Báo chí 'bắt tay' tuyên giáo : Bộ Thông tin và truyền thông và doanh nghiệp : 'sáng kiến’ hay ‘liên kết lợi ích’ ?
Quốc Phương, RFA, 02/08/2023
Công luận Việt Nam và giới quan sát báo chí, truyền thông, thời sự Việt Nam mới đây được thu hút bởi một sự kiện ký kết giao ước được cho là ‘tay tư’ giữa đại diện lãnh đạo giới báo chí, truyền thông thông nhà nước Việt Nam thông qua Hội nhà báo Việt Nam, Ban tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông với giới doanh nghiệp Việt Nam thông qua Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp (VCCI), với một câu hỏi được đặt ra rằng liệu đây đơn thuần là một ‘sáng kiến’ để giải quyết bài toán tạo thu nhập, tài chính cho báo chí nhà nước Việt Nam trong lúc gặp khó khăn, hay còn là một ‘liên kết lợi ích’ nào đó, và nếu như vậy thực chất và hệ lụy có thể là gì.
Các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng cáo ở các doanh nghiệp Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp.
Tường trình lễ giao ký kết ‘Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan’ diễn ra ở Hà Nội hôm 25/7/2023, sự kiện mà cũng có sự hiện diện của đại diện Ban Dân vận Trung ương và nhiều cơ quan, tổ chức khác của Đảng, Nhà nước, báo Công an Nhân dân online dẫn thông điệp của một quan chức đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo trung ương Đảng và Trung ương Hội nhà báo Việt Nam, cho hay:
"Bốn cơ quan, đơn vị nhận thấy cần nâng mối quan hệ công tác lên cấp độ mới nhằm có định hướng về chương trình phối hợp cơ quan để chương trình thực sự đi vào hiệu quả. Tuy nhiên… môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra sự chuyển biến lớn tại các cơ quan báo chí.
Do đó, nếu các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng cáo ở các doanh nghiệp Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp. Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại đang chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo của các kênh thông tin nước ngoài. Song trong số những kênh thông tin này, có rất nhiều kênh lại lan tỏa thông tin sai lệch, không đúng đắn…".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong một buổi họp.
Cũng tại sự kiện, một đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông được dẫn lời, phát biểu nhận định : "Mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và doanh nghiệp qua nhiều năm tháng luôn là mối quan hệ tốt, nhưng vẫn còn một số điều "phiền lòng" nên cả hai bên cần giải pháp thực hiện tốt hơn".
Đại diện lãnh đạo giới doanh nghiệp Việt Nam thông qua Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp VCCI, nêu quan điểm :
"Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của doanh nghiệp, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Chính vì vậy, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước".
Bình luận về sự kiện giao kết này, từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức hôm 01/8/2023, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo, bình luận với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng của bà :
"Tất nhiên ký kết là quyền của họ thôi, họ muốn làm gì chẳng được, với một quyền lực ngầm, cũng như quyền lực công khai như vậy, nhưng điều ấy rõ ràng đi ngược lại phương thức hoạt động của báo chí, của tự do báo chí. Báo chí là một lực lượng giám sát, một lực lượng để làm minh bạch hóa, kể cả những sự minh bạch hay thiếu minh bạch, có lợi hay bất lợi cho người tiêu dùng, tất cả những cái đó phải minh bạch.
Và những người phụ trách và định hướng ngành tuyên giáo, ngành tư tưởng văn hóa này, đặc biệt càng phải minh bạch, và càng phải tránh xa ‘cái bếp núc’ ấy. Còn một ký kết như vậy mang tính lệ thuộc lẫn nhau và rõ ràng ai cũng hiểu rằng, mặc dù có chứng cứ hay không rồi đây sẽ thấy, nó ‘sặc mùi tiền’. Nhìn chung, ngành tuyên giáo, tôi nghĩ không thể làm như thế. Doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tỷ đồng VN, nếu là doanh nghiệp lớn, để mua thời lượng quảng cáo ở trên một tờ báo, để quảng bá cho cái hay, cái tốt của mình, và giấu nhẹm đi những cái xấu, những cái ‘lừa dối’ người tiêu dùng, những sự ‘lừa lọc’, những ‘sự phản phúc’".
Theo bà Võ Thị Hảo, người trước đây từng là Đại diện báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, khi ngành tuyên giáo tham gia ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp qua một thỏa thuận ‘tay tư’ như thế, đương nhiên với sự can thiệp của ngành quyền lực này, báo chí Nhà nước sẽ chịu một số tác động và thay đổi, theo bà cụ thể là :
"Tất nhiên, khi đã có sự can thiệp của ngành tuyên giáo, báo chí sẽ không dám viết những phóng sự điều tra, hay những tin tức mà làm minh bạch hóa cái doanh nghiệp ấy, về những cái xấu chẳng hạn, tôi nghĩ, điều đó rất ảnh hưởng đến tự do báo chí và người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi trước một sự ký kết như vậy, xã hội sẽ bị thiệt thòi.
Nhiều năm qua, chúng ta thấy sự ‘lừa đảo’ khủng khiếp của nhiều doanh nghiệp ‘lợi ích nhóm’, kể cả nhiều ngân hàng cũng dùng mọi thủ đoạn để ‘cướp đoạt’ của người gửi tiền, và chúng ta thấy những người khốn khổ, sống dở, chết dở, vì bị ngân hàng ‘cướp đoạt’ tiền. Thế nếu bây giờ đến cả tuyên giáo cũng (tham gia) ký kết với các doanh nghiệp như thế thì sẽ ra sao ?"
Từ Hà Nội, cùng ngày, với tư cách một độc giả của báo chí Việt Nam, nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với RFA :
"Tôi chúc họ đạt được một thành công trong việc kết hợp giữa báo chí truyền thông và các doanh nghiệp để quảng bá doanh nghiệp và đồng thời nâng cao vị thế của báo chí nước nhà (Việt Nam). Nhưng tôi e rằng điều đó khó thực hiện, lý do là vì sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít quảng cáo trên các tờ báo của truyền thông Việt Nam ? Rõ ràng là có vấn đề, với những tờ báo đó, lượng độc giả không có nhiều. Mà các doanh nghiệp làm ăn kinh tế, người ta phải tìm đến các cơ quan truyền thông, các tờ báo mà số lượng người đọc lớn, người ta mới làm quảng cáo.
Việc đầu tiên, theo tôi nghĩ nếu báo chí và ngành truyền thông Việt Nam muốn lấy được các hợp đồng quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam, chính họ phải thay đổi. Họ phải có nhiều độc giả.
Nhưng họ lại vướng vào một mâu thuẫn là họ không thể nói được những gì họ muốn nói, bởi vì đối với người dân, trong đó có tôi, chúng tôi cần thông tin trung thực và nhiều chiều. Việc định hướng thông tin và chỉ đưa tin một chiều làm mất đi độc giả.
Những tờ báo lớn ở Việt Nam trước đây, nhất là trong thời kỳ đổi mới, có những tờ như là tờ ‘Thanh Niên’, tờ ‘Tuần Tin Tức’, tờ ‘Tuổi Trẻ’…, là những tờ mà có số lượng độc giả rất lớn và những phóng viên của tờ báo thời đó có một cuộc sống tốt, có thu nhập tốt, là vì có lượng này (người đọc-PV) lớn".
Theo ông Lê Văn Sinh, gần đây chính báo chí nhà nước cho hay những tờ báo đó hiện nay đã phải ‘phát miễn phí’, nhà quan sát thời sự này lý giải tiếp :
"Lý do vì độc giả đã quay lưng với những tờ báo đó. Thành ra mới có chuyện các ông hợp tác với nhau, doanh nghiệp và các tờ báo, để làm sao quảng bá cho các doanh nghiệp, nhưng như tôi nói, bản thân các tờ báo đó phải thay đổi trước, các tờ báo đó phải đưa tin trung thực và phải khách quan trong việc đưa tin, thì mới có độc giả.
Cho nên việc họp hành với nhau để kết hợp lại phản ánh một tình hình như vậy, và tình hình đó là các doanh nghiệp đã không mặn mà với những tờ báo của Việt Nam".
Cũng từ Hà Nội, cùng ngày, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể), nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Thực sự tôi không lạ gì về chuyện này vì một mặt Việt Nam nói rằng có rất nhiều báo chí, khoảng 700-800 cơ quan báo chí, một mặt các cơ quan báo chí đều là cánh tay nối dài của bộ máy ‘cảnh sát tư tưởng’.
