Một vài Facebooker cho rằng khi họ dùng mạng xã hội để đặt vấn đề hoặc chỉ trích chất lượng xe của VinFast, thì đã bị Facebook ‘bịt miệng’, khóa tài khoản trong vòng ba mươi ngày.
- Reuters
Cụ thể, một nữ tài xế ở Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 26/2, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng, một status cô viết với tiêu đề "Giải cứu truyền thông tởm lợm", trong đó cô ví những người biện minh cho sản phẩm của thương hiệu VinFast là "bò Vin", đã bị FB cảnh cáo và tài khoản FB của cô bị khóa ngay sau đó.
Nữ tài xế này không muốn nêu tên vì sợ bị chính quyền làm khó dễ, do đó, chúng tôi tạm gọi cô là Thanh và đã đổi giọng nói của cô khi cô chia sẻ về vấn đề liên quan đến VinFast :
"Những người vào Facebook của tôi để tấn công, tôi đã kiểm tra lại thì đa phần những người đó là nhân viên của Vin. Tôi vào Facebook của họ thì thấy họ chụp hình, quảng cáo về Vin. Họ là đại lý của Vin, nhân viên của Vin. Tôi gọi những người đó là ‘bò Vin’. Tôi nghĩ Facebook họ nói mình vi phạm, chắc là vì câu ‘bò Vin’ đó".
Sau khi tài khoản FB của mình bị khóa, cô Thanh đã lập tức khiếu nại với Facebook thì được họ trả lời. Cô Thanh nói :
"Họ báo cáo là tôi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thì tôi nói tôi không đồng ý. Khoảng 10 phút sau thì đã kiểm tra và trả lời, chính xác bài này vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nên họ khóa tài khoản trong vòng 30 ngày".
Một Facebooker khác cũng bị trường hợp tương tự như cô Thanh là Bùi Văn Thuận. Ông Thuận trong ngày 26/2 cũng đã chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn như sau :
"Không hề có status nào liên quan đến VinFast bị báo cáo. Mà bị báo cáo các tút trước đó rất lâu rồi, nội dung hoàn toàn không liên quan đến VinFast. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng đây là việc làm, tác động của VinGroup. Có hai lý do làm tôi nghi ngờ : Những người bị khóa 30 ngày hầu hết là các hot facebooker như Hoàng Dũng, Bùi Thanh Hiếu tức Người Buôn Gió, Nguyễn Lân Thắng và tôi. Và tất cả các tài khoản đó đều đưa tin, bình luận nhiệt tình, nhanh nhất về các xe VinFast bị "sụm" (gãy càng, văng bánh).
Facebooker Bùi Văn Thuận cho rằng tài khoản của ông bị hạn chế vì ông "đụng chạm" đến tập đoàn Vingroup.
Các status bị FB cho là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, đã xuất hiện (được viết) từ lâu, tại sao không bị "vi phạm" ngay thời điểm viết mà phải đợi đến khi sự việc bung bét của VinFast mới bị báo cáo "vi phạm" ?
Thêm nữa, VinGroup có nuôi một "đội quân truyền thông", giới thạo tin và cư dân mạng gọi họ là "tuyên giáo Vin". Lực lượng này rất hùng hậu, thường bị gọi giễu cợt là "dư luận Vin", bò Vin, hay Vin nô. Lực lượng này chỉ cần ra quân report (báo cáo) là các tài khoản "nói xấu" Vin sẽ bị đánh sập. Chuyện Vin "bịt miệng" giới phê bình là sự thật diễn ra nhiều năm nay rồi".
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với Facebook để hỏi về lý do hạn chế tài khoản của các Facebooker đăng tin về VinFast nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Chúng tôi sẽ đăng tải thông tin trả lời của FB về vấn đề này ngay sau khi nhận được phản hồi.
Trong khi đó, do bức xúc với cách FB khóa tài khoản của mình, cô Thanh dẫn chứng cho chúng tôi biết lý do tại sao cô đăng status về sản phẩm xe hơi của VinFast :
"Trước khi tôi đăng lên cái link đó thì thật sự nó cũng đã lan tỏa rộng rồi và nó được xác đinh bởi rất nhiều những anh em tại hiện trường và kể cả trang báo của truyền hình Nghệ An cũng xác định. Khi tôi đăng lên khoảng chừng 19 giờ mấy phút, thì cũng là lúc mà truyền hình Nghệ An gỡ đồng loạt mấy cái bài đó".
Theo cô Thanh, hôm 22 tháng 2, cô có đăng video do một cư dân mạng cung cấp về ô tô VinFast gãy càng trên cầu Bến Thủy 1. Trước khi đăng cô đã kiểm chứng sự kiện với nhân chứng và kể cả truyền thông địa phương, nhưng sau đó, video này của cô cũng bị cho là vi phạm.
Sinh viên vẫy cờ Việt Nam và Bắc Hàn khi đoàn quan chức Bắc Hàn thăm VinFast ở Hải Phòng hôm 27/2/2019. AFP
Để chứng minh những thông tin cô đang nói là sự thật, cô Thanh kể thêm :
"Hiện tại chỉ có Vin mới tiếp xúc được với các tài xế (xe Vin bị nạn). Tôi có nhờ tất cả anh em cộng đồng thì họ đều biết những người này, nhưng mà họ đều từ chối tiếp xúc với tụi tôi. Vấn đề xe bị tai nạn mà tất cả tài xế đều từ chối thì nó gây ra một câu hỏi rất là lớn trong chúng ta. Thật sự thì chuyện xe bị lỗi là chuyện rất bình thường, vấn đề kỹ thuật mà. Ngay cả các hãng xe danh tiếng thế giới cũng đều xảy ra lỗi lầm chết người. Nó rất là phổ biến không phải chuyện hy hữu. Nhưng ở đây, sự cầu thị, minh bạch thông tin và đưa ra cái lý do chính xác, là cái mà giới cộng đồng tài xế rất là muốn biết. Chia sẻ nó là một điều cùng nhau xây dựng. Khi minh bạch thì sẽ làm cho giới cộng đồng tài xế yên tâm, mà có một lựa chọn mới cho mình, một cái xe mới, chứ không phải là họ tìm hiểu để họ tẩy chay".
