Google định mở văn phòng ở Việt Nam trong lúc Luật An ninh mạng sắp thực thi (RFA, 12/12/2018)
Các báo trong nước ngày 12/12 loan tin việc ông Kent Walker - Phó Chủ tịch của Goolge trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một ngày trước đó, cho hay công ty này đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện ở Việt Nam trên nguyên tắc phù hợp quy định của nước sở tại nhưng không trái cam kết quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Kent Walker, Phó Chủ tịch tập đoàn Google ở Hà Nội hôm 11/12/2018 - Courtesy of dangcongsan.vn
Động thái này diễn ra khi Luật An ninh mạng mới của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong khoảng 18 ngày nữa, trong đó có quy định các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ qua mạng ở quốc gia này sẽ buộc phải đặt văn phòng, lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương.
Luật này được cho là nhắm đến các công ty lớn như Facebook, Google (YouTube)… hiện đang được rất nhiều người dùng Việt Nam sử dụng thường xuyên để đưa thông tin trái chiều.
Google chưa trả lời hãng tin Reuters về đề nghị bình luận trước thông tin mới trên báo chí nhà nước.
Hồi tháng 6 năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng với 86% số phiếu tán thành mặc dù vấp phải sự phản đối của người dân và giới chuyên gia.
Các nhà bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam cho rằng, luật này nhắm đến việc bịt miệng các tiếng nói ôn hòa chỉ trích chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ngày 4/12 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) cũng đưa ra khuyến cáo, khẳng định "Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa".
"Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam - các quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này", EuroCham Vietnam nhận định.
**********************
Ngân hàng Thế giới : tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong 2 năm tới (RFA, 12/12/2018)
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm từ 6.8% xuống còn 6,6% trong hai năm tới, theo dự báo mới được công bố hôm 11/12 của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Hình minh họa. Hình chụp hôm 21/2/2017 : những tòa nhà cao tầng đang xây ở bên bờ sông Sài Gòn - AFP
Báo cáo về tình hình xuất khẩu định kỳ hai lần một năm của World Bank cho biết nguyên nhân tăng trưởng kinh tế giảm của Việt Nam là vì Việt Nam phải đối mặt với rủi ro với thương mại mở vào khi kinh tế toàn cầu có những yếu tố kém thuận lợi.
Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank ở Việt Nam, Sebastian Eckardt nói với báo chí tại buổi công bố báo cáo rằng việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và những căng thẳng trong thương mại đang tạo ra rất nhiều điều không chắc chắn cho Việt Nam.
Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ ở mức từ 3% trong năm nay và 2,9% trong năm tới. Nguyên nhân là do thương mại và tăng trưởng đầu tư toàn cầu giảm đi vào lúc có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia của World Bank cho biết nhu cầu về hàng xuất khẩu toàn cầu kém đi cộng với luồng thương mại đầu tư vào Việt Nam giảm vì Ngân hàng dữ trữ Liên Bang Mỹ tăng lãi suất là những yếu tố rủi ro khác đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông khuyến cáo Việt Nam nên duy trì chính sách tiền tệ thích hợp, linh hoạt trong tỷ giá hối đoái và duy trì mức thâm hụt tài chính thấp để hạn chế những ảnh hưởng của các rủi ro.
*********************
Tài xế phản đối BOT An Sương An Lạc thu phí "lố" 31 tháng (RFA, 12/12/2018)
Những ngày vừa qua, một số tài xế chứng minh rằng BOT An Sương - An Lạc nằm trên quốc lộ 1A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng. Các tài xế qua trạm đã từ chối mua vé vì cho rằng BOT không thực hiện thu phí theo đúng thời gian trên hợp đồng.
BOT An Sương - An Lạc được tài xế chứng minh cho biết đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng - rfa
Bắt đầu từ ngày 3/12, một số tài xế đã từ chối mua vé khi qua BOT An Sương - An Lạc vì cho rằng BOT này hoạt động thu phí quá thời hạn đến nay là 31 tháng. Video đăng tải trên facebook Huỳnh Long cho thấy các tài xế này đưa ra văn bản số 1423 ngày 6/6/2017 của Thanh Tra Chính Phủ. Trong đó, mục ‘3.1.2. Dự Án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc’ có chỉ rõ ‘thời gian hoàn thành dự án và bắt đầu thu phí là tháng 04/2004. Thời gian thu phí trong 145 tháng.’ Là những gì mà thanh tra chính phủ đã dựa theo hợp đồng mà chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO đã ký kết với Bộ Giao Thông Vận Tải.
Trước những thông tin và sự việc trên, các tài xế khác cũng tỏ ý không đồng tình :
- Làm kiểu đó là không đúng pháp luật rồi. Cái đó là không đồng ý. Cái đó là sai rồi.
- Phải xả cho người ta đi chớ đâu có thu lố như vậy được đâu. Mỗi năm đóng phí đường bộ hết trơn rồi. Mà năm nào cũng đóng triệu mấy hai ba triệu không. Công ty đây tới mười mấy xe lận, ra zô ra zô liên thường luôn.
Tài xế này cho biết thêm, hiện anh đang lái cho một công ty, sử dụng vé tháng nên đã lỡ mua rồi thì sử dụng. Nhưng nếu không có vé tháng, anh cũng sẽ phản đối bằng cách không mua vé qua trạm BOT này, anh cho rằng việc từ chối mua vé khi trạm BOT thu quá hạn là điều hợp lý :
-Hợp lý, cái đó cũng là giúp lại cho anh em tài xế thôi. Đây là chủ mua vé tháng, vé tháng đành phải qua thôi, chứ gặp tui là tui không mua vé tháng là tui cũng phải giúp đỡ anh em.
Một tài xế khác cho biết ông muốn sự việc được các bộ ngành liên quan giải thích rõ ràng.
- Thì mình cũng đi qua mình hỏi thử mấy anh trạm thu phí thử lý do như thế nào vẫn thu tiền.
- Mình phải nói với lại bên đường bộ như thế nào chứ đâu có phải thu phí zậy hoài, đâu có được.
Rạng sáng ngày 07/12, tiếp tục từ chối mua vé qua trạm BOT An Sương An Lạc thì các tài xế gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía lực lượng dân phòng. Video đăng tải từ facebook Trương Châu Hữu Danh cho thấy tài xế này đang bị bao vây và hứng chịu những lời lẽ mang tính đe dọa.
Thông tin từ facebook này cho biết thêm, rạng sáng cùng ngày có một người tên Lê Thái Hùng, khi ngồi trên xe tranh luận về việc BOT thu phí quá hạn thì anh bị những kẻ lạ mặt lôi ra khỏi xe và hành hung gây, dù có công an và lực lượng bảo vệ tại hiện trường nhưng không ai can thiệp kịp thời. Sau khi bị lôi đi thì không ai liên lạc được với anh Hùng. Hơn 12 tiếng đồng hồ sau đó thì bạn bè tìm thấy anh này trong đồn công an phường Bình Hưng Hòa B cùng với những vết thương trên mặt trên cơ thể và một biên bản vi phạm hành chính.
Xét cho đúng, thì sự việc giữa bên thu phí là BOT An Sương - An Lạc và các phương tiện trả phí là vấn đề tranh chấp dân sự giữa hai bên. Thế nhưng việc các lực lượng công quyền có thái độ phản ứng gay gắt và làm ngơ khi người dân bị côn đồ hành hung, nhận xét về sự việc này, một tài xế cho biết :
- Thấy công an cho quýnh người, quýnh tài xế cũng như là tụi em đúng không ? Cái đó công an xem xét lại. Quýnh người như đó là sai trái rồi. Tại vì bữa hổm hồi sáng em có coi cái clip có mấy anh xe benz là đòi đập xe trong nhóm bạn hữu của em. Cái đó là không được. Trong lúc đó là cũng có công an luôn. Mà công an không giải quyết.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng vẫn cứ trả phí khi qua trạm, cho đến khi nào có quyết định từ phía chính quyền yêu cầu BOT xả trạm.
