Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lời người dịch : Khi Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng về mọi mặt, có người bạn nói với tôi rằng ngày cáo chung của chế độ xã hội chủ nghĩa Venezuela giờ chỉ còn tính bằng giờ. Tuy nhiên, dù người kế nhiệm Maduro đã thất bại trên mọi địa hạt, dân chúng Venezuela cũng đã tổ chức được các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm ngàn người, nhưng tại sao chế độ độc tại tại đây vẫn còn tồn tại ?

vene1

Dân chúng Venezuela đã tổ chức được các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm ngàn người

Có lẽ bài viết : "Bi kịch của đối lập dân chủ Venezuela" (The tragedy of Venezuelan opposition) của Harold Trinkunas từ đại học Stanford được đăng trên Foreign Affairs, ngày 05/01/2018, là một lời giải hay cho câu trả lời : "Tại sao đến giờ này Venezuela vẫn chưa thể chuyển hóa Maduro ? (Why It's Been Unable to Effectively Challenge Maduro).

Bên cạnh việc chỉ trích sự gian manh của chế độ độc đoán của Nicolas Maduro, sự tồn tại của Maduro đã chỉ ra nhiều điểm yếu của đối lập dân chủ Venezuela, một liên minh thiếu sự đồng thuận căn bản và được hình thành một cách tạm bợ nhờ các cuộc bầu cử. Để rồi, khi bị vô hiệu hóa bằng con đường bầu cử thì họ chuyển sang các phong trào đấu tranh dân sự. Để rồi cuối cùng, họ vẫn không thể giành được chiến thắng dứt khoát trước chế độ độc tài Maduro dù các cuộc biểu tình lên tới hành trăm ngàn người.

Lời khuyên của tác giả Harold Trinkunas dành cho Venezuela là : Họ cần xây dựng lại một đối lập hiệu quả hơn, phải có các cuộc thảo luận chính trị sâu sắc cũng như đạt được những đồng thuận chung cơ bản. Như vậy vấn đề của Venezuela là tổ chức ! Họ không thua về nguồn lực hay cũng không phải vì Maduro quá mạnh mà chiến thuật và tổ chức của họ quá tồi. Công thức của sự thành công một phong trào dân chủ là : Tổ chức + Các cuộc thảo luận chính trị.

Phong trào dân chủ Việt Nam thua xa Venezuela về mặt tổ chức : chúng ta không phải là một đối lập dân chủ. Thêm vào đó chúng ta cũng chưa có nhiều các cuộc thảo luận chính trị, như vậy chúng ta có thể hi vọng gì vào phong trào dân chủ này nếu vẫn giữ nguyên tư duy cũ ?

Qua bài viết này của Harold Trinkunas, tôi hi vọng những người đấu tranh dân chủ Việt Nam có thể thay đổi tư duy đấu tranh của mình với phong trào dân chủ.

******************

Vào tháng 12 năm 2015, liên minh đối lập của Venezuela, Ủy ban Dân chủ Thống nhất (cũng được gọi tắt là MUD) đã có một chiến thắng rúng động khi giành được 2/3 ghế trong Quốc Hội, cơ quan lập pháp của nước này. Từ đó, cái nhìn tích cực của công chúng về tổng thống Nicolas Maduro, người kế thừa chính trị của Hugo Chavez, khó đạt nổi 30% dân số. Theo một cuộc khảo sát thường niêm về điều kiện sống được tiến hành bởi ba trường đại học hàng đầu Venezuela, nghèo đói gia tăng, ảnh hưởng hơn 81% dân số so với con số 48% của năm 2014. Tình trạng thiếu dinh dưỡng và đói khát hành hạ mọi người, chính phủ vỡ nợ và không chi trả các khoản vay quốc tế, và đất nước đã đi vào vòng xoáy siêu lạm phát.

Dưới những điều kiện trên, người ta đã hi vọng MUD (1) sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 một cách dễ dàng khi người bỏ phiếu đều muốn trừng phạt chính phủ đương nhiệm đã dẫn Venezuela đi vào ngõ cụt. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như mong đợi. Đảng của Maduro đã chiến thắng cuộc đua, giành đến 18/23 vị trí thống đốc, và bây giờ họ đã sẵn sàng cho một nhiệm kì mới. Tại sao lại như vậy ? Tại sao đối lập của Venezuela không thể tận dụng được sự phản đối của phần lớn người dân với Maduro và khả năng của chính mình để thắng cử ?

