Hôm 13/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo qua một twitter là lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ Rex Tillerson sẽ bị sa thải. Vì sao ngoại trưởng Mỹ lại bị cách chức ? RFI tiếng Việt xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) với ngoại trưởng Rex Tillerson trước khi có tin ông Tillerson thất sủng, Nhà Trắng, Washington, 12/06/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Chuyên mục "Decryptage" của RFI có bài phỏng vấn bà Annick Cizel, giáo sư trường Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Ngạc nhiên về thời điểm ra quyết định
Trước hết trả lời cho câu hỏi, quyết định của tổng thống Mỹ có gây ngạc nhiên hay không, giáo sư Annick Cizel cho biết bà "tuy ngạc nhiên về thời điểm ra quyết định, nhưng không ngạc nhiên vì quyết định cách chức ông Rex Tillerson, bởi khả năng này đã từng được nêu lên ngay từ tháng 7/2017. Và kể từ đó đến nay đã có nhiều diễn biến, đã có những lúc ông Tillerson tưởng như sắp sửa phải ra đi.
Mới đây, ngoại trưởng Mỹ cho biết ông có ý định tại vị đến hết năm 2018, nhưng rồi Donald Trump bất ngờ đưa ra quyết định, đúng vào lúc Tillerson vừa từ châu Phi trở về. Hôm thứ Sáu tuần trước, John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng thông báo cho ông Tillerson, cần rút ngắn chuyến công du. Rex Tillerson hạ cánh tại sân bay Washington vào lúc 4 giờ sáng, để rồi đến khoảng 8, 9 giờ sáng thì nhận được tin mất chức thông qua một cú tweet, chứ không phải trực tiếp từ tổng thống".
Cơ chế bí hiểm
Theo giáo sư Annick Cizel, việc bất ngờ cách chức ngoại trưởng Tillerson nằm trong cách điều hành chính phủ của ông Donald Trump, mà nhiều người gọi là "hỗn loạn". Người ta không biết ai là người ra quyết định tại Nhà Trắng, phải chăng là các cố vấn của tổng thống, ví dụ như trường hợp con rể của tổng thống Trump, trong vấn đề di chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Trong trường hợp này, ngoại trưởng Tillerson đã phản đối, nhưng phản đối lại ai ? Không phải chỉ tổng thống Trump, mà cả với ông con rể Jared Kouchner.
Như vậy, việc điều hành chính phủ Mỹ đôi khi đã được phó thác cho các cố vấn được cho là nằm ở "vòng ba", "vòng bốn" của bộ máy quyền lực. Nhưng dù chịu ảnh hưởng của cố vấn này hay cố vấn kia, tổng thống Trump trên thực tế đã tự dành cho mình quyền quyết định đơn phương, tuyệt đối, vào bất cứ lúc nào mà ông ta muốn. Trường hợp Tillerson là một ví dụ mới.
Trump - Tillerson đối lập trong hầu hết hồ sơ
Việc ngoại trưởng Mỹ bị cách chức một phần cơ bản, được tổng thống Mỹ giải thích là do bất đồng trên một số hồ sơ, tuy nhiên, theo chuyên gia Annick Cizel "trên thực tế, họ đối lập nhau trên tất cả mọi vấn đề". Bà nhấn mạnh :
"Khá kinh hoàng khi chúng ta điểm lại sơ qua các hồ sơ mà Donald Trump và Rex Tillerson có quan điểm đối lập. Từ Iran, đến Bắc Triều Tiên, rồi vấn đề Qatar, hay việc di chuyển sứ quán tại Israel…. trong đó có cả vấn đề danh sách các quốc gia Hồi Giáo, mà công dân các nước đó bị cấm vào Mỹ… Trên một thực địa đang biến động rất nhanh chóng như khu vực Trung Cận Đông chiến lược, nơi các căng thẳng rất dễ có tiềm năng bùng phát thành xung đột lớn, họ không đồng ý với nhau về gần như tất cả mọi chuyện".
Bắc Triều Tiên : Bước ngoặt thương lượng
Một trong các chủ đề quốc tế gai góc nhất đối với ngoại giao Hoa Kỳ là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau nhiều áp lực, vận động, rốt cục ngày 8/3/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un để đối thoại về vấn đề "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Vấn đề là, ngoại trưởng Tillerson đã nhiều lần nêu sáng kiến đối thoại với Bình Nhưỡng, trong lúc tổng thống Trump liên tục đưa ra các phát biểu mang đầy tính đe dọa, như không loại trừ khả năng hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên.
Giờ đây khi Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, thì cũng là lúc lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ phải khăn gói ra đi. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề : Phải chăng chính quyền Trump đang chuẩn bị phương án không khoan nhượng với Bình Nhưỡng, với việc cử lãnh đạo CIA, Mike Pompeo, nổi tiếng về quan điểm "diều hâu" lãnh đạo Bộ ngoại giao, thay thế ông Tillerson ?