- Bên tôi thì chừng nào nhà nước người ta ngưng thu thì mình mới ấy… chứ còn người ta đang thu bằng cách phản đối không mua vé được. Đó là quan điểm của tôi là như vậy.
Qua tuyến đường này thường xuyên, ông cho biết thêm BOT này gây ách tắc giao thông trong khu vực :
- Giờ mà cái gì nó được giải quyết sớm thì càng tốt. Cái trạm này nó cũng làm ách tắc giao thông nhiều lắm. Kẹt do cái trạm này nó thu không kịp á. Nhất là cái chiều về, đi về nó kẹt do cái trạm này không đó chứ.
Chiều ngày 04/12, trong một cuộc họp liên quan đến vấn đề của BOT An Sương An Lạc, báo giaothongvantai.vn trích lời ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông và vận tải TPHCM, ông này nói ‘Các thủ tục về thẩm định, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đúng theo quy định pháp luật. Thời gian thu phí được tính toán dự kiến đến 2033. Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào doanh thu và kết quả thực tế sẽ xem xét điều chỉnh thời gian thu’.
Còn về phía chủ đầu tư IDICO thì nói rằng thời gian thu phí đã được điều chỉnh đến năm 2033 là hợp lý vì họ đã đầu tư xây dựng hai cầu vượt gần đó là cầu vượt Hương Lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Dù cho một loạt các sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận của thanh tra chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, BOT vẫn tiếp tục thu phí bình thường.
Ngoài BOT An Sương An Lạc, trước đây có BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa cũng bị một làn sóng phản ứng mạnh mẽ do vị trí đặt trạm và mức phí thu không hợp lý.
******************
Sân golf Tân Sơn Nhất bị đề nghị xóa bỏ (RFA, 12/12/2018)
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xóa bỏ sân golf Tân Sơn Nhất trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn thành phố trình Ủy Ban Nhân Dân Thành phố.
Sân Golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Courtesy Zing
Báo trong nước loan tin trên hôm 10/12, cho biết theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf tại Củ Chi, sân bay Tân Sơn Nhất, Lâm Viên (Q9), An Phú (Q2) và Bình Chánh.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cho biết trong số 5 sân golf nói trên, hai sân golf đã bị quy hoạch và điều chỉnh chức năng là sân tại An Phú (Q2) và sân tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo truyền thông trong nước, Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 8 năm nay đã có quyết định phê duyệt xóa bỏ sân golf trong khu vực đất phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất và dự kiến thay thế bằng khu vực nhà ga, khu hangar, hồ điều tiết và cây xanh.
Trước đó vào năm 2010, khu sân golf Tân Sơn Nhất được quy hoạch với diện tích gần 160 hecta bao gồm sân golf thể thao kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà ở cho thuê.
Nhiều ý kiến sau đó tranh cãi cho rằng việc xây dựng sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là bất hợp lý trước tình hình quá tải của sân bay, và chỉ trích chính quyền dùng đất quân đội để làm kinh tế.
Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 đã phải chỉ đạo dừng tất cả công trình tại sân golf Tân Sơn Nhất để nghiên cứu mở rộng đường bay cho sân bay này.
Vào ngày 16/4/2018, Chính phủ Việt Nam thông báo kết luận phương pháp mở rộng sân bay. Theo kết luận này, ngoài một nhà ga được xây mới ở khu phía Nam, khu phía sân golf ở phía Bắc sẽ trở thành khu nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay.
Sân golf này được Bộ Quốc phòng giao cho công LOBICO thuộc tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư từ năm 2007. Sân golf này cũng là chủ đề tranh cãi trong thời gian dài. Công luận cho rằng Bộ Quốc phòng nên trả lại đất cho sân bay để mở rộng sân bay.
Truyền thông nhà nước Việt Nam ra sức bôi nhọ Hội thánh Đức Chúa Trời (CaliToday, 25/04/2018)
Bất chấp cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, liên tục hơn cả tuần nay, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam liên tục tung ra những luận điệu tuyên truyền nhằm bôi nhọ Hội thánh Đức Chúa Trời, một nhánh của đạo Tin Lành đang phát triển khá rầm rộ ở Việt Nam.
Một buổi hành lễ của các tín đồ Hội thánh Đức Chúa Trời. Ảnh : Internet
Bằng những ngôn từ hết sức cảm tính nhằm hù dọa người đọc, truyền thông nhà nước Việt Nam đã xúc phạm những người tham gia giáo phái này, như : Tham gia là người nghiện ma túy đá ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản ; người tham gia được cho uống nước màu đỏ rồi từ đó mê man, đi theo giáo phái một cách mù quáng đến mức tan cửa nát nhà… Nặng nề hơn, đồng loạt các tờ báo của nhà nước cộng sản Việt Nam đều gọi Hội thánh Đức Chúa Trời là "Tà đạo".
Mặc dù vậy, cũng chính trên truyền thông nhà nước lại thừa nhận giáo phái này xuất phát từ Nam Hàn hồi năm 1964, cho đến năm 1985 thì đã phát triển mạnh mẽ và ngày nay có mặt trên khắp 175 quốc gia trên thế giới. Cách thừa nhận này của truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam chẳng khác nào ngửa mặt lên trời rồi phun nước bọt. Vì nếu một giáo phái với đầy đủ những yếu tố "kinh hoàng" như tuyên truyền thì liệu có thể thu hút được tín đồ trên khắp 175 quốc gia trên toàn cầu ? Đó là chưa nói, tín đồ mà giáo phái này hướng đến là những người thuộc tầng lớp trí thức, trong đó có sinh viên.
Cho đến nay, chưa rõ giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời đã gây ra những hệ lụy gì, nhưng báo chí nhà nước Việt Nam đã kết án giáo phái này "mang lại những hậu quả xấu cho xã hội". Đó là lối kết án quy chụp chứ chẳng đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào.
Theo truyền thông nhà nước cộng sản, từ khoảng năm 2017, giáo phái này đã rất phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc, trong đó đáng kể nhất là ở Hải Phòng, Hải Dương… và mới đây là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các tín đồ của giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời ra sức thu nạp tín đồ. Họ đến các trường Đại học để lôi kéo sinh viên ; đến các gia đình để mở lời gia nhập. Trong số đó còn có những người lên Internet, thông qua Facebook để kêu gọi thêm tín đồ.
Vốn coi tôn giáo là "liều thuốc phiện ru ngủ nhân dân", nên trước sự mở rộng hoạt động của giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời, chính quyền Cộng sản không tìm được phương cách hóa giải, họ bèn dùng đến phương cách hạ sách là bôi nhọ giáo phái này. Và công cụ để thực hiện nhiệm vụ bôi nhọ không ai khác chính là bộ máy tuyên truyền với hơn 1.000 tờ báo, truyền hình trên khắp cả nước. Cũng từ đó, hơn cả tuần nay từ truyền hình, phóng thanh cho đến báo giấy đều lặp đi, lặp lại những bài viết bôi nhọ giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời bằng những từ ngữ hết sức cảm tính.
Chưa hết, để ngăn chặn Hội thánh Đức Chúa Trời kết nạp tín đồ từ các sinh viên, các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc đã phải ra thông báo khẩn nhằm cảnh báo sinh viên không được tham gia tổ chức tôn giáo này. Bên cạnh đó, Bộ giáo dục còn phối hợp với công an để quản lý sự việc và thường xuyên cho tổ chức các buổi hội thảo ở nhiều trường Đại học nhằm để sinh viên cảnh giác mà không theo Hội thánh Đức Chúa Trời.
Ông Nguyễn Minh Triết, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo Tuổi Trẻ cho nói rằng, quan điểm của Hội Sinh viên là không nên tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời. Ông Triết hiện đang là Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản, có thể do quá thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh nên luôn coi tự do tôn giáo, tín ngưỡng là kẻ thù, mà cố quên rằng, bất cứ ai cũng đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào. Miễn là tôn giáo họ theo không làm ảnh hưởng cho xã hội, cho những người xung quanh.