Theo những chia sẻ của cô Thanh, thì cô và những người trong cộng đồng tài xế đều muốn đại diện của VinFast lên tiếng giải thích thoả đáng về các "sự cố" vừa qua như thế nào ? Có phải do chất lượng xe của hãng VinFast hay do những tác động khác khiến xe bị gãy càng như một số bài báo gần đây lên tiếng giải thích hộ VinFast ?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cũng đã liên lạc với VinFast qua điện thư để nghe thông tin chính thức từ đại diện hãng xe này, nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Đối với cô Thanh, nếu như VinFast minh bạch, có trách nhiệm, giải trình và trả lời được các vấn đề khách hàng đặt ra thì người dân Việt Nam, đặc biệt giới đam mê xe, sẵn lòng hưởng ứng sản phẩm của VinFast.
"VinFast đã đánh vào tâm lý, là ‘tự hào Việt Nam, xe của người Việt Nam", thì ở đây những người Việt Nam cũng có quyền yêu cầu họ minh bạch về chất lượng, để cùng nhau góp nói tiếng xây dựng. Ở đây, cộng đồng phê bình VinFast không phải là sự soi mói để muốn làm hại gì VinFast cả, mà để cùng nhau đưa ra một sản phẩm đúng tiêu chuẩn tự hào Việt Nam".
Còn Facebooker Bùi Văn Thuận thì cho rằng việc gắn các sản phẩm thương mại với lòng
Với các lý do như trên, tôi đăng các tút về xe VinFast bị lỗi để cảnh tỉnh "lòng yêu nước, sự tự hào, ngạo nghễ" kệch cỡm bị lợi dụng và trục lợi kiểu lưu manh. Thứ nữa, Vin phải có trách nhiệm với sản phẩm và khách hàng của mình chứ không phải cứ đe dọa, bịt miệng hoặc cấu kết với chế độ để biến thành một thực thể mafia- chế độ như Vin đang làm"
Cũng trong ngày 26/2, RFA đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, để nghe ông nhận định về ngành công nghệ ô tô tại Việt Nam, mà cụ thể là dòng sản phẩm của tập đoàn Vingroup, ông nói :
"Tôi có nghe nhiều người nói chứ không phải một hai người nói đâu, là xe VinFast bán giá cao nhưng mà nó không đảm bảo, vì đó là mua cái dây chuyền lắp ráp của Đức mà người ta đã bỏ từ lâu, về mua linh kiện này kia các thứ cũ của người ta, kể cả linh kiện của Trung Quốc rồi lắp ráp ở Đình Vũ, Hải Phòng. Bán thì giá rất cao, đặt vấn đề coi như đây là loại xe cao cấp. Tôi cũng nghe, nó chạy trên đường cũng không đảm bảo, chạy tốc độ bình thường thì nó nóng lên. Chạy tốc độ cao thì nó chịu không được.
Tôi nghĩ rằng muốn hình thành ra được một nền công nghiệp và sản xuất ô tô thì nó phải trải qua cái gì công phu dữ lắm chứ không phải ba chớp ba nhoáng đó mà nhảy ra, nói là tự mình tạo ra nền công nghiệp mới, công nghiệp ô tô của Việt Nam. Nói như thế là không hiểu gì về công nghiệp hết".
Nhà máy VinFast được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2017 và hoàn tất trong vòng 21 tháng với công suất dự kiến cho hai giai đoạn được cho biết là 500.000 xe/ năm. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khánh thành nhà máy này tại Hải Phòng vào tháng 6 năm 2019. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành nhà máy, ông Phúc đã nói : "Sự thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy ôtô VinFast cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay nhất trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới"
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 26/02/2021
Khi thủ tướng đi làm nghề quảng cáo
Minh Châu, VNTB, 25/06/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hết lời ngợi ca khi tới dự lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Cát Hải (Hải Phòng) của doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Trước đó, thủ tướng cũng tham dự một sự kiện cộng đồng của Tập đoàn điện tử Asanzo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải nghiệm xe VinFast.
Hôm 21/6, báo Tuổi Trẻ bắt đầu loạt bài viết và phóng sự truyền hình về chuyện nhiều sản phẩm của Asanzo thật ra đều là hàng của Trung Quốc.
Chiều 23/6, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo, đã có buổi gặp gỡ trao đổi với một số báo chí ngay tại nhà máy của doanh nghiệp đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
Ông Tam giải thích có 3 bộ phận quan trọng trong chiếc ti vi là màn hình tấm panel LCD, màn hình LCD và bo mạch đều được Asanzo mua từ Trung Quốc, nhưng ông Tam vẫn khẳng định chiếc ti vi Asanzo là thương hiệu Việt và trực tiếp thực hiện các công đoạn lắp ráp ti vi ngay tại chuyền 1 nhà xưởng trong vòng 15 phút trước sự chứng kiến của báo chí.
"Ngoài linh kiện nhập khẩu đến 70 - 80%, chúng tôi phải sử dụng một số linh kiện được cung cấp tại Việt Nam. Đặc biệt, giá trị cốt lõi của chiếc ti vi là hệ điều hành, phần mềm của ti vi và thiết kế mẫu mã phải được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư của công ty. Ti vi Asanzo chạy hệ điều hành Android mà Trung Quốc không sử dụng hệ điều hành này. Với những điều đó, chúng tôi tự tin sản phẩm mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật là có căn cứ, phù hợp thông lệ thị trường và không trái pháp luật Việt Nam", ông Tam nói.
Một lập luận tương tự ông chủ của Asanzo cũng được ông trùm của Vingroup đưa ra với sự tán thưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 14/6 : "VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô như thân vỏ, động cơ…. Với năng lực tự dập các tấm lớn (hơn 20 tấm cơ bản cho mỗi xe) ; và khả năng gia công, sản xuất động cơ tại chỗ theo tiêu chuẩn cao của Châu Âu – VinFast đã khẳng định được vị thế của một nhà sản xuất ô tô độc lập" (trích Thông cáo báo chí).
