Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/08/2022

Bắc Kinh làm gì sau chuyến viếng thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ ?

Thùy Dương, Minh Anh, RFA tiếng Việt

Đài Loan : G7, ASEAN, Liên Âu và Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột

Thùy Dương, RFI, 04/08/2022

Cơn giận của Bắc Kinh vẫn chưa nguôi sau khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 03/08/2022 rời Đài Loan để sang Hàn Quốc, tiếp tục chuyến công du Châu Á. Hôm nay 04/08, Trung Quốc tổ chức tập trận lớn chưa từng có trong lịch sử ngay sát Đài Loan. G7 kêu gọi Bắc Kinh giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN cũng có phản ứng tương tự về cuộc tập trận của Trung Quốc. 

pelosi1

Truyền hình Trung Quốc đưa tin Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển quanh Đài Loan. Ảnh chụp màn hình tại Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 04/08/2022 . Reuters Tyrone Siu

Trong thông cáo chung, lãnh đạo nhóm G7, gồm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Ý và Canada), nhắc lại việc đại diện cơ quan lập pháp của các nước G7 công du quốc tế là chuyện hết sức bình thường và Trung Quốc không thể viện cớ đó để có các hành động hung hăng, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.

Các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN đang họp tại Phnom Penh, Cam Bốt, hôm nay cảnh báo "các nguy cơ căng thẳng ở eo biển Đài Loan có thể dẫn đến các sai lầm trong nhận định, đối đầu nghiêm trọng, các xung đột, và có thể để lại những hậu quả không thể lường hết đối với các cường quốc".

Trên mạng Twitter ngày 04/08, bên lề cuộc họp với các ngoại trưởng khối ASEAN, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrel cũng nhấn mạnh Bắc Kinh không thể sử dụng chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ làm cớ để tiến hành cuộc tập trận "hung hăng, khiêu khích".

Về phần Hoa Kỳ, theo AFP, Washington tố cáo việc Bắc Kinh tổ chức tập trận quanh Đài Loan là "vô trách nhiệm" và sẽ làm tăng căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Trên đài NPR hôm 03/08, Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố khi Trung Quốc bắn đạn thật, thử nghiệm tên lửa trong cuộc tập trận. Ông Sullivan kêu gọi Bắc Kinh "hành động có trách nhiệm" và tránh làm leo thang căng thẳng, có thể dẫn tới "nhầm lẫn, tính toán sai lầm trên không hoặc trên biển".

Thùy Dương

*********************

Nguy cơ Trung Quốc tấn công : Phản ứng của Đài Loan và các đồng minh

Minh Anh, RFI, 04/08/2022

Tháng 5/2021, tuần báo kinh tế Anh The Economist xếp Đài Loan thuộc diện "khu vực nguy hiểm nhất thế giới". Nhận định này càng trở nên thực tiễn khi Trung Quốc trong vòng một năm sau không ngừng gia tăng đe dọa quân sự. Nếu Trung Quốc theo chân Nga, tiến hành cuộc chiến tấn công bên kia bờ eo biển, Đài Loan có thể kháng cự ? Mỹ và Nhật Bản có lập trường như thế nào trong hồ sơ nóng bỏng này ?

pelosi2

Một chiếc trực thăng quân sự Trung Quốc bay gần một trong những điểm gần Đài Loan nhất của Hoa lục ngày 04/08/2022.  AFP - Hector Retamal

Trung Quốc trong vòng một năm qua không ngừng gia tăng sức ép khi liên tục tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi hòn đảo. Đầu tháng 5/2022, Bắc Kinh cho triển khai hàng không mẫu hạm cùng năm chiếc tầu khu trục cách Đài Loan khoảng 500 km. AFP, dựa trên các dữ liệu tổng hợp được, cho biết tổng cộng trong năm 2021, Đài Loan ghi nhận 969 cuộc xâm nhập vùng nhận diện phòng không.

Căng thẳng còn gia tăng một nấc khi Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây có những lời lẽ gay gắt với nhau. Ngày 23/05/2022, trong chuyến công du Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối các cuộc tập trận của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang "đùa với nguy hiểm".

Và nhất là chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa cảnh báo Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng quân sự nếu hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Tuyên bố này của ông Biden khiến Bắc Kinh nổi dóa, cảnh cáo Washington "chớ xem nhẹ quyết tâm của Trung Quốc". Tại Đối thoại An ninh Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa còn tuyên bố mạnh mẽ "sẽ đánh đến cùng" nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Đảo Đài Loan : Chốt chặn chiến lược an toàn cho Mỹ ?

