Mỹ cố thúc giục các đồng minh tẩy chay Hoa Vi (RFI, 23/11/2018)
Chính phủ Mỹ đang kêu gọi các đồng minh chủ chốt trên thế giới chấm dứt sử dụng các thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Wall Street Journal hôm qua 22/11/2018 cho biết như trên.
Gian hàng công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei) tại một hội chợ ở Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 28/09/2018. Reuters/Stringer
Tờ báo Mỹ dẫn các nguồn thạo tin nói rằng chính quyền Donald Trump đã thông tin cho các nước bạn như Đức, Ý, Nhật ; cũng như các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và internet, về các mối quan ngại liên quan đến an ninh quốc gia khi sử dụng thiết bị của Hoa Vi. Một số quan chức nói rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc tài trợ cho các nước tẩy chay Hoa Vi.
Báo Mỹ The Hill không liên lạc được với Nhà Trắng lẫn Hoa Vi để có lời bình luận.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chuẩn bị cho kỷ nguyên mới của công nghệ không dây 5G. Với việc ngày càng nhiều người lệ thuộc vào internet, các viên chức Mỹ gióng lên tiếng chuông báo động về khả năng Trung Quốc lợi dụng để dọ thám.
Vào đầu năm nay, tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo người dân Mỹ không nên mua điện thoại do Hoa Vi (nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ nhì thế giới) và ZTE (Trung Hưng, một tập đoàn viễn thông Trung Quốc khác) sản xuất. Nhiều dân biểu, nghị sĩ Mỹ nghi ngờ hai tập đoàn này có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, chủ yếu chính quyền Trump lo ngại việc sử dụng công nghệ của Huawei tại những nước có sự hiện diện quân sự quan trọng của Mỹ.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã tăng lên với cuộc chiến tranh thương mại, cũng như quan ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Thụy My
*****************
Đài Loan bầu cử địa phương, đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh (RFI, 23/11/2018)
Ngày 24/11/2018, Đài Loan tổ chức bầu cử địa phương cùng với nhiều cuộc trưng cầu dân ý. Đây là bài trắc nghiệm về mức độ tín nhiệm đối với đảng Dân Tiến, vốn ủng hộ độc lập, đảng của tổng thống Thái Anh Văn, trước sức ép ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và trước những lời chỉ trích về việc chương trình cải cách của chính phủ
Bầu cử địa phương và trưng cầu dân ý tại Đài Loan, ngày 24/11/2018, bài trắc nghiệm về tín nhiệm đối với đảng của tổng thống Thái Anh Văn. Reuters
Theo Reuters, cử tri Đài Loan sẽ đi bầu lại hơn 11.000 dân cử từ các đô thị, quận huyện, thị trấn và làng mạc. Thành phố Cao Hùng là một địa bàn quan trọng đối với đảng Dân Tiến đang cầm quyền.
Chính quyền Đài Bắc nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh tìm cách tác động đến kết quả bầu cử qua việc "hăm dọa chính trị" và "tung tin giả". Trong bài xã luận ngày 23/11, tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, viết rằng chính phủ Đài Loan "kiếm phiếu bằng cách kích động người dân hận thù Trung Hoa lục địa".
Song song với bầu cử địa phương, 10 cuộc trưng cầu dân ý về các chủ đề khác nhau cũng được tổ chức trong ngày 24/11 : đổi tên gọi của đoàn vận động viên Đài Loan tham gia Thế Vận Hội Tokyo năm 2020 thay vì thi đấu dưới mầu cờ "Đài Bắc Trung Quốc" ; hôn nhân đồng tính - một chủ đề gây chia rẽ Đài Loan…
Theo AFP, các nhà bảo vệ người đồng tính lo ngại chính phủ lùi bước trước sức ép của phe bảo thủ. Tháng 05/2017, Tòa Bảo Hiến Đài Loan ra sắc lệnh cho phép hôn nhân giữa hai người đồng giới và cho chính phủ hai năm để triển khai. Nhưng kể từ đó, chính phủ vẫn chưa ra quyết định về vấn đề này.
Để kết quả được ghi nhận, một cuộc trưng cầu dân ý phải thu được ít nhất 25% phiếu "thuận" trên tổng số 19,75 triệu người ghi danh.
Thu Hằng
*******************
Pakistan : Lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi bị tấn công (RFI, 23/11/2018)
Một phong trào ly khai ở Pakistan đã tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi ngày 23/11/2018 và lên án hành vi "bức hiếp" của Bắc Kinh. Ngay lập tức, Trung Quốc mạnh mẽ lên án vụ tấn công này.
Cảnh sát Pakistan bên ngoài tòa lãnh sự Trung Quốc tại Karachi vào sáng ngày 23/11/2018 sau vụ tấn công. Reuters
Hai cảnh sát bị thiệt mạng khi ngăn chặn một số người có vũ trang tấn công lãnh sự Trung Quốc ở Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan. Theo hai bộ trưởng Pakistan, ba thủ phạm thuộc phong trào Quân đội Giải phóng Baloutchistan đều bị bắn hạ trước khi vào được bên trong tòa lãnh sự Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng "yêu cầu phía Pakistan có những biện pháp cụ thể để bảo đảm an ninh cho công dân và các cơ sở Trung Quốc ở Pakistan".
Trung Quốc là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Pakistan, đầu tư vài chục tỉ đô la vào Vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) nhằm nối tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) đến cảng Gwadar, thuộc tỉnh Baloutchistan (Pakistan). Đây là tỉnh lớn nhất, nhưng lại nằm trong số bốn tỉnh nghèo nhất Pakistan, dù giầu quặng mỏ và khí đốt.
