Trung Quốc còn "đu dây" trong hồ sơ Ukraine đến bao giờ ?
Trung Quốc đang bị đòi hỏi phải có quan điểm rõ ràng về cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraine. Vốn là bậc thầy đánh lận con đen, chế độ Bắc Kinh ghét nhất thách thức này, Tập Cận Bình cần Putin để phá rối phương Tây nhưng nếu thế giới bất ổn hơn, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại về kinh tế nhiều hơn Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua video với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 30/12/2022. AP - Mikhail Klimentyev
Đình công chống cải cách chế độ hưu trí tiếp diễn tại Pháp, chính sách nhập cư của Anh gây tranh cãi, phe thân Châu Âu khiến chính quyền Gruzia phải nhường bước, là những hồ sơ được đề cập nhiều hôm nay, bên cạnh cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Các "phi công" drone tuổi đôi mươi ở Bakhmut
Đặc phái viên Le Figaro đến với một đơn vị gồm toàn những người rất trẻ, chuyên dọ thám quân Nga ở Bakhmut. Vadim, anh thanh niên 18, tuổi cách đây một năm chuyên thực hiện những clip âm nhạc. Khi quân Nga tấn công thủ đô Kiev, anh tập bắn súng với Lực lượng phòng vệ, mơ thành chiến binh. Giờ đây Vadim chỉ huy một bộ phận trinh sát trên không của Seneca, đơn vị đặc biệt của Lữ đoàn cơ giới số 93 nổi tiếng. Họ điều khiển các drone, chuyên giám sát và nhận diện mục tiêu. Bộ phận này có các binh sĩ, cựu chiến binh và nhiều dân thường : kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia chất nổ hoặc chuyên gia phân tích, một phần ba số thành viên chỉ khoảng 20 tuổi.
Vadim cho biết : "Chúng tôi hoạt động trong khu vực khoảng 40 kilomet dọc theo chiến tuyến".Đơn vị có nhiều thiết bị trinh sát, hầu hết do kiều bào và các nhà tài trợ khác mua tặng. Một số được cải biến thành drone tự hủy, chẳng hạn gắn thêm các quả lựu đạn Vog-17 thời Liên Xô để thả xuống những mục tiêu cụ thể ; camera tầm nhiệt, thiết bị cảm biến… Không hùng hậu như quân đội Nga, Ukraine phải có cách đánh thông minh, sáng tạo.
Ivan, 18 tuổi, nói đùa : "Chúng tôi là đơn vị của những thiếu niên ! Tôi bắt đầu binh nghiệp từ năm 15 tuổi nhờ chơi game Arma III !". Thường chơi các trò chơi chiến tranh và đọc sách về chiến lược quân sự, khi đất nước bị xâm lăng, Ivan thay bàn phím bằng bộ điều khiển drone và học hỏi thêm trên chiến địa. Ngoài năng lực về kỹ thuật, những chàng trai trẻ này mang lại sinh khí mới cho quân đội Ukraine với sự nhiệt thành của họ.
Wargame, những trận đánh sa bàn lợi hại
Cũng liên quan đến những video game chiến tranh, Le Monde cho biết khoảng vài chục quân nhân Ukraine tuần rồi đã tham dự các "wargame" do quân đội Mỹ tổ chức tại căn cứ Wiesbaden (Đức), nhằm giúp hoạch định các chiến dịch sắp tới.
Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, nói rằng không ai bảo người Ukraine phải làm thế này hay thế khác, mà chỉ đặt ra những khuôn khổ và cơ chế để họ tự học hỏi cách xử lý những tình huống khác nhau. Từ nhiều tuần qua, phía Ukraine cho biết chuẩn bị phản công. Nhiều giả thiết được đưa ra : tấn công ở miền nam từ Zaporijia đến Melitopol để cắt quân Nga làm đôi, hay từ đông Lyman để tái chiếm Luhansk, hoặc vượt sông Dniepr ở Kherson… nhưng hiện không có thông tin nào được tiết lộ.
Điều chắc chắn duy nhất là mưa lại rơi ở Ukraine, địa hình sau "rasputitsa" có thể sẵn sàng cho các chiến dịch. Một nguồn tin quân sự khẳng định Nga đã thất bại trong mùa đông, dù sử dụng ồ ạt hỏa tiễn, drone tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, hay ở mặt trận Bakhmut, Vuledar. Ukraine có thể tái lập thế công ? Người Mỹ từng giúp họ tham gia các "wargame" trong mùa hè 2022, và những cuộc phản công tại Kherson, Kharkiv đã thành công rực rỡ.
Ukraine "cần nhiều Vuledar hơn Bakhmut"
La Croix đặt vấn đề, liệu Ukraine có thể tiếp tục giữ Bakhmut hay không ? Câu hỏi này càng gay gắt hơn bao giờ hết, khi quân Nga và Wagner tuyên bố kiểm soát được phần phía đông của thành phố, đe dọa bao vây lực lượng Ukraine. Tuy một số nhà quan sát dự báo quân Ukraine sẽ sớm rút đi, những tuyên bố chính thức từ Kiev tiếp tục khẳng định mục tiêu trụ lại pháo đài này ở Donbass. Hôm thứ Hai 06/03, Ukraine loan báo tăng viện để dập tắt tin đồn là bộ tổng tham mưu chủ trương rút lui. Hôm sau, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định với CNN là Bakhmut thất thủ có thể mở đường cho quân Nga tiến đến Sloviansk và Kramatorsk, hai thành phố chiến lược của Ukraine tại Donbass.
Nhưng dư luận vẫn nghi ngại về việc tiếp tục mất thêm nhiều người lính để bảo vệ một thành phố được cho là không có giá trị chiến lược lớn. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng một khi chiếm được Bakhmut, quân Nga sẽ không còn tấn công dồn dập, vì những mục tiêu sắp tới (Sloviansk-Kramatorsk và Kostiantynivka) không hỗ trợ được gì cho các cánh quân Nga. Hai tháng qua, Moskva chỉ giành được một ít đất không đáng kể, với giá là mất rất nhiều mạng lính và thiết bị - như đã mất cả trăm chiến xa ở Vuledar, ngôi làng nhỏ cách Bakhmut khoảng 100 kilomet. Bakhmut sẽ là "chiếc cúp" cho Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner trong cuộc cạnh tranh với bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu.
Đối với Kiev, Bakhmut giúp tiêu diệt tối đa năng lực đối thủ qua sự ngoan cố của Nga, đồng thời bảo vệ được lực lượng Ukraine cho những cuộc tấn công trong tương lai. La Croix cho rằng chọn lựa này có vẻ hợp lý nếu tỉ lệ thiệt hại ít hơn, tuy nhiên chừng như cái giá về sinh mạng đang tăng lên. Trả lời Kyiv Independent, chuyên gia Mỹ Michael Kofman mô tả tình hình hiện nay bằng câu : "Ukraine cần nhiều Vuledar hơn và thật ít Bakhmut".
