Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2019

'Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là Việt Nam'

David Hutt

Nhà bình luận chính trị David Hutt nói rằng mục tiêu chiến tranh thương mại kế tiếp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ là Việt Nam.

muctieu1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đứng trước một lá cờ Việt Nam trong một buổi lễ đến Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2017. Ảnh : AFP / Jim Watson

Trong bài viết Trump's next trade war target : Vietnam , nhà báo làm việc tại Á Châu, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, cũng thường xuyên viết cho Asia Times, nhận định rằng Việt Nam rất có thể là mục tiêu kế tiếp trong chiến tranh thương mại của Trump.

Trả lời phỏng vấn với BBC Việt Ngữ hôm 21/7, ông David giải thích rõ hơn những lý do chính tại sao ông Trump xem Việt Nam như mục tiêu kế tiếp của cuộc chiến thương mại, cũng như Hà Nội có thể làm gì để giảm thiểu tối đa rủi ro này.

David Hutt : Có hai lý do. Việc định tuyến lại các sản phẩm của Trung Quốc qua Việt Nam là một điều mới, và khá nghiêm trọng, nhưng có lẽ đó không phải là mối quan tâm chính của chính phủ Hoa Kỳ - xét cho cùng, Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc chuyển sản phẩm của mình qua nhiều quốc gia khác, và đã làm như vậy ngay cả trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, để tận dụng các thỏa thuận thương mại ưu đãi của quốc gia khác với Mỹ.

Nghiêm trọng hơn là thặng dư mậu dịch lớn mà Việt Nam có với Mỹ. Như tôi lưu ý trong bài viết, đã lên đến mức lớn nhất trong năm ngoái (khoảng 40 tỷ USD) và có thể tăng hơn trong năm nay, vì mới trong 5 tháng đầu năm nay, thặng dư đã đạt 21,6 tỷ USD.

Ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống, thặng dư mậu dịch là vấn đề lớn đối với ông - chúng ta nhớ rằng trong vài tháng đầu cầm quyền, ông Trump khá chống Việt Nam ; ông thường nhắc đến con số thặng dư mậu dịch khổng lồ của Việt Nam, nhiều hơn nhắc đến Trung Quốc lúc bấy giờ, và ông quyết định đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP, điều làm cho những người ở Hà Nội rất khó chịu.

BBC : Giới phản biện có thể lập luận rằng, những tuyên bố từ Trump, như ''Việt Nam lợi dụng chúng ta thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc"có thể chỉ là một trong những tuyên bố nhất thời, vì trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ sẽ cólợi hơn khi giữ mối quan hệ tốt với Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam không trộm cắp tài sản trí tuệ, do đó không làm tổn hại nhiều cho Mỹ như Trung Quốc. Ông nghĩ sao ?

David Hutt : Vâng, tôi có lưu ý trong bài viết rằng, theo các nguồn tin chính phủ mà tôi có được tại Việt Nam, mọi người thực sự không biết phải phản ứng như thế nào với bình luận của ông Trump. Với Trump, người ta luôn luôn phải đoán xem một bình luận ông đưa ra có phải là chính sách thực sự của Nhà Trắng không, hay chỉ là một phát ngôn mang tính cách thời điểm, hoặc Trump nghĩ rằng nếu ông nói điều gì đó thật kỳ quặc thì sẽ buộc người khác phải sửa đổi cung cách của họ.

Nếu chúng ta nhìn vấn đề với đôi mắt phân tích, thì những lời bình luận của ông Trump chắc chắn là kém ngoại giao và phi lý. Việt Nam không có chính sách cạnh tranh thương mại không công bằng như những chính sách bất công của Trung Quốc đối với thương mại Hoa Kỳ. Và Hà Nội chắc chắn sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Washington, ít nhất là trong quan hệ kinh tế. Vì vậy, không, Việt Nam không lợi dụng Mỹ tệ hơn Trung Quốc.

Hơn nữa, và đây là điều khiến cho những bình luận của Trump trở nên kỳ quái, là ít nhất từ năm 2011, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã đặt ưu tiên và nuông chiều Việt Nam vì những phản đối của Việt Nam với sự bành trướng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Không có quốc gia Đông Nam Á nào được Washington trao cho nhiều ưu đãi như thế, và không có quốc gia nào trong khu vực có nhiều vấn đề chính trị như Việt Nam - chẳng hạn như hồ sơ nhân quyền khủng khiếp và việc bảo trì hệ thống độc đảng - những điều thường khiến cho Mỹ rất quan tâm đã được ngó lơ. Chỉ cần so sánh cách Mỹ phản ứng với các sự kiện chính trị ở Campuchia với Việt Nam chúng ta sẽ thấy.

