Muốn tiêu diệt một dân tộc, bom đạn, đàn áp không đủ. Dù tối tân tới đâu, bom đạn không thể giết hết hàng trăm triệu người.
Biện pháp 10 : Xuất cảng lao động, trục xuất những cá nhân có đầu óc ra khỏi nước, để tiêu diệt tiềm năng dân tộc
Dưới đây là 12 biện pháp hữu hiệu nhất để bức tử một dân tộc, với điều kiện phải thực hiện cùng một lúc, đúng quy trình , có đủ ngân quỹ, nhân sự và quyết tâm sắt đá để thực hiện :
1. Gieo rắc ung thư, bịnh hiểm nghèo bằng cách cho tự do nhập cảng hàng hóa, lương thực độc hại.
2. Gây đói rách, để nông dân, thương gia không có cách gì cạnh tranh để sống còn hơn là dùng hóa chất độc hại tràn ngập thị trường.
3. Bộ y tế, các nhà thương được tự do sản xuất, lưu hành, sử dụng thuốc giả, thuốc gây ung thư, bệnh truyền nhiễm.
4. Khuyến khích rượu chè, ma túy, ăn chơi trụy lạc, để tiêu diệt trí não, nghị lực, sức đề kháng của dân, đặc biệt lớp trẻ.
5. Khuyến khích những trò chơi dâm đãng, lố bịch, bỉ ổi, để tiêu diệt những ý niệm về nhân phẩm còn sót lại.
6. Nhập cảng chủ nghĩa quái dị đã bị cả thế giới ghê tởm : Tẩy não, nhồi sọ để tiêu diệt khả năng phán đoán ; bỏ tù, bức tử, nhục mạ, cô lập những người còn khả năng suy nghĩ, phản kháng.
7. Buôn bán bằng giả để triệt hạ uy tín của trí thức, biến dân tộc thành một con rắn không đầu, cá mè một lứa, không người đáng tin, đáng trọng, đáng kính. Trả lương rẻ mạt giáo chức, biến nguời truyền bá kiến thức thành cùng đinh, giáo dục một món hàng.
8. Để ngoại nhân tự do nhập cảnh, cư trú như chỗ không người ; khuyến khích dùng ngoại tệ để thực tập nếp sống nô lệ.
9. Chặt cây, phá rừng, xả lũ ; tiêu diệt mầm sống, để dân suốt đời chỉ lo chống đỡ thiên tai, không còn đầu óc, sức lực nghĩ đến chuyện đất nước.
10. Xuất cảng lao động, trục xuất những cá nhân có đầu óc ra khỏi nước, để tiêu diệt tiềm năng dân tộc.
11. Bán đổ bán tháo tài nguyên quốc gia ; tàn phá môi trường để nông dân, ngư dân tha phương cầu thực, bỏ đất, bỏ biển cho ngoại bang.
12. Tiêu diệt ngôn ngữ , sợi dây liên lạc giữa các công dân, tâm hồn của một dân tộc.
Một dân tộc không còn lãnh thổ, không tài nguyên, không chủ quyền, trí não bại hoại, tinh thần bạc nhược, thân thể bệnh hoạn, mất hết đạo lý, lương tâm, đạp lên nhau để sống, không còn ngôn ngữ, quên quá khứ, không tương lai, không biết mình là ai, không biết đang nhắm mắt theo một đám thảo khấu đi về hướng nào... một dân tộc như vậy, không cần đánh cũng thắng, khỏi cần giết cũng chết. Sống cũng như đã chết
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 01/09/2018
Người ta thuờng dùng chữ Mafia đỏ để nói về đảng cộng sản. Bởi vì cả hai tổ chức đều xây dựng cơ nghiệp, và củng cố quyền hành, bằng cách gây kinh hoàng, bằng chém giết, thủ tiêu, thanh trừng, ám sát và đủ mọi hành động phi pháp.
Mafia cộng sản không có cái "code d’honneur" đó. Họ không có cái danh dự của kẻ cướp biết tự trọng.
Cả hai đều đặt quyền lợi của phe đảng lên trên hết, đứng đầu là những "parains" tàn nhẫn, coi mạng người như nghoé.
Cả hai đều dùng một phương pháp tuyển lựa tay chân : nhử bằng mồi, nhất là những phần tử bất hảo trong xã hội, và khi đã nhúng chàm, sẽ phải trung thành đến chết.
Cộng sản ma giáo hơn, nhiều khi dùng những chiêu bài đao to búa lớn để dụ cả những người có tâm huyết , nhưng phương pháp vẫn là một : vào dễ, ra khó. Với mafia, lìa bầy là mất mạng. Với cộng sản, bỏ đảng hoặc mất mạng, hoặc thân bại danh liệt.
Hai tổ chức giống nhau tới độ ông Bộ Trưởng ngoại Giao Séc đã không ngần ngại gọi Việt Nam là "tâm điểm của tội ác có tổ chức". Chưa bao giờ, trong lịch sử ngoại giao, người ta dùng chữ khinh miệt như vậy đối với một quốc gia khác. Dịch ra ngôn ngữ thường : đó không phải là một quốc gia, đó là một tổ chức trộm cướp, Mafia Đỏ.
Sự thực, gọi cộng sản là Mafia đỏ là một sự xúc phạm đối với Mafia. Bởi vì Mafia, dù cũng là một tổ chức của tội ác, có một cái mà cộng sản không có. Đó là cái nguyên tắc danh dự, cái "code d’honneur".
Những yakuzas khi gia nhập Mafia Nhật tuyên thệ trung thành tuyệt đối với cái "code d’honneur" đó, vi phạm là tự mình khai trừ khỏi tổ chức, nếu không bị khai tử.
Cosa Nostra – Mafia Ý – có những nguyên tắc khắt khe gọi là "società onorata". Một trong những nguyên tắc danh dự của các tổ chức Mafia đó, là không đụng tới đàn bà, trẻ con. Có thể tàn nhẫn, giết người, cướp của, nhưng không giơ tay đánh đàn bà, trẻ em.
Cái "code d’honneur" đó, cộng sản không có. Họ không có cái danh dự của kẻ cướp biết tự trọng.
Một bọn côn đồ, được lệnh của chủ, sẵn sàng xúm vào đánh đập, hành hạ những người đàn bà chân yếu tay mềm tới dự một buổi văn nghệ, hay những bà cụ buôn thúng bán bưng, chỉ phạm một cái tội muốn kiếm vài đồng bạc đong gạo. Và vênh váo thỏa mãn, kiêu hãnh, như đã đạt được một thành tích vẻ vang, một chiến công oanh liệt.
Cái đó, người ta gọi là thú tính. Cũng lại là một sự xúc phạm đối với súc vật. Bởi vì loài vật không bao giờ giết, hay hành hạ đồng loại, để tìm thú vui. Hay một chút thoả mãn, vinh quang đê tiện.
Từ Thức
(18/08/2018)
"Khi Cuba thức, Việt Nam ngủ". Cuba đã thức, không phải thức để canh phòng cho "xã hội chủ nghĩa "trong khi Việt Nam ngủ, như ông Nguyễn Minh Triết mong đợi, nhưng thức dậy, thức tỉnh, sau một giấc ngủ triền miên. Quốc hội Cuba sẽ phê chuẩn hiến pháp mới, trong đó câu"mục tiêu của quốc gia là thực hiện một xã hội cộng sản "sẽ đội nón ra đi.
Đảng cộng sản Cuba vẫn nắm độc quyền cai trị nhưng đã thú nhận chủ nghĩa cộng sản không phải là tương lai của Cuba
Cố nhiên, không phải một sớm một chiều Cuba trở thành một nước dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập. Khi đã mắc dịch cộng sản, không thể một sớm một chiều khỏi bịnh.
Đảng cộng sản vẫn nắm độc quyền cai trị, nhưng, một cách công khai, đã thú nhận chủ nghĩa cộng sản không phải là tương lai của Cuba, không còn ai mơ ước nữa, kể cả những người thừa kế của Castro. Bà già ngồi gói xì gà Cuba không ngồi mơ nước Nga Xô Viết như ông già đan rổ của đồng chí Tố Hữu nữa.
Từ bỏ chế độ hay là chết
Fidel Castro gào : xã hội chủ nghĩa hay là chết. Raoul biết bám vào cái chế độ kỳ quái kia mới là đi vào đường chết
Phát ngôn viên chính phủ Cuba nói "thế giới đã thay đổi, xã hội đã thay đổi, kinh tế đã thay đổi, tất cả những dữ kiện đó phải phản ảnh trong hiến pháp mới".
Hiện trạng kinh tế Cuba, mặc dầu đã mở cửa, mặc dầu đã tư hữu hóa một góc (13% nhân sự làm việc cho tư nhân), mặc dù nhận được tiền của"kiều bào" từ Miami gởi về, tiền của du khách đổ tới, mức tăng trưởng những năm gần đây của Cuba vẫn ì ạch trên dưới 1%.
Miguel Diaz-Canel, chủ tịch nhà nước Cuba, tuyên bố : "Chính phủ Cuba phải đương đầu, đáp ứng với thực tế phức tạp của thế giới, trước hiện trạng kinh tế của Cuba".
Nói cách khác, phải cởi bỏ cái gông cộng sản để tìm đường sống. Diaz-Canel là chủ tịch nước và đứng đầu chính phủ Cuba từ tháng Tư năm nay, khi Raoul từ chức, chỉ giữ chức Tổng bí thư Đảng
Người ta mỏi mắt trông chờ tập đoàn cầm quyền ở Việt Nam có một thái độ thông minh, sáng suốt, can đảm như vậy, trong hoàn cảnh đen tối nhất của đất nước, với một xã hội băng hoại và hiểm họa mất nước trước mắt.
Nhưng họ làm ngược lại. Họ dựng xác Lenin dậy làm bùa hộ mệnh để tiếp tục làm ăn. Họ làm bất cứ điều gì, dù tai hại cho đất nước tới đâu, để tiếp tục hoành hành. Dự luật đặc khu, luật an ninh mạng là những thí dụ.
Cả thế giới biết Lenin là một tên đồ tể, bên cạnh cái danh trí thức lý thuyết gia.