Cũng trong ngày 23/11, một vụ nổ khác đã xảy ra tại một khu chợ ở Peshawar, nơi Al Qaida và nhiều tổ chức khủng bố khác hoạt động mạnh. Theo kết quả điều tra ban đầu, chất nổ tự chế, được giấu trong một thùng rau, đã bị kích nổ khiến 20 chết và khoảng 50 người bị thương.
Thu Hằng
Giống như nhiều xóm khác, xóm ấy có nhiều nhà. Giống như nhiều xóm khác, xóm ấy có một căn to hơn, đông người hơn và có vẻ khá giả hơn những nhà khác.
Bên cạnh căn dường như to nhất, giàu nhất xóm ấy là một căn nhà nhỏ. Dân trong xóm chú ý tới cả hai không phải vì sự khác biệt về mức độ bề thế, phát đạt giữa hai căn nhà - những khác biệt vốn xóm nào cũng có - yếu tố khiến thiên hạ bận tâm là quan hệ, cách ứng xử kỳ quái của hai chủ nhà, đặc biệt là chủ căn nhà nhỏ.
Sống bên cạnh một người hàng xóm lâu đời mà thế hệ nào cũng muốn chi phối cả xóm, thậm chí làm chủ cả làng, thế hệ nào cũng muốn mở rộng mảnh đất của họ và trong quá khứ, gia tộc của chủ căn nhà lớn từng dùng đủ thứ thủ đoạn để nuốt chửng hàng xóm, thay vì phải hết sức cẩn thận, khôn khéo, "tề gia" để tự bảo vệ nơi cư trú cho gia tộc của mình, chủ căn nhà nhỏ hiện thời từng dựa hẳn vào chủ căn nhà lớn để đánh, đuổi anh em của mình ra khỏi nhà.
Khi giành được quyền kiểm soát căn nhà, chủ căn nhà nhỏ vừa liên tục bày tỏ sự biết ơn chủ căn nhà lớn đã giúp sức cho mình "đá gà cùng một mẹ", vừa cấm con, cháu đề cập đến những xung đột giữa tổ tiên, ông bà hai bên vì mâu thuẫn nhà, đất trong quá khứ...
Tuy nhiên sự phi lý chưa ngừng ở đó. Dẫu không từ dịp nào để chứng minh mình là "láng giềng tốt", rằng mình luôn tâm niệm "vận mệnh tương thông, lý tưởng tương đồng" với chủ căn nhà lớn nhưng thỉnh thoảng, chủ căn nhà nhỏ vẫn bị chủ căn nhà lớn "bạt tai, đá đít". Lạ là chủ căn nhà nhỏ không thay đổi… lập trường và cách hành xử.
Sống trong cảnh hôm qua bị chủ căn nhà lớn chiếm mất góc vườn này, hôm nay bị chủ căn nhà lớn sai con, cháu mang rác sang đổ giữa nhà mình,… một số đứa trong đám con, cháu của chủ căn nhà nhỏ thắc mắc, phản đối. Đám đó bị chủ căn nhà nhỏ gom hết, xếp hết vào loại "nghịch tử", bị "giáo dục" bằng những biện pháp nghiêm khắc vốn chỉ dành cho kẻ thù. Muốn được yên thân, con cháu của chủ căn nhà nhỏ chỉ có một cách : Nhắm mắt, bịt tai, tự gạt chính mình rằng nhà cửa, đất đai, quan hệ giữa chủ căn nhà nhỏ và chủ căn nhà lớn là chuyện của… người lớn.
Giờ, phần lớn mặt tiền của căn nhà nhỏ đã thuộc quyền kiểm soát của chủ căn nhà lớn. Thực tế đó khiến số thành viên của căn nhà nhỏ bất bình với cả chủ nhà của mình lẫn chủ căn nhà lớn tăng đáng kể. Gần đây, để duy trì quyền kiểm soát căn nhà, thỉnh thoảng, chủ căn nhà nhỏ lên tiếng phản đối chủ căn nhà lớn song xét về tổng thể, chuỗi hành động phản kháng ấy chỉ là chiếu lệ, chủ yếu nhằm trấn an, xoa dịu con cháu trong nhà. Song song với chuỗi hành động phản kháng, chủ căn nhà nhỏ vừa khuyến cáo, vừa tạo điều kiện để chủ căn nhà lớn tham gia khuyến cáo con cháu trong nhà mình rằng, hàng xóm vừa giàu, vừa mạnh thành ra đối đầu không chỉ dẫn tới thảm cảnh toàn gia mất chốn dung thân mà còn có nhiều kẻ trong gia đình mất mạng…
Dưới gầm trời này sẽ có rất nhiều người bĩu môi, lắc đầu sau khi nghe câu chuyện vừa kể. Ắt có không ít người nhận định câu chuyện vừa kể là… nhảm nhí. Làm gì có gia đình nào, gia tộc nào bạc phúc tới mức có loại gia trưởng suy nghĩ, hành xử khó tin như chủ căn nhà nhỏ ! Nếu bạn - người vừa đọc câu chuyện này - nhận ra, câu chuyện dù không thể tin được ấy có thật, xin… chia buồn với bạn, bởi còn cư trú trong căn nhà nhỏ ấy hay không thì bạn vẫn là một thành viên của gia đình, gia tộc bạc phúc đó.
***
Scandal "Điệp vụ Biển Đỏ" (Operation Red Sea do Bona Film Group - Trung Quốc sản xuất) đã được hóa giải bằng "Thông cáo báo chí" mà Bộ Văn hóa - Thông tin" phát hành ngày 26 tháng 3.
