Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2022

Viếng thăm Đài Loan, nữ Chủ tịch Hạ Viện Mỹ thách thức Bắc Kinh

Trọng Nghĩa, Minh Anh, Thùy Dương

Từ Thiên An Môn đến Thế Vận Hội Bắc Kinh : Nancy Pelosi, khắc tinh của Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 02/08/2022

Cho đến trưa ngày 02/08/2022, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi vẫn không xác nhận kế hoạch ghé thăm Đài Loan nhân vòng công du Châu Á khởi sự hôm 01/08 tại Singapore. Tuy nhiên, rất nhiều dấu hiệu đã cho thấy lãnh đạo Hạ Viện Mỹ sẽ đến Đài Loan mà không báo trước, bất chấp những lời cảnh cáo đến từ Trung Quốc.

nancypelosi1

Ảnh tư liệu : Ảnh chụp màn hình TV ngày 04/09/1991 cho thấy bà Nancy Pelosi (g) cùng hai dân biểu Ben Jones (trái) và John Miller (phải) cầm biểu ngữ với dòng chữ "Gửi những người đã chết vì dân chủ ở Trung Quốc" trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc.  AP

Một trong những dấu hiệu rõ nhất là sự kiện Nhà Trắng Mỹ, sau khi hoài công khuyên bà Pelosi từ bỏ ý định thăm Đài Loan, vào hôm qua 01/08 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc là không nên có những hành động khiêu khích quân sự nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, và không nên biến chuyến công du này thành "một cuộc khủng hoảng".

Đối với Washington, đây không phải là lần đầu tiên mà một chủ tịch Hạ Viện Mỹ công du Đài Loan, hơn nữa, chuyến đi đó cũng không đại diện cho bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với khu vực. 

Trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải thích rằng ông không kiểm soát được bà Pelosi và ông tôn trọng quyền tự quyết định của bà. Ngày 01/08, ngoại trưởng Mỹ Antoy Blinken đã nhấn mạnh trở lại nguyên tắc tam quyền phân lập tại Mỹ, với cơ quan lập pháp độc lập với hành pháp và quyết định thăm Đài Loan hoàn toàn tùy thuộc vào bà chủ tịch Hạ Viện. 

Theo ông Blinken, việc các thành viên Quốc hội Mỹ ghé thăm Đài Loan không phải là mới lạ, "kể cả vào đầu năm nay (2022)". Trong bối cảnh đó : "Nếu chủ tịch Hạ Viện quyết định đến Đài Loan, mà Trung Quốc lại tìm cách gây nên một loại khủng hoảng nào đó hoặc làm leo thang căng thẳng, thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bắc Kinh".

Đối với ông Blinken, nếu bà Pelosi kiên quyết đến thăm Đài Loan, thì Washington sẽ "hành động có trách nhiệm và tránh mọi động thái khiến cho tình hình leo thang". 

Điều được giới quan sát ghi nhận là bà Pelosi sẽ không phải là chủ tịch Hạ Viện Mỹ đầu tiên ghé thăm. Người tiền nhiệm của bà là ông Newt Gingrich đã từng đến Đài Bắc vào năm 1997. Tuy nhiên, phản ứng của Bắc Kinh thời đó không dữ dội như hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là vì bà Pelosi là một chính khách Mỹ được mệnh danh là "diều hâu" chống Trung Quốc, một nhân vật bị Bắc Kinh căm ghét vì đã không ngừng phê phán chế độ độc tài Trung Quốc kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989 cho đến nay.

Vinh danh người biểu tình ngay tại Thiên An Môn

Sinh năm 1940, bà Nancy Pelosi đã gia nhập hàng ngũ đảng Dân Chủ. Năm 1986, bà lần đầu tiên được bầu làm dân biểu tại bang California, và liên tiếp được tín nhiệm trở lại từ đó đến nay.

Pelosi đã nổi tiếng với lập trường phê phán Trung Quốc khi vào năm 1991, cùng với hai dân biểu khác, bà đã vượt qua được sự theo dõi của an ninh Trung Quốc, đến tận quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và trưng ra một biểu ngữ nhỏ tôn vinh những người biểu tình đã thiệt mạng. 

Trên tấm hình được đăng lại trên mạng Twitter, người ta thấy bà Pelosi cùng với một biểu ngữ nhỏ, màu đen vẽ bằng tay mang hàng chữ tiếng Anh và tiếng Hoa có nội dung : "Gửi những người đã chết vì nền dân chủ ở Trung Quốc (To those who died for democracy in China)". 

Công An Trung Quốc đã nhanh chóng ập đến, bắt giữ các phóng viên có mặt tại chỗ và đuổi các dân biểu Mỹ ra khỏi quảng trường. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc sau đó đã tố cáo vụ việc là một "trò hề được dự mưu". 

