằng Trung Quốc đã bắt đầu "trò chơi đối đầu" với Mỹ và Nhật.

Đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa cách Đài Loan 111 km. Các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã đóng quân tại đây từ năm 2016. Cơ sở radar chống hạm và phòng không đã được lắp đặt để theo dõi động thái của lực lượng Trung Quốc.

Lấy cớ chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, quân đội Trung Quốc đã thể hiện khả năng nhắm vào các cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Yonaguni và các lực lượng Mỹ đóng quân tại những nơi khác ở Okinawa.

tq3

Các cơ sở radar trên đảo Yonaguni giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản theo dõi các động thái của Trung Quốc.

Bằng cách đó, quân đội Trung Quốc đang kiểm tra phản ứng của Washington và Tokyo.

Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc có ý định tấn công trực tiếp vào lực lượng Mỹ đóng tại Okinawa, hành động ấy sẽ dễ dàng kích hoạt một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, sau đó có thể mở rộng thành chiến tranh toàn cầu.

Trung Quốc đã từng dùng lá bài Okinawa để gây sức ép với Nhật Bản.

Tháng 05/2013, ngay sau khi Tập lên nắm quyền, một bài báo đăng trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có tác động sâu rộng. Nó nói rằng Lưu Cầu Quốc (Ryukyu Kingdom) từng là quốc gia triều cống của Trung Quốc dưới thời nhà Minh và nhà Thanh.

Bài báo không đơn giản là một bài học lịch sử – lần đầu tiên Bắc Kinh công khai thể hiện rằng họ coi Okinawa, hòn đảo trước đây được gọi là Ryukyu/Lưu Cầu, là lãnh thổ của Trung Quốc.

Hai tác giả của bài báo đã được chính phủ lựa chọn hai tháng trước đó, từ các thành viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu lớn nhất của nước này, chuyên hỗ trợ việc hoạch định các chiến lược của đảng và chính phủ.

Năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị logic rằng quần đảo Điếu Ngư – tên tiếng Trung của quần đảo Senkaku – là một phần của Đài Loan, và Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc.

Lần này, bằng cách bắn tên lửa vào vùng biển gần Okinawa, Trung Quốc đã hành động mạnh mẽ hơn.

tq4

Quân đội Trung Quốc đã tiến hành vụ thử tên lửa vào ngày 04/08. © Tân Hoa Xã / Kyodo

Điều quan trọng là lãnh đạo chiến dịch Đài Loan hiện nay của Trung Quốc là Quân ủy Trung ương, chứ không phải Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng.

Cũng có thể nói rằng Trung Quốc hiện đang ở một bước ngoặt khi chuyển trọng tâm từ khẩu chiến sang võ chiến. Sự thay đổi diễn ra sau khi Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng sức mạnh quân sự của mình.

Tuy nhiên, mỗi khi Tập phô trương sức mạnh trước Đài Loan, ông lại thường tạo ra cơ hội cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn giành lại sự ủng hộ chính trị mà bà đánh mất trước đó.

Các cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức tại Đài Loan vào ngày 26/11. Đây là bước mở đầu cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan, vào năm 2024.

Triển vọng của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới không hẳn là thuận lợi. DPP đã bị Quốc dân Đảng (KMT) đánh bại trong cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất, vào tháng 11/2018.

Thái đã tạm thời từ chức người đứng đầu DPP mà bà kiêm nhiệm, để chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của đảng.

Tuy nhiên, sau khi được khích lệ bởi kết quả bầu cử này, Tập lại mắc một sai lầm lớn.

tq5

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/08. © Văn phòng Tổng thống Đài Loan / Reuters

Tháng 01/2019, ông đã có bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày ban hành "Thông điệp gửi đến Đồng bào Đài Loan". Thông điệp năm 1979 kêu gọi thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục một cách hòa bình.

Dù nói rằng công thức "một quốc gia, hai chế độ" là cách tốt nhất để thống nhất trong hòa bình, Tập cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Thái ngay lập tức đã phản biện và ghi điểm chính trị lớn.

Công thức "một quốc gia, hai chế độ" kể từ đó đã trở thành một thông điệp chết do phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong – một phản ứng đã giúp DPP hồi sinh và giúp Thái giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Bây giờ vòng thứ hai của trận chiến Tập-Thái đang diễn ra.

Quân đội Trung Quốc ban đầu thông báo rằng họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận từ ngày 04/08 đến 06/08. Nhưng các cuộc tập trận ở Chiến khu Đông Bộ vẫn được tiếp tục cho đến thứ Tư (10/08), một lời cảnh báo rõ ràng cho người Mỹ.

Dư luận Trung Quốc rất dễ nổi nóng, và chính quyền Tập không thể dễ dàng lùi bước. Cũng có những lo ngại rằng tập trận sẽ trở nên thường xuyên.

Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan có lẽ sẽ đạt đến giai đoạn quan trọng trong nhiệm kỳ tiếp theo của Tập với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "China targets Taiwan, Okinawa in Pelosi damage control", Nikkei Asia, 11/08/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/08/2022

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Published in Diễn đàn

Đài Loan : G7, ASEAN, Liên Âu và Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột

Thùy Dương, RFI, 04/08/2022

Cơn giận của Bắc Kinh vẫn chưa nguôi sau khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 03/08/2022 rời Đài Loan để sang Hàn Quốc, tiếp tục chuyến công du Châu Á. Hôm nay 04/08, Trung Quốc tổ chức tập trận lớn chưa từng có trong lịch sử ngay sát Đài Loan. G7 kêu gọi Bắc Kinh giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN cũng có phản ứng tương tự về cuộc tập trận của Trung Quốc. 

pelosi1

Truyền hình Trung Quốc đưa tin Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển quanh Đài Loan. Ảnh chụp màn hình tại Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 04/08/2022 . Reuters Tyrone Siu

Trong thông cáo chung, lãnh đạo nhóm G7, gồm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Ý và Canada), nhắc lại việc đại diện cơ quan lập pháp của các nước G7 công du quốc tế là chuyện hết sức bình thường và Trung Quốc không thể viện cớ đó để có các hành động hung hăng, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.

Các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN đang họp tại Phnom Penh, Cam Bốt, hôm nay cảnh báo "các nguy cơ căng thẳng ở eo biển Đài Loan có thể dẫn đến các sai lầm trong nhận định, đối đầu nghiêm trọng, các xung đột, và có thể để lại những hậu quả không thể lường hết đối với các cường quốc".

Trên mạng Twitter ngày 04/08, bên lề cuộc họp với các ngoại trưởng khối ASEAN, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrel cũng nhấn mạnh Bắc Kinh không thể sử dụng chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ làm cớ để tiến hành cuộc tập trận "hung hăng, khiêu khích".

Về phần Hoa Kỳ, theo AFP, Washington tố cáo việc Bắc Kinh tổ chức tập trận quanh Đài Loan là "vô trách nhiệm" và sẽ làm tăng căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Trên đài NPR hôm 03/08, Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố khi Trung Quốc bắn đạn thật, thử nghiệm tên lửa trong cuộc tập trận. Ông Sullivan kêu gọi Bắc Kinh "hành động có trách nhiệm" và tránh làm leo thang căng thẳng, có thể dẫn tới "nhầm lẫn, tính toán sai lầm trên không hoặc trên biển".

Thùy Dương

*********************

Nguy cơ Trung Quốc tấn công : Phản ứng của Đài Loan và các đồng minh

Minh Anh, RFI, 04/08/2022

Tháng 5/2021, tuần báo kinh tế Anh The Economist xếp Đài Loan thuộc diện "khu vực nguy hiểm nhất thế giới". Nhận định này càng trở nên thực tiễn khi Trung Quốc trong vòng một năm sau không ngừng gia tăng đe dọa quân sự. Nếu Trung Quốc theo chân Nga, tiến hành cuộc chiến tấn công bên kia bờ eo biển, Đài Loan có thể kháng cự ? Mỹ và Nhật Bản có lập trường như thế nào trong hồ sơ nóng bỏng này ?

pelosi2

Một chiếc trực thăng quân sự Trung Quốc bay gần một trong những điểm gần Đài Loan nhất của Hoa lục ngày 04/08/2022.  AFP - Hector Retamal

Trung Quốc trong vòng một năm qua không ngừng gia tăng sức ép khi liên tục tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi hòn đảo. Đầu tháng 5/2022, Bắc Kinh cho triển khai hàng không mẫu hạm cùng năm chiếc tầu khu trục cách Đài Loan khoảng 500 km. AFP, dựa trên các dữ liệu tổng hợp được, cho biết tổng cộng trong năm 2021, Đài Loan ghi nhận 969 cuộc xâm nhập vùng nhận diện phòng không.

Căng thẳng còn gia tăng một nấc khi Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây có những lời lẽ gay gắt với nhau. Ngày 23/05/2022, trong chuyến công du Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối các cuộc tập trận của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang "đùa với nguy hiểm".

Và nhất là chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa cảnh báo Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng quân sự nếu hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Tuyên bố này của ông Biden khiến Bắc Kinh nổi dóa, cảnh cáo Washington "chớ xem nhẹ quyết tâm của Trung Quốc". Tại Đối thoại An ninh Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa còn tuyên bố mạnh mẽ "sẽ đánh đến cùng" nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Đảo Đài Loan : Chốt chặn chiến lược an toàn cho Mỹ ?

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát xung quanh hòn đảo có diện tích chỉ bằng một nửa nước Ireland, chỉ vì Đài Loan chiếm một vị trí quan trọng cho chiến lược quốc phòng của cả hai nước. Marc Julienne, nhà nghiên cứu về các hoạt động của Trung Quốc, Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trên đài RFI đưa ra ba lý do :

"Thứ nhất, Đài Loan giống như một dạng chốt chặn chiến lược nằm ngay giữa điều mà Trung Quốc gọi là chuỗi đảo thứ nhất. Chuỗi đảo này đi từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, rồi đến quần đảo Philippines, Indonesia đến tận Malaysia. Đối với Trung Quốc, chuỗi đảo thứ nhất này là một chiếc rào, chắn lối ra Thái Bình Dương và điều này đặt ra một vấn đề quan trọng cho giới chức Trung Quốc trên phương diện răn đe hạt nhân.

