Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong những năm gần đây, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt, các nước phương Tây liên tục lấy vấn đề nhân quyền ở Tân Cương để hạ uy tín của Trung Quốc, cũng như dựa vào cao trào dư luận để chống lại chiến lược của nước này.

tancuong1

Tại sao Tân Cương, một khu vực vốn nằm ở vùng biên giới đất liền, lại liên tục bị Mỹ và các nước phương Tây công kích ? Mặc dù là một khu vực đất rộng người thưa và có nền kinh tế kém phát triển, nhưng Tân Cương lại có một vị trí đặc biệt quan trọng về mặt an ninh quốc gia và vị thế chiến lược đối với Trung Quốc.

Tân Cương chính là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào toàn bộ lục địa Á-Âu, đồng thời còn gánh trên vai nhiệm vụ "hướng ra nước ngoài" của đường bộ Trung Quốc. Một khi các tuyến thương mại đường bộ mà Tân Cương là cửa ngõ phát triển thịnh vượng, mối đe dọa từ sức mạnh biển của Mỹ đối với Trung Quốc và thậm chí là toàn bộ lục địa Á-Âu sẽ suy giảm đáng kể. Chúng ta có thể phân tích ý nghĩa chiến lược của Tân Cương từ hai khía cạnh là sự tồn vong và sự phát triển của quốc gia.

1. Sinh tồn là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu : Tân Cương là con hào của an ninh quốc gia

Bài đang hot

Israel và Iran : Ai đang gặp rắc rối lớn hơn ?

Ý nghĩa to lớn nhất của Tân Cương đối với sự tồn vong của Trung Quốc nằm ở phương diện quốc phòng. Tân Cương nằm trong vùng nội địa của lục địa Á-Âu và tại giao lộ của Cầu lục địa Á-Âu mới (The New Eurasian Land Bridge) ; và các Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga, Trung Quốc-Trung Á-Tây Á và Trung Quốc-Pakistan. Khu vực này có đường biên giới dài hơn 5.700 km và tiếp giáp với 8 quốc gia láng giềng, gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Mông Cổ. Diện tích của Tân Cương chiếm tới 1/6 lãnh thổ Trung Quốc.

Nói đến Tân Cương, chúng ta nên bắt đầu từ khi Trương Khiên nhà Tây Hán mở ra "Con đường Tơ lụa". Khi xưa, Tân Cương ngày nay được gọi với cái tên Tây Vực và được mệnh danh là "vùng đất Tây Thành bị thiên nhiên kiềm tỏa từ xa xưa, dân cư không kết nối với Trung Nguyên". Tân Cương luôn nắm giữ một vai trò trọng yếu trên Con đường Tơ lụa và là nơi buộc phải đi qua trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc nội địa với các nước láng giềng ở phía Tây.

"Tân Cương được mất chỉ trong khoảnh khắc, thế công thủ dị thường, sinh tử một mất một còn". Trong Tôn Chỉ Thống Trù Toàn Cục Chiết, Tả Tông Đường đã chỉ ra tầm quan trọng của Tân Cương trong phòng thủ biên giới và an ninh quốc gia của Trung Quốc cổ đại : "Đó là lý do mà người coi trọng Tân Cương phải gìn giữ Mông Cổ, người gìn giữ Mông Cổ phải bảo vệ kinh đô, cánh tay và ngón tay phía Tây Bắc liền một dải, địa hình địa thế toàn vẹn, dĩ nhiên sẽ không còn kẽ hở nào có thể tận dụng". Điều này có nghĩa, việc gìn giữ Tân Cương cũng tương đương với việc bảo vệ thủ đô. Nếu Tân Cương bị phá vỡ, vậy thì hệ thống phòng thủ quân sự vốn được bố trí ở mỗi khu vực sẽ khó ngăn chặn được sự xâm nhập từ bên ngoài, không cách nào phòng thủ được và đất nước sẽ không có ngày nào được yên bình. Hiện nay, ngay cả khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang bắt đầu gia tăng thì tầm quan trọng của Tân Cương vẫn là điều không thể bỏ qua.

Nhìn từ địa hình địa thế của Trung Quốc thì gần như toàn bộ núi non, sông ngòi của nước này đều bắt nguồn từ phía Tây Bắc, mà Tân Cương chính là rào cản chiến lược của Tây Bắc Trung Quốc. Nhiều ngọn núi ở Tân Cương nối liền với nhau tạo thành một hình thế cực cao và cực dốc tựa như "cực thứ ba" của thế giới, chúng đã trở thành rào chắn tự nhiên trong hệ thống phòng thủ ở biên giới phía Tây của Trung Quốc.

Nhìn từ ý nghĩa địa chiến lược, Tân Cương và Tây Tạng cùng tạo thành một vùng đệm giữa Trung Á và vùng nội địa Trung Quốc. Một khi các thế lực bên ngoài kiểm soát được, họ có thể bành trướng và xâm lấn vào vùng nội địa Trung Quốc thông qua đường giáp ranh tỉnh dài, từ đó gây nguy hiểm cho nền móng của nước này. Nhìn từ góc độ về tính đe dọa, không giống như Tây Tạng có rào cản là núi non trùng điệp, Tân Cương vốn có giao thông thuận tiện với các nước láng giềng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Trung Quốc. Mức độ rủi ro cao này đã quyết định vị thế của Tân Cương với tư cách là "pháo đài số một" ở phía Tây Trung Quốc và luôn là một trong những điểm trọng yếu trong hệ thống biên phòng của nước này.

Ý nghĩa to lớn thứ hai của Tân Cương đối với sự tồn vong của Trung Quốc nằm ở vấn đề năng lượng. Sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có kim ngạch thương mại hàng đầu thế giới với một nền sản xuất đa dạng bậc nhất. Đặc biệt, tại các khu vực ven biển phía Đông, hàng loạt nhà máy hoạt động không ngừng nghỉ, các đô thị rực rỡ ánh đèn, đường phố tấp nập xe cộ qua lại, phía sau tất cả sự thịnh vượng này đều không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của năng lượng. Do sự phân bổ tài nguyên năng lượng hết sức không đồng đều ở Trung Quốc, mâu thuẫn giữa sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và tình trạng thiếu năng lượng ở vùng ven biển phía Đông ngày càng trở nên gay gắt.

Theo thống kê, Tân Cương có tổng trữ lượng dầu mỏ đã xác minh là 6,72 tỷ tấn, chiếm 15% toàn Trung Quốc ; tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên đã xác minh là 3,06 nghìn tỷ mét khối, chiếm 18% toàn Trung Quốc ; tổng lượng tài nguyên than đã xác minh là 450 tỷ tấn, chiếm 25% tổng sản lượng cả nước. Có thể nói, Tân Cương là trạm dầu khí của cả Trung Quốc, trạm dầu khí này không chỉ tự sản xuất dầu khí mà còn đảm nhận trọng trách là lối vào cho dầu khí của nước ngoài.

Một số khu vực ở Tân Cương như Tarim hay Junggar chứa một lượng lớn tài nguyên dầu khí. Mạng lưới dầu mỏ gồm các mỏ dầu như Karamay, Tuha, Tarim… cùng mạng lưới khí đốt tự nhiên gồm các mỏ khí đốt như Qaidam… đã liên tục cung cấp nguồn năng lượng cho toàn Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm qua. Trong số đó, Dự án Vận chuyển khí đốt từ Tây sang Đông là hạng mục lớn nhất, toàn bộ mạng lưới đường ống bắt đầu từ lưu vực Tarim thuộc Tân Cương ở phía Tây và tỏa ra Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô, Chiết Giang và Hồng Kông, mang lại lợi ích cho 400 triệu người. Ba trong số sáu lưu vực sản xuất khí đốt chính trong dự án này đều nằm ở Tân Cương. Trữ lượng của mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất ở lưu vực Tarim chiếm tới 16% tổng trữ lượng đã xác minh của toàn Trung Quốc, với sản lượng mỗi ngày đạt hơn 80 triệu mét khối.

Ngoài nguồn tài nguyên dầu khí bản địa, Tân Cương còn là đầu mối quan trọng nhất để dầu khí nước ngoài tiến vào Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ về năng lượng của mình, Trung Quốc đã phát triển bốn mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên xuyên biên giới trên đất liền, mà Tân Cương lại chính là trạm trung chuyển dầu khí trên đất liền của nước này.

Mạng lưới đường ống khí đốt tự nhiên này bao gồm : mạng lưới Đường ống Trung Quốc-Myanmar, lối vào ở Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam ; mạng lưới Đường ống phía Đông Trung Quốc-Nga, lối vào ở Mạc Hà, tỉnh Hắc Long Giang ; hai mạng lưới Đường ống phía Tây Bắc, một đến từ ba nước Trung Á là Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan và một đến từ Nga, với lối vào ở Horgos, Tân Cương. Trong số đó, mạng lưới đường ống phía Tây Bắc có lưu lượng truyền tải lớn nhất. Sau khi các đường ống từ nước ngoài hội tụ ở Horgos, chúng sẽ được hợp vào mạng lưới Vận chuyển khí đốt từ Tây sang Đông của nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, bốn đường ống dẫn dầu bao gồm : Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Myanmar, Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Kazakhstan, Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Nga và Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Nga số hai. Trong đó, Đường ống Trung Quốc-Kazakhstan đi qua A Lạp Sơn Khẩu và được hợp vào mạng lưới Tân Cương Karamay-Dushanzi.

Có thể thấy, Tân Cương đảm nhận một trọng trách nặng nề về giao thông, nơi này kết nối với nhiều quốc gia, là điểm khởi đầu và nút thắt then chốt trong chuỗi năng lượng quốc gia, cũng như đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng và chuỗi cung ứng năng lượng của Trung Quốc. Một khi Tân Cương rơi vào tình trạng hỗn loạn, nước này sẽ chỉ còn cách tăng cường vận tải biển, mà vận tải biển thì vốn nằm dưới cái bóng bá quyền hàng hải của Mỹ, từ đó khiến cho hệ thống an ninh năng lượng quốc gia của Trung Quốc trở nên mất cân bằng và nước này khó lòng yên ổn.

Việc Mỹ và các nước phương Tây khác có những hành động ở Tân Cương và ban hành các dự luật liên quan đến Tân Cương chính là nhằm phá hoại hệ thống năng lượng và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

2. Phát triển là đạo lý trụ cột : Tân Cương là khu vực cốt lõi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tân Cương sở hữu 20 cửa khẩu được nhà nước cho phép mở cửa với thế giới bên ngoài, trong đó có 17 cửa khẩu đường bộ và 3 cửa khẩu hàng không, với những lợi thế địa lý độc đáo. Với sự thúc đẩy hơn nữa của Chiến lược phát triển miền Tây và việc cùng xây dựng sáng kiến "Một vành đai, Một con đường", Tân Cương đã chuyển đổi từ một vùng nội địa tương đối khép kín thành một nơi cởi mở với thế giới bên ngoài, và từ một khu vực xa xôi trở thành một vùng trung tâm và vùng lõi.