Moskva dùng vũ khí tư pháp đàn áp người dân chống chiến tranh
Trong khi đó tại Nga, Moskva tiếp tục đàn áp những tiếng nói ít ỏi chống chiến tranh ở Ukraine. Le Figaro cho biết tuần trước Viện Duma đã thông qua các sửa đổi, chuẩn bị nâng hình phạt từ 5 năm lên 15 năm tù đối với tội danh "làm mất uy tín" lực lượng tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Những điều khoản được thêm vào nhằm trừng phạt những ai chỉ trích các "tình nguyện viên" - chữ dùng để chỉ lính đánh thuê Wagner. Trong số đó có nhiều tù nhân bị án nặng, ký hợp đồng sang chiến trường Ukraine sáu tháng để được xóa án... nếu còn sống. Giờ đây việc phê phán cách xóa án này bị cấm, trong lúc nhiều người lo ngại về hậu quả pháp lý và xã hội của tình trạng "Wagner hóa" nước Nga. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, trong năm 2022 đã có gần 20.000 người bị khởi tố, trên 210.000 trang web bị đóng cửa vì chỉ trích chiến tranh, những bản án càng về sau càng nặng.
Hôm thứ Ba, sinh viên 23 tuổi Dimitri Ivanov, học khoa Toán-Tin đại học Lomonossov ở Moskva (MGU), đã bị kết án 8 năm rưỡi tù giam vì đưa tin "giả" về quân đội Nga. Kênh Telegram Protestny MGU (MGU phản kháng) của anh tố cáo các vụ vi phạm quyền sinh viên, và nhất là đả kích chiến dịch Nga tại Ukraine, đăng tải những tuyên bố của tổng thống Volodymyr Zelensky. Trước đó, nhà đối lập Ilya Yashin cũng bị lãnh bản án tương tự. Con gái ông Alexei Moskaleva, Masha, 13 tuổi, chỉ vì vẽ một bức tranh chống chiến tranh trong giờ học mà bị cô giáo tố cáo. Người cha gà trống nuôi con bị bắt và sau đó bị quản thúc, cô bé Masha bị đưa vào trại mồ côi.
Hollywood bị đòi hỏi minh bạch về tài trợ Nga cho phim ảnh
Trên lãnh vực văn hóa, cuộc chiến tranh Ukraine từng hiện diện trong lễ trao giải Oscar tháng 3/2022 bằng một phút im lặng và thông cáo ủng hộ Kiev. Còn năm nay, buổi lễ lần thứ 95 tại Los Angeles đến 12/03 mới diễn ra, nhưng vấn đề Moskva tài trợ cho phim ảnh đã gây chú ý vì liên quan đến những phim đình đám nhất. Với sáu đề cử, "Top Gun : Maverick" nằm trong số những phim nhiều hy vọng nhất của Oscar năm nay. Paul Grod, chủ tịch Ukrainian World Congress, tổ chức phi chính phủ tập hợp các tổ chức của kiều bào Ukraine, kêu gọi loại những phim "có đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của tài phiệt Nga, hay những người ủng hộ cuộc chiến tranh diệt chủng của Nga ở Ukraine".
Le Monde dẫn bài viết của Los Angeles Times hôm 03/01 cho biết chi tiết phía sau hợp đồng 200 triệu đô la ký kết mùa hè 2020 giữa Paramount Pictures và công ty New Republic Pictures, liên quan 10 bộ phim trong đó có "Top Gun : Maverick" và loạt phim "Mission Impossible". Công ty này tài trợ 1/4 kinh phí, vào lúc điện ảnh đang bị khủng hoảng do đại dịch. Trong số các nhà đầu tư có tài phiệt Nga Dimitri Rybolovlev, bị nêu tên trong nhiều cuộc điều tra ở Monaco và Thụy Sĩ.
Với "tình hữu nghị vô biên", Trung Quốc có cung cấp vũ khí cho Nga ?
Về quan hệ Nga-Trung, Le Monde phân tích sự mất cân xứng trong tình "hữu nghị" giữa Bắc Kinh và Moskva. Được tháo cũi sổ lồng sau zero Covid, ngành ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng trở thành trung tâm chú ý của thế giới. Họ phải đối mặt với "vùng nước xoáy", đứng trước thách thức mà Bắc Kinh ghét nhất : phải có quan điểm rõ ràng về cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine.
Hồi tháng 2, Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc chuẩn bị giao vũ khí cho Nga. Có thực hay không ? Nếu Bắc Kinh quyết định trợ giúp Moskva về quân sự, cuộc chiến tranh sẽ ở một tầm vóc khác. Washington lại dùng chiến thuật đã chứng tỏ hiệu quả trước cuộc xâm lăng Ukraine : tiết lộ thông tin tình báo. Hôm thứ Ba 07/03, ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) vẫn chối cãi rằng Trung Quốc không chuyển giao vũ khí cho Nga.
Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh, vốn luôn nhập nhằng, không ra tay trợ giúp Moskva. Nhưng các chuyên gia nhận thấy diễn biến của cuộc chiến không thúc đẩy Trung Quốc trao cho Nga những gì đang cần để giành phần thắng, trước nguy cơ leo thang nguy hiểm. "Tình hữu nghị vô biên" được Vladimir Putin và Tập Cận Bình tuyên bố hôm 04/02/2022 tại Bắc Kinh thực ra có giới hạn, Tần Cương khẳng định tình bạn không có nghĩa là "liên minh".
Thất bại về mọi mặt, Putin chịu lép vế trước Tập
Tất nhiên không có chuyện bỏ rơi "đối tác chiến lược" Nga đang trong chiến tranh. Tập Cận Bình và Vladimir Putin, đã gặp nhau ít nhất 39 lần, có điểm chung là cùng căm ghét Hoa Kỳ, có đường biên giới chung rất dài, và lợi ích kinh tế bổ sung – dầu khí đổi lấy hàng hóa và công nghệ. Cả hai hợp thành một cặp hiệu quả để phá hoại những nỗ lực của phương Tây như trong hội nghị G20 ở New Delhi hôm 02/03. Cho đến nay, ông Tập vẫn tránh lên án cuộc xâm lăng Ukraine và điện đàm với tổng thống Volodymyr Zelensky. Các nhà ngoại giao mỉa mai, Trung Quốc nói rằng không đứng về bên nào, nhưng đó là một sự "trung lập thân Nga".
