Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thăm Mariupol, đón Tập Cận Bình : Putin cố lên gân trước lệnh tầm nã của ICC

Sự kiện Vladimir Putin lần đầu đi thăm các vùng đất chiếm được của Ukraine ngay sau hôm Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh, được các báo rất chú ý. Le Figaro cho rằng hành động này "cứ như để thách thức", La Croix coi đây là "trò lên gân". Muốn tỏ ra không sợ hãi, nhưng đó là một tổng thống bị thế giới tẩy chay, đang hết sức cần đến Tập Cận Bình – vị khách đến Moskva với tư thế của kẻ mạnh.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe những người được cho là cư dân Mariupol, thành phố của Ukraine đang dưới sự kiểm soát của Moskva. Ảnh chụp từ video do điện Kremlin cung cấp đêm 19/03/2023 via Reuters – Kremlin.ru

Mariupol, chuyến thăm "thậm thụt như đi ăn trộm" của Putin

Rốt cuộc Vladimir Putin cũng ra khỏi boong-ke và ngôi nhà nghỉ ở ngoại ô Moskva. Lần đầu tiên, không chỉ từ đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02/2022 mà kể cả từ năm 2014, Putin mới đến Mariupol, thành phố Ukraine bị rơi vào tay Moskva mùa xuân năm ngoái, sau khi đã bị vây hãm và bị bom đạn của quân Nga san bằng thành bình địa. Đây cũng là lần đầu tổng thống Nga đến gần vùng chiến sự, bằng cách "đi nhẹ, nói khẽ" - theo nhận xét của Libération.

Ông đến vào ban đêm bằng trực thăng, theo lịch trình được sắp xếp kỹ, với những người dân "tình cờ gặp được", thực chất là các "diễn viên". Văn phòng báo chí Kremlin công bố hình ảnh Putin lái xe hơi chạy một vòng thành phố trong bóng tối, bên cạnh một người hướng dẫn giới thiệu kế hoạch tái thiết lại thành phố mà quân của ông đã phá tan tành. Cũng rất "tình cờ", chiếc xe dừng lại trước một tòa nhà mới được xây trên đống gạch vụn, những người dân chờ sẵn để bắt tay và cảm ơn Putin, thậm chí còn nói đây là "góc thiên đường". Tờ báo không quên nhắc nhở, Mariupol đã bị hủy hoại đến 90% và ít nhất 20.000 cư dân thành phố đã thiệt mạng.

Chuyến đi của Vladimir Putin bị Bộ quốc phòng Ukraine mỉa mai là thậm thụt "cứ như một tên ăn trộm". Sô trình diễn này được thực hiện vào ban đêm vì "an toàn hơn, và đêm tối giúp ông ta chỉ nhấn mạnh đến những gì muốn trưng ra, tránh những cái nhìn tò mò". Cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podoliak nhấn mạnh : "Những tên tội phạm luôn quay lại hiện trường. Kẻ sát hại hàng ngàn gia đình ở Mariupol đến để chiêm ngưỡng những tàn tích và những ngôi mộ, một cách cay độc và không hề hối hận". Ủy ban hành chánh Mariupol của Ukraine tố cáo "tên tội phạm quốc tế Putin đến Mariupol bị chiếm đóng trong đêm tối để khỏi phải thấy thành phố đã chết vì bị "giải phóng" phô ra giữa ánh sáng ban ngày".

Nga-Trung : bằng hữu hay chư hầu ?

Gắn liền với sự kiện này là chuyến thăm Moskva cấp Nhà nước kéo dài ba ngày của chủ tịch Trung Quốc. Les Echos cho rằng "Tập Cận Bình thăm Moskva để chống lại Hoa Kỳ", Libération nhận thấy "Với Tập Cận Bình, một thế giới mới thông qua Moskva", Le Monde nói về "Âm mưu toàn cầu của Tập Cận Bình".

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh quan hệ đôi bên bước vào một "kỷ nguyên mới", nhưng xem chừng kỷ nguyên này khởi đầu có phần trắc trở, với lệnh bắt giữ Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế. Từ khi mới lên ngôi tháng 3/2013, Tập Cận Bình đã đến thăm Putin đầu tiên, và từ đó đến nay đã gặp gỡ khoảng bốn chục lần. Năm 2001, Nga và Trung Quốc lập ra Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) để đối đầu với Hoa Kỳ. Tuy nhiên quan hệ Nga-Trung đang rất mất cân bằng, nhất là sau cuộc xâm lăng Ukraine.