Trong Luật Quảng cáo có điều 8 nêu về những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, theo đó ở khoản 9 ghi : "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố".
Như vậy, trường hợp của Asanzo là dù sản phẩm của họ tương tự sản phẩm điện tử gia dụng của Kangaroo, Sunhouse… nhưng các sản phẩm này đều ghi xuất xứ Trung Quốc, còn Asanzo thì nói rằng mình là hàng Việt.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng khôn ngoan hơn khi sử dụng tên gọi "dự án sản xuất ô tô xe máy mang thương hiệu Việt – VinFast", qua đó được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất trong lãnh vực phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Các bất động sản liên quan dành cho chuyện này như nhà xưởng, trạm bảo hành… của Vingroup cũng được hưởng những ưu đãi liên quan về thuế, tiền sử dụng đất.
Trong khi đó thì mặc dù ông chủ của Công ty Trường Hải đầu tư hẳn khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai với 32 công ty, đơn vị trực thuộc, bao gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy linh kiện phụ tùng và tổ hợp cơ khí thì vẫn được xem là ‘gia công – lắp ráp’.
Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia về thương hiệu, trường hợp những sản phẩm mà linh kiện chủ yếu nhập khẩu thì chưa thể gọi là sản xuất tại Việt Nam, mà mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp. Thế nhưng muốn minh bạch rõ ràng, nhất thiết phải có bộ tiêu chí định nghĩa thế nào gọi là hàng Việt phù hợp với các điều ước về sở hữu trí tuệ. Điều này đến nay vẫn chưa có.
"Thông thường, người ta hiểu nôm na gọi là hàng của quốc gia đó như hàng Việt, hàng Mỹ, hàng Nhật hay hàng Trung Quốc thì tối thiểu ý tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thương hiệu sản phẩm đó phải được dựng lên từ quốc gia đó. Kiểu như sinh ra đứa con phải có hình hài, tâm hồn, tính cách. Còn lại sữa để nuôi con, áo quần cho con mặc… có thể sử dụng mua từ quốc gia khác. Thế nên định nghĩa là hàng gì phải bắt đầu từ 3 yếu tố nói trên", giảng viên môn ‘Makerting’ của trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – ông Vũ Quốc Chinh diễn giải và cho rằng thương hiệu chỉ là một phần trong câu chuyện hàng gắn mác xuất xứ quốc gia đó.
Trước mắt, có lẽ để sòng phẳng trong chuyện ‘makerting’/tiếp thị, quảng bá thương hiệu, sản phẩm…, những chính khách ‘chóp bu’ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng nên biết từ chối những lời mời mọc ‘cắt băng khai trương, khánh thành’ của doanh nghiệp.
Tấm hình kèm chú thích "Thủ tướng trải nghiệm ô tô VinFast do Chủ tịch Vượng cầm lái" rõ ràng là một ‘lobby’ lộ liễu không chỉ chuyện xe hơi, mà còn ẩn nhiều điều khác nữa, kể cả hơi hướm chính trị, khi em ruột của ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú Phạm Nhật Vũ đang vòng lao lý.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 25/06/2019
********************
Xe thương hiệu Việt - Vinfast Fadil liệu có như quảng cáo ?
Nguyễn Anh Tuấn, Phụ Nữ, 24/06/2019
Ba tháng sau khi tuyên bố đưa xe đi thử nghiệm, VinFast vẫn chưa công bố được clip đánh giá của các trung tâm kiểm định an toàn xe nổi tiếng trên thế giới, chỉ có clip tại Trung tâm Kỹ thuật General Motors Hàn Quốc.
Để có được những chiếc xe hơi chất lượng và ngành công nghiệp ô tô mạnh, nhiều hãng xe lớn của các nước phát triển đã phải trải qua nhiều chục năm rủi ro, thăng trầm. Những chiếc xe thương hiệu Việt nhanh chóng lăn bánh trên đường liệu sẽ đối mặt ra sao với những thử thách đầy chông gai ấy ?
Cuộc chiến thương hiệu
Chiếc xe hatchback hạng A (thường được gọi là xe "con cóc"), Vinfast Fadil lăn bánh trên đường phố, đem lại cho người Việt rất nhiều cảm xúc : tự hào hàng Việt có, vui mừng có và chưa hài lòng cũng có.
Xe VinFast Fadil được đưa ra lái thử
Ý tưởng xe hơi Việt không phải là điều gì mới mẻ tại thời điểm này. Sau sự thất bại của Vinaxuki, Vinfast xuất hiện trong một trạng thái hoàn thiện hơn, đã tạo được rất nhiều sự phấn khích; dẫu những người quan tâm và am hiểu về xe biết thương hiệu ấy đã làm được những gì và những gì họ đang mạo nhận qua quảng cáo. Các chuyên gia cho rằng, Vinfast không có dấu ấn trí tuệ Việt về mặt kỹ thuật trên chiếc Fadil nhỏ bé này.
Những ý kiến trái chiều luôn là cách người dân tiếp cận, tìm hiểu và đón nhận một sản phẩm mới. Đó là sự khách quan của người tiêu dùng mà bất kể thị trường tự do nào cũng đều có, thậm chí còn mang tính xung đột giữa các nhóm người tiêu dùng của từng thương hiệu. Đó cũng là niềm vui đối với nhà sản xuất, bởi những phản biện về kiểu dáng, thiết kế, tính năng, giá, cung cách phục vụ… sẽ giúp họ ngày một hoàn thiện sản phẩm.
Vinfast đã đưa chiếc Fadil vào giữa một thị trường xe hạng A đang cạnh tranh khốc liệt. Đây sẽ là bước đi thông minh nếu nhà sản xuất đủ mạnh về tài chính và chủ động về công nghệ. Ngược lại, sẽ rất khó khăn vì phải nhập khẩu linh kiện và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ của nước ngoài. Vinfast đã cho người tiêu dùng thấy dây chuyền lắp ráp và quy mô nhà máy, thấy sự chuyên nghiệp trong cách quản lý của họ. Nhưng sản phẩm cuối cùng mới là điều quan trọng. Chiếc Fadil không có gì đặc biệt so với các đối thủ, ngoại trừ cụm từ "xe thương hiệu Việt".