Dù vậy Vương Nghị cũng đã gặp ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ở Munich (München) vào giữa tháng 2 trước khi thăm Moskva. Và Tập Cận Bình trong chuyến công du đầu tiên sau Covid tháng 9/2022 không chọn Nga mà đến Kazakhstan - nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã không ngần ngại đưa ý kiến khác biệt với Moskva.
Theo Le Monde, hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan sau đó là dịp để Tập Cận Bình chứng tỏ "con đực đầu đàn" chính là ông ta, chứ không phải một Putin đang khốn đốn trong cuộc chiến do chính mình khởi động. Một năm đầy những thất bại quân sự và chính trị của Moskva đã làm tăng cao sự bất đối xứng trong quan hệ Nga-Trung, mà Trung Quốc chiếm thượng phong. Hôm 01/03, tổng thống Belarus, chư hầu của Putin, đã đến Bắc Kinh phủ phục trước Tập Cận Bình.
Bắc Kinh khó thể lập lờ mãi về Ukraine
Với cái gọi là "kế hoạch hòa bình" 12 điểm, Trung Quốc muốn được coi là người kiến tạo hòa bình thế giới. Ảnh hưởng lớn trên thế giới chống phương Tây và quyền lực được tăng cường trong nước giúp Tập Cận Bình khởi đầu nhiệm kỳ thứ ba bằng việc đối đầu với Hoa Kỳ. Ông ta cáo buộc Mỹ "bao vây và ngăn chặn" Trung Quốc. Bắc Kinh ngày càng gây lo ngại về căng thẳng với Đài Loan, tuy nhiên nếu thế giới bất ổn, Trung Quốc sẽ thiệt hại kinh tế nhiều hơn Nga.
Thế nên các nhà lãnh đạo Bắc Kinh gần đây cố gắng ve vãn Châu Âu, nhằm "nhất tiễn hạ song điêu" : tái thúc đẩy kinh tế và làm chia rẽ phương Tây. Song song đó, ngoại giao "chiến lang" từng gây vô số thiệt hại nay im tiếng. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), Phó Thông (Fu Cong), cho biết lấy làm tiếc vì chiến tranh Ukraine gây tổn hại cho quan hệ với EU, mà theo ông ta một phần là do diễn dịch sai chữ "không giới hạn" trong quan hệ với Nga. Nhưng Le Monde cho rằng, cách tốt nhất để biện minh là làm rõ quan điểm của Bắc Kinh về cuộc xâm lăng Ukraine.
Thụy My
Đúng một năm sau cuộc chiến tranh tại Ukraine, Trung Quốc xuất hiện như một tác nhân quan trọng có thể giải quyết cuộc xung đột với một "kế hoạch hòa bình" cho Ukraine. Động thái nhằm tìm vị thế cường quốc của Trung Quốc, tuy không có gì bất ngờ, khiến phương Tây không khỏi lúng túng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022. AP - Alexei Druzhinin
Hôm 24/02, đúng vào dịp đánh dấu 1 năm cuộc xung đột Ukraine-Nga diễn ra, Trung Quốc, tự đưa ra một "kế hoạch hòa bình" gồm 12 điểm để "giải quyết bằng con đường chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine". Từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Bắc Kinh vẫn bị giới quan sát cho là có thái độ mập mờ, nếu không muốn nói là nghiêng về Moskva, một đồng minh và đối tác chiến lược từ lâu nay.
Các nước phương Tây trong cuộc đọ sức với Nga trên hồ sơ Ukraine đã không ngừng tìm cách thuyết phục, lôi kéo và gây sức ép sao cho Trung Quốc không hậu thuẫn Vladimir Putin, nhưng các nỗ lực đó đều không thành công.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Jean Philippe Béja được La Croix trích dẫn, "bản kế hoạch hòa bình này là cách để Bắc Kinh khẳng định vị trí và trở lại sân khấu quốc tế. Đồng thời cũng là cách tránh bị gạt ra ngoài lề của các hồ sơ lớn của thế giới".
Hoa Kỳ gần đây nghi ngờ đối thủ lớn Trung Quốc dự tính cung cấp vũ khí cho Nga vào lúc cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn gay cấn. Những cáo buộc đã bị Bắc Kinh phủ nhận.
Từ đầu cuộc chiến tranh, dù là đồng minh của Moskva, Bắc Kinh vẫn giới hạn sự hậu thuẫn ở phạm vi ngoại giao và kinh tế. Một trong những lý do để Trung Quốc gần gũi với Nga, đó là vì họ không có sự lựa chọn nào khác khi mà phương Tây, nhất là Mỹ từ nhiều năm nay luôn coi Trung Quốc là đối thủ có hệ thống. Có mấy đối tác nào ngoài Moskva cũng chia sẻ quan điểm về trật tự thế giới với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyên gia Triệu Long, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải được nhật báo Le Monde trích dẫn trong một bài đăng ngày 03/03/2023, cho rằng có sư khác biệt quan trọng : "Nga đạp đi xây mới lại hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, trong khi đó Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống hiện có bằng việc chiếm giữ một vị trí quan trọng hơn ở trong đó".
Nga và Trung Quốc có chung quan điểm về căn nguyên của cuộc chiến tranh Ukraine bắt nguồn từ phương Tây. Nhưng cách giải quyết thì khác nhau, "Trung Quốc chống việc dùng đến vũ lực". Bắc Kinh muốn thay đổi hình ảnh một nước lớn hống hách, lấn lướt không tôn trọng luật pháp quốc tế... như nhiều nước láng giềng trong khu vực và Tây phương gần đây vẫn lên án.
Phần đông giới quan sát, chủ yếu ở phương Tây, nhận thấy về chi tiết, giải pháp cho Ukraine mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu là những lập trường mang tính nguyên tắc, không rõ ràng về các vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân, hay thúc đẩy đàm phán cũng như tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của các quốc gia.
Trên thực tế, dù các nước phương Tây có vẻ đồng nhất với nhau về quan điểm lúc này chưa phải là thời điểm đàm phán với Nga về Ukraine, nhưng không phải tất cả đều chia sẻ mục đích trong cuộc chiến tranh này. Giải pháp của Trung Quốc có thể khiến các nước phải suy xét về mối quan hệ với Bắc Kinh, hay quan điểm của họ về Châu Âu.
Lấy ví dụ như trường hợp Pháp. Vốn vẫn muốn có mối quan hệ với Trung Quốc theo cách riêng của mình, Paris hiện vẫn tỏ thận trọng với các tố cáo của Mỹ về khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Tương tự, Berlin cũng tỏ ra thận trọng. Ngay sau khi bản kế hoạch hòa bình được công bố, lần lượt các lãnh đạo Pháp và Châu Âu đã xúc tiến chuẩn bị kế hoạch đi Bắc Kinh trong thời gian tới.
