Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một tuần trước ngày bầu cử quốc hội khóa 15, trên các mạng xã hội và báo chí xuất hiện lá đơn "kêu cứu và tố cáo" của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm". Toàn bộ nội dung của 64 trang viết tay và 30 trang đánh máy "Đơn kêu oan và tố cáo" của Vũ "nhôm" gửi lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước có đăng trên website : Baotiengdan.com (1).

Vũ "nhôm" sinh ngày 2/11/1975, một ông trùm bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng đồng thời là cựu giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty như Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, công ty IVC... Trước khi bị bắt và khởi tố Vũ còn là đảng viên, thượng tá tình báo thuộc Tổng cục 5, Tổng Cục tình báo Bộ Công an.

Vũ nhôm bị bắt hôm 4/1/2018 tại sân bay Nội Bài, sau khi bị chính quyền Singapore trục xuất. Các bản án tuyên cho Vũ nhôm lên đến 65 năm tù và Vũ phải bồi thường một số tiền khổng lồ là 3.100 tỉ đồng.

Vũ xuất thân từ một người thợ phụ làm nhôm kính nên mới có biệt danh là Vũ "nhôm". Sự nghiệp của Vũ nhôm bắt đầu thăng tiến sau khi kết hôn với người vợ là con của một quan chức Đà Nẵng. Các công ty mà Vũ nhôm làm Chủ tịch hội đồng quản trị được Tổng cục tình báo hậu thuẫn nhằm thâu tóm rất nhiều bất động sản vàng thuộc sỡ hữu nhà nước. Dư luận cho rằng các công ty mà Vũ làm giám đốc là các công ty sân sau, bình phong của Tổng cục Tình báo, Bộ Công an.

vunhom1

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm"

Ra tòa cùng Vũ nhôm có nhiều tướng tá cao cấp như cựu Thứ trưởng công an, Trung tướng Bùi Văn Thành (1959) bị 30 tháng tù. Trần Việt Tân (1955), cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng, bị 36 tháng tù về cùng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phan Hữu Tuấn (1955), cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, cùng Nguyễn Hữu Bách (1963), cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an, cả hai đều bị 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"...

Hiện tại Vũ nhôm đang bị truy tố tiếp trong vụ án "môi giới và đưa hối lộ" liên quan tới đại tá Nguyễn Duy Linh, Tổng Cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an, con trai tướng Nguyễn Văn Hưởng (đã về hưu).

Trong đơn "kêu cứu và tố cáo" của mình Vũ "nhôm" tố cáo đích danh Trung tướng Trần Văn Vệ (nghỉ hưu cuối năm 2019), quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục trưởng C01, Bộ Công an, đã cho "đặc tình" đóng giả phạm nhân, đến ở chung buồng giam và khủng bố tinh thần, đánh đập, ép cung, đòi thủ tiêu… Vũ "nhôm". Vũ "nhôm" cũng cho rằng, Tổng cục 2 đã "báo cáo không đúng sự thật" mọi vấn đề liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" lên Tổng Bí thư, Thủ tướng, rằng "một số người" lợi dụng "chiến dịch đốt lò" của ông Trọng, nhằm "thanh trừng phe nhóm, triệt hạ đồng đội, xây dựng ê kíp…" (2).

Phải nói là rất bức xúc và tuyệt vọng nên Vũ nhôm mới viết trong "Đơn kêu oan và tố cáo" rằng : "Đúng ra đơn này tôi phải viết bằng máu của tôi để nói lên sự uất hận, đau đớn khi mà tôi phải chịu nổi oan này. Nhưng việc viết bằng máu là vi phạm nội qui giam giữ, cho nên tôi không thực hiện được" (Trại T16, ngày 1/3/2021 Phan Văn Anh Vũ).

vunhom2

 

..............................

vunhom3

Vũ nhôm viết "đơn kêu cứu và tố cáo" (trang 1 và trang 64) trong tuyệt vọng và uất hận.

Đến đây chúng ta cùng nhớ lại những lời tuyệt vọng sau cùng của các quan chức cộng sản sau khi bị tống vào lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, hai ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn hay mới nhất là ông cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng... Câu nói của ông Đinh La Thăng trước tòa đã nói lên kết cục buồn dành cho các quan chức cao cấp Đảng cộng sản khi bị tống vào lò : "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người" (3).

Chuyện đúng - sai của các quan chức này tôi không bàn đến ở đây vì không thể biết được họ đúng - sai như thế nào. Bảo họ "sai" cũng đúng vì quan chức cộng sản không làm bậy, không tham nhũng thì sao họ có thể giàu như thế ? Nói họ "oan" cũng đúng vì làm gì có quan chức cộng sản nào không làm bậy và tham nhũng nhưng tại sao chỉ mỗi họ bị trừng phạt ?

Quay trở lại lá đơn tố cáo của Vũ nhôm thì có thể thấy được nhiều điểm bất ổn và vô lý trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Ví dụ : "Theo Vũ, chủ thể của tội phạm theo quy định của Điều 219 và 229 là chủ thể đặc biệt, phải là người có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phải mang quyền lực Nhà nước. Trong khi đó, Vũ chỉ là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đồng thời là một công dân bình thường, hoàn toàn không mang quyền lực Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước, không có quyền giao đất, thu hồi đất, phê duyệt đất, cho thuê đất…Do đó, theo Vũ, nếu anh ta phạm tội thì chỉ có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm giúp sức" (4).

Cũng theo Vũ thì "Việc Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ được mua nhiều nhà đất, công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Vũ cho rằng, chủ trương bán nhà, đất công sản trong thời gian từ 2006 đến 2014 không phải là chính sách, chủ trương mới có trong giai đoạn này và mục đích áp dụng cũng không phải chỉ để bán nhà công sản cho Vũ. UBND TP. Đà Nẵng đã bán trên 3.500 nhà, đất công sản từ năm 2002 đến 2016, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo các khóa trước. Trong khi đó, theo Bản án này, tôi chỉ có mua 15 nhà, đất và 4 dự án" (4).

