"Đó là một trong những lần mà tôi chống lại việc uống thuốc thì tôi bị bắt trói lại. Tôi thậm chí còn hai lần bị đánh đòn trong trại tâm thần do không uống thuốc nữa.
Ông Lê Anh Hùng bị trói sau một lần phản đối uống thuốc do viện tâm thần cấp. Ảnh : Citizen
Một lần tôi bị đánh vào ngày 12/7/2020, tôi có nhờ chụp ảnh chuyển ra ngoài được. Vì chuyện báo ra ngoài mà một tuần sau một bị đánh một trận còn bầm dập hơn, thậm chí là rách trán, phải khâu nhiều mũi, tôi phải truyền đạm. Lần đầu là y tá đánh tôi trực tiếp. Lần thứ hai họ kích động người ở cùng trong đó đánh tôi".
Ông Lê Anh Hùng chia sẻ về hoàn cảnh của bức ảnh mà ông bị trói chặt trên một giường sắt, trong thời gian bị ép buộc điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm Thần Trung Ương, Hà Nội.
Ông Hùng là một tù nhân lương tâm vừa mãn án năm năm tù giam hôm 5/7. Ông bị bắt vào tháng 7/2018 với cáo buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Đến 4/2019, ông bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cưỡng bức điều trị ở đó.
Một trong những nguyên do khiến ông Hùng bị bắt rồi bị đẩy vào viện tâm thần có liên quan đến việc ông này đã nhiều lần gởi đơn tố cáo cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải tội "gián điệp", đồng thời tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng tội "phản quốc". Ông Hùng cho biết như vậy và nói thêm rằng quãng thời gian bị điều trị bắt buộc ở bệnh viện còn kinh hoàng hơn ở trại giam :
"Đó thực sự là một địa ngục đối với bất kỳ một người bình thường nào chứ không phải riêng tôi".
Ngay từ ngày đầu nhập viện, ông Hùng đã phản đối quyết liệt việc uống thuốc do bác sĩ cấp. Vì vậy, mỗi lần không chịu uống thuốc là một lần ông bị đánh, bị trói rồi cho tiêm thuốc liên tục trong khoảng bảy ngày :
"Mỗi lần bị tiêm thuốc như thế thường là bảy ngày. Nó cứ đẩy con người mình vào chỗ hoảng loạn tinh thần.
Nhiều lần tôi đã rơi vào tình trạng ảo giác. Nó mệt đến mức thậm chí là không ngồi dậy nổi để ăn cơm mà ngã gục ngay khay cơm, buổi sáng thức dậy là đi lảo đảo vài bước rồi ngã vật xuống.
Thuốc nó mạnh, nó tác động lên thần kinh, sức khỏe của con người nữa. Vậy mà tôi đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài như vậy".
Cứ mỗi ba tháng, bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn một lần để kiểm tra trình trạng "bệnh" của ông Hùng tiến triển ra sao, từ đó quyết định xem ông Hùng có cần điều trị tâm thần nữa hay không.
Theo lời ông Hùng, chừng nào bản thân ông còn giữ quan điểm rằng mình tố cáo lãnh đạo sai phạm là đúng, thì khi đó, ông vẫn bị xếp vào loại "bệnh tình" còn nặng, thậm chí là cần phải tăng thêm liều lượng thuốc :
"Sau một thời gian đầu tôi dứt khoát không nhận sai, tôi vẫn bảo vệ vụ tố cáo của mình. Nhưng mà dần dần tôi nhận ra rằng một khi mà tôi vẫn giữ quan điểm bảo vệ vụ tố cáo của mình thì không những người ta không giảm thuốc cho tôi mà họ còn tăng nặng thuốc lên.
Sau này, tôi quyết định nhận là tôi sai. Bằng cách đó để người ta giảm thuốc cho tôi và sau đó họ nói rằng tôi khỏi bệnh rồi chuyển cho cơ quan điều tra để phục hồi vụ án. Khi được trở lại trại giam Hỏa Lò thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình.
