Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong những ngày qua, dư luận ồn ào về việc có nên phá bỏ công trình ‘Việt Phủ Thành Chương’ vi phạm đất rừng Sóc Sơn.

vietphu0

‘Việt Phủ Thành Chương’ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn từ năm 2001. Photo courtesy of soha

Tuân thủ pháp luật cũng là một nét văn hóa

Tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch là chủ đề của nhiều bài báo thời gian gần đây. Một trong những sai phạm mà báo chí lên tiếng là việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương khiến đất rừng bị "xẻ thịt", nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái.

Một trong những trường hợp là người có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng" có công trình xây dựng trên đất thuộc rừng phòng hộ Sóc Sơn, là gia đình ca sĩ Mỹ Linh và ‘Việt Phủ Thành Chương’ của họa sĩ Thành Chương.

‘Việt Phủ Thành Chương’ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng từ năm 2001 đến 2004 và hoàn thiện nhiều năm sau đó. Theo một số nhà văn hóa, ‘Việt Phủ Thành Chương’ là một khu văn hóa mang đậm nét làng quê Bắc bộ Việt Nam, với rất nhiều những giá trị truyền thống, dân gian, những di sản như cổ vật.v.v…

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2006 Thanh tra Chính phủ kết luận về tình trạng xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sai quy định… có ‘Việt Phủ Thành Chương’.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khi đó nêu rõ, ‘Việt Phủ Thành Chương’ có diện tích xây dựng khoảng 3.000 m2-8.000m2. Đây là đất quy hoạch rừng đặc dụng, trước đây giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh liên kết, có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Sau khi mua ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố, suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng và cho công trình tồn tại, sau đó ông Chương tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thành.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về trường hợp này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết :

"Tôi cho rằng pháp luật thì phải công bằng với tất cả mọi người, không kể đấy là trường hợp nào. Mà trường hợp xây Việt Phủ trong rừng phòng hộ thì chắc chắn là vi phạm pháp luật rồi. Về nguyên tắt thì pháp luật đất đai không cho phép chuyển nhượng đất cho người từ bên ngoài vào mua để tránh nguy cơ phá hoại rừng".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, trường hợp họa sĩ Thành Chương muốn xây dựng một cơ sở văn hóa, để lưu giữ về văn hóa tâm linh… là tốt… nhưng thế nào đi nữa cũng là vi phạm đất đai.

Chúng tôi liên lạc với Họa sĩ Thành Chương, chủ nhân của ‘Việt Phủ Thành Chương’ và được ông trả lời như sau :

"Bây giờ đang… đang… đang… đang… đang ăn cơm… không thể trả lời… lát nữa gọi lại nhé…".

Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cố gắng gọi lại cho Họa sĩ Thành Chương nhiều lần nhưng điện thoại của ông tắt máy.

vietphu2

Tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch. Ảnh Youtube

Khi nói về ‘Việt Phủ Thành Chương’, Anh Nguyễn Chí Tuyến, một người dân ở Hà Nội đưa ra ý kiến của mình :

"Việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ đó trên đất không được phép xây dựng, thì nếu sai thì họ có xử lý triệt để hay không ? Cái Việt Phủ đó thì tôi cũng có theo dõi thì có biết nó có giá trị văn hóa, và mọi người cũng có ý kiến theo chiều hướng là để cho nó tồn tại. Tức là hợp pháp hóa hay xử phạt như thế nào đó, không tháo dỡ và để đó coi như một công trình văn hóa của Việt Nam. Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác họ cũng phản đối, họ nói việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ như vậy, nhưng việc ông ấy vi phạm pháp luật cũng là một nét văn hóa, bởi vì tuân thủ pháp luật cũng là một nét văn hóa".

Anh Nguyễn Chí Tuyến không đưa ra ý kiến chủ quan của mình, nhưng anh cho rằng, nếu sai đến đâu thì xử lý đến đó cho đúng, nếu mà nói là thượng tôn pháp luật thì phải tìm cách xử lý cho nó hợp tình hợp lý.

Khó xử lý nghiêm minh

Vào ngày 4 tháng 12 năm 2018, bên lề kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư huyện Sóc Sơn, Phạm Xuân Phương khi trả lời báo chí về việc xử lý những sai phạm liên quan quản lý đất rừng Sóc Sơn, trong đó có công trình Việt Phủ Thành Chương, ông Phương nói rằng ‘phá Việt phủ Thành Chương là vô cảm’.

Ông Bí thư huyện Sóc Sơn cũng cho rằng, đây là công trình hiếm về văn hoá Việt cổ, cần có cơ chế để thành điểm du lịch tâm linh hợp pháp ! ?

