Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà tù Đức cũng như nhà tù Hòa Lan nổi tiếng là nhân đạo. Ở đó không có biệt giam, nếu bắt buộc phải áp dụng chỉ là một vài tiếng hay nhiều lắm là một ngày. Những phạm nhân không phải mặc đồng phục trại giam. Dân tình Hòa Lan còn chế diễu khi được biết phạm nhân được phép coi phim sex trong trại giam. Các mức án nhẹ nhưng đánh vào lòng tự trọng của những con người tôn trọng sự thật, nhân quyền và trật tự công cộng. 

tu1

Nhà tù ở Đức

Khi cho phép tù nhân một được tự lập một phần trong trại giam, mục đích của nhà tù Châu Âu là để cho cung cấp cho tù nhân những kỹ năng họ cần để tồn tại ở bên ngoài sau khi ra tù. Một quan chức Mỹ đến thăm một nhà tù ở Đức đã từng nói, "Nếu đối xử với các tù nhân như con người, họ sẽ hành động như con người".

Ngày 25/07/2018 Tòa thượng thẩm Berlin đã tuyên án 3 năm 10 tháng tù cho bị cáo Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, về 2 tội trạng : Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức, và hỗ trợ cưỡng đoạt tự do của 2 nạn nhân Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Thị Minh Phương trên lãnh thổ nước Đức.

Một điều chắc chắn rằng nhà tù nơi mà Nguyễn Hải Long phải ngồi gỡ lịch trong vòng 3 năm 10 tháng sẽ khác hẳn với nhà tù mà nhà nước Việt Nam dành cho những người bị xử cùng một tội danh là "hoạt động chống lại/chống phá nhà nước".

Ở trong nhà tù Đức, Long sẽ có được phòng riêng dù chỉ là một giường đơn nhưng sẽ có đầy đủ các tiện nghi tối thiểu và còn có cả máy sưởi. Long còn có chìa khóa riêng cho phòng giam, và quản giáo muốn vào còn phải gõ cửa xin phép vì yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của phạm nhân. Trong trại giam sẽ có cả phòng tập thể dục, thư viện, máy tính có kết nối internet. Long còn phải làm việc và theo học các khóa học theo yêu cầu. 

Nếu đổi lại là một phiên tòa Việt Nam, Long sẽ không được quyền mướn 2 luật sư bào chữa, không được quyền thương lượng, không phải qua các cuộc xử kéo dài vài ba tháng mà sẽ chỉ là một phiên toàn gọn lẹ bỏ túi với một hai phiên xử chóng vánh. Và sau đó bản án dành cho Long sẽ ít nhất là 10 năm tù giam.

Trong khi bị giam giữ Long sẽ nhồi nhét trong một phòng giam với vài chục người khác, ngủ trên nền xi măng ; nhà vệ sinh hay nhà tắm chỉ là một cái lỗ trên sàn, nước phải tự hứng đem tới để xài theo như lời của Will Nguyễn đã tường thuật lại khi vừa đặt chân xuống sân bay Houston đầu tháng 8 năm 2018 sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Chí Hòa ở Việt Nam. 

Will Nguyễn cũng cho biết rằng vì là công dân Mỹ, và cả thế giới đang nhìn vào nên trong 40 ngày ở Chí Hòa cán bộ trại giam đã không dám làm một điều gì bất lợi cho Will Nguyễn. Dù bị còng tay khi ra toà, Will Nguyễn còn được mặc quần áo tinh tươm, áo sơ mi còn nguyên nếp gấp, không bị xô đẩy hay bị công an kèm chặt khi lên xuống xe để ra hầu toà. 

Những người Việt Nam khác, không có cái may mắn của Nguyễn Hải Long hay Will Nguyễn chỉ vì khốn khổ thay họ là người Việt với quốc tịch Việt Nam và bị tòa án Việt Nam xét xử ngay trên đất Việt. 

Những người Việt Nam ấy không may mắn từ khi mới bị triệu tập lên đồn công an. Công an Việt Nam vẫn không bao giờ thừa nhận việc bức cung, nhục hình phạm nhân ; nhưng lại có những người lên đồn công an rồi bỗng nhiên lại lăn ra chết. Danh sách nạn nhân chết ở đồn công an lên đến con số hàng trăm. 

Đầu tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Hữu Tấn được công an Vĩnh Long cho biết "trong khi bị giam, ông Tấn đã lấy dao rọc giấy của điều tra viên khi ông ta vắng mặt để tự tử".

Ngô Chí Tâm (40 tuổi) đến công an phường "làm việc" và đã tử vong vì "đã thắt cổ bằng dây thun quần" tháng 6 năm 2017 tại công an phường Tam Bình, Sài Gòn.

Võ Tấn Minh chết bất thường ngày 8 tháng Chín, 2017 tại nhà tạm giữ công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Công an tung tin Võ Tấn Minh chết vì "đánh nhau" với các tù nhân khác nhằm che giấu các dấu tích nhục hình trên người nạn nhân.

Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện đã tử vong sau khi cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà ông làm việc ngày 2 tháng 8 năm 2018. Phía công an một lần nữa lại nói ông Hoàng Anh tự sát. 

Những người bị đưa vào trại giam, nhất là các tù nhân lương tâm, bất đồng chính kiến thì sẽ bị đe doạ, ngược đãi, khủng bố tinh thần hay biệt giam bằng những cách mà không ai có thể nghĩ là có thể sẽ tàn ác được hơn như vậy. 

Người ta đã nghe nói đến việc Mẹ Nấm không được mặc quần lót và sử dụng băng vệ sinh, bị các phạm nhân cùng phòng khủng bố bằng ngôn từ, ngược đãi đến độ phải tuyệt thực để phản đối.

Hay mới đây là những người bị giam trong trại giam Biên Hòa vì tội tham gia biểu tình phải đối luật đặc khu ngày 10/6/2018 bị đe doạ cho giam chung với những người bị bệnh HIV nếu kháng cáo mức án đã tuyên là án tù từ 8 đến 18 tháng về tội "gây rối trật tự công cộng".

Chính phủ Việt Nam dĩ nhiên luôn phủ nhận việc ngược đãi, hành hạ tù nhân. Nhưng chỉ cần nhìn những người tù chính trị/ tù nhân lương tâm ra khỏi tù thì sẽ biết rõ họ đã phải trải qua những ngày tháng ra sao trong tù. Ra tù rồi còn phải đối diện những năm quản chế, bị triệt đường sống khi sức khoẻ đã bị giảm sút kinh khủng sau những năm tháng tù đày.

Tính người có phải đã tuyệt chủng trong trại giam và đồn công an ? Chắc chắn là không vì Will Nguyễn là bằng chứng phạm nhân không hề bị ngược đãi trong trại giam. Nhưng mà tính người trong trại giam chỉ áp dụng một cách có chọn lọc, chỉ dành cho những người gốc Việt không có cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây. 

Cần phải đối xử với tù nhân như một con người trong trại giam ở Việt Nam như ở Đức và Hòa Lan ? Vẽ chuyện ! Đã vô tù, thì chẳng còn là con người, có khi lại còn thua cả chó.

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 12/08/2018

Published in Diễn đàn

Bộ Nội vụ Slovakia đang trải qua thời kỳ hoảng sau khi truyền thông Đức công bố thông tin rằng cựu Bộ trưởng Nội vụ, Robert Kaliňák, đã cung cấp một máy bay của chính phủ cho phái đoàn Việt Nam từ Prague đi Bratislava và sau đó là Moscow để giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam vận chuyển Trịnh Xuân Thanh, từ Berlin về Hà nội.

trai1

Cựu Bộ trưởng Nội vụ, Robert Kaliňák, đã cung cấp một máy bay của chính phủ cho phái đoàn Việt Nam từ Prague đi Bratislava

Sau vụ nhà báo Jan Kuciak bị sát hại hồi đầu năm vì những bài viết về tham nhũng, Slovakia đã phải chứng tỏ họ vẫn thuộc về phương Tây. Nhưng thay vào đó, vụ bê bối với mật vụ Việt Nam sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mối quan hệ của Slovakia với Đức và các nước phương Tây. Slovakia giờ trở thành quốc gia đã giúp các nhà lãnh đạo độc tài bắt cóc người ngay trên lãnh thổ của một trong những đồng minh chính trị, kinh tế và quân sự của họ. 

Cáo buộc Slovakia tham gia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở thành một vụ bê bối chính trị lớn kể từ hôm thứ Năm. Trong bài điều tra của Denník N dựa trên báo cáo của các nhà điều tra Đức và lời khai của các sĩ quan cảnh sát Slovakia thì họ đã chứng kiến chuyến thăm chính thức của phái đoàn Việt Nam đã được sử dụng để vận chuyển Trịnh Xuân Thanh từ Bratislava đến Moscow và sau đó là Việt Nam hồi tháng 7 năm 2017.

Sau khi Thủ tướng Peter Pellegrini gặp Tổng thống Andrej Kiska,Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denisa Saková đã đình chức của ông Peter Krajčírovič để phục vụ điều tra vụ án bắt cóc và vai trò của Slovakia trong đó.

Những điều bất thường 

Một tháng sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về Việt Nam quy án, các nhân viên điều tra Đức đã chất vấn Bratislava về hành khách trên chuyến bay của Bộ Nội vụ Slovakia đi Moscow ngày 26 tháng 7 năm 2017. Cho tới lúc đó các quan chức cảnh sát Slovakia và đại diện Bộ Nội vụ mới tỏ ra nghi ngờ hành khách được cho là bị say rượu bị đưa lên máy bay chính là người đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin. 

Các nhân viên cảnh sát Slovakia cũng như nhân viên Bộ Nội vụ và nhân viên sân bay đã tường thuật lại chi tiết vụ việc.

"Thứ Ba, ngày 25 tháng 7 năm 2017, Bratislava

Vào lúc 3:30 chiều, tất cả các tài xế thuộc Văn phòng Bảo vệ cho các Cơ quan Hiến pháp và Bộ Ngoại giao Slovakia nhận được điện thoại và được hỏi liệu họ có sẵn sàng làm việc vào ngày hôm sau hay không. Một phái đoàn Việt Nam sẽ đến bất ngờ đến Slovakia. Một số vệ sĩ rất ngạc nhiên vì các chuyến thăm tương tự thường được lên kế hoạch truóc vài tuần. 

Thứ Tư, ngày 26 tháng 7 năm 2017, Bratislava

Vào 1 giờ chiều, máy bay chính phủ Slovakia trở về từ Praha với đoàn Việt Nam trên đó. Đây là chuyến bay đầu tiên mà Slovakia cung cấp một chiếc máy bay cho phái đoàn Việt Nam. Các nhân viên cảnh sát cảm thấy sự việc đáng nghi ngờ vì thường không cho các quốc gia nước ngoài mượn máy bay. Điều đó sau này được xác nhận qua câu trả lời của Bộ Nội vụ rằng việc cho mượn máy bay là một tình huống bất thường".

"Kế hoạch của họ thay đổi hoàn toàn ; điều đó có vẻ bình thường", cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák cho biết trong một cuộc phỏng vấn của tờ SME hàng ngày, khi ông giải thích lý do cho phái đoàn Việt Nam mượn máy bay.

Cửa trên máy bay mở ra lúc 1:19. Radovan Čulák, người đứng đầu giao thức tại Bộ Nội vụ Slovakia (được xác định bởi các phương tiện truyền thông Đức như một nhân chứng chủ chốt cho vụ việc) đã có mặt trên máy bay. Ông ta có nhiệm vụ là đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Ngoài ra còn có một người khác trên máy bay là Lê Hồng Quang, cố vấn của thủ tướng lúc bấy giờ Robert Fico.

Lúc 1:20 chiều, một đoàn xe khởi hành từ sân bay của Bratislava. Viên chức phụ trách đoàn xe là Ján H. 