Trong khi đó, Kiev tỏ ra hài lòng khi thấy một nước lớn có thể có ảnh hưởng với Moskva nhảy vào cuộc. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận thấy sự cần thiết phải làm việc với Bắc Kinh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc qua lời phát ngôn viên của ông ngay hôm 24/02, đã lên tiếng khen ngợi văn kiện đề xuất của Trung Quốc là một "đóng góp quan trọng". Từng đấy dấu hiệu đã có thể cho thấy bước đầu Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ngoại giao. Xa hơn nữa, có thể Trung Quốc không muốn trở thành nạn nhân của cuộc xung đột tại Ukraine.
Anh Vũ
Trung Quốc ráo riết vận động ngoại giao để giải quyết chiến tranh Ukraine
Thanh Phương, RFI, 27/02/2023
Có khi nào chiến tranh Ukraine sẽ chấm dứt bằng một "Hiệp định Bắc Kinh" giống như là chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với "Hiệp định Paris" ? Vẫn còn quá sớm để tiên đoán một khả năng như vậy, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đang muốn đóng một vai trò trung gian để giải quyết cuộc chiến tranh Ukraine đã kéo dài hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu gì sẽ sớm kết thúc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Bangkok, Thái Lan, ngày 19/11/2022. AP-Jack Taylor
Tuy là một đối tác chiến lược của Moskva, cho tới nay Bắc Kinh nói chung vẫn giữ thái độ trung lập về chiến tranh Ukraine, không lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng cũng không công khai yểm trợ Moskva trong cuộc chiến này.
Nhưng trong nhiều tuần qua, Trung Quốc đã ráo riết vận động ngoại giao để đưa Bắc Kinh trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine, đối lại với Mỹ.
Trong những ngày gần đây ông Vương Nghị, lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, đã công du Châu Âu, đến Munich nhân hội nghị an ninh, ghé Budapest, rồi thăm Moskva. Mục đích của chuyến đi này chính là nhằm trình bày quan điểm của Bắc Kinh về giải quyết chiến tranh Ukraine.
Như là một cử chỉ mang tính biểu tượng, Bắc Kinh đã chờ đúng ngày đánh dấu một năm chiến tranh Ukraine, 24/02/2023, để công bố một kế hoạch 12 điểm về "giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine", kêu gọi Kiev và Moskva mở hòa đàm để chấm dứt chiến tranh.
Theo giải thích của chuyên gia Valérie Niquet, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, với đài RFI, thật ra kế hoạch đó không có gì là mới so với những lập trường của Trung Quốc mà ta đã biết : không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác và đề cao vai trò của Liên Hiệp Quốc.
Thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc
Nhưng đặc biệt, điểm đầu tiên của kế hoạch Trung Quốc nêu lên một nguyên tắc căn bản, đó là tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước", mà đây lại là điểm gây sự chú ý của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong cuộc họp báo hôm 24/02, ông Zelensky đã tuyên bố : "Tôi có ý định gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và phải làm mọi cách để Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Tôi muốn tin là Trung Quốc đứng phía chúng tôi".
Cho nên, theo đánh giá của chuyên gia Valérie Niquet, trước mắt Trung Quốc coi như đã giành được một thắng lợi ngoại giao nhỏ, bởi vì tổng thống Zelensky đã không bác bỏ kế hoạch hòa bình mà Bắc Kinh đề nghị và nhất là không chống lại việc Trung Quốc nhập cuộc để tìm giải pháp cho cuộc xung đột.
Nhưng không chỉ có Ukraine. Trong khi một số đồng minh của Kiev phản ứng lạnh nhạt, thì Paris cũng tỏ vẻ quan tâm đến kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh. Hôm thứ Bảy vừa qua, phát biểu với báo chí bên lề Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế ở Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo ông sẽ đi thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột . Nhưng nguyên thủ quốc gia Pháp nhấn mạnh "hòa bình cho Ukraine chỉ có được nếu Nga ngưng tấn công, triệt thoái quân và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và tôn trọng nhân dân Ukraine".
Kế hoạch hòa bình cho Ukraine có lợi cho Nga ?
Về phần Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngành ngoại giao Josep Borrell khẳng định kế hoạch của Trung Quốc "không phải là một kế hoạch hòa bình", mà chỉ là thể hiện những lập trường mà Bắc Kinh đã nêu lên ngay từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, ông không bác bỏ kế hoạch này.
Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden thì dứt khoát không chấp nhận kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, một kế hoạch mà theo ông "chẳng có lợi cho ai khác ngoài Nga".
Phản ứng của Washington cũng dễ hiểu : Khi tỏ ý muốn đóng vai trò trung gian hòa giải để chấm dứt chiến tranh Ukraine, Bắc Kinh còn tự đặt mình vào thế đối lập với Washington. Trả lời đài phát thanh Pháp France Info, Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, lưu ý bản kế hoạch 12 điểm mà Trung Quốc đề nghị cũng là những lời chỉ trích phương Tây. Khi Bắc Kinh kêu gọi "đừng đổ thêm dầu vào lửa và làm trầm trọng thêm các căng thẳng", hay kêu gọi từ bỏ "tâm lý chiến tranh lạnh" thì rõ ràng họ ám chỉ Washington. Hoặc khi kế hoạch của Trung Quốc kêu gọi "đừng bảo đảm an ninh cho một khu vực bằng cách tăng cường hoặc mở rộng các khối quân sự", thì đây chính là nhằm đả kích khối NATO đã mở rộng ra đến sát nước Nga.
Cho dù vậy, ngay chính Moskva cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch hòa bình do Bắc Kinh. Theo hãng tin AFP, hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho rằng kế hoạch này "đáng để chú ý", nhưng hiện "chưa hội đủ những điều kiện cho một giải pháp hòa bình".
Thanh Phương
************************
Cấp vũ khí cho Nga : Hoa Kỳ gia tăng áp lực với Trung Quốc
Thanh Phương, RFI, 27/02/2023
Hoa Kỳ gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về vấn đề cung cấp vũ khí cho Nga. Hôm 26/02/2023, quan chức nước này đã cảnh cáo Bắc Kinh không nên vượt qua "lằn ranh đỏ" này
Các máy bay phản lực của Lực lượng Không quân Nam Phi bay theo đội hình vào Ngày Lực lượng Vũ trang, trước cuộc tập trận với hải quân Nga và Trung Quốc ở Vịnh Richards, Nam Phi, ngày 21/02/2023. Reuters-Rogan Ward
Theo hãng tin AFP, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên đài truyền hình CBác sĩ được phát hôm qua, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ William Burns khẳng định Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc dự trù cung cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, ông William nói thêm Washington "chưa ghi nhận có một quyết định dứt khoát nào" của Bắc Kinh trên vấn đề này và "cũng không ghi nhận có bằng chứng nào" về việc cung cấp vũ khí cho Trung Quốc.