Báo chí của Việt Nam không phải là báo chí theo đúng nghĩa của nó, tức là đưa tin, chỉ đưa tin một cách khách quan và có những bình luận riêng về ý kiến của các chuyên gia, nó cũng có những khía cạnh ấy, nhưng thực chất của nó vẫn là nằm trong bộ máy tuyên truyền. Tức là nó là những đội quân của ‘cảnh sát tư tưởng’ theo một nghĩa nào đó. Và bây giờ số lượng ấy ngày càng đông, mà ngân sách thì hạn hẹp.
Cho nên không lạ gì là họ phải ‘hợp tác’, họp với Liên đoàn Công nghiệp & Thương mại Việt Nam, làm sao để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo để nuôi đội quân ấy. Nếu mà các doanh nghiệp trước kia toàn là quốc doanh, thì chẳng cần họp gì cả, họ chỉ cần ra một mệnh lệnh là các doanh nghiệp quốc doanh này phải mua quảng cáo của các báo ngay.
Nhưng bây giờ thì không như thế nữa, cho nên với YouTube, với Facebook, với các mạng xã hội, các doanh nghiệp quảng cáo trên các phương tiện mạng xã hội như vậy rất nhiều. Và như thế thì mất ‘nồi cơm’ của bộ máy tuyên truyền, do đó bây giờ họ phải muốn hợp tác và phải muốn kêu các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân phải mua quảng cáo của các báo, để tạo nguồn vật chất, tức là thực sự là tiền cho nó hoạt động".
Theo ông Nguyễn Quang A, ngoài việc ký kết giao ước ‘tay tư’ này, chính quyền cũng có thể có những cách khác để gây áp lực với các doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích của mình, trái lại về phía doanh nghiệp, cơ chế trên cũng tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp qua liên kết ‘lợi ích’ với báo chí, đã ‘lũng đoạn’ truyền thông, công luận, ông nói tiếp :
"Nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay cũng đã thậm chí lũng đoạn cả báo chí, tức là đã mua cả báo chí, có bất cứ một vụ gì liên quan đến doanh nghiệp đó, một bài báo vừa ra, thậm chí bị dập ngay lập tức. Thế thì đấy là một sự phát triển mà tôi cho rằng rất đáng lo ngại. Nó giống như là các nhà tài phiệt ở nước Nga lũng đoạn chính trị và lũng đoạn cả báo chí, đó là một ‘điềm rất không hay’ đối với sự hoạt động của báo chí, cũng như là sự hoạt động của các doanh nghiệp ở việt Nam".
Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, các hình thức ‘quảng cáo, PR’ được cho là ‘trá hình’ của báo chí dựa trên các liên kết doanh nghiệp – báo chí, truyền thông, kể cả dưới các hình thức ‘tinh vi’ hơn, không có gì mới, song điều đáng được chỉ ra theo ông qua đó là có vấn đề mà ông tin là ‘lách luật’, thậm chí ‘vi phạm pháp luật’, như ông phân tích thêm trên quan điểm cá nhân:
"Những chuyện đó cũ như là ‘chuyện thường ngày ở huyện’, việc các báo giả vờ viết bài, đưa tin về doanh nghiệp, mà thực sự bài đó là bài quảng cáo, đã diễn ra hàng chục năm nay rồi. Và các bài viết ấy được doanh nghiệp trả một cách rất hậu hĩnh, bởi vì thực sự nó là quảng cáo, nhưng mà là ‘quảng cáo núp bóng’. Và nếu thực hành này được khuyến khích, tôi nghĩ nó càng gây thêm tai họa cho nền báo chí và cũng là một tai họa cho các doanh nghiệp, bởi vì thực sự mà nói đó là một sự ‘lách luật’, một sự vi phạm luật pháp. Quảng cáo phải ra quảng cáo, nhưng đằng này trên danh nghĩa không phải là quảng cáo, song thực chất lại là quảng cáo, điều đó khuyến khích những sự ‘dối trá’ mà thôi.
Và tôi nghĩ tất cả những người đã làm việc trong các báo hiểu điều này rõ lắm, nhiều khi những người viết những bài như thế có thể có những quan hệ rất thân thiện với doanh nghiệp : mua nhà có thể được mua rẻ hơn, được doanh nghiệp mời đi nơi này, nơi kia nghỉ v.v… và v.v… Tức là, nó làm cho sự hoạt động minh bạch tử tế của một nền báo chí bị hoen ố đi và tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu rất đáng báo động".
Đối với một số nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao thuộc thế hệ mới của các cơ quan trung ương của ngành Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, trung ương Hội nhà báo, Bộ Thông tin & Truyền thông tại Việt Nam, vốn được cho là những ‘người trẻ, có học, giỏi ngoại ngữ, đi đây đi đó nước ngoài nhiều, rất nhạy bén công nghệ v.v…), mà nay tham gia vào các ‘sáng kiến’ liên kết như trên, nhân dịp này, ông Nguyễn Quang A đưa ra một chia sẻ riêng trên quan điểm cá nhân, xuất phát từ điều mà công luận tin rằng những ngành này rất quan trọng đối với việc tác động vào chất lượng của báo chí, truyền thông ở Việt Nam, cũng như qua đó tác động vào công luận, đời sống của người dân, trong đó có giới độc giả của báo chí và những người tiêu thụ, khách hàng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, nên rất cần có những nhà quản lý đạt được những phẩm chất, chuẩn mực nhất định nào đấy, ông phát biểu:
"Tôi chỉ có thể nói rằng tôi buồn, bởi vì tôi có biết một vài người. Thời mà họ còn làm nho nhỏ, làm phóng viên chẳng hạn, thì họ là những người rất năng nổ, rất có đầu óc đổi mới, nhưng mà khi họ có quyền, chúng ta thấy quyền lực tha hóa con người đến như thế nào, thì rất khó lường. Và có thể nói, tôi có thể nói thế này, khi mà ta đã nghiện quyền lực, thì quyền lực đó kinh khủng hơn ma túy một triệu lần, hoặc là vài triệu lần. Cho nên là từ những người trẻ, những người rất là có năng lực, rất có triển vọng, nhưng mà khi họ có quyền lực, thì họ có thể tha hóa đi một cách không thể, tưởng tượng nổi", nguyên Viện trưởng Viện IDS nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.
Còn theo Tạp chí Thị trường ‘Tài chính & Tiền tệ’, trong các nội dung của chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, có các nội dung đáng chú ý như :
Tổ chức Diễn đàn thường niên ‘Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc’, ‘Chương trình bình chọn các tác giả, tác phẩm báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh (mang tên Bút Vàng kinh tế),’ thiết lập cơ chế phối hợp giữa 4 cơ quan để tiếp nhận và xử lý các quan hệ báo chí, truyền thông và doanh nghiệp, tạo lập môi trường truyền thông báo chí lành mạnh, công bằng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Các hoạt động phù hợp khác theo sáng kiến, đề xuất và sự đồng thuận của các bên.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 02/08/2023
************************
Tuyên giáo Việt Nam 93 năm : ngày càng khó khăn trong thuyết phục lòng tin nhân dân
Quốc Phương, RFA, 01/08/2023
Ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách đố to lớn trong việc thuyết phục lòng tin nhân dân, một số ý kiến trong giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/8/2023.
AFP
"Kể từ khi được thành lập từ 01/8/1930 cho đến nay (93 năm-pv), ngành tuyên giáo hiện thời của Đảng cộng sản Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, đó là thực trạng xã hội đang rất khác với những gì mà ngành tuyên giáo này đang tuyên truyền", nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm với RFA.
"Ví dụ như ngành tuyên giáo có đề ra một tư tưởng chiến lược của họ là đi trước, mở đường về mặt lý luận cho Đảng cộng sản Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội mà đang xây dựng nếu đem so ngay với chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng và xây dựng không thành công cho nên buộc Việt Nam phải đổi mới kinh tế, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội hiện nay mà Việt Nam đang có, theo nhận thức của tôi, kém nhiều so với tính chất ‘xã hội chủ nghĩa’ mà Việt Nam có được từ năm 1986 đổ về trước" - ông Sinh nói tiếp.
