Cái chết của quân nhân trẻ Trần Đức Đô như là một hồi chuông cảnh báo những rạn nứt trầm trọng và tệ nạn trong nội bộ của một đội quân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu", đã từng "đánh bại các đế quốc sừng sỏ".
Quân đội Việt Nam dưới chế độ cộng sản, từ rất lâu tồi, đã dần bị tha hóa và mất đi bản chất của nó, vốn với mục đích ban đầu là bảo vệ an ninh quốc gia.
Đầu tiên là vết rạn về lý tưởng phục vụ của lực lượng vũ trang. Quân đội trở thành một "công ty vệ sĩ riêng" cho đảng cộng sản trước những áp lực đòi hỏi thay đổi đến từ người dân hay quốc tế. Lý tưởng của "quân đội nhân dân" là bảo vệ Đảng cộng sản chứ tuyệt nhiên không hề đếm xỉa đến quyền lợi quốc gia. Nếu họ có bảo vệ quyền lợi quốc gia thì "quyền lợi" đó phải được "đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản".
Các nhà lý thuyết và lãnh tụ cộng sản luôn quan niệm quân đội là một công cụ bạo lực của Đảng. Đã là công cụ thì hiển nhiên không biết, không cần suy nghĩ. Chủ muốn thiến, muốn hoạn, muốn giết chết cũng không được kêu ca hay phản ứng lại. Đó là bản chất của công cụ. Cái chết của tân binh Trần Đức Đô xét cho cùng với các nhà lãnh đạo cộng sản cũng chỉ như sự đào thải của một vật dụng đã hết hạn. Hãy nhìn cách mà các sĩ quan cao cấp cho đến chính phủ đối xử với cái chết của tân binh này là thấy rõ.
Vết nứt thứ hai là hình tượng quân đội đã suy giảm nghiêm trọng trong lòng người dân. Quân đội từ chỗ là nhà trường để rèn luyện con người - như nhân dân quan niệm, đã trở thành ngục tù kìm hãm con người với nạn bạo lực, đánh đập, bắt nạt, ức hiếp, lạm dụng...Quân đội có phải là một "nhà trường xã hội chủ nghĩa" như bộ máy tuyên truyền vẫn nói hay không? Các bậc làm cha mẹ liệu có còn yên tâm khi cho con cái mình đi vào một nơi mà mục đích ban đầu là để phục vụ quốc gia nhưng rồi lại bị biến thành một dạng công cụ, hay tệ hơn là bị đối xử tàn tệ, thậm chí chết bất đắc kỳ tử không rõ nguyên nhân?
Sứ mạng của quân đội nhân dân là bảo vệ tổ quốc chứ không phải công ty vệ sĩ riêng của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một vấn nạn nghiêm trọng nữa trong môi trường đáng ra phải chuyên nghiệp và tử tế như quân đội đó là sự tham nhũng. Quân đội cộng sản Việt Nam từ lâu đã quá nổi tiếng với tệ mua quan bán chức, đút lót chạy chỗ chạy quyền. Khoảng những năm 2010 - 2015 gì đó, giá của một suất để vào thẳng trường sĩ quan là ngót nghét nửa tỉ. Giá để phong tướng cũng hàng chục tỉ. Giá để chạy từ đơn vị này sang đơn vị khác, với vị trí ngon hơn, có màu hơn...cũng tính theo tiền chục, tiền trăm triệu. Ta nên quan niệm như thế nào về một đội quân vừa có súng, vừa có quyền làm kinh tế với bên ngoài, lại vừa có quyền làm kinh tế lẫn nhau bên trong?
Việc quân đội và công an làm kinh tế cũng rất vô lý và làm suy giảm khả năng chiến đấu của họ. Những tướng tá và các đơn vị quân đội làm kinh tế có điều kiện sống xa hoa, khác hẳn hoàn toàn với cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn của đa số quân nhân khác. Chưa kể việc quân đội và công an kinh doanh đã làm méo mó và hủy hoại các nguyên tắc và qui luật vận hành của nền kinh tế thị trường.
Hai vết nứt lớn trên dẫn đến vết nứt cuối cùng của quân đội - mà cũng biến thành điểm yếu của đảng cộng sản: Quân đội thực sự đã suy yếu trầm trọng, nó không thể đóng vai trò là lực lượng bảo vệ quốc gia. Tiền bạc, lợi ích gắn kết được con người nhưng cũng chính tiền bạc và lợi ích làm chia rẽ con người. Một tập thể suy yếu thì chính nó cũng không đảm bảo được sự tồn tại của bản thân chứ chưa nói đến nhiệm vụ làm lá chắn, thanh kiếm để bảo vệ một nhóm người khác. Đây chính là điểm yếu cũng như ảo tưởng lớn của đảng cộng sản rằng quân đội sẽ bảo vệ được họ.
