Đôi khi Trung Quốc đưa ra những quyết định khôn ngoan. Vào những lúc khác, Bắc Kinh có khả năng mắc những sai lầm nghiêm trọng, thậm chí là có hành động xấu xa. Nhưng chính phủ Trung Quốc hiếm khi ngớ ngẩn. Đặc biệt, quan chức Trung Quốc không dám mạo hiểm với uy tín của lãnh đạo tối cao Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều đó cho thấy nên xem xét lại các phản ứng bác bỏ của các nước đối với một động thái dù có vẻ khô khan nhưng lại quan trọng và bộc lộ nhiều điều.
Vào ngày 16 tháng 9, Trung Quốc đã chính thức đề nghị được tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khối thương mại gồm 11 quốc gia với 500 triệu người tiêu dùng ở Châu Á và Châu Mỹ. Mặc dù thời điểm đề nghị của Trung Quốc rất đột ngột, nhưng động thái này có thể đoán trước được. Nhiều tháng trước, Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ "cân nhắc ủng hộ" việc nộp đơn. Lời của ông ấy là luật. Nhưng nhiều nhà phân tích nước ngoài (và một số quan chức chính phủ nước ngoài trong chỗ riêng tư) tự tin dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ được kết nạp.
Người ta hoài nghi là điều dễ hiểu. Với danh nghĩa mở cửa thị trường và cạnh tranh bình đẳng, các thành viên hiện tại của CPTPP — Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam — đồng ý hạn chế trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, cho phép hầu hết các luồng dữ liệu xuyên biên giới và chống lao động cưỡng bức, trong số nhiều hứa hẹn khác. Nếu Trung Quốc khó đạt được tiêu chuẩn đó vì thay đổi theo hướng nhà nước kiểm soát phần lớn nền kinh tế, nỗi ám ảnh về an ninh trong những năm gần đây, thì tình trạng hoài nghi này không phải là ngẫu nhiên. CPTPP là đứa con mồ côi của một thỏa thuận trước đó do Mỹ dẫn đầu, TPP. Thỏa thuận TPP được chính quyền Bush và Obama tạo ra với mục đích biến Châu Á và Thái Bình Dương trở thành pháo đài thương mại tự do dựa trên luật lệ, khiến Trung Quốc phải lựa chọn cải tổ mô hình chủ nghĩa tư bản do nhà nước thống trị hoặc phải ở bên ngoài cuộc chơi. Rồi Tổng thống Donald Trump nắm quyền, ông khinh miệt thương mại tự do và luật lệ đã khiến ông từ bỏ TPP trong ngày đầu tiên nắm quyền. Khi Nhật Bản hướng dẫn các thành viên sáng lập khác tạo ra một giải pháp thay thế không có sự tham gia của ông Trump, CPTPP, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội.
Quan chức ở Bắc Kinh đã bỏ ra hai năm nghiên cứu việc xin tham gia của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn ra sao. Họ kết luận là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi xin gia nhập, đặc biệt là do mối quan hệ căng thẳng với các thành viên hiện có quyền phủ quyết, đặc biệt là Australia, Canada và Nhật Bản. Nhưng họ cũng tính toán rằng Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với sự giám sát gắt gao hơn nữa nếu Mỹ nằm trong CPTPP – hiện là một viễn cảnh xa vời do chính quyền Biden cam kết đặt công nhân Mỹ lên trên lợi nhuận doanh nghiệp và việc mở rộng thương mại toàn cầu.
Nói tóm lại, Trung Quốc rất nghiêm túc. Cách giải thích tốt nhất về tham vọng của họ là do lòng tự tin gia tăng dưới nhiều hình thức, có những hình thức này đáng báo động hơn những hình thức khác. Bắt đầu với sự lạc quan, thận trọng trong những người đôi khi được gọi là những người cải cách. Nhóm này đã từng thúc đẩy tự do hóa kinh tế. Trong một Trung Quốc tập trung vào kiểm soát chính trị, ổn định, an ninh và tự cường, những nhà cải cách giờ đây thấy an toàn hơn khi thúc đẩy một nhà nước hiệu quả hơn, chứ không phải một nhà nước nhỏ hơn. Học giả, quan chức kĩ trị và doanh nghiệp thuộc loại này lập luận rằng Trung Quốctrở nên mạnh mẽ và có công nghệ tiên tiến đến mức Trung Quốc sẽ có lợi khi dỡ bỏ các rào cản thương mại và duy trì các quy tắc quốc tế chung, chẳng hạn như để bảo vệ tài sản trí tuệ của Trung Quốc.