Việc mà tôi nhận là tôi bị bệnh ở trong trại tâm thần là cái cách để tôi sớm kết thúc việc phải uống thuốc, rồi sau đấy, khi được trở lại điều tra thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình".
Ngoài ra, ông Hùng cho biết có tình trạng phân biệt đối xử tại viện tâm thần. Vào ngày 27/4/2022, cô Nguyễn Thúy Hạnh, một người bị bắt về tội "tuyên truyền chống nhà nước" cũng bị đưa đến để điều trị bắt buộc.
Ông Hùng kể, khi mới gặp nhau lần đầu trong viện, hai người vui lắm, trao đổi với nhau đủ thứ chuyện. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo viện tâm thần ra lệnh cấm hai người tiếp xúc, nói chuyện với nhau mà không có lý do cụ thể :
"Người ta cấm tôi và chị Hạnh giao tiếp với nhau, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ nói nhanh được đôi ba câu chuyện mà thôi.
Họ bất chấp pháp luật, ngăn cấm chúng tôi thôi chứ chẳng có cái luật nào cấm các bệnh nhân giao tiếp với nhau cả. Mỗi khi tôi ở sân thì họ không cho chị Hạnh xuống hay khi chị Hạnh ở ngoài sân thì họ không cho tôi ra sân. Chị Hạnh ở tầng hai, còn tôi ở tầng một".
13 ngày sau khi bà Thúy Hạnh bị đưa vào viện thì ông Lê Anh Hùng cũng được thông báo kết thúc điều trị bắt buộc, ông phải trở lại nhà giam Hoả Lò để phục hồi quá trình điều tra.
Đến ngày 30/8/2022, ông bị kết án năm năm tù giam với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Bà Nguyễn Thúy Hạnh hiện vẫn đang còn điều trị ở viện Tâm Thần Trung Ương. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cho biết điều kiện sống, sinh hoạt trong này rất thiếu thốn, khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Dù gia đình có đề nghị được gởi thêm đồ dùng hay lắp thêm một cái quạt nhỏ, nhưng không được :
"Khi vào đó thì phải ở trong một căn phòng chín người, chật hơn điều kiện tạm giam. Những mùa nóng như thế này thì chỉ có một cái quạt rất bé mà có tới chín người ở.
Trong đó hầu hết có những người đều bị tâm thần, bị điên thật sự, tức là sống giữa đám người điên. Cô (Hạnh - pv) cũng được uống thuốc nhưng mà không thuyên giảm. Có những lúc cô bị bệnh nặng nhưng có lúc thuyên giảm, nói chung là không tiến triển".
Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh - Nguyễn Thúy Hạnh xuống đường chống Trung Quốc hồi năm 2014. Ảnh : Facebook Nguyễn Thúy Hạnh
Ông Chênh cho rằng vợ mình vốn đang điều trị bênh trầm cảm trước khi bị bắt. Với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, và phải sống giữa những người bị tâm thần nặng như hiện nay thì bà Hạnh không thể khỏi bệnh được.
Do đó, ông đã gởi đơn khắp các cơ quan chức năng, từ Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Bộ Công an… để yêu cầu cho vợ mình được về nhà điều trị bệnh. Các lá đơn đã gởi cả năm nay, nhưng tất cả đều "bặt vô âm tín" :
"Mong muốn của gia đình là yêu cầu làm sao cho Nguyễn Thúy Hạnh về nhà chữa bệnh trong sự giám sát của gia đình, cũng như sự giám sát của các cơ quan. Khi nào Hạnh hết bệnh, nếu cần tiếp tục điều tra thì ra điều tra tiếp.
Còn nếu như không được như vậy thì điều kiện sinh hoạt, nhất là mùa nóng này trong phòng khắc nghiệt thì phải tăng cường quạt để cho Hạnh dễ chịu hơn thì bệnh mới thuyên giảm được.
Bị giam giữ trong điều kiện giữa những người điên và điều kiện khắc nghiệt như vậy thì không thể nào thuyên giảm bệnh và như vậy thì không biết người ta sẽ giữ Hạn ở trong đó đến bao giờ".
