Với khối nợ 300 tỷ USD, Evergrande không có khả năng trả và Bắc Kinh ra lệnh cho Evergrande trả những khoản đáo hạn, ít nhất là phải trả tiền lãi. Không khác gì ra lệnh cho một bệnh nhân cần được giải phẫu phải khỏe mạnh ngay tức khắc.
Theo các nhà bình luận thì cuộc khủng hoảng này là cuộc khủng hoảng trong nội bộ Trung Quốc. Những bình luận này cần phải được nghi ngờ một cách thận trọng. Họ cho rằng tiền nợ của Evergrande tuy là 300 tỷ nhưng nhũng công ty của nước ngoài chỉ cho Evergrande vay 20 tỷ nên không đáng lo và không đáng kể, do đó sự phá sản của Evergrande sẽ không ảnh hưởng tới thế giới.
Không ảnh chụp hôm 18/09/2021 cho thấy Khu Du lịch Văn hóa Evergrande ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Việc xây dựng dự án đã tạm dừng. (Ảnh Vivian Lin / AFP / Getty)
Có thực Evergrande chỉ nợ nước ngoài 20 tỷ đô la ?
Có một sự thực là Evergrande chỉ vay các ngân hàng Trung Quốc, nhưng các ngân hàng của Trung Quốc khác với các ngân hàng của nước ngoài. Các ngân hàng của Mỹ hay Pháp khi gởi tiền thì khoản tiền lãi ở mức rất thấp, cao lắm là 5% (mức tối đa). Ở Đức, khi gửi tiền vào ngân hàng không những có đồng lãi nào mà còn phải trả thêm phí điều hành. Trong khi đó, khi gởi tiền vào các ngân hàng của Trung Quốc khoản tiền lãi trung bình là 7%, và đây là bí quyết thành công của các ngân hàng để thu hút số tiền nhàn rỗi từ các định chế tài chính quốc tế. Các quỹ đầu tư có dư tiền ở nước ngoài đã gửi tiền vào các ngân hàng Trung Quốc với mức vãng lai là 1%, nhưng nếu ký thác định kỳ thì lãi suất có thể lến tới từ 5 đến 7%, thậm chí 8%. Rõ ràng là có lời to, các ngân hàng quốc tế đều công bố những mức lợi nhuận cao trong những năm vừa qua, những cổ phần viên đã nhận được những cổ tức hậu hĩnh. Qua cách thức này, các ngân hàng nước ngoài và các quỹ đầu tư quốc tế đua nhau gửi tiền vào các ngân hàng Trung Quốc để thu lãi, và các ngân hàng Trung Quốc lấy số tiền đó cho các định chế sản xuất, xây dựng Trung Quốc vay. Tuy rằng Evergrande không vay trực tiếp từ nước ngoài nhưng những số tiền vay từ các định chế tài chính Trung Quốc phần lớn đều là tiền vay của nước ngoài.
Nếu nhìn vào con số tiền lãi đáo hạn mà Evergrande phải thanh toán trước cuối tháng 9/2021 vừa qua, theo bản nợ được công bố, thì tổng số tiền lãi phải trả là 120 triệu USD, trong đó 36 triệu là nợ của các ngân hàng Trung Quốc và 84 triệu là nợ của nước ngoài. Nợ nước ngoài gấp 2 lần nợ trong nước, nên sự cố sụp đổ của Evergrande ảnh hưởng đến sinh hoạt tài chính của nước ngoài là điều tất nhiên. Tuy nhiên sự cố này không gây tai hại nhiều với thế giới nhưng báo hiệu một sự suy sụp dây chuyền trong toàn bộ sinh hoạt kinh tế Trung Quốc nói chung.
Nền kinh tế Trung Quốc hoạt động được chủ yếu là nhờ vào vay nợ trong nước và vay nợ nước ngoài. Nếu không vay được nợ nữa thì Bắc Kinh sẽ làm gì, Trung Quốc sẽ ra sao ?
Để có vốn hoạt động, các công ty Trung Quốc tạo vốn dưới hai hình thức : 1. phát hành và bán cổ phiếu ; 2. đi vay. Có 2 hình thức vay, một là vay của các ngân hàng, hai là phát hành trái phiếu lãi suất cao với hứa hẹn chết ráng chịu.
Thông thường các trái phiếu phát hành có mức lãi suất từ 3 đến 5%, riêng Evergrande phát hành trái phiếu với lãi suất có lúc lên tới 13,5%, sức nào chịu nổi ? Trường hợp Evergrande này cũng giống như trường hợp Tăng Minh Phụng trước đây, lãi suất được đẩy tới 15% nên ai cũng ham bỏ tiền cho vay. Năm 2003 Tăng Minh Phụng bị xử bắn, thế là... huề cả làng. Công ty Evergrande cũng như nhiều công ty Trung Quốc khác, vay và phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao. Đầu năm ngoái, một công ty qui mô nhỏ hơn Evergrande là HNA (Hainan Airlines) phá sản năm 2021 và hiện nay Bắc Kinh đang sử dụng kịch bản đó cho Evergrande.
Hiện tại Evergrande có 1.300.000 căn hộ đang xây, trong đó có một số đã bán và chưa bán. Evergrande còn một công ty Năng Lượng Mới đã đầu tư vào đó 83 tỷ, ngoài ra còn khách sạn, các công tư sản xuất rượu bia... và một đội bóng. Số công nhân chính thức của Evergrande là trên 200.000 người, nếu tính thêm những công ty sống nhờ Evergrande như cung cấp dịch vụ thì con số công nhân lên tới khoảng 3 triệu người. Bây giờ Evergrande được yêu cầu bán các công ty con với giá phá sản thì cùng lắm cũng chỉ được 20 tỷ. Theo dự đoán, nếu Evergrande tuyên bố phá sản thì sẽ có 200 ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc phá sản theo. Và nếu lựa chọn sau cùng là gia tăng vận tốc phá sản như mong muốn của Bắc Kinh hiện nay thì sẽ có rất nhiều công ty đầu tư hạ tầng và bất động sản lớn khác của Trung Quốc cũng tuyên bố phá sản theo hoàn cảnh với hệ quả là cả hệ thống ngân hàng lớn nhỏ sẽ quỵt nợ và Trung Quốc sẽ co cụm lại để tự sinh tồn. Bắc Kinh hy vọng rằng với dân số 1,4 tỷ thì tự Trung Quốc đã là một thế giới cho nên nếu co cụm thì xã hội Trung Quốc vẫn có thể tồn tại được, và trong sung túc.
Có thể đây là những toan tính của Tập Cận Bình, nhưng những toan tính này có an toàn cho Trung Quốc không ? Bắc Kinh lý luận rằng nếu Trung Quốc co cụm lại và vẫn giữ được tỷ trọng ngoại thương từ 20 đến 30% như hiện nay thì có thể cầm cự được trong một thời gian vì mức sống của người dân không đến nỗi tệ, cũng còn khá hơn những năm 80.
Trước những khó khăn kinh tế trên toàn cầu và Trung Quốc nói riêng, đầu tháng 7/2021, Bắc Kinh có đưa ra một chương trình dưới tên gọi "Phồn Vinh Chung" nhằm san sẻ những sung túc cùng khó khăn đồng đều trên đất nước. Có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình đã quên lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào năm 2009 : Nếu không giữ được mức tăng trưởng 8% thì Trung Quốc sẽ bạo loạn. Hiện nay những dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và quốc tế đều dưới chỉ số này.
Tập Cận Bình quảng bá ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Ảnh : Chinese fonts design
Nhìn lại lịch sử
Vào năm 1850 Trung Quốc xảy ra nạn đói, dân chúng miền Nam bị bóc lột quá đáng đã nổi dậy cùng Hồng Tú Toàn thành lập nước Thái Bình. Nhà Thanh đã áp dụng biện pháp tàn sát, đi tới đâu tàn sát tới đó. Và họ đã tàn sát 70% dân số 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam. Riêng tỉnh Quý Châu thì số dân bị tàn sát lên tới 90%.
Các vua chúa thời trước của Trung Quốc thì có thể làm vậy nhưng Bắc Kinh ngày nay không thể làm như vậy, vì dân trí của người Trung Quốc đã được nâng cao và nhận thức về con người cũng gia tăng cùng tỷ lệ. Gần đây dư luận quốc tế đã điểm mặt Bắc Kinh đối xử vô nhân đạo với người Uyghur ở Tân Cương, nhưng ở thế kỷ 21 này Bắc Kinh không thể đối xử tàn bạo hơn với cư dân đất Tân Cương như dưới thời các vua chúa trước đó. Bắc Kinh không thể tiêu diệt hết dân cư Tân Cương, cũng như Tây Tạng và Nội Mông, dù rất muốn.
Bắc Kinh chỉ mới bỏ tù không kết tội 1,5 triệu người Uyghur (Hồi giáo) trong những trại tập trung lớn mà đã có hàng chục nghìn người chết. Những hành động vô nhân đạo này đã bị những quốc gia dân chủ lớn phương Tây và Nhật Bản lên án và làm áp lực buộc Bắc Kinh phải nương tay. Tin tức về những vụ giam cầm và cưỡng ép lao động khổ sai bị ngay cả dư luận trong nước lên án. Và chính đây mới là nỗi lo sợ của Bắc Kinh.
Nhìn lại quá khứ, những cuộc nổi loạn đến từ quần chúng luôn đẫm máu : quan quân thẳng tay tàn sát dân cư nổi loạn, dân cư nổi loạn cũng thẳng tay tiêu diệt và trừng trị dã man những dòng họ quan liêu lãnh đạo. Cái vòng luẩn quẩn này chỉ chấm dứt khi bị các đế quốc hàng hải phương Tây đánh bại nhà Thanh và bảo hộ vùng biển phía đông Trung Quốc trong nửa cuối thế kỷ 19. Ngày nay cuộc hưu chiến này đang tới hồi kết thúc.
Những bất công mà các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản gây ra cho dân chúng Trung Quốc đã đạt tới đỉnh điểm sự chịu đựng. Từ thập niên 1980 đến nay, dân chúng Trung Quốc chấp nhận hy sinh và lao động cật lực để xuất khẩu thu về ngoại tệ và góp phần xây dựng một Trung Quốc phồn vinh và thịnh vượng, qua đó mức sống của họ cũng được nâng cao : ăn đủ no áo đủ mặc, rồi sau đó dư ăn dư mặc và có thể đi du lịch nước ngoài. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, với Giấc mộng Trung Hoa, xã hội Trung Quốc như đang sống trở lại thời vua chúa. Con đường tơ lụa chẳng khác nào Vạn lý trường thành, người dân Trung Hoa bị trưng dụng để xây đường dựng cảng trên khắp thế giới với đồng lương rẻ mạt và làm việc như những nô lệ.
