Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam phong tỏa Thành phố Hồ Chí Minh vì Covid

Thụy My, RFI, 09/07/2021

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ có khoảng 8.000 ca dương tính trong đợt dịch mới (27/04 đến 06/07). Riêng trong ngày 08/07 Việt Nam ghi nhận thêm 645 ca dương tính trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có đến 481 ca.

thanhuy1

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là tâm đợt dịch mới do Covid-19 gây ra.  Manan Vatsyaya AFP/File

Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong tuyên bố chính quyền buộc phải có những biện pháp cứng rắn hơn để có thể nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, "hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và sự phát triển lâu dài". Trước đó phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kêu gọi Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao thêm một mức giãn cách xã hội.

AFP dẫn tin từ truyền thông trong nước cho biết, với "giãn cách theo Chỉ thị 16", người dân chỉ có thể ra khỏi nhà để mua thực phẩm hoặc thuốc men. Cư dân từ hôm qua đã đổ xô đi mua hàng, trong lúc ba trong số các chợ đầu mối lớn nhất đã bị đóng cửa. Các hoạt động không thiết yếu đều bị ngưng, xe ôm bị cấm trừ người đi giao hàng, cấm luôn việc bán thức ăn mang về, gia tăng nguồn hàng thực phẩm cung ứng.

Có ít nhất 10 tỉnh ngưng đường bay đến Sài Gòn. Theo thông tin mới nhất, tỉnh Đồng Nai tối ngày 08/07 cũng quyết định "giãn cách theo Chỉ thị 16" từ 0 giờ ngày 09/07 như Sài Gòn.

Trên 80 ca dương tính được ghi nhận tại trại giam Chí Hòa, cả quản giáo lẫn phạm nhân đều nằm trong số người bị lây nhiễm. Những phát súng được nghe thấy tại nhà tù này từ hôm thứ Ba 06/07 nhưng hãng tin Pháp không rõ lý do. Theo báo Công an Nhân dân, một số can phạm "kích động gây rối" và công an thành phố đã điều động lực lượng để " ổn định tình hình ", chuyển một số phạm nhân về trại khác ở Củ Chi. Báo chí Nhà nước cho biết thêm, tối 03/07 có một phạm nhân tạm giam tại Chí Hòa bị nhiễm virus corona và tử vong tại bệnh viện.

Cũng theo AFP, ban đầu Việt Nam là kiểu mẫu chống dịch Covid, tuy nhiên hiện nay Việt Nam gặp khó khăn trong việc mua vac-xin và tung ra chiến dịch tiêm chủng. Bộ Y tế cho biết quốc gia 100 triệu dân này chỉ mới có được 4 triệu liều vac-xin.

Riêng về các hoạt động từ thiện như phát cơm giúp người nghèo, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng vẫn được phép nếu bảo đảm yêu cầu, không tụ tập quá hai người. Trả lời RFI Việt ngữ, bạn Nguyễn Vương Trường Thành phụ trách nhóm Đêm Sài Gòn hàng đêm vẫn đi phát quà cho người vô gia cư, cho biết từ ngày mai nhóm phải thay đổi cách hoạt động.

"Nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn hàng tháng tổ chức các chương trình như phát quà cho các cô chú vô gia cư, phát phần ăn cho những cô chú ở bệnh viện. Tụi em vận động kinh phí trên mạng xã hội, các mạnh thường quân, ngoài ra còn đi bán sữa chua nếp cẩm hằng đêm để gây quỹ. Từ hồi Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách cho tới nay mỗi đêm tụi em phát 1.000 phần ăn cho cô chú vô gia cư. Và ngày mai theo Chỉ thị 16, mỗi ngày cũng phát 1.000 vào buổi sáng. Cách làm của tụi em là chia ra thành nhiều địa điểm nhỏ, chẳng hạn 5 đến 10 địa điểm, để đồ ăn trên bàn, cô chú nào cần thì tới lấy".

