Giá thành của các panô điện nắng đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD một watt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện nắng sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm. Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng như một nguồn năng lượng và như thế các nhà máy dùng than sẽ phải gỡ bỏ.
Tổ quốc lâm nguy ! Không phải chỉ có sự xuống cấp báo động của đạo đức, văn hóa, giáo dục và tình cảm dân tộc. Đất nước, hiểu theo nghĩa đen là đất và nước, đã bị hủy hoại nhiều lắm rồi và sự hủy hoại đang gia tăng vận tốc. Thảm họa môi trường lần này còn đi đôi với thảm bại kinh tế. Nó có một tên gọi : than.
Đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than trong nước, Trung Quốc tăng cường đầu tư nhiệt điện than tại Việt Nam
Một kịch bản đã trở thành quen thuộc từ vài năm nay. Một doanh nhân Việt Nam với số vốn khoảng 100 triệu USD được một tổ hợp Trung Quốc tiếp cận. Tổ hợp này đề nghị giúp doanh nhân lập một công ty thép trị giá 2 tỷ USD với những điều kiện cực kỳ thuận lợi. Tổ hợp sẽ cho vay 1,7 tỷ USD trang thiết bị với lãi xuất thấp và sẽ bảo đảm toàn bộ việc xây lắp nhà máy với các chuyên gia đầy kinh nghiệm đã từng xây lắp thành công những nhà máy tương tự tạị Trung Quốc. Sau đó tổ hợp sẽ bảo đảm việc huấn luyện công nhân cũng như cán bộ quản trị, ngoài ra còn có thể giúp công ty xuất khẩu sản phẩm trên thị trường thế giới. Các trang thiết bị còn mới nguyên và được chuyển giao với giá thấp hơn cả giá thành. Điều kiện hoàn trả cũng rất dễ dãi, bao giờ công ty đã có lời và đủ khả năng thì mới bắt đầu trả từ từ. Tất cả cố gắng của doanh nhân chủ tương lai công ty thép chỉ là tìm ra số vốn khiêm tốn khoảng 300 triệu USD để trang trải chi phí xây dựng nhà máy. Điều này cũng dễ thực hiện, công ty có thể vay được từ các ngân hàng Việt Nam vì số tiền vay chỉ là trên dưới 10% trị giá dự án đầu tư. Tóm lại người doanh nhân Việt Nam gần như được biếu không một công ty thép lớn và bỗng nhiên trở thành tỷ phú đô la. Ông Lê Phước Vũ chủ tịch công ty Hoa Sen đã tóm lược cơ hội này trong một câu nói được cả nước biết đến : ngu sao không làm thép ? Ông này cũng nói thêm là bắt buộc phải sử dụng trang thiết bị của Trung Quốc thì mới có lời. (Trong trường công ty Hoa Sen, công ty có vốn khoảng 150 triệu USD và muốn thực hiện dự án Thép Cà Ná với số vốn đầu tư 10,6 tỷ USD)
Kịch bản này cũng diễn ra cho các công ty khác, nhiệt điện, phân đạm, giấy v.v. Phải nói thẳng với Lê Phước Vũ và những người như ông rằng họ không chỉ ngu mà còn quá ngu. Cái bẫy quá lộ liễu, dù chính quyền, nhiều doanh nhân và nhiều ngân hàng không nhìn thấy.
Đặc tính chung của tất cả các dự án này là đều dùng than và than là một nhiên liệu sắp bị loại bỏ dứt khoát trong một ngày rất gần đây, ngay cả nếu ông Donald Trump không đồng ý. Thế giới đang đi vào một thời đại mới, thời đại của năng lượng mặt trời.
Vấn đề không phải mới được đặt ra. Ngay từ thập niên 1960 các chuyên gia đều đã khẳng định rằng thế giới sẽ chỉ có tương lai nếu tìm được một nguồn năng lượng để thay thế cho năng lượng mỏ -nghĩa là than, dầu và khí đốt- vì một lý do hiển nhiên là những nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt trong vài thế hệ. Hơn nữa chúng lại rất ô nhiễm. Nhưng nguồn năng lượng thay thế nào ? Thủy điện chỉ thực hiện được trong những điều kiện đặc biệt và cũng tạo ra những thay đổi môi trường chưa lường hết được. Một thí dụ cụ thể là đập Tam Khẩu của Trung Quốc ngày càng được nhiều người nhìn như một sai lầm. Năng lượng gió cũng không phải là giải pháp bởi vì chỉ thực hiện được ở những nơi có gió mạnh và với giá đắt.
Nguồn năng lượng phong phú vô cùng tận dĩ nhiên là nắng. Một tuần lễ nắng có khả năng cung cấp một khối năng lượng tương đương với tổng số năng lượng chất chứa trong tất cả các mỏ than, dầu và khí đốt trên trái đất. Và mặt trời sẽ còn tiếp tục tỏa nắng thêm vài tỷ năm nữa sau khi mọi sự sống đã biến mất trên trái đất này. Chất silicon (silicium) để tiếp nhận năng lượng nắng và biến thành điện cũng vô tận vì chiếm hơn 25% vỏ trái đất. Nhưng vấn đề là điện nắng quá đắt so với điện sản xuất bằng than hay dầu. Những panô nắng (solar panel) làm ra điện đã được chế tạo ngay từ đầu thập niên 1980 nhưng chỉ được dùng trong một số trường đại học hay trung tâm khảo cứu như để triển lãm một phát minh khoa học. Thế rồi những cải tiến liên tục đã đạt được và trở thành dồn dập từ khoảng mười năm nay. Các panô ngày càng nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn, mạnh hơn và rẻ hơn. Giá thành của các panô điện nắng giảm một cách nhanh chóng. Kỹ thuật tích lũy điện -để dùng trong đêm hay mùa đông âm u- cũng tiến theo, các battery (ắc quy) ngày càng nhỏ hơn, mạnh hơn và bền hơn. Hiện nay giá thành của điện nắng đã xuống gần bằng giá điện than. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đầu năm nay cho biết giá thành của các panô điện nắng đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD một watt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện nắng sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm. Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng như một nguồn năng lượng và như thế các nhà máy dùng than sẽ phải gỡ bỏ. Sau đó đến lượt dầu lửa và khí đốt. Chúng ta đã có thể thấy những dấu hiệu rất mạnh ngay trong lúc này. Giá dầu đã xuống dưới mức 50 USD một baril sau khi đã đạt tới cao điểm 145 USD một baril năm 2008, các công ty dầu khí khổng lồ đều đã sụt giá trên các thị trường chứng khoán, ngành thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi gần như phá sản. Các công ty chế tạo ôtô đang thi đua sản xuất xe chạy bằng điện. Một số nước Châu Âu dự trù cấm xe xăng dầu bắt đầu từ năm 2040, nghĩa là trong 23 năm nữa. Có khả năng họ sẽ cấm nhập khẩu những kim loại sản xuất bằng than đá. Chúng ta đang sống một cuộc cách mạng lớn. Kỷ nguyên năng lượng nắng đang tới và cũng sẽ thay đổi bộ mặt thế giới tương tự như cuộc cách mạng máy tính và tin học. Đảo lộn kỹ thuật sẽ không mãnh liệt như thế - máy computer lớn nhất thế giới năm 1990 không mạnh bằng một chiếc điện thoại di động hiện nay- nhưng thay đổi chính trị và kinh tế có thể còn lớn hơn. Những nước sống nhờ dầu khí, như Nga, Venezuela và các nước vùng Vịnh sẽ rất khốn đốn. Biển Đông cũng sẽ bớt căng thẳng khi dầu khí không còn là kho vàng phải tranh giành cho bằng được nữa. Khi Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa Ước Paris về khí hậu -với lý do là không để Trung Quốc độc quyền sử dụng than- đa số các bang Mỹ và các công ty lớn đã tuyên bố không đồng ý và không chấp hành. Người ta không chỉ trách Donald Trump thiếu tâm hồn, người ta còn chê ông thiếu kiến thức.
Trung Quốc đã nhìn thấy cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Cách đây mười năm, mùa hè 2007, khi tham quan Trung Quốc tôi còn thấy trong nhiều tài liệu là họ đang chuẩn bị xây dựng thêm hàng ngàn nhà máy điện và thép chạy bằng than. Dù có rất nhiều than đá họ vẫn nhập khẩu ồ ạt để đáp ứng nhu cầu dự trù. Tại Bắc Kinh, Tây An, Vân Nam, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải đi đâu tôi cũng gặp những đoàn du lịch của công nhân Than Quảng Ninh từ Việt Nam sang. Họ nói công nghiệp than của Việt Nam đang gặp thời cực thịnh vì có bao nhiêu than Trung Quốc cũng sẵn sàng mua hết. Nhưng rồi Trung Quốc bừng tỉnh và chuyển hướng. Họ ngừng xây dựng các nhà máy đó dù đã chế tạo ra những trang thiết bị đủ để thiết lập hàng ngàn nhà máy. Không phải chỉ vì môi trường Trung Quốc đã quá ô nhiễm mà chủ yếu vì họ nhận ra là thời đại của than sắp chấm dứt và thời đại của năng lượng mặt trời đang đến. Hiện nay Trung Quốc đã là nước sản xuất nhiều panô điện nắng nhất và còn dự định đầu tư thêm 360 tỷ USD vào kỹ thuật điện nắng trong ba năm sắp tới.