Bởi vì tầu ngầm phóng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, trú đóng tại căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, nằm ở Biển Đông gặp khó khăn trong việc tận dụng độ sâu của Thái Bình Dương để có thể đến đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân của mình. Nếu như Đài Loan trở về với Trung Quốc, chốt chặn tầu ngầm hạt nhân đó sẽ bị bật lên, và điều đó có nguy cơ là một mối đe dọa còn trực tiếp hơn cho Mỹ, bởi vì tầu ngầm hạt nhân có thể ung dung tiến đến gần hơn và một cách đe dọa hơn các bờ biển nước Mỹ.

Luận điểm thứ hai, đối với Mỹ là rất quan trọng, chính là mạng lưới các đồng minh tại Đông Á. Hoa Kỳ có các hiệp ước an ninh hỗ tương với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và một đối tác an ninh với Đài Loan. Cho dù không có hiệp ước liên minh như mong muốn với Đài Bắc, nhưng trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan mà Washington không phản ứng gì hết, đây sẽ là một tín hiệu cực kỳ tiêu cực gởi đến các đồng minh đối tác lâu dài, đặc biệt là với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những nước này tự bản thân họ cũng cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa theo một cách nào đó, đặc biệt là nước Nhật. Như vậy, điều này sẽ làm phương hại đến mạng lưới liên minh của Mỹ.

Cuối cùng là vấn đề chất bán dẫn. Cả Hoa Kỳ cũng như một phần lớn các nước trên thế giới đều cần đến kỹ nghệ và năng lực sản xuất của Đài Loan".

Ba kịch bản phòng thủ

Trong bối cảnh Nga – một đối tác chiến lược thân cận của Trung Quốc – tiến hành một cuộc chiến xâm lăng Ukraine từ bốn tháng qua, câu hỏi được giới chuyên gia những tháng gần đây thường xuyên đặt ra là "Liệu Bắc Kinh có theo chân Nga chiếm đánh Đài Loan ?" Câu trả lời là "Chưa", chí ít là trong ngắn hạn. Nhưng nếu Trung Quốc thật sự tiến hành một chiến dịch quân sự có quy mô lớn như Nga đang làm, Đài Loan có đủ khả năng để tự vệ hay không ?

Tất nhiên, nếu xung đột xảy ra, cũng giống như với Ukraine, đây sẽ là một cuộc chiến bất cân xứng. Đài Loan tuy có nguồn lực quân sự riêng, nhưng ngân sách cho quốc phòng chỉ ở mức 15 tỷ đô la hàng năm, thấp hơn rất nhiều so với con số 250 tỷ của Trung Quốc. Nhưng Đài Loan trước tiên có thể tận dụng địa hình thuận lợi : hòn đảo này chẳng khác gì một pháo đài hải quân, mà từ lâu giới quân sự thường hay ví như là một chiếc hàng không mẫu hạm không thể chìm.

Do vậy, theo quan điểm của chuyên gia Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình Châu Á, Viện Montaigne, hàng phòng thủ của Đài Loan có thể xoáy vào ba trục chính :

"Thứ nhất, Đài Loan phải kháng cự ý đồ tấn công chớp nhoáng từ Trung Quốc từ hai mươi năm qua, nhất là từ cuộc khủng hoảng 1995-1996, giống như kịch bản những ngày đầu cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Nghĩa là từ lục địa, Trung Quốc tập trung bắn phá vào những nơi ra quyết định quân sự và chính trị ở Đài Loan, rồi các cảng hàng không và sức mạnh không quân của Đài Loan để nhanh chóng có được ưu thế không quân tại eo biển.

Tất cả những điều đó sẽ đi kèm với các cuộc tấn công tin học làm tê liệt và người ta ghi ngờ khả năng diễn ra các chiến dịch lực lượng đặc nhiệm. Đây chính là kịch bản tấn công nhanh mà người ta bàn tán từ nhiều năm qua, và hiện cho thấy có những khó khăn trước những gì đang diễn ra tại Ukraine. Do vậy Đài Loan phải phòng thủ chống lại được tất cả những điều đó, nghĩa là có khả năng kháng cự ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Đây là vấn đề sức bền.

Tiếp đến, Đài Loan còn có nhiều vấn đề lớn : Làm thế nào đáp trả một cuộc đổ bộ từ biển hay từ trên không của Quân đội Giải phóng Nhân dân ? Để thực hiện được điều này, Đài Loan phát triển một hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, nhưng cũng tận dụng việc mua thêm vũ khí từ Mỹ. Điều này cho phép gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng Trung Quốc.

Vấn đề thứ ba đối với Đài Loan là, nếu như hai sách lược phòng thủ trên đều thất bại, làm thế nào kháng cự được ở trên bộ trước sự hiện diện đông đảo của quân đội Trung Quốc ? Từ nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Đài Loan nghiên cứu khái niệm chiến tranh "du kích đô thị". Đài Loan là một liên thị lớn nằm dọc theo bờ phía tây của đảo. Cuộc chiến đô thị, như chúng ta thấy ở Ukraine, cũng có thể gây khó khăn cho lực lượng chiếm đóng. Từ những kịch bản khác nhau này, người ta thấy rõ là tấn công Đài Loan có lẽ sẽ không đơn giản chút nào cho Trung Quốc".

Tokyo và thái độ mập mờ

Tình hình eo biển Đài Loan những năm qua vốn dĩ đã căng thẳng nay còn thêm nóng bỏng với cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Nếu như những tuyên bố của tổng thống Joe Biden làm dấy lên mối hoài nghi về việc Mỹ từ bỏ "chiến lược mập mờ", thì mọi cặp mắt cũng dồn sang một nước khác : Nhật Bản. Liệu Đài Loan và Mỹ có thể trông cậy một sự hỗ trợ về quân sự từ Nhật Bản hay không ?

