Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’ : Hoa Kỳ hay Trung Quốc

Diễm Thi, RFA, 12/12/2019

Tiến thoái lưỡng nan

Báo mạng Asia Times vào ngày 4 tháng 12 đăng bài viết của tác giả David Hutt nói về tình thế của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay với tựa đề "US, China rivalry puts Vietnam in a no-win bind" (Tạm dịch : Mỹ, Trung cạnh tranh đặt Việt Nam vào thế khó xử).

chonlua1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2017. AFP

Trong bài viết này, ông David Hutt đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay được khẳng định là ‘duy trì hiện trạng’. Điều đó khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải cạnh tranh để giành được ảnh hưởng với Việt Nam, và để các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có lợi cho cả đôi bên.

Câu hỏi được đặt ra là liệu việc duy trì hiện trạng như vậy có lợi cho Việt Nam hay không trong khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn trong việc ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí ở các khu vực tranh chấp.

Hồi tháng 3 năm 2018, PetroVietnam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam.

Trước đó gần một năm, tháng 7 năm 2017, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03, khi Repsol xác nhận đã tìm thấy một mỏ khí đốt quan trọng.

Cả hai lô dầu khí này được cho là nằm gần hoặc trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông để đòi chủ quyền dù năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho rằng Việt Nam hiện đang ở một thế vừa có cơ hội vừa có thách thức vì cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam giỏi điều hành thì sẽ biến nó thành cơ hội, còn không thì cơ hội sẽ thành thách thức. Ông giải thích :

"Trung Quốc luôn luôn muốn Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc (theo nghĩa hiện đại). Việt Nam có đường biên giới trên bộ sát với Trung Quốc, và Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc xuống ASEAN.

Còn về Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hiện đang thực hiện chính sách đặt Trung Quốc là một nhân vậy nguy hiểm. Chính vì vậy Hoa Kỳ cần có các đối tác khác và Việt Nam là một đối tác mà Hoa Kỳ đang nhắm tới, bởi vì thứ nhất là Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc. Nếu Việt Nam độc lập được sẽ giúp rất nhiều trong việc chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực dưới ; thứ hai là Việt Nam, một nước ASEAN có lịch sử, truyền thống hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Chính vì vậy nên Hoa Kỳ rất muốn tranh thủ Việt Nam".

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, thì Trung Quốc là một cường quốc đang lên và chắc chắn Trung Quốc sẽ khẳng định vị thế của mình không những trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, còn Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang xuống mà Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1 thế giới từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên từ thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã nhận thấy Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh chiến lược ‘một mất một còn’, cho nên dưới thời Tổng thống Obama đã có chiến lược ‘Chuyển trục về Châu Á’ để tái cấu trúc mô hình hợp tác và phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Vì thế Việt Nam là một nước quan trọng và cần thiết trong chiến lược của Mỹ.

Với quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi bằng cách phải liên kết với Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông nói :

"Việt Nam không thể di dời khỏi đường biên giới với Trung Quốc nên Việt Nam phải có chính sách hòa hoãn với Trung Quốc nhưng phải liên kết với thế giới bên ngoài, quan trọng là Hoa Kỳ. Muốn vậy thì Việt Nam phải xây dựng được nội lực. Muốn vậy Việt Nam phải có sự đoàn kết, mà muốn có đoàn kết thì Việt Nam phải có tự do, dân chủ. Tôi tin chắc rằng Đảng cộng sản đang có những bước chuẩn bị cho tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam".

Việt Nam chọn Mỹ hay Trung Quốc ?

chonlua2

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 2019. AFP

Bài viết của tác giả David Hutt cũng đề cập đến một câu nói ở Việt Nam lâu nay về việc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam : "Đi với Trung Quốc thì mất nước ; đi với Mỹ thì mất đảng".

Luật sư Vũ Đức Khanh phân tích :

"Việt Nam đi với Trung Quốc thì không mất đảng nhưng chắc chắn là sẽ mất nước. Việt Nam đi với Mỹ không nhất thiết sẽ mất đảng nhưng lại có cái lợi là Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như tính độc lập của mình".

Từ nhiều năm qua, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam là "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, liệu chính sách đó có còn phù hợp ?

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định chuyện ‘đu dây’ là bình thường vì quốc gia nào cũng phải tìm cách cân bằng quyền lợi hết. Ông nói rõ hơn về trường hợp Việt Nam :

"Thực ra thì quốc gia nào cũng ‘đu dây’ chứ không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ cũng vậy. Hoa Kỳ một mặt chống Trung Quốc nhưng một mặt vẫn hợp tác chứ không đặt vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Quan điểm của Hoa Kỳ cũng đưa ra và hiểu được Việt Nam chỗ đó. Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không cần phải chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà là chọn như thế nào để tất cả cùng hài hòa để mà phát triển".

Hôm 24 tháng 11 năm 2019, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng một bài viết tố cáo Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc, với tựa đề "US can’t use energy cooperation with Vietnam to further its regional interests" (Tạm dịch : Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để tăng cường các lợi ích trong khu vực).

Bài viết cho rằng, Hoa Kỳ đã sử dụng việc tăng cường hợp tác với Hà Nội về năng lượng như một vỏ bọc để thúc đẩy Hà Nội tiến những bước lớn hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển, trong khi Việt Nam trông chờ Hoa Kỳ một sự đảm bảo cho những lợi ích kinh tế to lớn.

Bài báo dẫn lời đe dọa của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán cho các dự án chung với các nước khác nhưng sẽ không tha thứ cho bất kỳ tổn hại nào đối với chủ quyền của Trung Quốc.

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2 năm 2019, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Lúc đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng, "Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 12/12/2019

********************

'Việt Nam sẽ mất đảng cộng sản nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc'

David Hutt & Tina Hà Giang, BBC, 12/12/2019

Trước tình trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, Hà Nội ngày càng khó giữ được sự cân bằng trong liên hệ ngoại giao với hai cường quốc đối thủ, tác giả David Hutt bình luận.

vietmy1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Nguyễn Phúc tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội vào ngày 27/2/2019. Ảnh : Saul Loeb / AFP

David Hutt, nhà báo làm việc tại Á Châu, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, đưa ra nhận định này trong bài Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Việt Nam khó xoay sở .

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 10/12, David Hutt giải thích rằng Hà Nội thật ra không có lựa chọn nào hơn là giải pháp ngoại giao - có vẻ không hữu hiệu, trước một Trung Quốc ngày càng trở nên táo bạo và không có lý do gì phải nhượng bộ.

Tình trạng được David Hutt gọi là tiến thoái lưỡng nan này xảy ra là vì, theo ông, bận tâm lớn nhất của Hà Nội là không muốn mất chế độ cộng sản, vì thế mọi quyết định liên quan đến chính sách ngoại giao đều bị nỗi ám ảnh sợ mất đảng chi phối.

Thế nhưng ông cũng cho rằng Việt Nam cũng không muốn mất nước (khẳng định chủ quyền trên vùng Biển Đông), vì nếu để mất nước thì "tính chính danh của nhà nước Việt Nam sẽ bị đe dọa."

Giữa thế tiến thoái lưỡng nan này, David Hutt kết luận rằng Hà Nội sẽ mất đảng nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc.

VIETNAM-CHINA-DIPLOMACY

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, ngày 12/11/2017. Ảnh : AFP / Hoàng Đình Nam

David Hutt : Vấn đề của Hà Nội là, khi Trung Quốc trở nên táo bạo hơn, Hà Nội mất đi nhiều lựa chọn. Hiện tại, những gì Việt Nam có chỉ là ngoại giao. Hà Nội cố gắng đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh, điều này đôi khi có kết quả, nhưng biện pháp ngoại giao đòi hỏi Bắc Kinh phải tử tế.

Trung Quốc giờ đã xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nên các tàu của họ không cần phải quay trở lại đất liền để lấy thêm nguyên liệu, vì vậy họ có thể quấy rối tàu biển Việt Nam thường xuyên hơn và lâu hơn.

Ngoài ra, nếu Bắc Kinh thuyết phục được ASEAN ký kết bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông với các điều khoản Bắc Kinh muốn, thì chẳng lâu sau đó Hà Nội có thể sẽ buộc phải ngừng khoan dầu với các đối tác nước ngoài - hiện đang là các công ty Mỹ và Nga, cũng như tham gia hợp tác quân sự với Mỹ. Vì vậy, Hà Nội sớm có thể mất đi phòng thủ chính của mình.

Hà Nội còn có những lựa chọn nào khác ? Việt Nam không thể đụng độ quân sự vì quân đội của họ yếu hơn hẳn so với Trung Quốc, và tại thời điểm này, nếu có chiến tranh, Hà Nội không tin là Mỹ sẽ đến hỗ trợ. Điều tôi muốn nói là Hà Nội cần nghĩ ra những ý tưởng mới và không thể phụ thuộc vào mong muốn rằng tình huống nguyên trạng sẽ kéo dài.

Ví dụ, ông Trọng hoặc ông Phúc có thể đến Washington, nâng cao quan hệ đối tác của họ thành một đối tác chiến lược, và thậm chí đưa ra ý tưởng về một liên minh hiệp ước - để nếu có cuộc tấn công vào Việt Nam thì Hoa Kỳ sẽ phải đáp trả.

Điều này sẽ thay đổi chính sách đối ngoại được quyết định vào thập niên 1990 của Việt Nam. Mọi thứ bây giờ rất khác xưa và Hà Nội cần phải bắt đầu có những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ nếu muốn làm chủ được tình hình. Thật thế, Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ không chủ động thích ứng được với các sự kiện chung quanh.

Hà Nội đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, vấn đề là hình như họ không có vẻ như muốn ra khỏi vị trí đó, nơi họ ngày càng bị đẩy sâu vào hơn.

BBC : Bài viết của ông trích dẫn câu châm ngôn "chơi với Mỹ mất chế độ, chơi với Trung Quốc mất nước". Theo ông thì nếu bắt buộc phải chọn, Hà Nội sẵn lòng bỏ chủ nghĩa cộng sản hơn hay sẵn lòng bỏ lãnh thổ hơn ?

David Hutt : Ồ, họ không muốn bỏ cái nào. Tôi đoán là Đảng Cộng sản có lẽ muốn tự cứu mình nhiều hơn. Nhưng bây giờ đảng và nước gắn liền với nhau. Tôi nghĩ rằng, ngoài tăng trưởng kinh tế, bảo vệ lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông giờ đây là điều duy nhất mang lại đến cho đảng chút tính hợp pháp. Từ bỏ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông là điều tôi cho là có thể khiến đảng Cộng sản Việt Nam bị sụp đổ.

BBC : Ông nhận định rằng nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam sẽ cao hơn nếu Hà Nội liên kết với Trung Quốc thay vì nghiêng hẳn về phía Mỹ. Xin giải thích tại sao.

David Hutt : Đúng ! Việt Nam sẽ có thể mất đảng nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc.

Trước hết, theo tôi, chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay mãnh liệt đến mức nó thực sự đe dọa Đảng Cộng sản. Nguyễn Tấn Dũng quản lý tinh thần bài Trung khá tốt khi ông còn là Thủ tướng, như trong các sự kiện năm 2012. Nhưng kể từ năm 2016, nhiều người dân Việt Nam bây giờ cho rằng thấy nhiều lãnh đạo của Đảng hiện nay, đặc biệt là những người như Nguyễn Phú Trọng, là tay sai của Bắc Kinh.