Giờ đây, sau những đợt dịch Covid-19, tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã bị khựng lại vì… hết tiền. Những đại công ty xây dựng như Evergrande chỉ là một trong những ví dụ. Ngành đường sắt được coi là chủ bài để bành trướng đã gần như bế tắc : không có đơn đặt hàng, những tuyến đường sắt và những toa tàu dài hàng cây số đang bị gỉ sét vì không được sử dụng. Ngành đóng tàu viễn dương, niềm kiêu hãnh của Bắc Kinh, coi như phá sản vì không có đơn đặt hàng. Những dàn khoang dò tìm dầu khí ngoài khơi đã án binh bất động, và nhân công đang trong tình trạng thất nghiệp vì kết quả tìm được không đủ trang trải chi phí hoạt động.
Những sự cố này đang đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo giữa phần đất phía đông cạnh bờ biển phát triển và vùng nội địa nghèo nàn đang bị sa mạc hóa. Do nghèo khó, dân cư nội địa đi tìm việc ở những thành phố cạnh bờ biển phía đông. Nay những tỉnh phía đông này đang gặp phải khó khăn, hãng xưởng đóng cửa và buộc phải sa thải nhân công mà đa số đến từ các tỉnh nội địa. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đang đau đầu tìm biện pháp trấn an dân chúng, xoa dịu sự bất mãn giữa nông thôn và thành thị, giữa giới có học và thành phần lao động chân tay. Nhưng dân trí và nhận thức của xã hội Trung Quốc cũng đã thay đổi, họ không còn ngây thơ tin theo những gì Đảng cộng sản hứa hẹn.
Trước kia, chương trình tăng trưởng hoàng dại, bất chấp con người và môi trường của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc vượt lên sự nghèo nàn để có tiến bộ. Người dân Trung Quốc có thể cày cấy, trồng trọt không những đủ ăn mà còn xuất khẩu sang các nước khác để thu về ngoại tệ. Trung Quốc đã trở thành cơ xưởng sản xuất và xuất khẩu cho cả thế giới về hàng công nghiệp thông dụng, công ăn việc làm thừa mứa và mức sống người Trung Quốc được gia tăng đáng kể. Giờ đây sau những năm khai thác cạn kiệt tài nguyên đất và nước, bức tranh sung túc trong những năm 1980 đang bị xóa dần, một nửa Trung Quốc từ phía bắc sông Dương Tử đến phía tây cận Tân Cương và dãy Hi Mã Lạp Sơn đang bị cằn cỗi vì thiếu nước, không khí ô nhiễm, các chứng bệnh nan y hoành hành...
Vấn đề là xã hội Trung Quốc ngày nay là không thể quay trở lại thời kỳ 1980, cho dù mức sống đã được nhân lên gấp hai. Người Trung Quốc đã quen với xã hội tiêu thụ, họ không thể sống trong thiếu thốn về vật chất cũng như không có đồng lương. Bóng ma thời Chiến Quốc ngày xưa đang lộ diện, vùng đất phía tây nghèo nàn đang bất mãn với vùng đất phía đông sống trong sung túc. Trong thâm tâm những người như Tập Cận Bình, nếu chịu khó đọc lại sử của chính đất nước mình thì phải tự kinh hoàng.
Kinh nhiệm lịch sử của các triều đại cai trị tại Trung Quốc rất là ác nghiệt, nhất là vào cuối thời. Các triều đại Hán, Tấn, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều sụp đổ trong biển máu, cả hoàng tộc bị tiêu diệt. Chính vì thế mà của vị vua anh minh của Trung Quốc đều tìm cách được chôn cất bí mật để không bị phe thắng trận đào mộ phóng uế, như Tần Thủy Hoàng. Những nhà khảo cổ về văn minh và văn hóa Trung Hoa đã rất chật vật khi truy tìm dấu vết các vương triều cầm quyền trước triều đại đương quyền, bởi vì một lý do hiển nhiên và dễ hiểu : các chế độ đương quyền đều tìm cách xóa hết mọi dấu vết của chế độ cầm quyền trước đó : lăng mộ, di tích kiến trúc và gia tộc.
Một thí dụ : Việt Nam là nước theo văn hóa Trung Hoa. Dưới thời nhà Nguyễn, không một lăng mộ nào của những tiên vương trước tồn tại, những gia toohc cầm quyền trước phải tự đổi tên đổi họ đẻ không bị tru di. Trước đó dưới thời các triều Lê, Lý, Trần cũng thế, không một lăng mộ nào của vương triều trước đó còn nguyên vẹn. Sau ngày 30/4/1975, chế độ cộng sản đã san bằng và xóa sổ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn, vì đây là nới chôn cất những vị tiền nhân lãnh đạo miền Nam. Gần đay đang có phong trào xét lại công lao của của vị tiền nhân khai phá miền Nam như Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản. Phải chăng Hà Nội muốn xóa sổ ký ức của người miền Nam ?
Ảnh Getty/CC/WorldPost illustration
Trở lại với tình hình Trung Quốc hiện nay, sự suy yếu, nếu không muốn nói là sự sụp đổ gần kề, của Tập Cận Bình và của Đảng cộng sản Trung Quốc rất khó che đậy. Thế giới ngày nay đã khác, nhất cử nhất động gì của Trung Quốc cũng đều được phát hiện và thông tin liền tức thì.
Tập Cận Bình có đi quá xa không khi vắt cạn kiệt tài nguyên nhân vật lực để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa vượt quá khả năng. Làm sao đào ra tiền để trả những món nợ lên đến 40.000 tỷ USD, trên 300% PIB của Trung Quốc, chỉ để thỏa mãn tham vọng cá nhân muốn thống trị thế giới và đàn áp những quốc gia nhỏ yếu thế hơn ?
Người ta chờ ngày Tập Cận Bình phải trả lời trước dân chúng Trung Quốc về những món nợ khổng lồ khó trả này. Ngày tàn của Tập Cận Bình chắc không đến nỗi tàn bạo như các triều đại trước bị xử tử hay tru di tam tộc nhưng chắc chắn sẽ vô cùng bi đát.
Trần Khánh Ân
(05/04/2022)
Không chỉ chia sẻ những giá trị nhân bản nền tảng và sự thịnh vượng chung, Úc và Nhật Bản còn chia sẻ những bất an trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ngày 06/01/2022 vừa qua, lãnh đạo hai quốc gia đã ký một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt, cho phép quân đội đôi bên tự do tiếp cận lãnh thổ của nhau khi tập trận và tham gia các hoạt động khác (RAA).
Từ trái sang phải : Ngoại trưởng bốn nước Anthony Blinken (Mỹ), Marise Payne (Úc), Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ) và Yoshimasa Hayashi (Nhật Bản) trong buổi họp Bộ Tứ tại Sydney, Úc, ngày 11/02/2022. AP - Sandra Sanders
Nhân sự kiện này, mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa RFI Tiếng Việt và Luật sư - Nhà báo Lưu Tường Quang về sự hợp tác song phương giữa Canberra và Tokyo qua các vấn đề nổi trội hiện nay.
**********
RFI : Từ khi thiết lập quan hệ thương mại (1957) đến nay, mối bang giao Nhật và Úc được cho là mối quan hệ kiểu mẫu và đóng vai trò là "mỏ neo" của sự thịnh vượng và cởi mở trong khu vực Châu Á. Xin ông cho biết những điểm mấu chốt trong sự hợp tác kinh tế giữa đôi bên ?
Lưu Tường Quang : Từng là đối thủ trong thế chiến, Úc và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược đặc biệt và phát triển cao độ nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ này không chỉ giới hạn giữa hai quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị mà còn trải rộng qua sự hợp tác đa phương, đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ giữa hai nước đã có từ cuối thế kỷ thứ 19 và được tái lập vào năm 1952, sau Thế Chiến Thứ Hai. Vào năm 1957, ông Robert Menzies là thủ tướng Úc đầu tiên công du Nhật Bản và sau đó là chuyến thăm viếng Canberra của thủ tướng Kishi Nobusuke cùng năm đã đánh dấu mốc lịch sử giao thương giữa hai nước với Thỏa hiệp Thương mại 1957 (The 1957 Commerce Agreement).
Về phương diện hợp tác kinh tế và thương mại, hai nước đã nâng cấp mối quan hệ với Hiệp ước Nara năm 1976 (The Basic Treaty of Friendship and Cooperation). Và gần đây nhất, năm 2015, Thỏa hiệp Đối tác Kinh tế Nhật - Úc (Japan - Australia Economic Partnership Agreement - JAEPA) mà cốt lõi là một Hiệp định Tự do Thương mại.
Theo dữ liệu chính thức của Bộ Ngoại giao và Thương Mại Úc, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba, đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu tính riêng lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của Úc.
Trong năm 2020, giao thương hai chiều giữa hai nước trị giá 66,3 tỉ Úc kim. Trong đó, Úc xuất siêu 46,4 tỉ Úc kim, chiếm 10,6% tổng trị giá hàng hóa và dịch vụ bán ra nhiều nước trên thế giới.
Tokyo và Canberra đều coi khu vực Đông Nam Á là quan trọng hàng đầu, không những đa phương với Tổ chức ASEAN mà còn song phương với một số thành viên, chẳng hạn như Việt Nam (viện trợ phát triển ODA, chương trình Hạ Lưu Sông Mekong, viện trợ vắc-xin Covid-19, v.v…).
Nhật Bản và Úc là thành viên cốt cán của Tổ hợp Kinh tế CPTPP (tức là TPP-11) có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và RCEP, gồm 10 nước Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc Châu và New Zealand, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Ngoài ra, Nhật Bản và Úc còn là thành viên của Diễn đàn Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm 20 Quốc gia kinh tế hàng đầu thế giới (G20).
RFI : Như vậy, trong nhiều thập kỷ, Canberra và Tokyo coi kinh tế là nền tảng chủ yếu trong mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, những năm gần đây (đặc biệt từ năm 2000), chúng ta thấy, sự hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Úc và Nhật phát triển một cách nhảy vọt. Cụ thể, đã có những thỏa hiệp quan trọng nào giữa đôi bên ?
Lưu Tường Quang : Ngày 12/02/2022 tại Melbourne, khi ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi bước chân vào phòng Hội nghị cấp ngoại trưởng của nhóm Tứ Cường (The Quad), điều này thể hiện hai động thái ý nghĩa. Đó là chỉ ra cơ hội thắt chặt bang giao song phương giữa Úc và Nhật và cũng là bối cảnh đa phương mà Nhật và Úc đang phát triển với Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Trong thời đại dịch Covid-19, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng đã tham dự mặt-đối-mặt tại Úc để thảo luận một chương trình nghị sự quan trọng, bao gồm cả vấn đề thay đổi khí hậu, chính sách bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc và kế hoạch phòng chống đại dịch.
Do những thay đổi lớn về mặt địa lý chính trị trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, The Quad càng ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, nếu The Quad được mở rộng để trở thành The Quad Plus (có thể bao gồm một vài nước khác như Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam tại Châu Á, Israel tại Trung Đông và Brazil tại Nam Mỹ). Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken tại Melbourne, kế tiếp là Fiji, và trở lại Hawaii là nhằm bày tỏ cam kết của Mỹ trong vùng, đặc biệt là Nam Thái Bình Dương. Một khu vực chiến lược mà Bắc Kinh đang bành trướng ảnh hưởng và cũng là nơi Nhật Bản và Úc Châu, cũng như New Zealand đang có kế hoạch đối trọng.