"Trong đơn Vũ khẳng định, việc Tòa tuyên duy trì lệnh kê biên đối với 23 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu chung của Vũ và vợ, cùng 5 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Vũ tham gia góp vốn là vi phạm nghiêm trọng. Vũ cho rằng, nếu mình thật sự có tội, cơ quan tố tụng cũng chỉ được kê biên đối với phần tài sản thuộc sở hữu riêng của Vũ chứ không phải toàn bộ tài sản đứng tên chung của hai vợ chồng" (4).

vunhom4

Lời cuối của Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng trước Tòa là "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người".

Như đã trình bày, tôi không có ý định bào chữa cho Vũ hay bất cứ một quan chức nào của Đảng cộng sản. Dù vậy là một công dân, một con người thì trong bất cứ chế độ nào, họ cũng phải được tôn trọng nhân phẩm và được xét xử một cách công bằng bởi một tòa án độc lập, nơi mà các chánh án chỉ xét xử theo luật pháp và lương tâm. Chế độ cộng sản không tồn tại các tòa án như vậy. Các bản án lớn và quan trọng đều có sự chỉ đạo và giật dây của hệ thống chính trị. Nhìn vào các bản án mà nhà nước Việt Nam xét xử các nhà bất đồng chính kiến hay dân oan thì chúng ta đều thấy rõ điều đó.

Một điểm đáng chú ý là trong danh sách rất dài các cơ quan nhận được thư tố cáo của Vũ nhôm thì có hai người là đại biểu quốc hội khóa 14, ông Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. Hai ông nghị này nổi tiếng là nói thẳng, nói thật và cổ vũ cho việc sống, làm việc theo pháp luật. Khả năng cao là hai ông sẽ không được "bầu" vào quốc hội khóa tới.

Một hy vọng nữa của Vũ nhôm là trông chờ vào sự "cứu xét" của tân thủ tướng Phạm Minh Chính, một cựu trung tướng tình báo chăng? Chúng ta không thể biết được nhưng có một điều chắc chắn đó là cuộc "nội chiến" trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chấm dứt. Khi lý tưởng chính trị để gắn kết các thành viên trong một đảng chính trị không còn nữa thì đấu đá và tan vỡ là điều không thể tránh khỏi.

Việt Hoàng

(19/05/2021)

(1) Ảnh chụp 64 trang viết tay "Đơn kêu oan và tố cáo" của Vũ "nhôm" và 30 trang đánh máy, gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước

(2) Vũ "nhôm" và thế lực bảo kê đang chơi canh bạc cuối cùng ?

(3) Ông Đinh La Thăng : 'Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người'

(4) Vũ ‘nhôm’ viết 64 trang kêu oan, tố cáo trong tù

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Nếu Linh "nựng" được hưởng án treo...

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 24/05/2019

Ngày 23/5, báo chí trong nước đưa tin Nguyễn Hữu Linh được Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng nhiều tinh tiết giảm nhẹ, cụ thể là các tình tiết sau đây trong Bộ luật Hình sự 2015 (Bộ luật hình sự) :

  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, theo điểm i, khoản 1, Điều 51, Bộ luật hình sự
  • Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, theo điểm s, khoản 2, Điều 51, Bộ luật hình sự

11111111111111111

Ông Nguyễn Hữu Linh (phải) khi còn đương chức, và đoạn video ông Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy (trái) - Courtesy of internet, RFA edit

Với các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, Nguyễn Hữu Linh hoàn toàn có thể được hưởng án treo, là hình phạt thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt tù trong Điều 146, Bộ luật hình sự (căn cứ vào khoản 1, Điều 54, và khoản 1, Điều 65, Bộ luật hình sự).

Tin này đã gây bức xúc trong dư luận. Với cảm thức thông thường, nhiều người cảm thấy khó hiểu một số điều sau :

(1) Sao có thể xem đây là trường hợp ít nghiêm trọng ?

(2) Sao có thể xem đây là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải ?

(3) Sao không đề nghị tăng nặng hình phạt đối với một người hiểu biết pháp luật, lại từng làm trong cơ quan nhà nước nói chung và trong ngành tư pháp nói riêng như Linh ?

Các câu trả lời cho các câu hỏi trên đây có thể sẽ làm người ta ngạc nhiên và chán ngán.

Về câu hỏi 1, sở dĩ đây là trường hợp ít nghiêm trọng vì tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được xem là có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 3 năm tù (căn cứ vào khoản 1, Điều 9, Bộ luật hình sự).

Về câu hỏi 2, thắc mắc này có lý khi Linh từng bao biện rằng hành vi của mình chỉ là "nựng", mà như vậy thì khó tin rằng sau đó hắn đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Hơn nữa, ngay cả Linh có thái độ như vậy trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ khi vụ án được khởi tố, thì thái độ làm việc với cơ quan điều tra phải được tính ngay từ khi hắn làm việc với cơ quan điều tra lần đầu trước khi vụ án được khởi tố, nên một cách bù trừ, Linh không xứng đáng được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Đó là chưa kể các cơ quan chức năng dường như giải quyết vụ án chỉ để xoa dịu dư luận mà thôi.

Về câu hỏi 3, rất tiếc, không có quy định nào trong Bộ luật hình sự rằng thủ phạm là người hiểu biết pháp luật, làm việc trong cơ quan nhà nước, hay trong ngành tư pháp là các tình tiết tăng nặng cả. Ngay cả khi án lệ đã trở thành một nguồn luật từ năm 2015, song do giới hạn của khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, rằng án lệ phải đáp ứng được tiêu chí "chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau ; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể", nên tòa án hầu như không thể sáng tạo luật, bằng cách thêm vào các nguyên tắc mới cho việc xét xử, chẳng hạn trong tình huống này, là các nguyên tắc xác định các tình tiết tăng nặng mới ngoài khuôn khổ của Bộ luật hình sự để đạt được công lý lớn hơn.