Ngoài hành động can đảm vừa kể, bà Pelosi đã góp phần đề xuất tại Hạ Viện Mỹ nghị quyết lên án vụ Thiên An Môn năm 1989, được bà gọi là một vụ "thảm sát", và từ đó đến nay vẫn liên tục lên tiếng tố cáo Bắc Kinh. 

Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, bà đã ra tuyên bố kỷ niệm 33 năm cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, gọi đó là "một trong những hành động chính trị dũng cảm vĩ đại nhất" và đả kích "chế độ áp bức" của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. 

Lên án các vụ đàn áp tại Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông

Ngoài vụ Thiên An Môn, bà Nancy Pelosi cũng thường xuyên lên án hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp tự do của chế độ Bắc Kinh, từ các hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng ở Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông, cho đến các chiến dịch đàn áp nhắm vào giới đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo. 

Tại cuộc gặp vào năm 2002 với ông Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, bà Pelosi đã tìm cách gửi tới ông bốn bức thư bày tỏ quan ngại về việc cầm cố các nhà dấu tranh ở Trung Quốc và Tây Tạng. Ông Hồ Cẩm Đào đã từ chối nhận những bức thư này. 

Bảy năm sau, bà Pelosi được cho là đã gửi một lá thư khác cho ông Hồ Cẩm Đào - lúc này là Chủ tịch Trung Quốc - kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm nhà ly khai nổi tiếng Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng bị giam giữ tại Trung Quốc và qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2017. 

Phản đối hai kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và 2022

Bà Nancy Pelosi còn được biết đến như là người đã kêu gọi tẩy chay cả hai kỳ Thế Vận Hội mà Trung Quốc được quyền tổ chức tại Bắc Kinh, vào mùa hè 2008 và mùa đông 2022. 

Bà Pelosi đã phản đối việc Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế Vận Hội từ năm 1993 với lý do Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, bà đã không thành công trong việc yêu cầu tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008. 

Vào năm nay, chủ tịch Hạ Viện Mỹ lại đưa ra lời kêu gọi "tẩy chay ngoại giao" với Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, cũng diễn ra ở Bắc Kinh, do cách đối xử tàn bạo của chính quyền Trung Quốc với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Lời kêu gọi của bà Pelosi ghi rõ : "Đối với các nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc diệt chủng đang diễn ra… câu hỏi thực sự được đặt ra là, bạn có thẩm quyền đạo đức gì để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ?" 

Trong những năm qua, bà Pelosi cũng đã thúc đẩy việc gắn liền hồ sơ nhân quyền và giao thương với Trung Quốc, một đề nghị không mấy thành công. 

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 02/08/2022

***************************

Bị Bắc Kinh đe dọa, Nhà Trắng khẳng định Pelosi "có quyền" đến thăm Đài Loan

Minh Anh, RFI, 02/08/2022

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, hôm 02/08/2022, đã đến Malaysia, chặng thứ hai trong vòng công du Châu Á. Trước những đe dọa gay gắt từ Bắc Kinh về khả năng bà Pelosi "quá cảnh" Đài Bắc, Nhà Trắng khẳng định chủ tịch Hạ Viện Mỹ "có quyền đến thăm Đài Loan".

nancypelosi2

Ảnh do Bộ Thông tin Malaysia cung cấp : Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thăm tòa nhà Quốc hội Malaysia ở Kuala Lumpur, ngày 02/08/2022. AP

Sau Singapore, chiếc máy bay quân sự chở chủ tịch Hạ Viện Mỹ sáng nay đã đáp xuống một khu căn cứ không quân của Malaysia. Theo hãng thông tấn Bernama, bà Nancy Pelosi có cuộc gặp với thủ tướng và chủ tịch Hạ Viện Malaysia. Đây là chặng thứ hai của vòng công du Châu Á trước khi bà đến Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, liệu chủ tịch Hạ Viện có giữ nguyên ý định dừng chân ở Đài Loan hay không trước khi đến thăm hai nước đồng minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á vẫn là một câu hỏi lớn. AFP dẫn nhiều nguồn tin từ các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như tờ Financial Times của Anh Quốc và nhất là từ nhật báo Liberty Times của Đài Loan khẳng định bà Nancy Pelosi sẽ đến Đài Loan vào tối thứ Ba (02/8) và sẽ có một cuộc gặp với tổng thống Thái Anh Văn vào sáng thứ Tư (03/8).

Bắc Kinh từ nhiều ngày qua không ngừng đe dọa Washington. Hôm nay, Trung Quốc lại cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ phải "gánh lấy trách nhiệm" về chuyến thăm Đài Loan này của chủ tịch Hạ Viện Pelosi và Mỹ sẽ "phải trả giá việc vi phạm quyền chủ quyền và an ninh Trung Quốc".