Hãy nhìn vào các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu năm ngoái hoặc các cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016 ; đó là những sự kiện khiến công chúng Việt Nam thực sự tức giận và đang dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt trong đảng. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn liên kết với Bắc Kinh, trong trường hợp đó sẽ phải từ bỏ chủ quyền của mình ở Biển Đông, tôi nghiêm túc nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn đến sự tức giận công khai đến mức Đảng Cộng sản bị đe dọa.

Thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ không có mục đích thay đổi chế độ, tạo "diễn biến hòa bình" hay sự "tự chuyển hóa" ở Việt Nam. Họ muốn từ Hà Nội một chính phủ thân thiện, phản đối sự bành trướng của Trung Quốc, điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang làm. Các dân biểu Mỹ nói đúng, chính quyền Hoa Kỳ đã vuốt ve Việt Nam. Hãy nhìn cách họ nhân nhượng với Việt Nam, chẳng hạn như khi Obama rút lệnh cấm bán vũ khí mà không bắt Hà Nội phải có bất kỳ tiến bộ nhân quyền lớn nào.

So sánh điều này với cách Mỹ đối phó với Campuchia hoặc Thái Lan. Tập đoàn Podesta, với mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Dân chủ và Trump, đã vận động chính phủ Việt Nam trong nhiều năm và giết chết các dự luật đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều tiến bộ về nhân quyền của Hoa Kỳ. John Kerry cũng bị cáo buộc đã làm việc chăm chỉ trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao để ngăn chặn bất kỳ dự luật nào như vậy đi qua Quốc hội.

Nhưng nếu Việt Nam không còn tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông và không còn đưa ra một thái độ chống Trung Quốc trong ASEAN, thì Mỹ không có lý do gì để nâng niu Việt Nam. Nếu Hà Nội gắn kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, thì Mỹ sẽ tìm cách thay đổi chế độ ở Hà Nội. Và nếu Hà Nội liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, người dân Việt Nam sẽ phản đối với con số lớn chưa hề thấy trong nhiều thập niên. Theo tôi, Đảng Cộng sản có nhiều thứ để mất trong nước và quốc tế nếu nó nghiêng hẳn về với Bắc Kinh hơn với Washington.

BBC : Giả sử nhận định vừa rồi là đúng, ông có nghĩ rằng Hà Nội cũng nhận ra điều đó và vì thế không muốn hoàn toàn liên kết với Trung Quốc, hay là họ có những lý do khác để không muốn làm như vậy ?

David Hutt : Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản, trước hết, không thích thay đổi. Nó muốn mọi thứ, trong nước và quốc tế, được giữ nguyên trạng như hiện tại. Xét cho cùng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao hơn - ví dụ, có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - và Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền.

Vì vậy, với các nhà lãnh đạo đảng mọi thứ bây giờ khá tốt. Nhưng mọi thứ cũng đang thay đổi và tôi không nghĩ rằng Đảng Cộng sản, về bản chất, giỏi thích nghi với thay đổi. Về mặt tư tưởng, họ muốn gần gũi với Bắc Kinh, với tư cách là anh em xã hội chủ nghĩa, và chắc chắn họ nghi ngờ ý đồ của Hoa Kỳ - mặc dù, như tôi đã nói trước đây, nỗi sợ về sự tiến hóa hòa bình của Hà Nội thực sự không phù hợp với thực tế.

Tôi không thấy có các phe thân Mỹ hoặc thân Trung Quốc trong đảng - Tôi nghĩ rằng nhận định này từ đâu đó là điều đã bị cường điệu hóa. Nhưng hiện Hà Nội đang đứng trước một tình huống rất khó khăn phải giải quyết.

Nếu không làm gì và hy vọng rằng mọi việc sẽ còn ở nguyên trạng, Hà Nội có nguy cơ không thể chủ động thích ứng được với các sự kiện. Nhưng nếu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, Việt Nam có nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc và các vấn đề kinh tế. Mặt khác, nếu nó liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, họ sẽ mất quyền khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và có nguy cơ khiến Washington ngày càng tức giận và có biện pháp trừng phạt.

Vì vậy, như tôi đã viết trong bài, Hà Nội phải chọn một con đường ít xấu nhất, và đó là một quyết định thực sự khó khăn. Tôi chỉ muốn nói đây là một quyết định mà Hà Nội sẽ phải đưa ra vào một lúc nào đó.

BBC : Điều gì cần xảy ra để giúp Hà Nội thoát khỏi tình huống khó xoay sở này ? Và nếu được hỏi, ông khuyên chính phủ Việt Nam nên làm gì ?

David Hutt : Tự hào về điều mình là người ủng hộ phong trào dân chủ hóa Việt Nam, và những người dũng cảm đấu tranh cho quyền tự trị của chính họ - như Phạm Chí Dũng vừa bị bắt tháng trước - tôi sẽ khuyên Đảng Cộng sản cải cách hệ thống chính trị, cho các đảng độc lập được phép hoạt động và cho người dân Việt Nam có được bầu cử dân chủ thực sự. Tôi nói điều này với tất cả sự chân thành và cẩn trọng.

Vấn đề đối với Hà Nội ngay bây giờ là chính sách đối ngoại chỉ đứng hàng thứ yếu so với sự tồn tại của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản nghĩ về vị trí của chính mình trước, rồi mới nghĩ đến chính sách đối ngoại.

Vì vậy, nếu Việt Nam bắt đầu dân chủ hóa, thì chính sách đối ngoại sẽ trở nên đơn giản hơn : Hà Nội sẽ không phải lo lắng về việc Mỹ muốn đổi chế độ ; sẽ không phải lo lắng về việc xúc phạm người anh em xã hội chủ nghĩa ở Bắc Kinh ; và sẽ không còn phải lo lắng là những người bất đồng chính kiến muốn nổi loạn và lật đổ toàn bộ hệ thống nhà nước.

Tâm trạng luôn lo lắng về sự sống còn của đảng CSVN là nguyên nhân tạo ra tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này. Lịch sử dạy chúng ta rằng chính sách đối ngoại của các chế độ và nhà nước độc tài hiếm khi tốt về lâu dài, bởi vì họ luôn thận trọng quá mức về những gì xảy ra trong nước.

Trong một nền dân chủ, nếu một chính sách đối ngoại thất bại, thì sau cuộc bầu cử, chính phủ mới bước vào sẽ tìm cách giải quyết tình hình - và nhà nước vẫn tương đối ổn định. Chỉ cần nhìn vào các sự kiện ở Mỹ sau khi Mỹ bị thua trận trong cuộc chiến Việt Nam, đã không có bất kỳ vấn đề chính trị hay cuộc cách mạng lớn nào. Nhưng ở một quốc gia độc tài như Việt Nam, một chính sách đối ngoại thất bại có thể sẽ gây ra một cuộc cách mạng có nguy cơ tàn phá hủy toàn bộ nhà nước. Nguy cơ này khiến chính phủ thận trọng hơn, bảo thủ hơn và luôn tự phải lo lắng về sự sống còn hơn.

Tina Hà Giang thực hiện

Nguồn : BBC, 12/12/21019

Published in Diễn đàn

Nhà bình luận chính trị David Hutt nói rằng mục tiêu chiến tranh thương mại kế tiếp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ là Việt Nam.

muctieu1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đứng trước một lá cờ Việt Nam trong một buổi lễ đến Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2017. Ảnh : AFP / Jim Watson

Trong bài viết Trump's next trade war target : Vietnam , nhà báo làm việc tại Á Châu, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, cũng thường xuyên viết cho Asia Times, nhận định rằng Việt Nam rất có thể là mục tiêu kế tiếp trong chiến tranh thương mại của Trump.

Trả lời phỏng vấn với BBC Việt Ngữ hôm 21/7, ông David giải thích rõ hơn những lý do chính tại sao ông Trump xem Việt Nam như mục tiêu kế tiếp của cuộc chiến thương mại, cũng như Hà Nội có thể làm gì để giảm thiểu tối đa rủi ro này.

David Hutt : Có hai lý do. Việc định tuyến lại các sản phẩm của Trung Quốc qua Việt Nam là một điều mới, và khá nghiêm trọng, nhưng có lẽ đó không phải là mối quan tâm chính của chính phủ Hoa Kỳ - xét cho cùng, Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc chuyển sản phẩm của mình qua nhiều quốc gia khác, và đã làm như vậy ngay cả trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, để tận dụng các thỏa thuận thương mại ưu đãi của quốc gia khác với Mỹ.

Nghiêm trọng hơn là thặng dư mậu dịch lớn mà Việt Nam có với Mỹ. Như tôi lưu ý trong bài viết, đã lên đến mức lớn nhất trong năm ngoái (khoảng 40 tỷ USD) và có thể tăng hơn trong năm nay, vì mới trong 5 tháng đầu năm nay, thặng dư đã đạt 21,6 tỷ USD.

Ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống, thặng dư mậu dịch là vấn đề lớn đối với ông - chúng ta nhớ rằng trong vài tháng đầu cầm quyền, ông Trump khá chống Việt Nam ; ông thường nhắc đến con số thặng dư mậu dịch khổng lồ của Việt Nam, nhiều hơn nhắc đến Trung Quốc lúc bấy giờ, và ông quyết định đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP, điều làm cho những người ở Hà Nội rất khó chịu.

BBC : Giới phản biện có thể lập luận rằng, những tuyên bố từ Trump, như ''Việt Nam lợi dụng chúng ta thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc"có thể chỉ là một trong những tuyên bố nhất thời, vì trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ sẽ cólợi hơn khi giữ mối quan hệ tốt với Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam không trộm cắp tài sản trí tuệ, do đó không làm tổn hại nhiều cho Mỹ như Trung Quốc. Ông nghĩ sao ?

David Hutt : Vâng, tôi có lưu ý trong bài viết rằng, theo các nguồn tin chính phủ mà tôi có được tại Việt Nam, mọi người thực sự không biết phải phản ứng như thế nào với bình luận của ông Trump. Với Trump, người ta luôn luôn phải đoán xem một bình luận ông đưa ra có phải là chính sách thực sự của Nhà Trắng không, hay chỉ là một phát ngôn mang tính cách thời điểm, hoặc Trump nghĩ rằng nếu ông nói điều gì đó thật kỳ quặc thì sẽ buộc người khác phải sửa đổi cung cách của họ.

Nếu chúng ta nhìn vấn đề với đôi mắt phân tích, thì những lời bình luận của ông Trump chắc chắn là kém ngoại giao và phi lý. Việt Nam không có chính sách cạnh tranh thương mại không công bằng như những chính sách bất công của Trung Quốc đối với thương mại Hoa Kỳ. Và Hà Nội chắc chắn sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Washington, ít nhất là trong quan hệ kinh tế. Vì vậy, không, Việt Nam không lợi dụng Mỹ tệ hơn Trung Quốc.

Hơn nữa, và đây là điều khiến cho những bình luận của Trump trở nên kỳ quái, là ít nhất từ năm 2011, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã đặt ưu tiên và nuông chiều Việt Nam vì những phản đối của Việt Nam với sự bành trướng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Không có quốc gia Đông Nam Á nào được Washington trao cho nhiều ưu đãi như thế, và không có quốc gia nào trong khu vực có nhiều vấn đề chính trị như Việt Nam - chẳng hạn như hồ sơ nhân quyền khủng khiếp và việc bảo trì hệ thống độc đảng - những điều thường khiến cho Mỹ rất quan tâm đã được ngó lơ. Chỉ cần so sánh cách Mỹ phản ứng với các sự kiện chính trị ở Campuchia với Việt Nam chúng ta sẽ thấy.

