Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo về vụ Trinh Xuân Thanh bị bắt cóc
Cộng đồng người Việt tại Đức đang bất ổn về việc mật vụ Viêt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanViet Media, 07/08/2017
Đức bảo vệ sự an toàn cho Trịnh Xuân Thanh không phải là bảo vệ kẻ tham nhũng :
Sự kiện hy hữu về trường hợp nhà cầm quyền Việt Nam, cụ thể là một mhóm người có liên quan đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức – bị tố cáo là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào 10g40 ngày 23/7/2017 ngay tại thủ đô nước Đức đã là một cơn sốc gây bão truyền thông và sóng gió bang giao.
Một mhóm người có liên quan đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức – bị tố cáo là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào 10g40 ngày 23/7/2017 ngay tại thủ đô nước Đức
Báo mạng đầu tiên đưa tin về việc này là Thời báo.de tại Berlin và BBC tiếng Việt tại London, đó thực sự là một sự dấn thân và là thành công trong nghề làm báo. Bằng việc phát hiện sớm nhất và dũng cảm đưa tin tức về sự bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, họ đã kịp thời đánh động dư luận cùng các nhà chức trách, công dân Đức, công dân Việt Nam đang cư trú tại Đức và các nơi trên thế giới phải kịp thời cảnh giác và ngăn chặn nạn bắt cóc, khủng bố theo kiểu các băng đảng mafia nhà nước đối với các công dân Việt Nam.
Sự kiện này đương nhiên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và có rất nhiều người Việt Nam đã mạnh mẽ lên án sự hành xử theo kiểu đáng hổ thẹn này.
Mặc dù vậy, hai tờ báo nói trên đã hứng chịu khá nhiều “gạch đá” và mạt sát theo kiểu suy diễn nhầm lẫn về bản chất của sự việc.
Sự nhầm lẫn này gây không ít ý kiến bày tỏ sự tức giận với việc một số phóng viên cũng như Bộ Ngoại giao Đức đã “không ủng hộ, không giúp cho việc bắt giữ tên tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, lại còn ra sức bênh vực và che chở cho kẻ tội phạm...”.
Phẫn nộ với những kẻ tham nhũng, bày tỏ mong muốn chống tham nhũng là điều hoàn toàn chính đáng và là trách nhiệm công dân. Nhưng chúng ta không nên nhẫm lẫn giữa việc nhà nước Đức quyết liệt bảo vệ quyền được an toàn cho Trịnh Xuân Thanh về phương diện pháp lý với việc bảo vệ cho một kẻ tham nhũng.
Ngày 31 tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh được nhà cầm quyền Việt Nam thông báo đã “về đầu thú”.
Thông tin đó là một chứng cứ hiển nhiên cho các nhà chức trách Đức kể từ ngày 23.7 đang đau đầu tìm xem Trịnh Xuân Thanh hiện đang ở đâu, trong bàn tay ai kể từ khi anh ta bỗng dưng biễn mất tại Berlin.
Trái ngược khẳng định của phía Việt Nam, hai ngày sau, 2/08/2017, Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố là Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc, qua “những chứng cứ không thể nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin...“ và yêu cầu đại diện an ninh Việt Nam tại sứ quán có 48 h để dọn về nước, đồng thời “yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được phép trở về Đức ngay để có thể tiến hành việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ và yêu cầu xin tị nạn của ông được xem xét thấu đáo”... ” (Theo BBC, bài “Tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức về trường hợp Trịnh Xuân Thanh”).
Đương nhiên yêu cầu và danh dự của nước Đức không phải là chuyện có thể đùa giỡn. Khi phía luật sư và cảnh sát ở Berlin đưa ra những bằng cứ cho thấy đó là một vụ bắt cóc, phản ứng nói trên của Bộ Ngoại giao Đức là đương nhiên trong một đất nước văn minh.
Điều này thể hiện tính chất nhân đạo cũng như tinh thần tôn trọng pháp quyền của nhà nước Đức. Nhà nước Đức thực hiện quy định của Hiến pháp, bảo vệ an toàn và quyền con người đối với tất cả mọi công dân từ khắp nơi trên thế giới đang sinh sống hoặc đến nộp đơn xin tị nạn ở Đức, hoàn toàn không có biệt lệ nào cho riêng Trịnh Xuân Thanh.
