Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/12/2019

Việt Nam chọn lựa trong khó khăn : Hoa Kỳ hay Trung Quốc

Diễm Thi, David Hutt & Tina Hà Giang

Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’ : Hoa Kỳ hay Trung Quốc

Diễm Thi, RFA, 12/12/2019

Tiến thoái lưỡng nan

Báo mạng Asia Times vào ngày 4 tháng 12 đăng bài viết của tác giả David Hutt nói về tình thế của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay với tựa đề "US, China rivalry puts Vietnam in a no-win bind" (Tạm dịch : Mỹ, Trung cạnh tranh đặt Việt Nam vào thế khó xử).

chonlua1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2017. AFP

Trong bài viết này, ông David Hutt đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay được khẳng định là ‘duy trì hiện trạng’. Điều đó khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải cạnh tranh để giành được ảnh hưởng với Việt Nam, và để các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có lợi cho cả đôi bên.

Câu hỏi được đặt ra là liệu việc duy trì hiện trạng như vậy có lợi cho Việt Nam hay không trong khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn trong việc ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí ở các khu vực tranh chấp.

Hồi tháng 3 năm 2018, PetroVietnam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam.

Trước đó gần một năm, tháng 7 năm 2017, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03, khi Repsol xác nhận đã tìm thấy một mỏ khí đốt quan trọng.

Cả hai lô dầu khí này được cho là nằm gần hoặc trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông để đòi chủ quyền dù năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho rằng Việt Nam hiện đang ở một thế vừa có cơ hội vừa có thách thức vì cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam giỏi điều hành thì sẽ biến nó thành cơ hội, còn không thì cơ hội sẽ thành thách thức. Ông giải thích :

"Trung Quốc luôn luôn muốn Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc (theo nghĩa hiện đại). Việt Nam có đường biên giới trên bộ sát với Trung Quốc, và Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc xuống ASEAN.

Còn về Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hiện đang thực hiện chính sách đặt Trung Quốc là một nhân vậy nguy hiểm. Chính vì vậy Hoa Kỳ cần có các đối tác khác và Việt Nam là một đối tác mà Hoa Kỳ đang nhắm tới, bởi vì thứ nhất là Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc. Nếu Việt Nam độc lập được sẽ giúp rất nhiều trong việc chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực dưới ; thứ hai là Việt Nam, một nước ASEAN có lịch sử, truyền thống hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Chính vì vậy nên Hoa Kỳ rất muốn tranh thủ Việt Nam".

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, thì Trung Quốc là một cường quốc đang lên và chắc chắn Trung Quốc sẽ khẳng định vị thế của mình không những trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, còn Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang xuống mà Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1 thế giới từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên từ thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã nhận thấy Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh chiến lược ‘một mất một còn’, cho nên dưới thời Tổng thống Obama đã có chiến lược ‘Chuyển trục về Châu Á’ để tái cấu trúc mô hình hợp tác và phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Vì thế Việt Nam là một nước quan trọng và cần thiết trong chiến lược của Mỹ.

Với quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi bằng cách phải liên kết với Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông nói :

"Việt Nam không thể di dời khỏi đường biên giới với Trung Quốc nên Việt Nam phải có chính sách hòa hoãn với Trung Quốc nhưng phải liên kết với thế giới bên ngoài, quan trọng là Hoa Kỳ. Muốn vậy thì Việt Nam phải xây dựng được nội lực. Muốn vậy Việt Nam phải có sự đoàn kết, mà muốn có đoàn kết thì Việt Nam phải có tự do, dân chủ. Tôi tin chắc rằng Đảng cộng sản đang có những bước chuẩn bị cho tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam".

Việt Nam chọn Mỹ hay Trung Quốc ?

chonlua2

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 2019. AFP

Bài viết của tác giả David Hutt cũng đề cập đến một câu nói ở Việt Nam lâu nay về việc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam : "Đi với Trung Quốc thì mất nước ; đi với Mỹ thì mất đảng".

Luật sư Vũ Đức Khanh phân tích :

"Việt Nam đi với Trung Quốc thì không mất đảng nhưng chắc chắn là sẽ mất nước. Việt Nam đi với Mỹ không nhất thiết sẽ mất đảng nhưng lại có cái lợi là Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như tính độc lập của mình".

Từ nhiều năm qua, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam là "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, liệu chính sách đó có còn phù hợp ?

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định chuyện ‘đu dây’ là bình thường vì quốc gia nào cũng phải tìm cách cân bằng quyền lợi hết. Ông nói rõ hơn về trường hợp Việt Nam :

"Thực ra thì quốc gia nào cũng ‘đu dây’ chứ không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ cũng vậy. Hoa Kỳ một mặt chống Trung Quốc nhưng một mặt vẫn hợp tác chứ không đặt vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Quan điểm của Hoa Kỳ cũng đưa ra và hiểu được Việt Nam chỗ đó. Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không cần phải chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà là chọn như thế nào để tất cả cùng hài hòa để mà phát triển".