Ở Việt Nam có hai lần văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng bị xâm hại nghiêm trọng. Đó là vào thời kỳ Cải cách ruộng đất từ năm 1953-1956. Vào thời kỳ đó, rất nhiều chùa chiền, miếu mạo, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng bị đội quân "răng đen mã tấu" đập bỏ, bắt bớ và đàn áp. Cho đến nay, rất lễ hội, các truyền thống tốt đẹp có từ ngàn xưa vẫn chưa thể phục hồi. Lần thứ hai là sau năm 1975, khi Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam. Không chỉ quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt vào tù, mà sư sãi, linh mục hay mục sư, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo cũng phải vào tù, nơi được gọi là "trại cải tạo". Rất nhiều người đã phải bỏ mạng chốn rừng thiêng, nước độc.
Qua những biến cố đó, đức tin nơi con người bị xuống cấp nghiêm trọng. Con người vừa khó khăn về đời sống vật chất, lại chẳng có chỗ bám víu về tinh thần nên đời sống đạo đức trở nên tha hóa. Xã hội Việt Nam hiện nay với những vụ án tàn độc, giết người không gớm tay, đạo đức suy đồi chính là hệ quả của những đợt "tàn sát" tôn giáo do chính quyền độc tài Cộng sản gây ra. Không có đức tin, con người dễ dàng ra tay tàn độc với đồng loại của mình. Vì họ không sợ phải bị trả giá.
Chống Hội thánh Đức Chúa Trời bằng cách bôi nhọ, tuyên truyền lếu láo hoặc sẽ có những cuộc bắt bớ trong tương lai là một việc làm quá ư xằng bậy của chính quyền cộng sản Việt Nam. Nó cho thấy tự do tôn giáo vốn là một quyền hiến định vẫn không được tôn trọng ở Việt Nam, mặt khác nó còn phơi bày bộ măt xảo trá của nhà cầm quyền Cộng sản khi luôn miệng nói rằng họ luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của dân chúng.
Người Quan Sát
*****************
Việt Nam lên tiếng vụ Mỹ trục xuất người gốc Việt (VOA, 25/04/2018)
Hà Nội lần đầu tiên chính thức phản hồi chuyện Hoa Kỳ tính trục xuất "hơn 8 nghìn người" gốc Việt mà "phần lớn là người tị nạn chiến tranh".
Một di dân bị lực lượng chức năng Hoa Kỳ bắt giữ.
Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà, nói rằng "việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc".
Bà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện "trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".
"Việt Nam đã và đang phối hợp với Hoa Kỳ trong vấn đề này", Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tiếp.
Vấn đề Mỹ trục xuất người gốc Việt do phạm tội ở Hoa Kỳ, dù râm ran lâu nay sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra các chính sách được coi là "cứng rắn" đối với các di dân, "nóng" trở lại sau khi ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong tháng này cho biết rằng ông "được yêu cầu phải thúc ép chính quyền Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người", mà theo ông, "phần lớn là người tị nạn chiến tranh từng sát cánh với Hoa Kỳ, trung thành với lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại".
Nhà ngoại giao hiện là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright của Mỹ ở Việt Nam nói rằng chính sách mà ông nói là "thụt lùi" sẽ "hủy hoại cơ hội thành công trong việc theo đuổi các mục tiêu khác của Tổng thống Trump trong quan hệ với Việt Nam : giảm thâm thủng thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, nhất là xuất phát từ Bắc Hàn".
Và theo ông, đó là giọt nước làm tràn ly, khiến ông "từ chức" tháng Mười năm ngoái, ít tuần trước khi sắp hết nhiệm kỳ năm ngoái.
Việc nhận trở lại người gốc Việt từ Hoa Kỳ từng là một trong các vấn đề chính được nêu lên trong tuyên bố chung Việt – Mỹ sau chuyến công du của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới quốc gia cựu thù.
"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này", tuyên bố chung công bố ngày 31/5 năm ngoái có đoạn.
Trả lời Reuters mới đây, ông Osius nói rằng "một số ít" người gốc Việt, vốn được bảo vệ bởi hiệp định ký năm 2008, "không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao", đã bị đưa trở lại quốc gia Đông Nam Á.
Bài viết có tựa đề "‘Không nghề, không tiền’ : Cuộc sống ở Việt Nam của người bị Mỹ trục xuất" của hãng tin Anh sau đó đã được nhiều trang tin trong nước, trong đó có báo điện tử VnExpress đăng lại, thu hút nhiều bình luận của độc giả.
Reuters trích lời một số người đã bị trục xuất nói rằng họ gặp "khó khăn thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam" và rằng "các cán bộ công quyền nhìn họ với con mắt ngờ vực".
Hai người bị Mỹ trục xuất về Việt Nam, ông Bùi Thanh Hùng (trái) và ông Phạm Chí Cường (giữa) tại một quán cafe ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/4/2018.
Những người được phỏng vấn còn nói rằng "họ nhận được ít sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và đang chật vật tìm việc làm".
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đã đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam giúp đỡ những người đã bị trục xuất.
Hãng này trích số liệu của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ cho biết 138 người gốc Việt đã bị đưa từ Mỹ về Việt Nam kể từ năm 2015, hai năm trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Viễn Đông
*******************
Việt Nam đưa thép vào danh sách mặt hàng xuất khẩu chủ lực (RFA, 25/04/2018)
Thép là mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam trong thời gian qua và sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong các năm tới.
Một người đàn ông đạp xích lô chở các thanh thép trên đường phố Hà Nội hôm 8/6/2016 - AFP
Báo Vietnamnet trích lời ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết như vậy hôm 24/4.
Doanh thu xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt hơn 3 tỷ đô la, tăng hơn 55% so với năm trước đó, chủ yếu là các sản phẩm thép, thép xây dựng, ống thép và thanh thép nhỏ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết dự đoán tăng trưởng ngành thép của Việt nam sẽ đạt mức 20 đến 22% trong năm nay.
Tuy nhiên, hiện thép Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn nhất định như cạnh tranh từ thép Trung Quốc và việc một số nước áp thuế chống phá giá lên thép xuất khẩu của Việt Nam, nhất là từ Mỹ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện các thị trường tiềm năng chính của Việt Nam là Đức, Mỹ, và Campuchia. Đức được coi là cửa mở cho thép Việt Nam vào thị trường EU.
******************
Việt Nam giảm diện tích trồng tiêu đen vì giá giảm (RFA, 25/04/2018)
Việt Nam có kế hoạch cắt giảm khoảng 26,7% diện tích trồng tiêu đen do giá tiêu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Nguyễn Nam Hải Chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Việt Nam loan tin này hôm 24/4.
Một người nông dân thu hoạt hạt cà phê tại trang trại tư nhân ở huyện Chư Phu, tỉnh Gia Lai. Hình chụp hôm 12/3/2013 - AFP
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm 60-65% thương mại toàn cầu và cung cấp gần một nửa sản lượng tiêu thụ hồ tiêu trên toàn thế giới.
Theo ông Hải, diện tích trồng tiêu sẽ giảm từ 150.000 ha xuống còn 110.000 ha trong những năm tới thông qua việc khuyến khích người dân địa phương trồng xen kẽ các loại cây trồng khác, tiến tới loại bỏ hẳn các trang trại tiêu kém chất. Trong giai đoạn 2013-2015 giá hồ tiêu trên thế giới tăng đã khiến người dân địa phương mở rộng trang trại của họ một cách không kiểm soát, từ 50.000 ha năm 2013 lên 150.000 ha hiện tại.
Tuy nhiên, theo thống kê chính thức của hải quan Việt Nam, mặc dù xuất khẩu tiêu đen trong quý 1 năm 2018 đã tăng lên 60.033 tấn, tương đương với mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu trong giai đoạn này lại giảm còn 221 triệu USD, tương đương mức giảm 31,4%.
Dự kiến, sản lượng xuất khẩu cho cả năm 2018 sẽ không thay đổi so với năm trước và duy trì ở mức 215.000 tấn.