Cho dù hôm qua Vladimir Putin xuất hiện trên đường phố Mariupol để thách thức ICC, tỏ vẻ tư lệnh chiến trường ; nhưng đó là một tổng thống bị thế giới tẩy chay, bị cô lập, đang hết sức cần đến sự hỗ trợ về thương mại và công nghệ của Bắc Kinh. Còn Tập đến Moskva với tư thế của kẻ mạnh, sau khi tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, và khẳng định vị thế nước lớn ở Trung Đông sau vụ hòa giải Saudi Arabia với Iran.

Một trật tự thế giới mới phục vụ cho lợi ích Trung Quốc

Nhưng không thể hy vọng gì về hồ sơ Ukraine : trong suốt 13 tháng chiến tranh, Tập Cận Bình không hề liên lạc với tổng thống Volodymyr Zelensky, chưa hề lên án Nga. Và đưa ra một kế hoạch chung chung, không thể so sánh với những nỗ lực khá hiệu quả của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc liên tục đưa ra sách trắng, những tuyên bố, sáng kiến tại các định chế quốc tế, tổ chức tư vấn để cạnh tranh với phương Tây được cho là đang suy tàn, với tham vọng chưa từng thấy nhằm nhào nặn một thế giới mới "theo kiểu Trung Hoa" - nhà nghiên cứu Moritz Rudolf của đại học Yale ghi nhận. Chuyên gia Alice Ekman lưu ý theo Bắc Kinh, phương Tây phải thích ứng với Trung Quốc chứ không phải ngược lại.

Ngoại giao "chiến lang" đã bộc lộ bộ mặt thật của một Trung Quốc hiếu chiến, xách động. Tập Cận Bình hôm 06/03 đã thẳng thừng tuyên bố không dung thứ cho chính sách "ngăn chặn, bao vây và trấn áp" của phương Tây. Libération đặt câu hỏi, phải chăng đây là từ ngữ và giọng điệu của "kỷ nguyên mới ? Le Monde nhắc lại câu nói của ông Tập hôm 13/03 "cần phải tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi cho việc phát triển của Trung Quốc". Không còn gì rõ ràng hơn nữa !

Về phía Mỹ, Libération nhận thấy tâm lý chống Trung Quốc ngày càng tăng lên nơi đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, trở thành chủ đề đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng. Những con diều hâu cố hữu như John Bolton, cựu cố vấn an ninh của tổng thống Donald Trump tuyên bố Trung Quốc là "mối đe dọa cho sự tồn vong trong thế kỷ 21". Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban về "cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng cộng sản Trung Quốc" vừa mới được thành lập ở Hạ Viện cũng có những phát biểu tương tự. Tổng thống Joe Biden thì vẫn giữ nguyên những biện pháp trừng phạt Bắc Kinh từ thời Trump.

Toàn bộ quyền hành ở Hoa lục trong tay Tập Cận Bình

Le Monde nhận thấy chuyến công du trong khuôn khổ mối quan hệ song phương "quan trọng nhất thế giới" - theo cách nói của Bắc Kinh - diễn ra trong bối cảnh ông Tập thâu tóm toàn bộ quyền lực ở Trung Quốc. Những người đứng đầu các bộ liên quan đến kinh tế trở nên ít quan trọng hơn. Bộ trưởng giao thông Lý Tiểu Bằng (Li Xiaopeng) và thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương (Yi Gang), hai nhân vật được thị trường đánh giá cao, tuy không mất ghế nhưng không còn là ủy viên trung ương, nên ảnh hưởng bị sút giảm. Tương tự, bộ trưởng tài chánh Lưu Côn (Liu Kun) không còn là thành viên Ủy ban Thanh tra Kỷ luật đáng gờm của đảng.

Ngược lại, Hà Lập Phong (He Lifeng) được thăng chức phó thủ tướng dù đã 68 tuổi, để lại chức vụ chủ tịch Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia cho Trịnh Sách Khiết (Zheng Shanjie). Cả hai người này từng làm việc với Tập Cận Bình ở Hạ Môn (Phúc Kiến) trong thập niên 80, là những đồ đệ trung thành ngay từ đầu. Nhất là hôm 16/03 ông Tập loan báo thành lập 5 ủy ban trung ương trực thuộc đảng cộng sản, cho thấy đảng đang siết lại việc kiểm soát tài chánh, công nghệ, củng cố vai trò trong các doanh nghiệp tư nhân và hiệp hội.