Liên quan nhận định này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, đưa ra ý kiến :

"Thật ra phá rừng thì đã là vô cảm rồi, cái bất chấp quy hoạch thì gần như bình thường ở Việt Nam, họ nói vậy mà không phải vậy, luôn luôn nó là như thế. Cho nên cái chuyện ‘quân hồi vô phèng’ làm lung tung vô chính phủ là cái chuyện rất bình thường ở Việt Nam, Bây giờ đấy mới là cái khó để giải quyết. Bây giờ nếu đập cái Việt Phủ Thành Chương thì mình cũng đã hủy hoại một loạt cái tài sản, mà tài sản cũng là của xã hội, thành ra đó cũng là thế kẹt".

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, giải pháp hay nhất là phạt Phủ Thành Chương một khoản tiền lớn, khoảng bằng 70% đến 80% giá trị của nó, và cho tồn tại. Sau đó đưa số tiền phạt ấy vào bảo vệ môi trường, lập lại các khu rừng, trồng thêm cây cho Hà Nội.. v.v.

Một người dân ở huyện Sóc Sơn, sống gần ‘Việt Phủ Thành Chương’ cho rằng :

"Em nghĩ Việt Phủ Thành Chương thì nên giữ, cái đó người dân người ta bỏ bao nhiêu công sức ra mà bây kêu dở bỏ có mà… ai cũng tiếc lắm chứ anh. Cái đấy báo chí cứ bảo là vi phạm thế này thế kia, nhưng em thấy dân có vi phạm cái gì đâu ? Cái đấy là ven rừng, ở dưới thôi, chứ không phải trên đất rừng hẳn. Thứ bảy, chủ nhật cũng có khách vào tham quan, em ở gần đấy nên cũng biết, hồi xưa lúc mới xây xong em cũng đã có vào xem".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, khi nói pháp luật đất đai không thiên vị ai cả thì phải giải quyết, không có cách nào khác. Ông cho rằng xử lý theo cách nào cũng được nhưng bắt buộc phải xử lý.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì cho rằng, hiện nay chính quyền Hà Nội đang lưỡng lự, không biết xử lý như thế nào ? Bởi vì theo ông, Việt Nam có luật nhưng xử theo luật rừng, tùy tiện lắm, vì vậy rất khó khăn để xử lý nghiêm minh được.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 07/12/2018

Published in Diễn đàn

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy, người bị kết án 3 năm tù giam vào ngày 23/8/2016, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, chỉ vì xịt sơn các mẫu tự "ĐMCS" lên tường của một đồn công an và sử dụng mạng xã hội Facebook để bày tỏ chính kiến của mình về tình hình đất nước, vừa mãn hạn tù ba năm và trở về nhà ở Khánh Hòa hôm 27 tháng 11.

duy1

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy, sum họp cùng gia đình. Photo courtesy of FB Duy Nguyen

Anh dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn sau thời gian sum họp cùng gia đình.

Trung Khang : Xin chào anh Nguyễn Hữu Quốc Duy. Trước hết xin thay mặt quý khán thính giả cuả Đài Á Châu Tự Do, chúng tôi chung vui với anh đã về với gia đình sau 3 năm phải ở tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Xin chào Đài Á Châu Tự Do và quý khán thính giả.

Trung Khang : Thưa anh, từ trước khi cho đến sau khi anh bị bắt giữ và đưa ra xét xử, rất ít thông tin về anh được công khai, vậy anh có thể trình bày lại một số hoạt động của bản thân bị phía cơ quan chức năng cho là vi phạm ?

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Phía cơ quan chức năng cáo buộc tôi đã có những bài viết và bình luận thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề chính trị xã hội, giáo dục văn hóa, lịch sử, quốc phòng, có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chống phá. Và cáo buộc tôi đã lôi kéo nhiều học sinh, sinh viên đi theo.

Trung Khang : Đối với anh thì những cáo buộc vi phạm như thế có phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam cũng như những Công ước Quốc Tế mà Việt Nam tham gia ký kết ?

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Theo tôi, những cáo buộc này hoàn toàn là suy diễn một phía của nhà cầm quyền Việt Nam, đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, có trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và trong những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Trung Khang : Điều kiện ở trong trại giam mà anh phải trải qua thế nào ?