Việt Nam thực sự có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Một cách đặc biệt, Trump thực sự đã làm theo chính quyền Obama trong các giao dịch với Việt Nam - điều này rất độc đáo, vì Trump có xu hướng làm ngược lại với Obama trong những lãnh vực khác - và thực tế ông Trump đã nâng quan hệ với Việt Nam lên cấp độ cao hơn, ngoại trừ trong vài tháng đầu nhậm chức. Tôi tin rằng ông Trump đã đến thăm Việt Nam ba lần. Ông gần như không bao giờ nói chuyện công khai về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, trong khi ông Obama ít nhất đã đề cập đến những vấn đề này. Và ông Trump cũng đã dành nhiều lời khen ngợi có lẽ hơi quá lời cho Hà Nội khi thủ đô nước này tổ chức cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vào tháng Hai.

Vì vậy, những bình luận gần đây của ông Trump không những chỉ bất thường, mà còn đi ngược lại chính sách đối ngoại của Mỹ với Việt Nam trong gần một thập niên qua. Cho nên, tôi cảm thấy những lời này đáng kinh ngạc - có lẽ do ông cố tình phát ngôn như thế để buộc Hà Nội giảm thặng dư mậu dịch bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ, và cũng có lẽ để thể hiện, theo cái kiểu của Trump, là ngay cả các đồng minh của ông cũng phải coi chừng.

BBC : Tuyên bố của ông Trump, cộng thêm việc Mỹ áp 400% thuế lên thép có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan gia công tại Việt Namdường như cũng khiến Việt Nam quan ngại. Theo ông thì Việt Nam đã làm đủ chưa để giảm thiểu xác suất có thể trở thành mục tiêu kế tiếp trong chiến tranh thương mại của ông Trump ? Ông khuyên Hà Nội nên làm gì thêm để khỏi trở thành mục tiêu này ?

David Hutt : Tôi cho là, như đã đề cập ở trên, bình luận của ông Trump và việc áp thuế - không phải là là những điều quá hệ trọng - được đưa ra để khiến cho Việt Nam tìm cách giảm thặng dư mậu dịch bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ. Những điều đó có lẽ cũng khiến Việt Nam suy nghĩ rõ hơn về vị trí của mình, là Việt Nam đứng ở đâu trong lúc Mỹ và Trung Quốc được xem như là đang ở trong một chiến tranh lạnh mới.

muctieu2

Nhân công tại một xưởng may ở Hà Nội. Nhiều nước Á Đông mong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp nước họ ở vào vị trí thuận lợi hơn

Điều tốt cho Việt Nam là việc điều chỉnh thặng dư mậu dịch sẽ dễ hơn việc giảm thiểu các sản phẩm của Trung Quốc được chuyển vào Mỹ qua Việt Nam nhiều. Muốn giảm thặng dư mậu dịch Việt Nam đơn giản chỉ phải mua thêm hàng hóa từ Mỹ (mọi người đều biết Washington đã vận động Việt Nam mua vũ khí quân sự từ Mỹ, thay vì từ Nga), trong khi giảm hàng Trung Quốc đi qua ngả Việt Nam vào Mỹ đòi hỏi phải tổ chức lại hải quan và biên giới, một điều khá khó khăn.

Có bằng chứng cho thấy là Hà Nội đang cố gắng giảm thiểu các sản phẩm Trung Quốc được chuyển qua Việt Nam để vào Mỹ. Quan trọng hơn, cũng có bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều nhà lập pháp ở Việt Nam bắt đầu đặt câu hỏi tại sao họ phải chấp nhận đầu tư nhiều như vậy từ Trung Quốc - và liệu chất lượng chứ không phải số lượng có phải là cách tiếp cận tốt hơn. Mặc dù Việt Nam thường không cùng có quan điểm chính trị và địa chính trị với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, nhưng về kinh tế, cả hai nước rất thân thiết.

Nhưng nếu Việt Nam cố gắng thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc, chẳng hạn như bằng cách trở nên kén chọn hơn về những khoản đầu tư mà họ chấp nhận, điều này sẽ làm hài lòng Mỹ. Nếu ông Trump hành xử hợp lý, ông sẽ cố gắng sử dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra để thu hút thêm sự ủng hộ cho Mỹ từ các nước Châu Á khác. Chúng ta không thể phỏng đoán là ông ấy chắc chắn sẽ hành xử đúng như thế, nhưng đe dọa sẽ biến Việt Nam thành mục tiêu kế tiếp của chiến tranh thương mại có thể là cách mà ông Trump buộc Hà Nội phải thay đổi để có cách tiếp cận thân thiện hơn với Hoa Kỳ.

Tina Hạ Giang

Nguồn : BBC, 22/07/2019

Published in Diễn đàn

Hai tuần sau đỉnh điểm cuộc biểu tình thu hút 2 triệu người hôm 16/6, dân Hong Kong lại đang rầm rộ chuẩn bị xuống đường vì những đòi hỏi của họ vẫn chưa được chính quyền thân Bắc Kinh của Hong Kong đáp ứng.

hongkong1

Luật sư tại Hong Kong tuần hành trong im lặng để phản đối dự luật dẫn độ

Đặc biệt trong tuần qua, một số người Hong Kong đã qua cả Nhật Bản dương biểu ngữ yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng bàn về vấn đề của họ trong hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức tại Osaka.

Quyết tâm đấu tranh bảo vệ sự độc lập và tự do mà người Hong Kong đã có từ cách đây hơn 150 năm quả thực đã làm thế giới lưu ý và quan tâm.

Giới phân tích nhận định rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài cho đến khi người dân của Đặc khu Hành chính thuộc Trung Quốc này đạt được những điều tối thiểu mà họ đòi hỏi.

Thế nhưng giới trí thức của Hong Kong nghĩ gì ?

hongkong2

Ông Randy Shek 石書銘大律師, luật sư chuyên về nhân quyền, và quyền tự do dân sự, thành viên của Hong Kong Bar Association

'Phản ứng rất mãnh liệt'

Randy Shek 石書銘大律師, thành viên Hội Luật gia Hong Kong (Hong Kong Bar Asociation), luật sư chuyên về nhân quyền và quyền tự do dân sự, đồng ý với nhận định rằng cuộc đấu tranh còn kéo dài.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt tại văn phòng luật của mình ở Hong Kong hôm 15/6, ông Randy Shek nói :

"Mọi người yêu cầu 5 điều :

- Hoàn toàn rút lại dự luật dẫn độ

- Trưởng Đặc Khu Carrie Lam phải từ chức

- Rút lại dán nhãn của cảnh sát rằng biểu tình là 'cuộc bạo loạn'

- Trả tự do cho những người biểu tình bị bắt

- Bắt cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cho đến nay không có nhu cầu nào được đáp ứng bởi chính phủ, vì thế người dân sẽ phải tiếp tục xuống đường".

Về tiến trình làm luật tại Hong Kong nói chung và dự luật dẫn độ nói riêng, thành viên của Hong Kong Bar Association giải thích :

"Tại Hong Kong chúng tôi không có cơ cấu 'tam quyền phân lập' như ở phương Tây. LegCo, tức Viện Hành Pháp, nơi làm luật có 70 council members, trong đó 43 người thân Bắc Kinh. Vì thế dù gặp sự phản đối của quần chúng, bà Carrie Lam thoạt đầu vẫn bất chấp, và nhất định tiếp tục với chương trình thảo luận để thông qua dự luật dẫn độ, vì bà biết họ có đủ số phiếu.

Thế nhưng quần chúng phản ứng rất mãnh liệt vì chúng tôi, giới luật sư, không được bỏ phiếu, nhưng đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để giải thích cho người dân đủ mọi thành phần hiểu ảnh hưởng của luật này lên sự tự trị của Hong Kong. Đó là động cơ thúc đẩy hơn một triệu dân Hong Kong xuống đường biểu tình hôm 9/6, cũng như sự chuẩn bị cho các cuộc biểu tình sắp tới".

hongkong3

Luật sư Wilson Leung 梁允信, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group

'Thiếu dân chủ'

Cũng trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hôm 15/6, luật sư Wilson Leung 梁允信, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group, nói :

"Việc cả hai triệu người xuống đường cho thấy vấn đề lớn với sự thiếu dân chủ ở Hong Kong. Chừng nào chức đặc khu trưởng còn được bầu ra bởi một ủy ban mà đa số ủng hộ Bắc Kinh, thì guồng máy hành chánh ngày đó còn không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân và điều này sẽ dẫn từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.

Chẳng hạn như năm 2003 với dự luật An ninh Quốc gia, rồi vào năm 2012 với nỗ lực đưa ra một chương trình giáo dục "quốc gia" (tức yêu nước), và sau đó một lần nữa vào năm 2019 với dự luật dẫn độ".

"Cần phải cải cách để có dân chủ thực sự !" Luật sư Wilson Leung khẳng định.

hongkong4

Dennis Kwok, thành viên của Viện Lập Pháp Hong Kong (LegCo)

'Nhượng bộ và lắng nghe'

Trong khi đó, ông Dennis Kwok 郭榮鏗, một trong số 70 thành viên của Viện Lập Pháp Hong Kong (LegCo), hôm 17/6 đưa ra nhận xét với BBC Việt Ngữ :

"Tôi nghĩ lần này chúng ta thực sự phải nhìn vào những gì người dân Hong Kong đã làm, mọi người đã cùng nhau phản đối dự luật dẫn độ và cuối cùng chính phủ Hong Kong phải nhượng bộ và lắng nghe tiếng nói của dân, tôi nghĩ đơn giản là như vậy".

Ông Dennis Kwok nói với BBC Tiếng Việt về sự hỗ trợ của giới không trực tiếp liên quan đến biểu tình, một yếu tố quan trọng trong việc huy động quần chúng, đặc biệt là vai trò của những chính trị gia như mình :

"Là một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, tôi và các đồng nghiệp đã làm mọi thứ có thể được, trong và ngoài Viện Lập Pháp. Trong phạm vi của Viện Lập Pháp, chúng tôi cố gắng ngăn chặn quá trình này, chúng tôi đã đặt ra những câu hỏi khó để cảnh báo công chúng về sự dối trá của chính quyền về dự luật này.

Bên ngoài Viện Lập Pháp, chúng tôi đã đi khắp thế giới để tiếp xúc với cộng đồng quốc tế, nói cho họ biết tại sao những gì đang xảy ra ở Hồng Kông lại quan trọng với họ, bởi vì người dân của họ, những người nước ngoài đi qua Hồng Kông cũng có thể gặp rủi ro với dự luật dẫn độ".

"Nói tóm lại chúng tôi hỗ trợ giới biểu tình bằng chiến lược vận động quốc tế, và tại địa phương giải thích cho quần chúng nhận biết nguy cơ của luật dẫn độ. Thoạt đầu người dân cũng chưa hiểu hàm ý của dự luật và ảnh hưởng của nó lên Hong Kong cũng như lên đời sống hàng ngày của họ. Phải đến cuối tháng Năm người ta mới nhận thức rõ nguy cơ của dự luật dẫn độ vì thế hôm 9/6 mới có một triệu người xuống đường rồi hai triệu người một tuần sau đó, những gì tiếp theo đó là lịch sử".

hongkong5

Lý do giới trẻ Hong Kong vẫn quyết tâm biểu tình ?

