Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2022

2022 : Năm thắng thế của mô hình Trung Quốc ?

Minh Anh

Ngày 01/01/2022, thế giới bước vào năm thứ ba của trận dịch bệnh tệ hại nhất của mọi thời đại. Cùng với tấn thảm kịch dịch tễ là những rủi ro địa chính trị mỗi lúc một nóng bỏng : Căng thẳng giữa Nga và Ukraine, hồ sơ hạt nhân Iran, và nhất là cuộc đọ sức giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một tăng cường độ. Đối với giới quan sát, năm 2022, Trung Quốc sẽ "trắc nghiệm vai trò lãnh đạo thế giới" của Mỹ.

mohinh1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 15/11/2021.  AP - Susan Walsh

2022 : Covid-19, kẻ thù chung vẫn còn đó

Điểm đầu tiên được hầu hết giới quan sát đồng tình : Thế giới phải tiếp tục "vật lộn" với một kẻ thù chung duy nhất là Covid-19. Bất chấp các chiến dịch tiêm chủng, các biến thể của virus corona Sars-Cov2 như Alpha, Beta, Gamma, Delta và giờ đây là Omicron, lần lượt xuất hiện, cản trở con người tìm lại nhịp sống như trước vì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch bệnh này có nguy cơ kéo dài.

Vì sao như vậy ? Nhà nghiên cứu địa chính trị Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), trên kênh truyền quốc tế TV5 Monde cho rằng đó là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các nước, mỗi nơi một phách, bất chấp các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS). Nếu như tỷ lệ tiêm ngừa tại các nước phát triển ở mức trên 70-80%, thì tại những nước nghèo, có thu nhập thấp, tỷ lệ này có khi chưa đến 5%.

"Vào lúc thế giới phải đối mặt một căn bệnh chung, một mối nguy hiểm chung có quy mô chưa từng có, thì người ta lại thực hiện mỗi nơi một kiểu. Các giải pháp từng nước lâu nay còn được đặt lên trên cả những biện pháp toàn cầu. Người ta biết rõ là trước thách thức mang tính toàn cầu như Covid-19 hay nhiều đại dịch khác, cần phải có một sự đáp trả chung cho toàn thế giới. Chính sách chung đó không chỉ là vấn đề hào phóng, mà còn là chuyện phải hành động thích đáng bởi vì các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng nếu không có một kế hoạch tiêm chủng ở cấp độ thế giới, thì nhiều biến thể mới sẽ dần dần xuất hiện".

2022 : Trung Quốc khẳng định thế mạnh mô hình chuyên chế ?

Trong bầu không khí dịch bệnh u ám, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ "sôi sùng sục", như nhận xét của trang mạng Council on Foreign Relations. Cho dù thuật ngữ "Chiến Tranh Lạnh Mới" có là cụm từ tốt nhất để mô tả mối quan hệ Mỹ - Trung hay không, thì mối quan hệ hiện nay giữa hai đại cường là băng giá. Chủ tịch Tập Cận Bình rất rõ ràng, Trung Quốc là siêu cường đang lên, và sẽ định hình trật tự thế giới theo ý muốn. Còn Joe Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ "thắng thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc" và đặt cuộc chiến chống Bắc Kinh như là "ưu tiên số 1" trong chính sách đối ngoại của Washington.

Trong cuộc đọ sức này, vùng Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là sàn diễn chính, và điểm nóng có thể sẽ là Đài Loan. Căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển ngăn cách Trung Hoa lục địa và hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh nổi loạn đã bùng lên gay gắt những tháng cuối năm 2021, khiến các nước trong khu vực lo lắng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho Bloomberg đã có lời cảnh báo rằng tuy "chiến tranh khó thể xảy ra một sớm một chiều" nhưng đây là một tình huống ở đó người ta "có thể sơ suất hay một tính toán sai lầm" và khu vực này đang trong"một tình huống rất tế nhị".

Nhưng "năm 2022 này, Trung Quốc trắc nghiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ", theo như quan điểm của tuần báo kinh tế Anh, The Economist. Và trong cuộc trắc nghiệm này, bất lợi có phần nghiêng về phía Mỹ. Bởi vì, vào tháng 11 năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 20, cho phép Tập Cận Bình làm lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ thứ ba và củng cố thêm quyền lực : Điều chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông. Có khác chăng, Trung Quốc của Mao Trạch Đông là một nước khép kín, đóng cửa với thế giới, trong khi Tập Cận Bình vươn xa các tham vọng.