Từ các bất cập này của pháp luật hình sự, có thể thấy cần đặt ra một số vấn đề sau :

(1) Có nên xem tội dâm ô đối với người dưới 16 là tội ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất là 3 năm tù, hay phải xem đây là tội từ nghiêm trọng trở lên với hình phạt nặng hơn ?

(2) Làm sao để biết một tình tiết giảm nhẹ được đề nghị đúng khi tình tiết giảm nhẹ đó không thể được biết một cách rõ ràng và hiển nhiên, và nhất là khi ngành tư pháp không độc lập, chẳng hạn, làm sao để biết tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải – điều mà nói chung chỉ cơ quan điều tra mới biết – được đề nghị đúng ? Ngoài ra, để xác định các tình tiết giảm nhẹ, phải xem xét quá trình từ khi thủ phạm làm việc với cơ quan điều tra lần đầu thay vì chỉ từ khi vụ án được khởi tố.

(3) Nên chăng tòa án có quyền sáng tạo luật, bao gồm quyền tìm ra, hay đặt ra các nguyên tắc mới hợp lẽ để xét xử linh hoạt và thấu đáo khi khuôn khổ pháp luật hiện hành cứng nhắc và hạn chế ?

Đây là các vấn đề mà các cơ quan chức năng phải xem xét để thúc đẩy sự hoàn thiện của pháp luật hình sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.

Trở lại vụ án, khi đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho Linh, có vẻ như Viện Kiểm sát đang áp dụng pháp luật có lợi nhất cho Linh, bất chấp rằng điều này không hợp lẽ.

Nếu Linh được hưởng án treo, đó sẽ là sự thách thức không hề nhẹ đối với công lý, và càng cho thấy sự che chắn của ngành tư pháp đối với thủ phạm.

Đó cũng sẽ là sự mất mát trong niềm tin của dân chúng đối với ngành tư pháp nói riêng và chính quyền nói chung.

Đó cũng sẽ là chi phí cơ hội quá lớn đối với ngành tư pháp (và do đó là đối với cả chính quyền), nói theo cách của anh Lưu Đức Quang, giảng viên khoa luật, Đại học Kinh tế – Luật, Thành phố Hồ Chí Minh, khi ngành này lựa chọn giơ cao đánh khẽ thủ phạm thay vì bảo vệ nghiêm minh công lý.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 24/05/2019

*********************

Đại biểu quốc hội muốn tăng phạt tội ấu dâm qua vụ Nguyễn Hữu Linh

Trung Khang, RFA, 23/05/20149

Vào ngày 23/5/2019, khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội như Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thuộc đoàn Bến Tre, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc thuộc đoàn Đồng Nai và Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên… đều đề nghị tăng hình phạt với hành vi ấu dâm, sàm sỡ trẻ em.

22222222222222

Ông Nguyễn Hữu Linh (góc trên bên trái), và hình chụp đoạn trich từ video trong thang máy - Courtesy of FB, RFA edit

Ngoài ra ông Lưu Bình Nhưỡng còn đề xuất Quốc hội phải có sự giám sát tối cao với vấn đề này. Còn bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng cần tăng mức phạt gấp 10 lần hoặc nặng hơn đối với các tội sàm sỡ, xâm hại tình dục, đặc biệt đối với trẻ em.

Từ Hà Nội, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23/5, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, nhận định :

"Cá nhân tôi rất hoan nghênh việc các Đại biểu quốc hội đề nghị tăng hình phạt với hành vi dâm ô trẻ em. Tình trạng ấu dâm đối với thế giới thì có lẽ phổ biến rồi, nên các chế tài của họ tương đối rõ. Ở Việt Nam thì tôi cũng đã từng theo dõi rất nhiều, hiện tương ấu dâm còn mới mẻ, để phát hiện ra một vụ việc thì không đơn giản tí nào. Thế nên Việt Nam hội nhập với thế giới thì các giá trị chung ta phải chấp nhận thôi. Thế nên tôi cho rằng các đại biểu quốc hội nêu lên ý đó là hoàn toàn xác đáng, bởi vì có thể sự trừng trị nặng nhẹ thì mỗi người đánh giá khác nhau đối với một người, nhưng nó đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội".

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng đồng tình với đề nghị của các Đại biểu Quốc hội nên tăng hình phạt với hành vi dâm ô trẻ em. Ông cho rằng, gần đây có nhiều trường hợp có hành vi dâm ô, nhưng xử phạt rất nhẹ, nên không có tính răn đe. Ngoài ra ông cũng lo lắng một thực tế khác :

"Vấn đề này cũng tế nhị và phức tạp, trên thực tế mối quan hệ giữa người vi phạm và đồng nghiệp hay gia đình còn tồn tại, nên trong xử lý sẽ có dáng dấp của cái tình hơn là cái lý. Vì pháp luật chưa quy định rõ ràng về tội danh này cho nên có thể vận dụng để làm thế nào cho người vi phạm nhẹ tội đi".

Quả thật, thì Viện Kiểm sát quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh có đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng, người đã sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy ở quận 4.

Tin cho biết, ông Nguyễn Hữu Linh bị truy tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Cơ quan công tố nhận định hành vi của ông Linh là nguy hiểm cho xã hội, cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe đối với một người từng làm ở cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, Viện kiểm sát đề nghị cho ông Linh được xét các tình tiết giảm nhẹ như : phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…

Liên quan vụ án này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :

"Với các mức mà cơ quan điều tra đề nghị, sắp tới đây ông Linh sẽ bị đưa ra tòa xét xử với hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi. Tội này có quy định rõ ai trên 18 tuổi mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hay quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

333333333333333

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thuộc đoàn Đồng Nai, trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh minh họa) - Courtesy quochoi.vn

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói thêm mặc dù cũng có tình tiết giảm nhẹ vì ông Linh là một cán bộ nghỉ hưu từng làm trong cơ quan pháp luật ; nhưng theo ông Hậu, đối với một cán bộ hiểu biết pháp luật mà phạm tội thì trong quá trình tiến hành tố tụng sẽ phải bị xem xét. Đây là tình tiết tăng nặng chứ không phải giảm nhẹ, tại vì đã biết rõ pháp luật mà lại vi phạm pháp luật.

