"…khả năng cao là vị trí "tứ trụ" sẽ chưa có thay đổi nào trong và sau kỳ họp này vì chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đảm đương vị trí Chủ tịch nước thay ông Quang như đồn đoán. Hiện nay, ông Trọng đang dẫn dắt Đảng cộng sản Việt Nam hướng tới mục tiêu nhất thể hóa. Nghĩa là nhân sự vị trí Chủ tịch nước phải là người sẽ đảm nhận cả chức Tổng bí thư. Nói cách khác, nếu ông Quang bị loại ra lúc này vì bất cứ lý do gì thì sẽ không ai khác ngoài ông Trọng sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước".
Hội nghị Trung ương 7
Trong tình hình chính trị thế giới và trong nước nóng bỏng bởi những diến biến chính trị bất ngờ, Hội nghị Trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra đúng như dự đoán của giới quan sát rằng sẽ chủ yếu tập trung vấn đề nhân sự. Trong 3 nội dung chính thì 2 nội dung liên quan vấn đề cán bộ, đặc biệt nhấn mạnh "cấp chiến lược" – Tức là cấp cao nhất của bộ máy nhà nước : Trung ương Đảng và Bộ chính trị.
Vấn đề cán bộ cấp cao được đặt ra trong Hội nghị này về cơ bản là điều đương nhiên, khi mà cuộc "đốt lò" chống tham nhũng của đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy chưa thu được kết quả bao nhiêu ngoài màu sắc thanh trừng quyền lực là rõ nét nhất nhưng đã làm "suy yếu" bộ máy nhân sự khi một số quan chức cấp cao đã lãnh án hoặc cho nghỉ để giảm bớt các hệ lụy chính trị. Nói "suy yếu" ở đây là theo thói quen trong bộ máy công quyền Việt Nam là nhìn thấy việc trống một số ghế đã có, kiểu như trống chỗ khi "vắng mặt người quen" chứ không phải theo nghĩa về chất lượng hay năng lực làm việc.
Hiện tại, Bộ chính trị Trung ương Đảng trống cả chính thức và không chính thức ít nhất 3 ghế. Trong đó ông Đinh La Thăng đã vào tù vì liên quan hàng loạt vụ đại án ; ông Đinh Thế Huynh rời ghế "vì lý do sức khỏe", hiện không có thông tin nào thêm. Về ông Trần Đại Quang – Đương kim Chủ tịch nước đang được đồn đoán sẽ nghỉ vì "lý do sức khỏe" nhưng trong tình hình cái "cửu lò" đang hướng về phía Bộ công an, nơi ông Quang từng giữ chức Bộ trưởng trước khi sang làm Chủ tịch nước mà dù có cố gắng "giữ bình" thì cũng khó có lý do để ông tại nhiệm chỉ riêng ở tội danh "thiếu tinh thần trách nhiệm". Chưa nói điều mà ai cũng biết : Khi còn là Bộ trưởng Bộ công an, ông Quang không thể không có liên quan với các vụ án mà hàng loạt sĩ quan đầu ngành của Bộ này cũng như các vụ án liên quan các quan chức ở địa phương các tỉnh thành. Các đồn đoán việc có liên quan Vũ "nhôm" ; Phan Văn Vĩnh ; Nguyễn Thanh Hóa.. cùng hàng loạt bất động sản mà bản thân ông hoặc gia đình ông sở hữu, các cổ phần ẩn danh ở hàng loạt ngành kinh tế hàng top ở Việt Nam sẽ dễ dàng kết luận đúng sai một khi cuộc chiến chống tham nhũng được bật đèn để hướng vào ông.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Trong Trung ương Đảng, với tổng số 200 ủy viên gồm 180 chính thức và 20 người là dự khuyết, ít nhất đã rơi rụng khoảng 10 người, chủ yếu là quan chức đứng đầu cấp tỉnh thành và cấp Bộ trong Chính phủ. Tóm lại, có ít nhất 5% nhân sự ở hai cấp quyền lực cao nhất sẽ phải bổ sung, thay vào các ghế hiện đã trống. Nhưng nói như vậy thì sẽ là điều bình thường gần như đương nhiên đối với một bộ máy bị khuyết nhân sự. Vậy nội dung "nhân sự cấp chiến lược" được nhấn mạnh mang ý nghĩa gì trong kỳ Đại hội này ?
Trước hết, khái niệm "cán bộ cấp chiến lược" là một từ rất mới trong ngôn ngữ chính trị. Thông thường, người ta hay nói "chiến lược tổ chức ; chiến lược xây dụng cán bộ ; chiến lược đào tạo cán bộ.v.v". chứ không nói "cán bộ cấp chiến lược". Đặc biệt hơn, Bộ chính trị và Trung ương đảng vốn là hai bộ máy ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam. Ý nghĩa và lời giải đã được hé lộ ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương 7 ngày 7/5/2018. Truyền thông được bật đèn đâu đó đã xuất hiện "mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ tới". Phải chăng đây chính là "chiến lược" sống còn của Đảng cộng sản Việt Nam trong tình hình chính trị Việt Nam hiện tại và cả tương lai không gần mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn nắm giữ vai trò thống trị ?
Đã có không ít những lời ca ngợi đối với ông Trọng như một bậc "sĩ phu" đầy mưu lược, một minh quân dám mạnh tay tuyên chiến với tham nhũng, điều mà nhiều Tổng bí thư trước chưa ai dám làm. Hiện tại, khi mà cuộc chiến chống tham nhũng trong mấy năm qua, nếu chỉ xét về số lượng lãnh đạo cao cấp bị rơi rụng vào khoảng 5%, bài toán giản đơn nhất là phải thay máu 50% nhân sự dính vào tham nhũng so với thực tế gần như 100% của Việt Nam thôi thì cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng sẽ còn mất ít nhất 20-30 năm với tốc nhanh gấp 2 lần hiện nay.
Đấy là chỉ nói trên khía cạnh ông Trọng là cái đỉnh trên ngọn cờ chống tham nhũng. Nhưng hoạt động của một bộ máy để thay máu cả bộ máy cấp quốc gia không thể chỉ là một cá nhân. Xuyên suốt cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trong khởi xướng, gần như không thấy có nhân vật nào có chức vụ đáng kể trong Đảng cộng sản Việt Nam nổi bật đồng hành ở vai trò quyền lực, nắm giữ vai trò lớn. Các quan chức và và tổ chức thừa hành thường được sử dụng không phải là một cơ quan cố định như ở Trung Quốc. Các vụ án luôn được khởi đầu bằng các thông tin "bất ngờ" từ đâu đó mà truyền thông sẽ đóng vai trò đi tiên phong, sau đó là một cuộc thanh tra để kết luận với các nhân sự cũng không cố định hay thuộc bộ phận nào chuyên biệt một cách rõ ràng, kể cả là cơ quan Thanh tra Chính phủ hay Ban kiểm tra Trung ương Đảng. Điều đó chỉ ra rằng : Ông Trọng và ê kíp của ông cực kỳ thận trọng và công cụ sức mạnh áp chế để xử lý được thực hiện bởi một lực lượng vô cùng bí mật, hoặc đơn giản chỉ là mượn tay phe này triệt hạ phe kia trong bối cảnh tham nhũng và lợi ích nhóm ở Việt Nam là quá nhiều phe nhóm lợi ích ở nhiều cấp khác nhau. Đây cũng là bí mật có tính yếu điểm chết người mà cuộc chiến chống tham nhũng do ông Trọng dẫn đầu phải hết sức cẩn thận che giấu.