Trên đây là những báo động đỏ từ sự tha hóa của quân đội dẫn đến những báo hiệu về một tương lai không mấy lạc quan của đảng cộng sản. Tôi nghĩ các quan chức cao cấp có lương tri trong đảng cộng sản nên biết cần phải làm gì trong thời thế như thế này. Chọn lựa chỉ có một: Đứng về phía nhân dân bằng cách dân chủ hóa đất nước, ủng hộ cho giải pháp dân chủ đa nguyên và lập trường hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Việt Thủy
(10/07/2021)
Việt Nam ‘va chạm’ với Trung Quốc trên bàn ngoại giao thì là chuyện rõ mười mươi, nay có vẻ vài tờ báo trong nước được quyền đưa tin luôn các ‘va chạm’ của quân đội Việt Nam với Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cảnh sát biển Việt Nam có quyền truy đuổi tàu thuyền vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển - Ảnh minh họa tàu chiến Mỹ quan sát tàu số 1 hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi tàu số 2 hải cảnh Việt Nam
Chưa rõ có ẩn tình gì khác, bởi vì hiện tại lại là thời gian của những đại hội đảng cấp địa phương, sở, ban, ngành. Không ít ngờ vực, có thể đây chỉ là ‘đòn gió’ để lấy sự tin cậy của nhóm quyền lực đầy tham vọng nào đó, đang ngấp nghé những chiếc ghế cao nhất ở đảng chính trị.
Trước mắt, tin tức dồn dập trên một số tờ báo cho thấy Việt Nam thậm chí có thể sẳn sàng khai hỏa mà chẳng còn ngại ngần ‘16 vàng – 4 bạc’ như trước. Đã vậy gần như toàn bộ báo chí của nhà nước Việt Nam, đang hết lời ca ngợi lực lượng hải quân Hoa Kỳ mà khi đọc, nhiều người lạc quan có thể tin rằng quân đội Mỹ đang trở lại là một đồng minh của Việt Nam chỉ còn là chuyện ngày một, ngày hai mà thôi.
Đơn cử, "Buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp" là tựa bài báo trên tờ Tuổi Trẻ, phát hành ngày 4/7/2020. Bài báo đăng lại tấm hình của US NAVY, với chú thích : "Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords xuất hiện gần nhau hôm 1//7 trên Biển Đông Ảnh lớn : US NAVY – Ảnh nhỏ : Một tàu kiểm ngư lớp KN/750 của Việt Nam" (1).
Bài báo được thể hiện như câu chuyện kể có lớp lang. Mở đầu, là, "Trong vòng 72 tiếng đầu tiên của tháng 7/2020, câu chuyện Biển Đông chứng kiến những diễn biến đáng chú ý từ bàn đàm phán cho đến thực địa".
Về pháp lý, theo bài báo nêu trên, khi Trung Quốc thông báo về cuộc tập trận của hải quân nước này từ ngày 1/7 tới 5/7 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, thì lập tức vấp phải sự phản ứng từ phía Việt Nam, Mỹ và cả Philippines. "Những động thái lên tiếng nhất loạt của Việt Nam, Mỹ và Philippines đã gợi lên sự thống nhất trong cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông : lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở pháp lý phản đối hành động của Trung Quốc".
Về quân sự, báo Tuổi Trẻ ‘mở miệng’ rất khéo với tấm hình có chú thích như đã nói ở trên : "Trước đó, hải quân Mỹ cũng công bố các bức ảnh cho thấy màn "chạm trán" giữa tàu chiến USS Gabrielle Giffords và HD4 tại một khu vực chưa xác định ở Biển Đông hôm 1/7.
Màn "chạm trán" trên phản ánh thực tế rằng tần suất đối đầu giữa hoạt động của tàu Mỹ ở các nơi xuất hiện tàu Trung Quốc ngày càng dày đặc, và điều này góp phần cho thấy Lầu Năm Góc nhiều khả năng đã thống nhất trong cách nhìn nhận về mưu đồ của Trung Quốc và đưa ra cách phản ứng thích hợp.
Trong suốt thời gian qua, nhiều quan chức Mỹ thuộc các nhánh khác nhau trong chính quyền đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi, trong đó có Biển Đông.
Những diễn biến gần đây cho thấy chính quyền Mỹ có lý do trong việc thường xuyên nói Trung Quốc "lợi dụng đại dịch". Chi tiết này nằm ở các cuộc đàm phán COC, vốn đã ngưng trệ từ lâu cũng vì đại dịch Covid-19".
Không diễn tả bằng lời văn, song hình ảnh đăng ở bài báo này cho thấy trong những lần ‘chạm trán’ đó trên vùng lãnh hải Việt Nam giữa Mỹ – Trung Quốc, đều có sự ‘tham chiến’ của tàu kiểm ngư Việt Nam.
Cuối ngày 4/7, báo Tuổi Trẻ phát hành bản tin nhuốm mùi thuốc súng : "Những ngày bình yên cuối của châu Á dưới cái bóng Trung Quốc" (2). Bài báo được cho là lược dịch từ Anh ngữ sang tiếng Việt về các nhận định trên tờ South China Morning Post của nhà phân tích Allen Carlson.
"Ngày mai mặt trời vẫn mọc ở châu Á, nhưng nếu trời có sụp trong vài ngày tới thì cũng không có gì ngạc nhiên. Các dấu hiệu cảnh báo đang ở khắp nơi" – ông Allen Carlson viết trong cuối bài phân tích, và được báo Tuổi Trẻ dùng đó là phần kết của bài báo ký bút danh Phúc Long.
Theo thông báo, từ đầu tháng 7/2020, báo Tuổi Trẻ có chủ quản mới là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, với những nội dung như kể ở trên, cho thấy một tín hiệu mới về quyền ‘mở miệng’ của người làm báo, trước vấn đề lâu nay vốn được quen mồm là hãy để Đảng và Nhà nước lo…
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 05/07/2020
Chú thích :
(1)https://tuoitre.vn/buoc-trung-quoc-tuan-thu-luat-phap-20200704090250343.htm
(2)https://tuoitre.vn/nhung-ngay-binh-yen-cuoi-cua-chau-a-duoi-cai-bong-trung-quoc-20200704170218171.htm
Việt Nam : điểm ưa thích xuất khẩu chiến tranh của Trung Quốc ?
