Ukraine cáo buộc Ân Xá Quốc Tế tìm cách "xóa tội cho Nhà nước khủng bố Nga"
Trọng Thành, RFI, 05/08/2022
Hôm 04/08/2022, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International - AI) ra một báo cáo, tố cáo chính quyền Ukraine bố trí các lực lượng vũ trang trong các khu vực dân sự, gây nguy hiểm cho dân thường. Kiev ngay lập tức phản đối, tố cáo AI tìm cách "xóa tội" cho chính quyền Nga, thủ phạm cuộc xâm lăng Ukraine.
Tổng thư ký Ân Xá Quốc Tế Agnes Callamard họp báo tại Johannesburg, 28/03/2022. AP - Denis Farrell
Theo AFP, trong bản báo cáo vừa được công bố, kết quả của bốn tháng điều tra, Ân Xá Quốc Tế cáo buộc Quân đội Ukraine bố trí nhiều lực lượng, và phương tiện quân sự tại trường học, bệnh viện, và tiến hành nhiều cuộc phản công từ các khu vực dân cư đông đúc, trái với các hiệp ước nhân đạo quốc tế.
Tổng thống Volodymir Zelensky, trong một video công bố hàng ngày, lên án việc Ân Xá Quốc Tế "đánh đồng nạn nhân với thủ phạm". Ông Mykhailo Pololyak, cố vấn của tổng thống, chỉ trích việc AI "tham gia vào chiến dịch bóp méo thông tin và tuyên truyền của Nhà nước Nga".
Về ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba, ông đã ngay lập tức bày tỏ thái độ"phẫn nộ" trước các cáo buộc bị xem là "bất công" của AI. Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi AI "ngừng tạo ra một hiện thực giả, nơi tất cả các bên đều là thủ phạm ở một mức độ nhất định ! Và hãy bắt đầu thuật lại một cách hệ thống về những gì mà chính quyền Nga thực sự đang làm hiện nay !".
Tuy nhiên, hãng tin Pháp AFP cũng lưu ý, ngay trong bản báo cáo kể trên, Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh việc Quân đội Ukraine sử dụng các chiến thuật như trên "hoàn toàn không phải là lý do để biện minh các hành động tấn công bừa bãi của Quân đội Nga" nhắm vào thường dân Ukraine.
Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine, khởi sự ngày 24/02/2022, bị cộng đồng quốc tế lên án. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã hai lần ra nghị quyết lên án cuộc xâm lăng và yêu cầu Moskva đình chiến. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, chiến tranh tại Ukraine khiến ít nhất hàng nghìn người thiệt mạng, hơn 11 triệu người phải sơ tán, nhiều làng mạc, thành phố, và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đặc biệt ở miền đông và miền nam.
Trọng Thành
**********************
Chiến tranh Ukraine : Liên Hiệp Quốc mở điều tra vụ nổ nhà tù Olenivka
Minh Anh, RFI, 04/08/2022
Theo đề nghị của Kiev và Moskva, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm 03/08/2022, thông báo sẽ mở điều tra để tìm ra "sự thật" về các vụ nổ trong nhà tù Olenivka tại một vùng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine ngày 29/07.
Bên trong nhà tù Olenivka, miền đông Ukraine, bị nổ hôm 29/07/2022. AP
Trong buổi họp báo, ông Antonio Guterres cho biết "quyết định mở một nhiệm vụ điều tra" sau khi "nhận được yêu cầu từ Liên bang Nga và Ukraine". Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rằng ông không có thẩm quyền tiến hành "các cuộc điều tra tội phạm".
Cũng theo ông Guterres, "thuật ngữ tham chiếu cho nhiệm vụ điều tra này đang được chuẩn bị". Ông hy vọng có thể tìm được một đồng thuận với Nga và Ukraine, và mong muốn "cả hai nước tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và thu thập các dữ liệu cần thiết để tái lập sự thật về chuyện gì đã xảy ra". Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc khẳng định đang tìm kiếm nhân vật thích hợp, "độc lập và có năng lực" cho nhiệm vụ này.
Báo Le Monde của Pháp hôm nay cho biết vẫn còn nhiều nghi vấn trong vụ nổ ở nhà tù Olenivka, xảy ra hôm 29/07, giết chết hàng chục tù binh Ukraine. Từ một tuần nay, Nga và Ukraine quy trách nhiệm cho nhau về vụ việc.