Mang yếu điểm cốt tử nói trên, chắc chắn nhân sự bổ sung tối thiểu phải đáp ứng được hai điều kiện tối thiểu, ưu tiên hàng đầu là người cùng phe cánh và ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra. Trong hai điều kiện then chốt này này, điều kiện thứ hai lại là cực kỳ khó khăn để tìm được người phù hợp. Đương nhiên, vai trò của ông Trọng bắt buộc vẫn phải giữ nguyên, vừa là đứng mũi chịu sào vừa làm tấm bình phong để che đỡ cho bộ máy và chiến lược thực hiện chống tham nhũng. Nó đồng nghĩa, sau đại hội này sẽ dẫn tới việc sửa luật nhằm mục đích dọn đường cho ông Trọng tiếp tục tại vị. Bởi theo luật hiện nay, ông Trọng đã quá tuổi không thể tiếp tục đảm nhận chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.
Một số đồn đoán về những gương mặt sẽ thay thế bổ sung đã được đưa ra. Nhưng khả năng cao là vị trí "tứ trụ" sẽ chưa có thay đổi nào trong và sau kỳ họp này vì chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đảm đương vị trí Chủ tịch nước thay ông Quang như đồn đoán.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫy tay chào giả từ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại đảm nhiệm thay ? Ảnh minh họa
Hiện nay, ông Trọng đang dẫn dắt Đảng cộng sản Việt Nam hướng tới mục tiêu nhất thể hóa. Nghĩa là nhân sự vị trí Chủ tịch nước phải là người sẽ đảm nhận cả chức Tổng bí thư. Nói cách khác, nếu ông Quang bị loại ra lúc này vì bất cứ lý do gì thì sẽ không ai khác ngoài ông Trọng sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước.
Nếu kịch bản này xảy ra, tình hình chính trị trong nội bộ Trung ương Đảng nói riêng và tình hình chính trị, xã hội Việt Nam nói chung sẽ chính thức đi vào giai đoạn các mâu thuẫn được dồn nén và đẩy lên mức cao nhất trong năm tới.
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 09/05/2018
"Đường dây mối chỉ liên quan vụ mất bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm sẽ giúp ông Trọng đưa thêm một số quan chức liên quan trong các mắt xích quyền lực mà Lê Thanh Hải thiết lập và nắm giữ trong các Bộ, ngành liên quan. Phù hợp chiến lược "ném chuột giữ bình" mà ông Trọng đang giữ lợi thế lựa chọn"
Ông Lê Thanh Hải
Khoảng tối lợi ích liên quan Lê Thanh Hải bị bóc dỡ chắc chắn không dừng lại ở Thủ Thiêm, dấu vết ở mảng địa ốc còn nhiều nơi khác. Trong đó vụ bức tử Tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ hoàn thiện kịch bản "đốt củi" Lê Thanh Hải tương đồng gần như nguyên mẫu vụ án Cốc Khai Lai – vợ Bạc Hi Lai – giết hại đàn em ở Trung Quốc".
Sau chiến thuật đưa Đinh La Thăng với suất ủy viên Bộ chính trị vào ghế Bí thư thành ủy thay Lê Thanh Hải ở thành phố kinh tế lớn nhất nước, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi một nước cờ cao tay một nước diệt hai xe. Sau khi đưa Đinh La Thăng vào tù chỉ sau một thời gian ngắn sau đó, giờ đây, Lê Thanh Hải cùng phe nhóm lợi ích nơi đây xem như đã không còn lối rẽ trước cửa lò mà ông Trọng đã mở. Dư luận đang nóng bỏng các bàn luận xung quanh vụ bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm – một khu đô thị đình đám, đóng vai trò điều tiết giá cả thị trường địa ốc toàn thành phố Hồ Chí Minh dưới dự bảo kê, dẫn dắt của Lê Thanh Hải – ông Vua sứ quân thành Hồ.
Nếu nói việc dành cho Đinh La Thăng một ghế trong Bộ chính trị để phe cánh Nguyễn Tấn Dũng yên tâm trở về "làm người tử tế" giúp ông Trọng rảnh tay củng cố quyền lực, chuẩn bị xây lò chống tham nhũng. Sau khi nắm vũng quyền lực, việc kéo Đinh La Thăng vào lò cho thấy chiến thắng này không chỉ giúp ông Trọng chặt cánh tay dài nhất của phe cánh Nguyễn Tấn Dũng còn để lại về mặt chính trị. Nay với khúc củi Lê Thanh Hải, dù đã buộc phải rời khỏi vị trí chính trị nhưng vẫn là sân kinh tế hùng hậu nhất trong các sân của nhóm lợi ích dưới trướng của cựu Thủ tướng Dũng. Từ đây, sau khi diệt được Lê Thanh Hải, ông Trọng sẽ dễ dàng loại bỏ những nhóm còn lại vốn ảnh hưởng quyền lực nhỏ hơn. Thời gian nắm ghế Bí thư thành ủy của Đinh La Thăng không lâu nhưng rất có thể cũng sẽ cho Đinh La Thăng cơ hội "hối cải" bằng những gì có được liên quan phe nhóm Lê Thanh Hải được trình ra, góp công để đưa Lê Thanh Hải vào lò.
Vụ bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bỗng nhiên mất tích ở tất cả mọi cấp từ trung ương tới địa phương, nhìn qua có vẻ đơn thuần chỉ là vấn đề hành chính. Nhưng nó cho thấy thế lực của các phe nhóm lợi ích không chỉ bành trướng và khống chế trong phạm vi quyền lực địa phương mà còn bao trùm cả nền chính trị cao nhất ở trung ương.
Cựu Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải không đơn giản là người đứng đầu một thành phố trực thuộc trung ương – nơi luôn là bước đệm cho những nhân sự được dự kiến qui hoạch vào thứ bậc quyền lực cao nhất là Bộ chính trị. Ngay từ những năm 2005, một sự kiện chìm trong vô vàn các bí mật cung đình của chính trị Việt Nam là việc Trung ương từng cử cựu Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khi đó vào thay thế Lê Thanh Hải (rút ra Hà Nội) nhưng ông Hùng đành nằm chơi xơi nước suốt, dành nửa tháng trời giao lưu với bạn hữu rồi về lại Hà Nội chỉ vì ông Hải… đi Thái Lan không chịu bàn giao.
Dư luận trong giới đỉnh cao thành Hồ khi đó rỉ tai nhau rằng Nguyễn Văn Đua (Ba Đua) lúc này nổi lên cũng là nhằm lăm le cơ hội trong cuộc đổi ngôi. Kết quả là ông Hùng sau đó qua nắm Chủ tịch Quốc hội, Lê Thanh Hải vẫn ung dung tại vị cho đến khi quá tuổi, hết nhiệm kỳ. Bản thân ông Đua sau cuộc đua không thành đã chấp nhận xếp hàng dưới tay của Lê Thanh Hải.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu mở màn cho "qui hoạch khu đô thị trung tâm Quận 2", nay là Khu đô thị Thủ Thiêm trong kế hoạch xây dụng chuỗi đô thị Thủ Thiêm-Nhà Bè. Có thể lấy đây là mốc thời điểm liên minh lợi ích giữa Lê Thanh Hải và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhóm tụ lại chính thức tung hoành vượt ra ngoài tầm khống chế của Bộ chính trị. Quyền lực ấy có được phần lớn là nhờ vào núi tiền thu được đã vùi lấp mọi ngõ ngách trong Chính phủ và cả Trung ương Đảng. Dẫn đến câu chuyện "không thể kỷ luật đồng chí X" đang dẫn dắt cả chế độ trong hai nhiệm kỳ của Nguyễn Tấn Dũng.