Từ bao lâu nay, Tokyo cũng duy trì một lập trường mập mờ với Mỹ. Bởi vì, nếu xung đột xảy ra, Nhật Bản sẽ là nước trên tuyến đầu, bởi vì nước này, cụ thể là Okinawa, là nơi đặt những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ. Chỉ có điều, Tokyo còn là một đối tác cực kỳ quan trọng của Bắc Kinh, vì những lý do kinh tế.

Nhà nghiên cứu Valérie Niquet, chuyên gia về Quan hệ Quốc tế, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trên đài RFI phân tích thế khó xử của Nhật Bản trong hồ sơ Đài Loan :

"Đúng là luôn có một thế ở giữa. Chúng ta thấy là mọi việc đã thay đổi nhất là cho chính lợi ích của Nhật Bản và đặc biệt, đó còn là một phần của trò chơi chính trị Nhật Bản với những nhân vật quan trọng như cựu thủ tướng Shinzo Abe và phân nhánh quan trọng nhất mà ông ấy điều hành trong lòng đảng cầm quyền PLD (Đảng Tự do – Dân chủ). Ông ấy đưa ra cam kết rất cứng rắn về vấn đề Đài Loan. Nhưng Nhật Bản cũng phải đáp ứng kỳ vọng của Mỹ để đổi lấy sự bảo vệ của nước này liên quan hiệp ước an ninh ràng buộc Nhật Bản với Hoa Kỳ.

Người ta mong đợi Nhật Bản sẽ can dự nhiều hơn một chút vào vấn đề Đài Loan và đó là điều tân thủ tướng cũng như người tiền nhiệm đã làm khi tuyên bố rằng phải giữ gìn sự ổn định ở eo biển của Đài Loan là điều cần thiết. Đây là một hình thức cam kết trước Trung Quốc. Thế nhưng, vẫn còn câu hỏi : Một cách cụ thể, Nhật Bản sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan ?

Câu trả lời không rõ ràng và đặc biệt vấn đề đầu tiên được đặt ra, ngay cả khi tôi nghĩ rằng nó sẽ được giải quyết nhanh chóng, chính là việc sử dụng căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, kể cả trong trường hợp xung đột xảy ra tại eo biển Đài Loan. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ thực sự phải xin phép chính quyền Nhật Bản. Một số người kêu gọi nên cấp phép trước, trong khi nhiều người khác tỏ ra miễn cưỡng hơn nhiều, vì lo sợ phản ứng quá mạnh từ Bắc Kinh".

Minh Anh

**********************

Trung Quốc tổ chức trập trận lớn "chưa từng có" xung quanh Đài Loan

Minh Anh, RFI, 04/08/2022

Bắc Kinh chưa hết nguôi giận sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Vài giờ sau khi chiếc máy bay quân sự chở chủ tịch Hạ Viện Mỹ rời đảo Đài Loan sang Hàn Quốc, quân đội Trung Quốc hôm 04/08/2022 khởi động cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong lịch sử xung quanh đảo Đài Loan.

pelosi3

Truyền hình Trung Quốc đưa tin tập trận ngày 04/08/2022 : Một tên lửa được bắn từ một địa điểm không được xác định tại Trung Quốc.  AP

Đợt tập trận bắt đầu vào lúc 13 giờ 56 phút, giờ địa phương, tại 6 địa điểm xung quanh Đài Loan. Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV trên trang mạng xã hội nêu rõ "cuộc tập trận này sẽ kéo dài cho đến trưa Chủ Nhật (07/8). Trong thời gian này, tầu thuyền và máy bay không được phép đi qua các vùng lãnh hải và không phận có liên quan". 

Trong một thông cáo ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết "Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho bắn đi một loạt tên lửa đạn đạo Đông Phong tại các vùng biển ở phía đông bắc và tây nam Đài Loan". Quân đội Đài Loan không xác nhận điểm rơi cụ thể của những tên lửa đó, cũng như không nói chúng có bay qua đảo hay không. 

Tại đảo Bình Đàm, gần với một trong những khu vực tập trận và là điểm du lịch ưa thích, du khách Trung Quốc và phóng viên của AFP nhìn thấy nhiều trực thăng quân sự bay về phía eo biển Đài Loan. Các phóng viên còn nhìn thấy nhiều tên lửa được bắn đi từ một căn cứ quân sự gần đó về phía eo biển, để lại nhiều vạch khói trắng. 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trích dẫn nhiều nhà phân tích quân sự Trung Quốc, cho biết đây là cuộc tập trận có quy mô "chưa từng có", vì "lần đầu tiên quân đội Trung Quốc bắn đạn thật và tên lửa tầm xa ra ngoài eo biển Đài Loan"

Trả lời AFP, một nguồn tin quân sự Trung Quốc cảnh cáo "nếu các lực lượng quân đội Đài Loan cố ý va chạm với quân đội Trung Quốc hay vô tình khai hỏa, quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ và phía Đài Loan sẽ phải gánh lấy mọi trách nhiệm"

Đài Bắc ngay lập tức lên án hành động quân sự này của Bắc Kinh là đe dọa an ninh vùng Đông Á. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan, Tôn Lập Phương (Sun Li Fang) khẳng định "một số điểm tập trận của Trung Quốc nằm chồng lấn vào vùng lãnh hải của Đài Loan" và chỉ trích "một hành động phi lý nhằm thách thức trật tự thế giới"

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết thêm quân đội của hòn đảo trong đêm hôm qua đã phải bắn đi một quả pháo sáng để xua đuổi một thiết bị bay không người lái trên không phận đảo Kim Môn, cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc 10 km, nhưng không nói rõ đó là loại drone gì. 