Chiếc limousine chỏ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm do Igor M. lái, và chiếc limousine dự phòng do Lukáš H. điều khiển. Martin K. lái xe chở các thành viên còn lại của đoàn cùng với Čulák.

Các xe này do năm xe máy hộ tống. Số lượng xe nhiều như vậy có vẻ bất thường đối với cảnh sát, cho một chuyến thăm kiểu này.

Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák đang chờ ở phía trước của khách sạn chính phủ Bôrik và thực hiện một cuộc gọi điện thoại căng thẳng, đôi khi gần như hét lên. Ông ta đề cập đến từ "hộ chiếu".

Ba xe thuê từ Prague và một chiếc SUV Lexus đã đậu sẵn trong bãi đậu xe của khách sạn. Trịnh Xuân Thanh ở một trong những chiếc xe khách. Trịnh Xuân Thanh bị đánh đập, tiêm thuốc mê, và mắt nhìn vô hồn. Không có cảnh sát nào biết đến sự hiện diện của Thanh. Vị trí của xe tải sau này đã được cảnh sát Berlin cung cấp nhờ vào định vị GPS tích hợp.

Róbert S. và Slavomír Z. chịu trách nhiệm các "biện pháp an ninh" khác nhau tại Bôrik. Họ quan sát xung quanh.

Vào khoảng 1:35, đoàn xe bộ trưởng Việt Nam đến nơi.

Một cuộc họp giữa hai phái đoàn bắt đầu tại diễn ra tại khách sạn. Về phía Việt Nam, có Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm ; Dương Minh Hưng ; Lê Mạnh Cường ; và Phạm Văn Hiếu tham gia. Phía Slovak do Robert Kaliňák, Radovan Čulák, Ivan Netík và Lê Hồng Quang đại diện. Thêm vào đó, 19 người khác thuộc "hạng B" cũng có mặt tại cuộc họp nhưng các nhà điều tra Đức không rõ danh tính.

Trong quá trình họp, có điều gì đó bất ngờ xảy ra. Đại diện Việt Nam đến gặp chỉ huy đoàn xe - Ján H. - và yêu cầu anh ta cung cấp thêm một xe nữa. Anh ta không biết là xe đó có chứa Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, đối với đoàn xe mô tô chính thức, các yêu cầu như vậy là không bình thường vì số lượng xe và người luôn được chỉ định trước.

Lúc đầu, Ján H. từ chối yêu cầu của phía Việt Nam về một chiếc xe nước ngoài. Phụ trách an ninh liên lạc với trụ sở Văn phòng Bảo vệ các Cơ quan Hiến pháp và cho quyết định chiếc xe Việt Nam với bảng số Cộng hòa Séc sẽ không được phép đi chung, nhưng một chiếc xe của cảnh sát Slovakia sẽ được thêm vào.

Cuộc họp bộ trưởng tại khách sạn Bôrik kéo dài thêm mười lăm phút, và lên tới 40 phút thay vì 25 phút như kế hoạch vì phải chờ xe thêm vào.

Vì lợi ích quốc gia ?

Tài xế của chiếc xe mới là Michal C. Vào lúc này này, các nhân viên cảnh sát mới nhìn thấy Thanh bầm tím. Čulák yêu cầu họ đưa Thanh từ chiếc xe của Séc sang xe cảnh sát. Čulák nói, "Kali biết chuyện này ; đây là vì là lợi ích quốc gia". 

Čulák nói với các vệ sĩ rằng người bị giam giữ này bị say rượu và té cầu thang. Anh ta sẽ được giữ tránh mặt bộ trưởng để anh ta không bị mất mặt.

Hai người đàn ông, có lẽ là mật vụ Việt Nam, vào xe cùng Thanh. Họ xốc Thanh ta lên để cho Thanh không bị té.

trai2

Trịnh Xuân Thanh 'tự thú' trên VTV.

Đoàn xe máy đến tại sân bay Milan Rastislav Štefánik vào đúng 2:29 chiều. Cảnh sát làm nhiệm vụ tại sân bay ngay lập tức nhận thấy có thêm một chiếc xe. Những chiếc xe đầu trực tiếp đi tới tận máy bay mà không đi qua bất kỳ máy quét hoặc sự kiểm tra nào tại các thiết bị dành cho các chuyến bay nhà nước.

Bộ trưởng Việt Nam bước vào máy bay đầu tiên, tiếp theo là một phần phái đoàn. Người bị bắt cóc được đưa lên cuối cùng, được xốc nách để làm cho có vẻ như thể anh ta say rượu và cần được hỗ trợ. Từ chỉ có 4 người trên chiếc chuyên cơ đến từ Prague, đã có 12 người lên máy bay đi Moscow.

"Nội gián" là cố vấn của Fico ?

Các nhà điều tra Đức đã cho biết rằng người đứng đầu giao thức của Bộ Nội vụ, Radovan Čulák, và nhóm của ông chịu trách nhiệm về chuyến thăm Slovakia, với sự hỗ trợ của cố vấn cho thủ tướng Slovakia, ông Lê Hồng Quang, người đã hợp tác với người Việt Nam. Đại sứ quán ở Bratislava. Vào thời điểm đó, Robert Fico là thủ tướng.

trai3

Từ năm 2014, trang chống tham nhũng trong đại sứ Slovakia tại Hà Nội đã lên tiếng về trường hợp của Lê Hồng Quang - người đang làm việc cho thủ tướng ông Fico. Ông Quang có 2 quốc tịch, nhưng lại là cố vấn của thủ tướng Slovakia ?

Ông Quang là người đã thay mặt phía Việt Nam để xử lý các thỏa thuận của phái đoàn này. 

Báo Dennik N cũng cho biết rằng các nhà điều tra Đức cũng đã nhận thấy chính phủ Slovakia có thể đã tham gia vào vụ bắt cóc một cách vô tình và rằng có một "tay nội gián" ở phía Slovak đã tham gia vào các vụ việc. Và do dó chắc chắn phải xem xét kỹ hơn vai trò của cố vấn Thủ tướng Lê Hồng Quang, người nhận chức trưởng sứ quán Slovakia tại Hà Nội sau vụ bắt cóc".

Dennik N cũng lưu ý rằng Tổng thống Andrej Kiska thừa nhận rằng Thủ tướng Chính phủ Robert Fico đã yêu cầu ông bổ nhiệm ông Lê Hồng Quang làm đại sứ vốn là một điều bất thường và Tổng thống Kiska đã từ chối việc bổ nhiệm. Bộ Ngoại giao đã triệu hồi ông Quang trở về Bratislava sau khi có các báo cáo về vụ bắt cóc, và hiện ông Quang không còn làm việc cho ngoại giao Slovakia nữa.

Bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák : chúng tôi bị Việt Nam lừa

Bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák, người bị buộc phải từ chức vào tháng 3 vừa qua do cuộc khủng hoảng chính trị và các cuộc biểu tình của Slovakia sau vụ giết hại nhà báo Ján Kuciak và vị hôn thê của ông, Martina Kušnírová, đã phủ nhận tất cả các cáo buộc và nhấn mạnh rằng Slovakia chỉ có thể đã vô tình bị dính líu vì phái đoàn Việt Nam bị lừa.

Kaliňák đã duy trì quan điểm rằng vụ bắt cóc xảy ra ở Đức và do đó đây là vấn đề của cảnh sát Đức nên không có lý do gì để điều tra và truy tố hình sự ở Slovakia.

Kaliňák và cảnh sát Slovakia lập luận rằng các nhà điều tra Đức đã không báo cáo Thanh bị mất tích trong hệ thống chia sẻ thông tin về người mất tích của khối Schengen.

 
 

trai4

Ông Robert Kaliňák

Nhưng tờ Sme hàng ngày đưa tin rằng vào ngày 5 tháng 8 rằng họ đã nhận được một bản sao của một báo cáo của cảnh sát cho thấy Thanh đã được đưa vào hệ thống thông tin Schengen khi chưa đầy 24 giờ sau khi bị bắt cóc ở Berlin. Việc tìm kiếm chính thức người mất tích bắt đầu vào lúc 8:30 sáng ngày 24 tháng 7 năm 2017.

Kaliňák trả lời rằng những tuyên bố của ông dựa trên thông tin ông nhận được từ Bộ Nội vụ.

"Khi chúng tôi thảo luận tại ủy ban nghị viện ba tháng trước, Bộ Nội vụ đã kiểm tra và xác nhận rằng tên của ông Thanh không được lưu giữ ở đó", Kaliňák nói với Sme vào ngày 5 tháng 8.

Slovakia : rối bòng bong 

Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini sẽ gặp nhau tiếp để thảo luận về vụ việc ngày thứ Ba 8 tháng 8. Hiện Pellegrini yêu cầu người kế nhiệm Kaliňák, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denisa Saková và cảnh sát trưởng Milan Lucansky sang Đức để hợp tác với nhân viên điều tra Berlin.

Hôm thứ hai, Bộ Nội vụ Slovakia ra tuyên bố cho biết Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova quyết định vào ngày 6 tháng 8 rằng bà cho phép các nhân viên cảnh sát ra làm chứng trong vụ điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.

Các cáo buộc này đã gây căng thẳng cho liên minh ba đảng cầm quyền của Slovakia. Thành viên Most-Hid nói hôm thứ Hai rằng họ không thể ở lại liên minh nếu các thông tin về vụ việc báo chí đưa tin được xác nhận.

Trong khi đó, phe đối lập kêu gọi truy tố hình sự Kaliňák và những người tổ chức cuộc biểu tình "Vì một Slovakia tử tế – For a Decent Slovakia" nói rằng họ đã sẵn sàng xuống đường một lần nữa nếu những cáo buộc về sự tham gia bắt cóc của Kaliňák là đúng.

Hà Nội : chẳng còn mặt nào nữa mà mất

Một năm trước đây, nhà nước Việt Nam huyênh hoang rằng Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện quay trở về nước cúi đầu quy án sau khi đã trốn sang tận Đức. 

Trả lời báo chí trong nước về việc Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Berlin mang về nước chịu tội, ông Tô Lâm – Bộ trưởng Công an – khi đó đã khẳng định rằng : "Hiện tôi chưa có thông tin gì !" với một vẻ mặt rất bình thản. 

Hà Nội đã nhất quyết không đáp ứng lại yêu cầu của nước Đức như trao trả lại Trịnh Xuân Thanh và công khai xin lỗi mà mang Trịnh Xuân Thanh ra xử tội tham nhũng làm bằng chứng cho chiến dịch đốt lò hừng hực của ông Trọng sẽ không chừa một ai không thuộc phe cánh của ông ta. 

Hà Nội cứ tưởng rằng người Đức sẽ để yên khi hai bên đã có các thỏa thuận ngầm ở cấp nhà nước về việc xử lý khủng hoảng ngoại giao nhằm khôi phục lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước từ tháng 12 năm ngoái. Nhưng cho đến giờ, thì cả Slovakia cũng không thể ngậm tăm để đánh đổi Hà Hội lấy lòng tin của các đồng minh Tây Âu cũng như để giữ sự ổn định trong nước. 

Cho tới giờ Tô Lâm vẫn kiên trì im lặng. 

Phương Thảo tổng hợp

Nguồn : VNTB, 08/08/2018

*****************

Slovakia cho cảnh sát khai chứng vụ Trịnh Xuân Thanh (VOA, 07/08/2018)

Bộ Nội vụ Slovakia sẽ cho phép cảnh sát khai chứng trong cuộc điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh, người mà Đức nói bị các điệp viên Việt Nam bắt cóc đưa về Việt Nam thông qua ngã Slovakia.

trai5

Ông Trịnh Xuân Thanh khi ra tòa

Vụ bắt cóc, theo cáo giác, xảy ra trong chuyến công du đến Slovakia của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi tháng 7 năm ngoái.