Việt Nam thực sự có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Một cách đặc biệt, Trump thực sự đã làm theo chính quyền Obama trong các giao dịch với Việt Nam - điều này rất độc đáo, vì Trump có xu hướng làm ngược lại với Obama trong những lãnh vực khác - và thực tế ông Trump đã nâng quan hệ với Việt Nam lên cấp độ cao hơn, ngoại trừ trong vài tháng đầu nhậm chức. Tôi tin rằng ông Trump đã đến thăm Việt Nam ba lần. Ông gần như không bao giờ nói chuyện công khai về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, trong khi ông Obama ít nhất đã đề cập đến những vấn đề này. Và ông Trump cũng đã dành nhiều lời khen ngợi có lẽ hơi quá lời cho Hà Nội khi thủ đô nước này tổ chức cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vào tháng Hai.

Vì vậy, những bình luận gần đây của ông Trump không những chỉ bất thường, mà còn đi ngược lại chính sách đối ngoại của Mỹ với Việt Nam trong gần một thập niên qua. Cho nên, tôi cảm thấy những lời này đáng kinh ngạc - có lẽ do ông cố tình phát ngôn như thế để buộc Hà Nội giảm thặng dư mậu dịch bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ, và cũng có lẽ để thể hiện, theo cái kiểu của Trump, là ngay cả các đồng minh của ông cũng phải coi chừng.

BBC : Tuyên bố của ông Trump, cộng thêm việc Mỹ áp 400% thuế lên thép có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan gia công tại Việt Namdường như cũng khiến Việt Nam quan ngại. Theo ông thì Việt Nam đã làm đủ chưa để giảm thiểu xác suất có thể trở thành mục tiêu kế tiếp trong chiến tranh thương mại của ông Trump ? Ông khuyên Hà Nội nên làm gì thêm để khỏi trở thành mục tiêu này ?

David Hutt : Tôi cho là, như đã đề cập ở trên, bình luận của ông Trump và việc áp thuế - không phải là là những điều quá hệ trọng - được đưa ra để khiến cho Việt Nam tìm cách giảm thặng dư mậu dịch bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ. Những điều đó có lẽ cũng khiến Việt Nam suy nghĩ rõ hơn về vị trí của mình, là Việt Nam đứng ở đâu trong lúc Mỹ và Trung Quốc được xem như là đang ở trong một chiến tranh lạnh mới.

muctieu2

Nhân công tại một xưởng may ở Hà Nội. Nhiều nước Á Đông mong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp nước họ ở vào vị trí thuận lợi hơn

Điều tốt cho Việt Nam là việc điều chỉnh thặng dư mậu dịch sẽ dễ hơn việc giảm thiểu các sản phẩm của Trung Quốc được chuyển vào Mỹ qua Việt Nam nhiều. Muốn giảm thặng dư mậu dịch Việt Nam đơn giản chỉ phải mua thêm hàng hóa từ Mỹ (mọi người đều biết Washington đã vận động Việt Nam mua vũ khí quân sự từ Mỹ, thay vì từ Nga), trong khi giảm hàng Trung Quốc đi qua ngả Việt Nam vào Mỹ đòi hỏi phải tổ chức lại hải quan và biên giới, một điều khá khó khăn.

Có bằng chứng cho thấy là Hà Nội đang cố gắng giảm thiểu các sản phẩm Trung Quốc được chuyển qua Việt Nam để vào Mỹ. Quan trọng hơn, cũng có bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều nhà lập pháp ở Việt Nam bắt đầu đặt câu hỏi tại sao họ phải chấp nhận đầu tư nhiều như vậy từ Trung Quốc - và liệu chất lượng chứ không phải số lượng có phải là cách tiếp cận tốt hơn. Mặc dù Việt Nam thường không cùng có quan điểm chính trị và địa chính trị với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, nhưng về kinh tế, cả hai nước rất thân thiết.

Nhưng nếu Việt Nam cố gắng thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc, chẳng hạn như bằng cách trở nên kén chọn hơn về những khoản đầu tư mà họ chấp nhận, điều này sẽ làm hài lòng Mỹ. Nếu ông Trump hành xử hợp lý, ông sẽ cố gắng sử dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra để thu hút thêm sự ủng hộ cho Mỹ từ các nước Châu Á khác. Chúng ta không thể phỏng đoán là ông ấy chắc chắn sẽ hành xử đúng như thế, nhưng đe dọa sẽ biến Việt Nam thành mục tiêu kế tiếp của chiến tranh thương mại có thể là cách mà ông Trump buộc Hà Nội phải thay đổi để có cách tiếp cận thân thiện hơn với Hoa Kỳ.

Tina Hạ Giang

Nguồn : BBC, 22/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 646 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)