Về mặt xã hội, Le Figaro nói về "Tâm trạng bi quan nơi giai cấp trung lưu Trung Quốc". Đây là thách thức lớn cho Tập Cận Bình. Phía sau tình trạng u ám của thị trường địa ốc, xây dựng (chiếm 1/4 GDP), là tiêu thụ giảm sút, cho thấy ưu tư của lớp người mà số lượng đã tăng gấp bốn lần kể từ 2010. Lo sợ cho tương lai, họ thắt lưng buộc bụng. Số bán xe hơi và điện thoại di động chững lại, tiền gởi tiết kiệm tăng 39%. Giới trẻ có bằng đại học đổ xô xin vào làm công chức (tăng 25%), bỏ lại phía sau giấc mộng doanh nhân đã từng đưa Trung Quốc thành người khổng lồ Châu Á trong thế kỷ qua.

Mỹ-Trung đối mặt trên các châu lục

Về cuộc đối đầu Mỹ-Trung, Libération kể ra những "sàn đấu" chính. Từ vài tháng qua, Tập Cận Bình áp dụng một dạng ngoại giao truyền thống thay vì đơn thuần thương mại, khiến người Mỹ thêm bực tức. Ngoài nước Nga mà nay Trung Quốc đóng vai đàn anh, Bắc Kinh còn vươn vòi ra khắp nơi.

Trước hết là "tâm chấn" Đài Loan. Tháng tới, tổng thống Thái Anh Văn sẽ gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy tại California, một chọn lựa nhằm hạ nhiệt thay vì một chuyến thăm Đài Bắc đầy sóng gió như bà Nancy Pelosi năm ngoái. Chuyên gia Marc Julienne của IFRI phân tích : "Đài Loan là vấn đề trọng tâm của đảng cộng sản, là mảnh đất cuối cùng cần chinh phục để "thống nhất" Trung Quốc. Tập Cận Bình sắp 70 tuổi, muốn đạt được trong lúc sinh thời". Ông Tập đả kích các "thế lực bên ngoài" can thiệp vào Đài Loan, Tần Cương kêu gọi Hoa Kỳ "không vượt qua lằn ranh đỏ", trong khi Joe Biden hai lần cam đoan sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công.

Tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, thỏa thuận AUKUS giúp tăng cường sự hiện diện quân sự của phương Tây tại khu vực trong suốt nhiều thập niên, nếu các chính phủ kế nhiệm đều tôn trọng và Úc có khả năng chi trả. Hải quân Hoa Kỳ có thể gia tăng sự hiện diện để đối phó với việc Bắc Kinh quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa.

Ở Trung Đông, việc Trung Quốc đứng ra hòa giải Saudi Arabia và Iran là thắng lợi ngoại giao ngay trong vùng ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời bảo đảm được nguồn dầu khí. Hai quốc gia thù địch bắt tay với nhau vì những ưu tiên chính trị, kinh tế mới. Ông hoàng Mohammed ben Salmane (MBS) qua đó củng cố được chiếc ghế và bảo đảm an toàn cho kế hoạch nhiều tỉ đô la "Tầm nhìn 2030". Đối với Iran, thỏa thuận này là chiếc phao cứu sinh trong bối cảnh bị dân chúng phản đối dữ dội, kinh tế lao dốc. Còn tại Châu Phi, Bắc Kinh rõ ràng ghi điểm trước Washington với lượng xuất nhập khẩu cao gấp ba lần, lá phiếu của 54 nước Châu Phi cũng tạo lợi thế nơi các định chế quốc tế.

Dư âm cuộc chiến tranh Iraq sau 20 năm

Le Figaro nhận thấy "Hai mươi năm sau khi Mỹ can thiệp, Iraq trở thành một Nhà nước chia rẽ, dưới ảnh hưởng của Iran", và "Nước Mỹ vẫn phải trả giá". Không hề chuẩn bị cho việc quản lý đất nước sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, người Mỹ phải đối mặt với sự nổi dậy của cả phe Hồi giáo Sunni lẫn Shia, và một cuộc nội chiến. Có ít nhất 235.000 thường dân Iraq thiệt mạng, trên 9 triệu người di tản, 9.000 quân nhân Mỹ hy sinh và 32.000 bị thương.