"Điệp vụ Biển Đỏ" do Trung Quốc sản xuất dựa trên một sự kiện xảy ra hồi 2005 : Nội chiến bùng phát tại Yemen (một quốc gia thuộc khu vực Tây Nam Châu Á, nằm bên bờ Biển Đỏ) và chính phủ Trung Quốc đã điều động quân đội di tản 600 công nhân Trung Quốc khỏi Yemen.
"Điệp vụ Biển Đỏ" là một thông điệp được soạn thảo hết sức công phu, có chủ đích rất rõ ràng : Quảng bá sự thiện chiến, sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là của Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với những người lính dũng cảm, mưu trí và phương tiện chiến tranh hiện đại như đã trình bày trong "Điệp vụ Biển Đỏ", khán giả ắt phải nhận ra quân đội Trung Quốc là đội quân "bất khả chiến bại", dư khả năng đè bẹp mọi kẻ thù, bất kể ở chiến trường, tình huống nào.
Sau khi "Điệp vụ Biển Đỏ" được phép công chiếu tại Việt Nam, khán giả phát giác, trong 36 giây cuối, bộ phim "kể thêm" một sự kiện nữa : Trên đường đưa đồng bào của mình từ Yemen trở về Trung Quốc, Hải quân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã băng qua biển Đông và vì phát giác có một số con tàu đang hiện diện tại vùng biển này, Hải quân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cảnh cáo qua loa : "Đây là Hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, hãy rời khỏi đây ngay lập tức" !
36 giây "kể thêm" ấy khiến nhiều người Việt phẫn nộ. Với họ, trong bối cảnh như hiện nay, cho phép công chiếu "Điệp vụ Biển Đỏ" là phản quốc vì gián tiếp thừa nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. Bộ Văn hóa - Thông tin bác bỏ những nhận định kiểu đó vì vô căn cứ. 36 giây "kể thêm" chỉ thể hiện chuyện khi băng ngang "lãnh hải của Trung Quốc ở biển Đông", vì nhìn thấy một vài chiếc tàu từ xa nên chiến hạm của Trung Quốc phát cảnh báo. Bởi "hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét" nên "không thể kết luận ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo". Bộ Văn hóa - Thông tin khẳng định, Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia, bao gồm đại diện của Ban Tuyên giáo thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin của chính phủ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và các chuyên gia có uy tín đã thực hiện "đúng quy trình hiện hành". Thậm chí, một thành viên trong Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia, bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh còn cho rằng, ngoài dân chúng, báo giới cũng "suy diễn, chủ quan, gây ra nhiều thông tin sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội" (1).
***
Nhân những tranh cãi phát sinh từ "Điệp vụ Biển Đỏ", có lẽ nên nhắc lại một chuyện cũng liên quan tới phim : Oshin - bộ phim truyền hình 297 tập, mỗi tập 15 phút, kể về cuộc đời của bà Shin Tanokura, người Nhật. Sở dĩ chọn Oshin vì nhiều người đã xem và rất dễ tự đối chiếu…
Người Việt được xem Oshin năm 1994. Thời đó, mỗi khi Đài Truyền hình Việt Nam phát Oshin, hàng chục triệu người Việt tạm rũ bỏ tất cả các công việc thường nhật để theo dõi những diễn biến trong cuộc đời của Shin từ lúc 6 tuổi cho đến khi đã 84 tuổi.
Có một điểm chung, đáng chú ý là xem xong Oshin, người ta không chỉ thương cảm, ngưỡng mộ lòng nhân ái, nghị lực phi thường, sự thông minh, sắc sảo của Shin mà còn đồng cảm với người Nhật. Đặc biệt là với thế hệ người Nhật dính líu đến Thế chiến thứ hai, từng gieo rắc đau thương, tang tóc khắp Châu Á, kể cả Việt Nam (hai triệu người chết đói).
Oshin là câu chuyện sống động, đủ sức thuyết phục mọi người rằng, người Nhật cũng đói khát, gánh chịu đủ thứ đau khổ, mất mát như mọi dân tộc khác trong và sau Thế chiến thứ hai. Người Nhật, nước Nhật cũng chỉ là nạn nhân của chính quyền phát xít Nhật...
Đến giờ, tác động mạnh mẽ của Oshin lên người Việt vẫn còn sâu đậm. Oshin giờ là một danh từ có tính đại chúng, nhiều người Việt vẫn dùng để chỉ những người giúp việc nhà.
Chẳng riêng tại Việt Nam, Oshin đã tạo ra hiệu ứng tương tự trên khắp thế giới, kể cả khu vực Trung Đông. Chính phủ Nhật đã dùng Oshin như một món quà để trao tặng nhiều quốc gia. Qua Oshin, thiên hạ tự điều chỉnh nhận thức của họ về người Nhật, nước Nhật. Với nhiều cá nhân, người Nhật, nước Nhật trở thành một thứ mẫu mực. Ở Iran, sau khi một phụ nữ trả lời trên đài phát thanh quốc gia rằng với cô, Oshin là biểu tượng của phụ nữ Hồi giáo, Giáo chủ Ayatollah Khomeini - lãnh tụ tối cao của quốc gia Hồi giáo này - đã ra lệnh tống giam bốn người của đài truyền hình quốc gia với cáo buộc phải chịu trách nhiệm do đã tiếp nhận và quảng bá Oshin trên toàn quốc (2).
Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật luôn luôn tạo ra những tác động nhất định đến nhận thức. Những tác động đó tích cực hay tiêu cực, đậm hoặc nhạt phụ thuộc vào chủ trương, cách thức, mức độ. Không phải tự nhiên mà quốc gia này trao tặng học bổng cho những sinh viên ưu tú của quốc gia khác hay tài trợ cho những chương trình giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình ở quốc gia nào đó. Không phải tự nhiên mà quốc gia nào đó tổ chức triển lãm, giới thiệu rộng rãi các thành tựu hơn người của mình. Cũng không phải tự nhiên mà các kế hoạch hỗ trợ phát triển, chương trình viện trợ ra đời… Tất cả chỉ có một mục đích, tạo sự đồng cảm, phát triển thiện cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ. Đồng cảm, thiện cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ vốn trừu tượng không đo, đếm được nhưng lợi ích thu về từ sự chuyển hóa ấn tượng thành thị hiếu tiêu dùng, khuynh hướng mua sắm sản phẩm, dịch vụ lại rất cụ thể.
***
Trong vài thập niên gần đây, theo chân nhiều cường quốc, Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện các dự án đầu tư bên ngoài lãnh thổ, triển khai các kế hoạch hỗ trợ phát triển, chương trình viện trợ trên toàn thế giới. Dù đó là một nỗ lực không ngưng nghỉ nhưng nếu chịu khó theo dõi thời sự thế giới ắt sẽ thấy tại sao Trung Quốc không thành công, ắt sẽ hiểu tại sao Trung Quốc không tạo được những tác động tích cực như Trung Quốc mong muốn trên toàn cầu. Đến giờ, tác động lớn nhất, dễ thấy nhất là sự lo ngại về một Trung Quốc đang cố gắng phát triển theo kiểu Trung Quốc.
Vậy một Trung Quốc đang cố gắng phát triển theo kiểu Trung Quốc có gây lo ngại tại Việt Nam không ? Câu trả lời là có. Giống như dân chúng nhiều quốc gia khác, mức độ lo ngại về Trung Quốc nơi người Việt càng lúc càng tăng. Tuy nhiên khác với chính phủ nhiều quốc gia khác, dường như hệ thống công quyền Việt Nam muốn chuyển hóa sự lo ngại ấy thành sợ hãi. Không phải tự nhiên mà nhiều viên chức hữu trách liên tục bóng gió, xa gần về hậu quả thảm khốc nếu hành động cứng rắn đối với một Trung Quốc đã vượt xa Việt Nam cả về khả năng quân sự lẫn kinh tế. Không phải tự nhiên mà mạng xã hội càng ngày càng nhiều thách thức, chỉ trích những cá nhân bày tỏ sự lo ngại về chuyện Trung Quốc càng ngày càng hung hãn, càn rỡ ở biển Đông.
Nếu không muốn chuyển hóa sự lo ngại của dân chúng Việt Nam về Trung Quốc thành sự sợ hãi đến mức toàn dân nên nhất trí nhún nhường thì tại sao hồi tháng 2 năm nay, dù website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng khẳng định, 36 giây "kể thêm" trong "Điệp vụ Biển Đỏ" chính là thông điệp gửi cho các loại tàu xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, giữa tháng 3 này, Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia vẫn gật đầu cho bộ phim quảng bá sự thiện chiến, sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là của Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên toàn Việt Nam (3) ?
Nếu không muốn chuyển hóa sự lo ngại của dân chúng Việt Nam về Trung Quốc thành sự sợ hãi đến mức toàn dân nên "nhất trí nhún nhường" thì tại sao Công ty Phim Thiên Ngân (Galaxy ME) - một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim - có thể nhận ra ngay lập tức rằng, 36 giây "kể thêm" trong "Điệp vụ Biển Đỏ" không ổn, thành ra cương quyết lắc đầu với đề nghị của Bona Film Group (hỗ trợ một triệu Mỹ kim để Thiên Ngân đứng ra lo thủ tục phát hành "Điệp vụ Biển Đỏ" tại Việt Nam) mà Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia vẫn "gật", Bộ Văn hóa - Thông tin vẫn mạnh miệng khẳng định "gật" là "đúng qui trình", vẫn phê phán sự phẫn nộ vì cho phép Trung Quốc quảng bá rộng rãi yêu sách chủ quyền ở biển Đông qua "Điệp vụ Biển Đỏ" là "vô căn cứ" (4).
Tình tiết Bona Film Group thà bỏ ra thêm một triệu Mỹ kim nữa chứ không chấp nhận đề nghị của Galaxy ME (cắt bỏ một số cảnh không ổn trong "Điệp vụ Biển Đỏ"), nâng mức "hỗ trợ" từ một triệu Mỹ kim lên hai triệu Mỹ kim, giao "Điệp vụ Biển Đỏ" cho CGV (một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim tại Việt Nam) đứng ra làm thủ tục và tổ chức chiếu phim này trên toàn Việt Nam - như bà Đinh Thanh Hương, Tổng Giám đốc Galaxy ME, kể với báo chí có đáng xem là căn cứ để phải làm gì đó không ?
***
Thái độ, cách ứng xử kỳ quái của hệ thống công quyền Việt Nam - chủ căn nhà nhỏ trong quan hệ với Trung Quốc - chủ căn nhà lớn là lý do khiến càng ngày càng nhiều người Việt tự an ủi, những thua thiệt mà dân tộc, xứ sở của mình đã cũng như đang gánh chịu là do… định mệnh an bài, trở thành láng giềng của một gã hàng xóm xấu tính.
Nhỏ có đồng nghĩa với thua thiệt và phải sống hèn, chịu nhục không ?
Thực tế chứng minh là không !
Nếu có thời gian, xin hãy tìm đọc lịch sử Luxembourg - quốc gia mà diện tích chỉ khoảng 2.500 cây số vuông. Tuy diện tích của Luxembourg xấp xỉ các tỉnh như : Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương,… của Việt Nam nhưng dân số của Luxembourg chỉ cỡ 1/4 các tỉnh vừa kể.
