Tổng bí thư yêu cầu quân đội trung thành "tuyệt đối" với Đảng (VOA, 12/01/2019)
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quân đội Việt Nam phải "tuyệt đối trung thành với Đảng" trong phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ở Hà Nội hôm 10/01.
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ở Hà Nội hôm 10/1. (Ảnh chụp màn hình Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Trong bài phát biểu dài 7 trang được đăng trên trang web báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, nêu cao vai trò của quân đội cũng như nhấn mạnh nhiệm vụ của lực lượng này đối với Đảng.
Người kiêm nhiệm hai chức vụ quan trọng nhất của nhà nước ca ngợi những thành tích mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đạt được trong năm 2018 và cho rằng nguyên nhân chủ yếu để có được những kết quả đó là do "sự lãnh đạo của Đảng".
Một trong những chỉ tiêu và nhiệm vụ mà ông Trọng, người được bầu kiêm nhiệm thêm chức chủ tịch nước vào tháng 10 vừa qua sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời, giao cho quân đội là xây dựng lực lượng "vững mạnh về chính trị" và "tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân".
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng phục vụ trong quân đội Việt Nam, cho rằng quân đội trước đây chỉ có nhiệm vụ trung thành với Tổ quốc và nhân dân. Người từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam cho biết khẩu hiệu mà Hồ Chí Minh đưa ra trước đây nói rằng "Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân" sau này bị biến tấu thành ‘trung với Đảng, hiếu với dân’".
"Từ lúc Đảng Cộng sản Việt Nam nắm chắc quyền lực trong tay thì bắt đầu họ lấn sân tất cả, bắt đầu chế độ Đảng trị và người ta thay đổi khẩu hiệu đó".
Nói với VOA từ Nha Trang, nhà báo-cựu chiến binh cho biết khẩu hiệu này được các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam "đọc ra rả trên đài, trên báo" trong nước từ khoảng 20 năm nay sau khị bị sửa đổi từ khẩu hiệu gốc.
"Việc (trung với Đảng) làm cho quân đội mang tính chất phục vụ cho lợi ích nhóm của một đảng phái chính trị chứ không phải là lợi ích của đất nước của nhân dân mặc dù tên gọi của nó vẫn là ‘Quân đội Nhân dân Việt Nam’".
Hôm 3/1, ông Trọng cũng đã yêu cầu lực lượng Công an phải tuân thủ mọi sự chỉ đạo của Đảng tại một hội nghị toàn quốc của ngành ở Hà Nội.
Đảng muốn công an và quân đội là công cụ phục vụ cho quyền lợi của Đảng, theo nhận định của nhà báo Tạo.
"Thực tế thì quân đội và công an có phục vụ hay không lại là một chuyện khác. Tôi nghĩ con người ta chỉ trung thành khi có một lý tưởng trong sáng, còn nếu vì động cơ lên lon, lên tướng để có quyền lợi bổng lộc thì khó có lòng trung thành".
Trong cả hai hội nghị của công an và quân đội nói trên, vị tổng bí thư kiêm chủ tịch nước kêu gọi các lực lượng này "đấu tranh không để kẻ địch, phần tử xấu lôi kéo" và "phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" và đặc biệt là "không để suy thoái, ‘tự diễn biến, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ".
Truyền thông Việt Nam trong thời gian gần đây cho rằng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là một vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh của Đảng. Phong trào này được đặc biệt chú ý khi có một làn sóng các đảng viên từ bỏ Đảng, trong đó có nhà văn quân đội nổi danh Nguyên Ngọc – người tuyên bố từ bỏ tổ chức này sau khi Giáo sư Chu Hảo, từng là thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bị Đảng kỷ luật và khai trừ vì "có hành vi chống đối" và "tự diễn biến".
Theo nhà báo Tạo, đã có những cựu tướng quân đội bày tỏ sự bất mãn với quan điểm và lập trường của Đcộng sản Việt Nam hiện nay, nhất là về vấn đề chủ quyền của đất nước và nhân quyền của nhân dân.
https://youtu.be/4y15-fq6EGc
*********************
Năm qua Hà Nội kỷ luật hơn 1.100 đảng viên, tăng lên so với 2017 (BBC, 10/01/2019)
Tổng kết công tác kiểm tra giám sát cho thấy thủ đô Hà Nội đã kỷ luật 1.140 và khai trừ 107 đảng viên Cộng sản chỉ trong năm 2018.
Năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã kỷ luật 1.140 và khai trừ 107 đảng viên cộng sản. Ảnh báo Bắc Giang
Các con số trên được nêu ra trong một hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố này hôm 9/1, theo các báo Việt Nam.
So với năm 2017 thì các con số này đều cao hơn, thậm chí cao gấp đôi trong một số trường hợp.
Cũng các báo cáo chính thức từ Hà Nội cuối 2017 cho hay trong năm đó, bộ máy tại đây đã "thi hành kỷ luật 944 đảng viên, trong đó cách chức bảy trường hợp, khai trừ 64 người".
Năm 2018, số người bị cách chức là 22, cao gấp ba lần năm trước.
Tăng về con số nhưng 'bệnh có giảm' ?
Con số cán bộ đảng viên bị khai trừ năm 2018 cũng tăng gần gấp đôi năm 2017, theo một bài được đăng trên trang Zing.
Hà Nội không phải là địa phương duy nhất kỷ luật cán bộ đảng viên.
Các bài báo ở Việt Nam không nêu rõ tên những người bị kỷ luật và lý do vi phạm.
Tháng 9/2018, báo chí Việt Nam chạy tựa bài như "Thanh Hóa thông báo quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ chủ chốt của các ngành, địa phương trong tỉnh".
Trước đó, Đà Nẵng cũng "kỷ luật hàng loạt cán bộ chủ chốt".
Cũng trong tháng 9 cùng năm, báo chí nói Thành phố Hồ Chí Minh đã 'kỷ luật hàng loạt cán bộ', chủ yếu trong các cơ quan kinh doanh và ở cấp quận.
Nhưng đến tháng 12/2018, một quyết định kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh được thành ủy thành phố này công bố.
Ngay trước đó, nhân vật cao hơn nữa là ông Tất Thành Cang bị trung ương kỷ luật.
Thống kê về con số cán bộ đảng viên bị kỷ luật trong phong trào 'Đốt lò' ở Việt Nam
Trong năm 2018, ngành công an và quân đội Việt Nam cũng có các sĩ quan cấp tướng bị kỷ luật, hạ quân hàm, hoặc bị khởi tố.
Nổi bật hơn cả có vụ hai ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Trên cả nước Việt Nam, trong ba bốn năm qua đã có hàng vạn đảng viên cộng sản bị chính đảng của họ kỷ luật.
Việc kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên khiến một phần dư luận hoan nghênh.
Họ tin rằng cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy đang được thúc đẩy ngày càng mạnh hơn trước.
Hình ảnh 'đốt lò' của Tổng bí thư Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng được truyền thông đề cao.
Nhưng kỷ luật liên tục mà không hết cũng có thể bị cho là chỉ dấu rằng hệ thống có những vấn đề nghiêm trọng, và các vụ gây vi phạm kỷ luật không giảm.
Một số trí thức ở Việt Nam cũng cho rằng dùng kỷ luật theo kiểu "đức trị" thiếu bộ máy tư pháp độc lập thì tham nhũng và vi phạm khó thuyên giảm về lâu dài.