Những ủng hộ sự cởi mở như vậy tin rằng Trung Quốc có thể cạnh tranh trong một thế giới tự do thương mại, nhưng vẫn chưa sẵn sàng để tự viết ra các quy định. Họ hoan nghênh cơ hội giúp định hình các chuẩn mực trong quá trình đàm phán, chẳng hạn như quá trình gia nhập CPTPP, mà họ tin rằng sẽ mất nhiều năm. Họ hy vọng rằng áp lực bên ngoài sẽ vượt qua các nhóm lợi ích đặc biệt trong nước như khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Với sự đồng thuận chính thức ở Bắc Kinh rằng Mỹ đang cố gắng ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, áp lực từ hiệp ước CPTPP không có Mỹ tham gia — được họ chào đón đặc biệt. Wang Huiyao điều hành Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn hỗ trợ việc nhập CPTPP. Ông cho biết kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 11 lần kể từ khi gia nhập WTO. CPTPP là một cơ hội mới để tham gia một WTO mini.
Một kiểu tự tin khác thúc đẩy những người theo chủ nghĩa dân tộc như lãnh đạo chính phủ ủng hộ CPTPP. Họ không chỉ nghĩ rằng hệ thống do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh trên thế giới. Họ tin rằng hệ thống đó vượt trội. Quan chức và học giả Trung Quốc có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cho rằng các lực lượng thị trường sẽ mang lại hiệu quả đáng mơ ước, nhưng ưu tiên của họ là sự ổn định, thứ mà họ coi là vũ khí bí mật của Trung Quốc.
Để minh chứng họ chỉ ra cách xử lý nghiêm khắc, theo hướng tập thể đối với đại dịch Covid-19, trái ngược với số ca tử vong lớn ở phương Tây tự do. Canh bạc của họ là việc tham gia CPTPP sẽ gia tăng thương mại nước ngoài và áp đặt những điều luật hữu ích mà không làm suy yếu sự kiểm soát chính trị mạnh mẽ đối với kinh tế. Họ cảm thấy một cơ hội lịch sử để đạt được một mục tiêu mà họ ấp ủ từ lâu, đó là làm cho thế giới tôn trọng hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Những người hoài nghi về cơ hội của Trung Quốc khẳng định rằng các quy tắc của CPTPP trong việc cấm trợ cấp và viện trợ cho các công ty nhà nước. Trên thực tế, có những trường hợp miễn trừ cho các công ty nhà nước và những công ty cung cấp dịch vụ nội địa không sinh lời. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc có thể chấp nhận quy định đối với các công ty nhà nước hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại sinh lợi, đồng thời nhấn mạnh rằng các công ty nhà nước hoạt động trong nước là cần thiết trong việc cung cấp việc làm, quản lý các nguồn lực quan trọng hoặc duy trì một hệ thống tài chính chỉn chu. Các quy định ngày càng khắt khe hơn bao giờ hết của Trung Quốc về dữ liệu xuyên biên giới sẽ khó thực hiện hơn, mặc dù các quy định miễn trừ về trật tự công cộng có thể hữu ích. Trung Quốc phủ nhận lao động động cưỡng bức, thách thức các đối tác thương mại không tin vào điều đó.
