Ngày 15/8/2023 VinFast, với mã tự VFS, đã ra IPO, tức là chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York.
Hình logo VinFast trong bài viết trên báo Financial Times ngày 21/8/2023
Sự kiện ghi dấu lần đầu tiên một công ty từ Việt Nam có mặt tại Phố Wall, trung tâm tài chính của Hoa Kỳ. VinFast là công ty lắp ráp ôtô ra đời năm 2017, một nhánh của VinGroup là tập đoàn tài chánh lớn nhất Việt Nam do ông Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch, nổi lên nhờ đầu tư nhà đất trong hai thập niên qua.
Cuối ngày VFS ra IPO thì có giá 37,06 đôla một cổ phiếu, tăng 68,5% từ 22 đôla. Khi đó giá trị vốn hóa thị trường của VinFast, mà ông Phạm Nhật Vượng làm chủ đến 99% số cổ phiếu, được xem như lên đến 85 tỉ, hơn cả mấy công ty ôtô Ford, General Motors của Mỹ hay BMW, Volkswagen của Đức. Nhưng đó chỉ là cách gọi MOP (millionaire on paper), triệu phú trên giấy hay BOP (billionaire on paper), tỉ phú trên giấy khi những công ty ra IPO và nhân viên có phần cổ phiếu trong đó, nhưng chưa được phép bán ngay.
Chơi cổ phiếu phải nhìn đường dài, ít nhất là 6 tháng, có khi là vài năm, chứ không thể ngắn hạn. Dĩ nhiên cũng có người Day Trade, mua đi bán lại trong từng phút.
Buổi sáng ngày ra IPO, CEO của VinFast bà Lê Thị Thu Thuỷ đã có mặt trên sàn Nasdaq để rung chuông khai mạc phiên giao dịch. Sau đó bà lên đài Bloomberg Television trả lời phóng viên, nói rằng VinFast lắng nghe các ý kiến phê bình của công chúng và sẽ cải tiến cho sản phẩm được tốt hơn.
Sự kiện VinFast lên sàn chứng khoán Nasdaq được báo chí Mỹ đưa tin, có phấn khởi lúc ban đầu khi giá tăng nhiều trong ngày đầu, nhưng cũng e dè trong những ngày sau khi giá xuống.
Hôm 21/8 nhật báo Financial Times bên Anh có bài viết nói lên sự bất thường của VinFast khi lên sàn chứng khoán qua một công ty SPAC. Tác giả bài viết là Craig Coben, cựu giám đốc cổ phần vốn của Bank of America và hiện là giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chánh Seda Experts.
Bài báo có tên "Beware, a 2023 SPAC Oddity" (Coi chừng, sự bất thường năm 2023 của một công ty SPAC), phân tích việc nhiều công ty từng nộp hồ sơ với SEC – Securities and Exchange Commission, cơ quan điều hành thị trường chứng khoán Mỹ – để ra IPO, nhưng hồ sơ tài chánh không sáng sủa khó đạt những đòi hỏi của SEC để được niêm yết trên Phố Wall, vì thế các công ty này lên sàn chứng khoán Mỹ qua SPAC mà VinFast cũng đã qua công ty Black Spade Acquisitions để được nhanh chóng lên sàn, mà tác giả gọi là đi cửa hậu.
Craig Coben nhận định những SPAC không phải là lừa đảo, nhưng trị giá thực của các công ty qua SPAC niêm yết trên Phố Wall là không thực, chỉ những ai không hiểu biết về chứng khoán mới mua cổ phiếu của các công ty này. Ông dẫn chứng đã có gần 400 công ty, phần lớn có gốc từ Trung Quốc cũng đã đi tắt qua SPAC để lên sàn chứng khoán và năm 2012 SEC đã yêu cầu rút khỏi sàn vì không có giao dịch.
Cuối bài, Coben viết : "Khi không tìm được người mua cổ phiếu (ghi chú của người dịch : tức những nhà đầu tư) thì VinFast đã dùng Black Spade Spac để qua đó đưa công ty lên sàn chứng khoán. Không có lý do để nghi ngờ làm như thế là điều không thích hợp, nhưng vụ sáp nhập kinh doanh này hầu như đã không mang lại lợi nhuận, đã không định hình được giá cổ phiếu và không thể chuyển đổi tài sản vật chất ra tiền mặt hay tìm được tiền mặt trên thị trường thứ cấp. Làn ranh giữa tính hợp pháp và những kẻ ngu (eejit – tiếng lóng Anh ngữ) lại càng mong manh hơn".
Giá cổ phiếu của VinFast sau ngày lên sàn Nasdaq (Chụp từ màn hình Yahoo Finance)
Một ngày sau bài viết của Craig Coben trên báo Financial Times, trong phiên giao dịch hôm 22/8 số mua bán cổ phiếu của VFS đã tăng vọt từ khoảng 3 triệu trong tuần trước lên 19 triệu và giá tăng lên hơn gấp đôi. Khi sàn chứng khoán đóng cửa chiều 22/8 VFS có giá 36,72 đôla, tăng 108,87% so với ngày hôm trước. So với giá khi ra IPO là 22 đôla thì tăng lên 67%.
Trong những năm qua đã có một số công ty sản xuất xe điện lên sàn chứng khoán Mỹ.
Rivian có giá lên sàn năm 2021 là 78 đôla một cổ phiếu, nay còn 21 đôla.
Lucid ra giá 15 đôla vào năm 2021, nay còn hơn 6 đôla, lúc cao nhất có giá 52 đôla.
Tesla ra IPO năm 2010 giá 17 đôla, nay lên 215 đôla. Lúc cao nhất có giá 381 đôla.
Lâu dài, VFS trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ra sao ? Một người tôi quen có nhiều hiểu biết về sự vận hành của chứng khoán tại Hoa Kỳ đã phân tích như sau về sản phẩm của VinFast.
VinFast là một công ty :
(a) không có sản phẩm trí tuệ – intellectual property – cần thiết
(b) không có quản trị đáng tin cậy
(c) không có kinh nghiệm sản xuất
(d) không đưa ra sản phẩm gì đặc biệt trong một thị trường với nhiều đối thủ mạnh về tất cả mọi mặt
(e) không có tiềm năng tăng trưởng
(f) không có sản phẩm tốt. Tất cả các phê bình, trừ mấy bình phẩm của người Việt "vỗ ngực phe ta" trên YouTube, đều cho sản phẩm của VinFast chưa "ready" cho thị trường ở Mỹ.
(g) và nhiều "không" cần và nên có khác.
Một công ty như thế không thể thành công trên thị trường chứng khoán được. Đọc những "headlines" thì thấy lạ, không biết là những người liên quan đang chơi trò chơi gì, nhưng trò chơi nào cũng không thể chơi hoài hay chơi lâu được.
Khi mà họ phải đưa ra báo cáo tài chánh của công ty, thì giá cổ phiếu xuống thôi – cứ cho là những người mua cổ phiếu VFS là "investors thiệt" – những nhà đầu tư thật sự.
Nhưng nếu những người giữ cổ phiếu VFS không vì đầu tư mà vì lý do khác, mà họ không bán, không cần biết công ty tệ thế nào, thì cổ phiếu VFS chưa chắc xuống nhiều như các công ty khác.