Bi kịch của đối lập dân chủ Venezuela là sau khi vật lộn hàng năm trời để có được một chiến lược chung, họ cuối cùng nhận ra rằng những nỗ lực giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử của họ chỉ làm Maduro thay đổi luật chơi. Chính phủ công khai thao túng hệ thống bầu cử và trực tiếp nhúng tay vào gian lận, như nhà cung cấp hệ thống bỏ phiếu điện tử của họ, Samrtmatic đã xác nhận sau cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến 2017. Hiện nay, mục tiêu của các nhà lãnh đạo đối lập về vị trí tổng thống, các quan điểm khác nhau trước tình hình phía trước, và các biện pháp đối phó gian trá của chính phủ một lần nữa bẻ gãy phe đối lập. Kết quả là MUD không có nhiều ảnh hưởng khi Venezuela sụp đổ.

Tại sao chiến thuật thắng cử không có hiệu quả ?

Liên minh đối lập của Venezuela thực sự yếu ớt vì nó được quy tụ lại với mục tiêu giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Họ không có nhiều sự thân thiện với nhau, sự đồng nhất về ý thức hệ hoặc có nhiều đồng thuận chính sách chung để đoàn kết các đảng thành viên với nhau. Nó tồn tại bởi vì quy tắc bầu cử của Venezuela tạo điều kiện cho các bên đối lập cùng nhau bảo vệ một ứng cử viên cho mỗi chức vụ để nắm bất cứ cơ hội nào để chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bằng không, ứng cử viên duy nhất của chính phủ (Maduro) sẽ đánh bại liên minh bị chia tách. Những người ủng hộ và các nhà cố vấn Quốc tế từ Hoa Kì, Liên Minh Châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ (NGO) về cải thiện dân chủ cũng đã ủng hộ không ngừng chiến lược này. Cho nên quyết định của MUD tập trung cơ bản vào việc thắng cử có thể hiểu được. Và MUD đã thành công, họ gần chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2013 và giành được một chiến thắng rung động trong bầu cử lập pháp 2015.

Nhưng hóa ra, thắng cử chẳng giải quyết được vấn đề gì. Maduro và các thuộc cấp của ông ta sẽ bị truy tố nếu quá trình chuyển tiếp chính trị của Venezuela diễn ra, có thể bởi vì họ đã dính đến những vụ tham ô kinh khủng, có liên quan tới đường dây buôn bán ma túy quốc tế, hoặc bị truy tố vì có nhiều hành vi chà đạp nhân quyền. Rất nhiều trong số tội ác đó mang tầm cỡ quốc tế, như bản án của hai cháu trai Đệ Nhất Phu Nhân Venezuela vì cáo buộc buôn bán cocain đã cho thấy. Các thành viên tinh hoa đương quyền cũng lo sợ họ bị dẫn độ sang Hoa Kì. Do đó, họ cẩn thận đề phòng những cuộc đảo chính hoặc kết quả bầu cử trái mong muốn có thể xảy ra thông qua một chiến thuật, bao gồm thay thế Tòa Án Tối Cao với những thẩm phán thân chính quyền và chính trị hóa quân đội vũ trang, cảnh sát và ngành công nghiệp dầu. Thực tế trong năm 2017, Maduro đã bàn giao quyền kiểm soát ngành công nghiệp dầu cho các lực lượng vũ trang để đảm bảo sự trung thành của họ, công nghiệp dầu chiếm 95% tổng thu nhập từ xuất khẩu. Tướng Manuel Quevedo, một sĩ quan cảnh sát không có kinh nghiệm gì trong lãnh vực này được trao chức chủ tịch của công ty dầu khí nhà nước PDVSA kiêm bộ trưởng dầu mỏ.

Khi phe đối lập nhận ra rằng họ không thể mang đến bất cứ sự thay đổi nào thông qua bỏ phiếu, họ bắt đầu đổ vỡ. Một vài lãnh đạo chuyển sang chiến lược bất tuân dân sự, những người tham gia - đôi khi có tới hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình một lúc, bắt đầu vào tháng 4 năm 2017. Hết mùa hè năm 2017, lực lượng an ninh tàn bạo đã làm thiệt mạng ít nhất 120 người biểu tình và bắt giữ hàng ngàn người. Mặc dù chiến dịch bất tuân dân sự có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử Mỹ Latinh, nhưng nó không kéo dài bao lâu. Không phải tất cả các lãnh đạo đối lập đều ủng hộ nó. Cuối cùng, để chiến dịch này thành công, họ cần phải thuyết phục được cảnh sát và quân đội ngừng tham gia đàn áp, nhưng điều này đã không xảy ra.

