Săn bản đồ, giữ đảo bị cho thôi việc ; bán đất, mất bản đồ được giao chỉ đạo công trình lịch sử !
Đảng và nhà nước Việt Nam trong dụng nhân tài và bảo vệ chủ quyền, lợi ích công cộng như thế nào ? Khai trừ đảng, cho thôi việc tiến sĩ khoa học tài năng Trần Đức Anh Sơn, người chuyên "săn bản đồ" cổ và tìm ra nhiều bằng chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường sa. Trớ trêu thay, Tất Thành Cang, người phải chịu phần lớn trách nhiệm về những sai phạm đất đai, làm mất bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, bán rẻ hơn 30.000 m2 đất ở Phước Kiển… lại được bổ nhiệm làm phó ban chỉ đạo công trình lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Courtesy of FB Tran Duc Anh Son
Ngày 30-3, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, thông tin trên fb cá nhân, cho biết "Ngày mai, 31/03/2019, sẽ là ngày tôi chấm dứt "sự nghiệp" viên chức nhà nước của mình sau 29 năm 1 tháng 11 ngày theo đuổi "sự nghiệp" ấy. Quyết định cho tôi thôi việc đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng ký hôm thứ Năm (28/03/2019), mà hôm nay và ngày mai là hai ngày nghỉ cuối tuần, nên chính xác thì tôi đã chấm dứt sự nghiệp "viên chức" từ 5g chiều qua (29/03/2019)".
"Người săn bản đồ"
Điểm lại 29 năm làm việc trong guồng máy nhà nước, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho thấy một bề dày đáng nể : "đã xuất bản được 9 đầu sách viết riêng, 3 đầu sách viết chung và 12 cuốn sách với tư cách là chủ biên. Những cuốn sách tôi viết hay chủ biên, chủ yếu là về lịch sử - văn hóa Huế, di tích và văn vật của triều Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông... Tôi cũng đã viết rất nhiều bài báo / bài nghiên cứu (không nhớ chính xác, nhưng ước khoảng trên 1.500 bài), đăng tải trên khoảng 300 tờ báo và tạp chí khác nhau ở trong và ngoài nước. Tôi đã tập hợp nhưng bài đăng báo này, copy và đóng thành bộ TRẦN ĐỨC ANH SƠN TOÀN TẬP để lưu trữ tại tủ sách gia đình. Đến nay, bộ toàn tập này đã được 18 tập.
- Về nghiên cứu khoa học, đã chủ trì 13 đề tài / đề án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội - nhân văn ; và hiện đang chủ trì 2 đề án nghiên cứu khác. đã tham dự khoảng 40 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế ; có 5 bài nghiên cứu được đăng trong tạp chí chuyên ngành.
- Đã giảng dạy tại 5 trường đại học và cao đẳng, hướng dẫn 10 học viên cao học làm xong luận văn thạc sĩ, hiện đang hướng dẫn 01 học viên khác.
- Về nghiên cứu và tu nghiệp ở nước ngoài, đã đoạt được học bổng toàn phần của các chính phủ nước ngoài để đi tu nghiệp và nghiên cứu ở : Nhật Bản (1997 - 1998), Hàn Quốc (1999), Đức (2004), Pháp (2004) và Hoa Kỳ (2015 - 2016)… (2).
Dòng trạng thái trên FB của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn hôm 30/3/2019 Courtesy FB Tran Duc Anh Son
Ông cho biết đã tìm thấy bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.
Ông Sơn từng có một số sách được xuất bản như "Hoàng Sa, Trường Sa, Tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế", "Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", v.v…
Sai mà không biết sai gì
Sự kiện một nhà khoa học tài năng ở độ tuổi chín mùi, sung mãn, từng là đề tài, là tác giả của hàng ngàn bài báo phải rời khỏi guồng máy nhà nước không được tờ báo nào thông tin. Ngược lại, hầu hết báo chí quốc doanh lại đua nhau khai thác thông tin nhảm nhí về Khá Bảnh, một hot boy của giới trẻ có nguồn gốc giang hồ.
Trước đó, ngày 8/3, cũng tất cả các tờ báo quốc doanh rộ lên thông tin Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Nội dung thông tin y hệt như nhau, rất chung chung.
"Thành ủy Đà Nẵng cho rằng ông Trần Đức Anh Sơn đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội, vi phạm Điều 3, 4, Quy định số 47 của Ban chấp hành trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm ; vi phạm Quy định 5946 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.