Các công tố viên Đức cho rằng ông Thanh, người lúc đó đang làm hồ sơ xin tỵ nạn ở Đức, đã bị nhân viên mật vụ Việt Nam ‘bắt cóc’ trên đường phố ở Berlin và được đưa về Việt Nam. Sau đó, ông Thanh đã bị đưa ra xét xử và bị kết án chung thân.

Tuần trước, nhật báo Dennik N của Slovakia dẫn lời một số sỹ quan cảnh sát nước này xác nhận rằng ông Thanh đã bị bí mật đưa về Việt Nam trên một phi cơ công vụ của chính phủ Slovakia.

Ông Thanh đã bị bắt đưa vào một chiếc xe van từ Berlin đến Bratislava qua ngõ Prague, sau đó được dồn chung vào phái đoàn của ông Tô Lâm rồi rời khỏi Slovakia trên phi cơ của chính phủ nước này, tờ Dennik N tường thuật.

Vụ việc đã làm quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng và khiến Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế. Một tòa án Đức hồi tháng 7 đã kết án một người đàn ông Việt Nam 3 năm 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã giúp đỡ mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.

Slovakia cho đến nay vẫn tìm cách tránh liên can và cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 3/8 đã phủ nhận mọi sự dính líu của Chính phủ Slovakia trong vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh và gọi mọi cáo buộc là ‘khoa học viễn tưởng’.

Hôm thứ Hai ngày 6/8, Bộ Nội vụ Slovakia ra thông cáo : "Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova đã quyết định rằng các cảnh sát được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức đưa về Việt Nam".

Cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia đã gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này. Đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid hôm 6/8 nói rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.

Thủ tướng Peter Pellegrini hôm 6/8 nói rằng ông sẽ điều Bộ trưởng Sakova và Cảnh sát trưởng Milan Lucansky đến Đức để hợp tác với cảnh sát nước này điều tra vụ việc.

Published in Diễn đàn

Vịnh Hạ Long được xếp vào một trong số 100 các danh thắng đẹp nhất trong số các di sản thế giới của UNESCO theo tờ Newsweek. Báo chí Việt nam đã cho chạy tít “Báo Mỹ : Vịnh Hạ Long trong top 100 di sản UNESCO” một cách đầy kiêu hãnh. Nhưng chính danh hiệu “di sản thế giới” đang góp phần giết chết dần đi các di sản này khi dòng du khách đổ về ngày một đông.

unesco1

Những núi đá sừng sững được kiến tạo hàng triệu năm nay đang bị tàn phá ở Vịnh Hạ Long

Không đánh đổi tất cả

Peru là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào công nghiệp du lịch và điểm đến không ai có thể bỏ qua ở quốc gia Nam Mỹ là thành phố cổ Machu Picchu nơi được xếp hạng di sản thế giới năm 1984. 

Để đến được Machu Picchu người ta hoặc phải đi xe lửa với giá đắt đỏ – 140 đô la khứ hồi cho một chuyến xe lửa 4 giờ đồng hồ ; hoặc phải đi xe bus với giá chỉ bằng một phần tư nhưng phải ngồi xe 6 -7 tiếng, và chặng cuối cũng cũng phải đi bộ tới 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi vì không có đường cho xe chạy. 

Những người có sức khoẻ tốt thì có thể đi bộ trong 3-4 ngày trời theo lối đi của người Inca cổ xưa. Đi bộ kiểu này lại là cách tốn kém nhất để đến được vùng đất Machu Picchu. Một người phải trả từ 400- 700 đô la Mỹ cho một chuyến đi bộ như vậy. Một chặng đường chưa tới 50 cây số, mỗi ngày chỉ lội bộ chừng mươi mười lăm cây số nhưng không phải ai cũng đi được ở nơi có độ cao 2.000-3.000 mét nhiều khi không đủ khí oxy để thở. Chưa hết lại còn phải đăng ký trước có khi tới nửa năm mới có chỗ. 

Vé tham quan khu thành cổ cũng không hề rẻ chút nào với giá gần 50 đô la một người nhưng không phải mua lúc nào cũng có mà phải mua trước nhất là vào mùa cao điểm. Cộng thêm vô đó là 24 đô la cho hai lượt xe từ chân núi lên đến khu tham quan và trở về. Giá khách sạn, ăn uống, dịch vụ ở thị trấn nhỏ ngày đắt gấp hai ba lần những nơi khác bởi không có phương tiện chuyên chở. 

Một người tới đây có hà tiện cũng phải tốn hết 100 đô la cho một ngày tham quan ở đây. Nhưng họ không tìm cách hi sinh khung cảnh thiên nhiên để đổi lấy lượng du khách bằng mọi giá. 

Đường độc đạo từ các thành phố lân cận chỉ là đường xe lửa nhưng họ không phá núi để làm đường cho xe hơi chạy tới tận nơi. Tốc độ xây dựng ở khu dân cư dưới chân núi lớn mặc cho những lời chỉ trích, ở đâu cũng nghe tiếng các công trình xây dựng nhưng mọi thứ đất đá, nguyên vật liệu, kể cả thực phẩm được đưa vô thị trấn bằng xe đẩy cút kít như ở Việt nam vì đường đi hẹp, đông người. Nhưng việc xây dựng chỉ dừng ở chân núi.

Xe chở khách từ chân núi lên khu vực tham quan chỉ giới hạn ở 20 chiếc xe 25 chỗ ngồi chạy điện mà nhất định không đầu tư mua thêm xe và khi đông khách phải xếp hàng 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt từ lúc ba bốn giờ sáng để kịp lên núi đón bình minh. Khách nào hà tiện, không muốn tốn tiền có thể lội bộ 2-3 tiếng từ chân núi lên trên. Cơ quan du lịch ở đây không có ý định xây cáp treo từ chân núi lên cao mà để cho khách lội bộ vậy đó. 

Số người tham quan bị giới hạn ở mức 3.267 người buổi sáng và 2.673người buổi chiều tuy nhiên lượng khách này tăng lên hơn hai lần theo khuyến cáo của UNESCO. Ngoài ra có hai đỉnh núi cao du khách có thể mua vé thêm để leo lên ngắm cảnh và cũng chỉ cho phép 400 khách leo lên đỉnhHuayna Picchuvà 800 khách cho đỉnh Machu Picchu. Loại vé này vào mùa cao điểm có khi cũng phải đặt trước 6 tháng mới mua được. 

Đường đi khó khăn, giá không rẻ , nhiều khi có tiền mà không có sức khoẻ cũng không thực hiện được nên khách đến nơi này là du khách chọn lọc, thật sự có hứng thú vơi nền di sản cũng như lịch sử Inca và thiên nhiên Peru chứ không phải để tìm đến một công viên giải trí nhàm chán.

Thế nhưng chính Unesco cũng khuyến cáo Peru về tình trạng quá tải du khách gây tổn hại cho thành cổ Machu Picchu từ nhiều năm qua. 

Hội an

Trong năm 2017 có 3,22 triệu người đã đến tham quan Hội an, tăng 22% so với năm trước. Một Hội An vốn chật hẹp đã trở nên càng chật hẹp hơn. 

Khách vào Hội an phải mua vé, việc bán vé để tạo ra thu nhập cho địa phương và cũng đồng nghĩa là càng đông du khách sẽ càng tăng thu nhập. Với 3,22 triệu du khách một năm ( đông gần gấp 20 lần dân số Hội An ), như vậy hàng ngày Hội An đón trung bình 8-9 ngàn du khách. Đường phố chật hẹp chỉ với vài ba con phố chính, du khách chỉ có đổ ra đường để rồi chỉ có du khách va vô nhau. 

Để thoả mãn nhu cầu ăn ở và giải trí của khách, từ một điểm du lịch Văn hoá, Hội an đã tự biến mình thành một công viên giải trí với đầy các quán xá để phục vụ du lịch, phá huỷ đi tính độc đáo của những toà nhà cổ xưa vốn là điểm lôi kéo du khách đến với Hội An. Người dân địa phương cũng đã đi ra ngoài khu phố cổ sinh sống để nhường lại chỗ cho du khách. 

Với một lượng lớn du khách như vậy chỉ nội việc xử lý lượng rác thải mỗi ngày lên đến 50 tấn chỉ ở Hội an là một bài toán không có lời giải đáp khi công nghệ xử lý rác thải của Việt nam chưa tiến bộ và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa được nâng cao. Và hệ luỵ là ô nhiễm nước ngầm, đất đai khi biện pháp xử lý rác vẫn ở mức chôn rác thải. 

Hạ Long 

Nằm sát biên giới với người khổng lồ phương bắc, Hạ Long đón gần 7 triệu du khách, gấp hai lần Hội an. Để lôi cuốn khách, Hạ Long đã đưa vào khai thác nhiều “công trình dịch vụ du lịch đẳng cấp” như : Công viên nước Hạ Long, Sunworld Hạ Long Park, công viên hoa… mà họ ( lãnh đạo địa phương ) cho rằng sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Hạ Long, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng sức thu hút đối với du khách thập phương.

Những người đến Hạ long để hưởng các “công trình dịch vụ du lịch đẳng cấp” chắc chắn không phải là các lượt khách quốc tế đến từ Âu Mỹ khi họ muốn thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên chứ không phải đặt chân vào một công viên giải trí vốn chẳng lạ gì ở Phương Tây. Các công trình này sẽ góp phần bóp chết các tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo vốn đã được Unesco công nhận vào năm 2000. 

Chưa kể đến việc thói quen xả rác vô tội vạ, nước thải không qua xử lý từ các khu dân cư đông đúc được xả thẳng vào vịnh Hạ Long. Nếu đặc khu Vân đồn với các khu công nghiệp, khách sạn, sân golf, sân bay đi vào hoạt động thì lượng rác và nước thải sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân. 

Với lượng khách 9 triệu lượt một năm như hiện nay, chính quyền Hạ Long đã gần như không thể xử lý hết những vấn nạn về ô nhiễm tiếng ồn, nước, và rác thải. Với ước muốn tăng lượng khách càng nhiều càng tốt – dự kiến sẽ tăng lên đến 12 triệu – sẽ làm thay đổi sự đa dạng sinh học trong vùng vịnh một cách nhanh chóng mà không thể nào hồi phục lại được. 

Hạ long, Hội an hay bất kỳ di sản thế giới nào của Việt nam, nếu không kìm lại việc tăng lượng khách du lịch bằng mọi giá để có nguồn thu cho ngân sách lại thì chỉ có thể lôi cuốn lượng khách ồ ạt, thiếu chọn lọc. Nếu những nơi này tiếp tục chấp nhận biến các danh thắng vô giá thành các khu công viên giải trí hiện đại thì không sớm thì muộn sẽ mất đi lượng khách muốn tìm về thiên nhiên và tìm hiểu lịch sử từ phương Tây. Một khi các yếu tố vốn làm nên sự độc đáo của các di sản UNESCO bị mất đi, thì nguy cơ bị đưa vào danh sách di sản đang gặp nguy cơ hoặc thậm chí bị đưa ra khỏi danh sách di sản UNESCO là điều không thể tránh khỏi. 

