Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/08/2023

Tuyên giáo Việt Nam 93 năm và sinh hoạt báo chí Việt Nam

Quốc Phương

Báo chí 'bắt tay' tuyên giáo : Bộ Thông tin và truyền thông và doanh nghiệp : 'sáng kiến’ hay ‘liên kết lợi ích’ ?

Quốc Phương, RFA, 02/08/2023

Công luận Việt Nam và giới quan sát báo chí, truyền thông, thời sự Việt Nam mới đây được thu hút bởi một sự kiện ký kết giao ước được cho là ‘tay tư’ giữa đại diện lãnh đạo giới báo chí, truyền thông thông nhà nước Việt Nam thông qua Hội nhà báo Việt Nam, Ban tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông với giới doanh nghiệp Việt Nam thông qua Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp (VCCI), với một câu hỏi được đặt ra rằng liệu đây đơn thuần là một ‘sáng kiến’ để giải quyết bài toán tạo thu nhập, tài chính cho báo chí nhà nước Việt Nam trong lúc gặp khó khăn, hay còn là một ‘liên kết lợi ích’ nào đó, và nếu như vậy thực chất và hệ lụy có thể là gì.

tuyengiao1

Các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng cáo ở các doanh nghiệp Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp.

Tường trình lễ giao ký kết ‘Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan’ diễn ra ở Hà Nội hôm 25/7/2023, sự kiện mà cũng có sự hiện diện của đại diện Ban Dân vận Trung ương và nhiều cơ quan, tổ chức khác của Đảng, Nhà nước, báo Công an Nhân dân online dẫn thông điệp của một quan chức đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo trung ương Đảng và Trung ương Hội nhà báo Việt Nam, cho hay:

"Bốn cơ quan, đơn vị nhận thấy cần nâng mối quan hệ công tác lên cấp độ mới nhằm có định hướng về chương trình phối hợp cơ quan để chương trình thực sự đi vào hiệu quả. Tuy nhiên… môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra sự chuyển biến lớn tại các cơ quan báo chí.

Do đó, nếu các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng cáo ở các doanh nghiệp Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp. Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại đang chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo của các kênh thông tin nước ngoài. Song trong số những kênh thông tin này, có rất nhiều kênh lại lan tỏa thông tin sai lệch, không đúng đắn…".

tuyengiao2

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong một buổi họp.

‘Đi ngược lại phương thức hoạt động của báo chí’

Cũng tại sự kiện, một đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông được dẫn lời, phát biểu nhận định : "Mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và doanh nghiệp qua nhiều năm tháng luôn là mối quan hệ tốt, nhưng vẫn còn một số điều "phiền lòng" nên cả hai bên cần giải pháp thực hiện tốt hơn".

Đại diện lãnh đạo giới doanh nghiệp Việt Nam thông qua Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp VCCI, nêu quan điểm :

"Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của doanh nghiệp, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Chính vì vậy, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước".

Bình luận về sự kiện giao kết này, từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức hôm 01/8/2023, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo, bình luận với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng của bà :

"Tất nhiên ký kết là quyền của họ thôi, họ muốn làm gì chẳng được, với một quyền lực ngầm, cũng như quyền lực công khai như vậy, nhưng điều ấy rõ ràng đi ngược lại phương thức hoạt động của báo chí, của tự do báo chí. Báo chí là một lực lượng giám sát, một lực lượng để làm minh bạch hóa, kể cả những sự minh bạch hay thiếu minh bạch, có lợi hay bất lợi cho người tiêu dùng, tất cả những cái đó phải minh bạch.