Thành ủy nhận định những vi phạm của ông Sơn là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ; Làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi sinh hoạt, công tác
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Trần Đức Anh Sơn".
Điều lạ lùng là những thông tin "tin, bài xai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" đó là gì thì không được báo chí nêu ra để người dân biết lên án, đầu tranh với ông Sơn, thể hiện lòng trung thành dạt dào với đảng. Theo tiêu chí của nền báo chí dân chủ xã hội chủ nghĩa cao gấp trăm lần dân chủ giả hiệu của phương Tây thì lẽ ra phải có chiến dịch thông tin, trích dẫn những luận điểm sai trái như từng làm với Nhân Văn - Giai Phẩm vì các bài viết của ông Sơn trên mạng xã hội là công khai, đâu phải lén lút bí mật ?
BBC đã nhận định rằng : "Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng nhiều khả năng đó là những bài viết của ông Sơn phân tích tình hình Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và các nhận định về Trung Quốc"…
Bị khai trừ vẫn… lương thiện, yêu nước
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng mấu chốt của sự việc là từ bài trả lời phỏng vấn New York Times của ông Sơn năm 2017 với tiêu đề 'Người săn bản đồ ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông".
Bài viết kể về hành trình ông Sơn, theo lệnh cấp trên, đi tìm kiếm các tài liệu và bản đồ trên khắp thế giới để hỗ trợ chứng cứ cho khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Bài báo trên New York Times về Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn Courtesy New York Times - ảnh chụp màn hình
Sau đó ông Sơn kết luận rằng Việt Nam nên thách thức các hoạt động của Trung Quốc tại một số đảo thuộc các vùng biển đang tranh chấp, như Philippines đã làm và đã thành công. Nhưng cấp trên của ông 'không bị lay chuyển' bởi đề xuất này.
"Họ luôn luôn nói với tôi, "Sơn, hãy giữ bình tĩnh", "Đừng nói xấu về Trung Quốc", ông Sơn nói trong bài báo trên New York Times.
"Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là '"nô lệ" của Bắc Kinh, ông [Trần Đức Anh Sơn] cay đắng nói... Đó là lý do tại sao chúng ta giấu nhiều tài liệu trong bóng tối", bài báo của Mike Ives trên New York Times viết (2).
Trải lòng trên fb về vụ kỷ luật này, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã chân thành xin lỗi những cộng sự, bạn bè, người thân vì đã làm phiền đến họ nhưng ông khẳng định "Tôi vẫn luôn là một người lương thiện, yêu nước, yêu đồng bào mình và vẫn tràn đầy nhiệt huyết như trước, vẫn là NGƯỜI NƯỚC HUỆ như các bạn đã từng biết ở trên Facebook lẫn ngoài đời. Vậy nhé các bạn".
Hàng trăm bài viết và ý kiến trên mạng xã hội đã chia sẻ với Tiến Sĩ Anh Sơn bị khai trừ không phải là chuyện buồn. Báo Người Việt đã bình luận "Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra. Bởi sự ra đi của ông Chu Hảo hay Trần Đức Anh Sơn không làm mất đi tính danh giá của cá nhân họ, mà ngược lại nó càng gia cố thêm sự danh giá cá nhân của họ, và họ được hoan nghênh, ca tụng là "sự trở về với nhân dân". Và với quyết định kỷ luật lần này mà đảng cộng sản Việt Nam áp dụng đối với ông Sơn, câu hỏi đặt ra là : Những người có tài có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn lại những ai ?" (3).
Cũng ngay trong ngày Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị cho thôi việc, dư luận lại lên cơn phẫn nộ trước thông tin Tất Thành Cang được giao chức chức vụ Phó trưởng Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi im như thóc về việc Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị cho thôi việc, các báo lề phải đồng loạt đưa tin về chức vụ mới của Tất Thành Cang cũng theo cùng một khuôn mẫu.
"Tại hội nghị lần thứ 26 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X diễn ra chiều nay 30/3, ông Tất Thành Cang có mặt tại hội trường thành ủy. Theo danh sách niêm yết trên bảng thông tin điện tử tại hội nghị, ông Tất Thành Cang hiện đang giữ chức vụ Phó trưởng Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" (4).
Tuy nhiên lần này khá hơn một chút, các báo đều cố gắng nhắc lại cái quá khứ đen đúa của Cang một cách giản lược.
"Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 2018 đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, cách chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh".
Dọn rác cũng cần trung thực
"Ngoài ra, ông Tất Thành Cang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố. Trước đó, trong thời gian giữ vị trí Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắc hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm…" (4).