Hôm 24 tháng 11 năm 2019, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng một bài viết tố cáo Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc, với tựa đề "US can’t use energy cooperation with Vietnam to further its regional interests" (Tạm dịch : Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để tăng cường các lợi ích trong khu vực).

Bài viết cho rằng, Hoa Kỳ đã sử dụng việc tăng cường hợp tác với Hà Nội về năng lượng như một vỏ bọc để thúc đẩy Hà Nội tiến những bước lớn hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển, trong khi Việt Nam trông chờ Hoa Kỳ một sự đảm bảo cho những lợi ích kinh tế to lớn.

Bài báo dẫn lời đe dọa của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán cho các dự án chung với các nước khác nhưng sẽ không tha thứ cho bất kỳ tổn hại nào đối với chủ quyền của Trung Quốc.

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2 năm 2019, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Lúc đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng, "Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 12/12/2019

********************

'Việt Nam sẽ mất đảng cộng sản nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc'

David Hutt & Tina Hà Giang, BBC, 12/12/2019

Trước tình trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, Hà Nội ngày càng khó giữ được sự cân bằng trong liên hệ ngoại giao với hai cường quốc đối thủ, tác giả David Hutt bình luận.

vietmy1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Nguyễn Phúc tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội vào ngày 27/2/2019. Ảnh : Saul Loeb / AFP

David Hutt, nhà báo làm việc tại Á Châu, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, đưa ra nhận định này trong bài Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Việt Nam khó xoay sở .

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 10/12, David Hutt giải thích rằng Hà Nội thật ra không có lựa chọn nào hơn là giải pháp ngoại giao - có vẻ không hữu hiệu, trước một Trung Quốc ngày càng trở nên táo bạo và không có lý do gì phải nhượng bộ.

Tình trạng được David Hutt gọi là tiến thoái lưỡng nan này xảy ra là vì, theo ông, bận tâm lớn nhất của Hà Nội là không muốn mất chế độ cộng sản, vì thế mọi quyết định liên quan đến chính sách ngoại giao đều bị nỗi ám ảnh sợ mất đảng chi phối.

Thế nhưng ông cũng cho rằng Việt Nam cũng không muốn mất nước (khẳng định chủ quyền trên vùng Biển Đông), vì nếu để mất nước thì "tính chính danh của nhà nước Việt Nam sẽ bị đe dọa."

Giữa thế tiến thoái lưỡng nan này, David Hutt kết luận rằng Hà Nội sẽ mất đảng nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc.

VIETNAM-CHINA-DIPLOMACY

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, ngày 12/11/2017. Ảnh : AFP / Hoàng Đình Nam

David Hutt : Vấn đề của Hà Nội là, khi Trung Quốc trở nên táo bạo hơn, Hà Nội mất đi nhiều lựa chọn. Hiện tại, những gì Việt Nam có chỉ là ngoại giao. Hà Nội cố gắng đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh, điều này đôi khi có kết quả, nhưng biện pháp ngoại giao đòi hỏi Bắc Kinh phải tử tế.

Trung Quốc giờ đã xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nên các tàu của họ không cần phải quay trở lại đất liền để lấy thêm nguyên liệu, vì vậy họ có thể quấy rối tàu biển Việt Nam thường xuyên hơn và lâu hơn.

Ngoài ra, nếu Bắc Kinh thuyết phục được ASEAN ký kết bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông với các điều khoản Bắc Kinh muốn, thì chẳng lâu sau đó Hà Nội có thể sẽ buộc phải ngừng khoan dầu với các đối tác nước ngoài - hiện đang là các công ty Mỹ và Nga, cũng như tham gia hợp tác quân sự với Mỹ. Vì vậy, Hà Nội sớm có thể mất đi phòng thủ chính của mình.

Hà Nội còn có những lựa chọn nào khác ? Việt Nam không thể đụng độ quân sự vì quân đội của họ yếu hơn hẳn so với Trung Quốc, và tại thời điểm này, nếu có chiến tranh, Hà Nội không tin là Mỹ sẽ đến hỗ trợ. Điều tôi muốn nói là Hà Nội cần nghĩ ra những ý tưởng mới và không thể phụ thuộc vào mong muốn rằng tình huống nguyên trạng sẽ kéo dài.

Ví dụ, ông Trọng hoặc ông Phúc có thể đến Washington, nâng cao quan hệ đối tác của họ thành một đối tác chiến lược, và thậm chí đưa ra ý tưởng về một liên minh hiệp ước - để nếu có cuộc tấn công vào Việt Nam thì Hoa Kỳ sẽ phải đáp trả.