Maduro phản công

Dù thế, đây không chỉ là vấn đề của phe đối lập. Cả MUD và những người ủng họ trong cộng đồng quốc tế đều đánh giá thấp sự phản kháng và những thủ đoạn chính trị của chính phủ Maduro. Sau cuộc bầu cử lập pháp 2015, chính quyền đã tính toán khôn ngoan để làm yếu phe đối lập.

Ban đầu Maduro dùng quyền phủ quyết tất cả những pháp chế được ban hành bởi Quốc Hội (2) (kiểm soát bởi phe đối lập), sau đó ra lệnh tất cả các cơ quan nhà nước không thi hành luật của cơ bên lập pháp (Quốc Hội), sau đó Maduro sử dụng Tòa Án Tối Cao tuyên bố các hành động của Quốc Hội là phi hiến, và cuối cùng ông ta dựng lên một cơ quan lập pháp song song- Quốc Hội Lập Hiến Quốc Gia (3)- dưới sự kiểm soát của chính phủ (đối đầu với Quốc Hội của phe đối lập). Sau khi triệu tập Quốc Hội, chính phủ đã sửa đổi quy tắc bầu cử cho phép một thị trấn có quyền có một đại biểu và hai đại biểu ở mỗi thành phố trung ương , đây là một điều không hề thích hợp. Một thị trấn 10.000 người và một thành phố 100.000 có thể có số lượng đại biểu như nhau, về lý thuyết nó đem lại cho những vùng nông thôn ủng hộ Maduro lợi thế mang tính quyết định. Phe đối lập sau đó tuyên bố cuộc bầu cử của Quốc Hội Lập Hiến bất hợp pháp, dẫn đến một hệ thống chính phủ 100% thân Maduro. Với sự hậu thuẫn từ Tòa Án Tối Cao thân chính phủ và một cơ quan lập pháp thay thế, Maduro đã loại bỏ cơ chế tam quyền phân lập và sự cân bằng ở nhánh hành pháp.

Để đáp trả, các lãnh đạo chính trị đến từ các đảng phái đã tạo nên MUD giờ đây chuyển các hướng khác nhau. Bốn người thống đốc đối lập từ đảng Dân Chủ Hành Đông được bầu năm 2017 đã công nhận Quốc Hội Lập Hiến do chính quyền kiếm soát là hợp pháp. Những người khác, chủ tịch Quốc Hội Quốc Gia (phe đối lập) Julio Borges đã tham gia vào cuộc đối thoại với chính phủ Maduro tại cộng hòa Dominica dưới sự bảo trợ quốc tế, mặc dù phe đối lập vẫn âm ỉ hành động. Một số đang kêu gọi gia tăng trừng phạt bởi các nước láng giềng Venezuela và cộng đồng quốc tế.

Những nhà lãnh đạo đối lập cũng quan sát cuộc bầu cử tổng thống lần tới, và chính quyền đang quyết liệt hơn với tham vọng của mình. Chính quyền bỏ tù thường xuyên những người đối lập có tên tuổi, như Leopoldo López, và cấm những người khác tham gia nắm giữ chức vụ đồng thời cũng để ngỏ cơ hội cho một vài đối lập được cạnh tranh. Maduro hi vọng biến MUD trở thành một mặt trận vô hại, vì hiện giờ MUD có tính hợp pháp cao trong con mắt quốc tế và còn có khả năng ép ông phải từ bỏ chức vụ.

Một đối lập hiệu quả hơn

Ngoài bản chất độc tài của chế độ, sự dễ đổ vỡ của MUD đã khiến họ bỏ qua những cơ hội để có được một viễn cảnh tốt hơn mà họ đang khao khát. Ví dụ, sau khi kiểm soát Quốc Hội Quốc Gia năm 2015 MUD đã có thể sử dụng quyền lập pháp của mình để tác động lên lãnh vực dầu khí, quân đội và các cải tổ phúc lợi. Ban hành pháp chế quy định chi phí dành cho công việc chính trị. Đây là một cách tin cậy để nói với cả cử tri và những người ôn hòa trong chính phủ trong tương lai đối lập sẽ cam kết điều gì (trong khi sự đồng thuận của những người này cần thiết cho sự chuyển tiếp một chế độ dân chủ hơn). Những những điều này quá khó để thực hiện với một liên minh chỉ tập trung vào mục tiêu giành thắng cử.