Chuyên gia Annick Cizel cho biết, "tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 13/03, đã thông báo là đã quyết định mở "đối thoại" với Bình Nhưỡng, chứ không phải là "đàm phán". Đây là chính là vấn đề được thảo luận nhiều trong ba ngày gần đây, và có thể đây (tức sự khác biệt trong quan điểm về "đối thoại" giữa Trump và Tillerson - người viết) cũng chính là lý do ngoại trưởng Tillerson phải ra đi vào "đúng vào thời điểm này"", chứ không phải là một lúc nào khác.
Hiện tại ta vẫn chờ đợi câu trả lời chính thức của phía Bình Nhưỡng, nhưng rõ ràng là về cuộc hội kiến với lãnh đạo Bình Nhưỡng, tổng thống Mỹ chủ trương cần duy trì một đường lối nhìn chung là "sắt đá", với nhiều đe dọa, cụ thể là không loại trừ biện pháp quân sự, trước các nguy cơ tấn công tin tặc, hay phổ biến hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Cặp bài trùng giám đốc CIA và "diều hâu" Bolton ?
Việc bổ nhiệm nhân sự mới cho thấy đường lối cứng rắn của tổng thống Mỹ bắt đầu được triển khai. Theo nhà ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, kiến trúc sư của thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, hôm 12/03/2018, cho hay nguyên đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, ông John Bolton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, có thể sẽ có mặt trong chuyến công du Bắc Triều Tiên sắp tới. Trong những ngày gần đây, có nhiều tin đồn cho rằng cựu đại sứ Mỹ John Bolton sẽ thay tướng Herbert Raymond McMaster, cố vấn an ninh quốc gia (theo chuyên gia Annick Cizel).
Về phương hướng hành động của lãnh đạo CIA Mike Pompeo, người vừa được tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào cương vị ngoại trưởng, nhà báo Pháp Gilles Paris từ Washington, giải thích với báo Le Monde :
"Giám đốc CIA Mike Pompeo vốn có quan điểm khá hoài nghi về Bắc Triều Tiên, ắt hẳn do các nguồn tin nhận được từ cơ quan tình báo Mỹ. Trong một cuộc nói chuyện cuối tháng trước tại một viện tư vấn theo khuynh hướng bảo thủ ở Washington, American Entreprise Institute, ông Mike Pompeo tin chắc là việc chế độ Bình Nhưỡng cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân không chỉ nhằm "duy trì chế độ". Lãnh đạo CIA cho rằng chế độ Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân "để gây áp lực, nhằm mục tiêu tối hậu", đó là tái thống nhất Triều Tiên, đặt toàn bộ bán đảo này dưới sự cai trị của chính quyền Bình Nhưỡng.
Quan điểm của lãnh đạo tình báo Mỹ thậm chí còn cứng rắn hơn nhiều so với lập trường của tổng thống Mỹ (hồi năm ngoái, Mike Pompeo còn nêu ra khả năng thay đổi chế độ tại Bắc Triều Tiên, trong lúc tổng thống Mỹ liên tục nhắc lại là giải pháp này không nằm trong chính sách Bắc Triều Tiên của Washington)".
Ngoại giao "sắt đá" thành chủ đạo
Theo chuyên gia Annick Cizel, quyết định lựa chọn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng trong năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump là chính sách của đảng Cộng Hòa, muốn chôn vùi di sản của người tiền nhiệm Obama, vốn đặt ngoại giao ở trung tâm của chính sách đối ngoại, trước cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Chính sách của đảng Cộng Hòa là quốc phòng là ưu tiên số một, tiếp theo đó là an ninh nội địa, còn ngoại giao bị đẩy xuống hàng thứ ba trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Theo đường hướng này, thì Tillerson tỏ ra là nhân vật lý tưởng. Tillerson sẵn sàng chấp nhận giảm mạnh ngân sách của Bộ ngoại giao, cho dù Quốc hội không đồng ý. Ngoại trưởng Mỹ cũng thi hành một chính sách ngoại giao kín đáo trong hậu trường, thúc đổi đối thoại với Bắc Triều Tiên, có thể nói đã đạt được một số kết quả.
Thế nhưng, khi hồ sơ Bắc Triều Tiên hiện chuyển sang một bước ngoặt mới, việc duy trì một nhân vật có quan điểm bị coi là quá "mềm dẻo" đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ không còn được tổng thống Trump chấp nhận. Với sự ra đi của ngoại trưởng Mỹ Tillerson, và rất có khả năng cố vấn an ninh quốc gia McMaster cũng phải mất chức, thay vào đó là nhân vật John Bolton còn cứng rắn hơn, chính sách ngoại giao "sắt đá" đang dần trở thành ưu tiên số một của chính quyền Donald Trump.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 14/03/2018
Tin nói Ngoại trưởng Tillerson sắp bị sa thải (VOA, 01/12/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc kế hoạch sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, người có mối quan hệ căng thẳng với ông Trump về vấn đề Triều Tiên và các vấn đề khác, các quan chức cao cấp trong chính quyền Trump cho biết hôm 30/11.
Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày càng mâu thuẫn với Tổng thống Donald Trump về những thách thức chính sách về Triều Tiên và đang bị chỉ trích vì kế hoạch cắt giảm của ông tại Bộ ngoại giao.