Nhỏ xíu lại bị vây bọc bởi nhiều cường quốc (Pháp, Đức, Bỉ), giữa một Châu Âu từng liên tục hợp - tan do vô số kế hoạch thôn tính, triệt hạ lẫn nhau, Luxembourg từng bị quốc gia này đá qua, liên minh kia đá lại trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng Luxembourg không bị xóa sổ. Xét về bản lĩnh, Luxembourg hơn xa Prussian (Phổ - cường quốc thống trị, làm mưa, làm gió ở Châu Âu suốt hai thế kỷ 18 và 19 nhưng đến thập niên 1930 thì mất tên trên bản đồ thế giới).
Nhỏ xíu nhưng Luxembourg là một trong những thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc, đồng thời là một trong những thành viên sáng lập NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Nhỏ xíu nhưng Luxembourg còn là một trong những thành viên sáng lập BeNeLux (Belgique, Nederland, Luxembourg-Bỉ, Hà Lan, Lục Xâm Bảo), kế đó là một trong những thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Nhỏ xíu song Luxembourg luôn là quốc gia dẫn đầu về GDP/nhân khẩu trên thế giới.
Nếu đọc lịch sử Luxembourg ắt sẽ thấy, sở dĩ Luxembourg như ngày nay vì may mắn không có tập thể nào "tài tình, sáng suốt" đến mức tự nguyện biến đồng bào của mình thành "xung kích cho lực lượng vô sản toàn thế giới", tự biến quê hương của mình thành "tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa", không cậy nhờ hàng xóm để "đá những con gà cùng mẹ" và để có thể duy trì vai trò gia trưởng, luôn luôn nhẫn nại, không ngừng bày tỏ "lòng biết ơn", ý chí cầu an với những kẻ hôm nay bạt tai, ngày mai đá đít mình.
Nghĩ ra, xiển dương "vận mệnh tương thông, lý tưởng tương đồng", Trung Quốc quả là… tài !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/03/2018
Chú thích :
Tàu ngầm nước ngoài vào vùng biển Việt Nam phải nổi và treo cờ (RFA, 08/02/2018)
Tàu ngầm nước ngoài phải nổi lên mặt nước và phải treo cờ khi đi qua lãnh hải Việt Nam.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Kilo 636 (C) mang tên 'Hà Nội' được thả xuống biển từ một chiếc tàu vận tải Rolldock của Hà Lan ở vịnh Cam Ranh, miền Trung Việt Nam vào ngày 3 tháng 1 năm 2014. AFP
Đó là một trong những qui định do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày 8 tháng 2. Theo nghị định này thì các tàu ngầm khi đi ngang khu vực 12 hải lý cách bờ biển Việt Nam, nhưng không đi vào các cảng của Việt Nam thì phải nổi lên, treo cờ của nước mình, và chạy liên tục không được dừng lại, trừ trường hợp bất khả kháng là bị tai nạn hay trục trặc kỹ thuật. Và một điều quan trọng nữa là phải báo cho cơ quan chức năng biết lịch trình của mình.
Các loại tàu khác kể cả tàu chiến đều cũng phải tuân theo qui định này.
Ngoài ra trong nghị định của Thủ tướng Việt Nam cũng có qui định liên quan đến các tàu chở chất phóng xạ hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo đó ngoài các qui định về an toàn và công khai với cơ quan chức năng Việt Nam, các tàu này bị bắt buộc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay tức khắc nếu có dấu hiệu không an toàn.
**********************
Mỹ muốn tăng xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam để giảm ảnh hưởng của Nga (RFA, 08/02/2018)
Khách thăm triển lãm hàng không Singapore chụp hình gần máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ hôm 7/2/2018 - AP
Mỹ muốn Việt Nam mua vũ khí của mình nhiều hơn để giảm ảnh hưởng từ Nga.
Tạp chí chuyên về quốc phòng Defense News loan tin này vào ngày 7 tháng 2 dẫn lời một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ tại triển lãm vũ khí đang diễn ra ở Singapore nói rằng Việt Nam đang mong muốn có một quan hệ đối tác về an ninh với Mỹ ở tầm cao hơn.
Viên chức này cũng nói rằng nước Mỹ khuyến khích Việt Nam đa dạng các loại vũ khí của mình thay vì chỉ có một nhà cung cấp truyền thống là nước Nga, từ đó sẽ có những quan hệ mật thiết hơn với quân đội Mỹ.
Mỹ đã bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016, nhưng cho đến nay việc mua bán vũ khí của Mỹ vẫn không tiến triển.
Một trong những lý do được các nhà quan sát giải thích cho tình trạng không tiến triển đó là vì vũ khí của Nga có giá rẻ hơn, và điều thứ hai và Việt Nam đã quen thuộc với các hệ thống của Nga.
Giới quan sát có nhận định Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc, vì thế nếu xung đột Việt- Trung xảy ra thì Nga có thể bị Trung Quốc ép không cung cấp vũ khí cho Việt Nam, và người Trung Quốc cũng hiểu rõ hệ thống vũ khí mà Việt Nam đang sử dụng.
Theo lời Đại sứ Mỹ tại Singapore Tina Kaidanow thì đã có những tín hiệu khả quan cho việc Việt Nam làm quen với hệ thống vũ khí của Mỹ, đó là việc quân đội Mỹ chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên loại Hamilton, và Hà Nội mua của hãng Boeing các loại thiết bị do thám không người lái.
Theo các nhà phân tích thì măc dù đã có những tiến triển nhanh trong quan hệ giữa hai nước, nhưng có thể việc mua vũ khí Mỹ vẫn là điều nhạy cảm đối với một số người Việt vẫn còn không thoải mái khi nhớ lại những hành động can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Ngoài ra Việt Nam còn lo ngại là Mỹ có thể viện dẫn vấn đề nhân quyền trong tương lai để ngưng cung cấp vũ khí.
