Đôi khi Trung Quốc đưa ra những quyết định khôn ngoan. Vào những lúc khác, Bắc Kinh có khả năng mắc những sai lầm nghiêm trọng, thậm chí là có hành động xấu xa. Nhưng chính phủ Trung Quốc hiếm khi ngớ ngẩn. Đặc biệt, quan chức Trung Quốc không dám mạo hiểm với uy tín của lãnh đạo tối cao Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều đó cho thấy nên xem xét lại các phản ứng bác bỏ của các nước đối với một động thái dù có vẻ khô khan nhưng lại quan trọng và bộc lộ nhiều điều.
Động cơ gia nhập CPTPP của Trung Quốc từ ôn hòa đến đáng lo ngại
Vào ngày 16 tháng 9, Trung Quốc đã chính thức đề nghị được tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khối thương mại gồm 11 quốc gia với 500 triệu người tiêu dùng ở Châu Á và Châu Mỹ. Mặc dù thời điểm đề nghị của Trung Quốc rất đột ngột, nhưng động thái này có thể đoán trước được. Nhiều tháng trước, Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ "cân nhắc ủng hộ" việc nộp đơn. Lời của ông ấy là luật. Nhưng nhiều nhà phân tích nước ngoài (và một số quan chức chính phủ nước ngoài trong chỗ riêng tư) tự tin dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ được kết nạp.
Người ta hoài nghi là điều dễ hiểu. Với danh nghĩa mở cửa thị trường và cạnh tranh bình đẳng, các thành viên hiện tại của CPTPP — Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam — đồng ý hạn chế trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, cho phép hầu hết các luồng dữ liệu xuyên biên giới và chống lao động cưỡng bức, trong số nhiều hứa hẹn khác. Nếu Trung Quốc khó đạt được tiêu chuẩn đó vì thay đổi theo hướng nhà nước kiểm soát phần lớn nền kinh tế, nỗi ám ảnh về an ninh trong những năm gần đây, thì tình trạng hoài nghi này không phải là ngẫu nhiên. CPTPP là đứa con mồ côi của một thỏa thuận trước đó do Mỹ dẫn đầu, TPP. Thỏa thuận TPP được chính quyền Bush và Obama tạo ra với mục đích biến Châu Á và Thái Bình Dương trở thành pháo đài thương mại tự do dựa trên luật lệ, khiến Trung Quốc phải lựa chọn cải tổ mô hình chủ nghĩa tư bản do nhà nước thống trị hoặc phải ở bên ngoài cuộc chơi. Rồi Tổng thống Donald Trump nắm quyền, ông khinh miệt thương mại tự do và luật lệ đã khiến ông từ bỏ TPP trong ngày đầu tiên nắm quyền. Khi Nhật Bản hướng dẫn các thành viên sáng lập khác tạo ra một giải pháp thay thế không có sự tham gia của ông Trump, CPTPP, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội.
Quan chức ở Bắc Kinh đã bỏ ra hai năm nghiên cứu việc xin tham gia của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn ra sao. Họ kết luận là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi xin gia nhập, đặc biệt là do mối quan hệ căng thẳng với các thành viên hiện có quyền phủ quyết, đặc biệt là Australia, Canada và Nhật Bản. Nhưng họ cũng tính toán rằng Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với sự giám sát gắt gao hơn nữa nếu Mỹ nằm trong CPTPP – hiện là một viễn cảnh xa vời do chính quyền Biden cam kết đặt công nhân Mỹ lên trên lợi nhuận doanh nghiệp và việc mở rộng thương mại toàn cầu.
Nói tóm lại, Trung Quốc rất nghiêm túc. Cách giải thích tốt nhất về tham vọng của họ là do lòng tự tin gia tăng dưới nhiều hình thức, có những hình thức này đáng báo động hơn những hình thức khác. Bắt đầu với sự lạc quan, thận trọng trong những người đôi khi được gọi là những người cải cách. Nhóm này đã từng thúc đẩy tự do hóa kinh tế. Trong một Trung Quốc tập trung vào kiểm soát chính trị, ổn định, an ninh và tự cường, những nhà cải cách giờ đây thấy an toàn hơn khi thúc đẩy một nhà nước hiệu quả hơn, chứ không phải một nhà nước nhỏ hơn. Học giả, quan chức kĩ trị và doanh nghiệp thuộc loại này lập luận rằng Trung Quốctrở nên mạnh mẽ và có công nghệ tiên tiến đến mức Trung Quốc sẽ có lợi khi dỡ bỏ các rào cản thương mại và duy trì các quy tắc quốc tế chung, chẳng hạn như để bảo vệ tài sản trí tuệ của Trung Quốc.
