Dân phong tỏa bãi rác Nam Sơn, phản đối ô nhiễm, Hà Nội ứ rác (RFA, 13/01/2019)
Hàng trăm người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chặn xe vào bãi rác Nam Sơn trong 3 ngày qua để phản đối tình trạng bãi rác gây ô nhiễm. Truyền thông trong nước hôm 13/1 cho biết như vừa nêu.
Hình minh họa. Một người đàn ông đang nhặt rác tại một bãi rác ở Hà Nội hôm 4/6/2018 - AFP
Theo truyền thông trong nước, việc người dân phong tỏa bãi rác đã khiến rác ở thành phố Hà Nội mấy ngày nay ngập ứ vì bãi rác Nam Sơn là nơi xử lý rác của 4 quận nội thành với công suất trên 4.000 tấn mỗi ngày.
Theo Zing, người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng bãi rác ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và được chính quyền hứa đến 2018 sẽ giải quyết xong việc đền bù đất và di dời người dân khỏi khu vực ô nhiễm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, người dân cho biết vẫn chưa thấy có tiến triển gì.
Theo báo Lao Động, vào tháng 10/2017, người dân cạnh khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác trong nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận huyện nội thành.
Zing trích lời của ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết, sáng ngày 13/1, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã về địa phương để lắng nghe ý kiến người dân.
Theo Vietnamnet, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội gần đây đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xủ lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn. Mức giá hỗ trợ được tính theo khoảng cách từ chỗ ở đến nơi xử lý từ 0 mét đến 1000 mét với các mức giá khác nhau, thấp nhất là 27.000 đồng/30 ngày mỗi người và cao nhất là 133.000 đồng/ 30 ngày mỗi người.
*******************
Cấm quay phim chụp ảnh tại cơ quan tiếp dân là thừa ! (RFA, 11/01/2019)
Vào ngày 3/1, ông Nguyễn Đức Chung chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ký ban hành nội quy quy định về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Quay phim, chụp ảnh là chuyện thường - Ảnh minh họa. AFP
Theo văn bản, ngoài những quy định chung đối với công dân đến làm việc tại trụ sở có một quy định "không được quay phim, chụp hình, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân khi chưa xin phép". Lý giải về quy định này, ông Nguyễn Đức Chung cho báo chí biết quy định này nhằm để hạn chế tình trạng một số người dân đi theo người nhà đến trụ sở tiếp công dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung đưa lên mạng phục vụ vào những mục đích khác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn trao đổi với chúng tôi rằng việc ban hành quy định này là điều không cần thiết và nên làm nó theo một cách bình thường.
Vị luật sư giải thích "Bởi vì tiếp công dân là công khai ngoại trừ các trường hợp ví dụ như người ta làm đơn tố cáo người ta yêu cầu người quay phim chụp ảnh không được thì mình phải thực hiện theo ý của họ vì đó là quyền riêng tư của họ. Thứ hai việc ghi âm ghi hình thì Việt Nam có luật về dân sự về quyền riêng tư, khi mình lấy hình ảnh của người khác thì phải được người khác cho phép. Còn việc tiếp công dân, khiếu nại khiếu kiện thì tôi cho dó là chuyện bình thường, người ta ghi âm ghi hình để làm bằng chứng nhưng nếu ghi âm ghi hình người ta phát tán lên để nhằm mục đích khác thì pháp luật sẽ điều chỉnh những người đó. Pháp luật Việt Nam cũng đã quy định rất rõ rồi nhưng vấn đề nhạy cảm ở đây đó là khi đưa ra quy định này thì nó chưa được chặt chẽ".
Còn theo nhận định của luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn thì quy định này hoàn toàn không có giá trị vì nó trái với đạo luật của Quốc hội ban hành.
"Thật ra cái quy định này nó mâu thuẩn với văn bản của cấp trên. Văn bản này không hợp pháp đâu, căn bản cán bộ tiếp dân làm theo luật khiếu nại tố cáo nhưng mà luật này đâu có quy định như vậy cho nên vị chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội ban hành như vậy nó hạn chế quyền của công dân và nó đi trái với đạo luật của quốc hội thì văn bản đó hoàn toàn không có giá trị đâu. Tôi nói thêm, ổng vẫn mang một não trạng của một người làm công an mặc dù qua làm việc với ủy ban nhân dân trong chính quyền nhưng họ vẫn mang não của một công an viên, mà công an viên khi tiếp xúc dân họ vẫn ngại công khai minh bạch".