Cũng theo thông tin từ tạp chí quốc phòng Defense News, đoàn Việt Nam tại hội chợ vũ khí Singapore giữ im lặng không giao tiếp nhiều, và đến ngày thứ tư 7/2 thì đại diện của hãng Lockheed Martin cho biết rằng đoàn Việt Nam có tiếp xúc với họ.
Theo Lockheed Martin thì Việt Nam đang trong giai đoạn tìm hiểu, và cho biết nếu Chính phủ Việt Nam muốn tiến tới thì công ty này rất sẳn sàng thảo luận.
********************
Trung Quốc triển khai tiêm kích Su-35 ở Biển Đông (RFI, 08/02/2018)
Hôm 07/02/2018, Không quân Trung Quốc thông báo các máy bay tiêm kích phản lực Su-35 do Nga sản xuất đã được triển khai ở vùng Biển Đông để "thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu hỗn hợp".
Tiêm kích Nga Sukhoi 35 tại triển lãm hàng không Châu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 10/11/2014AFP
Theo thông báo nói trên, đây là một phần trong nỗ lực của Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập huấn "trong điều kiện thực tế chiến đấu" để tăng cường khả năng tác chiến của các máy bay tiêm kích phản lực này ở vùng biển sâu hoặc ở khoảng cách xa. Nhưng thông báo không nói rõ là có bao nhiêu chiếc Su-35 tham gia cuộc thao dượt này.
Vào cuối năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 24 máy bay tiêm kích Su-35 của Nga và đến cuối năm ngoái đã tiếp nhận 14 chiếc đầu tiên và 10 chiếc còn lại sẽ được giao trong năm nay.
Su-35 là phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ đa năng Su-27, có tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn, bay với tốc độ tối đa 2390 km/h, và có tầm bay có thể đạt tới 4500 km. Ngoài chiếc J-20, chiến đấu cơ phản lực tàng hình thế hệ thứ tư do Trung Quốc sản xuất, Su-35 là chiến đấu cơ tối tân nhất mà Không quân Trung Quốc hiện có.
Theo đánh giá của một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Su-35 là một chiếc máy bay rất nguy hiểm và ngay cả F/15 Eagle hay F/A/18E/F Super Hornet của Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn khi đối phó với máy bay tiêm kích này.
Thanh Phương
**********************
BrahMos là sản phẩm của công ty Hàng không-Vũ trụ BrahMos, một liên doanh Nga-Ấn Độ, và được đánh giá là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới với tầm bắn gần 300 km. Hiện đang được trưng bày và chào hàng tại Triển lãm Hàng không Airshow Singapore, ý định xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại.
Brahmos, loại hỏa tiễn siêu thanh lợi hại có thể phóng đi từ tàu ngầm, mà Ấn Độ định bán cho Việt Nam. wikipedia
Phát ngôn viên của BrahMos tại triển lãm Singapore cho biết nhiều cuộc đàm phán đang được tiến hành "với một số nước", nhưng tập đoàn chỉ muốn bán cho những quốc gia "đáng tin cậy" thân thiết với cả New Delhi lẫn Matxcơva.
Theo thông tin báo chí, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Việt Nam, quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos. Trang CNBC của Úc chỉ đơn cử trường hợp Việt Nam để cho thấy lo ngại của Bắc Kinh trước việc tên lửa siêu thanh nằm trong tay các nước láng giềng.
Hà Nội hiện đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Bắc Kinh. Vì vậy, nếu thỏa thuận bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam thành hiện thực, Trung Quốc sẽ coi đó là một hành động leo thang vì "lần đầu tiên, Ấn Độ cho thấy ý định trang bị vũ khí cho một quốc gia ngay ở cửa ngõ Trung Quốc", theo nhận định của ông Shashank Joshi, phụ trách quan hệ quốc tế của Viện Tony Blair.
Chính quyền của thủ tướng Narendra Modi vẫn bác bỏ những thông tin cho rằng New Delhi sẽ bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội. Một số quan chức Việt Nam lại nói úp mở rằng hai bên đang đàm phán.
Trung Quốc hoàn toàn có lý do để lo lắng trước loại tên lửa được mệnh danh là "sát thủ hành trình".
BrahMos rất cơ động vì có thể được phóng đi từ trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương, như lô cốt, hệ thống radar, với hiệu quả tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk được Mỹ sử dụng chống tổ chức Nhà Nước Hồi giáo.
Vẫn theo giải thích của ông Shashank Joshi, trong trường hợp "Ấn Độ muốn bắn từ ngoài khơi, tên lửa có thể bắn tới bờ biển của kẻ thù. Nếu bắn từ trên không, tên lửa có thể tấn công được một số mục tiêu ở vùng Tây Tạng". Chưa dừng ở đó, "Nga và Ấn Độ vẫn đang nghiên cứu để tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa. Nếu thành công, BrahMos còn linh hoạt hơn và nguy hiểm hơn", trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được một số tranh chấp biên giới và luôn tỏ ra đối đầu trong những tham vọng chính trị.
Ngoài ra, giá bán cũng là một lợi thế khác của BrahMos. Theo nhà sản xuất, do công việc bảo trì ít tốn kém nên loại vũ khí này có giá cả hợp lý nhất trong số các hệ thống tên lửa hành trình đang tồn tại.
Ông Sameer Patil, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế của tổ chức tư vấn Gateway House tại Mumbai, cũng cho rằng việc xuất khẩu loại tên lửa này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại vì BrahMos "sẽ nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của bất kỳ nước nào mua chúng. Điều này còn đúng hơn đối với một số nước Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc".