Thụy My

********************

Covid-19 : Sài Gòn bắt đầu hai tuần "giãn cách xã hội"

Thanh Phương, RFI, 09/07/2021

Hôm 09/07/2021, thành phố Sài Gòn bắt đầu hai tuần phong tỏa để ngăn chận dịch Covid-19, hiện nay đang bùng phát mạnh trở lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus Delta.

thanhuy2

Một đoạn đường cao tốc không có xe lưu thông ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày đầu bị phong tỏa do Covid-19, ngày 09/07/2021.  AFP – Huu Khoa

Thật ra thì chính quyền không sử dụng từ "phong tỏa" mà gọi biện pháp này là "giãn cách xã hội", trong khuôn khổ Chỉ thị 16 (được thủ tướng Việt Nam ban hành vào tháng 3 năm ngoái). Đây là lần thứ hai chỉ thị 16 được áp dụng tại Sài Gòn, trong bối cảnh thành phố này ghi nhận hơn 9.800 ca nhiễm kể từ đầu đợt dịch mới, con số cao nhất nước. Kể từ hôm nay, người dân tại Sài Gòn không được phép tụ tập quá 2 người nơi công cộng. Mọi người chỉ được phép ra ngoài để mua thức ăn, thuốc men..., hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. 

Theo hãng tin AFP, công an đã dựng các chốt kiểm soát ở những nơi ra vào thành phố và chỉ có những người trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được vào Sài Gòn. Các bức ảnh được đăng trên báo chí trong nước cho thấy hôm nay đường phố Sài Gòn rất thưa vắng.

Theo báo chí trong nước, cũng kể từ hôm nay, các hãng hàng không chỉ được phép chở tối đa 1.700 hành khách từ Sài Gòn đến Hà Nội hoặc chiều ngược lại. Mỗi ngày, Cục Hàng không Việt Nam chỉ cho phép tối đa 54 chuyến bay đi, đến Sài Gòn.

 AFP trích lời ông Trần Phương, một người dân Sài Gòn : "Tôi lo là các biện pháp nghiêm ngặt này sẽ không giúp được gì bởi vì virus nay đã lây lan sâu vào trong cộng đồng". Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, một người buôn bán phụ tùng xe gắn máy, thì cho biết là lệnh phong tỏa lần này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người dân : "Việc làm ăn của chúng tôi phải tạm dừng, cho nên không có thu nhập. Cuộc sống của chúng tôi hiện rất khó khăn".

Hôm nay, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% người dân từ 18 tuổi trở lên từ đây đến cuối năm và 70% từ đây đến tháng 3/2022. Hiện giờ, Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân, chỉ mới tiêm chưa tới 4 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh việc phát triển các vac-xin trong nước, với hy vọng sẽ đưa ra sử dụng trước cuối năm nay, Việt Nam cũng đã đặt mua hàng triệu liều vac-xin ngừa Covid-19.

Thanh Phương

Published in Việt Nam

Có nghi ngờ là Đảng đang chơi khăm (‘troll’) chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, khi đặt ông Nguyễn Văn Nên vào ghế Bí thư Thành ủy.

troll1

Đại biểu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Đại hội 13 có trình độ từ thạc sĩ trở là 67,67%", không có tên Bí thứ Thành ủy Nguyễn Văn Nên trong danh sách ‘trí thức đảng viên’ đó… Ảnh minh họa Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Phú Trọng 

Phát biểu tại cuộc họp thông báo cho Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về việc Đảng triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tại Hà Nội, ông Hoàng Bình Quân – ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương – đã giới thiệu về đại hội, quá trình chuẩn bị, công tác nhân sự.

Theo ông Hoàng Bình Quân, năm nay tham dự đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên. Trong số này, đại biểu đương nhiên là 191 (các ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm), chiếm tỉ lệ 12,03% ; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc trung ương là 1.381, chiếm tỉ lệ 87,01% ; đại biểu chỉ định là 15, chiếm tỉ lệ 0,94%. Đại biểu có trình độ từ thạc sĩ trở lên trong đại hội lần này là 67,67%, cao nhất từ trước tới nay.