Trung Quốc có một nền ngoại thương phát triển thịnh vượng và dịch vụ hậu cần xuyên biên giới đóng đặc biệt quan trọng trong đó. Tuy nhiên, một nửa lãnh thổ của Trung Quốc giáp với Nga và Mông Cổ, nếu muốn vươn ra toàn cầu, nước này chỉ có hai lựa chọn : hướng về phía Tây hoặc phía Nam. Vận tải đường biển có chi phí thấp, mang tính phổ quát và thuận lợi nhất đối với thương mại, vì vậy việc tiến về phía Nam là lựa chọn hàng đầu để Trung Quốc vươn ra toàn cầu. Trung Quốc nằm ở phía Đông của lục địa Á-Âu, nếu muốn vận chuyển hàng hóa đến Trung-Tây Á, Châu Âu và Châu Phi thì cần phải đi qua eo biển Malacca.

Hãy vẫn lấy dầu mỏ – nguồn tài nguyên huyết mạch của Trung Quốc làm ví dụ. Trung Quốc có hai tuyến đường chính để vận chuyển dầu qua đường biển : Một tuyến bắt đầu từ Ả Rập Saudi, Iran, Iraq ở Trung Đông và các nước Bắc Phi, đi qua eo biển Hormuz hoặc kênh đào Suez, Vịnh Aden để đến Ấn Độ Dương, rồi băng qua eo biển Malacca và vào Biển Đông ; một tuyến xuất phát từ Nigeria ở Tây Phi, đi qua Mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ Dương, rồi băng qua Malacca để vào Biển Đông.

Nhìn vào mạng lưới thương mại toàn cầu, eo biển Malacca là trạm kiểm soát mà Trung Quốc không thể vượt qua, và trạm kiểm soát này nằm dưới sự kiểm soát quân sự của Mỹ.

Hải quân Trung Quốc có thể kiểm soát eo biển Malacca không ? Kinh nghiệm lịch sử của Nga và Đức trong thời kỳ từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cho thấy, trong bối cảnh các cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc nối nhau xưng bá một phương, khi các cường quốc mới nổi nỗ lực phát triển đến trình độ bắt đầu có xung đột và va chạm lợi ích với các cường quốc biển hiện thời, thì họ đều sẽ phải đối mặt với bá quyền và áp lực chiến lược từ các cường quốc biển. Và Trung Quốc, một quốc gia mới nổi, cũng không phải ngoại lệ. Khi Nga và Đức ứng phó với những thách thức và mối đe dọa từ các cường quốc biển, do chịu ảnh hưởng từ lý thuyết sức mạnh biển của Alfred Mahan lúc bấy giờ cùng tham vọng cạnh tranh với các cường quốc biển, họ đã không chỉ tập trung vào sức mạnh trên bộ, mà còn chú trọng xây dựng sức mạnh quân sự và kinh tế trên biển trong quá trình phát triển của mình.

Tuy nhiên, cả lịch sử và thực tiễn đều chứng minh rằng, dù đã dồn lực phát triển lực lượng hải quân nhưng họ vẫn không thể cạnh tranh được với các cường quốc biển. Có thể thấy, không phải quốc gia mới nổi nào cũng có khả năng theo đuổi chiến lược phát triển cả trên bộ và trên biển, ngay cả siêu cường thế giới hiện nay là Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc phát triển cả hai tuyến. So với Nga và Đức trước đây, Trung Quốc không có lợi thế địa lý mang tính chiến lược trong phát triển hàng hải và gần như không có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đối đầu trực diện với Mỹ về sức mạnh biển.

Nếu sức mạnh hàng hải quan trọng đến vậy đối với sự phát triển trong tương lai, trong khi hiện lại không thể phát triển được do trở ngại từ bá quyền của Mỹ, vậy thì Trung Quốc chỉ có thể chọn cách khác để tìm kiếm lợi thế nhằm "bẻ khóa" vị thế cường quốc biển vốn luôn bị Mỹ đe dọa.

Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc buộc phải phát triển một tuyến tấn công thứ cấp, đó là tiến về phía Tây và sử dụng các tuyến đường bộ để phá vỡ chiến lược phong tỏa trên biển của Mỹ. Tân Cương đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc đột phá sự phong tỏa trên biển của Mỹ. Để tìm lối ra biển cho Tân Cương, chiếc chìa khóa phá vỡ cục diện chính là Pakistan.

Trong thế kỷ trước, Trung Quốc và Pakistan đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững trong mọi hoàn cảnh (all-weather strategic partnership). Pakistan đã chủ động đề nghị xây cầu vượt biển cho Trung Quốc. Năm 2015, khi Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, dự án hàng đầu trong chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường", khởi công xây dựng, Trung Quốc đã giành được quyền thuê cảng Gwadar của Pakistan trong 43 năm. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan dài khoảng 3.000 km, giáp "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" ở phía Bắc và nối với "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" ở phía Nam, là đầu mối trọng yếu xuyên suốt Con đường Tơ lụa Bắc-Nam của Trung Quốc. Một mặt, việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan có thể kết nối các tuyến đường bộ và đường biển nằm trong quy hoạch chiến lược của Trung Quốc lại với nhau, mặt khác, Trung Quốc đang sử dụng phương thức xuất khẩu vốn này để từng bước thúc đẩy chiến lược quyền lực trên bộ của mình. Mà cốt lõi của các tuyến đường bộ là xây dựng đường cao tốc và đường sắt, việc giúp đỡ các nước dọc theo "Một Vành đai, Một Con đường" xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ có lợi cho việc thực thi chiến lược của Trung Quốc ở Trung Đông, Trung Á và Châu Âu.

Với tuyến vận tải này, việc vận chuyển giữa Trung Quốc với Châu Á, Châu Phi và Châu Âu hoàn toàn có thể vượt qua eo biển Malacca và chuỗi đảo đầu tiên, trực tiếp cập bến ở Ấn Độ Dương, tiến vào Tân Cương bằng đường bộ, qua đó hoàn toàn thoát khỏi sự phong tỏa của Mỹ ở eo biển Malacca.

"Một vành đai, Một con đường" có tổng cộng 5 tuyến đường chính : 1) Bắc Mỹ – Nhật Bản và Hàn Quốc – Cảng Zarubino – Hunchun – Diên Cát – Cát Lâm – Trường Xuân – Mông Cổ – Nga – Châu Âu ; 2) Bắc Kinh – Nga – Đức – Bắc Âu ; 3) Bắc Kinh – Tây An – Urumqi – Trung Á – Hungary – Paris ; 4) Phúc Kiến – Quảng Châu – Hải Khẩu – Hà Nội – Kuala Lumpur – Jakarta – Colombo – Calcutta – Nairobi – Athens – Venice ; 5) Liên Vân Cảng – Trịnh Châu – Tây An – Lan Châu – Tân Cương – Trung Á – Châu Âu.

Nhìn từ thiết kế tuyến đường có thể đánh giá rằng, Tân Cương là cửa ngõ đối ngoại trên bộ quan trọng nhất của Trung Quốc và có thể coi là viên ngọc trong chiến lược "Một vành đai, Một con đường".

Việc Trung Quốc chuyển trọng tâm chiến lược vào việc xây dựng sức mạnh trên bộ không có nghĩa nước này trực tiếp từ bỏ cuộc chiến ở Biển Đông, mà là để phát triển quyền lực trên biển thì buộc phải tăng cường quyền lực trên bộ. Điều này cũng được thể hiện một cách rõ ràng trong chiến lược "Một vành đai, Một con đường" do Trung Quốc đề xuất. Một vành đai trong số đó là "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" coi Tân Cương là điểm khởi đầu và điểm đột phá cốt lõi để phát triển các tuyến đường bộ.

Lý do khiến Mỹ nhắm vào Tân Cương để trấn áp Trung Quốc trong những năm gần đây là điều đã quá rõ ràng. Với một vị trí chiến lược tương đối quan trọng trong "Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa", Tân Cương là đầu mối liên kết chiến lược giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời cũng là chìa khóa để Trung Quốc tạo ra đột phá ở Châu Á và kết nối với các nước Châu Âu trên đất liền.

Phân tích từ góc độ địa lý thế giới, Tân Cương nằm chính tại vị trí trung tâm của Châu Á, khu vực này cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành nên "trái tim" (heartland) của Hòn đảo thế giới (World Island). "Hòn đảo thế giới" là một khái niệm quan trọng được Halford Mackinder đưa ra khi nghiên cứu về địa chính trị toàn cầu. Mackinder tin rằng, trong tương lai, kẻ nắm giữ được trái tim của Hòn đảo thế giới sẽ kiểm soát được Hòn đảo thế giới, tức là nắm quyền kiểm soát toàn cầu. Nhìn từ góc độ này có thể thấy, Tân Cương có một ý nghĩa chiến lược mang tính toàn cầu, việc nắm giữ hay đánh mất Tân Cương có lẽ sẽ tác động to lớn đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.

Do vậy, Tân Cương không chỉ là vùng chiến lược để Trung Quốc áp chế quyền lực biển của Mỹ, mà còn là cốt lõi và niềm tin để Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên bộ, cũng như để cân bằng và cạnh tranh trong cuộc chơi với Mỹ.

Trung tâm Nghiên cứu Tân Cương hiện đại

Nguyên tác : "新疆的战略意义何在", 28/10/2022.

Lê Thị Thanh Loan biên dịch

Bài viết được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Tân Cương Hiện đại của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông và Tây Tân Cương.

Additional Info

  • Author Trung tâm Nghiên cứu Tân Cương hiện đại ,Lê Thị Thanh Loan
Published in Diễn đàn

Trung Quốc bài bác báo cáo của Liên Hiệp Quốc về Tân Cương

Các tờ báo Pháp hôm 01/08/2022 vẫn dành sự quan tâm cho chủ đề chiến sự ở Ukraine. Riêng tờ Le Monde đặc biệt chú ý đến việc Trung Quốc đang tìm mọi cách để "chôn vùi" báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về những vụ đàn áp ở Tân Cương, nơi mà người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác là nạn nhân của chính sách cưỡng bức đồng hóa.

tancuong1

Ảnh tư liệu : Một khu công nghiệp tại vùng tự trị Tân Cương, có vọng gác và tường rào dây thép gai bao quanh. Đây là một trong nhiều trại giam người Duy Ngô Nhĩ, mà số lượng được ước tính lên đến 1 triệu người.  AP - Ng Han Guan

tancuong2

Khu vực trại tập trung trên sa mạc ở Tân Cương đang được xây dựng với tốc độ đáng kinh ngạc (ảnh chụp vệ tinh)

Vào ngày 26/07, Trung Quốc đã đăng một bức thư nói rằng báo cáo này là tác phẩm của "những lực lượng chống Trung Quốc với những ý đồ bất chính". Trên tài khoản Twitter của mình, đại diện Trung Quốc tại Geneva viết : "Một bức thư từ gần một nghìn tổ chức phi chính phủ phản đối việc công bố cái gọi là nghiên cứu về Tân Cương của Cao ủy và kêu gọi Cao ủy không xuất bản một nghiên cứu đầy dối trá".