Mặt khác, phe đối lập trở nên ngày càng không phù hợp khi đất nước đang đi đến thời kì siêu lạm phát, giá dầu giảm mạnh, nghèo đói bùng nổ. Đối mặt với sự thiếu thiện chí của chính quyền Maduro trong việc nhận trợ giúp hay lời khuyên, cộng đồng quốc tế cũng thấy mình không có những đối lập đưa ra chính sách đáng tin cậy tại Venezuela. Sự thật đáng buồn là Maduro đã kiểm soát quyền lực chặt hơn bắt cứ lúc nào kể từ cuộc bầu cử 2013.

Bi kịch của Venezuela là mặc dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng điều khó khăn hơn bây giờ là phải xây dựng một đối lập phù hợp hơn. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng không bao giờ diễn ra chừng nào Maduro còn nắm quyền, do vậy không còn một động lực nào trong bầu cử cho phe đối lập để các nhà dân chủ cuối cùng hợp tác với nhau.

Trong những khó khăn chung, những nhà dân chủ ở Venezuela vẫn có thể tạo ra một đối lập hiệu quả hơn, một đối lập với những chương trình chính sách tích cực được nảy sinh từ những cuộc tranh luận sâu sắc và những chia sẻ khó khăn chung. Hơn nữa, trong bối cảnh Maduro đang đối mặt với ngân sách trống rỗng, không có nhiều sự giúp đỡ quốc tế, cuộc khủng hoảng Venezuela vẫn là cơ hội cho một đối lập được làm mới để khẳng định mình trong phong trào dân chủ nước nhà.

Harold Trinkunas

Việt Thép chuyển ngữ

(11/1/2018)

Nguyên tác : The tragedy of Venezuelan opposition, Foreign Affairs, 05/01/2018

(1) MUD : Ủy Ban Dân Chủ Thống Nhất (Democratic Unity Committee)

(2) Quốc Hội (National Assembly) thuộc quyền kiểm soát của đối lập

(3) Quốc Hội Lập Hiến (National Constituent Assembly) là quốc hội bù nhìn được chính phủ Marudo dựng lên.

Published in Diễn đàn
lundi, 08 janvier 2018 08:38

Một thoáng "ăn năn" !

Câu chuyện về Hoa Kì

Một trong những bài hát tôi rất yêu thích là "We are the world" (Thế giới này là của chúng ta). Bài hát được viết như một tình cảm của Hoa Kì gửi đến người dân châu Phi đang đói khổ đồng thời gửi đến người nghe một thông điệp rằng chúng ta hãy hành động vì một tương lai tốt đẹp cho tất cả. 

annan1

"We are the world" (Thế giới này là của chúng ta)

We are the world, we are the children 
We are the ones who make a brighter day 
So lets start giving 
Theres a choice we're making 
We're saving our own lives 
its true we'll make a better day 
Just you and me

Tạm dịch : 

Chúng ta là thế giới, chúng ta là trẻ em
Chúng ta là người sẽ mang đến một ngày tốt đẹp hơn 
Vì vậy hãy cùng cho đi
Vì chúng ta làm thế để cứu lấy chính chúng ta 
Bạn và tôi 
Chúng ta sẽ mang đến một ngày tốt đẹp hơn

Mỗi khi nghe ca khúc, tôi càng khâm phục tấm lòng bao dung của Hoa Kì. Họ có những công dân đã dành trọn cả tuổi trẻ để làm những công việc tình nguyện tại nước ngoài. Đó là những người lính chống lại lực lượng khủng bố tại Trung Đông, đó là những bác sĩ trẻ tình nguyện đi tới những cánh rừng rậm nhiệt đới Congo để chữa bệnh cho người dân địa phương. Bản thân nhà văn yêu thích của tôi là Hemingway cũng viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Giã Từ Vũ Khí giữa thế chiến thứ nhất khi ông tham gia vào đội tình nguyện cứu thương tại chiến trường Ý.

Tôi cũng từng biết một cựu chiến binh Hoa Kì trong chiến tranh Việt Nam, ông đã tình nguyện trở lại Việt Nam để dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo từ thiện. Họ hoàn toàn có thể chọn một cuộc sống yên ổn tại đất Mỹ thay vì dành thời gian đi đây đó làm từ thiện, nhưng họ đã lựa chọn cuộc sống vì sự tốt đẹp chung của nhân loại. Hoa Kì là cường quốc số 1 thế giới chưa hẳn vì họ là một nền kinh tế hàng đầu mà vì họ có những công dân đã sống đẹp như vậy.