Trong thông cáo hôm nay, Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định các lực lượng quân sự của đảo cũng "chuẩn bị tư thế cho một cuộc chiến tranh mà không gây chiến"

Minh Anh

**********************

Trung Quốc bắn tên lửa Đông Phong vào vùng biển Đài Loan

RFA, 04/08/2022

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 4/8 xác nhận quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo Đông Phong vào vùng biển Đài Loan trong cuộc tập trận kéo dài từ ngày 4 đến 7/8, ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kết thúc chuyến thăm đảo quốc tự chủ này vào ngày 3/8 vừa qua.

pelosi4

Máy bay trực thăng của Trung Quốc bay qua đảo Pingtan gần với Đài Loan ở tỉnh Phúc Kiến hôm 4/8/2022 - AFP

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, một loạt tên lửa Đông Phong đã được Trung Quốc bắn ra vào lúc 1 giờ 56 phút chiều và rơi xuống vùng nước gần các phần phía đông bắc và tây nam của Đài Loan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan không đưa thêm chi tiết cụ thể.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Đài Loan cho biết khoảng 10 tàu hải quân Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan từ tối 3/8 đến sáng 4/8, trước khi bị tàu lực lượng phòng vệ biển của Đài Loan "xua đi".

Nguồn tin cho Reuters biết, các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến này vào sáng 4/8.

"Họ bay vào và sau đó rút ra, liên tục như vậy. Họ cố gắng gây áp lực lên hệ thống phòng không của chúng tôi", nguồn tin này nói.

Hãng tin Reuters hôm 4/8 trích dẫn thông tin từ quân đội Đài Loan cho biết Đài Loan đã bắn pháo sáng xua đuổi hai máy bay không người lái gần hòn đảo ở ngoài khơi phía tây.

Phía Đài Loan cho biết hai máy bay này đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và đã phải quay đầu sau khi bị phía Đài Loan bắn pháo sáng cảnh báo và xua đuổi.

Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan hôm 2/8 vừa qua đã khiến tình hình ở eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/8 nói rằng việc quân đội tập trận ở vùng biển gần Đài Loan "là một biện pháp cần thiết và chính đáng để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất.

***********************

Ngoại trưởng Trung Quốc hủy cuộc gặp song phương với Nhật sau tuyên bố của G7 về Đài Loan

RFA, 04/08/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hủy cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản dự kiến diễn ra vào ngày 4/8 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia.

pelosi5

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hôm 4/8/2022 - Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho báo chí biết, Bắc Kinh không hài lòng với tuyên bố chung của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm : Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Pháp và Mỹ (G7) về vấn đề Đài Loan.

Hôm 3/8, nhóm các nước G7 kêu gọi Trung Quốc xử lý căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan một cách hòa bình.

Tuyên bố được đưa ra vào khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới Đài Loan từ tối ngày 2/8 khiến Bắc Kinh tức giận.

"Không thể dùng chuyến thăm làm cớ để biện minh cho hoạt động quân sự hung hăng ở eo biển Đài Loan. Nghị sĩ từ các quốc gia của chúng tôi công du quốc tế là việc bình thường" - tuyên bố của các ngoại trưởng G7 do phía Đức đưa ra nêu rõ.

Bà Pelosi dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nhà lập pháp Nhật Bản vào ngày 5/8 tại Tokyo.

Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi hôm 3/8 từ chối đưa ra bình luận về chuyến thăm của bà Pelosi mà chỉ nói chung chung là chuyến thăm cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, và rằng Mỹ và Trung Quốc có quan hệ ổn định.

Tokyo sau đó đã có phản đối chính thức đối với các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan mà một số vùng tập trận được Tokyo coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình gần với phía tây nam của Đài Loan.

Nguồn : RFA, 04/08/2022

**********************

Đài Loan tin có thể tự vệ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công

Phan Minh, RFI, 02/08/2022

Trong bối cảnh chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có khả năng sẽ tới thăm Đài Bắc, bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 02/08/2022 tự tin cho biết có thể bảo vệ hòn đảo trước các mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc : "Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ lưỡng những kế hoạch khác nhau để ứng phó với các mối đe dọa từ kẻ thù". Về phần người dân Đài Loan, họ tỏ ra khá thờ ơ về sự kiện này.

pelosi6

Tên lửa được bắn lên từ một khu trục hạm trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên Hán Quang của Đài Loan ngày 26/07/2022.  AP - Huizhong Wu

Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre cho biết phản ứng của người dân :

Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường trên các con phố của khu chợ Đài Bắc này. Việc bà Nancy Pelosi tới Đài Loan thực sự không phải là mối bận tâm đầu tiên của ông Lin, một người bán dưa hấu : "Tôi nghĩ rằng một nữ dân biểu Mỹ phải có quyền đến bất cứ nơi nào bà ấy muốn, bất kể đó là Đài Loan hay nơi khác, vì đơn giản đó chỉ là trao đổi có đi có lại".