Đối với phương Tây, đây là một thủ đoạn lố bịch, bởi bức thư được đăng bởi tờ báo nhà nước China Daily, và những "tổ chức phi chính phủ" nói trên đều là những hiệp hội có liên hệ chặt chẽ với Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó hơn bảy trăm tổ chức có trụ sở tại Tân Cương. Hơn nữa, trong số này có rất nhiều tổ chức không liên quan gì đến vấn đề Tân Cương.

Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền vốn đã sẵn sàng từ mùa thu năm 2021, nhưng việc công bố đã bị hoãn lại. Hoa Kỳ và Liên Âu đang kêu gọi bà Michelle Bachelet công bố báo cáo. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện bản báo cáo hiện đang được "hoàn thiện" và sẽ được công bố từ giờ cho đến 31/08, ngày bà Bachelet kết thúc nhiệm kỳ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc .

Ukraine : Những "hành động khủng bố "của Nga

Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục leo thang vào hôm qua 31/07 với những "hành động khủng bố của Nga", được minh họa bằng các cuộc bắn phá mới vào các thành phố trong vùng. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân vùng Donbass sơ tán, do hiện vẫn còn khoảng 200.000 người chưa chịu rời đi. "Các vị làm ơn hãy sơ tán", ông nói trên truyền hình vào tối thứ Bảy, "gieo rắc sự sợ hãi hiện đang là vũ khí chính của Nga".

Thật đau lòng cho Kiev khi phải thừa nhận rằng quân đội của họ không còn có thể bảo đảm an toàn cho người dân ở Donbass, tương đương với 1/4 khu vực phía đông đất nước. Quân Nga đã gần như chiếm được toàn bộ khu vực này, với mục tiêu sáp nhập vào Nga và họ vẫn không từ bỏ ý đồ đánh chiếm toàn bộ Ukraine.

Về chủ đề năng lượng, tờ Les Echos tiếp tục nói về mối lo của Châu Âu khi tập đoàn khí đốt Gazprom hôm 30/07 đã thông báo đình chỉ cung cấp khí đốt cho Latvia. Gazprom tuyên bố Riga đã vi phạm hợp đồng, mà không cho biết thêm thông tin chi tiết cụ thể. Trước đó vào ngày 27/07, với việc Moskva tiếp tục gây áp lực với phương Tây, đường ống dẫn khí Nord Stream 1 giờ đây chỉ còn hoạt động có 20% năng suất.

Gazprom cũng đã đình chỉ việc cung cấp khí đốt cho những quốc gia khác như Bulgaria, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Đan Mạch, sau khi những nước này từ chối thanh toán hóa đơn khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Về phần mình, ba nước vùng Baltic, cựu thành viên của Liên Xô, đã tuyên bố vào đầu tháng 4 sẽ không nhập khí đốt của Nga nữa. Tuy nhiên, điều này không hề dễ thực hiện chút nào, do những trở ngại về mặt kỹ thuật, nhất là từ trước đến giờ ba nước này chỉ nhập khí đốt của Nga. Trong lịch sử, các nước vùng Baltic cũng đã từng phải đối mặt với việc Nga cắt giảm khí đốt khi tuyên bố độc lập hồi năm 1991.

Với nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa đông này, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã nhất trí về một kế hoạch từ giờ đến tháng 3/2023 giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống 15% so với mức trung bình của 5 năm qua. Cho đến nay, Nga vẫn chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

Ukraine yêu cầu Nga giải trình về thảm sát ở Olenivka

Vẫn tại Ukraine, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về vụ thảm sát ở Olenivka, với việc Kiev và Moskva đổ trách nhiệm cho nhau về vụ oanh kích khiến hàng chục tù binh Ukraine thiệt mạng hôm 30/07.

Nhìn từ trên không, nhà tù của Olenivka dường như đã bị mất hẳn một khúc. Được công ty hình ảnh vệ tinh Maxar công bố vào ngày 31/07, những bức ảnh cho thấy thiệt hại do vụ nổ dữ dội khiến hàng chục tù binh Ukraine thiệt mạng trong một nhà tù của Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Trên phần mái của tòa nhà giờ chỉ còn lại một cái hố cháy thành than. Các tòa nhà khác xung quanh nhà tù dường như không hề bị hư hại.

Theo báo cáo của phe ly khai thân Nga, diễn biến của thảm kịch khiến 53 tù binh Ukraine thiệt mạng và 75 người khác bị thương vẫn còn rất mơ hồ. Phía Nga cho rằng Ukraine đã tấn công nhà tù bằng hệ thống tên lửa Himars, một hệ thống tên lửa có độ chính xác cao do Mỹ cung cấp. Phía Ukraine đã phản bác những "những lời nói dối vô liêm sỉ". Kiev cho rằng vụ nổ xảy ra do một thiết bị gây nổ do lính đánh thuê Wagner của Nga đặt bên trong nhà tù. Tổng thống Zelensky kêu gọi sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), hai tổ chức chịu trách nhiệm bảo đảm cho các tù binh không bị bạc đãi.

Một số quan chức quốc tế, trong đó có ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell, đã công khai chỉ trích Nga trong vụ thảm sát này. Tuy chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở tại Washington, khẳng định rằng "các hình ảnh vụ nổ cho thấy lập luận do Ukraine đưa ra dường như hợp lý hơn lập luận của Nga".

Kể từ khi vụ nổ xảy ra, một số cựu tù binh Ukraine đã kể về các hành vi tàn bạo của quản giáo và về việc tù nhân tại Olenivka thiếu lương thực một cách trầm trọng. Hôm 30/07, Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ sự "kinh hoàng trước các báo cáo về những vụ tra tấn và giết hại các tù nhân tại Olenivka".

Ukraine : Cơ hội giành lại Kherson

Nhật báo thiên tả Libération thì chú ý đến việc quân Ukraine dường như đang có cơ hội giành lại được thành phố Kherson. Thành phố phía nam này đã bị Nga chiếm hôm 02/03 một cách khá dễ dàng. Nhưng giờ đây, lực lượng Ukraine đang phản công và đang dần tiến vào thành phố. Họ chỉ còn cách Kherson khoảng 50 km.

Đây không phải là một bất ngờ. Các nhà lãnh đạo Ukraine đã thông báo về cuộc phản công từ đầu tháng 7. Về mặt chiến lược, Kherson là một thành phố cảng quan trọng nằm ở phía bắc bán đảo Crimea, hiện nằm trong tay quân ly khai thân Nga. Từ khu vực này, quân Nga có thể dễ dàng tiếp cận Biển Đen, cho phép họ có một vị trí thuận lợi để tấn công thành phố Odessa. Nếu binh lính Ukraine thành công trong việc đánh bật quân Nga khỏi Kherson, Moskva gần như sẽ không thể thành công trong việc chiếm Odessa.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, binh lính Ukraine có thể sẽ chiếm lại một thành phố lớn. Những chiến thắng lớn của họ kể từ tháng 3 như ở Kiev, Kharkiv hay Mykolaiv đều nhờ vào khả năng giữ vững cho thành phố không bị đổ. Nhưng cho đến nay, họ vẫn luôn thất bại trong việc đánh bật quân Nga ra khỏi một thành phố lớn.

Ngoại trưởng Đức yêu cầu Hy Lạp "tôn trọng" người xin tị nạn

Về tình hình nội bộ Liên Âu, nhật báo Le Monde quan tâm đến những di dân và người xin tị nạn ở biên giới Hy Lạp. "Đẩy lùi người xin tị nạn ở các biên giới Liên Hiệp Châu Âu (EU) là trái với luật pháp Châu Âu". Từ Athens, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã gửi một thông điệp rõ ràng tới chính phủ Hy Lạp, khi nước này bị cáo buộc kể từ tháng 3/2020 thực hiện chính sách "đẩy lùi có hệ thống", ngăn cản người di cư xin tị nạn ở Hy Lạp và đưa họ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ một cách thô bạo, những hành vi trái với luật pháp quốc tế.

Lefteris Papagiannakis, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Hy Lạp về người tị nạn, nhận định : "Chính phủ Hy Lạp đang bị dồn vào chân tường khi vẫn tiếp tục phủ nhận những hành vi đẩy lùi di dân, trong khi Bruxelles khẳng định chính quyền Hy Lạp đã và đang áp dụng chính sách này ở biên giới của mình".

Hồi giữa tháng 7, sau cuộc gặp với 3 bộ trưởng Hy Lạp, Cao ủy Nội vụ Châu Âu, Ylva Johansson, đã hết sức bất bình : "Việc trục xuất người di cư bất hợp pháp một cách thô bạo phải dừng lại ngay lập tức !". Bà nhắc rằng Hy Lạp đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên Hiệp Châu Âu nhằm "giải quyết vấn đề ở biên giới" và yêu cầu chính phủ Hy Lạp phải đưa ra các biện pháp để khắc phục vấn đề trước tháng 9. Vài ngày sau, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua việc thành lập một ủy ban đặc biệt, có trách nhiệm nghiên cứu các trường hợp vi phạm nhân quyền.

Nhưng các tổ chức phi chính phủ nghi ngờ tính độc lập và khách quan của cơ quan này. Vào cuối tháng 3, cơ quan này báo cáo rằng không tìm thấy "bằng chứng" nào để xác nhận rằng các sĩ quan Hy Lạp có dính líu tới việc di dân bị đẩy lùi. Hai mươi hiệp hội đã đặt câu hỏi về tính xác thực của báo cáo này, giải thích rằng cuộc "điều tra" được thực hiện phần lớn dựa trên lời khai của các sĩ quan cảnh sát, lực lượng tuần duyên hoặc những người dân có tư tưởng bài người nhập cư.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Châu Á

Tân Cương : Tài liệu nội bộ vạch trần "cỗ máy đàn áp Trung Quốc"

Về thời sự quốc tế, chuyến công du Châu Á đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với các thông điệp nhắm vào Trung Quốc là một chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Thông tin mới về chính sách đàn áp quy mô lớn của Trung Quốc tại Tân Cương "được đưa ra từ nội bộ" Trung Quốc, đúng vào lúc cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công du Tân Cương là hồ sơ chính của Le Monde.