Theo quan sát của AFP, dù sự việc khiến Washington bối rối, nhưng trước những lời đe dọa cứng rắn từ Bắc Kinh, hôm qua, Nhà Trắng cũng đã mạnh mẽ phản ứng khi cho rằng bà Nancy Pelosi "có quyền đến thăm Đài Loan". Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby còn khẳng định thêm rằng "Bắc Kinh không có lý do gì để biến chuyến thăm này, vốn dĩ không gây phương hại cho học thuyết có từ lâu của Mỹ, thành một dạng khủng hoảng".

Cũng theo ông Kirby, Trung Quốc "dường như chọn thế cho mình nhằm có khả năng tiến thêm một bước trong những ngày sắp tới. Điều đó có thể bao gồm cả những hành động khiêu khích quân sự như bắn tên lửa tại eo biển Đài Loan hay xung quanh hòn đảo" hoặc thậm chí tiến hành "các cuộc xâm nhập không phận" tại vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Bắc Kinh luôn xem đảo Đài Loan như là một phần của lãnh thổ của Trung Quốc, cần phải được thống nhất với Hoa lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo Mỹ rằng một chuyến thăm cấp cao như vậy là một hành động một sự khiêu khích lớn. 

Minh Anh

**********************

Trung Quốc điều nhiều chiến đấu cơ đến gần đường phân giới ở eo biển Đài Loan

Thùy Dương, RFI, 02/08/2022

Trong bối cảnh chủ tịch Hạ Viện Mỹ có thể ghé thăm Đài Bắc nhân vòng công du Châu Á, Trung Quốc sáng hôm 02/08/2022 đã điều nhiều máy bay tiêm kích đến gần đường phân giới ở eo biển Đài Loan, trong khi nhiều tàu chiến của Trung Quốc cũng đang hiện diện tại khu vực này từ thứ Hai 01/08.

nancypelosi3

Ảnh do Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp : Một chiếc máy bay tiêm kích J-16 của Trung Quốc được phái đến khu vực gần Đài Loan vào năm 2021.  AP

Reuters trích dẫn một nguồn tin mô tả các động tác của phi cơ Trung Quốc gần đường phân giới eo biển Đài Loan là "rất khiêu khích". Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trả lời ngay lập tức đề nghị bình luận của Reuters.

Về phía Mỹ, hiện Washington cũng có 4 tàu chiến đang hiện diện tại phía đông đảo Đài Loan. Hôm nay, một quan chức hải quân Mỹ xác nhận là tàu sân bay USS Ronald Reagan đã đến vùng biển phía đông Đài Loan và Philippines, phía nam Nhật Bản.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan, vốn neo đậu ở căn cứ tại Nhật Bản, hoạt động với tàu tuần dương có trang bị tên lửa dẫn đường, USS Antietam, và tàu khu trục USS Higgins. Các quan chức Hải Quân Hoa Kỳ cho biết thêm là tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli hiện cũng đang có mặt trong khu vực.

Nga : Mỹ gây bất ổn thế giới

Trong khi đó, hôm nay Matxcơva tố cáo Mỹ "gây bất ổn cho thế giới" khi khiêu khích, làm dấy lên căng thẳng về vấn đề Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, viết trên Twitter : "Không một xung đột nào được giải quyết trong những thập kỷ niên vừa qua, mà lại có thêm nhiều xung đột mới". Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov hôm nay cũng vừa tuyên bố chuyến đi Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ sẽ là một "hành động khiêu khích", đồng thời khẳng định "sự đoàn kết tuyệt đối" của Nga với Trung Quốc. 

Trong bối cảnh bị Tây phương cô lập do tấn công xâm lược Ukraine, Matxcơva đang nỗ lực xích lại gần Bắc Kinh.

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông từ ngày 02 đến 06/08/2022

Trong bối cảnh chủ tịch Hạ Viện Mỹ có thể ghé thăm Đài Bắc nhân vòng công du Châu Á, từ vài ngày nay, Trung Quốc liên tục thông báo tập trận ngoài khơi.

Trong một thông cáo, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thứ Hai 01/08/2022 cho biết Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 02 đến ngày 06/08 /2022, trong khi một cuộc tập trận bắn đạn thật cũng đang diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04/08 tại Biển Bột Hải. Trang CGTN hôm nay 02/08 cho biết như trên. Trung Quốc cũng tổ chức loạt cuộc tập trận bắn đạn thật gần bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông, trong hai ngày 02-03/08. 

Trước đó, hôm 30/07, Cơ quan An toàn Hàng hải đảo Bình Đàm, thuộc tỉnh Phúc Kiến, thông báo cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra từ 8 giờ đến 21 giờ ngày 30/7, toàn bộ các phương tiện bị cấm đi vào vùng biển này.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Minh Anh, Thùy Dương
Read 349 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)