Việt Nam hiện nay xuất khẩu các loại gia vị sang các thị trường chính là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Châu Âu.
*****************
Ban tư vấn Thủ tướng dự đoán kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,85% từ nay đến 2020 (RFA, 25/04/2018)
Ban Tư vấn của Thủ tướng chính phủ hôm 20 tháng 4 đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng trung bình là 6.85% từ nay cho đến năm 2020.
Hình minh họa. Những người bán rau quả chuẩn bị cho buổi sáng bán hàng trên phố ở Hà Nội hôm 19/4/2018 - AFP
Phát biểu tại một buổi họp giữa Thủ tướng chính phủ và các thành viên ban, ông Vũ Viết Ngoạn, trưởng ban nói rằng những nỗ lực cải cách và các biện pháp tích cực đã giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Ban Tư vấn đưa ra ba kịch bản tăng trưởng của Việt Nam từ 2018 đến 2020 với dự đoán tăng trưởng GDP các năm là 6,71%, 6,83% và 7,47% từng năm.
Theo các chuyên gia của ban, việc duy trì mức tăng trưởng đưa ra rất khó khăn. Việc tạo ra những động lực thúc đẩy tăng trưởng mới và đẩy mạnh năng suất lao động được coi là những yếu tố then chốt cho việc duy trì tăng trưởng.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) mới đây đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và 2019 là 6,6% và 6,5%. Theo đánh giá của IMF, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm ngoái, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6.81%, cao hơn mức mà Quốc Hội đặt ra và là mức cao nhất trong vòng thập kỷ qua.
Việt Nam phát hiện thêm 58 hang động mới tại Phong Nha (VOA, 13/12/2017)
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vừa phát hiện thêm 58 hang động mới tại các xã vùng đệm thuộc huyện Minh Hóa. Số hang động này được tìm thấy trong một cuộc khảo sát dựa trên thông tin do người dân địa phương cung cấp.
Hang Thiên Đường, một trong số hàng trăm hang động ở tỉnh Quảng Bình.
Trong số 58 hang động mới phát hiện, có nhiều hang lớn và có giá trị. Một số hang phải đi đường rừng từ 2-3 ngày mới tới được. Một số hang có thể đã được bộ đội sử dụng trong thời chiến vì các nhân viên khảo sát phát hiện những hộp mực trong các hang này. Hiện vẫn còn một số hang mới chưa được khảo sát.
Danh sách các hang động mới phát hiện sẽ được chuyển cho Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh để có thêm các cuộc khảo sát chuyên môn khác.
Năm ngoái, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã công bố 57 hang động mới tại Quảng Bình.
Đây được xem là "vương quốc" của các hang động, trong đó có hang Sơn Đoòng được khám phá vào năm 2009 và trở thành hang động lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 5 km, cao 200m và rộng 150m.
Năm ngoái, hang Sơn Đoòng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Hollywood "King : Skull Island" (Đảo đầu lâu), giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế tới đây.
Trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện, Phong Nha Kẻ Bàng cũng đã là nơi giữ nhiều kỷ lục thế giới, trong đó có sông ngầm dài nhất thế giới và cụm hang động có lối đi lớn nhất thế giới.
*******************
Việt Nam đối diện nguy cơ tụt hậu (RFA, 13/12/2017)
Việt Nam có thể bị tụt hậu nếu không thay đổi hô hình phát triển hiện nay.
Đó là nhận xét của các chuyên gia tại Diễn Đàn phát triển Việt Nam 2017 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cùng tổ chức với Ngân hàng Thế giới, diễn ra vào sáng nay 13 tháng 12, tại Hà Nội.
Hình chụp hôm 16/6/2017 : các container hàng tại cảng Đà Nẵng - AFP
Theo những người tham dự diễn đàn, trong đó có Bộ trường Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, thì những năm qua Việt Nam phát triển dựa trên vốn đầu tư, giá công nhân rẻ, và khai thác tài nguyên thiên nhiên,…
Mô hình này được nhận định là không còn phù hợp nữa.
Các con số thống kê được đưa ra cho thấy tốc độ tăng trường của Việt Nam dù năm nay vẫn còn cao ở mức 6,7%, nhưng đã giảm khá nhiều nếu so với trước đây là 7,3% trong những năm 1990-2000.
Theo ông Ousmane Dione thì cần phải cải cách để tạo nên một cơ chế thị trường có hiệu quả, tăng năng suất lao động, trong đó có việc đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo rằng nguồn vốn vay với những điều kiện ưu đãi sẽ ít dần trong những năm tới.
Tham gia Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 còn có Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc, đến dự phiên họp thứ hai và đọc diễn văn bế mạc.
Thủ tướng Phúc đã đưa ra năm giải pháp để làm tăng năng suất lao động nói riêng và giúp Việt Nam phát triển nói chung trong những năm tới đây, đó là cải cách hệ thống để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đầu tư cho giáo dục, cải cách thể chế pháp luật, hội nhập toàn diện vào các tổ chức kinh tế quốc tế, và cuối cùng là phải giữ vững ổn định chính trị xã hội.
********************
Ngân hàng Thế giới nói kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng (RFA, 13/12/2017)
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% trong năm nay.
Đó là thông tin trong một báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm qua. Báo cáo này cũng dự báo rằng về trung hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình ở mức 6,5% mỗi năm.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (bên phải) và bà Kristalina Georgieva, Gám đốc Ngân hàng Thế giới, tại một buổi họp bao ở Hà Nội, tháng Ba, 2017. AFP
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra những lý do sau đây để giải thích cho mức độ tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong năm nay :
Thứ nhất là thu nhập của người dân tăng lên, tỉ lệ nghèo giảm xuống. Điều đó làm cho tiêu dùng tăng lên.
Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu đã làm cho Việt Nam có thêm nhiều việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm mới trong ngành chế tạo trong ba năm qua, và 700 ngàn việc làm mới trong các nhành xây dựng, bán lẻ, và dịch vụ.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng ghi nhận từ năm 2014 đến năm 2016, mức lương của công nhân Việt Nam đã tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên báo cáo cũng cảnh báo rằng nợ xấu vẫn còn cao, mặc dù đã có những cố gắng để giải quyết.
Về mặt chi tiêu công, báo cáo nói rằng đã được cắt giảm trong năm 2017, làm cho bội chi ngân sách được giảm. Tuy vậy báo cáo nói rằng tình hình này chưa chắc đã kéo dài vì Việt Nam còn cần đầu tư nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra lời khuyên là Việt Nam nên cải cách cơ cấu kinh tế nhanh hơn, với trọng tâm là kỹ năng của lực lượng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách môi trường kinh doanh, ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế vì sắp tới đây tốc độ đầu tư sẽ giảm.
Con số tăng trưởng tổng sản lượng quốc dân (GDP) của Việt Nam được chính phủ đưa ra vào tháng 10 năm nay rất khả quan, lên đến 7,46% trong quí ba. Điều đó có nghĩa là áp lực về nợ công của Việt Nam sẽ được giảm, cũng như chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 6,7% cho cả năm, mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra sẽ đạt được.
Biển quảng cáo công ty Samsung ở Hà Nội. Samsung đóng góp đến 28% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam cho đến tháng 10 2008. Ảnh chụp 7/2000. AFP
Tuy nhiên một số nhà quan sát, và cả một số đại biểu quốc hội Việt Nam nghi ngờ những con số lạc quan của chính phủ đưa ra.
Nghi ngờ những con số thống kê
Trong phiên họp ngày 31 tháng 10 của Quốc Hội Việt Nam, một số đại biểu lo ngại là sự tăng đột ngột của GDP trong quí ba như vậy có kéo theo sự sụt giảm vào đầu năm 2018 như vẫn xảy ra ở những năm trước hay không ?
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời rằng cách tính GDP của Việt Nam được các định kinh tế tài chính quốc tế công nhận, và chất lượng tăng trưởng trong thời gian qua là tích cực.