"Lenin là cha đẻ của lý thuyết dùng kinh hoàng để thống trị, của ý niệm chuyên chế vô sản, kinh tế chỉ huy, Đảng duy nhất, công an chính trị, Hồng quân nắm toàn quyền, goulag, tẩy não, nông trường, cải tạo… Cũng chính Lenin đã sáng chế ra việc lập hồ sơ để theo dõi mỗi cá nhân, coi việc dân tố cáo nhau là quốc sách. Lenin là cha đẻ của hộ khẩu, nắm dạ dầy để kiểm soát tư duy. Ghê rợn hơn nữa, Lenin gây ra nạn đói, khiến hàng triệu người chết, dùng nạn đói làm khí giới chính trị. Thầy của Staline, Mao, Pol Pot… Lenin dạy : "một đảng cộng sản, muốn tồn tại, phải có can đảm tận diệt không nương tay, từ gốc rễ, từ trứng nước, những mầm mống chống đối" (1).
Cái anh Lenin khát máu của một thời đại tưởng đã thuộc về dĩ vãng đó, tập đoàn cầm quyền Hà Nội đã dựng dậy làm bùa hộ mệnh. Cũng như đã bêu xác ông Hồ ở Ba Đình làm bùa hộ mệnh, trong khi văn hóa Việt Nam nghĩ phải để yên cho người chết, trên đường siêu sinh tịnh độ.
Trong dịp tưởng niệm 100 năm Cách Mạng Tháng 10, hiện tượng không đâu có, kể cả ở Nga, cả tập đoàn lãnh đạo Việt Nam, không thiếu một mạng, đã kính cẩn xếp hàng tri ân và nguyện sẽ trung thành với chủ nghĩa Lenin.
Ngay trong thế kỷ 21, trên một xứ quái lạ, Marx, Lenin, Hồ Chí Minh vẫn còn là cái vốn làm ăn - fonds de commerce - của một tập đoàn thống trị. Không còn cái gì để bám víu, họ bám víu vào mấy cái thây ma.
Trưng cầu dân ý
Hiến pháp Cuba mới, sau khi được Quốc hội phê chuẩn, sẽ đưa ra để dân Cuba lựa chọn trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đó là một chuyện lạ ở một xứ, cách đây không lâu, còn coi nhân quyền là trò bịp bợm, do tư bản bịa ra để ru ngủ giai cấp vô sản.
Diaz-Canel nói : "mỗi công dân Cuba sẽ có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do, và đóng góp vào việc soạn thảo một hiến pháp phản ảnh thực tại và tương lai của đất nước".
Trên phương diện kinh tế, hiến pháp mới nhìn nhận quyền tư hữu, nhìn nhận kinh tế thị trường, ở một xứ tới nay vẫn còn thẻ hộ khẩu. Về mặt xã hội, hiến pháp đi tới việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng phái. Đó là kết quả cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ của chính cô con gái của Raoul Castro, ở một xứ những người đồng tính luyến ái bị gởi đi trại cải tạo.
Trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo
Nhưng một thay đổi quan trọng mà ít người nói tới, và báo chí "lề phải "ở Việt Nam giấu nhẹm, là hiến pháp mới qui định tuổi tối đa tranh cử Tổng thống là 60, và tổng thống chỉ có quyền tái tranh cử một lần một nhiệm kỳ 5 năm.
Đó là một cuộc cách mạng để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo, đi ngược lại truyền thống cộng sản với những lãnh tụ gần đất xa trời, chăn dân như chăn cừu cho tới hơi thở cuối cùng, trước khi nhường ngôi cho con cháu. Fidel và Raoul Castro khi rời bỏ quyền lực đã gần 90 tuổi. Diaz-Canel, khuôn mặt Cuba mới, 58 tuổi.
Chưa hết, hiến pháp mới dự trù Cuba sẽ có một thủ tướng, để quyền hành không nằm trọn trong tay chủ tịch nước.
Hạn chế tuổi, hạn chế nhiệm kỳ và quyền hạn của lãnh tụ, Cuba không những đi ngược lại truyền thống cộng sản, nhưng đi ngược lại cả khuynh hướng độc tài đang lan tràn như dịch hạch trên thế giới, với những nhà lãnh đạo sửa lại hiến pháp để ngồi trên ngai trọn đời, như ở Nicaragua, Venezuela, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Trung Quốc…
Những thay đổi đó, nếu trở thành thực tế ở Cuba, sẽ biến Cuba trở thành một lực lượng thù địch của Việt Nam, vì đi ngược lại chủ trương của tập đoàn Hà Nội.
Với nỗ lực của Bắc Hàn tìm cách ra khỏi quỹ đạo của Tàu, Cuba chuyển mình, Việt Nam sẽ là nước duy nhất thức để canh phòng cho thế giới cộng sản. Nghĩa là canh phòng cho Trung Quốc để Bắc Kinh rảnh tay chinh phục thế giới qua kế hoạch OBOR (2), khởi đầu biến Việt Nam thành một tỉnh và tiền đồn của Tàu.
Trong những này gần đây, Trung Quốc đã rầm rộ tổ chức 6 năm ngày thành lập thành phố Tam Sơn, trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Một cách chính thức hóa cuộc xâm lăng trắng trợn, không một chút kín đáo để giữ đôi chút thể diện cho đàn em. Một cái tát trắng trợn cho một tập đoàn lãnh đạo bán nước, vẫn rêu rao những mâu thuẫn giữa hai nước anh em sẽ được giải quyết trên tình hữu nghị
Trong khi Việt Nam bám chặt vào một ý thức hệ đã đưa đất nước vào bóng tối, Cuba, một hòn đảo bỏ túi, đã can đảm cởi trói gông cùm của sự ngu dốt để tìm đường sống.
Raoul Castro vừa cho hay sẽ đưa ra Quốc hội một dự luật cấm việc xây dựng tượng đài, lấy tên Fidel Castro đặt tên đường phố để tránh việc sùng bái cá nhân, hiện tượng phổ thông ở những xã hội ấu trĩ. Raoul nói Fidel vẫn nhắc đi nhắc lại là sau khi ông ta chết, tên tuổi, hình ảnh của ông sẽ không được sử dụng trong các cơ quan, đường phố, công viên.
Cùng thời điểm đó, ở Việt Nam, người ta khánh thành một tượng Fidel Castro 500 triệu đồng ở Quảng Bình để "bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng, chính phủ và nhân dân Cuba". Cùng lúc đó, ở Việt Nam, người ta đua nhau xây tượng Hồ Chí Minh hàng tỷ bạc ở khắp nơi, trong khi vẫn còn những học sinh đu dây qua sông để tới những trường học chuồng bò... Và "Bác" đã chễm chệ leo lên bàn thờ, ngồi cạnh Phật, để tín đồ xì xụp khấn vái. Như thời tiền sử, người ta khấn vái xin thần sét, thần sấm tha mạng (3).
Paris, tháng 8, 2018
Từ Thức
(1) Lenin, trí thức hay đồ tể (tuthuc-paris-blog.com)
(2) OBOR, kế hoạch xâm lăng đại quy mô của Tàu (tuthuc-paris-blog.com)
(3) Để theo dõi những thay đổi ở Cuba trong những ngày tháng tới, xin đọc "Cuba Si, Cuba No" (tuthuc-paris-blog.com) một ký sự về xứ này những năm trước đây. Để thấy xã hội cộng sản nào cũng y chang như nhau. Cái khác nhau là anh nào tỉnh ngộ sớm, mò ra ánh sáng, anh nào u mê tiếp tục ngủ trong bóng tối
Một bên, họ không khởi tố Phạm Công Trung, người đã biển thủ hay gây thiệt hại 17.000 tỉ cho ngân hàng nhà nước. “Vì lý do nhân đạo”, đối với một tên đã từng kiêu hãnh lấy tiền ăn cắp của dân, mua một lúc 27 chiếc đồng hồ Patek Philips (8 tỉ đồng mỗi cái), mỗi lần 10 tỷ đồng rượu quý.
Phạm Công Trung, người đã biển thủ hay gây thiệt hại 17.000 tỉ cho ngân hàng nhà nước.
Cái "nhân đạo" của họ, nếu không tra từ điển cộng sản, không ai hiểu nổi.
Một bên, họ tuyên án từ 8 tới 18 tháng tù những người chống đặc khu, chống an ninh mạng, đa số là phụ nữ, trên dưới 20 tuổi. Hãy nhìn những khuôn mặt trẻ trước toà (vài em sinh năm 2001). Đó có phải là những người hung bạo, phải nhốt như tội phạm cướp của, giết người ?
Tập đoàn cầm quyền các cấp đã khản cổ kêu gọi dân hãy bình tĩnh, hứa sẽ xét lại dự luật đặc khu. Nghĩa là nhìn nhận dân có lý. Tại bất cứ nơi nào, dù man rợ tới đâu, trong trường hợp đó, nhà cầm quyền cũng mời, hay tới gặp dân, để tìm hiểu thêm nguyện vọng của dân. Ở VN, họ ban án tù nặng. Mười tám tháng tù cho một người trẻ, chỉ vì cái tội nói tôi không muốn nước tôi trở thành nước Tàu. Và nằm tù ở Việt Nam không giống như đi nghỉ hè ở Club Med, hay đi tù ở nhữnh xứ bình thường hay văn minh.
Nhà tù ở một xứ bình thường có mục đích ngăn chận cá nhân khỏi phá hoại xã hội. Ở những xứ văn minh, đó cũng là cơ hội để truyền bá kiến thức, huấn nghệ, để tù nhân khi trở lại với xã hội trở thành những công dân tốt. Ở VN, đó là dịp hành hạ, nhục mạ, với mục đích khiến nạn nhân thân bại, danh liệt, tiêu ma nghị lực để không bao giờ dám nghĩ tới chuyện chống đối, phản kháng nữa.
Đểu cáng hơn nữa, họ tịch thu tài sản (nghèo khổ) của những người đáng tuổi con cháu mình để chia nhau. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Tài sản của người ta liên hệ gì tới chuyện biểu tình ?
Hơn cả hành vi man rợ, đó là một sự thách thức, một cách đái lên đầu dân. Giống như một tên du côn say rượu, lỗ mãng, ăn cướp giữa chợ, múa dao, tụt quần, vỗ cu vỗ đít trước bàn dân thiên hạ, thách thức : ông chơi ngang vậy đó, đứa nào dám ho he ?