 

 

Người bị giam tại trại Tekes ở Tân Cương, Trung Quốc, xem phát biểu trên truyền hình của một chính trị gia địa phương, dưới sự giám sát của công an. Ảnh chụp năm 2017. © Xinjiang Police Files

"Duy Ngô Nhĩ : Ở tâm điểm của cỗ máy đàn áp Trung Quốc" là nhan đề chính trang nhất Le Monde. Hàng tít đăng trên nền hình ảnh hàng trăm người, ảnh khổ nhỏ thường dùng cho thẻ căn cước. Đây là ảnh những người Tân Cương bị chính quyền giam cầm, câu lưu. Ngày 24/05, nhiều tài liệu mật của ngành an ninh Trung Quốc  đã được trao cho nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zens. Các tài liệu mang tên "Xinjiang Police Files " đã được một nhóm gồm 14 cơ quan truyền thông quốc tế - trong đó có Le Monde - thẩm định.

Theo Le Monde, cùng với một loạt thông tin được công bố từ năm 2019, bởi chính nhà nghiên cứu này và một số tổ chức phi chính phủ, các thông tin mật vừa được chuyển ra ngoài mang lại "một ánh sáng mới có ý nghĩa quyết định" cho thấy thực chất các đàn áp do Bắc Kinh tổ chức tại khu vực này.

Tỉ lệ giam người cao gấp 64 lần trung bình toàn quốc

Bắt bớ, giam cầm quy mô lớn, đàn áp tàn bạo những người bị giam giữ trong các trại giam mà chính quyền Trung Quốc gọi là "các trung tâm dạy nghề". Theo các thông tin nội bộ của công an huyện Konasheher (tỉnh Tân Cương), có từ 12,1% đến 12,5% người ở độ tuổi trưởng thành thuộc các sắc tộc thiểu số, từng bị giam giữ, cải tạo năm 2018, theo nhà nhân chủng học Đức, công bố trên tạp chí Journal of the European Association for Chinese Studies. Tỉ lệ giam giữ "cao gấp 64 lần" tỉ lệ trung bình trên toàn quốc. Và thậm chí cao hơn tỉ lệ giam cầm thời chế độ toàn trị Xô Viết thời Stalin.

Đây là lần đầu tiên, công luận biết đến ảnh của khoảng 5.000 người Duy Ngô Nhĩ, tuổi từ 3 đến 94, được chụp tại đồn công an, hoặc trung tâm cải huấn thuộc huyện nói trên, từ tháng Giêng đến tháng 7 2018. Trong số họ, chắc chắn đã có 2.884 người bị giam giữ.

Lý do bị giam : "Tư tưởng bất ổn"

Bắc Kinh coi nguy cơ đe dọa Tân Cương là lực lượng ly khai Hồi giáo. Chủ trương của chính quyền Trung Quốc là bắt bớ tất cả những ai tỏ ra là "một đe dọa tiềm tàng với xã hội". Chỉ cần là thân nhân của một người bị giam giữ, một người bị tình nghi là tội phạm hay một người bị kết án là đã có thể bị đưa vào các trại cải tạo. Trên hồ sơ về một thanh niên 17 tuổi, bị giam giữ, có ghi lý do bị bắt, đơn giản là : "có tư tưởng bất ổn".

Ám ảnh bảo đảm "an ninh toàn diện" tại vùng Tân Cương sẽ tiếp tục chi phối hành động của chính quyền Trung Quốc trong thời gian 5 năm tới, như tuyên bố của lãnh đạo khu tự trị. Kẻ thù không chỉ là những người kháng cự bằng bạo lực, mà còn là những ai có tiềm năng trở thành người "bất mãn".

tancuong1

Từ khi Trung Quốc tăng cường sản xuất mặt nạ sau cuộc khủng hoảng Covid-19, một cuộc điều tra của New York Times cho biết một số lượng mặt nạ được sản xuất tại Tân Cương có thể do lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Làm gì khi trại cải tạo "toàn người bất mãn" ?

Giải pháp với những người "bất mãn" phải là trại cải tạo. Nhưng, "nếu trại cải tạo có quá nhiều người bất mãn, thì nơi đây cũng trở thành địa điểm nguy hiểm", như tuyên bố của lãnh đạo đảng khu tự trị Tân Cương Chen Guang-guo (Trần Toàn Quốc). Chính quyền Trung Quốc đã ban hành những chỉ thị nội bộ trong việc quản lý các trại giam (được tiết lộ trong loạt tài liệu này), cho thấy, việc sử dụng súng để đàn áp, bắn giết những người có thái độ phản kháng, là điều được khuyến khích.

Trích đoạn sau đây cho thấy thái độ của chính quyền đối với các "học viên" của các "trung tâm dạy nghề" : "Nếu các học viên không tuân theo các chỉ thị, cảnh sát vũ trang có thể bắn cảnh cáo. Nếu các học viên không nghe lời, nếu họ tiếp tục gây áp lực, âm mưu bỏ trốn hay chiếm đoạt vũ khí, cảnh sát vũ trang sẽ bắn bỏ" (quy định nội bộ của một trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương).

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bị nghi ngờ

Chuyến công du của phái đoàn nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc bị kiểm soát cao độ là chủ đề một bài viết của Libération nhan đề "Nguy cơ Liên Hiệp Quốc 'bị bịt mắt' trong chuyến công du tại Tân Cương". Libération dẫn lại mô tả của một cảnh sát địa phương với đài Mỹ RFA, theo đó, để chắc chắn dân cư tại chỗ không ai dám trả lời người nước ngoài, chính quyền đe dọa khép tội "làm lộ bí mật Nhà nước". Đây là tội danh để khép cho bất cứ ai có những lời lẽ khác với quan điểm chính thống. Người bị khép tội này có nguy cơ bị án tù chung thân.

Bản thân cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet (cựu tổng thống Chile) – một nạn nhân của tra tấn, đàn áp và đối xử bất công – cũng bị nghi ngờ. Theo Rushan Abbas, nhà sáng lập hiệp hội vì người Duy Ngô Nhĩ Campaign for Uyghurs, cao ủy Michelle Bachelet – đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2018, và sắp mãn nhiệm vào tháng 9/2022 – "đã chưa từng công bố một báo cáo nào về nhân quyền tại Tân Cương, trong lúc bà đã 9 lần phê phán Mỹ".

Tội ác Trung Quốc đã rõ : Vì sao phương Tây không trừng phạt nghiêm khắc ?

Le Monde cũng dành bài xã luận nhan đề "Nhân chứng chống lại cỗ máy đàn áp Trung Quốc", ca ngợi khối tài liệu nội bộ lớn của Trung Quốc vừa được đưa ra bên ngoài (các tài liệu do chính người của bộ máy an ninh Trung Quốc tiết lộ), cho thấy "tầm mức khác của tấn thảm kịch" tại Tân Cương. Các tài liệu được công bố đúng vào lúc cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet có một chuyến công du tại Tân Cương.

Tuy nhiên, cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác, Le Monde không hề tin tưởng chuyến công du của giới chức cao cấp Liên Hiệp Quốc nói trên sẽ giúp làm sáng tỏ thực tại, mà ngược lại, chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng chuyến đi này để đánh bóng hình ảnh với công luận trong nước vào quốc tế.

Thông điệp chính mà xã luận Le Monde hướng đến là giới chính trị, giới kinh tế phương Tây. Le Monde chất vấn : trong lúc rõ ràng là khó có thể phủ nhận được việc có ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đày ải, nhưng có ai thực sự có các chủ trương trừng phạt nghiêm tức, trừng phạt đúng tầm mức của những xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng này ? Đã có tập đoàn lớn nào của phương Tây sẵn sàng rút khỏi thị trường Trung Quốc khổng lồ ?

Theo Le Monde, khối tài liệu nội bộ của ngành an ninh Trung Quốc vừa được công bố cho thấy phải chăng đây chính là "lời báo động cuối cùng" đối với lương tri, với lẽ phải : "Hãy mở to mắt để nhận ra sự thật đang diễn ra tại Trung Quốc hiện nay !" – nhật báo Pháp kết luận.

Bộ Tứ cảnh cáo Trung Quốc

Chuyến công du Châu Á đầu tiên của tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý của nhiều báo. Le Figaro có bài "Bộ Tứ cảnh báo việc sử dụng sức mạnh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Trong cuộc hội kiến bốn lãnh đạo Bộ Tứ (Mỹ - Ấn - Nhật – Úc) tại Tokyo, lãnh đạo cả bốn quốc gia cùng đưa ra cảnh báo nhắm vào Trung Quốc, đặt mối nguy cơ manh động quân sự của Trung Quốc ngang với đe dọa từ Nga với cuộc xâm lăng Ukraine hiện nay, cho dù không trực tiếp nhắc tên Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng ghi nhận thái độ rất khác biệt giữa Ấn Độ với ba quốc gia còn lại của Bộ Tứ về cuộc xâm lăng Nga. New Delhi không lên án Moskva xâm lược, bởi Ấn Độ vẫn là khách hàng vũ khí chủ yếu của Nga, New Delhi cần Nga trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Theo Le Figaro, "sự ngờ vực và tâm thế đối địch với Trung Quốc là chất keo dính mạnh nhất". ''Liên minh của các nền dân chủ chống các chế độ độc tài'' là điều được tổng thống Mỹ khẳng định, cũng là điều được nhiều nước hưởng ứng.

Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng chỉ ra tính không nhất quán trong chính sách của Nhật Bản chẳng hạn. Trong lúc các nỗ lực ngoại giao của các nhóm như Bộ Tứ hay liên minh AUKUS, hay nỗ lực về kinh tế như thỏa thuận IPEF (Indo-Pacific Economic Framework / Khuôn khổ kinh tếẤn Độ - Thái Bình Dương), vừa ký kết hôm thứ Hai, cho thấy mục tiêu là tách khỏi quan hệ với Trung Quốc, nhưng đối với giới đầu tư Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là quốc gia số một về "triển vọng đầu tư ngắn hạn".

Mạng lưới kinh tế IPEF ngăn chặn Trung Quốc

Cũng Le Figaro có bài cho biết thái độ phản đối của Bắc Kinh đối với chính sách phản công kinh tế của Hoa Kỳ tại Châu Âu, với Thỏa thuận về "Khuôn khổ kinh tếẤn Độ-Thái Bình Dương", với sự tham gia của 12 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định : Hoa Kỳ đã "tìm cách xây dựng một vài bè nhóm nhân danh tự do và cởi mở" với hy vọng "ngăn chặn Trung Quốc". Ngoại trưởng Trung Quốc dự đoán là dự án của Mỹ sẽ "thất bại".