Cũng trong ngày hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã lên nhiều đài truyền hình để nhấn mạnh là Mỹ rất "cảnh giác" về khả năng Bắc Kinh cấp vũ khí cho Moskva. Ông Sullivan tuyên bố, nếu cung cấp vũ khí cho Nga, Trung Quốc sẽ gánh chịu "những tổn thất nặng nề".
Từ khoảng một tuần nay, Hoa Kỳ vẫn liên tục cảnh cáo Trung Quốc là không nên cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cực lực bác bỏ các cáo buộc đó.
Theo báo chí Mỹ, nhất là nhật báo The Wall Street Journal và đài truyền hình NBC, Trung Quốc chủ yếu dự trù cung cấp cho Nga các máy bay không người lái và đạn dược.
Iran-Nga : Sự leo thang "nguy hiểm"
Ngoài Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn hôm qua, giám đốc CIA William Burns còn bày tỏ quan ngại về sự leo thang "nguy hiểm" trong hợp tác quân sự giữa Tehran với Moskva. Ông William Burns tiết lộ rằng "có những dấu hiệu cho thấy Nga đề nghị giúp Iran về chương trình phát triển tên lửa và cũng dự trù cấp chiến đấu cơ cho Iran".
Giám đốc CIA nhắc lại là Tehran đã cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho quân Nga để tấn công vào thường dân Ukraine và vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, cũng như đã cung cấp nhiều xe tăng và đại pháo cho Moskva.
Putin tin sẽ thắng ở Ukraine ?
Cũng theo phân tích của giám đốc CIA trên đài CBS, trước những khó khăn mà quân Nga đang gặp phải ở Ukraine, tổng thống Putin biết rằng ông không thể chiến thắng trong lúc này, nhưng tin rằng trong cuộc chiến hao mòn, Moskva sẽ giành chiến thắng cuối cùng và như vậy ông dứt khoát không dự trù đến một phương án nào khác.
Thanh Phương
***********************
Chuyên gia Pháp : Nên cân nhắc kế hoạch hòa bình cho Ukraine của Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 26/02/2023
Ngày 25/02/2023, thủ tướng Đức là nhà lãnh đạo phương Tây tiếp theo tỏ ra hoài nghi về kế hoạch hòa bình cho Ukraine gồm 12 điểm của Trung Quốc khi cho rằng "không có điểm nào rõ ràng nói rằng quân Nga phải rút khỏi" Ukraine. Ngược lại, một chuyên gia Pháp cho rằng nếu muốn nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, phương Tây nên cân nhắc lập trường của Bắc Kinh.
Lãnh đạo ngoại giao của Đảng cộng sản Trung Quốc, Vương Nghị phát biểu tại Diễn đàn An ninh Munich, Đức, ngày 18/02/2022. AP-Peter Kneffel
Trả lời báo Die Welt khi thăm Ấn Độ, thủ tướng Đức cho rằng không thể có "hòa bình do Nga sắp đặt" và "tổng thống Nga Vladimir Putin phải biết điều đó". Tuy nhiên, ông Olaf Scholz đánh giá nội dung Bắc Kinh lên án nguy cơ sử dụng vũ khí nguyên tử là "hoàn toàn chính xác".
Tổng thống Ukraine lại thấy trong kế hoạch của Trung Quốc "dường như có sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và có những điểm liên quan đến an ninh". Ông Zelensky cho biết muốn "làm việc" với Bắc Kinh. Đây cũng là quan điểm của tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái đoàn quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, trên đài RFI ngày 25/02. Theo ông, Trung Quốc là bên duy nhất có thể tác động đến Nga.
"Hiện tại, Trung Quốc không tham gia vào cuộc xung đột, không cung cấp vũ khí. Bắc Kinh quan tâm đến việc tiếp tục công việc với các nước Châu Âu và Mỹ, chiếm đến 75-80% giao dịch thương mại với họ. Vì thế, Trung Quốc có lợi khi có thể làm việc với những nước này. Tất nhiên, về mặt tư tưởng, Trung Quốc vẫn gần với tổng thống Putin hơn.
Giờ có hai điểm khiến tôi lo ngại. Thứ nhất, kế hoạch của Bắc Kinh không thực sự phù hợp với Mỹ, vì Washington có xu hướng muốn cô lập Trung Quốc hơn. Ngoại trưởng Anthony Blinken đã nói ngay từ trước đó khá lâu là Trung Quốc tính cung cấp vũ khí cho Nga. Đó là một đòn cản đường Trung Quốc. Hiện giờ, họ mới chỉ nói là "có ý định", thế thôi.
Tiếp theo, nếu Trung Quốc muốn đóng vai trò quan trọng, thì nhất định họ không được cung cấp vũ khí và phải giữ vị trí trọng tài, dù có bị Hoa Kỳ nhìn với con mắt nghi ngờ. Nhưng việc tổng thống Zelensky nói là muốn gặp chủ tịch Tập Cận Bình là điểm rất quan trọng vì Trung Quốc là bên duy nhất có thể tác động đến Nga. Tôi cho rằng việc Trung Quốc tham gia là điều rất đáng chú ý. Điều làm tôi quan tâm là phản ứng của Mỹ. Nếu Washington muốn nhanh chóng ngừng cuộc chiến này thì họ nên nhìn nhận lập trường của Trung Quốc".
Thu Hằng
**************************
Ukraine : Tập Cận Bình ‘tọa sơn quan hổ đấu’ ?
Ngô Nhân Dụng, VOA, 26/02/2023
Trung Quốc sẽ được lợi nếu chiến tranh Ukraine chấm dứt. Nhưng Tập Cận Bình không thể bắt cá hai tay, vừa cổ động hòa bình vừa tiếp tục hỗ trợ Vladimir Putin là kẻ gây ra cuộc chiến !
Tập Cận Bình cũng không thể chấp nhận để cho Vladimir Putin thất trận nhục nhã rồi bị lật đổ.
Người Trung Hoa có thành ngữ : Ngồi trên núi coi cọp đánh nhau (tọa sơn quan hổ đấu). Tập Cận Bình đang ngồi trên núi coi những con cọp Nga, Ukraine và các nước Âu, Mỹ đấu với nhau. Tập có thể ngồi coi chiến tranh diễn ra càng lâu càng tốt. Vì trong lúc đó Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế, bồi dưỡng sức mạnh quân sự, sẽ quan trọng hơn trên bàn cờ quốc tế, đóng vai trò một cường quốc luôn chủ trương hòa bình.