Dữ kiện trên Yahoo Finance thấy chỉ có 3.087.349 cổ phiếu VFS được mua/bán hôm 16/8. Đây là một con số quá nhỏ. Dù mình :
(x) assume là không có ai mua đi rồi bán lại trong ngày, và
(y) dùng giá cao nhất hôm nay là 37,.06 đôla/cổ phiếu để tính, thì tổng số tiền mua bán hôm nay là 114,4 triệu đôla, một con số rất khiêm tốn.
Nếu có ai (market makers) bỏ ra mấy chục triệu để đẩy giá lên (manipulate stock price) thì họ làm được.
Có điều lạ khác nữa là thông thường các công ty ra IPO để đem tiền (raise money) cho công ty bằng cách bán cổ phiếu của công ty. Trong ngày đầu, ngoài công ty bán cổ phiếu còn có investment bankers (những nhà đầu tư) bán cổ phiếu mà công ty dành cho họ nữa. Dù cho rằng :
1) chỉ có VFS bán cổ phiếu thôi và không có ai bán hay được bán. Hồ sơ của VFS đã nạp không biết là công ty có bán cổ phiếu mới nào không, hay chỉ đăng ký cổ phiếu mà đã được làm chủ trước.
2) không có ai mua và bán trong ngày, chuyện này chắc không có, mà VFS chỉ đem vào được tối đa là 114,4 triệu đôla. Một công ty cho là "lớn," tốn bao nhiêu triệu đô chi phí cho luật sư, kế toán viên, ngân hàng chỉ để đem về khoảng số tiền đó thôi sao ?
Đó là nhận định của một người hiểu hoạt động của Phố Wall, New York.
Những xe VF-8 đầu tiên đến Mỹ tháng 12/2022 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Bản tin Reuters ngày 17/5/2023 cho biết trong năm 2022 VinFast bán được 7.400 xe trong thị trường nội địa và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ bán 50 nghìn xe trên toàn cầu trong năm 2023.
Con số mới nhất có trên mạng của VinFast là đã có 26 nghìn xe được đặt mua và trong 6 tháng đầu năm nay đã giao 11.300 xe cho khách hàng.
Theo kế hoạch đưa ra, với xưởng lắp ráp đang được xây dựng tại bang North Carolina và sẽ hoạt động vào năm 2025 thì VinFast sẽ cho ra thị trường hàng trăm nghìn xe mỗi năm.
Từ tháng 12/2022 đã có hơn 2 nghìn xe VF-8 được đưa từ Hải Phòng qua cảng Benicia ở miền bắc California qua 2 chuyến tàu. Nhưng cho tới nay công ty chưa công bố số xe bán được tại Mỹ là bao nhiêu. Theo Automotive News, tính đến tháng 7 vừa qua chỉ có 128 xe VinFast bán ra ở Mỹ.
Cuối tháng 5 vừa qua Vinfast đã có lệnh thu hồi xe ở Mỹ để sửa lỗi kỹ thuật của màn hình điểu khiển xe.
Tôi chưa thấy một xe VinFast nào chạy trên đường phố quanh vùng San Francisco-Oakland-San Jose. Trên Facebook hôm 10/8 có người đưa hai hình của hai xe VF-8, một đậu trước nhà, mà chủ xe là một phụ nữ làm việc giữ trẻ ; một đậu trong khu Vietnam Town ở San Jose, cả hai đều mang bảng số của tiểu bang Michigan. Tôi có hỏi sao lại có bảng số như thế và được trả lời đó là bảng số giả. Thật là khó hiểu về chủ nhân của hai xe này vì nếu mua xe ở California là có ngay bảng số tạm.
Khi VinFast được sáp nhập vào một công ty loại SPAC, có tên Black Spade Acquisition, để nhanh chóng lên sàn chứng khoán Mỹ, theo báo cáo tài chánh VinFast đưa ra trong tháng 6 vừa qua thì trong quý đầu tiên của năm nay doanh thu giảm 49% và hiện lỗ 598 triệu đôla. Trong cả năm 2022 đã lỗ 2 tỉ đôla.
Tình hình tài chánh của VinGroup nay đang thua lỗ và nợ ngập tràn, vì vài năm qua giá bất động sản tại Việt Nam xuống nhiều, số mua bán giảm mạnh.
Một doanh nhân nhà đất tại Việt Nam cho tôi biết giá nhà đã xuống nhiều nên mua bán như ngưng đọng so với 5 năm trước và nhận định sự kiện VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, trong ngắn hạn là muốn chứng minh cho các ngân hàng thấy cổ phiếu của VinFast sẽ có giá trên đường dài, để VinGroup vay thêm tiền trả nợ trong khi chờ giá nhà tăng lên trở lại.
Ai sẽ mua cổ phiếu của VinFast ngoài những người đã giầu lên nhờ đất đai, đã từng làm chủ những căn hộ cao cấp của VinHomes. Họ là những người muốn cứu tập đoàn VinGroup ra khỏi tình trạng thua lỗ, nợ nần ngập đầu hiện nay.
VinFast lên sàn Nasdaq như là Las Vegas của ông Phạm Nhật Vượng. Ai đã từng đánh bạc ở đây thì biết. Góp chút tiền điện cho vui.
Bùi Văn Phú
(23/08/2023)
Tuần qua tôi lại thấy tàu VinFast chạy vào và thả neo trong Vịnh San Francisco sau chuyến hải hành ba tuần từ cảng Hải Phòng, Việt Nam.
Những chiếc xe VF8 rời tàu ở cảng Benicia, bắc California ngày 19/12/2022 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Đây là chuyến tàu VinFast thứ hai chở xe vào Mỹ. Sau khi qua thủ tục hải quan, tàu rời San Francisco và chiều ngày 10/5 cập bến cảng Benicia để xuống hàng. Sáng 12/5 khi những chiếc xe VF8 đang được đưa vào bãi đậu của bến tàu thì nhiều tạp chí chuyên về ô tô ở Mỹ đã có những bài viết chê VF8 nhiều khuyết điểm.
Trên roadandtrack.com, Mack Hogan viết về VinFast như sau : "Công ti đã đưa vào thị trường một sản phẩm chưa hoàn thành và thật xấu hổ" sau khi ông có 90 phút chạy thử mà thân xe lắc nhiều làm ông bị say xe chóng mặt.
Còn Scott Evans viết trên motortrend.com như sau : "Tôi sẽ xấu hổ nhìn vào mắt người mua xe khi giao chìa khoá xe này cho họ". Bài viết của ông có tựa : "2023 VinFast VF8 First Drive : Return to Sender" có nghĩa là lái thử xe VF8 lần đầu xong thì trả lại cho người bán xe.
Bài phê bình Vinfast VF8 trên báo motortrend.com (Screenshot từ motortrend.com)
Tựa một bài viết trên greencarreports.com viết thẳng "Review : Don’t buy the VinFast 2023 VF8 City Edition" – Đừng mua xe VinFast 2023 VF8 City Edition".
Bài của Emme Hall trên theautopian.com cũng viết "2023 VinFast VF8 City Edition First Drive : Just Don’t", nghĩa là đừng mua và còn có hình một xe VF8 với hàng chữ "IT BROKE IMMEDIATELY" (Nó hư ngay lập tức).