Trong dự án "Khuôn khổ kinh tếẤn Độ-Thái Bình Dương", ngoài Mỹ, là các nước Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo Le Figaro, dự án "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" bao gồm nhiều quốc gia đầu tầu trong khu vực, với tổng trọng lượng kinh tế chiếm đến 40% GDP toàn cầu. 12 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương tạo thành một mạng lưới bao xung quanh "công xưởng kinh tế thế giới" (tức Trung Quốc), có mục tiêu hàng đầu là bảo đàm "an ninh kinh tế", thiết lập các chuỗi sản xuất, tuân thủ các chuẩn mực về công nghệ và môi trường. Mạng lưới các nền kinh tế dự án "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" cũng có khả năng tạo ra một sự đứt đoạn về công nghệ với Trung Quốc.

Theo Le Figaro, dự án "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" cho phép thu hút Hàn Quốc về phía Hoa Kỳ trong thế đối đầu với Trung Quốc, cũng như "mở ra một chân trời mới cho nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, thất vọng sau khi tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi Hiệp định TPP".

Bệnh viện Pháp "kiệt sức"

Báo Le Figaro tập trung báo động về tình trạng thiếu nhân viên trong ngành y tế Pháp, khiến khu vực bệnh viện lâm vào tình trạng kiệt sức. Nhiều khoa cấp cứu, nhà hộ sinh có nguy cơ bị đóng cửa. Tình trạng thiếu hộ lý là trầm trọng và đe dọa một số lượng lớn bệnh viện tại Pháp. "Báo động đỏ" là nhan đề xã luận Le Figaro thiên hữu, với nhận định "bệnh viện công của nước Pháp đang sống dở, chết dở. Tại khoảng ba phần tư cơ sở y tế đã có việc giường bệnh bị giảm, hoạt động phẫu thuật chậm lại…". Theo Le Figaro, giải pháp không chỉ ở chỗ tăng phương tiện, tăng lương và tiền thưởng không đủ để nâng cao tinh thần. Cần phải có một cuộc cải cách để giảm bớt mức độ nặng nề của nền hành chính, chiếm đến một phần ba nhân viên trong ngành, cũng như tổ chức phối hợp tốt hơn giữa khu vực nhà nước và tư nhân… là một số các khuyến nghị của Le Figaro.

Pháp : Hàng nghìn cây số đường sắt "bị bỏ rơi"

Nếu như Le Figaro có quan tâm đến ngành y, thì Libération chú ý đến ngành đường sắt cũng trong tình trạng khủng khoảng. Hồ sơ chính của nhật báo thiên tả phỏng vấn một cựu phụ trách cơ sở hạ tầng đường sắt của vùng Ill-de-France, Pierre Serne. Nhân chứng cho thấy tình trạng hệ thống đường sắt địa phương thiếu bảo dưỡng đe dọa an toàn đường sắt, sinh mệnh hành khách.

Hồ sơ về tình trạng hàng nghìn cây số đường sắt – trong số 30.000 cây số đường sắt toàn quốc - không được bảo dưỡng, được công bố nhân dịp tư pháp đưa ra xét xử vụ án liên quan đến tai nạn đường sắt Paris – Limoges năm 2013, khiến bảy người chết, hàng trăm người bị thương. Phiên tòa diễn ra từ một tháng nay, nhưng gần như không được truyền thông nói đến. Bị cáo là Tổng công ty đường sắt quốc gia SNCF.  Libération chỉ trích việc chính quyền hiện tại chủ trương trợ giá cho nhiều đường TGV mới, trong lúc, bỏ rơi hàng nghìn cây số đường sắt địa phương.

Air France – KLM : Kế hoạch giải cứu khổng lồ

Hồ sơ chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay là kế hoạch giải cứu tập đoàn hàng không Pháp – Hà Lan, Air France – KLM. Tính tổng thể, khoảng 15 tỉ euro sẽ được huy động để vực dậy tập đoàn Air France – KLM.

Ba tháng chiến tranh tại Ukraine

Chiến tranh tại Ukraine tiếp tục là chủ đề chính của Le Monde, với ba hồ sơ : "Thế tiến lên không gì cưỡng nổi của Nga tại Donbass", "Cuộc chiến đường sắt Ukraine giữa Kiev và Moskva" và "Cuộc chiến tin học chống Nga gia tăng". 

Libération có hồ sơ về "Ba tháng chiến tranh tại Ukraine : Những bước tiến nhỏ của quái vật Nga", điểm lại một số thắng lợi của Nga, tại Mariupol, tại vùng Donbass, và cuộc kháng chiến của người Ukraine đánh bật quân thù khỏi Kiev, Kharkiv. 

Dnipro : Ốc đảo bình an tạm cho 50 nghìn dân Mariupol

Nhật báo công giáo La Croix có bài phóng sự về tình cảnh những người tị nạn chạy khỏi Mariupol, đang "lấy lại hơi" tại thành phố miền trung Dnipro. Hàng chục nghìn người đang trú tại một trong những thành phố bình yên hiếm hoi gần Mariupol. 

Nhà báo Anna Romanenko, dân Mariupol, chạy khỏi thành phố cảng miền nam cùng con gái 8 tuổi và người mẹ bệnh tật, trước khi quân Nga đến. Cô cho biết Dnipro là nơi người tị nạn được hỗ trợ nhiều về vật chất, và cả tâm lý. Theo chính quyền thành phố, có đến 50.000 người Mariupol đến đây, trong lúc chỉ có 15.000 tới Lviv, thành phố miền tây, sát biên giới với Liên Âu.

Một thư viện lớn ở trung tâm Dnipro đã mở trung tâm "Tôi là người Mariupol" để đón tiếp dân sơ tán. Thư viện - nằm tại một khu phố dễ chịu với nhiều cây – đã trở thành điểm kết nối chính đối với cộng đồng dân Mariupol tị ở địa phương.

Angers – "Rừng trong thành phố"

Cây xanh trong thành phố cũng là chủ đề chính của nhật báo công giáo. "Rừng trong thành phố" là hàng tựa trang nhất trên nền hình ảnh hàng cổ thụ cao lớn, trùm lên một con đường đi dạo rộng rãi bên dòng sông Maine yên ả. Angers là thành phố duy nhất của nước Pháp nhận được giải thường "Các thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới".

Thông điệp chính của La Croix khi nói đến "Angers thành phố cây xanh" là để nhắc nhớ đến vấn đề "Cây, một chủ đề gai góc với các thành phố lớn". Có nhiều cây để đối phó với khí hậu ngày một nóng lên ngày càng trở nên điều không tránh khỏi. Khác biệt giữa nơi có đủ cây che phủ với nhiệt độ bên ngoài, những ngày nóng bức, có thể lên đến hơn 6°C. Cây xanh cũng có thể giúp giảm được lượng điện sử dụng cho máy điều hòa nhiệt độ, giúp giảm ô nhiễm không khí, tăng độ ẩm…

Tuy nhiên, La Croix cũng nhấn mạnh đến những thách thức của chính sách quy sách quy hoạch cây xanh : cần chú ý đến chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Tại Paris, chính quyền thủ đô đã phải hủy hai trong số bốn dự án "rừng trong thành phố". Một dự án tại quảng trường Opéra, do các công trình hạ tầng trong lòng đất không cho phép, và dự án thứ hai ven sông Seine, do đất không đủ sâu.

Trước khi các cây trồng mới phát huy tác dụng trong mươi, hay hàng chục năm nữa, La Croix cũng nhấn mạnh : điều ưu tiên là bảo vệ số cây đã có, bởi chính chúng đang "phục vụ" chúng ta.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Châu Á

Tân Cương là cầu nối giữa Trung Quốc với các thị trường Trung Á, Trung Đông và Châu Âu, biến nơi này thành trung tâm của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Đây là trung tâm hậu cần lớn nhất trong số các nước BRI. Trong số sáu hành lang kinh tế BRI đã được lên kế hoạch, ba hành lang sẽ đi qua Tân Cương, bao gồm Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan nối Kashgar ở Tân Cương với cảng Gwadar ở Pakistan. Một trung tâm phân phối cũng đang được phát triển tại Khorgos trên biên giới giữa Tân Cương và Kazakhstan.

tancuong1

Bắc Kinh hy vọng rằng Tân Cương có thể đóng vai trò như một trung tâm vận chuyển và trung tâm về thương mại, hậu cần và văn hóa của khu vực. Trong năm 2017, khoảng 66 tỷ USD đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Tân Cương – tăng 50% so với năm trước. Đường bộ và đường sắt cao tốc đã được xây dựng để kết nối khu vực này với các khu vực khác của Trung Quốc.

Chính phủ đã thúc đẩy hợp tác thương mại và tài chính giữa Tân Cương và các nước tham gia BRI. Thương mại với các quốc gia BRI chiếm hơn 80% tổng thương mại của Tân Cương. Về phát triển tài chính, khu vực này dự kiến ​​sẽ trở thành một trung tâm thanh toán đồng Nhân dân tệ xuyên biên giới.

Tuy nhiên, tỉnh này là một trong những khu vực bất ổn nhất ở Trung Quốc. Căng thẳng và bạo lực sắc tộc đã tồn tại từ lâu ở Tân Cương, tạo ra sự bất định cho các dự án BRI. Chính quyền cũ của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thử nghiệm chiến lược "phát triển trước tiên", với hy vọng rằng các điều kiện kinh tế được cải thiện sẽ giúp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc. Hàng trăm tỷ nhân dân tệ đã được đổ vào vùng biên giới phía tây xa xôi này, tạo ra sự gia tăng mạnh cho GDP của Tân Cương.

Nhưng các chương trình phát triển đã không thể xoa dịu nỗi bất bình của người Duy Ngô Nhĩ. Một lý do là tăng trưởng kinh tế không làm giảm bất bình đẳng thu nhập giữa các nhóm sắc tộc. Khảo sát Tình hình Lao động Trung Quốc năm 2012 chỉ ra rằng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người Hán ở Tân Cương là 28.900 CNY (khoảng 4.120 USD), trong khi thu nhập trung bình của người Duy Ngô Nhĩ là 12.800 CNY (khoảng 1.830 USD). Mức này cũng thấp hơn nhiều so với các sắc tộc thiểu số khác ở Trung Quốc.

Các dự án phát triển của Bắc Kinh tại Tân Cương phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước lớn vốn thích thuê công nhân người Hán vì kỹ năng ngôn ngữ và chuyên môn của họ. Người Duy Ngô Nhĩ tin rằng những dự án này đã đưa thêm nhiều người Hán vào khu vực và những người này đã giành lấy cơ hội việc làm và trở nên giàu, với phí tổn được đẩy sang cho họ.

Một nguồn gây bất bình khác là các chính sách tôn giáo mang tính đàn áp trong khu vực. Chính phủ đã kiên quyết kiểm soát các hoạt động tôn giáo như nghiên cứu Kinh Qur’an, ăn chay và đội mũ của người Hồi giáo. Những hạn chế khắc nghiệt đối với Hồi giáo đã làm cực đoan hóa nhiều người Duy Ngô Nhĩ và trong một chừng mực nào đó đã khuyến khích sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương.