Những bước kế tiếp là gì ?

Nhà lập pháp Dennis Kwok 郭榮鏗 nhận định :

"Tôi không nghĩ bà Carrie Lam dám mang dự luật này ra để thảo luận tiếp trong thời gian sắp tới. Nhưng dĩ nhiên không bao giờ nói 'never', và cái giá của tự do là luôn luôn phải cảnh giác. Người dân Hong Kong biết điều đó. Và thế giới bây giờ hiểu rằng khao khát của người Hong Kong cũng như lòng quyết tâm tranh đấu cho tự do của người dân Hong Kong sẽ không bao giờ chết".

Về những việc kế tiếp phải làm, ông nói :

"Trước mắt là chúng tôi phải đấu tranh bảo vệ những người trẻ biểu tình đã bị bắt. Chúng tôi cần tập họp các luật sư bào chữa miễn phí cho các em nếu cần. Chúng tôi phải thuyết phục bà Carrie Lam lên tiếng trước về vụ này để các thẩm phán hiểu quan điểm của bà trong các phiên xử. Xa hơn nữa, như tôi đã nói, là chúng tôi phải liên tục cảnh giác, đó là cái giá của tự do".

Luật sư Randy Shek 石書銘大律師, thì nhắc tới nhu cầu "cảnh giác với đại lục" :

"Tôi nghĩ đấu tranh cho quyền bầu cử phổ thông thực sự như được quy định trong Luật Cơ Bản sẽ là kế hoạch dài hạn. Nhưng nhìn vào tình hình hiện nay, mối quan tâm chính của mọi người là phải cảnh giác hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công từ Đại lục. Tôi nghĩ trong trái tim mọi người Hong Kong, ý tưởng về sự độc lập (mặc dù đó là điều cấm kỵ chính trị lớn nhất hiện nay) sẽ là sự cộng hưởng của nhiều người và nhiều giới".

Còn luật sư Wilson Leung 梁允信 nói :

"Phe dân chủ sẽ tiếp tục chiến đấu bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong quá khứ, mọi hoạt động hầu như chỉ giới hạn trong các cuộc tuần hành, điều này cũng quan trọng, như chúng ta đã thấy trong 1 triệu tuần trước và 2 triệu người tuần này, nhưng chỉ tuần hành không thì không đủ.

"Tôi dự đoán họ sẽ sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như tụ tập hát thánh ca, "biểu tình của những bà mẹ", đình công bãi thị, thậm chí là chiếm đóng các con đường khác nhau, và hơn nữa, liên kết với các đồng minh quốc tế có thiện cảm với nguyện vọng độc lập của Hong Kong. Thu hút chú ý của thế giới sẽ dễ dàng hơn sau khi những cuộc biểu tình vừa qua cho thấy sức mạnh của phong trào dân chủ Hong Kong". Ông Leung nhận định.

Với chính sách 'một quốc gia, hai thể chế' hết hạn năm 2047, điều không tránh khỏi là Hong Kong dần dà sẽ phải hội nhập nhiều hơn với Trung Quốc ở một mức độ nào đó.

Hiện Trung Quốc đã đưa ra chính sách thắt chặt Hong Kong vào Macau và Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông qua dự án Khu kinh tế vùng Vịnh Lớn - Great Bay Area.

Nhưng với sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của người dân Hong Kong trước nỗ lực biến Hong Kong thành một phần của Trung Quốc càng sớm càng tốt, tương lai của Đặc khu ra sao là điều hiện tại khó ai có thể tiên đoán.

Kịch bản tốt nhất có lẽ là chính sách 'một quốc gia, hai thể chế' của Hong Kong sẽ được Trung Quốc gia hạn.

Trung Quốc cũng có thể cho phép Hong Kong tiếp tục giữ một số, nhưng không phải tất cả các quyền tự do họ đang có.

Trường hợp tệ nhất là Hong Kong có thể sẽ mất vị thế của một vùng hành chánh đặc biệt, và trở thành một khu vực hành chính bình thường không có quyền tự trị của Trung Quốc.

Với những nỗ lực đấu tranh liên tục của người dân Hong Kong, xem ra giới trí thức và người trẻ Hong Kong đồng lòng với quan điểm của nhà lập pháp Dennis Kwok rằng 'cái giá của tự do là luôn phải cảnh giác".

Tina Hà Giang

Nguồn : BBC, 30/06/2019

Published in Diễn đàn

Người Mỹ gốc Việt khắp nơi đang rúng động trước tin của tờ The Atlantic rằng chính phủ Trump lại một lần nữa muốn trục xuất những người Việt tị nạn vốn là nạn nhân, hay là người lính từng tham chiến cuộc chiến Việt Nam, ra khỏi Hoa Kỳ.

tinan1

Đối với hàng ngàn người Việt Nam tại Hoa Kỳ, ai sẽ chịu trách nhiệm với những hậu quả gia đình phân ly, ảnh hưởng tệ hại đến thân nhân của họ ?

Tin này đặc biệt tạo nhiều hoang mang khi chỉ trước đó ba tuần The New York Times đưa tin nội các Trump đã âm thầm từ bỏ nỗ lực trục xuất một số người trong cộng đồng này.

Đây là những người Việt tị nạn đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 hiện chưa là công dân Mỹ, từng phạm pháp, và đã nhận được lệnh trục xuất, nhưng chưa rời khỏi nước Mỹ, vì theo một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ký năm 2008, không bị trục xuất bất kể có lệnh của Tòa Di Trú.

Trích lời một phát ngôn viên xin được dấu tên của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, The Atlantic cho biết Nhà Trắng một lần nữa đang tìm cách dẫn giải lại một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2008 để nhất định trục xuất khoảng 8.000 người Việt có tiền án hình sự đã có lệnh trục xuất của Tòa Di Trú.

tinan2

Người Mỹ gốc Việt đang hoang mang trước tin chính phủ Trump muốn trục xuất những người Việt tị nạn

Kế hoạch trục xuất... chưa thành

Đây không phải lần đầu tiên tin chính phủ Trump quyết định trục xuất người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995 gây xôn xao dư luận.

Tháng 3/2017, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền khắp nơi cũng hoang mang khi chính quyền Trump có một nỗ lực tương tự, đơn phương lý giải rằng những người nói trên không được bảo vệ theo thỏa thuận 2008, và bắt nhốt một số người Việt tị nạn có tiền án vào các trại giam của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), trong khi chờ thủ tục trục xuất.

Việt Nam thoạt đầu chấp nhận một số người bị trục xuất, dù họ đáng lẽ không, theo thỏa thuận 2008, nhưng sau đó không đồng ý tiếp nhận nữa, và cuối cùng thì Mỹ chỉ trục xuất được 11 người về Việt Nam, số người còn lại tiếp tục bị giam cầm trong những trung tâm của ICE.

Ít lâu sau, các chi nhánh của tổ chức Văn phòng Tư Pháp Người Mỹ Gốc Á (AAAJ) nộp đơn kiện chính quyền Trump với một vụ kiện tập thể (class-action lawsuit), đòi trả tự do cho họ, vì theo án lệ Zadvydas v. Davis 2001, thì ICE không được giữ người chờ bị trục xuất quá 180 ngày, và nếu trong thời gian 180 ngày giam giữ không có quốc gia nào nhận thì phải thả họ ra.

tinan3

Tượng đài tưởng niệm những người lính Việt Nam và Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam tại khu phố Little Saigon, ở Westminster, California hồi 2005.

Trong quyết định xác nhận vụ kiện tập thể, Thẩm phán Cormac J. Carney của Tòa Án Liên bang Hoa Kỳ phụ trách khu vực California cho biết chính phủ Trump nói đã đạt một thỏa thuận với Việt Nam trong tháng 8, theo đó "việc trục xuất người Việt đến Mỹ trước 1995 có vẻ khó thành" và sẽ dần dần thả những người này.

Thế nhưng bài báo của The Atlantic hôm 12/12 cho thấy chính quyền Trump đã thay đổi quyết định một lần nữa, và lại tìm cách trục xuất những người Việt có tiền án đã nhận được lệnh trục xuất này.

Thỏa thuận năm 2008 nói gì ?

Sở dĩ chính phủ Trump loay hoay tìm cách mãi mà vẫn chưa trục xuất những người Việt tị nạn này là vì rào cản có tên là thỏa thuận năm 2008.

Vậy thỏa thuận đó nói gì ?

Thỏa thuận năm 2008 được ký giữa cơ quan di trú Mỹ và đại diện của chính phủ Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 22 tháng Giêng, 2008, qua đó, Việt Nam bằng lòng nhận những người Việt di dân bị Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất, nhiều người trong số đó có tiền án, theo những điều kiện được ghi rõ trong biên bản.

tinan4

Khoản 2, Điều 2 trong Biên bản Ghi nhớ năm 2008 ghi người Việt đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 không nằm trong diện bị trục xuất

Theo bà Kelly Nantel, phát ngôn viên của ICE, thỏa thuận có mục đích bàn về việc trục xuất người Việt về Việt Nam, là kết quả đàm phán 10 năm của hai bên.

Trước đó, Mỹ không thể trục xuất người Việt nào, vì Việt Nam thường từ chối cấp giấy thông hành cho những người Việt di dân bị Mỹ trục xuất.

Toàn thể thỏa thuận ảnh hưởng số phận của hàng ngàn người này được tóm gọn trong một bản ghi nhớ dài chưa đến 6 trang, gồm chín điều.

Ngoài những thủ tục hành chánh hai bên phải theo, điểm then chốt của thỏa thuận 2008 là những người Việt đến Mỹ trước 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất, được ghi rõ trong Khoản 2, Điều 2 :

"Công dân Việt Nam sẽ không bị trả về Việt Nam theo thỏa thuận này, nếu họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995, ngày mà quan hệ ngoại giao được tái thiết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam duy trì vị trí pháp lý tương ứng của họ với công dân Việt đến Hoa Kỳ trước ngày đó".

tinan5

Người tị nạn Việt Nam, đa số thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến, và đã sinh sống ở Mỹ và con cháu họ, có khi chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam.

Giải thích về tính cách pháp lý và sự ràng buộc của thỏa thuận này, Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California nói với BBC hôm 14/12 :

"Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được ký vào đầu năm 2008 có thể diễn tả một cách dễ hiểu. Đây là một 'hợp đồng' hoặc 'giao kèo hành chánh' giữa hai chính phủ, đại diện Bộ Nội an từ phía Hoa Kỳ (của Tổng thống George W. Bush), và Bộ Ngoại giao của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".

"Văn kiện này không phải là một hiệp định được phê chuẩn bởi Quốc hội của hai quốc gia, hoặc sắc lệnh của một chính quyền áp đặt lên một chính quyền khác. Văn kiện này liên hệ đến, và giải quyết cho, nhiều vấn đề di trú và di dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

"Nội dung của văn kiện này ấn định một điều khoản bãi miễn quyền phía Hoa Kỳ thi hành thủ tục trục xuất những người Việt Nam có tiền án hình sự, nhưng đã sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia thiết lập bang giao, đó là ngày 12 tháng 7 năm 1995".