Nguyễn Hiền, VNTB, 17/05/2019
Nếu một tình huống khu vực buộc sử dụng vũ lực, thì Việt Nam sẽ là sự khởi động ưa thích của Bắc Kinh", bởi vì nó sẽ mang lại kinh nghiệm thực chiến cần thiết cho quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực không quân và hải quân, mà không có sự đe dọa (vũ lực ?) của Mỹ.
Lính Hải Quân Trung Quốc tuần tra trên đảo Trường Sa, 09/02/2019. Ảnh : China Stringer Network/Reuters
Nếu lấy mốc năm 1979 là thời điểm cuối mà cả Việt Nam và Trung Quốc giao tranh quân sự quy mô, thì sau gần 1/2 thế kỷ, quân đội 2 quốc gia chưa một lần thực chiến.
Vào đầu tháng 1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Quân uỷ trung ương (bộ máy lãnh đạo quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc) đã yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến tranh, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với những rủi ro và thách thức chưa từng có.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình khiến không ít người nghĩ đến các quốc gia có khả năng xung đột, như Ấn Độ, Đài Loan, và Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang trong giai đoạn cao trào, khi Mỹ đã tăng 200 tỷ USD thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và dự tính "khẩn trương áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc" (tức 500 tỷ USD). Cuộc chiến này có khả năng làm suy yếu nền kinh tế của Trung Quốc, một quốc gia xuất siêu, nhưng trên hết, yếu tố này cũng làm suy giảm địa vị chính trị của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, một người đang độc tài hóa nhằm hoàn tất "Chiến lược Made in China 2025" của mình.
Sự suy yếu địa vị chính trị của một "Chủ tịch không nhiệm kỳ" qua "Chiến lược Made in China 2025" có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách "xuất khẩu chiến tranh". Và nguy cơ Việt Nam có một xung đột với Trung Quốc đến mức phải đặt ra câu hỏi "liệu có ngồi đây bàn Đại hội Đảng được không" là có thật.
Mới đây, Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND, từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương tại Lầu năm góc trong một bài viết trên The Diplomat ngày 13.5 đã cho hay [1], Việt Nam có thể là "điểm khởi động ưa thích" của quân đội Trung Quốc.
Tại sao là Việt Nam chứ không phải Ấn Độ hay là Đài Loan ?
Giải thích về điều này, Derek Grossman cho rằng, có ba lý do để Việt Nam trở thành mục tiêu "thực chiến" của Trung Quốc.
Một là, quân đội Trung Quốc phải chuẩn bị chiến tranh trong lĩnh vực không quân – hải quân. Với Ấn Độ, chiến đấu ở vùng đất liền hay dãy núi Himalaya thực sự không không tốt chút nào cho đội quân đến từ Bắc Kinh, trong khi đó, các yêu sách chủ quyền đan xen giữa Trung Quốc với Việt Nam ở vùng Biển Đông và sự xung đột liên tục giữa hai quốc gia cho phép Bắc Kinh lên một kế hoạch, tạm gọi chiếm giữ đảo và phòng thủ (điều này từng diễn ra tại đá Gạc Ma năm 1988).
Thứ hai, quân đội Trung Quốc sẽ thích một cuộc chiến mà Mỹ hạn chế nhúng tay vào, bởi tương quan lực lượng giữa Trung – Mỹ chưa ngang bằng nhau, và rất khó để Bắc Kinh xử lý yếu tố chiến tranh – xung đột với Washington. Tại khu vực Á Châu, Úc, Nhật, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan nằm trong trục liên minh an ninh với Mỹ. Với riêng Đài Loan, thì mới đây, Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã loại bỏ tính mơ hồ trong cam kết bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của quân đội Trung Quốc. Và không giống các quốc gia nêu trên, Hà Nội không "mong đợi nhận được hỗ trợ quân sự từ Washington", bởi vì chính sách quốc phòng "không liên minh" đã ngăn Hà Nội "mong đợi" như vậy. Và do đó, Bắc Kinh có lẽ cảm thấy tương đối tin tưởng rằng sự can thiệp của Mỹ ít có khả năng xảy ra trong trường hợp của Việt Nam hơn so với các đồng minh khác được đề cập trên hoặc với hòn đảo Đài Loan.
Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ thích một cuộc xung đột có thể thắng được. Quân đội Trung Quốc bộc lộ nhiều yếu kém trong cuộc chiến 1979, nhưng lần này sẽ không như vậy, ít nhất Bắc Kinh đang có "lợi thế quân sự áp đảo ở Biển Đông".Tiến trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam những năm gần đây mang tính chất "tự vệ" là chính, nếu Trung Quốc quyết định tiến hành một cuộc chiến thực sự, thì Việt Nam không có khả năng duy trì các "hoạt động ngang tầm với Trung Quốc" do thiếu hụt về năng lực, và nhân lực. Ngoài ra, trong lĩnh vực quan trọng của học thuyết quân sự, Việt Nam chưa bao giờ thực chiến trong lĩnh vực không quân và hải quân.