Vào ngày 2 tháng 11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu trong một buổi họp của Quốc Hội được truyền hình trực tiếp qua trang Thông tin chính phủ rằng sự phát triển hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là lạc quan :
"Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, thì năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong 2017-18 đã tăng được năm bậc, thứ hai là Ngân hàng Thế giới vừa xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2018, dự kiến sẽ tăng 14 bậc, và hãng đánh giá quốc tế Mody cũng nâng mức tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam lên mức độ tích cực".
Ông Nguyễn Huy Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế vĩ mô tại Na Uy, nghi ngờ các con số được Tổng cục thống kê Việt Nam đưa ra là không chính xác vì thiếu sự minh bạch. Ông nói thêm :
"Cái phương pháp tính thì chúng ta có thể dùng phương pháp tính của họ, nhưng vấn đề nằm ở chổ những số liệu được cung cấp, những số liệu họ thu thập như thế nào, có đúng hay không, nhào nặn như thế nào. Điều đó là quan trọng nhất, đầu vào của dữ liệu".
Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn lại lời của ông Cục trưởng Cục thống kê Nguyễn Bích Lâm vào tháng Tám, năm 2016 rằng báo cáo số liệu thật đôi khi phải trả giá.
Trong cuộc họp với các vị lãnh đạo Chính phủ vào tháng Tám năm 2016, ông Lâm nói rằng nếu đưa ra các số liệu thật thì nhân viên của Cục thống kê có thể sẽ bị các địa phương cô lập, phân biệt đối xử, vì họ muốn rằng những con số đưa ra phải chứng tỏ được thành tích của họ.
Ngay giữa các con số được chính chính phủ đưa ra kỳ này, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, cũng thiếu sự hợp lý :
"Tốc độ tăng trưởng GDP mà Tổng cục thống kê công bố đã gây ra ngạc nhiên, vì tốc độ tăng trưởng của quí ba lên đến 7,46%. Đó là một tốc độ ngoài sự suy nghĩ của chúng tôi. Nếu GDP tăng cao như vậy, thì mức tiêu thụ điện cũng phải tăng trưởng tương ứng. Điều thứ hai là chúng tôi tính toán rằng nếu tăng GDP như vậy thì khối lượng hàng hóa nhập và xuất phải tăng tương ứng".
Theo ông thì với một sự gia tăng của GDP thì sản lượng điện tiêu thụ phải tăng tương ứng cao hơn 2,5 lần. Trong khi con số của chính phủ đưa ra là GDP 7,46%, tiêu thụ điện chỉ tăng 12%. Và theo quan sát của ông Lê Đăng Doanh thì số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam không tăng tương ứng, mà chỉ có một biệt lệ là công ty Samsung của Hàn Quốc đầu tư sản xuất điện thoại tại Việt Nam tăng số lượng hàng xuất khẩu mà thôi.
Mối lo ngại về biệt lệ Samsung
Vào đầu tháng 10, Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam đưa ra cảnh báo là trong quí một, nền kinh tế quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, nói rõ rằng chỉ riêng công ty Samsung đã chiếm 28% tổng số giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong phiên họp trực tuyến ngày 31 tháng 10, ông Trịnh Đình Dũng trấn an các đại biểu quốc hội, sau khi đưa ra những con số tăng trưởng của ba lĩnh vực : nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ.
"Như vậy tốc độ tăng trưởng không chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lãnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung, hay một vài sản phẩm thép, mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành, các lãnh vực, các sản phẩm, của nền kinh tế ở cả ba khu vực".
Các con số của ông đưa ra là nông nghiệp 2,78%, công nghiệp 12,77%, và dịch vụ là 7,25%. Như vậy trong chính những con số này cũng có sự chênh lệch rất cao, trong đó công nghiệp là cao nhất. Nhưng ngành công nghiệp, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phụ thuộc quá lớn vào đầu tư nước ngoài :
"Đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% tổng sản lượng công nghiệp và 71% tổng giá trị xuất khẩu. Riêng Samsung đã là 28%. Chúng ta hoan nghênh đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta thấy rằng là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài có giá trị gia tăng của Việt Nam trong sản phẩm là thấp. Tôi có thể nói ngắn gọn là Việt Nam với dân số là 100 triệu người thì không thể nào công nghiệp hóa bằng cách dựa vào đầu tư nước ngoài ở mức độ cao như vậy".
Ông Nguyễn Huy Vũ đồng quan điểm với Tiến sĩ Doanh về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào đầu tư nước ngoài, ông nhấn mạnh thêm khía cạnh giá trị gia tăng của chính nền kinh tế Việt Nam, mà ông gọi là phải phát triển một cách bền vững :
"Samsung hay Formosa đóng góp ít hay nhiều cho nền kinh tế, là một con số. Nhưng ở đây khi chúng ta đề cập đến tăng trưởng bền vững thì câu hỏi nên được đặt ra là liệu sự đóng góp của Samsung hay Formosa có thể giúp cho người dân Việt Nam có thu nhập nhiều hơn, hay là một năng suất lao động cao hơn theo thời gian, sau khi đánh đổi điều đó với môi trường hay không ?"
Ông Vũ nhắc lại thảm họa môi trường Formosa-Vũng Áng, bùng nổ vào tháng Tư năm 2016 làm cá chết hàng hoạt tại biển miền Trung, và ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm ngàn người dân. Ông Vũ đặt câu hỏi là liệu những sản phẩm thép của Formosa xuất khẩu có bù lại được thiệt hại đó hay không ?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam, sau khi phân tích những số liệu tăng trưởng mà Chính phủ đưa ra, thì thấy rằng ngành điện tử của Samsung và thép của Formosa tăng không kéo lên các ngành công nghiệp khác tăng theo, mà các ngành đó lại sụt giảm, như vậy không rõ tại sao con số tăng trưởng công nghiệp nói chung lại tăng đến 12,8%, ông kết luận rằng điều đó chỉ có Tổng cục thống kê mới biết.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Vũ thì nói rằng điều quan trọng hơn những con số tăng trưởng GDP là tình trạng công ăn việc làm của người dân, nhưng trong các báo cáo của Chính phủ lại không có những con số này.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 06/11/2017
Đúng một tháng sau khi Tổng cục Thống kê của chính phủ Việt Nam "hồ hởi, phấn khởi" loan báo, tăng trưởng GDP của quý ba tăng 7,46%, giúp GDP trong chín tháng đầu năm nay tăng 6,41% so với cùng kỳ năm ngoá. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hoan hỉ khẳng định, kinh tế đang… "khởi sắc", có nhiều… "điểm sáng", tạo ra những "kết quả ấn tượng"…, lúc tham dự kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14 (đã khai mạc hôm 23 tháng 10 và dự trù sẽ kéo dài đến 25 tháng 11), nhiều viên chức hữu trách thú thật, Việt Nam đang trên miệng vực !
Kinh tế Việt Nam đang "tiềm ẩn nhiều rủi ro" vì phải vay 160.000 tỉ để đảo nợ - dùng nợ mới trả nợ cũ) bởi ngân sách liên tục thất thu - Hình minh họa (Khều).
Ngày 24 tháng 10, khi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách năm nay tại Tổ Đại biểu Quốc hội của mình, ông Đinh Tiến Dũng – một Đại biểu Quốc hội đang đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính – cho biết, các thống kê chỉ công bố số doanh nghiệp mới thành lập, trong thực tế, cứ có thêm bốn doanh nghiệp mới thì có ba doanh nghiệp đã thành lập trước đó ngưng hoạt động, xin giải thể hoặc phá sản. Ông Dũng than là các doanh nghiệp tại Việt Nam đang thiếu tới 73.900 tỉ tiền thuế, trong số này có tới 28.221 tỉ thuộc loại không có khả năng truy thu thành ra ông mong Quốc hội xóa khối nợ khó đòi ấy cho Bộ Tài chính đỡ nhức đầu.