Làm gì với những trang thiết bị đã chế tạo ra cho hàng ngàn dự án không thực hiện nữa, bây giờ trở thành cồng kềnh vô ích và không đáng giá một đồng xu ? Họ chuyển sang Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã không nhìn thấy lý do và đã khờ khạo đến nỗi chấp nhận những nhượng bộ rất quan trọng để được làm bãi rác công nghiệp của Trung Quốc. Thí dụ như cho Formosa hưởng một quy chế giống như một nhượng địa.
Các nhà máy nhiệt điện, thép, phân đạm, giấy v.v. được tập trung trong những khu công nghiệp ven biển hay gần biển bên cạnh một dòng sông. Tại sao ? Chúng đều chạy bằng than và dùng nhiều hóa chất, nghĩa là đều rất ô nhiễm. Chúng được lập tại bờ biển để xả thải thẳng ra biển. Nếu những dự án này "thành công" thì bầu trời Việt Nam sẽ đặc khói, biển Việt Nam sẽ nhiễm độc, các ngành muối và nuôi trồng hải sản sẽ chết dần cùng với ngành du lịch. Hàng chục triệu người sẽ mất nghề sinh sống và hàng chục triệu người sẽ bị nhiễm độc. Phải mừng rằng những dự án này sẽ thất bại và bị đình chỉ, như thảm họa Formosa -dưới một góc nhìn khác- đã chứng tỏ. Một đặc điểm chung khác của các nhà máy này là chúng đều được xây dựng một cách cẩu thả, thí dụ như nhà máy Đạm Ninh Bình chưa thực sự đi vào hoạt động đã lún sâu hơn 2 mét trong lòng đất. Những nhà máy này đều do Trung Quốc xây và Trung Quốc thừa biết chúng sẽ không hoạt động lâu vì thời đại của năng lượng than đang chấm dứt.
Thời đại của than có thể chấm dứt nhanh hơn nhiều dự đoán. Tất cả các nhà máy này đều sẽ không sống lâu, nhiều nhà máy có thể sẽ không bao giờ đi vào hoạt động và các đại gia như Lê Phước Vũ thay vì trở thành tỷ phú đô la sẽ chỉ mất vốn. Chúng ta không chờ đợi ở họ một tinh thần trách nhiệm nào với đất nước, họ hoàn toàn không có và chính vì thế mà họ đã thành đại gia. Nhưng họ đã lầm to ngay cả nếu chỉ muốn làm giầu. Ngu sao không làm thép ? Lê Phước Vũ và những người như ông ta tưởng rằng mình khôn và gặp thời, nhưng họ rất ngu.
Nước ta đã lỡ giai đoạn cất cánh vì không tạo ra được một lớp doanh nhân đúng nghĩa mà chỉ có những doanh nhân kiểu Lê Phước Vũ, những người không chỉ cưa cái cành trên đó mình đang ngồi mà còn cưa luôn chân mình. Nhưng Đảng Cộng Sản cũng đang làm chúng ta lỡ một khúc quanh lớn của thế giới : khúc quanh vào kỷ nguyên năng lượng sạch. Đất nước đã rất tụt hậu lại còn có nguy cơ tụt hậu hơn nữa, như một người chạy đua đã chạy sau lưng người ta lại còn vấp ngã và bị thương.
Paris, 12/07/2017
Nguyễn Gia Kiểng
Một báo cáo mới đây của Human Rights Watch, "No Country for Human Rights Activists : Assaults on Bloggers and Democracy Campaigners in Vietnam" (Không có quốc gia nào cho các nhà hoạt động nhân quyền : Hành hung các blogger và nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam), đã ghi lại sự gia tăng bạo lực đối với các nhà hoạt động, chủ yếu gây ra bởi những tên côn đồ, vài trong số đó là công an hoặc quân đội, và hầu hết đều tấn công những nạn nhân ở nơi công cộng.
Một vài hình ảnh về các nhà hoạt động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung - Ảnh minh họa
Nguyễn Trung Tôn, một mục sư và blogger, và cũng là một người bạn, đã bị một nhóm đàn ông bắt sau khi ra khỏi xe buýt trong tháng 2/2017 :
"Họ lấy đồ đạc của chúng tôi, cởi bỏ quần áo, phủ đầu chúng tôi bằng áo khoác và đánh chúng tôi liên tục bằng những ống sắt. Họ không nói cho chúng tôi biết vì sao đánh. Xe di chuyển và họ tiếp tục đánh chúng tôi. Có một tài xế và ít nhất sáu người đàn ông khác".
Và điều này cũng đã xảy ra với nhà hoạt động vì môi trường Nguyễn Thị Thái Lai khi cô ấy vừa ra khỏi nhà hàng cùng với một người bạn :
"Bốn người đàn ông trẻ, như bốn con trâu nước, đã chặn xe của chúng tôi. Họ nắm lấy cổ tôi và ném tôi xuống đất. Họ đánh tôi cho đến khi tôi ngất đi. Họ đá tôi vào mặt – hãy nhìn vào mặt tôi bị thâm tím. Họ đá vào mặt. Họ lại đá tôi vào mặt và đánh tôi cho đến khi tôi ngất đi".
Mặc dù "các cuộc tấn công bạo lực thô bạo chống lại các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ở Việt Nam không phải là một hiện tượng mới", theo báo cáo của Tổ chức Nhân quyền HRW, nhưng có vẻ như có một xu hướng mới so với việc giam giữ và tiến hành bạo lực công khai. Bản báo cáo nêu rõ :
"Năm 2014, trong một giai đoạn đàm phán đặc biệt về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, số người bị kết án vì chính trị ở Việt Nam đã giảm xuống còn 31. Tuy nhiên, theo Hội các cựu tù nhân lương tâm, số lượng các cuộc tấn công bạo lực đã tăng lên ít nhất 31 vụ, với mục tiêu nhắm vào 135 bloggers nhân quyền và các nhà hoạt động.
Vào năm 2015, số người bị kết án vẫn tiếp tục giảm, chỉ có 7 nhà hoạt động bị kết án trong suốt năm. Mặt khác, theo nghiên cứu của Human Rights Watch, gần 50 blogger và nhà hoạt động báo cáo rằng họ bị tấn công trong 20 sự cố riêng biệt. Năm 2016, ít nhất 21 người hoạt động nhân quyền đã bị kết án trong khi ít nhất 20 vụ tấn công bạo lực đã được diễn ra để đối phó với hơn 50 người".
"Chủ nghĩa Marx cần một nhà độc tài", theo lời của nhà văn Vladimir Nabokov, một nhà văn người Mỹ gốc Nga, và "một nhà độc tài thì cần an ninh mật vụ". Tuy nhiên, an ninh mật vụ ở Việt Nam hầu như không bí mật. Vào năm 2013, Giáo sư Carl Thayer, ước tính có khoảng 6,7 triệu người Việt làm việc cho nhiều cơ quan an ninh của đất nước, nghĩa là trong 6 người thì có một an ninh.
Vào năm 2015, ngay khi tôi gặp Phạm Chí Dũng, một nhà hoạt động đã thành lập Hiệp hội Báo chí Độc lập Việt Nam, và làm việc cho Văn phòng An ninh thành phố Hồ Chí Minh 16 năm trước khi bị vỡ mộng, thì ông Dũng biết rằng đang có hai nhân viên an ninh đã đi theo sau ông từ nhà riêng đến quán cà phê của chúng tôi. Và ông biết họ cũng sẽ theo ông về nhà. (Ông Dũng đã bị bắt lại một vài tháng sau khi chúng tôi gặp nhau).
Việc sử dụng những kẻ côn đồ đã được trả tiền (theo một giả định) để tấn công các nhà hoạt động thì khác so với việc sử dụng các nhân viên an ninh để theo dõi hay bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến. Khi một nhà hoạt động bị đe dọa bởi công an hoặc quân đội, thì ít nhất, người ấy nhận ra được kẻ tấn công mình là ai. Bộ đồng phục nói lên tất cả. Người ta biết kẻ tấn công mình là ai và ông chủ của tên đó. Kết quả là, nhà hoạt động bị tấn công hiểu được thông điệp đến từ kẻ chủ mưu : Chúng tao muốn làm tê liệt tất cả các hoạt động. Theo lẽ dễ hiểu thì công trạng đó phải đến từ một chính phủ đã gửi công an hoặc quân đội của mình để đi làm những công việc bẩn thỉu ; rõ ràng ít ra chính phủ đó dám trung thực về động cơ của chính họ.
Việc sử dụng những kẻ tấn công là an ninh giả dạng thì lại khác. Nó không trung thực. Nó hèn nhát. Việc cởi bỏ trang phục của công an hoặc quân đội (nếu đúng như vậy) trước khi tấn công, hành hung là một nỗ lực để tạo khoảng cách giữa những tên chủ mưu và bạo lực. Không chỉ vậy, đó là một sự cố gắng để nói lên rằng : chế độ không phải là chống lại các nhà hoạt động, nhưng chính những đồng bào mới là những người chống lại họ.
Việc sử dụng những tên côn đồ không đơn giản chỉ là một nỗ lực để "gieo rắc sự sợ hãi và không tin tưởng giữa các nhà hoạt động xã hội", nhưng chính là gieo nỗi sợ và điều không chắc chắn giữa những người có thể trở thành những nhà hoạt động tương lai.
Đối với an ninh, bắt giữ một nhà hoạt động là để bịt miệng người chỉ trích đó. Đối với công an hoặc quân đội, để đánh bại một nhà hoạt động là chứng minh rằng chế độ sẽ không im lặng trước những lời phê bình. Nhưng đối với một tên côn đồ mặc thường phục tấn công một nhà hoạt động là để làm nhục nhà hoạt động đó một cách công khai.