Xem kỹ hơn những điều khoản của thỏa thuận 2008 chúng ta thấy thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 5 năm, và sau đó sẽ tự động gia hạn thêm ba năm, trừ khi một bên quyết định không muốn gia hạn.

Nếu không muốn gia hạn, bên này phải báo cho bên kia tối thiểu trước 6 tháng. Còn nếu muốn tạm ngừng hay hủy bỏ thỏa thuận, bên này phải cho bên kia biết trước 1 tháng.

tinan6

Ông Phạm Chí Cường và Bùi Thanh Hưng, bị Mỹ trục xuất cuối năm 2017, nay không nhà, không việc làm, không người thân ở Việt Nam. Họ đang trao đổi với luật sư Tín Nguyễn ngày 19/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Vì thỏa thuận hết hiệu lực lần đầu tiên vào năm 2013, nên đã được gia hạn tự động năm 2016, và sắp được tự động gia hạn một lần nữa, vào tháng Giêng năm 2019.

Đây có lẽ là lý do tại sao chính phủ Trump đã có những cuộc thảo luận với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Phản ứng từ mọi giới

Không chỉ cộng đồng người Mỹ gốc Việt mới có những phản ứng gay gắt.

Tính đến hôm 14/12, ít nhất 27 dân biểu liên bang Hoa Kỳ ở những địa phương có nhiều cử tri gốc Việt, đã gửi thư bày tỏ quan ngại, và yêu cầu chính quyền Donald Trump tôn trọng thỏa thuận năm 2008 như hai bên đã ký kết.

Người phản đối nêu lên tính cách thiếu nhân bản trong việc muốn trục xuất những người tị nạn Việt Nam, đa số là người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến, và đã sinh sống ở Mỹ trong biết bao thập niên, và con cháu họ, có khi chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam.

tinan7

Chính phủ Trump đang quay lưng lại với những người phải chạy trốn khỏi Việt Nam, nhiều người từng chiến đấu bên cạnh người lính Mỹ ?

Ngoại trưởng John Kerry đăng trên Twitter :

"Thật đáng khinh. Sau khi rất nhiều người - từ George H.W. Bush đến John McCain và Bill Clinton - đã làm việc trong nhiều năm để chữa lành vết thương này và quên đi cuộc chiến - họ (chính phủ Trump) đã quay lưng lại với những người phải chạy trốn khỏi đất nước, nhiều người trong số đó từng chiến đấu bên cạnh chúng ta. Trump làm thế để đạt được mục đích gì cơ chứ ?".

Ông Bảo Nguyễn, cựu thị trưởng thành phố Garden Grove, nói với BBC hôm 13/12 ông cảm thấy rất buồn vì hành động mà ông cho là 'vô nhân đạo' :

"Sau khi những người tị nạn bị kết tội này đã chịu hình phạt, đã thụ án theo bản án của toà, trục xuất họ là kết án họ lần thứ hai, và là một hành động vi hiến. Thật là bất công và vô nhân đạo khi những cá nhân này bị tách khỏi gia đình, con cái họ và bị gửi đến một đất nước nơi họ không có tương lai".

Luật sư Trần Thái Văn nhận định :

"Với chính sách khe khắt về di dân, di trú nói chung, và đối với các thường trú nhân có tiền án phạm pháp nói riêng, chính phủ Donald Trump bây giờ đơn phương muốn vô hiệu hóa điều khoản bãi miễn trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995 của thỏa thuận 2008, với lập luận rằng phía Hoa Kỳ không phân biệt những người đến trước hoặc đến sau, và chính sách trục xuất sẽ được thi hành đồng đều với tất cả thường trú nhân có tiền án, một khi đã có lệnh truc xuất từ Tòa án Di trú Hoa Kỳ".

tinan8

Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ diễn hành trong một dịp lễ truyền thống - Ảnh minh họa

"Tôi không biết có nên gọi động thái này là 'chính sách' hay chỉ mới là một 'dự định đổi ý' của chính phủ Trump đang gây nhiều phức tạp và lo âu từ nhiều giới khác nhau, nhất là từ cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ".

"Tôi gọi đây là một 'dự định đổi ý" vì vào mùa Hè năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý tiếp tục tuân theo chính sách được thỏa thuận giữa hai quốc gia từ năm 2008, là không trục xuất những người tỵ nạn Việt Nam, đã có tiền án hình sự, nhưng đến trước Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995, trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức lập bang giao. Đây là chính sách được thỏa thuận từ các đời tổng thống George W. Bush và Barack Obama".

"Trên thực tế, có gọi đây là một 'chính sách' một 'dự định đổi ý" cũng không phân biệt được gì, vì quyết định mới đây từ phía Hoa Kỳ đã không được công khai và giải thích rõ ràng, hậu quả là đã gây ra rất nhiều hoang mang và sự phản đối từ nhiều giới khác nhau".

"Cái gọi là chính sách của chính phủ Trump về vấn đề trục xuất các di dân phạm pháp Việt Nam đã sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia có bang giao chính thức có phần phản ảnh sự lúng túng, lưỡng lự của các viên chức Hoa Kỳ, vì họ không có một câu trả lời rõ ràng cho những người và gia đình bị lọt vào tình trạng này".

tinan9

Cuộc sống của người Việt gốc Mỹ pha trộn văn hóa và lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ

Cựu nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên, hiện là giáo sư toán ở Nam California, xoáy vào tinh thần của thỏa thuận 2008. Ông viết trên trang Facebook cá nhân :

"Thỏa thuận 2008 có ý nghĩa sâu sắc chứ không phải chỉ về việc trục xuất tội phạm".

"Điều khoản này có nghĩa là tuy tái lập ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ không công nhận bất cứ quyền hạn nào của Chính quyền cộng sản Việt Nam đối với người tỵ nạn Việt Nam trên đất Mỹ lúc đó. Mỹ sẽ không giao người tỵ nạn Việt Nam cho Chính quyền cộng sản Việt Nam, và Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ không đòi được Mỹ giao người tỵ nạn Việt Nam cho Chính quyền cộng sản Việt Nam ".

"Đơn phương xóa bỏ điều khoản này, là một sự bắt tay rất nồng thắm giữa chính quyền Trump với Chính quyền cộng sản Việt Nam. Tất nhiên cá nhân người bị trục xuất thì phải thế nào mới bị trục xuất, nhưng đó chỉ là bề nổi. Từ nay trở đi bất cứ người Việt nào cũng có thể bị đem ra trao đổi với Chính quyền cộng sản Việt Nam. Và ý nghĩa thật sự của việc này là Hoa Kỳ chính thức công nhận khúc ruột nối dài liên kết người tỵ nạn với Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là điều hai tổng thống Bush và Clinton không muốn làm, nhưng Trump thì sẵn sàng làm".

"Khi làm ngơ điều khoản đặc biệt này, chính quyền Trump nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên ngang với các quốc gia văn minh không cộng sản như Pháp, Anh, Úc, v.v".

"Đó mới là ý nghĩa của của việc làm này, và cũng là lý do các cựu đại sứ Hoa Kỳ phản đối".

Tại sao cứ đòi phải trục xuất ?

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Qúy Hạo Nhiên nói với BBC hôm 13/12 :

"Ông Trump không ghét chế độ cộng sản ở Việt Nam, ông chỉ ghét chế độ cộng sản ở Cuba và đồng minh Cuba là Venezuela thôi. Thái độ của Trump đối với Việt Nam vồn vã như một người bán địa ốc vồn vã với khách hàng. Ta có thể thấy điều này khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Tòa Bạch Ốc gửi lời chia buồn và ca ngợi những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam tự hào và độc lập trên trường quốc tế".

"Ông Trump chỉ muốn được toàn quyền trục xuất bất cứ ai Trump có quyền trục xuất, và vì không ghét Chính quyền cộng sản Việt Nam nên Trump không thấy có lý do gì mà Chính quyền cộng sản Việt Nam lại bị ngoại lệ như vậy, so với các nước khác".

Trả lời phỏng vấn của BBC từ Texas, Luật sư Hoàng Duy Hùng nhận xét :

"Ông Donald Trump là ổng tháu cáy. Ổng biết là Việt Nam không muốn nhận những người này về, và ổng là một thương gia, nên dùng cái chiêu bài này để thương thảo đòi hỏi Việt Nam phải nhượng bộ cái gì đó. Ổng cứ đưa ra hết điều này điều kia để ổng tháu cáy. Ổng nói vậy thôi chứ không làm gì được đâu, nếu bên kia cứ nhất định không chịu nhận về thì ổng làm sao mà trục xuất ?".

Luật sư Trần Thái Văn nhận định :

"Đây không phải là một vấn đề đơn giản chút nào".

"Hai nan giải trước mặt là nếu Việt Nam nhận hàng ngàn những người này sau khi Hoa Kỳ hoàn tất lệnh trục xuất, thì họ sẽ ở đâu, và có công việc gì để sinh sống hàng ngày. Đó là chưa nói đến vấn đề xáo trộn gia đình và sự khó khăn hội nhập vào xã hội địa phương xa lạ".

"Đối với hàng ngàn các người Việt Nam tại Hoa Kỳ lọt vào hoàn cảnh này, phần đông họ đã có công ăn việc làm, gia đình ổn định, và đã sanh con đẻ cái, sinh sống êm đềm tại Mỹ, thì ai sẽ chịu trách nhiệm với những hậu quả gia đình phân ly, ảnh hưởng tệ hại đến thân nhân của họ ?".

"Theo tôi, chính phủ Trump không thông báo rõ ràng hoặc công khai về ý định thay đổi thỏa thuận 2008 với công chúng vì họ có hai vấn đề phải đối diện".

"Thứ nhất, các viên chức biết rằng sự rút lời hoặc đổi ý định của phía Hoa Kỳ khi đã có sự đồng thuận với Việt Nam về vấn đề này hồi mùa hè năm nay sẽ gây nhiều phẫn nộ và chống đối từ mọi phía".

"Vấn đề trục xuất người Việt Nam trước năm 1995 không đơn giản như trục xuất thường trú nhân từ các quốc gia khác. Đại đa số người Việt lọt vào hoàn cảnh này là dân tỵ nạn cộng sản, đến Hoa Kỳ với căn cước quốc gia, và là một đồng minh trốn tránh sự áp bức của bạo quyền Việt Nam trong lúc hai quốc gia không chính thức nhìn nhận nhau".

tinan10

Diễu hành mừng Tết Nguyên Đán 2016 tại Westminster, California.

"Thứ nhì, việc thông báo mơ hồ về sự đổi ý này là một cách "thả bong bóng" từ phía Hoa Kỳ để thăm dò dư luận quốc nội, song song với dự định muốn điều đình lại với Việt Nam về việc chấp nhận những người Việt lọt trong quy chế này".

"Trên thực tế, nếu phía Việt Nam không chấp thuận, thì Hoa Kỳ có muốn trục xuất một người cũng không được. Thủ tục trục xuất chỉ có hiệu lực khi hai cửa phải được mở ra cùng một lúc. Một phía đưa mà đối tượng không nhận thì cũng hỏng việc".

"Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là phía Hoa Kỳ sẽ chuyển nhượng những thuận lợi gì nếu Việt Nam đồng ý sửa đổi điều khoản bãi miễn trục xuất những người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ trước năm 1995 ? Hoặc ngược lại, Hoa Kỳ sẽ dùng những biện pháp và áp lực gì để buộc Việt Nam đồng ý nhận những người Việt trước năm 1995 ?"