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Bà là người sáng lập và điều hành "Quỹ 50K". Quỹ này được lập ra để giúp đỡ thân nhân của các tù nhân lương tâm. Ngoài ra, bà còn kêu gọi quyên góp tiền phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình trong vụ Đồng Tâm với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng.
Bà bị bắt và ngày 7/4/2022 vì tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Cho đến nay, vụ án này vẫn đang tạm ngưng điều tra để chuyển bà Hạnh sang điều trị tâm thần bắt buộc.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Lê Anh Hùng là hai trong số bốn tù nhân lương tâm bị cưỡng chế đưa vào viện tâm thần. Hai người còn lại là nhà văn Phạm Thành - chủ blog Bà Đầm Xoè, và ông Trịnh Bá Phương.
Nguồn : RFA, 11/07/2023
Việt Nam âm mưu gì khi bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến trong nhà thương tâm thần
Nguyễn Kiến Tạo, VNTB, 26/03/2021
Bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến, hoạt động vì nhân quyền, đối kháng chính trị vào các trại, nhà thương tâm thần là phương cách của nhà nước cộng sản
Hà Nội đã đưa các ông Phạm Thành, Lê Anh Hùng và Trinh Bá Phương vào Bệnh viện tâm thần loại trừ ý chí tranh đấu
Bỏ tù người bất đồng chính kiến vào nhà thương tâm thần là phương thức được các nước cộng sản áp dụng. Sau khi Liên Xô tan rã, các tài liệu của nước cộng sản này bị xới tung, phơi bày cho thấy nhà nước cộng sản này đã từng áp dụng các biện pháp đàn áp khắc nghiệt, dã man thế nào đối với dân chúng của họ ; một trong các phương pháp tàn nhẫn đó là đã sử dụng các trại tâm thần như một dạng nhà tù nhốt những người không đồng quan điểm với các chính sách của đảng cộng sản.
Hành vi chống chính quyền, biểu tình, viết lách có tính ‘phản động’ dễ dàng bị tống vào tù hay đưa đến các trại giáo dưỡng, cải tạo, hay nhà thương tâm thần. Đặc biệt, các đảng viên cao cấp có tư tưởng khác, mâu thuẫn với giáo điều Marx Lenin, hay bi quan với chế độ thường bị gán cho các bệnh phân liệt tâm thần, mất trí để bị ‘an dưỡng’ tại các bệnh viện chữa trị.
Tài liệu giải mật cho thấy biện pháp này được sử dụng mạnh mẽ, phổ quát dưới thời Stalin, Khrushchev và Brezhnev, và có thể đã bắt đầu dưới thời Lenin.
Những người bị ‘điều trị’ tại các bệnh viện tâm thần bị coi là người có nguy cơ gây hại cho người khác, cho xã hội. Họ có thể bị khóa tay chân, biệt giam, cũng có thể bị đánh đập vì lý do nào đó. Chính cách gán ghép cho bệnh nhân là người tâm thần, cách đối xử của quản giáo, y tá, bác sĩ, những người giám thị bệnh nhân nhiều trường hợp đã biến người bình thường bị đẩy vào trại, nhà thương điên thành người mắc bệnh tâm thần thực sự.