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Điều kiện ở trại giam, nhất là ở trại tạm giam Khánh Hòa là vô cùng khắc nghiệt và vô nhân đạo, can phạm bị đối xử không khác gì như là súc vật. Và có sự phân biệt giữa tôi và can phạm bình thường, bị khủng bố tinh thần kinh khủng, cũng như cơ quan điều tra đã vi phạm nguyên tắc tố tụng rất nhiều trong quá trình điều tra và giam giữ. Có thời gian tôi bị kỷ luật 20 ngày thì bị tra tấn rất là kinh khủng, tôi bị xịt hơi cay và sau đó nó gây bỏng và lở loét kháp cả người. Không cho tôi mang áo vào nên không lau được, sau đó nó tiếp tục lở loét, gây sốt. Làm cho sức khỏe của tôi giảm sút rất là nhanh.

duy2

Nguyễn Hữu Quốc Duy (phải) và Nguyễn Hữu Thiên An tại phiên xử sơ thẩm vào ngày 23/8/2016 ở Khánh Hòa. File photo

Trung Khang : Anh có thể chia sẻ là điều gì giúp cho anh vượt qua được thời gian 3 năm trong những nơi giam giữ ở Việt Nam ?

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Ở trong tù tôi chỉ biết cố gắng hết sức, đôi khi tôi kiệt quệ thì tôi nghĩ đến những người bên ngoài, nhất là Mẹ vẫn đang cố gắng đòi công lý cho tôi.

Trung Khang : Được biết kể từ ngày 13/2/2017, anh Nguyễn Hữu Quốc Duy bị chuyển đến Trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cũng là nơi giam giữ nhiều tù nhân lương tâm, đặc biệt là anh Nguyễn Văn Hóa. Anh có thể chia sẻ thông tin có được về những tù nhân chính trị/tù nhân lương tâm ở cùng trại giam ?

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Lúc tôi được thả thì hiện cũng còn các tù nhân lương tâm còn ở lại như ông Ngô Hào, anh Nguyễn Bắc Truyển, anh Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa… và một số người khác. Tất cả thì sức khỏe và tinh thần đều ổn định. Trong tù thì anh em cũng đang đấu tranh để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng về điều kiện sinh hoạt, giam giữ tốt hơn. Trong thời gian bị giam giữ thì anh em cũng bị khủng bố tinh thần và thể xác, nhưng anh em đều cố gắng. Và hiện nay sức khỏe và tinh thần của anh em cũng đều tương đối ổn định.

Trung Khang : Bây giờ đã về đến nhà và thời điểm tiếp theo đây thì những điều anh nghĩ cho những ngày trước mắt là như thế nào ?

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Trước mắt thì tôi sẽ dành thời gian cho gia đình và nghỉ ngơi nhiều hơn, vì thời gian ở tạm giam quá khắc nghiệt đã khiến sức khỏe của tôi giảm sút quá nhiều. Kế đến tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi về đất đai của gia đình, đã bị cưỡng chế thu hồi khi tôi bị bắt. Cũng như lên tiếng cho những người cùng cảnh ngộ. Còn đối với những anh em còn ở trong trại giam thì tôi xin chúc anh em nhiều sức khỏe, tinh thần luôn vững vàng. Trước khi tôi về thì anh em còn ở lại trại giam cũng nhắn nhủ bên ngoài cứ yên tâm, anh em ở bên trong lúc nào cũng đoàn kết và tinh thần luôn vững vàng.

Trung Khang : Xin chân thành cảm ơn anh Nguyễn Hữu Quốc Duy đã dành cho những giây phút rất là quý báu khi mà anh vừa mới về đến với gia đình. Và một lần nữa xin thay mặt quý khán thính giả chung vui với anh và mong sẽ còn có nhiêù dịp để được nói chuyện với anh.

Nguyễn Hữu Quốc Duy : Xin cám ơn quý Đài và xin chào quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Trung Khang thực hiện

Nguồn : RFA, 03/11/2018

Published in Diễn đàn

Thể chế cản trở sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam

Báo cáo mới được công bố hôm 15/11 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD cho thấy các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam, cản trở phát triển sản xuất nông nghiệp.

nong1

Ảnh minh họa chụp tại ngoại thành Hà Nội năm 2017. AFP

Đất đai nông nghiệp bị phân tán thành nhiều mảnh

Theo báo cáo của IPSARD, do lịch sử và thói quen canh tác, đất đai nông nghiệp ở Việt Nam bị phân tán thành nhiều mảnh, manh mún cản trở cho việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng nông nghiệp… Gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu gom đất, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vì gặp nhiều trở ngại trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng, cản trở phát triển nông nghiệp Việt Nam là vấn đề manh mún và đất đai nhỏ lẻ. Ngoài ra, khi tiến lên công nghiệp hóa và đô thị hóa thì việc rút lao động ra khỏi nông thôn là tương đối chậm, do đó vẫn còn gần 48% lao động làm trong ngành nông nghiệp, vì thế đất phải chia nhỏ cho lao động làm việc ở nông thôn. Ông nói tiếp :