Cũng ngày 24 tháng 10, tại cuộc thảo luận với một Tổ Đại biểu Quốc hội khác, ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước – bảo rằng, kinh tế Việt Nam đang "tiềm ẩn nhiều rủi ro" vì "sức mạnh nội sinh" yếu (tăng trưởng GDP trong quý 3 có đột biến là nhờ đầu tư của Samsung và… Formosa), nợ xấu (nợ có khả năng mất cả vốn lẫn lãi) cao, nợ nần (cả ngoại quốc lẫn trong nước) cũng như các khoản phải trả do nợ đến hạn thanh toán tiếp tục tăng (mỗi năm phải dành 98.000 tỉ trả nợ gốc và lãi, đồng thời phải vay 160.000 tỉ để đảo nợ - dùng nợ mới trả nợ cũ) bởi ngân sách liên tục thất thu.
Giống như nhiều viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, ông Vương Đình Huệ - một trong các Phó Thủ tướng – vẫn tỏ ra hết sức lạc quan. Khi tham gia thảo luận tại Tổ Đại biểu Quốc hội của mình, ông Huệ thừa nhận không thể trông vào dầu thô để "cân đối ngân sách" vì giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, chi phí khai thác cao hơn do cả trữ lượng lẫn chất lượng dầu thô cùng giảm, khai trường xa hơn… nhưng ông Huệ tin rằng vẫn có thể đạt "chỉ tiêu tăng trưởng" nhờ khoản thu từ việc… bán các doanh nghiệp nhà nước ! Ông Huệ và nhiều ông khác không bận tâm như ông Phớc : Bán hết rồi thì nhiệm kỳ sau lấy gì để chi tiêu (?) !
***
Cho đến giờ, điều duy nhất khiến các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam bận tâm chỉ là làm sao tạo ra những "dấu ấn" trong "nhiệm kỳ" của mình. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc xiển dương các ý tưởng kiểu như "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", hút toàn bộ nguồn lực quốc gia bơm cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm biến khối doanh nghiệp này trở thành "anh cả" của nền kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân hình thành các "chủ trương, giải pháp" bất kể hậu họa, miễn là trước mắt giúp tỉ lệ tăng trưởng trên giấy, "vị thế" trở thành "điểm sáng", tạo ra "ấn tượng" tốt đẹp về sự "tài tình, sáng suốt".
Cho dù hơn hẳn ông Huệ về viễn kiến và ý thức trách nhiệm nhưng ông Phớc cũng chỉ mới nhìn đến "nhiệm kỳ sau". Không ai bận tâm đến vận mệnh quốc gia, tương lai lâu dài của cả dân tộc khi nợ nần ngập đầu, doanh giới teo tóp cả về số lượng lẫn qui mô, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc, thất nghiệp tràn lan. Đó cũng là lý do vừa qua, giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ không nhận trách nhiệm về 12 dự án của ngành Công Thương (sau khi ngốn của quốc gia khoảng 64.000 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ) và sắp tới, chắc chắn cũng sẽ không có bất kỳ cá nhân nào trong giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhận trách nhiệm khi con số dự án yếu kém, thua lỗ vừa được thông báo là đã lên tới 40 !
Bao nhiêu "nhiệm kỳ" nữa thì Việt Nam trở thành một Venezuela ở Châu Á ? Dưới sự dẫn dắt của Hugo Chávez, Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" ở Nam Mỹ. Sau 14 năm dựa vào dầu thô, vay mượn để đầu tư cho những dự án vô bổ, thiếu căn cơ, băm bổ lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, không còn khả năng trả nợ. Ba năm nay Venezuela luôn luôn dẫn đầu thế giới về lạm phát, dân chúng Venezuela chết dần, chết mòn vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Riêng năm 2016, có 11.000 trẻ sơ sinh uổng mạng vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, 3/4 người lớn xác nhận trọng lượng của họ giảm 9 ký/năm. Cướp bóc xảy ra khắp nơi nhưng Nicolás Maduro – người được Hugo Chávez chỉ định làm người kế nhiệm để tiếp tục phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" tại Nam Mỹ - chỉ quan tâm tới việc đàn áp đối lập để duy trì sự lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" của mình.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/10/2017
Kinh tế Việt Nam tăng hơn 7% trong quý III (RFA, 29/09/2017)
Xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 20% trong tháng 8 và tháng 9 giúp đẩy tăng trưởng kinh tế của cả quý III năm nay đạt trên 7%.
Công nhân đóng gói mực xuất khẩu ở một nhà máy chế biến hải sản ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hôm 5/8/2004 AFP
Số liệu Tổng Cục Thống kê cung cấp cho thấy, Tổng sản phẩm Nội địa GDP trong quý III đã tăng 7,46% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó GDP của quý II chỉ đạt 6,28%.
Tính tổng thể từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,41% cao hơn mức 6,1% theo tính toán của giới chuyên gia.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, áp lực đưa tăng trưởng kinh tế cả năm lên 6,7% của Việt Nam không còn quá lớn. Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cho biết xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do Việt Nam mở thêm các doanh nghiệp và giá cả hàng hóa ngày càng tăng. ADB dự báo xuất khẩu có thể đạt mức 6% trong năm nay và sang năm.
Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế Châu Á thuộc tập đoàn Capital Economics ở London cho biết nhìn trong tương lai gần thì kinh tế Việt Nam có vẻ sáng sủa, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro phía sau. Ông giải thích rằng với mức nợ công và nợ tín dụng hiện nay, kinh tế Việt Nam không thể phát triển bền vững trong tương lai xa.
**************************
Đoàn Thị Hương sẽ không nhận tội trước tòa (RFA, 29/09/2017)
Cô Đoàn Thị Hương (giữa) được hộ tống bởi cảnh sát và mặc áo chống đạn rời tòa án ở Sepang, Malaysia ngày 13 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Hai nhân vật bị cáo buộc giết ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, là cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah sẽ không nhận tội trước phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 10 tới đây.
Thông tin này được ông Hisyam Teh, luật sư bào chữa cho hai bị cáo nói với hãng Reuters. Ông Hisyam cho biết tòa sẽ triệu tập các chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu bệnh học, hóa học để phục vụ phiên xét xử. Ông từ chối tiết lộ thông tin về cách thức bào chữa cho cô Đoàn Thị Hương, nhưng ông nói rằng cô Hương đang ở trong tình thế có lợi vì ông có những bằng chứng ủng hộ cô.
Công tố viên trưởng Muhamad Iskandar Ahmad từ chối bình luận về các chi tiết của vụ án, nhưng ông tiết lộ rằng khoảng 30 đến 40 nhân chứng sẽ được triệu tập trong đó gồm 10 chuyên gia.
Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX bôi vào mặt ông Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào hôm 13/2 vừa qua. Đây là loại chất hóa học cực độc được Liên Hiệp Quốc xếp vào hàng vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên cả hai cô đều nói với luật sư rằng các cô không hề hay biết mình đang thực hiện một âm mưu giết người mà chỉ nghĩ rằng đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 30/10 tại Tòa án Tối cao Shah Alam, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia
Nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Tuần trước đọc báo thấy đăng tin 6 tháng đầu năm Việt Nam tăng trưởng GDP là 5,73%. Điều này tôi không quan tâm.
Tăng trưởng GDP 6 tháng qua các năm. Đồ thị: Thanh Tâm
Từ lâu tôi có nói là con số tăng trưởng "đẹp" GDP ở Việt Nam không nói lên được điều gì. Một mặt, tính "trung thực" của thống kê của Việt Nam cũng giống tính "trung thực" của nền báo chí nhà nước. Công bố cái gì thì cái đó phải "đúng quy trình". Thứ hai, tăng trưởng GDP một cách "duy ý chí", theo chỉ tiêu, kiểu Việt Nam hiện nay, thì tương lai đất nước sẽ như cái mền rách. Dân thì mang nợ, ngay cả các thế hệ chưa được sinh ra. Đất nước thì ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt.