Nếu người bị giam giữ không ‘phục hồi tâm thần theo ý của đảng’ họ sẽ không bị xét xử tại tòa án, thay vào đó, họ bị tuyên bố là mất trí, có thể bị giam cầm cho đến chết, hoặc đưa đi các trại gulak, cải tạo lao động. Nếu anh ta ‘phục hồi theo ý đảng’ anh ta có thể sẽ được thả ra, hay đưa ra tòa lãnh án. Gán ghép bệnh tâm thần cho người khác chính kiến áp dụng ở cả các nước cộng sản khác, thời đó, như Romania, Bulgaria, và đến nay vẫn còn được áp dụng một cách triệt để khi tinh tế, khi thô bạo như tại Trung Quốc và Việt Nam
Bản báo cáo của Human Rights Watch gửi Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp quốc ngày 13/8/2002 có đoạn viết :
Chính phủ Trung Quốc nên trả tự do ngay lập tức cho bất kỳ ai bị giam giữ trong các cơ sở dành cho người bệnh tâm thần dựa trên chẩn đoán có động cơ chính trị, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Sáng kiến Geneva về Tâm thần cho biết trong báo cáo này. Chính phủ cũng nên chấm dứt thói quen sử dụng tù nhân tâm thần lâu nay vì mục đích chính trị. Trong báo cáo dài 298 trang, "Những suy nghĩ nguy hiểm : Tâm thần chính trị ở Trung Quốc ngày nay và nguồn gốc của nó trong thời đại Mao", Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Sáng kiến Geneva về Tâm thần, một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Lan, so sánh việc đối xử với những người bất đồng chính kiến trong các trại tâm thần đối với những vụ lạm dụng tương tự ở Liên Xô cũ. Việc kết án những người bất đồng chính kiến tới các bệnh viện tâm thần đặc biệt trên cơ sở chẩn đoán sai đã dẫn đến việc Liên Xô buộc phải rút khỏi WPA vào năm 1983 và nó không được chấp nhận cho đến năm 1989, sau khi các cải cách của Gorbachev đã chấm dứt tình trạng lạm dụng chính trị có hệ thống đối với tâm thần học ở Liên Xô (*).
Ít nhất 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị nhốt trong 85 trại tù mà chính quyền Trung Quốc gọi là ‘trại Cải Tạo’ từ năm 2017, với các tường kín bằng xi măng cốt thép, vọng gác cao trang bị súng đạn, và các hàng rào thép gai dao cạo vây chung quanh, trong đó ‘học viên’ nam nữ học nghề, chữ Hán, và văn hóa Trung Quốc. Thực chất họ bị tẩy não, một phương pháp tâm lý học áp dụng triệt để bởi Liên Xô và các nước cộng sản. Người bị tẩy não sẽ bị nhồi nhét bằng đủ mọi cách vào trong đầu những điều chính quyền cho họ thấy họ đúng hay sai. Họ là những người bị gán là cứng đầu, có khung hướng chống đối chính quyền Bắc Kinh đang cai trị vùng Tân Cương màu mỡ của người Hồi giáo.
Thực chất đây là các trại tập trung cải tạo tư tưởng, cải tạo tâm thần như bản báo cáo của Human Rights Watch nói trên.
Đảng cộng sản Việt Nam sau khi họ chiếm miền Nam cũng áp dụng chính sách cải tạo như vậy, quy mô rộng lớn hơn, tàn khốc hơn đối với các thành phần trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà họ cho là có tư tưởng lệch lạc, sai trái chống đối cách mạng.
Các trại tập trung cải tạo chỉ thả về những người được gọi là "học tập cải tạo tốt", tức có là tư tưởng mới theo định hướng của đảng, có nghĩa là đã được tẩy não. Chính sách tẩy não học tập cải tạo này làm hàng ngàn người chết trong các trại tập trung suốt từ Bắc đến Nam, hàng trăm người bị tử hình vì trốn trại, chống đối hay bị ghép tội vu vơ. Những người cuối cùng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được trả tư do vào năm 1993 bởi áp lực của quốc tế lên Hà Nội.
Trong quy mô nhỏ hơn, chính quyền Việt Nam cũng sử dụng bệnh viện tâm thần làm nơi giam giữ những nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền.
Mới đây họ đã chuyển từ trại tạm giam sang bệnh viện tâm thần trung ương ông Trịnh Bá Phương, một người đấu tranh giữ đất cho dân oan Dương Nội và tích cực bênh vực cho người dân Đồng Tâm trước và sau vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình, người bị hàng nghìn cảnh sát cơ động đang đêm tấn công giết chết tại nhà.