Ông Tillerson sẽ bị thay thế bởi Giám đốc CIA Mike Pompeo, một người trung thành với ông Trump, trong vòng vài tuần tới theo kế hoạch Tòa Bạch Ốc tiến hành chiến dịch thay đổi nhân sự của chính quyền Trump quan trọng nhất từ trước tới nay.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton sẽ được bổ nhiệm thay thế ông Pompeo tại Cơ quan Tình báo Trung ương, các quan chức nói với hãng tin Reuters.
Hiện chưa rõ ông Trump có đưa ra chung quyết cho quá trình thay đổi nhân sự này hay chưa, nhưng một trong các quan chức này cho biết Tổng thống đã yêu cầu vạch ra kế hoạch này.
Việc ông Tillerson rời chức, từ lâu đã được đồn đoán, sẽ khép lại nhiệm kỳ đầy chông gai của vị cựu giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil. Ông Tillerson ngày càng mâu thuẫn với ông Trump về những thách thức chính sách về Triều Tiên và đang bị chỉ trích vì kế hoạch cắt giảm của ông tại Bộ ngoại giao.
Tin tức hồi tháng 10 cho hay ông Tillerson đã mô tả ông Trump là to xác nhưng hành xử như trẻ con, điều mà Ngoại trưởng Mỹ đã tìm cách bác bỏ.
Sự việc này diễn ra sau một dòng tweet của ông Trump trên Twitter vài ngày trước đó nói rằng ông Tillerson không nên phí thời gian bằng việc tìm kiếm các cuộc đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.
Ông Trump đã yêu cầu ông John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng, đề ra chiến lược chuyển tiếp và điều này đã được bàn bạc với các quan chức khác, một nguồn tin nói với Reuters.
Theo kế hoạch được báo New York Times loan tin trước tiên, quá trình thay đổi nhân sự sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc không lâu sau đó.
Trước câu hỏi của phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm 30/11 rằng liệu ông Tillerson có muốn tiếp tục làm Ngoại trưởng, Tổng thống Trump đã không trả lời thẳng, mà nói rằng "Ông ấy vẫn còn ở đây".
********************
Trong buổi phỏng vấn tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/11/2017 đã không tranh thủ cơ hội để thể hiện sự tin tưởng vào ngoại trưởng Rex Tillerson. Theo AFP, điều này đã làm tăng nghi ngờ về việc Nhà Trắng chuẩn bị thay lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/11/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Báo New York Times trước đó đưa tin Nhà Trắng đang sắp xếp lại nhân sự và sẽ đưa giám đốc CIA Mike Pompeo lên làm ngoại trưởng thay ông Rex Tillerson.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet giải thích :
Quan hệ giữa hai ông Donald Trump và Rex Tillerson rõ ràng đang rất tồi tệ và đây không phải lần đầu tiên người ta đồn đoán về sự ra đi của ông Rex Tillerson. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần phủ nhận thông tin đó trước công chúng, còn ngoại trưởng Rex Tillerson chưa bao giờ cải chính việc đã gọi tổng thống là "kẻ đần độn".
Hai người đã đối đầu nhau trong nhiều hồ sơ then chốt, chẳng hạn hạt nhân Iran, Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Khi được hỏi về bài báo của New York Times, tổng thống Donald Trump không tìm cách bảo vệ ông Rex Tillerson mà chỉ trả lời đơn giản : "Ông ấy vẫn ở đây. Rex đang ở đây".
Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng không phủ nhận bài viết của New York Times và tuyên bố : "Ngoại trưởng vẫn làm việc với tổng thống. Tạm thời không có thông báo riêng tư nào". Theo các nguồn tin của báo New York Times, sự ra đi của ông Rex Tillerson có thể sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Nếu thông tin trên là đúng, ông Rex Tillerson sẽ là ngoại trưởng có thời gian tại vị ngắn nhất từ đầu thế kỷ. Nhưng việc báo New York Times thông báo Rex Tillerson sẽ ra đi lại có thể cho phép ông ấy tại vị thêm một thời gian. Donald Trump luôn cáo buộc tờ báo này đưa tin dối trá, nên lần này ông ấy có thể sẽ suy nghĩ lại để chứng tỏ cáo buộc của ông về New York Times là đúng.
Thùy Dương
*****************
Tin khắp Washington, DC : Tillerson sẽ đi, Pompeo lên thay (Người Việt, 30/11/2017)
Vào sáng ngày Thứ Năm, ở Washington, DC rộ lên nguồn tin cho hay Tòa Bạch Ốc đang có kế hoạch để trong vài tuần nữa đẩy Ngoại Trưởng Rex Tillerson ra khỏi chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao và thay thế bằng giám đốc CIA Mike Pompeo.
Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Hình : AP Photo/Cliff Owen)
Các giới chức cao cấp chính phủ Trump cho tờ báo New York Times hay rằng người thay thế ông Pompeo sẽ là Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa, Arkansas), người là đồng minh thân cận của Tổng Thống Trump tại Thượng Viện trong những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Ông Cotton đã đưa ra tín hiệu cho thấy sẽ chấp nhận việc đề cử.
Nguồn tin của tờ New York Times nói rằng vấn đề bàn thảo hiện nay là nếu ông Cotton cứ ở lại Thượng Viện thì sẽ giúp ích nhiều cho Tổng Thống Trump so với việc đưa vào cơ quan CIA hay không.