"Cuộc điều đình này đang xảy ra trong bí mật, với một hậu quả trầm trọng có thể ảnh hưởng đến cả hàng ngàn người dân Việt đang sinh sống tại cả hai nước, kể cả biết bao nhiêu thân nhân, gia đình của họ, và tại địa phương họ đang sinh sống".

"Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng tỵ nạn chính trị với nhiều làn sóng di dân và di trú trong 43 năm qua. Đây là một cộng đồng người Mỹ gốc Á có dân số lớn thứ tư tại Hoa Kỳ".

"Cộng đồng chúng ta ủng hộ một chính sách di trú bảo vệ quyền hiện hữu và anh ninh quốc gia đầy nhân bản, khoan dung và hợp lý, theo đúng tinh thần và truyền thống di dân của nước Mỹ. Tuy nhiên chúng ta sẽ không thể chấp nhận được một chính sách di trú khắt khe vô cớ, có tính chất phân biệt và mỵ dân, vừa không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình".

Tina Hà Giang

Nguồn : BBC, 15/12/2018

Published in Diễn đàn

Cuộc "di cư" của giới blogger Việt từ Facebook qua Minds.com đã bùng nổ nhiều tranh cãi giữa những lời khen cũng như nghi vấn và kiểm tra kỹ lưỡng về phương tiện truyền thông xã hội tự quảng cáo là ủng hộ tự do phát biểu, và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng này.

bill1

Ông Bill Ottman, CEO của Minds.com : Một giải pháp để thoát khỏi sự kềm chế của của chế độ độc tài muốn bịt miệng những tiếng nói khác biệt

BBC thực hiện một loạt phỏng vấn với Bill Ottman, CEO của Minds.com trong các ngày 30/6, 1/7 và 2/7 để tìm hiểu thêm về trang mạng xã hội đang gây sôi nổi này.

BBC : Chào ông Bill Ottman. Xin hỏi là ông có để ý thấy là trong những ngày qua Minds có thêm nhiều tài khoản của người dùng tại Việt Nam ?

Bill Ottman : Vâng, chúng tôi để ý thấy hàng loạt tài khoản mới được mở. Chỉ riêng trong vài ngày qua Minds đã có thêm hàng chục ngàn người dùng mới đến từ Việt Nam.

BBC : Ông có nhận xét gì về hiện tượng này ?

Bill Ottman : Theo tôi hiểu thì một số người dùng Việt Nam đang đi tìm một trang mạng xã hội an toàn hơn. Họ lo rằng với luật an ninh mạng vừa mới được thông qua, các công ty như Facebook, Google sẽ bị buộc phải lấy những posts bị cho là chống đối chính quyền xuống, đóng tài khoản của họ, và thậm chí sẽ nộp những thông tin cá nhân của họ cho cơ quan an ninh khi được yêu cầu, mà không cần có án lệnh của toà. Một số sự kiện xẩy ra gần đây cho thấy dù luật chưa có hiệu lực, nhưng, theo một số Facebookers, việc nội dung họ post trên FB bị lấy xuống đã đang xẩy ra.

Thật ra thì ngay sau khi luật [an ninh mạng] được thông qua chúng tôi đã thấy lác đác có người từ Việt Nam vào Minds tạo tài khoản. Nhưng chỉ trong mấy ngày qua mới có hiện tượng ồ ạt này. Chúng tôi tất nhiên rất vui, nhưng không ngạc nhiên. Vào tháng 5/2016, Minds cũng đã có một loạt người dùng từ Thái Lan vào mở tài khoản mới vì lý do tương tự.

BBC : Minds bắt đầu có những nỗ lực thu hút người dùng Việt Nam từ lúc nào thưa ông ?

Bill Ottman : Thật ra chúng tôi chưa bắt đầu chiến dịch này, là vì công việc dịch Minds qua tiếng Việt chưa xong. Nhưng mới đây nhờ tiếp tay của cộng đồng người dùng Việt Nam tôi nghĩ cũng sắp xong rồi.

BBC : Xin ông cho biết vài nét khái quát về chủ trương và chính sách của hệ thống mạng xã hội Minds.com ?

Bill Ottman : Minds có chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, chống kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Minds mở cửa cho tất cả mọi nội dung, miễn là những nội dung đó hợp pháp theo luật Hoa Kỳ, vì chúng tôi là một công ty hoạt động ở Mỹ.

Về việc bảo vệ quyền riêng tư, ứng dụng messenger của chúng tôi hoàn toàn được mã hoá, và ngay chính Minds cũng không có nội dung những câu chuyện của người dùng. Chúng tôi cố ý thiết kế Minds cách này để Minds hay bất cứ ai cũng không thể theo dõi người dùng, và đương nhiên Minds không thể đưa nộp những thông tin mà họ không có cho bất cứ chính quyền nào.

bill2

Bản quyền hình ảnhOTHERImage captionNhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, nhà báo Đoàn Bảo Châu... đã hiện diện trên Minds

BBC :Thế còn nền tảng kỹ thuật của Minds thì sao ?

Bill Ottman : Về mặt kỹ thuật, hệ thống của chúng tôi hoàn toàn được viết bằng phần mềm nguồn mở, tất cả phần mềm được công bố và bất cứ ai cũng có thể xem xét, kiểm tra, thậm chí sử dụng để tạo thành app cho riêng mình. Chúng tôi hết sức quan tâm đến sự minh bạch.

Giới công nghệ muốn kiểm soát code của Minds có thể vào GitHub.com/Minds  để xem.

BBC : Ông có thể nói về vài sự khác biệt then chốt giữa Minds và Facebook ?

Bill Ottman : Facebook dùng thuật toán (algorithm) để quản lý, và giới hạn việc một post được xuất hiện. Khi bạn post trên Facebook, giả sử bạn có 10.000 người theo, (followers), chỉ khoảng 3 đến 5% những người này xem được những gì bạn post, sau đó thuật toán của Facebook ẽ quyết định làm gì tiếp với những post này, có cho nhiều người nữa xem hay không. Với Minds trái lại những người đăng ký theo dõi tài khoản của bạn (subscribers) sẽ xem được 100% các posts của bạn, và nếu bạn dùng tokens để quảng bá thì nhiều người không phải là subscribers cũng xem được.

Thuật toán của Facebook với chúng tôi là một hình thức của censorship, điều mà Minds không tán thành.

bill3

Một người dùng Minds cho biết lý do "chuyển nhà" là để phản đối luật An ninh mạng

BBC : Còn về mô hình kinh doanh thì Minds khác với Facebook ra sao ?

Bill Ottman : Chúng tôi đã học được rằng một mô hình kinh doanh chánh niệm, có lý tưởng phụng sự, đồng thời cũng có thể là một mô hình sinh lời. Hy vọng rằng cộng đồng người dùng của Minds muốn Minds được bền vững về tài chính, vì điều này cho phép chúng tôi mở rộng và phát triển.

Minds chủ trương phải đền bù cho tâm trí và thời gian của người dùng. Chúng tôi đang sắp tung ra tiền Crypto, được gọi là Minds Token, xây dựng bằng giao thức Ethereum. Chúng tôi thưởng người dùng bằng cách trả cho họ những Tokens này để cám ơn họ đóng góp nội dung cho mạng lưới. Vì thế, một người dùng sau khi mở tài khoản, bỏ lên nhiều bài vở, được nhiều người thích, chuyển đi, hay mời được nhiều người dùng khác, sẽ kiếm được Minds Token. Crypto hiện đang chạy trên Testnet, và sẽ được chạy trên mạng lưới chính thức của Ethereum vào muà Hè năm này, lúc đó chúng tôi sẽ bán Tokens trên thị trường. Điều này rất quan trọng vì người dùng có thể dùng những tokens này để quảng cáo cho post của mình được nhiều người xem hơn.

Crypto là một cách vừa trả công cho người dùng, vừa giúp Minds có lợi nhuận để phát triển. Nhưng điều này không xung đột với giá trị của chúng tôi. Chúng tôi không theo dõi người dùng, hoặc khai thác dữ liệu của họ, về họ, và bán thông tin cá nhân của họ để kiếm lời, trong khi không hề chia sẻ tí lợi nhuận nào với họ như Facebook và Google. Chúng tôi hiểu rằng tự do Internet không thể bị xâm phạm, nếu không chúng tôi sẽ mất ngay lòng tin của mọi người.

Chính sách phần mềm nguồn mở và minh bạch của chúng tôi giúp cộng đồng có thể tự quản lý và luôn luôn bắt chúng tôi chịu trách nhiệm với sự đánh giá và phản hồi thường xuyên của các đồng nghiệp rành công nghệ trong cộng đồng.

BBC : Xin ông cho biết sơ về tiến trình thành lập Minds.com, động lực của nhóm chủ trương, và nguồn tài trợ cho Minds ?

Bill Ottman : Vâng, chúng tôi vẫn luôn biết là có những vấn đề lớn với các trang mạng xã hội khổng lồ. Các công ty này theo dõi mọi sinh hoạt của người dùng, không có sự minh bạch, hoạt động không dân chủ, không có sự tham gia của cộng đồng trong những quyết định của công ty.

Minds được tài trợ bởi chính cộng đồng mà nó phục vụ. Năm ngoái, chúng tôi gọi vốn bằng cách chia cổ phần và đã nhận hơn một triệu đôla tiền đầu tư góp vốn từ 1500 thành viên. Như vậy cộng đồng mà Minds phục vụ làm chủ một phần của công ty qua việc có cổ phần trong công ty. Điều này rất quan trọng, vì các chủ nhân này sẽ luôn phục vụ người dùng thay vì phục vụ lợi nhuận của một nhóm chủ nhân.

bill4

Trong danh sách cố vấn của Minds có tên cựu tổng biên tập VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn

BBC : Trở lại với việc dùng thuật toán (algorithm), nhiều người e ngại rằng hiện giờ thì Minds cho tất cả mọi post xuất hiện, nhưng sau này đông người dùng quá thì chắc Minds cũng sẽ phải dùng một algorithm nào đó để giới hạn, chứ nếu không thì chỉ trong tích tắc post của họ sẽ chìm trong một biển những posts khác. Ông nghĩ sao ?

Bill Ottman : Suy nghĩ này không đúng. Việc một hệ thống có nhiều users không có nghĩa là post sẽ bị chìm ngập đi. Tweeter chẳng hạn cho post xuất hiện theo thứ tự thời gian. Newsfeed của chúng tôi cũng thế, theo thứ tự thời gian. Tweeter đang bắt đầu sử dụng algorithym, đây không phải là điều tốt, Instagrams cũng vừa bắt đầu xử dụng algorithym, đây cũng không phải là điều tốt.

Như tôi đã nói, chúng tôi cho rằng sử dụng algorithm để cho hay không cho post xuất hiện cũng là một hình thức kiểm duyệt. Quan niệm của Minds là người dùng phải có quyền quyết định họ muốn theo đọc hay xem posts của ai. Và nếu họ nghĩ có người gửi ra quá nhiều posts, hay posts không hay, thì chỉ việc unsubscribe những tài khoản đó là xong. Chúng tôi nghĩ rằng người sử dụng thông minh đủ chọn muốn xem loại post gì, của ai. Đa số người dùng trên thế giới đều ghét algorithm. Chúng ta có thể có cả tỉ người dùng, nhưng người đọc có toàn quyền chọn chỉ hai mươi người để subscribe thôi chẳng hạn.