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 22/07/2018

Published in Diễn đàn

Chuyến đi tẻ nhạt đến Pháp của ông Trọng đã được bù đắp lại xứng đáng từ ngày thứ Tư 28/03/2018 khi chuyên cơ của Hàng không Việt Nam đáp xuống sân bay Jose Marti ở Havana. Một quốc gia cộng sản anh em cách nhau hàng ngàn cây số nhưng vốn có mối liên hệ mật thiết đã non 60 năm qua. Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của ông Trọng đến đảo quốc cộng sản này để có các cuộc đối thoại chính thức với quan chức Cuba và cùng các hoạt động khác.

chuyendi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Cuba Raul Castro tại thủ đô La Habana, Cuba. Ảnh : TTXVN

Trong chuyến viếng thăm đảo quốc Cuba vào tháng Tư năm 2012, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết, Cuba là một ví dụ cho nhân dân Việt Nam. "Cuba là một ví dụ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa quốc tế vị tha, ý chí sắt đá và niềm tin sâu sắc về nguyên nhân chính đáng của tự do và độc lập". Ông Trọng còn cho biết rằng cuộc gặp gỡ với Fidel Castro là một cuộc gặp gỡ " rất thân mật và rất thú vị, không khách sáo, như anh em sống cùng nhà".

Ông Trọng được thông tấn xã Prensa Latina của Cuba cho đăng tiểu sử tóm tắt từ trước khi đặt chân đến Cuba. Mỗi ngày có vài bài báo ở Cuba loan tin chi tiết về những sự kiện mà ông Trọng tham gia ở đảo quốc Cuba một cách tự nguyện khách hẳn với báo chí ở Pháp đã không có bài tường thuật chi tiết nào cho đáng để làm nở mặt nở mày với tây phương.

Bước xuống sân bay đã thấy bước đi hùng dũng, hồ hởi khác hẳn khi đến Pháp lần này, ông Trọng lại được đón tiếp vô cùng trọng thị trong khuôn khổ viếng thăm cấp nhà nước chứ không phải bị ghẻ lạnh như ở trời tây.

Có những điều lại được lặp lại khi quan chức cao cấp của Việt Nam đến Cuba và ngược lại. Đó là báo chí hai Đảng nhắc đến sự kiện Fidel Castro đến Quảng trị trong thời kỳ chiến tranh ; tinh thần kiên cường chống Mỹ của hai dân tộc, một bên đánh cho Mỹ cút, một bên không khuất phục đế quốc chỉ nằm cách xa có 90 dặm.

Khi quan chức Việt Nam đến Cuba sẽ không thể thiếu việc dâng hoa tại tượng đài ông Hồ Chí Minh mà báo chí ở nhà cho là ở công viên Hoà bìnhnằm trong trung tâm Havana. Kỳ thực công viên này nằm bên rìa của khu Vadero, cách xa khu vực trung tâm và ít có người lui tới. Thậm chí hỏi người dân Cuba trẻ gần trong khu vực này thì cũng không có mấy ai biết có một bức tượng như thế tồn tại.

Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo trong buổi đón tiếp đã tuyên bố chuyến đi của ông Trọng và phái đoàn có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh Cuba đang trải qua thời kỳ thay đổi thế hệ lãnh đạo nhà nước. Theo như dự kiến Raul Castro Ruz sẽ thôi chức chủ tịch Cuba vào ngày 19/4 sắp tới.

Sự ngưỡng mộ khả năng đấu tranh, kháng chiến của người dân Việt Nam cũng như sự phát triển của Việt Nam trong bài diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Cuba làm cho ông Trọng quên phéng đi những bực dọc ở Pháp chẳng hạn như chuyện cộng đồng người Việt tập trung biểu tình gần toà đại sứ Việt Nam ở Paris. Chuyện tương tự chắc chắn sẽ không xảy ra ở Havana mà chỉ có người dân Cuba và người Việt nồng nhiệt chào đón ông Trọng như chào người thân trở về nhà.

Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất đảng cộng sản Cuba, chủ tịch hội đồng nhà nước và bộ trưởng Cuba cũng có cuộc gặp gỡ thắm tình anh em với ông Trọng sau khi được Raul nhường cho vị trí quan trọng để đi duyệt đội quân danh dự với nghi thức đón tiếp dành cho nguyên thủ quốc gia. Lần này ông Trọng trao cho người vừa là đồng chí vừa là anh em Raul Castro Ruz huân chương sao vàng để lại quả việc ông Trọng được nhà nước Cuba trao cho Huân chương Jose Marti cao quý vào năm 2012.

Ngày 29 tháng 3 năm 2018 ông Trọng hân hoan nhận danh hiệu Tiến sỹ danh dự về Khoa học Chính trị của trường Đại học Havana. Trong diễn văn chào mừng Hiệu trưởng trường đại học Havaba Gustavo Cobreiro đã " thừa nhận sự nghiệp khoa học và đóng góp của ông Trọng đối với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Ông Trọng là giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành xây dựng Đảng nhưng sự nghiệp khoa học của ông Trọng không biết được công bố ở đâu khi mà nếu tìm trên Google chỉ có thể thấy luận văn bằng tiếng Nga của ông viết về chủ đề xây dựng Đảng, có nhan đề là "Các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm mạnh mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay : dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô" có từ năm 1983.

Trong bài phát biểu tại Đại học Havana ông Trọng có tuyên bố "kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau. Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công cần phải phát triển kinh tế thị trường một cách đúng đắn, phù hợp".

chuyendi2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những tuyên bố đặc sắc xã hội chủ nghĩa tại Cuba. Ảnh : Reuters

Đây có thể nói là công trình khoa học độc đáo của ông Trọng khi vẫn kiên định đi theo mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" dù rằng Hà nội đang rất thèm muốn được Hoa kỳ và phương Tây công nhận nền kinh tế thị trường để hòng đạt được các ưu đãi về thuế quan cho các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu.

Ông Trọng đã nêu quan điểm ủng hộ cải cách kinh tế trong bài phát biểu với sinh viên Cuba. Điều này trùng hợp với việc Raul Castro Ruz thừa nhận sai lầm trong đổi mới kinh tế sau 10 năm cầm quyền chỉ vài tuần trước khi Raul chính thức rời bỏ chức chủ tịch Cuba vào trung tuần tháng 4.

Vì là mối tình ‘hữu nghị truyền thống, thủy chung, chia ngọt sẻ bùi... vừa là đồng chí vừa là anh em, cùng chung lý tưởng cách mạng nên Hà nội đã hào phóng xoá nợ cho Cuba dù rằng Hà nội cũng đang gánh một gánh nợ trên vai. Raul Castro Ruz đã rất cảm động cảm ơn sự hào phóng của ông Trọng tuy rằng cả hai bên không tiết lộ số nợ được xoá là bao nhiêu.

Trước đó, khi đến thăm trường học Võ Thi Thắng ở Havana ngày 28/03, ông Trọng cũng đã rộng tay tài trợ cho các trường học ở Cuba một số tiền để trang bị máy tính nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường tiểu học.

Có thể nói lần nào ông Trọng đi thăm quốc gia anh em hào phóng cả. Thay mặt nhà nước và nhân dân Việt Nam ông Trọng đã quyết định tặng Quốc hội Campuchia Công trình Nhà làm việc của Ban Thư ký và các Ủy ban của Quốc hội Campuchia, trị giá 25 triệu USD vào tháng 7 năm 2017. Vị thế ban cho này của ông Trọng khác hẳn với các chuyến vác rá đi xin viện trợ và nài nỉ ký kết hiệp định song phương của bao nhiêu đời Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội bấy lâu nay.

Ông Trọng hào phóng như thế vì ông và Đảng chưa bao giờ làm kinh tế, tiền do chính phủ kiếm ra để cho ông và Đảng chi xài. Chứ nếu so ra nền kinh tế của hai quốc gia, GDP của Cuba chỉ bằng 1/3 GDP của Việt Nam (91,56 và 223,6 tỷ USD) nhưng thu nhập đầu người của Cuba hơn hẳn Việt Nam – thu nhập đầu người của Cuba là 7.347 USD so với 2.385 USD của Việt Nam.

Thật là oái ăm khi Cuba muốn đất nước họ được tự do phát triển kinh tế như Việt Nam, thì không ít người Việt lại mong muốn có được hệ thống giáo dục và y tế miễn phí như Cuba. Mỗi bên vẫn cứ đang tự sờ vào từng cái chân một của con voi để mà tưởng tượng viễn cảnh họ đang thiếu thốn.

Chuyến đi Cuba của ông Trọng phải nói là thành công rực rỡ vì chẳng ai lấy nhân quyền hay tự do ra làm điều kiện để trả treo kinh tế, bởi cả hai bên Việt Nam và Cuba vẫn luôn là tuyệt đối đồng quan điểm, đồng ý thức hệ và là hai ví dụ sáng ngời cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội như bài xã luận trên tờ báo Đảng Gamma của Cuba đã bình luận. 

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 01/04/2018

Published in Diễn đàn

Đối với một quốc gia vốn thường ưa ngoại giao kín đáo để tránh xung đột không cần thiết với nước láng giềng lớn ở phía Bắc, Việt Nam tháng này rất công khai tham gia vào một chuỗi các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 3 đã có một số chỉ dấu trong việc chuyển đổi chiến lược quốc phòng của Việt Nam nhằm giải quyết mối lo ngại ngày càng gia tăng đối với việc mở rộng quân sự và sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

canbang1

USS Carl Vinson tại Đà Nẵng. Ảnh : Petty Officer 3rd Class Devin Monroe

Ngày 2 tháng 3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ gặp Thủ tướng Narendra Modi. Vào ngày 3 tháng 3 trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục hợp tác quốc phòng của họ bao gồm các cuộc đối thoại cấp cao, mua sắm vũ khí, các tàu hải quân và tàu tuần duyên ghé thăm cảng biển, và các dự án xây dựng năng lực. Ông Quang và ông Modi cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và trên không tại Biển Đông cũng như giải quyết hòa bình và hợp pháp các tranh chấp.

Tuy nhiên, nổi bật nhất là quyết định của Hà Nội trong việc đưa ra thêm một bước và xác nhận nhu cầu Ấn Độ và Việt Nam hợp tác để bảo đảm "một khu vực Ấn Độ Dương hòa bình và thịnh vượng" - đây dường như là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện điều đó. Chắc chắn, ông Quang đã chuyển sang tin tưởng các lợi ích chiến lược địa lý của Ấn Độ, với lập trường thẳng thắn của New Delhi trong những năm qua về Biển Đông. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ này của ông Quang - hoặc sự thay đổi đối với "Ấn Độ - Thái Bình Dương" mà ông đã sử dụng trong một bài phát biểu với một nhóm chuyên gia Ấn Độ vào ngày 4 tháng 3 - cho thấy Hà Nội sẵn sàng chấp nhận ý tưởng mạnh mẽ nhất của Hoa kỳ là các đối tác phải làm việc cùng nhau xuyên vùng để cân bằng và ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh.

Sự công nhận của Việt Nam đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương cho thấy Việt nam gần hơn với mục tiêu của "Đối thoại an ninh bộ tứ" - một quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc để giải quyết thách thức gia tăng của Trung Quốc. Điều đó là đáng kể nhưng không hoàn toàn đáng ngạc nhiên khi Việt Nam đang nhanh chóng tăng cường quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các nước thành viên Bộ Tứ.

Ngày hôm sau, ngày 5 tháng 3, Hà Nội hoan nghênh Hàng không Mẫu hạm USS Carl Vinson đầu tiên của Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Quyết định của Việt Nam trong việc đón Hàng không mẫu hạm là biểu tượng mang tính hình tượng nhất của sức mạnh Hoa kỳ là một tín hiệu rõ ràng trong việc ngăn chặn Trung Quốc. Như đã đề cập, cuộc thăm viếng đã tập trung chú ý vào mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam, vốn, đã được đưa ra từ tháng 5 năm 2016 khi Tổng thống Obama viếng thăm Hà Nội và bãi bỏ lệnh bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng Giêng để hoàn thành chi tiết về cuộc việc viếng thăm của hàng không mẫu hạm, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã đề cập đến việc Việt Nam và Hoa kỳ là "các đối tác có cùng chí hướng", khi cho rằng mối quan hệ quốc phòng song phương đang tiến triển. Về phần mình, Bắc Kinh đã bác bỏ những hàm ý địa chính trị.