"Bắc Kinh không tìm kiếm một cuộc chiến tranh", Derek Grossman nhận định. Bởi theo ông, "chiến tranh có thể làm gián đoạn nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và có thể làm tổn hại thêm uy tín và mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh với Mỹ". Nhưng, "nếu một tình huống khu vực buộc sử dụng vũ lực, thì Việt Nam sẽ là sự khởi động ưa thích của Bắc Kinh", bởi vì nó sẽ mang lại kinh nghiệm thực chiến cần thiết cho quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực không quân và hải quân, mà không có sự đe dọa (vũ lực ?) của Mỹ.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 17/05/2019
Chú thích :
[1] https://thediplomat.com/2019/05/vietnam-is-the-chinese-militarys-preferred-warm-up-fight/
********************
Chuyên gia Mỹ : Việt Nam là đối thủ lý tưởng để Trung Quốc "luyện binh"
Trọng Nghĩa, RFA, 16/05/2019
Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ muốn dùng sức mạnh để đánh chiếm Đài Loan, và nếu cần, đánh bật Mỹ và các đồng minh đến cứu viện. Bên cạnh đó, Quân Đội Trung Quốc đang ráo riết rèn luyện để trở thành một đạo quân có "đẳng cấp thế giới", tức là ngang hàng với Quân Đội Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rất cần kinh nghiệm thực chiến. Việt Nam, nước sau cùng đánh bại Trung Quốc vào năm 1979, đã trở thành nước mà Bắc Kinh nhòm ngó trong tư cách là đối thủ thực thụ trên chiến trường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (áo xanh lục ở giữa) chụp ảnh chung với các binh sĩ trên khu trục hạm Trường Sa (Changsha), Biển Đông, ngày 12/04/2018 Reuters
Trong một bài phân tích đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 14/05/2019, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng kỳ cựu tại trung tâm Mỹ Rand Corporation, nguyên là cố vấn cho trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương, đã giả định rằng : "Đến một lúc nào đó, Quân Đội Trung Quốc sẽ cần phải kiểm tra (trên chiến trường) năng lực mới của họ - và Việt Nam hoàn toàn có thể bị coi là đối thủ được ưa thích".
Bài viết mang tựa đề rất khiêu khích "Việt Nam là nước được Quân Đội Trung Quốc ưa thích trong một trận đánh mang tính chất khởi động – Vietnam is the Chinese military’s preferred warm-up fight", chuyên gia Mỹ đã nêu bật ba lý do khiến cho Quân Đội Trung Quốc sẵn sàng đánh Việt Nam để gọi là "luyện binh", chuẩn bị cho cuộc chiến chống Mỹ.
Theo ông Grossman - trong một bài điều trần ngày 07/02/2019 trước Ủy Ban Kiểm Tra Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Hoa Kỳ, Dennis Blasko, một nhà phân tích kỳ cựu về Quân Đội Trung Quốc đã nhận định rằng lực lượng này hiện đang phải chịu sức ép lớn là phải tăng cường năng lực chiến đấu thông qua các kịch bản huấn luyện chiến đấu thực tế.
Quân Đội Trung Quốc cần có kinh nghiệm thực chiến
Khi chỉ thị cho Quân Đội là phải rèn luyện để trở thành một đạo quân có "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ đã nghĩ đến sự kiện là cuộc chiến lớn sau cùng mà Trung Quốc đã tham gia là cuộc chiến tranh năm 1979 ở vùng biên giới phía bắc Việt Nam, mà Trung Quốc đã thua một cách đáng xấu hổ.
Tuy nhiên, cuộc chiến năm 1979 lại liên quan chủ yếu đến lực lượng bộ binh, chứ không phải là một cuộc chiến mà Bắc Kinh dự trù phải đối mặt hiện nay, dù là để chống lại Đài Loan hay một đối thủ khu vực khác ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, với tất cả hầu như chỉ liên quan tới không quân và hải quân. Do đó, kinh nghiệm chiến tranh lớn cuối cùng của Bắc Kinh gần như không thể áp dụng được. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng và đáng báo động đối với Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc.
Trong tình hình đó, Quân Đội Trung Quốc đã phải nỗ lực tập luyện, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ cần phải kiểm tra hiệu quả của các năng lực mới tiếp thu, và rất có thể họ sẽ muốn chiến đấu với Việt Nam một lần nữa, như là một bài tập khởi động cho các trận chiến lớn hơn, nhưng lần này là ở Biển Đông. Theo ông Grossman, có ít nhất ba lý do khiến cho Việt Nam biến thành điểm nhắm của ý đồ nói trên của Quân Đội Trung Quốc.
Lý do thứ nhất : Chiến trường Việt Nam và Biển Đông thuận lợi cho không và hải quân
Lý do đầu tiên là Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong lĩnh vực không quân và hải quân.
Nói cách khác, chiến đấu với Ấn Độ ở vùng biên giới trên bộ, trên vùng đồi núi cao của dãy Himalaya, không có lợi chút nào cho Quân Đội Trung Quốc. Một cuộc chiến khác trên Bán Đảo Triều Tiên có thể mang đến một số cơ hội, nhưng vẫn tương đối hạn chế và cá biệt.
Ngược lại, các yêu sách chủ quyền chồng chéo của Trung Quốc với Việt Nam ở Biển Đông và sự xích mích liên tục giữa hai bên đã cung cấp cho Quân Đội Trung Quốc một kịch bản có sẵn để tiến hành các hoạt động chiếm giữ và phòng thủ hải đảo, cùng với các chiến dịch có phối hợp trên biển chống lại một đối thủ khu vực.