Moskva khẳng định chính các lực lượng của Kiev đã tấn công nhà tù bằng dàn phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Kiev một mực bác bỏ cáo buộc đó và tình báo Ukraine khẳng định nắm giữ nhiều bằng chứng là phe ly khai thân Nga, thông đồng với FSB và nhóm Wagner, đã đánh mìn khu nhà tù, sử dụng "một loại hóa chất gây cháy nổ, khiến ngọn lửa lan nhanh trong gian nhà".
Nhiều chuyên gia quân sự nghi ngờ khẳng định của Nga, vì các hình ảnh của nhà tù do Nga cung cấp dường như không giống với những thiệt hại do rocket HIMARS gây ra, vốn dĩ chỉ gây ra những vụ nổ mạnh hơn là gây hỏa hoạn. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy chỉ có một tòa nhà bị hư hại, còn các khu nhà xung quanh không bị ảnh hưởng. Căn cứ theo những hình ảnh quan sát được, nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (Institut for the Study of War) nhận định việc phá hủy nhà tù này là kết quả của "một cú đánh chính xác, hoặc bằng một loại thiết bị gây cháy hay nổ được đặt bên trong nhà tù".
Minh Anh
************************
Ukraine : Tòa án Tối cao Nga xem trung đoàn Azov là "tổ chức khủng bố"
Chi Phương, RFI, 03/08/2022
Trong phiên xử ngày 02/08/2022, Tòa án Tối cao Nga đã ra phán quyết xem trung đoàn Azov của Ukraine là một "tổ chức khủng bố" và bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Nga. Như vậy là các thành viên của trung đoàn bị bắt giữ sau khi thành phố Mariupol thất thủ có thể sẽ phải lãnh án tù nặng nề tại Nga.
Cửa Tòa án Tối cao Nga tại Moskva, ngày 02/08/2022, trước phiên xử trung đoàn Azov của Ukraine. Reuters – Maxim Shemetov
Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Moskva :
"Phần chủ yếu của phiên tòa được xử kín. Hãng thông tấn TASS của Nga trích dẫn điều mà họ gọi là "lời khai của những nhân chứng trong phòng xét xử về những tội ác mà trung đoàn Azov gây ra ở Ukraine". Tại nước cộng hòa tự xưng Donetsk thân Nga ở vùng Donbass, trung đoàn Azov cũng đã bị coi là tổ chức khủng bố.
Kể từ nay, các binh sĩ của Azov có thể bị xét xử như những kẻ khủng bố trên lãnh thổ Nga. Các lãnh đạo của Azov có thể lãnh án từ 15 đến 20 năm tù, và các thành viên thường từ 5 đến 10 năm tù.
Theo hãng tin Interfax, hôm thứ Ba, 02/08, một công dân Nga đã bị xử vắng mặt vì đã tham gia vào trung đoàn Azov và đã chiến đấu ở vùng Donbass từ năm 2015 đến năm 2019. Bị cáo lãnh án 9 năm tù tại một nhà tù được gọi là "chuẩn" ở Nga. Theo ủy ban điều tra Nga, người đàn ông này đã quảng bá các tư tưởng quốc xã trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2014.
Trung đoàn Azov là một yếu tố chủ chốt trong chiến lược truyền thông của điện Kremlin. Một trong những mục đích mà Nga nêu lên khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược từ ngày 24/02 chính là phi phát xít hóa Ukraine".
Theo hãng tin Anh Reuters, trung đoàn Azov, do các tình nguyện viên thành lập vào năm 2014, là một tổ chức cực hữu và dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Tổ chức bán quân sự này chiến đấu chống lại phe ly khai tại vùng Donbass và sau đó gia nhập Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine. Vào tháng 05/2022, binh lính của Azov là những người cuối cùng bảo vệ thành phố cảng miền nam Ukraine Mariupol trong nhiều tháng, trước khi bị Nga bao vây và ra đầu hàng.
Chi Phương
************************
Ukraine truy bắt nội gián của Nga vào lúc tăng tốc phản công ở miền nam
Thu Hằng, RFI, 03/08/2022
Ngày 03/08/2022, Nga và Ukraine liên tục thông báo thiệt hại gây ra cho đối phương. Vào lúc Ukraine tăng tốc phản công tại miền nam, chính quyền Kiev cũng tiếp tục thanh lọc bộ máy hành chính để loại trừ nội gián của Nga.