Tiên liệu về sư sẽ bị bắt của mình, trước đó ông Trịnh Bá Phương đã viết thư báo cho mọi người biết về sức khỏe hoàn hảo của ông và ông sẽ giữ quyền yên lặng cho đến khi có hiện diện của luật sư. Tin từ công an điều tra xét hỏi cho biết ông Phương bị tâm thần vì không chịu mở miệng nói bất cứ điều gì.
Trước đây vài tháng, nhà văn Phạm Thành cũng bị chuyển từ trại tạm giam sang bệnh viện tâm thần trung ương. Một người trẻ tuổi cũng bị giam chung với ông Phạm Thành tại trại tâm thần cho biết ông Phạm Thành rất tỉnh táo và đã dạy anh nhiều điều đáng trân quý. Người thanh niên bị đưa và trại tâm thần vì bị chẩn đoán có tư tưởng chống đối, sai lệch. Ông Phạm Thành đã bị giam trong trại tâm thần khoảng 3 tháng trước khị bị điều trở lại trại tạm giam.
Người tù hiện đang ở trại tâm thần là ông Lê Anh Hùng, ông bị bắt ngày 5/7/2018 và bị chuyển vào trại tâm thần hôm 1/4/2019. Ông Lê Anh Hùng bị bắt vì tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Người ta có thể nghĩ rằng việc ngang nhiên đưa nhà văn Phạm Thành, người là tác giả của hơn một chục tác phẩm rất ăn khách trong và ngoài nước, Lê Anh Hùng một blogger nổi tiếng của đài VOA và Trịnh Bá Phương người thanh niên, nông dân mạnh khỏe được nhiều người mến mộ vì lòng can đảm xả thân vì dân oan vào trại tâm thần, cộng sản Việt Nam đã công khai cảnh báo một hình thức trừng phạt tinh vi, khốc liệt có tính hủy diệt các nhà đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam.
Nguyễn Kiến Tạo
Nguồn : VNTB, 26/03/2021
Xem thêm
1. https://www.refworld.org/docid/3deb868a1.html
2.https://www.pbs.org/newshour/features/uighurs/
*********************
Các tiểu xảo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam
Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 23/03/2021
Hôm 22/3, bà Phạm Thanh Nghiên, một người hoạt động trong nước, cho biết, ông Trịnh Bá Phương bị đưa đến một bệnh viện tâm thần.
Ông Trịnh Bá Phương giữ quyền im lặng của mình, dẫn đến việc ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Tôi không hề bất ngờ trước quyết định này của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đó chỉ là một trong nhiều tiểu xảo mà họ sử dụng để cai trị dân chúng.
Ông Phương là một trong ba người trong gia đình bị bắt vào ngày 24/6/2020, với tội danh bị nhà nước cộng sản Việt Nam gán cho là : "Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống nhà nước Việt Nam". Hai người kia là mẹ ông Phương, bà Cấn Thị Thêu và em trai ông, là Trịnh Bá Tư.
Ông Phương cũng như các thành viên trong gia đình ông, nhất là bà Cấn Thị Thêu, thuộc tầng lớp có nhận thức hiếm hoi trong số nông dân Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ việc bị cướp đất, giống như hàng ngàn nông dân Việt Nam khác, họ hiểu được nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong thảm trạng xã hội Việt Nam hiện nay, chính là sự độc quyền cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như cái gọi là "ý thức hệ" của đảng này.
Chính vì sự thấu hiểu đó, mà sau những lần vào tù ra khám, ông Phương, bà Thêu và cả gia đình ông chuyển từ việc đấu tranh đòi quyền lợi trực tiếp, sang một cuộc đấu tranh bao quát hơn, có quy củ hơn, có lý tưởng hơn. Mặt khác, họ vẫn là những người gần gũi với những nông dân Việt Nam, vì thế họ dễ trở thành những thủ lĩnh của giới nông dân, là điều mà Đảng cộng sản Việt Nam rất lo sợ. Việc bắt giam cả gia đình ông Phương là điều không làm cho giới quan sát ngạc nhiên.