Từ ngày 6 đến 13 tháng 3, Việt Nam là một trong 16 quốc gia tham gia các cuộc tập trận hải quân chung diễn ra hai năm một lần. Được Ấn Độ hỗ trợ, cuộc tập trận năm 2018 diễn ra ở phía đông Ấn Độ Dương trong khu vực cảng Blair ở Quần đảo Andaman và Nicobar. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Việt Nam được công nhận tham gia vào cuộc tận trận Milan mặc dù có những điều xung đột về mức độ tham gia vào năm 2012 (Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố từ chối tham gia vào năm 2012 và các đối tác của tôi nói với tôi rằng mặc dù có thể đã gửi một quan chức cao cấp hải quân đến đó vào năm 2012, Hà nội không bao giờ tham gia vào các cuộc tập trận thực tế).

Ngoài ra, cuộc tập trận Milan diễn ra trong khi một cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Maldives. Bắc Kinh tài trợ tài chính cho Tổng thống đương nhiệm, Abdulla Yameen, và Ấn Độ quan ngại rằng sự thúc đẩy này có thể được hiểu là Yameen để cho Trung Quốc tiếp cận Maldives. Maldives có tầm quan trọng về địa lý chiến thuật vì cung cấp lợi thế chiếu ở giữa Ấn Độ Dương và dọc tuyến đường giữa Vịnh Aden đến eo biển Malacca. Như vậy, sự tham gia của Việt Nam vào cuộc tận trận Milan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hàng hải giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Ý tưởng cho rằng Việt Nam sẽ gia nhập Ấn Độ trong các cuộc tập trận hàng hải chung trong thời điểm đặc biệt nhạy cảm này ắt hẳn là một viên thuốc đắng cho Trung Quốc, nhưng thật thú vị, một số phản ứng từ Bắc Kinh lại tập trung vào sự tức giận của họ đối với Ấn Độ. Một bình luận xuất hiện trong tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc ghi nhận rằng "Việt Nam là một bàn đạp cho lực lượng hải quân Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương". Tác giả giải thích rằng New Delhi đang thực hiện điều này một phần nào bằng cách cho Việt Nam tham gia tập trận Milan. Mặc dù vậy, bằng cách tham gia Milan 2018, Hà Nội đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ đối tác quân sự có thể được để duy trì hiện trạng ở Biển Đông, nếu Bắc Kinh tiếp tục thách thức Hà nội.

Cuối cùng từ ngày 12 đến 18, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phú thăm New Zealand và sau đó là Australia. Trong thời gian thăm New Zealand, ông Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern cam kết sẽ nâng cao mối quan hệ thành quan hệ chiến lược vào năm 2019. Trong khi ở Canberra, ông Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull nâng quan hệ song phương thành quan hệ chiến lược, báo hiệu một sự kết hợp chung các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Mặc dù đặc biệt không đề cập đến "Ấn Độ-Thái Bình Dương", bản tuyên bố chung của New Zealand và Úc đều nhấn mạnh những nguyên tắc tương tự được áp dụng bởi khái niệm này, bao gồm nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như tôn trọng pháp luật và các thủ tục ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Chỉ điều này đã chứng minh cho Bắc Kinh thấy rằng Việt Nam có các đối tác sẵn sàng ủng hộ vị thế của Việt nam trong các diễn đàn khu vực. Nhưng bằng cách tăng cường quan hệ song phương với Australia và lên kế hoạch tương tự với New Zealand, Hà Nội sẽ được hưởng lợi từ việc trao đổi quốc phòng với các nước phương Tây để hỗ trợ chuyên nghiệp hóa lực lượng hải quân và lực lượng Cảnh sát biển.

Vậy chúng ta nên làm gì trong những sự phát triển mạnh mẽ này trong tháng 3 ? Hoàn toàn hợp lý khi đánh giá rằng tháng ba bận rộn của Việt Nam là nhằm mục đích cải thiện vị thế phòng thủ của họ khi bắt đầu mùa khai thác đầu vào tháng 5 ở Biển Đông. Giai đoạn này có xu hướng căng thẳng Trung Quốc - Việt Nam gia tăng vì ngư dân và cảnh sát biển hai bên tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Thêm vào đó, vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh đơn phương đã đưa một giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp, kết quả là một cuộc đụng độ hàng hải kéo dài hàng tháng liên quan đến việc tàu tuần dương Trung Quốc đang tấn công tàu Việt Nam. Đây là một thảm họa cho Hà Nội, và có thể là một thời điểm chuyển đổi khiến Việt nam phải tăng cường ngoại giao quốc phòng với các đối tác có thể trợ giúp - thậm chí chỉ bằng lời nói - để làm cho Trung Quốc rút lui trong trường hợp có sự cố khác.

Và thêm nữa, chắc chắn cuộc bầu cử Rodrigo Duterte vào tháng 6 năm 2016 ở Philippines đã thúc đẩy Việt Nam cân nhắc lại cách tiếp cận của họ. Duterte đã tìm kiếm sự điều đình với Bắc Kinh bỏ qua các đặc điểm tranh chấp và đưa ra phán quyết của Tòa án Trọng tài được ban hành theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có lợi cho Manila, để cho Việt Nam là nước duy nhất phản đối chủ quyền đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kết hợp của hai nhân tố này làm cho Hà Nội có thể tiếp tục củng cố vị trí trong khu vực thông qua ngoại giao quốc phòng.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhận là nỗ lực chung của Hà Nội nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia có thể ủng hộ Việt nam trong vấn đề Biển Đông không nhất thiết phải hiểu là sự rủi ro lớn hơn trong khu vực. Chẳng hạn, Hà Nội, trước áp lực của Trung Quốc, một lần nữa lại quyết định hủy bỏ hoạt động khoan dầu của công ty năng lượng Repsol Tây Ban Nha trong vùng biển đang tranh chấp lần thứ hai trong một năm. Điều này cho thấy Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên và duy trì các mối quan hệ với Bắc Kinh ở Biển Đông, ngay cả khi đồng thời cố gắng đạt được lợi thế bằng cách thu hút các đối tác khác để đối lại sự phát triển của Trung Quốc.

Phương Thảo dịch

Nguồn : VNTB, 26/03/2018

Published in Diễn đàn

Nếu Việt Nam vẫn cứ nói suông thì... thời gian EU dành cho Việt Nam thật quả là không có ! 

evfta1

EU nên xem xét kỹ lưỡng quyết định phê chuẩn EVFTA vì việc bắt giam và xử án nặng những nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam do lên tiếng phản đối thảm hoạ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Miền Trung từ năm 2016 ?

Áp lực cho Hà nội

Hội đồng Kinh tế và Xã hội Châu Âu hầu như nhất trí thông qua một nghị quyết trung tuần tháng 2 qua kêu gọi EU đẩy mạnh các chương trình về lao động và môi trường - được gọi là các chương về TSD - trong các hiệp định thương mại tự do. Tình hình chính trị hiện tại xung quanh vấn đề này ở Brussels làm cho thời gian phê chuẩn các thỏa thuận thương mại tự do đang diễn ra của Châu Á trở nên càng không chắc chắn.

Nghị quyết này sẽ là một cảnh báo nữa đối với các nước như Việt Nam hoặc Singapore, các quốc gia hiện đang chờ EU phê chuẩn tại các hiệp định song phương. Ông Bernd Lange, Chủ tịch ủy ban thương mại Châu Âu đã nói rõ rằng thỏa thuận của Việt Nam sẽ không được nhất trí cho đến khi Hà Nội trình bày lộ trình rõ ràng cho việc phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Hội Đồng Kinh tế và Xã hội (EESC) cho biết : "Đối với các quy định về lao động, các nước đối tác cần chứng tỏ sự tôn trọng đầy đủ tám Hiệp định lao động cốt lõi của ILO trước khi ký kết một hiệp định thương mại. Nếu một quốc gia đối tác không phê chuẩn hoặc thực hiện đúng các Công ước này, hoặc đã chứng minh mức độ bảo vệ tương đương, EESC khuyến cáo rằng cần có lộ trình về các cam kết vững chắc được đưa vào Chương TSD để đảm bảo đạt được điều này một cách kịp thời. "

Ủy ban đang kêu gọi Việt Nam thực thi 3 công ước ILO chủ chốt mà họ chưa phê chuẩn bao gồm tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và bãi bỏ lao động cưỡng bức. Cần lưu ý rằng EESC đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về chính sách thương mại của Châu Âu trong Xã hội Dân sự ở cả Châu Âu và các quốc gia thứ ba. Do đó EESC khuyến khích Hội Đồng tăng cường đối thoại với XHDS để phát triển chức năng của Nghị quyết về Lao động và Môi trường trong các thoả thuận thương mại hiện tại và tương lai.

'Tự bắn vào chân'

Việt Nam vẫn hi vọng thoả thuận thương mại song phương với EU ( EVFTA) sẽ được phê chuẩn càng sớm càng tốt và đã rất không lấy làm vui khi được biết EU sẽ dời việc phê chuẩn EVFTA cho tới tháng 5 năm 2019 hoặc tận năm 2020.

Ngày 1/3/2018, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam đã cho tiến hành buổi "hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật Về hội". Việc lật đật để chữa cháy này hòng khoả lấp các sai phạm về nhân quyền mới đây của nhà cầm quyền Việt Nam. Thế nhưng liệu có tác dụng gì không ?

Ngay sau khi blogger Phạm Đoan Trang bị công an thành phố Hà nội bắt và thẩm vấn về quyển sách " Chính trị bình dân" của cô vào ngày 24/ 02 /2018, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam với nhà báo Phạm Đoan Trang và gia đình bà.Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng RSF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi Nghị viện Châu Âu đóng băng việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. RSF cho rằng nếu EU thực hiện thỏa thuận này với Việt Nam " trong những tháng gần đây đã trở thành một trong những kẻ thù tồi tệ nhất thế giới về tự do thông tin thì đó là điều ô nhục."

Tổ chức ClientEarth vào ngày 01/03/2018 thông qua luật sư Laurens Ankersmit cũng đã kêu gọi EU nên xem xét kỹ lưỡng quyết định phê chuẩn EVFTA vì việc bắt giam và xử án nặng những nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam do lên tiếng phản đối thảm hoạ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Miền Trung từ năm 2016. Trong đó có nhắc đến các bản ác khắc nghiệt mà nhà cầm quyền Việt Nam dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hóa trong năm 2017 ; Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong đầu năm 2018.

Đây là 2 lời kêu gọi EU ngừng thông qua EVFTA có liên quan đến hồ sơ nhân quyền được đưa ra trong vòng chưa tới một tuần lễ ngay sau Tết nguyên đán. Một năm mới bắt đầu dường như không được hạnh thông chút nào cho giấc mơ ký kết thoả thuận thương mại song phương của Hà nội.

Không có thời gian cho Việt Nam

Vào tuần lễ cuối cùng của tháng 1 năm 2018, Liên minh Châu Âu cho hay họ đang tiến dần đến hoàn tất phê chuẩn hiệp định thương mại song phương với Nhật.

Bà Malmström mong muốn trình thoả thuận cho Hội đồng vào mùa xuân này, có thể thoả thuận sẽ được ký kết vào mùa hè. Điều đó có nghĩa là thoả thuận với Nhật sẽ được gởi đến nghị viên Châu Âu vào tháng 9 và nếu như mọi chuyện suông sẻ thì thoả thuận này sẽ có hiệu lực vào cuối năm hoặc là đầu năm tới (2019). Trong khi Nhật được ưu tiên thì Singapore và Việt Nam sẽ phải thất vọng.