Theo Bắc Kinh, The Quad có tham vọng trở thành một NATO Châu Á. Một cáo buộc mà The Quad đã hoàn toàn phủ nhận. Từ khi được phục hoạt năm 2017, The Quad đã có một Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 03/2021 ; Hội nghị Thượng đỉnh mặt-đối-mặt giữa 4 lãnh tụ tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 09/2021 ; và dự trù sẽ có Hội nghị Thượng đỉnh mặt-đối-mặt tại Tokyo vào tháng 5/2022.
Úc và Nhật Bản không có một hiệp ước hợp tác quốc phòng như tầm vóc của Hiệp ước ANZUS giữa Canberra và Washington (1951) hoặc giữa Mỹ và Nhật (1960). Tuy vậy, hai quốc gia chia sẻ mẫu số chung chính sách an ninh quốc phòng đặt trên cơ sở hợp tác với Hoa Kỳ. Quan hệ chiến lược giữa Úc và Mỹ cũng như giữa Úc và Nhật được nâng cấp cao nhất, cụ thể là Hội nghị Thường niên về Chiến lược Ngoại Giao và Quốc Phòng, thường được gọi là hội nghị 2+2.
Quan hệ song phương mỗi ngày một được cải thiện, đặc biệt sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe vượt qua được khó khăn của Điều 9 Hiến pháp Hòa Bình của Nhật Bản. Cụ thể, năm 2014, Điều 9 được diễn giải lại để cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham dự sinh hoạt quân sự với nước ngoài trên căn bản phòng thủ tập thể (collective self-defence).
Bắt đầu thương thuyết từ 2014, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng Scott Morrison đã ký một thỏa hiệp lịch sử vào đầu tháng 01/2022. Theo đó, Úc và Nhật cho phép quân đội có thể có mặt trên lãnh thổ của nhau để tập huấn và cứu trợ thiên tai. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960 với Mỹ, Nhật Bản ký Hiệp định Reciprocal Access Agreement (RAA) với một nước khác.
RFI : Sự hợp tác này có tầm ảnh hưởng thế nào đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ?
Lưu Tường Quang : Là một cường quốc kinh tế thứ ba thế giới và dù chưa phải là một cường quốc quân sự vì sự ràng buộc của Hiến Pháp Chủ hòa, nhưng Nhật Bản cũng đã tham gia tuần tra Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như tham dự nhiều cuộc tập trận chung với các nước thân hữu. Trong khi, Úc là cường quốc kinh tế và quân sự bậc trung, nhưng cũng có chương trình thường xuyên tuần tra và không lưu trên Biển Đông. Một khi cả hai quốc gia hợp tác chặt chẽ thì sức mạnh chung lớn hơn là sức mạnh cộng lại từ hai nước riêng rẽ (the sum is bigger that its two parts).
Với sự trỗi dậy kinh tế và quân sự, và nhất là với chính sách bá quyền của Bắc Kinh đang làm thay đổi cục diện địa lý chính trị. Nhật Bản và Úc hợp tác vì quyền lợi quốc gia riêng và nền hòa bình thịnh vượng chung. Bước ngoặt lớn nhất từ phía Úc là đã ký Thỏa hiệp Tam Cường Mỹ - Anh - Úc (AUKUS), tháng 09/2021 và nhận sự ủng hộ từ Nhật Bản.
Hầu như thường xuyên, trên căn bản, Úc và Nhật tham dự các cuộc tập trận khá quy mô, chẳng hạn, Malabar và Talisman Sabre. Malabar là cuộc tập trận giữa hải quân Ấn - Mỹ - Nhật tại Ấn Độ Dương và mở rộng thêm cho hải quân Úc. Gần đây nhất, tháng 08/2021, tập trận Malabar gồm 4 đơn vị hải quân Ấn - Mỹ - Nhật - Úc tại vùng biển Guam và Thái Bình Dương. Talisman Sabre là tập trận hải lục - không quân giữa Mỹ và Úc, và từ năm 2019 có sự tham gia của Nhật. Ngoài ra, không quân của riêng Nhật - Úc cũng có những cuộc tập trận chung. Tất cả các cuộc tập trận đều nhằm nâng cao khả năng hành quân chung khi phải đối diện với một địch thủ chung.
RFI : Không ít nhận định cho rằng, Canberra và Tokyo càng xích lại gần nhau hơn bởi chính sách "Chiến binh sói" (Wolf Warrior) của Bắc Kinh và những lo ngại của họ về mức độ cam kết an ninh của Washington đối với các vấn đề khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong ván bài chơi với Bắc Kinh, Tokyo "thông minh" hơn Canberra. Ông nghĩ sao về nhận định này ?
Lưu Tường Quang : Nhìn chung, ngoài lý do hiển nhiên khi cả hai đều là quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị và chia sẻ nhiều giá trị nhân bản, có hai yếu tố đưa đẩy Úc và Nhật Bản tiến gần lại với nhau hơn. Đó là mối đe dọa từ Trung Quốc và sự che chở bảo vệ của Mỹ (tuy không cùng mức độ), chiếu theo Hiệp ước ANZUS giữa Úc và Mỹ (1951) và giữa Nhật và Mỹ (1960) không đáp ứng với mong đợi của Canberra va Tokyo. Tuy vậy, Úc có vẻ tin tưởng nhiều vào khả năng của Mỹ hơn là Nhật Bản đối với Mỹ. Đó có thể là lý do Úc nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ với Hiệp định Tam Cường AUKUS.
Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa kỳ về tầm vóc kinh tế trong nay mai, và có thể thu ngắn sự cách biệt quân sự với Mỹ. Nhưng, Mỹ vẫn còn là siêu cường quân sự số một thế giới trong nhiều năm nữa. Vấn đề, Hoa kỳ có đủ ý chí chính trị để bảo vệ Nhật và Úc, nếu một hoặc cả hai bị Bắc Kinh tấn công. Hoặc như tình hình thế giới hiện nay cho thấy, nước Mỹ có khả năng đáp ứng hai cuộc chiến cùng một lúc : Một tại Châu Âu và một tại Châu Á hay không. Sự đe dọa xâm lăng Ukraine từ Tổng thống Nga Putin trong sự im lặng của ông Tập Cận Bình được coi Bắc Kinh mặc nhiên ủng hộ Moskva. Điều này thể hiện một thế trận mới mà Bắc Kinh có thể khai thác trong vấn đề Đài Loan.
Đối với Trung Quốc, Úc là nạn nhân của chính sách vũ khí hóa thương mại để đạt mục đích ngoại giao chính trị. Canberra và Bắc Kinh không có tranh chấp lãnh thổ. Trong khi, Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ Senkaku (Điếu Ngư) tại Biển Hoa Đông. Thêm vào đó, ngoài đe dọa từ Bắc Kinh, Tokyo còn phải đối diện với một đe dọa trực tiếp khác từ Bắc Triều Tiên với vũ khí nguyên tử. Do đó, Tokyo cần sự trợ giúp ngoại giao của Bắc Kinh trong vấn đề an toàn tại vùng Bắc Á.
Trung Quốc với chính sách gọi là "chiến lang" có thể đẩy Úc và Nhật gần lại với nhau, nhưng phản ứng từ Canberra và Tokyo đối với Bắc Kinh có thể không hoàn toàn thuần nhất, vì lý do khác biệt trong việc theo đuổi quyền lợi quốc gia. Bởi vậy, theo tôi, chúng ta khó có thể kết luận ai "thông minh" hơn ai.
RFI : Trong một "thế giới phẳng" khi mà sự hợp tác đa phương được coi trọng, cục diện địa chính trị luôn thay đổi, cùng những vấn đề mang hơi thở đương đại, mối quan hệ Canberra - Tokyo chắc hẳn cũng phải đối mặt với những thách thức. Theo ông, đó là những gì ?
Lưu Tường Quang : Trung Quốc theo đuổi chiến lược "tằm ăn dâu" tại Biển Đông và Nam Thái Bình Dương. Không ai nghĩ rằng, một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra tại Nam Thái Bình Dương. Vấn đề là làm thế nào Mỹ - Nhật - Úc và New Zealand có thể chặn đứng được ảnh hưởng chính trị, ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh đối với 18 đảo quốc nhỏ.
Tại Biển Đông, Úc, Nhật và các quốc gia phương Tây ủng hộ lập trường của Mỹ và quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không. Trong khi, Bắc Kinh có thể đe dọa quân sự đối với các quốc gia tranh chấp như Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh cũng vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và bất chấp Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA (12/07/2016). Tuy nhiên, một cuộc xung đột vũ trang, nếu xảy ra tại Biển Đông, theo tôi có thể vì lý do "tai nạn" và tình trạng tương tự tại Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, có hai điểm nóng có thể xảy ra xung đột vũ trang. Thứ nhất, Bắc Triều Tiên tấn công Nhật Bản hoặc Nam Hàn. Thứ hai, nếu ông Tập Cận Bình theo chân ông Putin và thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, tương tự như Liên bang Nga đã chiếm đóng Crimee và đang đe dọa xâm lăng Ukraine. Không phải chỉ có Bắc Kinh mà Tokyo và Canberra cũng theo dõi phản ứng từ Washington. Nếu tổng thống Joe Biden chấp nhận một sự đã rồi (fait accompli) do ông Putin gây ra, thì đây có thể là một cám dỗ lớn cho Tập Cận Bình đối với Đài Loan.
Với những kịch bản này, Úc và Nhật sẽ làm gì? Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã nói, Úc khó có thể đứng bên ngoài trong khi Tokyo chưa có phát biểu rõ rệt như vậy.
RFI : RFI Tiếng Việt cảm ơn Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang.
Hoàng Hằng
Nguồn : RFI, 24/02/2022
Cuộc chiến biên giới Việt- Trung
Nguồn : RFA, 17/02/2022
********************
Quá sốc ! Lộ lý do lãnh đạo Việt Nam tránh nói đến cuộc chiến với Tàu !
Nguồn : Nhân Việt TV, 17/02/2022
********************
Nhân loại ơi, hãy cảnh giác !
Vietnam Courier, Trần Quốc Việt, 17/02/2022
Hà Nội, tháng Tư 1979 - Người lính thuộc Quân đoàn 41 của Trung Quốc, bị bắt ở Cao Bằng vào ngày 23 tháng Hai 1979, thú nhận : "Chúng tôi thấy hai đứa trẻ Việt Nam. Chúng đang băng qua cánh đồng để đi về hướng rừng. Một đứa độ tám tuổi và đứa kia độ bốn tuổi. Một đồng đội tôi chĩa súng vào bọn trẻ, nhưng chính ủy của đơn vị ngăn lại. "Đồng chí Lý Xuân này", chính ủy nói, "Đồng chí có căm thù bọn tiểu bá quyền Việt Nam không ?". "Có, tôi căm thù bọn chúng", đồng đội tôi đáp. Chính ủy khoác tay ra hiệu, và Lý Xuân liền đuổi theo bọn trẻ. Hắn đứng đối mặt với chúng và rồi đâm chúng bằng lưỡi lê cho đến chết".