Ngày 19 tháng 12 năm ngoái, 999 xe VinFast VF8 đầu tiên dành cho khách hàng đã vào đến Mỹ qua bến cảng Benicia ở miền bắc California và được công ti chào đón với nghi lễ tại cửa tầu, tuy không ấn tượng bằng lúc những xe này rời cảng Hải Phòng ba tuần trước đó.
999 xe đã rời tàu nhưng phải nằm ở bãi đậu một thời gian vì xe có một vài trục trặc kỹ thuật mà công ti phải chỉnh sửa. Đến cuối tháng 2, 2023 những xe VF8 City Edition mới được phép rời bến cảng để giao cho những khách hàng đầu tiên tại Mỹ.
Đầu tháng Ba đã có 45 khách hàng nhận xe, theo thông cáo báo chí ngày 1/3 của VinFast. Trong hai tháng qua đã có thêm bao nhiêu xe nữa được giao thì không có số liệu mới.
Tuần qua chuyến tàu thứ hai của Vinfast đã xuống hàng tại bến cảng Benicia. Theo tin Reuters ngày 16/4/2023 chuyến tàu này sẽ có 1879 xe VF8 có tầm chạy được xa hơn cho mỗi lần sạc bình, so với VF8 City Edition trong chuyến hàng đầu tiên mà một số người đặt mua trước đã không hài lòng vì xe không đúng như mẫu mã quảng cáo đưa ra. Vinfast đã giảm giá 3 nghìn đô cho những ai mua xe City Edition.
Trong số xe trên chuyến tàu thứ hai vào Mỹ, 1098 xe được xuống bến ở California, số còn lại sẽ đưa vào thị trường Canada, cũng theo tin Reuters.
Sau khi xuống hàng ở bắc California, lúc 6 giờ chiều ngày 12/5 con tàu VinFast đã tiếp tục hành trình, rời vùng Vịnh San Francisco đưa 781 xe VinFast đầu tiên vào thị trường Canada.
Tàu VinFast thả neo trong Vịnh San Francisco tuần qua (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Từ ngày xe Vinfast vào thị trường Mỹ, tôi chưa thấy công ti cho chạy quảng cáo trên tivi trong vùng Vịnh San Francisco, như các hãng xe Toyota, Honda, Hyundai, Volvo, KIA v.v. thường có.
Một năm trước, thỉnh thoảng VinFast có quảng cáo trên Face Book mời khách mua xe giảm giá, nhưng nếu so sánh với Tesla, Hyundai Ioniq thì cũng không rẻ hơn là bao. Sau đó có quảng cáo cũng trên Face Book mà chủ yếu là cho thuê xe, giá 599 đôla một tháng theo một hợp đồng hai năm, mấy tháng sau xuống còn 399 đôla cho một tháng, hôm qua lại lên 414 đôla. Có lẽ công ti nhắm vào những khách hàng đang chần chừ có nên mua VF8 hay không và cho họ cơ hội lái thử một thời gian để xem xe tốt xấu ra sao.
Cho đến nay tôi đã thấy khá nhiều xe Tesla trên đường phố nhưng chưa gặp một xe VinFast nào chạy quanh vùng Vịnh San Francisco, dù nơi đây có ba phòng trưng bày xe tại các thành phố Berkeley, Corte Madera, San Mateo.
Dịp Tết vừa qua VinFast đem hai xe vào Grand Century Mall ở San Jose cho khách xem và ghi tên lái thử. Trên toàn tiểu bang California hiện có 13 đại lý bán xe VinFast.
Xe VinFast trong Grand Century Mall ở San Jose, California dịp Tết ta 2023 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Thực ra với một nghìn xe VF8 đầu tiên vào Mỹ thì chỉ như muối bỏ bể, khó mà gặp xe chạy trên đường phố, vì số xe lưu hành ở California là trên 14 triệu, theo số liệu 2021 từ statista.com, trong đó có 563 nghìn xe điện. Tesla hiện chiếm cao nhất số xe EV đang lưu hành ở Mỹ, 17% trong số 1 triệu 500 nghìn xe chạy điện và các tiểu bang có nhiều xe EV nhất là California, Florida và Texas, theo số liệu cập nhật cuối tháng 6/2022 từ Alternative Fuels Data Center (afdc.energy.gov) của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
Với các chính sách liên bang khuyến khích dùng năng lượng sạch nên việc đầu tư vào các chương trình phát triển xe chạy bằng điện sẽ có thị trường mở ra cho nhiều người dùng các thương hiệu xe này trong tương lai, đặc biệt là ở California khi mà năm 2035 sẽ không còn bán xe mới chạy xăng dầu nữa.
VinFast có tầm nhìn xa và đã thấy triển vọng có thể chen chân vào thị trường xe EV ở Mỹ. Nhưng ông Phạm Nhật Vượng đã đốt giai đoạn để mang một sản phẩm được các nhà phê bình cho là còn nhiếu lỗi vào một thị trường với người tiêu dùng khó tính và quyền lợi khách hàng được bảo vệ tối đa.
Tựa bài báo của Mack Hogan viết về VinFast đăng trên roadandtrack.com đã phê bình xe VF8 là không chấp nhận được – "unacceptable".
Các bài báo dài phân tích và phê bình về dòng xe VF8 City Edition là những bài học cho VinFast. Hy vọng đội ngũ kỹ sư, chuyên viên sẽ nhanh chóng khắc phục những khuyết điểm để có được sự tin tưởng nơi khách hàng trong tương lai.
Theautopian.com cũng viết "2023 VinFast VF8 City Edition First Drive : Just Don’t", nghĩa là đừng mua và còn có hình một xe VF8 với hàng chữ "IT BROKE IMMEDIATELY"
Trong tiến trình sản xuất cũng như hành trình để đem những chiếc xe đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Mỹ, VinFast đã nhận được sự cổ động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và ngay cả Tổng thống Joe Biden. Nhưng sản phẩm có được tốt và khách hàng tin tưởng tiêu dùng hay không là chuyện khác.
Hiện nay có lẽ VinFast mới chỉ quảng cáo nhiều trong cộng đồng người Việt, cho những người có khả năng tiếng Anh giới hạn. Còn những ai đã đọc qua các bài báo trước đây và tuần qua mà vẫn mua xe VinFast thì chắc là người không sợ xe hỏng giữa đường hay là người tiêu xài đôla như đốt tiền âm phủ.
Không biết trong số 55 nghìn người đã đặt mua xe, trong đó có 12 nghìn người ở Mỹ, bao nhiêu khách hàng còn muốn làm chủ một xe VF8 lúc này.
Bùi Văn Phú
Nguồn : BBC, 15/05/2023
Kevin Williams, tác giả bài viết "VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ" chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 10/01/2023 về sự khác biệt mà ông nhận thấy trong cách làm truyền thông (PR) của tập đoàn VinFast.
Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, ảnh tháng 4/2022
"Khi cho ra mắt mẫu xe mới, thường các nhà báo sẽ được mời đến để chạy thử xe trong hàng giờ, để đảm bảo báo giới có sự nhìn nhận chính xác về sản phẩm mới, và thường sẽ chạy xe trên nhiều dạng địa hình khác nhau với các tốc độ khác nhau. Việc ra mắt các mẫu xe mới này thường có rất nhiều kỹ sư, nhà thiết kế và đại diện công ty có mặt sẵn để hỗ trợ và buổi ra mắt xe chủ yếu tập trung vào trải nghiệm sản phẩm chứ không tập trung vào việc đi du lịch", Williams nhận xét với BBC.