Sau khi quy định được loan đi, công luận và một số chuyên gia cho rằng quyền của công dân trong việc giám sát hoạt động của cán bộ công chức nhà nước đã bị ngăn cản.
Trong một cuộc trả lời báo chí sau khi có phản ứng từ công luận, ông Nguyễn Hồng Điệp trưởng ban tiếp công dân Trung ương giải thích rằng việc ban hành quy định này để vừa bảo vệ cán bộ vừa bảo vệ người dân.
Ông Nguyễn Hồng Điệp nói với báo chí rằng :
"Nơi tiếp công dân mà bất cứ ai cũng ra vào, thích quay, chụp gì cũng được, thậm chí có hành động cố tình để xuyên tạc, thách thức cán bộ nhà nước thì khó chấp nhận vì gây ảnh hưởng đến trật tự chung, không đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan nhà nước".
Không đồng tình với quan điểm này, anh Lã Việt Dũng từ Hà Nội và cũng là thành viên của nhóm No-U Hà Nội cho chúng tôi biết việc làm như thế là coi thường người dân.
"Tôi cho là cách làm như thế rất là coi thường người dân, ổng cho rằng thường người dân thiếu nhận thức đâu là cái đúng cái sai nhưng thực tế lại không phải vậy, bởi vì có thể bất kỳ ai lợi dụng để chửi bới và người ta có thể làm những điều xấu nhưng việc đó người dân tự nhận biết được đâu là đúng và đâu là sai".
Ngoài ra, anh Lã Việt Dũng còn cho biết thêm quy định này hoàn toàn không cần thiết bởi vì nó sẽ gây ra nhiều bất lợi cho người dân và ngay cả chính quyền của ông Chung khi ông từng nói muốn xây dựng một chính quyền trong sạch, minh bạch.
Anh Dũng cho một ví dụ :
"Bản thân cá nhân tôi đã từng làm việc với cơ quan công quyền khi cần đăng ký sửa đổi về giấy khai sinh của đứa con của em họ tôi, thì bộ máy cơ quan công quyền của Hà Nội đòi hỏi rất oái oăm là em họ tôi nói là trùng với tên cụ cố và họ yêu cầu giấy khai sinh của cụ cố mà cụ cố sinh năm 1920 thì làm gì có giấy khai sinh, thì đấy là cách họ kiếm tiền, họ đòi hỏi những cái rất là vớ vẩn để kiếm tiền từ người dân. Khi người dân không quay phim chụp ảnh không áp lực lên họ thì họ hoàn toàn kiếm tiền một cách bất chính như vậy".
Sau khi công luận lên tiếng phản đối mạnh mẻ, người đứng đầu thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung giải thích thêm rằng, tại tất cả phòng tiếp công dân tại trụ sở đều có trang thiết bị ghi âm và ghi hình nên sau buổi tiếp xúc người dân muốn trích lại toàn bộ sẽ được bàn giao và có biên bản xác nhận, nhằm tránh lợi dụng quyền tự do dân chủ để gây rối, xuyên tạc nói xấu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc ghi âm ghi hình là để họ làm bằng chứng nhưng nếu họ sử dụng không đúng mục đích thì pháp luật cũng đã có quy định để xử lý với trường hợp vi phạm.
"Việc ghi âm ghi hình đó là việc của họ, họ muốn lấy nó làm bằng chứng chứ họ muốn cất nó đi họ ghi lại rằng họ muốn kiến nghị điều đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp công dân. Nếu trong quá trình người nào đó sử dụng những hình ảnh đó cho việc phi pháp thì pháp luật sẽ điều chỉnh những người đó, người sử dụng hình ảnh đó phải sử dụng đúng mục đích".
Đồng ý với điều này anh Lã Việt Dũng cho biết :
"Người dân mà chửi bới cơ quan công quyền thì đã có những quy định để xử lý rồi thậm chí họ đã có những luật như luật an ninh mạng để làm được việc đó. Chứ còn công chức mà làm đúng thì họ không sợ gì cả và chính quyền phải có niềm tin rằng là người dân luôn có sự hướng thiện nếu họ làm đúng làm tốt cho người dân thì họ không ngại gì việc lên mạng cả".