Trước đây, cũng cái gọi là Toà án Nhân Dân đã trả tự do cho người hiếp dâm con nít có thẻ Đảng, bỏ tù 9, 10 năm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, và biết bao nhiêu những người trẻ, về cái tội còn dám nghĩ, dám nói đất nước Việt Nam là của người Việt.
Thông điệp (message) rất rõ, nhận được 5/5 : cướp của, giết người, hiếp dâm trẻ em, không sao, nhất là có thẻ Đảng, nhưng đụng tới ‘’tình hữu nghị Trung Việt ‘’ là nằm tù mục xương. Giống như ngày xưa người ta tống giam, hay bêu đầu, những người mắc tội phạm húy.
Với bản án dã man phủ lên đầu những thanh thiếu niên còn nhiệt huyết, còn có lòng với đất nước, tập đoàn cầm quyền muốn nhắc lại với trăm họ : tội gì cũng có thể tha, nhưng đụng tới chuyện làm ăn, buôn bán (buôn dân, bán nước) của chúng ông, sẽ phải trả giá rất đắt.
Cái dã man, cái khốn nạn, cái đểu cáng, cái khiêu khích đã vượt giới hạn, ở một xứ ngoạc mồm đòi giống Paris, Singapore, Tokyo... nhưng sống ngoài quỹ đạo của nhân loại, ngoài thế giới tử tế của những người còn lương tri.
Jean de La Fontaine nói có hai công lý : công lý của những người quyền thế, và công lý cho những kẻ thấp cổ, bé miệng.
Việt Nam ngày nay sáng chế ra hai loại luật pháp : luật pháp dành cho đồng đảng trộm cướp, và luật pháp dành cho những người làm cản trở chuyện kinh doanh của bọn cướp ngày.
Từ Thức
(01/08/2018)
Đảng huấn luyện từ nhỏ : đừng suy nghĩ, đừng tìm hiểu, đừng bất bình. Hãy ăn nhậu, hãy tiêu thụ, hãy nhìn cái rốn của mình, hãy lo thân xác mình, sống chết mặc bay. Hãy bịt mắt, bịt miệng, che tai.
Đảng huấn luyện từ nhỏ : Hãy bịt mắt, bịt miệng, che tai.
Công dã tràng : những cuộc biểu tình rầm rộ chống đặc khu, chống bán nước, chống Tàu bùng nổ khắp nơi : dân không tin Đảng nữa, tuổi trẻ không nghe Đảng nữa. Không thờ ơ nữa. Không sợ nữa.
Người ta nói có hai điều kiện khiến một chế độ độc tài sụp đổ. Thứ nhất là những đợt sóng ngầm âm ỉ của một dân tộc thèm khát tự do. Thứ hai là những đột biến, nổ tung như núi lửa, khiến nhà cầm quyền không trở tay kịp. Sóng ngầm căm hờn, bất mãn đã âm ỉ từ lâu ở Việt Nam. Đột biến đang bùng lên, trên khắp các nẻo đường đất nước.
Sau gần một thế kỷ đè đầu, cướp cổ dân, chưa bao giờ nhà cầm quyền cộng sản bị đe dọa như vậy.
Phải làm gì để cứu vãn chế độ ? Phải làm gì để cứu những dự án đặc khu tạm hoãn lại, nhưng chưa từ bỏ ? Phải gấp rút ban hành luật an ninh mạng. Phải kéo bức màn sắt xuống. Phải trùm bóng đen lên.
Hãy im lặng cho chúng tôi bán nước !
Silence, on tue ! Hãy yên lặng, để chúng tôi giết (người) ! Cướp nhà, cướp của, lập đặc khu, bán đảo, bán nước.
Luật an ninh mạng thông qua, sẽ chấm dứt Internet, chấm dứt facebook, websites, báo mạng. Sẽ chỉ còn một nguồn thông tin : báo lề phải. Sẽ chỉ còn một loại tư tưởng gia : dư luận viên.
Sau những cuộc biểu tình chống đặc khu, chống Tàu rầm rộ diễn ra trên toàn quốc, một tờ báo nhà nước đặt tựa : "Xuất hiện nhiều điểm tụ tập đông người". Nếu không có báo mạng, cái tựa sẽ trở thành : tụ tập hàng triệu người để ủng hộ chính phủ.
Cán bộ biết đọc biết viết (hay không) sẽ dạy bạn phải viết lách như thế nào. Phải làm thơ, viết văn, làm phim, soạn nhạc, vẽ tranh như thế nào.
Các bạn sẽ được sống những ngày Cách mạng Văn hóa như thời sinh tiền của bác Mao yêu quý trên xứ Tàu huynh đệ.
Các bạn sẽ được sống lại những ngày Nhân Văn Giai Phẩm, cách đây không lâu, khi có người mất mạng, hay thân bại danh liệt chỉ vì một câu thơ, một bài viết không được bề trên ưng ý.
Có người nói : cái khác nhau giữa một nước dân chủ và một nước độc tài là, ở một xứ dân chủ, người tới gõ cửa nhà bạn 6 giờ sáng, là người tới giao sữa tươi. Luật an ninh mạng thông qua, người gõ cửa nhà bạn 6 giờ sáng, hay nửa đêm, sẽ là công an đến bàn chuyện thơ phú, chữ nghĩa.
Tự kiểm duyệt
Sẽ không còn suy nghĩ, sáng tác, nghệ thuật. Bạn sẽ sống ngập lụt trong một biển biểu ngữ. Và, tệ hại hơn nữa, để tránh tai bay vạ gió, bạn sẽ tự kiểm duyệt. Cả nước sẽ tự kiểm duyệt để an thân.
Đó là mục tiêu của dự luật an ninh mạng : tạo một tâm não tự kiểm duyệt. Luật lệ hà khắc, tối mò, rắc rối, không ai hiểu nổi. Tòa án tay sai, man rợ. Bạn có thể bị mang ra hành tội bất cứ lúc nào, vì một câu thơ, một dòng chữ trên facebook không hợp ký các quan văn. Để được an thân, cả nước sẽ tự kiểm duyệt.
Nhóm cầm quyền không thể tăng cường vô hạn hàng ngũ công an. Dư luận viên không hữu hiệu nữa. Cách hữu hiệu nhất, đỡ tốn kém nhất, là biến mỗi người dân thành một công an, tự kiểm soát chính mình. Mặc cho bọn cướp lộng hành. Silence, on vend ! Hãy im lặng, để chúng tôi bán (nước) !
Georges Clemenceau : Vinh quang thay, những quốc gia nơi người dân có quyền nói, nhục nhã thay, những nơi dân phải ngậm miệng (*).
Voltaire : Hãy ủng hộ quyền tự do ngôn luận, đó là nền tảng cho tất cả các quyền tự do, nhờ đó chúng ta soi sáng lẫn nhau (**).
Nếu bạn chưa bao giờ phản kháng chuyện gì, hãy phản kháng dự luật an ninh mạng. Đó là cái tròng xiết cổ bạn. Nếu không, chúng sẽ tới cướp nhà, cướp đất của bạn mà không ai hay. Không ai dám ho he mở miệng.
Nếu bạn đã phản đối dự luật đặc khu, hãy phản đối dự luật an ninh mạng, quyết liệt hơn 1000 lần. Bởi vì khi luật an ninh mạng thông qua, chúng sẽ lập hàng ngàn đặc khu mà không ai hay biết. Chuyện bán nước sẽ trở thành chuyện riêng giữa họ với nhau, thảo luận trong góc bếp, chia chác dưới gầm bàn.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 11/06/2018
(*) Gloire aux pays où l’on parle, honte aux pays où l’on se tait (G.Clemenceau).
(**) Soutenons la liberté de la presse, c’est la base de toutes les libertés, c’est par là qu’on s’éclaire mutuellement (Voltaire).
Hỏi : Thưa bà Tổng Giám Đốc công ty trà đá, bà nghĩ gì về câu của một đỉnh cao trí tuệ, tuyên bố ngành trà đá có lợi nhuận cao nhất thế giới ?
Phỏng vấn bà Tổng Giám Đốc công ty trà đá vỉa hè, người có lợi nhuận cao nhất thế giới - Ảnh minh họa
Đáp : Thằng đó ăn nói vung vít, sẽ gây khó khăn cho kỹ nghệ trà đá nói riêng, cho kinh tế Việt Nam nói chung. Các hãng cạnh tranh ngoại quốc như Coca Cola, Pepsi, sẽ nhẩy vào thị trường
Hỏi : Anh ta nói mặc dầu vậy, các bà không đóng thuế ?
Đáp : Tiên sư nó. Hãy hỏi công an vỉa hè xem chúng tôi đóng thuế tới mức nào. Chúng nó lượn qua lượn lại, không đóng thuế mà yên với chúng
Hỏi : Đó là thuế gián tiếp, thuế không chính thức ?
Đáp : Đừng bắt chước mấy bác lãnh đạo, ăn nói ngớ ngẩn. Ở xứ này, cái gì là chính thức, cái gì là bán chính thức. Cái gì là công, cái gì là tư ? Xứ này, ai không còng lưng đóng góp ? Chết, nó còn dựng dậy đòi thuế.
Hỏi : Sau lời tuyên bố đó, uy tín của các hãng trà đá có bị suy yếu ?
Đáp : Nhiều người ganh tị. Nhiều khách đòi hỏi hơn : đòi ly sạch, đòi nước trong, đòi trà không ướp hóa chất… Công an vòi vĩnh kỹ hơn..
Hỏi : Các công ty trà đá đã có biện pháp gì ?
Đáp : Với công an, đành chào thua. Như cả nước đã chào thua... Đối với khách hàng, đó là một vấn đề marketing. Từ nay, khách hàng sẽ không phải trả phí tổn uống trà nữa.
Hỏi : Nghĩa là uống "free" ?
Đáp : Không có gì "free" trong xã hội chủ nghĩa. Chữ " free "không có trong từ điển xã hội chủ nghĩa. Nhưng từ nay, khách hàng không trả tiền uống trà, chỉ trả "giá dịch vụ giải khát"…
Hỏi : Rẻ hơn trước đây ?
Đáp : Đắt hơn. Vì các công ty trà đá phải đóng góp nhiều hơn cho công an. Nhưng khách hàng sẽ hài lòng, vì không còn chuyện trả tiền uống trà.
