"Đăng Facebook, ông Trần Đức Anh Sơn bị Đà Nẵng khai trừ Đảng". Đó là nội dung của nhiều bản tin trên báo điện tử, đăng tải gần như đồng loạt vào sáng ngày 8/3/2019.
"Đăng Facebook, ông Trần Đức Anh Sơn bị Đà Nẵng khai trừ Đảng".
Theo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội Facebook. Hành vi này vi phạm Điều 3, 4, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm ; vi phạm Quy định 5946-QĐ/TU ngày 13/09/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.
Trái ý Tổng bí thư là bị kỷ luật
Quy định 47-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Điều 3 và 4 của quy định này có nội dung như sau :
3. Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội ; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật.
4. Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Điều 3 của Quy định như sau (văn bản Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, ngày 15/03/2012) :
"Đảng viên không được :
1. Viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài không đúng như xảy ra trong thực tế ; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án hoặc tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi toà án đưa ra xét xử ; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định.
2. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh dưới mọi hình thức có nội dung và tính chất sau đây :
a) Kích động chống Đảng, chống Nhà nước, chống chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, chiến tranh tâm lý, gây hận thù giữa các dân tộc, các tôn giáo, gây hoài nghi, hoang mang trong nhân dân ; truyền bá lối sống cơ hội, thực dụng, trái đạo lý.
c) Xuyên tạc lịch sử, phản ánh không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và cá nhân lãnh tụ đối với sự nghiệp cách mạng ; xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của cá nhân.
d) Phản ánh những vấn đề về lịch sử của Đảng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công khai hoặc công bố. đ) Truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, có tính chất mê tín (mua, bán, in, sao, tàng trữ, tán phát, tuyên truyền bằng sách, ấn phẩm, băng, đĩa, phim, ảnh và các loại thiết bị lưu giữ tài liệu khác).
3. Tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật dưới mọi hình thức".
Điều 4 của Quy định 47-QĐ/TW, được hướng dẫn như sau :
"Đảng viên không được :
1. Chủ trì, tham gia tổ chức, vận động, lôi kéo, tập hợp đảng viên, quần chúng mang tính chất cục bộ địa phương, phe cánh, họ tộc, nhóm lợi ích nhằm tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị, vị trí công tác, chức vụ trong bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.
2. Lợi dụng quyền phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ để phát ngôn hoặc nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để nhận xét, bình luận, đánh giá ngoài phạm vi tổ chức cho phép ; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tập thể và cá nhân.
3. Có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập dưới mọi hình thức đối với người tố cáo, phê bình, góp ý với bản thân, bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột hoặc tổ chức do mình phụ trách".
Tại sao lại cấm đảng viên ‘mở miệng’ ?
Báo chí không cho biết cụ thể ông Trần Đức Anh Sơn đã vi phạm cụ thể những nội dung nào ở Điều 3, 4 mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quy định ở văn bản 47-QĐ/TW.
Nếu như dễ dàng minh định cho nội dung liên quan vi phạm "chính sách, pháp luật của Nhà nước", thì câu hỏi đặt ra thế nào là "viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng" ?
Hiến pháp 2013, Điều 4.3 có trao quyền giám sát cho nhân dân về mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài viết của ông Trần Đức Anh Sơn khi đăng trên mạng xã hội Facebook, ngay cả khi ông nhân danh đảng viên Trần Đức Anh Sơn để viết, và có những nội dung khiến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘kém vui’, thì đó cũng chỉ là ‘sự thật mất lòng’, nằm trong vấn đề ‘phê và tự phê’ do chính Đảng Cộng sản phát động.
Với tư cách một người dân, người viết cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần xem xét lại các quy định ‘những điều cấm đảng viên mở miệng’. Bởi đơn giản là một khi Đảng Cộng sản hoạt động bằng ngân sách công, thì đảng này phải chịu sự lên tiếng ‘búa rìu’ dư luận thường xuyên, đa chiều của người dân Việt Nam ; bao gồm cả đảng viên – những người cũng góp phần thuế vào túi tiền chi tiêu của Đảng Cộng sản.
Đơn giản hơn, đó là việc ngân sách công buộc phải đi kèm với sự kiểm soát ; nhất là ở Việt Nam chỉ có duy nhất một đảng phái chính trị, dễ đưa đến sự tùy tiện trong chi tiêu ngân sách quốc gia.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 12/03/2019