Cũng trong tháng 11 đó, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, người Mỹ tổ chức bầu Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Trái với Tập Cận Bình, quyền lực của chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ bị suy giảm. Các thăm dò cho thấy đảng Dân chủ của Joe Biden rất có thể sẽ mất cả đa số mong manh ở lưỡng viện, để lại một chính phủ bị chia rẽ, bị rối loạn. Đây sẽ là một màn quảng cáo tồi tệ cho nền dân chủ, theo như nhận định của David Rennie, trưởng văn phòng đại diện The Economist tại Bắc Kinh.

"Nếu như bạn là một đảng viên của đảng Cộng sản Trung Quốc và bạn nhìn thấy những hình ảnh từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, rồi khi bạn nhìn thấy cảnh hỗn loạn, những cuộc biểu tình phản đối, bạo lực, chia rẽ sắc tộc, thì nền dân chủ theo kiểu Mỹ chỉ là một sự dối trá tàn nhẫn, khi khoe rằng đó là một hệ thống hỗ trợ cho mọi thường dân nhưng lại không thể hoàn thành được điều cơ bản nhất là bảo đảm cho họ một sự sống an toàn trong mùa đại dịch. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, hệ thống phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đang đi vào giai đoạn cuối của hồi thoái trào. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới này có đủ sức mạnh để ngăn cản các quyền của Trung Quốc. Và nhìn từ Bắc Kinh, năm 2022 này sẽ là bất định và nhiều tương phản".

Vào lúc người Mỹ đang chống chọi để bảo vệ nền dân chủ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tận dụng năm 2022 này để tìm cách chứng minh rằng mô hình chuyên chế Trung Quốc hiệu quả hơn và chính đáng hơn như thế nào.

Từ đây đến cuối năm 2022, một khi Tập Cận Bình lên ngôi "cửu ngũ" tại Đại Lễ Đường Nhân Dân để củng cố quyền lực, Trung Quốc dường như hơn bao giờ hết đã sẵn sàng cho thời kỳ "hậu nước Mỹ". Nhà báo David Rennie kết luận : "Thông điệp chủ đạo của Trung Quốc thời Tập Cận Bình năm 2022, đó là một thông điệp tàn nhẫn, rằng phiên bản của Trung Quốc đang thắng thế, còn phương Tây đang thua cuộc".

Căng thẳng Ukraine và Nga có hạ nhiệt hay không ?

Tại Châu Âu, những ngày cuối năm 2021, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như là phương Tây bùng lên gay gắt. Theo tường thuật của Yves Bourdillon, thông tín viên báo Les Echos tại Moskva, quân đội Nga đã điều động hơn 100 ngàn binh sĩ, 50 tiểu đoàn chiến thuật, nhiều tên lửa Iskander, gần 300 chiến đấu cơ, 240 trực thăng tấn công, một hạm đội gồm 4 tầu chiến và 6 chiếc tầu ngầm… áp sát các vùng biên giới với Ukraine. Sự việc làm dấy lên câu hỏi : Liệu Nga có kế hoạch xâm chiếm Ukraine hay không ?

Theo giới quan sát, những động thái này của tổng thống Nga là nhằm mục tiêu gia tăng áp lực để có được một cuộc đối thoại với Hoa Kỳ. Vậy Moskva thật sự muốn điều gì ở Mỹ và phương Tây khi cho động binh ở biên giới với Ukraine ? Về điểm này, nhà báo Yves Bourdillon, giải thích như sau :

"Nga muốn tránh việc Ukraine tiếp tục ngả theo phương Tây bởi vì việc Ukraine trở thành ứng viên để gia nhập khối NATO thật sự là một vấn đề cho Nga, nếu như NATO cho kết nạp một đất nước có chung đường biên giới dài 2.000km với kẻ thù của mình. Bởi vì, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương xưa kia được lập ra là để chống Nga. Và Ukraine cũng có đến ¼ văn hóa Nga.

Thế nên, theo quan điểm của Moskva, quả thật đây là một lằn ranh đỏ. Mọi bước đi, hướng sang phía Tây của Ukraine, bất kể đó là Liên Hiệp Châu Âu hay NATO, đều là một hành động khiêu khích. Hơn nữa, đường biên giới của NATO cùng với sự tan rã của Liên Xô đã thu hẹp khoảng cách xuống còn từ 1.000-2.000 km so với đường biên giới với Nga.

Do vậy, đòi hỏi của ông Putin là không những NATO phải cam kết bằng một hiệp ước là không bao giờ kết nạp thêm một nước mới nào từng là thành viên của Liên Xô cũ. Thậm chí, các đội quân của NATO phải rút về ở những đường biên giới của trước năm 1999, nghĩa là phải rút quân khỏi Ba Lan, rời các nước vùng Baltic.

Theo lập trường của Moskva, đây là cả một thách thức lớn. Nga luôn cho rằng NATO đã bội ước khi từng hứa là sẽ không mở rộng khối liên minh quân sự sau khi Liên Xô sụp đổ. Một lời hứa mà trên thực tế không bao giờ thực hiện". 