Ngoài Williams, một nhà báo chuyên mảng ô tô sống tại California, Mỹ - Matt Farah xác nhận với BBC News Tiếng Việt rằng ông được VinFast mời trong chuyến đi đến Việt Nam trải nghiệm hai chiếc VF8 và VF9 do VinFast đài thọ toàn bộ.
Ngoài ra, VinFast còn đề nghị tặng ông số tiền 10.000 USD để ông lái thử sản phẩm.
Bắt đầu từ tháng 4 năm 2022, VinFast chia sẻ trên các nền tảng truyền thông của mình việc hàng trăm nhà báo ô tô, người có ảnh hưởng và VIP đến Việt Nam để lái thử VF8 và VF9 của họ.
'Hoàn toàn là sự thật'
Matt Farah khẳng định với BBC News tiếng Việt những gì ông chia sẻ trên kênh podcast tên "The smoking tire" về VinFast hoàn toàn là sự thật.
Trong chương trình Podcast nói trên, nhà báo Farah đề cập đến bài viết của cây bút Kevin Williams trên trang Jalopnik với tựa đề "Xe VF8 của VinFast chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ". Theo đó, Farah khen ngợi sự khách quan của bài viết, đồng thời tiết lộ rằng mình cũng được mời tham dự chuyến đi :
"Tôi được mời tham gia vụ VinFast đó và tôi được mời chào 10.000 USD. Đến tham dự, và chúng tôi sẽ tặng anh 10.000 USD".
"Và tôi nói : Tất nhiên là không, điều đó thật mờ ám", Farah tường thuật lại. Đồng thời, ông cũng nêu quan điểm về vấn đề tiền bạc này không chỉ "vi phạm đạo đức nghề nghiệp" nếu nhận mà theo ông, việc đề nghị một số tiền mặt lớn như vậy còn "còn nghe có vẻ rất mờ ám" và Farah cho rằng bài báo của Kevin Williams đã đề cập chính xác lý do tại sao ông nghĩ nó mờ ám.
Trong bài viết của Kevin Williams trên trang Janoplik có đoạn nói về cách làm truyền thông của VinFast :
"Mọi thương hiệu đều cố gắng kiểm soát câu chuyện xung quanh sản phẩm của mình. Đó là lý do mà các nhà sản xuất ô tô lớn đều tham gia cùng một hoạt động cơ bản : Đưa các nhà báo đến một địa điểm đẹp để uống rượu và dùng bữa với họ, rồi để họ lái những chiếc xe hoàn toàn mới trên một tuyến đường đã được kiểm tra, để viết về trải nghiệm.
"Nhưng cách mà VinFast, và sau đó là Vingroup, làm chuyện đó có vẻ như [làm cho người ta] cảm thấy hơi bị đe dọa. Tôi không bay nửa vòng trái đất để tham quan trường đại học. VinFast đã dành hàng giờ để tiếp đãi chúng tôi —gồm cả màn trình diễn kịch câm vào bữa ăn tối trong một đêm, một tòa lâu đài được vẽ trên bản đồ chiếu bằng projection được tuyên bố có giá hàng triệu USD, nhưng nó giống hệt như công nghệ được sử dụng trong các dự án nghệ thuật của sinh viên cao đẳng khắp nơi — và chúng tôi vẫn chưa lái thử được chiếc xe nào. Không phải tôi không đánh giá cao sự hiếu khách. Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem những chiếc xe đó có tốt không", dẫn bài viết.
Williams cũng nhắc về vụ ông Trần Văn Hoàng, một YouTuber chuyên về ô tô của Việt Nam, từng bị công an mời và bị VinFast kiện khi ông quay video mô tả các lỗi trên chiếc xe VinFast Lux A2.0 và đăng trên kênh YouTube GoGoTV với hơn 455.000 người đăng ký - do ông Hoàng sở hữu.
Thủ tướng bấy giờ - ông Nguyễn Xuân Phúc, các chính khách hàng đầu cùng doanh nhân Phạm Nhật Vượng hôm 14/6/2019
Về vấn đề tiền bạc, Williams nói với BBC rằng ông không nhận được lời đề nghị nào cũng như không nhận quà cáp bằng tiền từ VinFast, ngoại trừ chuyến đi được đài thọ toàn bộ mà ông đã công khai trong bài báo của mình.
"Việc được mời đến Việt Nam với tôi không có gì là ngạc nhiên, bởi đây là một thương hiệu ô tô mới, chưa có sự hiện diện bên ngoài Việt Nam. Đương nhiên là để đánh giá một chiếc xe mới, chưa được chào bán, phía công ty sẽ mời các nhà báo đến trải nghiệm chiếc xe đó tại trung tâm phát triển của nó, cũng như gặp gỡ những người quan trọng khác để bàn về mẫu mã, sản xuất, kỹ thuật, và các khía cạnh khác của chính chiếc xe và cách nó sản xuất xe", Williams nói với BBC.
Trong bài viết của nhà báo John Reed trên trang Finacial Times xuất bản tháng 6/2019 có tựa đề "Sự trỗi dậy của đế chế Vingroup", ông cũng đề cập việc mình được đưa cho phong bì tiền trong một cuộc họp báo :
"Khi tôi tham dự buổi ra mắt thương hiệu điện thoại Vsmart tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12, trong tập tài liệu báo chí của tôi có một phong bì hai triệu đồng (85 USD) (tôi đã trả lại cho một nhân viên của công ty). Vingroup khẳng định việc mời phóng viên đi ăn trưa sau họp báo là "thông lệ" ở Việt Nam và khi công ty không tổ chức ăn trưa được thì sẽ có khoản "chi phí tự túc" (Bữa ăn trưa của riêng tôi ở Hà Nội, do FT chi trả, hiếm khi có giá hơn 10 USD)"
Trải nghiệm xe ít, giải trí nhiều
MC Kỳ Duyên tại triển lãm Los Angeles Auto Show của Vinfast hồi tháng 11/2021
VinFast đưa Williams và ít nhất 100 nhà báo, người có tầm ảnh hưởng, YouTuber, TikTokers, người đặt hàng VinFast (được gọi là VinFirst), nhân viên của VinFast đến Việt Nam trên một chiếc máy bay thuê riêng.
Tất cả ở tại hai khu nghỉ dưỡng trên đảo tư nhân và nghỉ một đêm ở Hà Nội cùng một khách sạn nơi Donald Trump và Kim Jong-un gặp nhau lần đầu tiên, theo lời Williams.
Ông nói với BBC rằng, nếu không tính hành trình bay từ Mỹ về Việt Nam mất khoảng 24 tiếng thì chuyến đi kéo dài tổng cộng bốn ngày. Tuy nhiên, cho đến đầu giờ chiều của ngày cuối cùng thì ông cũng những người tham gia mới được trải nghiệm lái thử xe. Và điều này khác biệt so với các hãng xe khác :
"Các buổi ra mắt xe thường có các nhà báo lái chiếc xe mới trong nhiều giờ, để đảm bảo tất cả chúng ta đều có được mô tả chính xác về sản phẩm mới, thường là trên các loại đường và tốc độ khác nhau. Những buổi lái thử xe này thường có các kỹ sư, nhà thiết kế và đại diện công ty sẵn sàng hỗ trợ. Nó tập trung vào sản phẩm chứ không phải du lịch", Williams vạch ra sẽ chênh lệch giữa VinFast và hãng xe khác mà ông từng tiếp xúc.