Theo quy định của Đức, các công dân khi nộp đơn xin tị nạn, sẽ phải trải qua một quá trình sàng lọc kiểm tra mức độ về lý do tị nạn có chính đáng không và mức độ trung thực của người đó cùng một số vấn đề khác để xem anh ta có đủ tiêu chuẩn được nhận quyết định chấp nhận ở lại nước Đức lâu dài hay không.
Để có câu trả lời xác đáng, cần có một khoảng thời gian tối thiểu cho hệ thống độc lập cứu xét vận hành, kiểm tra các chứng cứ để cuối cùng đưa ra quyết định công nhận tị nạn hay khước từ đơn của người đó. Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn và đang nằm trong quá trình xem xét, chưa nhận được quyết định chấp nhận.
Với thông tin thời Internet, nhà cầm quyền Đức rất thuận lợi để tìm hiểu những chứng cứ về việc người đệ đơn đó chỉ vờ vịt tỏ ra chống đối nhà cầm quyền Việt Nam để phục vụ cho lợi ích thực dụng của anh ta như chạy trốn khỏi sự trừng phạt về tội tham nhũng hay là anh ta đã có một quá trình lâu dài bất đồng chính kiến, có những hành động phản đối nhà cầm quyền xâm phạm quyền con người và quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền lợi chung hay không...
Nhưng trong thời gian chờ quyết định ban hành, ngay sau khi đệ đơn xin tị nạn, người nào cũng được cấp miễn phí đồ ăn uống đảm bảo sức khỏe, chỗ ở ấm áp, văn minh với diện tích tối thiểu khoảng 6m2 /người (ở phòng chung hoặc riêng), được cấp tiền mua quần áo và tiền tiêu vặt tối thiểu, tiền mua vé tàu xe đi lại... Đặc biệt, người đó đương nhiên được bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể cũng như quyền tự do ngôn luận và nhiều quyền lợi khác...Việc để cho những kẻ côn đồ hoặc mafia tìm đến bắt cóc, hành hung, thủ tiêu người đang sống ngay trên nước Đức là điều hoàn toàn không thể chấp nhận và nhà chức trách Đức phải lập tức có những phản ứng quyết liệt để bảo vệ sự an toàn của bất kỳ công dân nào.
Trịnh Xuân Thanh được bảo vệ là bởi lý do đó, như tất cả mọi công dân khác đến xin tị nạn hoặc đang sống tại Đức.
Ở đây không có gì đặc biệt, hoàn toàn không có nghĩa là nhà cầm quyền Đức lầm tưởng về Trịnh Xuân Thanh và lên tiếng che chở cho một tội phạm tham nhũng Việt Nam như một số người lầm tưởng.
Cần đưa thêm bằng chứng :
Ai cũng có thể đoán trước việc nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đưa được Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình “xác nhận tự về đầu thú và có đơn tự thú mang bút tích của anh ta” vì điều đó hoàn toàn nằm trong tay họ.
Trịnh Xuân Thanh nói về việc tự đầu thú trên truyền hình Việt Nam là có thật, nhưng điều này chưa đủ để thuyết phục dư luận và nhà chức trách Đức khi Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện với gương mặt phờ phạc, không bình thường. Thêm nữa, địa điểm xuất hiện cũng rất bất thường, khi liền ngay sau lưng anh ta là một tủ đứng lớn và sát ngay bên hông là một tấm rèm cũng rộng và buông dài đến tận đất. Sự bất thường ấy khiến người ta không thể không đặt câu hỏi : liệu có chăng bao nhiêu họng súng đang chĩa vào Trịnh Xuân Thanh sau tấm rèm lay động để buộc anh ta phải nói theo nội dung mà nhà cầm quyền muốn ?
Hiện nay bên cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc cũng cần đưa thêm những bằng chứng không thể bác bỏ về việc nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và việc anh ta không tự nguyện về đầu thú.
Đáng thất vọng là Việt Nam chưa đưa ra được những chứng cứ thuyết phục để bác bỏ việc bắt cóc, Họ né tránh câu trả lời trực tiếp vào việc có bắt cóc hay không, chỉ nói rằng “theo thông báo từ Bộ Công an Việt Nam ngày 31 tháng 7, “công dân Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự cơ quan an ninh điều tra đầu thú. Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ việc”.(theo Lao động. 3.08/2017). Lá bùa của họ chỉ là những lời và “đơn tự thú” của Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình.
