Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/04/2018

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh : Ai sẽ ‘bay chức’ vào tháng Năm ?

Thiền Lâm

"Kịch bản tháng Tư Đinh La Thăng" đang có dấu hiệu được lặp lại trong "Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" vào tháng Tư năm nay – liên quan vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè.

saigon1

Nếu Tất Thành Cang bị mất chức, nguy cơ Lê Thanh Hải (trong ảnh) bị "hồi tố" về trách nhiệm điều hành và tài sản cá nhân trong thời gian tới trở nên rõ như ban ngày. Ảnh : Thanh Niên

Tròn một năm trước, cũng vào tháng Tư, Ủy viên bộ chính trị Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã bất ngờ "té giếng" khi phải nhận một bản kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương – về những sai phạm "rất nghiêm trọng" vào thời ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cú té thất thần trên xảy ra chỉ ít lâu sau khi ông Thăng hào hùng tuyên bố "Thành phố Hồ Chí Minh phải phấn đấu đạt giải Nobel y học".

Còn vào năm nay – 2018 – cú "té giếng" sẽ ứng vào nhân vật nào ?

Không phải là cấp ủy viên bộ chính trị, mà phần đa chỉ là cấp ủy viên trung ương.

Không phải là Nguyễn Thiện Nhân mà vẫn còn bị một số dư luận cho là "tân bí thư", mà nhiều khả năng sẽ là một cấp dưới, nhưng bét nhất cũng phải là cấp thường vụ thành ủy.

Tối 20/4/2018, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu "Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy lập tức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong việc chuyển nhượng hơn 320.000 m2 ha đất tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè)". Cơ quan này cũng được yêu cầu làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan. Kết quả phải được báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5.

Như vậy, ông Nhân, hoặc chính xác hơn là "Ban thường vụ thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" đã phản hồi nhanh đến mức khó có tiền lệ đối với vụ vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè.

Trước đó, chỉ một ngày sau khi Người Tiêu Dùng – tờ báo của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – đăng bài "Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại Thành phố Hồ Chí Minh ?", vào ngày 18/4/2018 giới chóp bu của Thành phố Hồ Chí Minh đã họp khẩn theo cách "Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe lãnh đạo Văn phòng Thành ủy báo cáo về vụ việc chuyển nhượng phần đất đã nêu trên". Sau đó, Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã vội phát đi thông tin "Nhận thấy việc chuyển nhượng này vi phạm Quy chế quản lý tài sản công, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng".

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận là một doanh nghiệp 100% vốn của Ban Tài chính quản trị thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây) và Văn phòng thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (hiện nay) – tức thuộc dạng "doanh nghiệp đảng".

Sau thương vụ "bán bè" trên, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Tức từ 2.000 đến 2.500 tỷ đồng khác đã "bốc hơi" vào túi cá nhân.

Do Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nên thương vụ bán 30 đất công sản trên đương nhiên phải được sự đồng ý bằng văn bản, hoặc phải lưu lại dấu vết bút phê, của một "lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" nào đó.

Quan chức nào ?

Một đơn tố cáo của cán bộ, nhân viên Công ty Tân Thuận cho thấy điểm bất thường nhất là việc chỉ trong vài ngày tháng 4/2017, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã vội vã xử lý các vấn đề liên quan đến việc bán khu đất trị giá hàng ngàn tỷ đồng này vào lúc thành phố chưa có Bí Thư Thành ủy mới (khi đó ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật bãi nhiệm, bị rơi khỏi Bộ Chính Trị, còn ông Tất Thành Cang – Ủy viên Trung ương Đảng, người đang đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư thường trực Thành ủy – là lãnh đạo cao cấp nhất của Thành ủy vào thời điểm đó).

Tất Thành Cang lại bị một số dư luận nghi ngờ đã "nhúng chàm" và "ăn chia" trong vụ bán 30 ha đất trên.