BBC : Ông có đoan chắc điều này không, đến một lúc nào đó Minds cũng sẽ phải nghĩ đến việc dùng algorithm, như dùng cho quảng cáo chẳng hạn ?

Bill Ottman : Tôi không nghĩ rằng algorithm tự nó có bản chất xấu. Chúng tôi sẽ không bao giờ ép mọi người phải dùng algorithm mà Minds đưa ra. Cho nên, nếu cho đến lúc nào đó chúng tôi đưa ra những đề nghị nào đó, cộng đồng người dùng sẽ được lựa chọn muốn theo những đề nghị đó hay không.

BBC : Nhiều công ty khác thoạt đầu cũng có những lý tưởng rất cao đẹp, nhưng theo thời gian, vì đủ mọi thứ áp lực như cạnh tranh, lợi nhuận, chính sách có thể thay đổi. Với những người lo rằng Minds rồi cũng đi theo tiến trình này, ông nói gìvới họ ?

Bill Ottman : Như tôi đã giải thích, Minds được tài trợ bởi chính cộng đồng mà nó phục vụ. Hiện giờ Minds có hàng ngàn người dùng đầu tư vào công ty và là chủ nhân một phần của công ty. Chính tiếng nói của cộng đồng góp vốn và sự kiểm soát của giới công nghệ trong cộng đồng bằng cách vào xem phần mềm nguồn mở sẽ giúp Minds đi đúng con đường đã chọn.

BBC : Ông có thể nói rõ thêm về việc bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng không ? Đây là một trong những quan tâm lớn của người dùng ở Việt Nam.

Bill Ottman : Chúng tôi không bắt người dùng phải nêu rõ danh tánh. Họ có thể mở một tài khoản vô danh (anonymous). Chính sách của Facebook không cho phép bạn mở một tài khoản mà không khai rõ danh tánh. Chúng tôi hoàn toàn ok với việc không khai rõ tên tuổi. Chúng tôi cũng không hỏi về thông tin cá nhân của người mở tài khoản. Họ có thể cho chúng tôi email thật nếu họ muốn, nhưng họ không bắt buộc phải làm thế. Về những gì người dùng thảo luận với nhau trên hệ thống Minds tất cả đều được mã hoá. Chúng tôi không có những thông tin này thành ra không thể theo dõi người dùng, hay biến thành công ty theo dõi người dùng dùm cho các chính quyền. Cả email của người dùng cũng được chúng tôi mã hoá.

BBC : Thế còn việc đóng các tài khoản vì có người than phiền thì sao thưa ông ?

Bill Ottman : Như đã nói, chúng tôi chỉ đóng cửa những tài khỏan nào vi phạm luật Hoa Kỳ vì chúng tôi là công ty Mỹ. Người dùng chắc chắn có thể yên tâm là chúng tôi sẽ không đóng cửa tài khỏan chỉ vì có người khai báo hay công an cảnh sát bảo chúng tôi phải đóng những tài khỏan đó.

BBC : Nhưng policy của Minds, trong phần "General Representation and Warranty" ghi rằng "You represent and warrant that (i) your use of our Services will be in strict accordance with this Agreement, and with all applicable laws and regulations (including without limitation any local laws or regulations in your country, state, city, or other governmental area, regarding online conduct and acceptable content...". Như vậy chẳng phài là nếu nội dung của tài khoản vi phạm luật an ninh mạng của Việt Nam thì sẽ vi phạm chính sách của Minds, và bị bỏ xuống hay tài khoản bị đóng hay sao ?

Bill Ottman : Policy của chúng tôi được các luật sư soạn sẵn từ lâu, theo đúng những khuôn mẫu sẵn có. Nhưng giờ đây đã hiểu rõ quan tâm và e ngại của cộng đồng người dùng Việt Nam, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến với ban pháp lý của Minds về những hoàn cảnh đặc biệt như bộ luật an ninh khủng khiếp này của Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh là Minds ủng hộ tự do phát biểu, và sẽ thảo luận việc thêm vào policy một khoản đặc biệt dành cho người dùng Việt Nam để mọi người được an tâm. Minds hoàn toàn được xây dựng xung quanh căn bản ủng hộ tự do ngôn luận và chống kiểm duyệt. Nếu mọi người có một đề xuất cụ thể nào để sửa đổi khỏan này, hãy cho chúng tôi biết. Minds muốn phát triển các chính sách theo sự đồng thuận của cộng đồng.

BBC : Ông có thể nói sơ qua về nhân sự nòng cốt của Minds ?

Bill Ottman : Vâng, tôi là tổng giám đốc (CEO) ; Mark Harding là giám đốc công nghệ (CTO) ; cha tôi, John Ottman là chủ tịch hội đồng quản trị (Chairman of the Boards). Mark là một lập trình viên có tài là một nhạc sĩ đến từ Anh quốc. John là một doanh gia trong lãnh vực phần mềm và an ninh mạng.

BBC : Whitepaper của Minds có tên ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu tổng biên tập của báo điện tử VietNamNet trong ban cố vấn. Dư luận e ngại rằng có cố vấn là một cựu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, thì Minds không thể nào ủng hộ tự do báo chí được. Xin nghe phản hồi của ông ?

Bill Ottman : Ông Tuấn chỉ là một trong những cố vấn của Minds. Ông ấy không nằm trong hội đồng quản trị, không có quyền bỏ phiếu trong những quyết định của Minds.

Ông Tuấn là người đầu tiên mang internet vào Việt Nam năm 1995, ông chính là người đã thuyết phục chính quyền Việt Nam cho internet du nhập vào Việt Nam. Ông ấy ủng hộ tự do internet và mạng xã hội, nhất là trong khoảng thời gian năm 2007. Tại Hoa Kỳ, ông Tuấn kịch liệt phản đối luật an ninh mạng Việt Nam vừa thông qua, mong mỏi tự do phát biểu cho người dân, và sự minh bạch của chính quyền Việt Nam.

BBC : Ông có thể cho biết đã gặp ông Nguyễn Anh Tuấn trong trường hợp nào, và ông Tuấn cố vấn Minds về những vấn đề gì không ?

Bill Ottman : Ông Tuấn thuộc thành phần think tank cố vấn cho Minds về đạo đức trong thông minh nhân tạo. Tôi muốn nhấn mạnh là ông Tuấn không có suy nghĩ, tư duy của một người cộng sản, nếu không chúng tôi đã không làm việc với ông ta. Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người cần hiểu sự kiện nhiều sắc thái này. Việc ông Tuấn quen biết nhiều người cộng sản không có nghĩa là ông ta ủng hộ những điều họ làm. Chẳng phải ông đã thôi việc với VietnamNet ? Chúng ta cần những người như ông Tuấn để giúp Việt Nam phát triển chính sách của mình.

Tôi quen ông Tuấn từ khi ông ấy đến dự Boston Global Forum trong khoảng thời gian 2015 - 2016. Ông Tuấn hiện đang sống ở Boston, và là người điều hành Boston Global Forum với cựu Thống đốc Michael Dukakis.

BBC : Whitepaper của Minds cũng viết rằng nhóm hackers Anonymous ủng hộ Minds, nhưng một số thành viên của Anonymous lại lên tiếng là Anonymous không hề ủng hộ Minds. Việc này ra sao ?

Bill Ottman : Anonymous không phải là một nhóm trung ương tập quyền. Tự bản chất của họ, Anonymous là một nhóm có lãnh đạo tản quyền. Cứ việc tìm từ khóa anonymous trên Minds, bạn sẽ thấy một loạt Anonymous tài khoản ủng hộ chúng tôi.

BBC : Tính cho đến 10 giờ sáng ngày 2/7 giờ địa phương, đã có bao nhiêu tài khoản được mở từ Việt Nam, thưa ông ?

Bill Ottman : Cho đến giờ này, chúng tôi ghi nhận đã có khoảng 100.000 tài khoản được mở từ Việt Nam. Đa số xảy ra trong vòng mấy ngày qua.

BBC : Nhiều người muốn mở tài khoản với Minds nhưng vẫn muốn giữ tài khoản FB để dùng song song. Theo ông hai hệ thống Minds và Facebook có thể sống chung hòa bình không ?

Bill Ottman : Vâng, dùng cả hai đương nhiên là được. Người dùng có thể post bài từ Minds rồi post từ đó lên Facebook hay Tweeter một cách dễ dàng. Chúng tôi khuyến khích người dùng có tài khoản ở cả hai nơi và nói cho cộng đồng biết là nếu họ muốn bảo vệ quyền riêng tư thì qua đây dùng thử. Họ cũng sẽ được thưởng cho nỗ lực của mình. Tôi nghĩ vấn đề lớn với các trang mạng xã hội khác như Facebook là họ khai thác giá trị từ người dùng, bán những thông tin của họ và không chia cho họ cái gì cả. Đó là lý do tại sao chúng tôi phát triển hệ thống tiền Crypto. Chúng tôi tin là người dùng đáng được đền bù cho nỗ lực họ bỏ ra.

Có thể sau này khi có nhiều tài khoản Việt Nam rồi thì Minds cũng bị blocked. Đương nhiên lúc đó người ta có thể dùng VPN để vào được Minds. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng các chính quyền sẽ bắt đầu hiểu ra rằng kiểm duyệt không phải là một giải pháp hữu hiệu. Tôi mong là sẽ vẫn có những cuộc đối thoại để chính quyền Việt Nam rút lại những điều khoản không hợp lý trong luật an ninh mạng, bởi vì người Việt Nam rất thông minh và họ sẽ không ngồi yên chấp nhận để cho mình bị theo dõi hay bị bóp nghẹt tự do ngôn luận. Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ mất đi đầu tư của nhiều công ty, sẽ khiến người dân ngày càng xa lánh chính quyền. Hy vọng là chúng ta có thể thuyết phục họ thay đổi.

Về phần Minds, tôi nghĩ rằng người dùng sẽ còn rất nhiều câu hỏi. Tất cả các thành viên trong đội ngũ của Minds sẵn sàng công khai trả lời mọi thắc mắc, thậm chí cả chất vấn của mọi người. Khuôn khổ làm việc minh bạch nó là như thế.

Tina Hà Giang thực hiện

Nguồn : BBC, 02/07/2018

(Tựa đề do Thông Luận đặt lại, nguyên tác là : CEO Bill Ottman nói gì về Minds.com ?)

Published in Diễn đàn

Hơn 40 năm sau Cuộc chiến Việt Nam, các góc độ về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), điệp viên cộng sản nổi tiếng thời chiến, vẫn thu hút nhiều chú ý.

an1

Điệp viên Phạm Xuân Ẩn có vỏ bọc là nhà báo cho Time

Điều này có thể thấy qua chuyện vừa có thêm cuốn 'The Punji Trap : Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us' của tác giả Luke Hunt, mới được Talisman Publishing xuất bản đầu tháng 2 năm 2018.

"Chúng ta có thể có thêm một trăm cuốn sách nữa về nhân vật này, và vẫn còn rất nhiều điều chưa ai biết về cuộc đời của ông ta...", Luke Hunt nói với BBC Tiếng Việt.

Sử gia Larry Berman thì trong lúc trả lời phỏng vấn của BBC, đang có kế hoạch về Việt Nam để nói chuyện về nhân vật mà giới nghiên cứu chiến tranh Việt Nam coi là 'kỳ bí', ông Phạm Xuân Ẩn.