Như một sự chống đỡ, trong bài “Trịnh Xuân Thanh đáng bị chịu tội hay bảo vệ” (m.nguyenphutrong.org- trang Web của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) có viết : ...”việc bắt cóc một đối tượng phạm tội đang là vấn đề nóng ở Việt Nam, tuy nhiên nó không hề lạ lẫm với thế giới. Việc bắt cóc những người phạm tội là hình thức được áp dụng từ rất lâu và nó cũng được cho rằng nó gây ra mối căng thẳng cho nhiều nước. Tuy nhiên cũng đã có một số ý kiến khẳng định việc lên tiếng chỉ là hình thức bởi nếu không có sự hỗ trợ của nước sở tại thì việc bắt cóc cũng khó tiến hành suôn sẻ...”.
Trong quá khứ và hiện tại, Việt Nam đã có quá nhiều hành vi không trung thực trong vô số vụ việc khác khiến tất cả những gì được đưa ra từ họ thì dư luận đều nghi ngờ và không tin nếu chưa qua kiểm chứng kỹ lưỡng.
Về vụ Trịnh Xuân Thanh, công luận đang chờ đợi thông tin tiếp diễn từ ba phía : nhà cầm quyền Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh và nhà chức trách Đức.
Bắt cóc : Cần phát hiện thêm chi tiết :
Có những nhà báo đã ví sự kiện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là câu chuyện ly kỳ như chuyện trinh thám. Vậy cũng theo quy luật logic của truyện trinh thám và cuộc sống, có nhiều câu hỏi đang tiếp tục đặt ra về những tỉnh huống có thể là giả định nhưng không hoàn toàn bác bỏ khả năng không xuất hiện, đang đợi trả lời càng sớm càng tốt.
Trịnh Xuân Thanh thời vàng son
Chẳng hạn, việc xuất hiện của người được cho là “nữ cán bộ công thương” đi cùng Trịnh Xuân Thanh là một dấu hỏi. Người đó là ai ? Người đó có thực sự là nạn nhân ? Vì sao người đó xuất hiện đúng thời điểm bắt cóc ? Có nguy cơ nào hiện đe dọa người đó ? Cần thi hành những biện pháp nào để bảo vệ và điều tra tiếp ?...
Nếu cô ta là nạn nhân thì nhà nước Đức và công luận cũng phải lên án Việt Nam trong việc bắt cóc người này, chứ không chỉ lên tiếng veef Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh lên tiếng qua báo Voa Tiengviet( ngày 3.8, bài “Luật sư của Trịnh Xuân thanh hé lộ nhiều tình tiết mới” )và cho biết rằng người nữ bị bắt cóc cùng Trịnh Xuân Thanh đã bị thương và xuất hiện ở bệnh viện Việt Đức hôm 25- 7 thì phạm vi điều tra, theo đuổi của công luận đương nhiên phải mở rộng, vì vụ án có thêm nhân chứng sống và báo chí cùng các nhà điều tra cần tìm hiểu, công bố thông tin và bảo vệ người phụ nữ này nếu cần...
Cả một đường dây trong một vụ trọng án liên quan đến hai quốc gia. Nếu Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, chiếc xe chở các thủ phạm và nạn nhân là của ai ? Từ đâu ? Những nhân vật nào đã tham gia vụ việc này kể từ khâu lên kế hoạch tới thực hiện ? Kể từ khi bị bắt cóc đưa về, những loại thuốc nào đã được dùng cho Trịnh Xuân Thanh và người phụ nữ đi cùng để đến mức Trịnh Xuân Thanh phải nằm trên cáng ? Mức độ bạo lực họ đã phải chịu đựng đến đâu ?...Họ về Việt Nam dưới tấm vé máy bay nào, dưới danh tính của ai và cùng những ai trên chuyến bay khủng khiếp đó ? Qúa trình T đến đầu thú tại cơ quan an ninh diễn ra như thế nào.. ?
Mọi câu hỏi được đặt ra để hình dung, lựa chọn, xem xét dười nhiều khía cạnh trong những tình huống trinh thám giả định ly kỳ nhưng hợp lý mà việc trả lời nó một cách thỏa đáng cũng là góp phần kịp thời bảo vệ quyền con người.