Những sai phạm hoặc những hệ lụy liên quan khu đô thị Thủ Thiêm đã nhiều người, nhiều thông tin nên không cần nói thêm. Nhưng điều ít ai biết là không chỉ bảo kê cho nhóm lợi ích ở phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải còn phủ bóng lên các tỉnh thành xung quanh khi mà các lãnh đạo các tỉnh thành khác phía nam trong suốt thời gian Lê Thanh Hải đương chức, hầu hết ít nhiều đều phải gõ cửa nhà Lê Thanh Hải để "tham vấn" trong những việc quan trọng, liên quan sinh mệnh trên con đường chính trị hoặc các quyết sách lớn ở địa phương.
Lê Thanh Hải thật sự là một sứ quân, là ông Vua mà ngay cả ông Dũng khi tại vị còn khó nói là ai quyền lực hơn ai. Chỉ dấu về "chứng tỏ quyền lực" giữa Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng là việc Nguyễn Thanh Phượng – con gái cưng đồng thời là tay hòm chìa khóa của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – khi bị văng ra khỏi Ngân hàng Bản Việt nhưng ông Hải đã không có bất cứ động thái nào. Khó nói phía sau đó là nước đi tín hiệu trong quan hệ giữa hai nhân vật này, nhưng rõ ràng đã có một chuyển dịch lớn về kinh tế từ Nguyễn Thanh Phượng, đưa Tập đoàn Sun Group nổi lên trong một khoảng thời gian nhanh bất ngờ ở phía Bắc mà dự án cáp treo Phan-Xi-Păng chỉ là một trong vô số kênh đầu tư đình đám của Tập đoàn này.
Đường dây mối chỉ liên quan vụ mất bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm sẽ giúp ông Trọng đưa thêm một số quan chức liên quan trong các mắt xích quyền lực mà Lê Thanh Hải thiết lập và nắm giữ trong các Bộ, ngành liên quan. Phù hợp chiến lược "ném chuột giữ bình" mà ông Trọng đang giữ lợi thế lựa chọn.
Khoảng tối lợi ích liên quan Lê Thanh Hải bị bóc dỡ chắc chắn không dừng lại ở Thủ Thiêm, dấu vết ở mảng địa ốc còn nhiều nơi khác. Trong đó vụ bức tử Tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ hoàn thiện kịch bản "đốt củi" Lê Thanh Hải tương đồng gần như nguyên mẫu vụ án Cốc Khai Lai – vợ Bạc Hi Lai – giết hại đàn em ở Trung Quốc.
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 06/05/2018
Điều chắc chắn là chính trường Việt Nam cuối năm 2018 và trong vài năm tới sẽ bước vào giai đoạn dữ dội nhất.
Đại án Công an, Quân đội : Cơn địa chấn chính trị Việt Nam bắt đầu
Sau một số vụ đại án liên quan lĩnh vực kinh tế, bắt đầu từ giới ngân hàng, doanh nghiệp sân sau.. giờ đây các đại án đang bùng lên ở cả 2 lực lượng vũ trang của chế độ là công an và quân đội với hàng loạt tướng tá bị bắt giữ với nhiều loại tội danh khác nhau. Điểm đáng chú ý không phải ở chức vụ cấp hàm của các bị can sa lưới mà vụ đại án liên quan Vũ "nhôm" bất ngờ lọt ra thông tin có người "bán thông tin cho Trung quốc" để lấy tiền đánh bạc. Loại tội danh này xưa nay luôn thuộc loại "bí mật quốc gia" và chưa có tiền lệ ở cấp cao trong cả 2 lực lượng công an và quân đội.
Nói về loại tội danh này, nhân vật bị đưa ra xét xử cao nhất vào năm 1980 là vụ xử ông Nguyễn Thúc Tuận – Nguyên Đại biểu quốc hội, Trưởng ty Thể dục thể thao tỉnh Bình Trị Thiên "can tội gián điệp", đã bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 18 năm tù xét xử ngày 11/12/1980 - nhưng vụ này bị cho là một vụ án oan do bị cáo luôn kêu oan tới nay vẫn không được xem xét lại. Các vụ án liên quan hoạt động tình báo dạng "tiết lộ thông tin" thì nhiều nhưng bị can đều nằm ngoài ngành hoặc nắm vị trí rất nhỏ. Các chứng cớ là "tài liệu bí mật" thường bị cho là không đủ cơ sở buộc tội.
Như vậy, việc một loạt các tướng tá cao cấp, thậm chí có người đứng đầu cơ quan an ninh, tình báo.. phạm tội liên quan lĩnh vực này cho thấy độ mục nát ở thượng tầng chế độ đến đâu. Đồng thời cũng vì thế sẽ chỉ ra cuộc chiến "chống tham nhũng" mà ông Trọng đang dẫn dắt có thể nói đã bắt đầu chạm đến vùng cấm cuối cùng của quyền lực. Đầu dây, mối nhợ phía sau những bị can này gắn liền với nhóm quyền lực cao nhất là nhân sự cấp Bộ chính trị. Đồng nghĩa không chỉ riêng cựu ủy viên Đinh La Thăng, chắc chắn không lâu nữa sẽ xuất hiện thêm các gương mặt lớn hơn nữa cũng sẽ bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Việc bóc gỡ mảng ung nhọt với loại tội danh từ tham nhũng quyền lực như vậy rất có thể sẽ mở ra cơ hội cho các đại án chính trị từng làm khuynh đảo chính trường Việt Nam trước đây như vụ "Tổng cục II" ; vụ gián điệp trong Bộ Tổng tham mưu tiết lộ tin tức cho Trung quốc trong cuộc chiến phía bắc… nhưng bị chìm xuồng được lật lại. Dấu vết liên quan rất rõ bởi không ai khác là chính các "ông trùm" ngay trong các cơ quan đầu não ngành an ninh, quân đội từ các đại án trong quá khứ đều ít nhiều là thế lực tạo dựng nên bộ máy tội phạm dạng này. Cũng không ai khác, các bàn tay quyền lực phủ bóng lên chính trường Việt Nam là tác giả của thủ đoạn sử dụng nghiệp vụ nhằm triệt hạ đối thủ, thâu tóm quyền lực trước đây hiện đứng sau điều hành mạng lưới tội phạm bị phanh phui hiện nay. Nói một cách khác, sẽ không chỉ là kẻ đang nắm giữ quyền lực, nhóm đối tượng quyền lực trùm mền kiểu như "thái thượng hoàng" mà các quan chức phe Đảng và truyền thông nói là "không hạ cánh an toàn" sẽ cùng nhau vào cái "lò đang cháy" trong cuộc chiến bước vào thời điểm dữ dội nhất.