Chủ tịch hội đồng thương mại quốc tế Bernd Lange đã thẳng thắn nói với Borderlex rằng " Tôi nghĩ chúng ta sẽ thương lượng với Nhật trước. Tôi không chắc rằng chúng ta sẽ có đủ thời gian để thương lượng với Singapore, và tôi không nghĩ là chúng ta có thời gian cho Việt Nam - nhưng mà cứ để xem sao."

Ông Lange tuyên bố rằng Việt Nam có những vấn đề đặc biệt như quan ngại về nhân quyền, rắc rối với việc phê chuẩn các công ước còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, và sự rạn nứt về quan hệ ngoại giao vẫn đang tiếp diễn giữa Đức và Việt Nam sau khi chính quyền Việt Nam bắt cóc một công dân Việt Nam trên lãnh thổ Đức hồi mùa hè vừa qua trong khi với Nhật thì chỉ có đơn giản là thoả thuận thương mại với EU. 

Căn cứ vào các tuyên bố trên, thì do dù có dự luật về hội và đưa lộ trình cụ thể của việc áp dụng dự luật này, thì Việt Nam còn phải thông qua thêm hai hiệp định lao động quốc tế khác. Bên cạnh đó cần phải cải thiện về nhân quyền với sự giám sát của XHDS, lại còn phải hàn gắn sự rạn nứt về quan hệ ngoại giao với Đức. Hai hành động sau cùng có thể nói là hai điệp vụ bất khả.

Ngày 01/03/2018, bà Lê Thi Thu Hằng, người phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, bất cứ ai vi phạm pháp luật đều sẽ bị "trừng phạt theo pháp luật Việt Nam" và rằng "các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện đúng nhiệm vụ của họ" khi được hỏi về việc bắt giữ Phạm Đoan Trang. Hành động này cho thấy Hà nội không hề có ý định cải thiện thành tích nhân quyền vốn chưa từng có sự tiến bộ nào nếu không nói là ngày càng tồi tệ trong thời gian qua. 

Trong khi đó Đức đã đi tiếp thêm một bước trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Ngày 01/03/2018 khi Văn phòng Công tố liên bang cho khởi tố Nguyễn Hải Long tại Toà án Phúc thẩm Berlin vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm nay vì đã tham gia vụ bắt cóc cựu chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh. Ông Nguyễn Hữu Long trước khi bị bắt sinh sống tại Prague, Cộng hoà Séc và điều hành một công ty chuyển tiền ở chợ Việt Nam tại đó. Ông Long đã bị cảnh sát Đức dẫn độ từ Séc sang Berlin từ 23/08/2017 với cáo buộc thuê xe và vạch kế hoạch di chuyển trong vụ bẳt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hà nội cho tới nay vẫn quyết tâm giữ Trinh Xuân Thanh ở Việt Nam để cúi đầu chịu tội và phục vụ kế hoạch đốt lò cũng như phớt lờ yêu cầu của Đức. 

Nếu Việt Nam vẫn cứ nói suông thì... thời gian EU dành cho Việt Nam thật quả là không có ! 

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 05/03/2018

 

Published in Diễn đàn

Ông Nhạ sau khi được cho là tự đạo văn mình thì đã có một giáo sư Pháp gốc Việt và cộng sự bỏ công viết một bài phân tích tỉ mỷ các bài báo khoa học của vị "tư lệnh ngành giáo dục" Việt Nam. Trong đó có hai điểm mà không phải chỉ ông Nhạ mà e rằng có rất rất nhiều người trong số hàng vạn thạc sĩ – tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam đã mắc phải mà chưa bị ai khui ra như trường hợp ông Nhạ đó là hành vi trích dẫn khống và viết tiếng anh không chính xác.

nha1

Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ do Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cùng các đồng sự thực hiện. 

Trích dẫn khống

Về hành vi "trích dẫn khống", Giáo sư Dũng đã nêu rõ là không có ghi rõ nguồn của các trích dẫn và phải trích dẫn đúng để cho người đọc tiện bề theo dõi hoặc tra cứu. Theo giáo sư Dũng thì " Ông Phùng Xuân Nhạ đã không biết đến hoặc không tôn trọng những chuẩn mực khoa học tối thiểu này trong các bài báo của mình".

Trong các bản hướng dẫn cách viết luận văn thạc sĩ có hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng tài liệu tham khảo vào bài viết và cách trích dẫn ra sao. Người viết được yêu cầu phải ghi rõ ý tham khảo trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tham khảo. Bản hướng dẫn còn nêu rõ "Nếu sử dụng tài liệu của người khác và của đồng tác giả (bảng biểu, hình vẽ, ý tưởng..) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận văn không được duyệt để bảo vệ."

Bên cạnh đó còn có hướng dẫn cần phải làm gì khi trích dẫn ý kiến hoắc tài liệu của một người khác như thế nào để không bị vướng vào lỗi đạo văn khi trích dẫn ít hơn 2 câu hay 4 dòng đánh máy hoặc dài hơn.

Quy định rõ ràng là như vậy, nhưng dường như lại ít được tuân thủ nghiêm túc. Không hiếm trường hợp các thạc sĩ hay tiến sĩ học miền Bắc sẽ lấy bài của một ai đó từ trong Nam mang ra Bắc để nộp mà không bị phát hiện. Hoặc họ sẽ sao chép từ bài của một ai đó có sẵn trên mạng để không phải mất công nghiên cứu hay tra cứu nhiều như trường hợp luận văn tiến sĩ trở thành luận văn thạc sĩ ; hoặc luận văn của học sinh sẽ trở thành bài nghiên cứu khoa học của thầy sau khi được thầy xào nấu.

Khi bị phát hiện họ có thể biện hộ một cách khó tin là quên trích nguồn, còn báo chí lại nương tay để gọi đó là hành động sao chép từ nhiều nguồn khác mà tránh không nhắc đến từ đạo văn. Nhưng với những người làm công tác khoa học như vậy thì chỉ có thể nói hoặc người ta cố tình quên hoặc họ không có chút liêm sỷ của một người trí thức cũng như không có đạo đức nghề nghiệp. Và tất cả chỉ vì hướng tới một cái danh hão khi không có thật lực và lại dựa trên nền tảng của sự trí trá. 

Còn phần giáo viên/ giáo sư hướng dẫn họ có phát hiện ra những những lỗi hiển nhiên về phương pháp luận mà không nỡ đánh rớt học viên vì đã lỡ hứa nâng đỡ hướng dẫn ; hay bản thân họ cũng không có đọc hết bài nghiên cứu hay là do họ không được trang bị phần mêm hỗ trợ trên máy tính ?

Khả năng ngôn ngữ có hạn ?

Người ta cũng hết sức nghi ngờ khả năng tiếng Anh của ông Nhạ, môt người đã nhận được học bổng Fullbright và tốt nghiệp thạc sĩ ở Manchester tức là cả hai trường đều có tiếng tăm chứ không phải trường bèo như trường của Phạm Xuân Anh đã từng theo học và bị đánh tơi bời là bằng không đủ tiêu chuẩn hay thậm chí là bằng giả.

Ông Nhạ đã từng là tâm điểm của sự đàm tiếu của cộng đồng mạng khi phát biểu lẫn lộn "n,l". Với sự lẫn lộn như vậy trong tiếng mẹ đẻ thì khi nói tiếng Anh cũng sẽ không tránh khỏi nói ngọng. Nhưng nói ngọng có thể cho qua và thông cảm được, còn viết sai ngay cả lỗi đơn giản thì giờ đây lại phải nghi ngờ chất lượng bằng của ông Nhạ.

Với tiếng Anh như vậy thì làm sao ông Nhạ có thể học và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ ở Manchester ? Nếu là thực chất đủ để bảo vệ thành công luận án thạc sĩ ở Anh thì cho dù giọng Manchester có hơi khó nghe hơn giọng London chút ít nhưng mà văn viết vùng Manchester, vùng London hay ở Mỹ thì lại không khác gì nhau là mấy.

Đó là chưa kể đến việc dịch bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách gượng gạo. Giáo sư Dũng đã chỉ ra các " cấu trúc câu lủng củng" khi dịch từ Việt sang Anh. Phần lớn với những người không có khả năng viết trực tiếp bằng tiếng Anh thì họ sẽ phải viết tiếng Việt trước và sao đó cho dịch sang tiếng anh với yêu cầu phải dịch sát. Người làm biếng họ sẽ cho google dịch, người ít làm biếng hơn thì dịch từng từ một ; người giỏi hơn cũng sẽ cố gắng dịch nhưng vẫn sẽ không thoát ra được lối nói tiếng Anh của người không được tiếp xúc, tiếp cận với người chính quốc nhiều.

Với người đã từng học thạc sĩ ở Anh và ở Mỹ thì tiếng Anh của ông Nhạ phải "tây" hơn người chưa bao giờ có cơ hội ngồi nghe thầy Anh ở Anh và thầy Mỹ ở Mỹ trực tiếp truyền thụ kiến thức. Nếu không nói là phải lên được đến mức gần như người chính quốc mà đã vậy lại còn bị những lỗi ngô nghê trong bài báo khoa học tiếng Anh thì quả là chuyện khó tin. Vậy thì giờ có cần phải đi thẩm định lại bằng cấp ở Manchester và Fullbright của ông Nhạ cho rộng đường dư luận như báo chí đã truy ra tới tận nơi cấp bằng cho ông Nguyễn Xuân Anh ?

Với mấy vạn thạc sĩ - tiến sĩ trên cả nước có bao nhiêu người đã từng "học tập và làm theo gương" ông Nhạ ? Trong số đó ai dám nhìn lại các luận văn, bài báo khoa học hay công trình nghiên cứu của chính họ để thừa nhận công khai họ đã từng mắc những lỗi như trên cho lòng được thanh thản ? Hay lại tặc lưỡi, " Tại ổng xui do đấu đá nên mới bị đưa ra cho dân cư mạng moi móc, chớ làm người thường, không đụng chạm gì thì đâu ai bới móc ra ?"

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 25/02/2018

* Ở nước ngoài, sinh viên nếu bị phát hiện đạo văn khi làm bài khoá luận sẽ bị đánh rớt ngay lập tức môn học đó mà không được phân bua biện hộ gì cả. 

Published in Diễn đàn
lundi, 12 février 2018 22:44

'Hơi thở' của kiều bào đây !

Ông thủ tướng mong muốn bà còn Việt kiều " luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau" cứ như lời cha nói với đám con nhỏ nhưng mà nội chuyện đón tết chung ở nước ngoài thôi thì cũng đã là khó rồi.

hoitho1

Thủ tướng : "Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào"

Hơi thở của kiều bào

Tổng kết năm 2017 chính phủ của ông Thủ tướng kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đã hoàn thành tốt 13 chỉ tiêu mà quốc hội giao cho. Trong đó có xuất khẩu của cả nước ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%, công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường và… đưa trên 128.000 người đi lao động ở nước ngoài. Ông Phúc đã nhấn mạnh rằng " trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp nhiều mặt của kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia trên toàn thế giới".

Nhà nước Việt nam đang và sẽ rất cần kiều hối để nắn vào sản xuất hòng thay thế cho lượng tiền đầu tư FDI đã hết thời ồ ạt đổ vào và tiền ODA đã không còn được cho vay ưu đãi. Đây có lẽ là hơi thở mà ông Phúc muốn lắng nghe nhất. Mà khốn khổ thay, lượng kiều hối gởi về mỗi năm lại ngày càng ít đi sau khi đạt con số kỷ lục 13,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015.