Một dòng tư tưởng chính làm nền tảng cho phong trào nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ là chủ nghĩa dân tộc, bắt nguồn từ chủ nghĩa Liên Thổ (Pan-Turkism) vào những năm 1930. Các nhà lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ như Rebiya Kadeer đã sử dụng chủ nghĩa Liên Thổ như một phương tiện huy động chủ nghĩa dân tộc, dựa trên mối liên hệ lịch sử và ngôn ngữ của khu vực này với các quốc gia sử dụng ngữ hệ Thổ Nhĩ Kỳ (1) . Chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo bảo thủ, đã lan truyền tới miền nam Tân Cương kể từ những năm 1980, càng làm cực đoan hóa các thế hệ bất đồng chính kiến ​​trẻ. Một số người trong số họ thậm chí còn bị ảnh hưởng bởi Chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism). Có báo cáo cho thấy khoảng 30 người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đã được đào tạo tại các trại huấn luyện chiến binh đặt tại Pakistan trước khi họ được triển khai tới Syria.

tancuong0

Để đảm bảo Tân Cương là một trung tâm kết nối đáng tin cậy cho BRI, đặc biệt là sau một loạt các vụ bạo lực và tấn công khủng bố từ năm 2013 đến 2014, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận song song, kết hợp đàn áp nặng tay với các chính sách kinh tế và xã hội. Camera giám sát được tìm thấy trên tất cả các đường phố và thậm chí bên ngoài nhà ở của người dân. Cảnh sát đã được triển khai để tiến hành kiểm tra điện thoại di động ngẫu nhiên để tìm các nội dung đáng ngờ, và các quan chức địa phương đã được giao xuống sinh sống ngắn hạn trong nhà của người dân Duy Ngô Nhĩ. Họ mang theo những món quà nhỏ cho gia đình như thịt hoặc tiền mặt và theo dõi chặt chẽ các hoạt động hàng ngày của gia đình. Các trại cải tạo được cho là đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ là kết quả của những chính sách cứng rắn nêu trên.

Các chính sách kinh tế xã hội đã tập trung vào việc làm và giáo dục. Một số nguồn tin cho biết hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học người Duy Ngô Nhĩ đang thất nghiệp. Thanh niên thất nghiệp là những "ứng viên" chính tham gia các phong trào nổi dậy. Các doanh nghiệp nhà nước ở Tân Cương hiện được yêu cầu tuyển dụng ít nhất 70 phần trăm nhân viên mới là người địa phương, trong đó ít nhất 25 phần trăm là người dân tộc thiểu số. Nhà nước chọn các doanh nghiệp từ các tỉnh khác để đầu tư vào Tân Cương với trọng tâm là tạo việc làm. Nỗ lực phát triển du lịch cũng nhằm thu hút thanh niên dân tộc thiểu số ở nông thôn tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.

Nhưng một rào cản lâu nay đối với người Duy Ngô Nhĩ trên thị trường việc làm là kỹ năng tiếng Quan thoại của họ – một điều kiện tiên quyết quan trọng đối với nhiều nhà tuyển dụng người Hán. Chính sách giáo dục mới đã chú trọng nhiều hơn vào giáo dục song ngữ. Từ năm 2017, miền nam Tân Cương bắt đầu cung cấp giáo dục mẫu giáo, tiểu học và trung học miễn phí cho học sinh.

Liệu các chính sách song song này có mang lại sự ổn định cho Tân Cương hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhiều chính sách trong đó là các chiến lược mang tính cưỡng chế. Dạy tiếng phổ thông được thúc đẩy như là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn nhằm mục đích đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ vào văn hóa Trung Quốc – điều có nguy cơ xóa sổ nền văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Các trại cải tạo được sử dụng để "thúc đẩy" việc làm bằng cách buộc các trại viên phải làm việc tại các khu công nghiệp gần đó. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy những hạn chế đối với Hồi giáo sẽ được nới lỏng. Những chính sách như vậy có khả năng gây ra sự kháng cự lớn hơn và sự chỉ trích quốc tế mạnh mẽ.

Tân Cương có thể vẫn tiếp tục là nguồn gốc gây bất định cho BRI khi mà tình trạng bất ổn xã hội khiến các doanh nghiệp không mặn mà với khu vực này. Một nhà sản xuất gia vị Ấn Độ đã hoãn việc mở rộng kinh doanh tại Tân Cương vì căng thẳng sắc tộc và các thủ tục an ninh quá mức. Sự lên án của quốc tế đã tăng lên khi tình trạng đàn áp ngày một tồi tệ. Mặc dù Trung Quốc tìm cách tăng cường kết nối toàn cầu thông qua BRI, các chính sách của họ ở Tân Cương lại có thể khiến nước này trở nên cách xa hơn với nhiều nơi trên thế giới.

Wei Shan

Nguyên tác :  "Xinjiang casts uncertainty over the Belt and Road Initiative", East Asia Forum, 29/11/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/12/2019

Wei Shan là Nghiên cứu viên chính tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

(1) Các quốc gia sử dụng ngữ hệ Thổ Nhĩ Kỳ : Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan – ND

Additional Info

  • Author Wei Shan
Published in Diễn đàn

Trung Quốc lộ mặt đồng hóa, tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (RFI, 30/11/2019)

Trung Quốc lộ mặt đồng hóa, tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ; Cử tri Hồng Kông dùng lá phiếu trừng phạt chính quyền ; Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi kiện một chuyên gia người Pháp tội "vu khống" ; Hạ Viện Mỹ mở điều trần công khai : Liệu đây có phải là một chiến lược tốt cho đảng Dân chủ ? Đây là một số chủ đề đáng lưu ý trong tháng 11/2019 của tạp chí Thế Giới Đó Đây.

uighur1

Biểu tình tại Bandung, Indonesia ngày 21/12/2018 phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Reuters/Novrian Arbi

Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ) có thêm bằng chứng khẳng định hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi giáo, nói tiếng Thổ, ở vùng tự trị Tân Cương, bị giam giữ trong các trại tập trung, mà Trung Quốc gọi là "trung tâm dạy nghề".

Chỉ trong vòng hai tuần, hàng loạt tài liệu mật về chiến dịch trấn áp của chính quyền Bắc Kinh, được tổ chức quy mô nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, bị tiết lộ cho báo chí phương Tây : đợt đầu gồm 403 trang được New York Times đăng ngày 16/11/2019, đợt tiếp theo được Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế cho phép 17 tòa báo trên thế giới đăng từ hôm 24/11.

Trong một phóng sự ngày 25/11, đài France 24 đã gặp bà Guibahar Jelilova, một người Duy Ngô Nhĩ, hiện sống ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bị bắt vào tháng 05/2017, bà Jelilova phải sống trong trại 1 năm, 3 tháng và 10 ngày :

"Tôi kiệt sức trong thời gian bị giam giữ. Họ dẫn tôi vào một căn phòng có cửa thép dầy và nặng. Tiếng cửa kêu rất lớn mỗi khi họ mở. Căn phòng chỉ rộng khoảng 20 mét vuông, không có cửa sổ. Bên trong có khoảng 40 phụ nữ, một nửa trong số đó phải đứng, những người khác thì nằm sát nhau trên sàn. Chúng tôi phải mang xích ở cổ chân. Cứ mỗi tuần một lần, họ cho chúng tôi xem một đoạn video về Tập Cận Bình. Sau đó, họ bắt chúng tôi viết tự kiểm điểm. Họ muốn chắc rằng ý thức hệ của chúng tôi đã thay đổi và tiến bộ hơn".

Thực ra, đã có rất nhiều lời chứng, các cuộc điều tra về chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Những tiết lộ mới chỉ khẳng định thực tế trên, theo nhận định với RFI của ông Thierry Kellner, giảng viên Đại học Tự do Bruxelles (Université Libre de Bruxelles, Bỉ) :

"Sau khi những tài liệu này bị lộ, chính quyền Bắc Kinh khó lòng phủ nhận được sự tồn tại của hệ thống trại giam, cũng như bản chất của chiến dịch trấn áp được áp dụng từ 2-3 năm nay. Những tài liệu đó khẳng định rằng người Duy Ngô Nhĩ, cũng như một số cộng đồng thiểu số khác theo Hồi giáo ở Tân Cương, bị theo dõi trên diện rộng. Để làm được việc này, Bắc Kinh đã sử dụng đại trà công nghệ mới "big data", nhằm theo dõi, lập danh sách và trấn áp toàn bộ dân cư.

Thực ra, những tiết lộ này, gồm những tài liệu lưu hành nội bộ Trung Quốc, chỉ củng cố thêm cho những phân tích trước đây của phương Tây dựa trên nhiều nghiên cứu tỉ mỉ trong năm 2018-2019. Dù Bắc Kinh khẳng định những tài liệu trên là giả, thì chúng cũng khiến chính quyền Trung Quốc khó lòng thuyết phục được một phần công luận phương Tây".

Tân Cương : Vùng đất chiến lược trong dự án Con đường Tơ lụa mới

Chống khủng bố ở Tân Cương chỉ là cái cớ để chính quyền Bắc Kinh, theo dõi và đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ. Vẫn theo nhà nghiên cứu Thierry Kellner, một động cơ khác, không kém phần quan trọng, đó là vai trò của Tân Cương trong dự án Con đường Tơ lụa mới :

"Phải nói Tân Cương là một vùng chủ đạo, vô cùng quan trọng trong dự án Những Con đường Tơ lụa mới. Chúng ta có thể nhận thấy mọi biện pháp an ninh được triển khai là nhằm bảo đảm kiểm soát tối đa vùng này và về lâu dài là đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, nếu căn cứ vào các biện pháp được triển khai ở Tân Cương. Chúng ta hiện có những bằng chứng rõ ràng chứng minh ngược lại những phát biểu của chính quyền Bắc Kinh về việc "trấn áp khủng bố", "bài Hồi giáo cực đoan", mà thực chất là chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, dùng sức mạnh áp đặt quyền lực của Bắc Kinh ở vùng này".

Hồng Kông : Cử tri dùng lá phiếu trừng phạt chính quyền

Sau thất bại ê chề của chính quyền Hồng Kông trong cuộc bầu cử đại biểu cấp quận ngày 24/11/2019, hai hôm sau (26/11), trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo thành lập ủy ban đánh giá độc lập về tình hình Hồng Kông.