Hiện chưa rõ là Tổng Thống Donald Trump đã có quyết định sau cùng về thay đổi nhân sự quan trọng này hay không, tuy nhiên có nhiều nguồn tin cho biết ông không hài lòng với ông Tillerson và muốn có thay đổi ở Bộ Ngoại Giao.
Bản tin của tờ New York Times cho hay ông John F. Kelly, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, đang chuẩn bị kế hoạch thay đổi nhân sự này và đã thảo luận với một số giới chức cao cấp. Theo chương trình của ông Kelly, việc thay đổi sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc ngay đầu năm tới.
Việc thay thế ông Tillerson sẽ chấm dứt một giai đoạn nhiều chao đảo tại Bộ ngoại giao dưới sự lãnh đạo của vị cựu Tổng Giám Đốc công ty Exxon Mobile, người từng nhiều lần bị Tổng Thống Trump có thái độ xem thường và cũng có các bất đồng với tổng thống về nhiều vấn đề, kể cả thỏa thuận nguyên tử với Iran.
Có tin cho hay ông Tillerson từng gọi Tổng Thống Trump là "anh xuẩn ngốc", một điều ông Tillersonn chưa bao giờ chính thức bác bỏ. Trong khi đó, ông Trump công khai nói Ngoại Trưởng Tillerson là "phí thời giờ" khi đang có các nỗ lực dàn xếp ngoại giao với Bắc Hàn. (V.Giang)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng, thế nhưng ông lại ra các quyết định mang tính chính trị, bất chấp những lời tư vấn của giới chuyên gia. Do vậy, ông ngày càng đơn độc tại Bộ Ngoại giao và tình trạng này bắt đầu làm cho Nhà Trắng khó chịu.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) và tổng thống Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 12/06/2017-REUTERS
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Xin hẹn gặp Rex Tillerson khó gần như xin gặp Donald Trump. Hiếm khi nào một ngoại trưởng Mỹ lại khó gặp đến như vậy. Hầu như không có cuộc các tiếp xúc của ông với các giới chức ngoại giao.
Mọi tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ đều phải qua chánh văn phòng, bà Margaret Peterlin. Thậm chí, bà có thể còn ngăn cản cả cấp trên của mình là tổng thư ký Nhà Trắng, Reince Priebus.
Ngoại trưởng Tillerson sống như trong một pháo đài với một nhóm cộng sự thân cận. Nhà Trắng trách cứ ngoại trưởng chậm trễ trong việc bố trí người vào những vị trí còn trống. Donald Trump có một danh sách các nhà tài trợ và giờ đây, tổng thống Mỹ muốn trả ơn bằng cách bổ nhiệm một số người làm việc trong các sứ quán ở nước ngoài. Thế nhưng, mong muốn của tổng thống Mỹ phải có được sự hậu thuẫn của Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, Tillerson lại muốn đích thân phỏng vấn các ứng viên và mỗi vị trí thì có hai ứng viên.
Cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon-Mobile chưa quen với các đòi hỏi của thế giới chính trị. Với tư cách là một nhà quản trị tốt trong lĩnh vực tư nhân, ngoại trưởng Mỹ rất chú ý đến việc tái cơ cấu Bộ Ngoại giao để hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, trước mắt, chưa chắc ông có đủ nhân sự để bảo đảm sự vận hành của Bộ Ngoại giao".
RFI tiếng Việt
Sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump bị khoảng một ngàn nhân viên trong bộ ngoại giao ký kiến nghị phản đối. Sự kiện hi hữu này là một trong những thách thức lớn của Rex Tillerson, vừa được Thượng viện chấp thuận vào chức vụ ngoại trưởng Mỹ ngày 01/02/2017.
Ông Rex Tillerson trong phiên thẩm định của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Năm nay 64 tuổi, dân Texas, với kinh nghiệm 41 năm trong ngành dầu khí và một cuốn sổ địa chỉ dầy cộm, trong đó có "người bạn thân" Vladimir Putin, Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil, trở thành gương mặt và tiếng nói của siêu cường với thế giới.
Tuần trước, trong lễ tuyên thệ nhậm chức, tân tổng thống Donald Trump trân trọng giới thiệu người ông tin cậy bổ nhiệm làm ngoại trưởng như sau : "Ông ấy đã bỏ một việc làm rất tốt ( để gia nhập nội các). Với nhân vật được kính trọng trên thế giới làm ngoại trưởng, Hoa Kỳ có thể mang lại hòa bình, ổn định trong giai đoạn nhiều rối loạn như hiện nay".
Thế nhưng, theo AFP, rối loạn đầu tiên mà vị ngoại trưởng thứ 69 của Mỹ kể từ thời lập quốc phải đối phó xuất phát ngay từ bên trong nước Mỹ, mà chính xác hơn nữa là từ bên trong bộ ngoại giao.
Hôm thứ năm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson cam kết với các quan chức nồng cốt của bộ rằng ông "luôn luôn là người đại diện quyền lợi của toàn thể nhân dân Mỹ".