Ông Lê Văn Sinh cho rằng mặc dù trước đây, trong giai đoạn được coi là ‘xã hội chủ nghĩa’ với sự ‘đói kém’ tràn lan ở miền Bắc Việt Nam trước 30/4/1975 và trên hầu như khắp cả nước nhiều năm sau mốc lịch sử đó, hai lĩnh vực giáo dục và y tế tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác, vẫn được nhà nước Việt Nam khi đó ‘chu cấp’ miễn phí, người dân đỡ bị khó nhọc. Ngày nay, với riêng hai lĩnh vực này (giáo dục và y tế), người dân Việt Nam đều phải nộp tiền, thậm chí nhiều thứ chi phí rất đắt đỏ, tính chất ‘xã hội’ do đó còn thua kém nhiều không chỉ so với chính bản thân của Việt Nam trong quá khứ, mà còn thua kém nhiều nước ở khu vực, trong đó có thua kém Thái Lan, nơi mà giáo dục theo nhà nghiên cứu này là ‘hoàn toàn miễn phí’ từ khi trẻ bắt đầu đi học, cho tới học hết phổ thông.
Về các mặt thách thức khác, ông Lê Văn Sinh nói tiếp :
"Việt Nam vì xây dựng mô hình theo Chủ nghĩa Marx-Lenin mà không thành công, nên buộc phải quay sang nền kinh tế thị trường, phải thừa nhận nền kinh tế thị trường và phải thừa nhận các giai cấp chủ, giai cấp tư sản, điều mà thời kỳ trước năm 1986 người ta không chấp nhận, bây giờ xã hội quay sang hình thái mới, làm cách nào ngành tuyên giáo Việt Nam có thể nêu ra được một đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế Việt Nam. Cái đó tôi nghĩ là một khó khăn, thách thức mà ngành tuyên giáo đang đối mặt".
Nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng tuyên truyền là làm cho người khác tin theo mình và làm theo mình. Do đó, tuyên truyền phải được đặt trên một thực tế, mà một thực tế sáng sủa, thì tuyên truyền mới có tác dụng. Còn ở Việt Nam, ông Sinh cho rằng:
"Tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn lên, do tài sản của các thành phần xã hội ngày càng cách xa nhau, có bộ phận không tiêu hết tiền, bộ phận khác lại không có tiền, không có nổi một cuộc sống tối thiểu, vậy thì tuyên truyền thế nào ?"
Tham nhũng của quan chức trong hệ thống chính quyền là một vấn đề khác được nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra. Ông cho rằng hệ thống, mạng lưới cán bộ của nhà nước Việt Nam "hễ cứ có quyền là sẽ có tham nhũng".
Do đó ông kết luận : "Vậy ngành tuyên giáo tuyên truyền như thế nào để cho người ta tin ?".
Ông Sinh, qua đó, đưa ra ví dụ về hai cựu phó lãnh đạo của Ban Tuyên giáo trung ương là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn :
"Hai ông này, viết sách dạy đạo đức cách mạng, lên án những người mà các ông cho rằng là phản động, nhưng thực tế là các ông đã phá hoại chính ‘sự nghiệp’ của Đảng. Các ông tham nhũng, nhận tiền của doanh nghiệp, đến mức mà các ông phải bị đi tù. Vậy thì cách tuyên truyền như thế có thuyết phục được không, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, khi không còn đặc quyền nắm giữ thông tin như trước đây" - Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói.
Từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, nguyên trưởng Đại diện của báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, nêu quan điểm riêng của mình :
"Kỷ niệm 93 năm và sắp tới là 100 năm. 100 năm đối với một đời người thì quá dài, quá kinh khủng, chỉ cần một năm hay một tháng mà làm sai đã có thể hủy hoại cả cuộc đời rồi, thế nhưng đây là 93 năm, và tôi nghĩ nếu có ‘kỷ niệm’ ngành tuyên giáo, thì ở đây kỷ niệm một ngành được đẻ ra dưới thời của chế độ cộng sản Việt Nam mà họ đã làm tròn nhiệm vụ là ‘hung thần’ trong việc kiểm duyệt và đàn áp tự do ngôn luận, thông qua ‘vòng kim cô’ là kiểm soát báo chí và định hướng mọi mặt trong xã hội, và bây giờ là kiểm soát tự do ngôn luận trên tất cả mọi phương diện.
Ngành tuyên giáo cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi và che giấu sự thật cho rất nhiều tiêu cực của những cán bộ, đảng viên, tóm lại là những tầng lớp cầm quyền rất đông đảo của Việt Nam, nhưng đối với xã hội, họ đã có tác dụng ngược lại. Tức là khi họ đã ngăn chặn sự thật và ngăn chặn tự do ngôn luận, với xã hội, ngành tuyên giáo đã hoạt động như một sự ngăn cản tiến bộ xã hội".
Vẫn theo bà Võ Thị Hảo, ngành tuyên giáo ở Việt Nam nắm giữ một ‘quyền lực đáng sợ’ đối với báo chí, ngôn luận, bà nói tiếp :
"Họ là một ngành, một lực lượng ‘truy sát’ diệt trừ tự do ngôn luận, mà họ lại là cấp trên. Ngành tuyên giáo là một ngành ‘chỉ tay năm ngón’, và trong những cuộc họp giao ban hay những chỉ thị miệng, thường họ chỉ thị miệng, chứ không chỉ thị bằng văn bản, vì họ sợ chứng cứ, họ thoát ra khỏi mọi trách nhiệm và đó là những ‘chỉ thị đen’, chỉ thị miệng bằng một cú điện thoại, hay một cuộc nói chuyện gì đó. Họ chuyên môn làm theo ý thích của cá nhân những người có quyền lực ở trong ngành tuyên giáo… chỉ đạo báo chí hay tự do ngôn luận.
Họ rất đáng sợ, vì họ có thể tước thẻ nhà báo này, hoặc đóng cửa tòa báo kia. Và chưa kể, bây giờ có Luật An ninh mạng, thì đó là một quyền lực cực kỳ lớn, và đó là một quyền lực người ta không thể hình dung được, không thể nắm bắt được, không thể biết là sự sấm sét này có thể đến từ người này hay từ người kia, hay từ lúc nào, và không hề có một văn bản nào để chứng minh trách nhiệm của người ra quyết định sai ấy".
Một người bán báo trên đường phố Hà Nội vào năm 2015 (minh họa). AFP
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) bình luận với RFA tiếng Việt trên quan điểm riêng :
"Tất cả các chính quyền cộng sản đều là bậc thầy về tuyên truyền và sự tuyên truyền của họ rất tinh vi và có hiệu quả không thể tưởng tượng nổi. Những người mà không để ý nghĩ rằng sự tuyên truyền là một từ thường được dùng theo nghĩa ‘xấu’ ở phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, ‘tuyên truyền’ là một từ rất được coi trọng, người ta nói liên tục, hàng ngày trên báo chí và đó là một kỹ thuật, một biện pháp mà các đảng cộng sản coi là rất quan trọng. Không chỉ những người cộng sản, mà cả những người tiếp thu những chính quyền như vậy, tôi nói ví dụ như chính quyền Putin ở Nga, họ có biệt tài, là bậc thầy về việc tuyên truyền. Nói chung, ở thế giới văn minh, người ta không để ý chuyện ấy. Tôi có thể nói rằng… những biện pháp tuyên truyền của họ rất có hiệu quả và ngày 01/8, họ kỷ niệm 93 năm ngành tuyên truyền của họ, để thấy rằng nó có một bề dày lịch sử rất lâu đời, trở thành một truyền thống và tôi phải nói rằng nó có ảnh hưởng tác động hết sức sâu sắc đến đời sống của người dân ở Việt Nam và ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam".
Gọi ngành tuyên truyền dưới các chính quyền cộng sản là một dạng ‘cảnh sát tư tưởng’, liên hệ với thực tế hoạt động của ngành này ở Việt Nam, nhất là giai đoạn gần đây và hiện nay, ông Nguyễn Quang A nói :
"Ít nhất khoảng một chục năm nay, tôi gọi họ là ‘cảnh sát tư tưởng’ và cảnh sát tư tưởng còn nguy hiểm hơn cảnh sát bình thường. Bởi vì cảnh sát bình thường, chí ít còn giữ được trật tự, an ninh của người dân, tức là chống trộm cướp, làm cho người dân được sống yên bình chẳng hạn, nhưng cảnh sát tư tưởng chỉ giám sát tư tưởng của người ta mà thôi, bằng cách uốn nắn tư tưởng của người ta, dụ dỗ, làm cho người ta tin, hay như tôi vẫn nói một câu mà họ rất ghét, tức là ‘nhồi sọ’ hay là ‘tẩy não’. Và như người ta nói ‘tẩy được não của con người, thì con người trở thành nô lệ’. Cho nên, ‘cảnh sát tư tưởng’ là cảnh sát nguy hiểm nhất với đất nước và dân tộc.