Luật sự Đặng Đình Mạnh và một số chuyên gia về luật pháp mà Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi đều khẳng định rằng, việc ban hành văn bản và lý giải của ban lãnh đạo thành phố Hà Nội là không hợp lý và không mang tính thuyết phục. Bởi vì nếu cán bộ làm việc trong sáng minh bạch thì càng khuyến khích người dân giám sát, chỉ khi nào cán bộ không minh bạch và hành xử không thích hợp thì họ mới ngại công khai.
Sau khi sự việc gây nóng trong dư luận, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư Pháp cho biết, Cục chỉ vừa mới nhận được văn bản chính thức vào ngày 10/1, do đó cục kiểm tra văn bản sẽ yêu cầu có buổi làm việc với ban lãnh đạo thành phố Hà Nội để làm rõ các vấn đề mang tính pháp lý đối với quy định này và sẽ có câu trả lời cụ thể.
******************
Cán bộ Thành phố Hà Nội 'lười tiếp dân' nên cấm 'quay phim ghi âm' ở trụ sở ? (BBC, 09/01/2019)
Ủy ban Nhân dân Hà Nội vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó có quy định "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".
Việc sử dụng rộng rãi điện thoại di động ở Việt Nam đang đặt ra câu hỏi về việc tiếp cận nguồn thông tin, tính minh bạch trong dịch vụ công và quy định liên quan đến quá trình đăng tải cá nhân trên mạng xã hội
Có ý kiến cho rằng việc UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy định như vậy là đúng thẩm quyền.
Nói vậy theo tôi là sai, vì đây là quy định có tính chất mới chứ không phải là hướng dẫn làm rõ những quy định trong luật đã có và trong Luật tiếp công dân không có quy định này.
Mặt khác thẩm quyền ban hành các quy định mà người dân có nghĩa vụ phải tuân theo là Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước.
Còn UBND thành phố Hà Nội chỉ là một cơ quan hành chính cấp địa phương, cho nên không có thẩm quyền ban hành các quy định có tính chất quy tắc xử sự chung buộc người dân phải tuân theo.
Làm như thế là vượt quá quyền hạn, là lạm quyền.
Có ý kiến cho rằng cán bộ tiếp dân cũng là công dân do vậy cần tôn trọng quyền cá nhân riêng tư, kẻo ảnh hưởng đến đời sống gia đình.
Nói vậy là sai, vì đang trong hoạt động tiếp dân thì đây là phạm vi thuộc về môi trường công vụ, mà cán bộ công chức khi đang làm chức trách phận sự thì chịu sự giám sát của công dân.
Hiến pháp năm 2013 tại Điều 8 đã quy định rõ :
"Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân ; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền".
Theo quy định đó của Hiến pháp thì người dân được quyền giám sát và để kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu hách dịch cửa quyền (mà bản thân việc ban hành quy định này là một biểu hiện) thì phải để người dân quay phim ghi hình hoạt động tiếp dân.
Có ý kiến nói quy định này ban hành là do thực tế đã xảy ra một số vụ người dân quay phim có tính chất gây sự, làm khó chịu cán bộ tiếp dân và đăng lên mạng ảnh hưởng xấu này nọ.
Nhưng đây chỉ là số ít và có thể xử phạt hoặc khởi kiện về hành vi này. Và không thể lấy một vài sự vụ làm sai để cản trở quyền của toàn dân.
Như thế là lộng quyền, là quyền lực áp đặt thuộc về bộ máy hành chính quan liêu chứ không thuộc về nhân dân.
Cán bộ nên khiêm tốn đặt mình ngang hoặc dưới công dân
Các cơ quan nhà nước cần có nhận thức khiêm tốn đặt mình ở vị trí ngang hàng hoặc ở dưới những người chủ công dân, để khi người dân có hành xử không đúng thì có thể khởi kiện, thay vì lối suy nghĩ lâu nay luôn cho mình là hơn nên có quyền xử phạt hoặc đưa ra quy định ngăn cấm người dân.
Thực chất, việc ban hành quy định như vậy là bộ máy hành chính quan liêu tự đưa ra quy định để che chắn quyền cho lợi bản thân mà đi ngược lại lợi ích của dân chúng. Trong khi một nguyên tắc khác trong hành chính công vụ là cán bộ công chức là công bộc phục vụ nhân dân, người dân làm chủ và là người đưa ra các quy định thông qua cơ quan đại diện là Quốc hội.