Thế lực đứng đằng sau và bảo kê Trịnh Xuân Thanh lâu nay là ai ? Quyền lợi của họ là gì ? Ai đã đưa Trịnh Xuân Thanh trốn thoát sang Đức ? Liệu có ai gài bẫy, “chim mồi” trong vụ này không ? Có ai “bán đứng” Trịnh Xuân Thanh không và ai hưởng lợi trong việc này ? Sức khỏe thể chất và tâm thần của Trịnh Xuân Thanh có được đảm bảo không khi anh ta đang bị chi phối trong tay những kẻ bắt cóc ?...
Có những người đặt câu hỏi : Liệu có chăng việc Trịnh Xuân Thanh không chịu được sức ép, sự đe dọa và cái giá phải trả quá lớn khi chạy trốn, lại còn liên quan đến an nguy của người thân nên cuối cùng đã quyết định đầu thú để được khoan hồng miễn án tử hình hoặc những ưu đãi khác ? Liệu có sự mặc cả đổi chác quyền lợi nào không trong vụ này mà T chấp nhận trong ván cờ của nhà cầm quyền Việt Nam ?
Liệu có một kịch bản nào được dàn dựng, trong trường hợp T sau khi cân nhắc đã thực sự muốn đầu thú để chấm dứt những tháng ngày phải lẩn trốn truy nã rình rập trên mọi hang cùng ngõ hẻm trên thế giới, đổi lấy sự ưu đãi của phía Nguyễn Phú Trọng bằng cách đưa ra những chứng cứ bất lợi cho phe nhóm từng bảo kê cho anh ta, để rồi nhận một bản án có thể với danh nghĩa là tù chung thân nhưng với nhiều quan chức tham nhũng, lại cho thấy chỉ là những chuyến “nghỉ mát” với thời gian ngắn, đầy đủ tiện nghi trong phòng giam đặc biệt ? Nếu làm theo kịch bản này có thể tránh khỏi sự trả thù của phe nhóm của chính anh ta(nếu có), cũng như sự dò xét của thiên hạ, đồng thời làm đẹp mặt cho nhà cầm quyền. Để rồi sau vài năm, khi quyền lực của phe mạnh đã được vững chắc, chỉ bằng tiền và vài quyết định giảm án do “cải tạo tốt”, anh ta sẽ ung dung ra tù, có thể sẽ lại là đại gia kinh doanh nổi tiếng với số vốn liếng cực khủng mà dư luận đang cho rằng anh ta đã có được từ thời làm quan tham .. ?
Còn vô số câu hỏi cần trả lời.
Làm rõ vụ Trịnh Xuân Thanh cũng là chống tham nhũng :
Chống tham nhũng là việc đương nhiên sẽ được mọi công dân ủng hộ, dù người chống đó xuất phát từ mục đích và phe nhóm nào. Kể cả khi chúng ta biết rằng việc chống đó là vũ khí để triệt hạ nhau nhằm tranh giành quyền lực thì việc ai đó loại bỏ được bất kỳ kẻ tham nhũng nào ra khỏi “rừng” quan chức tham lam mà chúng tại vị ngày nào đều trộm cướp của dân ngày đó thì đều là việc làm rất cần thiết.
Dù có nhiều người nhận định rằng chiến dịch chống tham nhũng mà nhà cầm quyền Việt Nam đang làm hiện nay là đấu đá phe nhóm để giành quyền lực, nhưng trong lịch sử cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ lại quyết tâm đến thế khi đưa ra kế hoạch điều tra xét xử 12 vụ đại án tham nhũng ngay trong năm 2017.
Công luận đang theo dõi, giám sát 12 vụ đại án mà các thủ phạm đã làm thất thoát, tham nhũng vô số ngàn tỉ đồng, gây hậu quả nghiêm trọng không kể xiết trong những ngành kinh tế huyết mạch nhất của đất nước như ngân hàng, dầu khí, hóa chất. Vô số quan tham đã không ngại ngần bắt đầu bằng tham nhũng quyền lực, buôn bán chức quyền qua bổ nhiệm tổ chức cán bộ...Nhà cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng có thực tâm chống tham nhũng hay không cũng sẽ thể hiện rất rõ trong việc hành xử ở 12 vụ đại án này.