Hỏi : Bà nhìn nhận các công ty trà đá có tỷ số lợi nhuận lớn nhất thế giới ?
Đáp : Tôi không biết chính xác lợi nhuận của các công ty cùng ngành, Coca Cola, Pepsi, Lipton…
Hỏi : Dịch vụ Coca Cola 2017 : trên 43 tỷ dollars Mỹ, lời trên 8 tỷ, sau thuế má còn gần 6 tỷ (5.975.000.000 USD)
Đáp : Khó so sánh. Chúng tôi chưa có kế toán 2017 ; hội đồng quản trị chưa họp đại hội thường niên.
Hỏi : Đầu tháng 6, chưa họp đại hội thường niên ?
Đáp : Ông phó chủ tịch, chồng tôi, hiện vắng mặt. Đi du hí với vợ bé. Dù sao, ở Việt Nam, không phải chỉ có trà đá. Một anh dân biểu khác nói người tàn tật kiếm hàng trăm triệu mỗi năm. Chưa kể những tài phiệt xe ôm, những thương phế binh ăn xin đầy đường, những nhà kinh tài lượm ve chai.
Nhưng đừng làm rùm beng. Nếu lãnh đạo, cán bộ, tướng tá, dân biểu ham làm giầu, bỏ đi bán trà đá, bán vé số, lượm ve chai, ai chăn dân, ai giữ nước ? Một nước hùng cường, nếu không có cán bộ, tướng tá hy sinh lo việc công, giúp dân, giúp nước, sớm muộn gì cũng giẫy chết như các nước tư bản.
Hỏi : Từ ngày biết bán trà đá có tỷ suất lời cao nhất thế giới, nhiều giới doanh thương muốn nhẩy vào. Cả một thế hệ trẻ mơ ước. Bà có thể cho biết những điều kiện để thành công trong ngành này ?
Đáp : Thứ nhất, phải có ngân khoản đầu tư. Thứ hai, kế hoạch thương mại. Thứ ba, phương pháp quản trị kinh doanh. Chúng ta sống trong thời đại kinh tế toàn cầu, không thể kinh doanh tài tử như ngày xưa.
Hỏi : Hãy nói về ngân khoản đầu tư, cho một công ty trà đá trung bình.
Đáp : Phải dự trù đủ ngân khoản để trang bị cơ sở thương mại. Một cái bàn, ít nhất hai cái ghế đẩu, một ký lô trà Tây Nguyên, một thùng nước. Chưa kể khăn lau bàn, quạt đuổi ruồi, nếu là một công ty cấp cao.
Hỏi : Kế hoạch thương mại ?
Đáp : Kinh doanh thành công hay thất bại, là tại marketing giỏi hay dở. Phải nghiên cứu, nắm vững các yếu tố cung, cầu trước khi đặt cơ sở thương mại. Một công ty trà đá phải có địa điểm tốt. Ở một hẻm có bóng mát, nhiều người qua lại, nhưng không quá ồn ào.
Hỏi : Phương pháp quản trị ?
Đáp : Về nhân sự, phải có ít nhất hai người : tổng giám đốc và phó giám đốc. Chức tổng giám đốc, nên trao cho bà vợ, vì các ông chồng hay nhậu nhẹt, bỏ bê công việc. Công ty có tầm vóc lớn hơn, phải có ba người, thay nhau quản trị, để có thể hoạt động suốt ngày, 365 ngày một năm. Khi mình đóng cửa, khách sẽ tới các công ty cạnh tranh. Phải có liên hệ tốt với công an khu phố, cảnh sát giao thông, dân biểu.
Hỏi : Tại sao cảnh sát giao thông ?
Đáp : Bởi vì nếu nó đứng rình xe kiếm ăn ở đầu đường, khách sẽ bỏ, đi uống trà đá ở khu khác.
Hỏi : Tại sao dân biểu ?
Đáp : Bởi vì các cha nội này ngủ gà ngủ gật suốt ngày, khi thức dậy hay nói bậy, ra vẻ bận tâm tới việc nước. Nước, nói riêng : trà đá, nói chung : chuyện quốc gia.
Hỏi : Công ty của các bà có gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam hay không ?
Đáp : Nhìn mặt tôi xem có phải ngu độn hay không. Ki cóp cho cọp nó ăn à. Chúng tôi cũng không gởi tiền cho ngân hàng ma, nó cao hứng tuyên bố phá sản là mình ăn mày. Tiền bạc, ông phó chủ tịch cuộn tròn, nhét dưới gầm giuờng. Hay chôn trong vườn. Ngày đêm lo nó cướp giường, cướp vườn. Sẽ phải tìm giải pháp…
Hỏi : Thí dụ ?
Đáp : Thí dụ đấm mõm mấy thằng vẽ bản đồ, phụ trách hoạch định thiết kế khu phố. Nó mà lơ đãng đánh mất bản đồ, vẽ lại là bỏ mẹ.
Hỏi : Để kết luận, bà có thể cho biết vài bí quyết nghề nghiệp, để giúp những người trẻ mới đầu tư ?
Đáp : Thứ nhất : ghế ngồi phải tốt để khách khỏi đau đít, nhưng không quá êm để nó ngồi quá lâu.
Thứ hai : phải dán hình Bác trên bàn, trên tủ kính, để công an không dám vứt vào thùng rác. Nó không sợ ai hết, chỉ chưa dám đụng tới Bác.
Thứ ba : hai phần ba khách hàng phải là tiến sĩ, giáo sư, để nâng cao phẩm chất văn hóa của cơ sở kinh doanh. Ở xứ này bây giờ cái gì đéo có văn hóa là đéo xong.
Thứ tư, quan trọng hàng đầu : Phải biết nói tiếng Tàu, vì kinh doanh ngày nay tiếng Tàu cần hơn tiếng Việt. Không cần thông thạo 29 thứ tiếng, nhưng phải biết tiếng Tàu
Hỏi : Đó là trường hợp ở các đặc khu ?
Đáp : Kinh doanh phải có kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Sẽ có càng ngày càng nhiều đặc khu. Úp mở gì nữa, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ chỉ là tổng hợp những đặc khu của người Tàu.
Hỏi : Xin cám ơn bà Tổng Giám Đốc
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 03/06/2018
Mỗi lần một nhà văn nổi tiếng qua đời, người ta thường nói văn học vừa mất nhà văn lớn nhất. Câu đó được nhắc lại, rất nhiều lần, từ khi nghe tin Philip Roth tạ thế. Trong trường hợp này, câu đó không ngoa. Philip Roth quả thực là một trong những nhà văn hàng đầu, nếu không phải là nhà văn hiện đại quan trọng nhất thế giới.
Philip Roth quả thực là một trong những nhà văn hàng đầu, nếu không phải là nhà văn hiện đại quan trọng nhất thế giới.
Với ngòi bút táo bạo, khinh bạc, khiêu khích, ngang ngược , châm biếm, khôi hài, Roth là nhân chứng số 1 về nước Mỹ, xã hội Mỹ, người Mỹ.
Muốn hiểu thể chế, đời sống chính trị của Hoa Kỳ, chỉ cần đọc Alexis de Tocqueville. Muốn hiểu ảnh hưởng của chính trị từ thời cuộc tới đời sống của mỗi người Mỹ, chỉ cần đọc Roth.
Pastor American (bản tiếng Pháp : Pastorale américaine) nói lên cái khủng hoảng của xã hội Mỹ, vết thương sâu kín của mỗi gia đình Mỹ từ khi có chiến cuộc Việt Nam.
Bối cảnh là một gia đình trưởng giả, thành công về mọi phương diện. Seymour Levov, gốc di dân Do Thái, là điển hình của self-made man, của american dream. Nhìn từ ngoài, gia đình Levov là một tổ ấm hạnh phúc. Vợ là cựu hoa khôi, chồng thành công, có địa vị, được ngưỡng mộ, kính nể. Nhìn từ bên trong, đó là một bi kịch. Cô con gái chống chiến tranh Việt Nam, chống xã hội tiêu thụ, tìm mọi cách đạp đổ những giá trị mà Levov tin tưởng. Gia đình mâu thuẫn, không khí ngột ngạt, american dream trở thành ác mộng. Cái thành công bề mặt không che nổi cái rạn nứt bên trong
Một người Mỹ Do Thái
Roth để lại 31 tác phẩm, hầu hết đều nói lên cái rạn nứt của xã hội Mỹ, cái bơ vơ của mỗi cá nhân trong những cơn lốc của lịch sử. Roth là một người Mỹ Do Thái (historiquement juif, profondément Américain, như ông tự nhận trong một cuộc phỏng vấn trên báo Pháp)
Là người Do Thái, ông phơi trần bộ mặt trái của người Do Thái, tới độ cộng đồng Do Thái coi ông là kẻ phản bội. Là người Mỹ, ông diễn tả bộ mặt trái của Amrican dream, khiến có người gọi một người Mỹ không trầm lặng, trái với một quiet American…
Roth là một cái nhìn tỉnh táo, tàn nhẫn, lạnh lùng, không nhân nhượng. Cái nhìn của một nhà văn lớn : Roth viết không phải để chiều lòng độc giả, chiều lòng cộng đồng, chiều lòng người đồng hương. Chỉ chiều lòng văn chương.
Đó là một nhà văn hoàn toàn tự do, không đếm xỉa đến sự phán xét của dư luận. Không có tự kiểm duyệt, nhân danh luân lý, đạo đức, danh dự cộng đồng , tự ái dân tộc , hay bất cứ lý do lỉnh kỉnh gì khác. Roth chỉ tôn trọng một điều : sự thực.
Ông phơi bày trên trang giấy khuôn mặt thực của xã hội. Trong hầu hết 31 tác phẩm, từ Portnoy et son complexe (nguyên tác Anh ngữ : Portnoy‘s complaint) tới những cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Roth không ngừng đả kích, châm biếm cái đạo đức giả, cái bệnh thời thượng gọi là political correctness.
Roth nói nhà văn chỉ có một bổn phận : trung thực với chính mình và chỉ nên có một ưu tư : phẩm chất của văn chương.
Theo ông, văn chương đóng vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng bi quan, không tin văn chương có thể thay đổi cục diện thế giới. Mặc dầu vậy, nhiều người nghĩ Alexandre Portnoy của Roth và Holden Caulfield của Salinger là hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trong hậu bán thế kỷ 20.