Điều này sẽ thay đổi chính sách đối ngoại được quyết định vào thập niên 1990 của Việt Nam. Mọi thứ bây giờ rất khác xưa và Hà Nội cần phải bắt đầu có những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ nếu muốn làm chủ được tình hình. Thật thế, Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ không chủ động thích ứng được với các sự kiện chung quanh.

Hà Nội đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, vấn đề là hình như họ không có vẻ như muốn ra khỏi vị trí đó, nơi họ ngày càng bị đẩy sâu vào hơn.

BBC : Bài viết của ông trích dẫn câu châm ngôn "chơi với Mỹ mất chế độ, chơi với Trung Quốc mất nước". Theo ông thì nếu bắt buộc phải chọn, Hà Nội sẵn lòng bỏ chủ nghĩa cộng sản hơn hay sẵn lòng bỏ lãnh thổ hơn ?

David Hutt : Ồ, họ không muốn bỏ cái nào. Tôi đoán là Đảng Cộng sản có lẽ muốn tự cứu mình nhiều hơn. Nhưng bây giờ đảng và nước gắn liền với nhau. Tôi nghĩ rằng, ngoài tăng trưởng kinh tế, bảo vệ lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông giờ đây là điều duy nhất mang lại đến cho đảng chút tính hợp pháp. Từ bỏ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông là điều tôi cho là có thể khiến đảng Cộng sản Việt Nam bị sụp đổ.

BBC : Ông nhận định rằng nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam sẽ cao hơn nếu Hà Nội liên kết với Trung Quốc thay vì nghiêng hẳn về phía Mỹ. Xin giải thích tại sao.

David Hutt : Đúng ! Việt Nam sẽ có thể mất đảng nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc.

Trước hết, theo tôi, chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay mãnh liệt đến mức nó thực sự đe dọa Đảng Cộng sản. Nguyễn Tấn Dũng quản lý tinh thần bài Trung khá tốt khi ông còn là Thủ tướng, như trong các sự kiện năm 2012. Nhưng kể từ năm 2016, nhiều người dân Việt Nam bây giờ cho rằng thấy nhiều lãnh đạo của Đảng hiện nay, đặc biệt là những người như Nguyễn Phú Trọng, là tay sai của Bắc Kinh.

Hãy nhìn vào các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu năm ngoái hoặc các cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016 ; đó là những sự kiện khiến công chúng Việt Nam thực sự tức giận và đang dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt trong đảng. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn liên kết với Bắc Kinh, trong trường hợp đó sẽ phải từ bỏ chủ quyền của mình ở Biển Đông, tôi nghiêm túc nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn đến sự tức giận công khai đến mức Đảng Cộng sản bị đe dọa.

Thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ không có mục đích thay đổi chế độ, tạo "diễn biến hòa bình" hay sự "tự chuyển hóa" ở Việt Nam. Họ muốn từ Hà Nội một chính phủ thân thiện, phản đối sự bành trướng của Trung Quốc, điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang làm. Các dân biểu Mỹ nói đúng, chính quyền Hoa Kỳ đã vuốt ve Việt Nam. Hãy nhìn cách họ nhân nhượng với Việt Nam, chẳng hạn như khi Obama rút lệnh cấm bán vũ khí mà không bắt Hà Nội phải có bất kỳ tiến bộ nhân quyền lớn nào.

So sánh điều này với cách Mỹ đối phó với Campuchia hoặc Thái Lan. Tập đoàn Podesta, với mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Dân chủ và Trump, đã vận động chính phủ Việt Nam trong nhiều năm và giết chết các dự luật đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều tiến bộ về nhân quyền của Hoa Kỳ. John Kerry cũng bị cáo buộc đã làm việc chăm chỉ trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao để ngăn chặn bất kỳ dự luật nào như vậy đi qua Quốc hội.

Nhưng nếu Việt Nam không còn tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông và không còn đưa ra một thái độ chống Trung Quốc trong ASEAN, thì Mỹ không có lý do gì để nâng niu Việt Nam. Nếu Hà Nội gắn kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, thì Mỹ sẽ tìm cách thay đổi chế độ ở Hà Nội. Và nếu Hà Nội liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, người dân Việt Nam sẽ phản đối với con số lớn chưa hề thấy trong nhiều thập niên. Theo tôi, Đảng Cộng sản có nhiều thứ để mất trong nước và quốc tế nếu nó nghiêng hẳn về với Bắc Kinh hơn với Washington.

BBC : Giả sử nhận định vừa rồi là đúng, ông có nghĩ rằng Hà Nội cũng nhận ra điều đó và vì thế không muốn hoàn toàn liên kết với Trung Quốc, hay là họ có những lý do khác để không muốn làm như vậy ?