Từ chiếc xe biển xanh trái qui định của Trịnh Xuân Thanh đã kéo toàn bộ cựu lãnh đạo PVN và Đinh La Thăng lãnh án. Từ hợp đồng mua bán đất công sản trái luật dẫn đến băng nhóm của Vũ "nhôm", Út "trọc", sắp tới là một số quan chức thành phố Hồ Chí Minh ; từ B.O.T sẽ lòi ra phe nhóm ngành vận tải ; các "sự cố cháy nổ" sẽ kéo phe nhóm địa ốc tới ghế bị cáo ; từ thất thoát tiền trong ngân hàng và vụ đánh bạc của tướng Vĩnh sẽ lộ ra đường dây rửa tiền của bất cứ ai, v.v.
Cuộc tấn công vào nhóm lãnh đạo cao cấp Bộ công an cho thấy ông Trọng đã nắm trong tay lực lượng an ninh ở cả Bộ công an và Bộ quốc phòng. Vấn đề còn lại là lực lượng này có đủ sức đối đầu khi các ông trùm sẽ phải chọn cách liên minh với nhau để chống lại hay không thì khó nói trước. Điều chắc chắn là chính trường Việt Nam cuối năm 2018 và trong vài năm tới sẽ bước vào giai đoạn dữ dội nhất.
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 23/04/2018
Sau những tranh cãi dữ dội xen lẫn với những phản biện của những người có tinh thần xây dựng cao nhất liên quan các đề xuất về thuế của Bộ tài chính, một trong những thứ vũ khí mà Bộ tài chính thường dùng là "thực hiện nghị quyết của Đảng ; chủ trương, chính sách của nhà nước…". Kết quả cuối cùng là những đề xuất mà Bộ tài chính đưa ra, nếu có một con số nguồn thu càng lớn thì càng sớm được áp dụng, bất chấp đời sống nhân dân, bất chấp mọi nguyên tắc mà chính "Đảng và nhà nước" thường rêu rao trước công chúng.
Nguồn thu từ các khoản thuế ở Việt Nam đi đâu ?
Trong một bài viết, không thể đo đếm hay phân tích hết hơn 400 loại thuế, phí ở Việt Nam tạm thời chỉ phân tích vài khoản thu liên quan gần gũi nhất với đề xuất thu thuế tài sản của Bộ tài chính vừa đưa ra.
Thuế chồng thuế, nhưng thuế ở Việt Nam dùng làm gì ?
Cách đây hơn 10 năm, Bộ tài chính đề xuất khoản thu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhân theo hệ số khu vực và biểu giá đất khu vực đã giúp "Đảng và nhà nước" thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là lúc mà các khẩu hiệu "nộp thuế là vinh quang ; nộp thuế để phát triển đất nước ; nộp thuế là yêu nước…" tràn ngập trên mỗi cung đường, góc phố hay cơ quan, trường học trên cả nước. Cùng với các khẩu hiệu, đây cũng là lúc xuất hiện ồ ạt các cuộc lo lót, chạy chỗ, chạy ghế nóng nhất trong chế độ từ trước tới nay. Con số hàng trăm ngàn tỷ mỗi năm khi đó là một con số làm nức lòng những nhà lãnh đạo đang say sưa với cuộc mua quan bán chức để đẻ ra bộ máy hành chính cống có số lượng nhân sự đồ sộ bậc nhất thế giới. Mặt khác, tăng thu để nuôi bộ máy nhưng chính bộ máy ấy lại là lý do để tiếp tục lý giải nguyên nhân lạm chi của mà nhà nước đưa ra để giải thích về khoản nợ vay nước ngoài - còn gọi là nợ công - khổng đồ ngày càng đè nặng lên vai người dân. Tất cả đều được lấp liếm bởi kiểu lập lờ đánh lận con đen là "sử dụng thuế cho đầu tư phát triển" bề nổi được chỉ ra là các công trình đầu voi đuôi chuột.
Bản chất thuế tại Việt Nam
Trên thực tế, những con đường ngàn tỷ đều được công khai là vay vốn ODA, một số là do các hợp đồng B.O.T cũng vay từ chính nguồn thu phí giao thông mà đến đứa trẻ vừa lọt lòng chưa chạm chân xuống đất đã phải đóng. Không chỉ tiền phí giao thông đã nộp, người dân tiếp tục gánh thêm khoản nợ công mà "đảng và nhà nước" tự thay dân đi vay qua các hợp đồng vay từ nước ngoài nhưng vẫn phải tiếp tục một lần nữa vẫn phải móc tiền ra trả phí B.O.T khi sử dụng con đường hình thành từ chính nguồn vốn mình đã bỏ ra (!). Những cao ốc, chung cư mọc lên thực ra là khoản tiền thu được mà các đại gia bằng các móc nối, lợi ích nhóm đẩy dân ra ngoài bằng đền bù với giá rẻ mạt, sau đó đẩy giá ảo lên để thu lợi cũng từ túi tiền còm cõi của người dân. Trường học, bệnh viện đúng là có xây thêm nhưng thực chất người dân phải trả qua các khoản thu từ đủ các loại phí, muc thuốc với giá cắt cổ và ban đầu lại cũng được hình thành từ vốn vay, tiền đóng góp khác dù chất lượng ngày càng tồi tệ mà không có bất cứ ngôn từ nào có thể miêu tả đúng nghĩa.
Như vậy hơn 400 loại thuế, phí mà người dân Việt Nam phải trả theo "chủ trương của Đảng và nhà nước" được dùng vào đâu nếu không phải chỉ sử dụng để nuôi bộ máy nhân sự của "đảng và nhà nước" ? Người ta thường nói và biết tới sự sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhưng ít ai biết được rằng nguồn vốn của các tập đoàn này cũng là tiền thuế của dân và các khoản vay mà các tập đoàn này để lại sau thua lỗ cuối cùng cũng chính dân sẽ phải trả. Những đại án tham nhũng được phanh phui dù chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhưng nó quá đủ để chỉ ra rằng : Các tập đoàn nhà nước ngoài việc chiếm giữ tài nguyên của đất nước để trục lợi thì đây cũng là nơi để rửa khoản tiền thuế mà dân đóng góp nhằm "phát triển đất nước" sang túi riêng cá nhân trong các phe nhóm lợi ích xâu xé.
Gần đây hơn một chút là vụ thuế xăng dầu được ẩn sau lý do "bảo vệ môi trường" nhưng thực chất chỉ là vừa nhằm tăng thu và để cứu phe lợi ích liên quan các dự án xăng sinh học đã chết. Bởi nếu để bảo vệ môi trướng, không hề có cơ sở khoa học nào chứng minh xăng R92 pha etanol giảm khí thải bao nhiêu. Nếu để bảo vệ môi trường, "đảng và nhà nước" đã không để mặc cho thép Formosa giết chết biển, hàng trăm, hàng ngàn dự án, nhà máy xả thải khắp nơi mà dân khiếu kiện được trả lời bằng những án tù ! Từ nông thôn tới thành thị, từ bãi rác đến nhà máy mọc ra ở đâu thì người dân khổ sở ở đó. Khiếu nại, phản đối thì đã có hàng loạt tội danh hình sự được chụp lên để bịt miệng dân. Thực tế ấy lý giải cho mục đích "bảo vệ môi trường" thực chất nó là gì khi mà giá xăng dầu thế giới đang thấp hơn, thậm chí là đang giảm nhưng thuế xăng xầu Việt Nam vẫn tăng, nó cũng là lý do tại saoBộ tài chính và Bộ công thương kiên quyết không công khai cách tính giá cơ sở bất chấp mọi thứ miễn sapo thu được tiền của dân.