Tôi nghĩ không phải chỉ tuyên giáo của Việt Nam, mà tuyên giáo của tất cả các chế độ cộng sản chỉ khác nhau ở mức độ thôi, điều mà gọi là sự đe dọa không phải là cái chính, cái chính là tìm cách thuyết phục để cho người tin vào cách suy nghĩ của họ, khiến cho tất cả mọi người nghĩ theo cách của họ. Về mặt tâm lý và giáo dục, đó là một chuyện rất cao siêu, chứ không phải là tầm thường. Còn việc đe dọa, trấn áp thì thực sự cũng là một biện pháp, nhưng biện pháp ấy không phải là biện pháp chính, tuy rằng trong những năm gần đây chúng ta thấy nó nổi trội lên. Mà thực sự không chỉ nổi trội lên mấy năm gần đây, chúng ta chỉ cần suy nghĩ lại, vụ ‘Nhân văn – Giai phẩm’ chẳng hạn, nó cũng là sáu, bảy chục năm rồi, chứ không phải là mới lắm đâu".
Liên hệ với thực tế hôm nay ở Việt Nam, vẫn từ góc nhìn theo quan điểm riêng này, ông Nguyễn Quang A nói:
"Còn bây giờ trong Luật Hình sự của Việt Nam như là Điều 117, 335, đấy thực sự là những điều đánh vào tư tưởng, người ta xem là ông suy nghĩ thế nào, suy nghĩ của ông không giống chúng tôi thì chúng tôi trừng trị… Cái đó cho thấy cả một hệ thống được phân công, phân nhiệm và vận hành một cách nhịp nhàng để kiểm soát tư tưởng.
Kiểm soát tư tưởng một mặt là ‘nhồi sọ’, một mặt là ‘tẩy não’, một mặt là ‘thuyết phục’, và một mặt rất quan trọng của họ là ‘đánh lộn’ khái niệm. Tức là cùng một từ như thế này, xin ví dụ như là ‘dân chủ’, hay ‘tự do’, cả thế giới người ta hiểu theo một cách như thế này, nhưng còn ở các nước độc tài, họ cũng dùng những từ như vậy, song với hàm ý hoàn toàn khác và nhiều khi làm cho người dân lẫn lộn. Đấy là một cách mà tôi không lấy gì làm lạ, khi họ phối hợp tất cả các cơ quan (tuyên giáo, lực lượng vũ trang, tư pháp, mặt trận, ủy ban dân tộc, tôn giáo v.v…) của chế độ, để thực hiện những biện pháp hay đường lối về tuyên truyền".
Về viễn kiến tương lai của ngành tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, các nhà quan sát, bình luận thời sự, chính trị Việt Nam trong dịp này chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do góc nhìn trên quan điểm cá nhân của mình :
"Tôi nghĩ về tương lai của ngành tuyên truyền của Việt Nam, vì đây là một ngành cảnh sát tư tưởng, một ngành vô cùng quan trọng đối với chế độ và đối với hệ thống, cho nên nó sẽ vẫn được trọng dụng, được hết sức nâng đỡ. Tôi thấy rất đáng buồn để nói là nếu người dân chúng ta (Việt Nam) mà không tỉnh táo, thì rất có thể số đông người dân vẫn tin vào đó".
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói :
"Còn tôi nghĩ rằng nếu ngành tuyên giáo tiếp tục làm việc như việc đang làm, thì ngành này sẽ ngày một xa rời thực trạng của xã hội Việt Nam. Đầu tiên là về mặt lý luận, tôi chưa được đọc một bài nào của các lý luận gia Marxism ở Việt Nam, nói về định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường, cái mà ngành tuyên giáo muốn ‘đi trước, đón đầu’, muốn tìm ra, muốn đi trước về mặt lý luận. Có thể là có mà tôi chưa được đọc chăng, nhưng những gì tôi được đọc, chưa có một tác giả, bài viết nào mà thuyết phục tôi về tính khả thi của việc định hướng cho nền kinh tế thị trường Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội cả. Một nền kinh tế tự do, cạnh tranh với nhau, mà lại bị định hướng bởi một đảng cầm quyền, bởi các nguồn thông tin nằm trong tay của một cơ quan tuyên huấn, tuyên giáo và báo chí truyền thông, thì điều đó thật là khó cho cả hai, tức là cho nền kinh tế đó và cho chính thể chế hiện giờ".
Còn từ Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nêu quan điểm :
"Tuyên giáo sẽ còn mãi dưới những chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ độc tài cộng sản, cho nên nếu 100 năm mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn, vẫn độc tài như một chính đảng duy nhất cầm quyền như thế, thì ngành tuyên giáo còn ‘rực rỡ’ ở chỗ là họ sẽ còn rất nhiều quyền lực, quyền lực công khai, quyền lực ngầm, và họ sẽ được hưởng rất nhiều lợi lộc. Nhưng mà ngành tuyên giáo sẽ không còn nữa, tất cả sẽ bị hủy bỏ, không còn vai trò, không còn tên của họ nữa, dưới một chế độ, một xã hội mà có dân chủ, thực sự có dân chủ đa nguyên".
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 01/08/2023
J.B. Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 28/07/2020
Ngày 28/07/2020, tờ Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết : "VOA, RFA vẫn tiếp tục chống phá Việt Nam".
Đọc qua bài viết, người ta thấy gì ?
Một người đàn ông đang đọc báo Nhân Dân trên đường phố ở Hà Nội hôm 3/10/2008 – AFP
Bài viết về việc hai cơ quan thông tin tại Hoa Kỳ là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Châu Á tự do (RFA) đã "đưa ra thông tin bịa đặt, bình luận xuyên tạc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, xúc phạm Đảng và Nhà nước Việt Nam" "Vào thời điểm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2020), nhiều chương trình, hoạt động thiết thực đã được tổ chức trang trọng tại hai nước"
Bài báo cho rằng, hai cơ quan truyền thông này đã "chống phá Việt Nam".
Đất nước Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, được xây đắp nên bởi xương máu bao nhiêu đời từ khi khai dân lập quốc cho đến ngày nay. Lãnh thổ của đất nước này, Tổ quốc này kéo dài từ Ải Nam Quan đến Cà Mau. Tài sản của đất nước này không chỉ là tất cả tài nguyên, khoáng sản và mọi điều kiện thiên nhiên, thời tiết mà cả con người, cả nền văn hóa ngàn năm được xây đắp chắt chiu từ nhiều đời truyền lại cho con cháu một truyền thống văn hóa yêu nước, dựng nước và giữ nước.
Đó là tài sản của tất cả những người đã sinh ra, xây dựng nên đất nước này, đã hy sinh chiến đấu để gìn giữ nó cho con cháu họ ngày nay.
Ngày nay, gần 100 triệu người dân Việt Nam, kế thừa những thành quả mà cha ông họ đã bao đời xây đắp nên, họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ những giá trị từ văn hóa đến lãnh thổ. Họ là những người chủ đất nước.
Việt Nam không là bất cứ một tên cha căng chú kiết nào tự xưng là cha già dân tộc, không là bất cứ một nhóm bè phái băng đảng nào tự nhảy lên đầu, lên cổ nhân dân mà tự xưng là lãnh đạo duy nhất, khoa học nhất, thông minh nhất, tài giỏi nhất, đạo đức nhất và là Việt Nam.
Do vậy, nói đến Việt Nam, là nói đến cả gần 100 triệu người dân còn sống và hàng trăm triệu người dân đã chết, là nói đến sự tồn vong của dân tộc, nói đến nền văn hóa yêu nước thương nòi được hun đúc mấy ngàn năm qua để lại.
Thế nhưng, như mọi bài viết, bài báo của đảng cộng sản Việt Nam mà tờ Nhân Dân là điển hình, bài báo đã cố tính đánh lộn con đen khi tự xưng Việt Nam là "Đảng, nhà nước".
Sự đánh tráo khái niệm rằng đất nước, Tổ Quốc, dân tộc Việt Nam là Đảng cộng sản Việt Nam, để rồi lu loa rằng chống lại Đảng và chính quyền cộng sản – một băng đảng đã tự thể hiện sự bại hoại, sự đểu cáng, sự thối tha và bất lương, phản phúc của mình trên thực tế, trước bàn dân thiên hạ - nghĩa là chống lại Việt Nam, thì đó là sự tháu cáy mà không mấy ai không nhận ra.