Và những người phụ trách và định hướng ngành tuyên giáo, ngành tư tưởng văn hóa này, đặc biệt càng phải minh bạch, và càng phải tránh xa ‘cái bếp núc’ ấy. Còn một ký kết như vậy mang tính lệ thuộc lẫn nhau và rõ ràng ai cũng hiểu rằng, mặc dù có chứng cứ hay không rồi đây sẽ thấy, nó ‘sặc mùi tiền’. Nhìn chung, ngành tuyên giáo, tôi nghĩ không thể làm như thế. Doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tỷ đồng VN, nếu là doanh nghiệp lớn, để mua thời lượng quảng cáo ở trên một tờ báo, để quảng bá cho cái hay, cái tốt của mình, và giấu nhẹm đi những cái xấu, những cái ‘lừa dối’ người tiêu dùng, những sự ‘lừa lọc’, những ‘sự phản phúc’".

Theo bà Võ Thị Hảo, người trước đây từng là Đại diện báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, khi ngành tuyên giáo tham gia ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp qua một thỏa thuận ‘tay tư’ như thế, đương nhiên với sự can thiệp của ngành quyền lực này, báo chí Nhà nước sẽ chịu một số tác động và thay đổi, theo bà cụ thể là :

"Tất nhiên, khi đã có sự can thiệp của ngành tuyên giáo, báo chí sẽ không dám viết những phóng sự điều tra, hay những tin tức mà làm minh bạch hóa cái doanh nghiệp ấy, về những cái xấu chẳng hạn, tôi nghĩ, điều đó rất ảnh hưởng đến tự do báo chí và người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi trước một sự ký kết như vậy, xã hội sẽ bị thiệt thòi.

Nhiều năm qua, chúng ta thấy sự ‘lừa đảo’ khủng khiếp của nhiều doanh nghiệp ‘lợi ích nhóm’, kể cả nhiều ngân hàng cũng dùng mọi thủ đoạn để ‘cướp đoạt’ của người gửi tiền, và chúng ta thấy những người khốn khổ, sống dở, chết dở, vì bị ngân hàng ‘cướp đoạt’ tiền. Thế nếu bây giờ đến cả tuyên giáo cũng (tham gia) ký kết với các doanh nghiệp như thế thì sẽ ra sao ?"

‘Mâu thuẫn và khó thực hiện’

Từ Hà Nội, cùng ngày, với tư cách một độc giả của báo chí Việt Nam, nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với RFA :

"Tôi chúc họ đạt được một thành công trong việc kết hợp giữa báo chí truyền thông và các doanh nghiệp để quảng bá doanh nghiệp và đồng thời nâng cao vị thế của báo chí nước nhà (Việt Nam). Nhưng tôi e rằng điều đó khó thực hiện, lý do là vì sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít quảng cáo trên các tờ báo của truyền thông Việt Nam ? Rõ ràng là có vấn đề, với những tờ báo đó, lượng độc giả không có nhiều. Mà các doanh nghiệp làm ăn kinh tế, người ta phải tìm đến các cơ quan truyền thông, các tờ báo mà số lượng người đọc lớn, người ta mới làm quảng cáo.

Việc đầu tiên, theo tôi nghĩ nếu báo chí và ngành truyền thông Việt Nam muốn lấy được các hợp đồng quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam, chính họ phải thay đổi. Họ phải có nhiều độc giả.

Nhưng họ lại vướng vào một mâu thuẫn là họ không thể nói được những gì họ muốn nói, bởi vì đối với người dân, trong đó có tôi, chúng tôi cần thông tin trung thực và nhiều chiều. Việc định hướng thông tin và chỉ đưa tin một chiều làm mất đi độc giả.

Những tờ báo lớn ở Việt Nam trước đây, nhất là trong thời kỳ đổi mới, có những tờ như là tờ ‘Thanh Niên’, tờ ‘Tuần Tin Tức’, tờ ‘Tuổi Trẻ’…, là những tờ mà có số lượng độc giả rất lớn và những phóng viên của tờ báo thời đó có một cuộc sống tốt, có thu nhập tốt, là vì có lượng này (người đọc-PV) lớn".