Theo Grossman, Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1988 đã từng có một cuộc giao tranh ngắn ngủi tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), với hệ quả là Bắc Kinh chiếm cứ các thực thể trước đó do Việt Nam kiểm soát. Tuy nhiên, trận đánh đó khác xa với kiểu xung đột mà Quân Đội Trung Quốc cần tiến hành để kiểm tra năng lực thực hiện và duy trì các chiến dịch quân sự có phối hợp.
Gần đây hơn, vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã xung đột với nhau quanh giàn khoan HD-981 mà Bắc Kinh mang vào vùng thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù xung đột chỉ diễn ra giữa các lực lượng tuần duyên và tàu cá, nhưng một số lượng hạn chế tàu Hải Quân Trung Quốc cũng đã túc trực gần đó, dự phòng trường hợp leo thang. Lần đụng độ tới đây có thể rất khác.
Lý do thứ hai : Tránh được việc lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến
Lý do thứ hai, theo chuyên gia Grossman, là Quân Đội Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ thích lao vào một cuộc chiến không có khả năng lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc.
Do việc Quân Đội Trung Quốc vẫn chưa trở thành đạo quân đẳng cấp thế giới, nên rất hợp lý khi cho rằng Trung Quốc ngay lúc này, chưa sẵn sàng xử lý một kịch bản có Mỹ (cho dù dĩ nhiên họ sẽ chiến đấu, nếu bị bắt buộc). Điều đó có nghĩa là nếu chiến đấu với các nước có hiệp ước an ninh với Mỹ như Úc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, có rất nhiều nguy cơ là Trung Quốc phải chạm trán Mỹ, điều mà Bắc Kinh không mong muốn.
Trong số các quốc gia vừa kể, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Philippines, những tranh chấp có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Tuy nhiên, trong trường hợp Nhật Bản, Washington năm 2014 đã nói rõ là việc bảo vệ quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị Trung Quốc tranh chấp ở Biển Hoa Đông, nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Tương tự như vậy, vào tháng 3 năm 2019, Hoa Kỳ nhắc lại rằng một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang hoặc tàu thuyền nhà nước của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương Mỹ-Phi. Cho dù cam kết của Hoa Kỳ dường như không nhất thiết bao hàm việc Trung Quốc xâm lược các hòn đảo đang tranh chấp ở Trường Sa, như đảo Thị Tứ, tuy nhiên, điều đó chứng tỏ Washington cũng chú ý đến việc bảo vệ Manila trong khu vực.
Đáng chú ý là sự kiện Washington không có liên minh an ninh chính thức với Đài Loan, một nguy cơ cho đảo này. Điều đó tuy nhiên chỉ đúng trong một chừng mực nào đó, vì Luật Quan Hệ với Đài Loan của Mỹ buộc Washington phải bảo vệ Đài Bắc chống lại sự xâm lược của quân đội Trung Quốc, kể cả khi hai bên không có liên minh quân sự chính thức.
Không giống như các đồng minh của Mỹ trong lãnh vực an ninh, cũng như trường hợp đặc biệt của Đài Loan, Việt Nam sẽ không được Washington hỗ trợ về quân sự.
Chẳng hạn, trong vụ giàn khoan HD-981 tháng 5 năm 2014, Mỹ chỉ ra tuyên bố quy trách nhiệm cho Trung Quốc và kêu gọi cả hai bên duy trì hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây, với một tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 - lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Việt Nam.
Dù sao thì chính sách quốc phòng "ba không" của Việt Nam nghiêm cấm các liên minh về an ninh, quân sự, khiến Hà Nội khó có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc thông qua một tuyên bố chính thức với Washington. Do đó, Bắc Kinh có lẽ đã cảm thấy tương đối yên tâm, vì sự can thiệp của Hoa Kỳ ít có khả năng xảy ra trong trường hợp của Việt Nam.
Lý do thứ ba : Việt Nam có thể bị đánh thắng dễ dàng
Lý do thứ ba và cuối cùng theo chuyên gia Mỹ, là Quân Đội Trung Quốc có lẽ sẽ thích một cuộc chiến tranh mà họ có thể chiến thắng.
Mặc dù đây là một điều hiển nhiên, nhưng lý do này đặc biệt quan trọng do việc Quân Đội Trung Quốc cảm thấy bối rối sau khi bị thua trong cuộc xung đột biên giới năm 1979 chống lại Việt Nam. Cái may mắn cho Quân Đội Trung Quốc vào lúc này là họ sẽ có lợi thế quân sự áp đảo ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Grossman, việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam trong những năm gần đây đã hướng đến việc bảo vệ lãnh thổ, và nếu cần thiết, mở một cuộc tấn công bất ngờ và ngoạn mục vào các vị trí của Quân Đội Trung Quốc để buộc Bắc Kinh xuống thang chiến tranh. Nhưng nếu Trung Quốc vượt qua được chiến lược đánh "chảy máu mũi" này, thì Việt Nam không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc, do thiếu người và phương tiện.
Ngoài ra, trong lĩnh vực quan trọng là học thuyết quân sự, Việt Nam chưa bao giờ thực sư chiến đấu trong các lĩnh vực không quân và hải quân (mặc dù cũng phải thừa nhận là Quân Đội Trung Quốc cũng vậy). Điểm đó làm dấy lên hoài nghi lớn về khả năng Hà Nội có thể tiến hành chiến dịch hợp đồng binh chủng từ đầu. Thay vào đó, Việt Nam có thể sẽ tập trung hơn vào việc chống lại các lực lượng dân quân và cảnh sát biển Trung Quốc trong những cái gọi là "vùng xám", vì đây là kịch bản khả thi nhất trong tương lai.