Là chủ gia đình một vợ bốn con, thời còn trẻ từng làm chủ tịch hội Hướng đạo Hoa Kỳ, ông Tillerson gia nhập ExxonMobil lúc mới ra trường và lần lượt leo hết các nấc thang trách nhiệm để trở thành tổng giám đốc từ năm 2006 đến tháng 12/2016.
Từ nay, Rex Tillerson đứng đầu bộ ngoại giao Mỹ. Nhưng mạng lưới nhân sự hùng hậu nhất thế giới với 70.000 người đang bên bờ nổi loạn, theo một viên chức cao cấp tiết lộ với AFP. Một "nhóm ly khai" đang kiểm soát bộ ngoại giao qua một "kênh liên lạc nội bộ". Một bản kiến nghị, qui tụ được 1000 chữ ký của các nhà ngoại giao và công chức phản đối chính sách của Nhà Trắng, mà cụ thể là sắc lệnh "bảo vệ quốc gia chống khủng bố quốc tế xâm nhập". Sắc lệnh này cấm công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi cũng như người tị nạn nhập cảnh.
Sự bất bình này được tiếp nối qua một kháng thư của hàng trăm cựu quan chức cao cấp của hai bộ quốc phòng và ngoại giao. Một trong số những nhân vật này, Thomas Countryman, vừa rời ghế Trợ lý ngoại trưởng, cảnh giác Donald Trump : Nếu ông không tin cậy các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thì cuối cùng ông sẽ làm ngoại giao theo kiểu nghiệp dư.
Thật ra thì tổng thống mới, làm ăn trong ngành địa ốc, hoàn toàn không biết tổng giám đốc ExxonMobil, Rex Tillerson, và cũng không biết ai là người có đủ khả năng làm ngoại trưởng. Mãi cho đến cho đến tháng 12/2016, gần ngày nhậm chức, ông mới được hai cựu bộ trưởng Cộng hòa là Robert Gates (quốc phòng) và bà Condoleeza Rice (ngoại giao) giới thiệu cho.
Thông minh, cao lớn, giọng trầm, nghiêm nghị, "lính mới" chưa có kinh nghiệm ngoại giao đã trình bày trong suốt 9 giờ đồng hồ với Thượng viện nhãn quan và chính sách ngoại giao của nước Mỹ, trong cuộc điều trần hồi giữa tháng giêng. Ông đã gây bất ngờ khi chứng tỏ không có cùng đường lối với tổng thống, từ quan hệ với Nga, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, cho đến khí hậu.
Tuy thân cận với tổng thống Nga và được gắn nhãn "thân hữu", nhưng trong cuộc điều trần tại Thượng viện, Rex Tillerson tố cáo Moskva là "mối nguy" của Châu Âu và NATO. Ông cũng làm cho Bắc Kinh nổi giận khi lên án Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và tuyên bố không để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân đạo xây dựng "trái phép".
Tú Anh
Biển Đông : Ứng viên ngoại trưởng Mỹ "khai chiến" với Trung Quốc ? (RFI , 12/01/2017)
Ông Rex Tillerson - người được Donald Trump chỉ định vào chức ngoại trưởng - trong phiên thẩm định của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Quả là không sai khi cho rằng trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày hôm qua, 11/01/2017, người được đề cử làm ngoại trưởng tới đây của nước Mỹ, Rex Tillerson, đã "khai chiến với Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông". Khi được hỏi về đối sách của ông trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển mà Bắc Kinh đòi hầu như toàn bộ chủ quyền, ông Tillerson đã không ngần ngại cho rằng cần phải cấm không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp tại Biển Đông.
Phát biểu trước một ủy ban của Thượng Viện Mỹ, người có rất nhiều khả năng làm ngoại trưởng tới đây của Hoa Kỳ nói rõ như sau : "Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các đảo, và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo này".
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên khi cho bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm giữ trong vùng quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, bên trên có xây các cơ sở quân sự.
Đối với ông Tillerson, việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, cũng như việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Senkaku, dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, là những hành vi phi pháp vì đó là "xâm chiếm lãnh thổ hoặc giành quyền kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ không thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp".
Nhận xét của chuẩn ngoại trưởng Mỹ rất chính xác trong bối cảnh một tòa án quốc tế (Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) – mà Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền – ngày 12/07/2016 đã phán quyết rằng yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ông Tillerson không ngần ngại so sánh việc xây dựng các hòn đảo, rồi cho triển khai thiết bị quân sự trên đó, với hành vi của Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina.
Phải nói rằng đây là lần đầu tiên mà người được đề cử làm nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ lại bộc lộ một cách rõ ràng, công khai những suy nghĩ của ông về Biển Đông như vậy, một quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ông Tillerson tuy nhiên không nói là Hoa Kỳ có thể có những biện pháp cụ thể nào nhằm buộc Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng đảo hay cấm không cho tiếp cận các đảo này, nhưng trong hơn một năm gần đây, Hải Quân Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông.
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ở Canberra (Úc) nhận xét : "Đây là một kiểu phát ngôn ngẫu hứng, giống như một tin ngắn tweeter, có nguy cơ đổ dầu vào lửa và có thể làm cho mọi sự xấu hẳn đi".