Nhà máy của Vinfast tại khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Thành phố Hải Phòng
Còn nhớ, khi chiếc điện thoại Bphone ra đời, cũng nói nhiều về thương hiệu Việt và tự xếp mình ở vị trí cao về công nghệ, tính năng… khi tiếp cận khách hàng. Nhiều người dùng Việt vui mừng, tự hào cổ vũ cho thương hiệu, song lại không nhiều người mua. Bphone đến tay khách hàng với giá của phiên bản đầu tiên quá cao (11 triệu đồng). Những lần ra mắt sau này, Bphone đã có mức giá thấp hơn và cho phép người dùng thử trải nghiệm. Tiếc là sản phẩm của họ, thời điểm này, đã ngừng kinh doanh trên trang web của hai nhà bán lẻ lớn là FPT và Thegioididong. Người tiêu dùng Việt ngày nay có nhiều thông tin hơn để so sánh, đánh giá một sản phẩm mới trên thị trường và khi họ chi tiền vào thứ gì đó, họ luôn có lý.
Chiếc Vinfast Fadil có mức giá giống với câu chuyện của Bphone. Giá bán công bố của xe là 395 triệu đồng - ngang ngửa, thậm chí cao hơn các dòng xe cùng loại của những thương hiệu lớn và nhiều kinh nghiệm, nhiều công nghệ hơn như Suzuki (Celerio, 359 triệu đồng), Kia (Morning, 393 triệu đồng), Hyundai (i10, 405 triệu đồng), Toyota (Wigo, 405 triệu đồng) và Honda (Brio, 418 triệu đồng)… Vinfast, như công bố, là xe sản xuất trong nước mà giá ngang với xe ngoại có lẽ là điều mà người mua xe sẽ rất phân vân khi quyết định.
Những chiếc xe hạng A có mặt ở hầu hết mọi đô thị đông đúc. Sự nhẹ nhàng, tiện dụng và kích thước nhỏ là ưu điểm tuyệt đối của nó. Nhiều người còn ví chúng là xe ưa thích của các bà nội trợ. Ngay cả các ông lớn như Toyota, Honda, xưa không mấy mặn mà với các mẫu xe hạng A, giờ cũng tham gia thị trường. Họ biết, không có mặt ở phân khúc này, về lâu dài, sự lan tỏa hình ảnh thương hiệu sẽ yếu dần trong mắt khách hàng.
Một ưu thế nữa của những chiếc xe con cóc là khả năng chạy taxi. Khi bạn gọi xe bằng các ứng dụng như Grab, BE… khả năng lớn là một chiếc xe con cóc sẽ ghé đón bạn. Vinfast Fadil muốn chứng tỏ uy lực và tham gia được thị trường vận tải sôi động này, nó phải có độ bền bỉ, tiết kiệm của động cơ và sự hỗ trợ nhanh chóng về bảo trì, bảo dưỡng và kỹ thuật của nhà sản xuất hoặc chí ít là linh kiện thay thế dễ kiếm trên thị trường. Vì mới xuất hiện, Vinfast Fadil khó thắng các ông lớn xe hơi, bởi hệ thống đại lý, bảo trì của họ còn quá mỏng.
Ván bài sinh tử
Chiếc Daewoo Matiz của người Hàn được xem là dòng xe mở ra thị trường xe hatchback hạng A tại các đô thị chật chội ở Việt Nam. Cho tới nay, người Hàn vẫn chiếm lĩnh phân khúc này với những thương hiệu như Hyundai, Kia. Trong quá khứ, họ cũng từng trả những cái giá khá đắt để có được chỗ đứng như vậy. Sau khi phá sản, ông Kim Woo Choong - người sáng lập thương hiệu xe hơi Daewoo đã thốt lên : "Sai lầm đau đớn của cuộc đời tôi là mong nhanh chóng bán được càng nhiều xe càng tốt. Suy nghĩ ấy đã vô tình coi nhẹ các yếu tố kỹ thuật của sản phẩm mà các hãng khác luôn nâng cấp cho khách hàng".
Thống kê năm 2018, 22.068 chiếc Hyundai i10 đã được bán ra, theo sau đó là Kia Morning với số lượng 11.528 xe. Tại Việt Nam, họ cho khách hàng nhiều sự lựa chọn như: số sàn, số tự động, phiên bản tiết kiệm, phiên bản cao cấp… là điều Vinfast Fadil không có.
Trên thế giới, một mẫu xe đến với người tiêu dùng phải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm. Từ độ bền bỉ của máy móc đến khả năng vận hành trong nhiều điều kiện đường sá, thời tiết khác nhau ; khả năng chịu đựng va đập của thân vỏ xe khi va chạm ở nhiều tốc độ; khả năng chịu lực của trần xe khi chẳng may bị lật nhiều vòng trên đường...
Ở mỗi lần thử nghiệm như vậy, các kỹ sư lại đo đạc biên độ biến dạng, xem xét kỹ lưỡng về chấn thương trên mô hình… để điều chỉnh thiết kế, kiểu dáng và vật liệu; để làm sao khi tai nạn xảy ra, rủi ro phải ở mức thấp nhất. Dần dần, các thử nghiệm này trở thành tiêu chuẩn phải có của ngành công nghiệp xe hơi và như một cam kết bắt buộc của các nhà sản xuất đối với khách hàng. Vinfast không cho khách hàng thấy được điều này. Mẫu mã đẹp, quảng cáo hay chỉ là thứ yếu. Cái đầu tiên khách hàng mua xe hơi cần và quan trọng nhất là sự an toàn. Tháng 3/2019, Vinfast tuyên bố đưa xe đi thử nghiệm về tính năng, độ an toàn rồi mới giao xe cho khách. Nhưng cho tới giờ, nhiều chiếc Fadil đã lăn bánh trên đường mà Vinfast vẫn chưa thể công bố được clip đánh giá của các trung tâm kiểm định an toàn xe nổi tiếng trên thế giới như ASEAN NCAP hay Magna Steyr, chỉ có clip kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật General Motors Hàn Quốc. Đây là điều vô cùng mạo hiểm, đứng ở khía cạnh nhà sản xuất; còn với người dùng là sự lo ngại lớn lao. Chiếc xe hơi lao trên đường được xem là mối nguy hiểm cho chính nó và mọi thứ xung quanh. Không đưa ra được các bằng chứng, kết quả thử nghiệm, sẽ thật khó thuyết phục khách hàng rằng chiếc xe an toàn.