Dẫu cho là nhà cầm quyền đang làm theo kịch bản “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc để giành quyền lực đi nữa, thì bất kỳ kẻ tham nhũng nào cũng là đục khoét xương tủy của nhân dân và đất nước. Bất kỳ ai phát hiện, đưa được một kẻ tham nhũng ra xét xử trước pháp luật, buộc kẻ đó phải bổi hoàn tiền của, tài nguyên của người Việt Nam, đều được ủng hộ trong hành động chống tham nhũng. Vấn đề là, bất kỳ con người nào, dù là tội phạm, cũng phải được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật.
Chúng ta căm phẫn những kẻ tham nhũng và phải đòi lại tiền của tài nguyên của đất nước đang nằm trong tay những kẻ này và sẽ góp phần đấu tranh buộc chúng phải trả giá bằng trách nhiệm thích đáng.
Nhưng một điều quan trọng cũng không kém là chúng ta cần giám sát để chính những kẻ được cho là tội phạm, trong đó có Trịnh Xuân Thanh, cũng phải được xét xử công khai, tranh tụng khách quan và kết án công bằng nếu có tội, chứ không phải là những bản án bỏ túi bất chấp pháp luật theo chỉ đạo, như đã thường xuyên xẩy ra tại Việt Nam, đặc biệt là với những người bất đồng chính kiến và lương dân.
Làm rõ vụ Trịnh Xuân Thanh, trong đó có chuyện bắt cóc là một vũ khí rất hiệu quả trong việc chống tham nhũng.
"Quái vật ngàn đầu" :
Tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, không thể không chống.
Đưa Trịnh Xuân Thanh và những đối tượng có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng ra điều tra xét xử, nếu họ có tội thì phải bồi hoàn của cải và thiệt hại, chịu hình phạt tương xứng theo quy định của pháp luật là điều phải làm, cấp bách và được hoan nghênh.
Điều cần quan tâm ở đây là chống tham nhũng tiêu cực phải triệt để .
Nếu chỉ chống tham nhũng để triệt hạ lợi ích nhóm khác cho lợi ích nhóm này, thì tham nhũng sẽ vẫn lại hoành hành và phạm vi tham nhũng ngày càng mở rộng.
Vấn đề lớn nhất đang tồn tại ngăn cản việc chống tham nhũng. Dù có quyết tâm đến mấy, hiệu quả chống tham nhũng cũng sẽ bị hạn chế vì chính đảng cẩm quyền và cơ chế độc tài lại là thủ phạm lớn nhất gây ra tham nhũng.
Nguyên do bởi cơ chế độc tài đặc quyền đặc lợi cho giai tầng đảng viên có quyền lực mà họ đã thiết lập kể từ khi cướp được chính quyền. Chính đảng cộng sản kể từ khi tự phong cho mình quyền đứng trên pháp luật điều hành đất nước, khuynh hướng đảng luôn bảo kê cho sai phạm của những kẻ tiêu cực, lạm dụng quyền lực và tham nhũng là điều tất yếu vì không có cơ chế giám sát độc lập giữa ba nhánh lập pháp, tư pháp, hành pháp và tự do ngôn luận. Tất cả chỉ nằm trong một bàn tay “vừa đá bóng vừa thổi còi”, trông mong vào sự công tâm và đạo đức đảng viên cho thấy chỉ là chuyện hoang đường nếu không có thể chế dân chủ và tam quyền phân lập.
Do đó, tham nhũng ở Việt Nam là con "quái vật ngàn đầu", chặt đầu này nó mọc đầu khác, dày dạn kinh nghiệm hơn, thù đoạn gian manh hơn, liều lĩnh trắng trợn hơn, cấu kết rộng lớn và chặt chẽ hơn, khiến cho ai đó trong hệ thống cầm quyền có muốn chống tham nhũng cũng không thể thực hiện được hiệu quả.
Vậy, cốt lõi của việc chống tham nhũng là xóa bỏ sự độc tài, bên cạnh việc chống tham nhũng.
Võ Thị Hảo
Nguồn : VOA, 05/08/2017 (vothihao's blog)
Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo về tác hại của thủy điện gây lũ lụt
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 24/07/2017
Nhà văn Võ Thị Hảo : 'Cần khởi tố những người đàn áp dân' (BBC, 16/06/2017)
Nhà văn Võ Thị Hảo bình luận về vụ việc ở Đồng Tâm và cách xử lý thảm họa môi trường liên quan Formosa Hà Tĩnh thải độc ở vùng biển miền Trung.