Tuy nhiên, Trung Quốc thì không nghĩ như vậy. Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền với hòn đảo dân chủ 24 triệu dân này và tìm mọi cách để cô lập Đài Loan. Do đó, quân đội Trung Quốc đã đe dọa trả đũa quân sự Đài Loan trong trường hợp bà Nancy Pelosi đến Đài Bắc.

Wei-Ting, 22 tuổi nói : "Trung Quốc đã đe dọa chúng tôi suốt 75 năm qua và đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh diễu võ dương oai, vì vậy tôi không lo lắng lắm. Và dù sao chúng tôi cũng không thể làm gì khác được. Tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi bị cuốn vào sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này".

Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc sẽ có hành động phô trương sức mạnh. Bắc Kinh có thể sẽ điều nhiều máy bay và tàu chiến tới sát Đài Loan và trong trường hợp xấu nhất, sẽ phóng một tên lửa ra eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp là cực kỳ thấp.

Về mặt kinh tế, khả năng chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan khiến thị trường chứng khoán Châu Á hôm nay sụt điểm, do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ leo thang.

Phan Minh

Published in Diễn đàn

Đài Loan : Khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ vượt "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 03/08/2022

Trước và ngay sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc đã liên tục có những lời đe dọa trả đũa mạnh mẽ nhất. Không khó để hiểu cơn thịnh nộ của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ nước này. Điều gì sẽ xảy ra sau khi bà Nancy Pelosi, 82 tuổi, quan chức cao cấp thứ 3 của chính quyền Mỹ, vượt lằn ranh đỏ mà Trung Quốc tự đặt ra ?  

bao1

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Bắc, Đài Loan, tối thứ Ba 02/08/2022, bất chấp những lời cảnh báo, đe dọa từ Bắc Kinh © The Australian

Sau nhiều ngày để dư luận đoán già đoán non về điểm đến Đài Loan trong chuyến công du Châu Á, cuối cùng, tối 02/08/2022, bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, đã tới hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh phản nghịch và hứa sẽ bằng mọi cách để "thống nhất" với đại lục, bằng cả vũ lực nếu cần thiết.

Ngay từ khi chuyến đi của bà Pelosi mới được truyền thông đồn đoán, chưa có xác nhận chính thức nào, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp có những lời đe dọa Mỹ về những "hậu quả" trong quan hệ hai nước. Khi bà Pelosi đang ở thăm Singapore hôm 01/08, Trung Quốc đã tổ chức tập bắn đạn thật ngay lối vào eo biển Đài Loan. Cùng lúc, hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh thi nhau tung thông tin Trung Quốc sẽ ngăn chặn, thậm chí là bắn hạ, nếu chuyên cơ chở đoàn của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ bay vào Đài Loan.

Theo nhiều nhà phân tích được AFP phỏng vấn, đằng sau các diễn văn đe dọa hung hăng, ẩn chứa nỗi lo bất an nào đó của Bắc Kinh. Trung Quốc cảm thấy các sáng kiến của Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây để xích lại gần với Đài Loan gần đây sẽ tạo thêm động lực để hòn đảo tự do này tuyên bố độc lập.

Cũng cần phải nhắc lại là từ trước tới nay, Trung Quốc luôn tìm mọi cách chống lại bất kể sáng kiến nào mang lại tính chính đáng cho Đài Loan trên trường quốc tế. Bắc Kinh thường xuyên cản phá hay phản ứng dữ dội trước mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa Đài Loan và các nước khác. Bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan đều bị Bắc Kinh coi là vượt qua "lằn ranh đỏ" do họ đặt ra, coi đó là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.

Hồi tháng 11/2021, quan hệ Trung Quốc với Litva đã đổ vỡ, chỉ vì quốc gia vùng Baltic này cho mở văn phòng đại diện Đài Loan, trên thực tế là đại sứ quán, tại thủ đô Vilnius.

Trước tiên, chuyến đi của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ là cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã căng thẳng từ lâu nay. Nhưng theo chuyên gia Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á đương đại, Đại học Tokyo, "Trung Quốc coi chuyến đi này là một sự khiêu khích, nhưng Đài Loan có thể sẽ là nạn nhân" bị Bắc Kinh trả đũa.

Bà Nancy Pelosi vừa đặt chân đến sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc thì Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức thông báo tiến hành các "hành động quân sự có mục tiêu", với hàng loạt cuộc tập trận hải quân và không quân chưa từng có xung quanh hòn đảo. Những hành động quân sự của Trung Quốc đang gây lo ngại cho Đài Loan, cũng như nhiều nước khác trong khu vực về nguy cơ xảy ra sự cố dẫn đến xung đột.

Theo giới quan sát, không khí căng thẳng này sẽ còn tăng cao và phức tạp trong thời gian tới. Chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp (FRS) nhận định trên nhật báo La Croix : "Sẽ không có chiến tranh, nhưng sẽ liên tục có các khiêu khích quân sự… Hơn nữa, Trung Quốc sẽ gia tăng gấp bội nỗ lực cô lập ngoại giao Đài Loan và đặc biệt sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế".

Đài Loan cho biết, ngay từ hôm qua (02/08), Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu nhiều loại nông sản và hải sản của Đài Loan.