Mạng xã hội thật sự lên cơn phẫn nộ về việc phân công này. Nhiều fbker là nhà báo đã miệt thị nặng nề bất chấp luật An Ninh Mạng hay những đánh giá khắt khe của cơ quan chủ quản có thể đẩy họ ra khỏi vị trí công việc. Fbker Trần Xuân Thái, Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam đã viết : "Nhục lắm, cho thành phố Sài Gòn này. Đúng hơn là Thành phố Hồ Chí Minh, vì 2 chữ "Sài Gòn" thì không làm vậy. Tên tội đồ đi chỉ đạo dự án về lịch sử. Đan Mạch, xúc phạm cha ông.
Đừng cố gắng cơ cấu kiểu "hết xôi rồi việc" như vậy, vì nhân dân dễ nhận ra một lũ dốt nát, ngạo mạn.
Vấn đề là, mọi kẻ dốt nát đều ngạo mạn. Và những kẻ kiêu ngạo đều coi trời bằng vung" (5).
Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - Courtesy Chân Trời Mới Media
Hoàng Hải Vân, cựu Tổng Thư Ký Tòa soạn báo Thanh Niên viết "Lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh phải được viết bởi những người có trí tuệ và có nhân phẩm mới có thể bảo đảm được tầm cỡ và tính trung thực của công trình. Đó là các vị giáo sư, các nhà khoa học lịch sử và khoa học liên ngành uy tín có thực học. Công trình chắc chắn tốn không ít tiền của.
Thế nhưng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lại giao cho ông Tất Thành Cang, người vừa bị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật cách chức do những sai phạm tày đình liên quan đến sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích gây tổn hại nghiêm trọng cho chính quyền và nhân dân thành phố, làm "Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" (theo báo Tuổi Trẻ). Dù ông Cang vẫn còn là Thành ủy viên, nhưng ông này không còn một chút uy tín nào đối với người dân, sao có thể đủ tư cách chỉ đạo các nhà khoa học có tư cách viết lịch sử ?
Điều hành các công nhân dọn rác cũng cần phải giao cho người trung thực và biết như thế nào là sạch sẽ, huống hồ là điều hành một tập thể các nhà khoa viết sử. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh muốn mang tiền nhân và giới trí thức viết sử ra đùa giỡn chăng ?" (6).
Theo VOA thì "một số nhà quan sát và nhà báo kỳ cựu Việt Nam viết trên mạng xã hội rằng chức danh mà ông Tất Thành Cang mới được giao có thể xem chỉ là một điểm dừng chân tạm, một "ga xép" trong quá trình ông bị kỷ luật.
Các nhà quan sát, nhà báo dẫn ra trường hợp cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bô trưởng Đinh La Thăng, hay các cựu Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều bị kỷ luật về mặt đảng, tiếp đến được giao những nhiệm vụ tạm thời, nhưng cuối cùng đã bị truy tố, bắt giam, và xử tù. Từ đó, họ nhận định rằng cựu quan chức đảng Tất Thành Cang khó tránh khỏi số phận tương tự" (7).
Nhận định này có vẻ để vuốt ve, làm giảm đi sự phẫn nộ của dư luận, thực ra, những trường hợp trên đều là quan chức cấp cao hơn và mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên cần có chỗ ngồi tạm trước khi vào lò. Trường hợp của Cang hoàn toàn khác, sai phạm của Cang với nước và nhất là với Dân quá lớn, quá rõ không cần ngồi tạm ở đâu trước khi vào lò.
Khác với những ông Bộ trưởng đã nêu, Cang phạm tội với Dân nhưng không có lỗi gì với đảng. Cang không ăn một mình mà ăn đồng chia đủ. Cang bản lĩnh không chỉ ra người trong bụi nên càng được đảng bảo vệ, Còn lâu Cang mới vào lò. Nếu dư luận xẹp xuống, Cang sẽ tiếp tục yên vị.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 03/04/2019
__________________________
(1) https://www.facebook.com/anhsontd/posts/928206724053899
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47492717
(3) https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/ong-tran-duc-anh-son-bi-khai-tru-hay...
(4) https://vov.vn/nhan-su/ong-tat-thanh-cang-giu-chuc-pho-ban-chi-dao-cong-...
(6) https://www.facebook.com/profile.php?id=100001472083411
(7) https://www.voatiengviet.com/a/lieu-tat-thanh-cang-se-b%E1%BB%8B-truy-to/4856930.html
Một sử gia nổi tiếng của Việt Nam chỉ trích chính phủ đã không phản ứng nhiều hơn đối với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền Việt Nam vì những bình luận ông đăng trên Facebook.