Phạm Xuân Ẩn làm việc với những ai ?

Cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi Thomas Bass gọi Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng (quadruple agent) thì Luke Hunt và Larry Berman quả quyết ông Ẩn chỉ trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về quan hệ của Phạm Xuân Ẩn với CIA, Thomas Bass nói :

"Ông Ẩn làm việc trong lãnh vực tâm lý chiến với Edward Lansdale và CIA của Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Ông Lansdale chính là người giúp Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để theo học ngành báo chí. Trở về Việt Nam sau khi được đào tạo như một nhà báo, ông Ẩn làm việc cho tình báo của Nam Việt Nam, và dĩ nhiên, ông là một điệp viên tầm cỡ của Bắc Việt trong cuộc chiến Việt Nam'.

"Chúng ta phải hiểu rằng, khi là một gián điệp tứ trùng thì bạn nhận được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cũng cung cấp tin tức cho những nguồn này, đấy là một quá trình hết sức phức tạp. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phải là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, người có thể tung hứng công việc của một gián điệp tứ trùng thì phải là một người xuất sắc".

Larry Berman bác bỏ quan điểm của Thomas Bass. Ông nói với BBC :

"Thomas Bass làm gì có bằng chứng nào về việc đó. Tôi đã thảo luận về điều này trong cuốn sách của tôi. Thực ra Phạm Xuân Ẩn đã được CIA và vài cơ quan khác tuyển dụng, nhưng đó chỉ là vì họ thấy ông ta là một nhà báo người Việt Nam làm việc cho tạp chí Time. Ẩn nói với tôi rằng anh ta đã hỏi ý cấp trên xem có nên nhận việc của CIA không. Nhưng vai trò của ông Ẩn rất quan trọng cho sự thành công chiến lược của cộng sản, và làm việc với CIA quả là điều quá nguy hiểm.

an2

Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho những ai ? Các tác giả Phương Tây cho đến nay vẫn không thống nhất quan điểm về điều này

"Với Thomas Bass, hoặc bất cứ ai tuyên bố rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng hoặc thậm chí nhị trùng, tôi sẽ hỏi họ là bằng chứng của bạn đâu ? Là một học giả, tôi thấy không có bằng chứng gì cho thấy Ẩn làm việc cho bất kỳ cơ quan tình báo nào khác".

Phạm Xuân Ẩn và những người bạn

Với quan hệ thường được nhắc đến giữa Phạm Xuân Ẩn với các ông Phạm Ngọc Thảo và bác sĩ Trần Kim Tuyến, ba vị tác giả đều thú nhận không có nhiều tin tức về ông Phạm Ngọc Thảo, một điệp viên cộng sản sau khi bị lộ diện đã bị VNCH tra tấn và giết chết, rồi sau này được Bắc Việt phong tướng.

Tác giả Thomas Bass nói với BBC :

"Tôi không biết về việc Phạm Xuân Ẩn làm việc với Đại tá Phạm Ngọc Thảo, và liệu ông Ẩn có biết Phạm Ngọc Thảo cũng là một điệp viên cộng sản không. Bạn biết rằng gián điệp hoạt động trong từng chi bộ tách biệt, bởi vì nếu không thế thì toàn bộ mạng lưới có thể bị phá hủy nếu một chi bộ bị lộ".

Luke Hunt cho rằng : "Tình bạn của họ với nhau rất chân thực. Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng họ không biết là Phạm Ngọc Thảo là gián điệp".

Nếu Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhân vật ít được biết đến, thì cả ba tác giả đều hiểu khá rõ về quan hệ giữa Phạm Xuân Ẩn và bác sỹ Trần Kim Tuyến, người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của nền Đệ Nhất Cộng Hoà.

"Sau khi học xong báo chí ở Hoa Kỳ, ông Phạm Xuân Ẩn trở về Việt Nam năm 1961, trong một giai đoạn hết sức khó khăn, lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt giam rất nhiều Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn nương náu tại nhà ông Tuyến khoảng 30, 35 ngày, vì sợ bị mật vụ của ông Diệm bắt nhốt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người đã giúp ông Ẩn tìm được việc làm đầu tiên trong làng báo Việt Nam, rồi từ đó họ trở thành bạn".

"Dĩ nhiên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4 năm 1975, Phạm Xuân Ẩn là người đã cứu mạng Bác sĩ Trần Kim Tuyến bằng cách giúp ông ta trốn khỏi Việt Nam. Ẩn luôn luôn nói rằng ông làm thế vì tình bạn. Tôi thì tôi ngờ rằng ông ấy làm điều đó vì họ là bạn cũng có, và cũng bởi vì, và đây là điều rất quan trọng, cả hai đều biết nhiều bí mật về nhau".

Tác giả Thomas Bass đặt vấn đề :

"Giữa cuộc chiến, khi bạn cố dò tìm tin tức để giết quân địch và chiếm ưu thế quân sự, thì tình bạn là cái gì ? Tình bạn ấy có thực sự, có chân thành không, hay là thứ tình bạn giúp người ta có thông tin quan trọng tới mức chết người ? Phạm Xuân Ẩn và bác sĩ Trần Kim Tuyến quen biết nhau trong một thời gian rất dài, và bác sĩ Tuyến giúp nhiều cho sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn, nhưng đây cũng có thể là thứ tình bạn mang lại lợi ích song phương".

Thất vọng và uẩn ức sau năm 1975

Dù sau này được phong thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn đã bị buộc phải cải tạo tư tưởng và bị cấm tiếp xúc với báo chí, nhất là các nhà báo nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975.

Larry Berman giải thích :

"Tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không phải vào những trại tù cải tạo lao động như người miền Nam, nhưng họ cố gắng cải tạo lại suy nghĩ của ông ấy. Ông ta không còn tư duy của một người cộng sản nữa, vì đã tiếp xúc với cách suy nghĩ và giáo dục về báo chí của người Mỹ. Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết ! Và với những người cộng sản, đó là những ý tưởng phải được xóa sạch ngay ra khỏi tâm trí".

an3

Dù được phong thiếu tướng, ông Phạm Xuân Ẩn cũng không được tiếp xúc với báo chí nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975

Đặt nghi vấn có thể vì không muốn để bác sĩ Trần Kim Tuyến bị chính quyền mới bắt mà ông Ẩn đã giúp để ông Tuyến trốn đi khi Sài Gòn sụp đổ, ông Larry Berman nói với BBC Tiếng Việt :

"Giả thuyết của tôi là, Ẩn sợ nếu bác sĩ Tuyến bị bắt, ông ta sẽ bị tra tấn và sẽ tiết lộ những điều về Ẩn mà Ẩn không muốn lộ ra, như việc ông đã cứu mạng sống của nhiều người Mỹ trong chiến tranh, bảo vệ bạn bè người Mỹ. Cộng sản rất tức giận về việc Ẩn giúp bác sĩ Tuyến trốn thoát, đó là một trong những lý do khiến ông Ẩn bị bắt phải cải tạo".

Nhà báo Úc Luke Hunt, người đã gặp và phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu thập niên 1990, nói về nỗi thất vọng của Phạm Xuân Ẩn về chính quyền mới :

"Vâng, ông ấy đã rất thất vọng. Tôi nghĩ rằng có những kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra khi chiến tranh kết thúc, và khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, mọi người bắt đầu tự hỏi họ đã đấu tranh cho cái gì. Có phải đó là một cuộc chiến giành độc lập hay là một cuộc chiến cho chủ nghĩa cộng sản ? Và tôi nghĩ không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó".

Thomas Bass chia sẻ những gì Phạm Xuân Ẩn nói với ông về tình hình Việt Nam sau 1975 và sự chỉ trích với các nhà lãnh đạo khi đó, mà ông nói là "rất nhiều".

"Vâng, có quá nhiều chỉ trích nên rất khó xác định. Sau năm 1975 [chính quyền] Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm dốt nát. Một là toàn bộ mạng lưới các trại cải tạo cưỡng bách lao động, hay nhà tù, trong đó họ giam giữ những người miền Nam đến mười bảy năm hay không biết là bao lâu. Hành xử kiểu này sau khi chiến tranh chấm dứt đã làm Phạm Xuân Ẩn kinh ngạc".

"Nỗ lực loại bỏ người Hoa khỏi việc kiểm soát thị trường gạo đã gây ra cuộc khủng hoảng cho thuyền nhân và làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, tạo ra nạn đói ở Nam Việt Nam. Việc điều hành nền kinh tế là một tai họa sau năm 1975, Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phê bình về điều đó, quan hệ với Trung Quốc là một điều khác... cả một danh sách dài."..

Phạm Xuân Ẩn thất vọng đến mức nào ?

Còn Larry Berman cho rằng, dù không đồng ý với một số việc làm của chính quyền mới, Phạm Xuân Ẩn vẫn dành nhiều nỗ lực hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam :

"Phạm Xuân Ẩn có một sứ mệnh, sứ mệnh ấy là đẩy quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, và trong trường hợp này là quân đội Mỹ. Ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình và dành nỗ lực vào việc hòa giải. Khoảng 50 trang sách của tôi đã được dành cho đề tài này, vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong quá trình hòa giải, mà hầu như không ai nói đến".

Với tác giả Luke Hunt, nỗi thất vọng của Phạm Xuân Ẩn trầm trọng hơn nhiều, đến nỗi ông đã 'nhiều lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam'.

Tác giả người Úc nói với BBC :

"Bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Ngọc Đình, một nhân viên của Reuters tại Sài Gòn, cho tôi biết rằng Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam, giống như ông Bùi Tín, người đã trốn qua Paris năm 1992. Phạm Xuân Ẩn muốn theo bước chân ông ấy".

Nhưng Thomas Bass hoàn toàn bác bỏ điều này.

Dù có những nhận định khác nhau, tựu trung các tác giả nước ngoài đều cảm phục lý tưởng cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn.

Nhà báo Luke Hunt khẳng định rằng dù đã làm gì, ông Ẩn vẫn là một 'nhà báo vĩ đại', và không phải điệp viên cho nhiều bên :

"Không, tôi không tin ông ấy làm việc cho ai khác. Chắc chắn là một nhà báo, ông ấy sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin cho mọi phía, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông ấy là Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn không phải là người phản bội hay có thể bị mua chuộc. Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin vào Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mình. Tôi có bằng chứng cụ thể rằng ông là một nhà báo vĩ đại".

Họ còn đồng ý ở một điểm nữa là cuộc đời Phạm Xuân Ẩn vẫn còn nhiều bí ẩn.

"Cho đến khi chính phủ Việt Nam chính thức giải mật hồ sơ Phạm Xuân Ẩn hiện được niêm phong tại Hà Nội, không ai trong chúng ta sẽ biết sự thật, vì vậy chúng ta chỉ có thể suy đoán. Sự suy đoán của tôi khác hẳn với hai tác giả khác đã viết về Phạm Xuân Ẩn, " ông Larry Berman nói.

Về ba tác giả :

Larry Berman là tác giả cuốn 'Perfect Spy : The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.

Thomas A. Bass ra cuốn 'The Spy Who Loved Us : The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game' năm 2009 và sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiết cho lần tái bản cuối năm 2018.

Luke Hunt ra cuốn 'The Punji Trap : Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us', đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là 'Điệp viên không hề yêu quý chúng ta', như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.

Tina Hà Giang thực hiện

Nguồn : BBC, 24/03/2018

Published in Diễn đàn