Đặc trưng của lính Trung Quốc là chúng cực kỳ tàn ác. Sự dã man của chúng như ở vào thời trung cổ nhưng phương tiện chúng sử dụng lại hiện đại. Các công cụ hủy diệt của chúng rất đa dạng : đại bác 130 ly, 122 ly và 75 ly, súng cối đủ cỡ, súng phóng hỏa tiễn H.12 mười hai nòng, vũ khí bộ binh thông thường, súng phun lửa, lựu đạn, mìn, thuốc nổ TNT, lưỡi lê, dao găm, dao vân vân. Khắp nơi chúng đều tấn công một cách cực kỳ tàn bạo, san bằng những khu vực rộng lớn, bắn gục toàn bộ những nhóm người tỵ nạn, ném lựu đạn vào những nơi trú ẩn, đặt mìn nổ sập những hang chứa hàng trăm người.
Có vô số trường hợp về sự dã man của Trung Quốc.
Vào rạng sáng ngày 17 tháng Hai, một xe buýt từ Lạng Sơn đi Cao Lộc. Ở Đồng Đăng xe bị trúng đạn đại bác. Khi bốn mươi hành khách bước lảo đảo ra khỏi xe thì họ bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chết. Xe cứu thương chịu cùng số phận cũng ở nơi này vào độ 10 giờ sáng. Xe mang biển số 12A-04-25 của bệnh viện tỉnh Lạng Sơn chạy đến cứu những người bị thương, nhưng tất cả ba người trên xe- tài xế, nữ bác sĩ tên Nguyễn Thu Thủy, và y tá tên Nguyễn Thị Sâm, đều bị quân Trung Quốc bắn chết. Ở tỉnh lỵ Lào Cai, giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc, bọn xâm lược san bằng bệnh viện và giết tất cả những nhân viên và bệnh nhân nào không thể chạy trốn.
Những đơn vị Trung Quốc, được những kẻ phản quốc người Việt gốc Hoa dẫn đường, giả dạng thành bộ đội, bộ đội biên phòng, thợ rừng hay dân quân người Việt. Chúng băng rừng và bất ngờ tấn công vào nhiều nông trường nhà nước và làng mạc, bắn giết rất lạnh lùng. Ở nhiều lâm trường ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hoàng Liên Sơn, các công nhân nam bị giết ngay lập tức, còn phụ nữ bị hãm hiếp trước khi bị sát hại hay bị bắt sang Trung Quốc. Nhiều gia đình hầu như hoàn toàn bị giết sạch. Bọn xâm lược giết sáu trong số bảy người trong gia đình ông Nông Việt Quan - người dân tộc Nùng ở xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Mẹ ông chết vì trúng đạn trái phá, cha ông bị bắn chết khi quân Trung Quốc tiến vào xã, còn vợ ông và ba con bị thảm sát dưới hỏa lực súng máy và lựu đạn trong một hang núi lân cận. Ở xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, bọn xâm lược xô các nạn nhân-phần lớn phụ nữ, trẻ em và người già-xuống các ao và rồi bắn chết họ.
Các cuộc tàn sát tập thể được tiến hành ở nhiều nơi. Những người tỵ nạn ở khe núi gần lâm trường Cao Lâu, huyện Cao Lộc bị súng phun lửa thiêu chết. Không thể nào xác định được họ bao nhiêu người. Chỉ hai mươi người còn sống sót qua cuộc thảm sát ở cánh đồng gần Na Rụa, ngay sát thị xã Cao Bằng. Họ ở trong đoàn 283 người tỵ nạn ở khu vực Pác Bó. Bốn mươi ba xác phụ nữ và trẻ em được khám phá ở làng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng. Các nạn nhân này bị đập bể đầu hay bị mổ bụng. Và nhiều trường hợp như thế.
Nếu chúng ta xem xét vài trường hợp này thì chúng ta thấy rõ tâm tính của những thủ phạm Trung Quốc. Ở Lai Châu, bọn giết người đập đầu trẻ em vào đá hay cây. Một em bé ở huyện Phúc Hòa, Cao Bằng, bị chặt tay chân rồi để cho chảy máu đến chết. Chúng còn giăng bẫy bằng cách đặt mìn và lựu đạn dưới các xác chết. Chúng bỏ thuốc độc xuống giếng nước và vào thực phẩm.
Bệnh dịch hạch mới, dịch hạch chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh, đã lộ diện và đe dọa toàn thế giới và trên hết nhân dân Trung Quốc.
Cho nên lời cảnh cáo trước thế giới về nguy cơ của chủ nghĩa Phát xít của Julius Fucik cách đây nửa thế kỷ hôm nay vẫn lại thích hợp : "Nhân loại ơi, hãy cảnh giác !"
Vietnam Courrier
Nguồn : "A Month of Exploits of the Great Army of Crimes" (Thành tích một tháng của Đại quân tội ác), bài xã luận trích từ tài liệu "Chinese War Crimes in Vietnam" (Tội ác chiến tranh của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam), do Tạp san Vietnam Courrier, phát hành, Hà Nội, 1979, trang 6-12. Tựa đề tiếng Việt do người dịch đặt.
Trần Quốc Việt dịch
**********************
Hãy ra đồng cùng cha
Nguyễn Văn Nguyên, 17/02/2022
Mùa xuân đến rồi. Hãy ra đồng cùng cha
Chăm chút lại mảnh vườn hoang hóa
Thửa đất thân yêu, truyền đời hương hỏa
Đẫm mồ hôi và máu của tiền nhân
Con xem đi. Kìa những mầm non
Đang thoi thóp cõi còm sau giông tố
Nhưng trước hết hãy nhìn cương thổ
Giờ không còn phên giậu như xưa
Nơi phương bắc nhiều xương rồng xâm phạm
Cuốc sạch ngay rồi đào rãnh thật sâu
Từng phút giây phải để tâm theo dõi
Diệt thẳng tay không cho chúng ngóc đầu
Phía bờ tây cần trồng thêm bóng mát
Cây lớn lên đất khỏi bạc màu
Con cũng nhớ không được san hết núi
Để giữ gìn cảnh đẹp ngày sau
Đuôi phía nam con cần ngăn đập
Tránh mặn tràn không thể trồng cây
Ở nơi đó phù sa bồi đắp
Lúa chín vàng sóng lượn như mây
Dải bên đông con nên phòng bị
Bởi biên dài và có cuồng phong
Nhưng phải giữ lối đi khắp chốn
Mang nắng về cùng những ước mong
Trên thửa đất con trồng hoa quả
Chọn giống hoa thơm và quả ngọt ngào
Con hãy bứng những hòn đá cản
Sẽ tuôn trào mạch sống ngàn sau
Mảnh vườn đó con cùng cha nhé
Sẽ xanh tươi và đẹp vô ngần
Đến lúc ấy cha con mình ngắm
Ánh trăng rằm cùng dải sông Ngân
Nguyễn Văn Nguyên
(17/02/2022)
Không có quốc gia nào thu thập dữ liệu về công dân của mình ghê gớm như Trung Quốc, nước chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông 2022. Trung Quốc làm được điều này là nhờ trí tuệ nhân tạo, điều sẽ định hình cuộc xung đột mang tính hệ thống với Hoa Kỳ. Nhưng Tập Cận Bình đang thất bại trong việc cố giành toàn quyền kiểm soát tuyệt đối.
Năm 2022 sẽ là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử thế giới. Trong vài ngày tới Trung Quốc, quốc gia độc tài quyền lực nhất thế giới, sẽ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, và giống như nước Đức năm 1936, Trung Quốc sẽ tìm cách lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền cho thắng lợi của hệ thống giám sát chặt chẽ của mình.
Chúng ta đang hoặc sắp sửa đối diện những quyết định quan trọng có ý nghĩa định hình hướng phát triển của thế giới.
Biến đổi khí hậu sẽ vẫn là một trong những thách thức chính trị lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, nhưng đặc điểm địa chính trị chi phối thế giới ngày nay là xung đột ngày càng leo thang giữa hai hệ thống nhà nước đối lập nhau. Do đó, cho phép tôi phác thảo sự tương phản một cách đơn giản nhất.
Trong một xã hội mở, nhiệm vụ của nhà nước là bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân. Trong một xã hội khép kín, nhiệm vụ của các cá nhân là phục vụ sự cai trị của nhà nước.
Là người sáng lập Tổ chức Xã hội Mở, đương nhiên tôi đứng về phía các xã hội mở. Nhưng câu hỏi có ý nghĩa quyết định lúc này là, hệ thống nào sẽ thắng thế ?
Thời gian gần đây, tôi tự hỏi mình, cái gì làm cho tình hình lại diễn ra như thế này. Khi tôi bắt đầu cái mà tôi gọi là hoạt động chính trị từ thiện vào những năm 1980, không ai nghi ngờ gì về địa vị độc tôn của Hoa Kỳ. Ngày nay tình hình không còn như vậy. Tại sao lại như thế ?
Một phần của câu trả lời là do những tiến bộ công nghệ, chủ yếu dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) ; vào những năm 1980 nó vẫn còn sơ khai. Sự phát triển của AI và sự nổi trội của các nền tảng công nghệ và truyền thông xã hội đi song song với nhau.
Điều này đã tạo ra các doanh nghiệp có lợi nhuận rất cao và chúng có ảnh hưởng đến mức không ai có thể cạnh tranh nổi trừ bản thân các doanh nghiệp đó cạnh tranh với nhau. Các doanh nghiệp này hiện đang thống trị nền kinh tế thế giới, chúng mang tính chất đa quốc gia, hiện diện trong mọi ngóc ngách của thế giới. Chúng ta có thể điểm mặt chúng, đó là Facebook, Google, Apple và Amazon. Có những tập đoàn tương tự ở Trung Quốc, nhưng tên tuổi của các tập đoàn đó còn ít được biết đến ở phương Tây.
Sự phát triển này tạo ra hệ quả chính trị sâu rộng. Nó đã làm trầm trọng thêm cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và dẫn đến một cục diện hoàn toàn mới.
Trung Quốc tôn vinh các nền tảng công nghệ của mình như một dạng anh hùng dân tộc ; trong khi đó Hoa Kỳ lại băn khoăn về tác động của nó đến quyền tự do cá nhân. Những quan điểm khác nhau này đã làm bùng lên sự xung đột giữa hai hệ thống chính quyền mà Mỹ và Trung Quốc là đại diện.
Về lý thuyết, AI là trung lập về mặt đạo đức và luân lý ; nó có thể được sử dụng vì cái thiện hoặc cái ác. Tuy nhiên, trên thực tế, ảnh hưởng của nó là cực kỳ lớn. AI đặc biệt thích hợp để tạo ra các công cụ kiểm soát nhằm củng cố bộ máy đàn áp của nhà nước và gây nguy hiểm cho các xã hội mở. Điều thú vị là cuộc khủng hoảng Corona đã làm tăng lợi thế mà giới cai trị được hưởng thông qua hợp pháp hóa việc sử dụng dữ liệu cá nhân cho các mục đích giám sát công chúng.