"Dĩ nhiên, chúng tôi dựa vào kinh nghiệm tương tự của những nước khác, đặc biệt là ở Anh Quốc, sau loạt bạo động ở Tottenham năm 2011. Dựa trên mô hình đó, chúng tôi thành lập một ủy ban đánh giá để xác định và phân tích những lý do dẫn đến giai đoạn bất ổn xã hội kéo dài này ở Hồng Kông, dù đó là lý do kinh tế-xã hội, thậm chí là chính trị, để có thể kiến nghị với chính phủ các biện pháp nên thi hành. Tôi chân thành hy vọng rằng những đánh giá đó sẽ giúp chúng ta có được những phương tiện để tiến lên phía trước".

Nếu không có kết quả áp đảo của phe ủng hộ dân chủ, chưa chắc chính quyền Hồng Kông đã tỏ ra khiêm nhường nhận trách nhiệm "để mất quá nhiều thời gian" giải quyết tình trạng bất ổn và bạo lực. Trả lời đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde, ông Keneth Chan, nghị sĩ phe đối lập ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đánh giá chiến thắng ở 17 quận trên tổng số 18 của phe ủng hộ dân chủ được coi như là một cuộc trưng cầu dân ý để người dân bày tỏ bất bình đối với chính quyền đặc khu :

"Tôi nghĩ là người dân Hồng Kông trông đợi rất nhiều vào kết quả này. Họ chờ câu trả lời của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Bắc Kinh. Đối với họ, đây là cơ hội để làm giảm căng thẳng. Nếu chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh không nắm bắt thời cơ này, thì tôi e rằng xung đột còn kéo dài. Vì trên thực tế, cuộc bầu cử vừa rồi như một cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và về bạo lực cảnh sát. Những người ủng hộ Bắc Kinh cũng sử dụng cuộc bầu cử này như là một cuộc trưng cầu dân ý để phản đối người biểu tình. Bây giờ, mọi người phải tôn trọng kết quả bầu cử. Lực lượng ủng hộ dân chủ kiểm soát 17 trên 18 quận ở Hồng Kông. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ mà chúng tôi gửi đến Bắc Kinh, thông qua bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cũng như đến toàn thế giới".

Hoa Vi kiện một chuyên gia người Pháp "vu khống"

Nhà nghiên cứu người Pháp Valérie Niquet, một chuyên gia về Trung Quốc và thường trả lời đài RFI, cùng với chuyên gia về truyền thông Stéphane Dubreuil, bị tập đoàn Hoa Vi kiện vì tội "vu khống"

Luật sư Laurent Merlet của tập đoàn Hoa Vi tại Pháp cho rằng hai chuyên gia này "đã đi quá xa" khi chỉ trích mối quan hệ được cho là tồn tại giữa Hoa Vi và Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng không đưa ra bằng chứng, trong một số chương trình truyền hình (trên đài France 5 ngày 07/02/2019 và trên đài TF1).

Ba đơn kiện đã được Hoa Vi đệ vào đầu năm 2019, nhưng sẽ chỉ được đưa ra xét xử vào khoảng năm 2021. Đây là lần đầu tiên, Hoa Vi kiện đích danh một cá nhân. Trả lời RFI, chuyên gia Valérie Niquet tỏ ra bất ngờ khi bị kiện :

"Rõ ràng là Hoa Vi ở Pháp cảm thấy là bị chỉ trích khi người ta nhắc đến những sự việc mà mọi người đều biết, như chủ tịch tập đoàn Hoa Vi ở Trung Quốc là đảng viên Đảng cộng sản, từng tham gia Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, cũng như mối quan hệ vô cùng chặt chẽ giữa Nhà Nước, đảng và doanh nghiệp. Những thông tin này không hề nhằm tấn công vào danh tiếng của Hoa Vi, mà thực chất chỉ nhằm miêu tả tình hình của các doanh nghiệp ở Trung Quốc".

Hạ Viện Mỹ mở điều trần công khai : Chiến lược tốt cho đảng Dân chủ ?

Ông Donald Trump là vị tổng thống thứ tư của Mỹ chịu thủ tục luận tội phế truất : Bill Clinton (1998), Richard Nixon (1974), Andrew Johnson (1868). Sau khi 15 nhân vật có liên quan tham gia điều trần kín, 12 người trong số này đã tham gia các phiên điều trần công khai, được truyền hình trực tiếp, do Ủy Ban Điều Tra Hạ Viện, mà đa số nằm trong tay đảng Dân chủ, tổ chức vào giữa tháng 11/2019.

Tuy nhiên, dường như những phiên điều trần công khai này sẽ không gây tác động lớn đối với chủ nhân Nhà Trắng. Luật gia Anne Deysine, giảng viên trường đại học Ouest-Nanterre, giải thích trong chương trình Những thách thức Quốc tế ngày 15/11 trên đài France Culture :

"Liệu cách làm này có thay đổi được gì không ? Chúng ta biết là trong thủ tục truất phế tổng thống Nixon, công luận đã biến chuyển. Nhưng ngày nay, người dân ít quan tâm hơn bởi vì Hoa Kỳ bị chia thành hai phe. Vì thế, những người phản đối ông Trump vẫn giữ ý kiến của họ. Còn những người ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng thì vẫn tiếp tục trung thành.

Có khoảng 13 triệu người theo dõi trực tiếp các phiên điều trần về luận tội tổng thống Trump trong khi đó, người dân Mỹ chăm chú theo dõi tiến trình truất phế vào thời Nixon. Hơn nữa, nếu xem điều trần trực tiếp, họ cũng theo dõi trên các kênh ưa thích của họ. Ví dụ những người có khuynh hướng cánh tả thì xem CNN, còn những người ủng hộ ông Trump thì xem Fox News".

Dù có khoảng 47% ý kiến thăm dò ủng hộ "phế truất", nhưng chủ nhân Nhà Trắng hoàn toàn có thể tin tưởng vào lòng trung thành của cử tri Cộng Hòa, bất chấp cáo buộc về các mạng lưới "ngoại giao song song" gây tác hại cho hoạt động chính thức. Luật gia Anne Deysine giải thích :

"Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của nhà ngoại giao Kissinger, từng bí mật đến Trung Quốc để tìm cách thiết lập đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng thời đó, ngành ngoại giao, bộ Ngoại Giao và tổng thống, có chung tiếng nói và theo đuổi cùng mục đích. Điều chủ yếu trong vụ Trump-Zelensky thì lại làm suy yếu Ukraina, trong khi lợi ích ngoại giao của Mỹ là phải ủng hộ một đồng minh chống lại Nga sau khi Matxcơva sáp nhập Crimée và xâm chiếm vùng Donbass. Đó là những điều được nêu rất rõ trong các phiên điều trần ! Nhưng tôi cho rằng những người ủng hộ ông Trump không nghe thấy điều này !"

Thu Hằng

*****************

Thân phận Duy Ngô Nhĩ và sự lạnh lùng của các nước Hồi giáo (RFI, 29/11/2019)

Các báo cáo lên án chiến dịch thanh trừng sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, đang diễn ra tại Trung Quốc ngày một nhiều. Thế nhưng, nhà báo Sarah Leduc, kênh truyền hình quốc tế Pháp - France 24 lấy làm tiếc rằng các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lại không lên tiếng bênh vực cộng đồng tôn giáo thiểu số đang bị trấn áp như những gì họ đã làm đối với người Rohingya tại Miến Điện.

uighur2

Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Istanbul, ngày 01/10/2019. Reuters/Huseyin Aldemir/File Photo

Một triệu người Duy Ngô Nhĩ dường như đang bị giam giữ trong các nhà tù của Trung Quốc ở Tân Cương. Bất chấp nhiều tiết lộ mới trong những ngày gần đây cho thấy rõ một chính sách trấn áp có hệ thống của cường quốc kinh tế thứ hai nhắm vào cộng đồng sắc tộc chiếm đa số ở Tân Cương, nhưng tình liên đới vẫn chưa thấy xuất hiện, các quốc gia bị chia rẽ và "im hơi lặng tiếng".

Duy Ngô Nhĩ – Rohingya : "Nhất bên trọng, nhất bên khinh"

Sự chia rẽ này được thấy rõ tại Liên Hiệp Quốc, giữa một bên là những nước bảo vệ nhân quyền và bên kia là các quốc gia ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Đài France 24 thuật lại, cuối tháng 10/2019, tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban phụ trách Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa, 23 nước – trong đó có Pháp, Anh và Mỹ – đã lên án chính sách đàn áp nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Thế nhưng, Trung Quốc lại nhận được sự ủng hộ của 54 quốc gia, chủ yếu là các nước Châu Phi. Những nước này đã lần lượt hết lời ca ngợi cách quản lý của Trung Quốc tại vùng tự trị.

Những lời lẽ qua lại này giữa hai phe đã bắt đầu từ tháng 07/2019. Cũng tại cùng một diễn đàn, các quốc gia vẫn chia rẽ : 22 nước yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc giam giữ tùy tiện tại Tân Cương. Và 37 quốc gia khác ủng hộ, tán thưởng Trung Quốc là đã đạt được những "thành tựu đáng chú ý trên phương diện nhân quyền". Trong số này, có đến 14 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) như Saudi Arabia, Ai Cập, Pakistan, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar hay Algeria…

Trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ lần này, các nước thuộc khối OCI, tổ chức liên chính phủ gồm 57 nước đã không có cùng một tiếng nói chung mà họ từng thể hiện như trong cuộc khủng hoảng người Rohingya. Năm 2017, việc bảo vệ cộng đồng sắc tộc thiểu số này, bị quân đội Miến Điện truy sát, đã tạo được sự liên kết của rất nhiều nước Hồi giáo trong đó có Saudi Arabia, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. Và OCI đã hoạt động tích cực tại Geneve để lên án Miến Điện tại Hội Đồng Nhân quyền.

Thân phận "hẩm hiu", người Duy Ngô Nhĩ không có được cơ may này. Lần cuối cùng mà OCI thể hiện tình đoàn kết với các sắc tộc Hồi giáo thiểu số là năm 2015 : Trong thông cáo chung, OCI đã bày tỏ mong muốn là cộng đồng này có thể thực hiện mùa chay ramadan.

Bà Sophie Richardson, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc cho tổ chức Human Rights Watch xác nhận với France 24 rằng trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ, "đúng là có ít tình liên đới hơn như là đối với các hồ sơ Palestin hay Rohingya. Trung Quốc đã thành công có được sự ủng hộ của những nước đó vì các quốc gia này rất cần đến các khoản đầu tư của Trung Quốc".

Thực tế chính trị

Saudi Arabia là một minh họa rõ nét cho điều này khi bày tỏ sự "tôn trọng" với Tập Cận Bình, vào tháng 02/2019, trước khi ký kết nhiều hợp đồng thương mại quan trọng. Về phần Ai Cập, chính quyền nước này, do cần các nguồn tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng, đã cho phép công an Trung Quốc, vào năm 2017, đến thẩm vấn những người Duy Ngô Nhĩ tỵ nạn trên lãnh thổ của mình. Pakistan, vốn nhanh nhẩu trong việc bảo vệ người Rohingya, thì lần này gây chú ý khi lựa chọn sự im lặng.