Luật sư Hậu nêu rõ nếu phạm tội này có tổ chức, tái phạm từ hai lần trở lên, gây rối loạn tâm thần cho người bị hại từ 11 đến 45 % thì phạt tù từ 3 đến 7 năm. Và phạt tù 7 đến 12 năm nếu làm nạn nhân rối loạn tâm thần từ 46% trở lên và làm cho nạn nhân tự sát.

Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra nhận định :

"Thật ra từ thời điểm chưa khởi tố vụ án ông Linh thì mình có phân tích rồi, chắc chắn ông Linh sẽ bị truy tố theo khoản 1 với hình phạt tối đa cao lắm chỉ 3 năm tù giam. Ngoài ra ông Linh có nhiều yếu tố để mà hưởng án treo, ví dụ có thành tích trong quá trình công tác, có nơi cư trú rõ ràng, thật thà khai báo, ăn năn hối cải… Khi chưa khởi tố vụ án, tôi đã nhìn thấy trước việc này".

Theo Luật sư Mạnh, ông Linh sẽ bị phạt rất nhẹ, có thể là 2 năm hay 2,5 năm, sau đó sẽ thành tù treo. Tuy có áp lực xã hội, nhưng theo ông Mạnh, tòa án xử sẽ không quá áp lực, vì họ đã làm theo quy định. Ông nói :

"Cũng chẳng phải Tòa muốn bảo vệ ông Linh vì ông là một cựu quan chức cao cấp, hay ông là đảng viên cộng sản, không phải như vậy đâu. Cứ nhìn ông Linh như một người bình thường, hành vi như vậy, nhân thân như vậy, thì ông Linh sẽ được án treo. Đó là do luật quy định không hợp lý, vì mức hình phạt quá nhẹ, và theo luật hiện hành để nhận ra hành vi phạm tội thì quy định mông lung và không rõ ràng".

Trao đổi với chúng tôi hôm 23/5 từ Sài Gòn, một người dân, cũng là thành viên nhóm đấu tranh chống nạn ấu dâm, nhận định :

"Về phương án giảm hay tăng án trong vụ ông Linh, thì ngay từ lúc tụi chị làm chiến dịch chống nạn ấu dâm đã chấp nhận một điều không chỉ do Viện kiểm sát hay quốc hội, mà đây đây là một hồi chuông cảnh tỉnh… Theo chị họ có giảm cũng không nhiều, nếu án treo thì cộng đồng sẽ lên tiếng tiếp, hình phạt mà mọi người muốn là ít nhất ông Linh phải đi tù, một tháng cũng được, bao nhiêu cũng được. Vì việc đấu tranh để một người làm trong bộ máy nhà nước, từng làm ở Viện kiểm sát mà phải đi tù là cuộc đấu tranh mạnh mẽ lần đầu tiên có ở Việt Nam".

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu quan điểm trong vụ việc ông nguyen phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ trẻ dưới 16 tuổi :

"Nhưng tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì việc này cần phải nghiêm khắc hơn. Tất nhiên đứng vào thân phận một con người thì anh Linh có thể đã chịu một cái gì đấy khác thường khi tiền lệ trước đây chưa có, nhưng đứng về mặt lợi ích xã hội chung thì tôi cho rằng điều đó (PV : nghiêm khắc hơn) là cần thiết".

Hôm 22/5/2019, ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng, chính thức bị Viện Kiểm sát Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh truy tố tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Trước đó, vào ngày 21/04, Công an Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố bị can với ông Nguyễn Hữu Linh ; tuy vậy ông này được phía cơ quan điều tra cho tại ngoại và cấm rời khỏi nơi cư trú.

Sự việc bùng ra vào ngày 2 tháng 4 năm 2019 khi trên mạng xã hội Facebook lan truyền video clip một người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư. Người đàn ông đó sau này được xác định là ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 23/05/2019

Published in Diễn đàn

Dư luận Việt Nam mấy tuần qua đã biết chuyện đại gia nhà đất Đà Nẵng Phan Văn Anh Vũ, hay còn được gọi là Vũ "nhôm", từ một trong những con người quyền lực nhất tại địa phương của ông ta bỗng nhiên trở thành một trong những nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất của Việt Nam.

luat1

Rất có thể, Vũ "nhôm" sẽ không có được may mắn như một người cộng sản nổi tiếng khác, Nguyễn Ái Quốc, khi ông này bị bắt giữ ở Hong Kong năm 1931. Ảnh : Người Đưa Tin, JCDecaux.

Các tình tiết như phim trinh thám về việc "trốn thoát" khỏi vòng vây an ninh của ông Vũ được chia sẻ nhiệt tình trên các trang mạng xã hội. Ai ai dường như cũng khấp khởi mong đợi một vụ "Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn" thứ hai.

Tuy nhiên, có vẻ là sẽ khó có chuyện đó.

Như tờ báo hàng đầu Singapore The Straits Time đã đưa tin (trong sự im lặng một cách bất ngờ mà dễ hiểu của truyền thông chính thống Việt Nam), ông Vũ đã bị chặn tại cửa khẩu Singapore khi đang tìm cách rời nước này ngày 28/12 vừa rồi, và hiện nay đang bị nhà chức trách Singapore tạm giữ.

Qua các kênh tin tức phi chính thống trên mạng, ví dụ như Facebooker Nhà Văn (Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió), người theo dõi vụ việc có thể biết được một số thông tin ly kỳ và thú vị : ông Vũ bị tạm giữ vì lý do "hộ chiếu có vấn đề", có nguồn tin còn cáo buộc là "cơ quan an ninh Việt Nam đã dùng biện pháp kỹ thuật và thông báo cho Sing hộ chiếu Vũ đang dùng là hộ chiếu giả".