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt từ Berlin, Đức hồi cuối tháng 4, ngay sau sự kiện 'giải cứu ở Đồng Tâm', bà cho rằng cần khởi tố những người trong chính quyền đã làm sai, đã đàn áp người dân Đồng Tâm.
"Nông dân nổi dậy không phải vì họ muốn chống chính quyền mà họ chỉ chống những kẻ tham nhũng, kẻ tham lam trong chính quyền thôi. Điều đó quá tốt chứ".
Nhà văn Võ Thị Hảo cũng bình luận và chia sẻ quan điểm của bà về việc người dân Đồng Tâm nhốt giữ người của lực lượng chính quyền.
Trả lời câu hỏi về việc có những cáo buộc từ phía Việt Nam cho rằng có nhiều thế lực ở nước ngoài và các nhóm phản động, phản cách mạng trong nước đã lợi dụng vụ Formosa để kích động, nhà văn cho đó là chuyện "nực cười" mà "chẳng ai có thể tin được điều đó".
"Người dân đã hết sức nhẫn nhục nhưng khi không còn con đường nào khác thì họ phải lên tiếng và họ đã lên tiếng một cách hết sức có trật tự".
"... Đáng nhẽ những nhà cầm quyền cao nhất phải cảm ơn dân, bởi đó chính là hàn thử biểu, chứ đừng bao giờ đổ cho kích động", bà nói với Quốc Phương của BBC.
Nhà văn cũng cho rằng người Việt ở nước ngoài cần lên tiếng chia sẻ những giá trị tự do, dân chủ và bác ái.
********************
Việt Nam : 'Tranh chấp đất là vấn đề chính trị lớn nhất' (BBC, 16/06/2017)
Báo The Economist nói đối đầu tại Đồng Tâm cho thấy Đảng cộng sản xử lý lúng túng và xung đột đất đai sẽ vẫn tiếp diễn.
Người dân Đồng Tâm thả 38 cán bộ và cảnh sát trong vụ tranh chấp nóng bỏng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân về đất đai ở địa bàn nằm không xa trung tâm thủ đô Hà Nội, cuối tháng 4/2017.
Bài báo thuật lại sự việc bùng lên hồi tháng Tư khi nhà chức trách bắt người dân khiến dân làng bắt giữ hàng chục cảnh sát và giam họ tại nhà văn hóa.
Vụ đối đầu này đánh dấu bước leo thang mới trong các cuộc chiến bất tận về đất đai, là nguồn cơn chính của các khiếu nại tại Việt Nam và cũng là một trong những việc đau đầu nhất của Đảng cộng sản.
Với tăng trưởng kinh tế hơn 6% mỗi năm, nhu cầu mở rộng đường xá, cầu và các khu công nghiệp ngày càng nhiều và các thành phố ngày càng trở nên đông đúc.
Số đất nông nghiệp bị mất đi vì các dự án phát triển trong hai thập niên qua là khó tính hết. Nhưng điều chắc chắn là nó vượt quá số đất được phân chia lại trong giai đoạn cải cách ruộng đất, bài báo nhận định.
Sự chuyển đổi ở mức độ như vậy gây phẫn nộ ở bất kỳ nơi nào, nhưng nó lại rất có vấn đề ở Việt Nam nơi nhà nước một đảng với chỉnh phủ trao quyền sử dụng nhưng lại nói tất cả đất đai thuộc về nhà nước.
Tiền bồi thường khi cưỡng chế đất có giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Quá trình tham vấn là "làm cho có" và tòa hiếm khi giải quyết khiếu nại. Những hộ dân bị mất đất đôi khi phàn nàn về thực trạng quan chức địa phương thông đồng với các chủ dự án bất động sản.
Giấy tờ và sổ sách nhà đất chắp vá khiến khó có thể phân định bên nào là đúng khi có những khiếu nại được đưa ra như trong vụ Đồng Tâm.
Thực trạng này làm méo mó sự phát triển của Việt Nam. Giá đất tại khu vực ngoại vi các thành phố rẻ khiến có những dự án phình ra phía ngoại ô thay vì tập trung vào thành phố.