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam bấy lâu nay ám ảnh GDP, như ghiền chất thuốc phiện. Họ trải thảm đỏ "rước" bọn tư bản rác rưởi vào Việt Nam để đặt các nhà máy ô nhiễm, kiểu Formosa, hay các nhà máy nhiệt điện chạy than cổ lổ sỉ. Bọn tư bản gọi là "rác rưởi" là vì bọn chúng bị cấm hoạt động kinh doanh ngay cả trên quốc gia của họ. Đóng góp của bọn rác rưởi này vào GDP của Việt Nam hiện nay chưa tính được. Vì còn phải khấu trừ phí tổn mà các thế hệ tương lai của Việt Nam phải bỏ ra để tái tạo lại môi trường. Trường hợp biển bị ô nhiễm do chất thải Formosa, vài chục năm sau môi trường chưa biết có trở lại "tiêu chuẩn bình thường" hay chưa ? Trong khi dân tình khốn khổ, mất công ăn việc làm (ở các ngành nghề đánh cá, muối, làm mắm, du lịch…)
Năm ngoái GDP của Việt Nam tăng 6,2%, trong khi Lào 7% và Campuchia là 6,9%, quả nhiên con số (thấy là) rất "đẹp", so với mức tăng trung bình toàn cầu là 2,4%. Các xứ giàu có G7, không có nước nào tăng trưởng trên 2%. Mỹ 1,6%, Đức 1,9%, Nhật 1%, Pháp 1,2%, Anh 1,8%, Ý 0,9%, Canada 1,5%.
(Thấy vậy mà không phải vậy. Tăng trưởng của G7 tuy thấp, nhưng cũng nhiều gấp mấy lần của Việt Nam. Còn nếu so sánh các nước "rồng", "cọp", thời kỳ đầu phát triển của Đài loan, Nam Hàn..., thậm chí Trung Quốc, đều trên 10%, gấp đôi Việt Nam bây giờ).
Tăng trưởng như vậy nhưng đâu là thế "mạnh" của nền kinh tế Việt Nam ?
Ngoài "công nhân rẻ" và một số mỏ dầu khí làm vốn, đến nay Việt Nam chưa sản xuất ra được cây đinh vít (để đóng hòm). Các "sàn" chứng khoán treo lên đó để "dụ nai", cướp tiền tiết kiệm của dân nghèo. Làm gì Việt Nam có thể "sống" như Singapour, 25% GDP đến từ dịch vụ tài chánh, ngân hàng ? Cái "phồn thịnh" của Việt Nam hôm nay là "phồn vinh giả tạo", đến từ trị giá địa ốc "thăng thiên". Người dân sống nhờ sự "hào nhoáng" rơi rớt của các tỉ phú địa ốc. Kinh tế Việt Nam làm gì bằng Nhật, Singapour… mà giá địa ốc của Việt Nam không thua các nơi này ? Việt Nam sẽ trả giá đắt cho sự nghịch lý này.
Con số GDP "hoành tráng" của Việt Nam là nhờ các xí nghiệp vốn nước ngoài. "Họa người phúc ta". Vụ Nhật bị nạn "sóng thần" đồng thời vói Thái lan bị trận lụt lịch sử năm 2011, các hãng như Samsung, Canon, Foxconn, Neon Led, Hazan Group v.v… đẩy mạnh đầu tư sang phía Việt Nam. Nhưng lãnh đạo CS không biết nắm thời cơ, cờ tới tay không biết phất. Giấc mộng thành cọp thành rồng, phát triển theo mô hình Trung Quốc, mãi mãi là giấc mơ.
Thấy ông Phúc cầm chiếc giầy Nike "khoe" với tài phiệt Mỹ, tháng trước nhân qua Mỹ, có ai cảm thấy xấu hổ cho cái kiếp làm công của dân tộc này hay không ?.
Ngoài cá tra, tôm, rau quả (và khai thác dầu khí), Việt Nam có mặt hàng nào thực sự do mình sản xuất ?
Đã nói, tới cây đinh vít (để đóng hòm) mà không sản xuất được.
Bây giờ đọc báo thấy là giá xăng dầu, giá điện… nói chung là giá "năng lượng" của Việt Nam sắp tăng thêm. Dầu vậy lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng rất "yên tâm", bởi vì giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn khu vực G7 (sic !).
Điều này cho thấy sắp tới mọi mặt hàng do Việt Nam sản xuất cũng sẽ tăng lên.
Bọn G7 sản xuất nào là máy bay Boeing, Airbus, các thứ "phi vật chất" kiểu Microsoft, Facebook, Google… những "nhà máy" không cần "đổ xăng", không cần "cắm điện" mà vẫn hốt vào tiền tỉ tỉ đô la.
Còn Việt Nam, cái gì cũng phái tính chi phí năng lượng, từ khâu sản xuất cho tới tồn kho, chuyên chở.
Năng lượng lên là giá thành phẩm sản phẩm lên theo (mà lên nhiều hơn).
Vì vậy con số tăng trưởng GDP "đẹp", "hoành tráng"... kiểu Việt Nam không nói lên cái gì. Con bệnh sắp chết sẽ có thời khắc "hồi dương", tưởng rằng "rất khỏe".
Chừng nào Việt Nam sản xuất được cây đinh thì lúc đó nắp hòm sẽ đóng lại.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 03/07/2017
Tại hội thảo quốc tế "Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo" vừa được tổ chức vào ngày 13/6/2017 tại Hà Nội, đại diện chính phủ Việt Nam nói rằng đặc trưng của nhà nước kiến tạo Việt Nam là ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn cải cách chính trị.
Hà Nội trang trí trên đường phố kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh chụp hôm 25 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Theo đuổi mục tiêu "nhà nước kiến tạo"
Khái niệm "nhà nước kiến tạo phát triển" được nhà nghiên cứu Chalmers Ashby Johnson đưa ra từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi nhà nghiên cứu này ghi nhận sự phát triển thần kỳ ở đất nước Mặt Trời Mọc, với vai trò rất quan trọng của Nhà nước Nhật Bản.
Khái niệm "nhà nước kiến tạo phát triển" du nhập vào Việt Nam qua thông điệp đầu năm 2014 của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với chủ trương của Chính phủ Hà Nội lúc bấy giờ là nhà nước điều hành quản lý về mặt vĩ mô và pháp luật cũng như kiến tạo những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và doanh nhân tại Việt Nam.
Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 7 năm 2016, tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển nhằm kiến tạo phát triển cho đất nước.
Với mục tiêu của Chính phủ do tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắm tới, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hồi trung tuần tháng Giêng năm 2017 có một bài phân tích nhà nước kiến tạo phát triển cần phải làm gì. Bài phân tích nêu rõ nhà nước phải tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển, đồng thời nhà nước tạo ra khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết để từng người dân có thể dễ dàng làm ăn và mưu cầu hạnh phúc. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Quốc hội Việt Nam cần thực hiện những yêu cầu như thế của một nhà nước kiến tạo phát triển.
Từ Sài Gòn, nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nêu lên quan điểm của ông liên quan đến chính sách "nhà nước kiến tạo phát triển" mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện :
"Cải cách kinh tế đương nhiên phải dẫn tới một số cải cách thể chế, trong đó có những cải cách mang tính chất chính trị. Đặc biệt đối với một nhà nước độc đảng thì càng phải cải cách về mặt chính trị. Chuyện họ nói cải cách chính trị từ từ, thật ra họ đã từ từ 30 năm rồi. Đã quá lâu ! Và bây giờ vẫn từ từ. Nhưng thật ra thực tế về kinh tế và những tiềm năng khủng hoảng kinh tế không chờ họ. Và Hội nghị Trung ương 5 vào tháng 5 vừa rồi thì lại một lần nữa Trung ương Đảng đưa ra Nghị quyết về Hoàn thiện nền Kinh tế Thị trường Định hướng Xã hội Chủ nghĩa, vẫn tiếp tục ‘cái đuôi : Xã hội Chủ nghĩa’. Như vậy bây giờ nếu không cải cách chính trị, có nghĩa không cắt đuôi ‘Định hướng Xã hội Chủ nghĩa’ thì làm sao có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ theo quy chế thị trường ?".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lập luận chủ trương của Chính phủ Hà Nội ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn cải cách chính trị là một sai lầm nghiêm trọng vì thế giới chỉ chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường. Ông Phạm Chí Dũng trưng dẫn các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu kể cả Nhật Bản cho vay hay cho tín dụng không hoàn lại đối với Việt Nam đều không chấp nhận chính sách kinh tế thị trường mà gắn kết "Định hướng Xã hội Chủ nghĩa" của Việt Nam.