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát xung quanh hòn đảo có diện tích chỉ bằng một nửa nước Ireland, chỉ vì Đài Loan chiếm một vị trí quan trọng cho chiến lược quốc phòng của cả hai nước. Marc Julienne, nhà nghiên cứu về các hoạt động của Trung Quốc, Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trên đài RFI đưa ra ba lý do :

"Thứ nhất, Đài Loan giống như một dạng chốt chặn chiến lược nằm ngay giữa điều mà Trung Quốc gọi là chuỗi đảo thứ nhất. Chuỗi đảo này đi từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, rồi đến quần đảo Philippines, Indonesia đến tận Malaysia. Đối với Trung Quốc, chuỗi đảo thứ nhất này là một chiếc rào, chắn lối ra Thái Bình Dương và điều này đặt ra một vấn đề quan trọng cho giới chức Trung Quốc trên phương diện răn đe hạt nhân.

Bởi vì tầu ngầm phóng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, trú đóng tại căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, nằm ở Biển Đông gặp khó khăn trong việc tận dụng độ sâu của Thái Bình Dương để có thể đến đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân của mình. Nếu như Đài Loan trở về với Trung Quốc, chốt chặn tầu ngầm hạt nhân đó sẽ bị bật lên, và điều đó có nguy cơ là một mối đe dọa còn trực tiếp hơn cho Mỹ, bởi vì tầu ngầm hạt nhân có thể ung dung tiến đến gần hơn và một cách đe dọa hơn các bờ biển nước Mỹ.

Luận điểm thứ hai, đối với Mỹ là rất quan trọng, chính là mạng lưới các đồng minh tại Đông Á. Hoa Kỳ có các hiệp ước an ninh hỗ tương với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và một đối tác an ninh với Đài Loan. Cho dù không có hiệp ước liên minh như mong muốn với Đài Bắc, nhưng trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan mà Washington không phản ứng gì hết, đây sẽ là một tín hiệu cực kỳ tiêu cực gởi đến các đồng minh đối tác lâu dài, đặc biệt là với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những nước này tự bản thân họ cũng cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa theo một cách nào đó, đặc biệt là nước Nhật. Như vậy, điều này sẽ làm phương hại đến mạng lưới liên minh của Mỹ.

Cuối cùng là vấn đề chất bán dẫn. Cả Hoa Kỳ cũng như một phần lớn các nước trên thế giới đều cần đến kỹ nghệ và năng lực sản xuất của Đài Loan".

Ba kịch bản phòng thủ

Trong bối cảnh Nga – một đối tác chiến lược thân cận của Trung Quốc – tiến hành một cuộc chiến xâm lăng Ukraine từ bốn tháng qua, câu hỏi được giới chuyên gia những tháng gần đây thường xuyên đặt ra là "Liệu Bắc Kinh có theo chân Nga chiếm đánh Đài Loan ?" Câu trả lời là "Chưa", chí ít là trong ngắn hạn. Nhưng nếu Trung Quốc thật sự tiến hành một chiến dịch quân sự có quy mô lớn như Nga đang làm, Đài Loan có đủ khả năng để tự vệ hay không ?

Tất nhiên, nếu xung đột xảy ra, cũng giống như với Ukraine, đây sẽ là một cuộc chiến bất cân xứng. Đài Loan tuy có nguồn lực quân sự riêng, nhưng ngân sách cho quốc phòng chỉ ở mức 15 tỷ đô la hàng năm, thấp hơn rất nhiều so với con số 250 tỷ của Trung Quốc. Nhưng Đài Loan trước tiên có thể tận dụng địa hình thuận lợi : hòn đảo này chẳng khác gì một pháo đài hải quân, mà từ lâu giới quân sự thường hay ví như là một chiếc hàng không mẫu hạm không thể chìm.

Do vậy, theo quan điểm của chuyên gia Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình Châu Á, Viện Montaigne, hàng phòng thủ của Đài Loan có thể xoáy vào ba trục chính :

"Thứ nhất, Đài Loan phải kháng cự ý đồ tấn công chớp nhoáng từ Trung Quốc từ hai mươi năm qua, nhất là từ cuộc khủng hoảng 1995-1996, giống như kịch bản những ngày đầu cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Nghĩa là từ lục địa, Trung Quốc tập trung bắn phá vào những nơi ra quyết định quân sự và chính trị ở Đài Loan, rồi các cảng hàng không và sức mạnh không quân của Đài Loan để nhanh chóng có được ưu thế không quân tại eo biển.