Mỹ hứa sẽ đồng hành với các đồng minh, rồi lại thất hứa
Rào cản lớn nhất đối với sự gia nhập của Trung Quốc không phải là quy tắc này hay quy tắc kia, mà là lòng tin. Một quan chức cấp cao của Nhật Bản tỏ vẻ lo lắng về việc Trung Quốc đề nghị sửa đổi luật trong nước theo hướng được cho là để tuân thủ CPTPP, nhưng trên thực tế, không đạt yêu cầu. Ông tiếc rằng việc thách thức những động thái như vậy sẽ dễ dàng hơn nếu có Mỹ. Lo sợ cũng đúng. Trung Quốc có hiệp định thương mại tự do với Australia, nhưng hiện đang chặn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc, nhằm áp đặt việc tẩy chay không chính thức sau khi lãnh đạo Australia kêu gọi điều tra toàn cầu về nguồn gốc của Covid-19. Một số thành viên CPTPP cho rằng Trung Quốc là một kẻ bắt nạt quá lớn. Trung Quốc tin rằng một Trung Quốc quá lớn không thể nào bị bỏ qua.
The Economist
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 14/10/2021
LTS - Trong vài tuần qua, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đi vào giai đoạn quyết liệt hơn. Dưới đây là một số vấn đề được giải đáp bởi một chuyên gia quốc tế, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, đã từng làm việc tại IMF trong gần 30 năm về các vấn đề ngoại thương và tiền tệ. Bài viết do tác giả gởi cho VOA từ Florida.
Cuộc chiến Thương mại Tự do hay Thương mại Bình đẳng ? - Ảnh minh họa
***
Vấn đề : Nhiều chuyên gia kinh tế đã phát biểu là chúng ta đã bước sang giai đoạn 2 của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, tức giai đoạn chiến tranh tiền tệ khi Trung Quốc cho phá giá tiền nhân dân tệ (CNY-Yuan) để giảm tác dụng của việc Mỹ áp thuế 10% lên 34 tỷ đô hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Nay lại có các tin tức dồn dập khác như việc Mỹ áp thêm thuế cao hơn trên lượng hàng Trung Quốc lớn hơn nhiều, và Trung Quốc sẽ trả đũa. Nên nghĩ sao về giai đoạn mới này ?
Thật ra chúng ta vẫn ở giai đoạn 2 như nói trên, nhưng cường độ của việc Mỹ dự định áp tiếp thuế 10% lên thêm 16 tỷ đô (tổng cộng lên 50 tỷ) hàng nhập Trung Quốc, và dự định áp thuế cao hơn nữa 25% lên 200 tỷ hàng nhập Trung Quốc trong tháng 9 (như phổ biến trong giới truyền thông) nhằm đáp lại việc phá giá của tiền CNY trong giai đoạn này, cũng như việc ngưng trệ hòa đàm các thỏa ước thương mại mới giữa hai nước.
Lại có dự đoán Tổng thống Trump sẽ còn trong tay khí cụ áp thuế lên toàn bộ hàng nhập vào Mỹ đang ở mức 505 tỷ USD, nhằm giảm mức thất thu thương mại của Mỹ là 376 tỷ USD. Lúc đó mới thật sự là giai đoạn 3 của cuộc thương chiến toàn diện giữa 2 nước và nhiều kết quả khó tiên liệu rõ ràng cho cả hai nền kinh tế và cả kinh tế thế giới. Nhưng việc còn tương đối xa, và sẽ có nhiều diễn biến ngoại giao lẫn chính trị để giảm nguy cơ đó trong vài tháng tới.
Hiện có quá nhiều tin tức và lý luận về vấn đề này, nên người viết cũng muốn nhấn mạnh ở đây là sẽ chỉ vạch ra một cách tổng quan, đường hướng cũng như dự đoán các chính sách Mỹ, tác động và phản ứng của Trung Quốc, để cùng suy nghĩ, chứ không nhất thiết đi vào các chi tiết lý thuyết đã được bàn sâu rộng trên nhiều diễn đàn của các diễn giả ở khắp nơi.
***
Vấn đề : Có nhiều chỉ trích gia tăng trong giới học thuật (nhất là các trí thức phe tả) và chính trị (như phần lớn từ đảng Dân chủ) là Tổng thống Trump đã đi ngược lại nguyên tắc kinh điển của kinh tế học chính thống là Thương mại tự do (Free trade) sẽ đem lại lợi ích cho cả Mỹ và các đối tác thương mại cũng như kinh tế thế giới.