Đó cũng là sự loạn ngôn, loạn xưng thường thấy trong hệ thống cộng sản – nói theo ngôn ngữ dân gian – nghĩa là những đứa cha căng chú kiết cứ tự xưng mình là cha thiên hạ trong cái giai đoạn mà người dân thường nói là "Trời làm lụt lội, chó nhảy lên ban thờ".
Với định nghĩa như trên, việc đưa đất nước Việt Nam phát triển, việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam mà cha ông để lại, việc đem đến cho người dân Việt Nam những quyền được làm người, được sống cuộc sống no đủ, văn minh, đúng phẩm giá con người như cha ông họ đã chấp nhận hy sinh để họ được hưởng là nghĩa vụ của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Những người đang chung tay, góp sức để những điều đó được phát triển tốt đẹp, đem lại sự yên bình, ấm no cho người dân, sự an toàn của đất nước, sự bảo toàn của lãnh thổ Tổ Quốc… chính là những người đang xây dựng Việt Nam.
Còn những kẻ đi ngược lại điều đó, là những kẻ đang chống phá lại Việt Nam.
Vậy ai đang xây dựng Việt Nam ?
Cần phải nói rằng, tất cả những người dân lao động Việt Nam đang ngày đêm chắt chiu từng giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu lẫn những tủi nhục của bản thân không chỉ trên quê hương, đất nước này, mà cả những người đang ở bất cứ đâu trên thế giới vẫn hướng về Việt Nam để chăm chút, vun đắp nó, đều là những người đang yêu nước, đang xây dựng Việt Nam.
Họ là những công nhân trong các nhà máy, lo chăm chỉ lao động ngày đêm, chấp nhận đủ mọi thứ cực hình về điều kiện xã hội, đời sống, để chăm lo cho con cái họ được hạnh phúc hơn, được học hành để có thể làm chủ đất nước sau này… họ đã là những người yêu nước và đang xây dựng đất nước. Đó là chưa nói đến hàng ngàn, hàng vạn thứ thuế, phí cũng như bao thứ tiền đen, tiền đỏ họ phải chi ra trong xã hội để nuôi một bộ máy đảng và nhà nước, tổ chức của đảng khổng lồ.
Họ là những người đã phải lặn lội bỏ nước ra đi trên những chuyến đi đầy mạo hiểm để rồi chấp nhận cả sự tủi nhục nơi quê người, kể cả cái chết trong các container lạnh lẽo xứ sương mù, với tâm tưởng muốn kiếm những đồng tiền đổi bằng xương máu đem về xây dựng gia đình, xã hội Việt Nam.
Họ là những người đang yêu nước và xây dựng đất nước hiện nay.
Họ là những người đã vì cuộc sống người dân được tự do, dân chủ hơn, được mở miệng để rên lên sự thống thiết, bi ai trong hoàn cảnh của mình mà chấp nhận tất cả để lên tiếng về những bất công trong xã hội, về những điều mà người dân cần được hưởng, được phục vụ, về việc bảo vệ những giá trị của nền văn hóa Việt trước ngoại bang xâm lược. Thế rồi họ chấp nhận bị thế lực hắc ám hãm hại trong các nhà tù hiện nay.
Họ là những người đang xây dựng và yêu mến đất nước Việt Nam.
Họ là những người dù đã xa quê hương để lưu lạc khắp nơi trên thế giới vì bất cứ lý do nào, nhưng vẫn canh cánh bên lòng nối nhớ thương và yêu mến quê hương Việt Nam, mong muốn quê hương ngày càng phồn thịnh và phát triển, người dân được sống trong tự do, hạnh phúc và thấp thỏm trước họa ngoại bang xâm lấn lãnh thổ của Tổ Quốc, dù họ không còn có lợi ích hoặc bất cứ điều gì liên quan đến việc mất còn của đất nước.
Họ là những người đang xây dựng và yêu mến đất nước Việt Nam.
…
Vậy ai đang chống phá Việt Nam ?
Những kẻ đã đưa một thứ lý thuyết băng hoại, tôn sùng vật chất, lấy bạo lực làm đầu, lấy dối trá làm phương tiện, lấy cướp bóc làm hành động để hủy hoại nền văn hóa Việt được xây dựng với bao điều tốt đẹp từ hàng ngàn năm nay.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đã dựa vào các thế lực nước ngoài để liên tục đem con dân mình là mồi cho hòn tên mũi đạn, làm những vật thí nghiệm cho một thứ tư tưởng gọi là Quốc tế cộng sản, tiến hành những cuộc chiến nồi da nấu thịt, tàn sát quê hương, xóm làng, phân rẽ vùng miền và đầy đọa người dân trong đói nghèo, tụt hậu.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đã bất chấp đời sống cùng cực của người dân, chỉ chăm lo cho quyền lợi của bản thân, đảng phái mình mà dựng nên một bộ máy kìm kẹp khổng lồ, đày đọa người dân trong đớn đau, tủi nhục và cùng cực, chỉ nhăm nhăm lo vơ vét của dân đến những đồng cắc cuối cùng. Những kẻ đang cố tình dựng lên một bầy sâu" – Trương Tấn Sang – để "ăn của dân không từ một thứ gì" – Nguyễn Thị Doan.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đang ngày đêm đốt tiền dân bằng mọi lý do, bằng mọi cách nhằm vinh danh những thây ma được tô vẽ, chỉ nhằm mục đích dựng nên một thứ bù nhìn nhằm lừa bịp người dân và qua đó xây dựng đền đài, lăng tẩm, tượng đài khắp nơi khắp chốn để tha hồ vơ vét những đồng cắc cuối cùng của người dân lao khổ.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đang lấy kẻ thù của đất nước, của dân tộc làm bạn vàng, dâng lãnh thổ, lãnh hải cho giặc làm mồi để nhằm được chống lưng, được bệ đỡ mà giữ chắc cái ghế cai trị bòn rút máu xương người dân Việt Nam.
Đó chính là những kẻ chống phá và là kẻ thù của người dân Việt Nam.
Những kẻ đang ngày đêm cố tính bằng mọi cách tước đi quyền lợi tối thiểu của người dân là quyền được làm người, được có những quyền cơ bản như tự do đi lại, tự do báo chí, tự do tư tưởng… và để đạt được điều đó, đã bắt bỏ tù, hãm hại, đàn áp những tiếng nói cho sự thật, công lý ở Việt Nam.
Đó chính là những kẻ chống phá Việt Nam.
Sự thật đó không ai có thể chối cãi.
Thực tế đó đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên đất nước Việt Nam.
Và thực tế đó đã chứng minh một điều : Kẻ chống phá Việt Nam nhiều nhất, làm cho đất nước điêu linh nhất, làm cho xã hội băng hoại, suy đồi nhất, làm cho lãnh thổ bị mất nhiều nhất, chính là Đảng cộng sản Việt Nam.
Trở lại bài báo trên tờ Nhân Dân, những điều tưởng như đơn giản trên đã phải giải thích khá dài bởi sự láu cá lập lờ đánh lận con đen của tờ báo cộng sản.
Tờ báo đã dùng cái tư duy của chế độ độc tài để áp đặt cho nền báo chí tự do với những lời lẽ bình luận khá ngây ngô.
Bài báo cho rằng, các cơ quan truyền thông này chỉ đưa tin chiếu lệ về sự kiện 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, còn lại là những thông tin "vu cáo ở Việt Nam "không có tự do ngôn luận" và chính quyền "đàn áp người bất đồng chính kiến".
Việt Nam có tự do ngôn luận ư ? Cả ngàn tờ báo có chung một tổng biên tập và dưới cái gậy của đảng thì đó là tự do ngôn luận ư ? Cái gọi là Ban Tuyên giáo của đảng là cái gì vậy ? Là biểu hiện của tự do tư tưởng và tự do ngôn luận đó sao ?
Việt Nam không đàn áp bất đồng chính kiến ư ? Hàng loạt các nhà báo, những Facebooker bị bắt giam, bị tống ngục và hành hạ đủ điều trong đời sống, trong xã hội là điều hiển nhiên ai cũng thấy, đó là gì ?
Và bài báo kết luận : "Đó là việc làm hết sức khó hiểu, cần phải lên án, vì VOA, RFA đã ngang nhiên đi ngược quan điểm, cam kết của lãnh đạo, chính quyền Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam".