Theo ông Lê Văn Sinh, gần đây chính báo chí nhà nước cho hay những tờ báo đó hiện nay đã phải ‘phát miễn phí’, nhà quan sát thời sự này lý giải tiếp :

"Lý do vì độc giả đã quay lưng với những tờ báo đó. Thành ra mới có chuyện các ông hợp tác với nhau, doanh nghiệp và các tờ báo, để làm sao quảng bá cho các doanh nghiệp, nhưng như tôi nói, bản thân các tờ báo đó phải thay đổi trước, các tờ báo đó phải đưa tin trung thực và phải khách quan trong việc đưa tin, thì mới có độc giả.

Cho nên việc họp hành với nhau để kết hợp lại phản ánh một tình hình như vậy, và tình hình đó là các doanh nghiệp đã không mặn mà với những tờ báo của Việt Nam".

‘Số lượng đông mà ngân sách hạn hẹp’

Cũng từ Hà Nội, cùng ngày, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể), nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Thực sự tôi không lạ gì về chuyện này vì một mặt Việt Nam nói rằng có rất nhiều báo chí, khoảng 700-800 cơ quan báo chí, một mặt các cơ quan báo chí đều là cánh tay nối dài của bộ máy ‘cảnh sát tư tưởng’.

Báo chí của Việt Nam không phải là báo chí theo đúng nghĩa của nó, tức là đưa tin, chỉ đưa tin một cách khách quan và có những bình luận riêng về ý kiến của các chuyên gia, nó cũng có những khía cạnh ấy, nhưng thực chất của nó vẫn là nằm trong bộ máy tuyên truyền. Tức là nó là những đội quân của ‘cảnh sát tư tưởng’ theo một nghĩa nào đó. Và bây giờ số lượng ấy ngày càng đông, mà ngân sách thì hạn hẹp.

Cho nên không lạ gì là họ phải ‘hợp tác’, họp với Liên đoàn Công nghiệp & Thương mại Việt Nam, làm sao để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo để nuôi đội quân ấy. Nếu mà các doanh nghiệp trước kia toàn là quốc doanh, thì chẳng cần họp gì cả, họ chỉ cần ra một mệnh lệnh là các doanh nghiệp quốc doanh này phải mua quảng cáo của các báo ngay.

Nhưng bây giờ thì không như thế nữa, cho nên với YouTube, với Facebook, với các mạng xã hội, các doanh nghiệp quảng cáo trên các phương tiện mạng xã hội như vậy rất nhiều. Và như thế thì mất ‘nồi cơm’ của bộ máy tuyên truyền, do đó bây giờ họ phải muốn hợp tác và phải muốn kêu các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân phải mua quảng cáo của các báo, để tạo nguồn vật chất, tức là thực sự là tiền cho nó hoạt động".

Theo ông Nguyễn Quang A, ngoài việc ký kết giao ước ‘tay tư’ này, chính quyền cũng có thể có những cách khác để gây áp lực với các doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích của mình, trái lại về phía doanh nghiệp, cơ chế trên cũng tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp qua liên kết ‘lợi ích’ với báo chí, đã ‘lũng đoạn’ truyền thông, công luận, ông nói tiếp :

"Nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay cũng đã thậm chí lũng đoạn cả báo chí, tức là đã mua cả báo chí, có bất cứ một vụ gì liên quan đến doanh nghiệp đó, một bài báo vừa ra, thậm chí bị dập ngay lập tức. Thế thì đấy là một sự phát triển mà tôi cho rằng rất đáng lo ngại. Nó giống như là các nhà tài phiệt ở nước Nga lũng đoạn chính trị và lũng đoạn cả báo chí, đó là một ‘điềm rất không hay’ đối với sự hoạt động của báo chí, cũng như là sự hoạt động của các doanh nghiệp ở việt Nam".

Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, các hình thức ‘quảng cáo, PR’ được cho là ‘trá hình’ của báo chí dựa trên các liên kết doanh nghiệp – báo chí, truyền thông, kể cả dưới các hình thức ‘tinh vi’ hơn, không có gì mới, song điều đáng được chỉ ra theo ông qua đó là có vấn đề mà ông tin là ‘lách luật’, thậm chí ‘vi phạm pháp luật’, như ông phân tích thêm trên quan điểm cá nhân:

"Những chuyện đó cũ như là ‘chuyện thường ngày ở huyện’, việc các báo giả vờ viết bài, đưa tin về doanh nghiệp, mà thực sự bài đó là bài quảng cáo, đã diễn ra hàng chục năm nay rồi. Và các bài viết ấy được doanh nghiệp trả một cách rất hậu hĩnh, bởi vì thực sự nó là quảng cáo, nhưng mà là ‘quảng cáo núp bóng’. Và nếu thực hành này được khuyến khích, tôi nghĩ nó càng gây thêm tai họa cho nền báo chí và cũng là một tai họa cho các doanh nghiệp, bởi vì thực sự mà nói đó là một sự ‘lách luật’, một sự vi phạm luật pháp. Quảng cáo phải ra quảng cáo, nhưng đằng này trên danh nghĩa không phải là quảng cáo, song thực chất lại là quảng cáo, điều đó khuyến khích những sự ‘dối trá’ mà thôi.

Và tôi nghĩ tất cả những người đã làm việc trong các báo hiểu điều này rõ lắm, nhiều khi những người viết những bài như thế có thể có những quan hệ rất thân thiện với doanh nghiệp : mua nhà có thể được mua rẻ hơn, được doanh nghiệp mời đi nơi này, nơi kia nghỉ v.v… và v.v… Tức là, nó làm cho sự hoạt động minh bạch tử tế của một nền báo chí bị hoen ố đi và tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu rất đáng báo động".

Đối với một số nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao thuộc thế hệ mới của các cơ quan trung ương của ngành Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, trung ương Hội nhà báo, Bộ Thông tin & Truyền thông tại Việt Nam, vốn được cho là những ‘người trẻ, có học, giỏi ngoại ngữ, đi đây đi đó nước ngoài nhiều, rất nhạy bén công nghệ v.v…), mà nay tham gia vào các ‘sáng kiến’ liên kết như trên, nhân dịp này, ông Nguyễn Quang A đưa ra một chia sẻ riêng trên quan điểm cá nhân, xuất phát từ điều mà công luận tin rằng những ngành này rất quan trọng đối với việc tác động vào chất lượng của báo chí, truyền thông ở Việt Nam, cũng như qua đó tác động vào công luận, đời sống của người dân, trong đó có giới độc giả của báo chí và những người tiêu thụ, khách hàng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, nên rất cần có những nhà quản lý đạt được những phẩm chất, chuẩn mực nhất định nào đấy, ông phát biểu:

"Tôi chỉ có thể nói rằng tôi buồn, bởi vì tôi có biết một vài người. Thời mà họ còn làm nho nhỏ, làm phóng viên chẳng hạn, thì họ là những người rất năng nổ, rất có đầu óc đổi mới, nhưng mà khi họ có quyền, chúng ta thấy quyền lực tha hóa con người đến như thế nào, thì rất khó lường. Và có thể nói, tôi có thể nói thế này, khi mà ta đã nghiện quyền lực, thì quyền lực đó kinh khủng hơn ma túy một triệu lần, hoặc là vài triệu lần. Cho nên là từ những người trẻ, những người rất là có năng lực, rất có triển vọng, nhưng mà khi họ có quyền lực, thì họ có thể tha hóa đi một cách không thể, tưởng tượng nổi", nguyên Viện trưởng Viện IDS nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.

Còn theo Tạp chí Thị trường ‘Tài chính & Tiền tệ’, trong các nội dung của chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, có các nội dung đáng chú ý như :

Tổ chức Diễn đàn thường niên ‘Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc’, ‘Chương trình bình chọn các tác giả, tác phẩm báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh (mang tên Bút Vàng kinh tế),’ thiết lập cơ chế phối hợp giữa 4 cơ quan để tiếp nhận và xử lý các quan hệ báo chí, truyền thông và doanh nghiệp, tạo lập môi trường truyền thông báo chí lành mạnh, công bằng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Các hoạt động phù hợp khác theo sáng kiến, đề xuất và sự đồng thuận của các bên. 