Với đề xuất thu thuế tài sản là nhà ở và xe có giá trị từ 1,5 tỷ trở lên vừa công bố. Khoản thuế đưa ra cũng bằng một cách tính thuế mà chỉ một mình chế độ của "đảng và nhà nước" ở Việt Nam mới có. Cũng như tất cả những đề xuất thuế được ví von rất hình tượng "thu thuế như vặt lông vịt, phải vặt làm sao để vịt nó không kêu toáng lên". Kịch bản đề xuất rồi úp mở nói "chưa xem xét", sau đó là một ê líp lãnh đạo thông qua truyền thông bắt đầu tung hỏa mù, thậm chí đưa ra những lý luận mà dân gian giờ gọi tên thành câu cửa miệng là của loại người "lú lận ; không có não" để bịt mồm, phớt lờ "vịt" kêu hay khóc.
Chung giọng với đề xuất thuê thuế tài sản lần này, trên phapluatonline ngày 18/4/2018 đăng tải bài phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Với cương vị của mình, phát ngôn của ông Kiên thì dư luận cần hiểu rằng : Quốc hội đã đồng ý. Bởi vì Ủy ban kinh tế của Quốc hội chính là cơ quan xem xét và quyết định các đề xuất liên quan tiền bạc, kinh tế cấp quốc gia. Đồng thời, với danh nghĩa "đại diện cho dân" của Quốc hội, phát ngôn của ông Kiên tương tự như thông tin "hầu hết người dân đồng ý và ủng hộ" qua vụ thuế xăng dầu đã được áp dụng. Điều đó có nghĩa, gần như không có kịch bản nào để thay đổi kế hoạch thu thuế tài sản đang gây tranh cãi dữ dội củaBộ tài chính - theo dự kiến là sẽ áp dụng vào năm 2020. Đáng nói hơn, phát biểu của ông Kiên lại phơi bày thêm những kiểu lý luận trơ trẽn chưa từng có ở tổ chức "đại diện cho dân" này.
Có thể tóm tắt các ý chính trong trả lời phỏng vấn của ông Kiên như sau : Việc thu thuế tài sản là bình thường ; người dân cần thay đổi nhận thức không cần sở hữu nhà ; thu thuế nhà không khác đi đường cao tốc phải trả phí, v.v.
Xuyên suốt bài trả lời phỏng vấn, ông Kiên cũng vòng vo đưa ra các câu dẫn luận mang tính ám chỉ lấp lửng về "các nước khác" nhằm biện minh cho việc thu thuế tài sản là "bình thường" nhằm lấp liếm đi cái "bất bình thường" nhưng bản thân ông Kiên lại không đủ nhận thức để che giấu ngay chính trong câu trả lời của mình nếu không nói là không biết gì, nói lấy được !
Nó bộc lộ những bản chất vừa tàn bạo, vừa thô lỗ, bất nhân khi lấy dẫn chứng về một khuynh hướng của một số rất ít người ở các nước tiên tiến dù có đủ điều kiện nhưng không muốn mua nhà mà để tiền đi chơi, đi du lịch cho thỏa mãn sở thích cá nhân nhằm che giấu sự thật là kiểu thu thuế tài sản mà ở Việt Nam màBộ tài chính đưa ra là đẩy người dân tới bần cùng hóa, có muốn cũng không thể mua nhà để ở. Thực chất, những cá nhân thiểu số rất ít ở nước ngoài không muốn mua nhà dù họ dành tiền đi chơi nhưng họ vẫn có nhà để ở - đó là nhà xã hội mà chính phủ của họ đã trích tiền thuế ra để xây cho chứ không phải họ không có nhà.
Sẽ rất khó đưa ra những ý kiến phản biện mang tính xây dựng với những cách đưa ra chính sách trong chế độ hiện nay. Cũng rất khó để đưa ra tiếng nói mang tính trao đổi một cách thiện chí với những phát biểu kiểu như ông Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra vì mọi ý kiến đều bị xem như như một ý đồ đối nghịch. Những bản án dành cho những người bất đồng chính kiến là minh chứng không cần phải tranh luận.
Kết quả của sự dối trá và tán ác là sự khinh ghét, thù hận. Một chế độ mà bộ máy gồm những kẻ hợp lại thành ê kíp bất nhân và trơ trẽn như vậy thì qui luật nhân quả sớm báo ứng nhãn tiền dù có tàn ác đến đâu cũng không thoát được trừng phạt của lịch sử.
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 20/04/2018
Bài viết liên quan :
http://www.vietnamthoibao.org/2018/04/vntb-thu-thue-nha-bo-tai-chinh-ay-oi.html
http://www.vietnamthoibao.org/2018/04/vntb-che-o-thu-cung-diet-tan-700-trieu.html
Nguồn tham khảo :
http://plo.vn/kinh-te/ong-nguyen-duc-kien-danh-thue-tai-san-cung-binh-thuong-thoi-765894.html
"Đề xuất của Bộ Tài chính chỉ nhằm đánh vào số đông người thu nhập thấp để có nguồn thu tối đa chứ hoàn toàn không nhằm mục đích điều tiết, phát triển kinh tế xã hội".
Trụ sở Bộ Tài chính - Ảnh minh họa
Cách đây không lâu, khi Bộ Tài chính xây dựng đề xuất nâng thuế xăng dầu, người viết đã chỉ ra sự bất cập trong phương cách quản lý kinh tế của Bộ tài chính qua việc xây dựng chính sách thuế. Một trong những ví dụ đưa ra là chính sách tăng thuế chuyển mục đích sử dụng đất thời kỳ tăng trưởng nóng. Thực tế đã chứng minh : Bộ Tài chính đã thu được một số tiền đáng kể qua tăng thuế chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng đã góp phần không nhỏ đến việc đẩy giá đất lên quá cao. Dẫn đến cú vỡ bong bóng gây ra hệ lụy khủng khiếp cho nền kinh tế mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Thật bất ngờ sau khi cùng với Bộ Công thương, nhất quyết không chịu minh bạch cơ sở tính thuế xăng dầu. Buộc người dân phải chấp mức giá bao gồm khoản thuế ngất ngưởng, bất chấp phản ứng từ dư luận. Trơ trẽn hơn, một số quan chức còn đưa ra một kết luận ngược đời"tăng thuế có lợi cho dân" (!) Có vẻ như Bộ Tài chính sau khi thành công ép dân mua xăng dầu giá cao, tiếp tục thản nhiên thách thức dư luận, thách thức lòng dân bởi được sự chống lưng"thực hiện theo nghị quyết của Đảng"thì hôm nay lại thừa thắng xông lên - tiếp tục đề xuất thu thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Cũng tương tự vụ tăng thuế xăng dầu. Bộ Tài chính đang đứng ngoài những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ổn định, phát triển kinh tế nếu không nói là đang đưa ra những chính sách đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ. Đề xuất thu thuế nhà của Bộ Tài chính vừa đưa ra tiếp tục thêm một dẫn chứng cụ thể.