Gần 400 triệu đồng có thể là con số nhỏ với những đại gia (nhưng những đại gia thì thường không chọn mua xe cỡ nhỏ) song lại là con số lớn đối với phần lớn người tiêu dùng đang dành dụm để tậu một chiếc xe con cóc, chở con đi học, chở vợ đi làm, hay vi vu du lịch. Trước khi "xuống tiền" cho một chiếc xe, hầu hết khách hàng sẽ dành nhiều tháng cân phân giữa từng tính năng, từng tiện ích, từng thương hiệu. Xe Hàn giá rẻ, xe Nhật "lành tính" là những điều dân chạy xe hơi đã truyền tụng trong rất nhiều năm qua. Để đạt được sự tin cậy đó nơi khách hàng là một quá trình rất dài của rất nhiều dòng xe đã chinh chiến trên các cung đường khắp thế giới chứ không phải chỉ dựa trên việc chủ nhân thương hiệu nói gì về chúng.
Để Vinfast Fadil giành được chỗ đứng trong lòng khách hàng, nhà sản xuất cần chứng minh nhiều hơn về tính đa dạng, an toàn, hậu mãi; cho người dùng thấy được sự tiết kiệm, độ bền bỉ của động cơ và các tính năng kỹ thuật tiên tiến. Có như vậy, hành trình của Vinfast và rộng hơn nữa là xe hơi thương hiệu Việt trong tương lai mới có thể tiến xa.
Nguyễn Tuấn Anh
******************
Ô tô VinFast Fadil gặp bất lợi khi báo chí so sánh giá xe ? (VOA, 25/06/2019)
Kể từ khi hãng ô tô 100% vốn Việt Nam VinFast bắt đầu bàn giao những chiếc Fadil đầu tiên cho khách hàng hôm 17/6, nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nhiều lần tường thuật trực tiếp trên mạng rằng loại xe này là "đồ đồng nát", "kém chất lượng". Ông Khoa nói Fadil tương đương với một dòng xe "không bán được ở Châu Âu, đã bị thải loại ở Đức vào năm 2016".
Xe Fadil, dòng xe đầu tiên của Vinfast xuất xưởng, tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/6. (Ảnh Vinfast.vn)
Ông Khoa, Tổng Biên tập báo điện tử Thoibao.de có giấy phép ở Đức, cho biết thêm dòng xe đó từng có giá bán hơn 5.100 Euro một chút, tương đương khoảng 133 triệu đồng, và chỉ đạt chuẩn khí thải Euro 4, không thể đáp ứng chuẩn Euro 6 hiện nay ở Châu Âu.
Khi chuẩn bị sản xuất dòng xe 5 chỗ nhỏ, hồi tháng 11/2018, VinFast thuộc tập đoàn VinGroup tuyên bố với báo chí là Fadil được nhượng quyền từ hãng Mỹ General Motors (GM). Hãng ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cung cấp thêm thông tin rằng Fadil "sử dụng nền tảng, công nghệ và tiêu chuẩn" của xe Opel Karl Rocks, loại xe cũng có chung nền tảng với Chevrolet Spark.
Qua các buổi live stream trên Facebook và YouTube gần đây, nhà báo Lê Trung Khoa đưa ra so sánh rằng mặc dù VinFast được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và đất đai, song giá bán hiện tại của Fadil ở Việt Nam lên đến xấp xỉ 400 triệu đồng, sát mức giá của các xe nước ngoài cùng phân hạng phải chịu nhiều loại thuế cao từ nhiều năm nay.
Trong một bài báo đăng hôm 24/6, báo Phụ Nữ ở trong nước cũng so sánh giá của Fadil và chỉ ra rằng mức 395 triệu đồng/chiếc là "ngang ngửa, thậm chí cao hơn" các xe cùng loại của những thương hiệu "lớn và nhiều kinh nghiệm, nhiều công nghệ hơn" như Suzuki Celerio, Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Wigo, và Honda Brio.
Tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng xe của VinFast sản xuất trong nước mà giá ngang với xe ngoại "có lẽ là điều mà người mua xe sẽ rất phân vân khi quyết định".
Một chuyên gia về ô tô, ông Trần Khắc Huy, Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, có quan điểm tương tự. Ông nói với VOA :
"Tôi thấy nhiều người phản ứng với giá bán quá cao. Tôi cho rằng giá như thế là quá cao. Vượt quá rất là nhiều so với người ta kỳ vọng về cái xe được mang tiếng là sản xuất trong nước".
Ngoại trừ vấn đề giá xe, về mặt công nghệ, chuyên gia Trần Khắc Huy cho rằng nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức đã "không đúng" khi gọi xe Fadil và dòng xe tiền thân của nó, Opel Karl Rocks và Chevrolet Spark, là "đồ thải loại".
Theo ông Huy, Opel và Chevrolet có thể đã dừng sản xuất để tung ra các mẫu xe mới và điều đó "không liên quan gì đến vấn đề chất lượng". Vẫn theo chuyên gia này, hiện nay chính phủ Việt Nam mới chỉ áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 về khí thải của ô tô, vì vậy, xe Fadil "cũng không có vấn đề gì" về mặt này.
Một phần dây chuyền lắp ráp tại nhà máy của VinFast mới đi vào hoạt động giữa tháng 6/2019
Các buổi live stream của nhà báo Lê Trung Khoa đã thu hút lượng người xem tổng cộng lên đến hơn 100.000 và hàng nghìn lời bình luận. Trong đó, theo quan sát của VOA, đa số các ý kiến cho rằng ông Khoa "dũng cảm" cung cấp thông tin để nhiều người biết được "sự thật về chất lượng và giá cả" của Fadil.