Ông Trần Đức Anh Sơn
Cuộc thanh trừng chính trị ông Trần Đức Anh Sơn, một chuyên gia về các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, thể hiện rõ cách đảng xử lý người bất đồng chính kiến trong đội ngũ đảng viên cấp thấp. Hiện tượng này cũng nhấn mạnh sự nhạy cảm xung quanh việc Việt Nam xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là kẻ xâm lược trước đây.
Truyền thông nhà nước tuần trước đưa tin rằng Tiến sĩ Sơn, mới ngoài 50 tuổi và công tác lâu năm tại một viện nghiên cứu của nhà nước ở Đà Nẵng, đã bị khai trừ vì đăng thông tin sai lệch và vi phạm quy chế đảng viên.
"Tôi biết ngày này sẽ đến", tiến sĩ Sơn nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến. Ông đã đóng tài khoản Facebook của mình trong tuần này, nói rằng ông cần thêm thời gian để thực hiện các dự án sách và chuyển sang mới với tư cách là giám đốc một nhà xuất bản.
Tiến sĩ Sơn cho biết bình luận trên Facebook khiến ông gặp rắc rối nhất là một câu hỏi ngắn mà anh đặt ra vào tháng 9 năm ngoái dưới một bức tranh biếm chỉ trích chính quyền.
Một nhân vật trong hoạt hình nói : "Bảy mươi ba năm trước họ đã lôi kéo mọi người tụ tập để nghe Tuyên ngôn độc lập. Bảy mươi ba năm sau họ cấm mọi người tụ tập để ăn mừng ngày quốc khánh".
Điều này ám chỉ bản tuyên ngôn nổi tiếng năm 1945 của ông Hồ Chí Minh, là chủ tịch nước tương lai tuyên bố Việt Nam độc lập khỏi Pháp, và một sự chỉ trích xéo lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản đang gia tăng đàn áp giới bất đồng chính trị.
Tiến sĩ Sơn cho biết câu hỏi mà ông viết bên dưới tranh biếm - "Đây có phải là sự thật không ?" - đã khiến Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Đà Nẵng mở cuộc điều tra kéo dài hàng tháng.
Ông Sơn nói rằng ông cũng bị điều tra vì một bình luận trên Facebook - "Sao mà cái gì cũng txấu hết vậy ?" - mà ông viết dưới một bài đăng trích dẫn hai bài báo truyền thông nhà nước viết về bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Mặc dù nhiều người Việt Nam không đánh giá cao Đảng Cộng sản, nhưng đảng viên thường tránh chỉ trích đảng vì sợ hậu quả sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của họ, Mai Thanh Sơn, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Xã hội ở miền Trung Việt Nam cho biết.
"Việc khai trừ ông Trần Đức Anh Sơn là một quyết định thiếu suy nghĩ", ông Mai Thanh Sơn nói. "Làm vậy là giống như thả một con hổ về rừng, và góp phần làm rõ bộ mặt hèn nhát của bộ máy cầm quyền mà đảng cộng sản là đại diện".
Tháng 1, luật an ninh mạng đã có hiệu lực tại Việt Nam yêu cầu các công ty công nghệ có người dùng ở đó thiết lập văn phòng và lưu trữ dữ liệu trong nước đồng thời phải tiết lộ dữ liệu người dùng cho chính quyền mà không cần lệnh của tòa án. Những người ủng hộ nhân quyền nói rằng luật an ninh mạng của Việt Nam chính là để chính phủ giám sát chặt chẽ hơn những người chỉ trích trên Facebook mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam.
Facebook từ chối bình luận về hồ sơ về tài khoản của Tiến sĩ Sơn.
Bộ Ngoại giao đã không trả lời các câu hỏi được gửi qua email về việc khai trừ đảng tiến sĩ Sơn cũng như việc ông chỉ trích chính sách Biển Đông có đóng vai trò gì trong đó hay không.
Việt Nam đã đụng độ nhiều lần với Trung Quốc trên biển, nơi Trung Quốc tuyên bố hầu hết các tuyến đường thủy là của riêng họ. Đáng chú ý, vào năm 2014, công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đã kéo một giàn khoan dầu đến vùng biển gần Đà Nẵng, gây ra một cuộc biểu tình căng thẳng trên biển và bạo loạn chống Trung Quốc tại một số khu công nghiệp Việt Nam. Đảng Cộng sản lo ngại sự lặp lại chủ nghĩa dân tộc Việt Nam bài Trung Quốc như vậy, một phần vì một số người chỉ trích đặt câu hỏi tại sao chính phủ không có đường lối chống Bắc Kinh cứng rắn hơn.