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 02/08/2023

************************

Tuyên giáo Việt Nam 93 năm : ngày càng khó khăn trong thuyết phục lòng tin nhân dân

Quốc Phương, RFA, 01/08/2023

Ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách đố to lớn trong việc thuyết phục lòng tin nhân dân, một số ý kiến trong giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/8/2023.

baochi1

Người dân đang đọc báo Hà Nội Mới trên phố ở Hà Nội hôm 21/4/2020 (minh họa) - AFP

Những thách thức to lớn

"Kể từ khi được thành lập từ 01/8/1930 cho đến nay (93 năm-pv), ngành tuyên giáo hiện thời của Đảng cộng sản Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, đó là thực trạng xã hội đang rất khác với những gì mà ngành tuyên giáo này đang tuyên truyền", nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm với RFA.

"Ví dụ như ngành tuyên giáo có đề ra một tư tưởng chiến lược của họ là đi trước, mở đường về mặt lý luận cho Đảng cộng sản Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội mà đang xây dựng nếu đem so ngay với chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng và xây dựng không thành công cho nên buộc Việt Nam phải đổi mới kinh tế, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội hiện nay mà Việt Nam đang có, theo nhận thức của tôi, kém nhiều so với tính chất ‘xã hội chủ nghĩa’ mà Việt Nam có được từ năm 1986 đổ về trước" - ông Sinh nói tiếp.

Ông Lê Văn Sinh cho rằng mặc dù trước đây, trong giai đoạn được coi là ‘xã hội chủ nghĩa’ với sự ‘đói kém’ tràn lan ở miền Bắc Việt Nam trước 30/4/1975 và trên hầu như khắp cả nước nhiều năm sau mốc lịch sử đó, hai lĩnh vực giáo dục và y tế tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác, vẫn được nhà nước Việt Nam khi đó ‘chu cấp’ miễn phí, người dân đỡ bị khó nhọc. Ngày nay, với riêng hai lĩnh vực này (giáo dục và y tế), người dân Việt Nam đều phải nộp tiền, thậm chí nhiều thứ chi phí rất đắt đỏ, tính chất ‘xã hội’ do đó còn thua kém nhiều không chỉ so với chính bản thân của Việt Nam trong quá khứ, mà còn thua kém nhiều nước ở khu vực, trong đó có thua kém Thái Lan, nơi mà giáo dục theo nhà nghiên cứu này là ‘hoàn toàn miễn phí’ từ khi trẻ bắt đầu đi học, cho tới học hết phổ thông.

Về các mặt thách thức khác, ông Lê Văn Sinh nói tiếp :

"Việt Nam vì xây dựng mô hình theo Chủ nghĩa Marx-Lenin mà không thành công, nên buộc phải quay sang nền kinh tế thị trường, phải thừa nhận nền kinh tế thị trường và phải thừa nhận các giai cấp chủ, giai cấp tư sản, điều mà thời kỳ trước năm 1986 người ta không chấp nhận, bây giờ xã hội quay sang hình thái mới, làm cách nào ngành tuyên giáo Việt Nam có thể nêu ra được một đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế Việt Nam. Cái đó tôi nghĩ là một khó khăn, thách thức mà ngành tuyên giáo đang đối mặt".

Nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng tuyên truyền là làm cho người khác tin theo mình và làm theo mình. Do đó, tuyên truyền phải được đặt trên một thực tế, mà một thực tế sáng sủa, thì tuyên truyền mới có tác dụng. Còn ở Việt Nam, ông Sinh cho rằng:

"Tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn lên, do tài sản của các thành phần xã hội ngày càng cách xa nhau, có bộ phận không tiêu hết tiền, bộ phận khác lại không có tiền, không có nổi một cuộc sống tối thiểu, vậy thì tuyên truyền thế nào ?"

