Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/07/2023

Ở viện tâm thần kinh hoàng hơn ở tù !

Lê Anh Hùng

"Kinh hoàng hơn ở tù"

"Đó là một trong những lần mà tôi chống lại việc uống thuốc thì tôi bị bắt trói lại. Tôi thậm chí còn hai lần bị đánh đòn trong trại tâm thần do không uống thuốc nữa.

lah1

Ông Lê Anh Hùng bị trói sau một lần phản đối uống thuốc do viện tâm thần cấp. Ảnh : Citizen

Một lần tôi bị đánh vào ngày 12/7/2020, tôi có nhờ chụảnh chuyển ra ngoài được. Vì chuyện báo ra ngoài mà một tuần sau một bị đánh một trận còn bầm dập hơn, thậm chí là rách trán, phải khâu nhiều mũi, tôi phải truyền đạm. Lần đầu là y tá đánh tôi trực tiếp. Lần thứ hai họ kích động người ở cùng trong đó đánh tôi".

Ông Lê Anh Hùng chia sẻ về hoàn cảnh của bức ảnh mà ông bị trói chặt trên một giường sắt, trong thời gian bị ép buộc điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm Thần Trung Ương, Hà Nội.

Ông Hùng là một tù nhân lương tâm vừa mãn án năm năm tù giam hôm 5/7. Ông bị bắt vào tháng 7/2018 với cáo buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Đến 4/2019, ông bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cưỡng bức điều trị ở đó.

Một trong những nguyên do khiến ông Hùng bị bắt rồi bị đẩy vào viện tâm thần có liên quan đến việc ông này đã nhiều lần gởi đơn tố cáo cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải tội "gián điệp", đồng thời tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng tội "phản quốc". Ông Hùng cho biết như vậy và nói thêm rằng quãng thời gian bị điều trị bắt buộc ở bệnh viện còn kinh hoàng hơn ở trại giam :

"Đó thực sự là một địa ngục đối với bất kỳ một người bình thường nào chứ không phải riêng tôi".

Ngay từ ngày đầu nhập viện, ông Hùng đã phản đối quyết liệt việc uống thuốc do bác sĩ cấp. Vì vậy, mỗi lần không chịu uống thuốc là một lần ông bị đánh, bị trói rồi cho tiêm thuốc liên tục trong khoảng bảy ngày :

"Mỗi lần bị tiêm thuốc như thế thường là bảy ngày. Nó cứ đẩy con người mình vào chỗ hoảng loạn tinh thần.

Nhiều lần tôi đã rơi vào tình trạng ảo giác. Nó mệt đến mức thậm chí là không ngồi dậy nổi để ăn cơm mà ngã gục ngay khay cơm, buổi sáng thức dậy là đi lảo đảo vài bước rồi ngã vật xuống.

Thuốc nó mạnh, nó tác động lên thần kinh, sức khỏe của con người nữa. Vậy mà tôi đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài như vậy".

Cứ mỗi ba tháng, bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn một lần để kiểm tra trình trạng "bệnh" của ông Hùng tiến triển ra sao, từ đó quyết định xem ông Hùng có cần điều trị tâm thần nữa hay không.

Theo lời ông Hùng, chừng nào bản thân ông còn giữ quan điểm rằng mình tố cáo lãnh đạo sai phạm là đúng, thì khi đó, ông vẫn bị xếp vào loại "bệnh tình" còn nặng, thậm chí là cần phải tăng thêm liều lượng thuốc :

"Sau một thời gian đầu tôi dứt khoát không nhận sai, tôi vẫn bảo vệ vụ tố cáo của mình. Nhưng mà dần dần tôi nhận ra rằng một khi mà tôi vẫn giữ quan điểm bảo vệ vụ tố cáo của mình thì không những người ta không giảm thuốc cho tôi mà họ còn tăng nặng thuốc lên.

Sau này, tôi quyết định nhận là tôi sai. Bằng cách đó để người ta giảm thuốc cho tôi và sau đó họ nói rằng tôi khỏi bệnh rồi chuyển cho cơ quan điều tra để phục hồi vụ án. Khi được trở lại trại giam Hỏa Lò thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình.

Việc mà tôi nhận là tôi bị bệnh ở trong trại tâm thần là cái cách để tôi sớm kết thúc việc phải uống thuốc, rồi sau đấy, khi được trở lại điều tra thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình".

Ngoài ra, ông Hùng cho biết có tình trạng phân biệt đối xử tại viện tâm thần. Vào ngày 27/4/2022, cô Nguyễn Thúy Hạnh, một người bị bắt về tội "tuyên truyền chống nhà nước" cũng bị đưa đến để điều trị bắt buộc.