Thật vậy, một nhà hoạt động bị kết án tù sẽ bị giam giữ. Nhưng một nhà hoạt động mà bị đánh đập thì buộc phải phô bày những vết sẹo của mình cho tất cả mọi người và đây có lẽ là một biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn. Một nhà hoạt động bị giam giữ, thường tạo cảm hứng cho nhiều hoạt động dân chủ hơn ; và việc thả họ ra cũng trở thành một động lực cho biểu tình phản đối.
Các chiến thuật đang thay đổi của chế độ rõ ràng đã phản ánh những thay đổi trong phong trào ủng hộ dân chủ và nhân quyền. Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên gần như không thể kiểm duyệt theo ý muốn của chế độ. Các nhà hoạt động xã hội cũng trở nên hăng hái, sẵn sàng phản đối và biểu tình công khai. Và với mối quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (đã đồng ý với một hiệp định thương mại tự do quan trọng có thể sẽ có hiệu lực vào năm tới), thì sự rủi ro của việc gây khó chịu cho các đối tác thì quá quan trọng về mặt kinh tế. Vì thế, những tên an ninh giả dạng côn đồ sẽ tạo ra một vài khoảng cách giữa chế độ và bạo lực.
Nhiều hơn nữa, phong trào Dân chủ mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây. Như tôi đã viết trước đây, sự phát triển trong hoạt động vì môi trường đã kết hợp nhiều thành phần khác nhau : những người dân trung lưu ở thị thành và những nông dân nghèo ở làng quê ; những người dân chủ và những người theo chủ nghĩa dân tộc, đã đoàn kết dưới chung ngọn cờ mà tất cả họ đều có quyền lợi. Điều này chưa từng có trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, và chế độ cộng sản biết rõ điều đó.
David Hutt
Mai V Pham chuyển dịch
http://thediplomat.com/2017/06/whats-behind-vietnams-rising-violence/
*******************************
Sáng ngày mồng 6 tháng Chạp năm 2015, để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài có một cuộc nói chuyện về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam tại giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Các nhà hoạt động phản đối nạn hành hung ở Hà Nội, tháng Năm năm 2015. Các tấm biểu ngữ có nội dung "Cực lực phản đối hành động bạo lực đê hèn" và "Đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng". © 2015 ẩn danh
Buổi chiều hôm đó, ông về lại Hà Nội, cùng đi còn có các nhà hoạt động Lý Quang Sơn, Vũ Văn Minh (còn gọi là Vũ Đức Minh) và Lê Mạnh Thắng. Trên đường đi, xe taxi chở họ bị một nhóm khoảng hơn chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang che mặt chặn lại.
Nguyễn Văn Đài kể những người này lôi họ ra khỏi xe taxi và đánh bằng gậy vào đùi và vai, rồi đẩy ông vào lại xe. Trong xe, họ tiếp tục đánh đập ông : "Họ dùng tay tát liên tục vào mặt, rồi đánh vào mang tai, vào mồm… Khi chở tôi đến bãi tắm Cửa Lò, họ tiếp tục lột hết cả áo rét và giày. Họ đẩy tôi xuống bãi biển rồi bỏ đi".
Ba nhà hoạt động cùng đi cũng bị đánh tàn bạo. Theo Lý Quang Sơn :
"Vũ Văn Minh bị bọn côn đồ cố lôi ra, họ cầm gậy liên tiếp quất… vào chân bạn Minh… Chúng lôi anh bạn Thắng (ở cửa bên trái) ra ngoài, vừa lôi vừa cầm gậy vụt vào ngực Thắng, bạn Minh liền giữ lấy Thắng, còn tôi thì đưa tay ra bắt lấy gậy của nó. Tôi giằng co cái gậy… thì bị một thằng khác vụt vào tay, tôi phải buông gậy, tôi dùng chân đạp vào mặt và đầu của chúng thì bị chúng dùng ống đồng đánh vào mắt cá chân và bắp chân, bạn Minh cũng không giữ nổi Thắng nữa.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét trong một bản phúc trình ra ngày hôm nay rằng có những hung thủ đánh đập, dọa dẫm và đe nẹt các blogger và nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam mà không bị truy cứu trách nhiệm.
Lý Quang Sơn nói rằng những người này dùng một chiếc ô tô khác chở Lê Mạnh Thắng đến một địa điểm lạ, lột lấy điện thoại và ví rồi bỏ mặc anh bên lề đường. Trên đường đi, Thắng bị bọn họ đấm liên tiếp vào mặt và người. Theo Nguyễn Văn Đài và Lý Quang Sơn, người lái xe taxi cũng bị bọn họ đánh đập.
Vụ việc ngày mồng 6 tháng Chạp không phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Đài bị hành hung theo kiểu này. Hồi tháng Năm năm 2014, khi đang uống cà phê cùng một vài nhà hoạt động nhân quyền trong một quán cà phê ở Hà Nội, một nhóm người xuất hiện, ném ly vào người và đánh đập ông. Tháng Giêng và tháng Ba năm 2015, nhiều nhóm người tấn công vào tư gia và cố phá cửa chính nhà ông.
***
Các vụ tấn công vào Nguyễn Văn Đài và bạn bè ông thể hiện một xu hướng đáng lo ngại ở Việt Nam : có các nhóm hành hung các nhà hoạt động, dường như dưới sự chỉ đạo hoặc cho phép của những người có thẩm quyền. Từ trước đến giờ, hầu hết các đánh giá chính thức về tình hình nhân quyền ở Việt Nam chủ yếu dựa trên con số thống kê về các biện pháp đàn áp theo hệ thống pháp luật (các số liệu về bắt giữ, xét xử, kết tội và kết án của các tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát, hoặc những nhân viên thi hành pháp luật chính thức) còn tần suất và hậu quả của loại tấn công được ghi nhận trong phúc trình này, thực chất là một hình thức đàn áp ngoài hệ thống pháp luật, lại nhận được quá ít sự chú ý.
Bản phúc trình này là một nỗ lực bổ sung vào phần còn thiếu, bằng cách tường trình 36 vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, khi các nhà hoạt động nhân quyền bị "côn đồ" đánh đập ở Việt Nam. Tất cả vụ việc được ghi nhận ở đây đều dựa trên các nguồn có sẵn trên mạng, bao gồm lời kể trực tiếp của nhân chứng về các vụ hành hung được đăng trên blog hay mạng xã hội bằng tiếng Việt, thường có kèm theo hình ảnh làm bằng chứng, cũng như các tin bài của báo chí nước ngoài, có đối chiếu với các nguồn độc lập về cùng vụ việc nếu điều kiện cho phép.
Tất cả các vụ hành hung được ghi nhận ở đây đều diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Một số vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp. Nhiều vụ đánh đập xảy ra cùng thời điểm, và dường như để hỗ trợ chính quyền áp dụng các biện pháp đàn áp nhằm vào các nhà hoạt động bị để ý. Trong hầu hết các vụ việc, các nhà hoạt động bị "côn đồ" để mắt tới cũng phải chịu các biện pháp đàn áp chính thức của chính quyền, kể cả bị bắt giữ.
Dù mối liên hệ chính xác giữa những kẻ côn đồ và chính quyền thường không thể minh xác được, nhưng trong một nhà nước công an trị sát sao như Việt Nam, gần như không có gì phải nghi ngờ về việc những kẻ này có quan hệ với, và hành động theo sự chỉ đạo của mật vụ nhà nước.
Việc hành hung nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không phải là một hiện tượng mới có gần đây. Một ví dụ là từ tháng Chạp năm 2005, khi về lại Việt Nam sau chuyến đi Mỹ chữa bệnh, nhà bất đồng chính kiến quá cố Hoàng Minh Chính và gia đình ông bị một đám chừng năm chục người bao vây. Đám người này chửi rủa Hoàng Minh Chính đã dám công khai phê phán việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian ở nước ngoài. Họ dùng gậy gỗ đập phá cửa chính và cửa sổ nhà ông, ném mắm tôm, cà chua và trứng thối vào nhà, và đấm đá, đánh đập người trong gia đình ông. Gia đình có gọi công an, và công an có đến nhưng chỉ đứng ngoài chứng kiến vụ tấn công mà không làm gì để ngăn chặn.
Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là nạn nhân từng bị hành hung từ trước thời gian nghiên cứu trong phúc trình này gồm có các cựu tù nhân chính trị nổi tiếng như Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Quốc Quân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh… hay các nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Ngô Duy Quyền, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Thục Vy và nhiều người khác.
Thông tin về những thể loại tấn công này không thể đầy đủ do bị hạn chế về tiếp cận tin tức và kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam. Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy rằng trong năm 2013, Việt Nam xét xử ít nhất 65 blogger và nhà hoạt động nhân quyền và kết án họ với mức án cộng lại lên đến hàng trăm năm tù. Cũng trong năm đó, theo một báo cáo của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, có ít nhất 18 vụ hành hung nhằm vào 71 nhà vận động nhân quyền.
Năm 2014, trong giai đoạn thương lượng căng thẳng về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, số người bị kết án về các tội chính trị ở Việt Nam giảm xuống còn 31. Tuy nhiên, theo Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, số vụ hành hung tăng lên ít nhất là 31 vụ nhằm vào 135 blogger và nhà hoạt động nhân quyền.