Từ gốc độ bên ngoài nhìn vào bối cảnh kinh tế chính trị hiện thời của Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định điều tiên quyết Hà Nội cần phải làm là phải giải quyết vấn đề chính trị thì sẽ dẫn theo thay đổi về kinh tế. Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Xuân Nghĩa lên tiếng :
"Giải quyết vấn đề chính trị trước tiên hết. Tức là làm sao chấp nhận chuyện giới hạn vai trò của đảng. Thứ hai là mở rộng vai trò của Quốc hội, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay, chưa nói đến một tương lai nào đó mờ mịt mà người dân được phép bầu Quốc hội một cách tự do và thông thoáng.
Giải quyết được chuyện đó thì mới giải quyết được vấn đề kinh tế, vì kinh tế thị trường phát triển một cách lệch lạc nào đó, thì nó gây ra những tai họa ở nơi này nơi kia, ở Việt Nam, ở Trung quốc, tại Hoa Kỳ, chính là do hệ thống chính trị. Nếu không giải quyết hệ thống chính trị và không phá vỡ được đặc quyền của một thiểu số ở trên cùng thì chúng ta sẽ không có kinh tế thị trường".
Ẩn số của lộ trình thực hiện
Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và thay đổi nền kinh tế quốc doanh sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào đầu thập niên 1990 cho đến nay, nợ công của Việt Nam tiến sát ngưỡng 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh không hiệu quả với nhiều dự án thua lỗ nặng nề. Mặc dù vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đến giờ vẫn kiên định vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế.
Các nhà lý luận cộng sản ở trong nước cũng thừa nhận mô hình "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là không tồn tại. Do đó, các nhà lý luận về kinh tế cho rằng Nhà nước Việt Nam cần thay đổi thể chế thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể vận hành theo đúng quy luật của nó và đó cũng là tiền đề và yếu tố trọng tâm để quốc gia phát triển.
Theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư thì tại Hội nghị trung ương 5 diễn ra vào hồi đầu tháng 5 vừa qua, vấn đề cải cách thể chế phải được đặt ra một cách quyết liệt hơn. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra.
"Người ta không thể thay đổi một cách đột ngột được. Cái này nó đụng chạm vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề về sự tồn vong của chế độ".
Chủ trương của chính phủ Hà Nội là xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, tuy nhiên lộ trình hoạch định để đạt được mục tiêu đề ra vẫn còn là ẩn số. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu tại buổi Hội thảo ở Hà Nội hôm 13 tháng 6 rằng ai cũng nói đến nhà nước kiến tạo nhưng không ai làm.
Mặc dù các lý thuyết về kinh tế phát triển chỉ ra rằng "tăng trưởng kinh tế" là điều kiện cần để có "cải thiện chất của cuộc sống", nhưng chỉ mình nó không thì chưa đủ.
Cân nhắc sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh minh hoạ : Báo Nhân Dân
Trong những ngày gần đây, từ khóa "tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%" được nhắc tới khá nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội hàm của từ khoá này cũng trở thành chủ đề tranh luận của nhiều chuyên gia kinh tế trong các diễn đàn kinh tế cũng như tại nghị trường.
Có luồng quan điểm cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là đòi hỏi cấp thiết, để từ đó đưa ra những giải pháp để thực hiện mục tiêu này bằng mọi giá nhằm "đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người".
Bài viết này xin được phân tích cụ thể hơn những bất cập trong việc bảo vệ quan điểm nêu trên.
Chưa nói đến cơ sở khoa học của con số 6,7%, theo thiển ý của cá nhân tôi, có một số lập luận đã nhầm lẫn giữa khái niệm "lượng" - thường được đo lường qua tốc độ tăng trưởng kinh tế và "chất" của tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được hiểu một cách nôm na là sự mở rộng quy mô sản xuất của nền kinh tế. Trong khi chất của tăng trưởng đề cập tới các vấn đề như : cải thiện điều kiện sống, (nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, văn hoá, giáo dục…) cải thiện tình trạng môi trường, cải thiện thể chế…
Trong thực tế, mối quan hệ giữa "lượng" và "chất" của tăng trưởng không phải lúc nào cũng có tương quan tỷ lệ thuận. Mặc dù các lý thuyết về kinh tế phát triển chỉ ra rằng "tăng trưởng kinh tế" là điều kiện cần để có "cải thiện chất của cuộc sống" nhưng chỉ mình nó không thì chưa đủ.
Có thể lấy ví dụ để minh chứng cho trường hợp này : một người làm việc 16 giờ đồng hồ một ngày để có thu nhập gấp đôi một người làm việc 8 giờ đồng hồ một ngày, nhưng hỏi ai có chất của cuộc sống cao hơn ? Bạn đọc có thể tự trả lời câu hỏi này. Nói như vậy để các bạn hiểu rằng sự đồng nhất giữa "tăng trưởng kinh tế" với "đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người" là một sự ngụy biện (chưa kể đến sự bất bình đẳng khi phân phối các giá trị gia tăng tạo ra trong nền kinh tế).
Cùng theo luồng quan điểm nêu ở đầu bài viết này, trên mục Thời sự và Suy nghĩ của báoTuổi Trẻ (ngày 5.6.2017) có đăng bài "Đòi hỏi từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%..." trong đó có liệt kê các hệ lụy khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Bạn đọc hãy theo dõi đoạn trích sau đây :
"Tất cả những cơ hội tốt đẹp nêu trên nằm trong con số 6,7%. Nếu không đạt được, từng người, từng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn. Giả sử kinh tế ì ạch, doanh nghiệp khó khăn, người lao động khó tìm việc làm ; để xảy ra lạm phát cao sẽ làm teo tóp túi tiền của đại đa số người dân..."
Có thật là nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như nói trên thì nền kinh tế sẽ gặp khó khăn như vậy không ? Ở đây, tôi chỉ xin nêu ví dụ như thế này : nếu chúng ta quyết tâm thực hiện được mục tiêu "con số 6,7%" bằng những cách như khai thác tài nguyên quốc gia đem bán, hay chấp nhận những đầu tư có rủi ro tàn phá môi trường thì liệu sau khi đạt được tăng trưởng ngắn hạn có đảm bảo trong tương lai (dài hạn) chúng ta không phải trả giá cho những hành vi phát triển như thế này.
Trong tình huống đó, nếu không làm gì có lẽ là giải pháp tốt hơn là phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Trong câu chuyện phát triển, một trong những vấn đề của người điều hành kinh tế vĩ mô là "cân nhắc sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống người dân" hay nói cách khác là đánh đổi giữa "ngắn hạn" và "dài hạn".
Một khi mục tiêu được đưa ra không dựa trên tiềm năng của nền kinh tế thì nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu là điều không thể. Câu chuyện này sẽ giống như câu chuyện dân gian : nhà vua muốn được ăn gan trời, trứng trâu.
Để kết lại vấn đề, người viết muốn nhấn mạnh rằng "chất của tăng trưởng" quan trọng hơn "tốc độ tăng trưởng". Chính vì thế, không nên sử dụng những giải pháp ngụy biện để cổ xúy xu hướng "tăng trưởng kinh tế" bằng mọi giá. Và hơn thế nữa, chúng ta hãy cố gắng để tìm hiểu cơ sở khoa học của mục tiêu đề ra chứ không nên chạy theo những mục tiêu không phù hợp với tiềm năng của mình.
Quỳnh Anh
Nguồn : Người Đô Thị, 09/06/2017