Nực cười hơn, bài báo đặt vấn đề : "Vì thế, bên cạnh việc đề nghị chính quyền cùng cơ quan chức năng của Mỹ cần chấn chỉnh hoạt động của VOA, RFA sao cho phù hợp với các nguyên tắc, quan điểm của nước Mỹ với Việt Nam"
Đọc những lời này, người ta thấy ái ngại thay cho tư duy báo chí nô lệ ở Việt Nam. Xin thưa, ở ngoài biên giới Việt Nam, báo chí không nằm trong "sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng". Do vậy, người dân được phát huy quyền tự do ngôn luận của mình mà chẳng hề phải đi xuôi chiều cùng lãnh đạo chính quyền.
Bởi ngay cả chính quyền khi không vừa lòng dân cũng sẵn sàng bị hạ bệ chứ đâu như cái chính quyền "đảng cử dân bầu" ở Việt Nam.
Có lẽ có rất nhiều điều cần bàn trong bài viết này đã đề cập đến. Tuy nhiên, đọc bài viết, người ta thấy một điều cơ bản, đó là tư duy báo chí độc tài không hề thay đổi khi nhận định, đánh giá, phê phán báo chí nước ngoài.
Bởi chính những kẻ làm báo này, chắc cũng không thể hiểu nổi khái niệm về báo chí tự do.
Bởi họ được trang bị một thứ tư duy : Tư duy của những con cừu.
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 28/07/2020
*********************
Vũ Hợp Lân, Nhân Dân, 28/07/2020
Vào thời điểm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020), nhiều chương trình, hoạt động thiết thực đã được tổ chức trang trọng tại hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các bộ, ngành liên quan đã trao đổi thư, điện mừng, tổ chức gặp mặt kỷ niệm, đồng thời có nhiều đánh giá, phát biểu bày tỏ sự hài lòng và vui mừng trước sự phát triển trong quan hệ hai nước nhân dịp sự kiện có ý nghĩa này. Tuy nhiên, ngược lại chiều hướng tích cực đó, VOA, RFA lại đưa ra thông tin bịa đặt, bình luận xuyên tạc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, xúc phạm Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là việc làm hết sức khó hiểu, cần phải lên án, vì VOA, RFA đã ngang nhiên đi ngược quan điểm, cam kết của lãnh đạo, chính quyền Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.
222222222222222222222
Có một điểm cần nhấn mạnh trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, là nguyên tắc "hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau" được khẳng định trong Tuyên bố chung năm 2013 về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước đã được lãnh đạo nước Mỹ nhắc lại nhiều lần. Như trong Thư của Tổng thống D. Trump (Đ. Trăm) gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đoạn "Mỹ duy trì cam kết tăng cường, mở rộng hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở tầm nhìn chia sẻ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng cũng như tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và luật lệ"; các Nghị quyết H.Res.1018, S.Res.607 của Thượng nghị viện, Hạ nghị viện Mỹ đều ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập ; và Thông điệp của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M. Pompeo (M. Pom-peo) cũng đã nhắc lại nguyên tắc "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau". Điều đó cho thấy, lãnh đạo và chính quyền nước Mỹ đã công khai bày tỏ sự tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Vì thế, không thể coi là chuyện "bình thường" khi 25 năm qua, VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ), RFA (Đài châu Á tự do) liên tục công bố thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bình luận tiêu cực, truyền bá luận điệu vu cáo, vu khống, thậm chí tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Vào dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ cũng vậy, khảo sát trang tiếng Việt của VOA, RFA sẽ thấy, số lượng tin bài đề cập tích cực về sự kiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tin bài đề cập tiêu cực về Việt Nam, nhất là loại tin bài liên quan việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Dù có thể VOA, RFA không có trách nhiệm bình luận tích cực, vẫn phải chỉ ra một nghịch lý là trong khi lãnh đạo nước Mỹ khẳng định nguyên tắc đã đề cập ở trên, thì VOA và RFA - hai cơ quan truyền thông thuộc chính quyền Mỹ, lại làm ngược lại, chí ít cũng là có thái độ thù địch, không tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Điều này có thể nhận thấy rất rõ trên trang tiếng Việt của VOA và RFA trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.
Với VOA, có lẽ ngoài bài viết "Nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tại Việt Nam : chặng đường 25 năm rất ấn tượng" đăng ngày 15-7-2020 thể hiện khá khách quan, thì còn lại để kỷ niệm là khá nhiều bài viết xuyên tạc nhằm vẽ nên bức tranh u ám về Việt Nam. Ngày 14-7-2020, bằng việc đăng tải bài "Nhìn lại 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao" của người lấy tên là Thiện Ý nào đó ở Houston (Hiu-xtơn - Mỹ), những người có trách nhiệm ở VOA như muốn "mượn mồm bạn đọc làm báo" để xuyên tạc, hạ thấp vị thế của Việt Nam, nói rằng chủ nghĩa xã hội đã "thất bại". Sự thiếu thiện chí này còn thể hiện rõ qua việc cố tình gắn sự kiện một số người bị cơ quan cảnh sát điều tra của Việt Nam khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam vì đã có hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" (Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015) với việc "tăng cường trấn áp trước Đại hội Đảng" (VOA, 7-7-2020), hoặc mập mờ đưa tin một người phát ngôn (giấu tên và tại sao phải giấu tên ?) của Bộ Ngoại giao Mỹ "quan ngại về bản án 8 năm tù của Facebooker "chống phá nhà nước" Việt Nam" !
Với RFA, tin tức về 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ chỉ đăng tải chiếu lệ. Còn lại chủ yếu vẫn tràn ngập bài vở tiếp tay, tạo diễn đàn để các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đưa ra phát ngôn tùy tiện. Bên cạnh việc tiếp tục vu cáo ở Việt Nam "không có tự do ngôn luận" và chính quyền "đàn áp người bất đồng chính kiến", RFA còn rất hăng hái (nếu không nói là đi đầu) trong "chiến dịch truyền thông đen" được triển khai để tiến công quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài của Diễm Thi đã đăng ngày 9-7-2020, cùng với việc dựa theo thuyết âm mưu để "dự báo" và bình luận bừa bãi về lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội XIII, RFA còn gắn nhãn hiệu "nhà quan sát chính trị" cho Nguyễn Ngọc Già (tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, năm 2016 đã bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên án 3 năm tù, 3 năm quản chế về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" (theo Điều 88 Bộ luật Hình sự) để người này có cơ hội phát ngôn nhảm nhí về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam. Bỉ ổi hơn, ngày 8-7-2020 RFA trơ tráo tung tin "rò rỉ thông tin đấu đá nội bộ trong đảng", dẫn lời Bùi Thanh Hiếu bịa đặt vô căn cứ về việc "nhiều lần nhận được các thông tin, tài liệu mật về các cán bộ thuộc hàng cấp cao trong đảng và các tài liệu này đều do các cán bộ bên trong đảng đưa ra để đấu đá nhau do tranh chức tranh quyền, hạ bệ lẫn nhau". Đưa thông tin như vậy, RFA đã phần nào tự chứng minh về thái độ cũng như cách làm báo, tác nghiệp chuyên môn không có liêm sỉ của họ bởi chẳng hạn như đối với Bùi Thanh Hiếu, nhiều năm nay kẻ này đã bị dư luận vạch trần là kẻ chuyên dựng chuyện, xuyên tạc, bịa đặt, hiện đang vất vưởng lưu vong ở CHLB Đức... Cho nên nếu có chút lương thiện, RFA phải nhận ra một điều đơn giản là chắc chắn không ai dại dột gửi "thông tin, tài liệu mật" cho một kẻ thiếu tư cách, đạo đức như vậy. Chưa kể với bản chất lật lọng, lưu manh như đối tượng này thường xuyên thể hiện thì việc để hắn "nắm đằng chuôi", khi cần có thể trở mặt và khống chế là nguy cơ mà bất cứ một ai, kể cả kém hiểu biết cũng luôn đề phòng.