Biểu hiện đáng chú ý là sau bài điều tra về vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè của báo Người Tiêu Dùng, nhiều tờ báo khác của nhà nước đã đồng loạt vào cuộc. Một số tờ báo còn đặt thẳng vấn đề về "lãnh đạo nào của Thành ủy ?". Một vài tờ báo đã bắt đầu nêu tên Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang như "người có liên quan"…

Trong khi đó, động thái đáng mổ xẻ từ chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là vì sao ông Nhân làm theo cách thông thường trước đây, tức giao cho Ban cán sự đảng của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo cho Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà bè, mà lại giao cho Ủy ban Kiểm tra thành ủy – cơ quan không thể có mặt bằng chuyên môn như cơ quan thanh tra trong các vấn đề kinh tế ?

Chỉ có thể cho rằng với chỉ đạo trên, Nguyễn Thiện Nhân đã nắm rõ được văn bản của "Thường trực thành ủy" với tên người ký để phê duyệt vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè, và văn bản này là một bằng chứng không thể chối cãi, sẽ khiến cho phần việc của Ủy ban Kiểm tra thành ủy trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn nhiều.

Theo logic đó, Ủy ban Kiểm tra thành ủy đang và sẽ nắm được một số hồ sơ cơ sở để xác định mức độ sai phạm của vụ mua bán trên, nhưng với mục tiêu chính là "kiểm tra tư cách đảng viên và mức độ sai phạm".

Nhưng tín hiệu quan trọng nhất trong chỉ đạo trên của Nguyễn Thiện Nhân rất có thể đã xuất phát từ một "gợi ý" hoặc chỉ đạo chính thức của Ủy ban Kiểm tra trung ương – cơ quan mà hiện nay được phụ trách bởi Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng – nhân vật được xem là có quyền lực thứ hai chỉ sau Tổng bí thư Trọng.

Mà như vậy, nhiều khả năng "kịch bản Đinh La Thăng" sẽ lặp lại. Và nếu Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã ký vượt quyền và ký sai pháp luật đối với vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè, mà khả năng này là cao, ông Cang rất có thể sẽ bị "bay chức" ngay trong tháng Năm năm 2018, sau khi Ủy ban Kiểm tra thành ủy có báo cáo cho Nguyễn Thiện Nhân và Trần Quốc Vượng.

Thậm chí trong trường hợp tồi tệ nhất đối với Tất Thành Cang, nhân vật này có thể bị khởi tố điều tra hình sự, cho dù hậu quả chưa phải là quá nghiêm trọng. Khi đó, Tất Thành Cang sẽ phải đối mặt với song sắt nhà tù như Đinh La Thăng đã từng.

Tất Thành Cang "trưởng thành" từ cán bộ đoàn ở Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thời đó là Lê Thanh Hải "đặt" vào ghế bí thư quận 2 – nơi có dự án Thủ Thiêm khổng lồ với 160 ha đất vàng, cũng là nơi đã phát sinh vô số vụ đền bù bất công, tạo chênh lệch đến vài chục lần giữa giá thị trường và giá đền bù cho người dân, cũng là nơi đã xảy ra không ít cái chết của dân oan đất đai do phẫn uất.

Rất nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy khi còn là bí thư quận 2, Tất Thành Cang đã đắc lực giúp cho "Anh Hai Nhựt" (bí danh của Lê Thanh Hải) nhằm "nuốt" đất Thủ Thiêm.

Lê Thanh Hải lại bị nhiều dư lận đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam.

Nếu Tất Thành Cang bị mất chức, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một đàn em – con cờ chủ chốt mà ông ta đã dày công "cài cắm" trong cơ quan thường trực thành ủy, càng khiến cho nguy cơ ông Hải bị "hồi tố" về trách nhiệm điều hành và tài sản cá nhân trong thời gian tới trở nên rõ như ban ngày.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 22/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 960 times

1 comment

  • Comment Link an linh mardi, 24 avril 2018 01:42 posted by an linh

    Tự xưng là tập hợp dân chủ nhưng sao không thấy một bình luận , ý kiến nào được đăng tải thế thì khác chi cs

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)