BrahMos là một dự án đặc biệt hữu hiệu đối với Matxcơva, theo nhà phân tích quốc phòng Zoe Stanley-Lockman tại Singapore, và cũng là một trong số ít dự án hợp tác Nga-Ấn mà Matxcơva muốn tận dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và hy vọng thay thế Hoa Kỳ trong việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, Matxcơva cũng duy trì quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, vì vậy tổng thống Putin sẽ tỏ ra thận trọng trước những quan ngại của Trung Quốc về việc xuất khẩu "sát thủ hành trình"BrahMos.
Thu Hằng
*******************
Trung Quốc càng gia tăng sức ép, Việt Nam càng cần Mỹ (VNTB, 08/02/2018)
Quan hệ Việt - Mỹ đang tăng trưởng trong hợp tác quốc phòng, tìm kiếm lính Mỹ mất tích, rà phá bom mìn, hợp tác giáo dục... Nhưng còn điều gì khiến mối quan hệ hai quốc gia còn trục trặc ?
Tác giả Le Thu Huong, trong một bài đăng tải trên chuyên trang bình luận chính trị ASPI - The Satrategist đã có những chia sẻ đáng lưu ý, trong đó dù trong bất cứ hoàn cảnh nào - thì Việt Nam phải luôn cần Mỹ, sự gia tăng sức ép của Trung Quốc càng lớn, thì Mỹ càng cần phải hiện diện.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson
ề mặt quốc phòng, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis gần đây đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của ông tới Đông Nam Á. Đáng lưu ý, chuyến thăm Indonesia và Việt Nam đã được liệt kê trong chiến lược an ninh quốc gia mới gần đây của Washington và là đối tác quốc phòng có ý nghĩa ngày càng tăng trong khu vực. Chuyến đi này không chỉ đánh dấu vai trò lớn hơn của hai quốc gia trong khu vực, mà còn là dấu hiệu cho thấy Washington đang tăng cường hợp tác ngoài các liên minh hiệp ước khu vực (Thái Lan và Philippines). Ông Mattis khẳng định rằng Mỹ muốn có mối quan hệ mạnh mẽ hơn với một Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Hà Nội đã có những nỗ lực tích cực từ những ngày đầu của chính quyền mới của Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu nhà nước Đông Nam Á đầu tiên và thứ ba từ Châu Á (sau Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) - gặp mặt Tổng thống Donald Trump ở Washington. Nhiều chuyến thăm cấp bộ cũng đã diễn ra và Tổng thống Mỹ đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái nhân sự kiện APEC.
Ý tưởng chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ đã được đưa ra trong chuyến thăm Washington của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vào tháng Tám vừa qua. Tại Hà Nội, Mattis gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thăm chùa Trấn Quốc và thảo luận về kế hoạch cho tàu USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng Ba, năm 2018. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên kể từ khi quân Mỹ rời khỏi Việt Nam - chấm dứt chiến tranh vào năm 1975. Chỉ hai ngày trước khi Mattis đến, Mỹ cam kết khắc phục hậu quả dioxin tại Căn cứ Không quân Biên Hòa.
Trong khi đó, sự kiện kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân – có thể không gây ra một cuộc tranh cãi có yếu tố lịch sử, mà lại bắt nguồn từ các thế lực hiện tại trong khu vực.
Vậy Trung Quốc thế nào ?
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Trung Quốc không phản đối chuyến viếng thăm của ông Carl Vinson tới Việt Nam, nhưng Hoàn Cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo về ‘vạch đỏ’ mà Mỹ và Việt Nam không nên vượt qua. Bắc Kinh muốn các yếu tố bên ngoài, như Mỹ, phải tránh xa sự tranh chấp mà nước này cho là song phương.
Sự không hài lòng của Trung Quốc đối với việc Washington nối lại quan hệ với Hà Nội không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì sự phát triển này diễn ra giữa lúc căng thẳng hai nước bùng phát, ngay sau khi chiến lược quốc phòng của Mỹ được công bố, và rõ ràng ‘đối thủ chiến lược’ là nhằm vào Trung Quốc. Thêm vào đó, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) được triển khai gần đây nhất bởi một tàu chiến từ Mỹ, khi vào ngày 17 tháng Một, chiến hạm USS Hopper đã đi gần bãi biển Scarborough - một khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh, vào năm 2012. Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng FONOP đã vi phạm chủ quyền và Bắc Kinh buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm tăng cường thiết lập các cơ sở quân sự trên các hòn đảo nhân tạo. Về phía Hà Nội, cũng đang tích cực duy trì các yêu sách của mình ở Biển Đông. Chuyến thăm của Mattis đến các nước Đông Nam Á, và đặc biệt là cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Hà Nội, khiến Bắc Kinh cảm thấy phiền phức.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tại Hà Nội
Và cách Trung Quốc ứng phó là hình thành một truyền thống báo hiệu những gì họ mong muốn từ các nước láng giềng và những gì họ không muốn xảy ra. Chẳng hạn, bằng ngoại giao, Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố với một số quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, rằng Hà Nội đang phản ứng quá mức. Và lối chỉ trích cứng rắn của Trung Quốc - là một phần của chiến lược của Bắc Kinh. Theo đó, nó đề cao sự bất mãn của nước này trước khi đi đến sự cưỡng chế nhằm thay đổi hành vi của quốc gia mục tiêu.