Theo Williams, việc đánh giá một chiếc xe trước khi nó được tung ra thị trường rất quan trọng, ngay cả khi ở một mức độ hạn chế. Nhờ đó, khi chiếc xe được trình làng, người tiêu dùng đã có ý niệm về những gì họ có thể mong đợi từ nhà cung cấp. Vì vậy, anh rất chú trọng việc được lái thử xe nhưng buổi lái thử chỉ trong chóng vánh và những chiếc xe mẫu đó còn chưa được sạc đầy và đoạn đường lái thử "phẳng lì như kính ở khu nghỉ mát trên đảo" chỉ dài khoảng 2km.
"Tuy nhiên, khi nhận lời một chuyến đi từ nhà sản xuất ô tô, điều quan trọng là phải có giữ được nguyên tắc đạo đức, chẳng hạn như không nhận tiền hoặc quà từ nhà sản xuất ô tô. Trọng tâm của việc này luôn là người tiêu dùng ; họ mong đợi gì từ chiếc xe ? Đảm bảo các câu hỏi, nhu cầu và mong muốn của khách hàng, luôn là điều quan trọng của chuyến đi và là cách giúp tôi không thiên vị", Williams nói với BBC về quy tắc nghề nghiệp của mình.
Tác giả bài viết "VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ" cũng khẳng định không có bất kỳ thỏa thuận hoặc yêu cầu nào từ VinFast để viết bài theo chiều hướng có lợi về sản phẩm hay hoạt động của họ.
"Nếu thương hiệu đòi hỏi điều đó, tôi đã không tham gia chuyến đi ngay từ đầu", Williams trả lời BBC.
Trong bài viết của mình, Williams nêu những điểm yếu của VF8, đặc biệt là mã lực pin và công suất của xe.
"Các đại diện của VinFast đã khoe khoang về việc vượt qua các mốc thời gian của chính họ để chuẩn bị đưa những chiếc xe này vào sản xuất hàng loạt, và đánh giá qua nụ cười trên khuôn mặt của họ, có vẻ như tất cả bọn họ đều thật sự muốn giới thiệu một sản phẩm mà họ tin rằng đã sẵn sàng đối đầu với các nhà sản xuất ô tô lâu đời. Thay vào đó, tôi đã bay 8.000 dặm để đi loanh quanh với một chiếc xe mà rõ ràng là chưa hoàn thành. Tôi tức giận vì công ty đã lãng phí thời gian của tôi", Williams viết.
Ông cũng khẳng định lần nữa với BBC rằng, VF8 của VinFast dường như không đạt được cùng tầm chất lượng, hiệu suất và phạm vi điện như các đối thủ cạnh tranh, xét về mức giá mà VinFast đang đưa cho VF8 tại Hoa Kỳ.
"Điều quan trọng là phải cởi mở với mọi sản phẩm xe hoặc trải nghiệm mới mà tôi gặp phải, để mọi người đều có một sân chơi bình đẳng và tôi đưa ra một bài viết công bằng, được nghiên cứu kỹ lưỡng và có bằng chứng vững chắc. Cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện rất khốc liệt và điều quan trọng là phải luôn đánh giá các loại xe mới trong bối cảnh đã có những mẫu xe tương tự, với thông số kỹ thuật và giá cả tương đương", Williams nói với BBC qua email.
Hãng xe của tập đoàn Vingroup, do tỷ phú Phạm Nhật Vương sáng lập, nộp đơn xin phát hành IPO cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi đầu/12/2022.
Theo hồ sơ mà VinFast nộp cho SEC, hãng xe Việt Nam đã làm việc với 9 ngân hàng, bao gồm JPMorgan và Citygroup, về kế hoạch niêm yết của công ty tại Mỹ. Theo đó, VinFast có thể huy động ít nhất 1 tỷ USD nhưng cũng có thể nhiều hơn tùy thuộc vào sự quan tâm của cổ đông.
Các nguồn tin biết về kế hoạch phát hành IPO tại Mỹ của VinFast nói với Bloomberg trong tư cách ẩn danh rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc phát hành và các chi tiết, gồm cả thời gian, vẫn có thể thay đổi.
Cách VinFast làm truyền thông có vấn đề ?
Theo nhà báo Mạnh Kim viết trên Facebook cá nhân thì VinFast bị dính vào một "cuộc khủng hoảng truyền thông quốc tế" với bài viết của Kevin Williams trên trang Jalopnik đăng ngày 14/12/2022, cùng một số bài khác, trong đó bài của hai nhà báo Katrina Nicholas và Anurag Kotoky của Bloomberg News, cũng được mời trong cùng chuyến đi.
Ông Mạnh Kim phân tích, lý do thất bại của chiến dịch truyền thông nói trên có thể khiến bất kỳ đối thủ nào (trong thực tế, VinFast không đáng là đối thủ của gần như bất kỳ hãng xe nào trên thế giới) cười vào mặt Vingroup là VinFast bán một thứ sản phẩm chưa tồn tại, một sản phẩm chưa thật sự tồn tại xét về mặt hoàn thiện cần và đủ để đưa ra thị trường và đủ khả năng cạnh tranh.
Còn dưới góc độ người làm truyền thông xã hội, ông Nguyễn Ngọc Long nói với BBC hôm 11/1 rằng, để nhận định về cách Vin làm truyền thông trong "vụ này", cần biết rõ mục tiêu của họ.
"Dường như Vin nhận thức rất rõ rằng họ không phải là Toyota hay Huyndai khi chào sân đất Mỹ, cho nên trước khi thực hiện các kế hoạch dài hơi để giúp công chúng trả lời câu hỏi "VinFast là gì, và nó có gì hay ?" thì Vin muốn giúp họ trả lời câu hỏi "Vinfast của ai, và công ty ấy thế nào ?".
"Rõ ràng trong clip trên IG của VinFast đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng, rằng chương trình này là Vingroup Elite - Vietnam Tour chứ không phải VinFast Company Tour hay Conference gì hết. Thực tế, họ cũng đã thiết kế một chương trình "thăm quan Vietnam" trong 4 ngày ở 4 thành phố lớn. Và "lồng ghép" trong lịch trình đó có các sản phẩm, thành tựu của Vin. Tất nhiên, bao gồm cả nhà xưởng của công ty VinFast.
"Nếu giả thiết của tôi là đúng đắn, thì một chương trình như vậy là "rất ổn" để giới thiệu hình ảnh và vị thế của Vingroup. Nó giúp 200 khách mời có câu trả lời rõ ràng và chính xác cho câu hỏi : cha đẻ của chiếc ô tô kia (VinFast) là ai, họ có tiềm lực thế nào ? Và hiển nhiên, đó sẽ là một yếu tố cấu thành niềm tin cho ai đó muốn bỏ tiền mua xe VinFast", ông Long nhận định.
Cây bút Bùi Văn Phú từ California, Hoa Kỳ hôm 22/12/2022 có viết bài cho BBC News tiếng Việt, mô tả cảnh ông chứng kiến "hàng nghìn xe VinFast cập cảng" ở Mỹ.