Điều mà nhà cầm quyền bất ngờ trước những nông dân có ý thức như gia đình ông Phương, là họ trưởng thành trong phong trào dân sự Việt Nam (dù hiện nay phong trào có bị yếu đi rất nhiều), nên họ đối diện với nhà cầm quyền một cách tự tin, như việc ông Phương giữ quyền im lặng của mình, dẫn đến việc ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
***
Đây không phải là lần đầu tiên người cộng sản áp dụng tiểu xảo này, và là một trong những tiểu xảo mà họ áp dụng với các tù nhân lương tâm.
Tiểu xảo thường thấy là họ bắt người vì một lý do này rồi sau đó kết án, giam giữ vì một lý do khác. Trường hợp ông Phương bị bắt vì lý do "phản động" như "tuyên truyền chống nhà nước", nhưng nay họ giam ông vì "bệnh tâm thần", một lý do rất dễ biện hộ khi đối diện với những áp lực từ bên ngoài, hơn là lý do tuyên truyền chống chế độ rất mù mờ mà họ đưa ra ban đầu. Những gì ông Phương đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông rất "hiền lành" so với hàng ngàn trang khác, nhưng họ bắt ông vì ông gần với giới nông dân như tôi trình bày ở trên.
Trường hợp hai ông Cù Huy Hà Vũ và Trần Huỳnh Duy Thức thì lại bị bắt vì lý do mang tính tội phạm hình sự (trường hợp ông Vũ, ông ở trong phòng với một người phụ nữ, với "hai bao su đã qua sử dụng" và gian lận thương mại trong trường hợp ông Thức), nhưng khi đưa họ ra tòa xử sau đó, chính quyền cộng sản buộc họ vào những tội "chính trị phản động" không liên quan gì đến tội danh đã được dựng lên để bắt họ ban đầu. Cả hai người này đều là người có quan hệ rộng, cư trú ở thành thị, bắt họ với những lý do "chính trị" ban đầu sẽ khó thành công hơn.
Khi trục xuất tù chính trị, nhà cầm quyền cộng sản lại thực hiện bằng một tiểu xảo khác, nói rằng người bị trục xuất cần được chăm sóc sức khỏe, cần đoàn tụ gia đình, vì thế họ "cho phép" những người này ra đi "vì lý do nhân đạo". Khi thực hiện tiểu xảo này, họ sẽ tiếp tục biện hộ với thế giới bên ngoài là họ không có tù nhân chính trị, không có tù nhân vì lý do tôn giáo
Một tiểu xảo khác dùng để kềm chế các cuộc biểu tình của người dân chống Trung Quốc xâm lược, hay kỷ niệm các sự kiện có liên quan tới yếu tố Trung Quốc là họ cho các nhóm công an mặc thường phục, giả dạng làm "quần chúng tự phát". Tiểu xảo "quần chúng tự phát" được họ sử dụng từ những ngày mới lên cầm quyền, từng thực hiện trong cải cách ruộng đất, cho đến nay.
Tiểu xảo "quần chúng tự phát" cũng được áp dụng trong "hiệp thương, xác nhận tư cách ứng cử viên Quốc hội", dùng để loại những người tự ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội, chứ không được "Đảng cử". Quần chúng trong tiểu xảo này là tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ dân phố, đem người bị nhắm đến ra đấu tố để loại trừ.
Nhưng đỉnh cao của loại tiểu xảo này chính là việc dựng lên các tổ chức bình phong của Đảng, như thời kỳ chiến tranh Việt Nam, họ dựng lên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Trong lĩnh vực tuyên truyền ở thời đại mạng xã hội, họ dùng một tiểu xảo mới là, cho phép người dân theo dõi một cách thoải mái các kênh tin vịt ở hải ngoại, hay trong nước, vì tin vịt đánh hạ uy tín của nền dân chủ Mỹ (chuyện các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử Mỹ), để đánh gục uy tín của những người chống Cộng. Họ khá thành công trong việc này, như tôi đã trình bày trong bài viết : "Tuyên giáo Việt Nam và các Youtuber hải ngoại : Hai đồng minh bất ngờ".