Roth không ngồi trong tháp ngà, không phải là một nhà văn thương mây khóc gió, mặc dù ông thích cô đơn, tránh xa những đám hội hè, xã giao. Roth sống với thời đại, quan sát thời cuộc với đôi mắt sắc như dao, tìm hiểu thời sự và cảm nhận vết rạn của xã hội, vết thương của con người.
Trong Parlons travail (Shop Talk), ông mạn đàm, trao đổi quan điểm, phương pháp làm việc của những nhà văn nhân chứng như ông mà ông cảm phục : Milan Kundera, Primo Levi, Isaac B. Singer, John Updike, Bernard Malamud…
Roth nói, một cách khiêm nhượng : Updike và Bellow, với những những ngọn đèn đã soi sáng, cho thấy thực trạng của thế giới hiện đại. Tôi đào một cái lỗ nhỏ, với ngọn đèn bỏ túi, lúi húi quan sát cái lỗ nhỏ đó.
Tự kiểm duyệt
Sau Roth, văn chương thế giới không còn tự do nữa, hoặc bị kiểm duyệt ở những xứ độc tài, hoặc tự kiểm duyệt nhân danh luân lý, đạo đức, nhân danh chủ nghĩa politically correct ở những nơi khác, trong một thời đại đắc thắng của các chế độ mị dân, không có đối thoại, suy nghĩ, phản kháng, không còn ai đặt vấn đề.
Roth nổi tiếng khắp thế giới từ Portnoy et son complexe (1969). Khởi đầu, người ta choáng váng với một lối hành văn sống sượng, với cách đề cập tới tình dục một cách táo bạo, ngoài sức tưởng tượng của những người táo bạo nhất. Không thua gì một cuốn sách porno. Có những cuộc biểu tình lên án nhà văn porno Philip Roth.
Cuốn tiểu thuyết là lời tâm sự của Alexandre Pornoy, một nhân vật bị tình dục ám ảnh ngày đêm. Mỗi trang sách là một trang sex. Pornoy nghĩ tới sex suốt ngày, thấy đàn bà già trẻ lớn bé là mơ chuyện đè ra làm tình, đàn bà Do Thái và nhất là đàn bà không phải Do Thái. Portnoy thủ dâm trước, trong khi, và sau khi ăn, ngủ. Portnoy thủ dâm ở nhà, trên xe bus, làm tình với một cái găng tay da, làm tình, thủ dâm với một miếng thịt bò. Trong đầu Portnoy, chỉ có một cái sex to tổ bố. Sigmund Freud, nếu nghe Partnoy cũng chào thua.
Cộng đồng Do Thái phẫn nộ : cuốn sách mô tả một nhân vật Do Thái trái hẳn với hình ảnh một người Do Thái kiểu mẫu. Người Do Thái kiểu mẫu sống đạo đức, không... thủ dâm, chỉ có một ưu tư là hạnh phúc gia đình ! Có người coi Portnoy et son complexe là kẻ thù của dân tộc Do thái, ngang với Mein Kampf của Hitler.
Những phong trào nữ quyền kết án ông miệt thị phụ nữ, cũng như đã kết án một bạn văn tâm đắc nhất của ông : Milan Kundera. Ít nhà văn nào xứng đáng Nobel Văn chương hơn Roth và Kundera, cả hai đều không được giải, một phần lớn vì lý do đó. Năm nào đến mùa Nobel, người ta cũng nhắc tới Roth, để cuối cùng trao cho người khác. Roth đã đi trước thời đại quá xa.
Nobel không phải là mối bận tâm của Roth. Nobel đã từng bỏ quên những nhà văn lớn nhất : Proust, Rilke, Joyce, Kafka, Malraux, Orwell, (Virginia) Wolf…
Tự do tuyệt đối
Cái khiến Roth bực mình là đã nổi tiếng vì những trang viết về sex. Cái làm ông buồn hơn hết là đã bị những người Do Thái kết án ông là kỳ thị Do Thái, cái tội lớn nhất, đáng ghê tởm nhất sau thảm kịch Holocaust (Shoah).
Với Potnoy et son complexe, Roth chỉ muốn nói về con người muôn mặt, từ cái xấu đến cái tốt, từ bề ngoài tới những ngõ ngách kín đáo nhất của thân xác, của tâm hồn. Portnoy không thoát khỏi sự ngự trị của nhục dục, cũng như tất cả chúng ta, mỗi người, đều bị ràng buộc bởi thân xác, hay những điều mình không kiểm soát được.
Roth không chịu nổi cái xã hội giả dối bao quanh. Ông muốn quẳng sự thực vào mặt mọi người. Gọi con mèo là con mèo, không mầu mè, úp mở. Roth gào thét tự do.
Đối với nhiều nhà văn, Roth mở cho họ một đại lộ, một khung trời : cái tự do không giới hạn.
Không sống ở Hoa Kỳ, tôi không biết giới văn chương Mỹ nghĩ gì về Roth, nhưng tin nhà văn Mỹ Armistead Maupin khi ông nói : ở Pháp, Roth được trọng vọng hơn là ở chính quê hương ông, mặc dầu không ai phủ nhận chỗ ngồi của Roth trong "liste A", những nhà văn hàng đầu.
Ở Pháp, nếu hỏi tên nhà văn hiện đại đáng kể nhất, hầu như tất cả giới viết lách đều nghĩ tới Philip Roth. Phải chịu khó kiếm mới tìm ra một người chê Roth như nhà phê bình Angelo Renaldi, thuộc Hàn Lâm Viện.
Cách đây vài tháng (tháng 10/2017), Nhà xuất bản Gallimard đưa Roth vào tuyển tập Pléiade, một collection dành cho những nhà văn uy tín nhất thế giới.
Pléiade là một bộ sách quý, mạ vàng, bìa da mỏng, trên giấy đặc biệt, bán giá cao, thường thường in toàn bộ tác phẩm của những nhà văn uy tín nhất đã tạ thế. Nghĩa là tác phẩm đã được thời gian đánh giá.
Trong số 250 tác giả có mặt, từ khi Pléiade ra đời (1931), chỉ có 18 tác giả được lựa chọn lúc còn sinh tiền : Gide, Claudel, Malraux, Char và… Roth. Cũng như trước đó, Roth cùng với Saul Bellow và Eudora Welty, là ba nhà văn có tác phẩm được in, thời sinh tiền, trong tuyển tập của Library of American.
Giã từ giấy bút
Roth ngưng viết từ 2010, và tuyên bố bỏ hẳn từ 2012. Ông nói chưa bao giờ sống hạnh phúc hơn những ngày về hưu, vì đã cởi bỏ được một gánh nặng, là cái ưu tư của người cầm bút, coi chuyện viết lách là thiêng liêng.
Ông nói mỗi lần viết là nhẩy vào một thế giới lạ, những năm sau này ông có cảm tưởng nhẩy vào hư không. "Tôi chỉ có thể viết dở hơn, vì không còn óc sáng tạo nữa. Viết dở hơn để làm gì ?". Vả lại, nước Mỹ hiện nay, theo Roth, không phải là đất của văn chương, xã hội đi vào ngõ cụt, Trump là một đại họa, nhưng cũng là tiêu biểu cho một thời đại nhiễu nhương.
Qua 31 tác phẩm, đều là best sellers, Roth đã quan sát từng hơi thở của xã hội Mỹ, nhưng người đọc khắp nơi thấy mình qua những dòng chữ của Philip Roth.
La Tâche (The Humain Stain) là bi kịch của những người đi tìm I.D. (identité, căn cước) của mình trong một xã hội hợp chủng và kỳ thị chủng tộc. Le Complot contre l’Amérique (The Plot against America) một cái nhìn bi quan về chính trường Mỹ.
Hầu hết nhân vật của Philip Roth đều là người Mỹ Do Thái, một phần là chính tác giả, một phần lớn là giả tưởng, nghĩa là thật hơn những nhân vật có thực.
Trong 31 tác phẩm, chỉ có một tự truyện, Roth nói về mình : Parimoine (Patrimony. A True Story). Đó cũng là cuốn truyện cảm động nhất, kể lại thời gian tác giả sống với bố khi ông này vùng vẫy chống lại bệnh ung thư óc, trong những ngày cuối cùng. Nói về người cha sắp lìa đời, Roth quên giọng văn khiêu khích để trở nên rất tế nhị, kín đáo…
Nói về tuổi già, về cái chết, cái cô đơn, về những vết thương của mỗi cá nhân, cái nứt rạn của xã hội, Roth lúc nào cũng không quên vai trò của một nhân chứng. Một nhân chứng đã đứng nhìn, bất lực, những đổi dời ở Newark, New Jersey nơi ông ra đời, ở nước Mỹ nơi ông sinh sống, từ đệ nhị thế chiến cho tới ngày nay.
Sau Saul Bellow, Bernard Malamud, và gần đây, Tom Wolfe, bây giờ tới lượt Philip Roth ra đi. Không còn ai cầm đèn rọi, quan sát một thế giới đang quay cuồng, không biết sẽ đi về phương trời nào.
Từ Thức
Nguồn : Tuthuc-paris-blog.com, 26/05/2018
Người ta vẫn ngạc nhiên - hay thất vọng - thấy chưa có một tác phẩm lớn lột trần hết cái xã hội băng hoại ở Việt Nam ngày nay. Một trong những lý do là sự thực nó khủng khiếp hơn cả trí tưởng tượng.
Cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng - Ảnh minh họa - thoisunong.net
Một nhà văn dù trí tưởng tượng lớn tới đâu, ghét cộng sản tới mức nào, cũng không thể tưởng tương chuyện cô giáo quỳ, cô giáo bắt học trò uống nước giẻ lau bảng, cô giáo đòi học trò nộp tiền phạt vì phạm nội quy của cô đã đề ra.
Đéo mẹ, đây là giang sơn của tao, không đưa tao 100 ngàn thì cút, tao đéo cần cái tư cách giáo viên giẻ rách, không có trường nào dạy một con lợn như mày thành người được đâu, tiên sư mày, không nộp tiền thì cút.
Và học trò trả lời : Đéo đóng tiền, đéo học nữa.
Nếu chứng kiến chuyện đó, cũng khó viết, khó kể. Người đọc sẽ khó chịu, cảm thấy tác giả đi quá lố, và chép miệng : những gì quá lố đều vô nghĩa. Tout ce qui excessif est insignifiant !