Tham nhũng của quan chức trong hệ thống chính quyền là một vấn đề khác được nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra. Ông cho rằng hệ thống, mạng lưới cán bộ của nhà nước Việt Nam "hễ cứ có quyền là sẽ có tham nhũng".

Do đó ông kết luận : "Vậy ngành tuyên giáo tuyên truyền như thế nào để cho người ta tin ?".

Ông Sinh, qua đó, đưa ra ví dụ về hai cựu phó lãnh đạo của Ban Tuyên giáo trung ương là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn :

"Hai ông này, viết sách dạy đạo đức cách mạng, lên án những người mà các ông cho rằng là phản động, nhưng thực tế là các ông đã phá hoại chính ‘sự nghiệp’ của Đảng. Các ông tham nhũng, nhận tiền của doanh nghiệp, đến mức mà các ông phải bị đi tù. Vậy thì cách tuyên truyền như thế có thuyết phục được không, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, khi không còn đặc quyền nắm giữ thông tin như trước đây" -  Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói.

‘Hung thần trong kiểm duyệt và đàn áp ngôn luận’

Từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, nguyên trưởng Đại diện của báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, nêu quan điểm riêng của mình :

"Kỷ niệm 93 năm và sắp tới là 100 năm. 100 năm đối với một đời người thì quá dài, quá kinh khủng, chỉ cần một năm hay một tháng mà làm sai đã có thể hủy hoại cả cuộc đời rồi, thế nhưng đây là 93 năm, và tôi nghĩ nếu có ‘kỷ niệm’ ngành tuyên giáo, thì ở đây kỷ niệm một ngành được đẻ ra dưới thời của chế độ cộng sản Việt Nam mà họ đã làm tròn nhiệm vụ là ‘hung thần’ trong việc kiểm duyệt và đàn áp tự do ngôn luận, thông qua ‘vòng kim cô’ là kiểm soát báo chí và định hướng mọi mặt trong xã hội, và bây giờ là kiểm soát tự do ngôn luận trên tất cả mọi phương diện.

Ngành tuyên giáo cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi và che giấu sự thật cho rất nhiều tiêu cực của những cán bộ, đảng viên, tóm lại là những tầng lớp cầm quyền rất đông đảo của Việt Nam, nhưng đối với xã hội, họ đã có tác dụng ngược lại. Tức là khi họ đã ngăn chặn sự thật và ngăn chặn tự do ngôn luận, với xã hội, ngành tuyên giáo đã hoạt động như một sự ngăn cản tiến bộ xã hội".

Vẫn theo bà Võ Thị Hảo, ngành tuyên giáo ở Việt Nam nắm giữ một ‘quyền lực đáng sợ’ đối với báo chí, ngôn luận, bà nói tiếp :

"Họ là một ngành, một lực lượng ‘truy sát’ diệt trừ tự do ngôn luận, mà họ lại là cấp trên. Ngành tuyên giáo là một ngành ‘chỉ tay năm ngón’, và trong những cuộc họp giao ban hay những chỉ thị miệng, thường họ chỉ thị miệng, chứ không chỉ thị bằng văn bản, vì họ sợ chứng cứ, họ thoát ra khỏi mọi trách nhiệm và đó là những ‘chỉ thị đen’, chỉ thị miệng bằng một cú điện thoại, hay một cuộc nói chuyện gì đó. Họ chuyên môn làm theo ý thích của cá nhân những người có quyền lực ở trong ngành tuyên giáo… chỉ đạo báo chí hay tự do ngôn luận.