Iran, kẻ thù bất cộng đáy thiên của Iraq không hề chờ đợi một món quà như thế từ Washington. Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein tại một đất nước thù địch theo hệ phái Sunni, khiến ảnh hưởng của chế độ Shia của Tehran lớn hẳn ở Iraq, gây bất ổn cho cả khu vực. Phong trào thánh chiến nổi lên, và Trung Quốc tranh thủ lúc Mỹ loay hoay ở Iraq để tăng tốc quân sự hóa trên Biển Đông. Việc đưa quân sang Iraq mà không cần nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc, khiến nay Washington khá vất vả khi vận động lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Hơn cả Việt Nam, chiến tranh Iraq dường như đánh dấu hồi kết cho tâm lý lạc quan ở Hoa Kỳ.

La Croix cho biết "Bom Mỹ bị cáo buộc tiếp tục làm chết người ở Iraq". Tại Fallujah có 300.000 dân, những quả bom phốt-pho, bom nhiệt áp, hỏa tiễn có thành phần uranium làm nghèo được thả xuống thành phố nổi loạn chống lại lính Mỹ năm 2004, tỉ lệ những ca ung thư và thai nhi dị dạng cao hơn hẳn những nơi khác.

Cải cách hưu trí vẫn là thời sự nổi bật tại Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay tập trung cho những vấn đề nội tình đất nước. Libération dẫn lời lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT "Cải cách hưu trí không phải là thất bại mà là một vụ đắm tàu", Les Echos lo lắng về khả năng phong trào chống cải cách hưu trí trở nên cực đoan hơn. Le Figaro chạy tựa "Người dân Paris phản đối cách quản trị của đô trưởng Anne Hidaldo", Le Monde đưa tít lớn "Macron và những nguy cơ của một nhiệm kỳ bị cản trở". Nói về chống biến đổi khí hậu, La Croix cho rằng "Mỗi một độ C giảm được đều quý báu".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Liệu Putin có phải đối mặt với phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ?

Robert Plummer, 18/03/2023

Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình rất dài.

putin1

Một người trương biểu ngữ yêu cầu đưa Putin ra trước Tòa án hình sự quốc tế

Liên Hợp Quốc rõ ràng tin rằng có đủ bằng chứng để buộc tội nhà lãnh đạo Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, khối lượng các vấn đề thực tiễn và khâu hậu cần trong việc thực hiện vụ này là rất lớn.

Quá trình đưa Putin ra trước công lý có thể diễn ra như thế nào ?

Tổng thống Putin có thể bị bắt ?

Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga có quyền lực vô song ở đất nước của mình, vì vậy không có khả năng Điện Kremlin sẽ giao ông cho ICC.

Miễn là ở lại Nga, Putin không có nguy cơ bị bắt.

Tổng thống Putin có thể bị bắt giữ nếu rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, với thực tế là quyền tự do đi lại của ông đã bị hạn chế nghiêm ngặt bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế, Putin khó có thể xuất hiện ở một quốc gia muốn đưa ông ta ra xét xử.

Kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, nhà lãnh đạo Nga chỉ đến thăm 8 quốc gia. Bảy trong số đó được ông coi là một phần "thân cận" của Nga - nghĩa là các nước này là bộ phận cấu thành của Liên Xô trước khi sụp đổ vào cuối năm 1991.

Điểm đến gần đây duy nhất của Putin không thuộc số này là Iran, nơi ông đã đến vào tháng 7 năm ngoái để gặp nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Iran, Ali Khamenei.

Vì Iran đã giúp cuộc chiến của Nga bằng cách cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác, nên bất kỳ chuyến thăm tiếp theo nào tới Tehran sẽ khó có thể khiến Putin gặp nguy hiểm.

Liệu Putin sẽ thực sự phải ra tòa ?

Có ít nhất hai trở ngại lớn cho điều này. Thứ nhất, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC.

Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập vào năm 2002 theo một hiệp ước được gọi là Quy chế Rome.

Hiệp ước này quy định rằng nhiệm vụ của mọi quốc gia là thực thi quyền tài phán hình sự của mình đối với những người bị coi là tội phạm quốc tế. ICC chỉ có thể can thiệp khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và truy tố nghi phạm.

Tổng cộng, có 123 quốc gia đã đồng ý tuân thủ hiệp ước này, nhưng có một số ngoại lệ đáng kể, bao gồm cả Nga.