Những ủng hộ sự cởi mở như vậy tin rằng Trung Quốc có thể cạnh tranh trong một thế giới tự do thương mại, nhưng vẫn chưa sẵn sàng để tự viết ra các quy định. Họ hoan nghênh cơ hội giúp định hình các chuẩn mực trong quá trình đàm phán, chẳng hạn như quá trình gia nhập CPTPP, mà họ tin rằng sẽ mất nhiều năm. Họ hy vọng rằng áp lực bên ngoài sẽ vượt qua các nhóm lợi ích đặc biệt trong nước như khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Với sự đồng thuận chính thức ở Bắc Kinh rằng Mỹ đang cố gắng ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, áp lực từ hiệp ước CPTPP không có Mỹ tham gia — được họ chào đón đặc biệt. Wang Huiyao điều hành Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn hỗ trợ việc nhập CPTPP. Ông cho biết kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 11 lần kể từ khi gia nhập WTO. CPTPP là một cơ hội mới để tham gia một WTO mini.
Một kiểu tự tin khác thúc đẩy những người theo chủ nghĩa dân tộc như lãnh đạo chính phủ ủng hộ CPTPP. Họ không chỉ nghĩ rằng hệ thống do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh trên thế giới. Họ tin rằng hệ thống đó vượt trội. Quan chức và học giả Trung Quốc có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cho rằng các lực lượng thị trường sẽ mang lại hiệu quả đáng mơ ước, nhưng ưu tiên của họ là sự ổn định, thứ mà họ coi là vũ khí bí mật của Trung Quốc.
Để minh chứng họ chỉ ra cách xử lý nghiêm khắc, theo hướng tập thể đối với đại dịch Covid-19, trái ngược với số ca tử vong lớn ở phương Tây tự do. Canh bạc của họ là việc tham gia CPTPP sẽ gia tăng thương mại nước ngoài và áp đặt những điều luật hữu ích mà không làm suy yếu sự kiểm soát chính trị mạnh mẽ đối với kinh tế. Họ cảm thấy một cơ hội lịch sử để đạt được một mục tiêu mà họ ấp ủ từ lâu, đó là làm cho thế giới tôn trọng hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Những người hoài nghi về cơ hội của Trung Quốc khẳng định rằng các quy tắc của CPTPP trong việc cấm trợ cấp và viện trợ cho các công ty nhà nước. Trên thực tế, có những trường hợp miễn trừ cho các công ty nhà nước và những công ty cung cấp dịch vụ nội địa không sinh lời. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc có thể chấp nhận quy định đối với các công ty nhà nước hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại sinh lợi, đồng thời nhấn mạnh rằng các công ty nhà nước hoạt động trong nước là cần thiết trong việc cung cấp việc làm, quản lý các nguồn lực quan trọng hoặc duy trì một hệ thống tài chính chỉn chu. Các quy định ngày càng khắt khe hơn bao giờ hết của Trung Quốc về dữ liệu xuyên biên giới sẽ khó thực hiện hơn, mặc dù các quy định miễn trừ về trật tự công cộng có thể hữu ích. Trung Quốc phủ nhận lao động động cưỡng bức, thách thức các đối tác thương mại không tin vào điều đó.
Mỹ hứa sẽ đồng hành với các đồng minh, rồi lại thất hứa
Rào cản lớn nhất đối với sự gia nhập của Trung Quốc không phải là quy tắc này hay quy tắc kia, mà là lòng tin. Một quan chức cấp cao của Nhật Bản tỏ vẻ lo lắng về việc Trung Quốc đề nghị sửa đổi luật trong nước theo hướng được cho là để tuân thủ CPTPP, nhưng trên thực tế, không đạt yêu cầu. Ông tiếc rằng việc thách thức những động thái như vậy sẽ dễ dàng hơn nếu có Mỹ. Lo sợ cũng đúng. Trung Quốc có hiệp định thương mại tự do với Australia, nhưng hiện đang chặn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc, nhằm áp đặt việc tẩy chay không chính thức sau khi lãnh đạo Australia kêu gọi điều tra toàn cầu về nguồn gốc của Covid-19. Một số thành viên CPTPP cho rằng Trung Quốc là một kẻ bắt nạt quá lớn. Trung Quốc tin rằng một Trung Quốc quá lớn không thể nào bị bỏ qua.
The Economist
Nguyên tác : A Chinese vision of free trade, The Economist, 09/10/2021
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 14/10/2021