Các quan chức và học giả Trung Quốc biện minh cho yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền biển Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp bằng cách trích dẫn các bản đồ và bằng chứng có từ những năm 1940 và 1950.
Nhưng Tiến sĩ Sơn và các nhà sử học Việt Nam cho rằng triều Nguyễn, cai trị Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945, nắm quyền kiểm soát hành chính rõ ràng ở Hoàng Sa, nhiều thập kỷ trước khi chính quyền phong kiến hoặc hậu cách mạng Trung quốc thể hiện sự quan tâm đến các quần đảo này.
Mike Ives
Nguyên tác : Vietnam’s Communist Party Ousts Historian Who Criticized Its China Policy, The New York Times, 13/03/2019
Khánh Anh dịch
Nguồn : VNTB, 15/03/2019
"Đăng Facebook, ông Trần Đức Anh Sơn bị Đà Nẵng khai trừ Đảng". Đó là nội dung của nhiều bản tin trên báo điện tử, đăng tải gần như đồng loạt vào sáng ngày 8/3/2019.
"Đăng Facebook, ông Trần Đức Anh Sơn bị Đà Nẵng khai trừ Đảng".
Theo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội Facebook. Hành vi này vi phạm Điều 3, 4, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm ; vi phạm Quy định 5946-QĐ/TU ngày 13/09/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.
Trái ý Tổng bí thư là bị kỷ luật
Quy định 47-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Điều 3 và 4 của quy định này có nội dung như sau :
3. Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội ; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật.
4. Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Điều 3 của Quy định như sau (văn bản Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, ngày 15/03/2012) :
"Đảng viên không được :
1. Viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài không đúng như xảy ra trong thực tế ; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án hoặc tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi toà án đưa ra xét xử ; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định.
2. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh dưới mọi hình thức có nội dung và tính chất sau đây :
a) Kích động chống Đảng, chống Nhà nước, chống chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, chiến tranh tâm lý, gây hận thù giữa các dân tộc, các tôn giáo, gây hoài nghi, hoang mang trong nhân dân ; truyền bá lối sống cơ hội, thực dụng, trái đạo lý.
c) Xuyên tạc lịch sử, phản ánh không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và cá nhân lãnh tụ đối với sự nghiệp cách mạng ; xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của cá nhân.
d) Phản ánh những vấn đề về lịch sử của Đảng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công khai hoặc công bố. đ) Truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, có tính chất mê tín (mua, bán, in, sao, tàng trữ, tán phát, tuyên truyền bằng sách, ấn phẩm, băng, đĩa, phim, ảnh và các loại thiết bị lưu giữ tài liệu khác).
3. Tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật dưới mọi hình thức".
Điều 4 của Quy định 47-QĐ/TW, được hướng dẫn như sau :
"Đảng viên không được :
1. Chủ trì, tham gia tổ chức, vận động, lôi kéo, tập hợp đảng viên, quần chúng mang tính chất cục bộ địa phương, phe cánh, họ tộc, nhóm lợi ích nhằm tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị, vị trí công tác, chức vụ trong bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.
2. Lợi dụng quyền phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ để phát ngôn hoặc nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để nhận xét, bình luận, đánh giá ngoài phạm vi tổ chức cho phép ; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tập thể và cá nhân.
3. Có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập dưới mọi hình thức đối với người tố cáo, phê bình, góp ý với bản thân, bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột hoặc tổ chức do mình phụ trách".
Tại sao lại cấm đảng viên ‘mở miệng’ ?
Báo chí không cho biết cụ thể ông Trần Đức Anh Sơn đã vi phạm cụ thể những nội dung nào ở Điều 3, 4 mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quy định ở văn bản 47-QĐ/TW.
Nếu như dễ dàng minh định cho nội dung liên quan vi phạm "chính sách, pháp luật của Nhà nước", thì câu hỏi đặt ra thế nào là "viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng" ?
Hiến pháp 2013, Điều 4.3 có trao quyền giám sát cho nhân dân về mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài viết của ông Trần Đức Anh Sơn khi đăng trên mạng xã hội Facebook, ngay cả khi ông nhân danh đảng viên Trần Đức Anh Sơn để viết, và có những nội dung khiến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘kém vui’, thì đó cũng chỉ là ‘sự thật mất lòng’, nằm trong vấn đề ‘phê và tự phê’ do chính Đảng Cộng sản phát động.