Họ rất đáng sợ, vì họ có thể tước thẻ nhà báo này, hoặc đóng cửa tòa báo kia. Và chưa kể, bây giờ có Luật An ninh mạng, thì đó là một quyền lực cực kỳ lớn, và đó là một quyền lực người ta không thể hình dung được, không thể nắm bắt được, không thể biết là sự sấm sét này có thể đến từ người này hay từ người kia, hay từ lúc nào, và không hề có một văn bản nào để chứng minh trách nhiệm của người ra quyết định sai ấy".

baochi2

Một người bán báo trên đường phố Hà Nội vào năm 2015 (minh họa). AFP

‘Bậc thầy tuyên truyền có bề dày lịch sử’

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) bình luận với RFA tiếng Việt trên quan điểm riêng :

"Tất cả các chính quyền cộng sản đều là bậc thầy về tuyên truyền và sự tuyên truyền của họ rất tinh vi và có hiệu quả không thể tưởng tượng nổi. Những người mà không để ý nghĩ rằng sự tuyên truyền là một từ thường được dùng theo nghĩa ‘xấu’ ở phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, ‘tuyên truyền’ là một từ rất được coi trọng, người ta nói liên tục, hàng ngày trên báo chí và đó là một kỹ thuật, một biện pháp mà các đảng cộng sản coi là rất quan trọng. Không chỉ những người cộng sản, mà cả những người tiếp thu những chính quyền như vậy, tôi nói ví dụ như chính quyền Putin ở Nga, họ có biệt tài, là bậc thầy về việc tuyên truyền. Nói chung, ở thế giới văn minh, người ta không để ý chuyện ấy. Tôi có thể nói rằng… những biện pháp tuyên truyền của họ rất có hiệu quả và ngày 01/8, họ kỷ niệm 93 năm ngành tuyên truyền của họ, để thấy rằng nó có một bề dày lịch sử rất lâu đời, trở thành một truyền thống và tôi phải nói rằng nó có ảnh hưởng tác động hết sức sâu sắc đến đời sống của người dân ở Việt Nam và ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam".

Gọi ngành tuyên truyền dưới các chính quyền cộng sản là một dạng ‘cảnh sát tư tưởng’, liên hệ với thực tế hoạt động của ngành này ở Việt Nam, nhất là giai đoạn gần đây và hiện nay, ông Nguyễn Quang A nói :

"Ít nhất khoảng một chục năm nay, tôi gọi họ là ‘cảnh sát tư tưởng’ và cảnh sát tư tưởng còn nguy hiểm hơn cảnh sát bình thường. Bởi vì cảnh sát bình thường, chí ít còn giữ được trật tự, an ninh của người dân, tức là chống trộm cướp, làm cho người dân được sống yên bình chẳng hạn, nhưng cảnh sát tư tưởng chỉ giám sát tư tưởng của người ta mà thôi, bằng cách uốn nắn tư tưởng của người ta, dụ dỗ, làm cho người ta tin, hay như tôi vẫn nói một câu mà họ rất ghét, tức là ‘nhồi sọ’ hay là ‘tẩy não’. Và như người ta nói ‘tẩy được não của con người, thì con người trở thành nô lệ’. Cho nên, ‘cảnh sát tư tưởng’ là cảnh sát nguy hiểm nhất với đất nước và dân tộc.

Tôi nghĩ không phải chỉ tuyên giáo của Việt Nam, mà tuyên giáo của tất cả các chế độ cộng sản chỉ khác nhau ở mức độ thôi, điều mà gọi là sự đe dọa không phải là cái chính, cái chính là tìm cách thuyết phục để cho người tin vào cách suy nghĩ của họ, khiến cho tất cả mọi người nghĩ theo cách của họ. Về mặt tâm lý và giáo dục, đó là một chuyện rất cao siêu, chứ không phải là tầm thường. Còn việc đe dọa, trấn áp thì thực sự cũng là một biện pháp, nhưng biện pháp ấy không phải là biện pháp chính, tuy rằng trong những năm gần đây chúng ta thấy nó nổi trội lên. Mà thực sự không chỉ nổi trội lên mấy năm gần đây, chúng ta chỉ cần suy nghĩ lại, vụ ‘Nhân văn – Giai phẩm’ chẳng hạn, nó cũng là sáu, bảy chục năm rồi, chứ không phải là mới lắm đâu".

Bộ máy kiểm soát và viễn kiến tương lai ?