Theo chuyên gia này, "trừ phi là động binh chống lại Trung Quốc, thì người Mỹ không có cách nào khác để ngăn cản Trung Quốc" xây dựng và tiếp cận các đảo họ nắm giữ trên Biển Đông.
Dẫu sao thì ý kiến người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ cũng không khác với quan điểm hiếm hoi về Biển Đông từng được tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại gần đây, khi ông đả kích "các pháo đài" to lớn mà Trung Quốc cho xây dựng giữa Biển Đông.
Trước đó, vào tháng Ba 2016 khi còn vận động tranh cử, ông Trump từng chê trách chính quyền Obama mềm yếu trước các hành động xây pháo đài quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc. Theo ông Trump, Bắc Kinh đã ngang nhiên làm như vậy, vì họ "không có sự tôn trọng đối với tổng thống Mỹ và không có sự tôn trọng đối với nước Mỹ".
Điểm đáng ghi nhận là vào chiều nay, 24 tiếng đồng hồ sau phát biểu kiên quyết của ông Tillerson, Trung Quốc vẫn giữ im lặng, trái với lệ thường là ăn miếng trả miếng ngay lập tức mỗi khi bị công kích.
Trọng Nghĩa
********************
Phát biểu chính thức của ứng viên Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông (GDVN, 12/01/2017)
Trung Quốc, trước hết phải ngừng xây dựng ở các đảo nhân tạo, thứ hai là việc Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này cũng không được phép.
Channel News Asia ngày 12/1 đưa tin, ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson do Tổng thống đắc cử Donald Trump giới thiệu đã tuyên bố trước Thượng viện hôm thứ Tư rằng, nên ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông.
Phát biểu dự kiến sẽ khiến Trung Quốc tức giận được ông Rex Tillerson nêu ra trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Tại đây ông ví von hoạt động xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành giống như cách Nga "chiếm Crimea" từ Ukraine.
Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ảnh : Reuters / Channel News Asia.
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ một phản ứng tích cực hơn với Trung Quốc, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ cho hay :
"Chúng ta sẽ phải gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc, trước hết phải ngừng xây dựng ở các đảo nhân tạo, thứ hai là việc Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này cũng không được phép".
Cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil đã không nói rõ làm thế nào để ngăn Trung Quốc tiếp tục xây dựng hay truy cập các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã được củng cố bằng đường băng, vũ khí.
Nhóm chuyển giao của ông Donald Trump cũng không đáp ứng ngay các câu hỏi cụ thể về cách thức ngăn chặn Trung Quốc làm điều này.
Ông Rex Tillerson cũng cho rằng, Washington cần thiết phải tái khẳng định cam kết của mình với Đài Loan. Tuy nhiên ông khẳng định : "Tôi không biết bất kỳ kế hoạch nào để thay đổi lập trường một nước Trung Quốc".
Còn riêng hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông theo ông Tillerson là cực kỳ đáng lo ngại, nó sẽ là mối đe dọa cho toàn bộ nền kinh tế thế giới nếu Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn tuyến hàng hải quan trọng chiến lược cả về quân sự lẫn kinh tế.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay ở Biển Đông, ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng, do phản ứng yếu ớt của chính quyền tiền nhiệm :
"Sự thất bại trong phản ứng đã kích thích họ (Trung Quốc) đẩy mạnh, lấn tới trong các hoạt động này. Cách chúng ta đã có thể đối phó với chuyện này là, chúng ta cho thấy rõ sự hiện diện của mình trở lại khu vực, cùng các đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á".
Bình luận về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Rex Tillerson cho rằng : "Họ đang theo đuổi yêu sách lãnh thổ, kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát vùng lãnh thổ mà không phải thuộc về họ một cách chính đáng".
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
http://www.channelnewsasia.com/news/world/china-should-be-denied-access-to-south-china-sea-islands/3432244.html
************************
'Mỹ phải ngăn Trung Quốc vào các đảo mới xây ở Biển Đông' (BBC, 12/01/2017)
Một viện nghiên cứu năm ngoái công bố hình ảnh được cho là chụp các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo
Hoa Kỳ phải chặn đường tiếp cận đến các đảo do Trung Quốc xây trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, người được ông Donald Trump bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ nói.
Những bình luận của ông Tillerson, nhiều khả năng sẽ làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Bắc Kinh, được đưa ra tại phiên điều trần để Thượng viện Mỹ chẩn thuận việc bổ nhiệm ông vào chức ngoại trưởng.
Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Những hình ảnh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.
Ông Tillerson, người phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.
"Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa".
Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.
Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải
Hồi tháng Bảy, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) ra phán quyết theo đó bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Bển Động trong vụ kiện do Philippines đệ đơn. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết.
Chính quyền Obama đã có thông điệp phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây đảo, đồng thời nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.
Mỹ cũng cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và đã điều tàu hải quân đến vùng biển có tranh chấp.
Nhưng chính quyền Obama không đe dọa chặn đường đến các đảo này, một tuyên bố nhiều khả năng sẽ làm Bắc Kinh tức giận.
Ông Tillerson không nói rõ Mỹ sẽ chặn đường đến các đảo này ra sao.