Quay trở lại bài viết, "Nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tại Việt Nam: chặng đường 25 năm rất ấn tượng" đăng trên VOA, sau khi kể lại hoạt động của mình khi tham gia quá trình thương thuyết nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Việt Nam, ông C. Runckel (C. Răn-ken) - nhà ngoại giao của Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, đã tự nhận xét và đánh giá : "Một trong những điều quan trọng nhất là chúng tôi dành cho người khác sự tôn trọng, thừa nhận rằng họ có một hệ thống chính trị khác với chúng ta. Họ có một nền văn hóa khác, một lịch sử khác với chúng ta. Nhưng chúng tôi nợ họ sự tôn trọng… Chúng ta cần lắng nghe họ muốn nói điều gì. Dù chúng ta chọn những con đường khác nhau vì lịch sử, văn hóa khác nhau, nhưng chúng ta phải lắng nghe và tôn trọng họ trong việc đi tiếp con đường phía trước". Xét từ nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau đã được xác định từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, thì ý kiến của ông C. Runckel phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển quan hệ lành mạnh giữa các quốc gia văn minh trong thế giới hiện đại. Điều đáng tiếc và khó hiểu là sau khi công bố ý kiến này trên trang mạng của mình, VOA lại không coi đó là một trong các tiêu chí để khảo chứng trước khi công bố bài vở về Việt Nam ? Phải chăng việc đăng tải bài viết nói trên chỉ nhằm mục đích để tỏ ra vô tư, còn thực chất về sâu xa bên trong VOA chỉ khuyến khích và cổ vũ cho những người, bài viết, hành xử theo những chuẩn mực trái ngược với quan điểm của ông C. Runckel ? Và phải chăng VOA chỉ muốn hành xử trái ngược với các nguyên tắc, quan điểm mà lãnh đạo và chính quyền nước Mỹ đã công khai khẳng định ?
Thực tế lịch sử và phát triển trên thế giới đã cho thấy, thể chế chính trị của một quốc gia là hiện thực hóa lựa chọn chính trị của quốc gia ấy thông qua các thiết chế tổ chức, quản lý xã hội. Ở Việt Nam, sự lựa chọn chính trị đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thể hiện rất kiên định và rõ ràng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định : "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử"; đồng thời xác định dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước ; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ; mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân với nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo… Trên cơ sở đó, phải khẳng định mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt với lựa chọn chính trị, vu khống, vu cáo thể chế chính trị, hỗ trợ, kích động hoạt động chống phá chế độ xã hội ở Việt Nam mà VOA, RFA tiến hành trong nhiều năm qua thực chất là hành vi chống phá, thiếu tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, xâm phạm thô bạo vào công việc nội bộ và chủ quyền của Việt Nam, trực tiếp phá hoại chủ trương cũng như những thành quả của mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ mà chính quyền và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp.
Đến hiện tại, sau khi Giám đốc Cơ quan truyền thông quốc tế thuộc Chính phủ Mỹ (USAGM) mới được bổ nhiệm, Giám đốc cùng Phó Giám đốc VOA đệ đơn từ chức, Giám đốc RFA bị sa thải,… không như kỳ vọng của nhiều bạn đọc, VOA, RFA vẫn chưa hề có những chuyển biến, thay đổi gì so với trước đó, nhất là trong thái độ của họ với Việt Nam. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cử tri Việt Nam chuẩn bị bầu cử Quốc hội của mình, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân cũng bắt đầu "chiến dịch truyền thông đen" nhằm phá hoại các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng này ; thì việc VOA, RFA lại nỗ lực trở thành địa chỉ giữ vai trò xung kích, tạo diễn đàn để truyền bá luận điệu sai trái, và là nguồn cung cấp thông tin tiêu cực để các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí khai thác, dựa vào đó để xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng không phải là điều có gì lạ và khó hiểu. Vì thế, bên cạnh việc đề nghị chính quyền cùng cơ quan chức năng của Mỹ cần chấn chỉnh hoạt động của VOA, RFA sao cho phù hợp với các nguyên tắc, quan điểm của nước Mỹ với Việt Nam ; thì mặt khác, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh vạch trần thái độ, mưu đồ, mọi thủ đoạn của VOA và RFA. Đồng thời với những ai đang là bạn đọc của hai địa chỉ truyền thông này cần hết sức tỉnh táo khi tiếp xúc với thông tin được đăng tải để không bị sa vào "bẫy truyền thông" mà VOA, RFA giăng ra. Bởi, xét cho cùng, như Luật sư Trịnh Quốc Thiên - một người Mỹ gốc Việt đã đánh giá, thì đó là các địa chỉ đội lốt truyền thông, sẵn sàng tung tin giả, tin vịt và không đáng tin cậy!
Vũ Hợp Lân
Nguồn : Nhân Dân điện tử, 28/07/2020
*************************
Tại sao Việt Nam không thể bỏ Trung Quốc ?
Cánh Cò, RFA, 28/07/2020
Trong suốt thời gian từ năm 1972 đến nay chưa bao giờ thế giới chứng kiến việc Hoa Kỳ thẳng thừng lên án Trung Quốc như thời gian vừa qua.
Bắt đầu bằng cuộc chiến thương mại giữa hai nước do Mỹ phát động đến việc cấm Huawei hoạt động trên đất Mỹ sau đó chuyển sang kết án Bắc Kinh đã cố tình im lặng phát tán virus Corona làm cho nước Mỹ và EU ngập chìm trong chết chóc, hỗn loạn dẫn tới quyết định nhanh chóng trước việc Hong Kong bị thủ tiêu chính sách "một quốc gia hai chế độ" và lần đầu tiên Mỹ lên án nặng nề việc chính quyền Trung Quốc giam giữ, hành hung, triệt sản hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và lập tức cấm vận những công ty, cán bộ chóp bu người Trung Quốc tại Tân Cương cho thấy Mỹ không còn do dự vì mối quan tâm đến việc trao đổi thương mại với Trung Quốc như xưa nay nhiều người nhận xét.
Cuối cùng nhưng chưa phải là kết thúc : Mỹ ra lệnh lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston Texas phải về nước trong vòng 72 giờ vì đã có hành vi gián điệp trên nước Mỹ. Đây là tiếng chuông báo tử cho quan hệ hai nước.
Đối với Việt Nam, Mỹ chính thức chống lại đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc không những bằng lời nói mà còn bằng những hành động thiết thực như mang hai hạm đội tuần tra Biển Đông hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc tập trận như cảnh báo Bắc Kinh về sức mạnh liên quân mà Trung Quốc không bao giờ có.
Cho tới khi bài diễn văn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo đọc tại thư viện Richard Nixon vào ngày 26 tháng 7 như đập nước khổng lồ Tam Hiệp bị vỡ gây chấn động khắp nơi, nhất là Trung Quốc, cho thấy rõ ràng sách lược chống Trung Quốc triệt để của Washington đã được sự đồng thuận không những của chính quyền Trump mà cả lưỡng viện Quốc hội đã mạnh tay lật lá bài Trung Mỹ trước bàn cờ thế giới.
Người Việt khắp nơi kỳ vọng vào Mỹ sẽ giúp chính quyền Việt Nam thay đổi bản lĩnh trong cách ứng xử với Trung Quốc, thay vì bị động, nhu nhược như từ xưa tới nay có thể trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và nhất là độc lập hơn trong mọi giao dịch với Trung Quốc. Nhưng thời gian vừa qua cho thấy hầu như bài diễn văn của ông Pompeo chưa đủ khả năng gây phản ứng tích cực từ Hà Nội khi Việt Nam tiếp tục bưng bít những thông tin mà nước Mỹ đưa ra. Điển hình là tờ báo duy nhất và lớn nhất Việt Nam là VnExpress sau khi dịch và post lên toàn bộ bài diễn văn lịch sử này chỉ một ngày sau đã bị hạ xuống mất tăm. Hành động này giống như báo chí đưa tin hối lộ bị rút bài vì khác với quan điểm của Ban Tuyên giáo trung ương.
Người dân tự hỏi không biết tại sao nhà nước lại làm như vậy, khi mà nước Mỹ như một cứu tinh duy nhất và khả thi đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhưng nhà nước lại phản ứng rất tiêu cực nếu không muốn nói là phủ nhận vai trò của nước Mỹ đối với chủ quyền đất nước hiện nay.
Trả lời câu hỏi này chắc phải quay lại với hai điểm quan trọng mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài phát biểu mạnh mẽ và chuyên sâu của ông. Nó chứng tỏ rằng không ai hiểu rõ Trung Quốc hơn chính quyền Mỹ và vì hiểu nó nên Việt Nam chạnh lòng cho vị trí của mình trên bàn cờ thế giới.
Ông Pompeo nhìn nhận : "Chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ Mác - Lênin. Tổng bí thư Tập Cận Bình là một tín đồ đích thực của một ý thức hệ toàn trị phá sản".