Sự thành công của Tập Cận Bình là tất yếu ?
Với những lợi thế này, người ta nghĩ rằng Tập Cận Bình, người thu thập dữ liệu cá nhân để giám sát công dân của mình mạnh mẽ hơn bất kỳ nhà cầm quyền nào khác trong lịch sử, chắc chắn sẽ đi đến thành công. Đương nhiên ông ta nghĩ như vậy, và nhiều người cũng tin vào điều đó. Tôi muốn giải thích với các vị, tại sao lại không phải như vậy. Điều này đòi hỏi phải có một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhà cai trị đầu tiên của ĐCSTQ, Mao Trạch Đông, đã khởi xướng Đại nhảy vọt, dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người. Sau đó là cuộc Cách mạng Văn hóa đã phá hủy nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc thông qua việc tra tấn và giết hại các tinh hoa văn hóa và kinh tế của nước này.
Trong sự hỗn loạn của những năm đó, nổi lên một nhà lãnh đạo mới, Đặng Tiểu Bình. Ông ta nhận ra rằng Trung Quốc tụt hậu so với thế giới tư bản. Ông đề ra phương châm "giấu mình, chờ thời" và mời gọi người nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, điều đã dẫn đến một thời kỳ tăng trưởng đáng kinh ngạc, và quá trình đó tiếp diễn kể cả sau khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013.
Kể từ đó, Tập Cận Bình đã làm hết sức mình để tháo dỡ thành quả của Đặng Tiểu Bình. Ông đã đưa các doanh nghiệp tư nhân được thành lập dưới thời Đặng vào sự kiểm soát của ĐCSTQ và phá hủy sự phát triển năng động, một đặc trưng của các doanh nghiệp tư nhân này. Thay vì để cho tinh thần kinh doanh tư nhân phát triển mạnh mẽ, Tập Cận Bình đã khởi động "Giấc mơ Trung Hoa" của bản thân ông ta. Kết quả có thể được tóm gọn trong bốn từ : kiểm soát toàn bộ. Điều đó gây hậu quả khôn lường.
Người tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản
Không giống như Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình là một người tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản. Thần tượng của ông ta là Mao Trạch Đông và Vladimir Lenin. Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, ông ta mặc bộ trang phục kiểu Mao, trong khi những người khác mặc trang phục công sở.
Tập Cận Bình có nhiều kẻ thù. Mặc dù không ai có thể công khai chống lại ông ta vì ông ta nắm giữ tất cả các đòn bẩy quyền lực, nhưng một cuộc đấu tranh đang diễn ra trong nội bộ ĐCSTQ, gay gắt đến mức nó đã được thể hiện trên nhiều ấn phẩm của đảng. Ông Tập đang bị tấn công bởi những người được định hình bởi quan niệm của Đặng Tiểu Bình, những người muốn trao cho khu vực tư nhân một vai trò lớn hơn.
Bản thân Tập Cận Bình tin chắc rằng ông đang đưa ra một hệ thống cai trị về cơ bản ưu việt hơn dân chủ tự do. Nhưng ông ta cai trị bằng hù dọa, đe nẹt. Không ai dám nói điều mà ông ta không muốn nghe. Kết quả là, rất khó để lay chuyển niềm tin của một người, ngay cả khi khoảng cách giữa niềm tin của người đó và thực tế ngày càng rộng ra.
Olympic là một dự án phô trương
Do Thế vận hội Mùa đông là một dự án để phô trương thanh thế của Tập Cận Bình, chính phủ đang rất nỗ lực để thế vận hội thành công. Các vận động viên tham gia tranh tài bị tách biệt hoàn toàn với công chúng địa phương. Nhưng các biện pháp này sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi sự kiện này qua đi.
Việc phong tỏa triệt để cả các thành phố sẽ không có hiệu quả đối với một biến thể dễ lây lan như Omicron. Điều này thể hiện rõ ràng ở Hồng Kông, nơi omicron đang bùng phát mạnh mẽ khó có thể ngăn chặn và đang có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn. Chi phí của chiến lược zero-Covid đang tăng lên từng ngày khi các thành phố bị phong tỏa khỏi phần còn lại của thế giới và thậm chí với cả với Trung Quốc. Tình hình ở Hồng Kông thể hiện thách thức lớn của biến thể omicron đối với Tập Cận Bình.
Ông ta cố gắng giành quyền kiểm soát toàn bộ nhưng không thành công. Nhờ sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ ĐCSTQ, việc thiết kế hết sức thận trọng để tôn Tập Cận Bình lên ngang tầm với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có thể không bao giờ trở thành hiện thực.
Người ta hy vọng Tập Cận Bình sẽ được thay thế bằng một nhân vật ôn hòa hơn về đối nội và yêu chuộng hòa bình hơn về đối ngoại. Điều này sẽ loại bỏ mối hiểm họa lớn nhất mà các xã hội tự do hiện đang phải đối mặt, và xã hội tự do cần làm tất cả trong khả năng của mình để khuyến khích Trung Quốc đi theo hướng mà mọi người mong muốn.
George Soros
Nguyên tác : Die größte Bedrohung der freien Gesellschaft ist China", WELT, 02/02/2022.
Nguyễn Xuân Hoài biên dịch
Quốc hội Pháp thảo luận về luật chống nạn cướp nội tạng tại Trung Quốc
Quốc hội Pháp thảo luận và bỏ phiếu dự luật chống nạn cưỡng bức lấy tạng tại Trung Quốc đúng ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Chính quyền kháng chiến chống giới tướng lãnh Miến Điện tăng cường vận động quốc tế công nhận. Ukraine rút dự luật gọi Nga là "nhà nước gây hấn" để thúc đẩy đàm phán. Album nhạc "Di sản Goldman" vinh danh sự nghiệp của Jean-Jacques Goldman, nhân vật được người Pháp yêu thích nhất, lặng lẽ ra mắt với dàn nghệ sĩ ít tên tuổi.
Biểu tình ở Berlin, Đức, năm 2007 tố cáo hành vi cưỡng bức cướp nội tạng ở Trung Quốc. © Wikipedia
Tại Pháp, Trung Quốc tiếp tục bị lên án về các tội ác về nhân quyền. Ít ngày sau khi Quốc hội Pháp ra nghị quyết lên án tội ác "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 04/02/2022, đúng vào ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa đông ở Bắc Kinh, các dân biểu Pháp thảo luận về dự luật siết chặt quy định về "du lịch ghép tạng", với mục tiêu chống nạn cưỡng bức lấy nội tạng tại một quốc gia ngoài Châu Âu, để phục vụ cho nhu cầu ghép tạng của khách hàng Pháp. Đối tượng của luật này không có quốc gia nào khác hơn là Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không bị chỉ đích danh trong dự luật.
Chủ trì dự luật là nữ dân biểu Frédérique Dumas, ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại Quốc hội cựu thành viên đảng cầm quyền LREM, nổi tiếng là một tiếng nói lên án mạnh mẽ Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền. Dự luật của nữ dân biểu Dumas dựa trên các khảo sát của chuyên gia Mỹ Ethan Gutmann và "Liên minh quốc tế chấm dứt các hành động ghép tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc" (End Transplant Abuse in China, ETAC).
Dựa trên các nhân chứng, khảo sát của các nghị sĩ và các điều tra của báo chí, chuyên gia Gutmann ước tính hàng năm có khoảng từ 25 nghìn đến 50 nghìn thanh niên người Duy Ngô Nhĩ (thiểu số theo đạo Hồi) bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức lấy tạng. Ông Gutmann cho biết đã xác định được tại vùng Aksu, khu tự trị Tân Cương, một tổ hợp bệnh viện - trại giam - lò thiêu xác, nơi việc cưỡng bức lấy tạng quy mô lớn diễn ra.
Đa số nạn nhân là "tù nhân lương tâm"
Người chủ trì dự luật nhấn mạnh là nếu như tại phần lớn các quốc gia, việc ghép tạng có nguồn gốc đáng ngờ xuất phát từ buôn bán "bất hợp pháp", thì riêng tại Trung Quốc, các hoạt động bất hợp pháp này "trực tiếp do chính quyền tổ chức", với nạn nhân chủ yếu là tù nhân, "đặc biệt là tù nhân lương tâm".
Ghép tạng được coi là một ngành công nghiệp sinh lời tại Trung Quốc. Theo một điều tra quốc tế về quy mô ghép tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc, được báo chí Pháp trích dẫn, năm 2015 ước tính Trung Quốc có từ 60.000 đến 100.000 vụ ghép tạng, chứ không phải chỉ là 10.000, theo số liệu chính thức. Thông thường để được ghép tạng trên thế giới, thời hạn chờ đợi là trung bình 3 năm, riêng tại Trung Quốc, chỉ có vỏn vẹn hai tuần.
Dự luật chống ghép tạng bất hợp pháp được trình ra trước Quốc hội Pháp không được đảng cầm quyền ủng hộ, với lý do cho đến nay chưa có bằng chứng về "du lịch ghép tạng" giữa Pháp và Trung Quốc, và luật có thể gây trở ngại cho các hợp tác quốc tế hợp pháp của Pháp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng cho biết đang nỗ lực để xử lý vấn đề này trên quy mô quốc tế, đặc biệt thông qua công ước Compostelle của Hội Đồng Toàn Châu Âu về chống buôn bán nội tạng người bất hợp pháp, mà Quốc hội Pháp vừa phê chuẩn ngày 27/01.
Chính phủ kháng chiến Miến Điện tăng cường vận động quốc tế công nhận
Cuối tháng Giêng 2022, tròn một năm đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự của Aung San Suu Kyi, lực lượng kháng chiến chống tập đoàn quân sự tại Miến Điện tăng cường nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy quốc tế công nhận.
Tiếp theo cuộc gặp với ông Derek Chollet, cố vấn đặc biệt của ngoại trưởng Mỹ, ngày 27/01/2022, chính phủ của lực lượng kháng chiến chống độc tài quân sự (với tên gọi chính thức NUG - Chính phủ Đoàn kết Dân tộc) đã kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục "hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả" cho việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, khôi phục tiến trình dân chủ hóa. Báo mạng Miến Điện Irrawaddy dẫn lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ cho hay, cố vấn Derek Chollet "đã bày tỏ sự tri ân đối với sự lãnh đạo của NUG trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nổ ra do vụ đảo chính cách nay một năm".
Thông tín viên Carol Isoux từ Bangkok cho biết chính quyền kháng chiến Miến Điện đang nỗ lực thuyết phục các cường quốc dân chủ có "thái độ thực tế hơn", nhanh chóng công nhận NUG để lực lượng kháng chiến chống độc tài có được đủ hậu thuẫn từ bên ngoài :
"Nếu không có một sự công nhận chính thức đối với chính phủ đối lập Miến Điện từ phía các định chế quốc tế, thì chính quyền đối lập sẽ không có khả năng thực thi việc cứu trợ nhân đạo, mua vũ khí cần cho cuộc chiến chống tập đoàn quân sự.