Bởi vì sự thực trong tiểu thuyết nó khác với sự thực ngoài đời. Bởi vì sức chịu đựng của người đọc có giới hạn.
Người ta xúc động trước những chuyện đau buồn, nhưng khi chuyện đau buồn theo nhau hết trang này tới trang khác, và vượt qua, không phải sự thực, nhưng vượt qua sự chấp nhận của độc giả, người ta gấp sách, không đọc nữa, hay đọc mà không xúc động nữa. Gần như một phản ứng tự vệ, một cách từ chối cái xấu, cái đau, cái khổ khi nó đi quá xa , nó vượt lằn đỏ.
Sức chấp nhận cái buồn, cái thảm kịch của độc giả có giới hạn hơn là khả năng chịu đựng vô hạn ở ngoài đời. Vì vậy, muốn diễn tả những bi kịch lớn phải có những thiên tài như Shakespeare. Ngay cả Shakespeare cũng phải dùng những tiểu xảo. Trong hầu hết các kịch bản của Sir Willliam đều có một anh hề, một clown blanc, white clown, không liên hệ gì tới câu chuyện, nhưng đóng vai quan trọng. Mỗi khi bi kịch lên tới cực độ, anh hề nhẩy ra sân khấu, múa hát, giễu cợt. Để làm thư giãn tâm hồn khán giả. Để sửa soạn cho họ chấp nhận những bi kịch kế tiếp.
Nelson Mandela nói giáo dục là võ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Giáo dục là thực trạng của xã hội ngày nay, là khuôn mặt tương lai của một dân tộc. Những cô giáo nói trên đã thay những nhà văn, những tác phẩm lớn , mô tả chân thực xã hội Việt Nam ngày nay, hé mở cho thấy tương lai của dân tộc. Nếu dân tộc còn có một tương lai, còn tồn tại trong những tháng tới, những năm mới.
Sự băng hoại của xã hội Việt Nam đã vượt qua sức tưởng tượng. Người viết văn bất lực. Các clown blanc bó tay, thua xa các anh hề lãnh tụ, các giáo sư, tiến sĩ thi nhau ăn nói ngớ ngẩn để mua vui một đám khán giả mệt mỏi, rã rời, không còn sức để cười. Shakespeare có tái thế cũng chào thua.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 07/05/2018
Trước Gramsci, có người nghĩ văn hóa giải thích tất cả. Sau Gramsci, người ta biết văn hóa giải thích tất cả, quyết định tất cả.
Antonio Gramsci (1891-1937)
Antonio Gramsci, một lý thuyết gia chính trị Ý, ít được nhắc tới ở Việt Nam, trước đây là cẩm nang của những phong trào chính trị, cách mạng trên thế giới, ngày nay là tác giả gối đầu giường của các chính trị gia, thuộc mọi khuynh hướng, từ cực tả tới cực hữu, ở Âu Châu.
Gramsci (1891-1937) đã hệ thống hóa lý thuyết dùng văn hóa để giải thích xã hội, chính trị và, từ đó, coi văn hóa là võ khí để đấu tranh. Những yếu tố khác, đứng đầu là kinh tế, chỉ là thứ yếu.
Muốn thay đổi xã hội, không thể hà tiện một cuộc cải cách văn hóa từ gốc rễ. Phải thay đổi tư duy, nếu muốn thực sự thay đổi xã hội. Nếu không, sẽ chỉ là những cuộc nổi loạn, những cuộc đảo chánh.
Tranh tối tranh sáng
Gramsci trước hết là một người quan sát xã hội với cái nhìn sâu sắc. Hãy thử dùng một câu nổi tiếng nhất của Gramsci để giải thích hiện trạng băng hoại của xã hội Việt Nam ngày nay.
Gramsci : "Cái khủng hoảng nằm trong hiện tượng thế giới cũ đang chết trong khi thế giới mới chưa thành hình. Trong tình trạng tranh tối tranh sáng đó, người ta chứng kiến những hiện tượng bệnh hoạn dưới mọi hình thức" (1).
Chế độ cộng sản đang chết, nhưng chế độ dân chủ chưa thành hình, xã hội khủng hoảng băng hoại. Người ta chứng kiến những hiện tượng bệnh hoạn mỗi ngày, trước mắt : bộ trưởng y tế đồng lõa làm thuốc giả ; "học giả" cải đổi chữ quốc ngữ cho giống tiếng Tàu, một đám no cơm ấm cật nhẩy múa tại nơi và ngày đáng lẽ là nơi và ngày tưởng niệm những đồng bào đã bị giặc Tàu thảm sát, nhà nước võ trang cướp đất của dân, quân đội thay vì chống ngoại xâm giữ nước đã tổ chức đội ngũ dư luận viên để "chiến đấu" chống tử thù là những người còn có chút lòng với đất nước, những cảnh sư quốc doanh nhẩy nhót trác táng một cách thô bỉ, và, ở hải ngoại, những tổng thống tự phong thi nhau múa may, quay cuồng.
Một thí dụ điển hình nhất là chuyện cô giáo bị bắt quỳ. Một "chuyện dưới huyện" nhưng cho thấy cả một xã hội băng hoại. Một cán bộ quèn, nghĩ là đảng viên đảng cộng sản thì có quyền sinh sát, một cô giáo không còn tự trọng, một hiệu trưởng sẵn sàng cộng tác làm chuyện thô bạo để bảo vệ nồi cơm, những đồng nghiệp bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để được yên thân, một nền giáo dục lạc hậu thầy giáo bạo hành (bắt học sinh quỳ) thay vì hướng dẫn, dạy dỗ…
Những hiện tượng mà Gramsci gọi là "quái dị" (monstrueux) của thời tranh tối tranh sáng, xẩy ra mỗi ngày, trước mắt.
Nếu thời gian tranh tối tranh sáng kéo dài quá lâu, những hiện tượng đó dần dần trở thành bình thường. Trong một xã hội bệnh hoạn, không có chuyện gì còn đáng ngạc nhiên nữa, không thấy cái gì trơ trẽn, lố bịch nữa. Người ta mất cả khả năng bất bình.
Vô cảm
Người ta nói rất nhiều tới hiện tượng vô cảm trong xã hội Việt Nam. Nhiều người tìm hiểu tệ trạng vô cảm, nhưng có lẽ ít ai có thể giải thích ngắn gọn hơn Gramsci : "Cái bất hạnh có hai hậu quả : thường thường nó dập tắt tất cả tình thương của chúng ta đối với người bất hạnh, và, không hiếm hơn, nó dập tắt tình thương nơi những người bất hạnh đối với những người bất hạnh hạnh khác" (2).
Gramscisme
Rất khó tóm tắt lý thuyết của Gramsci, cũng như rất khó tóm tắt lý thuyết Marx. Raymond Aron nói cái lợi hại của chủ nghĩa Marx là người ta có thể "giải thích trong 5 phút, 5 giờ, 5 ngày, 5 tháng, 5 năm hay 5 thế kỷ".
Hãy tạm tóm tắt lý thuyết Gramsci (Gramscisme, Gramscism) trong 5 phút, qua 2 chữ : "lãnh đạo văn hóa" (hégémonie culturelle). Người ta có thể chiếm chính quyền bằng võ lực, nhưng chỉ có thể tồn tại và cải tiến sâu rộng xã hội qua văn hóa.
Gramsci phân chia xã hội ra hai thành tố mà ông gọi là :
1. xã hội chính trị, quyền lực chính trị (société politique, hay pouvoir politique), và
2. xã hội dân sự (société civile).
Quyền lực chính trị (pouvoir politique), bao gồm các cơ chế nhà nước, bộ máy chính quyền : chính phủ, quân đội, công an, cảnh sát... Xã hội dân sự (société civile) là tất cả những gì thuộc địa hạt tư nhân, lãnh vực tinh thần, sở hữu của mỗi cá nhân, địa hạt của văn hóa, tôn giáo, tri thức, đạo đức, nhân sinh quan, triết lý sống tiềm tàng trong một xã hội. Tóm lại : tư duy của một dân tộc.
Lật đổ một chính phủ, một tập đoàn cầm quyền, chiếm quyền lực chính trị (pouvoir politique) chỉ là một cuộc đảo chánh.
Muốn bền vững, muốn thay đổi xã hội, phải đấu tranh và chiến thắng trên địa hạt văn hóa, phải nắm xã hội dân sự (société civile), phải thay đổi tư duy. Phải đặt một nền tảng văn hóa mới.
Chính quyền phải được một sự hậu thuẫn ngầm, đương nhiên, của một xã hội cùng chia sẻ những giá trị tinh thần tiềm tàng, sâu kín trong tiềm thức của một dân tộc.
Gramsci giải thích tại sao cách mạng "vô sản" chỉ thành công ở Nga nhưng thất bại ở Âu Châu. Bởi vì trong xã hội Nga, và nói chung, xã hội Đông Phương, nhà nước là tất cả, xã hội dân sự còn sơ khai, chỉ cần chiếm vài cơ sở huyết mạch là chiếm được quyền lực.
Trái lại, các nước Tây phương, xã hội dân sự, nói khác đi, quyền lực văn hóa phức tạp, sâu xa (với văn chương, nghệ thuật, triết học...), xã hội dân sự phong phú (với các hội đoàn, các nghiệp đoàn, báo chí, đảng phái…), nắm được chính quyền không dễ, áp đặt một chế độ mới là chuyện không thể xẩy ra.
Chính vì vậy, cộng sản chỉ cần chiếm vài cơ sở chính yếu ở Nga là đã thành công trong cách mạng 1917, người dân hầu như không hay biết gì. Nhưng sau đó, vì không có cỗi rễ văn hóa, không có sự đồng thuận tư duy, Staline không có cách gì khác hơn để duy trì quyền lực là sự khủng bố (terreur).
Không có đồng thuận, nhà nước phải dùng khủng bố (terreur). Nhưng người ta không thể xây dựng bất cứ gì trên sự khủng bố. Tất cả tài nguyên, nhân lực quốc gia chỉ dành cho ưu tiên hàng đầu là củng cố guồng máy đàn áp. Hệ quả của tình trạng này là guồng máy quốc gia tê liệt, kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, xã hội băng hoại.