Liệu những đòi hỏi này của Nga có sẽ được phương Tây đáp ứng ? Hạ hồi phân giải sau các cuộc gặp giữa Nga và Mỹ cũng như là với phương Tây trong những ngày trung tuần tháng Giêng tới đây !

Iran : Chảo lửa "âm ỉ" ở Trung Đông

Một hồ sơ khác không kém phần quan trọng, khiến Mỹ và phương Tây cũng phải lo lắng là hồ sơ hạt nhân Iran. Các cuộc thảo luận đã bắt đầu ở Vienna từ cuối tháng 11/2021 giữa Tehran và các cường quốc có tham gia ký kết thỏa thuận 2015, nhưng không ai biết được Iran có thực tâm hay chỉ đang tìm cách kéo dài thời gian.

Nghi ngờ Iran, Israel phản đối các cuộc thương lượng và chuộng giải pháp quân sự hơn. Thủ tướng Israel Naftali Bennett, còn kêu gọi các nhà đàm phán "không nên nhượng bộ trước trò mặc cả hạt nhân của Iran", đồng thời tuyên bố không loại trừ một "hành động đơn phương".

Nhà nghiên cứu về Trung Đông, Arthur Stein, trường đại học Montréal, trả lời Radio-Canada lưu ý thêm, ảnh hưởng của những nhóm dân quân tự vệ Iran ở Trung Đông vẫn là một thách thức lớn. "Iran khoe rằng đã kiểm soát được 4 thủ đô : Damas (Syria), Beyrut (Lebanon), Sanaa (Yemen) và Baghdad (Iraq). Điều này ít nhiều là đúng nhưng còn có một nguy cơ bất ổn tiềm tàng thật sự".

2022 : Tăng tốc chạy đua không gian

Năm 2022 này thế giới sẽ còn chứng kiến một cuộc cạnh tranh khác không kém phần ngoạn mục : Cuộc đua lên không gian. Nhà báo Tom Standage, phó tổng biên tập The Economist nhắc lại : "Không gian luôn là đấu trường tranh tài. Người ta đã nói về chạy đua không gian ngay từ vụ phóng chiếc vệ tinh Sputnik năm 1957. Và năm 2022 này, người ta đang chứng kiến nhiều kiểu cạnh tranh giữa nhiều nhóm khác nhau bên ngoài không gian".

Trung Quốc, muốn chứng tỏ khả năng tự lực của mình, sẽ hoàn tất trạm không gian Thiên Cung vào cuối năm 2022. Trạm Không Gian Quốc Tế ISS mà Trung Quốc không được mời tham gia, trên nguyên tắc phải ngưng hoạt động vào năm 2024, nay Hoa Kỳ dự trù triển hạn ang đến tận năm 2030. Nhưng trong cuộc đua này, Mỹ và Trung Quốc không là những quốc gia duy nhất trong cuộc tranh tài. Ấn Độ vào cuối năm nay sẽ thử cho hạ cánh một chiếc rô-bốt lên Mặt Trăng.

Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là cuộc đua đưa khách du lịch lên vũ trụ. Cuộc chạy đua này sẽ được ang tốc giữa ba nhà tỷ phú Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk. Nhà báo Tom Standage dự báo : "Năm 2022 được cho sẽ là năm đầu tiên có nhiều người lên vũ trụ với tư cách là hành khách trả tiền hơn là các phi hành gia của chính phủ. Trong lĩnh vực này có ba ang du lịch không gian cạnh tranh lẫn nhau, cụ thể là Virgin Galactic, Blue Origin và SpaceX. Cả ba ang này đã từng đưa người lên không gian hồi năm 2021. Và cả ba ang này đều muốn gởi ang nhiều du khách hơn nữa lên không gian trong năm 2022".

Trong cuộc chơi này, Nga không muốn là kẻ ngoài cuộc. Nếu như kế hoạch quay phim ngoài quỹ đạo của Hollywood với sự tham dự của diễn viên gạo cội Tom Cruise chưa thể ra đến bệ phóng, thì dường như Nga đã đi trước một bước. Hồi cuối năm 2021, Nga đã đưa một ê-kip làm phim về Trái đất an toàn sau khi thực hiện các cảnh quay trên quỹ đạo. Bộ phim dự trù sẽ ra mắt ang giả vào cuối năm 2022. Với nhà báo Tom Standage, "đây là một ví dụ khác về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga. Trong trường hợp này, cũng như Sputnik, Nga là bên đã ghi bàn trước".

Nửa thế kỷ sau cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng, cuộc đua không gian đang được hâm nóng trở lại. Và năm 2022 này sẽ chứng kiến nhiều ứng viên ang đầu tranh giành vị thế trung tâm !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 06/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 404 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)