"Trung bình mỗi hộ khoảng 0,6 hecta, đây là tỷ lệ thấp nhất trong vùng, ít nước thấp như thế. Đặc biệt ở miền trung và miền bắc Việt Nam, còn chia làm nhiều mảnh nữa, một nhà có 4, 5 hay 7 mảnh. Cho nên quy mô lô ruộng còn nhỏ hơn rất nhiều. Quy mô nhỏ sẽ cản trở thủy lợi hóa, cơ giới hóa, cản trở áp dụng khoa học công nghệ. Đây là một trong những yếu tố lớn cản trở hình thành hợp tác xã hay liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lớn".

Theo Chỉ số Phát triển Thế giới –WDI do Ngân Hàng Thế Giới – WTO công bố năm 2017, tỷ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ, chỉ đạt bình quân 0,07 hecta mỗi người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 0,27 hecta mỗi người tại Thái Lan. Ngoài ra, tỷ lệ mảnh đất bình quân mỗi hộ nông dân còn ở mức khá cao, với cây hàng năm là 3,1 mảnh đất trên một hộ gia đình.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Việt Nam hiện có gần 14 triệu hộ nông dân đang sở hữu 78 triệu mảng ruộng nhỏ lẻ, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra khá chậm, vẫn còn hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5ha.

nong2

Cánh đồng lúa của nhân dân xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang thuận lợi hơn trong việc canh tác và cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh : Phương Hoa/TTXVN)

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Anh Nguyễn Tiến Lựa, một người trồng lúa ở Bắc Giang, để tìm hiểu về thực tế trồng lúa tại địa phương, và được anh cho biết như sau :

"Cái này nó cũng tùy thuộc, nếu mà đủ điều kiện làm hợp tác xã hay cánh đồng lớn, thì mình làm… phát triển xã hội mà mở mang ra thì tốt. Như bọn tôi thì hiện nay chỉ làm nhùng nhằng mấy xào ruộng, kiếm mấy hạy thóc thôi. Nói ra thì cũng khó lắm, trong cái việc của mình, nhiều cái mình lực bất tòng tâm. Làm lớn không được thì làm nhỏ lẻ, chứ lật đi xong không lật lại được thì khó khăn lắm".

Luật Đất đai không hợp lý

Luật Đất đai 2013 quy định người dân chỉ có quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm với các qui định về hạn điền. Cụ thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mỗi hộ chỉ được sở hữu tối đa 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng, một trong những rào cản thể chế, làm kéo dài tình trạng đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, ảnh hưởng sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam là vấn đề hạn điền :

"Câu chuyện hạn điền thì không hạn chế đối với doanh nghiệp nhưng lại hạn chế đối với hộ gia đình nông dân muốn có một quỹ đất lớn hơn để có thể phát triển quy mô lớn thì lại vướn phải hạn điền. Mặc dù hiện nay đã tháo gỡ một phần nhưng vẫn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của nhà nước. Mà hạn mức trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long là 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta, như vậy là 20 hecta và 30 hecta".

Giải thích thêm về tình trạng đất đai chia đều theo quy mô nhỏ lẻ và vấn đề hạn điền, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết :

"Giai đoạn cải cách ruông đất hay còn gọi là cải cách điền địa, tức là chia đất của địa chủ lại cho người nông dân, người ta lấy đất của địa chủ chia cho nông dân, một mặt xóa bỏ được việc người nọ bóc lột người kia, có người có người có rất nhiều đất, có người phải đi làm thuê, nó cải thiện được tình trạng đó. Nhưng điều này lại nảy sinh tình trạng đất chia đều nhưng quy mô nhỏ lẻ".

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 1953–1956, nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, địa chủ, cường hào... với mục tiêu xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, lấy đất địa chủ chia cho nông dân, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, khi kinh tế phát triển thì người làm giỏi có xu hướng tăng quy mô đất lên, còn người làm kém thì bỏ đất đai sang lao động phi nông nghiệp. Khi quá trình này diễn ra thì xuất hiện tình trạng tích tụ đất đai để hình thành sản xuất trang trại quy mô lớn dần. Đến giai đoạn nào đấy các nước từng cải cách ruộng đất bắt đầu bỏ mức hạn điền, không ngăn chặn quy mô đất đai tối đa của một hộ có thể mua hoặc chuyển nhượng. Theo ông Việt Nam đã đến lúc cần xóa bỏ hạn điền.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 21/11/2018

Published in Diễn đàn
Trang 4 đến 4