Thế nhưng, ông viết :
"Nhìn những dòng xe rời cầu tàu chạy vào bãi đậu xe, tôi mong VinFast sẽ trở nên thương hiệu cho Việt Nam thực sự được người tiêu dùng trên thế giới tin tưởng, chứ không phải chỉ là những lời tâng bốc được thổi lên chỉ bằng 'tự hào dân tộc'.
Hy vọng VinFast cũng sẽ được như Hyundai hay KIA trong đường dài, không như xe Yugo từ nước cộng sản Nam Tư cũ, cũng được cho vào Mỹ nhưng chết yểu".
Báo Việt Nam mô tả VinFast là 'niềm tự hào Việt Nam tại Paris' vào tháng 10/2018
Ông Nguyễn Ngọc Long phân tích thêm, một chương trình như vậy thì Vin không tập trung trực diện vào "chiếc xe" là cách làm "vô cùng hợp lý hợp tình".
"Cũng cần phải nói thêm rằng thông lệ đưa "bao thư" cho các khách mời (dưới nhiều khía cạnh và hình thức) là một nét "văn hoá" trong ngành PR tại Việt Nam. Nhưng điều đó không đúng với báo chí nước ngoài. Ít nhất là với kinh nghiệm làm việc với đối tác Mỹ, Singapore, Nhật và Phần Lan mà tôi đã từng trải nghiệm. Tôi không nghĩ Vin ngây thơ tới mức không hiểu điều đơn giản ấy !
"Cái sai, nếu có, của Vin trong chiến dịch này có lẽ nằm ở việc chưa truyền thông (giải thích) được rõ mục đích của Chương trình tới các khách mời. Mục đích của Vin, hay ít nhất là mục đích mong muốn thể hiện ra bên ngoài của Vin, là thông qua một "Vietnam tour" để giới thiệu hình ảnh của Vin, chứ không phải là VinFast",
"Dù sao chăng nữa, trong thời đại 4.0 và influencers marketing (tiếp thị qua người gây ảnh hưởng) lên ngôi, thì việc Vin khiến cho chính khách mời của họ có cái nhìn tiêu cực và lên tiếng ở các kênh public vẫn là một điều vô cùng đáng tiếc, ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực tổ chức một chương trình hoàn hảo của Vin, trong kế hoạch dọn đường cho VinFast ra biển lớn", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long kết luận.
Tuy nhiên, nhà báo Kevin thì cho rằng :
"Là một nhà báo chuyên mảng ô tô, tôi không làm về tin về du lịch. Nếu có kỳ vọng rằng tôi sẽ không phê bình hoặc đưa tin về hoạt động hoặc sản phẩm của VinFast, mà thay vào đó tập trung vào những lợi ích của chuyến đi, thì tôi đã không đi. Vì điều đó thực sự không phù hợp chút nào".
Thêm báo Mỹ nhận xét tiêu cực về VF8, VinFast thất bại trong truyền thông ?
VOA, 18/12/2022"VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho [thị trường] Mỹ", đó là hàng tít của một bài báo được đăng gần đây trên trang Jalopnik ở Mỹ chuyên về ô tô. Theo quan sát của VOA, hàng nghìn người ở Việt Nam chia sẻ, bình luận theo hướng đồng ý với bài báo, bao gồm nhiều ý kiến cho rằng VinFast bị giáng một đòn mạnh về mặt truyền thông.
Một bài đăng trên trang Jalopnik hôm 14/12/2022 nói VinFast VF8 chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ.
Bài tường thuật dài tới hơn 4.600 từ của tác giả Kevin Williams, đăng hôm 14/12, kể về chuyến tham quan các cơ sở của VinFast nói riêng và tập đoàn Vingroup nói chung ở Việt Nam, kéo dài vài ngày, được tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tổ chức hồi mùa thu năm nay.
Khoảng 100 nhà báo và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được VinFast mời, đài thọ và chăm sóc chu đáo về mọi mặt để họ tìm hiểu, viết bài về sản phẩm ô tô điện (EV) của VinFast, nhưng phần lớn thời gian của chương trình lại được thiết kế để tham quan các cơ ngơi của tập đoàn Vingroup, theo lời kể của ông Williams, mà ông cho là "làm phí thời gian" của ông.
VF8 ‘hoàn toàn không tốt’
Tác giả dành tới hơn 3/4 bài báo để tả từ đầu đến cuối lịch trình chuyến tham quan khép kín - dường như bị giám sát chặt chẽ - đến các khu khách sạn, nghỉ dưỡng và các dự án bất động sản, trường đại học, và nhà máy ô tô của Vingroup.
Bằng lối hành văn tả thực có phần châm biếm, ông Williams kể rằng các khu đô thị của Vingroup vắng vẻ, ít người ở ; đại học VinUni không thấy có mấy sinh viên dù là giữa năm học và thư viện của trường chỉ có rất ít sách vì các sinh viên được cho là sử dụng sách điện tử ; còn điều mà ông quan tâm hơn cả là bộ phận sản xuất EV ở nhà máy VinFast thì ông thấy hoạt động cầm chừng, và đại diện VinFast nói với ông rằng các công nhân đang đi ăn trưa, lúc 10h sáng.
Cuối cùng, sau nhiều ngày lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết đối với một phóng viên chuyên về ô tô, tác giả Kevin Williams cũng được lái thử xe VF8 ở Nha Trang. Đây là loại xe mà VF đã quảng cáo nhiều hồi đầu năm và vào cuối tháng 11 đã xuất khẩu lô đầu tiên gồm 999 chiếc sang Mỹ.
Chỉ được lái thử trên quãng đường ngắn khoảng 2 kilomet, cộng với những quan sát về VF8 khi xe này đi cùng đoàn tham quan, ông William nhận xét thẳng thừng rằng "Xe hoàn toàn không tốt" và "chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ".
Dùng một số từ ngữ khá nặng và thẳng để mô tả về xe mà VOA không tiện trích lại, tác giả viết rằng phiên bản VF8 được đem ra đi thử đã thể hiện rằng nó là một chiếc xe tăng tốc kém, chạy chậm, phần mềm vẫn còn đang được chỉnh sửa, phản ứng của vô lăng không thật, hệ thống giảm sóc không tốt, xe đi xóc, bồng bềnh dù đường rất bằng phẳng…
Mẫu xe VF8 của VinFast được giới thiệu tại phòng trưng bày ở Santa Monica, California hồi tháng 7/2022.
Cây viết của trang Jalopnik chuyên về ô tô đánh giá thêm rằng VF8 ở thời điểm đó được thiết kế, chế tạo không đến nơi đến chốn, dở dang, và nếu VinFast xuất khẩu xe đó với mức giá hơn 50.000 đô la, điều đó chẳng khác nào làm trò cười ở bất cứ thị trường nào trên thế giới.
Một mặt thể hiện sự thất vọng và chán nản về cách tổ chức cuộc tham quan VinFast, Vingroup, song tác giả cũng nhiều lần viết rằng ông luôn cố gắng suy nghĩ cởi mởi và thiện chí về một hãng xe mới ra đời, mong điều tốt đẹp cho VinFast.
Mặc dù vậy, bài viết rất dài vẫn cho thấy hàm ý rằng dù ông thông cảm hãng xe còn non trẻ, kiên nhẫn chờ đợi xem có sự tiến bộ, hoàn thiện nào kể từ chuyến thăm hồi mùa thu cho đến khi bài viết được đăng mới đây hay không, song sau nhiều tháng trôi qua, tác giả không thấy được điều đó.