Lượng kiều hối gởi về mỗi năm từ những người Việt định cư ở nước ngoài và lương của những người Việt đi lao động ở nước ngoài hợp pháp và bất hợp pháp chiếm khoảng 6-7% GDP. Có đến 80% lượng kiều hối là của những người Việt tỵ nạn ở giai đoạn năm 1973 đến sau 1975 gởi về cho gia đình, làm từ thiện, hỗ trợ dân oan và các tổ chức dân chủ trong nước. 7% của lượng kiều hối là của 500 ngàn người lao động hợp pháp ở Nhật, Hàn, Malaysia với đồng lương rẻ mạt và giờ làm việc không ngơi nghỉ.

hoitho2

Theo thống kê mới đây từ Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2017 ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016 (11,5 tỷ USD) - là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Số còn lại có lẽ là của những người lao động chui trong các trang trại trồng cần sa, tiệm làm móng tay, tiệm ăn đến các băng nhóm chuyên ăn cắp hàng ở Nhật, ở Đài loan, Mỹ... để tuồn về Việt nam bán với giá rẻ, thậm chí là từ các cô gái bán thân ở Singapore, Malaysia, hay các phụ nữ Việt nam lấy chồng nước ngoài. Hơi thở từ những người này liệu ông Phúc có muốn lắng nghe và đề cập công khai ?

Gần 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài đã đóng góp cho xuất khấu và sản xuất của Việt nam khi mua quần áo, giày dép và các sản phẩm điện tử được sản xuất từ các nhà máy nhân công giá rẻ mà hiện Việt nam đang tận hưởng. Những người Việt đang mua các mặt hàng nông hải sản hay bất cứ những gì Made in Vietnam vì một sợi dây ràng buộc mơ hồ với tổ quốc dù biết rằng chất lượng đôi khi thua xa mặt hàng cùng loại được sản xuất ở các quốc gia Đông Nam Á khác.

"Tinh thần đại đoàn kết" của "con hổ mới về kinh tế"

Về ước mơ, hoài bão và khát vọng to lớn của đất nước và nhân dân trong nỗ lực phấn đấu trở thành "một con hổ mới về kinh tế", ông Phúc nhấn mạnh " đặc biệt là phải dựa trên tinh thần đại đoàn kết của những người dân Việt Nam trong và ngoài nước". Không thể nào phủ nhận tinh thần đại đoàn kết nhất thời.

Người Việt nam chưa bao giờ đoàn kết hơn trong tháng Giêng 2018 khi trận bán kết và chung kết châu Á của U23 diễn ra. Người lạ, người quen vui mừng hồ hởi, thân thiện với nhau khi "đi bão" mừng chiến thắng, người Việt cờ đỏ lẫn cờ vàng cùng hồi hộp theo dõi U23 Việt nam và cảm thấy tự hào cho nền thể thao của tổ quốc.

Đông đảo người Việt cũng rất đoàn kết khi đồng lòng bài xích "nhân tố ngoại" không biết tôn trọng sự tôn thờ lãnh tụ và dám xúc người đã quá cố vốn là một thần tượng lớn cho một bộ phận không nhỏ người dân ở Việt nam cũng như dám chế giễu sự đoàn kết nhất thời của người Việt. Họ cũng đồng lòng xử luôn những "nhân tố nội" không đi cùng luồng trong cơn say yêu nước – yêu lãnh tụ ấy.

Tinh thần đại đoàn kết được thể hiện mạnh khi người dân trong nước năm qua ủng hộ các tài xế phản đối các trạm BOT mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa ở trên khắp các quốc lộ trong cả nước. Đặc biệt là sự việc ở người dân đồng lòng phản kháng trạm BOT Cai lậy đã làm cho người dân cả nước quan tâm hơn đến quyền lợi thiết thực của họ hàng ngày đang bị xâm phạm và bắt đầu có ý thức đấu tranh chống lại các nhóm lợi ích đi ngược lại lợi ích của họ.

hoitho3

"Đi bão" tại Sài Gòn mừng chiến thắng U23 Việt Nam 

Tinh thần đại đoàn kết của người dân nằm ở hàng ngàn chữ ký trong bản kiến nghị kêu gọi dừng dự án cáp treo Sơn Đoong của tập đoàn FLC và tỉnh Quảng Bình. Người dân trong và ngoài nước đồng lòng muốn di sản thiên nhiên độc đáo này được bảo tồn và thoát khỏi bàn tay khai thác thô bạo của trọc phú tham lam.

Người Việt trong ngoài nước với các chương trình quyên góp giúp cứu trợ lũ lụt, giúp đỡ trẻ em vùng cao, các trại trẻ mồ côi, người tàn tật hay các chương trình y tế – giáo dục thiện nguyện cũng đã giúp cho chính quyền đỡ đi nhiều gánh nặng mà không phân biệt nguồn tiền và nhân lực từ đâu.

Tinh thần đại đoàn kết của người Việt hải ngoại hướng về Việt nam khi tham gia ký tên yêu cầu xử lý Formosa và bảo vệ môi trường ở vùng biển miền Trung Việt nam cũng như ủng hộ cho những người đấu tranh vì môi trường trong nước. Tinh thần đoàn kết của người trong nước cũng đã từng hừng hực trong những ngày tuần hành vì môi trường vì cây xanh ở Hà nội, Sài gòn hay miền Trung trong năm 2016.

Còn tinh thần đại đoàn kết bền vững mà cho đến giờ vẫn không có cách gì để đạt được là điều mà chính quyền Việt nam cho đến giờ vẫn loay hoay kêu gọi là sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Khi tinh thần đoàn kết nhất thời lắng xuống thì chính quyền Việt nam lại làm dậy sóng hòa hợp hòa giải khi tưng bừng kỷ niệm " chiến thắng chiến dịch tết Mậu thân" và người Việt lại rẽ ra hai phía "yêu nước" và "phản động" theo quan điểm của chính quyền cai trị hiện hành.

"Thủ tướng mong muốn …"

Lễ tết của người Việt ở đâu cũng có chương trình văn nghệ ; cành đào ở cơ quan ngoại giao Việt nam, mai vàng ở những hội đoàn và tôn giáo người Việt ; bánh chưng-bánh tét và áo dài ở cả ngày tết Việt nam dưới màu cờ đỏ hay cờ vàng xưa nay. Nhưng nét văn hóa Việt có chỉ phát huy với "cành đào, bánh chưng, áo dài…" ?

Ông thủ tướng mong muốn bà còn Việt kiều " luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau" cứ như lời cha nói với đám con nhỏ nhưng mà nội chuyện đón tết chung ở nước ngoài thôi thì cũng đã là khó rồi.

hoitho4

Những du học sinh - những "tỵ nạn tự nguyện".

Hàng năm các đại sứ quán Việt nam ở nước ngoài tổ chức đón tết cho kiều bào, ở ngay tại Việt nam cũng có lễ dành cho bà con kiều bào về quê hương đón tết. Thế nhưng đó là kiều bào nào ? Hẳn nhiên đó là những kiều bào " có nhiều đóng góp cho quê hương" và có mối quan hệ thân thiết với các đại sứ quán cũng như chính quyền trong nước. Có thể dễ nhận biết đó là những người xuất thân từ du học sinh và lao động từ Đông Âu, hoặc những người ra đi "tỵ nạn tự nguyện" sau này.

Người Việt không có mối quan hệ thân thiết với sứ quán cũng có tổ chức đón tết nhưng với phiên bản khác khi họ tự đứng ra theo hội đoàn người Việt nam, các tổ chức Công giáo hay Phật giáo ở nhà thờ hay chùa Việt nam. Những người tham dự lễ hội này là những người tỵ nạn vượt biên và con cháu của họ. Tết người Việt ở các đại sứ quán không có sự tham gia của những người Việt này mà là những người không muốn tham gia và lễ hội do " phản động" tổ chức.

Sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau sẽ yên ổn khi không có đụng vào chuyện cờ quạt, "phản động" hoặc "cộng sản", hay động vào lợi ích cá nhân, vùng miền.

Ý kiến đóng góp dành cho đất nước ?

"Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con ; lắng nghe những ý kiến đóng góp của bà con dành cho đất nước"

Có thật thủ tướng và tổ quốc sẽ dám lắng nghe ý kiến của "phản động" ?

Người Việt hải ngoại mong muốn chính phủ trục xuất Formosa và các nhà máy đang tàn phá môi sinh trên khắp các vùng miền của tổ quốc. Họ cũng mong muốn dừng các dự án xây dựng tượng đài, trụ sở hành chính hay cả nghĩa trang hàng ngàn tỷ và dùng tiền đó để xây trường học, thư viện cho trẻ em vùng cao vùng xa.

Người Việt hải ngoại mong chính phủ không đàn áp những người đang chống lại việc thu phí BOT bất hợp pháp, không tăng thuế làm ảnh hưởng cuộc sống người nghèo và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nước ngoài.

hoitho5

BOT và tiền lẻ

Người Việt hải ngoại không muốn thấy cáp treo Sơn Đoong, không muốn sử dụng sân bay Long Thành thay thế cho Tân Sơn Nhất.

Người Việt hải ngoại mong muốn tết này con Mẹ Nấm, con Chị Nga được ăn tết trong vòng tay thương yêu của mẹ chúng.

Người Việt hải ngoại mong muốn một Việt nam dân chủ thật sự, một nền kinh tế thị trường với sự lãnh đạo của những người biết làm kinh tế mà không cần có lý luận. Liệu tổ quốc có dám cắt bỏ cái đuôi xã hội chủ nghĩa hai ý niệm này hay không ?

Hơi thở và ý kiến đóng góp của người Việt hải ngoại đấy ! Thủ tướng và tổ quốc có nghe rõ không ?

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 12/02/2018

Published in Diễn đàn

Trong 5 năm qua, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á đã thách thức tham vọng chiến lược của Trung Quốc một cách quyết đoán hơn Việt Nam. Liên tục chống lại mục đích của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam đã cố cho phép thăm dò dầu mỏ ở các khu vực biển đang tranh chấp và, như Trung Quốc, đã xây dựng các đồn trú ở các rạn san hô ngập nước, các đảo nhỏ và bãi đá dù là với tỷ lệ nhỏ hơn. Thỉnh thoảng, Việt Nam cũng cố cùng với các nước láng giềng, như Philippines dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III, để làm cho thấy những gì mà họ coi là hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

vnhk1

Trường Sa Lớn - đảo lớn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Để đẩy lùi Trung Quốc, Việt Nam đã xây dựng được những mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Hoa Kỳ, trước năm 2017 họ tiến gần đến mức Hà Nội đã sẵn sàng có thể chấm dứt cách tiếp cận mấp mé thường thấy giữa Bắc Kinh và Washington. Hà Nội và Washington đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện dưới thời chính quyền Tổng thống Obama khi gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ cho Việt Nam và đưa quân đội hai nước lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Việt Nam dường như không chắc chắn về việc đặt cược vào mối quan hệ với Hoa Kỳ, mặc dù họ đón chào chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuần trước. Hà Nội cũng dường như đã lùi vì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc một chút trong những tháng gần đây.

Liệu Việt Nam trong thời đại Trump có cảm thấy áp lực sức mạnh quân sự của người láng giềng khổng lồ và mối quan hệ thương mại đáng kể với Hà Nội hay không ? Có thể, nhưng ngay cả khi Hà Nội nghĩ rằng họ không thể tin tưởng vào cam kết chiến lược và thương mại lâu dài của Washington đối với Đông Nam Á, họ sẽ không tiến gần đến Bắc Kinh. Thay vào đó, Việt Nam sẽ tìm ra những phương cách mới để phòng ngừa và tạo ra tham vọng của chính mình, làm việc với các đối tác khu vực khác.

Việc Việt Nam chuyển sang cách tiếp cận có tính đối đầu ít lộ liễu hơn đối với Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn kể từ giữa năm ngoái. Sau khi cho phép công ty Tây Ban Nha Repsol quyền thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp ngoài Biển Đông, Hà Nội đã cho ngừng khai thác vào năm ngoái, sau khi có áp lực từ Bắc Kinh. Sau đó, tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố chung chung với các đối tác Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì hòa bình ở Biển Đông.