Năm 2015, con số vụ kết án được biết tiếp tục giảm, xuống chỉ còn có 7 nhà hoạt động bị kết án trong suốt cả năm. Mặt khác, theo nghiên cứu riêng của chúng tôi, có khoảng 50 blogger và nhà hoạt động cho biết họ bị hành hung trong 20 vụ việc khác nhau. Trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà vận động nhân quyền bị kết án và ít nhất 20 vụ hành hung xảy ra với hơn 50 nạn nhân.
Các vụ hành hung thân thể nhằm vào những người vận động nhân quyền thường xảy ra trong bốn tình huống. Thứ nhất là tấn công một cá nhân đơn lẻ, ở nhà riêng hay ngoài đường. Các ví dụ có thể kể là vụ tấn công Nguyễn Văn Thế vào tháng Năm năm 2016, Nguyễn Văn Thạnh vào tháng Sáu năm 2016, Lã Việt Dũng vào tháng Bảy năm 2016, và Nguyễn Trung Tôn vào tháng Hai năm 2017.
Trường hợp thứ hai là khi một nhóm các nhà vận động nhân quyền bị tấn công, thường vào lúc họ đang cùng hành động để ủng hộ các nhà hoạt động khác, như đi thăm một cựu tù nhân chính trị mới ra tù, hay đi dự đám cưới của một nhà vận động nhân quyền. Các ví dụ của thể loại tấn công này gồm có các vụ hành hung những người đến thăm cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật vào tháng Tám năm 2015 và Trần Anh Kim hồi tháng Giêng năm 2015.
Trường hợp thứ ba là hành hung các nhà hoạt động đang tham gia các sự kiện công cộng như tuần hành vì môi trường, hay biểu tình bên ngoài đồn công an đòi thả các nhà hoạt động bạn bè.
Tình huống thứ tư là ở trong đồn công an, như trường hợp Trần Thị Hồng và Trương Minh Tam được biết đã bị đánh đập trong khi đang bị câu lưu, thẩm vấn vào tháng Tư năm 2016.
Trong rất nhiều vụ, được biết những kẻ thủ ác thường đeo khẩu trang. Có một số vụ, như đã nêu ở trên, các nhà hoạt động cho biết rằng công an mặc sắc phục có mặt tại đó nhưng không làm gì để ngăn chặn việc hành hung. Trong hầu hết các vụ, không có ai bị truy cứu trách nhiệm vì hành vi hành hung. Rất nhiều nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung, nhưng việc điều tra hầu như chưa bao giờ được tiến hành. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được biết chỉ có một vụ duy nhất những kẻ thủ ác và cán bộ công an được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hành hung bị điều tra.
Bất chấp những rủi ro lớn về an toàn và tự do cá nhân, cộng đồng blogger và các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục lớn mạnh ở Việt Nam. Được sự trợ giúp của internet, nhất là các mạng xã hội như Facebook và Youtube, những nhà vận động nhân quyền càng ngày càng kết nối và hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn trong cuộc đấu tranh vì các quyền tự do chính trị và các quyền cơ bản của con người.
Nhiều nhóm nhân quyền đã được thành lập trong vòng năm năm gần đây, như Câu lạc bộ Bóng đá No-U, Hội Bầu bí Tương thân, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ và Hội Hỗ trợ Nạn nhân Bạo hành.
Bên cạnh việc tiến hành những hoạt động vận động nhân quyền truyền thống như biểu tình ôn hòa, xuất bản các tài liệu phê bình chính quyền và ký thỉnh nguyện thư, các blogger và các nhà hoạt động còn đến thăm gia đình các tù nhân chính trị hay các nhà hoạt động đang gặp khó khăn, và đóng góp những khoản hỗ trợ tài chính tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Họ đợi ở sân bay để đón chào những nhà hoạt động bạn bè vừa đi nước ngoài vận động trở về, và thường bị công an câu lưu. Họ lên tận đồn công an để đòi thả bạn bè bị câu lưu vì tham gia biểu tình ôn hòa. Bàn tay đàn áp tàn bạo, kể cả việc hành hung thân thể như được ghi nhận trong bản phúc trình này, đương nhiên đã làm một số người ở Việt Nam ngại tham gia hoạt động, nhưng nhiều người khác vẫn dũng cảm tiếp tục lên tiếng kêu gọi xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Một người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tươi cười và vẫy tay chào Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi tàu chở ngoại trưởng đi ngang túp lều của ông hôm 14/1/2017. AFP photo
Những việc mới
Hai sự kiện văn hóa và cả chính trị, bùng nổ trên không gian mạng Việt Nam trong những ngày đầu năm 2017 là quyển sách về học giả Trương Vĩnh Ký bị thu hồi, và con rồng Hải Phòng.
Học giả Trương Vĩnh Ký vốn không được các nhà làm sử chính thống của đảng cộng sản Việt Nam xem là quan trọng vì lý do ông là một trong những người có quan hệ với người Pháp từ sớm. Tuy nhiên ông lại được nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ vì kiến thức uyên bác của ông, cùng những tác phẩm về ngôn ngữ, về văn hóa Việt Nam mà ông để lại cho đời.
Với tựa đề rất khiêm tốn "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" của tác giả Nguyễn Đình Đầu những tưởng sẽ được ra mặt công chúng trong thời điểm cách xa đến hơn 30 năm sau cuộc cải cách thể chế kinh tế xã hội đầu tiên của đảng cộng sản. Nhưng "ai đó" đã ra lệnh thu hồi cuốn sách. Và "Ai đó" cũng là tựa đề của bài viết về câu chuyện văn hóa chính trị này của blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Trong bài viết này tác giả giới thiệu cho độc giả khái niệm "ai đó" trong xã hội cộng sản, một quyền lực thực sự, không mang tên, và tất nhiên không mang một trách nhiệm nào cả. Và "ai đó" không chỉ là nguyên nhân của việc rút bỏ tác phẩm "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" mà còn là quyền lực đã ra tay xóa bỏ nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam.
"Ai đó" đã xóa từng phần lịch sử Việt Nam chống giặc phương Bắc ra khỏi trí nhớ các thế hệ một cách rất hệ thống, âm mưu bỏ phần giáo dục lịch sử của quê hương, ghép vào môn Công dân. Và "ai đó" cũng cổ vũ việc in sách ca ngợi các kẻ xâm lược khát máu Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho các thế hệ mới. "Ai đó" cũng dựng nên các câu chuyện dối trá như Lê Văn Tám nhưng không quên trừng mắt chà đạp các nhân vật có thật như Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký. Lê Văn Duyệt, Bá Đa Lộc...
Tuấn Khanh cũng kể lại câu chuyện của ông năm xưa khi đi thăm tượng đài cụ Phan Thanh Giản tại một ngôi trường, một nhân vật cũng bị "ai đó" muốn xóa bỏ khỏi lịch sử. Tuấn Khanh và các bạn bè của ông phải bỏ đi khi bị các nhân viên bảo vệ hung hăng cản trở.
Về học giả Trương Vĩnh Ký, nhà văn Mạnh Kim viết :
Dường như người ta vẫn còn "sợ" những vĩ nhân thật sự như cụ Trương ? Hay là chân dung vĩ đại của một học giả thông kim bác cổ như cụ Trương có thể làm mờ nhạt đi hình ảnh một bọn học lóm mà xét về học thuật lẫn nhân cách khi so với cụ Trương chỉ đáng là một đám hạ tiện ? Mà cần gì phải cấm ở thời mà không gian mạng có thể cho biết đâu là một bậc chân học giả và đâu là phường tiểu nhân vô học luôn tự nhận mình là cha thiên hạ !
Câu chuyện Petrus Ký mang tính chính trị đã rõ, nhưng tại sao con rồng Hải Phòng cũng mang tính chính trị. Mà con rồng Hải Phòng là gì ?
Đó là một công trình hoa lá màu vàng, hình rồng được thành phố Hải Phòng dùng hàng tỉ đồng để trang trí cho thành phố nhân dịp đầu xuân. Công luận chê con rồng này quá xấu. Blogger Đoan Trang thì gọi nó là con rồng đầu Pikachu, một quái thú truyện tranh Nhật Bản.
Hãy nghe blogger Cánh Cò để hiểu tại sao con rồng Hải Phòng mang tính chính trị. Cánh Cò nói rằng con rồng là một con vật không có thật, nó cũng không có thật như xã hội chủ nghĩa. Nó đã được tưởng tượng ra vào thời phong kiến, và lạ kỳ thay nó vẫn tồn tại tới ngày nay dưới chế độ cộng sản vốn tự mệnh danh là đả thực bài phong.
Trước sức ép của công luận, người ta đã dở bỏ con rồng Hải Phòng :
Nhưng trước khi tự biến mất vào không gian vô tận con rồng "tạp giống" này là một câu chuyện hay ho nói về quyền lực và quần chúng. Nó nằm chễm chuệ tại một con đường đẹp nhất Hải Phòng bởi sự cho phép của quyền lực. Quyền lực từ thể chế Đảng, âm ỉ và luôn có xu hướng phò "phong kiến" tuy âm thầm nhưng chưa bao giờ vắng bóng trong mọi sinh hoạt của người cộng sản. Phong kiến thờ rồng, lấy kiểu dáng của nó làm chủ đạo. Vua luôn mặc áo màu vàng vì đó là màu của rồng theo hình ảnh mà dân gian tạo ra từ hàng ngàn năm trước.
Con rồng vàng đất cảng không ra ngoài ước vọng âm thầm của lãnh đạo Hải Phòng khi tự cho phép mình một ảo vọng về "cửu trùng" ngay trong triều đại mà cộng sản chỉ tôn sùng màu đỏ.