Để phản ứng thích hợp với Trung Quốc, Việt Nam cần sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của Mỹ. Và có lẽ, Hà Nội đã phát triển một phản ứng thích hợp nhằm chống lại sự cưỡng chế từ phía người bạn lớn của mình. Chẳng hạn, tháng Năm, năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu HYSY-981 vào vùng biển Việt Nam, Hà Nội đã phát động chiến dịch ngoại giao và truyền thông tập trung để chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc. Kết quả là, Trung Quốc đã rút lại giàn khoan trước thời hạn. Tuy nhiên, vào tháng Bảy, năm 2017, dưới áp lực của Bắc Kinh trong việc yêu cầu ngừng thăm dò khí đốt với công ty Repsol, Hà Nội phải cúi đầu. Tất nhiên, phản ứng trong mỗi tình huống sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề và các yếu tố khác như lợi ích từ nhượng bộ hoặc cái giá phải trả để chống lại sự cưỡng ép từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng, Hà Nội coi chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ là một cơ hội có giá trị đối với Trung Quốc, tuy nhiên vẫn còn một số chỗ để đàm phán, có lẽ về thời gian của chuyến thăm, thời gian lưu trú của tàu sân bay và những gì mà Hà Nội có thể nói về tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sự cam kết liên tục của Washington rằng lập trường cứng rắn của Mattis đối với Trung Quốc không phải là sự tạm thời và rằng một cam kết của Washington đối với Biển Đông vẫn nằm trong danh sách ưu tiên của Trump.
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : Aspistrategist
Nhật cải tiến chiến hạm, đối phó Trung Quốc và Bắc Hàn (RFA, 26/12/2017)
Với lý do phải đối phó với cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn, quân đội Nhật Bản dự tính điều chỉnh chiến hạm Izumo chỉ đáp được trực thăng thành tàu chiến có bãi đáp dành cho chiến đấu cơ tàng hình F-35B do Hoa Kỳ chế tạo.
Chiến hạm Izumo rời căn cứ Yokosuka ở Knagawa hôm 1/5/2017. AFP
Reuters cho hay nghe được tin này từ 3 nguồn tin phát xuất từ chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo lời ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera, chính phủ Nhật Bản hiện đang cứu xét nhiều đề nghị khác nhau, nên chưa thể nói trước là để nghị nào sẽ được thực hiện.
Các giới chức quốc phòng Nhật cho biết khi chế tạo tàu chiến Izumo có bãi đáp trực thăng, họ đã nghĩ đến chuyện có ngày dùng chiến hạm này cho các loại chiến đấu cơ khác, miễn là các máy đó có có thể cất cánh và hạ cánh y hệt như trực thăng.
Xin nói thêm rằng cũng như Nam Hàn, Nhật Bản là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn. Ngoài ra, Nhật còn phải đối phó với sức bành trướng quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là những hoạt động của Bắc Kinh ở gần khu vực đảo Senkaku, tức Điều Ngư, mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền.
*********************
Trung Quốc diễn tập gần Đài Loan nhiều lần (RFA, 26/12/2017)
Không quân Trung Quốc đã tập trận 16 lần gần Đài Loan trong vòng khoảng một năm qua. Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 26/12 cảnh báo mối đe dọa về quân sự từ Trung Quốc đối với Đài Loan đang tăng từng ngày.
Tập trận Han Glory cách thành phố Magong trên quần đảo Bành Hồ của Đài Loan hôm 25/5/2017 - AFP
Một báo cáo dài của Bộ Quốc phòng Đài Loan đã liệt kê ra những lần không quân Trung Quốc diễn tập gần quần đảo kể từ hồi cuối tháng 10 năm ngoái đến nay. Báo cáo cũng nêu cụ thể những máy bay chiến đấu và ném bom nào đã tham gia diễn tập. Trong số 16 cuộc diễn tập, 15 cuộc diễn ra quanh Đài Loan với máy bay bay từ eo Bashi giữa Đài Loan và Philippines, gần đảo Miyako của Nhật Bản, nằm về phía bắc Đài Loan. Cuộc còn lại là qua eo Bashi vào Thái Bình Dương.
Trong khi đó báo chí Đài Loan ước tính các máy bay Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 20 lần diễn tập quanh Đài Loan trong vòng một năm qua. Con số này vào năm 2016 là 8 cuộc.
Trung Quốc nhiều lần nói các cuộc diễn tập này là bình thường.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan nói tần suất các cuộc diễn tập của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa lớn về an ninh đối với eo biển Đài Loan. Báo cáo cũng cho thấy sự đọ sức về quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc như giữa David và Goliath và vì vậy kêu gọi quân đội Đài Loan phải áp dụng một chiến lược phòng ngự nhiều tầng.
Theo báo cáo, Trung Quốc có quân đội ước tính khoảng 2 triệu quân. Con số này của quân đội Đài Loan là 210.000 người.
Trung Quốc thời gian qua đã có lập trường ngày càng trở nên thù địch đối với Đài Loan kể từ sau khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Cấp tiến trở thành Tổng thống vào năm ngoái. Bắc Kinh nghi ngờ bà đang đưa Đài Loan trở thành độc lập một cách chính thức, tức là vượt qua lằn ranh đỏ mà Trung Quốc đã vạch ra. Trong khi đó bà Thái Anh Văn lại nói bà chỉ muốn có hòa bình với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ an ninh của Đài Loan.
Đài Loan tách khỏi Trung Quốc sau cuộc nội chiến vào năm 1949. Mặc dù Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc nhưng nước này chưa bao giờ tuyên bố độc lập một cách chính thức.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ ngày được độc lập.
Căng thẳng giữa hai nước đã tăng cao hồi đầu tháng này khi một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đe dọa là Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan nếu tàu chiến Mỹ ghé thăm cảng Đài Loan.