Ông Hùng kể, khi mới gặp nhau lần đầu trong viện, hai người vui lắm, trao đổi với nhau đủ thứ chuyện. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo viện tâm thần ra lệnh cấm hai người tiếp xúc, nói chuyện với nhau mà không có lý do cụ thể :

"Người ta cấm tôi và chị Hạnh giao tiếp với nhau, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ nói nhanh được đôi ba câu chuyện mà thôi.

Họ bất chấp pháp luật, ngăn cấm chúng tôi thôi chứ chẳng có cái luật nào cm các bệnh nhân giao tiếp với nhau cả. Mỗi khi tôi ở sân thì họ không cho chị Hạnh xuống hay khi chị Hạnh ở ngoài sân thì họ không cho tôi ra sân. Chị Hạnh ở tầng hai, còn tôi ở tầng một".

13 ngày sau khi bà Thúy Hạnh bị đưa vào viện thì ông Lê Anh Hùng cũng được thông báo kết thúc điều trị bắt buộc, ông phải trở lại nhà giam Hoả Lò để phục hồi quá trình điều tra.

Đến ngày 30/8/2022, ông bị kết án năm năm tù giam với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".

"Điều kiện khắc nghiệt, bệnh nhẹ cũng thành nặng"

Bà Nguyễn Thúy Hạnh hiện vẫn đang còn điều trị ở viện Tâm Thần Trung Ương. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cho biết điều kiện sống, sinh hoạt trong này rất thiếu thốn, khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Dù gia đình có đề nghị được gởi thêm đồ dùng hay lắp thêm một cái quạt nhỏ, nhưng không được :

"Khi vào đó thì phải ở trong một căn phòng chín người, chật hơn điều kiện tạm giam. Những mùa nóng như thế này thì chỉ có một cái quạt rất bé mà có tới chín người ở.

Trong đó hầu hết có những người đều bị tâm thần, bị điên thật sự, tức là sống giữa đám người điên. Cô (Hạnh - pv) cũng được uống thuốc nhưng mà không thuyên giảm. Có những lúc cô bị bệnh nặng nhưng có lúc thuyên giảm, nói chung là không tiến triển".

lah2

Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh - Nguyễn Thúy Hạnh xuống đường chống Trung Quốc hồi năm 2014. Ảnh : Facebook Nguyễn Thúy Hạnh

Ông Chênh cho rằng vợ mình vốn đang điều trị bênh trầm cảm trước khi bị bắt. Với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, và phải sống giữa những người bị tâm thần nặng như hiện nay thì bà Hạnh không thể khỏi bệnh được.

Do đó, ông đã gởi đơn khắp các cơ quan chức năng, từ Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Bộ Công an… để yêu cầu cho vợ mình được về nhà điều trị bệnh. Các lá đơn đã gởi cả năm nay, nhưng tất cả đều "bặt vô âm tín" :

"Mong muốn của gia đình là yêu cầu làm sao cho Nguyễn Thúy Hạnh về nhà chữa bệnh trong sự giám sát của gia đình, cũng như sự giám sát của các cơ quan. Khi nào Hạnh hết bệnh, nếu cần tiếp tục điều tra thì ra điều tra tiếp.

Còn nếu như không được như vậy thì điều kiện sinh hoạt, nhất là mùa nóng này trong phòng khắc nghiệt thì phải tăng cường quạt để cho Hạnh dễ chịu hơn thì bệnh mới thuyên giảm được.

Bị giam giữ trong điều kiện giữa những người điên và điều kiện khắc nghiệt như vậy thì không thể nào thuyên giảm bệnh và như vậy thì không biết người ta sẽ giữ Hạn ở trong đó đến bao giờ".

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Bà là người sáng lập và điều hành "Quỹ 50K". Quỹ này được lập ra để giúp đỡ thân nhân của các tù nhân lương tâm. Ngoài ra, bà còn kêu gọi quyên góp tiền phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình trong vụ Đồng Tâm với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng.

Bà bị bắt và ngày 7/4/2022 vì tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Cho đến nay, vụ án này vẫn đang tạm ngưng điều tra để chuyển bà Hạnh sang điều trị tâm thần bắt buộc.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Lê Anh Hùng là hai trong số bốn tù nhân lương tâm bị cưỡng chế đưa vào viện tâm thần. Hai người còn lại là nhà văn Phạm Thành - chủ blog Bà Đầm Xoè, và ông Trịnh Bá Phương.

Nguồn : RFA, 11/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Anh Hùng, RFA tiếng Việt
Read 356 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)