Hai chân
Trong một xã hội có dân trí cao, không thể có quyền lực chính trị lâu dài, nếu trước đó không chuẩn bị, đặt nền móng văn hóa. Nhận xét này của Gramsci giải thích tại sao ở những nhiều nước Phi Châu hay Á Châu, thường xảy ra những cuộc đảo chánh, trong khi ở một xứ dân trí cao, không ai nghĩ đến việc lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Xã hội ổn định không phải vì có chế độ dân chủ mà vì có sự đồng thuận về dân chủ, có văn hóa dân chủ.
Gramsci nói một cuộc cách mạng, muốn bền vững, phải đứng trên hai chân : nắm những cơ cấu chính quyền và thành công trong việc đặt nền tảng văn hóa, qua mọi sinh hoạt có ảnh hưởng tới tư duy : báo chí, kịch nghệ, văn chương, tôn giáo, triết học…
Nắm quyền không phải chỉ một cuộc nổi dậy, nhưng là cả một cuộc chuẩn bị văn hóa để đa số đồng thuận trên những giá trị tinh thần chung.
Gramsci quả quyết muốn nắm được đa số chính trị (majorité politique), phải có đa số ý thức hệ (majorité idéologique), bởi vì chỉ khi nào xã hội bị gặm nhấm bởi những ý tưởng mới, khác hẳn ý tưởng đã có trong đầu do kết quả của giáo dục, của môi trường xã hội, hay của chính sách nhồi sọ, lúc đó nên tảng chế độ hiện hữu mới lung lay, người dân mới sẵn sàng tiếp nhận và ủng hộ những thay đổi.
Gramsci, ông là ai ?
Antonio Francesco Sebastino Gramsci, sinh năm 1911 tại Sardaigne, là một người Ý gốc Albanie. Ông nội của Antonio phục vụ trong ngành cảnh sát Ý, kết hôn với một phụ nữ Ý và định cư ở Gaète (gần Naples). Bị lao xương từ năm ba tuổi, nhưng không thuốc men và chỉ được chẩn bịnh khi ở trong tù, suốt đời bịnh tật, khiến thân thể không lớn được, nhưng trí óc minh mẫn khác thường, nên ông được nhiều học bổng tại các đại học có uy tín và tiếp xúc với nhiều trí thức.
Chống phát xít một cách tích cực, Gramsci gia nhập đảng cộng sản quốc tế ở một thời đại cộng sản là lực lượng chống phát xít hữu hiệu nhất, và chưa ai biết gì về những trại lao cải ở Liên bang Xô Viết (goulag).
Gramsci bất đồng với cả Staline và khuynh hướng xét lại về nhiều vấn đề. Có lẽ vì vậy mà đảng cộng sản đã im lặng khi ông bị phát xít Ý cầm tù.
Gramsci bị kết án phản loạn, nhưng mục đích chính của Mussolini khi bỏ tù Gramsci là "ngăn cản không cho bộ óc Gramsci phát triển". Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Giam giữ, tàn phá thân thể không cấm được bộ óc hoạt đông. Nhiều khi gặp kết quả ngược lại, nhất là với những bộ óc như Antonio Gramsci, Stephen Hawking.
Bị bắt giam từ 1927, Gramsci chết trong tù năm 1937, hưởng thọ 46 tuổi. Nhưng trong mười năm ngồi tù, Gramsci say sưa, cậm cụi viết 33 tập sách nhỏ, gọi là Ghi chú trong tù (Cahiers de Prison, Prison Notebooks). Ông nói muốn viết một tài liệu để đời. Những trang viết tay, trên những tập vở học trò, được xuất bản năm 1940, Cahiers de Prison đã gây tiếng vang lớn trên khắp thế giới. Tư tưởng của Gramsci đã hướng dẫn, hay ảnh hưởng rất đáng kể đến những phong trào chính trị từ Ấn Độ, Phi Châu tới Nam Mỹ trong nhiều thập niên sau đó.
Từ tả tới hữu
Gramsci là một trí thức thiên tả, nhưng ngày nay, lý thuyết của Gramsci được học tập, trao đổi, áp dụng từ tả sang hữu, từ cực tả tới cực hữu.
Ở Pháp chẳng hạn, không có chính trị gia nào, đảng phái nào không trích dẫn, nghiên cứu Gramsci. Sarkozy, cựu Tổng thống hữu phái nói : "Tôi đồng ý với Gramsci : quyền lực chỉ có thể chinh phục qua tư tưởng". Đảng Xã Hội tổ chức những buổi hội luận về Gramsci. Đảng cộng sản đã học tập Gramsci từ lâu. Lãnh tụ phong trào cực tả Jean-Luc Mélenchon, áp dụng lời khuyên của Gramsci, đã lập một đài truyền hình riêng (Le Média) và những khóa huấn luyện cán bộ để võ trang tư tưởng. Marion Le Pen, cực hữu, dự tính mở trường để đào tạo đảng viên có ý thức văn hóa, thấm nhuần tư duy cực hữu.
Tất cả đều đồng ý : nếu chỉ nghĩ tới bầu cử, sinh hoạt hời hợt, những chiến thắng đạt được chỉ là những chiến thắng nhất thời. Nếu thắng trong một cuộc bầu cử này, thì sẽ bị đạp đổ trong một cuộc bầu cử khác.
Chỉ có thể chiến thắng lâu dài, nếu tạo được một nền tảng văn hóa, trong tư duy của mỗi công dân, ít nhất trong đa số công dân.
Phải làm thế nào để đa số người dân đồng thuận trên những giá trị tinh thần chung. Nếu cử tri tin tưởng ở bậc thang giá trị hữu phái, anh ta sẽ bầu cho hữu phái, anh ta sẽ lựa chọn ứng cử viên hữu phái hợp ý nhất, nhưng không bao giờ nhìn sang bên cạnh.
Nếu không có văn hóa, thiên về tư duy tả phái hay hữu phái, lập trường chính trị của người công dân sẽ lang thang, đổi ý, đổi phe, tùy cơ hội, hoàn cảnh.
Một người còn tin tưởng ở chủ nghĩa cộng sản, sẽ tìm mọi cách bào chữa cho các chế độ cộng sản. Trước những bằng chứng hiển nhiên về sự tệ hại của chế độ, anh ta sẽ đi tới lý luận cuối cùng : đó chỉ là sự sai lầm của người thi hành, không phải của chủ nghĩa.
Trong trường hợp Việt Nam, những người đấu tranh phải đi tới một đồng thuận chung : con đường sống của đất nước là những giá trị phổ cập của nhân loại, tôn trọng tự do và quyền con người.
Mặt trận văn hóa trường kỳ
Alain de Benoist, lý thuyết gia cực hữu số 1 của Pháp, đã nghiên cứu và dùng tư tưởng của Gramsci như một phương tiện để giành đất với phe tả.
Benoist nói nước Pháp, nhất là trí thức, có khuynh hướng khuynh tả vì đó là kết quả một mặt trận văn hóa trường kỳ. Cách mạng 1789 chỉ có thể thành hình bởi vì ý tưởng cách mạng đã được gieo rắc từ những năm ánh sáng (années des lumières) trong hàng ngũ trí thức, quý tộc, trưởng giả, vì đó là những trung tâm quyết định.
Benoist diễn giải Gramsci : Trong tương lai, đấu tranh chính trị sẽ không còn là những cuộc giáp chiến trên địa bàn rộng lớn, mà là những cuộc chiến đấu tại chỗ.
Mỗi phe tìm cách bành trướng ảnh hưởng của mình. Yếu tố quyết định của trận chiến đó, Gramsci gọi là "chiến tranh định vị" (guerre de position), trái với "chiến tranh di động" (guerre de mouvement), trong đó võ khí là văn hóa. Văn hóa được coi là địa bàn hoạt động, bộ tổng tham mưu (3).
Khi tư duy đó đã trở thành mẫu số chung, người ta sẽ phân tách thời cuộc, thời sự, lịch sử dưới lăng kính đó. Đưa những dữ kiện khách quan không đủ thuyết phục, phải thay đổi tư duy.
Phong trào nổi loạn tháng Năm 68 (Mai 68) mà nước Pháp sắp kỷ niệm 50 năm, đã thay đổi xã hội Pháp, và, trên địa hạt chính trị, đã củng cố tư duy thiên tả của trí thức Pháp. Chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, đã được nhìn qua lăng kính đó, bất chấp những dữ kiện khách quan. Ngày nay, cái nhìn đó đã thay đổi, tư duy thiên tả không còn là đa số, một phần nhờ sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, hình ảnh bi thảm của những thuyền nhân (boat people), nhưng phần lớn cũng nhờ vào những lập luận mang tính "chiến tranh định vị" trường kỳ của các triết gia, trí thức như Raymond Aron, Jean-François Revel, Francois Furet…
Tư tưởng là chuyện viển vông, nhưng trong lịch sử, bao giờ tư tưởng cũng dẫn đường nhân loại. Tới vùng ánh sáng hay rơi xuống vực thẳm là hậu quả của những tư tưởng dẫn đường. Trước bất công và đàn áp, những phản ứng chống lại, thường nhật hay khẩn cấp đều là cần thiết, phải có, rất đáng khâm phục, nhưng không thể bỏ qua việc xây dựng một cơ sở tư tưởng về lâu về dài.
Để nói về những hiện tượng thay đổi chính trị nhất thời, Gramsci dùng chữ "lãnh tụ hóa" (Ceasarism).
Những lãnh tụ (Ceasar) nhờ tài năng, nhờ cá tính mạnh, có khả năng thu hút quần chúng, nắm được chính quyền, nhưng không có căn bản dân sự hỗ trợ, sẽ chẳng làm được gì, sẽ bị các Ceasar khác lật đổ, thay thế, trước sự thờ ơ của dân chúng. Lãnh đạo giỏi thôi cũng chưa đủ, phải có chuẩn bị văn hóa, nền tảng dân sự để duy trì quyền lãnh đạo lâu dài.
Tư duy dân chủ
Trở về với Việt Nam, người ta có thể rút tỉa gì từ Gramsci ?
Khi tư duy của một dân tộc bị nhồi sọ liên tục gần một thế kỷ chưa thay đổi, chuyện thay đổi chế độ sẽ còn gian nan. Có thể những người bất mãn với chế độ cộng sản càng ngày càng đông, nhưng người ta khó xây dựng gì vững vàng trên sự chống đối. Chỉ có thể xây dựng xã hội mới trên tư duy mới, khi đa số tin tưởng ở những giá trị mới.