Lính cứu hỏa đang chữa cháy sau khi Nga oanh kích vào khu dân cư ở Mykolaiv, Ukraine, ngày 18/06/2022. AP - George Ivanchenko
Sáng 03/08, thành phố Mykolaiv lại bị quân Nga oanh kích. Phía Nga cho biết đã phá hủy 4 kho vũ khí và xăng dầu của Ukraine : 1 ở vùng Mykolaiv (miền nam), và 3 ở vùng Donetsk (miền đông). Ngoài ra, "một kho vũ khí nước ngoài được giao từ Ba Lan cho chế độ Kiev" ở vùng Lviv, ở phía tây giáp với Ba Lan, cũng bị trúng tên lửa Nga. Theo bộ tư lệnh Không Quân Ukraine, Nga bắn 8 tên lửa từ biển Caspi vào lãnh thổ Ukraine, trong đó có "một tên lửa bắn trúng một hệ thống phòng không ở vùng Lviv". Bảy tên lửa còn lại đã bị bắn chặn.
Phía Kiev cho biết đã chiếm lại được 53 địa điểm ở vùng Kherson ở miền nam. Ngoài ra, tuyến đường sắt duy nhất nối liền thành phố Kherson với bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập, không còn hoạt động do bị Ukraine oanh kích.
Cùng lúc với chiến lược tăng tốc phản công ở miền nam, Ukraine tiếp tục thanh lọc bộ máy hành chính. Hiện có khoảng 650 người bị tình nghi phản quốc, một con số có vẻ không đáng kể đối với một quốc gia có rất nhiều nhân viên an ninh và tình báo. Chỉ riêng Cơ quan An ninh Nội địa Ukraine SBU đã có đến 35.000 nhân viên.
Trả lời RFI ngày 03/08, ông Oleksiy Melnyk, đồng giám đốc an ninh quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Razumkov ở Kiev, giải thích :
"Tại Ukraine, có nhiều sĩ quan cấp cao, tốt nghiệp các trường quân sự Liên Xô, vẫn làm việc và có bạn đồng khóa đang giữ những chức vụ cao ở Nga. Rồi phải kể thêm ngôn ngữ chung và tôi muốn nói đến văn hóa chung (ở một điểm nào đó cho đến thời điểm hiện tại). Và như mọi người biết, một trong những vũ khí mạnh nhất của Nga đó là tham nhũng. Mối bận tâm lớn nhất hiện nay, đó là những người thân cận với tổng thống của chúng tôi (Ukraine) và những người đang đứng đầu các cơ quan an ninh hoặc giữ các chức vụ chỉ huy".
Chính quyền Ukraine luôn trong tình trạng báo động, vì chỉ cần một gián điệp của Nga cũng đủ gây thiệt hại cho các chiến lược quân sự. Trước đó, Ukraine đã bắt giữ nhiều quan chức tạo điều kiện cho Nga chiếm nhà máy hạt nhân Tchernobyl hay thành phố Kherson. Vào tháng 6, nhân vật số hai của tình báo Ukraine, Andrei Naumov, đã bị bắt ở Serbia với 600.000 euro trên xe.
Nga cáo buộc Mỹ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Ukraine
Ngày 02/08, Nga khẳng định Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Ukraine. Lời cáo buộc của Moskva dựa trên phát biểu trước đó với nhật báo Anh The Telegraph của phó cục trưởng cục tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitsky, theo đó các cơ quan tình báo Mỹ phê chuẩn và điều phối các vụ phóng tên lửa HIMARS do quân Ukraine tiến hành, nhờ vào "hình ảnh vệ tinh chất lượng cao" và "những thông tin cập nhật" mà Mỹ có. Theo AFP, Washington chưa phản ứng về những cáo buộc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Ngược lại, ngày 02/08, Bộ Tài chính Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nhiều doanh nghiệp và tài phiệt Nga, thân cận với tổng thống Putin, trong đó có Andrey Guryev, nhà sáng lập công ty phân bón PhosAgro, công ty luyện thép Magnitogorsk, "một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới" và là "một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho Nga", cũng như hai chi nhánh của công ty và cổ đông chính là nhà tài phiệt Viktor Rashnikov.
Thu Hằng