Quyền bộ trưởng Bộ Tài nguyên của chính phủ chống tập đoàn quân sự, ông Maw Htun Aung, kêu gọi các quốc gia dân chủ có một thái độ thực tế hơn. Ông nói :
"Không thể thắng trong một cuộc chiến tranh chỉ với các tuyên bố thiện chí. Khi hoạt động trên bình diện quốc tế, chắc chắn là bạn cần phải được công nhận chính thức. Nếu không có điều đó, tài khoản ngân hàng của bạn có thể phong tỏa, toàn bộ việc xây dựng cơ sở hậu cần sẽ phải hoạt động trong bóng tối. Đúng là chính quyền đối lập hiện nay không có đủ nguồn lực để hỗ trợ các chiến binh trẻ trên chiến trường trong thời điểm hiện tại. Họ thất vọng là có lý, nhưng đây là do chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia dân chủ".
Một số định chế trên thế giới đã bắt đầu khởi sự tiến trình công nhận chính quyền dân sự Miến Điện. Đó là trường hợp của Thượng Viện Pháp. Tuy nhiên trong hiện tại, chưa có bất cứ một chính phủ nào chính thức công nhận chúng tôi".
Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện thành lập vào tháng 4/2021, với sự tham gia của nhiều dân biểu Quốc hội bị lật đổ, thuộc đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, các đồng minh thuộc các sắc tộc thiểu số và đại diện của phong trào phản kháng chống đảo chính. NUG đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF). Đến tháng 9/2021, PDF tuyên chiến với tập đoàn quân sự, đưa cuộc kháng chiến chống chính quyền quân sự lên tầm mức mới.
Hiện tại chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ đối lập NUG Miến Điện, nhưng NUG đã nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao bán chính thức. NUG đã đặt trụ sở tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Cộng hòa Séc. Hôm 18/01, NUG thông báo lập trụ sở tại Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên tại Châu Á. Báo Đức DW hôm 18/01 nhấn mạnh đến nỗ lực của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện vận động Cộng Hòa Séc ủng hộ quốc tế công nhận. Việc chính quyền Séc có thái độ dứt khoát với tập đoàn quân sự có ý nghĩa quan trọng, bởi Praha sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Âu nửa cuối năm 2022, tiếp theo Pháp.
Kiev rút dự luật gọi Nga là "Nhà nước gây hấn"
Về căng thẳng Nga - phương Tây xung quanh điểm nóng Ukraine, hôm 25/01/2022, chính quyền Kiev đã có một động thái khá bất ngờ : rút một dự luật liên quan đến vùng Donbass, miền đông, hiện do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Lý do : việc rút nội dung lên án Nga là quốc gia gây hấn, không ân xá phe ly khai, và cấm họ tham gia vào bầu cử Ukraine là điều kiện tiên quyết mà Nga và các nước phương Tây đặt ra để nối lại các đàm phán tìm giải pháp hòa bình, theo Công thức Normandie.
Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Kiev :
"Để tránh được chiến tranh, không gì hơn là ngồi vào bàn đàm phán. Ít nhất thì đây cũng là hy vọng mà ngành ngoại giao Pháp cố gắng trong tuần này, trong lúc một cuộc họp theo công thức Normandie - về thỏa thuận Minsk cấp cố vấn chính trị của lãnh đạo bốn nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức - dự kiến sắp diễn ra.
Điện Elysée tổ chức cuộc họp này để cố gắng giúp cho "căng thẳng xuống thang" giữa Nga và Ukraine, trong lúc các nước Châu Âu vốn tham gia rất ít vào cuộc đối đầu giữa Washington và Moskva.
Về phía nước Pháp, Paris nhấn mạnh đến việc chính quyền Nga cần tỏ thiện chí, và chấm dứt chiến lược gây căng thẳng, nhưng bên Ukraine cũng đồng thời cần phải đóng góp phần mình. Cụ thể là chính quyền Kiev đã được yêu cầu rút lại một dự luật, mô tả nước Nga như một chính quyền "chiếm đóng".
Tuy nhiên, việc thực thi các thỏa thuận Minsk là một thách thức rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà từ bảy năm nay, việc thực thi các thỏa thuận này đã thất bại một cách có hệ thống. Trên thực tế, các thỏa thuận này thiên về quan điểm của Nga, đòi hỏi Kiev công nhận quyền tự trị của lực lượng ly khai tại vùng Donbass, ân xá các lực lượng này, và cho phép họ tham gia vào bầu cử Ukraine.
Tuy nhiên, theo một thăm dò dư luận mới đây, 55% người Ukraine từ chối nguyên tắc "hòa bình bằng mọi giá", tức có các nhân nhượng lớn với Moskva, và chỉ có 17% dân Ukraine là ủng hộ việc nhân nhượng nước Nga láng giềng".
Việc Kiev nhân nhượng chưa chắc giúp mang lại kết quả thực sự. Tại Châu Âu, có nhiều lo ngại về việc Moskva "giương bẫy" tại Donbass, khiến Kiev bị sa lầy. Hôm 26/01, tức cùng ngày cuộc họp theo Công thức Normandie tìm giải pháp cho khủng hoảng tại Paris, đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất tại Hạ Viện Nga đã yêu cầu tổng thống Putin trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang thuộc hai nước cộng hòa tự phong ở vùng Donbass. Theo thông tin viên RFI Jean Cassey từ Moskva, việc tăng cường vũ trang cho vùng Donbass không phải là để bảo vệ Donbass, mà chủ yếu để buộc Ukraine tập trung lực lượng tối đa vào khu vực này.
Album vinh danh Goldman lặng lẽ ra mắt với dàn nghệ sĩ ít tên tuổi
Nhân vật được người Pháp thích nhất sau tu sĩ Pierre, nghệ sĩ Jean-Jacques Goldman tái xuất với album nhạc "Héritage Goldman / Di sản Goldman" ra mắt hôm 21/01, nhân dịp nghệ sĩ 70 tuổi. Sự trở lại của Goldman nhìn chung được báo giới Pháp ghi nhận là nhẹ nhàng, đằm thắm, không đình đám. "Ecouter Goldman sans Jean-Jacques pour mieux l’entendre / Nghe Goldman không Jean-Jacques để thấm hơn" là tựa đề một bài giới thiệu trên Le Monde (31/01/2022).
Mười ba nhạc phẩm trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ sĩ trong album thứ nhất của "Héritage Goldman" được trình bày bởi dàn nhạc là các ca sĩ rất ít tiếng tăm. "Âm nhạc và ca từ hơn là các sao" là chủ trương của Erick Benzi, nhà sản xuất tuyển tập này, cũng là người cộng sự số một của Jean-Jacques Goldman trong thời sáng tạo đỉnh cao của nghệ sĩ. "Il suffira d'un signe", "Je te donne", "Là-bas", "Pas toi"… nằm trong số 13 tác phẩm của tuyển tập "Héritage Goldman" thứ nhất.
Âm hưởng gospel xuyên suốt trong tập nhạc đầu tiên do hầu hết các ca khúc được thu với dàn đồng ca Phúc âm (Choeur Gospel de Paris). Trả lời AFP, ông Didier Varrod, giám đốc âm nhạc của Radio France nhận xét, "album kể lại khá đúng về Goldman, một nghệ sĩ khởi đầu sự nghiệp nơi vũ trường, ông yêu thích tất cả những gì thuộc về ca đoàn, gospel, mang âm hưởng của dòng nhạc rock progressif (một tiểu loại nhạc rock bắt nguồn từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) và dòng nhạc celtic (nhạc dân gian cổ xưa của người Celtic ở Tây Âu)". Tuyển tập 2 với âm hưởng celtic sẽ ra mắt mùa thu năm nay.
Jean-Jacques Goldman - đã chính thức giã từ sàn diễn từ mươi năm nay - hoàn toàn không tham gia vào album này, do đó mà có câu "Nghe Goldman không Jean-Jacques để thấm hơn". Nữ ca sĩ Marina Kaye, 23 tuổi, được mời trình diễn ca khác "Pas toi", chia sẻ với nhật báo Công giáo La Croix cảm nhận của cô về Goldman : "Điều chính yếu, vượt xa khỏi câu chuyện âm nhạc, đó là sự khiêm nhường. Đó là điều gây ấn tượng ở Goldman, khiến ông khác hằn các nghệ sĩ khác. Chính vì vậy ông là người được người Pháp yêu mến nhất, không thể bị hạ bệ, không bao giờ lạc mốt".
Bài viết Le Monde ghi nhận, gần nửa thế kỷ trôi qua, về mặt chính trị, nước Pháp đang ngả mạnh sang hữu, thậm chí là cực hữu, nếu tin vào các thăm dò dư luận, nhưng Goldman cùng Sophie Marceau vẫn còn đó, vẫn là người được dân Pháp yêu quý nhất. Bởi đó là một ca sĩ của tình người, của sự tôn trọng những gì khác biệt giữa con người với con người, những giá trị mà cho đến nay vẫn bị nhiều người chế giễu là "cao đạo" ("bien-pensance").
Trọng Thành
Nguồn : Tạp chí đặc biệt, 05/02/2022
Các chính sách liều lĩnh đang làm tổn thương nền kinh tế và trì hoãn mục tiêu vượt qua Mỹ của Tập Cận Bình.
Có thể nói chính Tập Cận Bình là một nguy cơ đối với nền kinh tế Trung Quốc. (Nikkei dựng phim / Reuters / Getty Images)
"Sự tự tin quá mức sẽ có hại cho sự phát triển của Trung Quốc". Một nhà kinh tế người Trung Quốc đã nói như vậy khi tổng sản phẩm quốc nội mới nhất của nước này được công bố hôm thứ Hai.
Người có cái nhìn tích cực sẽ tập trung nhiều vào mức tăng trưởng 8,1% cho cả năm 2021, đưa nền kinh tế Trung Quốc lên bằng 80% nền kinh tế Mỹ, tính theo đồng đô la. Tuy nhiên, một người quan sát kỹ hơn sẽ nhận ra mức tăng trưởng ít ỏi 4% trong quý 4.
Nhà kinh tế này nói : "Trong tình cảnh suy giảm kinh tế nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, ngày Trung Quốc vượt qua Mỹ đang xa dần, chứ không phải gần kề hơn".
Trong khi đó, về chủ đề tự tin thái quá, phân tích gây sốc của một học giả nổi tiếng đang được bàn tán rộng rãi ở Trung Quốc.
Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong một bài giảng gần đây về những thiên kiến không thể tin nổi của sinh viên ngày nay.
Diêm cho biết, sinh viên đại học Trung Quốc sinh năm 2000 trở về sau "thường cảm thấy mình vượt trội và tự tin, họ có xu hướng nhìn ‘xuống’ các nước khác, xem xét quan hệ quốc tế thông qua lăng kính mơ tưởng, và tin rằng mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể đạt được một cách dễ dàng".
"Họ cho rằng các giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, đạo đức, công bằng, và công lý là các truyền thống cố hữu của Trung Quốc. Họ cho rằng chỉ có Trung Quốc mới là chính nghĩa, còn các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây, đều xấu xa".