Dù sao thì việc Việt Nam chỉ là một cường quốc bậc trung, nên dễ bị đánh bại, có thể giúp Tập Cận Bình cải thiện năng lực của Quân Đội Trung Quốc.
Cần theo dõi quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tại Biển Đông
Trong phần kết luận, chuyên gia Derek Grossman công nhận rằng các lập luận ông đưa ra mang tính chất cố tình khiêu khích, nhưng dựa trên những sự kiện thực tế và lý luận có cơ sở.
Đối với ông Grossman, Quân Đội Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh có lẽ không tìm kiếm một cuộc chiến với Việt Nam, vì chiến tranh có thể làm gián đoạn nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và có thể làm tổn hại thêm đến uy tín và mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh với Hoa Kỳ.
Nhưng nếu một tình huống khu vực dẫn đến việc phải sử dụng vũ lực, thì Việt Nam sẽ là địa bàn "khởi động" ưa thích của Quân Đội Trung Quốc, vừa mang lại kinh nghiệm chiến đấu rất cần thiết cho trong các lĩnh vực không quân và hải quân, vừa không sợ bị Mỹ can thiệp, vừa dễ dàng mang lại chiến thắng cho Trung Quốc.
Không có đối thủ nào ngoài Việt Nam có thể mang lại cho Quân Đội Trung Quốc các điều kiện thuận lợi như vậy. Do đó, chúng ta cần phải chú ý hơn trong thời gian tới đây về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam ở Biển Đông.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 16/05/2019
Tổng bí thư yêu cầu quân đội trung thành "tuyệt đối" với Đảng (VOA, 12/01/2019)
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quân đội Việt Nam phải "tuyệt đối trung thành với Đảng" trong phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ở Hà Nội hôm 10/01.
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ở Hà Nội hôm 10/1. (Ảnh chụp màn hình Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Trong bài phát biểu dài 7 trang được đăng trên trang web báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, nêu cao vai trò của quân đội cũng như nhấn mạnh nhiệm vụ của lực lượng này đối với Đảng.
Người kiêm nhiệm hai chức vụ quan trọng nhất của nhà nước ca ngợi những thành tích mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đạt được trong năm 2018 và cho rằng nguyên nhân chủ yếu để có được những kết quả đó là do "sự lãnh đạo của Đảng".
Một trong những chỉ tiêu và nhiệm vụ mà ông Trọng, người được bầu kiêm nhiệm thêm chức chủ tịch nước vào tháng 10 vừa qua sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời, giao cho quân đội là xây dựng lực lượng "vững mạnh về chính trị" và "tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân".
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng phục vụ trong quân đội Việt Nam, cho rằng quân đội trước đây chỉ có nhiệm vụ trung thành với Tổ quốc và nhân dân. Người từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam cho biết khẩu hiệu mà Hồ Chí Minh đưa ra trước đây nói rằng "Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân" sau này bị biến tấu thành ‘trung với Đảng, hiếu với dân’".
"Từ lúc Đảng Cộng sản Việt Nam nắm chắc quyền lực trong tay thì bắt đầu họ lấn sân tất cả, bắt đầu chế độ Đảng trị và người ta thay đổi khẩu hiệu đó".
Nói với VOA từ Nha Trang, nhà báo-cựu chiến binh cho biết khẩu hiệu này được các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam "đọc ra rả trên đài, trên báo" trong nước từ khoảng 20 năm nay sau khị bị sửa đổi từ khẩu hiệu gốc.
"Việc (trung với Đảng) làm cho quân đội mang tính chất phục vụ cho lợi ích nhóm của một đảng phái chính trị chứ không phải là lợi ích của đất nước của nhân dân mặc dù tên gọi của nó vẫn là ‘Quân đội Nhân dân Việt Nam’".
Hôm 3/1, ông Trọng cũng đã yêu cầu lực lượng Công an phải tuân thủ mọi sự chỉ đạo của Đảng tại một hội nghị toàn quốc của ngành ở Hà Nội.
Đảng muốn công an và quân đội là công cụ phục vụ cho quyền lợi của Đảng, theo nhận định của nhà báo Tạo.
"Thực tế thì quân đội và công an có phục vụ hay không lại là một chuyện khác. Tôi nghĩ con người ta chỉ trung thành khi có một lý tưởng trong sáng, còn nếu vì động cơ lên lon, lên tướng để có quyền lợi bổng lộc thì khó có lòng trung thành".
Trong cả hai hội nghị của công an và quân đội nói trên, vị tổng bí thư kiêm chủ tịch nước kêu gọi các lực lượng này "đấu tranh không để kẻ địch, phần tử xấu lôi kéo" và "phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" và đặc biệt là "không để suy thoái, ‘tự diễn biến, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ".
Truyền thông Việt Nam trong thời gian gần đây cho rằng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là một vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh của Đảng. Phong trào này được đặc biệt chú ý khi có một làn sóng các đảng viên từ bỏ Đảng, trong đó có nhà văn quân đội nổi danh Nguyên Ngọc – người tuyên bố từ bỏ tổ chức này sau khi Giáo sư Chu Hảo, từng là thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bị Đảng kỷ luật và khai trừ vì "có hành vi chống đối" và "tự diễn biến".