Nhìn qua, có thể nói rằng chính sách thu thuế nhà là một khoản thuế bình thường mà hầu như tất cả mọi quốc gia đều thực hiện.Chưa cần bàn tới mức thuế cao hay thấp ở các quốc gia. Hãy xét đến khía cạnh chung và lý do thu thuế nhà ở.
Việc thu thuế nhà ở, ngoài tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Nguồn gốc xây dựng chính sách thu thuế nhà ở được các nhà hoạch định chính sách lý luận : Dân số sẽ luôn tăng, trong khi đất thì không tăng. Việc sử dụng đất vào mục đích xây dựng nhà ở dần sẽ đến lúc đối mặt khó khăn là không có quỹ đất cho dân số mới trong tương lai. Từ lý luận này, các chế độ nhà nước đã quyết định thu thuế đất ở, nhằm khuyến khích việc sử dụng đất để xây dụng nhà ở một cách tiết kiệm nhất. Việc thu thuế nhà ở trên thế giới chỉ thu ở hai nội dung : Thứ nhất là nhà xây dựng với mục đích thương mại, phát sinh thuế khi chuyển nhượng nhà ở, chỉ thu thuế đất ở vượt định mức tiêu chuẩn đất ở. Đối với nhà ở được qui là nhà thương mại, thực chất là loại nhà nằm ngoài mục đích sử dụng để ở chứ không chỉ riêng nhà dung để kinh doanh. Chẳng hạn luật Mỹ thì nhà mà hộ gia đình đang sử dụng để ở, có diện tích xây dựng bằng hoặc dưới mức qui định về tiêu chuẩn đất ở cho mỗi người trong hộ thì được miễn thuế. Việc áp dụng cũng khá linh động, hầu hết chỉ thu ở những căn nhà có diện tích đất phụ thuộc liên quan nhà ở (vườn, đất khuôn viên...) quá lớn. Nếu sở hữu căn nhà thứ hai trở lên thì bất kể lớn nhỏ đều phải nộp thuế nhà. Áp dụng như vậy, luật pháp đảm bảo được mấy vấn đề : Tôn trọng quyền được có chỗ ở và sử dụng chỗ ở để tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội khác. Thực chất là thu thuế đất ở chứ không phải là nhà. Gần như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều có cách tính như vậy.
Tại Việt Nam, từ thời Pháp đã thu thuế đất ở, gọi là"thuế điền thổ". Tất nhiên cũng tính trên giá trị đất, hạng đất chứ không thu trên nguyên tắc tính giá nhà. Trong chế độ hiện nay",thuế điền thổ" đã được thu từ lâu với tên mới là"thuế đất thổ cư". Vậy, việc đề xuất thu thuế nhà từ 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra dựa trên nguyên tắc nào ? Vì mục đích gì ? Câu trả lời ngắn gọn : Chỉ theo nguyên tắc ở Việt Nam, mục đích duy nhất là tăng thu ngân sách.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc thực hiện khoản thu này nó ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội Việt Nam ra sao ?
Nếu nói rằng : Kinh tế phát triển thì người dân có trách nhiệm cùng nhà nước chia sẻ khó khăn qua các khoản đóng góp của mình. Nhưng kinh tế người dân Việt Nam lại chưa phát triển bởi vì đã gánh quá nhiều các khoản thuế phí. Kinh tế, văn hóa, chính trị tụt hậu quá xa với thế giới bởi bộ máy chế độ không có chính sách phát triển kinh tế hữu hiệu. Nhằm củng cố quyền lực và cuộc tranh đoạt các lợi ích cá nhân cho bộ máy cầm quyền nên tỷ lệ người dân phải nuôi công chức cao đứng đầu thế giới. Việc tăng thuế, đưa thêm các khoản thuế mới vào để thu, tất nhiên sẽ làm cho đời sống, kinh tế người dân ngày càng khốn khó là điều đương nhiên.
Nhà ở có giá trị trên 700 triệu sẽ phải nộp thuế tài sản sẽ khiến đời sống người dân chồng thêm khó khăn !
Điều nguy hại hơn, việc thuê thuế nhà theo đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra không phải mới mà là thuế chồng lên thuế. Vì đề xuất tính giá nhà không phải tính trên giá trị phần xây dụng mà tình trên"giá trị giao dịch thị trường" - nghĩa là bao gồm cả nhà và đất. Thực tế, giá trị nhà đất nói chung trên toàn quốc, ngoại trừ nhà ở nông thôn thì giá trị nhà bao gồm đất có giá trị dưới mức từ 700 triệu đến 1 tỷ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Ước tính có khoảng trên 80% nhà ở trên toàn quốc sẽ là đối tượng phải chịu thuế nếu được phê chuẩn.
Trong khi giá trị này tất nhiên là giá bao gồm cả giá trị ảo được hình thành từ giai đoạn bùng nổ địa ốc trước đây đã nói ở phần trên. Nó đồng nghĩa : Một căn nhà hiện đang sử dụng sẽ là đối tượng của ít nhất 3 loại thuế : Thuế đất thổ cư ; thuế chuyển nhượng ; thuế nhà ở. Nếu tính cả các loại thuế phí khác đã thu trước khi căn nhà được hình thành thì có khoảng trên dưới chục loại (vật liệu xây dựng ; thi công ; chuyển mục đích sử dụng đất ; chuyển nhượng đất.v.v.).
Ở một nội dung liên quan khác, Bộ Tài chính lại tìm cách lươn lẹo, né tránh việc thu thuế nhà thứ 2 vốn hợp lý và tác động ảnh hưởng tới xã hội thấp hơn nếu không nói là tích cực và công bằng hơn. Nó chỉ ra rằng, khoản thu này cũng tương tư việc tăng thu thuế xăng dầu : Đề xuất của Bộ Tài chính chỉ nhằm đánh vào số đông người thu nhập thấp để có nguồn thu tối đa chứ hoàn toàn không nhằm mục đích điều tiết, phát triển kinh tế xã hội.
Thật là mỉa mai khi chỉ cách đây mấy ngày, đương kim Thủ tướng vừa đặt ra câu hỏi :"Tại sao nông dân không giàu ?" ( !)
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 16/04/2018
"Cái được trong chính trị sự kiện 1975 là đất nước được thống nhất. nhưng cái mất, cái giá phải trả quá đắt không phải bởi con số thương vong hay tính chính danh của bên nào trong cuộc chiến mà là ở cái hậu quả dẫn đến đất nước dần bị tụt lùi với nhân loại bởi thể chế cộng sản được dẫn dắt bởi một nhóm người nắm giữ quyền lực chỉ biết đến lợi ích của phe nhóm chính trị cầm quyền. Triệt tiêu cơ hội phát triển và tước đoạt những quyền lợi cơ bản nhất của con người".