Theo ông Hoàng Bình Quân, việc tỉ lệ đại biểu có trình độ từ thạc sĩ trở lên cao như hiện nay là "điều phù hợp với nhịp độ phát triển của đất nước, cũng như sự phát triển của sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Đó cũng là nhu cầu đặt ra cho yêu cầu phát triển hiện nay của đất nước chúng tôi".

Mang câu nhận xét này của ông Hoàng Bình Quân vào thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy Đảng có vẻ muốn chơi khăm dàn lãnh đạo ở thành phố này.

Dẫn chứng : Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có thời thanh niên theo học và tốt nghiệp Cử nhân tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và được giữ lại làm giảng viên. Năm 1985, ông Nguyễn Thành Phong là giảng viên và giữ cương vị Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9/2013 đến 8/12/2020, sau đó là Trưởng Ban nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trình độ học vấn của ông Liêm là Thạc sĩ Kinh tế học, Kỹ sư Khai thác thủy sản, Cử nhân Chính trị. Ông từng là giảng viên trường Đại học Cần Thơ, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông tốt nghiệp trường Ivanovo State University (Nga) và Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ngành Toán, chuyên ngành Tin học (vào năm 1990). Sau đó, làm giảng viên Công nghệ thông tin của Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dương Anh Đức trước khi tham gia vào bộ máy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, ông là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Minh Châu, trước khi là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông từng là Thiếu tướng Công an nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn với ông Nguyễn Văn Nên, người được Bộ Chính trị ‘chỉ định’ giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ hôm 17/10/2020, có đường học vấn coi như bét nhất trong số các lãnh đạo kể tên ở trên: Ngày 30/04/1975, Nguyễn Văn Nên bắt đầu sự nghiệp công tác của mình ở quê nhà Tây Ninh khi mới 18 tuổi, thuộc lĩnh vực công an nhân dân. Từ tháng 4/1975 đến tháng 09 năm 1985, ông là chiến sĩ cảnh sát hình sự rồi Đội trưởng hình sự của Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Tháng 10/1985, ông được bầu làm Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Phó Trưởng Công an huyện Gò Dầu.

Tháng 1/1988, ông được giữ nhiệm vụ Quyền Trưởng Công an huyện Gò Dầu và chính thức trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Gò Dầu từ tháng 3/1989. Lúc này, ông 32 tuổi, giữ vị trí lãnh đạo cấp cao của Huyện ủy và toàn bộ huyện Gò Dầu, huyện phía Nam tỉnh Tây Ninh.

Tháng 1/1992, Nguyễn Văn Nên được bổ nhiệm làm Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Gò Dầu. Ông chính thức chuyển đổi lĩnh vực của sự nghiệp, kết thúc 17 năm trong ngành công an nhân dân, bắt đầu sự nghiệp lãnh đạo tổ chức Đảng và Chính quyền địa phương. Tháng 04 năm 1996, ông được bổ nhiệm thăng cấp làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Gò Dầu, là lãnh đạo toàn diện huyện Gò Dầu…

Cuối năm 2020, trong giai đoạn chuỗi đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đơn vị địa phương, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII năm 2021, Trung ương Đảng quyết định điều chuyển công tác của lãnh đạo Nguyễn Văn Nên.

Lý lịch khoa học của ông Nguyễn Văn Nên, thấy ghi : Trong quá trình hoạt động Đảng và Nhà nước, ông theo học các khóa tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận bằng Cao cấp lý luận chính trị.

