Sau một năm đọ sức thương mại, xuất khẩu của Trung Quốc tuột dốc, Bắc Kinh hạ dự báo tăng trưởng. Ở góc đài bên kia, chính sách áp thuế nhập khẩu của Washington không cho phép Hoa Kỳ thu hẹp thâm hụt trong cán cân thương mại mà lại đè nặng lên túi tiền của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
Ảnh minh họa: Đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc. Reuters/Jason Lee
Đúng một năm sau khi khai mào chiến tranh thương mại, đánh thuế nhôm và thép - chủ yếu là từ Trung Quốc nhập vào Mỹ, chính quyền Trump khi thì tuyên bố "cận kề" một thỏa thuận mậu dịch với Bắc Kinh, lúc lại hù dọa sẽ không ký kết gì hết với Trung Quốc nếu như "đấy không phải là một thỏa thuận tốt".
Riêng với Trung Quốc, vào mùa xuân, tổng thống Donald Trump tự tin cho rằng sẽ "dễ thắng"trên mặt trận thương mại. Ngoài nhôm và thép, Washington đánh thuế 25% vào 50 tỷ đô la hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ. Tháng 9/2018, Nhà Trắng "phạt" thêm khi quyết định áp thuế 10% nhắm vào 200 tỷ đô hàng made in China nhập vào Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump tới nay vẫn treo lơ lửng đe dọa tăng mức thuế 10% nói trên lên thành 25% nếu không đạt được một "thỏa thuận tốt với Trung Quốc về thương mại". Đương nhiên, Bắc Kinh đã tìm cách trả đũa một cách "tương xứng" các biện pháp bảo hộ nói trên.
Nhà Trắng theo đuổi nhiều mục tiêu khi dồn hỏa lực vào Trung Quốc. Thứ nhất là thu hẹp thâm hụt thương mại 375 tỷ đô la với Trung Quốc. Thứ hai là chứng minh với cử tri từng bỏ phiếu cho Donald Trump rằng ông thực hiện đúng lời hứa bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Điểm thứ ba - và đây mới chính là mục đích quan trọng nhất của Washington, là nhằm bảo đảm thế thượng phong của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Đúng 12 tháng sau nhìn lại, Donald Trump có đạt được cả ba mục tiêu nói trên hay không ?
Thiệt hại cho kinh tế Mỹ : 1,4 tỷ đô la một tháng
Về mục tiêu thứ nhất là thu hẹp nhập siêu của Hoa Kỳ với tất cả các đối tác thương mại trên thế giới, quan trọng nhất là Trung Quốc, câu trả lời là không. Chủ trương bảo hộ của chính quyền Trump đã "đào sâu" thêm thâm thủng mậu dịch của nước Mỹ.
Bất chấp các biện pháp bảo hộ, nhập siêu của Mỹ với toàn thế giới trong năm 2018 tăng 12,5% so với năm 2017. Theo thẩm định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đây là mức "tệ nhất" từ 10 năm qua. Riêng với bạn hàng Trung Quốc, nhập siêu đang từ 375 tỷ đô la năm 2017 tăng lên thành 419 tỷ trong năm vừa qua.
Câu hỏi thứ nhì, chính sách America First có lợi cho dân Mỹ hay không, nghiên cứu do chi nhánh của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tại New York và hai trường đại học Princeton và Colombia đồng thực hiện đưa ra kết luận : "Kinh tế và người tiêu dùng Mỹ bị thiệt thòi". Đánh thuế hàng của Trung Quốc không cho phép chính phủ thu về thêm "hàng tỷ đô la" như tổng thống Donald Trump từng rao giảng.
Cụ thể hơn, các đồng tác giả của công trình nghiên cứu nói trên ghi nhận : Không chỉ riêng gì với Trung Quốc, Nhà Trắng đã quyết định đánh thuế từ 10 đến 50% nhắm vào 283 tỷ đô la tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ. Để trả đũa, các đối tác thương mại của Hoa Kỳ cũng áp thuế lên 121 tỷ hàng made in the USA với mức độ trung bình là 16%. Hậu quả kèm theo đối với người tiêu dùng ở Mỹ và nhất là đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần nhập phụ tùng, nguyên liệu của nước ngoài đã phải trả giá đắt. Thiệt hại đối với số này ước tính lên tới 1,4 tỷ đô la một tháng.
Mỹ thua với tỷ số 1-2
Nhìn đến động lực thứ ba thúc đẩy chính quyền Trump gây sự với Trung Quốc trên bàn cờ thương mại, là những cáo buộc Bắc Kinh "đánh cắp" công nghệ của Mỹ và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, trong 12 tháng qua, phía Trung Quốc liên tục cam kết "tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài".
Hôm 08/03/2019, một dự luật về đầu tư nước ngoài vừa được trình lên Quốc hội và sẽ được xem xét trước khi kết thúc kỳ họp thứ 2, khóa 13 Quốc hội Trung Quốc lần này. Văn bản nói trên dự trù Nhà nước Trung Quốc sẽ "bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại quốc". Một quan chức tại Bắc Kinh nói rõ dự luật về đầu tư ngoại quốc sẽ "cấm mọi hành vi áp đặt chuyển giao công nghệ".
Phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc thậm chí còn hứa là "các nhà đầu tư ngoại quốc và Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng". Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhậy cảm gồm công nghiệp khai thác khoáng sản hay nông nghiệp và một số lĩnh vẫn chưa thể mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại quốc.
Có điều, giới lãnh đạo Bắc Kinh gần như không đả động đến cuộc chạy đua công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc. Không mấy ai tại khóa họp Quốc hội lần này nhắc đến kế hoạch Made in China 2025.
Bắc Kinh nhượng bộ Washington
Còn quá sớm để biết rõ một cách cụ thể dự luật đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh gồm những gì và có bao nhiêu ngõ ngách tinh vi để vẫn bảo đảm một số ưu đãi cho phía Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, ít ra là về mặt hình thức, trên vế này, chính quyền Trump đã ghi được một bàn thắng quan trọng. Trung Quốc buộc phải nhượng bộ Mỹ với hy vọng chiến tranh thương mại chóng kết thúc, qua đó duy trì được tăng trưởng và ổn định xã hội.
Khai mạc khóa họp Quốc hội 13, kỳ 2, thủ tướng Lý Khắc Cường đã phác họa ra một bức tranh kinh tế khá ảm đạm : Tăng trưởng không vượt quá ngưỡng 6,4% - tức là còn tệ hơn so với dự báo vốn đã kém cỏi của năm 2018. Khác với thông lệ, Bắc Kinh lần này đặc biệt nhắc nhiều đến ưu tiên bảo đảm công việc làm cho người lao động. Đáng chú ý hơn nữa là Trung Quốc đề ra một loạt các biện pháp kích cầu, như là thông báo giảm thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 16% xuống còn 13% ; giảm 2.000 tỷ nhân dân tệ thuế cho tư nhân và doanh nghiệp.
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư kinh tế Jean-François Di Meglio, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, ghi nhận Bắc Kinh đang tìm đủ mọi cách để bảo đảm tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu bị chựng lại vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, còn tiêu thụ nội địa thì chưa đủ sức để "xoay trục mô hình kinh tế" :
"Trước kia động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc là xuất khẩu và Trung Quốc lệ thuộc vào ngoại thương. Tuy nhiên, từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khai mào, ngành xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn và do vậy Bắc Kinh đã phải xoay trục, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, lấy tiêu thụ nội địa làm chủ đạo.
Hiềm nỗi, người dân Trung Quốc có thói quen tiết kiệm, họ tiết kiệm nhiều hơn so với người Pháp, ngay cả khi đã khá giả hơn. Vì vậy tới nay, chưa thể nói là tiêu thụ trong nước tạo đà cho tăng trưởng của Trung Quốc. Khi kinh tế bị chựng lại, chính quyền Bắc Kinh tìm đủ mọi cách để kích thích cỗ máy đó. Giảm thuế trị giá gia tăng TVA là một trong những giải pháp để khuyến khích người dân mua sắm.
Từ một vài năm trở lại đây, Trung Quốc trông cậy vào tiềm năng tiêu thụ nội địa, nhưng nếu như sức mua đó đủ mạnh, thì chắc chắn là Bắc Kinh đã không phải giảm thuế TVA. GDP Trung Quốc dự trù tăng chưa đầy 6,4% trong năm nay. Trong khi đó, để chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang một mô hình dựa vào sức mua của người dân trong nước, chỉ số tiêu thụ của Trung Quốc phải tăng ít nhất là 10%. Hiện tại, chỉ số này giao động từ 8 đến 9%. Chính vì thế, Nhà nước phải can thiệp bằng cách hạ 3 điểm thuế trị giá gia tăng và còn hạ thuế TVA với nhiều mặt hàng khác nữa".
Bơm thêm tiền vào cỗ xe kinh tế : con dao hai lưỡi
Nhìn đến chính sách tiền tệ, một công cụ khác để hỗ trợ tăng trưởng, khả năng can thiệp của Trung Quốc bị đánh giá là "hạn hẹp", do nợ của tư nhân, trung ương và các chính quyền địa phương đã lên tới 250% GDP. Đành rằng năm 2018, Bắc Kinh đã khuyến khích các ngân hàng mở van tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng theo giáo sư Di Meglio, trường Khoa Học Chính Trị Paris, đây không phải là giải pháp lý tưởng nhất và Trung Quốc luôn phải cân nhắc để tránh châm thêm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính :
"Thực ra Lý Khắc Cường không chủ trương đem lại những thay đổi triệt để về kinh tế. Cách nay một tháng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi dành cho báo chí, thủ tướng Trung Quốc cho biết ông không muốn mạnh tay áp dụng biện pháp kích cầu, vì giải pháp đó có nguy cơ tạo ra nợ xấu, và như vậy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng một cách không an toàn.
Theo tôi, ông Lý Khắc Cường muốn tiến hành cải tổ một cách thận trọng, tránh tạo ra những cú sốc cho cỗ xe kinh tế của Trung Quốc. Thậm chí là những đòn triệt để đôi khi sẽ phản tác dụng".
Giới phân tích đưa ra kết luận rằng Trung Quốc đang rất "thành thật" trong mục tiêu đạt được một thỏa thuận với Mỹ chấm dứt cuộc đọ sức về thương mại đã kéo dài từ 12 tháng qua.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 12/03/2019