Còn nhớ hồi 2021, Trung Quốc đã cấm nhập dứa của Đài Loan, mà tất cả đều hiểu đó là vì lý do chính trị. Nhưng chỉ trong vài ngày, Đài Loan đã huy động được tình đoàn kết của nhiều nước, những nước này mua hàng chục nghìn tấn dứa ứ đọng vì lệnh cấm nhập của Trung Quốc.

Lần này, có lẽ Đài Loan cũng sẽ cần đến các đồng minh trên thế giới để tiêu thụ số sản phẩm nông nghiệp bị Trung Quốc cấm. Nếu điều đó xảy ra thì vô hình chung Bắc Kinh đã để quan hệ và tình đoàn kết quốc tế với Đài Loan được mở rộng.

Anh Vũ

************************

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định tới thăm Đài loan "vì hòa bình khu vực"

Anh Vũ, RFI, 03/08/2022

Sau Ukraine, cả thế giới đang hướng về Đài Loan với chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ tối 02/08/2022. Chỉ vài giờ sau khi tới Đài Bắc, bà Nancy Pelosi hôm nay liên tiếp có các cuộc gặp gỡ cấp cao, cùng những tuyên bố về tình đoàn kết "không gì lay chuyển" của Mỹ đối với Đài Loan, khẳng định bà tới Đài Loan là vì "hòa bình khu vực". Bắc Kinh phản ứng dữ dội, thông báo hàng loạt hành động trả đũa về quân sự, chính trị, kinh tế nhắm vào hòn đảo.

bao2

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 03/08/2022, tại Đài Bắc, Đài Loan. © Taiwan Presidential Office via AP

Tối qua, 02/08, máy bay quân sự Mỹ chở chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, 82 tuổi, cuối cùng đã hạ cánh xuống Đài Bắc, bắt đầu chuyến thăm Đài Loan. Bà Pelosi là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ 25 năm qua. Chuyến công du của chủ tịch Hạ Viện Mỹ từ cả tuần qua đã thu hút sự chú ý, gây nhiều đồn đoán và chỉ được xác nhận khi bà Pelosi xuất hiện ở sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc.

Hoa Kỳ luôn sát cánh với Đài Loan. Đó là thông điệp được bà Nancy Pelosi nhấn mạnh từ khi đặt chân tới Đài Bắc tối hôm qua. Sáng nay, chủ tịch Ha Viện Mỹ gặp gỡ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bà Nancy Pelosi tuyên bố với lãnh đạo Đài Loan :

"Cách đây 43 năm, Hoa Kỳ đã hứa luôn luôn ủng hộ Đài Loan. Giờ đây, phái đoàn của chúng tôi đã đến Đài Loan để chứng tỏ rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ cam kết với Đài Loan… Chúng tôi đến đây với tư cách là những người bạn. Chúng tôi cảm ơn vai trò tiên phong của các bạn. Trong các chuyến viếng thăm của các đoàn đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ, chúng tôi có ba mục đích : Thứ nhất là an ninh, an ninh của đất nước chúng ta, an ninh thế giới ; thứ hai là mục tiêu kinh tế để mở mang phồn thịnh nhiều nhất có thể và thứ ba là mục tiêu quản trị (đất nước)".

Trong lịch trình, bà Nancy Pelosi có cuộc gặp với chủ tịch TMSC, tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn. Quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan trong lĩnh vực chiến lược này cũng là một chủ đề của các cuộc gặp gỡ.

Ngay sau khi bà Pelosi tới Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án chuyến thăm của bà Pelosi là "vi phạm nghiêm trọng" cam kết của Mỹ đối với Trung Quốc và "làm tổn hại đến hòa bình và ổn định" trong vùng. Ngay tối qua, Bắc Kinh đã cho triệu mời đại sứ Mỹ lên để "phản đối" chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện Mỹ và đe dọa chuyến đi sẽ "có hậu quả rất nghiêm trọng" cho quan hệ hai nước.

Anh Vũ

***********************

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi thăm Đài Bắc : Trung Quốc phản đối, tổ chức tập trận quanh Đài Loan

Ngoài thông báo tập trận, Trung Quốc dồn dập tấn công ngoại giao và kinh tế để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Ngày 03/08/2022, khi tiếp nhân vật số 3 của chính quyền Mỹ, tổng thống Thái Anh Văn khẳng định "Đài Loan sẽ không chùn bước trước những mối đe dọa ngày càng tăng".

bao4

Màn hình chiếu cảnh tàu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một chương trình thời sự buổi tối, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 02/08/2022. Reuters – Tingshu Wang

Về mặt ngoại giao, trong một thông cáo được AFP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án thái độ "vô cùng nguy hiểm" của Hoa Kỳ, cáo buộc "Mỹ cố tình sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc""khuyến khích các hoạt động ly khai "độc lập" của Đài Loan". Đối với chính quyền Bắc Kinh, "những hành động đó như đùa với lửa, vô cùng nguy hiểm".

Hãng tin AFP cho biết thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã triệu mời đại sứ Mỹ Nicholas Burns lên để phản đối và chỉ trích : "Ý định (của bà Pelosi đến Đài Loan) gây sốc rất mạnh và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng". Sáng 03/08, có mặt tại Phnom Penh để dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đe dọa "những kẻ xúc phạm Trung Quốc chắc chắn sẽ bị trừng phạt".