Như vậy, theo như thông báo của ông Hoàng Bình Quân, "Đại biểu có trình độ từ thạc sĩ trở lên trong đại hội lần này là 67,67%", thì phía đoàn đến từ Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, không có tên Nguyễn Văn Nên trong danh sách ‘trí thức đảng viên’ đó

Bến Nghé

Nguồn : VNTB, 19/01/2021

Published in Diễn đàn

"Kịch bản tháng Tư Đinh La Thăng" đang có dấu hiệu được lặp lại trong "Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" vào tháng Tư năm nay – liên quan vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè.

saigon1

Nếu Tất Thành Cang bị mất chức, nguy cơ Lê Thanh Hải (trong ảnh) bị "hồi tố" về trách nhiệm điều hành và tài sản cá nhân trong thời gian tới trở nên rõ như ban ngày. Ảnh : Thanh Niên

Tròn một năm trước, cũng vào tháng Tư, Ủy viên bộ chính trị Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã bất ngờ "té giếng" khi phải nhận một bản kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương – về những sai phạm "rất nghiêm trọng" vào thời ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cú té thất thần trên xảy ra chỉ ít lâu sau khi ông Thăng hào hùng tuyên bố "Thành phố Hồ Chí Minh phải phấn đấu đạt giải Nobel y học".

Còn vào năm nay – 2018 – cú "té giếng" sẽ ứng vào nhân vật nào ?

Không phải là cấp ủy viên bộ chính trị, mà phần đa chỉ là cấp ủy viên trung ương.

Không phải là Nguyễn Thiện Nhân mà vẫn còn bị một số dư luận cho là "tân bí thư", mà nhiều khả năng sẽ là một cấp dưới, nhưng bét nhất cũng phải là cấp thường vụ thành ủy.

Tối 20/4/2018, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu "Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy lập tức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong việc chuyển nhượng hơn 320.000 m2 ha đất tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè)". Cơ quan này cũng được yêu cầu làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan. Kết quả phải được báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5.

Như vậy, ông Nhân, hoặc chính xác hơn là "Ban thường vụ thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" đã phản hồi nhanh đến mức khó có tiền lệ đối với vụ vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè.

Trước đó, chỉ một ngày sau khi Người Tiêu Dùng – tờ báo của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – đăng bài "Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại Thành phố Hồ Chí Minh ?", vào ngày 18/4/2018 giới chóp bu của Thành phố Hồ Chí Minh đã họp khẩn theo cách "Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe lãnh đạo Văn phòng Thành ủy báo cáo về vụ việc chuyển nhượng phần đất đã nêu trên". Sau đó, Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã vội phát đi thông tin "Nhận thấy việc chuyển nhượng này vi phạm Quy chế quản lý tài sản công, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng".

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận là một doanh nghiệp 100% vốn của Ban Tài chính quản trị thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây) và Văn phòng thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (hiện nay) – tức thuộc dạng "doanh nghiệp đảng".

Sau thương vụ "bán bè" trên, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Tức từ 2.000 đến 2.500 tỷ đồng khác đã "bốc hơi" vào túi cá nhân.

Do Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nên thương vụ bán 30 đất công sản trên đương nhiên phải được sự đồng ý bằng văn bản, hoặc phải lưu lại dấu vết bút phê, của một "lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" nào đó.

Quan chức nào ?

Một đơn tố cáo của cán bộ, nhân viên Công ty Tân Thuận cho thấy điểm bất thường nhất là việc chỉ trong vài ngày tháng 4/2017, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã vội vã xử lý các vấn đề liên quan đến việc bán khu đất trị giá hàng ngàn tỷ đồng này vào lúc thành phố chưa có Bí Thư Thành ủy mới (khi đó ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật bãi nhiệm, bị rơi khỏi Bộ Chính Trị, còn ông Tất Thành Cang – Ủy viên Trung ương Đảng, người đang đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư thường trực Thành ủy – là lãnh đạo cao cấp nhất của Thành ủy vào thời điểm đó).

Tất Thành Cang lại bị một số dư luận nghi ngờ đã "nhúng chàm" và "ăn chia" trong vụ bán 30 ha đất trên.