Diêm và những quan sát của ông về xu hướng đang diễn ra ngay tại trường đại học tinh hoa của mình, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng theo học, đã tạo ra một làn sóng tranh cãi.
Giám đốc trường Thanh Hoa chỉ ra rằng ảnh hưởng của những ý kiến cực đoan bày tỏ trên mạng Internet là đặc biệt nghiêm trọng, và còn cho biết các sinh viên thậm chí đã tin vào các "thuyết âm mưu" đáng ngờ do những người nổi tiếng trên mạng ủng hộ, coi chúng là lẽ thường tình.
Diêm tin rằng lối suy nghĩ mà ông quan sát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Vì vậy, ông đã gợi ý rằng các giáo viên dạy quan hệ quốc tế nên rèn cho sinh viên biết cách nhìn nhận lịch sử Trung Quốc, và hiểu được sự phức tạp của nó, đồng thời giúp họ nhận thức được sự đa dạng của thế giới.
Diêm là một học giả hàng đầu về chủ nghĩa hiện thực ở Trung Quốc. Một thập niên trước, ông tuyên bố rằng nguyên tắc "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình trong chính sách đối ngoại đã lỗi thời, và đưa ra dự báo về việc gia tăng xích mích giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, và vì Tập và Diêm có cùng cách suy nghĩ, vị học giả này dần mở rộng tầm ảnh hưởng và trở nên nổi tiếng.
Nhưng ngay cả Diêm – một người ủng hộ lập trường cứng rắn với Mỹ – giờ đây cũng tin rằng xu hướng hiện tại đang là quá mức.
Cách tư duy kiêu ngạo và liều lĩnh của sinh viên Trung Quốc là kết quả trực tiếp của việc giáo dục lòng yêu nước, vốn được giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cực kỳ coi trọng.
Mới năm ngoái thôi, sự tự tin của người Trung còn được coi là một điều tốt đẹp. Trung Quốc tự hào mình là quốc gia duy nhất ngăn chặn thành công Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Kim Xán Vinh (Jin Canrong) – giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế của đại học này – cho rằng Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2025 về GDP, sau đó vào năm 2035 sẽ vượt Mỹ về năng lực khoa học và công nghệ. Lúc ấy bá quyền quân sự của Trung Quốc ở cả Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng sẽ trở nên rõ ràng, Kim nói thêm.
Về năng lực sản xuất công nghiệp, Mỹ sẽ không thể sánh được với Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sức mạnh quốc gia tổng hợp, theo đó tạo ra ảnh hưởng quốc tế lớn hơn, Kim nói. Những nhận xét này được đưa ra khoảng một tháng trước khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đụng độ trong cuộc họp ở Alaska vào tháng 3 năm ngoái.
Lý do cho sự tự tin của Kim là sự đình trệ kinh tế ở Mỹ, điều mà một số nhà phân tích chỉ ra là bởi vì nước này đã thất bại trong việc ứng phó với đại dịch.
Có nhiều ý kiến cho rằng quyền lực quốc gia của Mỹ đang suy giảm, còn Chủ tịch Tập, người kiêm luôn chức Tổng bí thư đảng, lại nhiều lần nhấn mạnh "niềm tin vào hệ thống", nghĩa là vào sự điều hành của đảng.
Nhưng tình hình bất ngờ trở nên tồi tệ trong tháng này. Hôm thứ Bảy, trường hợp đầu tiên của biến thể omicron được xác nhận ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc.
Sang thứ Hai, có thông tin cho rằng vào năm 2021, số ca sinh ở Trung Quốc đã giảm năm thứ năm liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Điều đó cho thấy quá trình suy giảm dân số đã xuất hiện.
Sau khi thất bại trong phản ứng ban đầu trước đợt bùng phát covid ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, chính quyền Tập đã áp dụng chính sách zero-covid vô cùng nghiêm ngặt.
Và đến nửa cuối năm 2020, niềm tin bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc rằng chính quyền Tập đã hoàn toàn thành công trong việc ngăn chặn virus.
Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm 2021, còn các nền kinh tế phương Tây lại ngày một sa sút, chính quyền Tập dần trở nên tự tin thái quá. Điều này đã tạo ra tâm trạng hồ hởi, và có chút vĩ cuồng, trong xã hội Trung Quốc.
"Nghị quyết lịch sử lần thứ ba", được thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19 vào tháng 11, cũng có rất nhiều đề cập thể hiện sự tự tin.
Khi Tập hướng đến nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, diễn ra vào mùa thu tới, "kinh nghiệm thành công" của nước này với chính sách zero-covid đã được coi là thành tựu chính trị của nhà lãnh đạo này.
Giờ đây, việc thay đổi chính sách là không thể.
Do đó, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán bắt đầu vào cuối tháng này, cũng như trước kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) trong tháng 3, và trước đại hội toàn quốc của đảng vào mùa thu.
Một người sống ở miền bắc Trung Quốc cho hay : "Tôi không thể trở về nhà trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, lần đầu tiên trong ba năm qua. Điều đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng".
Một người khác, sống ở miền nam của đất nước, phàn nàn rằng tất cả công dân đã được yêu cầu làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ. "Đây là lần thứ ba chúng tôi được lệnh phải làm như vậy", ông nói. "Tôi đâu có muốn, nhưng tôi biết làm gì đây ?"
Với việc Thế Vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 04/02, có khả năng nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa sẽ áp dụng các hạn chế trên phạm vi toàn quốc đối với những người cố gắng về quê.
Áp lực sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ quý đầu tiên của năm 2022. Một số chuyên gia kinh tế nói rằng, dù họ kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nay, nhưng sẽ khó mà đạt được mức tăng trưởng 5%.
Ngoài chính sách zero-covid, cũng phải kể tới những lỗi do con người. Các mệnh lệnh vội vã và cứng rắn từ Trung Nam Hải, nơi đặt văn phòng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đang kéo nền kinh tế đi xuống. Nhiều chính sách đã làm tổn thương thị trường nhà ở, vốn đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Áp lực lên những gã khổng lồ công nghệ, cũng như ngành công nghiệp trò chơi và giáo dục, chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Cuối năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán rằng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2033, muộn hơn 5 năm so với dự báo trước đó.
Chỉ một năm trước, JCER còn dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về GDP danh nghĩa "vào năm 2028".
Giải thích cho sự điều chỉnh này, JCER viện dẫn hai yếu tố : tăng trưởng năng suất chậm lại do các quy định khắt khe hơn của chính phủ Trung Quốc lên các công ty tư nhân, và tình trạng thiếu lao động do dân số suy giảm trong dài hạn.
Yếu tố đầu tiên là tác dụng phụ của các chính sách đột ngột và cực đoan của Tập. Có thể nói chính ông Tập là một nguy cơ đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Một nguồn tin chính trị Trung Quốc tiết lộ : "Nếu Tập không cải thiện được tình hình kinh tế trước đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản vào mùa thu, điều đó có thể ảnh hưởng đến quyền lực của ông ta".
Rốt cuộc thì, mục tiêu lớn "cơ bản đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035" là do chính ông Tập đặt ra, với rất nhiều tán dương, tại đại hội toàn quốc gần nhất của đảng vào năm 2017.
Lời giải thích được đưa ra khi đó là Tập đã đẩy mục tiêu vượt Mỹ của Trung Quốc lên sớm 15 năm. Một nhiệm vụ mà Tập tự đặt ra cho bản thân, và ông chắc chắn không thể để kế hoạch bị thất bại.
Nhưng Tập và đội ngũ của mình đã gây ra một "sự sa sút do chính sách". Sự tự tin thái quá đã khiến không chỉ các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, mà cả các quan chức và dân thường của nước này, bao gồm cả các sinh viên Đại học Thanh Hoa, trở thành những kẻ vĩ cuồng, làm mờ nhận định khách quan của họ.
Hôm thứ Hai, tin tức về sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2021 đã gây ra một làn sóng chấn động khắp thế giới. Cùng ngày, Tập đã có bài phát biểu qua video tại một cuộc họp liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ông nói : "Những thay đổi trong môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đã mang lại áp lực to lớn, nhưng… chúng tôi cực kỳ tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Trung Quốc".
Liệu sự "tin tưởng" này của Chủ tịch Tập có khác với sự tự tin thái quá nguy hiểm thường thấy ở trong và ngoài nước của ông không ? Phải chăng nó sẽ dẫn đến những điều chỉnh chính sách linh hoạt ? Vẫn còn quá sớm để có câu trả lời.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : Analysis : From leader to students, overconfidence clouds China, Nikkei Asia, 20/01/2022.
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/01/2022
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng chi nhánh tòa soạn tại Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Ngày 01/01/2022, thế giới bước vào năm thứ ba của trận dịch bệnh tệ hại nhất của mọi thời đại. Cùng với tấn thảm kịch dịch tễ là những rủi ro địa chính trị mỗi lúc một nóng bỏng : Căng thẳng giữa Nga và Ukraine, hồ sơ hạt nhân Iran, và nhất là cuộc đọ sức giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một tăng cường độ. Đối với giới quan sát, năm 2022, Trung Quốc sẽ "trắc nghiệm vai trò lãnh đạo thế giới" của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 15/11/2021. AP - Susan Walsh
Điểm đầu tiên được hầu hết giới quan sát đồng tình : Thế giới phải tiếp tục "vật lộn" với một kẻ thù chung duy nhất là Covid-19. Bất chấp các chiến dịch tiêm chủng, các biến thể của virus corona Sars-Cov2 như Alpha, Beta, Gamma, Delta và giờ đây là Omicron, lần lượt xuất hiện, cản trở con người tìm lại nhịp sống như trước vì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch bệnh này có nguy cơ kéo dài.
Vì sao như vậy ? Nhà nghiên cứu địa chính trị Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), trên kênh truyền quốc tế TV5 Monde cho rằng đó là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các nước, mỗi nơi một phách, bất chấp các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS). Nếu như tỷ lệ tiêm ngừa tại các nước phát triển ở mức trên 70-80%, thì tại những nước nghèo, có thu nhập thấp, tỷ lệ này có khi chưa đến 5%.
"Vào lúc thế giới phải đối mặt một căn bệnh chung, một mối nguy hiểm chung có quy mô chưa từng có, thì người ta lại thực hiện mỗi nơi một kiểu. Các giải pháp từng nước lâu nay còn được đặt lên trên cả những biện pháp toàn cầu. Người ta biết rõ là trước thách thức mang tính toàn cầu như Covid-19 hay nhiều đại dịch khác, cần phải có một sự đáp trả chung cho toàn thế giới. Chính sách chung đó không chỉ là vấn đề hào phóng, mà còn là chuyện phải hành động thích đáng bởi vì các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng nếu không có một kế hoạch tiêm chủng ở cấp độ thế giới, thì nhiều biến thể mới sẽ dần dần xuất hiện".