Liên hệ với thực tế hôm nay ở Việt Nam, vẫn từ góc nhìn theo quan điểm riêng này, ông Nguyễn Quang A nói:

"Còn bây giờ trong Luật Hình sự của Việt Nam như là Điều 117, 335, đấy thực sự là những điều đánh vào tư tưởng, người ta xem là ông suy nghĩ thế nào, suy nghĩ của ông không giống chúng tôi thì chúng tôi trừng trị… Cái đó cho thấy cả một hệ thống được phân công, phân nhiệm và vận hành một cách nhịp nhàng để kiểm soát tư tưởng.

Kiểm soát tư tưởng một mặt là ‘nhồi sọ’, một mặt là ‘tẩy não’, một mặt là ‘thuyết phục’, và một mặt rất quan trọng của họ là ‘đánh lộn’ khái niệm. Tức là cùng một từ như thế này, xin ví dụ như là ‘dân chủ’, hay ‘tự do’, cả thế giới người ta hiểu theo một cách như thế này, nhưng còn ở các nước độc tài, họ cũng dùng những từ như vậy, song với hàm ý hoàn toàn khác và nhiều khi làm cho người dân lẫn lộn. Đấy là một cách mà tôi không lấy gì làm lạ, khi họ phối hợp tất cả các cơ quan (tuyên giáo, lực lượng vũ trang, tư pháp, mặt trận, ủy ban dân tộc, tôn giáo v.v…) của chế độ, để thực hiện những biện pháp hay đường lối về tuyên truyền".

Về viễn kiến tương lai của ngành tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, các nhà quan sát, bình luận thời sự, chính trị Việt Nam trong dịp này chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do góc nhìn trên quan điểm cá nhân của mình :

"Tôi nghĩ về tương lai của ngành tuyên truyền của Việt Nam, vì đây là một ngành cảnh sát tư tưởng, một ngành vô cùng quan trọng đối với chế độ và đối với hệ thống, cho nên nó sẽ vẫn được trọng dụng, được hết sức nâng đỡ. Tôi thấy rất đáng buồn để nói là nếu người dân chúng ta (Việt Nam) mà không tỉnh táo, thì rất có thể số đông người dân vẫn tin vào đó".

Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói :

"Còn tôi nghĩ rằng nếu ngành tuyên giáo tiếp tục làm việc như việc đang làm, thì ngành này sẽ ngày một xa rời thực trạng của xã hội Việt Nam. Đầu tiên là về mặt lý luận, tôi chưa được đọc một bài nào của các lý luận gia Marxism ở Việt Nam, nói về định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường, cái mà ngành tuyên giáo muốn ‘đi trước, đón đầu’, muốn tìm ra, muốn đi trước về mặt lý luận. Có thể là có mà tôi chưa được đọc chăng, nhưng những gì tôi được đọc, chưa có một tác giả, bài viết nào mà thuyết phục tôi về tính khả thi của việc định hướng cho nền kinh tế thị trường Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội cả. Một nền kinh tế tự do, cạnh tranh với nhau, mà lại bị định hướng bởi một đảng cầm quyền, bởi các nguồn thông tin nằm trong tay của một cơ quan tuyên huấn, tuyên giáo và báo chí truyền thông, thì điều đó thật là khó cho cả hai, tức là cho nền kinh tế đó và cho chính thể chế hiện giờ".

Còn từ Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nêu quan điểm :

"Tuyên giáo sẽ còn mãi dưới những chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ độc tài cộng sản, cho nên nếu 100 năm mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn, vẫn độc tài như một chính đảng duy nhất cầm quyền như thế, thì ngành tuyên giáo còn ‘rực rỡ’ ở chỗ là họ sẽ còn rất nhiều quyền lực, quyền lực công khai, quyền lực ngầm, và họ sẽ được hưởng rất nhiều lợi lộc. Nhưng mà ngành tuyên giáo sẽ không còn nữa, tất cả sẽ bị hủy bỏ, không còn vai trò, không còn tên của họ nữa, dưới một chế độ, một xã hội mà có dân chủ, thực sự có dân chủ đa nguyên".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 01/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 261 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)