Với tư cách một người dân, người viết cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần xem xét lại các quy định ‘những điều cấm đảng viên mở miệng’. Bởi đơn giản là một khi Đảng Cộng sản hoạt động bằng ngân sách công, thì đảng này phải chịu sự lên tiếng ‘búa rìu’ dư luận thường xuyên, đa chiều của người dân Việt Nam ; bao gồm cả đảng viên – những người cũng góp phần thuế vào túi tiền chi tiêu của Đảng Cộng sản.
Đơn giản hơn, đó là việc ngân sách công buộc phải đi kèm với sự kiểm soát ; nhất là ở Việt Nam chỉ có duy nhất một đảng phái chính trị, dễ đưa đến sự tùy tiện trong chi tiêu ngân sách quốc gia.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 12/03/2019
Sau Giáo sư Chu Hảo, bây giờ tới lượt nhà nghiên cứu Biển Đông, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Bản tin từ báo chí trong nước cho biết Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019. Đặc biệt là tin này không làm cho ai ngạc nhiên mà thậm chí rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, vui mừng.
Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019
Trên trang facebook riêng của mình, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bình thản cám ơn người hâm mộ, bạn bè trong và ngoài nước của ông khi nghe tin. Không một lời biện bạch, phân giải hay xúc động ông chỉ bình thản cho rằng mình đang hạnh phúc, hạnh phúc vì được trở về với chính mình.
Khác với nhiều người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền Tiến sĩ Sơn tuyên bố thẳng thừng ông là một nhà khoa học, một sử gia và không phải là người hoạt động chính trị. Ông bị khai trừ đảng với lý do giống như nhiều người khác : do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội.
Trong vai trò Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhiều lần trả lời những vấn đề hóc búa về Hoàng Sa hay Trường Sa cho các đài phát thanh ngoại quốc. Sự thẳng thắn của ông chỉ gói gọn trong một mục đích : trả lại cái gì của Caesar và đừng vin vào bất cứ lý do gì để biện minh hành động trí trá của mình. Từ năm 2009 khi nhận trách nhiệm với Viện Nghiên cứu phát triển, Tiến sĩ Sơn không ít lần gây đau đầu cho chính quyền Đà Nẵng khi đòi công bố bản đồ mà ông phát hiện được chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhiều lần tổ chức kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Đà Nẵng và không ít lần bị cảnh cáo từ Thành ủy.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn là người "ăn cơm đảng mà lại chống Tàu", không những chống trên mặt trận báo chí và mạng xã hội ông còn bỏ công sức nhiều năm ra để thu nhặt các bản đồ quý giá nhiều nơi trên thế giới để chống lại mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. Quan niệm của ông là nhà nước phải công bố những bản đồ này và dùng nó trong việc kiện Trung Quốc đề đòi lại chủ quyền biển đảo như Philippines đã làm và thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là Philippines nên nỗ lực của ông không thực hiện được. Trả lời nhà báo Mike Ives của tờ New York Time Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn gay gắt cho rằng "Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là những người nô lệ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chúng tôi có rất nhiều tài liệu vẫn còn nằm trong bóng tối".
Gọi ông là "người săn bản đồ", New York Times cho rằng trong số các học giả Việt Nam nghiên cứu về các yêu sách lãnh thổ của chính phủ về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Sơn là một trong những người nổi bật nhất. Ông từng bỏ tiền túi ra để sang các nước mà ông nghĩ có lưu giữ những tấm bản đồ ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải Việt Nam và bộ sưu tập của ông tuy có giá trị nhưng Việt Nam không hài lòng vì ông muốn dùng chúng như những bằng chứng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.
Theo New York Times thì ông là người xuất thân từ nghèo khó, cha của ông đã bị giết chết vào năm 1970 trong khi chiến đấu cho miền Nam Việt Nam, Tiến sĩ Sơn đã vươn lên bằng sự kiên trì và lòng hiếu học. Ông là một nhà sử học và luôn trung thành với những dữ liệu chính xác và đáng tin cậy. Từ cách nhìn của người hoạt động ghi lại lịch sử ông đã lặn lội tới Nhật để tiếp tục nghiên cứu và trình luận án tiến sĩ. Thành công này giúp ông thực hiện giấc mơ nóng bỏng của một trí thức muốn đóng góp cho quê hương bằng chính sở học của mình.
Sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với giấc mộng thôn tính Việt Nam đã khiến ông mạnh mẽ kêu gọi Quốc hội ngưng lại việc thông qua Luật Đặc Khu mà theo ông nó sẽ là bàn đạp để Việt Nam nằm gọn trong vòng tay kiểm soát của Trung Quốc. Bức thư ngỏ gửi 496 vị đại biểu Quốc Hội của ông có lẽ là một sản phẩm lạ lùng nhất từ trước tới nay khi ông không rào đón mà thẳng thắn cho rằng :
…"Tôi cũng biết nhiều vị trong số quý vị đang đóng rất nhiều vai : vừa là đại biểu Quốc hội (lập pháp), vừa là thành viên của Chính phủ và đại diện chính quyền các cấp (hành pháp) ; vừa là đảng viên kiên định với đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, lại vừa là những "mắc xích ngầm" của nhóm lợi ích trong guồng quay của chủ nghĩa tư bản thân hữu và hoang dã… Vì thế, quý vị sẽ khó vùng vẫy để thoát ra khỏi những mối quan hệ này để bấm nút theo chính kiến và lương tri của mình"…
Không đề nghị, không yêu sách và không thỏ thẻ, ông ngắn gọn như một tuyên bố thách thức kẻ nào trong số 496 đại biểu ấy dám bấm nút thông qua :
…"Tôi là một người học Sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép Sử. Tôi nguyện sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn lịch sử hiện tại của nước nhà để lưu lại cho đời sau.
Và, một trong những việc đầu tiên mà tôi bắt tay vào việc chép Sử này là tìm mọi cách, mọi phương tiện, mọi kênh thông tin… để biết được vị đại biểu Quốc hội nào bấm nút THÔNG QUA, vị đại biểu nào bấm nút KHÔNG THÔNG QUA "dự luật đặc khu" vào ngày 15/6/2018 để chép lại và lưu truyền cho các thế hệ sau".
Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng là điều dễ hiểu vì vai trò chức trách của ông khá lớn để làm cho Trung Quốc phải nghĩ cách đối phó nếu tiếp tục ý đồ xem Biển Đông là ao nhà và đường lưỡi bò 9 đoạn không thể nào tranh cãi. Nổ lực của Trần Đức Anh Sơn nếu được người dân khắp nơi biết ơn thì ngược lại lãnh đạo sẽ không bao giờ chấp nhận có một đồng chí chống bạn bè mình như thế. Bi kịch đối phó với Trung Quốc tuy xảy ra quá nhiều nhưng công trình dài hơi đầy tâm huyết của một nhà khoa học như Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn càng làm bóng tối che khuất sự thật mỏng đi cho tới ngày ánh sáng tràn vào xóa tan mọi lấp liếm, ngụy tạo và độc đoán của ngày hôm nay.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 10/03/2019
Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra.
Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Ảnh Thanh Niên
Kỷ luật trong Đảng cộng sản Việt Nam có nhiều mức độ, và càng ngày nó càng khiến người dân biểu lộ những cảm xúc đầy tính liên quan.
Có những kỷ luật khiến người dân phẫn nộ, vì mức độ kỷ luật nhẹ trong khi vi phạm nặng, có những kỷ luật khiến người dân càng tôn trọng người bị kỷ luật hơn. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn, người vào ngày 8/03/2019 đã bị Ủy ban thường vụ thành ủy ra quyết định kỷ luật vì "đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng… trên mạng xã hội".
Trong bình luận của mình, ông Nguyễn Lương Thịnh, người là bạn với ông Trần Đức Anh Sơn chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, ông Sơn "chọn vị trí là Nhà Khoa học để bảo vệ và phát triển các thành quả nghiên cứu, thay vì nhận các chức danh do Đảng phân công, trong đó phải chấp hành nghị quyết của tổ chức về đề tài và biên độ nghiên cứu". Và ông Sơn "đã chủ động" thông báo quyết định của ông trước khi cơ quan báo chí của Đảng loan tin. Và thực tế cho thấy, ngày ông "về với Nhân dân" được đăng tải trên Facebook là ngày 18/02/2019.
Bị kỷ luật nhưng được hoan nghênh : vì sao ?
Càng ngày, những bản án kỷ luật nhắm vào những người trí thức thực sự (những người đang làm đảng viên những phát ngôn hoặc hành vi trái với quan điểm và chủ trương của đảng) lại được người dân hoan nghênh. Bởi câu chuyện của ông Sơn khá giống ông Chu Hảo, khi cả hai dám lên tiếng chỉ ra cái "sai của Đảng", và đánh giá về các sự kiện - hiện tượng trong xã hội theo quan điểm thẳng thắn của một sĩ phu đau lòng trước thời cuộc.