Đáng ngạc nhiên nhất là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có một bộ phận lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống - từ lâu vốn hay tỏ tình liên đới, nay dường như đang xuống giọng dần dần. Đầu năm 2019, Ankara từng lớn tiếng chỉ trích "chính sách đồng hóa có hệ thống của chính quyền Trung Quốc nhắm vào Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là một nỗi xấu hổ cho nhân loại".

Nhưng kể từ đó, chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng dần "im hơi lặng tiếng". Ông đánh tiếng cho biết là Ankara rất chú tâm vào việc thương thảo mậu dịch với Bắc Kinh, và không đi theo 22 nước khác ký thư chỉ trích chính sách trấn áp tại Tân Cương.

Về điểm này, Rémi Castets, nhà chính trị học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Bordeaux Montaigne giải thích như sau : "Công luận Thổ Nhĩ Kỳ rất có cảm tình với người Duy Ngô Nhĩ nhưng trên thực thế, ông Erdogan lại cần đến đồng minh Trung Quốc vì những lý do kinh tế hay để đối trọng với phương Tây hiện đang gây áp lực với nước này trong nhiều hồ sơ khác như Syria chẳng hạn".

Vẫn theo ông Rémi Castets, đây là sự thắng thế của "chính trị thực dụng", không hơn không kém. "Rất nhiều người biết rõ những gì đang xảy ra ở đó. Nhưng vấn đề nhân quyền thường bị lu mờ trước những lợi ích kinh tế và quốc gia, hay lợi ích của tầng lớp lãnh đạo khi mà họ nhìn thấy ở đó có nhiều lợi thế".

Bắc Kinh : Duy Ngô Nhĩ đồng nghĩa với "khủng bố"

Một yếu tố khác không có lợi cho người Duy Ngô Nhĩ : Đó là chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh bằng cách tung ra những thông tin xấu. Sau vụ tấn công khủng bố nhà ga Côn Minh năm 2014, Trung Quốc tiến hành một chiến dịch mới mang tên "Strike Hard Campaign against Violent Terrorisme" (tạm dịch là Đánh mạnh chống khủng bố bạo lực), biện minh cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn tại Tân Cương bằng cuộc chiến chống khủng bố. Bắc Kinh bảo đảm chống được tình trạng những kẻ khủng bố trở nên "cực đoan hóa" trong các "trại đào tạo nghề".

Chuyên gia Rémi Castets giải thích tiếp với France 24 : "Thực ra đó làluận điệu quy luật tam lực, theo đó, Bắc Kinh cần phải tăng cường kiểm soát xã hội để chống lại ba hiểm họa : khủng bố, ly khai và cực đoan".

Hồi tháng 07/2019, luận điệu này của Trung Quốc tại Ủy ban Liên Hiệp Quốc lại mang hiệu quả : Thư ngỏ do các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ký ủng hộ Bắc Kinh ca ngợi rằng "các biện pháp chống khủng bố và phi cực đoan hóa tại Tân Cương" đã mang lại cho người dân một "cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển và an toàn hơn"

Việc bắt được những người Duy Ngô Nhĩ trong mạng lưới Taliban trong cuộc chiến tại Aghanistan, và họ bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo của Mỹ, rồi sự hiện diện của nhiều người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến có liên kết với Al-Qaeda tại Syria chỉ làm gia tăng chính sách trấn áp. Nhưng các nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo đó chỉ là một kiểu "lập luận lấy cớ"

Bénédicte Jeannerod, giám đốc chi nhánh Human Rights Watch tại Pháp nhận định : "Lấy cớ chống khủng bố để biện minh cho chính sách trấn áp, đó là một thủ thuật cổ điển của các chế độ chuyên chế. Sự hiện diện của người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến cực đoan không thể biện minh được gì cho chính sách đàn áp tùy tiện và có hệ thống nhắm vào hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, tất cả đều bị nghi ngờ chỉ vì sắc tộc và tôn giáo của họ mà thôi" !

Minh Anh

Published in Châu Á

Trung Quốc bị chất vấn ở Liên Hiệp Quốc về các trại cải tạo Duy Ngô Nhĩ (RFI, 06/11/2018)

Hôm 06/11/2018 tại Genève, Trung Quốc bị các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chất vấn về việc giam giữ gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, một chủ đề ngày càng bị thế giới chỉ trích.

chaua1

Quân đội Trung Quốc canh chừng an ninh trước cửa một đền thờ Hồi Giáo của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ảnh minh họa 

Trong khuôn khổ cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (Universal Periodic Review - UPR theo tiếng Anh, Examen Périodique Universel - EPU theo tiếng Pháp) tổ chức bốn năm một lần đối với 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc trình bày bản báo cáo và tất cả các nước đều có thể đặt câu hỏi.

Một số nước đã công khai các chất vấn. Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn nắm vững vấn đề này, đã đòi hỏi Bắc Kinh làm rõ căn cứ của việc hình sự hóa việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo, và giải thích vì sao lại cưỡng bức người dân đi cải tạo. Washington cũng yêu cầu công bố số lượng tù nhân bị giam giữ tại tất cả các trại cải tạo ở Tân Cương trong năm năm qua.

Anh quốc muốn biết khi nào Trung Quốc mới thực hiện khuyến cáo của một ủy ban Liên Hiệp Quốc, nhằm "chấm dứt việc giam giữ người không thông qua xét xử". Hoa Kỳ và Đức đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải được vào điều tra tại Tân Cương và Tây Tạng.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm nay cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, và sẽ đề cập vấn đề này với người đồng nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 8 và 9/11.

Ban đầu Trung Quốc chối cãi là không có trại cải tạo nào, nhưng sau khi các hình ảnh vệ tinh được công bố, cùng với bằng chứng là các văn bản chính thức của chính quyền địa phương trên internet, lại nói rằng đó là những "trại dạy nghề" cho người Duy Ngô Nhĩ tiếng Hoa, các môn thể thao và múa.

Tuy nhiên AForeign Policy tham khảo trên 1.500 cáo thị đấu thầu công khai trên mạng đã nhận thấy 181 trại được cho là "dạy nghề" ở Tân Cương đặt mua chủ yếu là ma-trắc, còng tay hoặc bình xịt hơi cay. Nhiều người bị tống vào trại cải tạo chỉ vì để râu dài, choàng khăn hoặc chúc mừng các lễ hội Hồi giáo trên internet.

Ngoài Tân Cương, các vấn đề khác về nhân quyền ở Trung Quốc cũng được nêu ra trong UPR lần này. Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, những tiếng nói ly khai bị đàn áp mạnh mẽ và việc giám sát bằng kỹ thuật số tăng cao. Tháng 07/2017, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đã chết trong tù. Về phía Bắc Kinh, trong báo cáo UPR khẳng định "Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền".

Thụy My

****************

'Bức chân dung chính thức đầu tiên' của Kim Jong-un (BBC, 06/11/2018)

Bắc Hàn vừa công bố bức hình chân dung được cho là hình vẽ chính thức đầu tiên ông Kim Jong-un, đưa nhà lãnh đạo Bắc Hàn lên một tầm sùng bái cá nhân mới.

chaua2

Bức chân dung nhà lãnh đạo Cuba Miguel Díaz-Canel và ông Kim Jong-un

Các bức hình vẽ những người tiền nhiệm ông được trưng khắp nơi trên cả nước, nhưng Kim Jong-un lâu nay vẫn được xây dựng hình tượng như một gương mặt kế thừa thay vì là một nhà lãnh đạo tự thân.

Vai trò của ông được đánh giá là đã dần thay đổi theo thời gian, dẫu cho chủ yếu điều này là nhờ vào một loạt các chuyến thăm quốc tế trong năm 2018.

Bức tranh mới, khổ lớn, được trưng bày trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba tới Bình Nhưỡng.

Chưa từng có bức chân dung chính thức nào trước đây ?

Chưa hề. Nếu như bạn nhớ rằng mình đã từng thấy các bức hình ông Kim thì đó chỉ là các ảnh chụp chứ không phải tranh vẽ, cũng không phải tác phẩm nghệ thuật gì.

Bức tranh mới, vẽ to hơn kích thước thật, thể hiện hình ông mỉm cười, hơi nhìn sang bên trái, mặc đồ Âu phục và thắt cà vạt.

chaua3

Chưa từng có bức chân dung nào về ông Kim Jong-un (Kim Chính Ân) từng được vẽ trước đây, chỉ có ông nội Kim il-sung (Kim Nhật Thành) và cha là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật)

"Việc vẽ một bức chân dung ông Kim Jong-un theo phong cách này là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu có các bước đi nhằm đẩy mạnh việc sùng bái cá nhân đối với ông", Oliver Hotham, phân tích gia của NK News, nói với BBC.

Kiểu vẽ tranh thế này cũng gợi nhớ tới các bức tranh vẽ các ông Kim đời ông, đời cha của ông Kim Jong-un, rằng "người dân Bắc Hàn chắc chắn sẽ hiểu về tính biểu tượng của việc này".

Tính biểu tượng và sức tưởng tượng là những điều vô cùng quan trọng tại Bắc Hàn : các hình chân dung cha và ông của Kim Jong-un được trưng bày khắp nơi trên cả nước.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi 2011, nhà lãnh đạo hiện thời đã được xây dựng hình ảnh như một người kế thừa, là học trò của hai đời lãnh đạo trước, thay vì là một người dẫn dắt có vị trí tương đương.

Hình ảnh Kim Jong-un's đã thay đổi thế nào ?

Kim Jong-un lên nắm quyền sau cái chết bất ngờ của cha mình hồi 2011.

Ông khá non về kinh nghiệm chính trị và chưa được đào tạo đầy đủ để trở thành lãnh tụ trong tương lai.

Thế nhưng qua thời gian, hình ảnh về ông dần thay đổi.

chaua4

Kim Jong-un lên nắm quyền sau cái chết bất ngờ của cha mình hồi 2011.

Nếu như cha của ông theo đuối chính sách coi quân sự là số một, thì Kim Jong-un lại đẩy mạnh chính sách song song phát triển vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế.

Cho đến nay, bức chân dung mới của ông mới chỉ được chiếu trên truyền hình trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Cane tới Bình Nhưỡng.

Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ làm gì với bức tranh này trong tương lai, hay liệu họ có trưng nó ra thường xuyên hay không.

Vào lúc này thì bức tranh nhiều khả năng sẽ được đem cất đi ở nơi được canh giữ nghiêm ngặt, và sẽ chỉ được đưa ra trưng bày trogn những dịp dặc biệt, theo nhận xét của ông Andray Abrahamian từ Việ Nghiên cứu Á Châu Griffith.

Published in Châu Á