Biểu hiện đáng chú ý là sau bài điều tra về vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè của báo Người Tiêu Dùng, nhiều tờ báo khác của nhà nước đã đồng loạt vào cuộc. Một số tờ báo còn đặt thẳng vấn đề về "lãnh đạo nào của Thành ủy ?". Một vài tờ báo đã bắt đầu nêu tên Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang như "người có liên quan"…

Trong khi đó, động thái đáng mổ xẻ từ chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là vì sao ông Nhân làm theo cách thông thường trước đây, tức giao cho Ban cán sự đảng của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo cho Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà bè, mà lại giao cho Ủy ban Kiểm tra thành ủy – cơ quan không thể có mặt bằng chuyên môn như cơ quan thanh tra trong các vấn đề kinh tế ?

Chỉ có thể cho rằng với chỉ đạo trên, Nguyễn Thiện Nhân đã nắm rõ được văn bản của "Thường trực thành ủy" với tên người ký để phê duyệt vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè, và văn bản này là một bằng chứng không thể chối cãi, sẽ khiến cho phần việc của Ủy ban Kiểm tra thành ủy trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn nhiều.

Theo logic đó, Ủy ban Kiểm tra thành ủy đang và sẽ nắm được một số hồ sơ cơ sở để xác định mức độ sai phạm của vụ mua bán trên, nhưng với mục tiêu chính là "kiểm tra tư cách đảng viên và mức độ sai phạm".

Nhưng tín hiệu quan trọng nhất trong chỉ đạo trên của Nguyễn Thiện Nhân rất có thể đã xuất phát từ một "gợi ý" hoặc chỉ đạo chính thức của Ủy ban Kiểm tra trung ương – cơ quan mà hiện nay được phụ trách bởi Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng – nhân vật được xem là có quyền lực thứ hai chỉ sau Tổng bí thư Trọng.

Mà như vậy, nhiều khả năng "kịch bản Đinh La Thăng" sẽ lặp lại. Và nếu Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã ký vượt quyền và ký sai pháp luật đối với vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè, mà khả năng này là cao, ông Cang rất có thể sẽ bị "bay chức" ngay trong tháng Năm năm 2018, sau khi Ủy ban Kiểm tra thành ủy có báo cáo cho Nguyễn Thiện Nhân và Trần Quốc Vượng.

Thậm chí trong trường hợp tồi tệ nhất đối với Tất Thành Cang, nhân vật này có thể bị khởi tố điều tra hình sự, cho dù hậu quả chưa phải là quá nghiêm trọng. Khi đó, Tất Thành Cang sẽ phải đối mặt với song sắt nhà tù như Đinh La Thăng đã từng.

Tất Thành Cang "trưởng thành" từ cán bộ đoàn ở Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thời đó là Lê Thanh Hải "đặt" vào ghế bí thư quận 2 – nơi có dự án Thủ Thiêm khổng lồ với 160 ha đất vàng, cũng là nơi đã phát sinh vô số vụ đền bù bất công, tạo chênh lệch đến vài chục lần giữa giá thị trường và giá đền bù cho người dân, cũng là nơi đã xảy ra không ít cái chết của dân oan đất đai do phẫn uất.

Rất nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy khi còn là bí thư quận 2, Tất Thành Cang đã đắc lực giúp cho "Anh Hai Nhựt" (bí danh của Lê Thanh Hải) nhằm "nuốt" đất Thủ Thiêm.

Lê Thanh Hải lại bị nhiều dư lận đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam.

Nếu Tất Thành Cang bị mất chức, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một đàn em – con cờ chủ chốt mà ông ta đã dày công "cài cắm" trong cơ quan thường trực thành ủy, càng khiến cho nguy cơ ông Hải bị "hồi tố" về trách nhiệm điều hành và tài sản cá nhân trong thời gian tới trở nên rõ như ban ngày.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 22/04/2018

Published in Diễn đàn