Con rồng vàng Hải Phòng suy cho cùng chỉ là sản phẩm dị hình của một thể chế hợm hĩnh. Nó không những điển hình cho sự dốt nát về tính thẩm mỹ mà còn phần nào chứng minh tính cách của hệ thống cầm quyền : thờ phụng thứ lý luận tạp nham dưới nhãn mác con rồng Xã hội chủ nghĩa.
Những việc cũ
Công nhân trang trí cho Tết Nguyên đán sắp tới tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 13/1/2017. AFP photo
Một chuyện đã cũ của năm 2016, nhưng chưa chấm dứt trong năm 2017, đã vậy nó còn được các giới chức vô tình xới lên làm công luận tức giận. Đó là chuyện Bộ Tài nguyên và môi trường không xếp thảm họa Formosa Vũng Áng nằm trong những sự việc nổi bật trong lĩnh vực môi trường trong năm 2016. Bạch Hoàn viết trên mạng xã hội :
Ông Trần Hồng Hà làm quan rất to. Nhưng chắc là ông chưa được dạy rằng, làm quan là lo trước cái lo của thiện hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.
Thế nên, trong con mắt của ông Trần Hồng Hà, hàng trăm ngàn người dân miền Trung khốn khổ phải tha hương cầu thực, chẳng thể nào có sức nặng bằng vài hoạt động của cán bộ của ngành này.
Thế nên, trong con mắt ông Trần Hồng Hà, hàng ngàn lá đơn của ngư dân miền Trung kiện Formosa cũng chẳng thể nào có sức nặng bằng những thứ mang lại thành tích cho ngành này.
Ông Trần Hồng Hà là đương kim Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường của Việt Nam.
Câu chuyện cũ hơn, kéo dài từ rất lâu mà dường như chưa có lối ra là chuyện dân chủ hóa Việt Nam.
Có những cái nhìn tuyệt vọng về câu chuyện này.
Tác giả Định An dẫn lời một đại tá về hưu trên trang Dân Luận :
Việt Nam bây giờ như thế này có sự góp phần của thế hệ như tôi, nhưng lúc đó không ai cho rằng nó sai, con đường đó là không đúng. Thế hệ trước tôi và tôi đã say mê lý tưởng cộng sản và chết bởi nó. Đến bây giờ nhiều người vẫn không thức tỉnh, họ vẫn sống với ảo vọng từ quá khứ huy hoàng, và những kẻ thức tỉnh lại chọn cách sống im lặng mặc cho đất nước bị tàn phá.
Blogger Người Buôn Gió cũng có cái nhìn tương tự khi ông nhìn lại năm 2016. Ông viết rằng Môt sự xuống sức dần dần, mòn mỏi, từ từ, theo thời gian ngấm vào thể trạng đất nước Việt Nam là điều đang diễn ra và sẽ diễn ra tiếp tục. Điều này thật đáng tiếc lại phản ánh đúng hiện thực hơn.
Trong bài viết và cũng là câu hỏi rằng Nền chính trị độc tài của Việt Nam có tồn tại dài lâu hay không, blogger Nguyễn Thị Từ Huy đưa ra bốn nguyên nhân có thể làm chế độ hiện nay sụp đổ, đó là tha hóa chính trị, khủng hoảng xã hội, thảm họa môi trường, khủng hoảng kinh tế. Bà cũng nhìn về năm 2016, nhưng với ánh mắt lạc quan hơn :
Một số hiện tượng xã hội tiêu biểu diễn ra trong năm 2016 khiến người ta có thể hình dung một năm 2017 cũng sẽ không kém phần sôi động. Lần đầu tiên các ứng viên độc lập tham gia ứng cử Quốc hội tạo thành một phong trào, thu hút không chỉ các nhà hoạt động xã hội mà cả các nghệ sĩ và các thành phần tự do trong xã hội. Lần đầu tiên hơn mười ngàn người dân đã xuống đường bảo vệ môi trường sống trong tinh thần ôn hoà bất bạo động, trong tình yêu cuộc sống và trong tình yêu của Thiên chúa. Lần đầu tiên xảy ra hiện tượng một MC truyền hình kêu gọi hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt chỉ sau ba ngày nhận được 16 tỷ đồng, gợi lên nhiều phân tích bình luận, nhưng có lẽ bình luận đáng ghi nhớ nhất là : hiện tượng này trả lại ý nghĩa cho hai từ "minh bạch" trong một xã hội đặc trưng bởi sự tham nhũng.
Trước tình hình như vậy, nhà hoạt động dân quyền trẻ tuổi Nguyễn Hồ Nhật Thành viết :
Đừng trông chờ một lãnh tụ hay một đảng phái nào có thể làm điều này giúp chúng ta vì nếu một lãnh tụ hay một đảng phái nào có khả năng giải phóng chúng ta thì họ cũng sẽ có khả năng trói chúng ta lại lần nữa. Cuộc chuyển đổi trong tương lai phải là cuộc chuyển đổi từ sức mạnh quần chúng thông qua nền tảng của các hội, nhóm xã hội dân sự độc lập.
Dân quyền không chỉ là những quyền tự do cơ bản mà còn là một kiểu thức văn hóa. Khi mỗi người ý thức và thực hành được quyền của mình thì họ sẽ trở nên tôn trọng quyền của người khác. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người có thể tự do sống với quan điểm của mình mà không cần phải "đeo mặt nạ", không sợ bị gọi là "phản động" hay những sự miệt thị khác.
Nguyễn Thị Bích Ngà cũng có niềm lạc quan như vậy trong một đoạn văn tự phán trên facebook :
Tôi không xuống đường, tôi không đi làm phóng sự, tôi chẳng dám mạnh mẽ, tôi cũng chẳng chi đồng chó nào để giúp họ đấu tranh thì tôi làm đếch gì cho phép mình cái quyền phê phán hay bảo họ phải làm gì. Nếu tôi có chi tiền thì tôi cũng không được phép chờ đợi ở họ vì tôi phải biết con số tôi bỏ ra là quá nhỏ so với những gì họ đã bỏ ra. Chờ đợi và thúc giục đến khi chưa được như ý thì phê phán và phủ nhận là hành động vô duyên, không tử tế. Và, nhiều người đang bị mắc lỗi tâm lý chờ đợi này rất nặng, trong đó có tôi.
Thay vì chờ đợi vào người khác, mình hãy tự làm được gì thì làm, không làm được thì hãy giúp người đang làm trong khả năng tốt nhất mà mình có thể. Vậy thôi. Đừng để tâm lý chờ đợi làm mình trở thành người vô duyên, kỳ cục và mất niềm tin !
Đó cũng là niềm tin của nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi Nguyễn Anh Tuấn, khi anh nhớ lại những ngày phải cải trang trốn tránh nhà cầm quyền trong vụ bê bối môi trường Formosa. Anh đã nghe những vị chức sắc tôn giáo vùng Hà Tĩnh khuyên bảo giáo dân không bán hải sản nhiễm độc dù rằng có thể không còn phương tiện sinh nhai nào khác. Nguyễn Anh Tuấn viết rằng Ngay lúc đó tôi biết rằng tôi, gia đình tôi, người thân của tôi nợ những người dân nơi đây một lời cảm ơn, vì họ thà chịu đói chứ không đẩy cá độc ra thị trường gây hại cho chúng tôi. Và cũng lúc đó, tôi biết, dân tộc mình vẫn còn hy vọng.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 16/01/2017
Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp kết hợp với Tòa thị chính Paris tổ chức triển lãm "Nghệ thuật hòa bình : Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp"
Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp, kết hợp với Tòa thị chính Paris đang cho ra mắt công chúng tại Petit Palais (Paris) triển lãm "Nghệ thuật hòa bình : Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp".
Đây là lần đầu tiên những kỷ vật hiếm hoi được giữ gìn từ Thế kỷ 4, những tranh, tượng của những danh họa, nghệ sĩ, văn bản, nghi chép nói về con đường gieo mầm, gặt hái hòa bình từ những xung đột, chiến tranh của ngoại giao Pháp ra mắt công chúng.
Trong số những tài liệu quý, tôi thấy có bản sao 'Công chứng' với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502.
Ngoài ra là 'Văn bản đầu hàng' Đế chế Đức ký kết chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1917, hoặc 'Biên bản trao đổi' giữa Hitler và đại sứ Pháp tại Berlin trước ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Người ta cũng có thể thấy cẩm nang viết và tra cứu mật mã những văn bản ngoại giao, tài liệu mật giai đoạn Hồng y Richelieu, cùng thời với chàng l'Artagnan trong tiểu thuyết 'Ba chàng lính Ngự lâm' của Alexandre Dumas.
Bản sao 'Công chứng' với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502
Một tài liệu độc đáo khác là bức thư viết trên vàng lá của vua Xiêm (Thái Lan) Mongkut-Rama IV gửi Hoàng đế Napoléon III ngày 17/03/18615.
Đại sứ Xiêm đã trình quốc thư độc đáo đó kèm nhiều tặng phẩm quý tận tay Napoléon III và hoàng hậu Eugénie tại lâu đài Fontainebleau ngày 27/06/1861.
Với Việt Nam, có hai văn bản nên ngược dòng lịch sử, để ghi nhận và suy ngẫm.
Văn bản thứ nhất là 'Hiệp định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954', nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).
Văn bản thứ hai là 'Hiệp định Hoàng Phố 1844'.
Ai thắng ai ở Geneve 1954 ?