Người dân chỉ chủ động dấn thân vào công cuộc xây dựng dân chủ, khi thấu hiểu, hay biết rõ dân chủ sẽ thay đổi cụ thể đời sống của mình, tương lai của con cháu mình theo chiều hướng tốt. Khi nào những ý niệm dân chủ vẫn còn đóng khung trong những khẩu hiệu, sự thờ ơ vẫn còn, và chính sách khủng bố của chế độ đương quyền vẫn còn hữu hiệu.
Tóm lại, mặt trận văn hóa luôn luôn là một ưu tiên, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách.
Ismaïl Kadaré, nhà văn hàng đầu của Albanie, nói : "ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta cũng phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa".
Có lẽ hai chữ văn hóa có hơi quá mênh mông trong tư tưởng Gramsci.
Gramsci là một lý thuyết gia chính trị, ông chỉ nói theo suy luận của một trí thức, một nhà tư tưởng chính trị. Trong thực tế, văn hóa theo quan điểm Gramsci rất giản dị : đó là vai trò của xã hội dân sự.
Chỉ khi nào một quốc gia có những tổ chức xã hội dân sự phong phú, và tất cả có chung một giá trị tinh thần, ở Việt Nam hiện nay là dân chủ, xã hội đó có cơ sở vững chắc để thay da đổi thịt.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 16/04/2018
(1) La crise consiste dans le fait que le nouveau monde se meurt et que le nouveau tarde à apparaître, et dans ce clair-obscur surgissent les phénomènes morbides les plus variés (Gramsci).
(2) Le malheur a habituellement deux effets : souvent il éteint toute affection envers les malheureux, et non moins souvent, il éteint chez les malheureux toute affection envers les autres (Gramsci).
(3) L’avenir n’est plus à la guerre de mouvement, mais à la guerre de position. Et l’enjeu de cette "guerre de position" est la culture, considérée comme le poste central de commandement et de spécification des valeurs et des idées (Alain de Benoist).
Ông Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc một viếng thăm gần như lén lút ở Pháp. Như thông lệ, những ký kết thương mại giữa một nước dân chủ với một nước độc tài chỉ là những buổi ký kết giao kèo kín đáo.
FLC đã ký hợp đồng thỏa thuận chính thức về việc mua 24 máy bay với Airbus cho hãng hàng không Bamboo Airways - Ảnh CafeF
Cả hai đều ngại phải trả lời dư luận về vấn đề nhân quyền, về chiến dịch đàn áp đối lập, bát bớ các bloggers tàn bạo nhất ở Việt Nam từ khi ông Trọng nắm bộ máy Đảng, nghĩa là nắm toàn quyền ở Việt Nam.
Bang giao thực dụng
Việt Nam muốn bắt tay với Pháp, vì đang gặp khó khăn với Đức từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đức và Pháp là hai quốc gia rường cột của Liên hiệp Âu Châu. Qua ngả Pháp, chính quyền cộng sản Việt Nam, càng ngày càng cô lập, muốn thổi nóng lại mối bang giao với Liên Hiệp Âu Châu.
Emmanuel Macron, theo chủ nghĩa chính trị thực tiễn, muốn nhân cơ hội, nhẩy vào thị trường Việt Nam, chiếm chỗ của Đức.
Cho tới nay, Đức vẫn là quốc gia có đối tác thương mại với Việt Nam lớn nhất ở Âu Châu, với trên 9 tỷ Euros (10 tỷ dollars), năm 2016. Pháp chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các quốc gia trao đổi thương mại với Việt Nam.
Macron nói nước Pháp phải có mặt nhiều hơn ở Việt Nam, một thị trường gần 100 triệu người, hiện nay chỉ thực hiện với Pháp 1% trên tổng số trao đổi thương mại quốc tế. Cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Việt Nam : 4 tỷ rưỡi dollars xuất cảng so với 1 tỷ rưỡi nhập cảng.
Trong mục tiêu đó, Macron đã đạt được những thắng lợi đầu tiên. Trong cuộc thăm viếng của Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết một số thỏa ước thương mại quan trọng. Các công ty lớn của Pháp Bouygues, EDF, Safran sẽ thực hiện dự án xe điện ngầm ở thành phố Sài Gòn, nhà nhiệt điện 2000 mégawatts ở Sơn Mỹ, trang bị kỹ thuật bảo trì hàng không và cung cấp 24 máy bay Airbus.
Tham vọng văn hóa
Macron cho hay sẽ viếng thăm Việt Nam trong năm 2019. Đặt chân trở lại Việt Nam là cơ hội cho Pháp gây dựng lại ảnh hưởng trong vùng, bị sa sút từ trên một nửa thế kỷ. Không phải chỉ trên địa hạt chính trị, kinh tế, nhưng cả trên địa hạt văn hóa.
Tham vọng của Macron là nới rộng vùng nói tiếng Pháp (francophonie), làm sống lại ngôn ngữ Pháp, văn hóa Pháp đã bị quên lãng ở thuộc địa cũ. Macron nói sẽ xây dựng một Maison de France (Ngôi nhà Pháp quốc) ở Việt Nam, tăng cường trao đổi văn hóa, giáo dục, du lịch giữ hai nước.
Trong bối cảnh đó, nhân quyền trở thành thứ yếu ở một xứ vẫn tự hào là cha đẻ của nhân quyền.
Nguyễn Phú Trọng tuyên bố hai bên "sẽ tôn trọng sự khác biệt về thể chế và nguyên tắc không can thiệp tới nội bộ của nước khác". Elysée (Dinh Tổng thống Pháp) nói tự do ngôn luận, vấn đề các bloggers đã được đề cập tới trong cuộc gặp gỡ với Nguyễn Phú Trọng, và tin rằng việc cộng tác, giúp đỡ Việt Nam cải thiện các cơ sở pháp lý sẽ có ảnh hưởng tốt tới tự do ngôn luận, nhân quyền.
Theo Reuters, một cách chính thức, Pháp nói Việt Nam đã có tiến bộ về nhân quyền, nhưng trong hành lang, Elysée nhìn nhận vấn đề nhân quyền là một ưu tư và "hiện có sự sa sút trong tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, nhưng việc hợp tác trên phương diện pháp lý rất quan trọng để tạo cơ hội đề cập và cải thiện vấn đề này".
Lối nói nước đôi của Macron phản ảnh sự lung túng của Pháp.
Một mặt không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi, do tình thế cô lập của Việt Nam, trục trặc ngoại giao Đức-Việt, để gây lại ảnh hưởng Pháp ở Á Châu, sau khi đã tăng cường bang giao với Ấn Độ.
Một mặt hiểu rằng muốn đóng vai leader ở Âu Châu, lợi dụng cơ hội bà Merkel bị khó khăn vì chính trị nội bộ ở Đức, Pháp không thể phủi tay về vấn đề nhân quyền.
Quốc hội Âu Châu, tháng 12 vừa qua, đã thông qua một nghị quyết đòi trả tự do cho các ký giả và những người tranh đấu cho nhân quyền đang bị giam giữ ở Việt Nam. Một số dân biểu Âu Châu kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu đình chỉ việc phê chuẩn thỏa ước giao thương giữa Việt Nam và Âu Châu, dự tính trong năm nay, vì những vi phạm nhân quyền càng ngày càng trắng trợn ở Việt Nam
Khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân tới Paris, người Pháp gốc Việt đã biểu tình phản đối.
Ba tổ chức nhân quyền (1) đã kêu gọi chính phủ Pháp đừng gia tăng hợp tác với một quốc gia vi phạm trắng trợn nhân quyền. Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF-Reporters Sans Frontières) đòi chính phủ đặt thẳng vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam. RSF tố cáo chính sách đàn áp dã man những người chống đối, những bloggers, từ khi Nguyễn Phú Trọng nắm quyền. Các tổ chức Human Rights Watch, Amnesty International cho hay hiện nay có ít nhất 129 tù nhân chính trị bị giam giữ trái phép và chiến dịch đàn áp dữ dội đến độ nhiều người đối lập hay bất đồng chính kiến đã phải trốn ra ngoại quốc.
Publicité
Cuộc viếng thăm của ông Trọng đã diễn ra trong sự thờ ơ hoàn toàn của dân Pháp và media Pháp.
Không có một nhân vật quan trọng nào đưa đón Nguyễn Phú Trọng. Không có họp báo, phỏng vấn để khỏi phải trả lời về nhân quyền. Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Phú Trọng chỉ tới thăm hai tỉnh nhỏ ở vùng ngoại ô Paris, Choisy le Roi và Montreuil. Montreuil là một thành phố hiếm hoi tại Pháp có thị trưởng là người cộng sản. Trước đây, tất cả các thành phố chung quanh Paris đều nằm trong tay Đảng cộng sản Pháp, gọi là Vòng Đai Đỏ (Ceinture Rouge). Ngày nay, trên toàn quốc, Đảng cộng sản Pháp chỉ chiếm không tới 2% số phiếu bầu.
Hầu như báo chí, truyền hình không ả động gì tới cuộc viếng thăm, trừ vài bài báo về các thỏa ước thương mại trong một tờ báo chuyên về kinh tế.
Báo chí lề phải trong nước đã làm rùm beng về một bài báo trên tờ Le Monde, nói về "Những viễn ảnh tốt đẹp của quan hệ Việt Pháp" (Belles perspectives des relations vietnamo-françaises).
Hình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bài viết của ông đăng trên trang Quảng cáo của tờ Le Monde, số ra ngày 27/03/2018. Ảnh chụp màn hình.
Quả thực có nguyên một trang báo trên tờ Le Monde ngày 27/03, nhưng trên góc phải trang báo ghi rõ : Publicité, nghĩa là quảng cáo (trang này dành đăng những bài vở hay quảng cáo đã được trả tiền).
Trước sự thờ ơ của media Pháp, Đảng ta đã mua một trang quảng cáo để ca ngợi mình. Giá một trang quảng cáo trên Le Monde : 147.000 Euros (trên 150.000 dollars), bằng lương của hơn 10 năm làm việc của một công nhân Việt Nam.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 29/03/2018
(1) FIDH (IFHR, Internetioanl Federation for Human Rights), VCHR (Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l’Homme), LDH (Ligue des Droits de l’Homme)