Sẽ rất trái ngược khi để cho một cơ quan hành chính quan liêu tự ban hành quy định buộc người dân phải tuân thủ.
Cán bộ đang lười tiếp dân
Liên quan đến vấn đề tiếp dân lâu nay có nhiều điều đáng bàn. Chúng ta cần xét một cách rộng ra để xác định được đâu là vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động tiếp công dân hiện nay ?
Nếu chỉ nhìn vào vài sự vụ người dân quay phim gây rối mà đưa ra quy định như vậy vừa không đúng, vừa sai trọng tâm vấn đề.
Lâu nay có thông tin phản ánh cán bộ lười tiếp dân.
Theo quy định của Luật tiếp công dân thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày mỗi tháng, còn Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất hai ngày mỗi tháng.
Nhưng theo Số liệu báo cáo tổng hợp của Ủy ban dân nguyện Quốc hội hồi tháng 11/2018 về tình hình tiếp công dân, thì đối với chủ tịch ủy ban cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định.
Và rất nhiều trường hợp chủ tịch uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân, trong khi theo luật phải trực tiếp tiếp dân, cá biệt có những tỉnh, chủ tịch ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân mà không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng.
Cũng theo số liệu của Ủy ban dân nguyện thì nhiều tỉnh không có số liệu trong báo cáo như, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương.
Có những tỉnh thì tỷ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0% là : Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên. Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến Đại biểu đã đưa ra giải pháp tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát để chấn chỉnh tình trạng lười tiếp công dân.
Đứng trước thực trạng của hoạt động tiếp dân như vậy, cộng với vấn đề nhiều nơi cán bộ tiếp dân cư xử chưa đúng mực, có biểu hiện quan liêu hách dịch cửa quyền, đến muộn về sớm, lớn tiếng quát tháo hay giải thích hời hợt cho người dân.
Vì tất cả những lẽ đó cho nên cần trao quyền rộng rãi cho người dân khắp nơi được quay phim ghi hình để giám sát.
Tóm lại, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra quy định "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" thực chất là một hình thức cản trở người dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động công vụ.
Đi ngược lại với xu thế minh bạch hóa dịch vụ công.
Trước kia đã có quy định người dân không được sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật, nay lại ngăn cản quyền ghi hình công khai, rồi những lo ngại về quy định của Luật An ninh mạng can thiệp này nọ vào mạng xã hội công cụ ngôn luận hữu hiệu của người yếu thế.
Tất cả những điều đó cho thấy các bên cần nỗ lực, không để quyền công dân cứ bị gặm nhấm mãi bằng cách quyết định cấp dưới Hiến pháp.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Giám đốc Công ty luật Công chính tại quận Hà Đông, Hà Nội.
***************
Báo chí Việt Nam ‘bỏ qua những góc khuất của Vingroup’ (Người Việt, 12/01/2019)
Cả hai giai phẩm Xuân Kỷ Hợi 2019 của hai tờ báo có nhiều người đọc ở Việt Nam, Tuổi Trẻ và Thanh Niên, đều đăng bài phỏng vấn công phu về tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh minh họa
Đây được cho là lần hiếm hoi ông Vượng xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ quan điểm về việc làm giàu và triết lý kinh doanh.
Ông chủ Tập Đoàn Vingroup được tạp chí Forbes công nhận là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Tuy vậy, nhân vật này cũng gây nhiều tranh cãi quanh việc làm giàu nhờ các dự án bất động sản, nhưng bị cáo buộc "bắt tay với các nhóm lợi ích" và làm hại môi trường. Năm 2018, Vingroup khiến công luận xôn xao với việc ra mắt xe hơi VinFast và smartphone Vsmart, động thổ xây dựng Đại Học VinUni "phi lợi nhuận, đạt tiêu chuẩn quốc tế".