Văn bản Hiệp Định Geneve trưng bày bản gốc tiếng Pháp và tiếng Việt, các trang liên kết với nhau bằng 2 dải dây lụa xanh trắng, trang bìa gắn dấu xi chữ ký Cộng Hòa Pháp và quốc huy của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Bản tiếng Việt đựng trong bìa carton mầu vàng nhạt, mầu những bức tường cổ Hà Nội. Bản tiếng Pháp có bìa mầu hồng.
Đằng sau những cặp bìa chứa chấp những mưu mô đổi chác, những giọt nước mắt, nụ cười và bi kịch.
Người anh cả Nga đã đi đêm, khi Tướng Giáp còn chưa hất tung những chàng lính dù Pháp như nướng những chiếc bánh crêpes bằng những khẩu đại bác của mình.
Bản gốc 'Hiệp định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954' nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương được trưng bày tại triển lãm ở Paris
Tháng 1/1954 tại Berlin, trong những bàn cãi về thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov (1890-1986) ngỏ ý giúp Pháp thu xếp đình chiến tại Đông Dương, đổi lại việc Pháp rút ra khỏi khối 'Cộng đồng phòng thủ chung Châu Âu'.
Lẽ ra ủng hộ phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Geneve, người anh thứ hai Trung Hoa lại 'thân thiết, gần gũi' với Pháp, kẻ thất bại trên chiến trường đang cháy lòng tìm kiếm một lối thoát khả thi.
Đọc hồi ức của các tướng lĩnh và sử gia Pháp giai đoạn này, người Việt sẽ đánh giá lại món ăn cay sực gia vị 'nghệ thuật ngoại giao Paris' đã dọn cho họ ra sao.
Giới quân sự Pháp rền rĩ trước canh bạc trắng tay, rủa những nhà ngoại giao chết nghẹn đi không nghĩ rằng phái đoàn Georges Bidault đến Thụy Sỹ đã cứu thoái cho đạo quân viễn chinh mất tinh thần chiến đấu, tan hàng còn hiệu quả hơn những chiến dịch giải cứu Atlante, Arréthus hay Axelle.
Các nhà ngoại giao Pháp lọc lõi, hồng hào, tươi tắn như thể họ còn những con bài sáng giá, mà thật ra đã bị dồn đến chân tường.
Ngày 19/06/1954 lên nhậm chức, Thủ tướng Pierre Mendes France đã hứa trước quốc dân sẽ tái lập hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng, muộn nhất là vào ngày 20/07.
Song kịch hạn chót của thời điểm, các cuộc thương lượng vẫn dang dở. Để cho chính phủ Pháp không bị đổ vì hứa suông cũng như tôn trọng hình thức công pháp quốc tế, tại phòng đàm phán 'Palais des Nations' ở Geneve, hai chiếc kim đồng hồ giữ nguyên ở số 12.
Sự thật là sang 2 giờ ngày 21/07/1954, Hiệp định đình chiến về Việt Nam và Lào mới được đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký. Hiệp định đình chiến ở Campuchia được ký vào cuối buổi sáng 21/07. "Tuyên bố cuối cùng" mãi đến chiều ngày 21/07 mới được hội nghị thông qua.
Tháng 10/1979, nghĩa là sau một phần tư thế kỷ, Hà Nội công bố Bạch thư "Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc 30 năm qua".
Phải đợi những chiếc xe tăng Bát Nhất chọc thủng phòng tuyến Kỳ Lừa và biển người của Giải phóng quân Trung Hoa tràn sang giết chóc, những dòng chữ như thế này mới được viết :
"Pháp đến Geneve nhằm đạt được một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội quân viễn chinh, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Rõ ràng lập trường của Trung Quốc khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng lại rất phù hợp với lập trường của Pháp".
Các nhà đàm phán Việt Nam thiếu cái hoài nghi lịch lãm nhưng lại lành mạnh đủ mức với những gì những nhà làm chính trị phải có để nhìn ra những cạm bẫy hai khối dành cho họ. Họ dèm pha và khinh miệt đối phương. Căn bệnh tự phụ, răn dạy đạo đức luôn luôn cho rằng mình đúng, những suy nghĩ của họ là bất di, bất dịch.
Người ta chế nhạo giọt nước mắt của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Việt Nam Cộng hòa sau này, người đã không chịu đặt bút ký vào văn bản chia đôi Việt Nam mà dòng sông có tên Hiền Lương như nụ cười nhạo báng, trớ trêu, chẳng 'hiền' mà cũng chẳng 'lương' trong suốt 30 năm.
Không ai nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt đầu tiên nhỏ xuống sinh mạng 5 triệu người Việt Nam và 58.000 quân nhân Mỹ sẽ chết.
Song đó chưa phải là giá đắt nhất.
Đến bây giờ người Việt đối thoại với cựu thù Pháp, Mỹ dễ hơn đối thoại giữa người Việt có quá khứ khác nhau. Họ hỏi nhau đến từ đâu, Nam hay Bắc trong câu hỏi đầu tiên.
Hiệp định Hoàng Phố Pháp-Trung 1844 và vị thế Việt Nam
Ảnh chụp 'Hiệp Định Hoàng Phố 1844' trưng bày tại bảo tàng
Ảnh chụp 'Hiệp Định Hoàng Phố 1844' trưng bày tại bảo tàng
Hiệp ước Pháp-Hoa, ký ngày 24/10/1844 giữa Hoàng đế Pháp Louis Phillippe và Hoàng đế nhà Thanh được gọi là 'Hiệp ước hữu nghị và thương mại' trong nguyên bản, thực chất là một trong những dạng hiệp ước bất bình đẳng. Nhà Thanh phải nhượng quyền buôn bán tại năm hải cảng, chấp nhận hiện diện của Pháp tại Trung Hoa, mở đầu tiến trình thực dân hóa của Pháp tại Châu Á.
Ngay từ năm 1842, Trung Quốc đã bị Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Bồ Đào Nha chẹt cổ bằng hàng loạt các hiệp ước lép vế như Hiệp ước Nam Kinh (1842), Hố Môn (1843), Vọng Hạ, Thiên Tân (1844), Yên Đài (1876), Mã Quan (1895)…
Tiến thêm một bước nữa, sau Hiệp ước Hoàng Phố đúng 40 năm, Paris ký với nhà Nguyễn Hòa ước Pháp-Việt Giáp Thân, 1884, còn gọi Hòa ước Patenôtre, đặt chế độ bảo hộ lên Việt Nam.
Nhìn những văn bản được trưng bầy tôi có dòng suy nghĩ.
Nước Pháp đã thở phào nhẹ nhõm khi thôn tính nền độc lập của Việt Nam, nước được họ coi là cường quốc mạnh nhất Đông Nam Á, một thế lực lớn ở Châu Á sau chiến thắng của Nguyễn Ánh trước nhà Tây Sơn.
Trận thủy chiến thư hùng Thị Nại hồi 1801, quân chúa Nguyễn đánh tan hạm đội Tây Sơn gồm 1.800 chiến thuyền, 600 đại bác và 20.000 binh sĩ của Đại tư đồ Vũ Văn Dũng, đã tạo uy danh cho Vua Gia Long.
Các cường quốc phương Tây chủ yếu sử dụng 'chính sách pháo hạm' bắt nạt Trung Quốc, Nhật Bản phải dè chừng. 'Qua sông phải lụy đò', sợ cũng phải.
Có phải vì vậy mà Việt Nam bị bắt nạt chậm hơn Trung Hoa đến gần nửa thế kỷ ?
Uy dũng Tây Sơn : Trên chiến trường và trong cuộc đấu ngoại giao
"Những trận thắng oanh liệt của Vua Quang Trung khiến nhà Thanh phải e sợ, và khiến nước Việt có tư thế bình đẳng với Trung Hoa"
Năm Kỷ Dậu, Quang Trung đánh tan quân Thanh cũng là năm Cách mạng Pháp 1789.
Nước Pháp chắc cũng ngần ngại nếu sau khi đặt chế độ bảo hộ lên đất Việt lại phải cử một phái đoàn ngoại giao 'kiểu Nguyễn Huệ' sang Trung Quốc.
Họ cũng sẽ run, sẽ sợ 'bút sa không phải gà chết mà nước mất' nếu phải đề cử võ tướng Vũ Văn Dũng giỏi múa kiếm, phá thành hơn cong lưỡi làm thơ, bút đàm làm trưởng đoàn soán chỗ quan văn Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ sang nghị hòa với Càn Long tại Bắc Kinh 18/1/1789.
Họ cũng sẽ thấy bức thư gửi 'Thiên triều' ngang ngạnh quá, đi giảng hòa mà ngạo nghễ ngang tàng, như lên lớp cho Trung Hoa về nghệ thuật chiến tranh "quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông, binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu...".
Lần thứ hai phái đoàn Phạm Văn Trị đi Tầu 1/1790 vẫn có kẻ 'Vai năm thước rộng, thân mười thước cao', 'Chinh Nam Đại tướng quân' Ngô Văn Sở, dũng tướng được Nguyễn Huệ gọi là 'nanh vuốt của ta', người đã chém đầu Đề đốc Hứa Thế Hanh và Tả dực Thượng Duy Thăng, bức tử Sầm Nghi Đống, sang đòi bỏ lệ cống người vàng cúng cái đầu Liễu Thăng rơi ở ải Nam Quan.
Lần thứ ba đi sứ cũng vẫn là võ tướng Vũ Văn Dũng với nhiệm vụ rõ ràng : "Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu viễn Đô đốc tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công được gia phong chức chánh sứ đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức".
"Phải thận trọng đấy ! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy. Kính thay sắc này".