Trong các nền dân chủ phương Tây, không phải các chính trị gia không có những tiểu xảo chính trị với các đối thủ của họ, nhưng tam quyền phân lập, cùng với tự do báo chí, đã làm cho họ khó thực hiện được.
Ở Việt Nam hiện nay, cũng như ở Trung Quốc và các nước độc tài (chính quyền quân phiệt Miến Điện buộc tội bà Aung San Suu Kyi, đối thủ chính trị của họ, là buôn lậu máy bộ đàm), các tiểu xảo này luôn được sử dụng, dưới vỏ bọc "giữ vững an ninh chính trị" và các tiểu xảo trở thành thuộc tính của những xã hội này. Mà khi tiểu xảo bị biến thành dòng chủ lưu của xã hội, thì nhà cầm quyền đang tự hủy hoại xã hội mà họ đang sống.
Jackhammer
Nguồn : Tiếng Dân, 23/03/2021
********************
Thêm tiếng nói đối lập bị đưa vào viện tâm thần – chiêu trò ‘trả thù’ của chính quyền Việt Nam
Nhà đấu tranh cho dân oan Trịnh Bá Phương là trường hợp mới nhất bị cơ quan chức năng chuyển từ trại giam vào bệnh viện tâm thần. Trước khi bị bắt, ông là người hoàn toàn tỉnh táo, không hề có triệu chứng bệnh gì về tâm thần.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương - Courtesy of FB Thu Đỗ
Ngày 22/3 Công an Thành phố Hà Nội mới cho người thân của ông Trịnh Bá Phương biết ông bị chuyển vào viện tâm thần. Trước đó, vào ngày 19/3, vợ ông Phương là bà Đỗ Thị Thu đến trại giam để thăm chồng, mới được cán bộ trại tạm giam tiết lộ chồng bà đã bị bị chuyển trại từ hai, ba tuần trước rồi, nhưng lúc đó trại giam không cho biết họ đã chuyển ông Phương đi đâu.
Khi nghe báo tin chồng bị chuyển đến Viện Tâm Thần, bà Thu chất vấn và biết được lý do :
"Em gặp anh Nguyễn Thế Bắc, họ chỉ thông báo bằng mồm rằng đã trích xuất chồng em đi tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vào hôm 1/3. Em bảo là 'Lý do tại sao các anh lại chuyển chồng em đi', thì các anh ấy nói rằng là 'chồng em chống đối, không hợp tác giống như là không chịu trả lời những câu hỏi của anh ấy (điều tra viên - PV) cho nên họ đưa đi".
Bà Thu cũng cho biết, tháng 9/2020, gia đình đã bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập để hỏi về tiền sử của gia đình có ai bị tâm thần hay không vì ông Phương "không nhìn điều tra viên và cũng không trả lời những câu hỏi của điều tra viên".
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị bắt tạm giam từ ngày 24/6/2020 với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước", sau khi ông và gia đình đưa tin về vụ cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm đầu năm 2020. Sau khi ông và người mẹ là Cấn Thị Thêu cùng em trai Trịnh Bá Tư và dân oan Nguyễn Thị Tâm bị bắt, ông đã từ chối không nói gì với cán bộ trại giam và có chuyển tin cho vợ rằng ông sẽ giữ quyền im lặng.
Anh Lê Anh Hùng. Photo courtesy of Lê Anh Hùng's blog. Photo courtesy of Lê Anh Hùng's blog.
Nhà đấu tranh, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên khẳng định rằng việc đưa ông Trịnh Bá Phương vào trại tâm thần là một sự gia tăng hành vi trả thù từ phía điều tra viên khi người bất đồng chính kiến tiếp tục can trường và công an không cưỡng chế được ông Phương khai theo ý mình.