Theo nhà báo Tạo, đã có những cựu tướng quân đội bày tỏ sự bất mãn với quan điểm và lập trường của Đcộng sản Việt Nam hiện nay, nhất là về vấn đề chủ quyền của đất nước và nhân quyền của nhân dân.
https://youtu.be/4y15-fq6EGc
*********************
Năm qua Hà Nội kỷ luật hơn 1.100 đảng viên, tăng lên so với 2017 (BBC, 10/01/2019)
Tổng kết công tác kiểm tra giám sát cho thấy thủ đô Hà Nội đã kỷ luật 1.140 và khai trừ 107 đảng viên Cộng sản chỉ trong năm 2018.
Năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã kỷ luật 1.140 và khai trừ 107 đảng viên cộng sản. Ảnh báo Bắc Giang
Các con số trên được nêu ra trong một hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố này hôm 9/1, theo các báo Việt Nam.
So với năm 2017 thì các con số này đều cao hơn, thậm chí cao gấp đôi trong một số trường hợp.
Cũng các báo cáo chính thức từ Hà Nội cuối 2017 cho hay trong năm đó, bộ máy tại đây đã "thi hành kỷ luật 944 đảng viên, trong đó cách chức bảy trường hợp, khai trừ 64 người".
Năm 2018, số người bị cách chức là 22, cao gấp ba lần năm trước.
Tăng về con số nhưng 'bệnh có giảm' ?
Con số cán bộ đảng viên bị khai trừ năm 2018 cũng tăng gần gấp đôi năm 2017, theo một bài được đăng trên trang Zing.
Hà Nội không phải là địa phương duy nhất kỷ luật cán bộ đảng viên.
Các bài báo ở Việt Nam không nêu rõ tên những người bị kỷ luật và lý do vi phạm.
Tháng 9/2018, báo chí Việt Nam chạy tựa bài như "Thanh Hóa thông báo quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ chủ chốt của các ngành, địa phương trong tỉnh".
Trước đó, Đà Nẵng cũng "kỷ luật hàng loạt cán bộ chủ chốt".
Cũng trong tháng 9 cùng năm, báo chí nói Thành phố Hồ Chí Minh đã 'kỷ luật hàng loạt cán bộ', chủ yếu trong các cơ quan kinh doanh và ở cấp quận.
Nhưng đến tháng 12/2018, một quyết định kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh được thành ủy thành phố này công bố.
Ngay trước đó, nhân vật cao hơn nữa là ông Tất Thành Cang bị trung ương kỷ luật.
Thống kê về con số cán bộ đảng viên bị kỷ luật trong phong trào 'Đốt lò' ở Việt Nam
Trong năm 2018, ngành công an và quân đội Việt Nam cũng có các sĩ quan cấp tướng bị kỷ luật, hạ quân hàm, hoặc bị khởi tố.
Nổi bật hơn cả có vụ hai ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Trên cả nước Việt Nam, trong ba bốn năm qua đã có hàng vạn đảng viên cộng sản bị chính đảng của họ kỷ luật.
Việc kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên khiến một phần dư luận hoan nghênh.
Họ tin rằng cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy đang được thúc đẩy ngày càng mạnh hơn trước.
Hình ảnh 'đốt lò' của Tổng bí thư Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng được truyền thông đề cao.
Nhưng kỷ luật liên tục mà không hết cũng có thể bị cho là chỉ dấu rằng hệ thống có những vấn đề nghiêm trọng, và các vụ gây vi phạm kỷ luật không giảm.
Một số trí thức ở Việt Nam cũng cho rằng dùng kỷ luật theo kiểu "đức trị" thiếu bộ máy tư pháp độc lập thì tham nhũng và vi phạm khó thuyên giảm về lâu dài.
Ông viết rằng "bất chấp những đầu tư quốc phòng lớn, một số điểm thiếu đầu tư của quân đội Việt Nam dễ bị tổn thương nếu Trung Quốc tấn công".
Ông nêu ra ba điểm yếu kém nhất của Quân đội Việt Nam là thiết giáp, pháo binh và dò mìn.
BBC phỏng vấn Tiến sĩ Ngô về chủ đề tranh cãi này.
BBC : Vì sao ông nghĩ các chiến đấu cơ, tàu ngầm và tàu khu trục nhỏ của Việt Nam không hề kém hơn so với của Trung Quốc ?
Ngô Thương Tô : Chiến đấu cơ Su-30MK2 thế hệ thứ tư tương đương với loại J-11, Su-30MKK và J-10 của Trung Quốc, còn cả hai nước đầu cho tàu ngầm Nga trong dự án 636. Một số tàu ngầm Trung Quốc, như type-039m được cho là có công nghệ giống như loại thuộc dự án 636. Tàu khu trục nhỏ của Việt Nam loại Gepard 3.9 không hề kém hơn type-54 của Trung Quốc. Còn tất nhiên, về con số thì lại là chuyện khác.
BBC : Nhưng ông vẫn cho rằng khả năng phòng thủ của Việt Nam, như trong công tác rà mìn, là điểm yếu dễ bị Trung Quốc khai thác ?
Ngô Thương Tô : Tàu rà mìn và ngư lôi của Việt Nam chủ yếu là tàu ven bờ hoặc cho các vùng nước khác nên chúng không loạt động lâu và công nghệ chống mìn là từ thời Chiến tranh Lạnh.