Triều đại Việt nào làm ngoại giao tế nhị, tinh tế như thế ?
Triều đại Tây Sơn không chỉ đánh đuổi giặc ngoại xâm từ phương Bắc mà còn tỏ thái độ cứng rắn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
Những người chơi đồ cổ Hà Nội rất vui khi kiếm được một món đồ nào đó của triều đại này. Một triều đại được họ cho là 'nhân văn, nhân ái'. Triều đại không muốn nghe nhắc đến tên một dòng sông đất Việt, không muốn nhớ đến võ công một nước bé tý đã thắng đội quân Mông Cổ mà chính Trung Hoa đã phải quỳ gối hồi Thế kỷ 13.
Nước Pháp kỷ niệm 200 năm Cách mạng 1789 đã từ chối lời ngỏ ý của tướng Giáp được tham dự ngày hội trên Quảng trường Concorde. Đất nước 'ánh sáng, văn minh' đi gần sang Thế kỷ 21 mà còn nặng lòng, ấm ức với người thắng họ ở Điện Biên Phủ.
Càn Long 'lú' không ngửi thấy mùi thuốc súng còn vương trên chiến bào của Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở ? Quan binh chết nghẽn dòng Nhị Hà ai cũng sướng 'làm quỷ nước Nam, hơn làm vua đất Bắc', chẳng kẻ nào lê gối về khóc với Bắc Kinh ?
Định mệnh cho thêm Quang Trung một vài năm, đất Việt sẽ có một công chúa nhà Thanh đôi mày xanh chiêm bao về làm dâu với hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây như nhượng địa 'xin đểu' kiểu Hong Kong, Ma Cao ?
Và lúc đó, Việt Nam chứ không phải là Pháp sẽ ký tại Quảng Tây Hiệp ước Hoàng Phố, trong tiếng Anh gọi là Whampoa này. Có thể còn trước hơn rất nhiều ?
Mong ước của Quang Trung có 10 năm yên ổn phát triển thì "mình sợ gì nó (chỉ Trung Hoa)" không có.
Việt Nam chưa từng có một cơ hội như Pháp ký với Trung Hoa một hiệp định chặn họng tương tự.
Sau chiến thắng khẳng định nền độc lập 1789, nước Việt có tư thế bình đẳng với Trung Hoa. Song lợi thế này không được khai thác và tiếp nối sau khi Quang Trung mất.
Việt Nam đã thiếu tự tin để cuối cùng phải nhận một bản hiệp ước mất chủ quyền như Hòa ước Patenôtre ?
Người Pháp khi đàm phán về ba tỉnh miền Nam nhủ thầm "nếu đòi được chiến phí vài triệu francs thì quá tốt rồi", thì họ lại được cả ba vùng đất.
Việt Nam là một trong ba trường hợp hiếm hoi như Nga, Hoa Kỳ từ Thế kỷ 17 mà sự mở rộng bờ cõi không bị lịch sử trừng trị và lụn bại.
Nước Pháp có trọn vẹn Waterloo, Điện Biên Phủ, song vẫn giữ vị thế là một trong năm cường quốc. Nên học gì ở họ để 'dân giầu, nước mạnh' ?
Napoleon nói : "Những thiên tài như những mảnh thiên thạch chói sáng dẫn dắt lịch sử".
Đất Việt thiếu những thiên thạch để mở mặt, như họ đã để tuột các cơ hội chăng ?
Có quá nhiều giả định, nhiều 'NẾU' trong bước đường khẳng định một quốc gia hùng cường.
Chữ 'NẾU' ấy chỉ như đám mây ngũ sắc, chiếc cầu vồng bắc qua nền trời sau cơn mưa. Những tuấn kiệt của lịch sử hay kẻ nghèo hèn đều không bước chân lên được chiếc cầu hư ảo để sang bờ bên kia của Định Mệnh, chỉ còn vạt nắng trôi theo chân người của tiếc nuối, cam chịu.
Một lúc nào đó chúng ta sẽ có cơ hội được xem những văn bản "Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam", được 'chiêm ngưỡng' Hiệp định Thành Đô ở Hà Nội chăng, như hôm nay ở Paris ?
Phạm Cao Phong
Nguồn : BBC Tiếng Việt từ Paris, 16/01/2017
Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội 12 năm 2016
Một nhà nghiên cứu lâu năm về chính trị Việt Nam vừa có bài viết tiếng Anh cho rằng đã có mâu thuẫn trong đảng và tranh đua vị trí tại Việt Nam, chưa đầy một năm sau Đại hội Đảng 12.
Đăng trên trang The Diplomat hôm 23/12/2016, Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ, dự đoán có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ, và ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, là ứng viên thay thế hàng đầu.
Ông cũng cho rằng ba vụ điều tra gần đây - liên quan cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, là cách gián tiếp làm suy yếu vị thế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
BBC có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Zachary Abuza về những điều ông đề cập trong bài viết.
BBC : Trong bài viết mới nhất của ông, ông cho rằng ông Đinh Thế Huynh đang có nhiều cơ hội nhất để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp tại Việt Nam. Có phải quá sớm để nhận định như vậy ?
Zachary Abuza : Có thể còn sớm, và tôi có thể sai, nhưng theo tôi, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.
Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại thêm một nhiệm kỳ, nhưng quan điểm đồng thuận dường như cho rằng ông ấy sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.
Khó thấy còn ai khác đang rất nhiều cơ hội để thay ông Trọng giữa nhiệm kỳ. Tôi đoán là ông Trần Đại Quang đang chờ đến Đại hội Đảng 13. Tôi không nghĩ rằng có ai đó dành nỗ lực chính trị để ngăn ông Huynh lúc này.
BBC : Bằng chứng nào để ông nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ ?
Ông Đinh Thế Huynh (trái) và ông Trần Đại Quang là ứng viên cho vị trí Tổng bí thư sắp tới ?
Zachary Abuza : Không hoàn toàn chắc chắn, nhưng có lẽ ông ấy sẽ nghỉ. Ông Trọng sinh năm 1944, tương đối già hơn so với người nhiều tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị. Đảng Cộng sản có lý do khi họ đề ra mức giới hạn tuổi khi chọn nhân sự.
BBC : Bài viết của ông có đề cập đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, mà một số người cũng đồn đoán là ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Đánh giá của ông ?
Zachary Abuza : Tôi đồng ý là ông Quang có nhiều triển vọng. Ông đã mở rộng kinh nghiệm công tác, ra ngoài Bộ Công an. Ông sẽ là ứng viên rất mạnh. Tôi dự trù ông có thể là Tổng bí thư tại Đại hội 13.
Nếu có sự chuyển giao giữa nhiệm kỳ, và có đủ sự phản đối ông Huynh, thì ông Quang cũng sẽ là ứng viên rất mạnh.
BBC : Bài báo của ông tập trung nói về mâu thuẫn nội bộ trong Đảng sau Đại hội 12. Ông có thể giải thích rõ hơn ?
Zachary Abuza : Trước các kỳ Đại hội Đảng, luôn có nhiều đấu tranh phe phái. Nhưng sau đó, thường là giai đoạn "trăng mật", hay tương đối bình yên khi mà chính phủ và cán bộ mới hòa nhập vào vị trí mới. Nhưng một số bạn bè và tôi bắt đầu chứng kiến các dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ chỉ trong vòng một năm.
BBC : Ông viết rằng các cuộc điều tra và bắt giữ gần đây dường như là cách nhắm vào Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Ông có vẻ cho rằng ông Thăng thuộc nhóm cải cách, bị những người bảo thủ tấn công. Trong khi đó, một vài tiếng nói hiếm hoi ở bên trong Việt Nam cũng đã có bài trên mạng xã hội xem ông Thăng là đối tượng cần điều tra. Ông có xem xét quan điểm của họ không ?
Zachary Abuza : Đáng tiếc là nền chính trị Việt Nam vốn vô cùng bí hiểm. Vì thế phần lớn quan tâm là chỉ về các bê bối tham nhũng. Chính trị Việt Nam bị chi phối bởi quan hệ người bảo trợ - đồ đệ, theo cùng vây cánh, vì thế khi có điều tra ai đó, nó có thể không hẳn là vì nghi ngờ tội phạm kinh tế mà thường là nhắm gián tiếp vào người bảo trợ. Nó khiến các đối thủ chính trị phải lo lắng, làm yếu đi nền tảng ủng hộ họ, mà điều này rất quan trọng trong một hệ thống chính trị chú trọng đến sự đồng thuận.
Có nhiều đồn đoán về khả năng luân chuyển của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng
Cần khẳng định chống tham nhũng và chống đối thủ chính trị không hẳn là loại trừ nhau. Nhưng cũng cần thấy vì sao chỉ một số người bị điều tra về tham nhũng, còn những cán bộ làm điều tương tự lại không bị. Khả năng có hạn của nhà nước có thể là câu giải đáp, nhưng câu trả lời thuyết phục hơn thường liên quan chính trị.
Ta cũng cần thừa nhận có nhiều tham nhũng trong chính trị cấp cao ở Việt Nam, vì không có báo chí tự do kiểm tra, đảng cộng sản nói chung đứng trên luật pháp, kiểm soát tòa án và công tố. Quan trọng hơn cả, trong hệ thống hỗn hợp của Việt Nam, là nơi nhà nước vẫn kiểm soát rất nhiều (như vốn, đất đai), khu vực công sở hữu quá nhiều tài nguyên và nguồn lợi thì cơ hội tham ô là ở bên trong nhà nước. Một số ít người lại kiểm soát việc phân bổ hàng hóa, dịch vụ, vốn trong khi lại có quá ít sự kiểm tra và minh bạch.