Tập Cận Bình "tọa sơn quan hổ đấu", biết rằng nếu cuộc chiến bất phân thắng bại kéo dài sẽ chỉ có lợi cho nước Trung Quốc. Vladimir Putin sẽ không thể chiến thắng dù được Trung Cộng tiếp sức bằng cách mua dầu, khí bán "đại hạ giá". Nhưng nước Nga sẽ càng ngày càng lệ thuộc Trung Quốc hơn. Ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Stalin và những người kế vị vẫn coi Mao Trạch Đông là một đối thủ, nhưng không đáng sợ. Bây giờ, với dân số Nga so với Trung Quốc chỉ bằng 1/10, kinh tế Trung Quốc đứng hạng nhì trên thế giới, Nga đứng hàng thứ 11, ngang với Tây Ban Nha. Tổng sản lượng nội địa của Nga chỉ bằng 1/6 Trung Quốc, đến năm 2040 sẽ chỉ bằng 1/8.
Tập Cận Bình cũng không thể chấp nhận để cho Vladimir Putin thất trận nhục nhã rồi bị lật đổ. Trung Quốc cần một nước Nga độc tài chuyên chế, liên kết chống lại Mỹ và Âu Châu. Ngoại trưởng Vương Nghị mới gặp Putin để nhắc lại mối đoàn kết giữ hai nước "vững như núi đá". Sau đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt chiến tranh, yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, với 141 quốc gia ủng hộ và 7 nước chống. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng, giống như lần trước vào năm ngoái.
Nhưng trước dư luận quốc tế, Tập Cận Bình phải chứng tỏ mình vẫn là một chính khách lớn quan tâm đến hòa bình. Ngày 24/2, một năm sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bản văn 12 điểm, mở đầu bằng nguyên tắc phải tôn trọng chủ quyền các quốc gia trên lãnh thổ của họ.
"Nếu Trung Quốc ngưng ở điều số một này", ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ nói, thì "ngày mai chiến tranh có thể chấm dứt rồi", vì Nga xâm phạm chủ quyền của Ukraine một cách trắng trợn. Trung Quốc vẫn không gọi hành động gây chiến của Nga là một cuộc "xâm lăng", không dùng cả đến chữ "chiến tranh" vì Vladimir Putin vẫn tránh, gọi là một cuộc hành quân đặc biệt ! Chỉ có một điều tích cực đáng kể là Trung Quốc cũng yêu cầu phải bảo vệ hiệu quả các thường dân với những hành lang cho dân chúng di tản khỏi bãi chiến trường, và không được sử dụng vũ khí nguyên tử.
Tập Cận Bình không quên phô bầy một hình ảnh giả nhân giả nghĩa, kêu gọi hai bên cùng ngưng bắn. Đề nghị này nghe rất đẹp, nếu quân Ukraine cũng đã tiến vào nước Nga rồi. Nhưng bây giờ, sẽ chỉ có lợi cho Vladimir Putin. Vì quân Nga đang chiếm đóng một phần nước Ukraine, sẽ có cơ hội được nghỉ ngơi để chờ tiếp viện.
Mỹ và các nước Châu Âuđã bác bỏ ngay yêu cầu ngưng bắn và lời kêu gọi các nước hãy ngưng không cấm vận Nga nữa ! Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, giữ một thái độ ôn hòa có tính toán, vẫn khen Trung Quốc muốn có hòa bình. Sau khi tình báo quân sự Mỹ tiết lộ Nga đang mặc cả mua vũ khí của Trung Quốc, gồm cả máy bay tự điều khiển (drones) và súng đại bác. Bộ ngoại giao Mỹ cảnh cáo Trung Cộng không được bán vũ khí giết người cho Nga dùng ở Ukraine.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Bắc Kinh đã đồng ý cho các "công ty tư nhân" cung cấp các khí cụ trên danh nghĩa chỉ dùng cho mục tiêu dân sự nhưng cũng có thể dùng ở chiến trường nhưng cũng cho biết chưa có một thứ vũ khí nào được trao tay.
Ngoại trưởng Vương Nghị phải nhắc lại lập trường của Trung Quốc là không dự vào cuộc chiến ở Ukraine, sau khi báo Der Spiegel ở Đức loan tin Nga đang thương thuyết với một công ty sản xuất drones ở Trung Quốc để mua các bộ phận và kỹ thuật chế tạo, với mục đích lập nhà máy sản xuất được 100 máy bay "drones tự sát" có thể đánh bom rồi tự hủy.
Tập Cận Bình có thể "tọa sơn quan hổ đấu" đến bao giờ ? Có nhiều lý do khiến Trung Cộng muốn cuộc chiến chấm dứt.
Chiến tranh đang cản trở hoạt động thương mại của Trung Quốc. Nga và Ukraine đều là những điểm quan trọng trong kế hoạch "Nhất đới Nhất lộ", trên con đường Trung Quốc tiếp xúc với lục địa Châu Âu ; cả hai là những nước giao thương nhiều nhất với Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2021, số hàng hóa trên các chuyến xe lửa từ Trung Quốc qua Châu Âu, đi qua Nga và Ukraine, đã tăng lên gấp 100 lần.
Hơn nữa, quan hệ kinh tế với Nga không quan trọng bằng với Mỹ và Châu Âu. Trong năm 2021, Nga và Trung Quốc trao đổi hàng hóa trị giá khoảng 147 tỷ mỹ kim, dưới một phần mười số mua bán với Mỹ (657 tỷ USD) và Âu Châu (828 tỷ USD) cộng lại, theo Giáo sư Vương Huy Diệu, (Wang Huiyao, 王辉耀), chủ tịch một trung tâm nghiên cứu kinh tế ở Bắc Kinh, viết trên nhật báoNew York Times ngày 13/3/2022.
Trung Quốc sẽ được lợi nếu chiến tranh Ukraine chấm dứt. Nhưng Tập Cận Bình không thể bắt cá hai tay, vừa cổ động hòa bình vừa tiếp tục hỗ trợ Vladimir Putin là kẻ gây ra cuộc chiến !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 26/02/2023
Trung Quốc bị nghi ngờ về vai trò ‘kiến tạo hòa bình’ ở Ukraine khi ngày càng thân Nga
Reuters, VOA, 24/02/2023
Các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây nói rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc thể hiện mình "kiến tạo hòa bình" ở Ukraine chỉ cho thấy mục đích đánh bóng hình ảnh của nước này hơn là thay đổi lập trường, khi nước này tìm cách khẳng định mình là một nhà lãnh đạo của một trật tự thế giới đa cực mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11, tại Brasilia, Brazil, vào ngày 12/11/2019. Ông Putin hôm 22/2 cho biết ông Tập sẽ sớm thăm Moscow.