Có hai khẩu hiệu rất nổi tiếng gắn với vị tổng thống đương kim Hoa Kì là "America First" (Nước Mỹ trên hết) và "Make America great again" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ông Trump rất sai vì Hoa Kì thực sự đã rất vĩ đại và Hoa Kì vĩ đại vì có những con người không chỉ biết đến những khẩu hiệu vị kỉ như "America First". Hai khẩu hiệu của Trump đi ngược với tinh thần Mỹ. 

Một thoáng ăn năn về tổ quốc

Việt Nam chúng ta là một dân tộc không đóng góp được gì nhiều cho thế giới. Bằng chứng là những đóng góp cho nhân loại của một đất nước gần 100 triệu dân chỉ bằng 1/4 một hòn đảo nhỏ bé như Singapore. Dù dân số Việt Nam đứng trên hàng thứ 14 thế giới, chúng ta vẫn ở vị trí một "dân tộc nhược tiểu" và không đóng góp gì cho thế giới. Đáng buồn hơn, người Việt nhìn chung chưa thực sự có nhiều ưu tư với tổ quốc mình. Tác giả cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận xét người Việt chúng ta nhìn chung không hề yêu nước. Khi nhận xét người Việt không yêu nước có thể khiến nhiều người phản đối vì nó trái với mặc định chung. 

Đầu tiên, điều làm nên một quốc gia khác với một vùng đất có người ở là một sự liên đới, một tinh thần gắn kết ở trong đó. Quốc gia là một không gian liên đới, một dự án tương lai chung. Nhưng có bao nhiêu người Việt quan tâm đến "tương lai chung" hay vận mệnh chung của đất nước ?

Cách đây không lâu, tôi có tham gia một cuộc nói chuyện với một người được coi là thành đạt trong xã hội. Anh này làm việc ở công ty xuất nhập khẩu hải sản đông lạnh tại Việt Nam. Anh ta kể cho mọi người về việc tôm xuất khẩu bị từ chối vì có hàm lượng kháng sinh vượt quá mức chỉ định. Và anh ta đã đưa lô hàng không xuất khẩu được đó vào bán trong nước với giá rẻ. Anh ta không hề hối hận vì những hành vi đầu độc nhân dân mình mà anh ta mà còn tỏ ra tiếc rẻ, cho rằng anh chịu thiệt thòi vì bị lỗ vốn nặng. Những người tham gia cuộc nói chuyện không ai có một thái độ bất bình nào, trái lại họ còn bày tỏ sự cảm thông.

Dưới các chế độ phong kiến rồi đến chế độ độc tài cộng sản, người Việt Nam đã đánh mất nhiều giá trị đạo đức, những phải trái đúng sai cơ bản. Thành ra chúng ta đã không lên án, không hề bày tỏ sự phẫn nộ trước những bất công và hành vi trái đạo đức. Bằng cớ là chủ quyền quốc gia bị rơi vào một nhóm thiểu số nhưng không nhiều người cảm thấy có trách nhiệm phải đòi lại chủ quyền đó. Chế độ cộng sản đã cai trị đất nước một cách hung bạo nhưng số lượng người đứng lên chống lại nó vô cùng ít ỏi. Cần phải nói thêm rằng dân tộc Việt Nam là một trong những đất nước cuối cùng trên thế giới chưa có tự do. Chúng ta thua kém so với các nước tiến bộ và thậm chí cả với các nước trong khu vực một cách thảm hại. Hậu quả của ngày hôm nay, mỗi người Việt nhìn chung đều có một phần trách nhiệm. 

Dưới các chế độ độc tài, chúng ta mất đi nhiều giá trị đạo đức căn bản. Thậm chí lòng yêu nước, một tình cảm tối thiểu để duy trì sự tồn tại của một quốc gia cũng không có. Thật đáng buồn, người ta có thể nhìn nhận Việt Nam hôm nay là một "vùng đất" có người sinh sống nhưng ở đó không phải một quốc gia thực sự.

Đừng tuyệt vọng, dân chủ có thể cứu chúng ta ! 

Cộng sản đã dối trá khi đánh tráo nhiều khái niệm. Họ bắt các thế hệ học sinh, sinh viên phải học những mớ lý thuyết hỗn tạp như một phần tuyên truyền của chế độ. Tại trường học có vô vàn bài vở nặng trịch về đạo đức nhưng đạo đức của con người vẫn không ngừng thoái hóa.