Một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ các quốc gia là thành viên của Quy chế Rome tại đây.

Vì vậy, bạn có thể thấy rằng vị thế pháp lý đã không vững chắc.

Và thứ hai, mặc dù không có gì lạ khi các phiên tòa được tổ chức mà không có bị cáo tại tòa, nhưng đó không phải là sự lựa chọn ở trường hợp này. ICC không tiến hành xét xử vắng mặt, vì vậy cách làm này cũng không khả thi.

putin2

Vladimir Putin hiện có thể bị bắt nếu đặt chân vào một trong hơn 120 quốc gia thành viên của ICC

Những ai đã phải ra tòa vì lý do tương tự ?

Ý tưởng xét xử những người phạm tội chống lại loài người đã có từ trước sự tồn tại của ICC.

Bắt đầu vào năm 1945 sau Thế chiến thứ hai với Phiên tòa Nuremberg, được tổ chức để trừng phạt các thành viên chủ chốt của hệ thống phân cấp ở Đức Quốc xã vì nạn diệt chủng Holocaust và các tội ác tàn bạo khác.

Trong số đó đó bao gồm Rudolf Hess, phó thủ lĩnh của người lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler, người đã bị kết án tù chung thân và tự sát vào năm 1987.

Tất nhiên, Tổng thống Putin không thực sự bị buộc tội chống lại loài người, mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lập luận rằng ông nên bị buộc tội như vậy.

Và nếu đúng như vậy, điều đó sẽ đặt ra một tình huống khó pháp lý khó xử khác như chính Liên Hợp Quốc đã thông báo, "tội ác chống lại loài người vẫn chưa được hệ thống hóa trong một hiệp ước chuyên biệt của luật pháp quốc tế, không giống như tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh, mặc dù đã có những nỗ lực để làm điều đó".

Các cơ quan riêng biệt khác đã tìm cách kết án những người bị buộc gây tội ác chiến tranh. Trong đó bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư (Yugoslavia), một tổ chức của Liên Hợp Quốc tồn tại từ năm 1993 đến 2017.

Trong thời gian đó, tòa án này đã kết tội và kết án 90 người. Nhưng nhân vật được cho là khét tiếng nhất trong số những người bị truy tố là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, đã chết vì một cơn đau tim vào năm 2006 khi đang bị giam giữ.

Về phần ICC, cho đến nay tổ chức này đã truy tố 40 cá nhân ngoại trừ Putin, tất cả đều đến từ các quốc gia châu Phi. Trong số đó, 17 người đã bị giam giữ tại The Hague, 10 người đã bị kết tội và 4 người được tha bổng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine ?

Lệnh bắt giữ Putin đang được coi là một tín hiệu từ cộng đồng quốc tế rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine là trái với luật pháp quốc tế.

Tòa án cho biết lý do công khai lệnh truy nã là vì những tội ác này vẫn đang tiếp diễn. Bằng cách này, ICC đang cố gắng ngăn chặn các tội ác tiếp theo diễn ra.

Tuy nhiên, phản ứng chính từ Nga cho đến nay là bác bỏ các lệnh này là vô nghĩa.

Trên thực tế, Điện Kremlin phủ nhận quân đội của họ đã thực hiện bất kỳ tội ác nào ở Ukraine, và người phát ngôn của ông Putin gọi quyết định của ICC là "thái quá và không thể chấp nhận được".

Đối mặt với sự thách thức như vậy, có vẻ như các hành động của ICC sẽ không có bất kỳ tác động nào đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine - và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin sẽ tiếp tục diễn ra tàn nhẫn.

Robert Plummer

Nguồn : BBC, 18/03/2023

**************************

Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ tổng thống Nga về tội ác chiến tranh

Thanh Phương, RFI, 18/03/2023

Hôm 17/03/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế, trụ sở tại La Haye, thông báo đã phát lệnh bắt giữ tổng thống Vladimir Putin về trách nhiệm của ông trong các tội ác chiến tranh xảy ra từ khi Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine cách đây hơn một năm, đặc biệt là các vụ đày trẻ em Ukraine đến Nga và các vùng bị chiếm đóng. Theo Kiev, hơn 16.000 trẻ em Ukraine đã bị đưa sang Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược ngày 24/022022.

putin3

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, Nga, 15/03/2023. © AP - Pavel Bednyakov

Từ La Haye, thông tín viên RFI Stéphanie Maupas tường trình : 

"Đây là kết quả đầu tiên trong cuộc điều tra của Tòa án về Ukraine, bắt đầu từ cách đây 1 năm. Công tố viên của Tòa án, ông Karim Khan nhắm vào tổng thống Nga. Vladimir Putin bị tình nghi đã đày các trẻ em Ukraine đến Nga và đây là một tội ác chiến tranh. Ông cũng bị truy tố về tội đã di tản trái phép nhiều trẻ em Ukraine đến các vùng bị chiếm đóng, đặc biệt là vùng Donbass. 