Biểu ngữ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam trước Dinh Thống Nhất
Cuộc chiến lịch sử Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975 đã sắp chạm mốc tròn 43 năm. Dư luận và xã hội đã có không ít những ý kiến mổ xẻ, thậm trí là tranh cãi nhau, đối nghịch nhau trên quan điểm nhìn nhận tính cần thiết, tính chính nghĩa và kết quả để lại của nó. Là một dấu ấn lịch sử của đất nước, đương nhiên nó cũng để lại không ít đau thương và cả những phân vân, day dứt trong lương tâm những người dân Việt không chỉ từng tham gia hoặc sống trong thời kỳ chiến traanh giữa hai miền Bắc-Nam. Các thế hệ trẻ ngày nay cũng bị những thông tin trái chiều dẫn vào cuộc xung đột ý thức hệ đến mức mâu thuẫn gay gắt, nhất là khi phong trào đòi dân chủ đang ngày càng phát triển. Điều này là tất yếu, có ý nghĩa tích cực khi qua đó mọi người sẽ được thỏa mãn quyền đòi hỏi sự minh bạch và sự đúng đắn trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân trong một đất nước.
Tuy nhiên, rất hiếm thấy những kiến giải không bị thiên vị bởi quan điểm chính trị khi đánh giá về sự kiện lịch sử này. Điểm then chốt gây ra các nhận định dẫn đến xung đột chính là ở cách đánh giá theo cách "qui mọi trách nhiệm cho một vấn đề" chứ không phải là cách đánh giá logic liên quan dẫn đến vấn đề. Cụ thể, đối với cuộc chiến 1975 : Có một số người đổ lỗi cho nguyên nhân là Mỹ - quốc gia hậu thuẫn cho chế độ Việt Nam cộng hòa tại miền Nam – đã thiếu tỉnh táo, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân Bắc Việt (Việt cộng). Một số khác thì qui cho phía Bắc Việt lật lọng, không tuân thủ Hiệp định Paris, thống nhất bằng Tổng bầu cử. Một số khác thì chỉ cần kết luận đơn giản : Cộng sản là xấu, Việt Nam Cộng Hòa mới là tốt, v.v.
Còn rất nhiều lý do và nội dung khác liên quan có thể tìm thấy trên mạng xã hội. Nhưng nếu rút gọn lại các tranh cãi thì không khó để nhận ra hầu hết đều nặng tính thiên vị, một chiều chứ không có cái nhận xét tổng thể trên góc độ chính trị với ngay cả những người đang hoạt động đấu tranh chính trị, đòi hỏi xã hội dân chủ hiện nay.
Nếu khách quan và công bằng một chút, sẽ không khó để kiểm chứng và đưa ra những nhận xét chính xác cho các bên. Tạm tóm tắt sơ lược mấy dấu ấn quan trọng, có thể là nhỏ về độ ảnh hưởng nhưng có liên quan mật thiết đến việc kết luận về sự kiện lịch sử này :
Ngày 26 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm – Thủ tướng Quốc gia Việt Nam sau cuộc trưng cầu dân ý, sau đó phế truất Quốc trưởng Bảo Đại – sống lưu vong tại Pháp - trở thành Tổng thống đầu tiên ở Nam Việt Nam. đây được xem là dấu mốc ra đời nhà nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, còn gọi là Đệ nhất Cộng hòa. Mặc dù thiết lập quan hệ với 77 nước, được Mỹ hậu thuẫn nhưng năm 1957, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đệ trình hồ sơ gia nhập Liên hợp quốc đã thất bại vì bị Liên Xô phủ quyết với lý do "không công nhận nhà nước chính trị ở Việt Nam khi chưa tiến hành bầu cử theo Hiệp định Genève".
Năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm chính thức xác nhận bằng tuyên bố từ bỏ tổng tuyển cử theo Hiệp định Gevène năm 1954. Sau này, nhiều người vẫn qui kết ngược lại là do phe cộng sản bội ước. Kết luận như vậy không những chỉ sai với thực tế mà còn phiến diện vì đã không hiểu rằng : Ông Diệm tuyên bố từ chối tổng tuyển cử để thống nhất trong hòa bình vì ông biết rõ Việt Nam Cộng Hòa sẽ thất bại vì nếu tiến hành bầu cử, miền Bắc chiếm ưu thế tuyệt đối bởi dân cứ đông gấp khoảng hai lần dân số miền Nam lúc đó. Tất nhiên, cũng chính việc nắm giữ lợi thế này mà phe miền Bắc đã luôn đòi Tổng tuyển cử. Tuyên bố của ông Diệm tiếp tục được làm lý do chính trị biện minh cho việc giải phóng miền Nam bằng quân sự sau này.
Quyết định hủy bỏ Tổng tuyển cử của ông Diệm, xét trên khía cạnh chính trị là đúng đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam tại thời điểm và trong bối cảnh lúc đó. Nhưng ông Diệm phạm một sai lầm lớn là đã thực hiện chính sách Ấp chiến lược và nhằm kiểm soát chặt chính trị bằng đạo luật 10/59. Vô tình dẫn đến cơ sở cho Mặt trận giải phóng Miền Nam dưới sự dẫn dắt của phe Bắc Việt ngay trong lòng chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam có lý do chính đáng để phát động đấu tranh, đồng thời được hậu thuẫn bởi Liên-xô ; Trung quốc để trở thành lực lượng chính trị thứ 3 được quốc tế công nhận tại Việt Nam. Tiếp tục giành ưu thế lợi thế biểu quyết cho các đàm phán chính trị sau này.
Về vấn đề liên quan yếu tố của Mỹ : Ban đầu, chính phủ của ông Ngô Đình Diệm nhận được sự ủng hộ mạnh của Mỹ bởi chung mục tiêu ngăn chặn làn sóng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á. Nhưng cũng chính chính sách dồn dân vào ấp chiến lược ; đạo luật 10/59 và hành động thẳng tay với Phật giáo của ông Diệm đã khiến người Mỹ phải quay lưng với ông vì phạm vào điều nhạy cảm nhất với chính trị Mỹ - Vấn đề nhân quyền. Đỉnh điểm của hệ lụy từ sai lầm chính trị này gắn thêm nhiều vấn đề khác đã dẫn đến việc người Mỹ quay lưng lại với ông Diệm. Từ đó dẫn đến kết cục bi thảm cho chế độ của ông Diệm bị đảo chính năm 1964, mở ra thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa, cuối cùng là kết thúc bằng sự kiện 30/4/1975.
Trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ. Chúng ta có thể kết luận Việt Nam Cộng Hòa thất bại có một phần nguyên nhân do Mỹ đã không mạnh tay, cương quyết hơn trước 1975 ở Việt Nam. Nhưng nếu lấy đó làm lý do chính thì sẽ tiếp tục là một sai lầm vì trong chính trị, yếu tố thành bại đôi khi vì những lý do rất nhỏ nhặt chứ chưa hẳn nhất thiết phải bởi từ một vấn đề nghiêm trọng. Cái được trong chính trị sự kiện 1975 là đất nước được thống nhất. Nhưng cái mất, cái giá phải trả quá đắt không phải bởi con số thương vong hay tính chính danh của cuộc chiến mà là ở cái hậu quả dẫn đến đất nước dần bị tụt lùi với nhân loại bởi thể chế cộng sản được dẫn dắt bởi một nhóm người nắm giữ quyền lực chỉ biết đến lợi ích của phe nhóm chính trị cầm quyền. Triệt tiêu cơ hội phát triển và tước đoạt những quyền lợi cơ bản nhất của con người.