Thực tế đạo đức không phải là thứ để học kiểu như vậy, nhưng nó có thể nảy sinh trong một môi trường tự do. Herbert Hoover từng nói "Tự do là cánh cửa mang ánh sáng mặt trời cho tinh thần và phẩm hạnh của con người". Một môi trường tự do giúp cho con người được sống lành mạnh và tự do khai phá bản thân. Một môi trường tự do giúp cho con người không phải dối trá, lừa lọc và từ đó mang đến những phẩm chất đạo đức. Muốn có một môi trường tự do như vậy, Việt Nam cần phải là một quốc gia dân chủ.

Mặt khác, phải thừa nhận rằng chúng ta đang đi vào thảm cảnh bế tắc về mọi mặt, chúng ta có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn. Giải pháp duy nhất hiện giờ của chúng ta là một chế độ dân chủ.

Chế độ dân chủ là chế độ nhìn nhận những giá trị con người và đảm bảo những quyền tự do căn bản của con người. Dân chủ chưa chắc đã mang lại phép màu ngay lập tức, chưa chắc sẽ đưa Việt Nam trở thành một cường quốc trên bản đồ thế giới nhưng dân chủ sẽ khôi phục lại những giá trị đạo đức con người và từ đó mang lại một xã hội trong sạch mới, một quốc gia thực sự cho người Việt. 

Đạo đức là phẩm chất cần thiết của những người đấu tranh dân chủ. 

Thời gian vừa qua, tôi có đọc được status của một luật sư nằm trong phong trào dân chủ, ông cho rằng chúng ta không nên hành động theo lợi ích của "đồng bào" mà nên hành động theo "lợi ích". Lợi ích nào và lợi ích cho ai ?

Cần phải khẳng định rằng những người đấu tranh dân chủ là những người tham gia vào công việc khôi phục lại các giá trị đạo đức cho cả một dân tộc ; cho nên trước khi có bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào xa hơn, người đấu tranh trước hết cần phải là người có phẩm chất về đạo đức. Do vậy, câu nói trên khiến ông không đủ tư cách để được gọi là một luật sư đấu tranh cho dân chủ hay nhân quyền. Tuy nhiên, tôi cũng rất hy vọng đây chỉ là một sự nhầm lẫn tai hại về từ ngữ của ông. 

Suốt quá trình thành lập của mình đến nay, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có một phần đóng góp của mình cho phong trào dân chủ. Có thể có nhiều ý kiến của Tập Hợp chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa làm hài lòng tất cả người. Nhưng trên hết, những ý kiến đó của Tập Hợp đều xuất phát từ những trăn trở với số phận chung của dân tộc, từ niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn của Việt Nam.

Các thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn nhắc nhở nhau về đạo đức và luôn đặt đạo đức làm nền tảng hàng đầu. Những năm qua, Tập Hợp vẫn kiên định với lập trường đấu tranh bất bạo động, hòa giải và hòa hợp dân tộc và dân chủ đa nguyên. Bất cứ ai chia sẻ những giá trị này của Tập Hợp, chúng ta đều là anh em !

Lời kết

Chúng ta đã bàn về những vấn đề đạo đức của người Việt và thấy rằng người Việt đang thiếu những giá trị đạo đức căn bản. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng đó là một bế tắc lớn của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền lạc quan. Lạc quan vì trước hết vấn đề của Việt Nam vẫn còn có giải pháp và thứ mà người Việt vẫn chưa thể bị cướp mất là tính người.

Chỉ cần người đấu tranh hãy tin rằng "con người không thể bị chinh phục bằng vũ khí mà chỉ có thể bị chinh phục bằng đạo đức" (Spinoza)

Việt Thép

(8/1/2018)

Additional Info

  • Author Việt Thép
Published in Quan điểm

Những người đang dấn thân cho dân chủ ngày hôm nay thực sự đấu tranh vì cái gì ? Trong suốt chiều dài của lịch sử, các chế độ phong kiến phát động chiến tranh với mục đích tìm kiếm các nguồn lợi đất đai, của cải hay quyền lực. Khi một vương triều này sụp đổ vì thối nát thì lại xuất hiện một vương triều phong kiến khác thối nát và tàn bạo hơn.

Phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam hôm nay là cao đẹp và có lý do vì nó sẽ chấm dứt hoàn toàn sự tiếp nối các nhà nước phong kiến trong quá khứ để thiết lập một hình thái nhà nước mới : nhà nước dân chủ. Nhưng tại sao chúng ta cần dân chủ mà không phải là một thứ gì khác ?

danchu1

Phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam là cao đẹp vì nó sẽ thiết lập một nhà nước dân chủ mới

Để trả lời cho câu hỏi này, người đấu tranh phải hiểu những giá trị mình đang theo đuổi. Cần phải quả quyết và khẳng định với nhau rằng : những người dân chủ chỉ có chính nghĩa khi đấu tranh cho quyền con người hay những giá trị căn bản của con người. Bất kể một sự nhân danh nào khác đều không có được tính chính nghĩa trong cuộc tranh đấu này.

John Locke và quyền tự nhiên của con người

Một trong những người chúng ta cần biết ơn là triết gia, nhà cách mạng John Locke vì ông đã bảo vệ thành công về mặt lý luận sự tồn tại và tính chính đáng của quyền con người. Trái với sự bi quan của Hobbs khi cho rằng chúng ta cần một đấng chuyên chế để chấm dứt trạng thái chiến tranh của loài người. John Locke lạc quan với dân chủ. Ông cho rằng con người vốn có những quyền tự nhiên : quyền được sống, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do… tất cả được quy định bởi luật tự nhiên.

danchu2

John Locke phủ nhận tính hợp pháp của mọi chính quyền độc tài và cổ vũ cho dân chủ và quyền con người.

Luật tự nhiên là luật có trước và đứng trên tất cả mọi loại luật pháp, luật tự nhiên quy định con người bình đẳng với nhau và bình đẳng trước… Thượng đế. Do đó, nhiệm vụ cao cả của một chính quyền là phải đảm bảo các quyền tự nhiên của con người, vốn được trao tặng bởi luật tự nhiên. Nếu chính quyền nào chà đạp lên những quyền này, thì bất kể là chính quyền đó, dù ban đầu được chọn thông qua quá trình bầu cử dân chủ đi chăng nữa, đều trở nên phi pháp. Từ đây, John Locke đã trực tiếp phủ nhận tính hợp pháp của mọi chính quyền độc tài đồng thời cổ vũ cho dân chủ và quyền con người.

Nhiều người cho rằng những gì John Locke viết ra chỉ để cổ súy cho cuộc cách mạng Anh 1688, nhưng những giá trị mà Locke viết ra đã được nhân loại tiến bộ chia sẻ. Trong bản Hiến Pháp Hoa Kì, Jefferson đã một lần nữa khẳng định lại những giá trị về quyền con người : "Con người được sinh ra bình đẳng", con người có "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ngày nay, Hiến Pháp của tất cả các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới đều bao hàm và những ghi nhân về quyền con người. Tiếp tục, tinh thần đó đã trở thành Bộ Luật Nhân Quyền Phổ Cập bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người đã được các thành viên Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966 bao gồm Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về Quyền Xã Hội và Văn Hóa. Luật Nhân Quyền Quốc Tế đã trở thành bộ luật chung của mọi quốc gia mà ngay cả Việt Nam cũng đã tham gia kí kết. Quyền con người đã trở thành những giá trị phổ cập mà ngay cả các chế độ độc tài cũng không dám hoàn toàn chối bỏ.

Dân chủ là dòng chảy tất yếu của lịch sử

Xã hội chỉ nhìn nhận quyền con người khi nó là một xã hội của những con người tự do, nơi mà nhà nước dân chủ làm hết sức để bảo vệ những quyền căn bản đó. Trong bối cảnh tuyệt đại đa số các học thuyết và lý luận đều phục vụ cho mục đích là khai phá và hướng về giá trị con người, dân chủ chắc chắn là dòng chảy và trào lưu chung tất yếu của lịch sử loài người.

Tại Anh Quốc năm 1649, vua Charles I đã định bãi bỏ bản Đại Hiến Chương công nhận những giá trị con người (Magna Carta) và kết quả ông bị đem ra tử hình. Sự kiện này cảnh báo số phận của bất cứ ai có ý đồ thách thức sự tuyệt đối của các quyền tự nhiên. Khi Hoa Kì bước đầu xây dựng nền cộng hòa non trẻ, đảng Liên Bang đã ban hành đạo luật Ngoại Kiều và Chống Nổi Loạn. Đạo luật này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do dân sự nên họ lập tức biến mất khỏi chính trường Hoa Kì dù đó là sản phẩm của người cha lập quốc Washington.