Ngược lại, cũng có một lượng đáng kể các ý kiến cho rằng ông Khoa "phá hoại" nỗ lực sản xuất ô tô nội địa của VinFast thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Một số người thậm chí còn đưa ra những lời đe dọa "ám sát", "giết chết" ông Khoa vì đưa ra những thông tin bất lợi về Fadil.
Theo tìm hiểu của VOA và qua ảnh chụp màn hình được nhà báo Lê Trung Khoa chia sẻ với VOA, những lời đe dọa mạnh mẽ nhất có nội dung rằng vì ông Khoa động đến "một thế lực tư nhân", nên ông sẽ "rước họa vào thân", cũng như sẽ bị hoặc đáng bị ông chủ của Vin Group "thuê mafia thủ tiêu".
Ông Khoa cho VOA biết ông đang đối phó với các lời đe dọa này như thế nào :
"Tôi đã tổng hợp lại, dịch và đưa các thông tin đó cho cảnh sát điều tra Đức, LKA, để họ tiếp tục tìm hiểu xem những chủ tài khoản nhắn tin đe dọa tôi liên tục như thế là ai, có vị trí địa lý nào, địa chỉ IP nào để họ tiếp tục có biện pháp bảo vệ tiếp theo".
Hôm 24/6, VOA liên lạc với cơ quan cảnh sát LKA để tìm hiểu xem họ nhận được những bằng chứng gì từ ông Khoa và có những biện pháp bảo vệ ông như thế nào. Tuy nhiên, sau 24 giờ, VOA chưa nhận được hồi đáp từ LKA.
Cùng ngày, VOA cũng cố gắng liên lạc với ông Nam Phong, đại diện truyền thông của VinFast, để hỏi về phản ứng của hãng đối với những thông tin do ông Lê Trung Khoa đưa ra. Ông Phong trả lời rằng vì "chưa có đủ thông tin" nên ông "chưa được phép phát ngôn", đồng thời đề nghị VOA gửi câu hỏi đến qua email.
Ở thời điểm bài được đăng, VOA chưa nhận được câu trả lời từ VinFast sau hơn 24 giờ gửi email đến hãng.
Chuyên gia ô tô Trần Khắc Huy, Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, cho rằng những thông tin trái chiều do ông Khoa và báo Phụ Nữ đưa ra có thể gây khó cho việc bán hàng của VinFast, không chỉ đối với xe Fadil mà cả hai mẫu xe sedan và SUV 2.0 lớn hơn, có giá xấp xỉ 1 tỷ đồng trở lên.
Ông Huy nói với VOA :
"Cái tỉ lệ thành công của 3 mẫu xe đó theo tôi là không cao. Thứ nhất, thị trường trong nước thì người ta khá là biết các xe đấy là như thế nào, xuất xứ từ đâu, đã phải chỉnh sửa những gì. Trong nước người ta khá là e dè. Hơn nữa là giá trị khá là lớn so với thu nhập của người Việt Nam. Theo tôi, số lượng bán trong nước sẽ khá là thấp. Còn nếu để mang ra bán ở nước ngoài, theo tôi nghĩ thì mua lại xe của một hãng khác, dán mác của mình vào, chỉnh sửa một tí, rồi lại mang bán thì ra thị trường quốc tế khả năng cạnh tranh về giá là quá thấp".
Hôm 14/6, tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng, "vỏn vẹn" sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện.
VinFast có kế hoạch sản xuất 250.000 xe trong giai đoạn đầu hoạt động, với sản lượng dự kiến tăng lên 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Năm ngoái, hãng cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu vào giữa năm 2020. Hãng cũng nói họ đã nhận được 10.000 đơn đặt hàng trước ở thời điểm cách đây 1 năm.
Paris Motor Show 2018, Vinfast làm khán giả choáng váng.
Cô ấy, đứng trên sân khấu, rành rọt nói với cựu ngôi sao Beckham tặng anh một lá, trước cử tọa là đại diện báo chí, các kênh truyền thông toàn cầu.
Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào làm lớn đến thế. Chưa có doanh nghiệp, nhà sản xuất ô tô ngoại quốc nào làm nhanh và lạ lùng như vậy. Thông điệp được nhắc đi nhắc lại, xuyên suốt các kênh truyền thông (Việt Nam) không phải là hàng hóa, dịch vụ của mình tốt hơn và/hoặc rẻ hơn, mà là tự hào. Cách thức truyền thông của Vinfast cho thấy họ muốn nói điều đó với toàn thể "quốc dân", đồng bào, chứ không tập trung vào khách hàng tiềm năng.
Ngôn ngữ chính được Vinfast tận dụng tối đa là hình ảnh quốc gia. Quốc kỳ, tên nước, yếm, áo dài, tre nứa trong tiếng sáo trúc… (gọi chung là hình ảnh quốc gia). Trên nền cờ đỏ sao vàng, theo sau hai chiếc ô tô là Hoa hậu Việt Nam 2018, trên tay cầm hai lá cờ. Chúng không có biểu tượng Vinfast, lại là cờ đỏ. Cô ấy, đứng trên sân khấu, rành rọt nói với cựu ngôi sao Beckham tặng anh một lá, trước cử tọa là đại diện báo chí, các kênh truyền thông toàn cầu.
Chúng ta đã rất quen với hình ảnh quốc kỳ Việt Nam có mặt khắp nơi. Hồn nhiên và vô tư. Gần đây, trong một màn trình diễn nổi tiếng thế giới, hai diễn viên tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng ở Anh với tính chất cá nhân, hai anh đã gắn cờ Việt Nam trên bộ đồng phục mầu bộ đội. Video về cô gái cởi truồng quấn cờ Việt Nam cổ vũ đội U23 lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Hình ảnh quốc gia không thể sử dụng tùy tiện như vậy.
Hình ảnh quốc gia, nước xuất xứ (country of origin) là một công cụ, tài nguyên giá trị, thậm chí có giá trị lớn. Doanh nghiệp sử dụng hình ảnh quốc gia sẽ làm tăng mức độ tín nhiệm của mình, bởi nó có tính chất nghiêm túc. Khách hàng, đối tác có xu hướng tin rằng doanh nghiệp đó ưu tú, đại diện cho một đất nước. Hình ảnh quốc gia là tài sản. Nó đương nhiên thuộc sở hữu toàn dân, những người đang sống. Nó còn là di sản, thành quả của cha anh dành lại cho những thế hệ mai sau.