Một năm sau khi Nga xâm lược nước láng giềng phía tây nam, đối tác "không giới hạn" của họ là Trung Quốc đề nghị làm trung gian hòa bình. Bắc Kinh nói họ sẽ đưa ra một "tường trình quan điểm" về Ukraine và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ có "bài phát biểu hòa bình" trong tuần này.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc khẳng định mối quan hệ "vững như bàn thạch" với Nga và ủng hộ đường lối của Nga trong cuộc chiến đã làm suy yếu vị thế trung lập của họ, cũng như khẳng định của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Trung Quốc bác bỏ.
Các nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng đề nghị hòa bình của Bắc Kinh cho thấy nỗ lực hàn gắn quan hệ của Trung Quốc với một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Châu Âu, chứ không phải là sự thay đổi chính sách lớn, trong khi khẳng định lập trường một cách khoa trương chỉ là một nỗ lực nhằm thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới.
Cũng có khả năng đây chỉ nhằm mục đích xây dựng một câu chuyện để kể lể trong nước về Tập Cận Bình trong tư cách là người giải quyết các vấn đề toàn cầu khi ông bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo đạo thứ ba và Trung Quốc tìm cách vực dậy nền kinh tế tế bị ảnh hưởng sau ba năm kiềm tỏa vì dịch Covid-19.
Li Mingjiang, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận xét : "Hiện tại, nỗ lực hòa bình của Trung Quốc chỉ ở mức độ khoa trương".
Ông nói : "Thật khó để tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ sớm có hành động thực tế để làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine… Đây chỉ là một thay đổi kiểu cách nhỏ của Trung Quốc, không phải là bất kỳ điều chỉnh chính sách thực chất nào đối với cuộc chiến".
Chắc chắn rằng bất kỳ động thái nghiêm túc nào của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc chiến trên bộ đẫm máu nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đều sẽ được hoan nghênh rộng rãi, nhưng nhiều nhà ngoại giao và những người theo dõi Trung Quốc nói rằng khi bị đẩy tới cùng, Trung Quốc sẽ về phe Nga.
Sự hoài nghi này càng được củng cố bởi cam kết của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị hôm 22/2 tại Moscow rằng Trung Quốc mong muốn "làm sâu sắc thêm" mối quan hệ với Nga, và thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Tập Cận Bình sẽ sớm thăm Moscow.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, vài tuần sau khi Bắc Kinh và Moscow công bố mối quan hệ đối tác "không giới hạn", ông Tập đã nói chuyện thường xuyên với ông Putin nhưng chưa một lần nói với người đồng cấp Ukraine - Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Vào năm 2022, nhập khẩu hàng hóa của Nga vào Trung Quốc đã tăng vọt trong khi thương mại với Ukraine giảm dần.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà ngoại giao nói Trung Quốc khó có thể sớm cung cấp viện quân sự cho Nga, ít nhất là không công khai.
"Nếu hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine làm tăng khả năng thất bại của Nga, thì cộng đồng quốc tế nên mong đợi những nỗ lực mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc để ngăn chặn kết quả đó", Tong Zhao, một chuyên gia hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận định.
"Tính toán của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc vạch ra một lằn ranh rõ ràng hơn đối với Trung Quốc", ông Zhao nói, đề cập đến cảnh báo của Mỹ về vấn đề vũ khí. "Bắc Kinh đang tìm cách đạt được sự cân bằng giữa việc ổn định quan hệ với Washington và ngăn chặn thất bại của Moscow".
Trong khi Trung Quốc ủng hộ hòa bình về nguyên tắc, các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng nước này không muốn chấm dứt cuộc chiến Ukraine gây nguy hiểm cho Putin hoặc chế độ của ông, do nguy cơ bất ổn ở quốc gia có đường biên giới chung hơn 4.000 km.
"Đối với Bắc Kinh, câu hỏi quan trọng không phải là là liệu chiến tranh có nên kết thúc hay không mà là nó nên kết thúc như thế nào", Benjamin Herscovitch, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc, nói.
Theo ông, "Trung Quốc vẫn coi Nga là yếu tố trung tâm trong chiến lược tổng thể của mình nhằm mục đích suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng như xây dựng một thế giới đa cực".
(Reuters)
************************
NATO nói đã thấy dấu hiệu Trung Quốc cân nhắc gửi vũ khí cho Nga
Reuters, VOA, 24/02/2023
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm (23/2) nói liên minh đã nhận thấy những dấu hiệu Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga và cảnh báo Bắc Kinh không nên thực hiện bất kỳ bước đi nào như vậy.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả nếu nước này hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ nguồn viện trợ vũ khí sát thương nào từ Trung Quốc sang Nga, nhưng chúng tôi đã thấy những dấu hiệu cho thấy họ đang xem xét và có thể đang lên kế hoạch cho điều đó", ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
"Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã cảnh báo rất rõ ràng về điều đó. Và Trung Quốc tất nhiên không nên ủng hộ cho cuộc chiến bất hợp pháp của Nga", ông nói thêm.
Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì, nhưng trước đó trong ngày thứ Năm, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng bất kỳ thông tin tình báo nào về việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga mà Hoa Kỳ dự định tiết lộ chỉ là suy đoán.
Nga và Trung Quốc đã ký quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2 năm ngoái ngay trước khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, và các liên kết kinh tế của họ đã bùng nổ khi các mối quan hệ của Moscow với phương Tây bị thu hẹp.
Phương Tây lâu nay vẫn cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraine. Một số quan chức cảnh báo rằng chiến thắng của Nga sẽ tạo động lực cho những hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc cho đến nay vẫn không lên án cuộc xung đột ở Ukraine và tránh gọi đây là một "cuộc xâm lược".
Ông Stoltenberg nói Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
"Nguyên tắc cơ bản của hiến chương là tôn trọng sự toàn vẹn của các quốc gia khác và không tiến vào và xâm lược một quốc gia khác với hàng trăm nghìn quân", ông nói. "Tất nhiên, Trung Quốc không nên là một phần trong chuyện này".
Trung Quốc nói họ sẽ đưa ra quan điểm về cách giải quyết cuộc xung đột Ukraine thông qua các biện pháp chính trị trong một báo cáo sắp tới, mà truyền thông nhà nước Nga cho biết sẽ được xuất bản nhân kỷ niệm một năm "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
(Reuters)
Ngày 17/12/2022, trong kỳ họp thường niên năm 2023 của Thời báo Hoàn cầu với chủ đề "Trung Quốc và thế giới sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc", các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề "Cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ kết thúc theo phương thức nào ?"