Đoạn cuối bài báo, ông cho biết vào thời điểm bài được đăng, ông có thông tin từ một đại diện của VinFast cho hay 999 xe xuất sang Mỹ vẫn chưa có chứng nhận CARB EO nên chưa thể giao đến tay khách đặt mua. Đây là chứng nhận về lắp đặt hoặc miễn lắp đặt thiết bị thu hồi, xử lý khí thải trên xe cộ.
Thất bại truyền thông của VinFast ?
Bài viết trên Jalopnik xuất hiện chỉ ít lâu sau khi hai trang MotorTrend và dot.LA tung ra các bài viết cho rằng phiên bản City Edition của VinFast VF8 xuất sang Mỹ với tầm xe chạy mỗi lần sạc đầy chỉ có 180 dặm (290 km) ở mức giá từ 52.000 đến 55.000 đô la sẽ khó cạnh tranh với EV của các hãng khác ở Mỹ.
Theo quan sát của VOA, hàng nghìn người Việt, bao gồm các nhà trí thức có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đã lan truyền ba bài báo nêu trên, đồng thời bình luận rằng chắc chắn là chúng tác động đến tâm lý và quyết định của người mua xe ở Mỹ, bên cạnh đó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến VinFast nói riêng và Vingroup nói chung. Không ít người xem đây là một thất bại về truyền thông của hãng.
Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hãng Xử lý Khủng hoảng Berlin (Berlin Crisis Solutions) ở Đức, bình luận với VOA rằng những diễn biến kể trên có thể là cú sốc đối với VinFast vì lâu nay họ thường được tung hô, ca ngợi trên báo chí và mạng xã hội trong nước.
Vẫn chuyên gia Sơn cho rằng VinFast cần phải thay đổi cách làm truyền thông đã cũ, đó là mời, đài thọ các nhà báo và người có ảnh hưởng để họ viết bài theo ý doanh nghiệp. Ông Sơn nói thêm :
"Khi ra sân chơi là biển lớn, họ phải chấp nhận luật chơi mới của truyền thông, đó là không phải cứ tiền bỏ ra là được nói như ý mình, mà có thể là người ta – các nhà báo, các nhà bình luận – sẽ dựa vào sự thật, và tôn chỉ của người ta là phục vụ báo chí chẳng hạn, mà báo chí phục vụ người đọc là tối thượng, chứ không phải quyền lợi của doanh nghiệp".
Hai mẫu EV của VinFast được trưng bày trong triển lãm xe hơi ở Los Angeles hồi tháng 11/2021.
Từng giúp các doanh nghiệp Việt Nam làm truyền thông ở Đức, ông Sơn cho biết có không ít đại diện doanh nghiệp không ý thức được về sự khác biệt giữa báo chí, truyền thông phương Tây và báo chí, truyền thông Việt Nam.
Những vị đại diện đó nghĩ rằng có thể chi tiền hoặc cung cấp các món quà, gói dịch vụ ưu đãi để "mua bài" nói tốt về doanh nghiệp, song báo chí, truyền thông phương Tây bị cấm làm như vậy, ông Sơn nói, và bổ sung rằng những bài viết có bản chất quảng bá, quảng cáo phải ghi rõ "Sponsored" (được tài trợ) ở dưới bài, hoặc có câu chữ thể hiện rõ về bản chất đó.
Vì vậy, theo ông Sơn, VinFast nói riêng và các doanh nghiệp Việt nói chung khi muốn quảng bá ở các thị trường Mỹ, Châu Âu, họ phải thay đổi chiến lược truyền thông, không thể áp dụng cách làm ở Việt Nam, đó là nếu báo chí hay cá nhân nào đó "nói ngược lại" các thông điệp, thông tin của hãng, hãng tìm cách gây sức ép hoặc đe dọa về "các rắc rối".
"Truyền thông quốc tế, các nhà báo quốc tế họ không vì chút lợi ích nào đó mà hy sinh danh dự của họ hoặc chuẩn mực nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi", ông Sơn, chủ tịch của hãng Xử lý Khủng hoảng Berlin, nói với VOA.
Thực lực, chất lượng là yếu tố quyết định
Trong bối cảnh VF8 còn chưa đến tay khách hàng ở Mỹ, VinFast đã gặp những bất lợi về truyền thông, chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhận định rằng trong thời gian tới hãng sẽ còn "bị khó xử" thêm nữa với giới truyền thông và giới có chuyên môn về công nghệ, về xe ở những thị trường như Mỹ :
"Cái gì thì có thể giấu được, nhưng chất lượng xe thì những người có chuyên môn họ sẽ nhận xét đúng đắn nhất, và lúc này là lúc người ta biết được thực lực VinFast đến đâu, chất lượng thực sự của VinFast đến đâu".
Qua một số cuộc tiếp xúc với bộ phận truyền thông của VinFast ở Đức và một kỹ sư Đức nắm về việc VinFast muốn hợp tác với một hãng ô tô Đức, mà ông Sơn không tiện nêu tên, ông nhận xét rằng hãng ô tô của Việt Nam có đặc tính là đặt ra tham vọng lớn và cố gắng thực hiện nhanh, gấp gáp, nên rất mạo hiểm.
Hãng ô tô Đức được VinFast tiếp cận đã từ chối hợp tác vì "không thể đảm bảo chất lượng" khi hãng ô tô Việt Nam "giục làm gấp", viên kỹ sư Đức cho ông Sơn biết, ông thuật lại với VOA.
VinFast xuất khẩu lô xe EV gồm 999 chiếc sang Mỹ hôm 25/11/2022.
Dưới con mắt một chuyên gia truyền thông và xử lý khủng hoảng, ông Sơn nhận định :
"VinFast đã thổi phồng hình ảnh của họ, làm nhiều người kỳ vọng vào, bây giờ thời điểm kỳ vọng đấy đã đến, họ bắt buộc phải làm cái gì đó mới, có một điểm mốc nào đó trong sự phát triển của họ. Chính vì vậy, những việc VinFast làm truyền thông, ví dụ, trước Mỹ là ở Đức, họ đã để lộ các điểm yếu. Chẳng hạn như giới thiệu xe nhưng không được ngồi lên, không được mở cửa ra. Tôi nghĩ họ chỉ phục vụ việc truyền thông trong nước là chính chứ không phải thực sự bán xe ở Mỹ, Đức".
Phân tích thêm về khía cạnh là VinFast tuy làm các chương trình quảng bá ở nước ngoài hoặc với giới truyền thông nước ngoài nhưng chủ yếu nhắm đến dư luận trong nước, ông Sơn điểm lại lần đầu VinFast mang ô tô đến cuộc triển lãm ở Pháp, hồi năm 2018.
Nổi bật trong màn ra mắt xe VinFast lúc đó là màu đỏ rực rỡ của cờ Việt Nam, nhìn điều này, những người làm truyền thông chuyên nghiệp có thể "đọc" được rằng đối tượng của hoạt động truyền thông mà VinFast thực hiện thực ra không phải là người Pháp, không phải là Châu Âu, mà là người Việt, túi tiền của người Việt, ông Sơn đưa ra quan sát.