Tất cả những điều đó sẽ đi kèm với các cuộc tấn công tin học làm tê liệt và người ta ghi ngờ khả năng diễn ra các chiến dịch lực lượng đặc nhiệm. Đây chính là kịch bản tấn công nhanh mà người ta bàn tán từ nhiều năm qua, và hiện cho thấy có những khó khăn trước những gì đang diễn ra tại Ukraine. Do vậy Đài Loan phải phòng thủ chống lại được tất cả những điều đó, nghĩa là có khả năng kháng cự ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Đây là vấn đề sức bền.

Tiếp đến, Đài Loan còn có nhiều vấn đề lớn : Làm thế nào đáp trả một cuộc đổ bộ từ biển hay từ trên không của Quân đội Giải phóng Nhân dân ? Để thực hiện được điều này, Đài Loan phát triển một hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, nhưng cũng tận dụng việc mua thêm vũ khí từ Mỹ. Điều này cho phép gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng Trung Quốc.

Vấn đề thứ ba đối với Đài Loan là, nếu như hai sách lược phòng thủ trên đều thất bại, làm thế nào kháng cự được ở trên bộ trước sự hiện diện đông đảo của quân đội Trung Quốc ? Từ nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Đài Loan nghiên cứu khái niệm chiến tranh "du kích đô thị". Đài Loan là một liên thị lớn nằm dọc theo bờ phía tây của đảo. Cuộc chiến đô thị, như chúng ta thấy ở Ukraine, cũng có thể gây khó khăn cho lực lượng chiếm đóng. Từ những kịch bản khác nhau này, người ta thấy rõ là tấn công Đài Loan có lẽ sẽ không đơn giản chút nào cho Trung Quốc".

Tokyo và thái độ mập mờ

Tình hình eo biển Đài Loan những năm qua vốn dĩ đã căng thẳng nay còn thêm nóng bỏng với cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Nếu như những tuyên bố của tổng thống Joe Biden làm dấy lên mối hoài nghi về việc Mỹ từ bỏ "chiến lược mập mờ", thì mọi cặp mắt cũng dồn sang một nước khác : Nhật Bản. Liệu Đài Loan và Mỹ có thể trông cậy một sự hỗ trợ về quân sự từ Nhật Bản hay không ?

Từ bao lâu nay, Tokyo cũng duy trì một lập trường mập mờ với Mỹ. Bởi vì, nếu xung đột xảy ra, Nhật Bản sẽ là nước trên tuyến đầu, bởi vì nước này, cụ thể là Okinawa, là nơi đặt những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ. Chỉ có điều, Tokyo còn là một đối tác cực kỳ quan trọng của Bắc Kinh, vì những lý do kinh tế.

Nhà nghiên cứu Valérie Niquet, chuyên gia về Quan hệ Quốc tế, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trên đài RFI phân tích thế khó xử của Nhật Bản trong hồ sơ Đài Loan :

"Đúng là luôn có một thế ở giữa. Chúng ta thấy là mọi việc đã thay đổi nhất là cho chính lợi ích của Nhật Bản và đặc biệt, đó còn là một phần của trò chơi chính trị Nhật Bản với những nhân vật quan trọng như cựu thủ tướng Shinzo Abe và phân nhánh quan trọng nhất mà ông ấy điều hành trong lòng đảng cầm quyền PLD (Đảng Tự do – Dân chủ). Ông ấy đưa ra cam kết rất cứng rắn về vấn đề Đài Loan. Nhưng Nhật Bản cũng phải đáp ứng kỳ vọng của Mỹ để đổi lấy sự bảo vệ của nước này liên quan hiệp ước an ninh ràng buộc Nhật Bản với Hoa Kỳ.

Người ta mong đợi Nhật Bản sẽ can dự nhiều hơn một chút vào vấn đề Đài Loan và đó là điều tân thủ tướng cũng như người tiền nhiệm đã làm khi tuyên bố rằng phải giữ gìn sự ổn định ở eo biển của Đài Loan là điều cần thiết. Đây là một hình thức cam kết trước Trung Quốc. Thế nhưng, vẫn còn câu hỏi : Một cách cụ thể, Nhật Bản sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan ?

Câu trả lời không rõ ràng và đặc biệt vấn đề đầu tiên được đặt ra, ngay cả khi tôi nghĩ rằng nó sẽ được giải quyết nhanh chóng, chính là việc sử dụng căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, kể cả trong trường hợp xung đột xảy ra tại eo biển Đài Loan. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ thực sự phải xin phép chính quyền Nhật Bản. Một số người kêu gọi nên cấp phép trước, trong khi nhiều người khác tỏ ra miễn cưỡng hơn nhiều, vì lo sợ phản ứng quá mạnh từ Bắc Kinh".