Ngoài ra, đáng chú ý là phát ngôn của luật sư Phan Văn Anh Vũ người Singapore, theo đó, chiểu theo hiến pháp của Singapore việc tạm giữ Phan Văn Anh Vũ quá 72 tiếng, như vậy cần phải có một phiên tòa xem xét Sing kết tội Vũ mới được trả về Việt Nam".

Vậy thì cuối cùng xét về mặt pháp lý, Vũ "nhôm" đang ra sao ? Việt Nam, Singapore, Vũ "nhôm", ai sai, ai đúng ?

Chúng ta có thể tìm cách trả lời các câu hỏi trên bằng cách tìm hiểu sơ qua luật pháp Singapore để thấy rằng, bên cạnh một vấn đề pháp lý thú vị, vụ việc Vũ "nhôm" gợi lên hai điều trớ trêu của lịch sử.

luat2

Công an khám xét nhà Vũ "nhôm" ở Đà Nẵng ngày 21/12/2017. Ảnh : VietNamNet.

Một vấn đề pháp lý : Singapore đang tạm giữ Vũ "nhôm" trên cơ sở pháp lý nào ?

Cho dù ngày nay có tiếng là "khắt khe", "chuyên chế", và hay dè chừng các thứ "quyền", "tự do", đất nước Singapore thực tế đã thừa hưởng từ cựu mẫu quốc là Vương quốc Anh một hệ thống pháp luật được xây dựng bài bản dựa trên các triết lý tôn trọng tự do và bảo vệ quyền cá nhân con người của nền Thông luật (Common Law) Anh.

Điều này thể hiện rõ nhất qua Điều 9 – Hiến pháp Singapore 1965 (đã sửa đổi), vốn đảm bảo quyền được sống (right to life) và quyền tự do cá nhân (right to personal liberty). Khoản một của điều này ghi :

"Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống hay tự do cá nhân, trừ phi pháp luật có quy định khác" (No person shall be deprived of his life or personal liberty save in accordance with law).

Điều 9 Hiến pháp này có vẻ chính là điều mà luật sư của ông Vũ được cho là đã nhắc đến. Bởi vì khoản 4 điều này có quy định rằng nếu một người bị bắt giữ (arrested) mà không được thả thì trong vòng 48 tiếng từ khi bị bắt giữ, người bị bắt phải được đưa ra trước một thẩm phán tòa vi cảnh (magistrate) để kiểm tra cơ sở pháp lý của việc bắt giữ. Việc tạm giữ người bị bắt đó sẽ chỉ được tiếp diễn nếu có sự cho phép của thẩm phán.

Nếu đúng là Vũ "nhôm" đang bị chính quyền Singapore tạm giữ vì ông ta cầm trong tay một cuốn hộ chiếu "giả" hay hộ chiếu "đã bị chính quyền Việt Nam hủy bỏ", thì rất ít khả năng Hiến pháp Singapore có thể bảo vệ cho ông Vũ.

Vì tuy Hiến pháp Singapore là văn bản pháp luật nền tảng, nhưng thẩm quyền bắt giữ của nhà chức trách Singapore lại được quy định chi tiết trong các đạo luật (act) khác nhau do Quốc hội Singapore ban hành.

Chính các đạo luật đó quy định chi tiết phần "trừ phi pháp luật có quy định khác" đã nêu trong khoản một điều 9 Hiến pháp ở trên.

Nôm na là, nhà nước Singapore tôn trọng quyền được sống và quyền tự do cá nhân của người dân, nhưng khi các đạo luật do Quốc hội (đại diện người dân) ban hành cho phép việc xâm phạm vào các quyền đó (vì lý do bảo vệ an ninh, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia) thì nhà nước Singapore vẫn có quyền xâm phạm các quyền đó.

Ở đây, ông Vũ bị bắt ở cửa khẩu Singapore và việc bắt giữ có liên quan đến giấy tờ tùy thân của ông ta. Như vậy, nhà chức trách có liên quan là Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (Immigration and Checkpoints Authority) và đạo luật có liên quan là Đạo luật Nhập cư 2008 (Immigration Act 2008).

Điều 35 – Đạo luật Nhập cư 2008 của Singapore quy định :

"Bất kỳ ai mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore (liable to removal from Singapore) chiếu theo đạo luật này thì đều có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh bắt giữ (warrant) bởi bất kỳ sĩ quan quản lý nhập cư nào… và có thể bị tạm giữ trong bất kỳ nhà tù, sở cảnh sát, hay trụ sở quản lý nhập cư nào trong một khoảng thời gian tối đa là 14 ngày trong khi chờ quyết định có nên đưa ra lệnh tống khứ người đó (order for his removal) hay không".

Định nghĩa "người mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore" có thể được tìm thấy trong nội dung Điều 8 của cùng đạo luật, vốn liệt kê các dạng người nhập cư bị cấm (prohibited immigrants).

Trong đó, Khoản 3 (m) – Điều 8 ghi :

"Bất kỳ ai mà, theo quy định của luật pháp thành văn hiện hành, phải sở hữu giấy tờ đi đường có hiệu lực (valid travel documents) nhưng lại không sở hữu các giấy tờ đi đường đó hoặc sở hữu các giấy tờ đi đường giả mạo, hay giấy tờ đi đường đã bị sửa đổi, hay giấy tờ đi đường không tuân thủ luật thành văn".

Nghĩa là một người sở hữu giấy tờ đi đường hết hiệu lực (một hộ chiếu đã bị hủy bỏ) hay giấy tờ đi đường giả mạo (một hộ chiếu giả mạo) đều có thể được liệt vào Khoản 3(m), Điều 8 kể trên, và được xem là một "người mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore".