Nhưng ông nói các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và những tuyên bố của nước này về vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Đông do Nhật kiểm soát mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền là "bất hợp pháp".
"Trung Quốc đang lấn chiếm, kiểm soát hay tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ họ không có quyền hợp pháp", ông Tillerson nói.
Trung Quốc nói các cấu trúc họ xây cất là hợp pháp và các căn cứ quân sự là cho mục đích phòng vệ
Trung Quốc nói không làm gì sai khi tiến hành xây cất trên những nơi mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.
Chính quyền Trung Quốc từng nói nước này không có ý định quân sự hóa các đảo này, nhưng thừa nhận có xây dựng cái mà họ gọi là căn cứ quân sự cho mục đích phòng vệ.
Đáp lại lời phát biểu của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc có quyền thực hiện "những hoạt động bình thường" trên lãnh thổ của mình.
Khi được hỏi về bình luận chặn đường đến đảo của ông Tillerson và phản ứng của Trung Quốc, ông Lục Khảng nói ông không trả lời những câu hỏi mang tính giả thuyết.
Đã có một vài vụ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, một tàu Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn đại dương ngoài khơi Philippines, nhưng sau đó đã đồng ý trả lại cho Mỹ.
Các tàu Trung Quốc cũng có những đụng độ, căng thẳng với các tàu từ Việt Nam và Philippines.
*********************
Trung Quốc dịu giọng với Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông (RFA, 12/01/2017)
Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Courtesy of viettimes.net
Trung Quốc hôm nay có phản ứng được cho là không gay gắt trước những phát biểu của người được tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng căng thẳng tại tuyến đường hàng hải có tầm chiến lược quan trọng qua Biển Đông đã giảm bớt và những quốc gia bên ngoài cần hỗ trợ nỗ lực hướng đến ổn định tại đó.
Ông Lục Khảng nhắc lại mối quan hệ Mỹ- Trung được dựa trên căn bản không đối đầu, không xung khắc, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hai phía cần tôn trọng lẫn nhau.
Giới ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng họ không quá lo lắng về những lời lẽ mạnh mẽ của tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như những nhân vật được chọn vào tân chính phủ Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ không thay đổi phương pháp căn bản tích cực tiếp cận trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
*********************
Tillerson : Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là "phi pháp" (RFI, 11/01/2017)
Ảnh minh họa : Ông Rex Tillerson tại Hội nghị về Năng lượng, Houston, ngày 21/04/2015. Reuters
Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex Tillerson bày tỏ mối quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng biển này là "phi pháp".
Hôm nay, 11/01/2017, ông Rex Tillerson, nhân vật được tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump chỉ định là Ngoại trưởng, sẽ ra trước Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần nhằm thông qua việc bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính quyền mới.
Êkíp chuyển tiếp quyền lực của ông Trump đã phân phát trước bài phát biểu mở đầu phiên điều trần mà ông Tillerson sẽ đọc hôm nay. Trong bài phát biểu này, Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định bày tỏ mối quan ngại của ông trước những hành động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo dùng làm căn cứ quân sự. Ông Tillerson khẳng định : "Việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông là một hành động chiếm giữ phi pháp các vùng tranh chấp, bất chấp các chuẩn mực quốc tế".
Theo báo chí Mỹ, tuyên bố nói trên của ông Tillerson chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc, vốn đã rất bực tức về vụ ông Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chính sách của Washington chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất.
Hôm 10/01, một giới chức Hoa Kỳ, xin được giấu tên, tiết lộ là một oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc đã bay bên trên quần đảo Trường Sa vào cuối tuần qua, nhằm một lần nữa biểu dương lực lượng ở vùng Biển Đông. Đây là phi vụ thứ hai của một oanh tạc cơ Trung Quốc trên vùng Biển Đông trong năm nay, sau phi vụ đầu tiên vào đúng ngày đầu năm.
Thanh Phương
*************************
Ông Rex Tillerson điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 11/01/2017. AFP
Nhân vật được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn giữ chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson, hôm qua 11/01 phát biểu trong phiên điều trần về việc bổ nhiệm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng hoạt động bồi lắp đảo nhân tạo rồi bố trí khí tài trên đó của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, tương tự như vụ Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.
Khi được hỏi liệu bản thân có ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc hay không ? thì ông Rex Tillerson trả lời là sẽ phải nhắn gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng hơn : đó là trước tiên Trung Quốc phải ngưng ngay việc bồi đắp đảo, thứ đến là việc tiếp cận đến những đảo nhân tạo đó cũng không được phép.
Tuy nhiên ông Rex Tillerson không nói rõ chi tiết về biện pháp nào sẽ thực hiện nhằm chặn Trung Quốc tại những đảo nhân tạo được dựng nên ở Biển Đông như thế.
Hãng thông tấn Reuters loan tin như vừa nêu và cho biết cả đội ngũ nhận chuyển giao của Tổng thổng đắc cử Donald Trump cũng chưa có trả lời ngay về những biện pháp cụ thể chặn Trung Quốc tại những đảo nhân tạo bồi đắp lên ở Biển Đông.