Vladimir Putin bị truy tố với tư cách là thủ phạm trực tiếp cũng như là đồng phạm, nhất là với Ủy viên về quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova Belova.

Các lệnh bắt giữ liên quan đến những sự việc xảy ra từ ngày 24/02/2022, khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Đó là các vụ chuyển những trẻ em, nhất là trẻ mồ côi đến Nga, một số đã được nhận làm con nuôi và được cấp quốc tịch Nga. 

Nội dung của các lệnh bắt giữ này không được công bố, nhưng theo giải thích của Tòa án trong một thông cáo, thông tin nói trên được đưa ra nhằm tìm cách ngăn chặn những tội ác tương tự trong tương lai. 

Các lệnh bắt giữ kể từ nay được ban hành, nhưng việc khó nhất là phải làm sao bắt được tổng thống Nga. Moskva đã có phản ứng, nhắc lại rằng Nga chưa phê chuẩn hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế". 

Hôm qua, các quan chức cao cấp của Nga, trong đó có phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, đã bác bỏ lệnh bắt giữ tổng thống Putin, nhắc lại rằng Moskva không công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Ngược lại, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì ca ngợi một quyết định "lịch sử" của Tòa án Hình sự Quốc tế. 

Về phản ứng của các nước khác, đối với tổng thống Mỹ Joe Biden, lệnh bắt giữ tổng thống Putin về tội ác chiến tranh là "đúng đắn". Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrel thì cho đây là một "quyết định quan trọng".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 18/03/2023

*************************

Liên Hiệp Quốc : Di dời trẻ em Ukraine vào những vùng do Nga kiểm soát là phạm tội ác chiến tranh

Phan Minh, RFI, 17/03/2023

Một nhóm điều tra viên của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng việc Nga di dời trẻ em Ukraine tới các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ ở Ukraine cũng như tới lãnh thổ Nga là một "tội ác chiến tranh".

putin4

Quân Nga áp tải trẻ em Ukraine rời khỏi nhà máy Azovstal, thành phố miền nam Mariupol, Ukraine, ngày 01/05/2022. Reuters - Alexander Ermochenko

Theo AFP, báo cáo của nhóm điều tra được Tiểu ban điều tra về tội ác chiến tranh của Liên Hiệp Quốc công bố vào hôm qua, 16/03/2023, nhận định, "hành động của Moskva trong việc di chuyển trẻ em ở trong lãnh thổ Ukraine hay đưa chúng sang Liên Bang Nga đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế và là tội ác chiến tranh".

Theo Kiev, tính đến cuối tháng 02/2023, đã có 16.221 trẻ em bị di dời sang Nga, số liệu mà Tiểu ban điều tra không thể xác minh được. Nhưng Tiểu ban này chỉ trích các biện pháp pháp lý và chính sách mà các quan chức Nga đã thực hiện liên quan đến việc di dời trẻ em, cũng như sắc lệnh của tổng thống Putin vào tháng 05/2022 tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp quốc tịch Nga cho những đứa trẻ này.

Erik Mose, một trong ba thành viên phụ trách cuộc điều tra cho biết "không thể khẳng định" Nga phạm "tội ác diệt chủng". Và nhóm điều tra sẽ tiếp tục công việc nếu được Hội đồng Nhân quyền chấp thuận gia hạn.

Phản ứng về báo cáo này, đại sứ Đức tại Genève Katharina Stasch đánh giá tội ác của Nga là "ghê rợn" và muốn đưa việc điều tra các vụ bắt cóc trẻ em vào danh sách các nhiệm vụ của Tiểu ban điều tra về tội ác chiến tranh của Liên Hiệp Quốc.

Phan Minh

Nguồn : RFI, 17/03/2023

Additional Info

  • Author Robert Plummer, Thanh Phương, Phan Minh
Published in Diễn đàn