Như vậy, khả năng cao là nhà chức trách Singapore đã có cơ sở pháp lý vững chắc để bắt giữ và tạm giữ ông Vũ khi chặn ông này tại cửa khẩu Singapore vào ngày 28/12 vừa rồi : ông Vũ là một người nhập cư trái phép vì đang dùng một hộ chiếu hết hiệu lực, hoặc là hộ chiếu giả.

Cơ sở này có thể được nhà chức trách Singapore dùng để biện minh trước các cáo buộc xâm phạm quyền tự do cá nhân chiếu theo Điều 9 Hiến pháp : nhà chức trách Singapore đơn giản là đang làm công tác bảo vệ biên giới, cửa khẩu, kiểm soát những người nhập cư trái phép có khả năng gây hại cho an ninh xã hội Singapore, theo đúng quy định chi tiết trong một đạo luật do Quốc hội Singapore ban hành.

Ông Vũ bị tạm giữ ngày 28/12, như vậy, nhà chức trách Singapore có thẩm quyền hợp pháp để tạm giữ ông ta ít nhất tới ngày 11/01 tới đây.

Khoảng thời gian tối đa 14 ngày tạm giữ này do luật quy định là để nhà chức trách Singapore có thời gian xem xét xem có nên đưa ra lệnh tống khứ ông Vũ khỏi Singapore luôn không. Nếu nhà chức trách Singapore sau khi xem xét thông tin, tiếp nhận phản hồi từ ông Vũ và luật sư ông này rồi mà vẫn quyết định đưa ra lệnh tống khứ ông ta, thì họ không cần chờ đến ngày 11/01.

luat3

Cán bộ quản lý nhập cư Singapore. Ảnh : ica.gov.sg.

Sau khi lệnh tống khứ đã được đưa ra mà không cản được thì ông Vũ sẽ phải bị "tống" về nước nguyên quán là Việt Nam.

Hộ chiếu ông ta cầm tuy là giả/vô hiệu nhưng quốc tịch ông ta thì vẫn là Việt Nam – nhà chức trách Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh điều này với phía Singapore. Đây có vẻ là cách ít tốn kém nhất để đưa được ông Vũ về trong bối cảnh giữa Việt Nam và Singapore không có hiệp định dẫn độ nghi phạm riêng. Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể "mượn gió bẻ măng", trông cậy vào luật quản lý nhập cư hiện hành của Singapore.

Nếu cơ sở pháp lý của việc bắt và tạm giữ Vũ "nhôm" đúng theo phân tích như trên, thì luật sư của ông Vũ có rất nhiều việc để làm trong những ngày ít ỏi sắp tới để bảo vệ cho thân chủ mình.

Mấu chốt là phải cản được nhà nước Singapore đưa ra "lệnh tống khứ" (order to remove) ông Vũ chiếu theo Đạo luật Nhập cư 2008.

Họ sẽ phải chứng minh rằng chiếc hộ chiếu của ông Vũ là một hộ chiếu có hiệu lực đàng hoàng, nhưng đã bị nhà cầm quyền Việt Nam dùng "chiêu trò" hủy bỏ, hay đưa thông tin sai lệch cho phía Singapore là hộ chiếu đã bị làm giả.

Họ sẽ phải cung cấp nhiều hồ sơ, bằng chứng, giấy tờ để cho thấy là nhà nước Việt Nam đang có một động cơ rất lớn trong việc dùng các "chiêu trò" sai trái để đưa được ông Vũ về Việt Nam, trong khi ông Vũ có cơ sở để xin tỵ nạn chính trị chiếu theo luật quốc tế, và chiếu theo luật tại "nước Phương Tây" mà ông đã nộp đơn xin tỵ nạn.

Thông thường, trong một nền thông luật, ngay cả khi cơ quan hành pháp đã đưa ra một lệnh tống khứ rồi thì các luật sư của người bị tống khứ vẫn có thể tính tới các giải pháp khác.

Tồn tại trong các nền thông luật cơ chế tài phán hiến pháp (judicial review) cho phép công dân yêu cầu tòa án thẩm tra tính hợp pháp và tính hợp lý của các quyết định hành pháp, bao gồm cả quyết định trục xuất hay tống khứ người ngoại quốc.

Tuy nhiên, nhà nước Singapore trong trường hợp Đạo luật Nhập cư 2008 đã thể hiện rằng họ tuy có thể thừa hưởng nhiều di sản văn hóa, pháp lý của mẫu quốc Anh, nhưng lại rất biết điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu quản lý đất nước hiện đại "khắt khe" của họ :

Điều 39A của Đạo luật Nhập cư 2008 loại trừ việc dùng cơ chế tài phán hiến pháp để yêu cầu tòa án Singapore xem xét lại các quyết định liên quan đến nhập cư của bên hành pháp. Trừ phi bản thân bên hành pháp Singapore làm sai quy định của chính Đạo luật Nhập cư 2008, còn không thì luật sư của ông Vũ không thể dùng cơ chế tài phán hiến pháp để giúp thân chủ mình.

Hai điều trớ trêu

Điều trớ trêu thứ nhất : Từng tác động để cấm xuất cảnh một nhà báo "chống" mình, nay Vũ "nhôm" lại đang bị kẹt vì luật xuất nhập cảnh.

Bạn đọc của Luật Khoa chắc vẫn nhớ trường hợp nhà báo Dương Thị Hằng Nga của tạp chí Giao thông – Vận tải bị ngăn chặn xuất nhập cảnh bởi văn bản của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh thuộc Bộ Công an cách đây ít lâu.

Theo Công an Đà Nẵng, việc cấm xuất cảnh đối với nữ nhà báo Dương Hằng Nga xuất phát từ đơn tố giác của chính ông Vũ. Ông đã khiếu nại rằng bà Nga viết bài xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và cá nhân ông.