Đã là tài nguyên, công cụ, tài sản của đất nước thì chỉ những ai, tổ chức nào đủ khả năng sử dụng, đủ khả năng làm giầu, làm đẹp hình ảnh quốc gia mới được dùng. Bất kể vì mục tiêu gì, lợi nhuận hay phi lợi nhuận, từ thiện hay giáo dục… Tuyên truyền về sự tự hào, kể cả tự hào dân tộc, cũng cần nêu lý do và bằng chứng rõ ràng. Người dân chỉ có thể tự hào khi ý thức rõ, chứng minh được quốc gia của mình có những thành tựu lớn hơn các quốc gia khác. Ví dụ, giầu đẹp hơn, an toàn hơn, tự do hơn.
Vinfast nên nói rõ bản sắc Việt là gì, giá trị đến mức nào, khi tuyên bố sản phẩm của mình có "Bản sắc Việt - Thiết kế Ý - Công nghệ Đức - Tiêu chuẩn quốc tế". Nếu đủ tự tin, chứng minh được, hãy cho thế giới thấy rằng, thiếu bản sắc Việt, thiết kế Ý và công nghệ Đức, không thể đạt chuẩn quốc tế. Như vậy chẳng cần tuyên truyền, người Việt Nam sẽ rất đỗi tự hào về thương hiệu Vinfast. Hơn thế, khi cần người dân sẽ ra sức bảo vệ và bảo vệ thành công thương hiệu đó, vì họ có niềm tin và chứng lý mạnh mẽ.
Hình ảnh Việt Nam rất cần được quản lý và hướng dẫn để tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi, ít nhất là được tiếng thơm. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ai cũng có bổn phận bảo vệ hình ảnh đất nước, ít nhất hãy dùng một cách cân nhắc và tiết kiệm. Chính phủ có thể tham khảo, học hỏi từ những quốc gia đã phát triển về vấn đề này. Chẳng hạn, Ủy ban Thương mại Liên bang, Mỹ (The Federal Trade Commission), họ yêu cầu tất cả cá nhân/tổ chức bắt buộc phải tuân thủ các chuẩn mực về việc sử dụng nhãn hiệu Mỹ. Hãy hạn chế tình trạng hình ảnh quốc gia giá trị đã thấp, nay có thể còn thấp hơn.
Nguyễn Hà Hùng
Nguồn : BBC, 09/10/2018
***********************
Hai kiểu xe đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam tại triển lãm Paris (RFI, 09/10/2018)
Hai chiếc Sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 mang nhãn hiệu VinFast của Việt Nam với logo hình chữ V thu hút tò mò của khách tham quan hội chợ xe Paris mở ra từ ngày 4 đến 14/10/2018. Hai chiếc xe mẫu được lắp ráp tại Ý trong lúc chờ đợi nhà máy tại Hải Phòng đi vào hoạt động. Tập đoàn xe hơi đầu tiên của Việt Nam kỳ vọng đến mùa hè 2019 xe sẽ được bán trong nước.
Chiếc SUV Lux SA2.0 của VinFast tại hội chợ xe quốc tế Paris 2018.Thanh Hà/RFI
Gian trưng bày xe Việt Nam được đặt tại Hall 1 khu triển lãm Porte de Versailles. Hai chiếc xe bóng loáng, một đỏ và một màu xám đen đậm được chiếu cố tận tình vào ngày ra mắt báo chí 02/10/2018. Các phóng viên đặt máy thu hình, quay cận cảnh từ đường nét thiết kế của tay lái, hộp số xe đến động cơ, từ đường viền cửa xe đến pô nhả khói, đèn pha, cửa xe, gầm xe ...
Để có được hai sản phẩm đầu tay này, hãng xe Việt Nam đã mời nhiều tên tuổi trong ngành cộng tác. Trong số các đối tác của Việt Nam phải kể đến hãng BMW của Đức, đến nhà thiết kế của Ý Ital Design, Pininfarina hay nhà trang thiết bị ô tô của Pháp Faurecia...
Trong ngày đầu tiên mở cửa cho báo chí, RFI Việt Ngữ đã có dịp đến tham quan gian trưng bày xe Việt Nam và đặt câu hỏi với bà Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch tập đoàn xe VinFast, về những chiếc xe Việt Nam ra mắt công chúng Paris lần này, về nhà máy sản xuất xe hơi của Việt Nam tại Hải Phòng sắp đi vào hoạt động và về triển vọng của thị trường xe hơi trong nước.
Thanh Hà
Người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng lại vừa có thêm cái nhất nữa khi trở thành hãng xe hơi Việt Nam có màn ra mắt ấn tượng nhất ở triển lãm ô tô mang tên Paris Motor Show.
Hoa Hậu Trần Tiểu Vy và cựu danh thủ David Beckham tham dự lễ ra mắt 2 mẫu xe VinFast tại Paris Motor Show.
Mặc dù còn có những tranh cãi về chuyện liệu ông Vượng có treo đầu dê bán thịt chó hay không, khả năng quảng cáo cho một sản phẩm còn đang được định hình của VinFast không tồi chút nào.
Họ mời được danh thủ nổi tiếng thế giới David Beckham tới giới thiệu hai mẫu xe Sedan và SUV cũng như quy tụ được đông đảo báo giới trong buổi ra mắt.
Thêm nữa VinFast cũng đoạt luôn giải ‘Ngôi sao mới’ do Autobest, tổ chức bình chọn xe tốt nhất Châu Âu hàng năm với đại diện từ 27 quốc gia của Châu lục này. ‘Ngôi sao mới’ cũng là giải mới tinh và VinFast là hãng đầu tiên được trao giải này.
Vậy ai góp phần vào những thành công về mặt truyền thông cho VinFast ?
Câu trả lời đầu tiên là đó không phải là một hãng Việt Nam. Tỷ phú Vượng đã chọn một công ty chuyên về truyền thông và tổ chức sự kiện của Anh. Công ty mang tên PFPR Communications có trụ sở ở hạt Kent (cách nơi tôi sống chừng 30 phút lái xe). Đây là công ty nổi tiếng với danh sách khách hàng bao gồm cả BMW, Mazda, Honda, Mini và Rolls-Royce.