Ngay trong lần đầu tiên "bước ra biển lớn", chiến lược truyền thông của VinFast nhắm đến yếu tố cốt lõi là chủ nghĩa dân tộc, ông Sơn nhận xét. Xuyên suốt từ đó đến nay, các hoạt động truyền thông của VinFast ở nước ngoài vẫn hầu như nhắm về khách hàng trong nước, trong bối cảnh đó, "chủ nghĩa dân tộc đã được kích hoạt tối đa, được tận dụng tối đa", vẫn lời ông Sơn.
Là người Việt đứng đầu một hãng xử lý khủng hoảng ở Đức, ông Sơn chia sẻ với VOA rằng ông mong VinFast nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung "làm ăn tử tế và thành công rực rỡ" để đất nước hùng mạnh, không lệ thuộc vào nước ngoài.
Nhưng để làm được như vậy, yếu tố chủ nghĩa dân tộc chỉ là một phần, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có thực lực với sản phẩm có chất lượng tốt, kèm theo chiến lược truyền thông bài bản, phù hợp từng giai đoạn, với các thông điệp thích hợp nhắm vào đúng đối tượng, ông Sơn đưa ra lời góp ý.
Ông cho rằng nếu không có thực lực và sản phẩm không có chất lượng, hoạt động truyền thông ở nước ngoài, với báo chí nước ngoài không khác nào "đùa với lửa".
Theo quan sát của VOA, cho đến nay VinFast chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về các bài báo của Jalopnik, MotorTrend và dot.LA. VOA cũng cố gắng liên lạc với hãng để tìm hiểu quan điểm của họ về bài viết của ông Kevin Williams và những nhận định của ông Lê Ngọc Sơn nhưng không nhận được hồi đáp.
Nguồn : VOA, 19/12/2022
***************************
VinFast VF8 giá 52.000 USD chạy 180 dặm với bình điện đầy, khó cạnh tranh
Ô tô điện VF8 của hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam bị cho là khó cạnh tranh ở Mỹ, theo hai bài báo được đăng hôm 13/12 trên trang MotorTrend chuyên về ô tô và trang dot.LA chuyên về công nghệ.
Một bài báo về VinFast VF8 trên trang dot.LA hôm 13/12/2022.
Bài báo của tác giả David Shultz trên dot.LA cho hay VinFast vào ngày 25/11 đã xuất khẩu 999 chiếc xe đầu tiên của hãng từ Hải Phòng sang Mỹ và lô xe này sẽ cập cảng ở California vào ngày 15/12.
Vào ngày 29/11, VinFast gửi email đến những người đã đặt cọc mua xe để thông báo rằng xe VF8 trong lô xuất khẩu ban đầu này là bản đặc biệt City Edition, có tầm xe chạy là 180 dặm (290 kilomet), thấp hơn so với các phiên bản có tầm chạy 260-292 dặm đã được quảng cáo trước đây, theo bài viết của ông Shultz.
Vào dịp cuối tuần vừa qua, VinFast, có văn phòng ở Los Angeles, xác nhận qua Twitter với dot.LA về thông tin kể trên, đồng thời cho biết thêm phiên bản tiêu chuẩn của VF8 sẽ đến Mỹ vào quý 1/2023.
Đây là một diễn biến có thể xem là gây bất ngờ vì trước khi VinFast gửi email đến khách hàng hôm 29/11, hầu như không có thông tin nào đề cập đến phiên bản mới City Edition, tác giả Shultz viết. Bài viết của ông trên dot.LA cho biết những chiếc VF8 đó có giá 52.000 đô la.
Trên trang MotorTrend, cây bút Christian Seabaugh đặt câu hỏi "180 dặm có giá 55.000 đô la : Liệu chiếc SUV VinFast VF8 2023 có chen chân được vào nước Mỹ ?"
Tác giả Seabaugh tường thật rằng mới đây ông dự một buổi lái thử một phiên bản mẫu trước khi sản xuất hàng loạt của chiếc VF8, cuộc đi thử được tổ chức ở Los Angeles. Ông viết rằng chưa thể đưa ra đánh giá cuối cùng về chiếc xe mà phải chờ đến khi ngồi lái nhiều hơn trong phiên bản sản xuất hàng loạt.
Sau buổi lái thử, cây bút của MotorTrend liên lạc với bộ phận truyền thông của VinFast và được xác nhận rằng bản City Edition của VF8 có giá 55.000 đô la và tầm chạy 180 dặm, còn các bản Eco và Plus vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và xin cấp phép với Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
Mức giá này nhiều khả năng là "viên thuốc khó nuốt" đối với những người đặt cọc mua xe VinFast, nhà báo Seabaugh nhận định. Kể cả xem xét đến các phiên bản khác của VF8, có thể có tầm chạy nhiều hơn, nhưng giá khởi điểm là khoảng 57.000 đô và vẫn phải chờ thêm vài tháng nữa mới có xe, vẫn theo tác giả.
Cả MotorTrend lẫn dot.LA, hai hãng truyền thông đặt ở Mỹ, đều cho rằng với các thông số như nêu trên, VF8 sẽ có một sự khởi đầu khó khăn trên đất Mỹ.
Trang dot.LA nhận định chiếc xe này sẽ khó cạnh tranh, khó thuyết phục khách hàng ở Mỹ khi xét đến thực tế rằng VinFast là một hãng xe của Việt Nam không mấy người biết tiếng và chưa được kiểm nghiệm.
Để so sánh, dot.LA đưa ra một số sản phẩm của các hãng khác đã có lịch sử hoạt động nhiều năm và đã thành danh, bao gồm Hyundai Ioniq 5 đời 2023 chạy được 220 dặm, giá khởi điểm 42.745 đô la, loại chạy được 303 dặm có giá 60.000 đô la ; Kia EV6 bản thấp nhất có giá 49.795 đô la, tầm chạy 206 dặm ; hay Mustang Mach E có giá thấp nhất là 46.895 đô la, chạy được 224 dặm.
"Bạn sẽ rất khó tìm được một chiếc ô tô điện đời 2023 nào lại có tỷ lệ ‘giá bán trên tầm xe chạy’ lại kém hơn chiếc VF8 của VinFast", tác giả Shultz viết trên dot.LA.
Vẫn ông Shultz đưa ra quan sát rằng phản ứng của dư luận về tin tức này, đặc biệt là trong mạng xã hội Reddit, phần lớn là tiêu cực.
Theo quan sát của VOA, cho đến nay VinFast chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về hai bài báo do dot.LA và MotorTrend đăng. VOA cố gắng liên lạc với VinFast để tìm hiểu phản ứng của hãng nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Các bài báo của dot.LA và MotorTrend xuất hiện vào thời điểm VinFast đang chờ quyết định của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) về hồ sơ của hãng đăng ký bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq.
Bản cáo bạch của VinFast nộp cho SEC ngày 6/12 cho thấy hãng có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.
Tính đến ngày 30/9/2022, nợ ngắn hạn của hãng là hơn 5,3 tỷ đô la, nợ dài hạn là gần 3,5 tỷ đô la. Lỗ ròng của hãng tính theo từng năm là gần 800 triệu đô la vào năm 2020 ; hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 ; và hơn 1,4 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2022.
Giáo sư, tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một giám đốc tài chính và chuyên gia kinh tế ở Texas, Mỹ, nhận xét với VOA rằng khi một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như nêu trên, sức khỏe của công ty đó "rất xấu", với hiểm họa về tính thanh khoản "rất lớn".