BBC : Trong bài, ông viết nếu ông Đinh Thế Huynh lên làm Tổng bí thư, sẽ không tốt cho Việt Nam vì ông ấy có vẻ là người bảo thủ. Ông cũng nghĩ ông Đinh La Thăng là nhà cải cách. Nhưng chính trị Việt Nam rất bí mật. Liệu có ổn khi quy trách nhiệm hay chê trách cho một số cá nhân, ca ngợi một số nhà "cải cách", mặc dù ít ai biết thực sự điều gì xảy ra trong các cuộc họp của Bộ Chính trị ?
Zachary Abuza : Tôi đồng ý rằng sự phê phán này là công bằng. Tôi biết một số người hoàn toàn bất đồng với tôi khi tôi cho rằng ông Đinh Thế Huynh là người bảo thủ. Có một người nói ông Huynh là người "trung dung", nhưng tôi không thấy có bằng chứng. Rõ ràng là ông ấy có rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Toàn bộ sự nghiệp của ông Huynh là ở trong bộ máy Đảng như một nhà lý luận, ít kinh nghiệm thực tiễn.
Có thể nếu ông Đinh Thế Huynh trở thành Tổng bí thư, những hạn chế và thực tế của việc lãnh đạo sẽ hạn chế những gì ông có thể làm. Nhưng tôi cảm giác ông ấy rất lo lắng quyền uy và quyền quyết định của Đảng bị kéo trôi về phía các nhà kỹ trị trong chính phủ. Ông muốn tái xác lập sự lãnh đạo tối cao của Đảng, đây là việc không tốt cho nền kinh tế ngày càng phức tạp và hiện đại của Việt Nam.
Bài'The Fault Lines in Vietnam's Next Political Struggle ; Infighting ahead of the next mid-term Congress is already visible' được đăng trên trangThe Diplomat 23/12/2016.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 05/01/2017
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, ngày 21/1/2016. (Ảnh tư liệu)
Năm 2017 đã đến. Bàn cờ chính trị thế giới đang chuyển động. Quan hệ các nước, ở các khu vực cũng như nội tình nhiều nước thay đổi, có nơi thay đổi rất lớn.
Hoa Kỳ thay đổi nhiều và rõ nhất. Tổng thống tân cử Donald Trump thuộc đảng Công hòa sẽ nhận nhiệm vụ vào ngày 20/1 tới, với cung cách cầm quyền và nhiều chính sách nên sự thay đổi lớn này sẽ gây nhiều biến động khôn lườn trên bàn cờ chính trị toàn cầu.
Ở Châu Âu, nước Anh rút ra khỏi Liên minh Châu Âu, quan hệ EU với Liên bang Nga căng thẳng sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea và một phần phía Đông Ukraine, cùng lúc Nga can thiệp quân sự sâu vào Syria để ứng cứu cho chính quyền độc đoán al-Assad.
Quan hệ Hoa Kỳ - Nga trở nên căng thẳng cao độ, khi tổng thống Barack Obama quyết định trục xuất 35 cán bộ tình báo Nga do đã can thiệp phi pháp vào cuộc bầu cử tổng hống Hoa Kỳ vừa qua bằng các hành động "tin tặc" quy mô lớn ; phía Nga đáp lại bằng đe dọa sẽ trả đũa, tùy theo thái độ của tổng thống mới của Hoa Kỳ, mà họ hy vọng sẽ thay đổi. Phía Hoa Kỳ ngỏ ý định sẽ có hành động trừng phạt thêm nữa.
Với tổng thống mới ở Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ căng thẳng đặc biệt trong một đối đầu gay gắt trong nhiều lĩnh vực : kinh tế, tài chính, thuế quan, xuất nhập khẩu, đầu tư, nhập cư, cả về an ninh và quân sự, với lời hứa rõ ràng mang tính răn đe - "Đã đến lúc phải cứng rắn" (Time to get tough) với Trung Quốc - như tên một cuốn sách do chính ông Trump viết. Ông Trump xem Bắc Kinh là kẻ thù toàn diện, nguy hiểm, cấp bách nhất nếu muốn thực hiện khẩu hiệu then chốt của ông là "Hãy làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại".
Trong con mắt của một nhà kinh doanh tỷ phú, khi coi Trung Cộng là đối thủ chính của nền dân chủ toàn cầu, thì các nước dân chủ nên tách nước Nga ra khỏi Trung Quốc, vì dù sao nước Nga cũng đã thu nhỏ chỉ bằng một nửa Liên Xô trước kia (với dân số 146 triệu so với 320 triệu trước kia) ; và đảng mới của Tổng thống Vladimir Putin - Đảng Nga Thống nhất - là một đảng bé tý, không bằng 1/50 của đảng Cộng sản Liên Xô ngày xưa. Ông Putin tự biết những yếu kém của "chế độ hậu cộng sản" của mình, nhất là kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, lại bị trừng phạt nặng nề, nên không còn nguy hiểm đối với nền dân chủ Hoa Kỳ như xưa. Có thể tổng thống sắp mãn nhiệm và tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã phân công nhau, người dơ gậy, kẻ xoa đầu để con gấu Nga giật mình gầm gừ chút đỉnh rồi đâu lại vào đấy mà thôi. Chế độ Putin chỉ là cái đuôi của cái chế độ Cộng sản đã mất đầu.
Lúc này Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam cần phải thất khẩn trương và nhạy bén, tìm hiểu kịp thời mọi chuyển động lớn nhỏ của thời cuộc thế giới, của Châu Á, của khu vực, chủ động và uyển chuyển điều chỉnh mọi mối quan hệ và các chính sách đối nội và đối ngoại cho thích hợp, tận dụng mọi thời cơ, tránh trước mọi sự không thuận lợi. Lãnh đạo là phán đoán, dự kiến đúng, hành động sớm.
Có thể gợi ý những nội dung nên điều chỉnh và thực hiện như sau.
Về Trung Quốc, nên công khai với nhân dân, với đảng Cộng sản nội dung của cuộc mật đàm ở Thành Đô, thực hiện trung thực với nhân dân, không làm điều gì cần phải giấu giếm ; không làm điều gì sau lưng nhân dân, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc ; dứt khoát vứt bỏ phương châm "16 chữ vàng và 4 tốt". Chỉ cần làm những việc này thôi, không khí xã hội sẽ đổi khác và đảng sẽ khôi phục được một phần niềm tin của nhân dân. Cần xem xét lại tất cả các dự án đã dành cho Trung quốc đấu thầu thực hiện - từ trồng rừng, khai thác bô-xít, xây nhà máy sắt thép, xi măng, hóa chất, nhiệt điện, thủy điện đến giao thông cầu đường, buôn bán, xuất nhập khẩu... Kiểm tra mọi công dân Trung Quốc nhập cư, trả về những người nhập cư không giấy tờ hợp lệ.
Trong quan hệ đối ngoại, rất nên chủ động thắt chặt và nâng cao quan hệ hữu nghị toàn diện với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Liên minh Châu Âu, cũng như với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanmar... để tăng thêm bạn, củng cố hòa bình, mở rộng hợp tác các bên đều có lợi.
Nhưng quan trọng và cấp thiết hơn cả là, để tranh thủ mạnh mẽ chính quyền mới ở Hoa Kỳ, Việt Nam cần chủ động thực thi dân chủ thật sự, thực hiện đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, tự do tôn giáo ; trả lại tự do ngay cho các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ; tôn trọng nhân quyền đầy đủ theo các Hiến chương và văn kiện của Liên Hiệp Quốc ; cam kết thực hiện chế độ cai trị theo pháp quyền, theo Hiến pháp và luật pháp, sẵn sàng để cho báo chí quốc tế, các cơ quan nhân quyền quốc tế và của Liên Hiệp Quốc quan sát và điều tra trên đất Việt Nam, tại các phiên tòa công khai và trong các trại giam. Sớm thông qua Luật về lập Hội, về quyền lập công đoàn tự do, về biểu tình... ngay trong nửa đầu của năm 2017. Tất cả những điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thông qua sớm Hiệp định TPP hoặc để thảo luận lại bản TPP mới khi bản TPP cũ chưa được thông qua.
Nói tóm lại, ngay từ những ngày đầu năm 2017, các thành viên chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các nhà bình luận, các nhà báo lề trái và lề phải, các blogger tự do rất nên chung sức, chung lòng, góp ý với nhân dân, với chính quyền, với đảng Cộng sản về những nội dung chính sách cần sửa đổi, bổ sung, đổi mới thật sự, nhằm từ bỏ "chủ nghĩa xã hội" ảo tưởng, viển vông, thực hiện trung thực chủ nghĩa tư bản với nền kinh tế thị trường tự do đúng nghĩa, một chủ nghĩa tư bản - pháp quyền văn minh, phổ cập trên toàn thế giới.
Tình hình thế giới dang có những đổi thay cơ bản và nhanh chóng. Chậm chạp, ù lỳ, để mặc cho tình trạng "nước chảy mây trôi", bị động đối phó thì sẽ chỉ chuốc lấy những nguy cơ chồng chất, những thảm họa dai dẳng cho hiện tại và tương lai.
Bén nhạy với thời cuộc, linh hoạt, thông minh sửa đổi, bổ sung mọi chính sách đối nội và đối ngoại là điều cấp bách hiện nay, để chào mừng năm mới 2017, cắm một cột mốc lịch sử cho nhân dân, cho Tổ quốc Việt Nam.
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 06/01/2017