Ngày này 43 năm trước, "Chiến dịch Hồ Chí Minh" của phe Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã bắt đầu khởi động bằng các cuộc tấn công chiếm lĩnh những địa điểm trọng yếu ở miền Đông và miền Tây Nam bộ. Những dòng này thay cho nén nhang tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, trải xương máu trong quá khứ bi hùng của đất nước, dân tộc. Hi vọng mỗi người con dân nước Việt dám nhìn thẳng vào sự thật để mạnh mẽ và tìm được những giải pháp đúng đắn cho hành động dấn thân đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn. Không tái diễn những tranh cãi dẫn đến sự chia rẽ khi đi chung trên con đường hướng tới tương lai của đất nước.
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 12/04/2018
Nếu nói những thảm họa mà Formosa Hà Tĩnh đã gây ra là thiệt hại cho cả đất nước về kinh tế thì sự ảnh hưởng của Formosa lên luật pháp trên khía cạnh chính trị thì Formosa Hà Tĩnh là một đế chế chi phối chế độ chứ không còn thuần túy là một doanh nghiệp được ưu ái đặc biệt".
Thông tin Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường sửa qui chuẩn quốc gia Việt Nam để cho phép Formosa tiếp tục nâng công suất và duy trì hành động xả thải gây ô nhiễm môi trường đang làm nóng lên một dư luận mới về doanh nghiệp nước ngoài đầy tai tiếng sau vụ đầu độc môi trường biển năm 2015.
Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi Formosa Hà Tĩnh đặt bản doanh
Nhìn trên khía cạnh pháp lý. Đây là lần thứ 3, để bảo vệ Formosa Hà Tĩnh, chính quyền bỏ qua 4 luật.
- Lần thứ 1 : Ngay khi mới tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Formosa đã là trường hợp "đặc biệt" khi nằm ngoài Luật Đầu tư nước ngoài ( tại thời điểm đăng ký đầu tư). Lần xé luật này, Formosa Hà Tĩnh là một doanh nghiệp đầu tư tiến hành đầu tư với qui mô, công nghệ khác với nội dung dự án đầu tư ban đầu nhưng vẫn được chấp nhận, thay đổi công nghệ bằng công nghệ lạc hậu mà thế giới đang loại bỏ nhưng không hề bị xử lý, thu hồi giấy phép đầu tư mà luật đã qui định.Chưa nói các ưu đãi vượt bậc mà chỉ riêng Formosa mới có.
- Lần thứ 2 : Sau vụ ô nhiễm môi trường biển ở mức tầm cỡ thế giới nhưng chính quyền cùng lúc xé hai Luật là Luật Khiếu nại tố cáo ; Luật dân sự khi loại nạn nhân vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa khỏi tiến trình khiếu nại, tố cáo Formosa. Không thụ lý, giải quyết đơn kiện của ngư dân, bất chấp phản ứng của người dân cả nước. Bỏ qua Luật dân sự khi tự đứng ra thỏa thuận mức bồi thường mà không cần ý kiến của nạn nhân trực tiếp và cả không cần một thống kê, đánh giá mức thiệt hại một cách minh bạch.
- Lần thứ 3 : Chính việc Tổng cục môi trường sửa qui chuẩn xả thải để mở đường cho Formosa nâng công suất hoạt động. Formosa Hà Tĩnh tiếp tục được chính quyền xé bỏ Luật môi trường bằng cách sửa Tiêu chuẩn khí thải 2013 và nâng qui chuẩn tham chiếu oxy từ 7% lên 15%. Mặc dù Tiêu chuẩn khí thải 2013 là một bộ tiêu chuẩn 2013 không chỉ là một thành phần quan trọng trong Luật môi trường Việt Nam mà nó còn liên quan các cam kết, thỏa thuận về môi trường của Việt Nam với quốc tế trong quá trình đàm phán gia nhập thị trường thế giới.
Điều đáng chú ý hơn trong động thái sửa luật vì Formosa của Tổng cục môi trường xảy ra ngay thời điểm Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh có văn bản tại công văn số 3384 ký ngày 6/11/2017 gửi Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị xem xét, chỉ đạo việc Formosa Hà Tĩnh đang xả khí thải vượt ngưỡng QCVN 51:2013. Về công văn báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh, tuy dẫn chiếu "kết quả quan trắc khí thải hàng ngày tại Dự án Formosa Hà Tĩnh của Viện Công nghệ Môi trường trong năm 2017 cho thấy thông số SO2 và NOx liên tục vượt quy chuẩn quốc gia về khí thải : Ngày 2/7 vượt 1,07 lần ; ngày 24/7 vượt 2,47 lần ; ngày 26/7 vượt 2,13 lần ; ngày 23/8 vượt 1,6 lần ; ngày 21/8 vượt 1,59 lần ; ngày 23/9 vượt 1,71 lần ; ngày 26/9 vượt 1,84 lần ; ngày 27/10 vượt 2,03 lần". nhưng cũng kèm theo một bảng tính toán mức độ ô nhiễm qui chiếu cho hai mức tham chiếu oxy là 7% và 15%. Từ đó rút ra kết luận nếu theo mức 15% thì mức xả thải của Formosa "nằm trong qui định" (!?).
Báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường Hà
Để "hợp thức hóa" việc điều chỉnh mức xả thải cho Formosa. Bộ Tài nguyên và môi trường còn đưa ra một qui định vòng vo đối với tiêu chuẩn khí thải ngành thép. Theo thông tin trên motthegioi.vn thì "Bộ Tài nguyên và môi trường đang giao Tổng cục Môi trường biên soạn một quy chuẩn kỷ thuật quốc gia mới (QCVN 51 : 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, thay thế quy chuẩn của năm 2013 (QCVN 51:2013/BTNMT). Theo dự thảo quy chuẩn mới cơ bản giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, nhưng lại thay đổi hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51:2013) lên 15% (QCVN 51:2017). Dự thảo này có đoạn : "Hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải : Đối với các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới : 7%, các cơ sở còn lại : 15% ; kể từ ngày 1/1/2020, tất cả các cơ sở áp dụng giá trị 7%". Biến Formosa từ đối tượng đang vi phạm thành trường hợp không phỉ chịu trách nhiệm do đã hợp thức hóa theo qui định mới (!).
Luật là văn bản pháp lý thể hiện chủ quyền, phạm vi chi phối hiện hữu của một chế độ trên một quốc gia. Việc xuất hiện một doanh nghiệp đứng ngoài cả luật, theo túng đến mức buộc chế độ sửa luật để đứng ngoài mọi trách nhiệm pháp lý như Formosa cho thấy một lợi ích nhóm không hề nhỏ nếu không nói là vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa cả tính chính danh của chế độ khi nó có thể chi phối cả luật.
Nếu nói những thảm họa mà Formosa Hà Tĩnh đã gây ra là thiệt hại cho cả đất nước về kinh tế thì sự ảnh hưởng của Formosa lên luật pháp trên khía cạnh chính trị thì Formosa Hà Tĩnh là một đế chế chi phối chế độ chứ không còn thuần túy là một doanh nghiệp được ưu ái đặc biệt.
Ai đứng sau Formosa ? Các lãnh đạo cao nhất của chế độ có đánh giá những gì xung quanh Formosa Hà Tĩnh công khai như vậy là những chỉ dấu bất thường trên khía cạnh quyền lực thể chế là luật pháp ?