"Tôi có thể khẳng định rằng đây là một biện pháp trả thù chứ không còn là âm mưu nữa, một hành động rất cụ thể ở phía Nhà nước cộng sản Việt Nam đối với những người hoạt động nhân quyền. Vì sao tôi khẳng định như thế ? Bởi vì thứ nhất là tôi cũng là một trong người bạn của Phương và gia đình Phương cũng như những người bạn của Phương đều khẳng định rằng Phương là một người khỏe mạnh về tinh thần và tâm thần. Không có vấn đề gì về cái gọi là tâm thần cả mà phải bị đưa vào trại tâm thần. Điều thứ hai nữa là đây không phải trường hợp đầu tiên. Chúng ta có thể nhớ lại hai trường hợp cụ thể của blogger Lê Anh Hùng và của nhà văn Phạm Thành".
Nhà hoạt động Lê Anh Hùng, một blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), bị bắt ngày 5/7/2018 và bị tạm giam để điều tra vì cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước'. Vào tháng 4/2019, ông bị chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Sau đó có tin ông không chịu uống thuốc tâm thần của bệnh viện, nên ông đã bị một nhân viên y tá tên An đánh đập dã man.
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình đã thuật lại thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào tháng 7/2020 : "Anh Lê Anh Hùng bị nhân viên bệnh viện ép cho uống thuốc, nhưng anh Lê Anh Hùng nghĩ mình không bị bệnh nên phản kháng. Khi anh Hùng phản kháng lại thì bị đánh, sau đó bị trói và bị tiêm thuốc".
Cho đến nay, gần ba năm sau khi bị bắt, vụ của blogger Lê Anh Hùng vẫn chưa được xét xử.
Nhà văn Phạm Thành bị công an Hà Nội chuyển vào Viện pháp y Tâm thần Trung ương hôm 25/11/2020, sau sáu tháng ở tại trại tạm giam. Ông là tác giả của một số cuốn sách chỉ trích mạnh mẽ hệ thống chính trị hiện nay và cả tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như ‘Cò Hồn Xã Nghĩa’ hay ‘Thế thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo’. Nhà văn Phạm Thành bị bắt ngày 21 tháng 5 cùng năm vì tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước".
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên nhận định rằng trong cả ba trường hợp của blogger Lê Anh Hùng, nhà văn Phạm Thành và nhà đấu tranh Trịnh Bá Phương, gia đình không được thông báo cho đến khi họ đi tiếp tế, hỏi ra thì mới được phía công an trại giam cho biết và thừa nhận là đã đưa những người này bị chuyển đến viện tâm thần. Bà Phạm Thanh Nghiên nói chính quyền Việt Nam đã học chiêu trò này từ công sản Liên Xô :
"Nếu mà bạn theo dõi các diễn biến xảy ra ở bên Nga Xô nhiều năm trước thì đây là một cách làm của Stalin, của mật vụ Nga vẫn cứ làm đối với những nhân vật đối kháng, đối với những người tranh đấu cho tự do, nhân quyền, dân chủ bằng cách là đưa họ vào các trại tâm thần, gọi là "điều trị" (chúng ta cho phải cho vào ngoặc kép), để cho những người này bị hủy hoại về thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt là hủy hoại trí tuệ của những người mà họ cho rằng là chống họ. Đây là một điều rất nguy hiểm và rất đáng lo ngại".
Nhà báo Phạm Thành. Photo : Blog Bà Đầm Xòe
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương cho rằng thân chủ của mình đang thực hiện quyền "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội" mà Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định.
Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 có hiệu lực đầu năm 2018 quy định : "Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội độc lập Lê Trọng Hùng thì lập luận trên trang Facebook cá nhân : "Việc đưa Phương vào bệnh viện tâm thần đã vi phạm hàng loạt các điều trong hiến pháp trong đó có điều 20 bảo vệ nhân phẩm, danh dự và điều 31 quyền được xét xử công bằng" !
Giới đấu tranh cho nhân quyền và gia đình đã khẩn cấp lên mạng xã hội Facebook thông tin ông Trịnh Bá Phương bị chuyển vào viện tâm thần. Họ cho biết họ cũng đã liên hệ với một số nơi như các tổ chức nhân quyền và đại sứ quán các nước tự do để thông báo về trường hợp mới nhất này.
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 22/03/2021