David Hutt : Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản, trước hết, không thích thay đổi. Nó muốn mọi thứ, trong nước và quốc tế, được giữ nguyên trạng như hiện tại. Xét cho cùng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao hơn - ví dụ, có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - và Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền.

Vì vậy, với các nhà lãnh đạo đảng mọi thứ bây giờ khá tốt. Nhưng mọi thứ cũng đang thay đổi và tôi không nghĩ rằng Đảng Cộng sản, về bản chất, giỏi thích nghi với thay đổi. Về mặt tư tưởng, họ muốn gần gũi với Bắc Kinh, với tư cách là anh em xã hội chủ nghĩa, và chắc chắn họ nghi ngờ ý đồ của Hoa Kỳ - mặc dù, như tôi đã nói trước đây, nỗi sợ về sự tiến hóa hòa bình của Hà Nội thực sự không phù hợp với thực tế.

Tôi không thấy có các phe thân Mỹ hoặc thân Trung Quốc trong đảng - Tôi nghĩ rằng nhận định này từ đâu đó là điều đã bị cường điệu hóa. Nhưng hiện Hà Nội đang đứng trước một tình huống rất khó khăn phải giải quyết.

Nếu không làm gì và hy vọng rằng mọi việc sẽ còn ở nguyên trạng, Hà Nội có nguy cơ không thể chủ động thích ứng được với các sự kiện. Nhưng nếu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, Việt Nam có nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc và các vấn đề kinh tế. Mặt khác, nếu nó liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, họ sẽ mất quyền khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và có nguy cơ khiến Washington ngày càng tức giận và có biện pháp trừng phạt.

Vì vậy, như tôi đã viết trong bài, Hà Nội phải chọn một con đường ít xấu nhất, và đó là một quyết định thực sự khó khăn. Tôi chỉ muốn nói đây là một quyết định mà Hà Nội sẽ phải đưa ra vào một lúc nào đó.

BBC : Điều gì cần xảy ra để giúp Hà Nội thoát khỏi tình huống khó xoay sở này ? Và nếu được hỏi, ông khuyên chính phủ Việt Nam nên làm gì ?

David Hutt : Tự hào về điều mình là người ủng hộ phong trào dân chủ hóa Việt Nam, và những người dũng cảm đấu tranh cho quyền tự trị của chính họ - như Phạm Chí Dũng vừa bị bắt tháng trước - tôi sẽ khuyên Đảng Cộng sản cải cách hệ thống chính trị, cho các đảng độc lập được phép hoạt động và cho người dân Việt Nam có được bầu cử dân chủ thực sự. Tôi nói điều này với tất cả sự chân thành và cẩn trọng.

Vấn đề đối với Hà Nội ngay bây giờ là chính sách đối ngoại chỉ đứng hàng thứ yếu so với sự tồn tại của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản nghĩ về vị trí của chính mình trước, rồi mới nghĩ đến chính sách đối ngoại.

Vì vậy, nếu Việt Nam bắt đầu dân chủ hóa, thì chính sách đối ngoại sẽ trở nên đơn giản hơn : Hà Nội sẽ không phải lo lắng về việc Mỹ muốn đổi chế độ ; sẽ không phải lo lắng về việc xúc phạm người anh em xã hội chủ nghĩa ở Bắc Kinh ; và sẽ không còn phải lo lắng là những người bất đồng chính kiến muốn nổi loạn và lật đổ toàn bộ hệ thống nhà nước.

Tâm trạng luôn lo lắng về sự sống còn của đảng CSVN là nguyên nhân tạo ra tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này. Lịch sử dạy chúng ta rằng chính sách đối ngoại của các chế độ và nhà nước độc tài hiếm khi tốt về lâu dài, bởi vì họ luôn thận trọng quá mức về những gì xảy ra trong nước.

Trong một nền dân chủ, nếu một chính sách đối ngoại thất bại, thì sau cuộc bầu cử, chính phủ mới bước vào sẽ tìm cách giải quyết tình hình - và nhà nước vẫn tương đối ổn định. Chỉ cần nhìn vào các sự kiện ở Mỹ sau khi Mỹ bị thua trận trong cuộc chiến Việt Nam, đã không có bất kỳ vấn đề chính trị hay cuộc cách mạng lớn nào. Nhưng ở một quốc gia độc tài như Việt Nam, một chính sách đối ngoại thất bại có thể sẽ gây ra một cuộc cách mạng có nguy cơ tàn phá hủy toàn bộ nhà nước. Nguy cơ này khiến chính phủ thận trọng hơn, bảo thủ hơn và luôn tự phải lo lắng về sự sống còn hơn.

Tina Hà Giang thực hiện

Nguồn : BBC, 12/12/21019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, David Hutt, Tina Hà Giang
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)