Cho dù việc ông Vũ dùng cơ chế pháp lý để tự bảo vệ quyền lợi bản thân có chính đáng đến đâu đi nữa, thì việc cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền quá rộng trong việc dùng công tác điều tra để kiểm soát quyền xuất nhập cảnh của người dân Việt Nam vẫn là một vấn đề lớn mà luật pháp Việt Nam cần giải quyết.

Bài học của Vũ "nhôm" là : Mượn dao giết người, có ngày mình đứt tay !

Điều trớ trêu thứ hai : Một người cộng sản nổi tiếng khác cũng từng gặp phải tình huống gần giống của ông Vũ, nhưng ông ta đã thoát nhờ vào một hệ thống luật pháp tự do và tôn trọng nhân quyền hơn hệ thống của Singapore rất nhiều. Người đó là ông Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Không giống như luật pháp Singapore ngày nay, luật pháp thời ông Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong những năm 1930 đã không hề có điều khoản loại trừ cơ chế tài phán hiến pháp. Do đó, việc cảnh sát bắt giữ Nguyễn Ái Quốc khi đó đã bị thưa ra tòa theo thủ tục habeas corpus và sau cùng chính quyền Hong Kong đã phải nhượng bộ ông với một lệnh trục xuất đến nơi ông muốn thay vì bị trục xuất về Việt Nam như kế hoạch ban đầu.

Nam Quỳnh

Nguồn : Tiếng Dân, 02/01/2018

Published in Diễn đàn

Bộ chính trị đang điều tra ‘ai chống lưng cho Vũ "Nhôm" ? (CaliToday, 26/12/2017)

Dường như đang bắt đầu khởi động một "chuyên án" mới của Bộ chính trị : tổ chức này có thể đang điều tra "ai chống lưng cho Vũ "Nhôm".

chonglung1

Tướng Lê Văn Cương hỏi : Ai chống lưng cho Vũ "Nhôm" ?

Cho đến ngày hôm nay, tức 5 ngày sau vụ "khám nhà không thấy người" của Công an Đà Nẵng và Bộ Công an, bóng hình thượng tá công an Vũ "Nhôm" – trùm bất động sản Phan Văn Anh Vũ – vẫn bặt tăm.

Ngay vào ngày 21/12/2017, khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố do có hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", một số dư luận đã nhận định rằng rất có thể khái niệm "toàn quốc" đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa, bởi trước đó Vũ "Nhôm" đã "biến" ra ngoài biên giới Việt Nam.

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tổng bí thư Trọng đang quan tâm với tầm mức đặc biệt đến vụ tẩu thoát này là trong vài ba ngày qua, những tờ báo được xem là "thân đảng" – trước đó vẫn thường ủng hộ chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng – đã khá mạnh miệng khi tổ chức phỏng vấn một số cựu thần và quan chức với câu hỏi "Làm sao Vũ "Nhôm" đã bị giám sát chặt chẽ từ lâu mà vẫn trốn được ?".

Thậm chí nhiều người đang hình dung rằng vụ Vũ "Nhôm" đang có những dấu hiệu trở thành một vụ "Trịnh Xuân Thanh thứ hai".

Một dấu hiệu khác, kín đáo hơn, về "ai chống lưng cho Vũ "Nhôm"", là bắt đầu lấp ló những lời chống chế trách nhiệm hoặc đổ trách nhiệm cho nhau, xuất hiện cả trên báo nhà nước lẫn tù các "blogger phe phái" trên mạng xã hội.

Sau khi Vũ "Nhôm" biến mất, các cơ quan công an đã lập tức đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an Thành phố .Đà Nẵng và "việc điều tra Vũ ‘nhôm’ tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất ?", Phó giám đốc Công an Thành phố .Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.

Dư luận xã hội có thể hình dung rằng khi phát hiện Vũ "Nhôm" biến mất, đã phát sinh một cơn hoảng loạn trước đó trong nội bộ công an từ cấp thành phố Đà Nẵng đến Bộ Công an, để sau đó đành làm động tác khám nhà Vũ "Nhôm" như một thủ tục "cho có".

Vào lúc này, các "blogger phe phái" đang tung lên mạng xã hội những lời thanh minh. Người thì thanh minh cho Trần Đại Quang – chủ tịch nước, người thanh minh cho Tô Lâm – bộ trưởng công an, có người lại bóng gió nói về mối quan hệ nào đó giữa Vũ "Nhôm" và Ủy viên bộ chính trị Hoàng Trung Hải…

Khỏi cần nói thêm, Tổng bí thư Trọng đang "găm" vụ Vũ "Nhôm" biến mất đến thế nào.

Cần nhắc lại, cho đến tận bây giờ, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có bất cứ tin tức nào được công bố về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư. Hậu quả của vụ việc mà ai cũng hiểu là có xuất xứ từ "xung đột nội bộ" này là vụ "tàng hình" ấy chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ "biện pháp nghiệp vụ", và thế lực giấu mặt này không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.

Chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng cùng nhóm quyền lực khuynh đảo trong đảng cầm quyền lại bị vỗ mặt bởi những thách thức vừa khiêu khích vừa sẵn sàng ra đòn hạ độc như hiện thời. Vụ Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã khiến ông Trọng khó ăn khó ngủ, còn nếu Vũ "Nhôm" trở thành "Trịnh Xuân Thanh thứ hai" thì tình thế sẽ "biến" đến thế nào ?

Trịnh Xuân Thanh từng được chống lưng bởi một ủy viên bộ chính trị là Đinh LaThăng. Còn Vũ "Nhôm" thì được ai "bảo kê" ?

conglung2

Ông Nguyễn Phú Trọng trong một lần làm việc với Bộ Công an - Ảnh : Dân Trí

Mới đây, Tổng bí thư Trọng đã tiến thêm một bước chuyên chế khi chỉ đạo ban hành một bản quy định của đảng, trong đó có một nội dung rất đáng chú ý : "Cán bộ sức khỏe không đảm bảo, uy tín giảm sút sẽ bị thay thế".