Thực trạng này, theo Ngân hàng Thế giới cảnh báo, làm tăng chi phí dịch vụ công và làm giảm hiệu quả trong nỗ lực xây dựng các trung tâm kinh doanh.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn đối với Đảng cộng sản là sự phẫn nộ châm ngòi từ việc di dời dân khi lấy đất và hệ lụy của quyền sử dụng đất không rõ ràng.
Số liệu chính thức cho thấy tranh chấp đất đai theo mọi hình thái chiếm khoảng hơn hai phần ba số đơn từ khiếu nại và sự phẫn nộ từ những người sống ở vùng nông thôn làm giảm niềm tin và sự ủng hộ của họ vào chính quyền.
Bài báo nói về thực trạng chính quyền thường dùng biện pháp cưỡng chế khi có tranh chấp đất, thậm chí sự phản kháng là ôn hòa. Vụ bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì đất đai bị xử 20 tháng tù là một ví dụ.
Luật đất đai mới được ban hành vào năm 2013 không công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng có gia hạn quyền thuê đất tơi 50 năm đối với các hợp đồng sắp hết hạn.
Người ta thấy có việc tái tập trung quá trình ra quyết định về sử dụng đất, một phần là để phòng chống tham nhũng xảy ra với quan chức cấp tỉnh.
Ngoài ra cán bộ lãnh đạo đảng cũng được yêu cầu có những đánh giá sâu sát hơn khi triển khai các dự án đòi hỏi di dân diện rộng. Các quan chức cũng được phân quyền nhiều hơn khi ra quyết định đền bù để tạo điều kiện có cách giải quyết thỏa đáng hơn.
Kết quả, theo bài báo, là có mặt tốt và mặt xấu. Khảo sát thường niên của LHQ cho thấy tổng số đất lấy lại có giảm đi trong ba năm qua.
Tuy nhiên một phần ba những người bị ảnh hưởng vì đất đai vẫn không nhận được tiền bồi thường và một phần tư nghĩ rằng tiền bồi thường là không công bằng.
John Gillespie từ Đại học Monash được dẫn lời nói cho tới nay những cải cách về đất đai là rất ít.
Vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức làm nóng dư luận Việt Nam từ giữa tháng 4/2017.
Trong khi đó những người khiếu kiện thấy việc thu hút dư luận quan tâm tới các vấn đề của họ lại dễ hơn trước nhiều.
Mặc dù các nhà báo tại Việt Nam bị hạn chế do khâu kiểm duyệt, đảng không có quyết tâm và nguồn lực để khống chế mạng xã hội.
Facebook đã và đang là cái loa để xả phẫn nộ về mọi thứ bất công như vụ xả độc ở biển miền trung vào năm ngoái.
Nếu vụ Đồng Tâm xảy ra cách đây 10 năm thì "sẽ chẳng ai biết gì cả", một người nói. Giải pháp chính phủ phải xuống thang có thể là động thái không thể nào làm gì khác được trong bối cảnh công chúng quan tâm theo dõi diễn biến trên mạng.
Hai tháng trôi qua, bài báo nói, chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang cố đóng sổ vụ việc này mà tránh tạo tiền lệ có thể họ sẽ phải nuối tiếc.
Giới chức vẫn chưa đưa ra báo cáo kết quả thanh tra về khiếu nại của dân làng Đồng Tâm mà họ hứa là làm rõ trong vòng 45 ngày.
Người ta thấy có cả động thái quay đầu khi nhà chức trách vào hôm 13/06 tuyên bố sẽ truy tố những người bắt cảnh sát trái phép.
Hẳn là Đảng có thể đã quyết định rằng chẳng làm gì sẽ tạo rủi ro khuyến khích những công dân khác bức xúc áp dụng biện pháp tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm.
Một kịch bản là tòa sẽ tuyên án tương đối nhẹ và đưa ra sự nhượng bộ thầm lặng nào đó để tránh mất mặt.
Kể cả khi chính phủ tìm được một giải pháp tình thế cho tranh chấp ở Đồng Tâm, sẽ còn có thêm đất nông nghiệp bị lấy để phục vụ sự nghiệp đô thị hóa đang bùng nổ ở Việt Nam.
Bài báo kết luận là xung đột đất đai sẽ vẫn còn tiếp diễn.