Lời ghi nhớ của ông Pompeo khiến Hà Nội bối rối vì cho tới nay bất kể biến động thế nào đi nữa ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết hướng dẫn cả nước theo con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội, nếu bắt tay với Mỹ ông Trọng sẽ không còn việc gì làm vì ông ta chỉ có duy nhất một giáo điều, duy nhất một căn tính và duy nhất một quyết tâm.
Câu thứ hai của ông Pompeo làm cả hệ thống bất an hơn nữa : "Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã phớt lờ, hạ thấp những lời của những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm của Trung Quốc, những người đã cảnh báo chúng tôi về bản chất của chế độ mà chúng tôi phải đối mặt".
Theo thống kê của nhiều tổ chức nhân quyền thế giới Việt Nam đang giam giữ hơn 270 người có tư tưởng và hành động bảo vệ nhân quyền, cạnh đó danh sách của người bất đồng chính kiến đang bị theo dõi, trù dập, đe dọa lên tới hơn 300 người khác.
Đây là sự thật, là mối quan ngại của Việt Nam khiến các nỗ lực bắt tay với Mỹ để làm đối trọng trước hiểm họa bị Trung Quốc áp chế, bức tử bị bỏ qua. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn sợ hãi không dám đánh đổi thứ lý thuyết hoang tưởng do ông trót hấp thụ mà không thể tiêu hóa nhưng thứ lý thuyết ấy giúp ông và Đảng cộng sản Việt Nam tại vị, ít nhất cho tới khi nào người trong đảng can đảm đồng loạt bày tỏ sự chống đối do bị áp chế bằng các phần thưởng lấy từ nhân dân quá lâu thì may ra Việt Nam mới có cơ hội nói không với Trung Quốc.
Lúc đó vế thứ hai mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nói sẽ tự nhiên được hóa giải vì lúc ấy nỗi lo mất đảng không còn nữa.
Những nút thắt này ông Trọng có đủ can đảm vì dân vì nước hay không sẽ còn kéo dải, ít nhất sau Đại hội Đảng lần thứ 13 thì nhân dân mới vỡ òa lên được.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 28/07/2020 (canhco's blog)
**************************
Bây giờ nói về "người Nam hả hê"
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 28/07/2020
Trong bài "Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa", tôi viết (trích) :
"Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản - Cách đây vài chục năm, khi nghe câu này, tôi khá giận dữ và cảm thấy bị sỉ nhục. Cảm giác đó dễ hiểu bởi sự thật chưa được phơi bày như sau này.
Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà tôi tự tìm tòi. Tôi nghĩ, không có cách gì thuyết phục nhất cho mỗi người, nếu như tự thân mình không chủ động tìm hiểu và can đảm nhìn thẳng vào Sự Thật. Nhìn một cách thẳng thắn, không hề né tránh là điều chưa bao giờ dễ dàng, cho bất kỳ ai, cho bất kỳ điều gì, không riêng lãnh vực chính trị.
Ít nhất, cho đến nay, tôi có thể nói, tôi đã nhìn thẳng vào Sự Thật mà tôi biết, tôi tin một cách có căn cứ.
Từ cảm giác giận dữ, dần dần tôi chuyển qua cảm giác nhục nhã. Nhục nhã vì sự vong ân bội nghĩa của gia đình mình đối với Quốc Gia mà từ đó gia đình tôi làm ăn khá giả một cách chân chính, còn bản thân tôi lớn lên từ đó... (hết trích).
Thế hệ trẻ Việt Nam quan tâm hội nhập thế giới
Tôi có nhiều bạn, cả người Nam, người Trung, người Bắc (54 và cả 75) nhưng bạn thân chắc là không có, nhất là sau khi ra tù.
Điều đó mang lại cơ hội cho tôi sự đơn độc để suy ngẫm.
Kỳ thị vùng miền ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chưa bao giờ dễ dàng giải quyết.
Ở Việt Nam, sau 1975, vấn đề này vẫn âm ỉ và mãnh liệt dù đa số người ta cố gắng né tránh bằng nhiều cách, ngay cả trong nội bộ cấp cao của chế độ cộng sản Việt Nam.
Trước 1975, sự kỳ thị Bắc - Nam hầu như không đáng kể như tôi từng viết trong bài "Người Bắc có đáng ghét không" (trích) :
"...Lịch sử dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ phía Bắc - điều không thể chối cãi. Kể từ khi vĩ tuyến 17 được phân định, người Bắc tháo chạy khỏi "bàn tay người cộng sản" vào năm 1954. Khi di cư, người Bắc mang theo văn hóa và cả giọng nói làm "hành trang" vào Nam.
Để thuyết phục đông đảo bạn đọc, nhất thiết phải chứng minh tính đại diện.
Hãy nhìn "dân Bắc Kỳ" thành danh và nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc để dễ thấy nhất : đại gia đình nhạc sĩ Phạm Duy (cả ca sĩ Thái Thanh và các con của bà), đại gia đình nhạc sĩ Lữ Liên (với các con : Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, Anh Tú), Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú v.v... và hàng hà sa số "ca nhạc sĩ Bắc Kỳ" khác.
Trong lĩnh vực điện ảnh, người ta không thể nào quên "nữ tài tử Bắc Kỳ" Kiều Chinh với tài sắc vẹn toàn. Song song bà Kiều Chinh là "nam tài tử Bắc Kỳ" Trần Quang với chất "đàn ông đất Bắc" đậm nét, một thời làm "chết mê chết mệt" phụ nữ miền Nam và sự ngưỡng mộ của nam nhân Sài Gòn...
Bên cạnh đó, các lãnh vực khác, người gốc Bắc không thiếu : Chính trị (Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ), khoa học (Dương Nguyệt Ánh, Lưu Lệ Hằng), quân sự (Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn) và nhiều nhân vật tên tuổi chói lọi không thể dẫn ra hết được...".
(hết trích).
**********
Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, người Bắc (sau 1975) di cư vào Nam rất đông với "văn hóa xã hội chủ nghĩa" lan tràn. Người Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng (kể cả người Bắc 54) phải lặng lẽ làm quen mà chấp nhận và sống theo. Đó là sự cưỡng ép của phạm trù văn hóa - giáo dục buộc phải tuân theo sự chi phối của kinh tế - chính trị, điều không thể tránh khỏi.
Việt Nam Cộng Hòa - dù không phải tốt nhất nhưng chắc chắn đó là một nhà nước của dân và đúng nghĩa tự do dân chủ - sụp đổ, song hành cùng hơn 45 năm sự tham tàn và vong bản của người cộng sản Việt Nam ngày càng tràn ngập, làm người miền Nam nuối tiếc, đó là điều dễ hiểu.
Cũng từ đó, những người như Nguyễn Ngọc Già có phải đi tù, có phải mất mát cũng là điều bình thường và tôi thấy sự hả hê trong nhiều người... Nam về điều đó, chứ không phải chỉ riêng "người Bắc có lý luận".
Khi nghe thấy không ít những "người Nam hả hê" như vậy và thậm chí đi cùng với nó là sự cạnh khóe, mỉa mai cay độc không hề thua kém "người Bắc có lý luận", tôi không hề ngạc nhiên hay thất vọng bởi đối với tôi, nói lên nỗi oan khuất cho người dân mất đất hay họ bị kết án phi pháp, cũng như chỉ ra sự thật về sự tham tàn, vong bản của chế độ cộng sản Việt Nam, đó là trách nhiệm làm người Việt Nam.
Cũng không thiếu người Nam (kể cả hải ngoại) ủng hộ bằng nhiều cách độc địa, đúng như chế độ cộng sản Việt Nam hay dùng "xúi giục", "kích động" v.v...
Sẽ là non nớt và phiến diện khi "người Nam hả hê" cho rằng Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ là tại thành phần "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" hoặc giả do Hoa Kỳ phản bội Việt Nam Cộng Hòa mà ra cớ sự cùng nhiều ý kiến tương tự như vậy.
Địa - chính trị tuy hai mà một. Lịch sử song hành với nó nhưng số phận một dân tộc lại thuộc về sự huyền diệu của Thượng Đế. Tin hay không tùy mỗi người.
******
Tôi không thích sự thuyết phục chính trị bằng con tim nhân danh : Lòng nhân ái, đoàn kết, yêu nước hoặc giả tin tưởng mù quáng từ sự nổi tiếng cá nhân v.v... nên tôi thường chọn cách hủy kết giao bạn bè (kể cả Bắc hay Nam) dù trên mạng hay ngoài đời, vì đó là cách tốt nhất mà tôi có thể nghĩ ra để tránh phát sinh xung đột.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 28/07/2020 (nguyenngocgia's blog)