PFPR thông báo trên Twitter hôm 30/8 rằng khi đó họ đưa một đoàn nhà báo tới thăm nhà máy của VinFast bằng trực thăng. Họ cũng đăng cảvideo trực thăng đáp xuống nhà máy ở Hải Phòng. Cũng phải nói rằng khu nhà máy với tổng diện tích 335 ha của VinFast đang được đem ra so sánh với nhà máy chỉ với diện tích hơn 20 ha của Toyota Việt Nam, hãng đã sản xuất xe ở Vĩnh Phúc từ 22 năm qua với tỷ lệ nội địa hoá lên tới gần vài chục phần trăm. Họ nói ông Vượng ‘lườm cơm gắp thịt’, nói là làm ô tô đấy nhưng tiện thể cũng gom càng nhiều đất về tay tập đoàn Vingroup của ông càng tốt. Người ta cũng dẫn lại chuyện các báo Việt Nam đã phải sửa các bài trong đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chất vấn ai bật đèn xanh cho xây nhà trên 50 tầng ở khu Triển lãm Giảng Võ vì đó chính là dự án có ông Vượng tham gia. Nhưng cũng có ý kiến nói khu đất "hơn 300 ha ở Hải Phòng là sình lầy… bao nhiêu năm nay chẳng ai để mắt tới vì phải mất rất nhiều công và của bồi đắp".
Trở lại với PFPR, hãng kết thúc chuyến thăm VinFast hôm 31/08 và tới hôm 2/10 viết trên Twitter : "Tự hào khi đội PFPR giúp giới thiệu hai mẫu xe mới của VinFast – nhà sản xuất xe hơi chính ngạch đầu tiên của Việt Nam – tại #ParisMotorShow".
Sự tham gia của PFPR lý giải cho mức độ chuyên nghiệp tương đối của cách VinFast ra mắt mô hình xe ở Paris và sự xuất hiện của David Beckham. Cựu danh thủ cũng được trả đủ thù lao và hoàn thành nhiệm vụ khi thốt lên những từ "đẹp quá" và "VinFast là điều kỳ diệu" khá tự nhiên trước khi nhận lấy lá cờ đỏ sao vàng từ tay Hoa hậu Trần Tiểu Vy.
Bức ảnh Beckham chụp cạnh xe của VinFast mà anh chia sẻ trên chính trang Facebook của mình đã được hơn 130.000 lượt like và hơn 5.000 lượt chia sẻ tính tới 8/10. Nhiều người Việt vào bình luận kiểu "Việt Nam vô địch" trong khi các đồng hương của Beckham thì trút sự bực bội vì cựu danh thủ này vừa thuê luật sư chuyên tìm cách lách luật cãi cho anh thoát tội đi quá tốc độ. Beckham bị máy chụp ảnh tự động ghi lại cảnh chiếc Bently anh lái phóng với tốc độ 59 dặm (gần 95 km) trên đường chỉ cho phép đi với tốc độ 40 dặm (hơn 64 km) hồi đầu năm nay. Beckham thừa nhận đi quá tốc độ cho phép nhưng thuê luật sư cãi rằng giấy thông báo về chuyện anh phạm luật tới quá muộn nên không còn hợp lệ. May mà anh không ở Việt Nam chứ nếu không anh đã phải vào quán nước đưa tiền hối lộ hoặc nếu ra toà thì cũng không thể cãi theo kiểu phát hiện muộn quá nên không phạt được tôi như thế.
Ngoài chuyện dựa vào hình ảnh và ảnh hưởng của Beckham ở Việt Nam và nước ngoài, hãng PFPR có lẽ cũng đã góp phần khiến "ngôi sao mới" xuất hiện trên một số báo Anh. Trang Telegraph có bài với tựa ‘Beckham giới thiệu xe saloon và SUV mới của Vinfast tại Paris Motor Show’. Bài báo khá dài và tích cực nhắc tới khoản đầu tư 3,5 tỷ đô la mà ông Vượng cam kết bỏ ra để làm xe hơi và cũng viết : "Chiếc LUX A2.0 Sedan và LUX SA2.0 SUV được mô tả là có thiết kế của Ý, công nghệ Châu Âu và "tinh thần Việt Nam". Bài báo cũng nhắc tới chuyện mẫu thiết kế được chọn sau khi tham khảo ý kiến của hơn 62.000 người ở Việt Nam và "kết quả là sự hào nhoáng, hiện đại và rõ ràng là hợp lòng người". Sự ra mắt hai mẫu xe của VinFast cũng xuất hiện trên trang chuyên về xe hơi ở Anh nhưAutoExpress, AutoTrader bên cạnh các báo cải lương hay lá cải nhưDaily Mail, Daily Mirror và The Sun. Cả ba tờ báo sau cùng này đều nhắc tới chuyện Beckham vừa thoát khỏi bị truy tố tội đi quá tốc độ cho phép tới 30 km nhờ tài của luật sư chuyên tìm kẽ hở của pháp luật.
Nhưng không phải là không có báo hoài nghi về kế hoạch sản xuất xe của một công ty mà kinh nghiệm trong lĩnh vực này là bằng không. Cây viết Constantin Bergander trên trang Motor Talk của Đức viết rằng người ta đã không cho anh mở nắp capô và nắp cốp sau để xem chi tiết chiếc xe ở Paris Motor Show. Anh cũng nhận thấy cửa sổ trước và sau của xe được làm bằng nhựa chứ không phải bằng kính, nội thất rẻ tiền hơn so với BMW xịn và vỏ xe cũng không khít như xe hoàn chỉnh. Tác giả cũng viết các xe của VinFast sẽ còn phải cải tiến về tiêu chuẩn khí thải nếu muốn chinh phục thị trường Châu Âu mà ông nói không rõ số tiền ông Vượng kiếm được từ lúc làm mì ăn liền tới kinh doanh bất động sản về sau này có đủ để làm điều này không.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 10/10/2018