Lịch sử cũng ghi nhận sự sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu khi họ chống lại những giá trị căn bản của con người. Năm 1945, khi hồng quân Liên Xô tiến vào Đức và chỉ còn cách thành phố Berlin 40 dặm thì toàn bộ Châu Âu và Hoa Kì đã phải nhượng bộ. Tưởng chừng nhân loại đã đầu hàng trước những tội ác diệt chủng khủng khiếp mà chế độ cộng sản Liên Xô đã gây ra cho chính mình và cả Đông Âu nhưng gần nửa thế kỉ sau các chế độ cộng sản này trở nên tuyệt vọng và sụp đổ hoàn toàn….

Lịch sử đã chứng minh rằng bất cứ ai hay nhà nước nào chống lại dân chủ và các giá trị con người đều phải trả giá. Những tên độc tài thường có kết cục bi thảm vì khi ông ta chối bỏ quyền con người của đồng bào mình thì cũng là lúc ông ta đang tự phủ nhận quyền làm người của chính mình.

Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã tổng kết được 4 làn sóng dân chủ diễn ra trong lịch sử và kết luận rằng làn sóng dân chủ thứ tư lần này sẽ quét sạch tất cả các quốc gia độc tài còn lại trên thế giới để thiết lập một trật tự dân chủ mới. Làn sóng này sẽ "hoàn tất sau khi đã dứt điểm các chế độ độc đảng cuối cùng và đưa tới sự phân biệt tôn giáo và chính trị tại các nước Hồi Giáo".

Ngày hôm nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp tục chuyển hóa về dân chủ, như Mông Cổ và Myanmar. Ngay cả Buhtan vốn là một quốc gia nhỏ và ít chịu tác động của thế giới bên ngoài cũng đổi sang thể chế đại nghị để hòa mình cùng dòng chảy dân chủ. Các quốc gia độc tài còn lại đang sống những ngày tháng leo lắt cuối cùng.

Chúng ta có gì và phải làm gì ?

Tôi đã chứng kiến nhiều người đấu tranh dân chủ Việt Nam đang tuyệt vọng trước sự tàn bạo của chế độ cũng như sự bất lực của phong trào dân chủ. Chỉ tính trong một năm qua thôi thì chế độ cộng sản cũng đã liên tiếp thực hiện những hành động chà đạp thô bạo lên các quyền tự do căn bản của con người. Họ bỏ tù những bà mẹ đơn thân như blogger Mẹ Nấm, chị Trần Thị Nga với tội danh mơ hồ như "tuyên truyền chống nhà nước"… Chính quyền cộng sản tiếp tục bắt bớ và bỏ tù những sinh viên yêu nước như Phan Kim Khánh dù anh không làm gì sai ngoài việc muốn chống tham nhũng. Họ "trục xuất" luật sư Võ An Đôn ra khỏi luật sư đoàn khi anh đang thực hành quyền tự do ngôn luận của mình.

Bằng việc thực hiện những hành động vi phạm quyền con người ngày càng gia tăng, chính quyền cộng sản đang tự đặt mình vào thế đối lập với quy luật tự nhiên và xu hướng vận động của nhân loại. Do vậy, những người đấu tranh dân chủ Việt Nam không nên bi quan, chúng ta cần ý thức được rằng vũ khí lớn nhất mà chúng ta đang nắm chính là sức mạnh của chính nghĩa và sức mạnh của thời đại. Chế độ cộng sản thực tế đã không còn bất cứ một lý tưởng gì và họ sẽ suy vong trước làn sóng dân chủ.

Câu hỏi chất vấn tất cả chúng ta là : tại sao chúng ta lại tuyệt vọng trước một chế độ không còn một lý tưởng nào và đang sắp đến hồi cáo chung ? Câu trả lời có lẽ là vì chúng ta vẫn cô đơn khi không có một tổ chức dân chủ nào đủ lớn mạnh để tập hợp lực lượng và gắn kết những người tranh đấu lại với nhau. Do đó, nếu chúng ta cùng chia sẻ một nền tảng chung là tôn trọng các giá trị của con người, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc với phong trào dân chủ, và nếu chúng ta đang thực sự muốn tìm kiếm một giải pháp cho Việt Nam…thì những người đấu tranh cho dân chủ phải lấy một quyết định dứt khoát : Phải tham gia vào một tổ chức dân chủ và đấu tranh có tổ chức !

Việt Thép

(10/12/2017)

Additional Info

  • Author Việt Thép
Published in Quan điểm