Có nhiều lý do cho sự thay đổi thái độ này, và không phải tất cả đều liên quan đến Trump. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã trở thành một đối tác ít tin cậy hơn cho Việt Nam về các tranh chấp Biển Đông. Trong khi chính quyền Aquino đã đưa ra một vụ kiện chống lại tuyên bố của Bắc Kinh về Biển Đông ra tòa án quốc tế và công khai trừng phạt các tham vọng khu vực của Bắc Kinh, Duterte đã lôi kéo Trung Quốc, làm giảm tác dụng của phán quyết tòa án, giảm trao đổi quân sự Hoa Kỳ – Philipine và thường nhún nhường bất cứ khi nào Trung Quốc công khai gây áp lực ông ta để không khẳng định yêu sách của Philippines ở Biển Đông. Là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vào năm 2017, Philippines đã không tập trung nhiều vào các mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Những thách thức chính trị nội bộ ở Việt Nam - đáng chú ý là cuộc đàn áp tham nhũng cao cấp - cũng có thể làm các nhà lãnh đạo Hà Nội phân tâm trong chính sách đối ngoại.

Nhưng những thay đổi trong chính sách Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò trong cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ông Mattis và Lầu Năm Góc đã thúc đẩy một thế trận cứng rắn hơn ở Biển Đông, đặc biệt là thông qua lộ trình tự do hoạt động hàng hải thường xuyên. Các hoạt động này bao gồm cho tàu khu trục vào gần bãi Scarborough trước chuyến công du của Mattis tới Việt Nam. Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ đưa một tàu sân bay đến Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong chuyến công du đến Đông Nam Á, ông Mattis tiếp tục phát tín hiệu về việc sẵn sàng gọi các phần ở Biển Nam Trung Hoa theo tên do các quốc gia Đông Nam Á chỉ định, ví dụ như Indonesia, chứ không phải là do Trung Quốc.

Tuy nhiên, đồng thời, các quan chức Việt Nam đã tức giận về những tuyên bố và hành động thương mại của Trump mà họ lo ngại có thể gây phương hại cho các khía cạnh khác trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Ngoài việc rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP - một thỏa thuận có lợi cho nền kinh tế Việt Nam - Trump đã phát biểu về bảo hộ tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng vào năm ngoái, trong đó ông Trump than phiền về "thương mại không công bằng" và thúc đẩy chương trình nghị sự Hoa Kỳ trước tiên của ông ta. Tháng 12, Bộ Thương mại Hoa kỳ đã áp đặt mức thuế cao đối với một số loại thép từ Việt Nam.

vnhk2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida. Ảnh : AP.

Các quan chức Việt Nam nói chung không chắc chắn cách tiếp cận lâu dài của chính quyền Trump đối với Đông Nam Á ra sao, đặc biệt là với việc Washington tập trung vào bán đảo Triều Tiên. Họ cũng không biết mối quan tâm của Nhà Trắng trong việc khôi phục lại cái gọi bộ tứ-một cách tiếp cận khu vực rộng hơn đến Ấn Độ-Thái Bình Dương với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ- sẽ diễn ra và họ có thể làm được những gì khác biệt trong việc ngăn chặn cách sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mối quan hệ chiến lược Mỹ - Hoa Kỳ ở mức cao nhất cho tới nay vẫn duy trì mạnh mẽ, mặc dù Hà Nội sẽ không trở thành một đối tác của Mỹ như Singapore, trong khi căng thẳng về thương mại còn kéo dài. Nhưng thay vì quay trở lại Trung Quốc, Việt Nam đang đa dạng hóa các nỗ lực để cắt đứt quyền lực đang gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Một là, Hà Nội có thể sẽ hợp tác chặt chẽ với Singapore, Chủ tịch ASEAN năm nay, để cố gắng tạo sự nhất trí trong khối để đối phó với Bắc Kinh. Singapore thường có một cách tiếp cận quân sự đối với Trung Quốc hơn là Philippines dưới thời Duterte. Với các nhà ngoại giao lão luyện, Singapore từ lâu đã là một nhà lãnh đạo hiệu quả của ASEAN. Nếu bất kỳ quốc gia nào có thể thuyết phục các quốc gia ASEAN thống nhất và đưa ra một mặt trận thống nhất trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử tiềm năng ở Biển Đông với Bắc Kinh, thì có lẽ là Singapore.

Việt Nam đang tăng cường mối quan hệ chiến lược với Singapore, và tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Nhật Bản và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2014, và Tokyo đang bán các tàu tuần tra Hà Nội và các vệ tinh quan sát. Việt Nam đã kêu gọi Hàn Quốc đóng vai trò tiềm năng lớn hơn trong an ninh khu vực Đông Nam Á, mặc dù Seoul chưa phản ứng với bất kỳ ý định rõ ràng nào.

Xa hơn, Việt Nam đang cố gắng lôi cuốn Ấn Độ nhằm tăng cường an ninh, thậm chí thúc đẩy hải quân Ấn Độ quyết đoán hơn ở Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Việt Nam đã kêu gọi các công ty Ấn Độ đầu tư mới vào dầu và khí đốt ở Biển Đông, điều này đã khiến cho Bắc Kinh tức giận.

Hà Nội đang tự nâng cao năng lực và khả năng quân sự của mình ở Biển Đông. Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự, lập hạm đội tàu ngầm lớn nhất ở Đông Nam Á và nâng cấp lực lượng hải quân bằng nhiều cách khác…

Với việc Hoa Kỳ rời bỏ TPP, Việt Nam đã ủng hộ Nhật Bản như một nhà lãnh đạo khu vực về thương mại một cách mạnh mẽ. Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Hà Nội và các thành viên khác của TPP, đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận hồi phục, trừ Mỹ ; thỏa thuận này được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được hoàn tất vào tuần trước và dự kiến sẽ được ký vào tháng 3.

Việt Nam có thể đã trở nên công khai hơn với Trung Quốc trong năm qua, khi tìm hiểu về chính sách của Trump ở Châu Á và đương đầu với sự chia rẽ của các nước láng giềng. Nhưng Hà Nội sẽ vẫn là kẻ đối đầu cứng cỏi nhất Đông Nam Á đối với tham vọng quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi Việt Nam đã để nuôi dưỡng các đối tác ngoài Washington để bảo vệ chính họ.

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 01/02/2018

Published in Diễn đàn

Sau cuộc bầu cử năm 2016, Hà Nội vẫn hy rằng Tổng thống Trump một khi nhậm chức sẽ chấp nhận giá trị của thương mại tự do - một nguyên nhân mà chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP - Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Những hy vọng này đã bị thay thế bằng cho sự hoài nghi.

ngoaigiao1

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017

Bây giờ rõ ràng là Trump sẽ lãnh đạo như khi ông ta vận động : không có chiến lược dài hạn và ít quan tâm đến việc lường trước hậu quả nào. Không có gì đáng ngạc nhiên, khoảng 60% các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã từ chức và các vị trí chính sách đối ngoại quan trọng vẫn chưa được hoàn thành. Rõ ràng Washington chưa có chính sách rõ ràng về các mối quan hệ quan trọng của Hoa Kỳ trên thế giới. Chính sách không liên kết được lập một cách cẩn thận của Việt Nam giờ đây cần được cập nhật nhiều - theo đó, Hà Nội đã khai thác khéo léo các cuộc cạnh tranh của các cường quốc để cân bằng lợi ích kinh tế và chính trị. Trong hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, trước các nhà lãnh đạo của các tổ chức đa phương quan trọng nhất trong khu vực Trump hào hứng nói về việc khu vực Ấn độ Thái Bình Dương tự do và mở rộng, đồng thời nhấn mạnh những chỉ trích về chủ nghĩa đa phương. Trump đề nghị giao dịch song phương với bất kỳ ai nhưng với cảnh báo rằng muốn nhìn thấy Hoa Kỳ "có lợi" trong những gì ông cho là một trò chơi được mất như nhau. Loại thỏa thuận này dường như không mấy ai muốn.

Không giống như Trump, Tập Cận Bình có dự định làm cho Trung Quốc trở nên vĩ đại trở lại. Phát biểu tại APEC sau Trump, chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra một cái nhìn về những lợi ích chung của một khu vực thương mại tự do. Các quan chức Việt Nam đã mê mẩn sự ý tưởng của Tập Cận Bình trong khuôn khổ diễn đàn APEC. Làm như không để ý tới Hoa Kỳ, trong bài phát biểu của mình Tập Cận Bình đã đưa ra một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên, trong đó thương mại và đầu tư không phải là trò chơi được mất như nhau và đã đảm nhận vai trò lãnh đạo nền kinh tế mở ở Châu Á. Trong khi Trump chấp nhận cách tiếp cận của Trung Quốc trước đây và không thành công trong việc thương lượng song phương với từng thị trường nhỏ hơn thì Tập Cận Bình lại đưa ra một chương trình nghị sự đa phương đầy cuốn hút.

Trong khi Trung Quốc đang rõ ràng trở thành quốc gia dẫn đầu "khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Việt Nam có thể là một điểm sáng dành cho Trump. Các nhà ngoại giao Việt Nam nhanh chóng nói rằng Hà Nội sẽ theo đuổi hợp đồng song phương với Washington, không vì lợi ích kinh tế mà là giá trị tượng trưng. Thặng dư thương mại trị giá 32 tỷ USD của Việt Nam với Hoa Kỳ khiến cho Việt Nam dễ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại của Trump. Tuy nhiên, Hà Nội hy vọng có thể thu hút được sự tự tôn của Trump : nếu Việt Nam là một trong số rất ít người nhận lời đề nghị của Trump, thì Việt Nam thể được tưởng thưởng chỉ vì ra mặt và trao cho Trump một cái gì đó để Trump có thể hả hê. Và sau đó là biểu tượng của việc hợp tác với Washington cùng lúc với Bắc Kinh nhằm mục đích lãnh đạo khu vực.

Nhưng chiến lược này đầy rủi ro. Bất kỳ thỏa thuận với Trump chắc chắn sẽ không thay đổi. Nếu Đảng Cộng hòa bị thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, các nhà lãnh đạo Nghị Viện và chính quyền Trump có thể đưa ra các chính sách rất khác nhau. Hơn nữa, khi không có chiến lược dài hạn, bất cứ sự thay đổi nào về tình hình trong nước - hoặc tâm trạng cá nhân của Trump- có thể khiến cho ông ta quay ra chống lại Việt Nam ngay lập tức.

Thông thường, Việt Nam thích các thỏa thuận đa phương mà không có một bên nào quyết định. Đó là lý do tại sao bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Washington phải được xem như là những mặc cả cho RCEP và TPP/11, mà Việt Nam vẫn cam kết mạnh mẽ. Có càng nhiều bạn bè càng tốt là một sự mặc cả quan trọng cho một quốc gia như Việt Nam, theo cách truyền thống của họ, đặc biệt là sự tôn trọng đối với nước láng giềng lớn phía Bắc với những xung đột về bá quyền và các tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam vốn gây ra nhiều lo ngại.

TPP sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc dễ dàng hơn. Thỏa thuận đó đã bị lỡ, ít ra là cho đến bây giờ. Trong thời gian chờ đợi, Việt Nam đang cố gắng cải thiện khả năng mặc cả cho một vị trí trong quỹ đạo Trung Quốc. Cho dù bất kỳ thỏa thuận nào với Trump có hữu ích hay đáng tin cậy thì đây là một sự đánh cuộc nguy hiểm mà Hà Nội bây giờ buộc phải thực hiện.

Theo Eastasiaforum

Phương Thảo dịch

Nguồn : VNTB, 17/01/2018

Published in Diễn đàn