Minh Anh

**********************

Trung Quốc tổ chức trập trận lớn "chưa từng có" xung quanh Đài Loan

Minh Anh, RFI, 04/08/2022

Bắc Kinh chưa hết nguôi giận sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Vài giờ sau khi chiếc máy bay quân sự chở chủ tịch Hạ Viện Mỹ rời đảo Đài Loan sang Hàn Quốc, quân đội Trung Quốc hôm 04/08/2022 khởi động cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong lịch sử xung quanh đảo Đài Loan.

pelosi3

Truyền hình Trung Quốc đưa tin tập trận ngày 04/08/2022 : Một tên lửa được bắn từ một địa điểm không được xác định tại Trung Quốc.  AP

Đợt tập trận bắt đầu vào lúc 13 giờ 56 phút, giờ địa phương, tại 6 địa điểm xung quanh Đài Loan. Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV trên trang mạng xã hội nêu rõ "cuộc tập trận này sẽ kéo dài cho đến trưa Chủ Nhật (07/8). Trong thời gian này, tầu thuyền và máy bay không được phép đi qua các vùng lãnh hải và không phận có liên quan". 

Trong một thông cáo ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết "Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho bắn đi một loạt tên lửa đạn đạo Đông Phong tại các vùng biển ở phía đông bắc và tây nam Đài Loan". Quân đội Đài Loan không xác nhận điểm rơi cụ thể của những tên lửa đó, cũng như không nói chúng có bay qua đảo hay không. 

Tại đảo Bình Đàm, gần với một trong những khu vực tập trận và là điểm du lịch ưa thích, du khách Trung Quốc và phóng viên của AFP nhìn thấy nhiều trực thăng quân sự bay về phía eo biển Đài Loan. Các phóng viên còn nhìn thấy nhiều tên lửa được bắn đi từ một căn cứ quân sự gần đó về phía eo biển, để lại nhiều vạch khói trắng. 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trích dẫn nhiều nhà phân tích quân sự Trung Quốc, cho biết đây là cuộc tập trận có quy mô "chưa từng có", vì "lần đầu tiên quân đội Trung Quốc bắn đạn thật và tên lửa tầm xa ra ngoài eo biển Đài Loan"

Trả lời AFP, một nguồn tin quân sự Trung Quốc cảnh cáo "nếu các lực lượng quân đội Đài Loan cố ý va chạm với quân đội Trung Quốc hay vô tình khai hỏa, quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ và phía Đài Loan sẽ phải gánh lấy mọi trách nhiệm"

Đài Bắc ngay lập tức lên án hành động quân sự này của Bắc Kinh là đe dọa an ninh vùng Đông Á. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan, Tôn Lập Phương (Sun Li Fang) khẳng định "một số điểm tập trận của Trung Quốc nằm chồng lấn vào vùng lãnh hải của Đài Loan" và chỉ trích "một hành động phi lý nhằm thách thức trật tự thế giới"

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết thêm quân đội của hòn đảo trong đêm hôm qua đã phải bắn đi một quả pháo sáng để xua đuổi một thiết bị bay không người lái trên không phận đảo Kim Môn, cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc 10 km, nhưng không nói rõ đó là loại drone gì. 

Trong thông cáo hôm nay, Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định các lực lượng quân sự của đảo cũng "chuẩn bị tư thế cho một cuộc chiến tranh mà không gây chiến"

Minh Anh

**********************

Trung Quốc bắn tên lửa Đông Phong vào vùng biển Đài Loan

RFA, 04/08/2022

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 4/8 xác nhận quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo Đông Phong vào vùng biển Đài Loan trong cuộc tập trận kéo dài từ ngày 4 đến 7/8, ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kết thúc chuyến thăm đảo quốc tự chủ này vào ngày 3/8 vừa qua.

pelosi4

Máy bay trực thăng của Trung Quốc bay qua đảo Pingtan gần với Đài Loan ở tỉnh Phúc Kiến hôm 4/8/2022 - AFP

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, một loạt tên lửa Đông Phong đã được Trung Quốc bắn ra vào lúc 1 giờ 56 phút chiều và rơi xuống vùng nước gần các phần phía đông bắc và tây nam của Đài Loan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan không đưa thêm chi tiết cụ thể.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Đài Loan cho biết khoảng 10 tàu hải quân Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan từ tối 3/8 đến sáng 4/8, trước khi bị tàu lực lượng phòng vệ biển của Đài Loan "xua đi".

Nguồn tin cho Reuters biết, các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến này vào sáng 4/8.

"Họ bay vào và sau đó rút ra, liên tục như vậy. Họ cố gắng gây áp lực lên hệ thống phòng không của chúng tôi", nguồn tin này nói.