Phản ứng trước các tuyên bố cứng rắn của nhân vật được đề cử nắm chức Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ tới, chính phủ Bắc Kinh hôm nay không tỏ ra gay gắt như thường lệ.
Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng căng thẳng tại tuyến đường hàng hải có tầm chiến lược quan trọng qua Biển Đông đã giảm bớt và những quốc gia bên ngoài cần hỗ trợ nỗ lực hướng đến ổn định tại đó.
Ông Lục Khảng nhắc lại mối quan hệ Mỹ- Trung được dựa trên căn bản không đối đầu, không xung khắc, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hai phía cần tôn trọng lẫn nhau.
Giới ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng họ không quá lo lắng về những lời lẽ mạnh mẽ của tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như những nhân vật được chọn vào tân chính phủ Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ không thay đổi phương pháp căn bản tích cực tiếp cận trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Cũng liên quan đến tuyên bố cứng rắn của ông Rex Tillerson về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam hôm nay đưa ra các phát biểu như thường lệ.
Phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được báo giới hỏi về những lời lẽ cứng rắn của ông Rex Tillerson như vừa nêu đối với Trung Quốc tại Biển Đông, ông Bình cho rằng "các bên liên quan và các bên trong, ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung".
**********************
Ông Trump, Tillerson nói về Biển Đông, Việt Nam sẽ là điểm nóng ? (VOA, 12/01/2017)
Tổng thống đắc cử Donald Trump, trái, và Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson.
Tranh chấp Biển Đông đã được đề cập đến trong những phát biểu của hai nhân vật hàng đầu trong chính phủ sắp tới của Mỹ.
Hôm 11/1, trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Donald Trump vài lần nhắc đến Trung Quốc về vấn đề thương mại và tấn công trên mạng. Ông nói Mỹ đã chịu thua thiệt hàng trăm tỷ đôla mỗi năm về thương mại và mất cân đối thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông nói Trung Quốc đã xâm nhập trên mạng vào 22 triệu tài khoản ở Mỹ.
Người sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vào tuần sau cũng nói đến Biển Đông một cách ngắn gọn khi cho rằng nước Mỹ đã bị một số nước chơi xấu.
Ông Trump nói : "Nga và các nước khác, trong đó có Trung Quốc là nước đã hoàn toàn lợi dụng chúng ta về mặt kinh tế, hoàn toàn lợi dụng chúng ta ở Biển Đông bằng cách xây pháo đài lớn của họ".
Ông cho rằng với nội các mới là những người thông minh và thành công, nước Mỹ sẽ có những thỏa thuận tốt hơn và sẽ được tôn trọng hơn : "Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, tất cả các nước sẽ tôn trọng chúng ta hơn, hơn nhiều so với các chính quyền trước đây".
Cũng trong ngày 11/1, đã diễn ra phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về phê chuẩn chức vụ ngoại trưởng Mỹ. Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng đề cử, nói Trung Quốc phải bị chặn đường tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ xây lên ở Biển Đông có tranh chấp. Ông so sánh hoạt động của Trung Quốc với hành động của Nga đoạt lấy Crimea.
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ một tư thế mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, ông Tillerson trả lời : "Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, việc xây đảo phải dừng lại, và thứ nhì là việc quý vị tiếp cận các đảo đó sẽ không được cho phép".
Vị cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của hãng Exxon Mobil không nói cụ thể có thể là gì để chặn việc Trung Quốc tiếp cận các đảo mà họ đã xây kiên cố cũng như đã trang bị vũ khí, đường băng ở Biển Đông.
Các nhà quan sát cho rằng phát biểu của ông Tillerson sẽ làm Bắc Kinh tức giận và mở đường cho khả năng xảy ra đối đầu nghiêm trọng với Bắc Kinh.
Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, nhận định với VOA rằng chính quyền tới đây của ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á và có thể làm cho Việt Nam trở thành một điểm nóng. Ông nói :
"Có nhiều chỉ dấu là ông Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục cái chiến lược đó nhưng có thể là với một cái tên khác. Đồng thời cái giai đoạn mà ông Donald Trump lên sẽ là cái giai đoạn tăng tốc trong một chiến lược 4 năm. Tổng thống Obama đã nói trước đây tới năm 2020 sẽ đưa 60% khí tài cũng như lực lượng quân đội của Mỹ sang khu vực Á châu Thái Bình Dương. Tôi thấy rằng tiến trình đó sẽ được tăng tốc rất là nhanh. Có thể là trong vòng 2 năm đầu của nhiệm kỳ, tức là 2017, 2018 là có thể đã thực hiện được vấn đề đó. Cục diện của tình hình với chính sách đối đầu về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chiến lược của Hoa Kỳ là tăng sự hiện diện của mình trong khu vực, điều đó cho thấy rằng Việt Nam sẽ là một điểm nóng trong thời gian sắp tới".
Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với VOA rằng cả Tổng thống đắc cử Trump lẫn Ngoại trưởng đề cử Tillerson đều "nắm rất chắc" những vấn đề liên quan đến Việt Nam, khu vực và Biển Đông. Ông Trường tin tưởng họ sẽ "kế thừa, phát triển và đảm bảo những lợi ích của nước Mỹ, trong đó có quan hệ với Việt Nam".
An Tôn