Tổng thống Zelensky thị sát một chiến trường miền Đông Ukraine - Ảnh minh họa
Dưới đây là tóm tắt ý kiến phát biểu của một số nhân vật chủ yếu :
Châu Lực (Zhou Li), nguyên Phó trưởng ban Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ viên Ủy ban Ngoại sự toàn quốc của Chính Hiệp khóa 13, cho rằng :
Tình hình cuộc xung đột Nga – Ukraine trong 10 tháng qua, kể từ ngày Nga tuyên bố bắt đầu Hành động quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2/2022) thể hiện 8 đặc trưng như sau :
Thứ nhất, khi tiến về phía đông nam Ukraine, quân đội Nga đã gặp phải sự chống cự ngoan cường của quân đội Ukraine và lính đánh thuê. Thứ hai, ba mục tiêu đầu tiên của phía Nga là tiến hành phi quân sự hóa, phi quốc xã hóa và trung lập hóa ở Ukraine giờ đây xem ra nên nói là chưa thực hiện được. Thứ ba, tình hình chiến trường vẫn còn rất gay go, hai bên đều thiệt hại rất lớn, chủ yếu về quân sự và kinh tế. Thứ tư, Ukraine có hơn 40 triệu dân thì gần 10 triệu người tị nạn ở Nga và nhiều nước Châu Âu, tình hình nhân đạo đang rất nguy kịch. Thứ năm, Mỹ và Châu Âu áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt đối với Nga, đồng thời liên tục vận chuyển một lượng lớn vũ khí và đạn dược tiên tiến vào lãnh thổ Ukraine để giúp Ukraine đánh Nga đến cùng. Thứ sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp nhiều lần để thảo luận giải pháp mà không có tiến triển rõ ràng. Thứ bảy, hiện chưa nhìn thấy dấu hiệu đàm phán ngừng bắn. Thứ tám, lập trường của các bên hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập.
Châu Lực cho biết, nhìn từ góc độ của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan điểm cơ bản đối với vấn đề Ukraine, chủ yếu là phải căn cứ vào tình hình sai đúng phải trái của bản thân sự việc để xác định lập trường và chính sách của Trung Quốc.
"Vấn đề bây giờ là ở chỗ chìa khóa tiếp theo để giải quyết vấn đề giữa Nga và Ukraine đang nằm trong tay Mỹ và Châu Âu". Theo Châu Lực, nên nói rằng cho đến nay, Mỹ và Châu Âu chưa thực hiện bất cứ nỗ lực thực sự nào để giảm căng thẳng xung đột giữa Nga với Ukraine, thậm chí làm ngược lại, tiếp tục cung cấp một lượng lớn vũ khí và đạn dược, cam kết giúp Ukraine chiến đấu với Nga đến phút cuối cùng.
Châu Lực cho rằng "Hiện nay chúng ta đặc biệt cần cảnh giác trước sự kéo dài và mở rộng xung đột Nga – Ukraine, nếu xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra thì sẽ có ảnh hưởng và thiệt hại lớn không những cho Ukraine, Nga, toàn thể Châu Âu, mà thậm chí cho cả thế giới".
Ngô Tâm Bác (Wu Xin Bo), Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Phục Đán, cho rằng :
Cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay có hai đặc điểm : một là ý muốn đánh tiếp vẫn còn rất mạnh, ý muốn đàm phán còn chưa đủ. Xét về phía Ukraine, hiện nay họ vẫn ở trong giai đoạn phản công, họ nghĩ rằng phản công còn chưa xong. Xét từ phía Mỹ, còn đang tăng cường giúp đỡ quân sự cho Ukraine, kể cả những thiết bị quân sự tiên tiến hơn. Xét từ phía Nga, mặc dù đang trong quá trình điều chỉnh chiến tranh, nhưng vẫn hy vọng rằng sau một thời gian nữa họ có thể giành lại ưu thế trên chiến trường. Vì vậy, ý muốn đánh tiếp của các bên vẫn còn khá mạnh.
Dễ hiểu vì sao các bên chưa sẵn sàng đàm phán. Đó là do Ukraine cảm thấy mình đang ở vào thế tấn công trên chiến trường, cho nên lúc này chưa muốn dừng lại. Về phía Nga, họ đã tuyên bố quyết không từ bỏ các vùng lãnh thổ đã vào tay mình, trong điều kiện hiện nay không thể đàm phán vấn đề rút ra khỏi các lãnh thổ ấy. Về phía Mỹ, họ nhắm tới 3 mục tiêu trong cuộc xung đột Nga – Ukraine : Một là làm cho Nga suy yếu toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế ; hai là giữ vững Ukraine, không để Ukraine sụp đổ, không để chính quyền Zelensky sụp đổ ; ba là giữ lấy Châu Âu, để Châu Âu đi theo Mỹ.
Tình hình xung đột sau đây sẽ ra sao ? E rằng sẽ sẽ có một đợt sóng nâng cấp chiến tranh. Mỹ sẽ công khai hoặc bí mật cung cấp cho Ukraine nhiều hệ vũ khí tiên tiến. Ukraine sẽ tăng cường phản công kể cả đánh vào mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng drone. Nga hiện đã đổi cách đánh, tấn công nhiều vào các mục tiêu dân dụng của Ukraine, kể cả mục tiêu chính trị.
Hiện nay có hai khả năng. Một là vừa đánh vừa đàm, đánh thật, đàm phán giả. Hai là ngừng bắn nhưng không ký hiệp định hòa bình. Ngừng chiến là nói đến một giai đoạn nhất định, hai bên chẳng còn sức mà đánh nữa, cần có một đường ranh giới ngừng bắn thực tế về quân sự nhưng lại chẳng thể ký hiệp định hòa bình – bởi lẽ lập trường hai bên cách nhau quá xa.
Nhìn xa hơn, 2024 là một năm bản lề có nhiều chuyển biến quan trọng. Nga sẽ bầu Tổng thống, Mỹ sẽ bầu nghị viện. Các yếu tố chính trị đó sẽ quyết định việc trên vấn đề Ukraine có thể có một phương án giải quyết tương đối rõ ràng. Nhưng trước 2024, rất có thể còn chưa có phương án nào, hai bên lại vừa đánh vừa đàm hoặc tạm thời ngừng bắn về kỹ thuật, nhưng chưa thể đạt được phương án giải quyết về chính trị.
Nguyễn Hải Hoành
Tóm dịch từ nguồn tiếng Trung : 俄乌冲突将以何种方式结束?中国学者今天在这里深入讨论, 来源:环球时报-环球网 2022-12-17.
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/12/2022