Còn về thiết giáp, nếu Trung Quốc tôn trọng biên giới trên bộ thì đây không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nếu có xung đột trên bộ thì điểm yếu kém của Việt Nam sẽ lộ rõ.
So với các nước khác trong khu vực, pháo binh của Việt Nam không kém hơn nhưng vẫn yếu hơn so với Trung Quốc về độ cơ động, về khả năng tự phòng thủ và tầm tác xạ. Các loại pháo tự hành 2S1, 2S3, M-107 của Việt Nam, hệ thống hỏa tiễn bắn liên hoàn BM-21, BM-24 thì có tính cơ động cao nhưng tầm bắn chỉ bằng một nửa cho đến 2/3 của pháo tự hành của Trung Quốc.
Các loại pháo lớn có xe kéo như 105mm, 122mm, 152mm hay 155mm, thì yếu cả về tầm tác xạ lẫn tính cơ động.
Trong những năm qua, quân đội Việt Nam đã sáng tạo bằng cách đem xe Ural 375D chở pháo M-101 loại 105mm để tạo thành một hệ thống pháo di động. Nhờ thế, tính cơ động tăng lên nhưng tầm bắn và tính tự bảo vệ vẫn kém.
BBC : Trong vài năm qua, Không quân Việt Nam đã mất một số chiến đấu cơ và trực thăng, có vẻ như là vì lý do kỹ thuật hoặc thời tiết, điều này có phải là chỉ đấu rằng không quân nước này gặp vấn đề nghiêm trọng hay không ?
Ngô Thương Tô : Tôi không thể nói về lý do của các vụ tai nạn, nhưng một số máy bay của Việt Nam, như MiG-21, Su-22, máy bay vận tải An-26, Mi-8, trực thăng UH-1, đã được đem vào sử dụng hơn 30 hay 40 năm. Vì thế, chúng đã quá cũ và tạo ra thách thức nghiêm trọng, chẳng hạn như các loại phi cơ cánh cứng đều không còn dây chuyền sản xuất.
Mặt khác, thay toàn bộ thì lại vô cùng tốn kém, còn công tác nâng cấp chỉ giúp cho tình hình cải thiện trong ngắn hạn mà thôi.
BBC : Việt Nam đã tăng cường giao lưu hải quân với các đối tác như Mỹ, Nhật. Nếu xảy ra xung đột, liệu các đối tác sẽ giúp Việt Nam không ?
Ngô Thương Tô : Ngoại giao hải quân không thể coi là chuyện có đồng minh. Vì chẳng có trách nhiệm về pháp lý gì để các đối tác đó phải giúp Việt Nam một khi có chiến tranh. Nhưng hơn nữa thì nếu chính sách chủ đạo của Việt Nam vẫn là không có đồng minh quân sự thì việc lập liên minh sẽ không thể xảy ra.
Tuy thế, các giao lưu này có thể tạo ra một sự bất an nào đó cho Bắc Kinh và tính bất an đó có thể giúp cho tính phòng ngừa.
BBC : Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có những hoạt động phát huy vai trò của ngư dân trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, theo khẩu hiệu "bám biển, bảo vệ chủ quyền". Ông đánh giá thế nào ?
Ngô Thương Tô : Dùng tàu thuyền mà chính thức là 'dân sự' gợi ý rằng cả Hà Nội và Bắc Kinh coi các vùng biển tranh chấp này là lãnh hải của họ. Vì thế, tàu thuyền chính thức là dân sự sẽ đóng vai trò thực thi pháp luật trong vùng biển của họ chứ không phải là đang xâm lăng vùng của bên khác.
Ngoài ra, làm thế người ta cũng tránh được việc dùng tàu hải quân để không gây ra rủi ro có tai nạn là nổ súng vào nhau. Philippines cũng thường gửi tàu tuần tra duyên hải thay cho tàu hải quân ra biển, theo lý lẽ tương tự.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng làm như vậy, nhưng tàu tuần tra của họ có năng lực cao hơn.
Nếu các tàu dân sự các bạn nói đến là tàu cá, thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc dùng cách này vì họ có các đơn vị dân quân mạnh trong ngư dân.
Dù vậy, dùng tàu thuyền dân sự lại không giúp gì cho các tuyên bố chủ quyền vì chúng không có uy tín gì về pháp lý. Nó có thể có ý nghĩa trong việc diễn tập một dạng như tổng động viên hoặc để có cách che chắn tốt hơn thôi.
BBC : Để hiện đại hóa quốc phòng, ông có nghĩ Việt Nam sẽ nhờ đến Mỹ nhiều hơn là Nga ?
Ngô Thương Tô : Vũ khí của cả Nga và Hoa Kỳ đều có các ưu thế riêng. Một số hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ có thể là hiện đại hơn của Nga ít ra là đã được thử trong chiến tranh thực. Nhưng với quân đội Việt Nam, dùng các hệ thống của Mỹ sẽ tạo ra thách thức lớn về huấn luyện và hậu cần.
Các loại vũ khí của Mỹ cũng đắt hơn so với Nga. Mặt khác, những điểm yếu kém hơn của vũ khí Mỹ lại là ưu điểm của vũ khí Nga. Căn cứ vào các dự án mua sắm vũ khí những năm qua thì hàng của Israel, Ấn Độ, châu Âu, và cả của Nhật Bản đều có thể là các phương án cho Việt Nam.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 03/07/2017
Tiến sĩ Ngô Thương Tô (Shang-su Wu) lấy bằng tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Australia, và hiện đang làm nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.