Về mặt quân sự, Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ với 6 cuộc tập trận quanh hòn đảo ngay từ ngày 03/08, trong đó có tập "bắn đạt thật tầm xa" ở eo biển Đài Loan. Theo dữ liệu do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố, một phần "hoạt động quân sự có mục tiêu" diễn ra cách bờ biển Đài Loan chỉ khoảng 20 km. Riêng trong đêm 02-03/08 đã có 21 chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đây là "âm mưu đe dọa các cảng biển và khu đô thị quan trọng của chúng tôi và đơn phương phá hoại hòa bình và ổn định trong vùng".

Cùng lúc với các chiến dịch quân sự của Trung Quốc, nhiều tầu chiến Mỹ cũng hoạt động trong khu vực, trong đó có tầu sân bay USS Ronald Reagan. Đa số các nhà quan sát cho rằng ít có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang Mỹ-Trung. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho biết đã sẵn sàng đối phó với các cuộc biểu dương lực lượng của quân đội Trung Quốc.

Cuối cùng, về mặt thương mại, ngày 03/08, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo ngừng xuất khẩu sang Đài Loan cát tự nhiên, một thành phần quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn, một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ngừng nhập khẩu một số mặt hàng hoa quả và cá của Đài Loan, với lý do liên tục phát hiện rệp sáp trên vỏ cam quýt, hoặc trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu cao, phát hiện virus corona trên bao bì đóng gói cá.

Trước chuyến công du của bà Nancy Pelosi, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc tấn công nhiều trang web của chính phủ Đài Loan, khiến một số trang tạm ngừng hoạt động hôm 02/08, như trang web của văn phòng tổng thống, Bộ Ngoại giao hay cổng thông tin điện tử của chính phủ …

Thu Hằng

*********************

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi đến Đài Loan : Phản ứng khác nhau của các nước Châu Á

Chi Phương, RFI, 03/08/2022

Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ gây phản ứng khác nhau từ các nước trong khu vực : một bên thì ủng hộ Trung Quốc, bên kia thì lo ngại, nhưng mong muốn duy trì hòa bình. 

bao3

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu bên cạnh tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phó tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) và giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Sandra Oudkirk, trong cuộc họp tại văn phòng tổng thống Đài Loan, Đài Bắc, ngày 03/08/2022 via Reuters – Taiwan Presidential Office

Vài giờ sau khi máy bay của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hạ cánh tại Đài Bắc vào tối thứ Ba 02/08/2022, Moskva, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh, nhận định đây hiển nhiên là một "hành động khiêu khích", nhằm kềm chế Trung Quốc. Nếu như Hoa Kỳ khẳng định bà Pelosi có quyền thăm Đài Loan, thì Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Trung Quốc cũng có quyền thi hành "các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" liên quan đến Đài Loan.

Bắc Triều Tiên cũng không bỏ lỡ cơ hội này để khẳng định lập trường thân Trung Quốc. Sáng nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố Bình Nhưỡng hoàn toàn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh : Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ của nước khác là "cội rễ của mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực".

Cùng ngày, trên cổng thông tin của của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng  khẳng định "Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc và mong các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan".

Về phía Nhật Bản, theo AFP, chánh văn phòng nội các, ông Hirokawu Matsuno hôm nay cho biết Tokyo không bình luận về các chuyến công du quốc tế của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Tokyo bày tỏ quan ngại đặc biệt về các hoạt động quân sự trên biển xung quanh Đài Loan. Hơn nữa, các khu vực tập trận mà Trung Quốc thông báo bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.  

Về phần mình, Hàn Quốc kêu gọi đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Văn phòng chính phủ đồng thời cho biết Seoul hoan nghênh chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ tại Hàn Quốc từ chiều nay. Hãng tin AFP cho biết, không có nhiều thông tin về chuyến đi của bà Pelosi đến Seoul được tiết lộ. Cho đến nay, cuộc gặp duy nhất được xác nhận là với chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo. Tổng thống Hàn Quốc không tiếp bà Pelosi vì ông đang đi nghỉ hè.

Chi Phương

Published in Châu Á

Cuộc thăm viếng của bà chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo Đài Loan hôm 2/8 đã gây được sự chú ý lớn của dư luận thế giới và đã làm Trung Quốc tức giận.

Liệu có một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới không ? Việc bà Pelosi thăm Đài Loan có tác động gì đến bàn cờ chính trị thế giới và khu vực ?

Xin mời quí độc giả theo dõi cuộc thảo luận giữa ông Nguyễn Gia Kiểng, Đinh Xuân Quân với ông Hoàng Bách trên kênh Youtube Người Việt Channel.

Hoàng Bách nói chuyện với Nguyễn Gia Kiểng và Đinh Xuân Quân

+ Nữ anh hùng Pelosi và nữ tướng Thái Anh Văn đã dồn Tập vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đàn bà dễ có mấy ai ?

+ Cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine bước qua tháng thứ 6. Nga đang kiệt quệ về kinh tế và vũ khí... Ukraine đang tấn công lấy lại Kherson, một thành phố quan trọng ở miền nam.

+ Nhờ vũ khí của Mỹ và đồng minh, Ukraine đang có ưu thế trên chiến trường tháng 8 và 9 là thời điểm quan trọng của cuộc chiến.

Nguồn : Người Việt Channel, 03/08/2022

Published in Video