Rõ ràng là ông Trump cũng như các cố vấn là các kinh tế gia chuyên nghiệp đang không hướng về "free trade" và tất nhiên phải chịu nhiều chỉ trích theo lý thuyết truyền thống. Nhưng như ứng cử viên Trump đã từng có chính sách rõ rệt và tuyên bố ngay từ thời tranh cử dạo 2016, Mỹ sẽ rút khỏi hay xét lại các hiệp ước thương mại đa phương hay cả song phương không công bằng với Mỹ theo nghĩa kinh tế. Nổi tiếng nhất là thương mại với Trung Quốc sẽ đứng đầu trong nghị trình chính sách (policy agenda) của ông nếu đắc cử. Ngày nay Tổng thống Trump đang trên đà thực hiện mạnh mẽ các lời hứa tranh cử đó. Bắt đầu là áp thuế lên thép và nhôm cho tất cả các đối tác buôn bán, không chỉ riêng Trung Quốc. Mấy tháng trước, ai cũng e ngại chính sách Trump gây đổ vỡ cả với các đồng minh như Châu Âu, Canada, Nhật, Nam Hàn…
Nhưng thật sự sau vài phản ứng mạnh ban đầu, Mỹ và Liên hiệp Châu Âu đã hòa hoãn hơn nhiều qua tuyên bố chung mới đây. Các đồng minh chính trị thương mại khác sẽ không dại dột "đụng độ" với Mỹ. Và sẽ tiến tới "nhường nhịn" Mỹ hơn. Ngay thỏa ước NATO tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi thành viên lên 2% GDP mỗi nước đã là thắng lợi lớn của Mỹ để có đủ chi tiêu quốc phòng gấp bội trước Nga và Trung Quốc, và do sự đóng góp công bằng hơn của Châu Âu chứ không riêng của Mỹ phần lớn như hiện nay. Ngoài ra, ngược với mong đợi và chính sách manh nha gây chia rẽ của Trung Quốc, một liên minh mới đang thành hình giữa Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật và Nam Hàn để đối phó thương mại với Trung Quốc.
Do vậy, Mỹ được rảnh tay để đối phó toàn diện với Trung Quốc, cho tới ngày Mỹ được Trung Quốc chịu thực hiện việc giảm nhập siêu của Mỹ và tôn trọng thật sự quyền sở hữu công nghệ và trí tuệ của các hãng Mỹ buôn bán làm ăn với Trung Quốc. Ngày đó sẽ là đích cuối của nghị trình Trump : đạt tới Thương mại bình đẳng (Fair Trade) cho Mỹ.
***
Vấn đề : Đang có nhiều e ngại từ ngay giới "chính thống" Mỹ như các nhà chính trị và báo chí lẫn học thuật là Tổng thống Trump sẽ THUA trong trận chiến hiện tại với Trung Quốc hay "bỏ cuộc" giữa chừng và có ngày "cắp tay" thân mật trở lại với lãnh đạo họ Tập trên TV như dạo nào ở khu nghỉ mát của ông Trump ở Florida hay tại Cấm thành ở Bắc kinh ?
Đây có lẽ là vấn đề thú vị nhất. Đúng vậy, chính Giáo sư Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, đã tiên đoán trên kinh nghiệm và lý luận chặt chẽ về lý thuyết của ông, là sau cùng Tổng thống Trump sẽ thua Chủ tịch họ Tập, và Mỹ sẽ bỏ cuộc vì thiệt hại kinh tế lớn cho Mỹ. Nhưng theo người viết, giới này đã hơi coi nhẹ khả năng chiến thuật của cá nhân ông Trump và tác động chính sách Mỹ lên kinh tế và sau nữa là chính trị nội bộ Trung Quốc.
Nhiều người không hiểu là ông Trump đang dùng chính thế cờ vây nổi tiếng của chính "bạn hiền" Trung Quốc để đối phó với nước này, hay nôm na là dùng gậy ông đập lưng ông ; và đang áp dụng thế vô chiêu thắng hữu chiêu nổi tiếng của Kim Dung, một tác giả kiếm hiệp Trung Hoa lừng danh.