Hãng tin Reuters hôm 4/8 trích dẫn thông tin từ quân đội Đài Loan cho biết Đài Loan đã bắn pháo sáng xua đuổi hai máy bay không người lái gần hòn đảo ở ngoài khơi phía tây.

Phía Đài Loan cho biết hai máy bay này đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và đã phải quay đầu sau khi bị phía Đài Loan bắn pháo sáng cảnh báo và xua đuổi.

Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan hôm 2/8 vừa qua đã khiến tình hình ở eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/8 nói rằng việc quân đội tập trận ở vùng biển gần Đài Loan "là một biện pháp cần thiết và chính đáng để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất.

***********************

Ngoại trưởng Trung Quốc hủy cuộc gặp song phương với Nhật sau tuyên bố của G7 về Đài Loan

RFA, 04/08/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hủy cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản dự kiến diễn ra vào ngày 4/8 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia.

pelosi5

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hôm 4/8/2022 - Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho báo chí biết, Bắc Kinh không hài lòng với tuyên bố chung của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm : Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Pháp và Mỹ (G7) về vấn đề Đài Loan.

Hôm 3/8, nhóm các nước G7 kêu gọi Trung Quốc xử lý căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan một cách hòa bình.

Tuyên bố được đưa ra vào khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới Đài Loan từ tối ngày 2/8 khiến Bắc Kinh tức giận.

"Không thể dùng chuyến thăm làm cớ để biện minh cho hoạt động quân sự hung hăng ở eo biển Đài Loan. Nghị sĩ từ các quốc gia của chúng tôi công du quốc tế là việc bình thường" - tuyên bố của các ngoại trưởng G7 do phía Đức đưa ra nêu rõ.

Bà Pelosi dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nhà lập pháp Nhật Bản vào ngày 5/8 tại Tokyo.

Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi hôm 3/8 từ chối đưa ra bình luận về chuyến thăm của bà Pelosi mà chỉ nói chung chung là chuyến thăm cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, và rằng Mỹ và Trung Quốc có quan hệ ổn định.

Tokyo sau đó đã có phản đối chính thức đối với các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan mà một số vùng tập trận được Tokyo coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình gần với phía tây nam của Đài Loan.

Nguồn : RFA, 04/08/2022

**********************

Đài Loan tin có thể tự vệ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công

Phan Minh, RFI, 02/08/2022

Trong bối cảnh chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có khả năng sẽ tới thăm Đài Bắc, bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 02/08/2022 tự tin cho biết có thể bảo vệ hòn đảo trước các mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc : "Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ lưỡng những kế hoạch khác nhau để ứng phó với các mối đe dọa từ kẻ thù". Về phần người dân Đài Loan, họ tỏ ra khá thờ ơ về sự kiện này.

pelosi6

Tên lửa được bắn lên từ một khu trục hạm trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên Hán Quang của Đài Loan ngày 26/07/2022.  AP - Huizhong Wu

Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre cho biết phản ứng của người dân :

Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường trên các con phố của khu chợ Đài Bắc này. Việc bà Nancy Pelosi tới Đài Loan thực sự không phải là mối bận tâm đầu tiên của ông Lin, một người bán dưa hấu : "Tôi nghĩ rằng một nữ dân biểu Mỹ phải có quyền đến bất cứ nơi nào bà ấy muốn, bất kể đó là Đài Loan hay nơi khác, vì đơn giản đó chỉ là trao đổi có đi có lại".

Tuy nhiên, Trung Quốc thì không nghĩ như vậy. Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền với hòn đảo dân chủ 24 triệu dân này và tìm mọi cách để cô lập Đài Loan. Do đó, quân đội Trung Quốc đã đe dọa trả đũa quân sự Đài Loan trong trường hợp bà Nancy Pelosi đến Đài Bắc.

Wei-Ting, 22 tuổi nói : "Trung Quốc đã đe dọa chúng tôi suốt 75 năm qua và đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh diễu võ dương oai, vì vậy tôi không lo lắng lắm. Và dù sao chúng tôi cũng không thể làm gì khác được. Tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi bị cuốn vào sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này".

Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc sẽ có hành động phô trương sức mạnh. Bắc Kinh có thể sẽ điều nhiều máy bay và tàu chiến tới sát Đài Loan và trong trường hợp xấu nhất, sẽ phóng một tên lửa ra eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp là cực kỳ thấp.

Về mặt kinh tế, khả năng chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan khiến thị trường chứng khoán Châu Á hôm nay sụt điểm, do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ leo thang.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Minh Anh, RFA tiếng Việt
Read 330 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)