Trong bầu không khí dịch bệnh u ám, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ "sôi sùng sục", như nhận xét của trang mạng Council on Foreign Relations. Cho dù thuật ngữ "Chiến Tranh Lạnh Mới" có là cụm từ tốt nhất để mô tả mối quan hệ Mỹ - Trung hay không, thì mối quan hệ hiện nay giữa hai đại cường là băng giá. Chủ tịch Tập Cận Bình rất rõ ràng, Trung Quốc là siêu cường đang lên, và sẽ định hình trật tự thế giới theo ý muốn. Còn Joe Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ "thắng thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc" và đặt cuộc chiến chống Bắc Kinh như là "ưu tiên số 1" trong chính sách đối ngoại của Washington.
Trong cuộc đọ sức này, vùng Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là sàn diễn chính, và điểm nóng có thể sẽ là Đài Loan. Căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển ngăn cách Trung Hoa lục địa và hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh nổi loạn đã bùng lên gay gắt những tháng cuối năm 2021, khiến các nước trong khu vực lo lắng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho Bloomberg đã có lời cảnh báo rằng tuy "chiến tranh khó thể xảy ra một sớm một chiều" nhưng đây là một tình huống ở đó người ta "có thể sơ suất hay một tính toán sai lầm" và khu vực này đang trong"một tình huống rất tế nhị".
Nhưng "năm 2022 này, Trung Quốc trắc nghiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ", theo như quan điểm của tuần báo kinh tế Anh, The Economist. Và trong cuộc trắc nghiệm này, bất lợi có phần nghiêng về phía Mỹ. Bởi vì, vào tháng 11 năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 20, cho phép Tập Cận Bình làm lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ thứ ba và củng cố thêm quyền lực : Điều chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông. Có khác chăng, Trung Quốc của Mao Trạch Đông là một nước khép kín, đóng cửa với thế giới, trong khi Tập Cận Bình vươn xa các tham vọng.
Cũng trong tháng 11 đó, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, người Mỹ tổ chức bầu Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Trái với Tập Cận Bình, quyền lực của chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ bị suy giảm. Các thăm dò cho thấy đảng Dân chủ của Joe Biden rất có thể sẽ mất cả đa số mong manh ở lưỡng viện, để lại một chính phủ bị chia rẽ, bị rối loạn. Đây sẽ là một màn quảng cáo tồi tệ cho nền dân chủ, theo như nhận định của David Rennie, trưởng văn phòng đại diện The Economist tại Bắc Kinh.
"Nếu như bạn là một đảng viên của đảng Cộng sản Trung Quốc và bạn nhìn thấy những hình ảnh từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, rồi khi bạn nhìn thấy cảnh hỗn loạn, những cuộc biểu tình phản đối, bạo lực, chia rẽ sắc tộc, thì nền dân chủ theo kiểu Mỹ chỉ là một sự dối trá tàn nhẫn, khi khoe rằng đó là một hệ thống hỗ trợ cho mọi thường dân nhưng lại không thể hoàn thành được điều cơ bản nhất là bảo đảm cho họ một sự sống an toàn trong mùa đại dịch. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, hệ thống phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đang đi vào giai đoạn cuối của hồi thoái trào. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới này có đủ sức mạnh để ngăn cản các quyền của Trung Quốc. Và nhìn từ Bắc Kinh, năm 2022 này sẽ là bất định và nhiều tương phản".
Vào lúc người Mỹ đang chống chọi để bảo vệ nền dân chủ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tận dụng năm 2022 này để tìm cách chứng minh rằng mô hình chuyên chế Trung Quốc hiệu quả hơn và chính đáng hơn như thế nào.
Từ đây đến cuối năm 2022, một khi Tập Cận Bình lên ngôi "cửu ngũ" tại Đại Lễ Đường Nhân Dân để củng cố quyền lực, Trung Quốc dường như hơn bao giờ hết đã sẵn sàng cho thời kỳ "hậu nước Mỹ". Nhà báo David Rennie kết luận : "Thông điệp chủ đạo của Trung Quốc thời Tập Cận Bình năm 2022, đó là một thông điệp tàn nhẫn, rằng phiên bản của Trung Quốc đang thắng thế, còn phương Tây đang thua cuộc".
Tại Châu Âu, những ngày cuối năm 2021, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như là phương Tây bùng lên gay gắt. Theo tường thuật của Yves Bourdillon, thông tín viên báo Les Echos tại Moskva, quân đội Nga đã điều động hơn 100 ngàn binh sĩ, 50 tiểu đoàn chiến thuật, nhiều tên lửa Iskander, gần 300 chiến đấu cơ, 240 trực thăng tấn công, một hạm đội gồm 4 tầu chiến và 6 chiếc tầu ngầm… áp sát các vùng biên giới với Ukraine. Sự việc làm dấy lên câu hỏi : Liệu Nga có kế hoạch xâm chiếm Ukraine hay không ?
Theo giới quan sát, những động thái này của tổng thống Nga là nhằm mục tiêu gia tăng áp lực để có được một cuộc đối thoại với Hoa Kỳ. Vậy Moskva thật sự muốn điều gì ở Mỹ và phương Tây khi cho động binh ở biên giới với Ukraine ? Về điểm này, nhà báo Yves Bourdillon, giải thích như sau :
"Nga muốn tránh việc Ukraine tiếp tục ngả theo phương Tây bởi vì việc Ukraine trở thành ứng viên để gia nhập khối NATO thật sự là một vấn đề cho Nga, nếu như NATO cho kết nạp một đất nước có chung đường biên giới dài 2.000km với kẻ thù của mình. Bởi vì, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương xưa kia được lập ra là để chống Nga. Và Ukraine cũng có đến ¼ văn hóa Nga.
Thế nên, theo quan điểm của Moskva, quả thật đây là một lằn ranh đỏ. Mọi bước đi, hướng sang phía Tây của Ukraine, bất kể đó là Liên Hiệp Châu Âu hay NATO, đều là một hành động khiêu khích. Hơn nữa, đường biên giới của NATO cùng với sự tan rã của Liên Xô đã thu hẹp khoảng cách xuống còn từ 1.000-2.000 km so với đường biên giới với Nga.
Do vậy, đòi hỏi của ông Putin là không những NATO phải cam kết bằng một hiệp ước là không bao giờ kết nạp thêm một nước mới nào từng là thành viên của Liên Xô cũ. Thậm chí, các đội quân của NATO phải rút về ở những đường biên giới của trước năm 1999, nghĩa là phải rút quân khỏi Ba Lan, rời các nước vùng Baltic.
Theo lập trường của Moskva, đây là cả một thách thức lớn. Nga luôn cho rằng NATO đã bội ước khi từng hứa là sẽ không mở rộng khối liên minh quân sự sau khi Liên Xô sụp đổ. Một lời hứa mà trên thực tế không bao giờ thực hiện".
Liệu những đòi hỏi này của Nga có sẽ được phương Tây đáp ứng ? Hạ hồi phân giải sau các cuộc gặp giữa Nga và Mỹ cũng như là với phương Tây trong những ngày trung tuần tháng Giêng tới đây !
Một hồ sơ khác không kém phần quan trọng, khiến Mỹ và phương Tây cũng phải lo lắng là hồ sơ hạt nhân Iran. Các cuộc thảo luận đã bắt đầu ở Vienna từ cuối tháng 11/2021 giữa Tehran và các cường quốc có tham gia ký kết thỏa thuận 2015, nhưng không ai biết được Iran có thực tâm hay chỉ đang tìm cách kéo dài thời gian.
Nghi ngờ Iran, Israel phản đối các cuộc thương lượng và chuộng giải pháp quân sự hơn. Thủ tướng Israel Naftali Bennett, còn kêu gọi các nhà đàm phán "không nên nhượng bộ trước trò mặc cả hạt nhân của Iran", đồng thời tuyên bố không loại trừ một "hành động đơn phương".
Nhà nghiên cứu về Trung Đông, Arthur Stein, trường đại học Montréal, trả lời Radio-Canada lưu ý thêm, ảnh hưởng của những nhóm dân quân tự vệ Iran ở Trung Đông vẫn là một thách thức lớn. "Iran khoe rằng đã kiểm soát được 4 thủ đô : Damas (Syria), Beyrut (Lebanon), Sanaa (Yemen) và Baghdad (Iraq). Điều này ít nhiều là đúng nhưng còn có một nguy cơ bất ổn tiềm tàng thật sự".
Năm 2022 này thế giới sẽ còn chứng kiến một cuộc cạnh tranh khác không kém phần ngoạn mục : Cuộc đua lên không gian. Nhà báo Tom Standage, phó tổng biên tập The Economist nhắc lại : "Không gian luôn là đấu trường tranh tài. Người ta đã nói về chạy đua không gian ngay từ vụ phóng chiếc vệ tinh Sputnik năm 1957. Và năm 2022 này, người ta đang chứng kiến nhiều kiểu cạnh tranh giữa nhiều nhóm khác nhau bên ngoài không gian".
Trung Quốc, muốn chứng tỏ khả năng tự lực của mình, sẽ hoàn tất trạm không gian Thiên Cung vào cuối năm 2022. Trạm Không Gian Quốc Tế ISS mà Trung Quốc không được mời tham gia, trên nguyên tắc phải ngưng hoạt động vào năm 2024, nay Hoa Kỳ dự trù triển hạn ang đến tận năm 2030. Nhưng trong cuộc đua này, Mỹ và Trung Quốc không là những quốc gia duy nhất trong cuộc tranh tài. Ấn Độ vào cuối năm nay sẽ thử cho hạ cánh một chiếc rô-bốt lên Mặt Trăng.
Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là cuộc đua đưa khách du lịch lên vũ trụ. Cuộc chạy đua này sẽ được ang tốc giữa ba nhà tỷ phú Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk. Nhà báo Tom Standage dự báo : "Năm 2022 được cho sẽ là năm đầu tiên có nhiều người lên vũ trụ với tư cách là hành khách trả tiền hơn là các phi hành gia của chính phủ. Trong lĩnh vực này có ba ang du lịch không gian cạnh tranh lẫn nhau, cụ thể là Virgin Galactic, Blue Origin và SpaceX. Cả ba ang này đã từng đưa người lên không gian hồi năm 2021. Và cả ba ang này đều muốn gởi ang nhiều du khách hơn nữa lên không gian trong năm 2022".
Trong cuộc chơi này, Nga không muốn là kẻ ngoài cuộc. Nếu như kế hoạch quay phim ngoài quỹ đạo của Hollywood với sự tham dự của diễn viên gạo cội Tom Cruise chưa thể ra đến bệ phóng, thì dường như Nga đã đi trước một bước. Hồi cuối năm 2021, Nga đã đưa một ê-kip làm phim về Trái đất an toàn sau khi thực hiện các cảnh quay trên quỹ đạo. Bộ phim dự trù sẽ ra mắt ang giả vào cuối năm 2022. Với nhà báo Tom Standage, "đây là một ví dụ khác về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga. Trong trường hợp này, cũng như Sputnik, Nga là bên đã ghi bàn trước".
Nửa thế kỷ sau cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng, cuộc đua không gian đang được hâm nóng trở lại. Và năm 2022 này sẽ chứng kiến nhiều ứng viên ang đầu tranh giành vị thế trung tâm !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 06/01/2022