Bài trên báo Tuổi Trẻ hôm 12 tháng Giêng dẫn lời ông Vượng : "Tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp… Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng ba điểm : một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh…"
Trong bài phỏng vấn, ông Vượng cũng nói thêm về những đàm tiếu xoay quanh mình : "Hồi ấy, người ta đồn tôi là mafia ở Nga về. Chán không thấy mafia, không thấy chém giết gì thì đồn là buôn ma túy. Xong mãi không thấy manh mối gì thì mới đồn sang cái khoản chết chóc. Mỗi năm dư luận đồn mình chết một lần, thậm chí vài lần…"
Ngay trong hôm 12 tháng Giêng đã có hàng ngàn lượt share link bài này trên mạng xã hội. Tuy vậy, khác với những người hâm mộ vị tỷ phú, một số blogger là trí thức bày tỏ sự quan ngại về việc báo chí Việt Nam đang tạo dựng hình ảnh hào nhoáng cho ông Vượng mà bỏ qua những "góc khuất" của Vingroup.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một nhà hoạt động xã hội đang sống ở Hà Nội, bình luận trên trang cá nhân : "Đáng suy nghĩ là bài phỏng vấn của Tuổi Trẻ rất công phu nhưng lại một chiều. Có lẽ chúng ta cũng nên nói tới đảo Hòn Tre ở Nha Trang bị Vingroup xới nát như thế nào, Vinpearl ở giữa rừng quốc gia Phú Quốc đã gây bức xúc trong dư luận ra sao, các cao ốc Vinhomes ở Ba Son của Sài Gòn và Giảng Võ ở Hà Nội đang phá hủy các đô thị này như thế nào ?".
"Và có lẽ chúng ta cũng nên nói tới việc những ý kiến phản biện, phê bình, phản đối dự án này hay hoạt động kia của Vingroup, những thứ rất bình thường và cần thiết trong bất kể nền dân chủ và thị trường tự do lành mạnh nào, bị dập tắt ra sao. Một phụ huynh bất bình về chính sách học phí của Vinschool, một nhà bảo tồn động vật yêu cầu minh bạch ở Vinpearl Safari, một kiến trúc sư về quy hoạch đô thị, những người kêu gọi giữ gìn di sản kiến trúc, tất cả đều bị đe doạ, bịt miệng, gây khó dễ. Các tin cháy, nổ, tai nạn liên quan tới Vingroup không bao giờ xuất hiện trên mặt báo, hoặc nhanh chóng bị gỡ xuống. Tinh thần độc tài này là ‘trí tuệ, đẳng cấp’ mà Việt Nam đang muốn chứng minh cho thế giới ?" ông Giang viết.
Trong khi đó, giới báo chí suy đoán rằng Vingroup đã phải chi số tiền không nhỏ cho kế hoạch truyền thông dịp Tết để "đi" hai bài phỏng vấn ông Vượng trên ấn phẩm Xuân của tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Điều này không có gì lạ vì Vingroup có lẽ là một trong những khách hàng quảng cáo "sộp" nhất của báo chí Việt Nam nên thường được các tòa soạn ưu tiên đăng thông tin quảng bá thương hiệu và tuyệt đối tránh đưa tin bất lợi cho tập đoàn này. (T.K.)
******************
PetroVietnam : căng thẳng Biển Đông tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí năm 2019 (RFA, 12/01/2019)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hôm 11/1 cho biết căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong năm nay.
Hình minh hoạ. Hình chụp 14/5/2014 : một viên cảnh sát Biển Việt Nam đang chụp hình một tàu của Trung Quốc gần giàn khoan dầu ở vùng nước tranh chấp ngoài Biển Đông - AFP
Trong tuyên bố mới đây, PetroVietnam cho biết công ty dự tính sẽ khai thác 12,37 tấn dầu thô trong năm nay, giảm 11,45% so với năm ngoái.
Thông báo của PetroVietnam cho biết những diễn biến phức tạp ở Biển Đông đã có ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động khai thác và phát triển của công ty.
Vào tháng 3 năm ngoái, căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã khiến công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng hoạt động khai thác theo hợp đồng đã ký với phía Việt Nam ở mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Việt Nam. Việc ngưng khai thác được cho là vì sức ép từ phía Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Một số lô dầu khí của Việt Nam cũng bị rơi vào vùng đứt khúc 9 đoạn này.
PetroVietnam cho biết trong năm 2019, tập đoàn sẽ bắt đầu sản xuất thương mại tại hai mỏ mới là Cá Tầm thuộc lô 09 - 3/12 và BK-20 thuộc lô 09-1.