Ngay lập tức, nhiều người cho rằng những "ứng cử viên" sáng giá đầu tiên thỏa mãn quy định trên là Trần Đại Quang, và Đinh Thế Huynh – người trên danh nghĩa vẫn là Thường trực ban bí thư nhưng đã quá lâu vẫn không khỏi bệnh và cũng chẳng còn được báo chí đoái hoài.

Một cách nào đó, vụ Vũ "Nhôm" cùng mối nguy "Trịnh Xuân Thanh thứ hai" sẽ là một lý do đủ thuyết phục và cũng là một cái cớ đủ mạnh để ông Trọng ra tay "chỉnh đảng" lẫn "chỉnh quân" – tức nếu muốn, ông Trọng có thể sẽ khẩn cấp tiến hành những động tác điểu tra vụ Vũ "Nhôm" để làm rõ trách nhiệm của những quan chức công an liên quan, từ đó tiến tới bước thay đổi một số nhân sự trong Bộ Công an, thậm chí có thể cải tổ cả cơ quan bộ này.

Vào thời gian này, mạng xã hội đang lan truyền một dự báo rằng sẽ có một số tướng công an bị kỷ luật, thậm chí bị cho "xộ khám"…

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 26/12/2017

******************

Vũ "Nhôm" có được ngầm báo để bỏ trốn ? (CaliToday, 24/12/2017)

Nếu trong vụ Dương Chí Dũng Vinashin năm 2012, khi Dũng sắp bị bắt, "một lãnh đạo Bộ Công an" đã ngầm báo tin cho Dũng để bỏ trốn, thì Vũ "Nhôm" có được ngầm báo trước để đào tẩu ? Và nếu có thì là ai ?

chong3

Giấy chứng minh công an nhân dân của Phan Văn Anh Vũ - Ảnh minh họa

Đây là một dấu hỏi rất lớn và cũng có thể là rất nghiêm trọng đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi Vũ "Nhôm" biến mất, các cơ quan công an đã tìm cách đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an Thành phố .Đà Nẵng và "việc điều tra Vũ ‘nhôm’ tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất ?", Phó giám đốc Công an Thành phố .Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.

Ngay vào ngày 21/12/2017 khi Bộ Công an tổ chức khám nhà đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ như thể bắt tới nơi, một trang báo nhà nước là VTC News đã đăng tải một bài điều tra về việc viên thượng tá tình báo công an này đã âm thầm thoái triệt vốn khỏi các công ty mà trước đó ông ta đã góp vốn, ngay từ tháng 4/2017 khi cuộc xung đột Đà Nẵng còn bất phân thắng bại như :

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Gia Compound) – pháp nhân tặng cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh xe Toyota Avalon để sử dụng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.

Với siêu dự án Vầng Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), 2 pháp nhân liên quan đến ông Vũ ‘nhôm’ là Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 từ ngày 19/4/2017 – 28/6/2017 đã rút 100% vốn tại dự án trên.

Bản thân Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Phan Văn Anh Vũ và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong…

Trừ Dương Chí Dũng khá cập rập mà đã không thể thu vén toàn bộ tài sản tiền bạc, cả hai trường hợp Trịnh Xuân Thanh lẫn Vũ "Nhôm" đều có đủ thời gian để tẩu tán rất gọn.

Điều đó lý giải cho hiện tượng lạ lùng về tố tụng hình sự và cả chính trị là vào buổi tối 21/12/2017, khi nhiều tờ báo nhà nước sôi nổi và ồn ào đưa tin "Bộ công an khám nhà Vũ "Nhôm"", thì lại không có tin tức hay hình ảnh nào về việc đại gia Phan Văn Anh Vũ này đã chính thức bị khởi tố bắt giam. Toàn bộ hình ảnh "khám nhà" mà báo chí nhà nước đăng tải chỉ là bề mặt ngôi nhà của Vũ "Nhôm" mà không hề thấy cảnh đại gia này bị công an áp sát hay tra tay vào còng ở trong nhà

Nói cách khác, Bộ Công an đã bị "hố".

Trong vụ Trịnh Xuân Thanh cũng vậy. Vào khoảng quý 3 năm 2016, Bộ Công an sùng sục khám xét nhà Trịnh Xuân Thanh, nhưng nhân vật đã "ra đi tìm đường cứu nước".

Ai và thế lực nào đã báo tin và giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ?

Đó vẫn là một nỗi đau không thể nói thành lời của Tổng bí thư Trọng.

Bởi vào giữa năm 2016, khi tung ra chiến dịch truy buộc Trịnh Xuân Thanh bằng vụ xe Lexus ở Hậu Giang cùng khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng thời Thanh còn là tổng giám đốc ở Công ty PVC, lỗ hổng lớn nhất của Tổng Trọng là đã "quên" không đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy và đường không. Hậu quả là không chỉ Trịnh Xuân Thanh biến mất chỉ vài tháng sau đó, mà vụ biến mất này chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ "biện pháp nghiệp vụ" để cho tới nay, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có một manh mối nào về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã bị truy tố vắng mặt tội "tham ô" ở Công ty PVC.

Nhưng với trường hợp Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ, trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".

Tài liệu bí mật gì ?

Vào tháng Tư năm 2017, trên mạng xã hội đã bất thần xuất hiện những tài liệu từ một nguồn ẩn danh cho thấy Phan Văn Anh Vũ chính là sĩ quan tình báo của Bộ Công an, hàm cấp tá, bí số AV75, còn Nova 79 nơi Phan Văn Anh Vũ là Chủ tịch hội đồng quản trị lại là "công ty bình phong" của Tổng cục Tình báo Bộ Công an.

Trong tay Phan Văn Anh Vũ rất có thể đã nắm được nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ "Mật", thậm chí "Tuyệt Mật" về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an.

Nhưng tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ "xămxônai" (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức "lại quả" cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường…

Thiền Lâm

Published in Việt Nam