Trên Facebook ông Sơn, có những bài đăng tải lại có liên quan đến Biển Đông, và chủ quyền bị giành giật bởi Trung Quốc, về vấn đề Trung Quốc "thọc gậy" thượng đỉnh Mỹ - Triều… Ông cũng từng chia sẻ thẳng thắn trên Facebook về vấn đề chiến tranh Biên giới 1979 bằng luận điểm : Lịch sử muốn phản ánh đúng sự thật, chính trị chỉ muốn sự thật được phản ánh đúng lúc. Đáng buồn là chính trị luôn thắng lịch sử.
Nhà báo, Facebooker Chu Vĩnh Hảo cũng đón nhận tin ông Sơn bị khai trừ bằng cảm giác "rất vui", bởi ông tin rằng, "là một học giả, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhất thiết phải coi trọng tính độc lập của các tiểu luận và các công trình nghiên cứu, và để đạt được tính độc lập ấy, anh cũng như các học giả khác cần phải độc lập với sự bảo hộ của bất cứ đảng phải nào".
Sự kiện kỷ luật - khai trừ đảng đối với ông Trần Đức Anh Sơn đã cho thấy, Đảng cộng sản Việt Nam đang tự rút đi những nhân tố tích cực và bền vững cho sự trường tồn của mình ra khỏi tổ chức. Tại sao ? Bởi phản biện và dám lên tiếng sẽ tạo nên nội lực trong một đảng phải, làm sạch đảng phái chứ không phải là sự tuân lệnh 100% đối với những chủ trương, điều lệ, nghị quyết sai của đảng. Đảng cộng sản Việt Nam đang suy thoái, muốn cứu vãn bằng phương pháp "hồng hơn chuyên", nhưng vô tình, những yếu tố này khiến cho đảng trở thành một tập hợp của những con sâu đục phá và dàn lợi ích nhóm chằng chịt, sẵn sàng không trái quan điểm của đảng để hoàn toàn tư lợi cá nhân.
Bởi, hình thức kỷ luật đảng bằng cách khai trừ là điều nên làm, nhưng sự lớn mạnh trong đảng chỉ có thể diễn ra khi hình thức kỷ luật này áp dụng cho chính những đối tượng tham nhũng và tham vọng quyền lực tập trung, thay vì tập trung đánh giới trí thức trong đảng (vốn là những nhân tố luôn nhấn mạnh sự độc lập, tự chủ phản biện).
Bởi, kỷ luật lần này không khác gì đảng đang trương cao quan điểm của Lenin trong thời điểm hiện nay : Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức - đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt. Mà một quan điểm khinh thị trí thức như thế càng đẩy nhanh tiến trình khủng hoảng trong đảng. Và có vẻ, "Trí thức là cứt" nên "không phải muốn nói gì là nói", ngay cả khi là con cháu "công thần" được quán triệt trong đảng một cách tuyệt đối dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.
Mặt khác, sự ra đi của giới trí thức thực sự ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy, trong đảng luôn tồn tại "vòng kim cô" siết chặt sự tự do học thuật và tự do phản biện (điều làm nên tính chất chân chính của nền khoa học nhân bản, khai phóng). Và kỷ luật khai trừ lần này cùng một lúc hai vấn đề : giới trí thức ngày càng không chất nhận sự cưỡng chiếm tư tưởng, và Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng không chấp nhận giới trí thức là đảng viên được mở rộng quyền tự do tư tưởng của mình. Có lẽ chính vì vậy, mà Facebooker Huy Truong đã chúc mừng ông Sơn trên Facebook cá nhân bằng luận điểm : Thầy Sơn là nhà khoa học chứ không phải là nhà chính trị, nên khi ra khỏi Đảng sẽ có nhiều thời gian và "không gian" để làm khoa học hơn. Chúc mừng thầy.
Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra. Bởi sự ra đi của ông Chu Hảo hay Trần Đức Anh Sơn không làm mất đi tính danh giá của cá nhân họ, mà ngược lại nó càng gia cố thêm sự danh giá cá nhân của họ, và được hoan nghênh, ca tụng là "sự trở về với nhân dân". Và bằng quyết định kỷ luật lần này của Đảng cộng sản Việt Nam áp dụng đối với ông Sơn, câu hỏi đặt ra là : Những người có tài có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn lại những ai ?
Hoa Nghi
Nguồn : VNTB, 09/03/2019