Một mặt, chính phủ Mỹ áp thuế cao, thúc đẩy phá giá tiền Trung Quốc, gây khủng hoảng niềm tin trong giới đầu tư quốc tế và dân chúng trong nước, bắt đầu chia rẽ chính trị nội bộ và bắt đầu cho một loạt kiện tướng phụ tá của ông Tập ngồi chơi xơi nước… Mặt khác, với thúc đẩy của Tổng thống Trump, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã chấp thuận và ông cũng sắp sửa ban hành luật về an ninh quốc phòng kiểm soát đầu tư Trung Quốc vào Mỹ cũng như triệt hạ khả năng quốc phòng của Trung Quốc, thí dụ như việc gây rối và bành trướng ở Biển Đông hay mưu tính sang cả vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các biện pháp song hành này sẽ là thế cờ vây Trung Quốc, không nhất thiết phải là dùng lực lượng bên ngoài tiến vào lãnh thổ họ, nhưng quan trọng hơn là gây rối loạn kinh tế, chính trị và quân sự. Sau cùng, thúc người của chính họ chống lại họ ?
Thế vô chiêu của ông Trump chính là sự bất định trong một chính sách rõ ràng của Tòa Bạch ốc để địch thủ có thể tiên đoán được mà phòng ngừa hay đối phó. Vài học giả ở Mỹ tuyên bố Tổng thống Trump không có chiến lược rõ rệt hay cụ thể, thiếu nghiên cứu, nên khó thắng được Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dõi sát các nghiên cứu và kế hoạch của nhóm tư vấn Tòa Bạch ốc từ nhiều tháng, người viết có thể khẳng định rằng lo ngại này không đúng.
Một cách cụ thể, Bộ trường Tài chính Mnuchin và Cố vấn Hội đồng Kinh tế quốc gia Kudlow, ở mặt nổi, vẫn ôn hòa lo điều đình các biện pháp bắt Trung Quốc nhường nhịn ; và mặt khác, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Navarro và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer, ở mặt chìm nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách của Tổng thống Trump, sửa soạn cả một kế hoạch "tác chiến" định lượng qui mô về thương mại gồm các mặt hàng, thuế suất và giá trị, kể cả trường hợp Trung Quốc tuồn hàng sang các xứ Đông Nam Á để tránh thuế trong tương lai gần. Các học giả nhìn từ xa bằng con mắt lý thuyết chung chung đã không đánh giá đúng khả năng đang có của Tòa Bạch Ốc và nhóm chuyên gia liên hệ. Chính sự coi thường này về chính sách thương mại lâu dài của Trump là lợi thế vô chiêu hay đôi khi hư chiêu của ông !
Còn chuyện Tổng thống Trump có thể "bỏ cuộc" giữa chừng và trở nên hòa hoãn. Tất nhiên với tính khí của ông, chuyện này rất dễ xảy ra, nhưng là vì lý do tốt và chính đáng. Vì kinh tế Mỹ ít phụ thuộc vào xuất cảng, có thể vài ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung trở nên gay gắt trong ngắn hạn là lạm phát và lãi suất tăng trong vài quý tới, nhưng đừng quên là tăng trưởng kinh tế Mỹ đang rất mạnh so với Trung Quốc và Âu Tây. Trung Quốc thì phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất cảng để duy trì đầu tư và tăng trưởng, nguy cơ rối loạn kinh tế và chính trị dễ xảy ra trong 6-9 tháng tới. Nếu Trung Quốc may mắn bắt đầu khôn ngoan nhận ra thực tế đó, và tỏ thái độ nhường nhịn, sẽ là lúc Tổng thống Trump lại tỏ ra hòa hoãn khoan nhượng với Trung Quốc, có thể để theo đuổi một mục đích chính trị quốc tế mới.
Lúc đó là lúc ông có thể tuyên bố "Fair Trade" đã trở lại và từ từ sẽ tăng cường "Free Trade" cho Mỹ ?
Đúng với câu "mantra" (bí quyết) của chính sách thương mại Mỹ hiện tại được tóm tắt trong câu : "Free, Fair and Reciprocal Trade" (Thương mại tự do, bình đẳng và hỗ tương).
Phạm Đỗ Chí
Nguồn : VOA, 06/08/2018